Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

3. Phẩm thuận nghịch thứ hai mươi chín

03/05/201313:15(Xem: 11515)
3. Phẩm thuận nghịch thứ hai mươi chín

Kinh Hoa Thủ

3. Phẩm thuận nghịch thứ hai mươi chín

Hòa thượng Thích Bảo Lạc

Nguồn: Hòa thượng Thích Bảo Lạc Việt dịch

Lúc bấy giờ Xá Lợi Phất bạch Phật rằng, hy hữu thay Thế Tôn! Bồ Tát đạo vi diệu vô cùng, nên có thể tự thanh tịnh và làm cho chúng sanh thanh tịnh. Như đức Thế Tôn ở cung trời Ðao Lợi cùng với những cây ba lợi chất đa, cây câu tỳ la nở hoa thoảng hương thơm đẹp, cũng như làm đẹp cho chư thiên cõi Ðao Lợi. Bồ Tát cũng như thế, đầy đủ Phật pháp, vì chứng được vô thượng Bồ Ðề nên tự trang nghiêm, cũng như làm chỗ nương tựa hướng về cho vô số chúng sanh, chứng quả Thanh Văn được năm căn, năm lực, bảy giác chi, tám chánh đạo, thiền định, nhờ đó được an lạc, giải thoát. Cũng như các cây kia trổ hoa trãi khắp chư thiên cõi trời Ðao Lợi để tự làm tươi đẹp.

Bạch đức Thế Tôn, tại sao có những người trí không nương theo thừa này? Chỉ vì chúng giải đãi (lười biếng) tin theo lời lẽ ngoại đạo, nên lúc nghe pháp sanh tâm an lạc rồi tự cho là đã được an lạc. Nay biết ra họ không có năng lực có thể làm cho một người ở trong trung đạo (6). Bạch đức Thế Tôn, con từ nay đã có chỗ thuyết pháp, trước nói Bồ Tát thừa, rồi sau nói các thừa Thanh Văn khác. Tại sao? Vì như thế là con muốn báo ân Phật, có thể làm cho một người phát tâm vô thượng mau thành chánh giác.

Phật bảo Xá Lợi Phất, lành thay, lành thay! Nay ông phát tâm như thế là muốn nói pháp Ðại Thừa giáo hóa hàng Bồ Tát. Tại sao? Vì trong đời vị lai phần nhiều người hay khinh thường pháp Ðại Thừa này. Như thế không có người tin nhận các kinh điển. Này Xá Lợi Phất, lúc bấy giờ trong đời, nếu có người thiện nam thiện nữ nào muốn cầu thiện pháp phải suy nghĩ chân chánh, y nghĩa, y giáo pháp, chớ y theo người. Tại sao thế? Vì lúc bấy giờ trong đại chúng không có người hành đạo, chỉ có chúng Thanh Văn tu hành, không khinh hủy pháp Ðại Thừa, huống gì là còn sanh tâm phản nghịch kinh pháp vi diệu, là những lời chư Phật nói. Tại sao? Nếu phản nghịch thị phi là tạo nghiệp, mà đã tạo nghiệp thị phi là nghiệp của phàm phu, không phải nghiệp của kẻ trí. Xá Lợi Phất, vì thế ông nên học cách tạo nghiệp của người trí; xa lánh nghiệp của phàm phu. Nếu có tỳ kheo lấy ta làm thầy thì nên làm theo như thế. Xá Lợi Phất, nếu ở đời sau có người cầu Phật đạo, thâm tín tu hành nhứt tâm tinh tấn, biết hổ thẹn, muốn cầu thiện pháp, hoặc bị người khinh chê nói rằng: ông là kẻ lười biếng không làm nên được trò gì. Trong hiện đời không thể làm được sa môn,vì thọ năm món dục nên làm được quốc vương, hiện thực hành pháp môn tự cho là Bồ Tát, nhận kẻ khác tán dương cung phụng. Những kinh pháp Ðại thừa như thế, Phật không cho đây là của người hành đạo.

Này Xá Lợi Phất, xét về người ngu đem chuyện nhỏ nhặt khinh hủy ta, ta cho kẻ ấy là chân hành giả, vì y lấy phải làm trái. Như Như Lai nói, người có hạnh tối thắng thì được giải thoát cũng tối thắng; còn người lấy thị phi làm điều thì không thể nào giải thoát được. Xá Lợi Phất, lúc đó có một người cư sĩ, vì đệ tử hắn tin theo lời Phật dạy, thấy chư Bồ Tát, tỳ kheo, tỳ kheo ni, ưu bà tắc, ưu bà di đọc tụng, tu tập các kinh điển nên sanh tâm thù oán. Xá Lợi Phất, người ngu ấy thì làm sao có thể giữ giới được. Như trong kinh ta đã nói, thấy cây cao vòi vọi như người không nên sân, huống gì là người hiểu biết. Người ác như thế ưa ôm lòng sân giận. Xá Lợi Phất, ông chớ xét thời thế đảo điên rồi tưởng pháp là phi pháp, hoặc phi pháp là pháp; thiện cho chẳng thiện, chẳng thiện cho là thiện. Trong khi thực hành tưởng chẳng thực hành; chẳng thực hành tưởng là thực hành. Trong giải thoát tưởng chẳng giải thoát, chẳng giải thoát tưởng được giải thoát. Nên biết rằng kẻ ấy không thể gọi là hành giả, cũng không thể gọi là người giải thoát. Vì không hiểu pháp, cũng như không biết điều thiện, nên không thể theo kịp những lời Phật dạy. Người si mê như thế bị sân hận làm mờ tối, bị tham lam, ganh ghét ngăn che, tự đề cao mình mà nhục mạ người. Bị tham giận, ngu si làm hại, nhiễm sâu điều ác, xa lià việc thiện.

Này Xá Lợi Phất như ta đã nói, lỗi lầm của người này cứ tiếp tục gia tăng nghiệp tội không thể cứu chữa được. Phải xa lánh người ngu như tránh trâu điên vậy. Xá Lợi Phất, Như Lai là thầy kẻ nào biết tàm quí, không phải kẻ không biết hổ thẹn; thầy người tin thọ, không phải với kẻ không tin. Thầy thuận giáo pháp, không phải kẻ phá hoại Phật pháp; thầy của người tinh tấn, không phải của kẻ biếng lười. Thầy kẻ nhiếp tâm, không phải của người loạn tưởng, thầy kẻ trí, không phải của người ngu si...

Xá Lợi Phất, người ngu si như thế chẳng phải đệ tử ta, ta cũng không là thầy hắn. Ông xem người ấy đối với Phật quả - trí tuệ Như Lai - phải tu trong bao nhiêu lâu? Phải tu học dài lâu mới đạt đại trí huệ, thành đạo vô thượng, tức là đem pháp này giảng cho Bồ Tát, nghĩ thế này: nếu có Bồ Tát theo học pháp ấy, tu tập trí huệ Phật, nên chóng đạt được đạo vô thượng Bồ Ðề để cứu độ chúng sanh thoát ly sanh tử, không đoạn mất Phật chủng. Như Lai cũng tôn trọng pháp này, còn người ngu khinh hủy không tin, thật là điều bất thiện trong những bất thiện. Ðó là điều khó nên các thầy phải nương pháp thực hành, chớ nương tựa vào người mà nên tự nương mình, đừng dựa vào kẻ khác. Xá Lợi Phất, đó là giáo pháp của Như Lai. Tại sao tỳ kheo phải y pháp thực hành mà không y người? Phải tự nương mình, không nên dựa vào người khác. Xá Lợi Phất, tỳ kheo phải biết xa lià, tùy thuận Niết Bàn, tu bốn niệm xứ. Sao gọi là niệm xứ? Vì thân thọ nhận, tâm nghĩ tưởng không xa lìa. Lại này Xá Lợi Phất, như thật thấy pháp thì không có tánh sở hữu. Trong các pháp giữ chánh niệm không sai lầm nên gọi là niệm xứ. Ấy là tỳ kheo nương theo pháp tu hành mà không dựa vào người khác; thường tự nương mình, chứ không dựa vào người. Xá Lợi Phất, nếu tu tập pháp niệm xứ như thế thì dứt trừ được tham chấp, gọi là bậc A La Hán, bậc lậu tận, kẻ không còn phiền não; người làm ruộng phước cho đời. Kẻ tự tại, người không nhiễm ô, gọi là bậc trí, kẻ tới bờ giác ngộ, là thầy dẫn đường, là Bà La Môn... Xá Lợi Phất, bậc A La Hán lìa tất cả ác, những pháp bất thiện, không ưa pháp hữu vi, diệt trừ ác nghiệp không cho phát sanh. Xá Lợi Phất, nếu A La Hán tạo nghiệp tội phước thì không có lẽ đó. Tại sao? Vì A La Hán đã xả ba món tham cầu (7) đổi thành chín việc thiện (8), nên đối với các pháp tâm không chấp trước; vượt khỏi cõi dục, cõi sắc, cõi vô sắc, không khát ái, không giận, không phiền, tâm thanh tịnh như hư không, gọi là A La Hán. Xá Lợi Phất, gọi là kẻ lậu tận. Trong các pháp những phiền não đã dứt sạch không còn sót lại, đạt được rốt ráo không còn bị kết buộc. Tâm bậc A La Hán bản lai vốn không, vô cấu thanh tịnh, không bị nhiễm ô. Ở trong sáu trần (9) hoặc tốt, xấu, chê, khen, tâm không đổi khác, vì đã dứt trừ mọi hý luận. Kẻ làm ruộng phước cho đời, vì đã trừ hết phiền giận hay ban cho người pháp thanh tịnh bậc nhất. Gọi là người tự tại, vì thấy được mọi pháp đều không, không sở hữu. Trong pháp không ấy mà đạt đến giác ngộ, lìa mọi luận bàn hư vọng. Gọi là người Bà La Môn tự tại ngăn che các pháp ác, lìa tất cả mọi pháp không bị nhiễm ô. Là bậc đạo sư hay vì người mà thuyết pháp, dứt trừ sanh tử. Là kẻ trí, người biết nghiệp duyên, quả báo cõi dục, cõi sắc và cõi vô sắc đều do hư vọng, phân biệt mà sanh; ở trong đó mà được giải thoát. Là kẻ trí, người đến bờ kia, phá trừ ma chướng và, các kết buộc, đạt đến các pháp giải thoát, ra khỏi bùn lầy, yên ổn trên đất bằng, vì thế nên gọi là người đã đến bờ giác ngộ. Xá Lợi Phất, Như Lai có thể theo chỗ lậu tận của A La Hán có phước đức mà nói pháp không tăng không giảm, làm ruộng phước cho A La Hán, không còn xấu ác, cũng không bị hoạn họa và các chướng nạn. Xá Lợi Phất, nếu có người hủy báng bậc lậu tận A La Hán cũng không khởi nghĩ rằng, người này mắng ta; hay có kẻ xưng tán cũng không nghĩ, người này khen ta. Không còn niệm phân biệt, không có điểm nghi ngờ, khéo nhiếp phục sáu căn, trụ trong thiền định. Nương theo pháp thực hành, không nương theo người; nên tự nương mình, không nên dựa vào người khác. Vì thế Xá Lợi Phất, người thực hành như thế quyết không đi ngược lại đạo giác ngộ chư Phật, cũng không phải là người tạo nghiệp. Như thế chẳng là chỗ chê trách của người tu phạm hạnh, cũng như ra sức ủng hộ đạo pháp của chư Phật làm cho tồn tại lâu dài. Xá Lợi Phất, bậc A La Hán trong các pháp, tâm không nghi ngờ. Những việc làm đã xong, trụ trong chánh đạo. Xá Lợi Phất bạch Phật, bạch đức Thế Tôn: bậc A La Hán không đi ngược lại mà trụ trong Phật pháp. Vì sao? Vì nếu kẻ đi ngược lại là chỗ làm của phàm phu, không phải của bậc A La Hán.

Phật bảo: như thế Xá Lợi Phất, ngược lại giáo pháp chỉ có kẻ phàm phu làm vậy, còn người trí thì không làm thế. Như Lai vì đời sau có những tỳ kheo niên trưởng, hiểu biết nhiều, tâm được an trụ, xúc cảnh mà vẫn xa lánh, không gần gủi nữ sắc, nên tự cống cao cho rằng, ta là bậc A La Hán. Khiến trong đại chúng có nhiều người tin rằng, đó là A La Hán nên tôn kính cúng dường người ngu kia. Vì tham danh lợi nhận của cúng dường, tự dối cho rằng mình có phép A La Hán, không còn bị các kết sử (10) buộc nữa. Người kia chẳng biết, cũng không phân biệt được pháp, chỉ phân biệt theo niệm vui thích, lấy việc kết hợp hơi thở mà cho là đắc đạo. Như khi vào xóm làng giữ gìn oai nghi, còn ở chỗ chung đụng khác lại tự phóng túng (11), ỏ giữa đại chúng cũng làm bộ khác thường. Người kia thích trưởng dưỡng nhiều đệ tử, những kẻ có tri thức như quốc vương, đại thần đều muốn được họ cung phụng; tên tuổi đồn rộng được nhiều người nể kính. Các kết buộc dẫy đầy mà vẫn tự cho rằng không có ràng buộc kết chặt. Ðược nghe những kinh điển mầu nhiệm thích ứng giáo pháp như thế, những đệ tử quí của ta nên mến trọng chú ý lắng nghe thọ trì, mong thấu đạt nghĩa thú, rồi tôn kính tu hành pháp ấy. Còn người ngu thì ngược lại, không tin nhận lại cho rằng, đây không phải là lời Phật nói, chẳng phải của bậc đại sư dạy; không có pháp, chẳng có thiện. Ở trong giáo pháp mà cứ tưởng là phi pháp, trong phi pháp tưởng là pháp. Trong pháp bất thiện nghĩ là thiện, trong pháp thiện tưởng bất thiện.

Xá Lợi Phất, người ngu như thế theo chỗ hiểu pháp nên tự khen mình, chỗ không hiểu tự khinh rẽ, tự đại cống cao, khi dễ người khác. Người ngu như thế chỉ có trì giới nhiếp tâm một chỗ để dần dần nhiếp phục ác tâm thì nên đọc tụng, nghe nhiều... Nuôi nhiều đệ tử được người tôn trọng, khen ngợi, hết lòng kính phục lại sanh tâm kiêu mạn, ngã mạn, thượng mạn. Tùy chỗ nghe các kinh thâm diệu ấy mà khởi tạo các trọng tội.

Người ngu không biết mình có tội kiêu mạn sâu dày, tâm cứ ngu muội, đi ngược với kinh điển, nên khởi tạo các trọng tội (12) phải đọa vào đại địa ngục.






CHÚ THÍCH

(1) Áo nạp: áo chắp nhiều mãnh vãi ráp lại. Chiếc áo (hậu) của thầy tỳ kheo do nhiều mãnh vãi kết thành để cho không còn đẹp xinh nữa, tức là làm áo biến màu đi cho dễ việc tu hành, không bị quấy rầy.

(2) Cà sa: áo cà sa của tăng sĩ Phật giáo. Có ba loại: tăng già lê hay đại y gồm có 9 điều, 12, 17, 21 và 25 điều, uất đa la tăng là y 7 điều và an đà hội hay còn gọi là hạ y, tức y 5 điều.

(3) Cù Ðàm: hay Cồ Ðàm là một tên khác của đức Phật Thích Ca khi Ngài còn tại thế, chúng đệ tử xưng Ngài là sa môn Cù Ðàm.

(4) Phái Lộ Già Da, dịch nghĩa là thuận thế, một phái ngoại đạo có từ thời đức Phật, có nghĩa là thuận theo thế tục, nên không được xuất thế giải thoát.

(5) Tám nạn: tám thứ nạn chẳng may rơi vào trong đó là: 1) địa ngục, 2) ngạ quỉ, 3) súc sanh, 4) Bắc Cu Lô châu (vì sung sướng quá nên không tu hành được), 5) Cõi trời trường thọ, 6) đui, điếc, câm ngọng (manh, lung, ám á), 7) thế trí biện thông (thông minh biện bác theo thế gian nên không thể tu hành được), 8) sanh ra đời trước và sau Phật (cả hai thời kỳ ấy đều khó tu hành).

(6) Trung đạo: (midle way) là đạo lý trung dung không nghiêng lệch về một bên, nên không thái quá, chẳng bất cập. Chỉ có Phật giáo chủ trương như thế, là con đường đưa tới chân lý cứu cánh, giải thoát.

(7) Ba món tham cầu hay ba nhu cầu tất yếu của người đời là: ăn, mặc và chỗ ở. Người tu phải biết đủ về ba món này.

(8) Chín việc thiện hay chín điều lành do ba nghiệp: thân, khẩu, ý phát khởi. Thân có ba: không sát sanh, không trộm cắp, không dâm dục, khẩu có bốn: không nói dối, không nói lời trau chuốt, không nói đòn xóc nhọn hai đầu, không buông lời độc ác, chửi mắng, ý có hai: không sân và không si.

(9) Sáu trần: sáu cảnh sắc bên ngoài như sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp hợp với 6 căn giúp ta phân biệt được sự vật dễ dàng.

(10) Kết sử hay kiết sử: những phiền não ràng rịt đan bện chặt lâu đời trong tâm tưởng chúng sanh khó mà cùng lúc dứt bỏ hết được.

(11) Phóng túng: buông lung quá đà, chỉ người không giữ giới dễ bị lôi cuốn bởi đời sống vật chất hào nhoáng bên ngoài.

(12) Trọng tội: tội nặng, tội sâu dày khó có thể giải kết được.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]