Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương tư: Phật giáo đời nhà Lý (1010 - 1225)

03/04/201314:46(Xem: 9314)
Chương tư: Phật giáo đời nhà Lý (1010 - 1225)
Việt Nam Phật Giáo Sử Lược

Chương Tư: Phật Giáo Đời Nhà Lý (L010 - 1225)

Thích Mật Thể
Nguồn: Thích Mật Thể

1. Lý Thái Tổ (l010 - l088)

Ngài tên húy là Công Uẩn, con nuôi một vị sư chùa Cổ Pháp là Lý Khánh Văn, sau thọ giáo với ngài Vạn Hạnh. Lớn lên ngài theo ngài Vạn Hạnh vào Hoa Lư làm quan với nhà Lê đến chức Tả Thân Vệ Điện Tiền chỉ huy sứ. Khi Lê Ngọa Triều mất thì ngài đã 35 tuổi. Bấy giờ lòng người đã oán giận nhà Tiền - Lê lắm, nên ở trong triều có bọn ông Đào Cam Nuộc, cùng với Tăng Thống Vạn Hạnh mưu tôn ngài lên làm vua. Ngài lên ngôi Hoàng Đế tức là vua Thái Tổ , nhà Lý, đóng đô ở thành Thăng Long (Hà Nội), lấy niên hiệu Thuận Thiên.

Thái Tổ vốn ở trong phái Phật học mà ra nên khi ở ngôi vua, ngài hết sức sùng trọng Phật giáo. Ngay khi mới lên ngôi đã sắc ban phẩm phục cho các hàng Tăng sĩ.

Năm Thuận Thiên nguyên niên (l010), Thái Tổ sắc làm nhiều chùa ở phủ Thiên Đức, lấy tiền kho hai vạn quan để dựng 8 ngôi: trong thành Thăng Long dựng chùa Hưng Thiên Ngự, gần điện Thái Thanh dựng chùa Vạn Tuế, ngoài thành lại dựng những chùa Thắng Nghiêm, Thiên Vương, Cẩm Y, Long Hưng, Thánh Thọ, Thiên Quang và Thiên Đức. Triều đình lại sắc đi khắp các làng hễ chùa nào đổ nát thì phải tu bổ lại.

Sang năm thứ 9 (l019) Thái Tổ sai sứ là Phạm Hạo và Nguyễn Đạo Thanh sang Trung Hoa thỉnh kinh. Khi được vua Tống ban cho, ngài lại sắc một vị Thiền sư là Phi Trí đi sang tận Quảng Tây đón về và để vào kho sách Đại Hưng. Đó là lần thứ hai nước ta có sứ đi cầu kinh.

Năm sau (l020), ngài sắc lập Đạo đường và phái Tăng sĩ đi diễn giảng Phật đạo khắp trong nước. Lại sắc đúc mấy quả chuông để treo ở các chùa Hưng Thiên, Đại Giáo, Thắng Nghiêm.

Năm Thuận Thiên thứ 15 (l024) tháng chín, ngài lập chùa Chân Giáo ở trong thành và sắc các Tăng sĩ, Pháp sư đến đó tụng kinh và giảng đạo để ngài thường đến nghe.

Về đời Lý Thái Tổ, trong nước đã cường thịnh, các nước ngoài như Chiêm Thành, Chân Lạp đều chịu triều cống, bên Trung Hoa nhà Tống cũng giao hiếu không sanh sự, dân tình được an lạc, vua và triều đình lại hết tâm ủng hộ, nên Phật giáo ở nước ta hồi ấy có thể gọi là hồi thạnh nhất từ trước đến sau. Bấy giờ Hán học tuy đã phổ thông khắp dân chúng, nhưng Nho giáo hình như chỉ là phần phụ ít ai để ý đến, vì chưa có khoa cử, nên Phật giáo vẫn đứng địa vị độc tôn. Bởi thế, văn hóa và học thuật trong nước vẫn là ở trong phái Phật học cả.

Những vị Thiền sư có danh tiếng thời bấy giờ như Vạn Hạnh Thiền sư, Đa Bảo Thiền sư, Sùng Phạm Thiền sư đều ở hai phái Tì Ni và Vô Ngôn mà ra cả Vạn Hạnh Thiền sư : Người làng Cổ Pháp (nay là làng Đình Bản, phủ Từ Sơn, Bắc Ninh) họ Nguyễn, không rõ tên tục là gì. Nhà ngài đời đời thờ Phật, từ thuở nhỏ ngài đã thông minh khác chúng, học khắp tam giáo và khảo cứu nhiều kinh luận nhà Phật. Năm 20 tuổi, ngài xuất gia cùng với Định Huệ Thiền sư, theo học với ngài Thiền ông Đạo-gia, tức là đời pháp thứ hai của phái Tì Ni Đa Lưu Chi. Sau Thiền ông tịch rồi, ngài chuyên tập pháp "Tổng trì Tam-ma-địa", mỗi khi nói câu gì lạ thường, người đời đều cho ông là câu sấm. Thời vua Lê Đại Hành còn tại thế, thường mời ngài đến hỏi về việc quân.

Niên hiệu Thiên Phúc năm thứ nhất (980), nước Trung Hoa sai Hậu Nhân Bửu đem quân qua đánh nước ta, khi đã đóng núi Cương Giáp Lãng (?), vua Đại Hành mời Thiền sư đến hỏi quân ta thắng bại thế nào ? Ngài tâu: Chỉ trong ba, bảy ngày thì giặc tất lui. Sau quả nhiên như vậy. Ngài rất giỏi về sấm ngữ và độn số, vua Đại Hành rất đem lòng tôn kính thán phục.

