Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Di sản nghệ thuật cổ Phật giáo Sài Gòn-Gia Định

24/04/201311:07(Xem: 12979)
Di sản nghệ thuật cổ Phật giáo Sài Gòn-Gia Định
300 Năm Phật Giáo Gia Định, Sàigòn


Di Sản Nghệ Thuật Cổ Phật Giáo Sài Gòn-Gia Định

Duy Hào
Nguồn: Duy Hào


Những ngôi cổ tự tại Sài Gòn-Gia Định: Sắc tứ Từ Ân, (Q.6); Giác Lâm (Tân Bình); Giác Viên - Phụng Sơn (Q.11); Tập Phước (Bình Thạnh); Long Huê - Trường Thọ (Gò Vấp); Hội Sơn - Phước Tường (Q.9)... hiện còn lưu lại những di vật cổ trong chùa như: các pho tượng Phật, câu đối, bao lam, hoành phi, bàn thờ, pháp khí. Đây là những di tích có giá trị văn hóa dân tộc và là những công trình nghệ thuật cổ tượng trưng cho nền mỹ thuật Phật giáo (PG) Sài Gòn-Gia Định vào thế kỷ XVIII cho đến thế kỷ XIX.

Hầu hết các pho tượng Phật cổ đều được tạc bằng gỗ thể hiện hình tượng với khuôn mặt mang yếu tố văn hóa Việt. Tiêu biểu là những pho tượng Thập bát La hán tại chùa Giác Lâm với khuôn mặt có đôi mắt nhỏ, mỏng, chân mày xếch của người Việt xưa với cái nhìn an nhiên tự tại. Chùa Giác Lâm còn lưu giữ 118 pho tượng bằng gỗ mít nài sơn son thiếp vàng và 7 pho tượng đồng. Trong đó pho tượng Phật Di Lặc bằng gỗ, bộ Thập bát La hán nhỏ và tượng Phật Thích Ca ngồi trên tòa sen bằng gỗ cao 0,65m, được tạc vào năm mới thành lập chùa 1744. Bộ tượng Phật, La hán lớn cao khoảng 0,95m được tạc vào năm 1804 khi Tổ Viên Quang trùng tu lại chùa. Các pho tượng: Phổ Hiền, Đại Thế Chí, Thích Ca, Văn Thù, Quan Âm được khắc dưới dạng ngồi trên mình thú; bộ tượng Diêm Vương cao 0,6m. Tại chùa Giác Lâm còn có 40 câu đối hầu hết được khắc nổi, khắc chìm vào thân cột. 9 bao lam tại các bàn thờ được khắc hình chim sâu đậu trên cành trúc đang ngậm mồi, sóc đứng gần cây giác, sóc ôm chùm quả giác trong lòng. Các phù điêu tạc khắc Thập bát
La hán, các chú chuột cắn đuôi nhau bò trên những dây bí được chạm khắc khéo léo và mang đậm tính chất dân gian.

Chùa Giác Viên có 153 pho tượng cổ bằng gỗ, chủ yếu thờ tại chính điện chùa cùng 3 pho tượng chân dung các vị Tổ khai sơn được tạc vào thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX. Giác Viên là ngôi chùa có nhiều bao lam nhất, chùa có tới 60 bức lớn nhỏ: bao lam Thập bát La hán, bao lam hoa điểu, bao lam bá điểu... được chạm lộng 2 mặt trước và sau y như nhau. Riêng bao lam bá điểu chiều dài 3m, ngang 2,2m, chạm khắc 94 chim đủ loại: le le, họa mi, bói cá, chào mào, chim sẻ... mỗi con với tư thế khác nhau: bay, đậu, rỉa mồi, mớm mồi, âu yếm nhau... Ngoài ra, chùa còn lưu giữ bản khắc gỗ của bộ Luật Trường Hàng thời Tổ Minh Khiêm.

Chùa Long Huê hiện còn lưu giữ một số di vật cổ như: 3 tượng Phật bằng gỗ, 3 tượng Phật bằng đồng, 26 long vị của chư Tổ thời xưa, bảo ấn bằng ngà chạm hình sư tử trên có 4 chữ Hán "Phật Pháp Tăng bảo" khắc vào năm 1872, bảng "Sắc tứ Long Hoa tự" của vua Gia Long. Chùa Tập Phước hiện còn lưu giữ các bảng đối liễn "Sắc Tiến Chế" và "Tứ Hoàng Phong" do vua Gia Long ban tặng, cặp đối tại 2 cột chánh điện, 10 long vị chư Tổ, 1 đại hồng chung bằng đồng cao gần 1 mét chạm trổ hoa văn đúc vào đời vua Gia Long. Ngoài ra tại chánh điện còn bài trí những pho tượng bằng gỗ mít: Thập bát La hán tay cầm bửu bối, 10 vị Diêm Vương, bộ Di Đà, Tam Thế Chí, Quan Âm. Chùa Phụng Sơn có pho tượng Thích Ca bằng đá dát vàng và hai pho tượng chân dung HT Tuệ Minh, HT Tuệ Thành. Chánh điện chùa Trường Thọ còn thờ một số tượng cổ: Thập bát La Hán bằng đất cao 0,75m , đế cao 0,15m ngang 0,43m, tượng Phật Di Đà gỗ cao 1,80m, ba tượng Phật Tam thế gỗ cao 0,9m ngang 0,50m, tượng Thập điện Diêm Vương bằng gỗ cao 0,67m, ngang 0,33m, cùng một số long vị xưa. Tất cả những di vật này được chạm khắc vào thế kỷ XVIII. Riêng tượng Tổ sư Đạt Ma chạm khắc khác hẳn với các tượng tại chùa khác.

Hiện vật cổ tại chùa Phước Tường gồm các pho tượng; Tam Thế, Quan Thế Âm, Địa Tạng, Dược Sư, Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu, Hộ Pháp, Thập điện Diêm Vương, Già Lam, Di Lặc, Bồ Đề Đạt Ma. Nhiều câu đối, trong đó có câu đối mang tên chùa:

"Phước Hải hồng thâm bửu phiệt độ thông thiên giới
Tường Vân án đãi quí hào phổ ích vạn nhân gian".
(Biển phước ân sâu thuyền báu giúp ngàn cõi được giải thoát
Mây lành Tam bảo đem điều lợi độ khắp muôn người thế).

Chùa còn bộ đèn nến có 2 con chim én ở đỉnh để cắm nến. Hiện vật cổ tại chùa Hội Sơn gồm có 9 bài vị Tổ, 6 bức hoành phi, 3 cái bàn gỗ và 30 pho tượng. Chùa Từ Ân Sắc tứ còn lại 2 bức hoành phi cổ "Quốc ân Khải Tường" năm 1843 và "Sắc tứ Từ Ân tự" năm 1822. Pho tượng Phật bằng gỗ cao 2,05m của chùa Khải Tường do vua Gia Long dâng cúng năm 1804 được tôn trí tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam TP.Hồ Chí Minh.

Di vật cổ của PG đã góp phần làm phong phú nền văn hóa dân tộc nói chung và nền văn hóa PG nói riêng. Đây là một di sản quý giá cần phải có biện pháp và công trình trong việc bảo quản. Đến nay, những di sản hình như ngành văn hóa PG của Giáo hội PG Việt Nam nói chung và Thành hội PG TP.HCM nói riêng đang bỏ quên. Vô tình hay cố ý là có tội với chư vị tiền bối Tổ sư đã dày công kiến tạo.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com