Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

26. Kinh Cù-ni-sư [1]

09/05/201317:27(Xem: 15775)
26. Kinh Cù-ni-sư [1]

Kinh Trung A Hàm

26. Kinh Cù-ni-sư [1]

Thích Tuệ Sỹ dịch

Nguồn: Thích Tuệ Sỹ dịch

Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật du hóa tại thành Vương xá, trong rừng Trúc lâm, vườn Ca-lan-đa[2].

Bấy giờ Tỳ-kheo Cù-ni-sư[3] cũng trú tại thành Vương xá, ở tại Vô sự thất[4], cười đùa kiêu ngạo, tháo động, không chánh niệm như khỉ vượn[5]. Tỳ-kheo Cù-ni-sư vì có chút việc nên đến thành Vương xá.

Bấy giờ Tôn giả Xá-lê Tử cùng với chúng Tỳ-kheo sau giờ ngọ thực, vì có chút việc nên vân tập tại giảng đường. Tỳ-kheo Cù-ni-sư sau khi đã làm xong việc trong thành Vương xá, đi đến giảng đường. Tôn giả Xá-lê Tử từ đằng xa trong thấy Cù-ni-sư đi đến. Nhân Cù-ni-sư mà bảo các Tỳ-kheo rằng:

“Này chư Hiền, thầy Tỳ-kheo vô sự[6], sống ở nơi vô sự, phải học sự kính trọng và biết tùy thuận quán sát[7]. Này chư Hiền, nếu Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự mà phần nhiều không kính trọng, không biết tùy thuận quán sát, thì sẽ bị các Tỳ-kheo thường hay chỉ trích cật vấn: ‘Vị Hiền giả này sống ở nơi vô sự mà làm gì? Vì sao thế? Vị Hiền giả này sống ở nơi vô sự nhưng phần nhiều lại không biết kính trọng, không biết tùy thuận quán sát’. Nếu đến ở trong đại chúng, cũng bị các Tỳ-kheo thường hay chỉ trích, cật vấn. Do đó, này chư Hiền, thầy Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự, nên học kính trọng và biết tùy thuận quán.

“Này chư Hiền, thầy Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự, nên học hạnh không cười giỡn, không tháo động[8]. Này chư Hiền, nếu Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự mà hay cười giỡn, tháo động, thì sẽ bị các Tỳ-kheo thường hay chỉ trích cật vấn: ‘Vị Hiền giả này sống ở nơi vô sự mà làm gì? Vì sao thế? Vị Hiền giả này sống ở nơi vô sự nhưng hay cười giỡn, tháo động’. Nếu đến ở trong đại chúng, cũng bị các Tỳ-kheo thường hay chỉ trích, cật vấn. Do đó, này chư Hiền, Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự, nên học hạnh không cười giỡn, không tháo động.

“Này chư Hiền, Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự, nên học hạnh không nói những đề tài súc sanh[9]. Này chư Hiền, nếu Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự mà hay nói những vấn đề súc sanh, sẽ bị các Tỳ-kheo chỉ trích cật vấn: ‘Vị Hiền giả này sống ở nơi vô sự mà làm gì? Vì sao thế? Vị Hiền giả này sống ở nơi vô sự nhưng hay nói những đề tài súc sanh’. Nếu đến ở trong đại chúng, cũng bị các Tỳ-kheo thường hay chỉ trích, cật vấn. Do đó, này chư Hiền, Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự, nên học không nói những đề tài súc sanh.

“Này chư Hiền, Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự, nên học không kiêu ngạo và ít nói năng. Này chư Hiền, nếu Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự mà hay kiêu ngạo và nói năng nhiều sẽ bị các Tỳ-kheo chỉ trích cật vấn: ‘Vị Hiền giả này sống ở nơi vô sự mà làm gì? Vì sao thế? Vị Hiền giả này sống ở nơi vô sự mà lại hay kiêu ngạo và nói năng nhiều’. Nếu đến ở trong đại chúng, cũng bị các Tỳ-kheo thường hay chỉ trích, cật vấn. Do đó, này chư Hiền, Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự nên học không kiêu ngạo và ít nói năng.

“Này chư Hiền, Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự, nên học thủ hộ các căn. Này chư Hiền, nếu Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự mà phần nhiều không chịu thủ hộ các căn, sẽ bị các Tỳ-kheo chỉ trích cật vấn: ‘Vị Hiền giả này sống ở nơi vô sự mà làm gì? Vì sao thế? Vị Hiền giả này sống ở nơi vô sự mà phần nhiều không chịu thủ hộ các căn. Nếu đến ở trong đại chúng, cũng bị các Tỳ-kheo thường hay chỉ trích, cật vấn. Do đó, này chư Hiền, Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự nên học thủ hộ các căn.

“Này chư Hiền, thầy Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự, nên học biết đủ trong sự ăn uống. Này chư Hiền, nếu Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự mà ham ăn quá dư, quá nhiều, không biết đủ, sẽ bị các Tỳ-kheo chỉ trích cật vấn: ‘Vị Hiền giả này sống ở nơi vô sự mà làm gì? Vì sao thế? Vị Hiền giả này sống ở nơi vô sự mà mà ham ăn quá dư, quá nhiều, không biết đủ’. Nếu đến ở trong đại chúng, cũng bị các Tỳ-kheo thường hay chỉ trích, cật vấn. Do đó, này chư Hiền, Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự nên học biết đủ trong sự ăn uống.

“Này chư Hiền, thầy Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự, nên học tinh tấn không giải đãi. Này chư Hiền, nếu Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự mà lại thường không tinh tấn, hay giải đãi, sẽ bị các Tỳ-kheo chỉ trích cật vấn: ‘Vị Hiền giả này sống ở nơi vô sự mà làm gì? Vì sao thế? Vị Hiền giả này sống ở nơi vô sự mà thường không tinh tấn, trái lại còn giải đãi’. Nếu đến ở trong đại chúng, cũng bị các Tỳ-kheo thường hay chỉ trích, cật vấn. Do đó, này chư Hiền, Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự nên học tinh tấn, không giải đãi.

“Này chư Hiền, Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự, nên học chánh niệm và chánh trí. Này chư Hiền, nếu Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự mà không học chánh niệm chánh trí, sẽ bị các Tỳ-kheo chỉ trích cật vấn: ‘Vị Hiền giả này sống ở nơi vô sự mà làm gì? Vì sao thế? Vị Hiền giả này sống ở nơi vô sự mà thường không có chánh niệm chánh trí’. Nếu đến ở trong đại chúng, cũng bị các Tỳ-kheo thường hay chỉ trích, cật vấn. Do đó, này chư Hiền, Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự nên học chánh niệm chánh trí.

“Này chư Hiền, Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự, nên học biết thời và đúng thời; không đi vào thôn khất thực quá sớm, cũng chẳng trở về quá trễ. Này chư Hiền, nếu Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự mà vào thôn khất thực quá sớm và trở về quá trễâ, sẽ bị các Tỳ-kheo chỉ trích cật vấn: ‘Vị Hiền giả này sống ở nơi vô sự mà làm gì? Vì sao thế? Vị Hiền giả này sống ở nơi vô sự mà vào thôn khất thực quá sớm và trở về quá trễ’. Nếu đến ở trong đại chúng, cũng bị các Tỳ-kheo thường hay chỉ trích, cật vấn. Do đó, này chư Hiền, Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự nên học biết thời và đúng thời.

