Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần 7

13/05/201319:40(Xem: 7327)
Phần 7



Những Nét Văn Hóa Của Ðạo Phật

Trung Tâm Văn Hóa – Chùa Việt Nam

TT. Thích Phụng Sơn

---o0o---

Phần 7

12. Xuân Tươi Thắm


09netv34Mỗi năm, người dân Việt Nam dù theo tôn giáo nào cũng đều ăn mừng Tết Nguyên Đán. Nguyên là bắt đầu, Đán là buổi sớm mai. Tết Nguyên Đán là lễ chào mừng một năm mới, một nguồn hy vọng mới với tất cả sự mới mẻ trong lòng chúng ta cũng như cảnh vật thiên nhiên bên ngoài. Việc cử hành các lễ lạc mừng xuân mang rất nhiều ý nghĩa trong lòng người dân Việt trong nhiều giai đoạn lịch sử thăng trầm của dân tộc. Lúc thanh bình là lúc cảm tạ Phật trời đã giúp cho người dân sống đời an lạc, vua chúa cai trị anh minh, thời loạn lạc chiến tranh thì tỏ lòng mong ước sớm có hòa bình thịnh trị, lúc xa xứ thì tỏ lòng cầu chúc quê nhà sớm được an vui, người xa nhau chóng được đoàn tụ.

Dù bận bịu chuyện gì, vào những ngày gần Tết, người dân Việt Nam đều lo trang hoàng lại nhà cửa, đánh bóng lai các lư hương chân đèn bằng đồng, cùng chưng dọn lại bàn thờ cho đẹp đẽ. Hoa quả được bầy biện trang hoàng, các câu đối cũ, nếu có thể, được thay bằng câu đối mới. Mỗi nhà đều cố gắng sắm sửa bánh tét, bánh chưng, dưa hành, mứt hạt dưa, bông hoa quả phẩm. Các người thuộc dòng thứ còn gởi Tết (phẩm vật để cúng) tới nhà trưởng, tức là người con trưởng có trách nhiệm đại diện các em và con cháu để cúng tổ tiên trong dịp Tết.

I. Lễ Gia Tiên Hay Cúng Ông Bà

Chiều ba mươi Tết, sau khi giãi quyết các việc cần thiết cũng như trang hoàng bày biện bàn thờ, các gia đình Việt Nam sửa soạn lễ cúng gia tiên. Nhang đèn trên bàn thờ được thắp sáng và tỏa mùi thơm thanh khiết, hoa quả phẩm vật được bày biện đẹp mắt. Ở Việt Nam trước đây, nhang vòng được dùng vào ngày lễ cúng gia tiên vào chiều 30 Tết, lễ mời ông bà cha mẹ về ăn Tết cùng con cháu, vì nhang vòng cháy suốt đêm mới hết. Trên bàn thờ ông bà luôn luôn có hương khói trong ba ngày Tết. Người gia trưởng đại diện cho mọi người khấn tên vị quá vãng và mời họ về chứng giám cùng chung vui ba ngày xuân. Sau đó theo thứ bực, mỗi người tuần tự đến bàn thờ lễ (lạy) bốn lạy và vái 3 vái. Cùng vào lúc ấy tiếng pháo nổ rộn ngoài sân làm cho không khí thêm phần vui tươi, háo hức. Để tỏ lòng thành kính, sáng mồng một Tết, chúng ta cúng lễ gia tiên, cỗ chay hay mặn.


09netv35Những người Phật tử thường cúng chay. Có những ông bà trước khi qua đời tu hành tinh tấn, dặn dò con cháu khi đến ngày kỵ giỗ thì cúng chay nên họ thực hành điều đó. Vì thế ngày Tết nhiều gia đình nấu mâm cỗ chay và đặt mua các thức bánh chay để cúng và cùng đãi đằng những Phật tử đến viếng thăm vào ngày mùng một Tết.

II. Ý Nghĩa Việc Cúng Ông Bà Trong Ngày Tết

Chúng ta đang ở thời đại khoa học tân tiến. Mọi người đều biết thế giới này rộng lớn mênh mông. Quả đất to lớn của chúng ta chỉ là một thành phần nhỏ bé của thái dương hệ, gồm mặt trời và các hành tinh khác. Giải Ngân Hà, thế giới của chúng ta, có đến hằng tỷ tỷ mặt trời. Như thế thái dương hệ cũng chỉ là một thành phần rất nhỏ của giải Ngân Hà, ví như một hạt bụi cô đơn trong lâu đài to lớn. Giải Ngân Hà cũng chỉ là một thế giới nhỏ bé so với hàng tỷ tỷ thế giới khác trong vũ trụ rộng lớn mênh mông.

Theo các nhà khoa học hiện đại thì vũ trụ có trên 200 ngàn tỷ giải thiên hà mà giải Ngân Hà chúng ta là một. Vũ trụ to lớn hiện nay bắt đầu xuất hiện sau vụ nổ lớn (BigBang) vào khoảng mười lăm tỷ (15,000,000,000) năm trước đây. Vụ nổ vĩ đại đó đã tung ra khắp vũ trụ những đám mây năng lượng, từ đó các ngôi sao thành hình. Quanh các ngôi sao này có các khối lửa nóng nguội dần và trở thành các khối tinh cầu tự quay tròn quanh chúng, và đồng thời chạy vòng quanh mặt trời các nhóm hành tinh (như trái đất), vệ tinh (như mặt trăng) và định tinh (như trái đất), vệ tinh (như mặt trăng) và đinh tinh (như mặt trời) có hằng hà sa số trong vũ trụ bao la này. Kinh điển Phật giáo gọi bầu vũ trụ mênh mông rộng lớn vô cùng đó là tam thiên đại thiên thế giới. Ngay trong giải Ngân Hà (Milky way) này, thái dương hệ mà trái đất chúng ta là một thành phần cũng được ví như hạt bụi nhỏ cô đơn trong một căn phòng vĩ đại và giải Ngân Hà cũng chỉ là một hạt bụi trong vũ trụ vô cùng vô tận.

Khi cúng kỵ ông bà, người Phật tử trên quả đất này khấn nguyện tên người quá vãng, hay lúc chúng ta làm lễ gia tiên, mời ông bà về cùng hưởng xuân với con cháu thì họ từ đâu trong cõi vũ trụ mênh mông ấy trở về với chúng ta.

Đức Phật luôn luôn nhắc nhở người Phật tử đừng có mê tín dị đoan, tất cả các niềm tin phải xuất phát từ kinh nghiệm tự thân, phải dựa trên các sự hiểu biết chính xác. Việc thờ cúng của ngưòi Phật tử ở nhà hay ở chùa cũng đều phản ảnh lời dặn dò đó.

Khi ta thành tâm đốt nén nhang cùng để lòng thanh tịnh mà khấn nguyện các vị quá vãng, một sự nhiệm mầu hưng khởi trong tâm ta. Lúc đó lòng thành bao trùm tất cả, không có một ý tưởng tạp nhạp (tạp niệm) nào xen vào. Tất cả, bên trong cũng như bên ngoài trở nên trong sạch và vắng lặng. Tâm ta trở nên rộng lớn mênh mông như vũ trụ, đèn, nhang, bông hoa quả phẩm ngời sáng lung linh. Sự an lạc và tĩnh lặng tràn đầy khắp chốn. Với tâm rộng lớn, ngời sáng, rỗng lặng và an vui đó con cháu nghĩ tưởng đến ông bà cha mẹ thì ông bà cha mẹ hiện ra tràn đầy, an vui, tươi sáng trong tâm con cháu và cùng vui hưởng ba ngày xuân. Từ sự thành tâm đó mà niềm an vui thật sự dâng lên trong lòng chúng ta. Mỗi người trong gia đình từ giờ phút đó ý thức nhiều hơn đến việc đem lòng thương mến mà đối xử, nói năng với nhau, trẻ con người lớn đều hớn hở vui tươi, chuẩn bị cho buổi cúng giao thừa với sự hiện diện của ông bà, cha mẹ tràn đầy nơi tâm chúng ta: Lòng thương yêu hiếu kính của con cháu đã xóa tan sự cách biệt về không gian lẫn thời gian, giữa kẻ sống và kẻ qua đời. Ba thời quá khứ hiện tại và vị lai cùng hai cõi sống và chết đã hợp thành một chống trong sáng, an vui, rộng lớn bây giờ và nơi đây.

