Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tạp A-hàm quyển 26 (686 - 696)

08/05/201317:38(Xem: 14012)
Tạp A-hàm quyển 26 (686 - 696)

Kinh Tạp A Hàm

Tạp A-hàm quyển 26 (686 - 696)

Tỳ kheo Thích Đức Thắng

Nguồn: Việt dịch: Thích Đức Thắng
Hiệu đính & Chú thích: Tuệ Sỹ

KINH 686. SƯ TỬ HỐNG (1)[79]



Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Như Lai có sáu thứ lực. Nếu thành tựu được sáu lực này thì Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác đạt được trí tối thắng xứ như Phật quá khứ[80], có thể chuyển Phạm luân, ở giữa đại chúng, rống lên tiếng rống sư tử. Đó là lực ban đầu của Như Lai, biết như thật về xứ, phi xứ.

“Lại nữa, Như Lai biết như thật về sự thọ pháp an lạc của tâm[81] quá khứ, vị lai và hiện tại. Đó là lực thứ hai của Như Lai.Như trên đã nói đầy đủ.

“Lại nữa, Như Lai biết như thật về Thiền giải thoát, tam-muội, chánh thọ. Đó gọi là lực thứ ba của Như Lai.Như trên đã nói đầy đủ.

“Lại nữa, Như Lai biết như thật về những sự việc trong đời trước của thời quá khứ. Đó gọi là lực thứ tư của Như Lai.Như trên đã nói đầy đủ.

“Với Thiên nhãn thanh tịnh của Như Lai vượt qua mắt người thường thấy các chúng sanh chết nơi này sanh ra nơi kia. Đó gọi là lực thứ năm của Như Lai.Như trên đã nói đầy đủ.

“Lại nữa, lậu kết của Như Lai đã diệt hết, tâm giải thoát vô lậu, tuệ giải thoát. Như trên đã nói đầy đủ… Cho đến ở giữa chúng, rống lên tiếng rống sư tử. Đó gọi là lực thứ sáu của Như Lai.”

Sau khi Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật đã dạy, đều hoan hỷ phụng hành.

KINH 687. SƯ TỬ HỐNG (2)[82]



Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

Như trên đã nói, nhưng có một vài sai biệt.

“Nếu có người đến hỏi Ta về trí lực xứ, phi xứ của Như Lai, thì Ta như điều được sở tri, sở kiến, giác ngộ, thành Đẳng chánh giác, vì người kia mà nói về trí lực, xứ, phi xứ của Như Lai.

“Lại, hoặc có người đến hỏi về trí lực lạc thọ do tự mình[83] của Như Lai, thì Ta như điều được sở tri, sở kiến, giác ngộ, thành Đẳng chánh giác, vì người kia mà nói về trí lực lạc thọ do tự mình của Như Lai. Đó gọi là trí lực thứ hai của Như Lai.

“Hoặc có người đến hỏi về trí lực thiền định, giải thoát, tam-muội, chánh thọ của Như Lai, thì Ta như điều được sở tri, sở kiến, giác ngộ, thành Đẳng chánh giác, vì người kia mà nói hỏi về trí lực thiền định, giải thoát, tam-muội, chánh thọ của Như Lai.

“Hoặc có người đến hỏi về trí lực đời trước thì Ta như điều được sở tri, sở kiến, giác ngộ, thành Đẳng chánh giác, vì người kia mà nói về đời trước của Như Lai.

“Hoặc có người lại đến hỏi về trí lực thiên nhãn của Như Lai, thì Ta như điều được sở tri, sở kiến, giác ngộ, thành Đẳng chánh giác, vì người kia mà nói về sở kiến thiên nhãn của Như Lai.

“Hoặc có người đến hỏi về trí lực lậu tận của Như Lai, thì Ta như điều được sở tri, sở kiến, giác ngộ, thành Đẳng chánh giác, vì người kia mà nói về trí lực lậu tận của Như Lai.”

Sau khi Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật đã dạy, đều hoan hỷ phụng hành.

KINH 688. THẤT LỰC (1)[84]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Có bảy lực. Những gì là bảy? Là Tín lực, Tinh tấn lực, Tàm lực, Quý lực, Niệm lực, Định lực, Tuệ lực. Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ rằng:

Tín lực, tinh tấn lực,
Tàm lực và quý lực;
Chánh niệm, định, tuệ lực,
Đó gọi là bảy lực.
Người thành tựu bảy lực,
Là hết các hữu lậu.

Sau khi Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật đã dạy, đều hoan hỷ phụng hành.

KINH 689. ĐƯƠNG THÀNH THẤT LỰC

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

Có bảy lực như trên đã nói, nhưng có một vài sai biệt.

“Cho nên Tỳ-kheo, phải học như vầy: ‘Ta sẽ thành tựu Tín lực. Cũng vậy, Tinh tấn lực, Tàm lực, Quý lực, Niệm lực, Định lực, Tuệ lực cũng phải học.”

