Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Giải Kim Cương Kinh

21/05/201312:53(Xem: 9155)
Giải Kim Cương Kinh

TOÀN TẬP 
MINH CHÂU HƯƠNG HẢI 

Tiến sĩ Lê Mạnh Thát
Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam ấn hành 2000

--o0o--

PHẦN HAI

CÁC TÁC PHẨM

--o0o--

GIỚI THIỆU

GIẢI KIM CƯƠNG KINH LÝ NGHĨA

Trong tất cả các tác giả trong giai đoạn Nam Bắc phân tranh (1558-1802), Minh Châu Hương Hải có một vị thế hết sức quan trọng, không chỉ về mặt tư tưởng Phật giáo, mà trước hết là về mặt ngôn ngữ và văn học. Là một người sinh ra lớn lên và thành đạt ở miền Nam (1628-1682) nhưng Minh Châu Hương Hải đã sống những năm cuối đời mình ở miền Bắc tổ quốc (1682-1715) và viết ra một khối lượng đồ sộ trên 20 tác phẩm. Ngôn ngữ của Minh Châu Hương Hải do thế có thể nói là đại diện cho tiếng nói dân tộc thống nhất cả 2 miền, mà vào giai đoạn đó hình như không có tác giả nào có cơ hội. Không những thế, trong số bốn tác phẩm hiện tìm thấy, thì ba tác phẩm đều viết bằng tiếng Việt văn xuôi. Chúng cùng bản giải Khoá hư lục của Tuệ Tĩnh tạo nên giai đoạn đầu của lịch sử văn xuôi tiếng Việt. Giải Kim cương kinh lý nghĩa là một trong ba tác phẩm đó .

So với tâm kinh giải nghĩa và Giải A Di Đà kinh, Giải Kim cương kinh lý nghĩa có một độ dài đáng kể. Do thế, nó sẽ giúp ta nghiên cứu tiếng Việt như một ngôn ngữ trong giao tiếp hàng ngày vào thế kỷ XVII, và từ đó nghiên cứu sự biến thiên của tiếng Việt qua lịch sử về cả từ vựng lẫn cấu trúc ngữ pháp. Cho nên không chỉ về mặt văn học, mà cả về mặt ngữ học, Giải Kim cương kinh lý nghĩa có một vị trí quan yếu .

Nhằm cung cấp cho những nhà nghiên cứu cũng như bạn đọc công tác ở các lĩnh vực khác nhau một tác phẩm công cụ để dễ bề tham khảo, chúng tôi cho phiên âm và in lại toàn bộ Giải Kim cương kinh lý nghĩa kèm theo một bài giới thiệu về bản giải này .

Kinh Kim cương là một trong số các kinh điển Phật giáo được phổ biến và hâm mộ rộng rãi và còn được chú giải với tên Kim cương tam muội kinh. Nguyễn Du (1765-1821) thú nhận "Tôi đọc Kim cương ngàn lần lẻ". Và đặc biệt từ thời Lê Lợi trở đi, nó được quy định là một bản kinh bắt buộc trong các kỳ thi cho những ai muốn trở thành nhà sư. Kinh Kim cương, do đó qua lịch sử, tỏ ra có sức hấp dẫn lạ thường với dân tộc ta. Việc tìm hiểu, lý giải nó tất nhiên phải xảy ra. Thiền sư Minh Châu Hương Hải viết giải Giải Kim cương kinh lý nghĩa, cũng không có gì đáng ngạc nhiên.

I.TÌNH TRẠNG VĂN BẢN

Văn bản hiện còn là một bản in năm Tự Đức thứ 10 (1858) do nhà sư Sinh Khảo thực hiện khắc và lư bản gỗ lại tại "Chùa Phước Long, xã Đỗ Lâm, huyện Gia Lộc, phủ Ninh Giang"(nay là Hải Hưng). Theo Kim cương kinh quốc âm chú bạt dẫn do chính Sinh Khảo viết, thì Giải Kim cương kinh lý nghĩa trước đã được khắc bản, nhưng "bản gỗ đã bị mất hết" (cựu bản một dĩ). Song may mắn là bản in giấy đang còn. Bản in giấy này, mà những tờ tự và bạt của nó đã tán thất "không thể truy tìm được", nên Sinh Khảo không thể nói trước ai đã từng khắc bản Giải Kim cương kinh lý nghĩa và khắc bao nhiêu lần. Tuy nhiên ở trang 8a1-3 của bản khắc Sinh Khảo, ta thấy có ghi : "Huyền Cơ Thiện Giác pháp tự Minh Châu Hương Hải thiền sư thích giải. Sa môn tăng thống tự Châu Lý soạn thuật. Tăng Chính tên tự Như Nguyệt kính khắc san".

Thế đã rõ, bản khắc đầu tiên Giải Kim cương kinh lý nghĩa là do Tăng Chính Như Nguyệt thực hiện. Căn cứ vào bài kệ pháp phải của Minh Châu Hương Hải đã dẫn trước, tức Minh chân như chính hải thì thế hệ của Như Nguyệt ở vào hàng cháu ối với Minh Châu Hương Hải. Do thế ngày nay không rõ niên đại của Như Nguyệt, ta vẫn có thể chắc chắn Như Nguyệt phải sống vào nửa đầu thế kỷ thứ XVIII, khoảng cùng thế hệ với Như Trừng, Như Sơn v.v… điều này có nghĩa bản khắc đầu tiên của Giải Kim cương kinh lý nghĩa phải ra đời vào khoảng thời gian đó, tức vào khoảng những năm 1730-1750, khi Hương Hải thiền sư ngữ lục hoàn thành (1747). Lần khắc này dù bản in và tự bạt đã mất, chắc chắn đã phân chia Giải Kim cương kinh lý nghĩa thành hai quyển, vì tác giả Hương Hải thiền sư ngữ lục nói Giải Kim cương kinh lý nghĩa gồm hai quyển .

Bản in hiện còn ngày nay của Sinh Khảo không chia thành quyển số. Nó gồm cả thảy 71 tờ cỡ 30*18, đánh số liên tục, không kể tờ đầu, ghi "thủ mục" trên gáy, mặt trước có ba dòng. Dòng giữa khắc tên sách là Kim cương kinh giải lý mục, cỡ chữ lớn 3*3. Hai bên khắc mỗi bên một dòng cân đối. Bên phải là "Thế gian vô dữ đẳng", bên trái "Kim cương bất hoại thân", cỡ chữ cũng khoảng 3*3 nhưng nét ốm hơn, mặt sau có bốn dòng khắc cùng cỡ chữ, nét chân phương ghi bốn câu :

Hoàng đồ củng cố

Đế đạo hà xương

Phật nhật tăng huy

Pháp luân thường chuyển

Và không kể 10 tờ ở cuối, gồm một tờ 2 mặt, một mặt 3 dòng, mỗi dòng 20 chữ khắc bài Kim cương kinh quốc âm chú bạt dẫn của Sinh Khảo, ghi trên gáy "Bạt nhất". Chín tờ còn lại mỗi tờ 2 mặt, mỗi mặt 12 dòng, mỗi dòng 28 chữ, chép tên họ những người đã hỷ cúng ủng hộ việc in sách cùng tên làng, xã, huyện, phủ, tỉnh của họ. Khởi đầu với câu "Tân san Kim cương thích giải lý thập phương tùy hỷ công đức" ở mặt a1 của tờ thứ nhất, nó kết thúc ở mặt b9 của tờ 9 với lời "Phổ nguyện":

Nguyện thập phương đàn tín chư nhân

Tùy hỷ hộ kinh công đức lực

Tuy kim hữu thiểu nhân duyên

Nhiên hậu đa sinh phước quả

Sinh sinh bất thất trượng phu thân

Thế thế thường hành bồ tát đạo

Bất xả thệ nguyện

Lợi lạc hữu tình

Pháp thế quân triêm

A? dương lợi lạc

Vậy, 71 tờ đánh số liên tục là để khắc chính văn chữ Hán kinh Kim cương, bản dịch của Cưu Ma La Thập, cùng với lời giải thích tiếng quốc âm của Minh Châu Hương Hải. Mỗi tờ 2 mặt, mỗi mặt 8 dòng, nếu khắc cỡ chữ lớn của chính văn và 16 dòng nếu khắc cỡ chữ nhỏ của lời chú. Mỗi dòng, cỡ chữ lớn 17 chữ, cỡ chữ nhỏ 16 chữ. Dòng cỡ chữ nhỏ lạc khoản mất 1 ô. Chữ khắc chân phương dễ đọc rõ ràng. Đặc biệt dù được khắc dưới thời Tự Đức, bản in đã không có những k?uý. Những chữ "thời" "chủng", "hằng" v.v… đã không bị đổi hay để khuyết nét. Điều này chứng tỏ Sinh Khảo đã dùng một bản in của thế kỷ thứ XVIII làm bản đáy cho việc in lại Kim cương kinh giải thích lý của mình, nếu không dùng bản của Tăng Chính Như Nguyệt .

Phần chữ quốc âm xác nhận thêm kết luận vừa nêu. Tuy được khắc vào thế kỷ thứ XIX (1858) Kim cương kinh giải thích lý, dù có tiếp thu ít nhiều lối khắc chữ quốc âm của thế kỷ thứ XIX, cơ bản vẫn giữ lại lối khắc chữ quốc âm thế kỷ thứ XVIII khi tham khảo bản in năm Cảnh Thịnh thứ 5 (1747) Xuất gia sa di quốc âm thập giới của Lân Giác Như Trừng và bản in năm Cảnh Hưng thứ 6 (1754) Trần triều thiền tông bản hạnh của Chân Nguyên, đối chiếu với bản in năm Tự Đức nguyên niên (1848) Pháp Hoa kinh quốc âm của Pháp Liên, cùng với Giải Kim cương kinh lý nghĩa. Chẳng hạn, chữ "thấy" tuyệt đại bộ phận đều viết là…, chứ không phải viết theo kiểu thế kỷ thứ XIX….Chữ "xem", "người" v.v… đều viết …., chứ không viết theo tiêu chuẩn….Rõ ràng, phần chữ quốc âm, bản khắc chủ yếu sử dụng lối viết thế kỷ thứ XVIII, dẫu đôi khi có chịu ảnh hưởng của lối viết đương thời. Nói thẳng ra, có khả năng nó đã dùng bản in của Như Nguyệt .

Ngày nay, tuy chỉ có bản in duy nhất năm 1858 trong tay ta vẫn phát hiện ra một số chữ khắc sai trong phần lời "thích giải" của Minh Châu Hương Hải. Thí dụ ở tờ 11a7-b1 khi giải thích cụm từ"Vô thượng chính đẳng chính giác" bản in có :"Vô thượng là chân tính chẳng có vật chi trên, gọi là vô thượng. Chính giác là trên từ chư Phật, tới nhẫn xuẩn động hàm linh, vốn tính bình đẳng, gọi là chính đẳng. Chính giác là tự tính bản giác, thường chiếu liễu viên minh, chẳng có tà tri, tà kiến, gọi là chính giác vậy". Hiển nhiên, từ "chính giác" trong câu thứ hai của đoạn vừa dẫn là một sự khắc sai của từ "chính đẳng", dù ta không có bản nào khác để so sánh. Ngoài trường hợp khắc sai này, có khả năng bản in năm 1858 cũng có những chỗ khắc sót. Chẳng hạn ở tờ 67b5-6, khi giải thích câu "Vân hà vị nhân diễn thuyết?", bản in có đoạn :"Dầu được nhiều lời, khác nào thiên hoa loạn trị, chỗ lòng chẳng từng thêm. Dầu lại chẳng diễn thuyết, […] chỗ lòng chẳng từng bớt". Đoạn này hai câu, căn cứ vào lối văn có tính biền ngẫu của Minh Châu Hương Hải, chắc hẳn đã sót một cụm để đối lại với cụm "khác nào thiên hoa loạn trụy" của câu 1. Đây là trường hợp dễ thấy nhất. Còn có những trường hợp khác nữa, tuy khó phát hiện hơn, dù câu văn lủng củng, biểu thị một sai sót nào đấy đã xảy ra. Thêm vào đó, cũng cần vạch ra một chi tiết khác là bản khắc này, dẫu tuyệt đại bộ phận có nét và chữ khắc chính xác, đôi khi cũng có lầm lẫn. Ví dụ, giữa chữ kỳ và cùng hay cũng, do tự dạng gần giống nhau nên có khi chữ cùng đã bị khắc thành chữ kỳ. Cụ thể ở những tờ 17b4 với câu "Phật kỳ chúng sinh bản lai bình đẳng" đích thị chữ kỳ là một khắc lầm của chữ cùng và câu đó phải đọc :"Phật cùng chúng sinh bản lai bình đẳng". Trường hợp ở câu "Phật dạy Tu Bồ đế kỳ chư đại chúng" ở tờ 11b8-12a1 cũng vậy. Ta phải đọc là "Phật dạy Tu Bồ Đề cùng chư đại chúng". Câu "Ở trong lục đạo ký là chúng sinh" ở tờ 12b6, ta phải đọc "ở trong lục đạo cũng là chúng sinh". Vì cũng do tự dạng gần giống nhau, nên chữ "muôn" trong câu "Lục độ khẳm hết muôn hạnh" đã bị khắc lầm thành "muốn" ở tờ 8b5. Chữ "đôi" đã bị khắc thành chữ "suy" hay "thôi" trong câu"Phật dạy A Nan : Hết thảy kinh giáo đều đặt suy chữ như thị làm trước đầu kinh" ở tờ 9a5. Rõ ràng chữ "suy" là một khắc lầm của chữ "đôi". Chữ "pháp" trong "bố thí pháp" ở tờ 40b7 đã chắc chắn bị khắc thành chữ "khử". Còn chữ "kém" trong"Liễu ngộ thâm thiển nhiễu kém" ở tờ 22b2-3 đã bị khắc thành "khẳm". Tuy có đôi chữ sai sót vừa nêu, nhưng tình trạng văn bản của Giải Kim cương kinh lý nghĩa tương đối tốt, trọn vẹn. Bản khắc của Sinh Khảo phải nói là cẩn thận và rõ ràng. Về hành trạng của Sinh Khảo, ta hiện không có một ghi nhận nào khác, ngoài bài Bạt dẫn viết cho bản khắc này. Tối thiểu ta biết ông là một nhà sư, có khả năng ở chùa Phước Long, xã Đỗ Lâm, huyện Gia Lộc, phủ Ninh Giang (tức tỉnh Hải Hưng ngày nay) sống vào giữa thế kỷ XIX. Căn cứ vào pháp danh Sinh Khảo, ông chắc chắn thuộc dòng thiền của Minh Châu Hương Hải. Và do "Ý muốn phổ biến đến đời sau", nên đã đứng ra tổ chức việc khắc in Giải Kim cương kinh lý nghĩa. Sinh Khảo hẳn lớn tuổi khi tiến hành việc đó, bởi vì dựa vào bản danh sách những Phật tử hỷ cúng để khắc bản, ta thấy địa bàn quyên góp trải ra trên một diện rộng. Từ các huyện Vĩnh Lại, Đường Hào của tỉnh Hải Dương ở phía đông cho đến Thường Tín, Hoài Đức của tỉnh Hà Nội ở phía Tây, từ Nam định cho đến Lạng Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên đều có tên người hỷ cúng. Để có một sự quyên góp rộng rãi như thế, Sinh Khảo phải có một quá trình hoạt động Phật sự, ít lắm phải từ cỡ 40 tuổi trở lên. Cho nên niên đại của Khảo có khả năng rơi vào khoảng 1810-1870. Đối với tiền đồ Phật giáo và dân tộc, Sinh Khảo đã có một mối quan tâm, thể hiện qua việc khắc lại bản Kim cương kinh giải lý mục mà chúng ta hiện có trong tay hôm nay. Chúng ta thành kính ghi nhận và cảm ơn tấm lòng ấy của Sinh Khảo .

II.TÊN GỌI VÀ NIÊN ĐẠI

Bản khắc của Sinh Khảo ghi lại 4 tên khác nhau cho văn bản ta đang nghiên cứu ở đây. Ngoài bìa sách và ở tờ đầu, ta có tên Kim cương kinh giải lý mục. Nhưng từ tờ 1 cho tới tờ 71, trên gáy sách ta luôn luôn thấy khắc tên Kim cương giải thích Lý. Đến cuối sách, khi viết lời Bạt dẫn của mình, Sinh Khảo lại ghi tên Kim cương quốc âm chú. Và khi lên phương danh những người hỷ cúng khắc kinh, Sinh Khảo lại nói tới việc "Tân san Kim cương thích giải lý" vậy là, trong lần khắc 1858, bản giải thích kinh Kim cương của Minh Châu Hương Hải đã được biết qua 4 tên khác nhau. Đó là Kim cương kinh giải lý mục, Kim cương giải thích lý, Kim cương quốc âm chú và Kim cương thích giải lý.

Các tài liệu thế kỷ thứ XVIII, chủ yếu là Hương Hải thiền sư ngữ lục viết năm Cảnh Hưng thứ 8 (1747) mà 30 năm sau Lê Quý Đôn đã sử dụng để viết Minh Châu Hương Hải trong mục thiền dật của Kiến văn tiểu lục hoàn thành vào năm Đinh Dậu đời Cảnh Hưng (1777), lại cho ta một tên khác, đó là Giải Kim cương kinh lý nghĩa. Hương Hải thiền sư ngữ lục còn ghi Giải Kim cương kinh lý nghĩa này có hai quyển. Như vậy, tự nguyên thủy bản chú giải kinh Kim cương này có khả năng đã được Minh Châu Hương Hải phân chia làm hai quyển thượng và hạ. Thực tế, căn cứ vào bản in của Sinh Khảo còn lại đến ngày nay, ta thấy Kim cương kinh thích giải lý có số trang tương đối dày, tức 71 tờ, ngay cả khi lời giải thích của Minh Châu Hương Hải đã được khắc nhỏ lại với tỷ lệ một hàng chính văn, 2 hàng chú giải. Nếu chép bình thường ra có thể vượt khỏi 71 tờ, để lên tới 100 tờ hay hơn nữa. Một khi đã thế, việc chia quyển tất nhiên phải xảy ra, để giúp người đọc tập trung hơn. Cho nên, Giải Kim cương kinh lý nghĩa 2 quyển thế kỷ thứ XVIII chính là Kim cương kinh giải lý mục một quyển của thế kỷ XIX .

Như thế, qua quá trình lưu hành phổ biến hơn một thế kỷ tên nguyên thủy Giải Kim cương kinh lý nghĩa của Minh Châu Hương Hải ghi trong Hương Hải thiền sư ngữ lục đã biến thành Kim cương kinh giải lý mục, Kim cương kinh thích giải lý, Kim cương kinh quốc âm chú và Kim cương thích giải lý. Bốn tên mới này, về cơ bản, vẫn phản ánh nội dung tác phẩm của Minh Châu Hương Hải, đặc biệt danh xưng Kim cương kinh quốc âm chú. Tuy nhiên, để trả lại một phần diện mạo nguyên thủy tối thiểu là diện mạo thế kỷ thứ XVIII của Kim cương kinh quốc âm chú của Minh Châu Hương Hải, chúng tôi đề nghị gọi nó bằng tên Giải Kim cương kinh lý nghĩa, chứ không gọi bằng 4 tên khác mà bản khắc Sinh Khảo đã có, dù vẫn dùng bản Sinh Khảo để phiên âm và nghiên cứu. Về vấn đề niên đại biên soạn Giải Kim cương kinh lý nghĩa, Hương Hải thiền sư ngữ lục chỉ viết : Minh Châu Hương Hải ở am Chuẩn đề tại trấn Sơn Nam "Sớm tối tu trì không lúc nào trễ nãi, lại chú giải các kinh và dịch ra quốc âm gồm 30 thiên, lưu hành ở đời" 30 thiên nói ở đây gồm luôn cả Giải Kim cương kinh lý nghĩa. Vậy, việc viết bản giải này xảy ra trong giai đoạn Minh Châu Hương Hải ở am Chuẩn Đề. Cũng căn cứ theo Hương Hải thiền sư ngữ lục, thì năm Canh thìn (1700) ông bắt đầu khai sơn chùa Nguyệt Đường ở Kim Động, Hưng Yên. Do đó việc viết Giải Kim cương kinh lý nghĩa phải xảy ra trước năm 1700 .

Ta đã biết do quan hệ với Gia quận công, một tướng miền Bắc bị miền Nam bắt trong chiến dịch năm 1648, Minh Châu Hương Hải đã bị chúa Nguyễn Phúc Tần nghi ngờ, nên ông đã quyết định ra Bắc vào năm Nhâm tuất (1682). Sau 8 tháng ở tạm tại dinh trấn phủ Tây sơn, Minh Châu Hương Hải đã được chúa Trịnh Căn (1632-1709) cấp cho 3 mẫu đất ở trấn Sơn Nam để dựng am Chuẩn Đề làm nơi cư ngụ. Thế là ông đã ở tại am này 18 năm, tức từ 1683-1700. Như vậy, theo Hương Hải thiền sư ngữ lục, Giải Kim cương kinh lý nghĩa được viết trong khoảng thời gian ấy, nghĩa là trong khoảng 1683-1700 đó. Nguồn tin này đáng tin tới mức nào? Trả lời câu hỏi này ta chỉ có thể khẳng định là trước mắt hiện không có một dữ kiện nào phản bác lại nguồn tin ấy. Ngay cả khi phân tích chính nội dung Giải Kim cương kinh lý nghĩa, ta cũng không có một dâú hiệu gì cụ thể cho phép đề nghị một niên đại khác .

Chỉ có một sự kiện đáng chú ý, có thể điểm chí ít nhiều niên đại ra đời, là bản chú giải này khi tiến hành giải thích, đã trích dẫn rất ít các kinh điển và ý kiến của những người khác. Về kinh ta thấy dẫn tên ba kinh là Niết bàn (tờ 6a2), Viên giác (tờ 31a3) và Hoa nghiêm(tờ 34a5), về luận, chỉ nói đến Vô thượng luận (7a4). Còn về các tác phẩm và các tác giả khác, nó chỉ dẫn một lần Thủy lục nghi (tờ 1b7) và Vĩnh Minh. Vĩnh Minh đây là Vĩnh Minh Diên Thọ (904-975), tác giả Tôn Cảnh Lục và Vạn Sự Đồng Qui. Đây là một sự kiện đáng ngạc nhiên, bởi vì kinh Kim cương trong lịch sữ Phật giáo Trung quốc cũng như Việt Nam cho đến thời Minh Châu Hương Hải đã thu hút mối quan tâm của nhiều nhà chú giải, mà số lượng không dưới một trăm người .

Việc trích dẫn ít ỏi này đã chứng tỏ có một trong hai tình huống xảy ra :

Một là, Minh Châu Hương Hải giải thích kinh Kim cương cho những người mới học, nên đã giới hạn tối đa việc trích dẫn ý kiến bình luận của những nhà chú giải, nhằm mục đích không làm rồi khả năng tiếp thu của họ. Tình huống này khó xảy ra, bởi vì ở trang 8a1-2, ta thấy ghi "Huyền Cơ Thiện Giác pháp tự Minh Châu Hương Hải thiền sư thích giải. Sa môn tăng thống tự Chân Lý soạn thuật". Chân Lý là một trong những cao đệ của Minh Châu Hương Hải và sau đó đã làm Tăng thống, một tước hiệu mà Chân Nguyên (1647-1726) phải được 76 tuổi mới được vua Lê Dụ Tôn phong năm 1722. Có khả năng Chân Lý được phong Tăng thống trước năm 1722 này và sau năm 1714, khi Trịnh Cương (1709-1729) đến thăm chùa Nguyệt Đường của Minh Châu Hương Hải và chắc chắn Chân Lý phải đứng ra tiếp, vì lúc đó Minh Châu Hương Hải đã quá già, 87 tuổi. Cuộc đón tiếp hẳn đã có những tác động lên việc vua Lê Dụ Tôn phong Tăng thống cho Chân Lý. Chân Lý có một vị thế như vậy, cho nên khi ghi "Minh Châu Hương Hải thích giải, Sa môn Tăng thống tự Chân Lý soạn thuật" có nghĩa Giải Kim cương kinh lý nghĩa tự nguyên ủy không phải "thích giải" cho những người sơ cơ, mới bắt đầu học Phật. Ngược lại, nó đã được Minh Châu Hương Hải "thích giải" cho một số cao đệ của mình, cụ thể là Chân Lý. Và bản thân Chân Lý đã "soạn thuật", tức là ghi lại những gì thầy mình đã "thích giải" thành Giải Kim cương kinh lý nghĩa. Từ đó không có việc Minh Châu Hương Hải "thích giải" kinh Kim cương cho những người mới học được. Sự kiện Giải Kim cương kinh lý nghĩa ít trích dẫn các nguồn tài liệu về trước do thế phải tìm ở một tình huống khác .

