Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Giai đoạn chấn hưng Phật giáo 1920-1930 (Trích Đoạn Tham Luận Tại Hội Thảo)

23/04/201318:23(Xem: 12020)
Giai đoạn chấn hưng Phật giáo 1920-1930 (Trích Đoạn Tham Luận Tại Hội Thảo)
300 Năm Phật Giáo Gia Định, Sàigòn


Giai Đoạn Chấn Hưng Phật Giáo 1920-1930 (Trích Đoạn Tham Luận Tại Hội Thảo)

Lê Quốc Sử
Nguồn: Lê Quốc Sử


Mặc dù đông đảo quý Hòa thượng (HT) ưu tư nhiệt tình lo nghĩ đến tồn vong của Phật giáo (PG), nhưng số lượng dấn thân chỉ đếm được trên đầu ngón tay, làm sao có thể chống đỡ ngôi nhà PG trước nguy cơ xiêu đổ? Trong số Tăng đồ tài sức thì ít. Còn ngoài xã hội lúc bấy giờ, các tệ trạng mê tín dị đoan, đồng bóng được thực dân Pháp khuyến khích, chèn ép PG, lại có một số người theo Tây chẳng biết PG là gì, làm gì, dạy gì? Một tai hại nữa là kinh điển toàn in ấn bằng chữ Hán, chỉ một số rất ít người biết đọc biết viết và cũng chưa đủ ba tạng kinh. Thâm độc hơn, chữ Hán thực dân Pháp lại cấm dạy và học, chỉ khuyến khích học Pháp văn và chữ Quốc ngữ theo mẫu tự La-tinh, nhưng lại vì thành kiến tẩy chay không học. Vì vậy chỉ có các nhà sư ở chùa mới dạy và học chữ Hán để lo cho mình học, hiểu để hành đạo thôi.

Trước tình hình như vậy, trong giới PG đòi hỏi phải làm một cuộc cách mạng để thay đổi cục diện hiện thời, nên quý vị HT đầy tâm huyết vì tiền đồ Phật pháp như HT Lê Khánh Hòa, nhà sư Thiện Chiếu khó có thể ngồi yên được, nên các Ngài phải hành động là lẽ tất nhiên.

Năm 1911, cuộc Cách mạng Tân Hợi do Tôn Văn tức Tôn Trung Sơn tổ chức và lãnh đạo, đã đánh đổ chế độ phong kiến Mãn Thanh, thực hiện đường lối Tam Dân: Dân tộc độc lập, Dân quyền tự do, Dân sinh hạnh phúc. PG Trung Quốc dựa vào sự thay đổi đó phát động phong trào chấn hưng PG rầm rộ ở Trung Quốc. Báo chí Trung Quốc phát hành hàng ngày loan tin các cơ quan của Hội Phật học liên tiếp được thành lập và hô hào PG các nước cải tiến. Điều này có ảnh hưởng lớn đối với Việt Nam.

Năm 1920 quý HT họp thành lập “Lục hòa” cũng với mục đích để đoàn kết Tăng chúng phát triển phong trào xây dựng Lực lượng hình thành tổ chức, thực hiện chấn hưng PG Việt Nam. Nên tháng 1 năm Kỷ Tỵ, Hội Lục hòa quý vị phân công nhau đi vận động như: HT Khánh Hòa đi vận động các chùa trong Nam, nhà sư Thiện Chiếu thì hướng dẫn một phái đoàn ra Trung, Bắc vận động các chùa hưởng ứng phong trào chấn hưng PG Nam Kỳ nói riêng, PG Việt Nam nói chung.

Để phục vụ cho công cuộc chấn hưng PG, sư Khánh Hòa cho ra tạp chí Pháp Âm, còn sư Thiện Chiếu cho xuất bản tờ Phật Hóa Tân Thanh Niên để vận động phong trào chấn hưng Phật giáo. Đây là hai tờ báo PG chữ Việt đầu tiên, mở đường cho các tạp chí PG bằng chữ Việt sau này. Ngoài hai tờ tạp chí trên, sư Thiện Chiếu còn cho xuất bản Phật học toàn thư được đại đa số Phật tử và giới trí thức học giả hoan nghênh.

Cũng trong năm này, các trường gia giáo ở Nam Kỳ lục tỉnh được mở ra để đào tạo Tăng tài và thỉnh thoảng có tổ chức thuyết pháp cho tín đồ nghe như: chùa Tuyên Linh của Sư Khánh Hòa ở Bến Tre, đến chùa Phi Lai ở Châu Đốc của Tổ Chí Thiền, chùa Kim Cang, Cầu Voi, Long An, chùa Giác Hoa ở Bạc Liêu dạy 100 sư Ni trẻ của bà Hai Ngó (đệ tử của Tổ Phi Lai), phát tâm cất chùa Giác Hoa và trường gia giáo tự túc cúng đường cho 100 sư Ni tu học năm 1927, chùa Kim Huê, Vạn An, Phước Long ở Châu Đốc, chùa Long An của Tổ Khánh Anh ở Trà Ôn...

Ảnh hưởng của phong trào chấn hưng, PG Nam kỳ có ảnh hưởng lan rộng trong và ngoài nước, nhờ có sự tham gia tích cực của quý vị Tổ sư tiền bối yêu nước, hết lòng lo lắng cho tiền đồ đạo pháp và dân tộc như: Tổ Hoan Hỉ chùa Long Thạnh (Bà Hom) đã cùng Nguyễn Văn Bường - Phan Văn Hớn nổi dậy khởi nghĩa 18 thôn Vườn Trầu ở Hóc Môn - Bà Điểm ngày 25 tháng Chạp năm Giáp Thân. Hay Tổ Huệ Tâm, pháp danh Trung Nghĩa, hoạt động lãnh đạo phong trào Thiên Địa Hội của Phan Xích Long năm 1913 ở Chợ Lớn. Trong những vị lãnh đạo phong trào còn có quý HT Phi Lai ở chùa Tây An, Châu Đốc, HT Bửu Chung chùa Phước Long. Trong số các vị Tổ và HT trên có một số vị hoạt động chống Pháp bị bắt bớ tù đày Côn Đảo nhiều lần vượt ngục trở về vẫn có mặt trong phong trào như HT Huệ Tâm-Trung Nghĩa. Lúc bấy giờ phong trào cách mạng ở Nam Kỳ nổi lên như: phong trào Đông Du của cụ Phan Bội Châu, phong trào Duy Tân của cụ Phan Chu Trinh, Đảng Thanh Hòa Thanh niên cao vọng của Nguyễn An Ninh, phong trào Công hội đỏ của cụ Tôn Đức Thắng, Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội đang tuyên truyền vận động giới Tăng Ni Phật tử theo khuynh hướng tích cực tham gia yêu nước.

Ảnh hưởng báo chí tiến bộ trong nước cũng như nước ngoài cũng góp phần không nhỏ cho các phong trào, nó tác động tích cực vào tinh thần tư tưởng yêu nước của các Tăng Ni Phật tử và các từng lớp nhân dân như báo Người cùng khổ, Việt Nam hồn, báo chí Trung Quốc.

Cuộc vận động chấn hưng PG Nam kỳ đến năm 1929-1930 mới tạo được điều kiện đưa ra tổ chức hợp pháp.


- Giai đoạn PG hình thành đấu tranh hợp pháp (1928-1929):

Như đã kể trên, sư Khánh Hòa và sư Thiện Chiếu đã góp công góp sức lớn trong công cuộc chấn hưng PG Nam kỳ: các vị lập thư xã các tỉnh, dịch ba tạng kinh, xuất bản báo chí và tạp chí Phật học... nên cả nước đều nghe tên các vị, nên ở Trung Kỳ mở trường hạ, vào thỉnh HT Khánh Hòa ra thuyết giảng, vì quý Thầy ngoài Trung Kỳ cho rằng HT Khánh Hòa đạo lý thâm sâu nên cung thỉnh. HT nhận lời vì một là để nắm tình hình Tăng chúng ngoài đó và để chấn hưng PG, ngài cho HT Huệ Quang ra chùa Long Khánh, Qui Nhơn, trước để lo chuẩn bị, trong ngày thượng tuần tháng 4 âm lịch năm Đinh Mão, HT Khánh Hòa hướng dẫn một phái đoàn ra Trung, HT Khánh Hòa làm chủ giảng suốt ba tháng hạ và cổ động việc chấn hưng PG. Qua giảng giải kinh điển làm cho HT Phước Huệ ở chùa Thập Tháp cũng là bậc đạo cao đức trọng vô cùng thán phục.

Tháng 5 âm lịch năm Đinh Mão, Sư Thiện Chiếu đi họp ở Hà Nội về ghé Qui Nhơn gặp HT Khánh Hòa và trao cho HT bản chương trình của PG Hội Trung quốc. (Hải Triều Âm - cơ quan ngôn luận của PG Hội Trung Quốc) và đôn đốc HT Khánh Hòa gấp rút tiến hành công việc chấn hưng PG không nên để trễ. Sư Thiện Chiếu trụ trì chùa Linh Sơn, số 149 đường Douemont, nay là Cô Giang, quận 1, ông là hội viên Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội với trách nhiệm được phân công phụ trách phong trào chấn hưng PG.

Đến ngày 10 tháng 7 âm lịch sau khi mãn hạ, từ Qui Nhơn về, HT Khánh Hòa ghé chùa Linh Sơn gặp sư Thiện Chiếu bàn bạc kỹ về việc thành lập Hội Phật học. Hai vị nhất trí chương trình và phân công nhau tổ chức thực hiện, HT Khánh Hòa đi về chùa Tuyên Linh, Bến Tre, cho mời toàn thể bổn đạo họp. Trong buổi họp, HT trình bày: Nay thời cơ đã đến, ý nguyện Tăng chúng cần trung hưng PG đang hồi suy vong nhưng không có tiền thì khó thực hiện được. Vì vậy chúng ta nên vì sự trường tồn của Phật pháp mà bán chánh điện chùa Tuyên Linh để lấy tiền làm việc ấy. Bổn đạo chấp nhận ý Thầy, làng Ba Tri mua để lấy cây cất đình nay vẫn còn với giá 1.000 đồng, lúc đó là một số tiền lớn. HT Khánh Hòa giao cho HT Tâm Quang chùa Viên Giác và HT Từ Phong chùa Liên Trì, Bến Tre, cất giữ và vận động thêm. Nghe quý HT trung hưng Phật pháp, bà Lê Thị Nghĩa hỷ cúng 100 đồng. Ngài gom góp số tiền này cùng với số tiền quyên góp của sư Thiện Chiếu vận động được để xây cất thư xã và trường Phật học. Mặt khác, HT Khánh Hòa còn vận động được một số cư sĩ ở Trà Vinh hỷ cúng 1.000 đồng để thỉnh ba tạng kinh, nay vẫn còn tại chùa Linh Sơn, quận 1.

Khi thành lập Phật học viện và thư xã xong đến ngày 27 tháng Giêng năm Kỷ Tỵ 1929, ngài Khánh Hòa nhận phân công đi vận động để thành lập Hội Nam Kỳ Phật học và trường Phật học. Cuộc hành trình đi vận động của ngài khắp Nam Kỳ đến Nam Vang gần hai tháng. Khi kết thúc cuộc hành trình trở về Thư xã chùa Linh Sơn thì thấy các vị đã khởi công biên tập để xuất bản tờ tạp chí đầu tiên nhan đề “Pháp Âm”. Trong Ban lâm thời tổ chức, cả Bộ Biên tập cử ngài Khánh Hòa chức Chủ nhiệm, tạp chí Pháp Âm bắt đầu ra số thứ nhứt ngày 31 - 8 - 1929. Ngài Khánh Hòa có viết bản Tự trần đăng lên báo Pháp Âm trang 17 - 20 nói về lý do lập Thư xã và tình thế bắt buộc ngài phải đảm nhận trọng trách ấy. Lễ khánh thành Pháp bảo phường và Thư xã và Tàng kinh thất tháng 12 năm 1929. Tại chùa Linh Sơn, Sài Gòn, Hội Phật học Nam kỳ tổ chức hội nghị giới thiệu danh sách Ban Chấp hành lâm thời, ngài Khánh Hòa được bầu làm Chánh hội trưởng. Trường Phật học cũng được xây cất xong, phần tuyên dương công đức các vị hữu công trong đóng góp: HT Phi Lai, