Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần 2

02/05/201318:57(Xem: 8068)
Phần 2
Bàn Về Tư Tưởng Phật Học Trong Tiểu Thuyết Võ Hiệp Kim Dung


Phần 2

Thích Chơn Thiện
Nguồn: Thích Chơn Thiện


Hồi 1: Huyền Thiết Lệnh

A. Tóm tắt hồi 1

- Tạ Yên Khách, một quái kiệt giang hồ, sinh thời đã tặng cho ba đại ân nhân ba tấm Huyền Thiết Lệnh, mỗi tấm Thiết Lệnh có thể yêu cầu Tạ Yên Khách làm bất cứ một việc gì dù khó khăn, nguy hiểm. Tạ Yên Khách đã thu về hai tấm và đã làm hai việc chấn động giang hồ. Tấm thứ ba tặng cho một đại hiệp mà có lẽ trọn đời vị đại hiệp sẽ không dùng đến. Không may vị đại hiệp đánh rơi Thiết Lệnh. Thế là giang hồ tranh nhau tìm đoạt, bao gồm cả chủ nhân Tạ Yên Khách: nhóm Kim Đan Trại, nhóm kiếm sĩ Tuyết Sơn, hai hiệp khách Thạch Thanh, Mẫn Nhu, v.v...

- Kiếm sĩ Ngô Đạo Thông đang cất giữ Huyền Thiết Lệnh nầy và trở thành kẻ địch của thiên hạ. Ngô Đạo Thông vừa nuôi tham vọng nhờ cậy Tạ Yên Khách, vừa hoá trang để che mắt: làm một ông già bán bánh Tiêu ở trị trấn Hầu Giám Tập: đao kiếm đẫm máu đã xẩy ra vào một buổi hoàng hôn... Bấy giờ có một bé ăn xin Cẩu Tạp Chủng đi lang thang tìm mẹ, kẹt giữa " trận chiến " đao kiếm, tình cờ nhặt được chiếc bánh tiêu bên vệ đường để ăn, chiếc bánh mà Ngô Đạo Thông cất giữ Thiết Lệnh.

- Tạ Yên Khách tìm thấy Thiết Lệnh từ chiếc bánh tiêu của Cẩu Tạp Chủng trước sự chứng kiến của nhiều kiếm khách. Theo lời hứa, Tạ Yên Khách phải bảo vệ cậu bé, và phải làm theo một yêu cầu của bé, nhưng bé thì vâng theo giáo huấn của "má má " ở Hùng Nhĩ, trọn đời sẽ không mở miệng xin ai một điều gì. Do vậy, Tạ Yên Khách phải giữ cậu bé cạnh mình, không rời một bước, sợ bị người xấu xúi giục yêu cầu điều khó thực hiện, và chờ đợi cơ hội để đánh lừa bé...

- Tạ Yên Khách đem Cẩu Tạp Chủng về sống cách ly trên đỉnh núi Ma Thiên Nhai cô vắng.

B. Ý kiến

1. Hiệp sĩ, hay hiệp khách, là người thường cứu giúp người, cứu giúp đời, thoát khỏi các áp bức , bất công. Xa hơn, Hiệp khách còn trừ khử các cường tặc, các tham quan ô lại để bảo vệ dân lành, bảo vệ các quan trung chính vì nước, vì dân. Nhân vật chính của truyện kiếm hiệp vì thế đầy tiết khí, hấp dẫn người đọc. Kim Dung đã mượn tiểu thuyết kiếm hiệp như là phương tiện tốt nhất để chuyên tải tư tưởng, tâm sự, cảm xúc, tiết khí của mình đối với nhân quần và quốc gia xã hội, xây dựng một hệ văn hoá đầy tính nhân văn và trí tuệ.