Thứ hai, đó là Minh Châu Hương Hải đã "thích giải" kinh Kim cương trong giai đoạn của thời kỳ ông cư ngụ tại am Chuẩn Đề, tức khoảng từ năm 1683-1685. Đây là giai đoạn xây dựng cơ sở vật chất, tạo điều kiện để ổn định cuộc sống của thầy trò ông. Cho nên, tuy công tác dạy dỗ học tập vẫn tiếp tục tiến hành, việc sử dụng rộng rãi các tư liệu tất nhiên bị hạn chế. Kinh sách phải được mua sắm hay sao chép lại, phải có tàng kinh các để cất giữ . Những việc mà chúng ta không thể hy vọng có thể thực hiện trong giai đoạn đầu ở am Chuẩn Đề. Vì vậy công tác giảng dạy cũng có hạn chế. Thêm vào đó, do thời gian học tập của đồ đệ mình không nhiều, vì phải xây dựng cơ sở và sản xuất nuôi sống, yêu cầu học tập phải ngắn gọn, nhưng đủ chất lượng. Cho nên, Minh Châu Hương Hải phải cô đúc kiến thức quảng bác của mình thành những lời giải thích rõ ràng dễ hiểu về các câu văn của kinh Kim cương, mà không cần trích dẫn nhiều. Đây chính là lý do tại sao Giải Kim cương kinh lý nghĩa phải được Minh Châu Hương Hải "thích giải" trong những năm đầu của thời kỳ ông cư ngụ tại am Chuẩn Đề, tức trong khoảng 1683-1685 .

KIM CƯƠNG BÁT NHÃ BA LA MẬT KINH

Kim cương là bên Tây vực có báu kim cương luyện nên chí tinh vừa cứng vừa sắc, muôn vật chẳng hoại được, lại hay hoại được muôn vật. Phật lấy báu kim cương tỷ dụ cái lòng gọi là kim cương tâm. Dầu giáo hoá chúng sinh, dạy hết chư bồ tát, cũng lấy kim cương tâm làm nhân mà tu, mới được chứng nên Phật quả .

Phạn ngữ Bát nhã, Hoa ngôn gọi là trí tuệ, hay đoạn hết tham sân si, diệt rồi chư phiền não, tính thể hư dung, chiếu dụng tự tại, gọi là Bát nhã .

Phạn ngữ Ba la mật, Hoa ngôn là đáo bỉ ngạn. Muốn đến bỉ ngạn, phải nương Bát nhã vậy. Thử ngạn là chúng sinh tạo nghiệp, chưa khỏi sinh tử luân hồi, còn ở Ta bà cực khổ. Bỉ ngạn là chư Phật bồ tát đã siêu việt chơn như cảnh giới, thường trụ thanh tịnh cực lạc .

Ba la mật phân làm lục độ. Một là bố thí độ xan tham, hai là trì giới độ tà dâm, ba là nhẫn nhục độ sân nhuế, bốn là tinh tấn độ giải đãi, năm là thiền định độ tán loạn, sáu là trí tuệ độ ngu si. Nhân một Bát nhã hay sinh nên tám muôn bốn nghìn trí tuệ, gồm no lục độ khẳm hết muôn hạnh. Vì vậy chư Phật dùng trí tuệ lực mà đào hết non nhân ngã, dùng trí tuệ dao mà cắt hết lưới phiền não, dùng trí tuệ hỏa mà luyện nên Phật tính kim thân. Hễ trồng giống căn lành, trước thà thọ trì kinh, sau bèn hiểu biết nghĩa lý, hằng dùng kiên cố khẳm hết trí tuệ Bát nhã, độ chư chúng sinh đều sang khỏi khổ hải, đến bồ đề ngạn, gọi là đáo bỉ ngạn .

Kinh là kỉnh lộ. Một cuốn kinh này, lục đạo hàm linh hết thảy đều khẳm. Bởi vì vọng nhận căn trần, bỏ rảy tự tính linh quang, bèn nên vô minh bất giác. Phật vì chúng sinh diễn thuyết kinh này khác nào tháo nêm, mở lối, phá hết chư nghi, cho ra lòng chính tín, biết được tự tính kiên cố, muôn kiếp bất hoại, mới gọi là Kim cương kinh .

PHÁP HỘI NHÂN DO PHẦN ĐỆ NHẤT

Như thị ngã văn

Thích Ca đến ngày Niết bàn dưới cây Sa la song thọ, A Nan đến nơi bạch Phật rằng :"Ngày sau Phật nhập diệt, biên tập hết thảy kinh giáo, đặt chữ nào trước?" Phật dạy A Nan :"Hết thảy kinh giáo đều đặt đôi chữ Như Thị làm trước đầu kinh. Như là chơn như chi lý, Thị là chơn thật bất hư. Ngã văn là A Nan, Ca Diếp xưng pháp thân chơn ngã, tùng Phật thân văn, gọi là như thị ngã văn .

Nhất thời Phật tại Xá Vệ quốc kỳ thọ cấp cô độc viên

Nhất thời là chính kiến chi thời, trong mười hai giờ hằng nói Bát nhã, chưng khi hợp lẽ cảm ứng đạo giao. Thuở ấy Thích Ca văn Phật ở nước Ba Tư Nặc vương có Tu Đạt Noa trưởng giả mua vườn thái tử, lập làm điện vũ tinh xá, thỉnh Phật hằng trú thuyết pháp .

Phật là chính giác, trong thì hằng giác, hết chư vọng niệm, ngoài thời hằng giác, chẳng nhiễm trần duyên .

Xá vệ quốc là phong đức thành .

Kỳ là Kỳ Đà thái tử, là Pháp vương tử, Thọ là cây Kỳ Đà thái tử trồng, đạo thọ cao ấm, Cấp là trưởng giả cung cấp hằng đủ, Cô độc viên là thầy tu ở viện ấy, trên từ lục thân gọi là cô, dưới xả thê tử gọi là độc. Pháp thân chẳng nhuốm trần duyên quyến thuộc, vì vậy gọi là Cô độc viên .

Dự đại Tỳ kheo chúng, thiên nhị bách ngũ thập nhân câu

Đại tỳ kheo là đại A la hán. Phạn ngữ tỳ kheo, Hoa ngôn gọi là khất sỹ, trên thời khất pháp cùng chư Phật cho minh chơn tính, dưới thời khất thực cùng nhân gian làm giống phước điền. Khử ác tùng thiện là tiểu tỳ kheo. Thiện ác đều rồi là đại tỳ kheo. Hết thảy 1250 người hằng hộ vệ Phật .

Dĩ thời Thế Tôn thực thời, trước y trì bát

Dĩ thời là bấy giờ (bỉ thời) vậy. Phật làm tam giới đại sư, gọi là Thế Tôn. Thực thời là đương khi ngọ thời. Trước y là mặc tăng già y hai mươi lăm điều, là nhẫn nhục nhu hoà .

Nhập Xá Vệ đại thành khất thực

Chùa ở ngoại thành, gọi là nhập thành. Phật là Kim luân vương tử, mình cầm bảo bát xin ăn, vì muốn giáo hoá chúng sinh xả ly kiêu mạn, dạy hết tỳ kheo đời sau chớ tích lấy tài bảo vậy .

Ư kỳ thành trung, thử đệ khất dĩ

Phật vốn từ bi quảng đại, lòng bình đẳng chẳng luận sang khó, vì vậy chưng nơi trong thành, tới xin hết từng nhà .

Hoàn chí bản xứ, phạn thực ngật, thu y bát, tẩy túc dĩ .

Hoàn chí bản xứ là phản bản hoàn nguyên. Phạn thực ngật là pháp thân vốn chẳng có ý thực, tuỳ duyên phải ứng hoá vậy. Thu y bát là rồi hết lao lự. Tẩy túc dĩ là xả ly chư trần duyên, tịnh thân nghiệp vậy .

Phu toà nhi tọa

Phật muốn hiển chơn không diệu lý, bèn phải bày bố ra, ngồi thiền định, khiến hết đại chúng đều biết tam luân thể không vậy .

THIỆN HIỆN KHẢI THỈNH PHẦN ĐỆ NHỊ

Thời trưởng lão Tu Bồ Đề .

Phạn ngữ Tu Bồ Đề, Hoa ngôn gọi là Giải Không, lại gọi là Thiện Cát, Thiện Hiện, Không Sinh vậy. Lòng đã đốn ngộ bản tính không tịch, gọi là Giải Không. Liễu ngộ bản tính toàn không, gọi là Bồ Đề chân không. Hay sinh muôn pháp gọi Không Sinh. Tuỳ duyên ứng hiện, lợi vật, lợi nhân, gọi là Thiện Hiện. Vạn hạnh cát tường, gọi là Thiện Cát. Vả đã đức trọng tuổi cao, ở trong đại chúng, khi ấy một mình Tu Bồ Đề dậy, bèn hỏi vậy .

Tự đại chúng trung, tức tùng tọa khởi, thiên đản hữu kiên, hữu tất trước địa, hiệp chưởng cung kính, nhi bạch Phật ngôn :"Hy hữu Thế Tôn!"

Tu Bồ Đề giải không đệ nhất ở trong đại chúng, khi ấy một mình dậy hỏi trước. Thiên đản hữu kinh là bên Đông độ thỉnh quá tạ tội, Tây thiên hưng kính lễ nghi. Hữu tất trước địa là khử tà quy chánh, thanh tịnh tam nghiệp, điều phục thân tâm, bèn sửa sang lễ phép vậy. Hiệp chưởng cung kính là lòng hợp chưng đạo, đạo hợp chưng lòng. Hy hữu Thế tôn là Tu Bồ đề bạch Phật, bèn tán thán rằng "Trên đời thiếu có" vậy .

Như lai thiện hộ niệm chư bồ tát, thiện phú chúc chư bồ tát .

Như Lai là Phật hiệu vậy. Như là bản tính chơn như, Lai là tuỳ sở các hiện, Như là bất sinh, Lai là bất diệt, Như là chơn như bản thể, Lai là chơn như ứng dụng. Thiện hộ niệm là Đức Phật hay hộ chính niệm, khiến tín thọ cho chân thật vậy. Thiện phó chúc là phó thác nấy trao, khiến phụng hành chính pháp vậy .

Chư bồ tát là đã giác hết hữu tình, chúng sinh hữu tình mà chẳng giác, Phật thời hằng giác mà vô tình, bồ tát ở trong hữu tình, lòng hằng giác liễu, dụ là bồ tát .

Thế tôn, thiện nam tử nữ nhân phát a nậu đa la tam miệu tam bồ đề tâm .

Thế tôn là lời Tu Bồ Đề xưng tán. Thiện nam nữ là lòng đã chính định, gọi là thiện nam tử. Thiện nữ nhân là lòng đã chính tuệ, gọi là thiện nữ nhân. Phát A nậu đa la tam miệu tam bồ đề tâm, là phát quảng đại tâm, cầu vô thượng chính đẳng chính giác vậy. Vô thượng là chơn tính chẳng có vật chi trên, gọi là vô thượng. Chính đẳng là trên từ chư Phật tới nhẫn xuẩn động hàm linh, bản tính bình đẳng gọi là chính đẳng. Chính giác là tự tính bản giác thường chiếu liễu viên minh, chẳng có tà tri tà kiến, gọi là chính giác vậy .

Vân hà ưng trụ, vân hà hàng phục kỳ tâm?

Vân hà là rằng dường nào vậy. Ưng trụ là hợp trụ chưng chốn nào vậy. Hàng phục kỳ tâm là hàng phục chỗ vọng tâm vậy. Tu Bồ Đề hỏi Phật 2 sự. Một là hỏi chúng sinh phát lòng vô thượng bồ đề, muốn cầu Bát nhã, rằng làm sao bèn khá an trú chính lý. Hai là hỏi chúng sinh vọng tâm vô biên phiền não, hợp nương pháp nào cho hàng phục được chỗ chưng lòng ấy .

Phật ngôn : Thiện tai thiện tai, Tu Bồ Đề. Như nhữ sở thuyết, Như Lai thiện hộ niệm chư bồ tát, thiện phó chúc chư bồ tát. Nhữ kim đế thính đương vị nhữ thuyết .

Thiện tai, thiện tai là lời Phật tán thán Tu Bồ Đề hay biết ý Phật dạy hết mọi người chớ khởi vọng niệm, lòng hằng tinh tấn, chớ cho nhiễm chấp hết thảy pháp tướng vậy, rằng Như lai hay hộ trợ chính niệm hết thảy chư bồ tát, hay phú thác nấy trao hết thảy chư bồ tát. Đế thính là Phật dạy Tu Bồ Đề cùng chư đại chúng xem xét cứu cánh cho tường tận, liễu đạt danh tướng, chớ còn chấp trước danh trần. Hợp vì vậy, Phật mới nói cho .

Nhược thiện nam tử, thiện nữ nhân phát a nậu đa la tam niệm tam bồ đề tâm, ưng như thị trụ, như thị hàng phục kỳ tâm. Duy nhiên Thế tôn, nguyện lạc dục văn .

Ưng như thị trụ là hợp thường trụ, bất sinh bất diệt, an tâm tự tại. Hàng phục kỳ tâm là đã thấy bản tính, chẳng còn móng sinh vọng niệm. Dầu đã rồi vọng niệm, ắt bèn hàng phục chỗ chưng lòng ấy vậy. Duy nhiên, Thế tôn là Tu bồ Đề bạch Phật lĩnh ý vâng lời. Nguyện lạc dục văn là lòng muốn xin nghe Phật thuyết pháp vậy .

ĐẠI THỪA CHÍNH TÔN PHẦN ĐỆ TAM

Phật cáo Tu Bồ Đề : Chư bồ tát ma ha tát ưng như thị hàng phục kỳ tâm .

Ma ha tát là lòng độ lượng quảng đại khôn hay lường được, ắt thật những người đại trí vậy. Trước hỏi an trụ hàng phục hai sự, Phật bèn nói một sự hàng phục, kỳ được rồi an trụ vậy. Dầu muốn phát vô thượng bồ đề tâm, trước thà đốn trừ tập khí. Tập khí khôn trừ, bởi chấp danh ngôn. Nếu xả danh ngôn, bèn rồi tập khí. Chỗ rằng cuồng tâm dầu hết, thật nên vô thượng bồ đề. Vì vậy, Phật dạy hàng phục chỗ chưng lòng ấy .

Sở hữu nhất thiết chúng sinh chi loại

Hễ có sinh, vậy đều gọi là chúng sinh, trên từ chư thiên, dưới tới nhẫn xuẩn động hàm linh chưa khỏi hữu sinh, vì vậy gọi là nhất thiết chúng sinh. Dầu phàm, dầu thánh, còn chấp trước thiện ác, lòng còn thủ xả, chưa rỗi vọng tâm, ắt dấy phiền não vô biên vô lượng, sinh tử luân hồiở trong lục đạo, cũng là chúng sinh. Chúng sinh tuy nhiều, chẳng khỏi trong cửu loại vậy .

Nhược noãn sinh, nhược thai sinh, nhược thấp sinh, nhược hoá sinh, nhược hữu sắc, nhược vô sắc, nhược hữu tưởng, nhược vô tưởng, nhược phi hữu tưởng phi vô tưởng.

Noãn sinh là tham trước vô minh, khởi hoặc tạo nghiệp, mê bản tính vậy, thọ báo phải vào vô minh phong cố, lớn từ kim sí điểu tới nhẫn châý rận cùng là noãn sinh .

Thai sinh là xúc cảnh phiền não, tập tính lưu chuyển tuỳ vọng tâm vậy. Nghiệp báo phải làm thai sinh, lớn thời sư tượng, trung thời nhân thân, bé thời miêu thử, cùng là thai sinh .

Thấp sinh là ái dục khiên triền, vọng khởi trần lao, tuỳ tà tính vậy. Nghiệp báo phải làm ngư hà lân giáp, tới nhẫn thủy trung tế trùng, cùng là thấp sinh .

Hoá sinh là thiện ác hốt khởi, hỷ nộ phi thường, tùy tà kiến vậy. Nghiệp báo hoá lên thiên đàng, hoá xuống địa ngục, hoá lại nhân gian, tới nhẫn mễ mạch quả thật vi trùng biến hiện, cùng là hoá sinh .

Hữu sắc là khởi tâm tu, tâm vọng kiến thị phi, trong chẳng hợp chưng lẽ vô thường, tu lên sơ thiền tới nhẫn tứ thiền thiên, đã hết tình dục, chẳng còn hình nam hình nữ, hãy còn sắc thân, gọi là hữu sắc .

Vô sắc là tịnh trị nội tâm, thủ trực, chẳng hay cung kính cúng dường, bèn rằng tịnh tâm là Phật, chẳng tu phước tuệ, lên cõi tứ thiền thiên, đã không sắc thân, còn một linh thức, gọi là vô sắc .

Hữu tưởng là vị liễu trung đạo, mắt thấy tai nghe, lòng còn vọng tưởng ái chấp pháp tướng, miệng nói hạnh Phật, lòng chưa bình thường, tu lên hữu tưởng chư thiên, lòng còn tưởng niệm, gọi là hữu tưởng .

Vô tưởng là mê nhân tọa thiền, hằng trừ diệt vọng, chẳng học từ bi hỷ xả trí tuệ phương tiện, dường bằng mộc thạch, nào còn tác dụng, tu lên vô tưởng chư thiên, nhất niệm tịch nhiên bất động, gọi là vô tưởng .

Phi hữu tưởng phi vô tưởng là lên cõi vô tưởng thiên, nhất niệm tịch nhiên bất động, chẳng còn tưởng niệm, chẳng đồng mộc thạch, gọi là phi vô tưởng, đầu hết tam giới, chư thiên phước quả cực cao, thọ mạng trường viễn, chẳng khỏi tám muôn kiếp thiên địa, bèn rồi hết phước vậy .

Ngã giai linh nhập vô dư Niết bàn nhi diệt độ chi

Vô dư là đoạn trừ hết phiền não tập khí, chứng được chơn thường trạm tịch vậy. Niết bàn là siêu xuất luân hồi, chứng vô sinh lộ. Niết là chẳng còn có sinh. Bàn là chẳng còn có diệt. Đã nên viên giác bồ đề, hằng trụ thanh tịnh cảnh giới, lòng Phật bình đẳng, khiến hết thảy chúng sinh, trừ vọng tưởng tâm, tinh tu tịnh niệm, thoát khỏi sinh tử khổ hải, gọi diệt độ vậy .

Như thị diệt độ vô lượng vô số vô biên chúng sinh thật vô chúng sinh đắc diệt độ giả .

Hết thảy vô lượng vô biên chúng sinh đều bởi trong nghiệp duyên bèn hiện vì nhân ngu si tà kiến phiền não phân phi. Nguyên sơ hết thảy chúng sinh, bản lai thanh tịnh, chưa từng thiện ác nhân quả, chẳng có sinh tử niết bàn. Bản tính bình đẳng, thật chẳng có chúng sinh, mà được diệt độ vậy .

Hà dĩ cố? Tu Bồ Đề, nhược bồ tát hữu ngã tướng, nhân tướng, chúng sinh tướng, thọ giả tướng tức phi bồ tát .

Lòng còn năng sở khinh mạn chúng sinh, gọi là ngã tướng. Mình cậy trì giới, khinh người phá giới, gọi là nhân tướng. Yếm tam đồ khổ, muốn sinh chư thiên, gọi là chúng sinh tướng. Lòng muốn tuổi trường cần tu phước nghiệp, gọi là thọ giả tướng. Lại rằng tham sân si ái là tứ ác nghiệp cùng là tứ tướng. Tham ắt vì mình toan kể tư lệnh, thật là giả tướng. Sân ắt lòng bèn phân biệt kĩ ngã, thật còn nhân tướng. Sân ắt ngu ngoan ngạo mạn, chẳng tuân Phật pháp, thật còn chúng sinh tướng. A? ắt còn mong cầu phước quả, muốn được tuổi dài, thật còn thọ giả tướng .

Lại rằng ngã tướng là nương cậy danh vị, quyền thế tài bảo, nhiều nghề học rộng, muốn tiếp sang cao, khinh mạn những người ngu si bần tiện, gọi là ngã tướng. Nhân tướng là lòng còn năng sở, ý cậy biết hay, chưa thật được rằng đã thật được, chưa chứng nên gọi đã chứng nên, cậy mình trì giới, khinh người phá giới, goị là nhân tướng. Chúng sinh tướng là lòng chút thửa vọng cầu, lời nói ngay, nết ưa vị, miệng rằng sự lành, lòng móng sự dữ, gọi là chúng sinh tướng. Thọ giả tướng là khi giác liễu bằng dường đã biết thấy cảnh, bèn lai sinh tình chấp trước danh tướng, lòng còn ái phước trường niên, vọng cầu lợi lạc, gọi là thọ giả tướng. Còn tứ tướng chưa khỏi chúng sinh. Rồi tứ tướng ắt thật bồ tát vậy .

DIỆU HẠNH VÔ TRỤ PHẦN ĐỆ TỨ

Phục thứ Tu Bồ Đề

Phục thứ là lại bảo vậy. Phật cùng Tu Bồ Đề vấn đáp, kế theo lời trước, bèn gọi là phục thứ .

Bồ tát ư pháp ưng vô sở trụ, hành ư bố thí

Bồ tát liễu đạt nhân pháp đều không, chẳng còn chấp trước, hằng làm bố thí, đoạn trừ tứ tướng, rồi lòng phiền não vọng tưởng, chẳng còn thủ xả tăng ái. Phật bèn dạy pháp bố thí, trong thời rồi chưng lòng chấp trước, ngoài thời lợi ích hết thảy chúng sinh. Bồ tát hợp chẳng chỗ trụ mà bố thí, chẳng thấy có ngã tướng năng thí, chẳng thấy có tha nhân thọ thí, chẳng thấy có tài vật khả thí. Ba thể đều không, trụ vô sở trụ, chẳng ngại mình thiệt, chẳng trông báo ơn, chẳng cầu quả báo. Dầu chưng đời trước có người thọ trì kinh điển, chưa tham tài vật, tứ sự cúng dường dầu có sở nguyện, ắt là quả toại. Hễ người làm đạo, chẳng khá lấy ấm no làm đương sở. Chí vốn cầu vô thượng bồ đề xuất thế gian pháp. Dầu thấy sự chẳng như ý, chớ lâý làm hiềm. Một lòng nguyện độ chúng sinh, oán thân bình đẳng, tam luân thể không, mới phải bố thí vậy .

Sở vị bất trụ sắc bố thí, bất trụ thanh, hương vị, xúc, pháp bố thí .

Phàm phu lục căn chẳng tịnh, vì bởi nhãn thức chỗ hay chủng chủng chư sắc, nhĩ thức chỗ hay chủng chủng chư thanh, tỷ thức chỗ hay chủng chủng chư hương, thiệt thức chỗ hay chủng chủng chư vị, thân thức chỗ hay chủng chủng chư xúc, ý thức chỗ hay chủng chủng chư pháp. Lại rằng nhãn căn hằng thấy chủng chủng vô tận sắc, nhĩ căn hằng nghe chủng chủng vô tận thanh, tỷ thức hằng nghe chủng chủng vô tận hương, thiệt căn hằng nếm chủng chủng vô tận vị, thân căn hằng biết chủng chủng vô tận xúc, ý căn hằng tư tưởng phân biệt chủng chủng vô tận pháp .

Bồ tát học Phật, có lục chủng thông, nhãn căn vào cõi sắc trần, chẳng bị sắc trần huyễn hoặc. Nhĩ căn vào cõi thanh trần, chẳng bị thanh trần huyễn hoặc, tỷ căn vào cõi hương trần, chẳng bị hương trần huyễn hoặc, thiệt căn vào cõi vị trần, chẳng bị vị trần huyễn hoặc, thân căn vào cõi xúc trần, chẳng bị xúc trần huyễn hoặc, ý căn vào cõi pháp trần, chẳng bị pháp trần huyễn hoặc. Chỗ bèn liễu đạt sáu trần dường bằng mộng, huyễn, bào, ảnh, lộ điện, ắt là hết thảy không tướng, vốn thật nhất tâm, gọi là nhất tinh minh, phân làm lục hoà hợp. Lục căn hợp cùng lục trần, căn trần hợp sinh lục thức, nên thập bát giới. Dầu liễu ngộ được vốn chẳng có, hết thảy đều không, lục hoà hợp lại về nhất tinh minh. Nhất tinh minh là nhất tâm vậy .

Bồ tát liễu đạt nhất tâm, làu làu thanh tịnh, chẳng trụ lục trần, hằng làm bố thí vậy .

Tu Bồ Đề, bồ tát ưng như thị bố thí, bất trụ ư tướng .

Ưng như thị bố thí là bồ tát hợp vô tướng tâm, đã liễu ngộ tam luân thể không, chẳng còn chấp trước lục trần, mà bố thí. Dầu còn trước lục trần, ắt phước báo nhân thiên tiểu quả. Vì vậy Phật bảo Tu Bồ Đề rằng, Bồ tát hợp chân thật bố thí, chẳng chấp trước chủng chủng trần tướng vậy .

Hà dĩ cố? Nhược bồ tát bất trụ tướng bố thí, kỳ phước đức bất khả tư lượng .