Năm Thuận Thiên thứ 9 (l018), ngài không đau ốm gì mà tịch. Vua Lý Thái Tổ và các đệ tử rước ngài lên hỏa đàn rồi thâu hài cốt xây tháp để thờ.

Ngài có bài kệ trước khi tịch rằng :

Thân như điện ảnh hữu hoàn vô,
Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô,
Nhậm vận thạnh suy vô bố úy,
Thạnh suy như lộ thảo đầu phô.

Dịch :

Thân như bóng chớp chiều tà,
Cỏ xuân tươi tốt, thu qua rụng rời.
Sá chi suy thạnh việc đời,
Thạnh suy như hạt sương rơi đầu cành.

Sau vua Lý Nhân Tôn (l072 - 1 127) cũng có bài truy tán ngài rằng:

Vạn Hạnh dung tam tế,
Nhơn phù cổ sấm cơ (ky).
Hương quan danh Cổ Pháp
Trụ tích trấn vương kỳ .

Dịch :

Thiền sư học rộng bao la,
Giữ mình hợp phép sấm ra ngoài lời.
Quê hương Cổ Pháp danh ngời,
Tháp bia đứng vững muôn đời Đế Đô.

Đa Bảo Thiền sư : Không rõ ngài quê quán ở đâu, Trú trì chùa Kiến Sơ ở làng Phù Đổng. Ngài là đệ tử của Khuông Việt Thái sư (phái Vô Ngôn Thông). Lý Thái Tổ nghe danh thường mời ngài vào triều hỏi đạo và bàn luận việc nước và việc ngoại giao Thái Tổ có sắc trùng tu chùa Kiến Sơ cho ngài ở sau không rõ ngài tịch ở đâu và bao giờ, vì ngài thường thường vân du đi khắp xứ để thuyết pháp truyền đạo.

Đệ tử được truyền tâm pháp của ngài là Định Hương Trưởng lão.

2. Lý Thái Tôn (l028 - l054).

Thái tử Phật Mã nối ngôi Thái Tổ, tức là Lý Thái Tôn, lấy niên hiệu Thiên Thành. Ngài cũng là người sùng đạo Phật, thường thường họp các bô lão, Tăng sĩ ở các chùa để bàn luận về đạo Phật.

Năm Thiên Thành thứ tư (l031) tháng tám, sau khi dẹp giặc Chiêm ở Hoan Châu (Nghệ An bây giờ) về, Thái Tôn sắc lập 95 ngôi chùa. Khi chùa là in xong, triều đình mở quốc hội để khánh thành và miễn thuế cho nhân dân một năm.

Năm 1034, Thái Tôn đổi niên hiệu là Thông Thụy. Tháng 8 năm ấy nhà Tống ban Đại Tạng kinh và sai sứ rước sang cho ta, Thái Tôn sai triều quan đi đón rất long trọng.

Trong năm ấy có 2 vị Thiền sư là Nghiêm Bảo Tánh và Phạm Minh Tâm ngộ đạo tự thiêu mình, Thái Tôn cho rước tro ấy vào thờ ở chùa Trường Thánh.

Đến năm Thông Thụy thứ ba (l036), Thái Tôn sắc sơn thếp lại các tượng Phật ở các chùa. Khi hoàn thành triều đình mở quốc hội khánh thành và miễn thuế cho dân một năm.

Lại vào khoảng niên hiệu Thông Thụy (l034-1038), vua thường đến hỏi đạo nơi ngài Thuyền Lão Thiền sư và xưng làm đệ tử. Sau vua được ngài truyền tâm pháp, tức là người thứ bảy trong đời, truyền thống thứ bảy của phái Vô Ngôn Thông vậy[1]

Triều đời Lý, ngài thật là một ông vua sùng đạo bậc nhất. Ngoài những lúc lo việc chính trị, ngài lại lo học pháp Thiền định của phái Thiền Tôn. Ngài tu tại gia, thọ giáo với ngài Thuyền Lão; ngài lại thường đàm đạo với các Thiền sư nổi tiếng bấy giờ như Cứu Chỉ Thiền sư, Bảo Tánh Thiền sư, Minh Tâm Thiền sư, v.v... Các Thiền sư này cũng là những bậc Đại đức của phái Vô Ngôn, mỗi ngài đều có đệ tử rất đông.

Qua niên hiệu Sùng Hưng Đại Bảo năm đầu (1049), Thái Tôn sắc dựng chùa Diên Hựu. Nguyên năm trước ngài nằm mơ thấy đức Phật Quan Âm dẫn ngài vào Liên Hoa điện. Tỉnh dậy, ngài ban hỏi đình thần thì một vị Tăng Thống xin lập chùa. Vua nghe lời, sắc dựng một cục đá, ở trên xây điện Liên Hoa (hình hoa sen nổi trên mặt nước) thờ Phật Quan Âm và hội các Tăng sĩ lại tụng kinh cầu trường thọ (chùa ấy hiện còn ở gần Hà Nội, người ta thường gọi là "Chùa Một Cột").

Những Thiền sư có danh hồi ấy như Huệ Sinh Thiền sư, Định Hương Trưởng lão Thiền sư (phái Tì Ni), Cứu Chỉ Thiền sư v.v . . .

Huệ Sinh Thiền sư : Họ Lâm, tên tục là Khu, quê ở Đông Phù Liệt nguyên là con cháu Lâm Phú ở Trà Sơn (huyện Thanh Trì, Hà Đông bây giờ). Thuở nhỏ tướng mạo khôi ngô, nói năng rất lưu loát, nổi tiếng văn hay chữ tốt.