III. Lễ Giao Thừa


09netv36Giao là giao lại cái cũ và thừa là tiếp nhận cái mới. Người Á Đông trước đây tin rằng hàng năm có một vị thần Hành Khiền coi việc nhân gian, hết năm thì có vị Hành Khiền mới đến thay vị Hành Khiền cũ. Lễ giao thừa là cúng tế tiển đưa ông cũ và chào mừng vị mới. Sau này lễ giao thừa mang nặng ý nghĩa tống cựu nghinh tân, tiển đưa cái cũ và đón chào tất cả sự mới mẻ tốt đẹp của năm sắp đến. Lễ này cũng được gọi là lễ trừ tịch. Trừ tịch là giờ phút cuối cùng của năm cũ sắp bắt qua năm mới.

Vào chiều ngày 30 tháng Mười Hai âm lịch, chùa cử hành lễ tiển cúng chư hương linh, hiệp kỵ các vị tổ sư khai sơn cũng như các vị tăng sĩ viên tịch. Sau đó là cúng linh vị các vị Phật tử quá vãng ký linh tại chùa. Lễ giao thừa được cử hành long trọng tại các tư gia, đình, miếu. Bàn thờ giao thừa được bày ở ngoài sân (lộ thiên). Trên bàn thờ có trầm hương bốc khói hương trầm nhẹ thơm, hai cây nến thắp sáng hai bnê, bông hoa quả phẩm được chưng bày gọn ghẽ. Người gia trưởng đại diện mọi người dâng hương, khấn nguyện, sau đó cắm nhang vào lư hương. Lễ giao thừa xong, người Phật tử mặc áo tràng lên chùa lễ phật, nghe giảng và hái lộc đầu xuân. Ngoài ra, nhiều Phật tử đón giao thừa tại chùa rồi sau đó mới cúng ở nhà vì lễ giao thừa ở chùa trang nghiêm và có nhiều đạo vị.

Ngày Vía Đức Phật Di Lặc

Ngày vía tức là ngày Đản Sanh của các vị Phật hay Bồ Tát. Bên Công Giáo và Tin Lành có ngày Giáng Sinh, còn bên Phật Giáo thì lại có rất nhiều ngày Đản Sinh, tức là ngày vía của nhiều vị Phật khác nhau. Như ngày vía Đức Phật Thích Ca Đản Sanh vào ngày rằm (15) tháng tu âm lịch, vía Đức Phật A Di Đà vào ngày 17 tháng 11, vía Đức Phật Di Lặc vào ngày mùng một Tết, vía Đức Quán Thế Âm vào ngày 19 tháng sáu. Chúng ta thường nghe nói đến ngày lễ Đức Phật Đản Sanh vào ngày rằm tháng tư và có thể ít nghe đến một ngày lễ quan trọng trong chốn thiền môn là ngày lễ vía Đức Phật Di Lặc. Có lẽ vì có sự trùng hợp giữa ngày Tết cho nên có nhiều người nghĩ ngày xuân đi chùa lễ Phật, thăm viếng các vị tăng ni, gặp gỡ các vị đồng đạo, cùng tụng kinh niệm Phật và hái lộc đầu năm ở chùa. Chúng ta hãy tìm hiểu xem ngoài việc đi chùa như thế, ngày đầu xuân có ý nghĩa gì đối với người Phật tử tại gia và xuất gia.

Khi gần đến giờ giao thừa, các Phật tử ngồi theo thứ lớp ở chánh điện, nam bên tả, nử bên hửu. Ba hồi chuông báo chúng nhắc nhở các vị tăng ni chuẩn bị y hậu tề chỉnh. Ba hồi bản tiếp theo báo giờ hành lễ sắp bắt đầu. Ba hồi chuông trống bát nhã vang lên theo bước chân các vị tăng vân tập chánh điện (Phật điện) rồi an vị. Giờ giao thừa vừa điểm thì một tràng pháo nổ vang lên những tiếng dòn dã ngoài sân, vị Hòa Thượng, tăng chúng và toàn thể Phật tử cử hành lễ giao thừa.

oDâng hương cúng Phật, đánh lễ chư Phật và Bồ Tát.

oLàm lễ cầu an cho tất cả Phật tử hội viên và gia quyến. Cầu cho quốc gia được thái bình, chúng sanh an lạc.

oTụng kinh Phổ Môn, Bát Nhã và kết thúc bằng tam quy.

Sau đó, vị Giảng Sư của chùa giảng về sự tích và ý nghĩa ngày vía Đức Phật Di Lặc liên quan đến lòng cầu mong giác ngộ của Phật tử. Tiếp đến là chư tăng đánh lễ chúc mừng Hòa Thượng và vị này chúc lại chư tăng. Phật tử chúc mừng và cám ơn chư tăng đã dìu dắt họ tu học và sống cuộc đời thanh đạm, tinh tấn tu hành để làm gương sáng cho mọi người. Hòa Thượng đại diện chư tăng mừng tuổi quý vị Phật tử, chục họ được mọi sự an lành và vững tiến trên con đường học đạo.

Sáng mồng một Tết, chùa cử hành lễ thù ân để tỏ lòng kính trọng và nhớ ơn chư Phật, chư Bồ Tát đã thị hiện trên cõi đời này để khai thị Phật pháp, cùng các bậc Tổ Sư, Tôn Túc đã dẫn dắt Phật tử trên con đường tu học, an vui.

Ở các thiền viện, tôn các vị Phật được xướng tên là sáu vị cổ Phật đến Đức Phật Thích Ca, sau đó là hai mươi tám vị tổ sư Tây Trúc rồi đến các vị tổ Trung Hoa và kế tiếp. Thiền nhấn mạnh đến tâm ấn truyền thừa như một sợi dây dài không đứt đoạn từ xưa cho đến nay. Việc niệm danh hiệu các ngài là xác nhận việc truyền thừa tâm ấn và tỏ lòng kính ngưỡng các bậc tiền bối đó.

IV. Nội Dung Ngày Lễ

Chúng ta tự hỏi hình thức lễ lạc như vậy chỉ là tập quán, một cuộc tụ họp vui vẻ hay còn có một ý nghĩa nào khác? Tại sao người Phật tử xem lễ vía Đức Phật Di Lặc vào ngày mồng một Tết là quan trọng trong đời sống tu tập của họ? Muốn hiểu điều này, chúng ta phải đi sâu hơn vào sự mầu nhiệm của tâm uyên nguyên nơi mỗi chúng ta.

Phật giáo hay đề cập đến ba Thân Phật: Pháp Thân, Báo Thân và Hóa Thân Phật. Pháp Thân là “Thân” tròn đầy và khắp giáp vũ trụ. Phật và chúng sanh không có gì khác nhau. Phật tánh luôn luôn hiện hữu nơi chúng ta, chiếu sáng tràn đầy nhưng chúng ta bị các ham muốn, lo lắng, sợ hãi, buồn phiền che mờ nên không nhận biết được Phật tánh ấy…

Báo Thân là hình tướng tốt đẹp, trang nghiêm của những vị Phật đã thành chánh giác. Nơi chúng sanh là thân và tâm tràn đầy niềm an lạc, hạnh phúc bao la khi thực hành sự tu tập.

Hóa thân là thân của các Ngài thị hiện làm người để giúp đỡ kẻ khổ đau cùng hướng dẫn loài người trên con đường an vui và hạnh phúc. Ba thân này luôn luôn hiện hữu mà không ngăn ngại nhau. Chúng ta thường nghe nói chúng sanh vì mê tánh giác (không biết được Phật tánh nơi chính mình) nên sống trầm luân trong khổ đau, còn Đức Phật là người thấy rõ tất cả các hiện tượng vật chất và tâm lý đều nương tựa vào nhau mà có, mà hiện hữu (vạn pháp do duyên khởi), có tính cách vô thường và vô ngã nên tuy sống trong thế giới đảo điên nhưng luôn luôn an nhiên tự tại.

Sự thực hành đạo Phật siêng năng giúp ta kinh nghiệm được niềm an vui kỳ diệu vốn rộng lớn bao la và mãi mãi có mặt, trong sáng tinh sạch. Đó là tính cách chân thường, chân ngã, chân lạc và chân tịnh của con người chân thật, của chân tâm hay Phật tánh của mỗi người chúng ta. Do đó, khi đi chùa vào dịp đầu năm, có người Phật tử cầu phúc, cầu lộc, nhưng có nhiều người bày tỏ ước mong tu hành tinh tấn và hướng về sự giải thoát an vui vô cùng.

Phật giáo chú trọng đến sự trong sạch của tâm tức là buông thả tất cả các vọng niệm (ý tưởng phân biệt, so đo, hiềm khích, khen chê, hay dở v.v…). Khi tâm buông thả tất cả mọi tạp niệm gây ra phiền não thì tâm chúng ta tự nó trở thành trong sạch, chiếu sáng rỗng lặng. Tánh tự nhiên của ta, con người chân thật của ta, cái bản lai diện mục (mặt mũi ngàn đời của ta) tự nó lộ diện, tự nó tỏa rộng sáng. Lúc đó tâm của chúng ta đi vào cõi bình an rộng lớn. Chúng ta uống ngụm nước đầu nguồn của dòng suối hạnh phúc uyên nguyên nơi chính chúng ta. Khi tâm đã an bình như thế thì chúng ta tức khắc hiểu được thực tại một cách trực tiếp không qua các lời nói hay chữ viết. Nói theo ngôn ngữ của Lăng Già, sự mầu nhiệm đó có thể diễn tả qua bài kệ ca ngợi tâm giác ngộ của Bồ Tát Đại Huệ như sau:

Thế gian lìa sanh diệt

Ví như hoa hư không

Trí chẳng thấy có không

Mà khởi tâm đại bi

Các pháp đều như huyễn

Xa lìa nơi tâm thức

Trí chẳng thấy có không

Mà khởi tâm đại bi

Xa lìa chấp đoạn thường

Thế gian hằng như mộng

Trí chẳng thấy có không

Mà khởi tâm đại bi

Biết nhân pháp vô ngã

Phiền não và sở tri

Thuờng thanh tịnh không tướng

Mà khởi tâm đại bi.

Nói khác đi khi buông xả tất cả các ý tưởng phân biệt, mâu thuẫn tương tranh thì tâm ta đi vào chốn yên lặng sâu thẳm tự nhiên của nó. Từ chốn yên lặng sâu thẳm tự nhiên ấy mà lòng thương yêu rộng lớn (từ bi) và sự hiểu biết chân thật (trí tuệ) bừng dậy, đưa ta vào thế giới ban sơ, thế giới của tình yêu thương bao la ngời sáng không chủ thể đối tượng tràn đầy yên vui. Đó chính là tâm chân thật, tâm Phật hay còn gọi là tâm giải thoát. Và đó chính thật là mùa Xuân Di Lặc.

V. Ngài Là Ai

Đầu năm chúng ta thường niệm Nam Mô Di Lặc Tôn Phật. Ngài tượng trưng cho nguồn an vui uyên nguyên, linh động chiếu sáng cho nên tượng của Ngài được tạc theo hình ảnh một ông Phật to lớn, mập mạp, ngồi rất tự tại, áo phành ngực, bụng phình ra, và miệng cười rạng rỡ. Trên người vị Phật đó đôi lúc còn có sáu đứa bé tinh nghịch, đứa móc tai, đứa sờ mũi, đứa kéo miệng, v.v…

Tên Di Lặc là chữ phiên âm từ tiếng Phạn (Sankrist) là Maitreya, có nghĩa là Từ Thị (Thị: họ, Từ: từ bi), vì Ngài tu Từ Tam Muội, tâm luôn luôn tỏa chiếu ánh sáng của tình thương yêu trong lành và rộng lớn và phát nguyện cứu độ mọi người. Khi lòng thương yêu tràn đầy thì sự hiểu biết chân thật chiếu sáng cho nên tâm luôn luôn an vui trước mọi biến chuyển trong cuộc đời. Sáu đứa bé tinh nghịch là nói về sáu căn của chúng ta (tai, mắt, mũi, lưỡi, thân và ý) luôn lyôn thúc bách đòi hỏi. Nhưng khi đã thâm nhập vào niềm an vui kỳ diệu của tánh chân thật tự nhiên của mình thì mọi thúc bách, đòi hỏi bên trong đều trở thành một sức mạnh duy trì tâm bình an, linh động và tỏa chiếu. Từ đó, sự an vui tự nhiên xuất hiện nên chúng ta thoải mái và tự tại trong cuộc đời chuyển biến và náo nhiệt.

Vì thế, ngày mùng một Tết lễ chùa không phải là chỉ để cầu xin được giầu, được sang, mà chính là để xin Chư Phật gia hộ cho thân tâm được an vui, gia đạo bình an, phát tâm rộng lớn tu hành để chóng thành Phật quả như Thiện Tài cầu đạo trong kinh Hoa Nghiêm:

“Các bậc dũng mãnh vĩ đại đó,

Đã thành tựu vô số hạnh

An trụ nơi tháp này

Tôi chắp tay kính lễ

Tôi nay cung kính lễ,

Đức Di Lặc Tôn quý

Là con trưởng Chư Phật

Mong Ngài đoái tưởng tôi.”

VI. Hái Lộc Đầu Xuân

Nhà hay chùa vào ngày Tết đều có chưng mai vàng. Với tâm tỉnh thức, trong sáng, thoải mái chúng ta biết cành mai nở rộ đó chính là niềm an vui thanh tịnh lớn lao trong mỗi chúng ta. Ngoài ra, sự tươi mát và đẹp đẽ của hoa, lá và cành là sự báo hiệu tốt đẹp của một năm mới vừa đến cùng với biết bao hy vọng trong lòng. Có một nhánh hoa đẹp để chưng trong ba ngày Tết là đều ai cũng mong ước.

Hái lộc (hái một cành cây có hoa lá) đầu xuân là một tục lệ của người Việt Nam. Chùa ở quê nhà thường rộng rãi. Vườn tược được chăm sóc kỹ lưỡng. Vào mùa xuân cành lá mới đơm chồi nẩy lộc, nhiều loại hoa xuân hé nở xinh tươi. Quanh năm ai cũng bận bịu làm ăn, ba ngày xuân mỗi nhà đều cố gắng mua những cành mai, chậu cúc đẹp đẽ nhất để trang hoàng. Dù ở nhà đã có hoa, người Phật tử đến chùa thường thỉnh một nhánh lộc đầu xuân, một nhánh cây hay một cành hoa nhỏ. Chùa là chốn đạo tràng thanh tịnh. Phật tử tin tưởng rằng sự thanh tịnh an vui cả chốn thiền môn thấm nhuần nơi cả hoa cỏ, cây cối chung quanh. Tâm của các vị tu hành thanh tịnh thì cõi đời trở thành thanh tịnh. Nhận một cành lộc đầu xuân hay để tránh việc cây cảnh bị bẻ, các vị tăng ni phát một cành hoa hoặc một trái cây cho người Phật tử đem về nhà để vào chổ cao ráo, sạch sẽ hoặc là chưng nơi bàn thờ là để được sự che chở, bảo vệ của Chư Phật.