Sau khi Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật đã dạy, đều hoan hỷ phụng hành.

KINH 690. THẤT LỰC (2)

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

Có bảy lực, như trên đã nói, nhưng có một vài sai biệt

Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ rằng:

Tín lực, Tinh tấn lực,
Cùng nói Tàm, Quý lực;
Niệm lực, Định, Tuệ lực,
Đó gọi là bảy lực.
Người thành tựu bảy lực,
Dứt nhanh các hữu lậu.”

Sau khi Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật đã dạy, đều hoan hỷ phụng hành.

KINH 691. QUẢNG THUYẾT THẤT LỰC

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Có bảy lực. Những gì là bảy? Là Tín lực, Tinh tấn lực, Tàm lực, Quý lực, Niệm lực, Định lực, Tuệ lực.

“Tín lực là thế nào? Là phát khởi lòng tin sâu xa, vững chắc đối với Như Lai, mà chư Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Bà-la-môn, cùng những kẻ đồng pháp khác không thể nào phá hoại được, đó gọi là Tín lực.

“Tinh tấn lực là những gì? Là chỉ cho bốn Chánh đoạn. Như trên đã nói đầy đủ.

“Tàm lực là thế nào? Là hổ thẹn về pháp ác bất thiện. Như trên đã nói.

“Quý lực là thế nào? Là đối với việc đáng thẹn nên thẹn, thẹn về những pháp ác bất thiện khởi lên. Như trên đã nói.

“Niệm lực là những gì? Là chỉ cho bốn Niệm xứ. Như trên đã nói.

“Định lực là những gì? Là chỉ cho bốn Thiền. Như trên đã nói.

“Tuệ lực là những gì? Là chỉ cho bốn Thánh đế. ”Như trên đã nói.

Sau khi Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật đã dạy, đều hoan hỷ phụng hành.

KINH 692. BÁT LỰC[85]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Có tám lực. Tám lực là những gì? Lực của vương giả là sự tự tại. Lực của đại thần là đoán sự. Lực của người nữ là sự kết hận. Lực của trẻ con là khóc. Lực của người ngu là sự khen chê. Lực của người hiệt tuệ là sự thẩm sát. Lực của người xuất gia là sự nhẫn nhục. Lực của người học rộng là sự tính toán.”

Sau khi Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật đã dạy, đều hoan hỷ phụng hành.

KINH 693. QUẢNG THUYẾT BÁT LỰC[86]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

. Như trên đã nói, nhưng có một vài sai biệt

“Lực của vua tự tại, là sự biểu hiện oai lực của vua bằng sự tự tại. Lực của đại thần xử kiện, là sức mạnh của đại thần biểu hiện bằng cách xử kiện. Lực của người nữ kết hận là sức mạnh của người nữ bằng kết hận biểu hiện. Lực của trẻ khóc, là sức mạnh của đứa trẻ biểu hiện bằng tiếng khóc. Lực của người ngu khen chê, là sự khen chê khi xúc sự theo pháp của của người ngu. Lực của trí tuệ thẩm sát, là sự thẩm sát thường thể hiện của người trí tuệ. Lực của người xuất gia nhẫn nhục, là sự nhẫn nhục mà người xuất gia luôn luôn thể hiện. Lực của người học rộng tính toán, là sự suy tư tính toán mà người học rộng luôn luôn thể hiện.”

Sau khi Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật đã dạy, đều hoan hỷ phụng hành.

KINH 694. XÁ-LỢI-PHẤT VẤN[87]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Tôn giả Xá-lợi-phất đến chỗ Thế Tôn đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi lui qua một bên, bạch Phật rằng:

“Tỳ-kheo lậu tận có bao nhiêu lực?”

Phật bảo Xá-lợi-phất:

“Tỳ-kheo lậu tận có tám lực. Những gì là tám? Tỳ-kheo lậu tận tâm thuận hướng về sự viễn ly, chảy rót vào viễn ly, chuyển vần sâu vào sự viễn ly; tâm thuận hướng về sự thoát ly, chảy rót vào thoát ly, chuyển vần sâu vào sự viễn ly thoát ly; thuận hướng về Niết-bàn, chảy rót vào Niết-bàn, chuyển vần sâu vào Niết-bàn. Nếu khi thấy năm dục thì như thấy hầm lửa; khi thấy rồi, đối với dục niệm, dục thọ, dục trước, tâm dứt khoát không trụ vào, tu bốn Niệm xứ, bốn Chánh đoạn, bốn Như ý túc, năm Căn, năm Lực, bảy Giác phần, tám Thánh đạo phần.”

Sau khi Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật đã dạy, đều hoan hỷ phụng hành.

KINH 695. DỊ TỲ-KHEO VẤN

Như kinh Tôn giả Xá-lợi-phất hỏi, kinh Tỳ-kheo khác hỏi Phật cũng vậy.

KINH 696. VẤN CHƯ TỲ-KHEO

KINH hỏi các Tỳ-kheo, cũng nói như trên.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]