Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 2: Những lời Phật dạy trong Tăng nhất A-Hàm ( phần 7)

25/04/201311:44(Xem: 9055)
Chương 2: Những lời Phật dạy trong Tăng nhất A-Hàm ( phần 7)
A-Hàm - Mưa Pháp Chuyển Hóa Phiền Não


Chương 2: Những Lời Phật Dạy Trong Tăng Nhất A-Hàm (phần 7)

Ni sư Thích Nữ Giới Hương
Nguồn: Ni sư Thích Nữ Giới Hương


RỜI BỎ NƠI KHÔNG LỢI ÍCH

Nếu có Tỳ kheo sống nương tựa thôn xóm mà pháp thiện tiêu diệt, pháp ác cứ tăng trưởng; Tỳ kheo ấy nên học như vầy: ‘Ta nay sống nơi thôn xóm mà pháp ác cứ tăng, pháp thiện giảm dần, niệm không chuyên nhất, không thể dứt sạch các lậu, không đạt đên nơi chốn vô vi an ổn. Những gì mà ta có được, như áo, chăn, đồ ăn, thức uống, giường chõng, ngọa cụ, thuốc men trị bệnh, thảy đều khó nhọc mới thu hoạch được.’ Rồi Tỳ kheo ấy nên học như vầy: ‘Ta nay sống trong thôn xóm này, mà pháp ác cứ tăng, pháp thiện thì tiêu diệt. Ta cũng không phải vì áo, chăn, đồ ăn, thức uống, giường chõng, ngọa cụ, thuốc men trị bệnh mà làm Sa-môn. Điều mà ta mong cầu ước nguyện nay vẫn chưa có kết quả.’ Tỳ kheo ấy nên rời bỏ thôn xóm ấy mà đi.

(Tăng Nhất A Hàm, Chín Pháp, 45. Phẩm Mã Vương, Kinh số 3)

RUỘNG PHƯỚC THẾ GIAN

Các Tỳ-kheo, hãy niệm đầy đủ giới đức, không có niệm khác, thành tựu đầy đủ oai nghi, sợ cả những lỗi nhỏ huống gì là lỗi lớn.

Nếu có Tỳ-kheo nào ý muốn được Như Lai nói đến, hãy niệm đầy đủ giới đức. Giới đức đã đầy đủ, hãy niệm nghe đầy đủ. Nghe đã đầy đủ thì, hãy niệm bố thí đầy đủ. Thí đã đầy đủ thì, hãy niệm đầy đủ trí huệ, và giải thoát tri kiến, thảy đều đầy đủ.

Nếu có Tỳ-kheo nào đầy đủ các thân giới, thân định, tuệ, thân giải thoát, thân giải thoát tri kiến, được trời rồng, quỷ thần trông thấy cúng dường, là chỗ đáng kính, đáng quí, được trời người cung phụng. Cho nên, này các Tỳ-kheo, ai niệm đầy đủ năm phần Pháp thân, người ấy là ruộng phước thế gian, không gì hơn được.

(Tăng Nhất A Hàm, Sáu Pháp, 37. Phẩm Thính pháp, Kinh số 5)

SA MÔN TẬP HÀNH

Tỳ kheo đi đứng, tới lui, nhìn ngó, dung mạo khóac y, bưng bát, thảy đều đúng như pháp. Không đắm tham dục, sân hận, ngu si. Duy chỉ trì giới, tinh tấn không phạm các điều phi pháp, học các giới. Đó gọi là sa-môn tập hành.

(Tăng Nhất A Hàm, Mười Pháp, 49. Phẩm Phóng Ngưu, Kinh số 8)

SA MÔN THỆ NGUYỆN

Hoặc có Tỳ kheo mà oai nghi, giới luật, ra vào, tới lui, bước đi, dung mạo, nhìn ngó, cử động, thảy đều như pháp, dứt sạch hữu lậu, thành vô lậu, ở ngay trong hiện pháp, tự thân chứng ngộ mà an trú, như thật biết rằng, sanh tử đã dứt, phạm hạnh đã lập, điều cần làm đã làm xong, không còn tái sanh đời sau nữa. Đó gọi là sa-môn thệ nguyện.

(Tăng Nhất A Hàm, Mười Pháp, 49. Phẩm Phóng Ngưu, Kinh số 8)

SA MÔN, BÀ-LA-MÔN

Sa-môn tâm tĩnh lặng
Các ác đã diệt tận
Bà-la-môn, là thanh tịnh
Trừ khử các loạn tưởng.

(Tăng Nhất A Hàm, Mười Pháp, 49. Phẩm Phóng Ngưu, Kinh số 7)

SẮC ĐẸP CỦA NỮ NHÂN

Khi nó thấy con gái dòng sát-lợi, con gái dòng bà-la-môn, con gái dòng trưởng giả, tuổi mười bốn, mười lăm, mười sáu, không cao, không thấp, không mập, không ốm, không trắng, không đen, xinh đẹp vô song, hiếm có ở đời; vừa mới thấy nhan sắc ấy, nó liền khởi tưởng yêu thích. Đó gọi là vị của sắc.

Sao gọi sắc là tai hoạn lớn? Lại nữa, sau nếu lại thấy người con gái kia, tuổi đã tám mươi, chín mươi, cho đến trăm tuổi, nhan sắc đổi khác, qua tuổi thiếu, tráng niên, răng rụng, tóc bạc, thân thể cáu ghét, da dùn, mặt nhăn, lưng khòm, rên rỉ, thân như xe cũ, hình dáng run rẩy, chống gậy mà đi. Thế nào, các Tỳ-kheo, sắc đẹp được thấy ban đầu, sau lại thấy đổi khác, há chẳng phải là tai hoạn lớn sao?

Ở đây nếu thấy người con gái kia thân mang trọng bịnh, nằm trên giường, đại tiểu tiện không thể đứng dậy. Thế nào, Tỳ-kheo, sắc đẹp được thấy trước kia, nay trở nên bệnh này; há chẳng phải là tai hoạn lớn sao?

Nếu lại thấy người con gái kia, thân hoại mạng chung, được đem đến gò mả. Thế nào, Tỳ-kheo, sắc đẹp trước kia đã thấy, nay đã biến đổi; ở trong đó mà tưởng khổ lạc; há chẳng phải là tai hoạn lớn sao?

Nếu thấy người con gái kia, chết qua một ngày, hai ngày, ba ngày, bốn ngày, năm ngày, cho đến bảy ngày; thân thể sình chướng, rữa thối, tan rã, rơi vãi một nơi. Thế nào, Tỳ-kheo, sắc đẹp có trước kia, đến nay thay đổi đến như vậy; há chẳng phải là tai hoạn lớn sao?

Nếu thấy người con gái kia, bị quạ, chim khách, kên kên, tranh nhau đến ăn thịt; hoặc bị beo, chó, sói, hổ, thấy mà ăn thịt; hoặc các loài trùng ngọ nguậy rất nhỏ, biết bò, bay, động đậy, thấy mà ăn thịt. Thế nào, Tỳ-kheo, sắc đẹp người kia vốn có, nay biến đổi đến như vậy; ở trong đó mà khởi tưởng khổ lạc, há chẳng phải là tai hoạn lớn sao?

Nếu thấy thân người con gái kia, thân bị trùng quạ đã ăn nửa, ruột, dạ dày, thịt, máu, ô uế bất tịnh. Thế nào, Tỳ-kheo, sắc đẹp mà trước kia cô ấy có, nay biến đổi đến như vậy; ở trong đó mà khởi tưởng khổ lạc, há chẳng phải là tai hoạn lớn sao?

Nếu thấy thân người con gái kia, máu thịt đã hết, chỉ còn hài cốt liền nhau. Thế nào, Tỳ-kheo, sắc đẹp người kia từng có nay thay đổi đến nỗi như vậy; ở trong đó mà khởi ý tưởng khổ lạc, há chẳng phải là tai hoạn lớn sao?

Nếu thấy thân người con gái kia, máu thịt đã hết, chỉ có gân quấn ràng như bó củi. Thế nào, Tỳ-kheo, sắc đẹp người kia từng có nay thay đổi đến nỗi như vậy; ở trong đó mà khởi ý tưởng khổ lạc, há chẳng phải là tai hoạn lớn sao?

Nếu thấy thân người con gái kia, hài cốt tan rã mỗi nơi, hoặc xương chân một chỗ, hoặc xương tay một chỗ, hoặc xương đùi một chỗ, hoặc xương hông một chỗ, hoặc xương sườn một chỗ, hoặc xương bả vai một chỗ, hoặc xương cổ một chỗ, hoặc đầu lâu một chỗ. Thế nào, Tỳ-kheo, sắc đẹp người kia từng có nay thay đổi đến như vậy; ở trong đó mà khởi ý tưởng khổ lạc, há chẳng phải là tai hoạn lớn sao?

Nếu thấy thân người con gái kia, xương cốt bạc trắng, hoặc giống sắc bồ câu. Thế nào, Tỳ-kheo, sắc đẹp người kia từng có nay thay đổi đến như vậy; ở trong đó mà khởi ý tưởng khổ lạc, há chẳng phải là tai hoạn lớn sao?

Nếu thấy thân người con gái kia, hài cốt trải qua nhiều năm, hoặc bị mục nát, tan rã, giống như màu đất. Thế nào, Tỳ-kheo, sắc đẹp người kia từng có nay thay đổi đến như vậy; ở trong đó mà khởi ý tưởng khổ lạc, há chẳng phải là tai hoạn lớn sao?

Sắc nầy vô thường biến đổi, không được lâu dài, không được bền vững. Đó gọi sắc là tai hoạn lớn.

(Tăng Nhất A Hàm, Ba Pháp, 21. Phẩm Tam Bảo, Kinh số 9)

SÁM HỐI

Phật bảo vua A-xà-thế: Có hai hạng người không tội mà mạng chung được sinh lên trời trong khoảnh khắc co duỗi cánh tay. Sao gọi là hai? Một là người không tạo gốc tội mà tu thiện; hai là người cải hối tội mà mình đã tạo. Đó gọi là hai hạng người khi mạng chung sẽ sanh lên trời không có gì nghi ngờ.

Người làm việc rất ác
Hối lỗi, chuyển thành nhẹ
Sám hối không lười nghỉ
Gốc tội được nhổ hẳn.

Cho nên, Đại vương hãy trị dân đúng pháp, chớ đừng phi pháp. Phàm người theo giáo hóa cai trị, khi chết sẽ được sinh lên trời, cõi lành. Sau khi mạng chung, danh tiếng sẽ được vang dội khắp bốn phương. Người sau cùng truyền tụng: ‘Xưa có vị Vua lấy chánh pháp giáo hóa cai trị, không có cong vạy.’ Mọi người xưng tụng nơi sanh của người ấy. Tuổi thọ được thêm, không bị chết yểu. Cho nên, Đại vương hãy phát tâm hoan hỷ hướng về Tam bảo Phật, Pháp, Thánh chúng.

(Tăng Nhất A Hàm, Tám Pháp, 43. Phẩm Thiên Tử Mã Huyết Hỏi tám Chính, Kinh số 7)

SÂN GIẬN

Hãy diệt một pháp, Ta sẽ xác chứng các ngươi thành A-na-hàm. Một pháp gì? Sân nhuế.

Bị nhiễm bởi sân nhuế
Chúng sanh rơi đường dữ
Siêng tu bỏ sân nhuế
Liền thành A-na-hàm.

(Tăng Nhất A Hàm, Một Pháp, 11. Phẩm Bất Đãi, Kinh số2)

SÁNG, TRƯA, CHIỀU CÓ BA SỰ QUẤN CHẶT TÂM Ý

Giống như mùa Xuân, trời mưa đá lớn. Cũng lại như vậy, nếu Như Lai không xuất hiện ở đời, chúng sanh sẽ rơi vào địa ngục. Bấy giờ người nữ vào địa ngục nhiều hơn đối người nam. Vì sao vậy?

Tỳ-kheo nên biết, do ba sự nên các loài chúng sanh thân hoại mạng chung rơi vào ba đường dữ. Những gì là ba? Đó là tham dục, ngủ nghỉ, trạo cử. Bị ba sự nầy quấn chặt tâm ý, thân hoại mạng chung rơi vào ba đường ác.

Người nữ cả ngày tập hành ba pháp mà tự an trú. Ba pháp gì?

Sáng sớm để cho tâm ganh tị quấn chặt mình.

Buổi trưa lại để cho ngủ nghỉ quấn chặt mình.

Buổi chiều để cho tâm tham dục quấn chặt mình. Do nhân duyên nầy khiến người nữ kia thân hoại mạng chung sanh vào ba đường dữ.

Cho nên, này các Tỳ-kheo, hãy niệm tưởng tránh xa ba pháp nầy.

(Tăng Nhất A Hàm, Ba Pháp, 22. Phẩm Ba Cúng Dường, Kinh số 9)

SANH THIÊN

Bố thí và bình đẳng
Từ tâm, xả, tư duy
Có ba xứ sở nầy
Được người trí gần gũi.
Đời nầy thọ báo kia
Trên trời cũng như vậy
Duyên có ba xứ này
Sanh thiên ắt không nghi.

(Tăng Nhất A Hàm, Ba Pháp, 21. Phẩm Tam Bảo, Kinh số 2)

SANH TỬ VÀ NIẾT BÀN

Có hai pháp tu hành là chỉ và quán. Lại phải tu thêm hai pháp. Hai pháp gì? Sinh tử không đáng vui, biết Niết-bàn là an lạc. Đó là hai pháp. Lại tu thêm hai pháp. Hai pháp gì? Trí và biện.

(Tăng Nhất A Hàm, Hai Pháp, 18. Phẩm Tàm Quý, Kinh số 7)

SÁT SANH LIỀN ĐỌA ĐỊA NGỤC

Ở trong chúng này Ta không thấy một pháp nào đã tu, tu nhiều, mà thành hạnh địa ngục, thành hạnh súc sanh, thành hạnh ngạ quỷ, nếu sinh vào cõi người mà thọ mạng ngắn ngủi: đó là sát sinh.

Nếu có người nào có ý thích sát sinh, liền bị đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh; nếu sinh vào cõi người thì thọ mạng ngắn ngủi. Vì sao vậy? Vì họ đã dứt sinh mạng kẻ khác.

(Tăng Nhất A Hàm, Một Pháp, 14. Phẩm Ngũ Giới, Kinh số 1)

SÁU CÔNG ĐỨC CỦA NHƯ LAI

1) Chánh pháp Như Lai rất là hoà nhã, được người trí tu hành.

2) Thánh chúng của Như Lai rất hoà thuận, thành tựu pháp tùy pháp, thành tựu giới, thành tựu trí huệ, thành tựu giải thoát, thành tựu giải thoát tri kiến. Thánh chúng gồm có bốn đôi, tám bực. Đây là Thánh chúng của Như Lai đáng kính, đáng quý, là ruộng phước lớn của thế gian.

3) Như Lai có chúng bốn bộ đều học tập, thực hành pháp cần được thực hành, không quấy nhiễu Như Lai thêm nữa.

4) Thế Tôn, con thấy dòng sát-lợi, bà-la-môn, cư sĩ, sa-môn, tài cao, hơn đời đều tập họp lại bàn luận: ‘Chúng ta phải đem luận đề này đến hỏi Như Lai. Nếu Sa-môn Cù-đàm kia không đáp luận đề này thì ông ấy còn yếu kém. Nếu có thể đáp thì chúng ta sẽ khen hay.’ Lúc ấy, bốn dòng họ đến chỗ Thế Tôn mà hỏi luận này, hoặc lại có người im lặng. Bấy giờ, Thế Tôn vì họ mà thuyết pháp. Sau khi nghe pháp xong họ không hỏi thêm gì nữa, huống chi lại muốn tranh luận và đều thờ Như Lai làm Thầy.

5) Có sáu mươi hai kiến giải ngoại đạo lừa dối người đời, không hiểu chánh pháp do đó đưa đến ngu si. Nhưng Như Lai có thể trừ các nghiệp tà kiến này, sửa cho họ Chánh kiến.

6) Chúng sanh tạo ác bởi thân, miệng, ý. Nếu mạng chung mà nhớ nghĩ công đức Như Lai thì được lìa ba đường dữ, được sinh lên trời. Cho dù là người cực ác, cũng được sinh lên trời.

Vì vậy nên chúng sanh nào thấy Như Lai cũng đều sanh tâm cung kính mà cúng dường Ngài.

Thế Tôn bảo: Lành thay, lành thay Đại vương, đã có thể ở trước Như Lai rống tiếng rống sư tử, diễn bày công đức của Như Lai! Cho nên, Đại vương, hãy thường khởi tâm hướng về Như Lai. Đại vương, hãy học điều này như vậy.

(Tăng Nhất A Hàm, Sáu Pháp, 38. Phẩm Lực, Kinh số 10)

SÁU LOẠI SỨC MẠNH

1) Trẻ con dùng tiếng khóc làm sức mạnh, muốn nói điều gì cốt trước phải khóc.
2) Người nữ dùng sân hận làm sức mạnh, nổi sân hận rồi sau đó mới nói.
3) Sa-môn, bà-la-môn dùng nhẫn nhục làm sức mạnh, thường nghĩ tự hạ mình và hạ mình đối với người sau đó mới trình bày.
4) Quốc vương dùng kiêu ngạo làm sức mạnh, dùng thế lực cường hào để nói chuyện.
5) Song A-la-hán dùng sự tinh chuyên làm sức mạnh để nói chuyện.
6) Chư Phật Thế Tôn thành tựu đại từ bi, dùng đại bi làm sức mạnh để làm lợi khắp chúng sanh.

Này các Tỳ-kheo, đó gọi là có sáu sức mạnh đời thường này.

(Tăng Nhất A Hàm, Sáu Pháp, 38. Phẩm Lực, Kinh số 1)

SÁU PHƯỚC CỦA VUA BA TƯ NẶC

Vua liền nhẹ nhàng bước vào, không gây ra một tiếng động. Lúc ấy, vua Ba-tư-nặc quay lại nhìn người hầu. Người ấy liền tự nghĩ: Nay hãy để vua vào gặp Thế Tôn một mình. Ta nên đứng đây.

Bấy giờ, vua Ba Tư Nặc đi một mình đến chỗ Thế Tôn. Thế Tôn bằng thiên nhãn thấy vua đang đứng ngoài cửa, liền từ chỗ ngồi đứng dậy mở cửa cho vua. Thấy Thế Tôn, vua liền đảnh lễ sát chân, tự xưng tên họ Con là Vua Ba-tư-nặc. Ba lần tự xưng danh hiệu.

Thế Tôn nói: Ông là Vua. Còn Ta là dòng họ Thích xuất gia học đạo.

Vua bạch Phật: Cúi mong Thế Tôn kéo dài tuổi thọ đến vô cùng, để trời người được an lạc.

Thế Tôn bảo: Chúc đại vương cũng sống lâu vô cùng, theo pháp cai trị, chớ đừng phi pháp. Những ai cai trị đúng pháp đều sanh lên trời, xứ lành; sau khi chết danh tiếng còn mãi, người đời truyền rằng: ‘Xưa có vua đúng pháp cai trị dân, chưa từng tà vạy.’ Nếu có người dân nào sống trong cảnh giới của vua này, khen ngợi công đức của vua, nhớ nghĩ không quên. Thân vua ở trên trời, tăng sáu việc công đức. Những gì là sáu? Một được thọ tuổi trời, hai được sắc đẹp trời, ba được thú vui trời, bốn được thần túc trời, năm được oai đức trời, sáu được ánh sáng trời. Vì vậy, Đại vương, hãy theo pháp cai trị dân, chớ đừng phi pháp. Ngày nay, tự thân Ta có công đức này nên xứng đáng nhận người cung kính lễ bái.

(Tăng Nhất A Hàm, Sáu Pháp, 38. Phẩm Lực, Kinh số 10)

SÁU SỰ ĐƯA ĐẾN CÔNG ĐỨC

Sáu đức ấy là gì? Ở đây, đàn việt thí chủ thành tựu ba pháp. Thế nào là đàn-việt thí chủ thành tựu ba pháp? Ở đây, đàn việt thí chủ thành tựu tín căn, thành tựu giới đức, thành tựu pháp nghe. Đó gọi là đàn việt thí chủ thành tựu ba pháp này.

Vật được thí cũng thành tựu ba pháp. Sao gọi là ba? Vật kia thành tựu sắc, thành tựu vị, thành tựu hương. Có ba pháp thành tựu này.

Đó gọi là có sáu sự này được công đức lớn, danh đức vang xa, đạt được báo cam lồ. Cho nên, các Tỳ-kheo, nếu muốn thành tựu sáu sự này, hãy niệm bố thí.

(Tăng Nhất A Hàm, Sáu Pháp, 37. Phẩm Thính pháp, Kinh số 4)

SÁU TRỌNG PHÁP

1) Tỳ-kheo thân hành niệm từ, như soi gương thấy hình mình, đáng kính, đáng quý, không để quên mất.

2) Khẩu hành niệm từ,

3) Ý hành niệm từ, đáng kính, đáng quý, không để quên mất.

4) Được các thứ lợi lộc đúng pháp thì nên chia cho các phạm hạnh cùng hưởng, không tưởng tiếc rẻ; pháp này đáng kính, đáng quí, không để quên mất.

5) Có các giới cấm không hủ, không bại, cực kỳ hoàn hảo, không sứt, không thủng, được bậc trí quí trọng, lại muốn đem giới này được phân bố cho người khác cũng đồng một vị; pháp này đáng kính, đáng quí không để quên mất.

6) Chánh kiến của Hiền Thánh dẫn đến xuất yếu; có kiến giải như vậy, và muốn các vị phạm hạnh đồng tu cùng đồng pháp này, cũng đáng kính, đáng quí, không để quên mất.

Đó gọi là có sáu trọng pháp này, đáng kính, đáng quí, không để quên mất. Cho nên, này các Tỳ-kheo, hãy thường xuyên tu tập các hành vi của thân, miệng, ý; nếu được các thứ lợi dưỡng, cũng nên nghĩ phân đều cho nhau, chớ khởi tưởng tham.

(Tăng Nhất A Hàm, Sáu Pháp, 37. Phẩm Thính pháp, Kinh số 1)

SÁU XỨ LÀ ĐƯỜNG DỮ

Sao gọi sáu xứ là đường dữ? Mắt nhìn sắc này, hoặc đẹp hoặc xấu. Thấy đẹp thì thích, thấy xấu thì không thích. Tai nghe tiếng hoặc hay, hoặc dở. Nghe tiếng hay thì thích, nghe tiếng không hay thì không thích. Mũi, lưỡi, thân, ý cũng lại như vậy. Giống như có sáu loại thú có tánh nết khác nhau, hành động cũng khác. Nếu có người bắt chó, cáo, vượn, cá chiên, rắn, chim, tất cả đều cột lại, nhốt chung vào một nơi rồi thả đi. Bấy giờ, trong sáu loại vật, mỗi con sẽ thể hiện mỗi tính cách.

Bấy giờ, trong ý con chó muốn chạy vào thôn; trong ý con cáo muốn chạy đến gò mả; trong ý con cá chiên muốn vào trong nước; trong ý con vượn muốn vào rừng núi; trong ý rắn độc muốn vào trong hang; trong ý chim muốn bay lên hư không. Sáu loài, mỗi loài có tánh cách khác nhau.

Nếu có người lại bắt sáu loại vật này nhốt vào một chỗ, không cho chúng tự do đi theo bốn hướng. Lúc này, sáu con vật ấy tuy đi lại nhưng không rời khỏi chỗ cũ trong đó. Sáu tình cũng lại như vậy, mỗi loại đều có chủ đích riêng, phận sự bất đồng, lối nhìn cũng khác biệt, hoặc tốt hoặc xấu.

Tỳ-kheo buộc sáu tình này mà đặt một chỗ. Cho nên, các Tỳ-kheo, hãy nhớ nghĩ chuyên tinh, ý không tán loạn. Lúc ấy, tệ ma Ba-tuần hòan tòan không có cơ hội, các công đức lành thảy đều được thành tựu.

(Tăng Nhất A Hàm, Sáu Pháp, 38. Phẩm Lực, Kinh số 8)

SÁU XÚC TÌNH

Có sáu xúc xứ. Những gì là sáu? Là các xứ như mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Đó là sáu xứ. Phàm phu khi mắt thấy sắc liền khởi tâm đắm nhiễm không thể lìa bỏ. Do thấy sắc, rồi khởi nhiễm đắm, nên lưu chuyển sanh tử không có lúc nào thoát. Sáu tình cũng lại như vậy, khởi tưởng nhiễm đắm, ý không thể lìa bỏ, do đó lưu chuyển không có lúc nào thoát.

Nếu đệ tử Hiền Thánh của Thế Tôn, mắt thấy sắc rồi không khởi đắm trước, không có tâm ô nhiễm, tức có thể phân biệt mắt này là pháp vô thường, khổ, không, pháp chẳng phải thân. Sáu tình cũng lại như vậy, không khởi tâm ô nhiễm, phân biệt sáu tình này là vô thường, khổ, không, pháp chẳng phải thân, phải tư duy điều này thời liền được hai quả: hoặc ở trong hiện pháp đắc A-na-hàm, hoặc A-la-hán. Giống như có người rất đói, muốn xay giã lúa, sàng xảy cho sạch sẽ để nấu ăn, trừ cơn đói khát. Đệ tử của Hiền Thánh cũng lại như vậy, đối với sáu tình này tư duy về sự nhiễm ô, bất tịnh liền thành tựu đạo tích, nhập vô dư Niết-bàn giớ. Cho nên, Tỳ-kheo, hãy tìm cầu phương tiện diệt sáu tình này.

(Tăng Nhất A Hàm, Sáu Pháp, 38. Phẩm Lực, Kinh số 12)

SỰ CHẾT

Một pháp ấy là gì? Đó là niệm sự chết. Hãy khéo tu hành. Hãy quảng bá. Các ngươi sẽ thành tựu thần thông, loại bỏ các loạn tưởng, đạt được quả Sa-môn, tự thân đạt đến Niết-bàn. Cho nên, các Tỳ-kheo, hãy tu hành một pháp, hãy quảng bá một pháp.

(Tăng Nhất A Hàm, Một Pháp, Phẩm Thập Niệm, Kinh số 10)

SỨC MẠNH CỦA NỮ GIỚI

1) Sức mạnh của sắc đẹp
2) Sức mạnh của dòng họ
3) Sức mạnh của ruộng vườn
4) Sức mạnh của con cái
5) Sức mạnh của tiết hạnh.

Đó là năm sức mạnh của người nữ.

Tỳ-kheo nên biết, người nữ dựa vào năm sức mạnh này mà xem thường chồng. Nếu chồng lại có một sức mạnh thì sẽ phủ lấp hết người nữ kia. Một sức mạnh ấy là gì? Đó là sức mạnh của giàu sang. Phàm là người giàu sang thì sức mạnh của sắc không sánh bằng; dòng họ, ruộng vườn, con cái, tiết hạnh cũng không bằng. Do một sức lực mà thắng ngần ấy sức mạnh.

Nay tệ ma Ba-tuần cũng có năm sức mạnh. Những gì là năm? Đó là sức mạnh sắc, sức mạnh thanh, sức mạnh hương, sức mạnh vị, sức mạnh xúc. Phàm người ngu si đắm các pháp sắc, thanh, hương, vị, xúc nên không thể vượt qua cảnh giới Ma Ba tuần. Thánh đệ tử thành tựu một sức mạnh thì có thể thắng ngần ấy sức mạnh. Một sức mạnh ấy là gì? Đó là sức mạnh không phóng dật. Nếu Hiền Thánh đệ tử thành tựu không phóng dật, không bị sắc, thanh, hương, vị, xúc câu thúc. Do không bị năm dục trói buộc nên có khả năng phân biệt pháp sanh, già, bệnh, chết, thắng được năm sức mạnh của Ma, không rơi vào cảnh giới Ma, vượt khỏi các nạn sợ hãi, đến chỗ vô vi.

(Tăng Nhất A Hàm, Năm Pháp, 35. Phẩm Tà Tụ, Kinh số 4)

SỨC NẶNG CỦA TÍN THÍ

Giống như Ưu-bà-di kia, trong lòng chí tín, dạy dỗ con như vầy: ‘Nay con nếu sống tại gia phải như gia chủ Chất-đa và như đồng tử Tượng. Sở dĩ như vậy, vì đây là khuôn phép, đây là mẫu mực. Những đệ tử (tại gia) của Thế Tôn mà đã được chứng ngộ, đó là gia chủ Chất-đa và đồng tử Tượng. Còn nếu con trẻ muốn cạo bỏ râu tóc, mặc ba pháp y, xuất gia học đạo, thì phải như Tỳ-kheo Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên. Sở dĩ như vậy, vì đây là khuôn phép, đây là mẫu mực. Nghĩa là Tỳ-kheo Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên thích học Chánh pháp, không tạo nghiệp tà để dấy lên phi pháp. Nếu con có sinh tư tưởng nhiễm đắm này, con sẽ rơi vào trong ba đường ác.’

Do đó, các ngươi nên chuyên tâm khéo suy niệm: Hãy đạt được cái chưa đạt được. Hãy thu hoạch cái chưa thu hoạch. Hãy chứng cái chưa chứng. Sở dĩ như vậy, này các Tỳ-kheo, vì sức nặng của tín thí thật khó có thể tiêu được, khiến cho con người không đến được đạo. Cho nên, này các Tỳ-kheo, chớ sinh ý tưởng nhiễm đắm. Nó đã sinh rồi thì hãy diệt.

(Tăng Nhất A Hàm, Một Pháp, 9. Phẩm Con Một, Kinh số 1)

SUY NIỆM TU HÀNH

Hãy suy niệm tu hành. Chúng sanh nào hành pháp này, nhiên hậu mới được gọi là sa môn.

Vì sao gọi là sa-môn? Các kết sử hoàn toàn lắng dừng.

Vì sao gọi là bà-la-môn? Tận trừ pháp ngu hoặc.

Vì sao gọi là sát-lợi? Do đã đoạn trừ dâm, nộ, si.

Cũng gọi là người Đã Tắm. Thế nào gọi là Đã Tắm? Người ấy đã rửa sạch 21 kết sử.

Cũng gọi là giác. Thế nào gọi là giác? Vì đã giác ngộ pháp ngu và pháp trí.

Cũng gọi là Bờ Kia. Thế nào gọi là Bờ Kia? Người ấy đã từ bờ này sang đến bờ bên kia, cho nên gọi là Bờ Kia.

Những ai hành được pháp này, mới được gọi là sa-môn, bà-la-môn. Ý nghĩa như vậy, các ngươi hãy suy niệm phụng hành.

(Tăng Nhất A Hàm, Mười Pháp, 49. Phẩm Phóng Ngưu, Kinh số 2)

SUY TẦM

Có ba suy tầm này. Những gì là ba? Suy tầm dục tưởng, sân nhuế tưởng, sát hại tưởng. Tỳ-kheo đó gọi là ba tưởng.

Nếu người suy tầm dục tưởng, khi mạng chung sẽ đọa vào địa ngục. Nếu suy tầm sân nhuế tưởng, khi mạng chung sẽ sanh trong loài súc sanh, thuộc vào các loài gà, chó; sinh trong các loài rắn, trùng. Nếu suy tầm hại tưởng, khi mạng chung sẽ sanh trong loài ngạ quỷ, thân hình bị thiêu đốt, đau khổ không thể kể được. Tỳ-kheo, đó gọi là có ba suy tâm này, sẽ sinh vào trong địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh.

Lại có ba suy tầm. Những gì là ba? Đó là tầm xuất ly, tầm không sát hại, tầm không sân nhuế. Nếu người nào có tầm xuất ly, khi mạng chung sẽ sanh trong loài người. Nếu người nào có tầm không sát hại, khi mạng chung sẽ sanh lên trời một cách tự nhiên. Nếu người nào có tầm không sân nhuế, khi mạng chung, đoạn trừ năm kết sử, ở nơi kia nhập bát-niết-bàn. Tỳ-kheo đó gọi là ba tầm, hãy thường niệm tu hành. Hãy xa lìa ba ác tưởng này.

(Tăng Nhất A Hàm, Ba Pháp, 23. Phẩm Địa Chủ, Kinh số 10)

TÀ HẠNH GIỐNG NHƯ QUẠ ĂN ĐỒ BẤT TỊNH

Giống như con quạ kia thường xuyên bị khổ vì đói, bèn ăn đồ bất tịnh, sau đó quẹt mỏ, sợ có các loài chim khác thấy nói rằng quạ này ăn đồ bất tịnh. Ở đây cũng như vậy, có một người ở nơi vắng vẻ, tập hành dâm dục, làm các hành vi bất thiện. Sau đó hổ thẹn, tự hối lỗi, đem những việc đã làm trình bày cho người. Vì sao vậy? Hoặc bị những vị đồng phạm hạnh thấy mà chê trách rằng, ‘Người này tập hành dâm dục, có hành vi xấu ác.’

Đó gọi là người giống như quạ.

(Tăng Nhất A Hàm, Hai Pháp, 16. Phẩm Hỏa Diệt, Kinh số 3)

TÀ KIẾN TIÊU DIỆT

Sở kiến của các loài chúng sanh thì không đồng, mà tâm niệm cũng mỗi khác. Các tri kiến ấy đều vô thường. Ai ôm giữ tri kiến ấy, là pháp biến dịch, vô thường. Nếu người khác sát sanh, ta lìa sát sanh. Nếu người khác trộm cắp, ta sẽ xa lìa việc đó, không tập theo hành vi đó, mà chuyên tâm nhất ý không để thác loạn, tư duy trù lượng xem tà kiến khởi lên từ đâu, cho đến mười pháp ác thảy đều lìa bỏ, không tập theo các hành vi ấy.

Nếu người khác sân nhuế, chúng ta học nơi nhẫn nhục. Người khác ôm lòng tật đó, ta nên xả ly. Người khác kiêu mạn, ta nghĩ đến xả ly. Người khác khen mình chê người, ta không khen mình chê người. Người khác không thiểu dục, ta nên học thiểu dục. Người khác phá giới, ta tu tập giới. Người khác giải đãi, ta hãy tinh tấn. Người khác không hành tam-muội, ta hành tam-muội. Hãy học như vậy. Người khác ngu hoặc, ta hành trí tuệ. Ai có thể quan sát phân biệt pháp này, tà kiến tiêu diệt, những cái còn lại không sanh.

(Tăng Nhất A Hàm, Mười Pháp, 47. Phẩm Thiện Ác, Kinh số 9)

TAI HỌA CỦA DỤC

Dục có tai họa gì? Ở đây, một thiện gia nam tử học các kỹ thuật để tự kinh doanh cho mình; hoặc học làm ruộng, hoặc học thư sớ, hoặc học làm thuê, hoặc học toán số, hoặc học cân dối, hoặc học chạm khắc, hoặc học thông tin qua lại, hoặc học hầu hạ vua, thân không lánh nắng mưa, mệt nhọc cần khổ, không được tự do. Làm những việc khổ cay nầy để thu hoạch sản nghiệp. Đó là tai họa lớn của dục.

Khổ não trong đời này do ân ái này, đều do tham dục. Nhưng thiện gia nam tử kia lại làm việc cực khổ vậy mà không được của cải, trong lòng sầu lo khổ não không thể tính kể, tự suy nghĩ rằng, ‘Ta làm công lao này, bày các phương kế, mà không được tiền của.’ Các trường họp như vậy, nên nghĩ đến lìa bỏ. Đó là nên lìa bỏ dục.

Khi thiện gia nam tử kia, hoặc khi bày phương kế vậy mà được tiền của. Do được tiền của nên tìm đủ mọi cách thích hợp để luôn tự giữ gìn, sợ vua chiếm đoạt, bị giặc cướp giật, bị nước cuốn trôi, bị lửa thiêu đốt. Lại nghĩ như vầy: ‘ta muốn chôn dấu, nhưng sợ sau quên mất. Ta muốn xuất ra sinh lời lại sợ không thể giữ. Hay nhà sanh con xấu, tiêu phá tài sản của ta.’ đại loại như vậy, dục là tai hoạn lớn, do bởi gốc dục này đưa đến tai biến này.

Thiện gia nam tử kia thường sanh tâm này, là muốn gìn giữ tài sản, sau đó vẫn bị quốc vương chiếm đoạt, bị giặc cướp giật, bị nước cuốn trôi, bị lửa thiêu đốt; những thứ chôn dấu cũng lại không thể giữ. Ngay khi muốn xuất vốn kiếm lời cũng thu không được. Ở nhà sanh con xấu, tiêu phá tài sản. Tiền vạn không thu được một. Trong lòng sầu ưu, khổ não, đấm ngực kêu la: ‘tiền của ta có trước kia nay mất tất cả!’ người ấy trở nên ngu hoặc, tâm ý thác loạn. Cho nên, gọi dục là tai hoạn lớn, do bởi gốc dục này không đến vô vi được.

Do bởi gốc dục nầy, mà con người mặc giáp, cầm dao gậy, công phạt lẫn nhau. Chúng đánh nhau, hoặc ở trước bầy voi, hoặc ở trước bầy ngựa, hoặc ở trước bộ binh, hoặc ở trước xa binh; cho ngựa đấu ngựa, cho voi đấu voi, cho xe đấu xe, cho bộ binh đấu bộ binh; hoặc chém nhau, bắn nhau, hoặc đâm nhau. Đại loại như vậy, dục là tai hoạn lớn, vì dục là nguồn gốc đưa đến tai biến này.

Do bởi gốc dục nầy, mà con người mặc giáp, cầm gậy, hoặc ở cửa thành, hoặc ở trên thành, chém nhau, bắn nhau, hoặc dùng dáo đâm, hoặc dùng bánh xe sắt nghiến đầu, hoặc tưới sắt nấu chảy, chịu đau đớn như vậy mà chết rất nhiều.

Dục cũng không có thường, tất cả thay nhau biến đổi không ngừng. Không hiểu rõ dục này biến đổi vô thường, thì đây gọi dục là tai hoạn lớn.

(Tăng Nhất A Hàm, Ba Pháp, 21. Phẩm Tam Bảo, Kinh số 9)

TÁI SANH TRONG TAY TA

Nếu ai để tâm nơi Phật đạo, phụng sự bậc đạo nhân thông suốt kinh, khi chết sẽ sanh lên trời. Nếu làm chuyện ngu si, lại tàn hại lẫn nhau, chết rơi vào ba đường dữ không thể kể hết.

(Tăng Nhất A Hàm, Mười Pháp, 52. Phẩm Đại Ái Đạo Bát Niết-bàn, Kinh số 7)

TÀI THÍ

Nếu thiện nam, thiện nữ nào dùng của cải bố thí thì thu được tám công đức. Những gì là tám?

1) Bố thí đúng thời, chẳng phải phi thời
2) Bố thí trong sạch, chẳng phải là ô uế
3) Tự tay ban phát, chẳng sai người khác
4) Thệ nguyện bố thí, không tâm kiêu
5) Bố thí giải thoát, không trông chờ quả báo
6) Bố thí cầu tịch diệt, không cầu sanh thiên
7) Bố thí cầu ruộng tốt, không bố thí nơi đất hoang
8) Đem công đức này bố thí cho chúng sanh, không tự vì mình.

Cho nên, Tỳ-kheo ai muốn cầu quả báo kia nên hành tám việc này. Báo kia vô lượng, không thể kể hết, sẽ được châu báu cam lồ, dần dần đưa đến diệt độ.

(Tăng Nhất A Hàm, Tám Pháp, 42. Phẩm Tám Nạn, Kinh số 9)

TÂM

Ta ở trong chúng này, ban đầu không thấy một pháp không thể hàng phục, khó có được thời cơ thích nghi, chịu các báo khổ, như là tâm. Tâm này không thể hàng phục, khó có được thời cơ thích nghi, chịu các báo khổ. Cho nên, này các Tỳ-kheo, hãy phân biệt tâm, hãy tư duy tâm; hãy khéo niệm tưởng các gốc rễ thiện.

(Tăng Nhất A Hàm, Một Pháp, 11. Phẩm Bất Đãi, Kinh số 5)

TÁM BẬC THÁNH LƯU CHUYỂN MÀ KHÔNG TRỤ SANH TỬ

Có tám hạng người lưu chuyển sinh tử mà không trụ sinh tử. Sao gọi là tám?

1) Hướng Tu-đà-hoàn, đắc Tu-đà-hoàn
2) Hướng Tư-đà-hàm, đắc Tư-đà-hàm
3) Hướng A-na-hàm, đắc A-na-hàm
4) Hướng A-la-hán, đắc A-la-hán.

Đó gọi là có tám hạng người lưu chuyển sinh tử mà không trụ sinh tử. Cho nên, Tỳ-kheo, hãy tìm cầu phương tiện thoát nạn sinh tử.

(Tăng Nhất A Hàm, Tám Pháp, 43. Phẩm Thiên Tử Mã Huyết Hỏi tám Chính, Kinh số 10)

TÁM CHÚNG

Có tám chúng, các ngươi nên biết. Những gì là tám? Chúng Sát-lợi, chúng Bà-la-môn, chúng Trưởng giả, chúng Tứ thiên vương, chúng trời Tam thập tam, chúng Ma, chúng Phạm thiên.

Tỳ-kheo, nên biết, khi xưa Ta đã từng vào trong chúng Sát-lợi để cùng thăm hỏi, đàm luận, trong đó không có ai ngang bằng Ta. Ta đi một mình, không bạn lứa, không ai cùng hàng; Ta ít muốn biết đủ, ý nghĩ không tán loạn, thành tựu giới, thành tựu tam-muội, thành tựu trí huệ, thành tựu giải thoát, thành tựu đa văn, thành tựu tinh tấn.

Ta lại nhớ, khi đến trong chúng Bà-la-môn, chúng Trưởng giả, chúng Sa-môn, chúng Tứ thiên vương, chúng trời Tam thập tam, chúng Ma, chúng Phạm thiên cùng thăm hỏi, bàn luận. Ta đi một mình, không bạn lứa, không ai cùng hàng; ở trong đó, Ta tối tôn, không ai sánh ngang; ít muốn, biết đủ, ý không tán loạn, thành tựu giới, thành tựu tam muội, thành tựu trí huệ, thành tựu giải thoát, thành tựu đa văn, thành tựu tinh tấn.

Khi ấy, Ta ở trong tám bộ chúng, đi một mình, không bạn lứa, làm cây lọng lớn cho các chúng sanh. Bấy giờ, tám bộ chúng không ai có thể thấy đảnh, cũng không dám nhìn dung nhan, huống là cùng luận nghĩa. Vì sao vậy? Vì Ta cũng không thấy có ai trong chúng Trời, Người, Ma, Ma thiên, Sa-môn, Bà-la-môn, có thể thành tựu tám pháp này, trừ Như Lai còn không kể. Cho nên, Tỳ-kheo, hãy tìm cầu phương tiện hành tám pháp này.

(Tăng Nhất A Hàm, Tám Pháp, 42. Phẩm Tám Nạn, Kinh số 7)

TÁM ĐỊA NGỤC

Có tám địa ngục lớn. Những gì là tám?

1) Địa ngục Hoàn họat
2) Địa ngục Hắc thằng
3) Địa ngục Đẳng hại
4) Địa ngục Thế khốc
5) Địa ngục Đại thế khốc
6) Địa ngục A-tỳ
7) Địa ngục Viêm
8) Địa ngục Đại viêm.

Vì những duyên cớ gì gọi là địa ngục Hoàn hoạt? Những chúng sanh kia thân hình thẳng đơ, không cử động, bị khổ bức bách không thể di chuyển, thân thể không còn máu thịt. Lúc đó, chúng sanh nói với nhau: ‘Chúng sanh sống lại!’ Khi ấy, chúng sanh kia tức thì sống lại.

Lại vì nhân gì mà gọi là địa ngục Hắc thằng? Vì chúng sanh kia hình thể gân, mạch, đều hoá thành dây, để cưa vào thân.

Lại vì nhân duyên gì gọi là địa ngục Đẳng hại? Lúc ấy, chúng sanh kia tụ tập lại một chỗ, đã chém đầu mà giây lát sống trở lại.

Lại vì nhân duyên gì gọi là địa ngục Thế khốc? Chúng sanh kia đã đoạn mất căn lành, không còn sót chút lông tóc, ở trong địa ngục kia chịu vô số khổ não, ở đó kêu gào oán hận, tiếng kêu không dứt.

Lại vì nhân duyên gì gọi là địa ngục Đại thế khốc? Chúng sanh kia ở trong địa ngục chịu vô lượng khổ sở, không thể tính hết. Ở trong đó kêu gào, đấm ngực, tự tát vào mặt, đồng thanh gào thét.

Lại vì nhân duyên gì gọi là địa ngục A-tỳ? Các loài chúng sanh giết hại cha mẹ, phá hoại tháp Phật, gây đấu loạn chúng Tăng, hành theo tà kiến điên đảo, tương ưng với tà kiến, không thể chữa trị.

Lại vì nhân duyên gì gọi là địa ngục Viêm? Các loài chúng sanh trong địa ngục kia, thân thể bốc khói, thảy đều tan rã.

Lại vì nhân duyên gì gọi là địa ngục Đại viêm? Các chúng sanh trong địa ngục này đều không thấy sót lại cái gì của tội nhân.

Tỳ-kheo, đó là vì nhân duyên này mà gọi tên tám địa ngục lớn. Mỗi một địa ngục có mười sáu ngục nhỏ. Tên chúng là địa ngục Ưu-bát, địa ngục Bát-đầu, địa ngục Câu-mâu-đầu, địa ngục Phân-đà-lợi, địa ngục Vị-tằng-hữu, địa ngục Vĩnh vô, địa ngục Ngu hoặc, địa ngục Súc tụ, địa ngục Đao sơn, địa ngục Thang hỏa, địa ngục Hỏa sơn, địa ngục Khôi hà, địa ngục Kinh cức, địa ngục Phất thỉ, địa ngục Kiếm thọ, địa ngục Nhiệt thiết hoàn.

Như vậy, mười sáu ngục nhỏ này không thể ước tính hết, khiến chúng sanh kia sinh trong địa ngục. Hoặc có chúng sanh phá huỷ chánh kiến, phỉ báng Chánh pháp mà tránh xa, sau khi mạng chung sẽ sinh vào trong địa ngục Hoàn hoạt.

(Tăng Nhất A Hàm, Tám Pháp, 42. Phẩm Tám Nạn, Kinh số 2)

TÁM ĐIỀU SUY NIỆM CỦA BẬC ĐẠI NHÂN

1) Vì pháp của Ta là sở hành của người ít muốn, chẳng phải là sở hành của người muốn nhiều.

2) Pháp của Ta là sở hành của người biết đủ, chẳng phải là sở hành của người không biết đủ.

3) Pháp của Ta là sở hành của người ở nơi vắng vẻ, chẳng phải là sở hành của người ở chốn đông người.

4) Pháp của Ta là sở hành của người trì giới, chẳng phải là sở hành của người phạm giới.

5) Pháp của Ta là sở hành của người có định, chẳng phải là sở hành của người động loạn.

6) Pháp của Ta là sở hành người trí, chẳng phải là sở hành của người ngu.

7) Pháp của Ta là sở hành của người nghe nhiều, chẳng phải là sở hành của người ít nghe.

8) Pháp của Ta là sở hành của người tinh tấn, chẳng phải là sở hành của người biếng nhác.

Chúng bốn bộ hãy tìm cầu phương tiện hành tám điều suy niệm của bậc đại nhân. Nếu tám điều suy niệm của bậc đại nhân được lưu truyền ở đời, đệ tử Ta đều sẽ thành đạo Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán.

(Tăng Nhất A Hàm, Tám Pháp, 42. Phẩm Tám Nạn, Kinh số 6)

TÁM KHỔ

Sanh khổ, già khổ, bịnh khổ, chết khổ, sầu bi não khổ, oán tắng hội khổ, ân ái biệt ly khổ. Tóm lại mà nói năm thủ uẩn là khổ. Bạch Thế Tôn, con đã quán nghĩa này như vậy, cho nên bảo là khổ.

(Tăng Nhất A Hàm, Tám Pháp, 42. Phẩm Tám Nạn, Kinh số 3)

TÂM LÀ GỐC CÁC PHÁP

Tâm là gốc của pháp
Tâm chủ, tâm sai sử
Ai với tâm niệm ác
Mà hành động, tạo tác.
Theo đó mà thọ khổ
Như vết lăn bánh xe
Tâm là gốc của pháp
Tâm chủ, tâm sai sử.
Ai trong tâm niệm thiện
Mà hành động, tạo tác
Người ấy nhận báo thiện
Như bóng đi theo hình.

(Tăng Nhất A Hàm, Mười Pháp, 52. Phẩm Đại Ái Đạo Bát Niết-bàn, Kinh số 7)

TÁM NẠN KHÔNG ĐƯỢC TU TẬP

1) Khi Như Lai xuất hiện ở đời giảng rộng giáo pháp, dẫn đến Niết-bàn, sở hành của Như Lai, nhưng chúng sanh này ở trong địa ngục nên không nghe, không thấy.

2) Khi Như Lai xuất hiện ở đời giảng rộng giáo pháp, nhưng chúng sanh này ở trong loài súc sanh nên không nghe, không thấy.

3) Khi Như Lai xuất hiện ở đời giảng rộng giáo pháp, nhưng chúng sanh này ở trong loài ngạ quỷ nên không nghe, không thấy.

4) Khi Như Lai xuất hiện ở đời giảng rộng giáo pháp, nhưng chúng sanh này sanh lên trời Trường thọ nên không nghe, không thấy.

5) Khi Như Lai xuất hiện ở đời giảng rộng giáo pháp, nhưng chúng sanh này sanh ở biên địa, phỉ báng Hiền Thánh, tạo các tà nghiệp.

6) Khi Như Lai xuất hiện ở đời giảng rộng giáo pháp dẫn đến Niết-bàn, chúng sanh này tuy sinh ở trung tâm đất nước, nhưng sáu căn không đầy đủ, cũng lại không phân biệt được pháp thiện ác.

7) Khi Như Lai xuất hiện ở đời giảng rộng giáo pháp đạt đến Niết-bàn, chúng sanh này sinh ở trung tâm đất nước, tuy sáu căn lại hòan tòan, không có thiếu sót; nhưng chúng sanh này tâm thức tà kiến, cho rằng không có người cho, không có vật bố thí, không có người nhận, không có quả báo thiện ác, không có đời này, đời sau, cũng không có cha mẹ; đời không có sa-môn, bà-la-môn nào thành tựu được A-la-hán, tự thân chứng ngộ mà và an trú.

8) Như Lai không xuất hiện ở đời, không nói giáo pháp dẫn đến Niết-bàn, dẫu chúng sanh này sinh ở trung tâm đất nước, đầy đủ sáu căn, có thể thọ nhận giáo pháp, thông minh tài giỏi, nghe pháp liền hiểu, tu hành chánh kiến, tin có vật bố thí, có người bố thí, có người nhận, có báo thiện ác, có đời này, đời sau, đời có sa-môn, bà-la-môn, tu chánh kiến, tác chứng đắc A-la-hán.

Tỳ-kheo, đó gọi là có tám nạn này, khiến phạm hạnh không thể tu hành.

(Tăng Nhất A Hàm, Tám Pháp, 42. Phẩm Tám Nạn, Kinh số 1)

TÁM NGUYÊN NHÂN KHIẾN TRÁI ĐẤT CHẤN ĐỘNG

Trời đất chấn động mạnh là do tám nhân duyên. Những gì là tám?

Tỳ-kheo, nên biết, đất Diêm-phù-lý này nam bắc dài hai vạn, một ngàn do tuần, đông tây bảy ngàn do tuần, dày sáu vạn tám ngàn do tuần, nước dày tám vạn bốn ngàn do tuần, lửa dày tám vạn bốn ngàn do tuần, dưới tầng lửa có tầng gió dày sáu vạn tám ngàn do tuần, dưới tầng gió có bánh xe kim cương, xá lợi của chư Phật trong quá khứ đều ở trong đó.

1) Tỳ-kheo, nên biết, hoặc có lúc gió lớn chính động, lửa cũng động; lửa đã động thì nước liền động; nước đã động thì đất liền động.

2) Bồ-tát từ cung trời Đâu-suất giáng thần vào trong thai mẹ, lúc ấy mặt đất cũng động mạnh.

3) Khi Bồ-tát giáng thần ra khỏi thai mẹ, lúc ấy trời đất động mạnh.

4) Bồ-tát xuất gia học đạo, thành Vô thượng Chánh chơn, Đẳng chánh giác, lúc đó trời đất động mạnh.

5) Khi Như Lai nhập vô dư Niết-bàn giới mà diệt độ, lúc đó trời đất động mạnh.

6) Nó Tỳ-kheo có thần túc lớn, tâm được tự tại, tuỳ ý hành vô số biến hoá, hoặc phân thân thành cả trăm ngàn, rồi trở lại thành một, phi hành trên hư không, xuyên qua vách đá, vọt lên lặn xuống tự tại, quán đất không có tướng đất, rõ tất cả đều rỗng không, lúc này đất động mạnh.

7) Như thiên có thần túc lớn, thần đức vô lượng. Từ nơi ấy mạng chung, sinh vào cõi kia; nhờ phước hạnh đời trước nên các đức đầy đủ, bỏ hình trời cũ, được làm Đế Thích, hoặc làm Phạm thiên vương, lúc ấy đất động mạnh.

8) Nếu chúng sanh nào khi mạng chung hết phước; lúc ấy, các quốc vương không thích nước mình, nên họ công phạt lẫn nhau, hoặc chết vì đói thiếu, hoặc chết vì đao, kích, lúc ấy trời đất động mạnh.

(Tăng Nhất A Hàm, Tám Pháp, 42. Phẩm Tám Nạn, Kinh số 5)

TÁM NƠI BỐ THÍ

Bần gia bố thí suốt ngày đêm trong bốn cổng thành, chợ lớn, trong nhà, đường đi, cùng Phật và Tăng Tỳ-kheo. Đó là tám nơi bố thí.

Như vậy, Thế- tôn, tùy chỗ cần của họ, cần áo bố thí áo, cần thức ăn bố thí thức ăn, hay trân bảo trong nước, quyết không trái nghịch. Nói chung y phục, đồ ăn thức uống, giường nằm, thuốc men trị liệu bệnh, tất cả đều cung cấp cho họ. Cũng có chư thiên đến chỗ con, ở giữa hư không bảo con: ‘Hãy phân biệt tôn ti, người này trì giới, người này phạm giới; cho đây thì được phước, cho kia không quả báo.’ Nhưng tâm con chân chánh không có đây, kia, không khởi tâm thêm bớt, rải lòng từ bình đẳng đối với tất cả chúng sanh. Các chúng sanh nương vào mạng căn mà hình tồn tại, có thức ăn thì tồn tại, không có thức ăn thì mạng không cứu được. Bố thí cho hết thảy chúng sanh thì được vô lượng phước báo, hưởng quả báo ấy không có tăng giảm.

(Tăng Nhất A Hàm, Tám Pháp, 42. Phẩm Tám Nạn, Kinh số 8)

TÁM PHÁP HIẾM CÓ

Có tám pháp hiếm có khiến các Tỳ-kheo vui thích ở trong đó. Sao gọi là tám?

1) Trong pháp của Ta đầy đủ giới luật, không có hành phóng dật. Đó gọi là pháp hiếm có thứ nhất, các Tỳ-kheo thấy rồi vui thích ở trong đó, như biển cả kia rất sâu và rộng.

2) Trong pháp của Ta có bốn chủng tánh. Ở trong pháp Ta làm Sa-môn, họ không còn giữ tên họ cũ, mà đặt lại tên khác. Giống như biển lớn kia, bốn sông lớn đều đổ vào biển mà cùng một vị, không còn có tên khác. Đó gọi là pháp hiếm có thứ hai.

3) Trong pháp của Ta, cấm giới được chế lập lần lượt tiếp nối nhau, không vượt thứ tự. Đó gọi là pháp hiếm có thứ ba.

4) Pháp của Ta đều cùng một vị, đó là vị tám phẩm đạo Hiền thánh. Đó gọi là pháp hiếm có thứ tư, như biển cả kia đều cùng một vị.

5) Trong pháp của Ta sung mãn mọi pháp khác nhau: Đó là bốn chánh đoạn, bốn thần túc, năm căn, năm lực, bảy giác chi, tám chánh đạo. Các Tỳ-kheo thấy rồi, vui thích ở trong đó. Như biển lớn kia các vị thần cư trú trong ấy. Đó gọi là pháp hiếm có thứ năm.

6) Trong pháp của Ta có các loại châu báu như: niệm giác chi, trạch pháp giác chi, tinh tấn giác chi, hỷ giác chi, khinh an giác chi, định giác chi, xả giác chi. Đó gọi là pháp hiếm có thứ sáu, các Tỳ-kheo thấy rồi, vui thích ở trong đó, như biển cả sản sinh các loại châu báu.

7) Trong pháp của Ta, các chúng sanh cạo bỏ râu tóc, mặc ba pháp y, xuất gia học đạo, ở trong vô dư Niết-bàn giới mà diệt độ; nhưng pháp Ta không có tăng giảm. Như biển cả kia, các sông đổ vào mà vẫn không có tăng giảm. Đó gọi là pháp hiếm có thứ bảy, các Tỳ-kheo thấy rồi, vui thích ở trong đó.

8) Trong pháp của Ta có định kim cang, có định diệt tận, định nhất thiết quang minh, định vô sanh, các loại định không thể tính hết, các Tỳ-kheo thấy rồi, vui thích ở trong đó; như dưới đáy biển cả kia có cát vàng. Đó gọi là pháp hiếm có thứ tám, các Tỳ-kheo thấy rồi, vui thích ở trong đó.

(Tăng Nhất A Hàm, Tám Pháp, 42. Phẩm Tám Nạn, Kinh số 4)

TAM QUY

Tự quy có ba đức. Những gì là ba? Đó là quy y Phật là đức thứ nhất; quy y Pháp là đức thứ hai; quy y Tăng là đức thứ ba.

Sao gọi là đức quy y Phật? Trong các loại chúng sanh hai chân, bốn chân, nhiều chân; hoặc có sắc, không sắc; hoặc có tưởng, không tưởng; cho đến trên trời Nê-duy-tiên, trong đó, Như Lai là bậc tối tôn, tối thượng không ai có thể sánh bằng. Như từ bò được sữa; từ sữa được lạc; từ lạc được tô, từ tô được đề-hồ. Song ở trong đó đề-hồ lại tối tôn, tối thượng, không gì có thể sánh bằng. Đây cũng như vậy, trong các loại những chúng sanh hai chân, bốn chân, nhiều chân; hoặc có sắc, không sắc; hoặc có tưởng, không tưởng; cho đến trên Nê-duy-tiên thiên, trong đó, Như Lai là bậc tối tôn, tối thượng, không ai có thể sánh bằng. Những chúng sanh nào phụng thờ Phật, đó gọi là phụng thờ đức thứ nhất. Đã được đức thứ nhất, liền hưởng phước trời ngay trong loài người. Đây gọi là đức thứ nhất.

Sao gọi là đức tự quy y Pháp? Các pháp hữu lậu, vô lậu, hữu vi, vô vi, vô dục, vô nhiễm, diệt tận, Niết-bàn; trong các pháp đó, pháp Niết-bàn là tối tôn, tối thượng, không pháp nào có thể sánh bằng. Như từ bò được sữa; từ sữa được lạc; từ lạc được tô; từ tô được đề-hồ. Song trong đó đề-hồ lại là tối tôn, tối thượng, không gì có thể sánh bằng. Đây cũng như vậy, các pháp hữu lậu, vô lậu, hữu vi, vô vi, vô dục, vô nhiễm, diệt tận, Niết-bàn. Song ở trong các pháp đó, pháp Niết-bàn là tối tôn tối thượng, không pháp nào có thể sánh bằng. Chúng sanh nào phụng thờ Pháp, đó gọi là phụng thờ đức thứ nhất. Đã được đức thứ nhất, liền hưởng phước trời ở ngay trong loài người. Đây gọi là đức thứ nhất.

Sao gọi là đức tự quy y Thánh chúng? Trong các đại chúng, đại tụ tập, trong các loại hữu hình, trong các chúng sanh, trong các chúng ấy, Chúng Tăng của Như Lai là tối tôn, tối thượng, không chúng nào có thể sánh bằng. Như từ bò được sữa; từ sữa được lạc; từ lạc được tô; từ tô được đề-hồ. Song trong đó đề-hồ lại là tối tôn, tối thượng, không gì có thể sánh bằng. Đây cũng như vậy, trong các đại chúng, đại tụ tập, trong các loại hữu hình, trong các chúng sanh trong các chúng ấy, Chúng Tăng của Như Lai là tối tôn, tối thượng, không chúng nào có thể sánh bằng. Đó gọi là phụng thờ đức thứ nhất. Đã được đức thứ nhất, liền hưởng phước trời trong loài người. Đây gọi là đức thứ nhất.

(Tăng Nhất A Hàm, Ba Pháp, 21. Phẩm Tam Bảo, Kinh số 1)

TÂM Ý NHƯ KHỈ CHUYỀN CÀNH

Ta không thấy một pháp nào nhanh nhạy hơn tâm, không thể thí dụ được. Giống như vượn khỉ, tâm không chuyên định, buông cái này, chụp lấy kia. Tâm cũng như vậy, tưởng trước và tưởng sau bất đồng, không có phương tiện nào để có thể mô tả được sự nhanh nhạy của tâm.

Người phàm phu không thể quán sát tâm ý. Vì vậy, này các Tỳ-kheo, hãy luôn luôn hàng phục tâm ý khiến hướng theo đường thiện.

(Tăng Nhất A Hàm, Một Pháp, 9. Phẩm Con Một, Kinh số 3)

TÁN THÁN HẠNH ĐẦU ĐÀ

Ai tán thán người ăn một bát tức là đã tán thán Ta. Vì sao vậy? Vì Ta thường tán thán người ăn một bát. Ai hủy nhục người ăn một lần tức là đã hủy nhục Ta.

Ai tán thán người ăn đúng giữa ngày, tức là đã tán thán thân Ta. Vì sao vậy? Vì Ta thường tán thán người ăn đúng giữa ngày. Ai hủy nhục người ăn đúng giữa ngày, tức là đã hủy nhục Ta.

(Tăng Nhất A Hàm, Một Pháp, 11. Phẩm Nhập Đạo, Kinh số 5)

TÁN THÁN TẤM Y

Ai tán thán người khoác y năm mảnh, tức là đã tán thán Ta. Vì sao vậy? Vì Ta thường tán thán người khoác y năm mảnh. Ai hủy nhục người khoác y năm mảnh tức là đã hủy nhục Ta.

Ai tán thán người trì ba y tức là đã tán thán Ta. Vì sao vậy? Vì lúc nào Ta cũng tán thán người trì ba y. Ai hủy nhục người trì ba y tức là đã hủy nhục Ta.

(Tăng Nhất A Hàm, Một Pháp, 11. Phẩm Nhập Đạo, Kinh số 5)

TĂNG

Một pháp ấy là gì? Đó là niệm Chúng. Hãy khéo tu hành. Hãy quảng bá. Các ngươi sẽ thành tựu thần thông, loại bỏ các loạn tưởng, đạt được quả Sa-môn, tự thân đạt đến Niết-bàn. Cho nên, các Tỳ-kheo, hãy tu hành một pháp, hãy quảng bá một pháp.

(Tăng Nhất A Hàm, Một Pháp, Phẩm Thập Niệm, Kinh số 3)

TẤT CẢ PHÁP DO ĂN MÀ TỒN TẠI

Tất cả pháp do ăn mà tồn tại, không ăn thì không tồn tại. Mắt lấy ngủ nghỉ làm thức ăn. Tai lấy âm thanh làm thức ăn. Mũi lấy mùi thơm làm thức ăn. Lưỡi lấy vị làm thức ăn. Thân lấy sự trơn láng làm thức ăn. Ý lấy pháp làm thức ăn. Nay Ta cũng nói, Niết-bàn cũng có thức ăn.

(Tăng Nhất A Hàm, Sáu Pháp, 38. Phẩm Lực, Kinh số 5)

THÀ CẮT LƯỠI CHỨ KHÔNG NÓI LỜI HUNG DỮ

Chẳng thà lấy gươm bén cắt đứt lưỡi, chứ không để vì lời nói hung dữ, thô bạo mà rơi vào ba nẻo dữ, địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ.

Chẳng thà thường ngủ, chứ đừng để trong khi thức mà nổi lên tư duy loạn tưởng. Chẳng thà lấy tấm lá đồng nóng đỏ quấn quanh thân mình, chứ không giao thông với phụ nữ của trưởng giả, cư sỹ, bà-la-môn. Nếu cùng giao thông, qua lại chuyện trò, tất phải rơi vào ba nẻo dữ, địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ.

(Tăng Nhất A Hàm, Mười Pháp, 51. Phẩm Phi Thường, Kinh số 6)

THÀ LẤY SẮT NÓNG ÁP NGƯỜI CHỨ KHÔNG NHẬN Y PHỤC

Nay Ta nhắc lại các ngươi, với người phá giới, thà lấy lá sắt nóng quấn lên thân mình chớ không nhận y phục của người. Vì sao vậy? Vì nỗi đau này chỉ trong chốc lát, còn nỗi thống khổ địa ngục không thể tả xiết.

(Tăng Nhất A Hàm, Năm Pháp, 33. Phẩm Năm Vua, Kinh số 10)

THÀ NHẢY VÀO LỬA CHỨ KHÔNG CÙNG NGƯỜI NỮ GIAO DU

Nay Ta bảo các ngươi, chớ để không phải hạnh Sa-môn mà nói là Sa-môn; không phải người phạm hạnh mà nói là phạm hạnh; không nghe Chánh pháp mà nói là tôi nghe Chánh pháp; không có pháp thanh bạch. Người như vậy, thà nhảy vào lửa này, chứ không cùng người nữ giao du. Vì sao vậy? Vì người ấy thà chịu thống khổ này, chớ không vì tội đó mà vào trong địa ngục chịu khổ vô cùng.

(Tăng Nhất A Hàm, Năm Pháp, 33. Phẩm Năm Vua, Kinh số 10)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]