Những khi học Nho còn thừa thì giờ ngài lại nghiên cứu kinh Phật. Mỗi khi nói đến chỗ cốt yếu của Phật pháp, ngài thường than thở và rơi nước mắt. Gần 70 tuổi, ngài theo Định Huệ Thiền sư, từ đó đạo học càng ngày càng tiến. Khi được sư phụ truyền tâm pháp cho, ngài mới đi hành hóa khắp chốn tòng lâm, rồi lên ở núi Bồ-đề. Mỗi lần ngài ngồi nhập định tu pháp ít nhất cũng phải năm bảy ngày. Người đời bây giờ thường gọi ngài là ông 'Phật xác thịt".
Vua Lý Thái Tôn nghe tiếng ngài có sai sứ đến mời. Ngài bảo sứ giả rằng: ông không thấy con sanh trong lễ tế ư ? Khi chưa tế thì người ta cho nó ăn cỏ thơm, mặc áo gấm, đến khi giắt vào Thái miếu thì nó chỉ muốn cầu chút sống sót, còn nói đến việc gì ? Nói rồi ngài từ chối không chịu đi. Sau vì nhà vua cố ép, bất đắc dĩ ngài phải tới cửa khuyết.

Sau khi đàm đạo về Phật pháp, vua rất lấy làm kính phục, mới phong cho ngài làm chức Nội Cung Phụng Tăng và sắc truyền ở chùa Vạn Tuế gần thành Thăng Long. Một hôm trong Đại hội có thiết tiệc chay đãi các Tăng sĩ, vua ban :

"Đối với tâm nguyện của Phật, các học giả thường cãi lộn nhau, Trẫm muốn các bậc thượng đức ở đây, bày tỏ chỗ sở đắc, để Trẫm xem học vấn của các ngài đến bậc nào".

Ngài liền ứng khẩu đọc bài kệ rằng :

Pháp bổn như vô pháp,
Phi hữu duyệt phi không.
Nhược nhân tri thử pháp,
Chúng sinh dự Phật đồng.
Tịch tịch Lăng già nguyệt,
Không không độ hải châu.
Tri không không giác hữu,
Tam-muội nhậm thông châu.

Dịch :

Pháp vốn như không pháp,
Chẳng có cũng chẳng không.
Nếu hiểu được pháp ấy,
Chúng sinh, Phật vẫn đồng.
Trăng Lăng-già phẳng lặng,
Thuyền Bát-nhã chơn không.
Biết không rồi biết có,
Tam-muội mặc dung thông.
Vua rất lấy làm mến phục.

Thời ấy các Vương công trong triều và các sĩ thứ nhiều người đến hỏi đạo lý và đều kính ngài là bậc thầy. Sang đời Thánh Tôn, ngài lại được phong làm Tả Nhai Tăng Đô Thống. Đến năm Gia Khánh thứ 5 (l063) ngài mất. Ngài có soạn ra mấy cuốn Pháp sư trai nghi, Đạo tràng khánh tản văn, nhưng đều thất truyền.

Định Hương Trưởng Lão : Họ Lữ quê ở Chu Minh, đệ tử của ngài Đa Bảo Thiền sư (phái Vô Ngôn), thọ giới với sư phụ đã hơn 24 năm.

Môn đệ của Đa Bảo Thiền sư có hơn vài trăm người, ngài cùng Bảo Hòa Thiền sư đứng vào bậc nhất.

Một hôm ngài hỏi Đa Bảo Thiền sư rằng :

- Thế nào là tìm thấy chân tâm của mình ?

- Thì người cứ tìm đi.

Ngài nghe thầy nói thế, trong lòng bâng khuâng, một hồi lâu nói :

- Hết thảy mọi người cũng đều thế cả, phải gì một đệ tử này.

- Thế người đã hiểu chưa ?

- Khi đệ tử hiểu rồi thì lại cũng như khi chưa hiểu.

- Ngươi nên giữ gìn lấy cái tâm ấy.

Nghe thầy dạy thế, ngài liền chấp tay và xây mình lại Đa Bảo liền quát to lên rằng :

- Đi đi !

Ngài vội sụp xuống lạy. Đa Bảo Thiền sư dạy :

- Từ nay người tiếp người nên coi mình như người mắt mờ tai điếc vậy.

Thời ấy ở Kinh đô có quan Thành Hoàng sứ là Nguyễn Tuân, rất kính mến đạo đức của ngài mời ngài về trú ở chùa Cảm ứng, học trò đến học rất đông, ngài giáo hóa được nhiều người đắc đạo. Niên hiệu Sùng Hưng Dại Bảo thứ ba (l051) ngài tịch.

Thuyền Lão Thiền sư : Trú trì ở chùa Trùng Minh huyện Tiên Du, đệ tử của Đa Bảo Thiền sư. Khi học đã đắc đạo rồi mới về ở ngôi chùa vùng Từ Sơn, danh tiếng lẫy lừng, học trò kể hơn nghìn người. Chỗ ở của Thiền sư thành ra một nơi tùng lâm đô hội.

Trong khoảng niên hiệu Thông Thụy (l034 - l038), vua Lý Thái Tôn nhơn một hôm đến thăm và hỏi rằng :

- Hòa thượng trú ở chùa này bao lâu ?

Thiền sư liền đọc hai câu thơ rằng :

Đản tri kim nhật nguyệt,
Thùy thức cựu xuân thu.

Dịch :

Sống ngày nay biết ngày nay,
Còn xuân thu trước ai hay làm gì.