Riêng những người Phật tử mong cầu giác ngộ, hái lộc về nhà không phải chỉ để có đưọc nhiều sự may mắn trong năm mới mà còn là sự biểu lộ lòng mong ước được cận kề với thế giới Chư Phật mà kinh điển thường mô tả là chiếu sáng bởi các đám mây ngũ sắc lóng lánh với những cành vàng lá ngọc, tiếng nhạc êm ả huyền diệu từ các tiếng hót của các loài chim quý.

Khi đem một nhánh cây hay một cành hoa về nhà với niềm tin và sự an vui tràn đầy trong lòng thì đó tức là “phép mầu” đã thế hiện. Tâm của chúng ta đã vượt ra khỏi giới hạn của thấy biết hạn hẹp mà đi vào chốn vô cùng. Cành lộc đầu xuân trở nên sáng chói trong lòng chúng ta và cả bên ngoài.

Với cái tâm an vui, rực sáng đó chúng ta sum họp gia đình, thì lòng ta tràn đầy sự thương yêu giữa vợ chồng, cha mẹ ông bà, con cháu, thân thuộc và bạn hữu. Các nụ cười thật hồn nhiên tươi sáng, thanh thoát, ròn rã. Các lời chúc tụng nói năng, xưng hô cũng trở nên êm dịu, thành thật vì chúng phát xuất từ đáy lòng: chốn không một chút ngăn ngại, tinh sạch như lòng trẻ thơ. Với lòng tràn ngập tình thương yêu và trí sáng suốt như thế chúng ta tiếp tục hưởng ba ngày xuân tươi thắm: thăm viếng bà con, bạn bè, lì xì mừng tuổi trẻ thơ, lễ bái cúng giổ các vị tiền nhân, cúng dường ngôi Tam Bảo.

Thế giới bên ngoài vẫn xe cộ rộn rịp, tiếng động ồn ào nhưng trong tâm ta từ khi thấy được nụ mai xuân hé nở, vũ trụ bên ngoài không còn như trước nữa: mầu sắc tươi thắm và rực rỡ hơn, các chuyển động xô bồ, ồn ào vẫn diễn ra trong trật tự và êm ả, bầu trời trở nên rộng rãi mênh mông, những đám mây xuân trở thành nồng ấm và chiếu sáng.

Nhờ thế ta không còn lạ gì trước sự kiện người Việt Nam suốt trong dòng lịch sử dân tộc nhiều lần rộng mở cõi lòng mà tiếp nhận các nhóm chủng tộc hay tôn giáo khác để đưa đến một chủng tộc Việt Nam đa dạng hiện nay và một nền tín ngưỡng hòa đồng Nho – Thích – Lão. Chí cho đến kẻ xâm lăng Sầm Nghi Đống và gần hai mươi vạn quân Thanh vẫn được người dân Việt ở làng Đồng Quang cứ mỗi năm mở hội tại chùa làng tụng kinh cho họ được siêu độ, hay xa hơn nữa trong lịch sử, các tướng lãnh Trung Hoa và quân sĩ xâm chiếm Việt Nam bị tử trận vẫn được đồng bào ta cầu cho được siêu độ sau khi họ bị thảm tử. Điều này cũng xảy ra ở Nhật Bản khi quân Mông Cổ bị tiêu diệt bởi cơn bảo Thần phong và sự chiến đấu anh dũng của những chiến sĩ Phù Tang thì Bắc Điều Thời Phong, một Phật tử hành thiền tinh tấn và cũng là vị tướng quân nổi danh của thế kỹ thứ 13 chỉ huy cuộc kháng Mông oanh liệt này, lập ra một ngôi chùa thật lớn để cầu siêu cho cả chiến sĩ Mông Cổ và Nhật Bản.

Nền văn minh Phật Giáo với lòng bao dung đáng làm cho chúng ta suy nghĩ thêm về khả năng đóng góp vào sự hiểu biết và hòa hợp nhân loại. Và chúng ta, trên con đường tìm về cội nguồn hạnh phúc bao la thực hành sự buông xả, sự tha thứ, lòng bao dung cho mình lẫn cho người để tình thương yêu nồng ấm, trong sáng bao la và sự hiểu biết chân thật bừng dậy tràn đầy đưa ta về chốn hạnh phúc vô cùng nơi chính cuộc đời này, như thiền sư Viên Chiếu đã mở bày:

“Đạo vốn không nhan sắc

Mà ngày thêm gấm hoa

Trong ba ngàn cõi ấy

Đâu chẳng phải là nhà.”

(T.T. Nhất Hạnh dịch)

Ngôi nhà chân thật của chúng ta chính là suối nguồn hạnh phúc tụ lại thành biển lớn. Đó chính là mùa xuân vĩnh cữu hay xuân Di Lặc vậy.

13. Ăn Chay

Một Phong Trào Đang Phát Triển Mạnh Trên Thế Giới.

Khi nói đến McDonald ai cũng biết đó là tiệm chuyên bán thịt bằm chiên, hamburger, tại Hoa Kỳ và nhiều nơi trên thế giới. Ngoài hàng ngàn tiệm McDonald chuyên bán thực phẩm ăn liền (fast food) tại Mỹ Quốc, công ty này có 13,000 tiệm khắp nơi trên thế giới. Tuy vậy, vào năm 1992 họ quyết định bán hamburger chay, làm bằng đậu, tại 84 tiệm thịt chiên ăn liền này ở nước Nertherlands.

Đối thủ của McDonald là Burger King đã có món Spicy Bean Burger, Đậu Chiên Thơm Ngon, bán tại các quầy hàng của hệ thống nhà hàng này từ ba năm nay. Nhiều người ở Hoa Kỳ mong các món hamburger bằng đậu chiên sẽ có mặt sớm ở các hệ thống tiệm bán thực phẩm ăn liền trong nước này.

Những điều trên nằm trong một tiến trình lâu dài ở nhiều nơi và đặc biệt là tại Hoa Kỳ biểu lộ sự quan tâm của quần chúng đối với thực phẩm. Mùa xuân năm 1991, Bộ Canh Nông Hoa Kỳ thông báo cho dân chúng Mỹ sự cần thiết của gạo, bánh mì, bún, rau cải, trái cây, các thứ đậu trong những bữa ăn thường ngày. Đây là một cuộc cách mạng về quan niệm dinh dưỡng xảy ra trong hệ thống hành chánh của bộ Canh Nông vì từ lâu các chuyên viên về dinh dưỡng đã lưu ý dân chúng bớt ăn thịt cá và gia tăng số lượng rau cải, trái cây và các loại hạt để bớt bịnh tật.

Thông cáo nói trên tuy ra đời muộn màng nhưng vẫn gặp phản ứng mạnh mẽ của các nhóm sảnh xuất sữa, bơ, phó mát (Chêse), thịt, cá cùng những công ty sản xuất thực phẩm khác. Từ lâu Hàn Lâm Viện Khoa Học và Viện Ung Thư Quốc Gia Hoa Kỳ khuyên các dân chúng nên ăn thêm nhiều rau trái nhưng chưa một thông cáo nào chính thức được công bố từ chính phủ nhất là Bộ Canh Nông Hoa Kỳ. Lý do là các nhóm sản xuất thực phẩm có sức mạnh chính trị quá lớn, và họ đã ảnh hưởng rất nhiều trong việc quy định các thành phần thực phẩm trong các buổi ăn của người dân.

I. Bốn Nhóm Thực Phẩm Chính

Bộ Canh Nông Hoa Kỳ vào năm 1956, trong mục đích làm gia tăng sức khỏe của người dân, đã chia thực phẩm thành bốn loại căn bản: Nhóm sửa, nhóm thịt, nhóm rau trái, và nhóm ngũ cốc.

Nếu chúng ta nhìn vào hình nói trên thì thấy tuy rau trái và ngũ cốc được xem là cần thiết nhất, nhưng các nhóm sữa và thịt cá vẫn được khuyến khích ăn càng nhiều càng tốt. Điều ấy đã phản ảnh trong những buổi ăn sáng, trưa và tối của đa số dân chúng: Uống sữa, ăn phó mát, bơ, trứng, thịt bò, thịt gà, thịt heo, cá, tôm ca, cùng bánh mì và rau trái. Thực phẩm chính trên bàn ăn không phải là bánh mì hay ngũ cốc và rau trái mà là thịt bò hay thịt gà, cùng với phó mát, bơ và sữa tươi. Hình ảnh về các bữa ăn Hoa Kỳ là điều mơ ước của nhiều người dân xứ khác với miếng thịt thật lớn ở giữa, những ly sữa tươi mát mẽ, bánh mì, những miếng khoai tây chiên vàng, những chai nước sốt, trứng chiên, những miếng bơ, phó mát, cùng bánh ngọt bổ dưỡng. Ngày nay, nhiều bác sĩ và chuyên viên dinh dưỡng báo động đó là cách ăn đưa đến nhiều bệnh tật nhất cho người dân.

09netv37

Khi số lượng người bị bệnh động tim (Heart attack), bệnh xuất huyết não, bệnh áp huyết cao, bệnh ung thư ruột già, ung thư vú cùng những chứng bệnh khác gia tăng do việc ăn uống thì nhiều bác sĩ đã báo động cách thức dinh dưỡng thường ngày của người Hoa Kỳ cần phải được thay đổi. Phản ứng này cũng tương tự như khi được báo động mỗi năm trên 400,000 người bị chết do thuốc lá chính quyền cương quyết hơn trong việc cấm hút thuốc lá các nơi công cọng như trên máy bay, nơi tiệm ăn, những công hay tư sở.

Ngoài ta đã so sánh với lối ăn uống của người Nhật. Người Nhật ăn rất nhiều cơm, rau, các loại đậu và một ít cá. Người Mỹ ngược lại phần chính trong bữa ăn là thịt. Bác sĩ Peter Greenwald thuộc cơ quan Phòng Ngừa và Kiểm Soát Ung Thư của Viện Quốc Gia Ung Thư cho biết: “Nguời Nhật ở Nhật Bản chỉ có một phần năm hay một phần sáu bị ung thư vú so với Hoa Kỳ. Khi họ qua Hawai ở, số người bị ung thư gia tăng.” Điều này cũng rất đúng với người Việt Nam. Nhiều người Việt sáng đây cũng bị gia tăng các chứng bệnh tim cùng ung thư do cách ăn uống nhiều thịt và mỡ. Những người Việt tại quê nhà thường ăn rau, đậu, các thứ nước chấm như nước mắm, xì dầu, tương, các loại trái cây. Những người khá giả ở thành phố thì ăn nhiều thịt cá, phần đông ăn các bữa ăn nhiều cơm, rau, các loại ngũ cốc. Những buổi cơm nhà nghèo ấy ngày nay lại phù hợp với tiêu chuẩn ăn uống để được lành mạnh tại nước giàu có Hoa Kỳ.

Những người Á Châu không cần phải đợi đến lúc sang định cư ở nước Mỹ mới có sự gia tăng bệnh tật nói trên. Ở Nhật Bổn số người tiêu thụ các loại thịt, kem lạnh, các thức chiên cùng các thức ăn nhiều mỡ đang gia tăng và nâng cao con số những người bị bệnh ung thư cùng những chứng bệnh khác. Tại Thái Lan ngày nay uống sữa tươi là một cái mốt, tại Trung Hoa Lục Địa các tiệm bán các loại thức ăn Fast Food chứa nhiều mỡ là những nơi được rất nhiều khách hàng tìm đến. Đó là chưa kể cách ăn đặc biệt gồm có tôm, các loại bộ phận súc vật như ruột non, ruột già, gan, phổi bò heo chứa một số lượng cholesterol cao hơn thịt.

Tại Hoa Ky cứ bốn người lại có một người có máu cao. Theo Bộ y Tế Hoa Kỳ mức độ trung bình cholesterol lý tưởng cho mỗi lứa tuổi như sau:

Tuổi

Số Lượng Cholesterol

20 đến 29

Dưới 200 mg/dl

30 đến 39

Dưới 200 mg/dl

40 trở lên

Dưới 200 mg/dl

Mỗi lần đi thử máu, bác sĩ sẽ thông báo cho chúng ta biết rõ về mức độ cholesterol cùng cho các lời khuyên cần thiết về cách giảm bớt chất này. Cách giản dị nhất là bớt ăn mỡ cùng các thứ dầu như dầu dừa, dầu thốt nốt (Dừa nước, palm oil) và dầu đậu phụng. Càng ít ăn những thứ ấy càng tốt vì chúng chứa nhiều chất a xít béo bảo hòa (Ssaturated fatty acid) là chất đóng quanh vành trong các mạch máu làm cho mạch máu nhỏ lại. Dù ăn dầu thường như dầu đậu nành, dầu hạt hướng dương, dầu bắp, mè là những loại có chất a xít béo không bảo hòa (non saturated fatty acid) là tốt hơn, nhưng nếu dùng chúng để chiên thực phẩm các thứ dầu ấy sẽ biến đổi một phần tánh chất thành dầu bảo hòa, có tính chất tác hại nói trên. Ngoài ra, nếu nướng thịt hay cá thì sẽ tạo ra chất độc Polycyclic Aromatic Hydrocarbon (PHA) là chất gây ra ung thư bao tử.

II. Kim Tự Tháp Về Ăn Uống Đúng Cách

Dù nhiều bác sĩ cùng những trung tâm nghiên cứu về dinh dưỡng đã khuyến khích gia tăng ăn rau trái và bớt ăn cá thịt, nhưng đại đa số người Mỹ vẫn tiếp tục ăn uống như trước. Người ta cho rằng chính sự vận động mạnh mẽ của các nhà sản xuất thịt và sữa tươi đã làm cho Bộ Canh Nông không dám có quyết định khuyên dân chúng bớt dùng những thứ hai nhóm trên đang sản xuất.

Mùa xuân 1991, Bộ Canh Nông đã vẽ lại thành phần của các nhóm thực phẩm trong bữa ăn. Trước đây họ trình bày theo hình chữ nhật như một chiếc bánh mà mỗi nhóm thực phẩm là một miếng, giờ đây họ trình bày chúng theo hình Kim Tự Tháp mà bánh mì, cơm, các ngũ cốc là nền, tiếp theo đó là rau trái, phần trên cao là sửa cùng các thứ do sửa làm ra, thịt cá, và cuối cùng là nhóm mỡ, dầu, cùng các thức ăn ngọt. Trong hình Kim Tự Tháp này, càng ăn nhiều những thực phẩm nền tảng càng tốt, càng bớt ăn những thứ ở trên chop càng giúp gia tăng sức khỏe, và Bộ Canh Nông gọi đó là Kim Tự Tháp Ăn Uống Đúng Cách (The Eating Right Pyramid).