“Này chư Hiền, Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự, nên học biết ngồi và ngồi đúng chỗ; không lấn chỗ ngồi của vị Trưởng lão, bị Tỳ-kheo nhỏ khiển trách[10]. Này chư Hiền, nếu Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự mà chiếm chỗ ngồi của bậc trưởng lão, bị các Tỳ-kheo nhỏ quở trách, sẽ bị các Tỳ-kheo chỉ trích cật vấn: ‘Vị Hiền giả này sống ở nơi vô sự mà làm gì? Vì sao thế? Vị Hiền giả này sống ở nơi vô sự mà chiếm chỗ ngồi của các bậc trưởng lão, bị các Tỳ-kheo nhỏ quở trách’. Nếu đến ở trong đại chúng, cũng bị các Tỳ-kheo thường hay chỉ trích, cật vấn. Do đó, này chư Hiền, Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự nên học biết ngồi và ngồi đúng chỗ.

“Này chư Hiền, Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự, nên học thảo luận về Luật và A-tì-đàm[11]. Vì sao thế. Này chư Hiền, khi Tỳ-kheo vô sự sống ở nơi vô sự, hoặc có người đến hỏi về Luật và A-tì-đàm. Này chư Hiền, nếu Tỳ-kheo vô sự sống ở nơi vô sự mà không biết trả lời về Luật và A-tì-đàm, thì làm cho các Tỳ-kheo khác thường quở trách cật vấn: ‘Vị Hiền giả này sống ở nơi vô sự mà làm gì? Vì sao thế? Vị Hiền giả vô sự này sống ở nơi vô sự nhưng không biết trả lời về Luật và A-tì-đàm’. Nếu đến ở giữa đại chúng cũng làm cho các Tỳ-kheo thường chỉ trích cật vấn. Do đó, này chư Hiền, Tỳ-kheo vô sự sống ở nơi vô sự nên học thảo luận về Luật và A-tì-đàm.

“Này chư Hiền, thầy Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự, nên học thảo luận về tịch tĩnh giải thoát[12] và ly sắc[13] cho đến vô sắc định[14]. Vì sao thế? Này chư Hiền, khi Tỳ-kheo vô sự sống ở nơi vô sự, hoặc có người đến hỏi về tịch tĩnh giải thoát và ly sắc cho đến vô sắc định. Này chư Hiền, nếu Tỳ-kheo vô sự sống ở nơi vô sự mà không biết trả lời về tịch tĩnh giải thoát và ly sắc cho đến vô sắc định thì làm cho các Tỳ-kheo khác thường quở trách cật vấn: ‘Vị Hiền giả này sống ở nơi vô sự này mà làm gì? Vì sao thế? Vị Hiền giả vô sự này sống ở nơi vô sự nhưng không biết trả lời về tịch tĩnh giải thoát và ly sắc cho đến vô sắc định’. Nếu đến ở giữa đại chúng cũng làm cho các Tỳ-kheo thường chỉ trích cật vấn. Do đó, này chư Hiền, Tỳ-kheo vô sự sống ở nơi vô sự nên học thảo luận về tịch tĩnh giải thoát và ly sắc cho đến vô sắc định.

“Này chư Hiền, thầy Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự, nên học thảo luận về lậu tận trí thông. Vì sao thế. Này chư Hiền, khi Tỳ-kheo vô sự sống ở nơi vô sự, hoặc có người đến hỏi về lậu tận trí thông. Này chư Hiền, nếu Tỳ-kheo vô sự sống ở nơi vô sự mà không biết trả lời về lậu tận trí thông, thì làm cho các Tỳ-kheo khác thường quở trách cật vấn: ‘Vị Hiền giả này sống ở nơi vô sự này mà làm gì? Vì sao thế? Vị Hiền giả vô sự này sống ở nơi vô sự nhưng không biết trả lời về lậu tận trí thông’. Nếu đến ở giữa đại chúng cũng làm cho các Tỳ-kheo thường chỉ trích cật vấn. Do đó, này chư Hiền, Tỳ-kheo vô sự sống ở nơi vô sự nên học thảo luận về lậu tận trí thông”.

Lúc ấy, Tôn giả Đại Mục-kiền-liên cũng hiện diện trong đại chúng. Tôn giả Đại Mục-kiền-liên thưa rằng:

“Thưa Tôn giả Xá-lê Tử, chỉ những Tỳ-kheo vô sự sống ở nơi vô sự mới nên học những pháp như vậy, chứ không phải là những Tỳ-kheo ở giữa người đời[15] sao?”