- Ngày thường Hòa thượng làm việc gì ?

Ngài lại đọc :

Túy trúc huỳnh hoa phi ngoại cảnh,
Bạch vân minh nguyệt lộ toàn chân.

Dịch :

Trúc biếc hoa vàng đâu cảnh khác
Trăng trong mây bạc hiện toàn chân.

Sau khi về cung, vua định cho sứ đến rước ngài lo triều để cố vấn. Đoạn sứ giả đến nơi thì ngài đã tịch rồi.

3. Lý Thánh Tôn (1054 - 1072)

Thái tử Nhật Tôn nối ngôi Thái Tôn hiệu là Thánh Tôn, đổi quốc hiệu là Đại Việt[2] niên hiệu là Long Thụy Thái Bình (l054). Ngài là một ông vua sùng đạo Phật và nhân từ nhất. Những mùa lạnh ở trong cung, ngài thường nghĩ thương đến tù phạm và những kẻ nghèo. Một năm, trời rét lắm, Thánh Tôn bảo những quan hầu cận rằng :

"Trẫm ở trong cung ăn mặc như thế này mà còn rét, nghĩ những tù phạm phải giam trong ngục, phải trói buộc, cơm không có mà ăn, áo không có mà mặc, vả lại có người xét hỏi chưa xong, gian ngay chưa rõ, lỡ rét quá mà chết thì thật là thương lắm ".

Nói rồi ngài truyền lấy chăn chiếu cho tù nằm và mỗi ngày cho ăn hai bữa đầy đủ. Lại một hôm, Thánh Tôn ra ngự ở điện Thiên Khánh xét án, có Động Thiên Công chúa đứng hầu bên cạnh, ngài chỉ Công chúa mà bảo các quan rằng :

"Lòng Trẫm yêu dân như yêu con Trẫm vậy; Trẫm vì trăm họ ngu dại làm càn phải tội, Trẫm lấy làm thương lắm; vậy từ rày về sau, tội gì cũng giảm nhẹ bớt đi" [3]

Ngài có lòng từ bi bác ái như vậy; cũng là do ngài sùng mộ Phật giáo và trong triều lại có nhiều vị Thiền sư hầu cận làm ngự sử cho ngài.

Năm Long Thụy Thái Bình thứ 5 (l056), Thánh Tôn sắc dựng Sùng Khánh ở phường Báo Thiên, có xây một ngọn tháp 12 tầng, cao 20 thượng và đúc một quả chuông hết 12 ngàn cân đồng (phường ấy ở xã Tiên Thị, huyện Thọ Xương, tức Hà Nội bây giờ hiện còn di tích).

*

PHÁI THẢO ĐƯỜNG

Năm Kỷ Dậu (l069), vua Lý Thánh Tôn đi đánh Chiêm Thành về, có bắt được vua nước ấy là Chế Cũ và nhiều dân lính làm tù binh. Các tù binh ấy vua Thánh Tôn ban cho các quan triều làm quân hầu Trong số các quan triều ấy có một vị Tăng Lục.

Một hôm vị Tăng Lục ấy đi vắng về, bỗng thấy bản "Ngữ lục" của mình bị một tù binh sửa chữa lại cả. Ngài thất kinh đem việc ấy tâu vua, vua liền cho đòi tên tù binh ấy hỏi, thì y ứng đối rất thông, luận về những kinh điển nhà Phật rất là xác đáng. Hỏi ra thì đó một vị Thiền sư người Trung Hoa theo thầy qua Chiêm Thành, chẳng may bị bắt làm tù binh. Vị Thiền sư ấy chính tự hiệu là Thảo Đường, đệ tử của ngài Tuyết Đậu Minh Giáo bên Trung Hoa.

(Theo sách Tục Truyền Đăng Lục thì Tuyết Đậu là đạo hiệu của một vị Thiền sư tu ở núi Tuyết Đậu thuộc hạt Minh Châu nước Trung Hoa, chính hiệu là Trùng Hiển, tự là Ẩn Chi; vì tu ở núi Tuyết Đậu nên người ta kêu là Tuyết Đậu Thiền sư).

Khi biết rõ tung tích của Thảo Đường Thiền sư, vua Thánh Tôn liền sắc phong ngài chức Quốc sư, cho khai giảng ở chùa Khai Quốc trong thành Thăng Long. Đệ tử đến theo học rất đông. Ngài biệt lập ra một phái, sau người ta gọi là phái Thảo Đường, tức là phái Thiền tôn thứ 3 ở ta vậy.

Lý Thánh Tôn cũng thọ giáo với ngài. Sau Thánh Tôn đắc đạo được ngài truyền tâm pháp và là đệ tử đầu tiên của phái Thảo Đường. Sau phái Thảo Đường truyền xuống được 5 đời, đắc đạo cộng được 19 người[4]

Thế là trong đời vua Lý Thánh Tôn, Phật giáo ở nước ta lại thêm một phái.

Năm Thiên Huấn Bảo Tượng thứ 2 (l069), Thánh Tôn có sắc dựng Văn miếu, đúc tượng Chu Công, Khổng Tử cùng tượng Tứ Phối và Võ tượng 72 vị Tiền hiền để thờ, nhưng sự chuộng Nho giáo ấy cũng không có ảnh hường gì đến sự truyền bá và thế lực của Phật giáo. Sự thật là tuy Thánh Tôn có bắt Hoàng tử Văn miếu mà học và có ý khai hóa việc văn mà ngài vẫn đắc đạo thành một đạo sĩ của phái Thiền tôn.

4. Lý Nhân Tôn (1072 - 1127)

Thái tử Càng Đức con bà Ỷ Lan Thái Phi, nối ngôi Thánh Tôn lấy đế hiệu là Lý Nhân Tôn. Nhân Tôn lên ngôi vua thì hãy còn nhỏ tuổi, nhưng được Thái sư Lý Đạo Thành và các quan triều hết lòng lo việc nước, nên sau ngài cũng thành một vị vua thông minh và anh dũng. Trong đời này vua Nhân Tôn có mở khoa thi tam trường, lập trường Quốc tử giám và lập tòa Hàn Lâm, khuyến khích việc Nho học, nhưng ngài vẫn không xao nhãng về vấn đề Phật giáo.

Năm Quảng Hựu thứ ba (l087), Nhân Tôn ngự giá đi lễ Phật nghe kinh ở chùa Lãm Sơn (ở huyện Quế Dương, Bắc Ninh bây giờ) rồi thiết triều yến ở chùa, và ngài có ngự bút bài thơ nhan đề là "Lâm sơn dạ yến". Ngài có đặt một vị quan triều cao cấp trông nom hết thảy các chùa trong nước.

Năm Quảng Hựu thứ tư (l088), Nhân Tôn phong Khê Đầu Thiền sư là chức Đại sư để cố vấn việc quốc chính như Khuông Việt Thái sư đời Đinh Tiên Hoàng đế và Lê Đại Hành Hoàng đế vậy.

Năm Long Phù thứ năm (ll05), vua sắc sửa chùa Diên Hựu, trước mặt chùa xây một ngọn tháp cao và đào một cái hồ thả sen. Thường những ngày rằm, mồng một vua ngự giá đến chùa, Hoàng hậu cũng xuất của riêng ra lập hơn một trăm ngôi chùa.

Năm Hội Tường Đại Khánh thứ 9 (I 1 18), nước Chân Lạp và nước Chiêm Thành sai sứ đến cống hiến phương vật. Vua mở một kỳ hội lễ Phật rất lớn, gọi là "Thiên Phật hội" (Hội nghìn đức Phật).

Đời Lý Nhân Tôn lại có nhiều bậc Thiền sư lỗi lạc trước thuật những sách vở làm vẻ vang cho lịch sử Phật giáo nước nhà; hiện nay vẫn còn mà hồi ấy người Trung Hoa cũng phải bái phục, như :

Viên Chiếu Thiền sư : Ngài họ Mai, húy là Trực, quê ở huyện Long Đàm, con anh bà Linh Cảm Thái Hậu (vợ vua Thái Tôn).

Ngài thông minh từ thuở nhỏ. Có vị Trưởng lão ở chùa Mật Nghiêm có tài xem tướng, đoán cho ngài : Nếu đi tu thì có thể trở nên một vị "Thiện Bồ-tát".

Cảm lời nói ấy, ngài liền từ giã cha mẹ, vào chùa Tiêu Sơn xin làm đệ tử ngài Định Hương Thiền sư, để nghiên cứu Thiền học. Ngài rất am hiểu pháp "Tam Quán" trong kinh Viên Giác, tu đến đắc đạo và được sư phụ truyền tâm ấn.
Sau ngài về Thăng Long, dựng một ngôi chùa ở mé tả kinh thành mà Trú trì ở đó . Người bốn phương nghe tiếng tìm đến theo học rất đông.

Ngài có soạn quyển "Dược sư thập nhị nguyện văn", trong ấy bàn giải về 12 điều đại nguyện trong kinh Dược Sư. Vua Lý Nhân Tôn có đưa bản sách ấy cho, sứ thần sang Trung Hoa dâng vua Triết Tôn nhà Tống. Vua Tống giao sách ấy cho các vị sư Thượng tọa chùa Tướng Quốc xem và có chỗ nào đáng sửa thì sửa lại. Các Đại sư Trung Hoa xem rồi đều tâu vua Tống rằng: "Đây là đấng hóa thân Đại sĩ ra đời ở phương Nam, giảng giải kinh nghĩa rất tinh vi, bọn phàm Tăng chúng tôi đâu dám thêm bớt một chữ nào nữa".

Vua Tống liền sắc cho sao lại một bản, còn bản chính thì trả lại cho vua ta và có lời khen tặng.

Ngoài ra ngài còn soạn những sách :

1. Tán Viên Giác kinh
2. Thập Nhị Bồ-tát hạnh tu chứng đạo tràng.
3. Tham đồ biểu quyết.

Đó là những sách giá trị đầu tiên trong những sách luận giải về kinh điển nhà Phật của nước ta.
Ngài tịch vào năm Quảng Hựu thứ 6 (l090), thọ 92 tuổi.

Ngộ Ấn Thiền sư : Ngài họ Đàm, húy là Khí Qui,ở làng Kim Bài (thuộc huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông), Trú trì ở chùa Long Ân.
Lúc nhỏ ngài thọ giáo với một vị sư già Chiêm Thành. Năm 19 tuổi thì ngài phát chí xuất gia và thọ Cụ túc giới. Ngài thông hiểu cả hai thứ chữ : Hán và Phạn; thường vân du khắp mọi nơi để hành hóa, học trò theo rất đông.

Trong những khi giảng dạy, ngài thường chủ trương thuyết "Tam ban". Tức là lấy thân làm Phật, lấy miệng làm pháp, lấy tâm làm thuyền. Ngài lại giải rằng : "Tuy chia làm ba mà kỳ thực chỉ có một. Ví dụ như nước ở ba ngọn sông, mỗi xứ gọi mỗi tên, tên tuy khác mà chất nước không khác."

Ngài tịch vào năm thứ tư niên hiệu Quảng Hựu (l088), thọ 69 tuổi.
*

Xét ra thời này hình như Phật giáo có pha lẫn Đạo giáo vào nên các Thiền sư danh tiếng nào cũng giỏi về nghề phù chú độn số. Như tiểu truyện của Vạn Hạnh Thiền sư nói trên, ngoài ra sách lại còn chép mấy chuyện về độn số và lời sấm của ngài.

Cũng trong thời này có một vị Thiền sư tên là Đạo Hạnh, họ Từ, tên húy là Lộ. Cha là Từ Vinh, làm đến chức Tăng quan đô án, mẹ là Đặng thị. Ông Vinh có dùng tà thuật làm mích lòng Duyên Thành Hầu. Hầu giận, liền nhờ Đại Điên Pháp sư dùng phép thuật đánh chết ông Vinh vất thây xuống sông Tô Lịch, trôi đến Quyết Kiều bên nhà Duyên Thành Hầu. Đến đây thây ông Vinh bỗng đứng dậy như người sống và chỉ tay vào nhà Hầu suốt một ngày.
Hầu sợ hãi liền đi tìm Đại Điên Pháp sư. Pháp sư liền đọc câu kệ rằng :

"Tăng hận bất cách túc" (Thầy tu có giận gì cũng không để qua đêm khác), tự nhiên cái thây ngã xuống mà trôi đi.

Ngài Từ Lộ giận lắm, muốn báo thù cho cha mà không biết làm thế nào, vì pháp thuật của ngài còn kém; ngài liền vào ẩn trong Từ Sơn, lấy Đạo hiệu là Đạo Hạnh; ngày thường chuyên trì thần chú Đại bi và các pháp thuật khác. Một ngày kia thấy pháp thuật mình đã tinh thông, ngài liền trở về báo thù cho cha; ngài ném cái gậy xuống sông Tô Lịch, gậy bơi ngược giòng sông lên qua nhà Duyên Thành Hầu thì đứng lại chỉ vào nhà. Hầu lại báo tin cho Đại Điên Pháp sư ra xem thì bị gậy ấy đánh chết ngay. Duyên Thành Hầu sợ hãi liền mời Tổ Giác Hoàng Đại Pháp sư, hai bên thường đấu phép nhiều lần. Sau Đạo Hạnh Thiền sư phải thua về ẩn ở Sài Sơn (Sơn Tây). Nhân khi đánh nhau với tổ Giác Hoàng, ngài Đạo Hạnh suýt bị chết, may có Sùng Hiền Hầu xin cứu cho. Về sau nhớ ơn ấy, ngài Đạo Hạnh nguyện sẽ vào đầu thai làm con của Hầu. Nhân bây giờ Sùng Hiền Hầu phu nhân có thai, ngài liền hẹn bao giờ phu nhân trở dạ thì phải báo cho ngài biết. Khi được tin ấy, ngài liền đập đầu vào núi đá chết[5] Khi ấy ngài còn bị Giác Hoàng đại sư yểm bùa ngăn cản mãi sau mới đầu thai vào được. Con của Sùng Hiền Hầu sau này tức là vua Lý Thần Tôn[6]. (Đến nay Làng Láng mấy năm lại mở đại hội một lần, vì trong mấy làng đó có thờ ngài Đạo Hạnh, tục gọi là Từ Đại Thánh và Pháp sư Đại Điên. Khi có hội (hội Lãng vẫn có tiếng, ở gần Hà Nội) dân làng lại diễn lại tích ngài Đạo Hạnh và Pháp sư Đại Điên đánh nhau. Ở Sài Sơn cũng còn thờ ngài Đạo Hạnh. Sài Sơn ở phủ Quốc Oai, Sơn Tây bây giờ).

(Có sách cho chuyện này là huyễn hoặc và bác đi, nhưng tưởng ta cũng không nên tin hẳn. Ta chỉ nên nhớ rằng những chuyện ấy đối với những tà thuật của Đạo giáo là một sự thường và nhân đó ta có thể biết rõ rằng Phật giáo pha lẫn với Đạo giáo bắt đầu từ lúc ấy Nguyên pháp của Thiền Tôn là phép Thiền định, tập trung tư tưởng, luyện nhân thần nhân diện như thôi miên học của Thái Tây bây giờ. Khi tâm đã chuyên nhất, trí đã mở thì ở người ta có thể phát hiện nhiều thần thông mới lạ. Nhưng nếu người tu hành nhận lầm thần thông ấy là cứu cánh trong sự tu hành của mình, như vậy là sai lạc chân lý và không khéo thần thông ấy lại trở thành tà thuật, những pháp thuật ấy có thể gần với pháp thuật của Đạo giáo, nên hai phái ấy có thể hỗn hợp được. Xét thế, sau này ta khỏi lấy làm lạ khi thấy các Sư tu chùa cũng cúng cấp yểm bùa, thần chú. Ấy là vì càng về sau Phật giáo càng bị những tà đạo hạ cấp xen vào, nên Phật giáo mới lạc mật tôn chỉ và luật pháp của Phật Thích Ca vậy).

5. Lý Thần Tôn (1128 - 1138)

Lý Nhân Tôn không có con, lập con của Hoàng đệ là Sùng Hiền Hầu lên làm Thái tử, Thái tử sau lên ngôi tức là Thần Tôn.