Kim Tự Tháp Dinh Dưỡng này tuy rất cần thiết cho dân chúng nhưng lại yểu tử vì sự chống đối của những nhà sản xuất thực phẩm liên hệ. Ông Edward R. Madigan, Bộ Trưởng Bộ Canh Nông Hoa Kỳ, đã ra lệnh đình chỉ vĩnh viễn việc phổ biến tài liệu nói trên vì Bộ “đang duyệt lại”.

09netv38

III. Ăn Chay

Từ năm 1970 đến nay, số người ăn chay gia tăng 30%. Theo cuộc thăm dò ý kiến của Hiệp Hội Các Nhà Hàng Quốc Gia thì tại Hoa Kỳ quan tâm đến các món ăn chay trong các thực đơn. Các chuyên viên dinh dưỡng cho biết những người ăn ít thịt cá thì ít bị các bệnh như tim, bệnh ruột già, tiểu đường, áp huyết cao và chứng bị quá mập.

Sự phổ biến các tin tức liên hệ mật thiết giữa ăn uống và bệnh tật là một nguyên do thúc đẩy phong trào ăn chay gia tăng ở Mỹ và những nước Tây Âu. Theo cuộc điều tra của tờ Vegetarian Time ở Illinois, Hoa Kỳ vào năm 1992 có 124 triệu ngưòi Mỹ trong số đó có 8 triệu người ăn chay trường hoàn toàn ăn các loại rau trái, ngũ cốc, bơ sữa, phó mát và trứng. Họ tuyệt đối không ăn cá và thịt. Có nhiều người đi xa hơn nữa, không ăn cả bơ động vật, trứng, sữa và phó mát. Họ ăn uống như thế được khỏe mạnh: giảm thiểu tối đa chất cholesterol, đuờng cũng tăng nhiều chất xơ (Fiber) trong thực phẩm. Có người ăn chay vì lý do tôn giáo, có người ăn chay vì lý do sức khỏe, có người ăn chay vì thương xcú vật và có người ăn chay vì muốn chữa trị các bệnh tật. Nhiều bác sĩ khuỳên bệnh nhân ăn chay để chữa trị bệnh ung thư, bệnh tim, bệnh tăng áp huỳết cùng một số bệnh khác. Trong nhiều trường hợp, ăn chay trở thành một sự cần thiết. Người Hoa Kỳ khi nghĩ đến đạo Phật là người ta nghĩ đến ăn chay mặc dù không phải ai theo đạo Phật cũng đều ăn chay. Đạo Phật cũng không bắt buộc Phật tử phải ăn chay và cũng không cho rằng ai không ăn chay là có tội. Đạo Phật khuyến khích Phật tử phát tâm ăn chay từ một đến nhiều ngày trong một tháng để thân và tâm được lành mạnh và trong sáng về thể chất lẫn tinh thần.

Thịt bò, gà, heo được bán nhiều và rẽ tại các nước Mỹ, Úc và Âu Châu. Ngoài ra trứng, sữa, bơ, động vật, phó mát, kem lạnh, bánh kẹo là những món ăn thông dụng tại những nơi này. Các món ăn này rất ngon miệng, rất bổ vì có nhiều sinh tố và chất đạm nhưng lại kèm theo sự nguy hiểm là có quá nhiều chất cholesterol và chất béo. Những thứ này đóng quanh phía bên trong các mạch máu làm cho sự lư thông máu bị giảm dần hay có nơi bị nghẽn lại. Khi các mạch máu vành quả tim bị nghẽn, một phần bắp thịt tim không còn được máu đến nuôi dưỡng và chuyền dưỡng khí nên bị hư thúi đưa đến chứng thối tim mà chúng ta thường gọi là chứng tim ngưng đập cấp tính (Heart attack). Người Việt Nam thường nói chết vì bị trúng gió. Thật ra, rất nhiều người chết do chứng nói trên chứ không phải trúng gió.

Nếu các mạch máu trên não bộ không thông vì bị chất béo đóng nhiều bên trong thì tạo nên chứng nghẽn động mạch não gây ra sự vỡ mạch máu não mà chúng ta gọi là bị kích ngất(stroke). Bệnh động tin (heart attack) và kích ngất là hai nguyên nhân chính đưa đến nhiều cái chết hay bệnh tật tai hại hiện nay tại Hoa Kỳ làm cho nhiều người bị tàn phế như tê liệt, mất tri nhớ, tim yếu đi cùng các thứ bệnh nguy hại khác.

Ngoài ra, ăn nhiều chất béo cũng làm gia tăng bệnh huyết áp, do mỡ đóng bên trong mạch máu. Chưa kể nếu người đó hút thuốc lá thì tỷ lệ bệnh tật lại càng cao hơn nữa. Ăn chay là cách giảm thiểu tối đa những rủi ro nói trên.

Hiện nay có bốn cách ăn chay chính trên thế giới.

1.Không ăn thịt như bò, dê, heo, gà, nhưng ăn cá, trứng, uống sữa, các thực phẩm từ sữa như bơ, phó mát và các loại rau trái cùng ngũ cốc (Non meat diet).

2.Không ăn thịt cá, chỉ ăn trứng, sữa bơ, phó mát, rau trái và ngũ cốc (lacto ovo vegetarian diet).

3.Chỉ ăn bơ, phó mát, uống sữa cùng ăn rau trái và ngũ cốc (Lacto vegetarian diet).

4.Chỉ ăn ngũ cốc và rau trái (vegan hay strict vegetarian diet).

Đạo Phật khuyến khích ăn chay để nuôi dưỡng tình thương yêu đối với mọi loài nên người Phật tử ăn chay theo lối 2, 3 hay 4. Một số người Việt và Hoa Kỳ ăn chay theo lối Oshawa theo lối 4. Có điều khác biệt là những người Việt ở Việt Nam chỉ ăn gạo lức muối mè, uống rất ít nước. Những người ở Hoa Kỳ khi ăn theo phương pháp dưỡng sinh Oshawa chú trọng nhiều đến tính cách “âm dương” của mỗi loại rau cỏ và ngũ cốc. Họ không ăn gạo lức muối mè mà thôi, họ ăn rất nhiều thực phẩm bổ dưỡng như sữa nguyên chất, rong biển, các loại rau và ngũ cốc. Khi ăn những thức có chất protein chúng ta phải uống nước nhiều để cơ thể có thể thải những chất protein không hấp thụ được qua đường tiểu nếu không dễ bị bịnh sạn thận do những chất protein và calcium kết lại thành.

IV. Ăn Chay Làm Sao Cho Tốt

Điều tốt nhất cho việc ăn chay là đừng xem ăn chay là thánh thiện, ăn mặn là tội lỗi. Đó là một quan niệm quá đà của những người thích kết án người khác. Ăn chay là để có sức khỏe cho mình, sống phù hợp với lòng thương yêu của mình đối với động vật.

Các Phật tử được khuyến khích ăn chay ít nhất là hai ngày một tháng vào ngày rằm và mùng một để nuôi dưỡng lòng từ bi với sinh vật. Riêng các vị tu hành, ăn chay là điều cần thiết để làm gương tốt cho cộng đồng tôn giáo của mình nếu tôn giáo ấy xem việc ăn chay là sự biểu lộ tình thương yêu, là sự không bị lệ thuộc vào những thứ bên ngoài, là sự tinh khiết trong đời sống tôn giáo, là sự biểu lộ hạnh nguyện cứu độ chúng sanh và cũng là cách sống theo niềm tin, lời nguyện và làm điều tốt đẹp. Sống với tín, nguyện và hành đó thì quả tim ta mở rộng, trí óc thông minh, hạnh phúc tràn đầy. Một người có tình thương yêu và có hạnh phúc chân thật không kết án người khác là tội lỗi khi họ khác mình. Một người có sự hiểu biết chân thật thì chia xẻ những gì làm cho người khác hầu gia tăng sự an lành, sức khỏe và niềm an vui trong cuộc sống.