2. Nền văn hoá nào cũng nói về điều thiện, đề cao điều thiện, nhưng quan niệm về lẽ thiện thì có điểm khác nhau. Kim Dung nói:

" Bậc thông minh tài trí, kẻ hùng cường dũng cảm đại đa số đều tích cực tiến thủ. Tiêu chuẩn đạo đức đã chia họ ra làm hai loại người: mưu cầu hạnh phúc cho nhiều người, đó là người tốt; chỉ chú ý đến quyền lợi và địa vị, dục vọng của riêng mình mà làm hại người khác, đó là người xấu. Mức độ tốt xấu căn cứ vào mức độ họ đem lại hạnh phúc hay gây tai họa cho người khác để xác định ".

3. Về quan niệm về Truyền thống, giáo sư triết Lý Đỗ, trong dịp thảo luận với Kim Dung tại Đại học Tân An, Hồng Kông, đã hỏi:

" Tôi đọc Ỷ Thiên Đồ Long Ký, Tiếu Ngạo Giang Hồ, v.v... Tôi đoán, phải chăng tiên sinh cảm thấy văn hóa của chúng ta phát triển đến ngày nay, những cái tốt đẹp của truyền thống đã rơi rụng mất rồi, cần phải tìm ở bên ngoài, như vậy hơi có ý vị phủ định truyền thống ,"

Kim Dung đáp:

" Có mấy bộ tiểu thuyết, xuất phát điểm của tôi lúc ấy là phủ định cách nghĩ giáo điều chủ nghĩa. Tôi tín phục lý tính... Tôi nghĩ bản thân chân lý cũng có tính tương đối của nó. Xã hội biến thiên, chân lý cũng có thể thay đổi. Đạo lý ngàn vạn năm bất biến, đó là điều mà tôi không tin. Sự thực, những kẻ cuồng tín rất nhiều, thậm chí trong lãnh vực khoa học cũng có, những lý thuyết khoa học đã từng được người ta cho là chân lý nhưng rồi lại hóa ra không hoàn toàn đúng ".

4. Về quan niệm Nhân quả - Nghiệp giản đơn ở đời, như " ở hiền thì gặp lành, ác giả ác báo " - khác với nhân quả ba đời (quá khứ, hiện tại và vị lai: sanh báo, hậu báo và laibáo, của Phật giáo thì Kim Dung nghĩ khác hơn:
" Tôi muốn mượn tiểu thuyết để phản ảnh nhân sinh. Ở đời không nhất thiết ' ở hiền gặp lành, ác giả ác báo '. Cuộc đời thật ra rất phức tạp, số phận cũng thiên biến vạn hóa. Nếu cứ theo mô thức nhất định mà mô tả thì quá giản đơn hóa cuộc đời. Cờ vây có công thức nhất định mà nhân sinh thì không có định thức. Đem Kinh kịch để biểu hiện nhân sinh thì thường định thức hóa, chức năng nghệ thuật của Kinh kịch thường thiên về giáo huấn, khó lòng thể hiện chân thực đời sống ". (Ibid.tr.330)

Các điểm vừa nêu trên, từ mở đầu, là ánh sáng rọi vào " Hiệp Khách Hành " để người viết nhận ra tư duy mới và tư tưởng Phật học của Kim Dung.

5. Các nhân vật trong Hồi 1 biểu hiện các mẫu hình tâm lý về thiện, ác, bất định ở nhiều cấp độ, như:

- Tạ Yên Khách là một quái kiệt võ lâm bất câu thiện, ác, đã tặng ba tấm Huyền Thiết Lệnh và hứa sẽ làm theo một yêu cầu của người có Thiết Lệnh, nhưng khi một tấm rơi vào tay cường đạo, ông ta đã bằng mọi thủ đoạn để đoạt lại tấm Thiết Lệnh ấy. Ông thuộc loại mẫu tâm lý bất định.

- Nhóm Kim Đao Trại thì hung hãn, đầy ham muốn vị kỷ, xem mạng sống của tha nhân như cỏ rác: nhóm nầy thuộc tâm lý xấu ác.

- Thạch Thanh - Mẫu Nhu suốt đời trọng nghĩa, làm việc nghĩa giúp người: thuộc tâm lý thiện, tốt.

- " Má má " của Cẩn Tạp Chủng do hận tình mà một lần đã gia hại gia đình Mẫn Nhu: theo tâm lý Phật giáo, nàng thuộc hạng tâm lý si và hận, thuộc ác tâm, hại tâm...

- Tên giúp việc trong tiệm tạp hóa quen thói " lý sự cùn ", khi nghe một tay đao kiếm hung hãn nói: " Còn ai muốn nếm mùi đao thì cứ việc chạy ra ". liền buột miệng bép xép: " Đao thì làm gì có mùi?" liền bị tên hung hãn vung roi giật bắn người ra đường chết toi. Cái chết rẻ rúng, lạt nhách như thế là sự cảnh tỉnh cái thói quen hư đàm, huyền luận vô bổ.

- Cẩu Tạp Chủng là mẫu tâm lý thuần thiện: trong sáng, chân thật rất nguyên sơ, thông tuệ, nhân ái. Đây là mẫu tâm lý mà Kim Dung xây dựng niềm tin phát triển sẽ đi về chân, thiện, mỹ: chàng sống vô cầu, vô dục từ thân phận kẻ ăn xin, rồi đời sống dẫn dắt đến điểm nhặt được Huyền Thiết Lệnh, thân cận quái khách, đi vào phương trời mới.

Qua Hồi 1, người đọc có cảm nhận rõ: ai sống thiểu dục tri túc thì tốt đẹp cho bản thân và xã hội; sống đa dục, vị kỷ thì làm khổ mình, khổ người, thể hiện triết lý sống của nhà Phật.

Hồi 2: Thiếu niên gây đại họa

A. Tóm tắt hồi 2

- Hai hiệp Khách Thạch Thanh và Mẫu Nhu ký thác con trai là Thạch Trung Ngọc làm môn nhân của kiếm phái Tuyết Sơn. Năm 15 tuổi, Thạch Trung Ngọc là một thiếu niên năng động, láu lỉnh, đa tình, hay chọc ghẹo A - Tú, 13 tuổi, con gái của Bạch Vạn Kiếm (Cháu nội của bang chủ Tuyết Sơn); A Tú chưa bị hạ nhục, nhưng tức mình tự vẫn (được kể lại). Mẹ nàng bị trách cứ, và vì thương con mà sanh cuồng trí. Phong Vạn Lý, thầy dạy kiếm của Thạch Trung Ngọc, bị bang chủ tức mình chặt đứt một cánh tay. Bang chủ phu nhân bị vạ lây, bỏ Tuyết Sơn ra đi. Hai người sư thúc khác của Thạch Trung Ngọc bị Đinh Bất Tam giết vì lý do khác cũng được kết vào tội do lỗi Thạch Trung Ngọc gây ra. Từ đó Bạch Vạn Kiếm dẫn một toán kiếm sĩ hạ sơn tìm kiếm Thạch Trung Ngọc để giết, và đốt Thạch gia trang để rửa hận.
- Bạch Vạn Kiếm đòi Thạch Thanh - Mẫn Nhu đến gặp bang chủ Tuyết Sơn (Bạch Tự Tại) để nhận trách nhiệm làm cha làm mẹ. Giọc đường cả toán Tuyết Sơn bị Tạ Yên Khách tấn công thu hết kiếm, lại vô minh chồng chất, kết oán cho rằng Thạch Thanh và Mẫn Nhu ám hại họ.

B. Ý kiến

1. Ở tuổi 15, Thạch Trung Ngọc chỉ là một thiếu niên " quậy phá ", trêu chọc A Tú, dễ dàng được các võ sư, kiếm sĩ uốn nắn, nhất là khi A Tú suýt bị hại. Vậy mà gia đình bang chủ Bạch Tự Tại đã để mình rơi vào một số sai lầm mà giáo lý nhà Phật gọi là vô minh:

- Có các người ganh ghét và đố kỵ Thạch Trung Ngọc (do vì Thạch Trung Ngọc có bố mẹ thân tình với bang chủ, giàu có và tiếng tăm) đã dựng chuyện thêu dệt, chuyện bé xé ra to.
- Có những bàn tay quái nghịch trong bóng tối như Đinh Bất Tam, Đinh Bất Tứ, A Đang nhúng tay vào khiến cho sự việc rối rắm.
- Quan niệm sai lầm về giá trị " đứng đắn ", " tiết trinh ", đức hạnh " của người con gái của gia đình Bạch Tự Tại đã " đổ dầu vào lửa " cho sự việc cháy bùng, đáng tiếc!

- Các tướng trạng, hay các sự kiện, biểu hiện do rất nhiều nguyên nhân xa, gần tác động, nhưng " vô minh " đã giục gia đình Bạch Tự Tại quy tội về cho Thạch Trung Ngọc, một mình Thạch Trung Ngọc.

- Từ nhìn sai sự việc, dẫn đến hành động sai lầm; các hành động sai lầm dẫn đến sự kết nối sai lầm dây chuyền. Hầu như Kim Dung đang phô diễn cái hư huyễn của các tướùng trạng, và cái nguy hại của các tâm lý xấu của con người mà Kinh Kim Cang nhà Phật gọi là " Các tướng trạng đều không thật " (" Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng ")

2. Cục diện Tuyết Sơn khởi đầu rối rắm do nhìn sai, thấy sai và nghĩ sai: thuật ngữ Phật giáo gọi là tà kiến và tà tư duy ; từ đó kéo theo các sai lầm khác như báo cáo sai (tà ngữ), hành động sai (tà nghiệp), tưởng nghĩ sai (tà niệm), nỗ lực giải quyết sai (tà tinh tấn) do thiếu sáng suốt, định tỉnh (tà định). Tại đây Kim Dung bắt đầu gợi mở ra nếp sống, nếp văn hóa "Bát Chánh Đạo" của Phật giáo: nếp sống của sự đúng đắn, ổn định.

3. Cảnh tượng Cảnh Vạn Chung của Tuyết Sơn chạm vào nội lực của Thạch Thanh mới nhận ra nội lực quá yếu kém của mình, sợ hãi đến toát mồ hôi lạnh: sự việc nầy các người chung quanh không nhận ra, rằng giá trị của sức mạnh của một kiếm khách nằm ở nội lực, mà không ở bên ngoài kiếm thuật. Cũng vậy, giá trị của một hành động là dựa vào cái tâm tác động lên hành động (tốt xấu)...) mà không nằmở bên ngoài của biểu hiện hành động. Đây là nội dung định nghĩa chữ Nghiệp (Karma) của nhà Phật.

4. Thạch Thanh và Mẫn Nhu là hai đại hiệp khách chân chính mà liên tục gặp tai ương: con, Thạch Trung Ngọc bị nạn; Thạch Gia Trang bị đốt; các gia nhân của Thạch Gia Trang bị khốn đốn; một đứa con trai khác, Thạch Trung Kiên, bị " Mai Phương Cô " (tình địch) bắt đi mất tích từ năm lên một. Đây là trường hợp ở ngoài sự thật " ác giả ác báo, ở hiền gặp lành " mà người đương thời tin tưởng.

5. Đời sống thì dẫy đầy các tác nhân vô thường, bất định:

- Các sân hận thì phản ứng đột ngột, tai hại bất định, khó lường.

- Các tâm lý tham thì hành động âm thầm, mưu thâm đầy nguy hiểm.

- Các tâm lý bất định hành động tùy hứng như Tạ Yên Khách, Đinh Bất Tam, Đinh Bất Tứ, A Đang... thì khó lường. Giữa môi trường sống đó thì con người dễ mắc vào các tai họa, rủi ro không do mình gây ra. Đây là nỗi khổ vô thường, theo Phật học, gắn chặt với thân phận con người ở ngoài mọi " logic ".

Chỉ có sự thuần túy thuật chuyện về một hồi truyện ngắn của Kim Dung đã ảnh hiện rất nhiều điểm về Phật học, rất ý vị!

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567