Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

I. Phật Nói Kinh Mộc Hoạn Tử (1)

20/05/201312:18(Xem: 10766)
I. Phật Nói Kinh Mộc Hoạn Tử (1)

Kinh Lần Tràng

I. Phật Nói Kinh Mộc Hoạn Tử (1)

Việt dịch: Hòa Thượng Thích Tâm Châu

Nguồn: Việt dịch: Hòa Thượng Thích Tâm Châu

Chính tôi được nghe: (2) Một thời kia đức Phật du-hóa trong núi Kỳ-Xà-Quật (Grdhrakùta), nước La-Duyệt-Kỳ (Ràjagrha), cùng với một nghìn hai trăm năm mươi vị Đại-Tỳ-Khưu và vô số những vị Bồ-Tát, mà là những vị đã được tiếng tăm đồn xa, Nhân, Thiên cung kính.
Quốc-vương trong thời nạn ấy tên là BA-LƯU-LY, sai Sứ-giả đến chốn Phật. Đến nơi, Sứ-giả ấy đỉnh lễ chân Phật và bạch Phật rằng: Lạy đức Thế-Tôn, nước chúng con là một nước biên-tiểu, nhiều năm giặc giã, ngũ-cốc đắt đỏ, tật-dịch tràn lan, nhân dân đói khổ, chúng con thường không nằm yên được. Chúng con được biết Pháp-tạng của Như-Lai rất rộng rãi, sâu xa, đáng tiếc chúng con vì có những việc lo buồn như thế, nên không tu hành được. Chúng con kính mong đức Thế-Tôn đặc biệt rủ lòng thương xót chúng con, cho chúng con pháp-yếu gì, để chúng con ngày đêm có thể tu hành được dễ dàng và trong đời mai sau xa lìa được mọi khổ-não.

Đức Phật bảo Sứ-giả về thưa với nhà vua rằng: nếu nhà vua muốn diệt được phiền-não-chướng, báo-chướng nên xâu một chuỗi tràng một trăm tám hạt bằng hạt cây tra (mộc-hoạn-tử) và thường đem theo mình; khi đi, khi ngồi, khi nằm thường nên chí tâm, không phân tán ý, xưng danh hiệu: PHẬT-ĐÀ, ĐẠT-MA, TĂNG-GIÀ (3) mỗi lần là lần qua một hạt cây tra. Cứ như thế, lần lượt qua hạt này đến hạt khác, như: mười hạt, hai mươi hạt, trăm hạt, nghìn hạt, cho đến trăm nghìn vạn hạt. Nếu lần được đủ hai mươi vạn lượt, mà thân tâm không tán-loạn, không có những siểm-khúc, thời khi xả thân này được sinh lên cõi Diệm-Thiên thứ ba. Lên đấy, y, thực tự nhiên, thường an lạc hạnh. Nếu lại lần đủ được một trăm vạn lượt, sẽ dứt hẳn được một trăm tám kết-nghiệp (4), mới gọi là vị chứng được quả Tu-Đà-Hoàn (Srotàpanna-phala: Nghịch-lưu: ngược dòng sinh-tử), hướng đến đạo Niết-bàn, dứt hẳn cội gốc phiền-não và được quả vô-thượng.
Đức Phật dạy xong, Sứ-giả lễ Phật lui về tâu với nhà vua những lời mà Đức Phật đã dạy, nhà vua rất vui mừng, liền xa hướng về phía đức Thế-Tôn, đầu diện lễ Phật và bạch rằng: Quý hóa thay, lạy đức Thế-Tôn, con sẽ phụng hành y như lời đức Thế-Tôn đã dạy. Lễ rồi, tức thời sai các quan và nhân dân, tìm kiếm hạt cây tra, làm thành nghìn cỗ tràng. Làm xong, lục thân quyến-thuộc (5) nhà vua đều cho mỗi người một cỗ.
Từ đó, nhà vua thường tụng niệm. Tuy có khi nhà vua thân coi việc quân-lữ, nhưng không từng cất, bỏ tràng hạt ấy. Hơn nữa, nhà vua lại khởi ra niệm này: Đức Thế-Tôn là bậc đại-từ, ứng khắp hết thảy tâm nguyện chúng-sinh. Nếu thiện căn này của con được khỏi hẳn trầm luân khổ hải, thời mong đức Như-Lai hiện đương thân thuyết-pháp cho con nghe. Nhà vua mong muốn quá, bức bách tâm thần, đến nỗi ba ngày không ăn gì cả.
Đức Phật liền ứng hiện thân hình cùng những quyến thuộc đến trong cung vua, mà bảo nhà vua rằng: Sa-đẩu Tỳ-Khưu( 6) tụng danh hiệu Tam-bảo, trải qua mười năm, được chứng quả Tư-Đà-Hàm và tu hành dần dà sẽ được làm ngôi Bích-Chi-Phật ở thế-giới Phổ-Hương.
Sau khi nhà vua được nghe những lời Phật dạy như thế rồi, lại càng tu hành hơn lên.
Đức Phật bảo ông A-Nan: Lọ là tụng danh hiệu Tam-bảo đến vạn lượt mới được như thế, ai nghe được tên người tụng ấy, sinh nhất niệm tùy hỷ, nơi sinh của đời mai sau, thường thường được nghe mười điều thiện.
Khi đức Phật nói pháp-ngữ ấy rồi, đại chúng hoan hỷ, đều nguyện phụng hành.



Chú thích


(1) Kinh Mộc-hoạn-Tử là cuốn kinh số 786 trong Đại-Tạng-Kinh. Mộc-Hoạn-tử tiếng Phạm gọi là A-Lê-sắt-ca-tử (Aristaka). Mộc-Hoạn-tử cũng gọi là Vô-Hoạn-tử và Tra-mộc, là thứ cây hay trừ được tà-quỷ, nhưng, kỳ thực hạt và gỗ nó có thể làm được hạt tràng. Sao lại gọi là “Vô-Hoạn-tử” và “Tra-mộc”? Theo trong Thôi-Báo cổ-kim chú nói: Trình-Nhã hỏi: cây tra (tra-mộc) sao lại gọi là cây “Vô-hoạn”? - Đáp: Xưa kia có vị Thần-Vu, tên là Bảo-Mạo hay làm bùa để bắt trị mọi quỷ, khi bắt được quỷ, vị ấy dùng gậy đánh chết; người đời thấy thế dùng cây ấy làm một thứ cho mọi quỷ sợ, mà mình không sợ quỷ nữa, nên gọi là “Vô-hoạn”. (Để dễ gọi tên cây này và có tên là Tra-mộc, nên trong quyển này “Mộc-Hoạn-tử” đều dịch là cây “Tra”).
Kinh này mất tên vị dịch chữ Phạm ra chữ Hán, nay phụ vào Đông-Tấn lục mà thôi.
(2) Chính tôi được nghe: là lời tự xưng của Ngài A-Nan mà các cuốn dịch trước đã giải thích kỹ. (Và, nếu pháp số ở đây không có chú thích là đã có ở các cuốn trước).
(3) Phật-Đà, Đạt-ma, Tăng-già: Tức là tiếng gọi đủ của ngôi Phật (Buddha), ngôi Pháp (Dharma), ngôi Tăng (Sangha) ba ngôi báu (Tam-bảo) vậy.
(4) Trăm tám kết nghiệp: Tức là 108 phiền-não. Phiền-não này kết-tập sinh-tử nên gọi là kết. Và, cũng do phiền-não sinh ra mọi thứ ác-nghiệp nên gọi là kết-nghiệp. Trăm tám kết-nghiệp là 88 sử của Kiến-hoặc tức là về cõi Dục: Khổ-đế có 10: Thâm, sân, si, mạn, nghi, thân-kiến, biên-kiến, tà-kiến, kiến-thủ, giới-cấm-thủ; Tập-đế có 7: tham, sân, si, mạn, nghi, tà-kiến, và kiến-thủ; Diệt-đế có 7: tham, sân, si, mạn, nghi, tà-kiến và kiến-thủ; Đạo-đế có 8: tham, sân, si, mạn, nghi, tà-kiến, kiến-thủ, và giới-cấm-thủ. Như thế là cõi Dục có 32 sử. Cõi Sắc và cõi Vô-sắc mỗi cõi đều có 28 sử như: Khổ-đế có 9: Tham, si, mạn, nghi, thân-kiến, biên-kiến, tà-kiến, kiến-thủ, giới cấm thủ; Tập-đế có 6: tham, si, mạn, nghi, tà-kiến và kiến-thủ; Diệt-đế có 6: tham, si, mạn, nghi, tà-kiến và kiến-thủ; Đạo-đế có 7: tham, si, mạn, nghi, tà-kiến, kiến-thủ và giới-cấm-thủ. Thế là trong 4 Đế của cõi Sắc và Vô-Sắc mỗi cõi có 28 sử, hai cõi thành 56 sử. 56 sử này cộng với 32 sử trên thành 88 sử của Kiến-hoặc. Thêm vào 10 sử của Tư-hoặc (theo Tiểu-thừa) là: cõi Dục có 4: tham, sân, si, mạn; cõi Sắc có 3: tham, si, mạn; cõi Vô-sắc có 3: tham, si, mạn. Tổng cộng là 10 Sử của Tư-hoặc. 88 Sử trên với 10 Sử này là 98 Sử. Lại thêm vào 10 Triền nữa: vô tàm, vô quý, hôn-trầm, ác-tác, não, tật, điệu-cử, thụy-miên, phẫn, phú, thành ra 108 kết-nghiệp.
(5) Lục thân quyến-thuộc: Nói hẹp là cha, con, anh, em, chồng, vợ, nói rộng là họ hàng thân-thích.
(6) Sa-Đẩu Tỳ-Khưu: Có lẽ có ý-nghĩa như “Thiện lai Tỳ-khưu”? Vì thường pháp của chư Phật: do nguyện-lực của đương-nhân cùng sức uy-thần của Phật, Phật hướng về người nguyện xuất-gia hay gọi là “Thiện lai Tỳ-Khưu”. Nơi đây tra-cứu không thấy có danh-từ Sa-đẩu, hoặc là Phật đặt tên cho ông vua Ba-lưu-ly chăng?

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]