Đạo Phật khuyến khích người Phật tử ăn một tháng vài ngày hay nhiều ngày tùy theo hoàn cảnh và khả năng cho phép. Ngày nay có nhiều Phật tử cũng như không phải là Phật tử ăn chay trường, vậy chúng ta nên thực hành việc ăn chay sao cho thật có lợi ích cho mình để thể chất được mạnh khỏe, tinh thần an vui và tránh đuợc nhiều bệnh tật.

Mỗi ngày chúng ta cần ăn đủ số calory, chất đạm, các chất sinh tố và khoáng chất để cơ thể được khỏe mạnh. Trunh bình mỗi ngày một người nặng độ 55 kí lô cần độ 2200 calories để tạo ra năng lượng cho những bắp thịt của anh ta được hoạt động cùng tạo ra sự ấm áp cho cơ thể. Nếu thiếu thì chúng ta dễ bị mệt mõi và yếu sức. Số calories đó tăng hay giảm đôi chút tùy theo người lớn hay nhỏ con.

Thứ đến chúng ta cần có chất đạm (Protein). Chất đạm cần thiết vì là thực phẩm của các tế bào. Chất đạm có trong thịt, cá, đậu nành và các loại đậu, sữa, trứng, các loại ngũ cốc và một ít nơi rau trái. Chất đạm ca sữa và trứng là tốt nhất vì cơ thể chúng ta hấp thụ rất dễ dàng. Tuy nhiên, trứng chứa rất nhiều cholesterol và sữa bò lại có quá nhiều mỡ, do đó không nên dùng nhiều các thứ này. Người ăn chay tuy không ăn các chất có nhiều cholesterol như thịt nhưng tốt hết đừng ăn năm cái trứng gà một tuần. (Trứng gà ở Mỹ không có ngòi, không nở thành gà con dù có ấp những cái trứng này. Ăn trứng gà này không vi phạm đến lời nguyện Bất Sát của người ăn chay. Do đó, ăn trứng này không “Có Tội” như một số người hiểu lầm. Tuy nhiên, những người nào ăn chay mà không muốn ăn trứng cũng tốt, nhất là với tâm thanh tịnh thật sự không đặt thành vấn đề mình ăn chay là mình hơn người khác. Ăn chay là để tâm thanh tịnh. Nếu ăn chay mà lòng giận hờn hay trách móc thì chỉ có ăn chay hình thức mà không có ăn chay thật sự trong tâm.)

Các loại chất đạo trong đậu và ngũ cốc tuy không tốt bằng sữa, trứng và thịt nhưng lại hơn các thứ trên ở chổ không chứa nhiều các chất độc hại cho cơ thể. Nếu các loại đậu này được trộn chung nhiều thứ thì sẽ giúp chơ cơ thể hấp thụ chúng một cách dễ dàng. Người dân Nam Mỹ ăn nhiều đậu, riêng về ngưòi Việt Nam chúng ta thấy ông bà mình rất hiểu biết về khoa dinh dưỡng khi ăn cơm với muối mè, đậu phọng, xôi bắp, xôi nếp, xôi đậu xanh, bánh chưng, bánh khúc, cùng các thứ đậu hay hạt khác.

Theo tiêu chuẩn của Hội Đồng Thực Phẩm và Dinh Dưỡng Hoa Kỳ thì số lượng chất đạm cần thiết cho mỗi người thì mỗi ngày ăn từ 50 đến 70 gram proteine là đủ (Độ 1 gram cho mỗi ký lô cơ thể). Như thế, một người lớn chỉcần ăn ba miếng đậu hủ (đậu khuông) bằng ba ngón tay là đủ cộng với các thứ rau đậu và hạt khác. Trẻ so sinh cần khoảng từ ba đến bốn lần số lượng proteine cho một ký lô thân thể (so với người lớn). Trẻ em từ 6 tháng đến 15 tuổi cần gấp đôi số lượng protein echo một ký lô thân thể (so với người lớn). Một cách tổng quát, các em bé cần từ 23 đến 36 gram protein một ngàỵ Do đó, cha mẹ khi muốn cho con cái ăn chay tốt hơn hết là chính mình và con cái cần được sự cố vấn của bác sĩ và nên được bác sĩ gia đình theo dõi sức khỏe theo chương trình thường lệ trong năm.

Các loại rau trái cung cấp một số các sinh tố và khoáng chất cần thiết. Tuy vậy, người ăn chay thường bị thiếu sinh tố B12, chất sắt (Fe) và kẽm (Zinc) cùng một vài loại khoáng chất như calcium cần cho xương. Đối với phụ nữ, cần phải khám nghiệm bác sĩ để theo dõi số lượng calcium cần có để sau khỏi bị còng lưng. Cám có nhiều sinh tố B, sữa, khuôn đậu nành, tròng trắng trứng có nhiều calcium.

V. Những Buổi Ăn Thưòng Và Những Buổi Ăn Chay

Sau đây chúng ta hãy so sánh hai buổi ăn thường và ăn chay. Nếu những vị nào ăn chay trường thì rất tốt. Những vị nào ăn thường thì cần tránh bớt thịt, mỡ và các thứ chất béo có hại cho sức khỏe.

Ăn Thường:

Ăn Sáng

Tốt

Không Tốt

Bánh mì lức, cơm, bún Ý Đại Lợi (Spaghetti), trái cây, nước trái cây, sữa ít chất béo (Low fat milk hay skim milk), xôi với đậu, da ua (Yogurt) ít chất béo, cottage cheese, các loại cereal có cám, v.v…

Ăn thịt và những thứ mỡ súc vật, bánh mì trắng, nhiều bơ súc vật, cheese, trên sáu cái trứng một tuần, bánh croissant nhiều bơ hay dầu, nhiều bánh chiên hay bánh kẹp (pan cake hay waffle), thịt heo chiên (Beacon), cà phê nhiều caffeine, sữa có nhiều chất béo, nhiều muối, nước cốt dừa, dầu dừa, v.v…

Ăn Trưa và Tối

Tốt

Không Tốt

Cơm, cơm gạo lức, bánh mì lức, rất ít thịt, cá, tôm, cua. Nếu ăn cá nhỏ thì tốt hơn cá lớn, rau, đậu, các thức ăn tươi, luộc, hấp hay xào ít dầu mỡ tốt hơn là chiên, các loại tương ít sodium, trái cây tươi và nước trái cây hay nước lạnh, v.v…

Hambuger, khoai chiên, nhiều thịt, nhiều mỡ súc vật hay dầu thực vật, dầu dừa, dầu thốt nốt, các thứ chiên quá vàng, bột ngọt và nhiều muối, trứng quá nhiều, bánh ngọt, các thứ có nhiều đường.

Ăn Chay

Tốt

Không Tốt

Cơm gạo lức càng tốt, đậu hủ xào, luộc hay nấu canh. Bớt chiên vàng càng nhiều càng tốt. Mì căn xào hay luộc, bớt chiên dòn càng tốt. Rong biển, rau câu, các loại bún. Các hạt đậu có vỏ, rau tươi xào luộc, hấp hay nấu canh. Các loại dầu không bảo hòa. Dưới bốn (4) cái trứng một tuần. Ít gia vị như bột ngọt, ớt, ít trà và cà phê có nhiều chất caffeine, v.v…

Nhiều cơm trắng quá, đậu hủ chiên quá vàng, các loại dầu bảo hòa (Saturated oil) như dầu dừa, dầu mè, dầu thốt nốt (Dừa nước) và dầu phụng. Nhiều đồ hộp nhất là những thứ không để khi nào hết hạn. Nhiều xì dầu mặn, chao mặn, tương mặn do quá nhiều muối. Nhiều trà và cà phê có nhiều caffeine.

Như thế, dù ăn thường hay ăn chay, chúng ta tránh ăn nhiều dầu mỡ, chất muối, chất đường, các chất hóa học như bột ngọt, các chất nhuộm màu, cùng những thú gia vị khích thích vị giác. Nói như thế không phải là ăn kham khổ. Nấu chay cũng vẫn có thể rất ngon. Các tiệm chay tại San Francisco lúc nào cũng đầy thực khách. Ngoài ra, một tiệm chay thuộc thiền đường Tassajara mở tại vùng San Francisco nấu rất ngon và rất nổi tiếng. Muốn ăn tối vào ngày cuối tuần, thực khách phải ghi tên trước sáu tháng.

Đức Phật khi tu hành Ngài đã khám phá ra con đường trung đạo, không dính mắc vào một thái độ cực đoan quá khổ hạnh hay quá ham muốn dục lạc. Người cư sĩ sống trong cuộc đời, quán sát hoàn cảnh sinh sống mà sắp xếp chuyện học hành, làm việc, ăn uống, giải trí, v.v… cho được lành mạnh an vui và hạnh phúc.

Dân chúng các nước kỹ nghệ giờ đây rất quan tâm đến vấn đề sức khỏe và bảo vệ môi sinh. Phong trào ăn chay đang gia tăng tại Hoa Kỳ và nhiều nơi trên thế giới. Ăn chay để được nhiều sức khỏe, để bớt bịnh tật, để nuôi dưỡng tình thương, để sống đời sống an vui tinh thần theo sự chọn lựa của mình.

VI. Phòng Ngừa Bệnh Truyền Nhiễm

Cách ăn dùng chén đũa theo người Việt Nam rất gọn ghẽ và thân mật. Hiện nay có một số bệnh truyền nhiễm có thể lây qua nước bọt (nước miếng) nên cách dọn ăn ở nhà, nơi công cộng và chùa chiền cần được chú trọng để những người tham dự bữa ăn được bảo vệ không bị lây bệnh.

1.Mỗi người cần có một chén nước chấm riêng để tránh việc mọi người đều chấm và cùng một chén.

2.Mỗi dĩa thức ăn cần có một cái muỗng hay đôi đũa chung để chuyển thức ăn vào chén riêng.

3.Tránh không dùng muỗng hay đũa cá nhân (muỗng hay đũa riêng của mỗi người) múc canh hay gắp thức ăn ở tô canh hay dĩa thức ăn để giữ vệ sinh chung.

4.Khi nấu ăn đừng nếm thức ăn rồi đổ phần còn lại vào trong nồi. Dùng muỗng sạch để nếm, nhất là nấu cho khách ăn.

5.Rữa sạch tay trước khi nấu ăn hay khi dọn bàn.

Những điều nói trên lại càng phải thực hành kỹ lưỡng hơn khi chúng ta mời các bạn ngoại quốc đến dùng cơm. Rất nhiều người Hoa Kỳ sẽ an “không ngon” nếu chúng ta dùng đũa của mình hay muỗng của mình gắp hay múc vào đĩa hay tô chung. Thực hành những điều trên hàng ngày giúp chúng ta gia tăng sự chú tâm lúc nấu ăn, khi dọn bàn và lúc ăn uống đồng thời bảo vệ được sức khỏe cho chính mình và cho mọi người.

VII. Bảng Liệt Kê Một Số Thức Ăn Chay

Để giúp các bà nội trợ trong việc chọn thực phẩm, dược sĩ Chân Huyền phân tích số lượng calories và protein trong bài Những Điều Nên Biết Khi Ăn Chay trong tập san Nguồn Sống số 15. Ngoài ra, dược sĩ Chân Huyền dặn chúng ta khi ăn chay cần nhớ những điều quan trọng sau:

1.Trong bữa ăn, ngoài rau trái, nên ăn vài loại hạt và đậu khác nhau.

2.Ăn các loại gao lức, bánh mì lức, bún lức (có nhiều chất cám).

3.Để ý tỷ lệ 20-30% rau đậu và 70-80% ngũ cốc để số protein được hấp thụ nhiều hơn.

4.Mì căn là một nguồn protein rất tốt, trừ những người bị phản ứng với gluten thì phải cử vì có thể bị đau ruột nặng. Bột mì căn thường được bán ở các tiệm thực phẩm quốc tế hay các health food store.

5.Tránh ăn bột ngọt (Glutamate de sodium) vì có thể gây những phản ứng khó chịu cho cơ thể. Trong phòng thí nghiệm, bột ngọt gây phản ứng bất lợi cho chuột và thỏ.

Vào mùa xuân 1992, hình kim tự tháp về dinh dưỡng lại xuất hiện trên các báo chí Hoa Kỳ, dân chúng càng lúc càng quan tâm và thực hành lối ăn giảm bớt thịt cùng chất béo. Cô Neva Cochran, chuyên viên dinh dưỡng và là phát ngôn viên của Hội Dinh Dưỡng Hoa Kỳ, American Dietic Association, khuyến cáo nên gia tăng ăn các loại rau trái và ngủ cốc và giảm thật nhiều thịt và chất béo. Cô đề nghị cho một bữa ăn dựa theo đề nghị của Bộ Canh Nông nói trên như sau:

Ăn Sáng

¾ cup có 40% chất cám (bran) hay cám có nho khô (raisin bran), ½ cup sửa không có chất béo (skim milk), 1 trái chuối, một ly nước cam.

Ăn dặm buổi sáng

Một bánh có cám (brain muffin).

Ăn Trưa

Sandwich: 2 miếng bánh mì lức, 2 ounces gà tây (một miếng nhỏ đối vói người ăn thịt, còn người ăn chay có thể ăn đậu khuôn), một miếng phó mát (cheese), một muỗng nhỏ mayonaise.

Một dĩa rau 1 cup gồm có: cải broccoli xanh cà rốt và cải bông với thứ nước tưới lên ít chất béo (low fat dressing).

Ăn dặm chiều

Một cốc ya-ua (yoyurt) ít chất béo và một trái đào.

Ăn chiều

Ăn nhiều gạo lức (brown rice), giá, cà chua, dưa leo, bánh mì lức, v.v…

Thức ăn thông thường của người Việt Nam vốn nhiều rau trái, chúng ta chỉ cần quay về với lối ăn lành mạnh của mình có sẵn và gia tăng thêm những thực phẩm tốt và rẻ tại Hoa Kỳ như rau, trái cây, sửa đậu nành hay sửa không chất béo, các loại thức ăn sáng có nhiều chất cám v.v… thì chắc chắn chúng ta sẽ gia tăng sự khỏe mạnh trong đời sống hàng ngày.

Tài Liệu Tham Khảo

·To Cherish all Life: A buđhist Case for Being Vegetarian, Philip Kapleau, The Zen Center Rochester, New York, 1986

·Những Điều Nên Biết Khi Ăn Chay, Chân Huyền, Nguồn Sống số 15 tháng 7 Mậu thin, San Jose

·Newsweek, May 27, 1991

·Các tài liệu về dinh dưỡng do quận Fairfax, Virginia phát hành - Những ý kiến của bác sĩ và những kinh nghiệm nấu thức ăn chay một thời gian tại tu viện Kim Sơn.

·Fat, Cholesterol anh your Heart, Sorting out the Facts for a more Healthful You, Giants

·Houston Chronicle, Dec 9, 1992

--- o0o ---


Vi tính: Chân Diệu Lan

Trình bày: Nhị Tường

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]