Bồ tát chưng trong Phật pháp, hợp chẳng chấp trước mà bố thí. Chẳng những sắc tướng hết thảy chủng chủng phân biệt cũng gọi là tướng. Hết thảy chủng tướng đều bởi nhân duyên mà sinh, hợp hay hết thảy phân biệt ắt như mộng huyễn, gặp duyên ắt hiện. Duyên tán ắt vắng. Vì vậy lời Phật rằng :"Hễ là có tướng, ắt thật hư vọng". Hợp hay chư pháp dường bằng mộng huyễn ảnh hưởng, như nguyệt dưới nước, bằng tượng trong gương. Dầu bồ tát liễu đạt hết thảy chư pháp, chẳng chấp trước chư chủng chủng tướng, lòng bằng hư không, tự nhiên chẳng ngại. Bồ tát hợp như dường ấy bố thí, chẳng trước tướng, cầu chỗ phước đức, lượng đồng hư không, khôn tư nghì được vậy .

Tu Bồ Đề, ư ý vân hà? Đông phương hư không khả tư lượng phủ? Phất giả, Thế tôn, Tu Bồ Đề, nam tây bắc phương tứ duy thượng hạ hư không khả tư lượng phủ? Phất giả, Thế tôn. Tu Bồ Đề, bồ tát vô trụ tướng bố thí, phước đức diệu phục như thị, bất khả tư lượng. Tu Bồ Đề, bồ tát đản ưng như sở giáo trụ .

Phật giả Thế Tôn là lời Tu Bồ Đề bạch Phật rằng hư không chẳng há toán lường được vậy. Bất khả tư lượng là lòng bồ tát đã giác ngộ, chẳng còn năng sở, ắt chẳng có ngã, nhân, chúng sinh, thọ giả tứ tướng, há còn toán lượng sao được. Đản ưng như sở giáo trụ là lời Phật dạy bồ tát cùng chư học nhân, bố thí chẳng khá chấp trước. Bèn hợp vâng, như lời Phật chỗ dạy, ắt an tâm vậy. Bồ tát chịu giáo Như Lai, chẳng dám sai, biết hành vô sở trụ, làm thường trụ vậy. Phật lấy mười phương hư không rộng lớn, mà tỷ dụ, hỏi Tu Bồ Đề :"Khá toán đạc lượng được chăng?"Tu Bồ Đề bạch Phật rằng :"Toán lường chẳng được". Phật rằng :"Bồ tát chẳng trước tướng mà bố thí, phước đức ắt cũng như vậy".

NHƯ LÝ THẬT KIẾN PHẦN ĐỆ NGŨ

Tu Bồ Đề, ư ý vân hà? Khả dĩ thân tướng kiến Như Lai phủ?

Như Lai là chân pháp thân, vốn chẳng có sinh diệt, thường trụ thanh tịnh vậy. Vì lòng muốn độ chúng sinh, bèn phải hoá chất đâù thai, tuỳ phàm diễn giáo, hiểu 32 tướng tốt. Tuy đồng sắc thân, mà khác dạng thế gian. Sắc tướng tuy diệt, bản tính hằng còn. Dầu thấy chơn tính, ắt thấy Như Lai. Vì vậy Phật gọi Tu Bồ Đề rằng :"Chẳng khá lấy thân tướng được thấy Như Lai vậy".

Phất giả Thế Tôn. Bất khả dĩ thân tướng, đắc kiến Như Lai .

Bất khả dĩ thân tướng đắc kiến Như Lai là lời Tu Bồ Đề rằng sắc thân có tướng, pháp thân ắt chẳng có tướng. Sắc thân là địa, thủy, hoả, phong, mạn, hợp mà nên. Sắc thân có trường đoản hảo xú. Pháp thân chẳng có hình trạng, tướng mạo. Sắc thân ắt thật phàm phu. Pháp thân ắt thật Như Lai. Vì vậy, Tu Bồ Đề rằng :"Chẳng há lấy thân tướng được thấy Như Lai vậy".

Hà dĩ cố? Như Lai sở thuyết thân tướng, tức phi thân tướng .

Tu Bồ Đề bạch Phật rằng :"Cớ nào Như Lai chỗ nói thân tướng ắt chẳng phải thân tướng". Phật rằng:"Phàm phu lấy sắc thân làm thật, chấp trước, tu hành vậy bèn chẳng thấy Phật tính, cho nên sinh tử luân hồi. Như Lai pháp thân vốn chẳng có tướng. Chư Phật lấy pháp làm thân, thanh tịnh dường bằng hư không. Hễ người học đạo, muốn được biết lẽ nhiệm bèn chưng thửa lòng chớ chấp trước một vật, dường bằng hư không, ắt thật pháp thân. Pháp thân ắt thật hư không. Phật cùng chúng sinh, bản lai bình đẳng. Sinh tử Niết bàn, nguyên chẳng có hai. Dầu liễu đạt rồi hết danh tướng, ắt đồng chư Phật.

Phật cáo Tu Bồ Đề : Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng, nhược kiến chư tướng phi tướng, tức kiến Như Lai.

Như Lai tự tính chẳng thuộc khứ lai. Tứ đại sắc thân bởi vọng niệm mà sinh. Dầu chấp lấy thân tướng hư không, muốn thấy chưng tính Như Lai, dường bằng nhận lấy giặc làm con, sau chẳng phải thật chỗ bền. Phật bảo Tu Bồ Đề :"Hễ chỗ có tướng, đều ắt hư vọng". Hư là chẳng phải thật. Vọng là chẳng phải chân. Đã chẳng phải chân thật, tướng ắt không tướng.

Lại rằng chẳng những một Phật chẳng có tướng, hễ chỗ có tướng, ắt những hư vọng. Dầu hay hồi quang phản chiếu, thấy chư thân tướng chẳng có hình chẳng có tướng, mà khá được ắt thập thấy tự tính Như Lai. Lại rằng sắc thân hư vọng, ắt thật nhân không. Dầu thấy chư chủng tướng chẳng có tướng, ắt thật pháp không. Liễu ngộ nhân pháp đều không, ắt thấy tự tính Như Lai. Phật lo chúng sinh mắc đoạn kiến, phải tùy thuận thế gian tình, ứng dụng 32 tướng, 80 giống tốt, mà độ chúng sinh. Dầu có thân chưa phải giác. Thấy chẳng có tướng mới phải chân hình vậy. Bèn được thấy Như Lai.

CHÍNH TÍN HY HỮU PHẦN ĐỆ LỤC

Tu Bồ Đề bạch Phật ngôn :"Thế Tôn, phả hữu chúng sinh đắc văn như thị ngôn thuyết chương cú, sinh thật tín phủ?" Phật cáo Tu Bồ Đề :"Mạc tác thị thuyết, Như Lai diệt hậu, hậu ngũ bách tuế, hữu trì giới tu phước giả, ư thử chương cú, năng sinh tín tâm, dĩ thử vi thật".

Tín là đạo nguyên, mẹ chư công đức, trưởng dưỡng hết thảy mọi giống căn lành. Phật pháp dường bằng đại hải, dầu có chính tín mới ngộ nhập được. Khi trước Phật nói vô tướng bố thí, ắt thật mật nhân, được thấy chân tính Như Lai, ắt thật mật quả. Tu Bồ Đề nghi lòng chúng sinh chưng đời sau ngũ trược ác thế, dầu nghe lời chương cú trong kinh làm vậy, khôn hay ra lòng chính tín. Bèn phải hỏi Phật lại. Lo chướng ngại chưng lòng chúng sinh chính tín, bèn mới bảo Tu Bồ Đề chớ nói làm vậy.

Đương tri thị nhân, bất ư nhất Phật, nhị Phật tam tử ngũ Phật, nhi chủng thiện căn, dĩ ư vô lượng thiên vạn Phật, sở chủng chư thiện căn .

Nhiều giống căn lành là chỗ rằng chưng nơi chư Phật một lòng cung kính cúng dường, thuận tùng giáo pháp, chưng nơi bồ tát cùng thiện tri thức, sư tăng phụ mẫu cùng người tuổi cao đức trọng, những bậc tôn trưởng, lòng hằng cung kính cúng dường, vâng nghe lời dạy chẳng dám nghịch ý, gọi là những giống căn lành .

Thấy chưng hết thảy chúng sinh bần khổ, ra lòng từ bi lân mẫn, chẳng khá khinh khi rúng rẻ, dầu có cầu pháp, thà tua tùy căn thí tuệ, dầu gặp những loài đảng dữ, bèn phải làm hạnh nhu hoà, nhẫn nhục, mừng rỡ đưa rước, đều khiến cho lòng hoan hỷ, chớ cho nghịch ý, cũng là những giống căn lành .

Dầu hết thảy lục đạo chúng sinh, lòng từ chẳng nỡ khinh dễ, chẳng nỡ hủy nhục, chẳng hồi sát hại, dầu thấy ngư cầm điểu thú mắc phải lưới dò, lại hay mại mạn phóng sinh, hằng làm những sự nhiêu ích, cũng là những giống căn lành .

Hoặc là niệm Phật một tiếng, hoặc là lạy Phật một lạy, hoặc là phần một nén hương, hoặc lấy một vật cúng dường, cũng là những giống căn lành .

Bao nhiêu sự dữ chẳng làm, hết thảy sự lành vâng giữ, hoặc là lịch kiếp gặp thấy chư Phật, hoặc là nghe nhiều học rộng, tu hành nhiều kiếp, ắt thật nên giống căn lành vậy .

Văn thị chương cú, nải chí nhất niệm sinh tịnh tín giả, Tu Bồ Đề, Như Lai tất tri tất kiến, thị chư chúng sinh đắc như thị vô lượng phước đức .

Tín tâm là lòng tin pháp Bát nhã ba la mật, hay đoạn trừ hết thảy phiền não, hay thành tựu hết thảy xuất thế gian công đức, hay sinh nên hết thảy chư Phật. Tin tự kỷ ta hằng có Phật tính, bản lai thanh tịnh, chẳng có ô nhiễm cùng đồng chư Phật bình đẳng chẳng khác. Tin lục đạo chúng sinh bản lai vô tướng, hết thảy chúng sinh đều được nên Phật, mới phải tịnh tín vậy .

Phàm phu chưng trong chư pháp, thấy có thiện ác phàm thánh, chủng chủng phân biệt thủ xả, lòng còn vọng tưởng, chẳng hay sinh nên tịnh tín vậy. Bồ tát liễu đạt nhân pháp đều không, chẳng còn vọng niệm, lòng hằng thanh tịnh, tin nghe chỗ pháp, vậy bèn nhất niệm sinh nên tịnh tín vậy. Như lai ắt thấy ắt hay. Thật những người thửa được trí tuệ thắng diệu, công đức khôn hay lường được vậy .

Hà dĩ cố? Thị chư chúng sinh, vô phục ngã tướng, nhân tướng, chúng sinh tướng, thọ giả tướng, vô pháp tướng, diệc vô phi pháp tướng .

Lại chẳng còn tứ tướng là rằng chẳng có nương cậy danh vị, quyền thế, tài bảo, nghề nhiều, học rộng, tinh tấn, trì giới, chẳng hay khinh mạn những người bần tiện ngu si trễ nãi, chẳng cậy thửa lòng hay biết, chẳng có hữu ý vọng cầu, lòng làm cũng như miệng nói vậy, pháp tướng là chẳng có thủ xả hết thảy thiện ác phàm thánh, lòng đã thanh tịnh, muôn pháp đều không vậy. Vô phi pháp tướng là chẳng có lòng chấp năng tri, chẳng có lòng cậy sở đắc, nhân pháp đều không, trong minh thật tướng, ngoài ứng giả duyên vậy. Lại rằng vô pháp tướng là khiến cho minh pháp, chớ chấp hữu tâm vậy. Diệc vô phi pháp tướng là khiến cho minh pháp, chớ chấp vô tâm vậy .

Hà dĩ cố? Thị chư chúng sinh, nhược tâm thủ tướng, tức vi trước ngã nhân chúng sinh thọ giả, nhược thủ pháp tướng, tức trước ngã nhân chúng sinh thọ giả. Hà dĩ cố? Nhược thủ phi pháp tướng, tức trước ngã nhân chúng sinh thọ giả .

Nhược tâm thủ tướng là lòng còn chấp trước sắc tướng, bèn khởi vọng tâm, ắt còn mắc tứ tướng vậy. Nhược thủ pháp tướng là rằng tâm ngoài có pháp, khiến Phật cầu Phật, lấy lòng tìm lòng, còn chấp trước chủng chủng chư pháp, ắt chưa khỏi tứ tướng. Nhược thủ phi pháp tướng là rằng chẳng có thủ xả, thiện ác phàm thánh chủng chủng chư pháp, bèn chấp trước lấy phi pháp, tuy rằng hữu pháp, còn mắc vô pháp, chưa khỏi tứ tướng. Dầu có niệm chẳng có giác, ắt thật phàm phu cảnh giới. Dầu có niệm, có giác, ắt thật hiền nhân cảnh giới. Dầu vô niệm, thường giác, ắt thật thánh nhân cảnh giới. Dầu tạo ác nghiệp, dầu tạo thiện nghiệp, ắt còn trước tướng hoà hai. Tạo ác nghiệp luống chịu luân hồi, tạo thiện nghiệp luống chịu lao khổ, đều cùng chẳng minh nhận lấy bản tâm. Dầu ngoài muốn được an hoà, trong bèn thà phải ninh tịnh. Lòng không, cảnh ắt vắng. Niệm dấy, pháp bèn sinh. Nước đục bởi nhân sóng động, đầm thanh ắt thấy nguyệt sáng. Dầu khỏi tứ tướng nhân pháp đều không .

Thị cố, bất ưng thủ pháp, bất ưng thủ phi pháp .

Lời ấy khiến chớ chấp hữu vô, dầu lặng dầu nói, ắt cùng tẩy hết. Dầu còn pháp tướng, ắt có chấp hữu vô. Dầu còn phi pháp tướng, ắt có chấp không pháp. Có chấp ắt phiền não thêm thịnh. Chẳng có chấp ắt tín tâm thanh tịnh vậy .

Dĩ thị nghĩa cố, Như lai thường thuyết :"Nhữ đẳng tỳ kheo, tri ngã thuyết pháp, như phiệt dụ giả, pháp huống ưng xả, hà huống phi pháp".

Ví bằng người chư sang được sông, tua phải dùng thuyền bè, mới sang khỏi sông. Dẫu đã bến bờ, chẳng khá chấp lấy thuyền. Ví bằng người chưa liễu ngộ chân tính, chẳng khá không Phật pháp. Lời trong kinh rằng dầu người muốn biết Phật cảnh giới, chỗ lòng thanh tịnh như hư không, ngoài chẳng có một pháp khá được. Pháp còn hợp xả hà huống phi pháp .

VÔ ĐẮC VÔ THUYẾT PHẦN ĐỆ THẤT

Tu Bồ Đề, ư ý vân hà? Như lai đắc a nậu đa la tam miệu tam bồ đề da? Như lai hữ sở thuyết pháp da? Tu Bồ Đề ngôn :"Như ngã giải Phật sở thuyết, nghĩa vô hữu định pháp, danh a nậu đa la tam miệu tam bồ đề, diệc vô hữu định pháp Như lai khả thuyết"

Tu Bồ Đề hiểu lĩnh ý Phật, bèn rằng trong đệ nhất nghĩa chẳng có định thật chưng pháp khá được, ắt chẳng có định thật chưng pháp khả thuyết. Như lai liễu đạt chân không diệu nghĩa, chỉn chẳng có pháp khá được, ắt chẳng có pháp khả diễn thuyết. Phật bèn phải bày lời, mà hỏi vô thượng bồ đề là đệ nhất nghĩa thẳm sâu khôn biết. Hoặc trì giới nhẫn nhục mà được vậy, hoặc tinh tấn thiền định mà được vậy, hoặc tụ xa làm tháp, hoặc xưng Nam mô đều chỗ được vậy. Há khá định chấp lấy một pháp .

Như lai lòng thương chúng sinh chưa liễu ngộ, sao hay ngồi lặng vậy được yên, hoặc vì người chí cầu thắng pháp, mà diễn thuyết. Hoặc vì người cầu vô thượng tuệ mà diễn thuyết. Hoặc vì người cầu thanh văn đạo mà diễn thuyết. Hoặc vì người cầu Bích chi Phật mà diễn thuyết. Ứng đối thù cơ, tùy căn thuyết pháp, vì người học nhân có lợi có độn, tính trí thâm thiển. Vì vậy phải tùy cơ ứng hoá, quan bịnh thọ dược. Khi chưa liễu ngộ đường bằng chẳng chỗ được. Khi đã liễu ngộ đường bằng có chỗ được, Dầu được cùng chẳng được, ắt thật vọng kiến, bèn chớ chấp trước lấy rằng có chỗ định pháp mà thuyết vậy .

Hà dĩ cố? Như lai sở thuyết pháp, giai bất khả thủ, bất khả thuyết phi pháp, phi phi pháp .

Bất khả thủ là Tu Bồ Đề lo những người học đạo chẳng biết chưng lẽ Như lai vô tướng, bất khả thuyết là Tu Bồ Đề lệ những người học chấp trước lấy lời Phật trong chương cú vậy. Phi pháp là ắt chẳng phải có. Phi phi pháp là ắt chẳng phải không. Hựu vô đều chẳng có, ắt hợp chính lý vậy. Pháp này vì chúng sinh mà bèn lập, chẳng phải có chân thật pháp. Vì vậy, rằng phi pháp, khi chúng sinh còn mê, phải mượn lấy pháp mà khai thị cho chúng sinh hiểu biết. Lại chẳng khá rằng :"Nhưng chẳng có pháp vậy". Như lai nói một pháp vô thượng bồ đề sâu rộng khôn biết. Khá dùng lấy tính mà tu, chẳng khá chấp lấy sắc tướng vậy, khá dùng lâý lý tâm truyền, chẳng khá dùng lấy lời khẩu thuyết. Một là có vậy, tuy có, mà chưa từng có. Một là không vậy, tuy không, mà chưa từng không. Pháp vốn chẳng có, mựa rằng chẳng thấy. Rằng không ắt nên đoạn diệt, rằng có ắt là tà kiến. Rồi hữu , rồi vô mới phải chân không bất không vậy .

Sỡ dĩ giả hà? Nhất thiết thánh hiền, giai dĩ vô vi pháp, nhi hữu sai biệt .

Tiểu thừa, trung thừa, đại thừa, căn tính chẳng đồng, liễu ngộ thâm thiển. Vì vậy rằng có sai biệt, Phật nói vô vi pháp ắt thật vô trụ. Vô trụ ắt thật vô tướng, vô tướng ắt thật vô sinh, vô sinh ắt thật vô diệt. Lồng lộng vậy không vắng, chiếu dụng đều phân minh, giác quán chẳng ngại, bèn thật Phật tính chơn giải thoát đạo. Phật ắt thật giác, giác ắt thật quán chiếu, quán chiếu ắt thật trí tuệ, trí tuệ ắt thật Bát nhã. Hết thẩy thánh hiền đều lấy một vô vi pháp mà tu, bởi chưng căn tính chẳng đồng, liễu ngộ thâm thiển nhiều khẳm. Vì vậy gọi là phân biệt .

Y PHÁP XUẤT SINH PHẦN ĐỆ BÁT

Tu Bồ Đề , ư ý vân hà? Nhược nhân mãn tam thiên đại thiên thế giới thất bảo, dĩ dụng bố thí, thị nhân sở đắc phước đức, minh vi đa phủ?

Nói trong tiểu thế giới có một Tu di sơn, nhật nguyệt hằng vận hành, bên Nam diêm phù đề gọi là Nam thiện bộ châu, Đông phất bà đề, gọi là Đông thắng thần châu, Tây cù da ni, gọi là Tây ngưu hoá châu, Bắc uất đơn việt, gọi là Bắc cu lê châu. Bốn châu gọi là một tứ thiên hạ, Tu di ở giữa, cao đến vót trời. Nhật nguyệt hằng vận chuyển quanh eo núi Tu di. Một nhật nguyệt, một non Tu di, gọi là một tứ thiên hạ. Một tứ thiên hạ gọi là một tiểu thế giới. Một ngàn tiểu thế giới gọi là một tiểu thiên. Một ngàn tiểu thiên gọi là một trung thiên, một ngàn trung thiên gọi là một đại thiên. Ba ngàn đại thiên gọi là tam thiên đại thiên thế giới .

Thất bảo là kim, ngân, lưu ly, san hô, mã não, chân châu, pha lê. Phật hỏi Tu Bồ Đề :"Lấy thất bảo đầy ba ngàn đại thiên thế giới, mà bố thí, chỗ được phước đức há là nhiều chăng?" Bố thí thất bảo là phước thân ngoại, thọ trì kinh điển là phước thân nội. Thân phước là y thực, tính phước là trí trệ, những người tâm tính ngu mê, bởi vì kiếp trước bố thí cúng dường, chẳng khứng trì kinh thính pháp, những người thông minh trí tuệ, mà bần cùng, ăn mặc chẳng đủ, ắt kiếp trước trì kinh thính pháp, mà chẳng khứng bố thí cúng dường. Tiền tài là trân bảo ngoại thân, pháp bảo là trân bảo nội tâm. Dầu khứng nội ngoại song tu, mới toàn phước đức vậy .

Tu Bồ Đề ngôn :"Thậm đa Thế tôn". Hà dĩ cố? Thị phước đức tức phi phước đức tính. Thị cố, Như lai thuyết phước đức đa

Lấy thất bảo đầy ba ngàn đại thiên thế giới mà bố thí, được phước tuy nhiều, lòng còn trước tướng bố thí, hưởng được nhân thiên tiểu quả, chưa khỏi sinh tử luân hồi. Sao bằng biết được Bát nhã là phước đức tính. Nương lời Phật dạy, làm đồng hạnh Phật, chưng trước chứng nên vô thượng Bồ đề. Vì vậy, Phật rằng bố thí thất bảo được phước tuy nhiều, chưa phải phước đức tính vậy .

Nhược phục hữu nhân, ư thử kinh trung, thọ trì nải chí tứ cú kệ đẳng, vị tha nhân quyết, kỳ phước thắng bỉ .

Kinh này người người vốn khẳm, ai ai đều nên. Trên từ chư Phật, dưới tới nhẫn xuẩn động hàm linh, vốn có kinh này. Kinh này ắt thật diệu viên giác, tâm vật nào khá ví được. Dầu có người chưng trong kinh này, thọ trì tới dẫn tứ cú kệ thảng quyết vâng chịu, đòi khi giữ làm. Lại hay vì người diễn thuyết, khác nào một đèn thắp ra ngàn đèn, đăng đăng tương tục, phước đồng thái hư, muôn kiếp chẳng hoại. Lấy thất bảo trước tướng bố thí, phước được sinh thiên, khác nào tên bắn lên hư không, thế lực hết lại hoàn trụy địa .

Kinh Kim cương này là cốt tuỷ chư Đại tạng kinh, Tứ cú kệ lấy làm cốt tủy chưng kinh Kim cương. Dầu thọ trì kinh mà chẳng minh tứ cú kệ, khôn hay siêu thoát luân hồi, được nên thành Phật thành Tổ, Tứ cú kệ từ xưa nhẫn nay, luận nhiều chẳng phải một. Hoặc khi chỉ nội căn làm Tứ cú, hoặc khi chỉ ngoại trần làm tứ cú, hoặc lấy kệ trong kinh này làm tứ cú, hoặc rằng hữu vi, vô vi, phi hữu phi vô làm tứ cú. Hoặc rằng hữu đế vô đế , chân đế, tục đế làm tứ cú kệ .

Xưa Thiên Thân Bồ tát trên Đâu suất, hỏi Di Lặc rằng :"Làm sao là tứ cú kệ?" Di lặc rằng :"Vô ngã, vô nhân, vô chúng sinh, vô thọ giả tướng là tứ cú kệ". Lục tổ đại sư lại rằng :"Ma ha bát nhã ba la mật là tứ cú kệ".

Dầu chấp bấy nhiêu lời chuyển ngữ, khác nào kể lấy trân bảo tha nhân, mình bèn chẳng được bán văn. Dầu luận cho đích đáng phân minh, tứ cú kệ đương bất ly thân, chẳng phải cầu ngoài, thật ở lòng ta giác liễu. Vậy rằng bố thí thất bảo, tuy nhiều, dùng hết lại về sinh diệt. Tứ cú kinh văn, tuy ít, biết rồi nên giống bồ đề .

Hà dĩ cố? Tu Bồ Đề, nhất thiết chư Phật cập chư Phật a nậu đa la tam miệu tam bồ đề pháp, giai tùng thử kinh xuất .

Tam thế chư Phật đều nương Bát nhã, mà được vô thượng chính đẳng chính giác. Hết thảy diệu pháp đều ở kinh này mà ra. Kinh này dường bằng đại địa. Vật nào chẳng ở đất, mà chỗ sinh nên. Chư Phật đều trực chỉ nhất tâm, pháp nào chẳng bởi nơi lòng mà chỗ lập. A nậu đa la tam miệu tam bồ đề là chân tính vậy. Chư Phật đều cầu chư pháp chân tính. Hết thảy đại tạng chư kinh cũng ở kinh này mà đặng ra. Chẳng những trực chỉ văn tự ngôn ngữ, kinh ắt bèn trực chỉ thật Bát nhã là nhất tâm vậy. Nhất tâm dụng ra chư pháp tính thể, cũng một nơi nhất niệm tự kỷ hay sinh hết thảy chủng chủng pháp vậy. Vô tướng phước đức sinh ra ứng thân, vô tướng trí tuệ hiển ra pháp thân, đều bởi một tự kỷ tâm sinh nên vô thượng bồ đề pháp vậy .

Tu Bồ Đề, sở vị Phật pháp giả, tức phi Phật pháp .

Phật lo chúng sinh chấp trước Phật pháp, lại hỏi Tu Bồ Đề mà bảo rằng :"Pháp vô thượng chính đẳng chính giác là giả danh vậy, chẳng phải nguyên bản lai trong chân tính bèn có pháp ấy. Phật pháp là Như lai phương tiện lấy mà khai thị cho chúng sinh được ngộ nhập vậy. Như lai nói có Phật là khiến người người giác liễu, Như lai nói có pháp là khiến người người tỉnh ngộ .

Dầu chẳng giác liễu, chẳng tỉnh ngộ ghét rẫy, Phật ngoài pháp ngoài, chẳng phải Phật pháp vậy. Hết thảy chúng sinh ngu mê điên đảo, chẳng hay giác ngộ, chấp trước, tu hành chưa minh pháp tướng. Chư Phật bồ tát đều chẳng nhiễm trước, ắt chẳng xả ly, thấy bằng chẳng thấy, nghe bằng chẳng nghe, nương pháp mà tu hành, lòng không cảnh ắt vắng, tự nhiên thanh tịnh. Chỗ rằng Phật pháp ắt chẳng có Phật pháp vậy .

NHẤT TƯỚNG VÔ TƯỚNG PHẦN ĐỆ CỬU .

Tu bồ Đề, ư ý vân hà? Tu đà hoàn năng tác thị niệm:"Ngã đắc Tu đà hoàn quả phủ? Tu Bồ Đề ngôn :"Phất giả Thế tôn. Hà dĩ cố? Tu đà hoàn danh vị nhập lưu, nhi vô sở nhập, bất nhập sắc thanh hương vị xúc pháp, thị danh Tu đà hoàn".

Tu đà hoàn là dự lưu quả. Tu đàhàm là nhất lai quả, A na hàm là bất hoàn quả. A la hán là vô sinh quả. Bốn bậc Thanh văn cùng lấy Bát nhã Ba la mật đa pháp, mà tu hành, đều chẳng chấp trước tứ quả, vì lòng chẳng còn móng chỗ được vậy. Phật lo bốn bậc Thanh văn chưa biết lấy vô niệm làm tôn, phải bày bốn sự, mà hỏi rằng:"Bốn bậc ấy lòng còn móng chỗ được quả, được đạo chăng?"

Tu Bồ Đề bạch Phật rằng bốn bậc ấy đều chẳng móng vậy. Nhập lưu là đầu mới vào cửa, được dự vào chưng dòng thánh nhân vậy. Bậc tu đà hoàn đã chứng quả nhập lưu, vả lòng chẳng có móng chỗ được, chẳng còn bị lục trần cảnh, vì vậy gọi là vô sở nhập. Tu đà hoàn đã hay sắc thân là huyễn vọng, muốn vào chứng lẽ vô vi, đoạn trừ chỗ tướng nhân ngã chấp trước, dùng lòng chẳng chỗ cầu, hợp lẽ chẳng chỗ được. Chẳng chỗ cầu ắt lòng không, chẳng chỗ được ắt lẽ vắng. Bậc ấy tuy rồi thô trọng phiền não, song le chưa hết vi tế phiền não, gọi là sơ quả vậy .

Tu Bồ Đề, ư ý vân hà? Tư đà hàm năng tác thị niệm :"Ngã đắc Tư đà hàm quả phủ?" Tu Bồ Đề ngôn :"Phất giả Thế Tôn, hà dĩ cố? Tư đà hàm danh nhất vãng lai nhi thật vô vãng lai, thị danh Tư đà hàm"

Nhất vãng lai là bậc Tư đà hàm, nhân tu cửu phẩm tư hoặc, đã đoạn trừ hết sáu phẩm. Nhãn căn khi đối trần cảnh, lòng còn một lần móng sinh, một lần móng diệt. Tuy là trước móng niệm, sau ắt bèn giác. Vì vậy phải một lần lên thiên thượng, một lần xuống nhân gian, tịnh trừ vi tế hoặc, mới chứng A la hán. Thật vô vãng lai là sắc thân tuy có vãng lai, chân tính khắp hư không thế giới, há có vãng lai. Chưng khi chứng vô vi quả, chẳng còn thấy tướng vãng lai. Vì vậy gọi là thật chẳng có vãng lai.

Tu Bồ Đề, ư ý vân hà? A na hàm năng tác thị niệm:"Ngã đắc A na hàm quả phủ?" Tu Bồ Đề ngôn:"Phất giả Thế Tôn, hà dĩ cố? A na hàm danh vi bất lai, nhi thật vô bất lai, thị cố danh A na hàm"

Phạn ngữ A na hàm, Hoa ngôn gọi là bất lai, lòng dầu dứt rồi dục giới tư hoặc, chẳng còn lai sinh dục giới. Bậc tam quả A na hàm đã liễu nhân pháp đều không, tiệm tu tinh tấn bồ đề tâm, chẳng còn thối chuyển, gọi là bất lai. Vả lòng chẳng chỗ được, bèn thật chẳng có chưng tướng vãng lai. Lòng không chẳng có ngã tướng, còn ai gọi rằng bất lai, vì vậy thật chẳng có bất lai .

Tu Bồ Đề ư ý vân hà? A la hán năng tác thị niệm :"Ngã đắc A la hán đạo phủ?" Tu Bồ Đề ngôn :"Phất giả Thế Tôn ! Hà dĩ cố? Thật vô hữu pháp danh A la hán, Thế Tôn, nhược A la hán tác thị niệm:"ngã đắc A la hán đạo", tức vi trước ngã, nhân, chúng sinh, thọ giả .

A la hán là chứng vô sinh. Hết sinh diệt tướng, gọi là vô sinh. Dầu có móng niệm, ắt là khởi tướng nhân ngã. A la hán bèn có ba nghĩa. Một là sát hế? phiền não tặc. Hai là chẳng còn sinh lai, hậu báo. Ba là đáng chịu nhân thiên cúng dường. Tu Bồ Đề đương khi ấy hợp chứng tứ quả. A la hán chư lậu đã rồi, chẳng có phiền não mà khá đoạn, chẳng có tham sân mà khá trừ, lòng chẳng còn thuận nghịch, trí cảnh đều vắng, há có chưng lòng móng được chứng quả .

Thế Tôn, Phật thuyết ngã đắc vô tránh tam muội, nhân trung tối vi đệ nhất, thị đệ nhất ly dục A la hán, Thế Tôn, ngã bất tác thị niệm:"Ngã thị ly dục A la hán"

Vô tránh là lòng đã liễu được vô sinh pháp nhẫn, chẳng còn đấu tranh. Tam muội là chính định, chính thọ, chính kiến vậy. Chính định là rằng khi nhập định, tuy duy vận tưởng, lòng chẳng loạn động, gọi là chính định. Chính thọ là rằng chưng trong khi định, chỗ có mật tưởng chư cảnh giới đều chịu hết thảy, vậy mà chẳng có thị phi vọng tưởng, gọi là chính thọ. Chính kiến là rồi hết thảy chín mươi lăm giống tà kiến, gọi là chính kiến. Ly dục là đã khỏi chủng chủng chư dục, ắt chẳng có móng chút lòng ngại, dục rồi, hết vi tế tư tướng, chẳng sinh ái nhiễm, gọi là ly dục. Nhất niệm chẳng còn sinh diệt, gọi là đệ nhất ly dục A la hán .

Thế Tôn, ngã nhược tác thị niệm:"Ngã đắc A la hán đạo" Thế Tôn tắc bất thuyết Tu Bồ Đề thị lạc a lan na hạng giả, dĩ Tu Bồ Đề thật vô sở hạnh nhi danh Tu Bồ Đề thị lạc a lan na hạnh"

Tu Bồ Đề dầu có khởi niệm muốn được A la hán đạo, ắt Phật chẳng chứng cho là vô tránh hạnh. Tuy làm đã thật hành, mà lòng chẳng có chỗ móng được, bèn gọi Tu Bồ Đề thật muốn vô tránh hạnh. Tránh là phân biệt thắng phụ, lòng còn đấu tranh, ắt còn nhân ngã, chẳng có đấu tranh, ắt gọi Niết bàn. Phật tính bao hàm hư không thế giới bằng nơi hết thảy chư pháp. Dầu chưng trong phủ tạng có chút tiêm hào dừng đó, thật chưa ra khỏi lưới dục. Dầu có chỗ mong cầu, có chỗ móng được, lòng sinh vọng niệm, ắt thật còn giống dã can .

Dầu trong phủ tạng đều chẳng chỗ cầu, chẳng chỗ móng được, sự dữ chẳng còn sinh, nhân ngã chẳng còn dấy. Dầu hay đặng Tu di chưng trong hột cải, lòng chẳng dấy chút tơ mèn thamsân. Dầu hay hớp hết tứ đại hải thủy, lòng chẳng móng chịu tiêm hào hỷ nộ. Dầu lời ngôn ngữ bên tai, chưng hết thảy trần cảnh chẳng mê, chẳng loạn, chẳng giận, chẳng mừng, lòng gội giặt sưả sang, đều được thanh tịnh. Thật người vô sự đạo nhân, hơn hết thảy tri giải tinh tấn đầu đà thượng hạnh. Thật có thiên nhãn diêu quan, ắt là pháp giới chân tính. Thật là xe chở nhân quả, ắt Phật ra đời độ chúng sinh. Hết thảy làu bấy tam muội, lấy vô tránh tam muội làm hơn. Tu Bồ Đề đã liễu ngộ chân không vô tướng, chứng tịch diệt lạc, gọi là vô tránh hạnh tam muội .

TRANG NGHIÊM TỊNH ĐỘ PHẦN ĐỆ THẬP

Phật cáo Tu Bồ Đề:"Ư ý vân hà? Như lai tích tại Nhiên Đăng Phật sở, ư pháp hữu sở đắc phủ?""Phất giả Thế Tôn ! Như lai tại Nhiên Đăng Phật sở, ư pháp thật vô sở đắc"

Nhiên Đăng là Định Quang Phật, làm thầy thọ ký cho Thích Ca, Phật lo chư Bồ tát chỗ đắc tâm vị trừ, bèn bày mà hỏi Tu Bồ Đề rằng :"Ta thính pháp nơi Nhiên Đăng Phật, chưng pháp có chỗ được chăng?" Tu Bồ Đề hiểu được ý Phật, bèn thưa lại rằng:"Như Lai ở nơi Nhiên Đăng Phật, thật được tâm truyền, chưng pháp ắt chẳng chỗ được". Tu Bồ Đề đã hay pháp ắt bởi thầy khai, bèn dầu hơn liễu ngộ tự tính bản lai nguyên sơ thanh tịnh, vốn chẳng bá trần, tịch mà hằng chiếu, ắt bèn nên Phật, há có pháp gì mà sở thị vậy .

Lời Phật bày hỏi, vì lo phàm phu vô minh nhị thừa chấp trước. Rồi hay bệnh ấy, mới gọi là chân tu. Chân tu chẳng khá cần, chẳng khá trễ. Cần ắt sinh chấp trước, trễ ắt đọa vô minh, ấy lời răn chư nhân học đạo mới vào cửa pháp cho hay Như Lai tự tính thanh tịnh. Thích Ca ở nơi Nhiên Đăng thọ ký cho, chư pháp ắt chẳng chỗ được vậy .

Tu Bồ Đề, ư ý vân hà? Bồ tát trang nghiêm Phật độ phủ?"Phất giả Thế Tôn. hà dĩ cố? Trang Nghiêm Phật độ giả , tức phi trang nghiêm, thị danh trang nghiêm"

Phật độ là Phật diệu tính, chỗ rằng chân tâm chúng sinh vậy. Phật hỏi Tu Bồ Đề:"Bằng thật tâm thượng khá dùng tướng trang nghiêm chăng?" Tu Bồ Đề rằng:"Chẳng phải vậy, chân tính thể đồng hư không, chẳng có hình tướng, trang nghiêm ắt làm lục độ vạn hạnh, tu giới định tuệ, gọi là trang nghiêm. Ngoài chẳng nhiễm trần tục, trong chẳng móng nhân ngã, chẳng chấp trước đoạn diệt pháp, lòng hằng thanh tịnh gọi là tịnh độ". Hễ một đại thế giới hằng có một Phật thuyết hoá, gọi là Phật độ, có chư bồ tát ở trong Phật độ hằng làm chủng chủng thiện sự, gọi là trang nghiêm Phật độ. Như Di Đà Phật thuở làm bồ tát, tu chư chủng chủng thiện sự, làm vô lượng vô biên phước nghiệp, bèn hoá nên Phật độ, thế giới đều lấy hoàn kim làm địa, lấy thất bảo làm thọ, lâm, lâu đài, gọi là trang nghiêm vậy .

Dầu tạo tự, tả kinh, bố thí, cúng dường ấy thật trước tướng trang nghiêm. Dầu người lòng hằng thanh tịnh, chẳng còn cầu ngoài, nhậm vận tùy duyên, một pháp chẳng có chỗ được, khi đi đứng nằm ngồi, cùng hợp lẽ đạo, thật gọi là trang nghiêm tịnh độ. Chân tính ắt chẳng có sắc tướng, bèn giả danh trang nghiêm. Vì vậy rằng chẳng có trang nghiêm, mới gọi là trang nghiêm .

Thị cố, Tu Bồ Đề, chư bồ tát ma ha tát, ưng như thị sinh thanh tịnh tâm, bất ưng trụ sắc sinh tâm, bất ưng trụ thanh, hương, vị, xúc, pháp sinh tâm, ưng vô sở trụ, nhi sinh kỳ tâm .

Bồ tát là giác hữu tình. Ma ha tát là đại chúng sinh. Ưng như thị sinh thanh tịnh tâm là Phật bèn khuyên ra chân như tâm, chớ nhiễm chấp lục trần vậy. Lòng người phàm phu vô minh khởi diệt, vọng tưởng điên đảo, ý còn thủ xả thiện ác, phân biệt phàm thánh, gọi là trược loạn tâm. Bồ tát lòng hằng không tịch, rồi hết vọng niệm chẳng có sinh diệt, chẳng có động dao, ắt gọi là thanh tịnh tâm vậy. Ưng trụ sắc là Phật thấy chưng trong lục trần, bởi sắc làm đầu, tượng vì thấy sắc mà lòng người bèn não loạn. Trong lục căn nhãn thức làm tiên phong. Vậy bèn phải nói sắc trước .

Dầu người tâm cảnh thanh tịnh, ắt thật Phật quốc tịnh độ. Dầu người tâm cảnh trược loạn, ắt thật ma quốc uế độ. Phàm phu phải vật sở chuyển. Bồ tát ắt hay chuyển vật. Dầu hay chuyển được vật, cũng đồng Như Lai. Vì vậy rằng ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm .

Tu Bồ Đề thí hữu nhân, thân như Tu di sơn vương, ư ý vân hà? Thị thân vi đại phủ? Tu Bồ Đề ngôn :"Thậm đại Thế tôn ! Hà dĩ cố? Phật thuyết phi thân, thị danh đại thân"

Tu di sơn vương là non ở giữa tứ thiên hạ, cao rộng ba trăm ba mươi sáu muôn dặm, làm vương hết chư chúng sơn. Phật bèn tỷ dụ, dầu có người sắc thân lớn bằng non ấy, tuy rằng rất lớn, ắt cũng hư vọng. Chẳng có thân mới gọi là đại thân. Hễ có hình tướng chẳng phải chân thật. Dầu ba ngàn đại thiên thế giới cũng hư vọng vậy. Hà huống sắc thân?

Có một chân tính thanh tịnh vô tướng, chẳng từng nhiễm trước, chẳng có quái ngại, bao hàm hư không rộng lớn vô biên thế giới, nào thông luận sánh cùng non Tu di. Lòng Phật muốn bảo chúng sinh, người người giác liễu chân tâm, bèn lấy sự đại thân mà hỏi. Tu Bồ Đề thẩm biết ý Phật, thưa rằng:"Cực lớn, Phật lo chúng sinh chưa hiểu, bèn phải biện luận rằng chẳng có thân là pháp thân chân tâm vậy. Pháp thân khẳm hết giới định tuệ, cụ túc thanh tịnh pháp, gọi là đại thân"

VÔ VI PHƯỚC THẮNG PHẦN ĐỆ THẬP NHẤT

"Tu Bồ Đề, như Hằng Hà trung, sở hữu sa số, như thị sa đẳng Hằng hà, ư ý vân hà? Thị chư hằng hà sa, ninh vi đa phủ?"

Ở bên Tây độ có một sông lớn, gọi là Hằng hà, từ nguồn đầu chí hải khẩu, chỗ có cát nhiều, Phật lấy mà tỷ dụ, hỏi Tu Bồ Đề: "Một hột cát là một sông Hằng hà, hết thảy cát trong ấy lấy làm nhiều chăng?"

Tu Bồ Đề ngôn: "Thậm đa Thế Tôn, đản chư Hằng hà, thượng đa vô số, hà huống kỳ sa?"

Tu Bồ Đề bạch Phật rằng: "Như bằng một sông chỗ có cát nhiều, một hạt cát là một sông, còn kể chẳng xiết. Hà huống là cát hết thảy bấy nhiêu sông?"

"Tu Bồ Đề, ngã kim thật ngôn cáo nhữ. Nhược hữu thiện nam tử, thiện nữ nhân, dĩ thất bảo mãn dĩ sở hằng hà sa số tam thiên đại thiên thế giới, dĩ dụng bố thí, đắc phước đa phủ?" Tu Bồ Đề ngôn: "Thậm đa Thế Tôn." Phật cáo Tu Bồ Đề: "Nhược thiện nam tử, thiện nữ nhân, ư thử kinh trung, nải chí thọ trì tứ cú kệ đẳng, vị tha nhân thuyết, nhi thử phước đức thắng tiền phước đức".

Phật bèn trùng hiển vô vi phước thắng hơn hữu vi vậy. Như kinh Viên Giác rằng: "Có đại đà la ni môn gọi là Viên giác, lưu ra hết thảy chơn như bồ đề niết bàn." Chưng lẽ dường ấy nào khác tứ cú kệ này, kinh này Viên giác là diệu tính vậy. Viên Giác diệu tính lưu ra hết thảy chưng pháp chân như, chưng lẽ niết bàn, chưng đạo bất sinh bất diệt, cũng đồng diệu nghĩa, như phần đệ thứ tám.

Dầu hay biết làm vậy, thọ trì chẳng bỏ, tư lợi, lợi tha khắp hết hữu tình, đều thông chỗ đạo. Phước ấy ắt gọi là vô vi, hơn hữu vi phước lấy hằng hà sa trân bảo mà bố thí vậy. Bố thí thất bảo tuy nhiều, chẳng khỏi chưng của nhân gian có ngần, bèn được hưởng chưng phước nhân thiên có ngần. Sao bằng người thọ trì kinh, bèn được thấy tính, lại hay diễn thuyết dạy người thấy tính. Ví dầu báu trong nhà tối chẳng có đèn, khôn hay được thấy. Phật pháp chẳng có người khai thị, tuy có trí tuệ, khôn hay liễu ngộ. Thí tài hữu tận, thí pháp vô cùng. Tài thí chưa khỏi dục giới. Pháp thí siêu xuất tam giới. Vì bởi biết lòng trụ chẳng chỗ trụ, biết pháp được chẳng chỗ được. Hợp hay thọ trì kinh, liễu đạt tứ cú kệ, vì người diễn thuyết, công đức ấy hơn lấy thất bảo mãn hằng hà sa, mà bố thí vậy.

TÔN TRỌNG CHÍNH GIÁO PHẦN ĐỆ THẬP NHỊ

Phục thứ Tu Bồ Đề, tùy thuyết thị kinh, nải chí tứ cú kệ đẳng, đương tri thử xứ, nhất thiết thế gian nhân thiên, a tu la giai ưng cúng dường, như Phật tháp miếu.

Tùy thuyết là lòng chẳng phân biệt, lẽ ưng tùy cơ, gặp phàm đối cùng phàm, gặp thánh đối cùng thánh, hợp hay chốn ấy là rằng thửa nơi lòng này vậy. Dầu có người còn vì danh vặn lợi dưỡng, lòng chẳng thanh tịnh mà thuyết kinh này, chưa khỏi luân hồi nào có lợi ích. Lòng dầu thanh tịnh ắt hợp không vắng, chẳng khởi vọng niệm, lòng bèn chẳng móng chỗ được, chẳng cậy rằng hay, rằng biết, mà diễn thuyết kinh này, khiến người đều nghe ra lòng thanh tịnh, rồi hết vọng niệm, thật gọi là chân cúng dường. Huyễn thân ắt thật pháp thân, trong ấy ắt có toàn thân xá lợi. Lại rằng tùy chúng sinh mà nói kinh Kim cương này, dầu chép một kệ để nơi chốn nào, ắt thiên đạo, nhân đạo, cùng a tu la đạo đều lấy hoa hương, anh lạc, tràng phan, bảo cái, hương dầu tươi, đèn cung kính cúng dường bằng nơi bảo tháp có toàn thân xá lợi chẳng khác.

Hà huống hữu nhân tận năng thọ trì đọc tụng. Tu Bồ Đề, đương trí thị nhân, thành tựu tối thượng đệ nhất hy hữu chi pháp, nhược thị kinh điển sở tại chi xứ, tức vi hữu Phật, nhược tôn trọng đệ tử .

Lòng hằng thọ trì kinh Kim cương, lòng bèn biết được nghĩa kinh, lòng chứng được lẽ vô tướng, hễ ở chỗ nào, hằng tu hạnh Phật. Lại rằng thành tựu là đã kiến tính, chẳng chỗ nghi vậy. Phật cùng chúng sinh vốn chẳng sai biệt. dầu hay lòng hằng thanh tịnh chẳng sinh chẳng diệt, rồi hết vọng niệm, ấy là tối thượng đệ nhất hy hữu. Dầu khi đi đứng nằm ngồi trong mười hai giờ, lòng chẳng khởi diệt, làu làu thanh tịnh, hằng tu hạnh Phật, niệm niệm tinh tấn, chẳng khi gián đoạn. Dầu hay như vậy, chỗ chưng nơi lòng mình ắt Phật, thật gọi là Phật tử. Vì vậy ắt khá tôn trọng. Đệ tử là sự học ở sau thầy, bèn xưng là đệ, lý biết ở nơi thầy mà ra, vậy xưng là tử. Phật tán thán bồ tát là pháp vương tử, vì vậy rằng tôn trọng đệ tử .

NHƯ PHÁP THỌ TRÌ PHẦN ĐỆ THẬP TAM

Dĩ thời Tu Bồ Đề bạch Phật ngôn :"Thế Tôn, đương hà danh thử kinh, ngã đẳng vân hà phụng trì?"

Phật cáo Tu Bồ Đề :"Thị kinh danh vi Kim cương bát nhã ba la mật. Dĩ thị danh tự, nhữ đương phụng trì"

Tu Bồ Đề thỉnh Phật đặt tên kinh. Phật bảo Tu Bồ Đề rằng:"Kinh này gọi là Kim cương bát nhã ba la mật, một lòng vâng giữ thọ trì, lưu bố cho thiên hạ đời sau. Kim cương là giống bền cứng sắc, lấy mà tỉ dụ cái lòng dứt rồi phiền não vọng niệm, thẳng đến chưng ngàn chư Phật bồ tát. Bát nhã là trí tuệ, vì giáo hoá chúng sinh, phải dùng sức mạnh của trí tuệ mà chiếu phá hết chư pháp đều không, dường bằng Kim cương hay hoại được muôn vật. Ba la mật là đáo bỉ ngạn. Lòng dầu thanh tịnh, hết thảy vọng niệm chẳng còn sinh, hay độ hết chúng sinh sang khỏi khổ hải. Phụng trì là vâng giữ lòng mình, khi đi đứng ngồi nằm, chớ cho phân biệt nhân ngã thị phi vậy .

Sở dĩ giả hà? Tu Bồ Đề, Phật thuyết Bát nhã ba la mật, tức phi Bát nhã ba la mật, thị danh Bát nhã ba la mật .

Vậy chưng diệu minh bản tính làu làu, sạch sẽ dường bằng hư không, chẳng có hình thể, hà huống danh tự. Phật lệ mê nhân chấp đoạn diệt kiến. Vì vậy phải gượng lập danh, gọi là Kim cương Bát nhã ba la mật. Thật tướng bát nhã bèn kiên cố vậy. Quán chiếu bát nhã bèn lợi ích vậy. Thấu phiền não nguyên, thông niết bàn ngạn, đã được pháp thể nguyên không, bản lai chẳng có vọng niệm, rồi hết quái ngại, nào lọ trì giới nhẫn nhục, làu làu thanh tịnh, tự tại tiêu diêu. Vì vậy rằng chẳng có bát nhã ba la mật, mới gọi là Bát nhã ba la mật .

Ư ý vân hà? Như lai hữu sở thuyết pháp phủ? Tu Bồ Đề bạch Phật ngôn:"Thế Tôn Như lai vô sở thuyết".

Phật hỏi :"Có chỗ thuyết pháp chăng?" Tu Bồ Đề rằng :"Như lai chẳng có chỗ thuyết". Dầu rằng có thuyết, ắt là báng Phật. Chỗ bèn Thế Tôn đến khi đón niết bàn, Văn Thù thỉnh Phật chuyển pháp luân. Thế Tôn mắng rằng :"Ta trụ thế 49 năm, chưa từng nói một chữ. Dẫu thỉnh ta diễn thuyết, ta vốn hằng chuyển pháp luân vậy"

Một lòng nguyên tịnh, chư pháp đều không, nào có pháp mà khá thuyết. Những bậc nhị thừa chấp trước nhân ngã pháp, ắt bèn có chỗ thuyết. Bồ tát liễu đạt nhân pháp đều không, ắt chẳng có chỗ thuyết. Vì vậy trong kinh rằng :"Dầu ai nói Như Lai có chỗ thuyết pháp, ắt là báng Phật". Lòng ta tựa nguyệt mùa thu, đầm thanh làu làu hiển hiện chẳng có vật chi khá ví. Dầu hay liễu đạt sắc tính đều không, rồi hết hữu vô, dầu nói dầu lặng chẳng ngại, ắt thấy tự tính thanh tịnh. Tuy trọn ngày nói bằng dường chẳng có nói, tuy trọn ngày diễn thuyết bằng dường chẳng có diễn thuyết vậy .

"Tu Bồ Đề, ư ý vân hà? Tam thiên đại thiên thế giới sở hữu vi trần, thi vị đa phủ?" Tu Bồ Đề ngôn :"Thâm đa Thế Tôn"."Tu Bồ Đề chư vi trần Như lai thuyết phi vi trần, thị danh vi trần, Như lai thuyết thế giới, phi thế giới, thị danh thế giới"

Như kinh Hoa Nghiệm rằng 3000 đại thiên thế giới, bởi vì vô lượng nhân duyên, bèn nên hết thảy chúng sinh vậy. Há ngoài nơi thế giới bèn có khác, vì dầu ngộ ở nôi chốn ấy, dầu mê ắt cũng bởi nơi chốn ấy, lòng liễu ngộ rồi là thanh tịnh tâm. Bèn dùng lòng ấy ở nơi thế giới ấy, ắt nên thanh tịnh thế giới. Lòng còn mê vọng là trần cấu tâm. Dùng lấy lòng ấy ở nơi thế giới ấy, ắt nên vi trần thế giới vậy. Bởi thế giới cực nhiều, bèn kể khôn xiết vi trần nhiều .

Lại rằng vi trần là hết thảy lòng chúng sinh vậy, Phật bèn ứng hiện đa thân ở trong vi trần thế giới, diệu dụng vô biên thần lực, mở mang thanh tịnh vô cấu pháp, khiến hết thảy chúng sinh đều ra lòng thanh tịnh, chớ cho vi trần chỗ khá nhiễm được, vì vậy rằng phi vi trần. Dầu xuất thế gian pháp, chớ cho thế giới chỗ hay bao ràng được. Vì vậy rằng phi thế giới. Thế Tôn đáp Văn thù rằng:"Tại thế tính hằng ly thế. Cư trần lòng vốn viễn trần, ắt rằng thật là cứu cánh pháp".

Lại rằng vi trần là chúng sinh vọng niệm phiền não, khách trần che lấp tịnh tính, như người bệnh nhãn thấy hoa trong không, bằng người ngu si bắt nguyệt dưới nước, tìm hình trong gương. Bèn uổng dùng chỗ lòng chẳng định .

Lại rằng tụ vi trần nên thế giới, tán thế giới làm vi trần. Thế giới dụ làm nhân thiên quả, vi trần dụ làm hữu lậu nhân. Vi trần nhân, nhân ấy chẳng thật. Thế giới quả, quả nọ sao chân. Dầu hay nhân quả là huyễn vọng, ắt thật tiêu dao tự tại nhân .

Lại rằng chất niệm liễu ngộ, chuyển làm diệu dụng tiền niệm chẳng có chư vọng tưởng, làu làu thanh tịnh, ắt chẳng có vi trần. Hậu niệm chẳng trụ thanh tịnh, thật gọi là vi trần. Dầu chẳng có vọng niệm, ắt Phật thế giới. Dầu có vọng niệm, ắt chúng sinh thế giới. Tiền niệm thanh tịnh chẳng có thế giới. Hậu niệm chẳng trụ thanh tịnh, thật gọi là thế giới .

Lại rằng khi tán ắt gọi là vi trần, khi tụ ắt gọi là thế giới. Tính vốn nguyên không, ắt chẳng có vi trần thế giới. Giả danh ắt gọi là vi trần thế giới vậy .

"Tu bồ đề, ư ý vân hà? Khả dĩ tam thập nhị tướng kiến Như lai phủ?""Phất giả Thế Tôn. Bất khả dĩ tam thập nhị tướng đắc kiến Như lai. Hà dĩ cố? Như lai thuyết tam thập nhị tướng, tức thị phi tướng, thị danh tam thập nhị tướng"

Nhân bởi tu hành ba mươi hai hạnh tốt, vì vậy quả hiện ba mươi hai tướng tốt. Ví bằng chân thật Như lai diệu tướng vốn tính trạm nhiên không tịch, chẳng có một tướng khá được, hà huống ba mươi hai tướng. Phật niết bàn thời sắc thân biến hoại. Vì vậy gọi rằng chẳng khá lấy ba mươi hai tướng được thấy Như lai. Chân Phật vốn chẳng có hình, chân đạo vốn chẳng có thể, chân pháp vốn chẳng có tướng. Phật vì chúng sinh thị hiện, ắt thật không tướng, mới gọi là tam thập nhị tướng .

"Tu Bồ Đề, nhược hữu thiện nam tử, thiện nữ nhân, dĩ hằng hà sa đẳng thân mạng bố thí"

Ví bằng có người xả thân mạng bố thí hằng sa kiếp số, còn chấp tướng cầu ngoài, chưa khỏi nhân thiên tiểu quả, nghiệp chuyển càng sâu. Đã ôm chưng bồ đề lộ, lại chướng rẫy niết bàn tâm. Vì vậy, thí tài, thí mạng chẳng bằng thí pháp .

"Nhược phục hữu nhân, ư thử kinh trung, nải chí thọ trì tứ cú kệ đẳng, vị than nhân thuyết, kỳ phước thậm đa"

Bố thí tuy hưởng phước nhiều, chưa minh bản tính, khác nào sinh vào con nhà hào quý, càng thêm kiêu sa phóng dật tạo nghiệp, lâu chịu nhiều nghiệp nhiều. sao bằng thọ trì tứ cú kệ, vì người diễn thuyết, tự lợi, lợi nhân. Thí tài thí mạng sao bằng thí pháp. Vì vậy gọi rằng chỗ phước cực nhiều .

LY TƯỚNG TỊCH DIỆT PHẦN ĐỆ THẬP TỨ

Dĩ thời Tu Bồ Đề văn thuyết thị kinh, thâm giải nghĩa thú, thế lệ bi khấp, nhi bạch Phật ngôn:"Hy hữu Thế Tôn, Phật thuyết như thị thậm thâm kinh điển, ngã tùng tích lai, sở đắc tuệ nhãn, vị tằng đắc văn như thị chi kinh"

Khi ấy, Tu Bồ Đề liễu ngộ chân không vô tướng diệu nghĩa, trong lòng mừng cực là, thương chảy nước mắt, khóc than mình gặp muộn, chẳng được giác liễu cho sớm. Tuy theo đòi Phật, chỗ được tuệ nhãn, song le chưa từng được nghe kinh Kim cương này .

Thế Tôn nhược phục hữu nhân, đắc văn thị kinh, tín tâm thanh tịnh, tức sinh thật tướng, đương tri thị nhân, thành tựu đệ nhất hy hữu công đức .

Tín tâm thanh tịnh là tin bản lai tâm chẳng có một pháp khá được, lòng hằng làu làu thanh tịnh, chưa từng dấy ra vọng niệm. Dầu liễu ngộ tự tính thanh tịnh, ắt ra thật tướng. Hết thảy thật tướng là tự tính thanh tịnh vậy. Tính hằng thanh tịnh, bèn chứng nên pháp thân công đức. Ở nơi pháp thân, chẳng phải duyên phước cầu ngoài, vì vậy gọi rằng hy hữu công đức .

Thế tôn, thị thật tướng giả, tức thị phi tướng, thị cố Như lai thuyết danh thật tướng .

Thật tướng là chẳng có tướng dường bằng hư không, chẳng có hình tượng ví bằng lông rùa sừng thỏ, khác nào sừng thỏ không hình. Bèn nói giả danh thật tướng, vốn chẳng khá được. Vì vậy Như lai thuyết danh thật tướng .

Thế tôn, ngã kim đắc văn như thị kinh điển, tín giải thọ trì, bất túc vi nam .

Tín giải là tin chỗ nghĩa bèn hiểu biết vậy. Thọ trì là vâng chịu diệu nghĩa, bèn cầm giữ vậy. Lòng chẳng hồ nghi mới phải là tin. Thông hiểu ý nghĩa, mới gọi là giải. Kính vâng chẳng quên, mới gọi là thọ. Hằng phục chẳng yếm no, mới gọi là trì. Nương theo pháp ấy mà tu, dầu lòng tung hoành tự tại, chẳng dễ, chẳng khó, mới gọi là bất túc vi nan .

Nhược đương lai thế, hậu ngũ bách tuế, kỳ hữu chúng sinh, đắc văn thị kinh, tín giải thọ trì, thị nhân tức vi đệ nhất hy hữu .

Từ Phật nhập diệt năm trăm năm khỏi chính pháp, chưng sau đương lai hậu thế, dầu có người được nghe kinh này, tin biết thọ trì, lòng hằng không tịch, làu làu thanh tịnh, chẳng còn chấp tướng, hằng trụ vô sở trụ tâm, liễu được vô sở đắc pháp mới gọi là đệ nhất hy hữu .

Hà dĩ cố? Thử nhân vô ngã tướng, vô nhân tướng, vô chúng sinh tướng, vô thọ giả tướng. Sở dĩ giả hà? Ngã tướng tức thị phi tướng, nhân tướng, chúng sinh tướng, thọ giả tướng tức thị phi tướng. Hà dĩ cố? Ly nhất thiết chư tướng, tức danh chư Phật .

Trước nói tức thị phi tướng, ắt thật diệt sắc, cho minh không. Sau lại nói tức thị phi tướng, cho hiểu biết bản lai, chẳng có tứ tướng gọi là thật tướng. Chẳng chấp lưỡng biên. Chẳng trung trụ đạo. Làu làu thanh tịnh, liễu đạt nhị không. Tam thế Như lai cùng chứng một lý, mới gọi là tức danh chư Phật .

Phật cáo Tu Bồ Đề :"Như thị, như thị"

Phật chứng đôi lần như thị, vì Tu Bồ Đề đã giải không nghĩa, hội được pháp ý Như lai. Phật bảo khỏi hết tướng hợp lấy làm vô thượng giác. Ngoài giác rồi hết thảy hữu tướng. Trong giác, rồi hết thảy không tướng. Chưng nơi tướng, khỏi tướng, chưng nơi không khỏi không. Sắc không đều rồi, vậy rằng như thị, như thị .

Nhược phục hữu nhân, đắc văn thị kinh, bất kinh bất bố bất uý, đương tri thị nhân, thâm vi hy hữu .

Dầu có người được nghe Đại thừa bát nhã thông hiểu, một phen tới nghe kinh, mình chẳng còn sợ, gọi là bất kinh. Biết được đại thừa toan đương bát nhã, thông hiểu chính tín, chẳng còn nghi, vậy gọi là bất bố. Biết được đại thừa, sửa sang bát nhã, thuận giáo tu hành, chưng sau chẳng còn nghi báng, vậy gọi là bất uý. Lòng dầu làu làu thanh tịnh như thể hư không, muôn kiếp chẳng còn thối chuyển, mới gọi rằng hy hữu vậy.

Hà dĩ cố? Tu Bồ Đề, Như lai thuyết đệ nhất ba la mật, tức phi đệ nhất ba la mật, thị danh đệ nhất ba la mật .

Ba la mật có 10 giống. Thứ nhất là bố thí, thứ nhì là trì giới, thứ ba là nhẫn nhục, thứ bốn là tinh tấn, thứ năm là thiền định, thứ sáu là trí tuệ, thứ bảy là từ, thứ tám là bi, thứ chín là phương tiện, thứ mười là bất thối .

Bố thí thông tiếp vạn hạnh. Thí tài, thí pháp nên giống căn lành. Lệ còn năng sở danh tướng, trước phải khử giả danh, kẻo còn trụ tướng bố thí. Đáo bỉ ngạn thật tướng nguyên chẳng có hay, vậy gọi làm đệ nhất ba la mật. Dầu liễu ngộ nhân pháp đều không, chẳng có chúng sinh mà khá độ, chẳng có bỉ ngạn mà khá đến, bèn phải mượn giả danh dẫn dạy chúng sinh, được vào chưng cửa kiến tính. Vì vậy gọi rằng tức phi đệ nhất, thị danh đệ nhất ba la mật .

Tu Bồ Đề, nhẫn nhục ba la mật, Như lai thuyết phi nhẫn nhục ba la mật, thị danh nhẫn nhục ba la mật .

Thích Ca cũng đồng chư Phật, tự xưng Như lai. Rằng nhẫn nhục là độ sân nhuế, kẻo hôn loạn chân tính. Nguyên trong chân tính làu làu thanh tịnh, há có nhẫn nhục. Hà huống là sân nhuế? Ví dầu lòng còn có năng nhẫn, sở nhẫn, ắt chẳng khỏi tứ tướng. Liễu ngộ nhân pháp đều không, nhẫn như thố giác, nhẫn như quy mao. Vậy mới gọi là nhẫn nhục Ba la mật .

Hà dĩ cố? Tu Bồ Đề như ngã tích vi Ca L?ương, cái tiệt thân thể. Ngã ư dĩ thời, vô ngã tướng, vô nhân tướng, vô chúng sinh tướng, vô thọ giả tướng. Hà dĩ cố? Ngã ư vãng tích, tiết tiết chi giải thời, nhược hữu ngã tướng, nhân tướng, chúng sinh tuớng, thọ giả tướng, ưng sinh sân hận. Tu Bồ Đề, hựu niệm quá khứ, ư ngũ bách thế, tác nhẫn nhục tiên nhân, ư dĩ sở thế, vô ngã tướng, vô nhân tướng, vô chúng sinh tướng, vô thọ giả tướng .

Thích Ca cùng Ca L?ương là sự túc nhân tiền kiếp. Phạn ngữ Ca L?ương, Hoa ngôn là Cực Ác quân vậy. Trước nói hữu vi quyền giáo, sau hiển vô vi thật lý. Ca là pháp tuệ dị danh, L?à kiên cứng lợi sắc, Vương là tâm vương vậy. Phải dùng dao tuệ cắt đoạn vô minh phiền não chưng nơi thân thể vậy. Dầu người đã kiến tính, nghe lời hủy báng, bằng uống cam lồ. Lòng càng thanh lương như dao cắt nước, bằng gió thổi sáng. Phiền não chẳng sinh, há còn giận dữ. Khi ấy oán thân bình đẳng, mới gọi rằng không tứ tướng .

Thị cố, Tu Bồ Đề, bồ tát ưng ly nhất thiết tướng, phát A nậu đa la tam miệu tam bồ đề tâm .

Bồ tát vâng chịu Như lai vô tướng giáo pháp, muốn nên thành tựu, phải phát vô thượng đạo, tâm khỏi hết danh tướng, lòng hằng không tịch, làu làu thanh tịnh, mới gọi là thành đẳng chính giác .

Bất ưng trụ sắc sinh tâm, bất ư trụ thanh hương vị xúc pháp sinh tâm, ưng sinh vô sở trụ tâm. Nhược tâm hữu trụ, tức vi phi trụ .

Chẳng hợp trụ sắc sinh tâm là chẳng khá nhiễm sắc trần tài bảo mọi vật tốt xấu, bèn sinh lòng tăng ái. Chẳng hợp vị thanh hương trụ xúc pháp sinh tâm là chẳng khá nhiễm chấp tiếng thanh trần, chê khen ca vịnh mọi loại nhạc khí, chẳng khá nhiễm chấp hương trần danh hoa mọi giống tịnh uế, chẳng khá nhiễm chấp vị trần ăn uống mọi mùi dị vị, chẳng khá nhiễm chấp xúc trần, hợp cùng chẳng hợp, khinh trọng thô tế, chẳng khá nhiễm chấp pháp trần chủng chủng thí dụ. Dầu tới chốn nào, tuỳ xứ giải thoát, lòng hằng tịch nhiên bất động. Vậy rằng hữu trụ tức vi phi trụ .

Thị cố Phật thuyết bồ tát tâm bất ưng trụ sắc bố thí .

Bố thí có ba đẳng. Một là nội ngoại thân tâm hết thảy đều xả, dường bằng hư không, chỗ làm phước đức chẳng còn tham chấp, tùy phương ứng vật, năng sở đều rồi, gọi là đại xả. Hai là làm đạo bố đức, tùy phận cúng dường lòng chẳng mong cầu, gọi là trung xả. Ba là nghe pháp hay không. lòng chẳng chỗ chấp, làm những sự lành, có chỗ mong cầu, gọi là tiểu xả. Đaị xả dường bằng đuốc soi trước mặt, nào còn mê ngộ. Trung xả dường bằng đuốc soi một bên, hoặc cókhi minh khi ám. Tiểu xả dường bằng đuốc soi sau lưng, khôn thấy hào thập. Bồ tát lục căn thanh tịnh, lòng chẳng trụ sắc bố thí vậy .

Tu Bồ Đề, bồ tát vị lợi ích nhất thiết chúng sinh, cố ưng như thị bố thí .

Bồ tát chẳng vì tự kỷ, cầu khoái lạc. Bèn vì cưú hộ chư chúng sinh, phải cần kiệm chưng nơi mình, cho người được xa xỉ, lợi ích hết thảy chúng sinh, bèn hợp tam luân thể không, vậy mới phải như thị bố thí .

Như lai thuyết nhất thiết chư tướng, tức thị phi tướng. Hựu thuyết nhất thiết chúng sinh, tức phi chúng sinh .

Như lai là Phật nói. Hết thảy nhân tướng ngã tướng đều cùng bại hoại, chẳng phải chân thật. Hễ chỗ có tướng ắt là hư vọng, vậy rằng tức thị phi tướng. Hết thảy chúng sinh bèn cùng giả danh, vì bởi vọng nhân tứ đại làm tự thân tướng, lục trần duyên ảnh làm tự tâm tướng. Dầu lý ngộ chưng lý chân không vô tướng, bấy giờ ngũ ấm tiêu tận, bèn thấy Phật tính. Vậy rằng hết thảy chúng sinh ắt chẳng có chúng sinh.

Tu Bồ Đề, Như lai thị chân ngữ giả, thật ngữ giả, như ngữ giả, bất cuống ngữ giả, bất dị ngữ giả .

Chân ngữ là chẳng phải giả ngụy, hết thảy hàm linh đều có Phật tính vậy. Thật ngữ là chẳng phải hư vọng, hết thảy văn pháp đều không, vốn chẳng chỗ có vậy. Như ngữ là như như chi lý, hết thảy muôn pháp bản lai chẳng từng động vậy. Bất cuống ngữ là lời Phật thuyết chẳng phải cuống hoặc, nghe bát nhã pháp đều được giải thoát vậy. Bất dị ngữ là lời Phật thuyết chẳng phải quái dị, hết thảy muôn pháp bản nguyên không tịch, chưa từng khác vậy .

Tu Bồ Đề, Như lai sở đắc pháp thử pháp vô thật vô hư .

Vô thật là pháp thể không tịch, chẳng có hình tướng khá được vậy. Vô hư là trong có hằng sa tính đức diệu dụng, bèn chẳng hết vậy. Muôn pháp bởi vì chúng sinh mà nói. Chưng nơi chân tính vốn chẳng chỗ có, bèn chẳng phải thật. Lại nương lấy pháp mà tu, mới hầu hiểu được chân tính, pháp bèn chẳng huống, lại chẳng phải hư. Diệu dụng đa phương, vậy rằng vô thật. Chân thể thường tồn, vậy rằng vô hư .

Tu Bồ Đề, tâm trụ ư pháp nhi hành bố thí, như nhân nhập ám, tức vô sở kiến. Nhược bồ tát tâm bất trụ pháp nhi hành bố thí, như nhân hữu mục, nhật quang minh chiếu, kiến chủng chủng sắc .

Bồ tát là quyền độ chúng sinh, hằng bố thí pháp, dầu còn chấp trước, có chỗ mong cầu, bằng người vào trong nhà tối, muôn vật ắt chẳng chỗ thấy. Dầu có giáo hoá chúng sinh, chúng sinh khôn hay biết đường thấy tính. Dầu bồ tát liễu đạt pháp không, lòng chẳng chấp trước, hằng bố thí pháp, chẳng chỗ mong cầu, bằng người có nhãn mục, ở nơi tuệ nhật sáng soi, thấy chủng chủng sắc, bèn chẳng chấp tướng. Dầu có giáo hoá chúng sinh, tùy căn thuyết pháp, tự lợi, lợi tha, khai kim cương nhãn, nhiên bát nhã đăng, mở bảo chúng sinh biết lòng thấy tính. Vậy mới phải bồ tát đạo nhãn .

Tu Bồ Đề, đương lai chi thế, nhược hữu thiện nam tử, thiện nữ nhơn, năng ư thử kinh, thọ trì đọc tụng tức vị như lai, dĩ Phật trí tuệ, tất tri thị nhân, tất kiến thị nhân, giai đắc thành tựu vô lượng vô biên công đức .

Đương lai thế là Thích Ca nhập diệt sau năm trăm năm, chưng đời ngũ trược ác thế, dầu có thiện nam tín nữ, lòng hằng tinh tấn thọ trì đọc tụng kinh Kim cương này, tới nhẫn giải nghĩa minh lý, biết được thật tướng, nhân pháp đều không, hết thảy thiện ác phàm thánh chư cảnh tính đồng Như lai chơn trí tuệ vậy. Tam thế chư Phật đều hay, đều thấy, thật chưng người ấy đã nên thành tựu vô lượng vô biên công đức .

TRÌ KINH CÔNG ĐỨC PHẦN ĐỆ THẬP NGŨ

Tu Bồ Đề, nhược hữu thiện nam tử, thiện nữ nhân, sơ nhật phần dĩ hằng hà sa đẳng thân bố thí, trung nhật phần phục dĩ hằng hà sa đẳng thân bố thí, hậu nhật phần diệc dĩ hằng hà sa đẳng thân bố thí. Như thị vô lượng bách thiên vạn ức kiếp, dĩ thân bố thí. Nhược phục hữu nhân, văn thử kinh điển, tín tâm bất nghịch, kỳ phước thắng bỉ. Hà huống thơ tả thọ trì đô? tụng, vị nhân giải thuyết .

Sớm mai từ dần chí thìn là sơ nhật phần. Nửa ngày từ thìn chí mùi là trung nhật phần. Ban chiều từ mùi chí tuất là hậu nhật phần. Một ngày ba giờ, dầu lấy hằng hà sa đẳng thân mạng mà bố thí, quả báo tuy nhiều vô lượng, còn hữu vi phước chưa khỏi thế gian, bèn thêm nhiễm chấp chư phiền não nhân, lại tạo ác nghiệp. Sao bằng nghe kinh điển này, lòng tin chẳng nghịch, sau ắt nên giống căn lành. Đã được giống căn lành, càng ngày càng thêm tăng trưởng xuất thế gian pháp, chứng vô vi quả, thắng hơn hữu vi phước vô lượng vô biên, tỉ dụ sao được .

Dầu nhẫn hạnh giải tương ưng mới gọi là thọ. Dũng mãnh tinh tấn mới gọi là trì. Thân tâm nội ngoại chẳng còn tán loạn, mới gọi là độc. Thấy tính lòng tin chẳng nghịch, mới gọi là tụng. Mình đã hiểu biết, lại hay phương tiện vì người mà diễn thuyết cho minh thật tướng, được nên thành tựu vô thượng bồ đề. Chẳng còn trụ tướng, thí pháp công đức vô lượng vô biên, bội hơn trăm ngàn muôn ức kiếp, lấy thân mình kia mà bố thí vậy .

Tu Bồ Đề, dĩ yếu ngôn chi, thị kinh hữu bất tư nghị, bất khả xưng lượng vô biên công đức .

Phật gọi Tu Bồ Đề lấy lời ý thiết, mà nói minh cửa pháp nơi chỗ có công đức. Khỏi hết cảnh giới chư tâm, bèn chẳng khá lấy lòng mà tư duy vậy. Khỏi hết cảnh giới ngôn thuyết, bèn khá chẳng lấy miệng mà nghị luận vậy. Khôn lấy phẩm bậc nào xứng bằng. Khôn lấy giống vật chi lường được. A? thật vô biên công đức .

Như lai vị phát đại thừa giả thuyết, vị phát tối thượng thừa giả thiết .

Tiểu thừa là bậc thanh văn, muốn khỏi sinh tử một mình, chưa độ được chúng sinh, gọi là tiểu thừa. Trung thừa là bậc duyên giác, tuy đã kiến tính, song le nửa vì người, nửa còn vì mình, gọi làm trung thừa. Đại thừa là bậc bồ tát phát lòng từ bi quảng đại, xả kỷ độ nhân, tuỳ thuận tuỳ nghịch, muôn cảnh chẳng nhiễm, gọi là đại thừa. Tối thượng thừa là bậc chư Phật phát vô thượng bồ đề tâm, diệu dụng hết thảy chủng trí, khỏi mê khỏi giác, chẳng ngại thánh phàm, rồi sắc rồi không, nhiếp hết tịnh uế, gọi là tối thượng thừa pháp. Kinh Kim cương này Phật vì người đại thừa, tối thượng thừa mà diễn thuyết. Chẳng phải vì trung thừa, tiểu thừa vậy mà nói .

Nhược hữu nhân năng thọ trì độc tụng, quảng vị nhân thuyết, như lai tất tri thị nhân, tất kiến thị nhân, giai đắc thành tựu, bất khả lượng, bất khả xứng, vô hữu biên, bất khả tư nghị công đức. Như thị nhân đẳng, tức vi hà đản Như lai a nậu đa la tam miệu tam bồ đề .

Dầu có người thượng căn đại trí, nghe biết kinh này, liễu đạt Phật ý, trực chỉ tu hành. Lại hay vì người diễn thuyết, mở bảo học nhân đều thấy tự tính, hiểu thấu chưng lý vô tướng, biết được bản nguyên lòng mình, thật Phật trí tuệ khai sáng, rũ sạch trần lao vọng niệm, đều nên vô thượng bồ đề. Hợp hay người ấy thành tựu công đức vô biên vô lượng, nào khá xưng lượng được vậy. Thật là hà đản Như lai, ắt nên vô thượng chính đẳng chính giác .

Hà dĩ cố? Tu Bồ Đề, nhược lạc tiểu pháp giả, trước ngã kiến, nhân kiến, chúng sinh kiến, thọ giả kiến, tắc ư thử kinh, bất năng thính thọ độc tụng, vị nhân giả thuyết .

Tiểu pháp là ngoại đạo. lòng hằng đấu tranh nhân ngã. Dầu có thông minh, càng học đa kiến đa văn, càng thêm thượng mạn. Tiểu thừa độn căn hạ liệt, còn đoạ tà kiến, chấp trước tiểu pháp, chẳng nghe đại thừa, khôn tin bát nhã. Dầu có thọ trì độc tụng, lòng còn chấp sự mê lý, khôn hay vì người diễn thuyết kinh này .

Tu Bồ Đề, tại tại xứ xứ, nhược hữu thử kinh, nhất thiết thế gian, nhân thiên a tu la, sở ưng cúng dường, đương tri thử xứ, tức vi thi pháp, giải ưng cung kính, tác lễ vi nhiễu, dĩ chư hoa hương nhi tán kỳ xứ .

Phật bảo Tu Bồ Đề :"Hễ ở chốn nào, dầu có người liễu ngộ kinh này, thiên nhân a tu la đều đương cúng dường làm lễ cung kính, cũng như Phật tháp, hằng tán hương hoa chưng nơi trì kinh, cúng dường người ấy :"vì vậy, rằng một người dùng lòng, hết chư thiên đều cũng biện cúng. Trước bày sự, sau bèn hiển lý. Hễ còn trong hữu vi pháp, gọi là hết thảy thế gian. Thiên đạo là vì lòng còn dật lạc, gọi làm chư thiên. Nhân đạo vì lòng còn thiện ác, gọi làm chư nhân. A tu la đạo vì lòng còn sân hận, gọi là a tu la. Dầu còn bấy nhiêu, lòng chưa được giải thoát. Dầu khỏi bấy nhiêu, lòng chỗ rằng hợp đương ứng cúng. Tính hằng giải thoát, vời vợi cao siêu thế giới. Vì vậy gọi là Phật tháp. Tính trong giải thoát nở ra chính kiến chính tri, ngũ phận nức xông muôn hạnh, gọi là hương hoa hằng tán nơi chốn ấy .

NĂNG TỊNH NGHIỆP CHƯƠNG PHẦN ĐỆ THẬP LỤC

Phục thứ Tu Bồ Đề, nhược thiện nam tử thiện nữ nhơn, thọ trì độc tụng thử kinh, nhược vi nhân khinh tiện, thị nhân tiên thế tội nghiệp, ưng đọa ác đạo, dĩ kim thế nhân khinh tiện, cố tiên thế tội nghiệp, tức vi tiêu diệt, đương đắc a nậu đa la tam miệu tam bồ đề .

Phần trước nói cho minh sự sinh thiện. Phần này nói cho minh thiện diệt ác. Tuy quả nhân định nghiệp nan đào, song le có công thọ trì bát nhã, lại hay chuyển trọng làm khinh. Kiếp trước làm ngũ nghịch thập ác trọng tội, đương vào địa ngục ngạ quỷ súc sinh. Đời này hoặc phải người khinh dễ hủy báng mạ nhục, hoặc là phải thân bần cùng tật bệnh. Dầu hay tiến chí tinh cần, thọ trì bát nhã chẳng bỏ, bao nhiêu tội làm kiếp trước ắt là tiêu diệt hết, chưng sau bèn lại được nên vô thượng chính đẳng chính giác .

Tu Bồ Đề, ngã niệm quá khứ vô lượng a tăng kỳ kiếp, ư nhiên đăng Phật tiền, đắc trì bát bách tứ thiên vạn ức na do tha chư Phật, tất giai cúng dường thừa sự, vô không quá giả. Nhược phục hữu nhân, ư hậu mạt thế, năng thọ trì độc tụng thử kinh, sở đắc công đức, ư ngã sở cúng dường chư Phật công đức, bách phần bất cập nhất thiên vạn ức phần, nãi chí toán số tỷ dụ sở bất năng cập .

A tăng kỳ là vô ương số. Na do tha là nhất vạn vạn. Từ quá khứ vô thỉ kiếp nhẫn nay, Phật nhãn tuệ tính đều xem biết hết. Kể từ khi chư gặp Nhiên Đăng Phật, Thích Ca đã gặp được tám trăm bốn ngàn muôn ức vạn vạn chư Phật xuất thế, hằng thờ phụng cúng dường chẳng không vượt vậy. Chưng sau đời ngũ trực ác thế, dầu có người thọ trì kinh Kim cương này, chỗ được công đức bội hơn ngàn muôn ức phần công đức cúng dường chư Phật thuở trước. Tuy cúng dường vô số chư Phật, công đức ấy còn trong hữu vi, phước báo nhân thiên tiểu quả. Một kỳ thiên địa còn có thành hoại, phước ấy có khi hữu tận. Sao bằng thọ trì chân kinh một phần, ắt bèn được biết lòng thấy tính, thoát khỏi sinh tử luân hồi, phước trí vô cùng, không hay ví kịp .

Tu Bồ Đề, nhược hữu thiện nam tử, thiện nữ nhân, ư hậu mạt thế, hữu thọ trì đọc tụng thử kinh, sở đắc công đức, ngã nhược cụ thuyết giả, hoặc hữu nhân văn, tâm tức cuống loạn, hồ nghi bất tín .

Hồ là giống thú, tên nó gọi là dã can, tính hay đa nghi. Tục ngữ gọi là hồ nghi. Lời trước Phật nói so lường phước đức tuy nhiều, song le chưa bày tường tận. Trong nơi Tịnh sa cảnh giới, tính đức hằng sa. Công đức ấy nào có bờ bạn. Những người thiểu thức chưa từng nghe thấy lạ nhiều, cực sợ. Một là lòng sinh ra cuống loạn. Hai là hồ nghi chẳng tin vậy .

Tu Bồ Đề, đương trị thị kinh nghĩa bất khả tư nghì, quả báo diệc bất khả tư nghì.

Nghĩa là bát nhã diệu nghĩa. Bát nhã là cụ đại trí tuệ. Dầu có người nghe kinh, hiểu được bát nhã, bèn thấy chơn tính, thoát khỏi sinh tử luân hồi. Diệu nghĩa ấy khôn tư nghì được. Phật nói rằng :"Ta dầu nói trì kinh công đức,hoặc có người nghe, lòng ra cuống loạn, hồ nghi chẳng tin, lại sinh phỉ báng. Tội ấy là quả báo ắt cũng chẳng tư nghì được vậy".

CỨU CÁNH VÔ NGÃ PHẦN ĐỆ THẬP THẤT

Dĩ thời, Tu Bồ Đề bạch Phật ngôn:"Thế Tôn, thiện nam tử, thiện nữ nhân phát ra a nậu đa la tam miệu tam bồ đề tâm, vân hà ưng trụ, vân hà hàng phục kỳ tâm?"Phật cáo Tu Bồ Đề:"Thiện nam tử, thiện nữ nhân phát a nậu đa la tam miệu tam bồ đề tâm giả, đương sinh như thị tâm: Ngã ưng diệt độ nhất thiết chúng sinh, diệt độ nhất chúng sinh dĩ, nhi vô hữu nhất thiết chúng thật diệt độ giả"

Tu Bồ Đề bạch Phật rằng :"Thiện nam tử, thiện nữ nhân, lòng muốn cầu chơn tính thành Phật, rằng hợp nương pháp nào mà trụ, rằng làm sao cho hàng phục chưng lòng vọng tưởng? Chúng sinh phát bồ đề tâm, muốn cầu bát nhã chủng trí, rằng làm sao cho an trụ chính lý? Phàm phu vọng niệm phiền não vô biên, hợp nương pháp nào bèn điều phục được?"

Phật bảo Tu Bồ Đề :"Thiện nam tử, thiện nữ nhơn phát bồ đề tâm, muốn nên thành đẳng chính giác, hợp ra lòng chơn thật thanh tịnh, ta mới diệt độ cho. Đương khi làm vọng tưởng, thủ xả tham sân tật đố, móng những sự chẳng lành, ắt thật là hết thảy chúng sanh, ta phải dùng vô tâm, lấy nhẫn nhục mà điều phục vậy, khiến tà ác chớ vọng niệm. Bèn diệt độ hết thảy chúng sinh rồi, lại dùng chính trị tịnh giác, thấy bản nguyên xưa chưa từng sanh diệt. Bèn mới rằng chẳng có một chúng sinh được diệt độ vậy"

Hà dĩ cố? Tu Bồ Đề, nhược bồ tát hữu ngã tướng, nhân tướng, chúng sinh tướng, thọ giả tướng, tức phi bồ tát. Sở dĩ giả hà? Tu Bồ Đề, thật vô hữu pháp phát a nậu đa la tam miệu tam bồ đề tâm giả .

Bậc bồ tát sơ ngộ, bởi còn chưa khỏi vi tế tứ tướng, dầu bồ tát lòng còn chút thiểu ngộ, ắt thật chưa rồi ngã tướng. Dầu bồ tát còn thấy có trí tuệ, hay hàng phục được phiền não, ắt thật chưa rồi nhân tướng. Dầu bồ tát thấy ý niệm phiền não, mà hàng phục, vậy ắt thật chưa rồi chúng sinh tướng. Dầu bồ tát thấy có thanh tịnh tâm, mà khá chứng được, ắt chưa rồi thọ giả tướng. Khi chúng sinh còn mê, chưa khỏi vọng tâm phiền não triền phược, Phật phải phương tiện lập pháp giải thoát, mà độ chúng sinh cho thấy bản tính. Dầu đã thấy tính, bấy giờ nhân không pháp ắt cũng không. Bệnh khứ, dược vọng, thật là vô pháp khả đắc .

Tu Bồ Đề, ư ý vân hà? Như lai ư Nhiên Đăng Phật sở, hữu pháp đắc a nậu đa la tam miệu tam bồ đề phủ?

Như lai là Phật tự xưng. Nhiên Đăng Phật là thầy Thích Ca thuở trước, Phật hỏi Tu Bồ Đề rằng:"Ta từ thuở nơi Nhiên Đăng Phật, có chỗ được pháp, chứng nên vô thượng chính đẳng chính giác chăng?"

"Phất giả Thế Tôn. Như ngã giải Phật sở thuyết nghĩa, Phật ư Nhiên Đăng Phật sở, vô hữu pháp đắc a nậu đa là tam miệu tam bồ đề".

Phật hỏi Tu Bồ Đề rằng:"Ta chưng thuở Nhiên Đăng Phật, dầu chưa rồi tứ tướng, được thọ ký chăng?" Tu Bồ Đề đã hiểu biết chưng lẽ vô tướng, bèn rằng:"Chẳng phải vậy, dầu có pháp, ắt còn có tâm. Chưng khi ấy đã liễu ngộ tâm không, pháp không. Nhiên Đăng Phật mới chứng cho thành đẳng chánh giác"

Phật ngôn:"Như thị, như thị"

Phật nói hai lần "như thị" là lời an ủi cho Tu Bồ Đề rằng hay hội được pháp thể không tướng, cũng như ý Phật .

Tu Bồ Đề, thật vô hữu pháp Như Lai đắc a nậu đa la tam miệu tam bồ đề

Tu Bồ Đề đã liễu đạt chưng ý thẳm sâu vậy. Phật bèn lấy lời Tu Bồ Đề làm đáng. Lại phải tùy thuận mà nói thật rằng chẳng có pháp Như lai chỗ được, mới gọi làm vô thượng chính đẳng chính giác .

Tu Bồ Đề, nhược hữu pháp Như lai đắc a nậu đa la tam miệu tam bồ đề giả, Nhiên Đăng Phật tức bất dự ngã thọ ký :"Nhữ ư lai thế, đương đắc tác Phật, hiệu Thích Ca Mâu Ni".

Đời Châu Chiêu Vương trị vì được 24 năm, tuế thứ năm Giáp Dần, tháng tư ngày mùng tám, ban khi giờ tý, Phật tùng hữu hiếp tự nhiên hoá sinh. dưới đôi chân hoa sen bỗng túc, bèn đi bảy bước, miệng kêu ra tiếng sư tử, tay bên hữu chỉ lên trời rằng :"Thiện thượng thiên hạ, một ta cao hơn". Trong hư không, 9 rồng phun nước, tẩy rửa cho mình thái tử, mới đặt hiệu Ngài là Tất Đạt Đa. Đến từ Châu Mục Vương trị vì được 53 năm, tuế thứ năm Nhâm Thân, tháng 2 ngày rằm, ở nơi Thiên La quốc đại thành, dưới cây Sa la song thọ, bèn chứng niết bàn. Kể từ giáng sinh tới nhẫn tịch diệt, Thích Ca trụ thế vừa được 79 năm .

Trước bày sự, sau lại hiển lý. Phạn ngữ Thích Ca, Hoa ngôn gọi là Năng Nhơn. Phạn ngữ Mâu Ni, Hoa ngôn gọi là Tịch Mặc. Năng nhơn là tâm tính hàm dung, hết thảy chẳng có lưỡng biên tam tế. Tịch Mặc là tâm thể nguyên vắng, chẳng tằng có động tịnh vì chúng sinh phải vào ngũ trược ác thế, tâm tính chẳng nhiễm, làu làu thanh tịnh, mới gọi là Thích Ca Mâu Ni Phật .

Dĩ thật vô hữu pháp, đắc a nậu đa la tam miệu tam bồ đề. Thí cố, Nhiên Đăng Phật dự ngã thọ ký, tác thị ngôn :"Nhữ ư lai thế, đương đắc tác Phật, hiệu Thích Ca Mâu Ni". Hà dĩ cố, Như lai giả, tức chư pháp như nghĩa .

Như là chân tính, khắp hết hư không thế giới vốn hằng tự như, tùy cơ phó cảm, bèn hiện, vì vậy gọi là Như lai. Như lai là danh chân tích vậy. Dầu luận có tường, ắt gọi làm vô thượng chính đẳng chính giác. Lược ngôn gọi là Như lai, lại gọi làm Phật, lại gọi làm chân như. Chân như là chân thật tính. Hết thảy chư pháp bản lai thanh tịnh, cũng như như vậy, ắt gọi rằng chư pháp chư nghĩa .

Nhược hữu nhân ngôn Như lai đắc a nậu đa la tam miệu tam bồ đề. Tu Bồ Đề, thật vô hữu pháp, Phật đắc a nậu đa la tam miệu tam bồ đề.

Phật bảo Tu Bồ Đề :"Dầu có người rằng ta được vô thượng chính đẳng chính giác, thật chưng người ấy, ắt là vọng ngữ. Bản lai chân tính vốn mình hằng có, há phải bởi đâu mà được. Khi còn mê vọng, phải lập pháp, khử trừ ngoại vọng, cho mình chân tính. Rồi vọng, há còn chấp pháp. Dầu rằng Như lai có chỗ được, ắt chẳng minh tâm ấn. Thật chẳng có pháp, mới chứng nên vô thượng chính đẳng chính giác .

Tu Bồ Đề, Như lai sở đắc a nậu đa la tam miệu tam bồ đề, ư thị chung vô thật vô hư.

Như lai chỗ được chư pháp chính giác là rằng Phật chỗ được chưng pháp, bèn minh chân tính vậy. Pháp ấy chẳng phải trong chân tính chỗ có, bởi nhờ chưng pháp, mới biết chân tính.Trong thanh tịnh tâm, chẳng có sắc tướng pháp trần, vì vậy rằng chẳng phải thật. Trong thanh tịnh tâm chẳng phải không tính nguyên diệu thể, vì vậy rằng chẳng phải hư.

Thị cố Như lai thuyết nhất thiết pháp giai thị Phật pháp .

Phật rằng hết thảy chư pháp đều cũng dùng sự tu hành cho được thành chính đẳng chính giác. Thiên gia dầu bỏ ắt lỗi ý kinh, khác nào chưa đến ngạn, mà đã bỏ thuyền. Há mình chẳng chìm trong nơi khổ hải. Hết thảy chúng sinh từ vô lượng kiếp đến nay, chẳng còn pháp tính tam muội. Dầu khi mặc áo, ăn cơm, đàm thuyết đối đãi lục căn, thường hành nhâm vận thi vi, thật những là pháp tính diệu dụng. Chẳng biết phản bản hoàn nguyên, vậy bèn tùy danh chấp tướng tình mê vọng khởi, tạo chủng chủng nghiệp. Dầu hay biết được nhất niệm hồi quang, liễu phàm tâm, chứng được thánh tâm, chuyển thế pháp đều nên Phật pháp.

Tu Bồ Đề, sở ngôn nhất thiết pháp giả, tức phi nhất thiết pháp, thị cố danh nhất thiết pháp.

Dầu thị, dầu phi, dầu hư, dầu thật, bởi chưng thường kiến đoạn kiến. Đoạn thường đều cùng chẳng nhiễm, ắt bèn chẳng có nhất thiết pháp. Chư pháp nguyên tùng bản lai, hằng tịch diệt tướng. Khi dùng ắt hay, mà hằng vắng. Khi chẳng dùng, ắt vắng mà hằng hay. Lẽ hợp diệu giác, không nhân, không pháp. Thật vì vậy gọi làm nhất thiết pháp .

"Tu Bồ Đề, thí như nhân thân trường đại". Tu Bồ Đề ngôn :"Thế Tôn, Như lai thuyết nhân thân trường đại, tức vi phi đại thân, thị danh đại thân"

Tu Bồ Đề hằng nghe Phật nói, đã hiểu chỗ lý, bạch Thế Tôn rằng:"Phật nói nhân thân trường đại, ắt chẳng phải chân thật đại thân, bèn giả danh gọi làm đại thân vậy. Lại rằng sắc thân có tướng, bèn chưa phải đại thân. Pháp thân vô tướng, rộng lớn vô biên, mới gọi làm đại thân .

"Tu Bồ Đề, bồ tát diệc như thị. Nhược tác thị ngôn:"Ngã tướng diệt độ vô lượng chúng sinh" tức bất danh bồ tát "

Phạn ngữ bồ tát, Hoa ngôn gọi là giác chúng sinh, ngoại độ quần mê, trong giác hữu tình. Bồ tát khác nào đại thân, giả danh mà chưa trong chân tính, thật thấy bản nguyên chẳng có chúng sinh, vì bởi nghiệp duyên hiện báo. Bồ tát độ chúng sinh, khác nào dĩ huyễn diệt huyễn. Dầu bồ tát nói làm thật rằng có chúng sinh mà độ, ắt chẳng phải bồ tát. Dầu bậc nhị thừa còn phiền não vọng tưởng chẳng hay trừ diệt, ắt đồng phàm phu. Dầu bậc đại thừa rồi sắc chấp không, chưa liễu sắc tính, ắt chẳng phải bồ tát .

Hà dĩ cố? Tu Bồ Đề, thật vô hữu pháp, danh vi bồ tát .

Thật hết thảy pháp, bản lai không tịch, chẳng thấy có sinh tử, chẳng thấy có niết bàn, chẳng có thiện ác, chẳng có phàm thánh, chẳng có hết thảy chư pháp, mới phải chính kiến. Chưng khi chính kiến, hay chẳng khá thấy thật chẳng có pháp, mới gọi làm bồ tát .

Thị cố, Phật thuyết nhất thiết pháp vô ngã, vô nhân, vô chúng sinh, vô thọ giả .

Pháp chẳng có ngã tướng, ắt rồi ngũ uẩn vậy. Pháp chẳng có nhân tướng, bèn rồi lục đạo vậy. Pháp chẳng có chúng sinh tướng, bèn rồi nghiệp cấu vậy. Pháp chẳng có thọ giả tướng, bèn rồi sinh tử vậy. Chẳng có tứ tướng, ắt chẳng có chúng sinh. Chẳng có chúng sinh, ắt chẳng lập chính giác mà độ chúng sinh. Vì vậy rằng pháp chẳng có tứ tướng .

Tu Bồ Đề, nhược bồ tát tác thị ngôn:"Ngã đương trang nghiêm Phật độ, thị bất danh bồ tát."

Phật độ là tâm độ vậy. Tâm độ dầu lấy báo định tuệ làm trang nghiêm xuất thế gian pháp, ấy là bồ tát, sức bồ tát chẳng kể công nào. Ai thấy chỗ dấu, dầu lấy báu kim ngọc làm trang nghiêm thế gian pháp, ấy là phàm phu. Lòng phàm phu muốn kể công, hằng toan cho người hay. Vì vậy bồ tát còn xưng mình làm trang nghiêm Phật độ, ắt chẳng phải bồ tát .

Hà dĩ cố? Như lai thuyết trang nghiêm Phật độ giả, tức phi trang nghiêm thị danh trang nghiêm .

Phật độ là bản lai tâm thanh tịnh vô tướng. Thế gian lấy lục trần tâm làm trang nghiêm. Phật thời lòng thanh tịnh, chẳng nhiễm muôn duyên, lấy làm trang nghiêm. Tuy rằng trang nghiêm, ắt chẳng có chấp tướng trang nghiêm, thật mới gọi là trang nghiêm .

Tu Bồ Đề, nhược bồ tát thông đạt vô ngã pháp giả, Như lai thuyết danh chân thị bồ tát .

Lời ấy là Phật bảo Tu Bồ Đề cho biết nhân chẳng có ngã tướng, pháp chẳng có ngã tướng. Nhân chẳng ngã tướng là tứ đại nguyên chẳng có thể, nhân bởi nghiệp sinh. Dầu lập nhân phú quý, nghiệp quả phú quý. Dầu lập nhân bần tiện nghiệp quả bần tiện. Huyễn thân nguyên chẳng có thể. Pháp chẳng có ngã tướng là chư pháp nguyên chẳng có thật thể, nhân bởi dụng sự bèn lập. Dầu muốn xuống thủy, phải dùng thuyền bè sào chèo. Dầu muốn lên bộ, phải dùng xe ngực võng dù. Hết thảy muốn pháp nhân chưng bởi sự bèn lập, ắt thật giả danh. Nếu giả danh ắt là hư vọng. Dầu biết được nhân pháp đều không, mới phải chân thật bồ tát .

NHẤT THỂ ĐỔNG QUAN PHÂN ĐỆ THẬP BÁT

"Tu Bồ Đề, ư ý vân hà? Như lai hữu nhục nhã phủ?" "Như thị Thế tôn, Như lai hữu nhục nhãn"." Tu Bồ Đề, ư ý vân hà? Như lai hữu thiên nhãn phủ?""Như thị Thế tôn, Như lai hữu thiên nhãn"." Tu Bồ Đề, ư ý vân hà? Như lai hữu tuệ nhãn phủ?""Như thọ Thế Tôn, Như lai hữu tuệ nhãn"." Tu Bồ Đề, ư ý vân hà? Như lai hữu pháp nhãn phủ?"Như thị Thế tôn, Như lai hữu pháp nhãn"" Tu Bồ Đề, ư ý vân hà? Như lai hữu Phật nhãn phủ?""Như thị Thế tôn, Như lai hữu Phật nhãn".

Nhục nhãn là xem thấy noãn thai thấp hoá sắc thân khởi diệt chư nhân duyên vậy. Thiên nhãn là xem thấy chư thiên cung điện vân vũ minh ám, ngũ tinh tam diệu triền chuyển chư nhân duyên vậy. Tuệ nhãn là xem thấy chúng sinh tuệ tính thâm thiển, thượng phẩm hạ sinh đầu thai luân chuyển chư nhân duyên vậy. Pháp nhãn là xem thấy pháp thân khẳm hết tam giới, vô hình vô tướng, khắp hết hư không pháp giới chư nhân duyên vậy. Phật nhãn là xem thấy Phật thân thế giới vô lượng, phóng quang phổ chiếu, phá hết u ám, chẳng còn chướng ngại, viên mãn sáng khắp 10 phương, hằng thấy chân thể hay có niết bàn chư quốc độ vậy .

Lại rằng nhục nhãn là thấy hết thảy sắc tướng, gọi là nhục nhãn. Thiên nhãn là thấy hết thảy lòng chúng sinh, gọi là thiên nhãn. Tuệ nhãn là thấy hết thảy chúng sinh chư căn cảnh giới, gọi là tuệ nhãn. Pháp nhãn là thấy hết thảy pháp chân như thật tướng chẳng có tướng, gọi là pháp nhãn. Phật nhãn là xem thấy chư Như lai khẳm hết thập lực, gọi là phật nhãn vậy. Hết thảy chúng sinh đều khẳm ngũ nhãn, bởi vì lòng mê nghiệp chướng, cho nên chẳng thấy. Dầu rồi mê tâm vọng niệm, ắt được ngũ nhãn quang minh. Phật hỏi ngũ nhãn, Tu Bồ Đề đã hiểu minh lý, đều cùng đáp lại, thật bằng như vậy .

"Tu Bồ Đề, ư ý vân hà? Như Hằng hà trung sở hữu thị sa, Phật thuyết thị sa phủ?" "Như thị Thế tôn Như lai thuyết thị sa" "Tu Bồ Đề, ư ý vân hà? Như nhất Hằng hà trung sở hữu sa, hữu như thị sa đẳng Hằng hà, thị chư Hằng hà, sở hữu sa số, Phật thế giới, thị ninh vi đa phủ?" "Thậm đa, Thế tôn".

Ở bên Tây vức, viện Kỳ hoàn tinh xá có sông gần một bên. Phật hằng chỉ cát trong sông ấy mà tỉ dụ. Một hột cát là một sông Hằng hà, hết thảy cát trong chư Hằng hà, Phật bảo Tu Bồ Đề một hột cát là một đại thế giới, gọi là quốc độ Phật. Hễ một đại thế giới hằng có một Phật thuyết pháp độ chúng sinh. Chư Phật thế giới kể bằng cát trong sông chư Hằng hà dường ấy, há lấy làm nhiều chăng? Tu Bồ Đề bạch Phật rằng :"Cực nhiều".

Phật cáo Tu Bồ Đề:"Dĩ sở quốc độ trung, sở hữu chúng sinh, nhược can chủng tâm, Như Lai tất tri"

Hết thảy chúng sinh cùng ở trong quốc độ, một quốc độ là một thế giới. Một thế giới hằng có một Phật thuyết pháp, độ hết thảy chúng sinh vậy. Chúng sinh là vọng tưởng tâm. Phật là viên giác tính. Vọng tưởng tâm nương ở nơi viên giác tính mà hiện. Lòng chúng sinh, tuy kể nhiều chủng chủng sai biệt, cũng chẳng khỏi vọng tâm. Vì vậy chúng sinh khởi tâm niệm, Như lai đều thấy, đều hay. Lời tuy bày nhiều, kể có hai giống. Mộ là thế gian, lòng phàm phu. Hai là xuất thế gian lòng thánh nhân, Như lai đều thấy đều hay, vì vậy gọi là chính biến tri .

Hà dĩ cố? Như lai thuyết chư tâm giai vi phi tâm, thị danh vi tâm .

Chỗ trong quốc độ, dầu có chúng sinh tuy nhiều chủng chủng sai biệt, chẳng khỏi vọng tâm. Biết được vọng tâm chẳng có thật, mới gọi là chân tâm phi tâm, vốn chẳng có vọng niệm, ắt chẳng khởi vọng tâm, bèn thật tự tính chân tâm, ắt gọi là bồ tát tâm. Lại gọi là niết bàn tâm. Ấy là đại đạo tâm, lại gọi làm Phật tâm vậy .

Sở dĩ giả hà? Tu Bồ Đề, quá khứ tâm bất khả đắc, hiện tại tâm bất khả đắc, vị lai tâm bất khả đắc .

Thường trụ chân tâm, ắt thật chân tính vậy. Nếu từ vô lượng vô số kiếp nhẫn nay hằng chính định, bèn chưa từng loạn động, há có quá khứ, vị lai, hiện tại, dầu quá khứ, vị lai, hiện tại là vọng tưởng vậy. Những sự toan lo ngày trước là quá khứ tâm, lòng ấy đã rồi. Những sự toan lo ngày sau là vị lai tâm, lòng ấy chưa dấy. Những sự lo toan bây giờ là hiện tại tâm, lòng ấy chẳng thật. Nhị thế suy cầu, tìm kỹ lòng ấy, hay chẳng khá được. Dầu hiểu biết vô pháp vô tướng, vô sự là bình thường tâm, bình thường tâm ắt là pháp thể không tịch, chẳng từng sinh, chẳng từng diệt, làu làu thanh tịnh. Há có tiền niệm, kim niệm, hậu niệm, bèn khá được vậy .

PHÁP GIỚI THÔNG HOÁ PHẦN ĐỆ THẬP CỬU

"Tu Bồ Đề, ư ý vân hà? Nhược hữu nhân mãn tam thiên đại thiên thế giới thất bảo, dụng dĩ bố thí, thị nhân dĩ thị nhân duyên, đắc phước đa phủ?" "Như thị Thế tôn, thử nhân dĩ thị nhân duyên, đắc phước thậm đa" "Tu Bồ Đề, nhược phước đức hữu thật, Như lai bất thuyết đắc phước đức đa, dĩ phước đức vô, cố Như lai bất thuyết đắc phước đức đa"

Dầu lòng còn chấp trước, có chỗ mong cầu, bèn lấy thất bảo đầy ba ngàn đại thiên thế giới, mà bố thí, phước báo nhân thiên tiểu quả, còn trong hữu lậu, chưa khỏi luân hồi, hãy còn có ngại, chẳng phải vô vi thanh tịnh công đức. Vì vậy, Như lai chưa gọi làm phước đức nhiều. Dầu bồ tát dùng thất giác bồ đề trong xá na thân mà trì trai lễ tán, tùng ư tâm đăng, hoá nên công đức bất sinh bất diệt, bèn bằng Kim cương mật tưởng hương hoa vân, bao vô biên Phật giới, hoá quang minh đài, cúng dường 10 phương chư Phật, ắt thật vô vi công đức. Ấy là bồ tát kiến tính bố thí, dầu chẳng được làm vậy, thời nương pháp vô trụ vô vi, mà bố thí. Lòng chớ mong cầu, dường bằng hư không, phước báo vô tận vậy. Như lai mới gọi được phước đức nhiều .

LY SẮC LY TƯỚNG PHẦN ĐỆ NHỊ THẬP

"Tu Bồ Đề, ư ý vân hà? Phật khả dĩ cụ túc sắc thân kiến phủ? "Phất giả, Thế Tôn, Như lai bất khả dĩ cụ túc sắc thân kiến"

Nhân tu 32 hạnh tốt, bèn quả được 32 tướng tốt cụ túc sắc thân. Dầu muốn thấy pháp thân Như lai cho biết tự bản tâm thấy bản tính bèn khẳm hết diệu thể ứng hoá vô lượng. Há thấy cụ túc sắc thân 32 tướng vậy .

"Hà dĩ cố? Như lai thuyết cụ túc sắc thân, tức phi cụ túc sắc thân, thị danh cụ túc sắc thân"

Thanh tịnh diệu sắc thân, thần lực hiển hiện, hết thảy sắc thân tam muội, bèn thật pháp thân. Như lai, khá lấy cụ túc sắc thân, mà được hay thấy pháp thân Như lai vậy. Pháp thân Như lai chẳng có 32 tướng sắc thân, vì vậy mới gọi là cụ túc sắc thân .

"Tu Bồ Đề, ư ý vân hà? Như lai khả dĩ cụ túc chư tướng kiến phủ?" Phất giả, Thế tôn, Như lai bất ưng dĩ cụ túc chư tướng kiến. Hà dĩ cố? Như lai thuyết chư tướng cụ túc, tức phi cụ túc, thị danh chư tướng cụ túc".

Tướng là xứ sở hình tượng chư sắc tướng hiện, ắt gọi là tướng. Chư tướng là hết thảy chủng chủng tướng thần thông biến hiện, chẳng những 32 tướng vậy. Như lai rồi sắc, rồi không. Nhân tu tịnh hạnh, bèn khẳm 32 tướng tốt. Nhân tu trí tuệ, bèn khẳm 84 ngàn thần thông diệu dụng. Phàm phu chấp sắc tướng, ngoại đạo chấp không tướng. Nhị thừa chấp pháp tướng, Phật là tính giác chân không, làu làu thanh tịnh, chẳng có năng sở, danh tướng, tùy duyên ứng hoá, cụ túc chư pháp. Vì vậy, Phật rằng chẳng có chư tướng cụ túc, mới gọi làm chư tướng cụ túc .

PHI THUYẾT SỞ THUYẾT PHẦN ĐỆ NHỊ THẬP NHẤT

"Tu Bồ Đề, nhữ vật vị Như Lai tác thị niệm: Ngã đương hữu sở thuyết phá. Mạc tác thị niệm. Hà dĩ cố? Nhược nhân ngôn Như lai hữu sở thuyết pháp, tức vi báng Phật, bất năng giải ngã sở thuyết cố."

Lòng đã làu làu thanh tịnh, dầu nói dầu lặng chẳng khác, khi gặp duyên ắt ứng, khi khỏi duyên ắt vắng. Chẳng có pháp, bèn chẳng đàm không. Chẳng có nhân, bèn chẳng thuyết pháp. Rằng Như lai chẳng có thuyết pháp là chẳng có sinh diệt tâm. Dầu có sinh diệt tâm, mà thuyết pháp, ắt thật giáo hóa quần sinh khôn hay được thấy tự tính. Làm vậy gọi là báng Phật. Dầu chẳng có sinh diệt tâm, hợp khá thuyết pháp vậy.

"Tu Bồ Đề, thuyết pháp giả vô pháp khả thuyết, thị danh thuyết pháp."

Phật gọi là Tu Bồ Đề rằng thuyết pháp vậy, thật chẳng có pháp mà thuyết là bản lai nguyên chẳng có pháp, bởi vì chúng sinh mê khử trừ ngoại vọng, phải nói vậy. Chúng sinh đã liễu ngộ được, ắt bèn không pháp. Dầu ai rằng Phật có pháp mà thuyết, ắt là báng Phật. Lại chẳng ngồi lặng vậy mà chẳng nói. Bèn chẳng có chấp trước chủng chủng pháp, lòng chẳng trụ sở. Dầu nói mãn thiên hạ, ắt chẳng lỗi chưng lẽ pháp. Vì vậy, rằng chẳng có pháp mà thuyết, mới gọi là thuyết pháp.

Dĩ thời tuệ mạng Tu Bồ Đề

Dĩ thời là chưng khi dấy hỏi. Tụê mạng là Tu Bồ Đề đã thông đạt Phật trí hải, thâm nhập pháp môn, liễu ngộ bản nguyên, giác vô sinh mạng, chẳng từng khứ lai vậy. Tuệ là luận đức mà nói. Mạng là luận trường thọ mà nói. Tuệ mạng là cụ túc trí tuệ, trưởng lão dị danh, cũng đồng Nho gia rằng thiên mạng chi vi tính. Vì vậy, gọi là tuệ mạng Tu Bồ Đề.

Bạch Phật ngôn thêm: "Thế tôn, phả hữu chúng sinh, ư vị lai thế, văn thuyết thị pháp, sinh tín tâm phủ?" Phật ngôn: "Tu Bồ Đề, bỉ phi chúng sinh, phi bất chúng sinh. Hà dĩ cố? Tu Bồ Đề chúng sinh chúng sinh giả, Như lai thuyết phi chúng sinh, thị danh chúng sinh."

Phật rằng chẳng có chúng sinh là bản nguyện, người đều khẳm, ai ai đều nên, cùng một chân tính, đồng Phật chẳng khác. Vì vậy, rằng chẳng có chúng sinh. Lại rằng chẳng không chúng sinh, vì bởi mê chân, theo đòi vọng, bỏ rẫy tự kỷ linh quang. Vì vậy, rằng chẳng phải không chúng sinh. Tu Bồ Đề hỏi Phật: "Chúng sinh chưng vị lai đời sau nghe nói pháp này là lòng tin chăng?" Phật đáp lại rằng: "Ấy chẳng có chúng sinh, chẳng phải không chúng sinh, thời chấp hữu. Rằng chẳng có chúng sinh thời chấp vô. Dầu tin kính Phật pháp, ắt chấp rằng thấy chẳng có chúng sinh vậy. Dầu còn thấy hữu thấy vô, chưa liễu trung đạo, tua phải dạy khiến thánh phàm chớ chấp lưỡng biên mới phải chính trị chính kiến. Vì vậy, Phật rằng chẳng có chúng sinh, mới gọi là chúng sinh.

VÔ PHÁP KHẢ ĐẮC PHẦN ĐỆ NHỊ THẬP NHỊ

Tu Bồ Đề bạch Phật ngôn: "Thế tôn, Phật đắc a nậu đa la tam miệu tam bồ đề vi vô sở đắc da?" Phật ngôn: "Như thị, như thị, Tu Bồ Đề. Ngã ư nậu đa la tam miệu tam bồ đề, nải chí vô hữu thiểu pháp khả đắc, thị danh a nậu đa la tam miệu tam bồ đề.

Phật rằng hai lần như thị là Phật chứng cho hợp đương chỗ lời như bằng ý Phật, chưng trong diệu tính vốn không, chẳng có một pháp khá được. Đã chẳng có một pháp khá được, há có vô thượng bồ đề mà chứng vậy. Dầu có pháp mà khá được, thật là pháp buộc. Chẳng có pháp khá được, mới gọi là giải thoát. Dầu biết như vậy, niệm đòi niệm, Thích ca xuất thế; bậc đòi bậc, Di Lặc hạ sinh. Lòng phân biệt cũng như văn Thù Đại trí. Tính vận dụng khác nào Phổ Hiền diệu hạnh. Chư môn đều là cam lộ huyền môn. Các vị cũng về đề hồ thượng vị. Gì gì chưa khỏi chiên đàn lâm. Chốn chốn hằng trụ hoa tạng cảnh. Dầu nhẫn như vậy, đi đứng ngồi nằm, gặp duyên đối tướng. Tính ứng dụng lồng lộng vô phương. Lòng không tịch làu làu thanh tịnh. Vì vậy Phật rằng chẳng có một chút pháp chi khá được, mới gọi là thành đẳng chính giác.

TỊNH TÂM HÀNH THIỆN PHẦN ĐỆ NHỊ THẬP TAM

Phục thứ Tu Bồ Đề, thị pháp bình đẳng, vô hữu cao hạ, thị danh a nậu đa la tam miệu tam bồ đề.

Trên từ chư Phật, dưới đến nhẫn xuẩn động hàm linh, cũng đồng chơn tính chẳng khác. Vì vậy, gọi rằng bình đẳng. Sắc thân có cao hạ, chân tính chẳng có cao hạ. Nhân chẳng có quí tiện. Pháp chẳng có hảo xú. Ở nơi lục đạo chẳng từng bớt. Ở nơi chư Phật chẳng từng thêm. Phàm phu chẳng thấy tự tính, vọng thức phân biệt, bèn sinh cao hạ. Bồ tát liễu đạt nhân pháp đều không, hết thảy bình đẳng, chẳng có cao hạ, mới gọi là a nậu bồ đề.

Dĩ vô ngã, vô nhân, vô chúng sinh, vô thọ giả.

Nguyên trong chân tính chẳng có tứ tướng, bèn bởi vọng duyên nghiệp hiện. Chân tính bình đẳng, há có nhân, ngã, chúng sinh, thọ giả? Vậy mới gọi vô thượng chính đẳng chính giác.

Tu nhất thiết thiện pháp, từc đắc a nậu đa la tam miệu tam bồ đề.

Tu hết thảy thiện pháp, mà còn chấp trước chưa khỏi chủng chủng tướng. Dầu tu hành chủng chủng thiện pháp, chưng sau khôn được giải thoát. Dầu chẳng chấp trước hết thảy chư pháp tướng, mà làm chư thiện pháp, ắt được a nậu bồ đề. Dầu có người tu hết thảy chư sự chẳng nhiễm chẳng chấp, hết thảy chư cảnh chẳng động chẳng chuyển, hết thảy chư pháp chẳng thủ chẳng xả, trong mười hai giờ hằng làm phương tiện, tùy thuận chúng sinh, đều khiến hoan hỷ, hằng vì thuyết pháp, mở bảo cho biết chân tính. Vậy mới phải tu chư thiện pháp, được nên a nậu bồ đề.

Tu Bồ Đề, sở ngôn thiện pháp giả, Như lai thuyết tức phi thiện pháp, thị danh thiện pháp.

Phật lại bảo Tu Bồ Đề rằng bản lai nguyên chẳng có thiện pháp vậy. Nhân bởi chúng sinh bất giác, tùy nghiệp lưu chuyển, tạo tác chư ác, vạn kiếp luân hồi. Vì vậy, Phật phải phương tiện, giả chư thiện pháp, mở bảo cho minh bản tính.

Lại rằng có mười sáu sự đối. Thiện đối cùng ác. Hữu đối cùng vô. Sinh đối cùng tử. Khứ đối cùng lai. Động đối cùng tịnh. Ngữ đối cùng mặc. Thẳng đối cùng phụ. Cao đối cùng hạ. Dầu chẳng còn thấy lưỡng đầu đối đãi, ắt nên a nậu bồ đề.Vì vậy rằng chẳng có thiện pháp mới gọi là thiện pháp.

PHƯỚC TRÍ VÔ TỶ PHẦN ĐỆ NHỊ THẬP TỨ

Tu Bồ Đề nhược tam thiên đại thiên thế giới trung, sở hữu chư Tu Di sơn vương, như thị đẳng thất bảo tụ, hữu nhân trì dụng bố thí.

Trong đại thiên thế giới, chỗ có chư Tu Di sơn vương. Một tứ thiên hạ là một Tu Di. Trên cao đến Đao Lợi thiên, dưới tới chưng non Côn Lôn. Dầu có người lấy thất bảo cao bằng non Tu Di, mà bố thí, được phước tuy nhiều vô số, chẳng bằng thọ trì tứ cú kệ, vì người diễn thuyết, hơn trì dụng thất bảo bố thí.

Nhược nhân dĩ thử Bát nhã ba la mật kinh, nải chí tứ cú kệ đẳng, thọ trì độc tụng, vị tha nhân thuyết, ư tiền phước đức, bách phần bất cập nhất, bách thiên vạn ức phần, nải chí toán số tỷ dụ, sở bất năng cập.

Phật bèn dùng tính nội phước đức làm trên hết, dùng thất bảo thân trung làm họa cố. Dầu liễu đạt chân tính viên dung, chẳng bỏ hữu vi mà chứng vô vi pháp, chẳng trừ vọng tướng mà nên chân thường đạo. Dầu lấy thất bảo đầy ba ngàn đại thiên thế giới, mà bố thí, được phước tuy nhiều vô lượng, sao bằng người thọ trì kinh bội hơn công đức ấy trăm phần chẳng kịp một. Hà huống lại hay liễu đạt tứ cú kệ, vì người diễn thuyết, chẳng những tự lợi, lại thêm lợi tha. Bèn được vô trụ tướng tịnh diệu công đức, thắng hơn trăm nghìn muôn ức phần. Bèn nhẫn toan kể tỷ dụ, chỗ chẳng hay kịp.

HÓA VÔ SỞ HÓA PHẦN ĐỆ NHỊ THẬP NGŨ

Tu Bồ Đề, ư ý vân hà ? Nhữ đẳng vật vị Như Lai tác thị niệm : Ngã đương độ chúng sinh. Tu Bồ Đề, mạc tác thị niệm. Hà dĩ cố ? Thật vô hữu chúng sinh Như Lai độ giả.

Phật tuy lập pháp, rộng độ chúng sinh, mà chẳng móng toan làm. Thật độ là chẳng có tướng độ năng sở, như như bình đẳng chân pháp giới. Phật chẳng thấy có chúng sinh, mà khó độ. Hết thảy chúng sinh khởi vô biên phiền não vọng tưởng, bởi thấy có thiện ác phàm thánh, sinh ra lòng thủ xả phân biệt. Tình mê ý láu, chẳng biết chưng tính bồ đề. Phật bèn xuất thế dạy, khiến chúng sinh giác ngộ, tẩy tịnh tam độc, đoạn trừ nhân ngã, liễu đạt chư pháp đều không, chẳng có vọng tưởng phân biệt. Lòng hằng không tịch, làu làu thanh tịnh, chưng chẳng còn chút tơ hào tệ ngại, ắt thật kiến tính. Bèn chẳng có chúng sinh Như Lai khá độ vậy.

Nhược hữu chúng sinh Như Lai độ giả, Như Lai tức hữu ngã nhân, chúng sinh, thọ giả.

Người người vốn khẳm, ai ai đều nên. Tự tính bản lai đồng Phật chẳng khác. hết thảy chúng sinh đều bởi vọng duyên nghiệp hiện, nguyên sơ vốn chẳng có chưng chúng sinh. Dầu Như Lai rằng thật có mà độ, ắt bèn chưa khỏi tứ tướng.

Tu Bồ Đề Như Lai thuyết hữu ngã giả tức phi hữu ngã, nhi phàm phu chi nhân, dĩ vi hữu ngã.

Như lai chẳng có tứ tướng, hà huống xưng ngã. Vì bởi phương tiện độ sinh, giả danh đối đãi, bèn phải xưng ngã. Tam thế chư Phật bèn chẳng chỗ có. Nguyên một tự tâm, dầu người đã minh nhân quả, chẳng sai. Bèn hay tâm ngoài vô pháp. Những bậc nhị thừa còn chấp ngã tướng, muốn khỏi sinh tử mà cầu Niết Bàn, muốn xả phiền não mà cầu diệt độ, thật xả nhất biên, chưa liễu trung đạo, lòng còn chấp trước bỉ thử. Nguyên Phật chẳng có ngã tướng mà phàm phu lấy làm có ngã tướng.

Tu Bồ Đề, phàm phu giả Như Lai thuyết, tức phi phàm phu, thị danh phàm phu.

Phật gọi Tu Bồ Đề rằng phàm phu vậy là nguyên chẳng có phàm phu, bèn giả danh mà giữ. Dầu lời trước chẳng cử, ắt chẳng minh chỗ lý, khác nào toan qua sông, mà chẳng dùng thuyền. Dầu lời sau chẳng tẩy, ắt là chấp lấy pháp, khác nào đến bờ, mà cứ trên thuyền. Nhất niệm dầu thanh tịnh, ắt chẳng có phàm, chẳng có thánh. Vì vậy rằng tức phi phàm phu. Phàm phu vốn không, bởi sai nhất niệm, bèn nên vọng chấp. Dầu khỏi chấp trước, ắt hết danh tướng, đều cùng thanh tịnh, Khi ấy ứng hiển thù cơ, mặc dầu gọi thánh xưng phàm chẳng ngại.

PHÁP THÂN PHI TƯỚNG PHẦN ĐỆ NHỊ THẬP LỤC

Tu Bồ Đề, ư ý vân hà ? "Khả dĩ tam thập nhị tướng quán Như Lai phủ ?" Tu Bồ Đề ngôn :"Như thị, như thị, dĩ tam thập nhị tướng quán Như Lai".

Như Lai là chân Phật vậy. Phần thứ năm đã nói. Phần này lại nói, khiến nối lấy nghe theo lời trước. Tu Bồ Đề nghi rằng chúng sinh thật có khá hóa nên thánh, pháp thân ắt chẳng phải không, khá lấy diệu tướng bèn thấy Như Lai vậy.

Phật ngôn :"Tu Bồ Đề, nhược dĩ tam thập nhị tướng quán Như Lai giả, chuyển luân thánh vương, tức thị Như Lai". Tu Bồ Đề bạch Phật ngôn :"Thế Tôn, như ngã giải Phật sở thuyết nghĩa, bất ưng dĩ tam thập nhị tướng quán Như Lai".