Năm Thiên Chương Bảo Tự thứ tư (I 136), vua mắc bịnh nặng có nhờ Minh Không Thiền sư chữa khỏi, liền phong cho Thiền sư làm Quốc sư và sắc lập chùa Linh Cảm.

Minh Không Thiền sư : Họ Nguyễn, húy là Chí Thành, quê ở làng Đàm Xá, thọ giáo với ngài Từ Đạo Hạnh, ở chùa Thiên Phúc. Ngài tu hành rất có chí, nên được Đạo Hạnh truyền hết bí pháp cho. Đến khi ngài Đạo Hạnh sắp tịch có bảo ngài Minh Không rằng:

"Xưa đức Thế Tôn đạo quả đã viên mãn rồi mà còn quả báo, huống chi đời mạt kiếp này. Ta đây kiếp sau làm nhân chủ, nhưng tất bị quái bịnh, người đã có duyên với ta thì nên đợi mà cứu ta". Nói rồi Đạo Hạnh liền hóa và đầu thai làm con của Sùng Hiền Hầu tức là vua Lý Thần Tôn sau này.

Ngài Minh Không ghi lời thầy dạy, sau khi Sư phụ hóa kiếp, liền trở về quê ẩn dật đến 20 năm, không cầu danh tiếng gì. Đến năm Thiên Chương Bảo Tự thứ tư (1136), vua Thần Tôn tự nhiên bị mắc một quái tật, tâm thần rối loạn, gầm thét như hùm mà người thì mọc lông ra như lông hổ. Các lương y trong nước đều phải bó tay. Một hôm chợt có tiếng của trẻ con vỗ tay hát :

Tập tầm vông ! Tập tầm vông !
Có ông Nguyễn Minh Không
Chữa được Thần Tông Hoàng Đế.

Triều đình liền đi dò hỏi rước ngài về kinh. Khi ngài đến nơi, thấy trong điện có nhiều Tăng sĩ, Pháp sư , lương y xúm nhau lại bàn bạc để chữa bệnh cho Hoàng đế. Thấy ngài quần nâu, áo vải quê mùa, các người kia đều tỏ vẻ khinh bỉ và nghi ngờ. Ngài chào hỏi căn vặn, liền lấy một cái đinh dài 5 tấc đóng vào cột mà bảo :

- Ai nhổ được cái đinh này mới chữa được bịnh cho Thiên tử

Nhưng không ai làm được, ngài mới nhón ngón tay khẽ rút lên, thì cái đinh ra rất nhẹ nhàng.

Bấy giờ mọi người mới kinh sợ và để ngài tự ý chữa bệnh cho vua.

Khi vào thăm bệnh vua thì ngài thét to lên rằng :

- Đại trượng phu đứng đầu muôn dân, trị vì bốn bể, sao lại làm cách cuồng loạn thế?

Vua Thần Tôn trong lúc cơn mê, nghe nói thì giật mình kinh hãi và không lồng lộn ghê gớm nữa. Ngài Minh Không liền truyền đun sôi một vạc nước và bỏ cái đinh ban nãy vào làm phép, sau đem ra tắm cho vua, thì bao nhiêu lông rụng hết và bệnh cũng khỏi dần.

Sau Thần Tôn phong cho ngài làm Quốc sư ăn lương vạn hộ. Ngài mở trường dạy rất đông đệ tử. Đến năm Đại Định thứ hai vua Anh Tôn (1141), ngài hóa. Hiện nay ở làng Võng Thị (vùng Bưởi trên bờ hồ Tây Hà Nội) có thờ ngài làm Thành Hoàng.

Ngoài ra, thời ấy lại có nhiều Thiền sư khác, giòng giỏi của ba phái Thiền Tôn Tì Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông, Thảo Đường mở đạo trường dạy đệ tử hoặc đi hành hóa, dùng pháp thuật cứu giúp kẻ bệnh tật trong thiên hạ.
Đời này có một vị sư là Diệu Nhân, húy là Ngọc Kiều, con gái của một vị Hoàng thân: Lý Phụng Quì. Vua Lý Thánh Tôn nhận làm con nuôi sau gả cho người họ Lê làm Tổng đốc châu Đăng Châu. Khi quan Tổng đốc mất, bà thọ giới với Chân Không Thiền sư và Trú trì ở chùa Hương Hải làng Phù Đổng. Đó là một vị Ni đầu tiên nhập đạo của phái Tì Ni Đa Lưu Chi.

Trong đời vua Thần Tôn cũng có nhiều vị Thiền sư danh tiếng như Thông Biện Thiền sư, Bảo Giám Thiền sư
Uông Biện Thiền sư : Họ Ngô, quê ở Đan Phượng (Hà Đông), Trú trì ở chùa Phổ Minh (huyện Từ Liêm Lúc nhỏ ngài đã thông tuệ, kiến thông cả ba món Nho, Thích, Đạo; sau thọ giới với Viên Chiếu Thiền sư. Khi đắc đạo rồi, ngài ra ở chùa Quốc Tự (Thăng Long), tự hiệu là Trí Không. Một hôm bà Nhân Hoàng Thái Hậu hội yến chư Tăng, giữa tiệc bà hỏi gốc tích đạo Phật cùng các tôn phái và lịch sử Phật giáo khi mới du nhập vào nước ta, ngài tâu lại rất rõ ràng. Thái hậu bằng lòng, phong ngài làm chức Tăng lục, sau lại triệu vào phong chức Quốc sư để Thái hậu tham hỏi lý nghĩa kinh điển đạo Phật. Đến khi già, ngài mới trở về mở đạo trường dạy nhiều đệ tử. Ngài tịch năm Giáp Thìn (I 134).

6. Lý Anh Tôn (1138 -1175)

Thần Tôn mất, triều đình tôn Thái tử Thiên Tệ lên làm vua, đế hiệu là Anh Tôn. Anh Tôn là đệ tử của Không Lộ Thiền sư (phái Thảo Đường) được truyền tâm pháp, tức là đời thứ tư của phái Thảo Đường. Ngài sắc nhân dân phải gọi ngài là Phật.

Những Thiền sư có tiếng hồi ấy như Trí Thuyền, Am Trí, Bảo Giám, Viên Thông v.v. . .

Bảo Giám Thiền sư : Ngài họ Kiều, húy là Phù, xuất thân là một nhà Nho đã từng làm quan ở triều, sau thọ giáo với ngài Trưởng Lão Thiền sư.

Viên Thông Thiền sư : Ngài họ Nguyễn, húy là Ức quê ở Nam Định, Trú trì ở chùa Quốc An. Ngài xuất gia từ thuở nhỏ, theo học với Viên Học Thiền sư, đã từng dự hai khoa thi Tăng đạo đều đậu đầu cả.

Năm thứ tư niên hiệu Đại Định (l143), ngài được phong làm Quốc sư. Ngài tịch vào năm Đại Định thứ12 (1151), thọ 72 tuổi .

Ngài có trước tác những bộ sách hiện nay còn lưu hành :

1 Chư Phật tích duyên sự (30 chương).
2. Hồng chung văn bi ký.
3. Tăng-già tạp lục (50 chương).
4. Một ngàn bài thơ.

7. Lý Cao Tôn (1176 - 1210)

Anh Tôn mất, Thái lử Long Cán nối ngôi, hiệu là Cao Tôn. Cao Tôn mới có ba tuổi, ông Tô Hiến Thành làm phụ chính. Sau Cao Tôn thọ giáo với ngài Trương Tam Tạng Thiền sư về phái Thảo Đường[7]

Cùng học với Cao Tôn, có một người Quảng Giáp Ca Nhi (Quảng Ca) tên là Nguyễn Thức, sau cùng cũng được Trương Tam Tạng truyền tâm pháp[8]

Kế đời vua Anh Tôn và Cao Tôn, tuy vua cùng các bà phi, các quan triều (như Thái úy Tô Hiến Thành, Thái Bảo Ngô Hòa Nghĩa) đều sùng mộ đạo Phật, nhưng về sự phát triển không có gì đặc sắc đáng kể, tuy triều vua Anh Tôn (1169) có sắc mở khoa thi tam giáo để kén người vào làm việc quan.

8. Lý Huệ Tôn (1211 - 1225)

Thái tử Sam nối ngôi Cao Tôn tức là Huệ Tôn. Lúc này nhà Lý đã suy lắm, trong triều thì nội loạn, ngoài nhân dân cũng không được yên ổn, vua cũng long đong. Bởi thế, Phật giáo cũng chỉ là bảo thủ .

Năm Kiến Gia thứ 14 (1224), vua Huệ Tôn chán đời ông Hoàng đế, liền truyền ngôi cho con gái là công chúa Phật Kim tức Lý Chiêu Hoàng, rồi xuất gia ở chùa Chân Giáo, tự xưng là Huệ Quang Đại sư.

Sau Lý Chiêu Hoàng truyền ngôi cho chồng là Trần Cảnh. Thế là hết đời nhà Lý. Xét ra Phật giáo nước ta thì đời nhà Lý là thạnh nhất. Trong 215 năm trời, trải 8 đời vua, vua nào cũng sùng tín đạo Phật. Xưa nay, một đạo một tôn giáo hay một học thuật nào, bao giờ cùng phải dựa theo khuynh hướng của chính trị, nên Phật giáo thạnh về đời này là phải.

Trong hơn 200 năm, Phật giáo giữ địa vị độc tôn, trong nước đã có bao nhiêu sự mới lạ. Trong sách "Danh triết lục" của Trần Ký Đằng có chép: "Trước đời Lý Nhân Tôn chưa có khoa cử, những kẻ thông "lệnh nhanh nhẹn đều phải đo phái Thích đạo lựa chọn và cất nhắc cho..." Như vậy đủ biết văn hóa, học thuật và chính trị thời ấy hầu hết đều ở trong tay các nhà tu hành. Bởi vì những nhà mô phạm bấy giờ toàn là các vị Tăng sĩ, Thiền sư. Ngay như các vị Hoàng đế, phần nhiều cũng là thọ giới ở nơi các bậc Cao Tăng cả.

Lại thấy đời ấy có bao nhiêu vị Thiền sư, khi đắc đạo rồi là về mở đạo tràng để dạy có hàng nghìn đệ tử đủ biết nhân dân sĩ thứ đời này đều qui hướng về một Phật đạo.

Nhưng cuối đời nhà Lý thì Phật giáo như phải bị lệnh đốn, các nhân tài trong các phái hầu đã kém sút nhiều.




CHÚ THÍCH
[1] Xem bản đồ C.
[2] Nước ta từ đời nhà Đinh đến giờ vẫn gọi là Đại Cồ Việt, nay mới đổi quốc hiệu.
[3] Trích "Việt Nam sử lược" của Trần Trọng Kim.
[4] Xem bản đồ C.
[5] Ở Sài sơn bây giờ trong hang còn vết chân người đứng kiểng, tục truyền là ở tích này.
[6] Xem chuyện Pháp sư Nguyễn Minh Khôg với kiếp sau của ngài Từ Đạo Hạnh dưới này
[7] Xem bản đồ D
[8] Như trên
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]