Tôn giả Xá-lê Tử trả lời rằng:

“Tôn giả Đại Mục-kiền-liên, Tỳ-kheo vô sự sống ở nơi vô sự còn nên học những pháp như vậy huống gì là Tỳ-kheo sống giữa nhân gian?”

Như vậy hai vị Tôn giả cùng khen tán lẫn nhau, tán thán “Lành thay!” Sau khi nghe những điều được nói, từ chỗ ngồi đứng dậy mà đi.

Kính trọng, không cười cợt,

Không phiếm luận, kiêu ngạo,

Hộ căn, ăn biết đủ,

Tinh tấn, chánh niệm, trí,

Biết thời, ngồi đúng chỗ,

Thảo luận Luật, Tỳ-đàm,

Và tịch tĩnh giải thoát,

Lậu tận thông cũng vậy.

[1]. Bản Hán, quyển 6. Tương đương Pāli: M. 69 Gulissāni-suttaṃ (bản Devanagari, Goliyānisuttaṃ).

[2]. Trúc lâm Ca-lan-đa viên 竹 林 迦 蘭 多 園. Pāli: Veluvāne Kanlandakanivāpe.

[3]. Cù-ni-sư 瞿 尼 師. Pāli: Gulissāni (Goliyāni).

[4]. Hán: tại vô sự thất 在 無 事 室. Pāli: (gulissāni nāma bhikkhu) āraññ iko, (Tỳ-kheo Gulissāni) là người sống trong rừng (ẩn cư).

[5]. Pāli: (āraññiko) padasamācāro, (là ẩn sĩ sống trong rừng, nhưng) là người có hành vi thô tháo.

[6]. Vô sự Tỳ-kheo 無 事 比 丘. Pāli: āraññaka-bhikku, Tỳ-kheo sống (ẩn cư) trong rừng.

[7]. Pāli: āraññkena... Bhikkhunā saṃghagatena saughe viharante sabrahmacārisu sagāravena bhavitabbaṃ sappatussena, “Tỳ-kheo tu hạnh sống ở rừng, khi đến sống giữa Tăng, cần phải tôn trọng, cung kính các đồng phạm hạnh”.

[8]. Hán: bất điệu tiếu, bất táo nhiễu 不 調 笑 不 躁 擾. Pāli: anuddhata, không trạo cử, acapala, không náo động.

[9]. Hán: súc sanh luận 畜 生 論. Pāli: tiracchāna-kathā, câu chuyện về thú vật; chuyện vô ích, trở ngại sự tu tập. Nhưng, đoạn này, trong bản Pāli tương đương: amukhararena bhavitabbaṃ avikiṇṇavācena, không nên lắm lời, không nên nói tạp nhạp.

[10]. Pāli: there ca bhikkhū nānupakhajja nisīdissāmi nave ca bhikkhū na āsanena paṭibāhissāmi, không chiếm chỗ ngồi của các Tỳ-kheo Thượng tọa; không đuổi các vị tân Tỳ-kheo khỏi chỗ ngồi.

[11]. Luật, A-tì-đàm 律 阿 毗 曇. Pāli: abhivinaya, abhidhamma, chỉ phần tinh nghĩa của luật (vinaya) và pháp (dhamma); không phải A-tì-đàm của Luận tạng.

[12]. Hán: tức giải thoát 息 解 脫. Pāli: santa-vimokka.

[13]. Hán: ly sắc 離 色. Pāli: atikkamma rūpe, vượt qua sắc pháp.

[14]. Hán: nãi chí vô sắc định 乃 至 無 色 定. Pāli: āruppā tattha yogo karaṇīyo, tu tập về các vô sắc.

[15]. Hán: nhân gian Tỳ-kheo 人 間 毗 丘. Pāli: gāmantavihārin, (Tỳ-kheo) sống tại các thôn xóm.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]