Phật lại gọi Tu Bồ Đề mà nói rằng, dầu lấy ba mươi hai tướng, xem thấy Như Lai, chuyển luân thánh vương ắt thật Như Lai. Vả chuyển luân thánh vương thật là vương tứ thiên hạ. Người bèn quảy hay tứ thiên hạ, chính ngũ cửu nguyệt thời xem xét Nam thiện bộ châu; nhị lục thập nguyệt thời xem xét Tây ngưu hóa châu ; tam thất thập nhất nguyệt thời xem xét Bắc câu lô châu; tứ bát thập nhị nguyệt thời xem xét Đông thắng thần châu. Hằng như xe vận chuyển, chiếu khắp thiên hạ, xem xét nhân gian thiện ác. Vì vậy, gọi làm chuyển luân thánh vương.

Trước nhân tu ba mươi hai hạnh tốt, bèn được cụ túc tam thập nhị tướng. Dầu lấy ba mươi hai tướng xem thấy Như Lai, chuyển luân thánh vương ắt thật Như Lai. Chuyển luân thánh vương tuy tu hạnh tốt, lòng còn sinh diệt. Sinh diệt là chuyển luân nghĩa. Vương là tâm vậy. Lòng còn sinh diệt, chẳng được thanh tịnh bản lai chân tâm. Vì vậy rằng chẳng hợp khá lấy tam thập nhị tướng xem thấy Như Lai.

Dĩ thời Thế tôn Nhi thuyết kệ ngôn :

Nhược dĩ sắc kiến ngã

Dĩ âm thanh cầu ngã

Thị nhân hành tà đạo

Bất năng kiến Như Lai

Âm thanh sắc tướng vốn tự tâm sinh. Chưng lòng phân biệt, ắt đọa tà đạo. Dầu hay thấy chẳng có chỗ thấy, nghe chẳng có chỗ nghe, hay chẳng có chỗ hay, chứng chẳng có chỗ chứng. Hiểu được thật thấy diệu lý, bèn hợp thấy Như Lai. Phật bảo Tu Bồ Đề chẳng khá lấy nhãn căn, mà được thấy pháp thân ta. Pháp thân chẳng có sắc tướng, nào khá được thấy. Chúng sinh diệu tính cũng vậy chẳng khác. Chẳng khá lấy nhĩ căn mà cầu pháp thân ta. Pháp thân chẳng có danh thanh, nào khá được nghe. Chúng sinh lấy nhĩ căn nghe thanh, ắt chẳng phải Phật tính. Vì vậy, Phật rằng dầu lấy sắc thấy pháp thân ta, lấy âm thanh cầu ta, thật người làm tà đạo, khôn hay thấy Như Lai.

VÔ ĐOẠN VÔ DIỆT PHẦN ĐỆ NHỊ THẬP THẤT

Tu Bồ Đề, nhữ nhược tác thị niệm : Như Lai bất dĩ cụ túc tướng, cố đắc a nậu đà la tam miệu tam bồ đề. Tu Bồ Đề, mạc tác thị niệm : Như Lai bất dĩ cụ túc tương cố đắc a nậu đa la tam miệu tam bồ đề. Tu Bồ Đề, nhữ nhược tác thị niệm, phát a nậu đa la tam miệu tam bồ đề tâm giả, thuyết chư pháp đoạn diệt. Mạc tác thị niệm. Hà dĩ cố ? Pháp a nậu đa la tam miệu tam bồ đề tâm giả, ư pháp bất thuyết đoạn diệt tướng.

Chư Pháp đoạn diệt là hết thảy pháp, bèn đoạn, bèn diệt, mà chẳng dùng vậy. Tướng là hết thảy pháp tướng. Hễ có hình sắc đều gọi là tướng. Ngày ắt gọi là minh tướng. Đêm ắt gọi là ám tướng. Chưng kinh chỗ nói pháp ắt gọi là pháp tướng. Nơi chẳng có Phật kinh thuyết pháp, ắt gọi là vi pháp tướng. Chẳng dùng pháp mà đoạn diệt vậy, ắt gọi là đoạn diệt pháp. Trong kinh rằng chẳng khá chấp lấy pháp trần, ắt chẳng khá đoạn diệt vậy. Ví bằng sang sông, đã sang sông rồi, ắt chẳng dùng thuyền. Dầu chưa sang sông, há chẳng dùng thuyền, sao được đến ngạn ? Vì bằng người làm đạo, đã liễu ngộ, rồi chẳng khá chấp rằng có Phật pháp. Dầu chưa liễu ngộ, chẳng khá rằng không Phật pháp. Một quyển kinh này nói những chữ vô Phật, lại lo bỏ hữu chấp không, khác nào t?ịch đầu hỏa. Vì vậy, một phần này hằng răn Tu Bồ Đề :"Tác thị niệm", "Mạc tác thị niệm", rằng phát lòng cầu a nậu bồ đề, chưng pháp chẳng khá nói đoạn diệt vậy.

BẤT THỌ BẤT THAM PHẦN ĐỆ NHỊ THẬP BÁT

Tu Bồ Đề nhược bồ tát dĩ mãn hằng hà sa đẳng thế giới thất bảo, trì dụng bố thí, nhược phục hữu nhơn tri nhất thiết pháp vô ngã, đắc thành ư nhẫn, thử Bồ tát thắng tiền bồ tát sở đắc công đức.

Thông đạt hết thảy pháp, lòng chẳng còn năng sở. Đã hay nhân pháp đều không, ắt chẳng có sinh ra lưỡng chấp, gọi là vô sinh nhẫn. Bồ tát liễu ngộ vô sinh pháp nhẫn, chỗ được công đức bội hơn bồ tát trước, lấy thất bảo mãn hằng hà sa thế giới, mà bố thí vậy.

Hà dĩ cố ? Tu Bồ Đề, dĩ chư bồ tát bất thọ phước đức cố.

Ấy chư bồ tát chẳng chịu phước đức, vậy là bồ tát chẳng cầu phước thế gian phú quí, bèn tích phước như hư không. Vậy rằng chẳng chịu phước đức tích chưng hư không càng sâu càng lớn đến nhẫn thành Phật. Dầu chứng thành Phật hưởng phước vô cùng vô tận, rộng lớn hơn thiên địa. Vì vậy, Phật xưng là lưỡng túc tôn, rằng phức túc, tuệ túc, gồm hòa hai đều khẳm vậy.

Tu Bồ Đề bạch Phật ngôn :"Thế Tôn, vân hà bồ tát bất thọ phước đức ?" "Tu Bồ Đề, bồ tát sở tác phước đức, bất ưng tham trước thị cố thuyết bất thọ phước đức."

Bồ tát chỗ làm phước đức, chẳng hợp tham chấp là rằng bồ tát vốn chẳng phải làm phước đức, bởi hay một bề độ chúng sinh, chỗ phước đức tự nhiên theo vậy. Dường bằng ngày đi trong nửa ngày, vốn chẳng mong sự nhật ảnh, mà nhật ảnh tự nhiên theo vậy. Bồ tát chỗ làm phước đức, chẳng vì tự kỷ, nhưng muốn lợi ích hết thảy chúng sinh. Ấy thật lòng chẳng chỗ trụ, ắt chẳng tham chấp. Vì vậy gọi rằng chẳng chịu phước đức.

UY NGHI TỊCH TỊNH PHẦN ĐỆ NHỊ THẬP CỬU

Tu Bồ Đề, nhược hữu nhân ngôn :"Như Lai nhược lai, nhược khứ, nhược tọa, nhược ngọa". Thị nhân bất giải ngã sở thuyết nghĩa.

Phật rằng dầu có người nói Như Lai có đi lại ngồi nằm, ắt chẳng biết ý Phật vậy. Dầu chúng sinh bản lai diệu tính chẳng có khứ lai tọa ngoạ, Như Lai ắt cũng vậy. Trong mười hai giờ, tứ uy nghi trung, hằng trụ không tịch. Dầu rằng có động tịnh, ắt chẳng biết Như Lai chỗ nói nghĩa.

Hà dĩ cố ? Như Lai giả, vô sở tùng lai, diệc vô sở khứ, cố danh Như Lai.

Như Lai là chân tính Phật vậy. Khi lai, bèn chẳng có hình lai. Khi khứ, bèn chẳng có hình khứ. Khi trú, bèn chẳng có hình trú. Khi động, khi tịnh, bèn chẳng có hình động, hình tịnh. Trên hợp chư Phật, dưới tới nhẫn quần sinh, một tính bình đẳng, gọi là Như Lai. Như Lai hiện ngàn trăm ức hóa thân, diễn chân không vô tướng pháp, bằng tượng hiện trong gương, chưa từng sinh diệt. Chẳng sinh vậy là phiền não chẳng từng sinh. Chẳng diệt vậy là giác tính chẳng từng diệt. Ứng khứ ứng lai, mà chẳng có khứ lai. Vì vậy gọi là Như Lai.

NHẤT HỢP LÝ TƯỚNG PHẦN ĐỆ TAM THẬP

Tu Bồ Đề, nhược thiện nam tử, thiện nữ nhân dĩ tam thiên đại thiên thế giới, túy như vi trần, ư ý vân hà ? "Thi vi trần chúng, ninh vi đa phủ ?" Tu Bồ Đề ngôn :"Thậm đa, Thế Tôn. Hà dĩ cố ? Nhược thị vi trần chúng, thật hữu giả, Phật tức bất thuyết thị vi trần chúng. Sở dĩ giả hà? Phật thuyết vi trần chúng, tức phi vi trần chúng, thị danh vi trần chúng. Thế Tôn, Như Lai sở thuyết tam thiên đại thiên thế giới, tức phi thế giới, thị danh thế giới.

Vi trần là vọng niệm vậy, thế giới là căn thân dị danh. Vi trần là nhân, Thế giới là quả. Vi trần thế giới là nhân quả vậy. Vốn tự kỷ chân tính chẳng có nhân, ắt chẳng có quả. Thiện ác là nhân. Lục đạo là quả. Tứ sinh lục đạo bởi vì thiện ác nhân quả vậy. Bèn hay vi trần khởi chưng nơi thế giới, luân hồi bởi chưng nơi vọng niệm. Dầu thấy chút lành, chẳng khá chấp trước. Dầu thấy chút dữ, ắt tua khử trừ. Chúng sinh vọng niệm khởi tham sân si nghiệp quả, uổng chịu tam giới mộng huyễn. Dường bằng vi trần tích nên thế giới. Nào hay nhân quả ắt bởi vọng tâm tự tác tự thọ. Dầu hay nhất niệm hồi quang, liễu ngộ bản nguyên thanh tịnh. Vì vậy rằng chẳng có vi trần ắt gọi là vi trần, chẳng có thế giới ắt gọi là thế giới.

Hà di?ố ? Nhược thế giới thật hữu giả, tức thị nhất hợp tướng .

Nhất hợp tướng là chân tính vậy . Chân tính khắp hư không thế giới, lại chẳng có hình tướng. Dầu rằngnhất, ắt chẳng khá phân làm nhị. Dầu rằng hợp, ắt chẳng khá chiết làm ly. Vi trần là nhân, thế giới là quả. Dầu chấp nhân quả làm thật có, bèn phải chưng hình phược. Vậy rằng ắt thật nhất hợp tướng.

Như Lai thuyết nhất hợp tướng, tức phi nhất hợp tướng, thị danh nhất hợp tướng.

Tu Bồ Đề rằng Phật hằng nói Nhất hợp tướng là chân tính vậy. Phi nhất hợp tướng là chân tính như hư không. Bèn chớ chấp làm thật có, ắt chớ chấp làm thật không. Chưng nơi tướng, bèn khởi tướng. Vì vậy rằng ắt chẳng phải nhất thập tướng, thật gọi làm nhất thập tướng.

Tu Bồ Đề, nhất hợp tướng giả, tức thị bất khả thuyết.

Phật lại gọi Tu Bồ Đề, dầu nhất hợp tướng, dầu chân tính, ắt chẳng khá nói. Bèn gượng danh gọi làm nhất hợp tướng vậy. Hết thảy người làm đạo, bèn tua tự tỉnh, tự ngộ chưng nơi sự lý đều chớ quải ngại. Những người phàm phu chẳng đạt chỗ lý, bèn chấp sự tướng, thấy nói nhân quả lại chấp nhân quả, thấy nói thế giới lại nói thế giới.

Đản phàm phu chi nhân, tham trước kỳ sự.

Phật rằng những người phàm phu chẳng hay liễu ngộ chân tính, bèn chấp trước những sự trong chân tính chỗ hiện là sắc thân lục căn vậy. Phàm phu chấp lấy sắc thân lục căn làm tự thân tướng, vì vậy trầm luân lục đạo, chẳng hay thoát khỏi, gọi làm phàm phu. Khỏi hết chư hòa hợp tướng, thật gọi làm vô thượng giác. Ngoài giác hết thảy hữu tướng, trong giác hết thảy không tướng. Chưng nơi tướng, bèn khỏi tướng. Chưng nơi không bèn khỏi không. Biết được diệu lý chân không vô tướng, chỗ bèn gọi làm Phật.

Phàm phu chấp nhất hợp tướng. Nhãn thấy sắc, ái sắc ắt hợp cùng sắc, Nhĩ văn thanh, ái thanh bèn ắt hợp cùng thanh. Chưng hết thảy pháp đều hợp tướng. Dầu bồ tát chưng hết thảy pháp đều chẳng hợp tướng. Hợp ắt dấy ra, sinh diệt hệ phược. Chẳng hợp ắt giải thoát, bất sinh bất diệt. Dầu phải hệ phược, ắt thật phàm phu. Vì vậy trong kinh rằng những phàm phu tham chấp sở sự.

TRI KIẾN BẤT SINH PHẦN ĐỆ TAM THẬP NHẤT

"Tu Bồ Đề, nhược nhân ngôn Phật thuyết ngã kiến nhân kiến, chúng sinh kiến thọ giả kiến. Tu Bồ Đề, ư ý vân hà ? Thị nhân giải ngã sở thuyết nghĩa phủ ? " " Phất giả Thế Tôn, thị nhân bất giải. Như Lai sở thuyết nghiã. Hà dĩ cố ? Thế Tôn thuyết ngã kiến nhân kiến chúng sinh kiến thọ giả kiến, tức phi ngã kiến, nhân kiến chúng sinh kiến thọ giả kiến, thị danh ngã kiến nhân kiến chúng sinh kiến thọ giả kiến".

Phật nói chưng tứ cú đẳng tướng, chỉn thấy chỗ tính, chẳng thấy chỗ tướng. Điệp lời trước lại nói ba lần, ắt Phật phân biệt, khiến chớ chấp thân, bèn được thấy tính. Phật nói ngã kiến chúng sinh kiến là xem lấy tính, chớ xem lấy thân, phá tướng cho biết không, bèn về không tịch vậy. Thoát trừ già tỏa ra khỏi mê tận, dầu biết Bát nhã Kim Cương pháp, dạy người học nhân, trước trừ thô trọng tứ tướng, khiến cho thấy chân tính, sau lại trừ vi tế tứ tướng, ắt đều hiển ra trong lý thanh tịnh. Dầu chư pháp hay biết nhiều, sao bằng một pháp chẳng chỗ cầu, lấy làm tối thượng đệ nhất vậy.

Người làm đạo là vô sự nhân, ắt chẳng cho nhiều sự. Lòng vô sự ắt không. Dầu muốn được nên Phật, hết thảy pháp đều chẳng dùng học. Bèn học lấy cho biết, chẳng chỗ cầu, chẳng chỗ chấp. Chẳng chỗ cầu, ắt lòng chẳng sinh. Chẳng chỗ chấp ắt lòng chẳng diệt. Chẳng sinh, chẳng diệt, bèn là Phật vậy. Lại rằng chẳng chỗ cầu, chẳng chỗ được, làu làu vậy. Hằng trụ, ắt thật thanh tịnh ngã kiến. Dầu thấy tự tính vốn mình cụ túc, thật là thanh tịnh nhân kiên. Chưng trong tự tâm vốn chẳng có phiền não mà khá đoạn, thật là thanh tịnh chúng sinh kiến. Tự tính chẳng có đổi, chẳng có khác, chẳng sinh, chẳng diệt, thật là thanh tịnh thọ giả kiến. Bèn mới gọi là chẳng có tứ chủ tướng vậy.

Tu Bồ Đề, pháp a nậu đa la tam miệu tam bồ đề tâm giả, ư nhất thiết pháp, ưng như thị tri, như thị kiến, như thị tín giải, bất sinh pháp tướng. Tu Bồ Đề sở ngôn pháp tướng giả, Như Lai thuyết tức phi pháp tướng, thị danh pháp tướng.

Hai chữ như thị là đã thân thiện cứu cánh vậy. Dầu muốn phát lòng a nậu bồ đề, chưng hết thảy pháp hợp hay như dường ấy, hợp thấy như dường ấy, hợp tin biết như dường ấy, ắt chẳng phải cầu pháp giới. Dầu thứ mới nhập đạo chẳng mượn pháp tướng, ắt chẳng nương đâu cho được kiến tính. Dầu đã liều ngộ rồi, ắt hợp viễn ly, chớ còn chấp trước. Chỗ rằng đến ngạn, chẳng lọ dùng thuyền. Hợp hay hết thảy chúng sinh đều có Phật tính. Hợp thấy hết thảy chúng sinh đều khẳm vô lậu trí tuệ. Hợp tin hết thảy chúng sinh đều có chơn tính linh nguyên bất sinh bất diệt. Dầu hay liễu ngộ rồi, ắt thật đại trí tuệ, chẳng còn năng sở, tâm chẳng còn tri giải tướng. Miệng nói vô tướng pháp, lòng biết vô tướng lý, hằng làm vô tướng hạnh. Vì vậy rằng pháp tướng chẳng có sinh, mới gọi là pháp tướng vậy.

ỨNG HÓA PHI CHÂN PHẦN ĐỆ TAM THẬP NHỊ

Tu Bồ Đề, nhược hữu nhân dĩ mãn vô lượng a tăng kỳ thế giới thất bảo, trì dụng bố thí. Nhược hữu thiện nam tử thiện nữ nhân, phát bồ đề tâm giả, trì ư thử kinh, nải chí tử cú kệ đẳng, thọ trì độc tụng, vị nhân diễn thuyết, kỳ phước thắng bỉ.

Duyên chưng căn bản kinh này vậy, bèn lấy phá tướng làm tôn, bèn dùng liễu không làm nghĩa. Còn mê tính mà bố thí, ắt thật hữu vi. Sao bằng người đã kiến tính, biết được tứ cú biết bàn bất sinh bất diệt, hằng diễn pháp dường bằng mộng huyễn. Dầu đã chính kiến, giáo hóa chúng sinh, phước bội hơn người, lấy vô lượng vô ương số thế giới thất bảo, mà bố thí.

Phát bồ đề tâm là đại thừa tối thượng thừa phát quảng đại tâm tế độ hết thảy chúng sinh vậy. Phần trước tỷ dụ, lấy Hằng hà sa thế giới thất bảo còn ít. Phần này lại tỷ dụ, lấy vô lượng a tăng kỳ thế giới thất bảo cực nhiều. Tuy rằng bố thí dường ấy, chưa khỏi nhân thiên tiểu quả, gọi là thế gian phước, chưng sau có khi hữu tận. Huống là thọ phước, lại tạo ác nghiệp ? Sao bằng người thọ trì kinh này ? Hà huống liễu ngộ tứ cú kệ, vì người diễn thuyết xuất thế gian phước, chứng vô vi pháp, chưng sau vô cùng vô tận. Vì vậy, gọi rằng kỳ phước thắng bỉ.

Vân hà vị nhân diễn thuyết

Rằng tứ đại sắc thân chẳng hay thuyết pháp thính pháp. Thật là tự kỷ pháp thân trước mặt một mình sáng làu làu, thông suốt khắp mười phương, bèn hay thuyết pháp thính pháp. Chứ có lấy những lời người nói. Dầu được nhiều lời, khác nào thiên hoa loạn trụy, chỗ lòng chẳng từng thêm. Dầu lại chẳng diễn thuyết, chỗ lòng chẳng từng bớt. Còn mong cầu chấp trước, càng huyền viễn. Học nhiều còn chấp trước, càng chuyển xa. Sao bằng tịch tịnh, hội ngộ chính tri vậy.

Bất thủ ư tướng, như như bất động.

Rằng chẳng chấp lấy hình tướng ắt như như chẳng động vậy. Như như là tự như vậy. Trong tự tính, bèn muốn làm nhãn thiên, ắt hiện làm nhân thiên. Muốn hiện làm dị loại ắt hiện làm dị loại. Ví bằng trong gương hiện tượng, nào hình chi chẳng chỗ khá thật, là tự như vậy. Bèn ra khắp hư không thế giới, hằng trụ mà chẳng từng động, gọi là bất động.

Hà dĩ cố ?

Nhất thiết hữu vi pháp

Như mộng huyễn bào ảnh

Như lộ diệc như điện

Ưng tác như thị quán

Hết thảy hữu vi pháp là trên từ thiên địa tạo hóa, dưới đến nhẫnnhân gian vạn vật, dầu sinh lão bệnh tử, giàu khó, sang hèn, sĩ, nông, công, thương, mọi loài sắc vật, dầu nhẫn xanh vàng thắm trắng, thô tế, thanh trọc, dầu có dầu không, dầu hư dầu thật, sâu cạn thấp cao, ắt thật vọng tâm khởi diệt, hết thảy thiện ác muôn pháp cũng là hữu vi vậy.

Như mộng là mộng trung vọng tưởng. Khi chiêm bao thấy bằng đường thật có. Khi tỉnh giấc dậy, mọi sự đều không. Còn mê, muôn pháp ắt thật có. Giác liễu ngộ rồi, muôn pháo đều không. Bèn tỷ dụ rồi hết thảy pháp như mộng vậy.

Như huyễn là huyễn thuật biến hóa. Hoặc kết khăn làm hình quỉ. Hoặc kết cỏ làm hình ngựa. Tạo tác muôn hình, hóa thuật chủng chủng hư vọng. Bèn tỷ dụ rằng, hết thảy chư pháp cũng như huyễn vậy.

Như bào là thủy thượng chư bào. Gió đánh nước cọ, kết nên bọt, kíp sinh kíp diệt, há được bền lầu ? Xem muôn pháp dường bằng sóng nổi, tuy có nhưng mà chẳng thật. Bèn tỷ dụ rằng hết thảy chư pháp cũng như bào vậy.

Như ảnh là hiện hóa chư ảnh, bằng bóng ở trong gương, bằng nguyệt hiện dưới nước, khác nào sắc thân, từng nghiệp duyên mê vọng chủng chủng hư giả. Bèn tỷ dụ rằng hết thảy chư pháp cũng như ảnh vậy.

Như lộ là bằng sương tuyết sâm sy, tuy nhẫn có vậy, chẳng được bao chầy, giây phút lại không. bèn tỷ dụ rằng hết thảy chư pháp cũng như lộ vậy.

Như điện là bằng sấm chớp giáng ra, tuy ắt có sáng, chẳng được bao lâu. Bèn tỷ dụ rằng chư pháp cũng như điện vậy.

Dầu nhẫn hữu vi vô vi, ắt đều về viên giác diệu tâm, lòng hằng không tịch, sạch sẽ làu làu, chẳng có chút thiên trầm quải ngại, tự nhiên thanh tịnh vô vi, như như chẳng động. Hợp xem bằng dường ấy, mới phải ưng tác như thị quan.

Phật thuyết thị kinh dĩ, trưởng lão Tu Bồ Đề cập chư tỳ kheo, tỷ kheo ni, ưu bà tắc, ưu bà di, nhất thiết thế gian thiên nhân a tu lai, văn Phật sở thuyết giai, đại hoan hỷ, tín thọ phụng hành.

Tăng sư là tỳ kheo vậy. Sư cô là tỳ kheo ni. Cư sĩ là ưu bà tắc. Đạo cô là ưu bà di. Hết thảy những người thế gian, đến nhẫn người trên thiên thượng, a tu la thần cùng khẳm hết trong nơi lục đạo nghe Phật chỗ nói kinh này, đều sinh ra lòng hoan hỷ tin. Bèn vâng chịu kính tuân lời Phật dạy, giữ làm. Hễ lời chí lý vô ngôn. Chân không diệu thể vô tướng đều vắng lặng vậy. Bèn chẳng chấp trước ngôn thuyết, chẳng còn chấp trước tri giảim ắt thật vô ngôn vô tướng, Kinh Kim Cương này chưng nơi ý thú vốn ắt rằng vậy thật. Bèn chuyển lập chuyển phá, muốn cho mọi người chí lý, chẳng còn một pháp khá được, khỏi hết thảy chư trần cảnh hoặc, đến nhẫn rồi hết, chứng được tâm địa, gọi là thanh tịnh tâm, lại gọi là bản lai tâm. A? gọi là đáo bỉ ngạn, lại gọi là chứng niết bàn. Lại rằng là giải thoát đạo. A? thật cũng là một vậy.


---o0o---
Chân thành cảm ơn Đại Đức Nhật Từ đã gởi tặng phiên bản điện tử tập sách này
(Trang nhà Quảng Đức, 02/2002)
Trình bày : Nhị Tường

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]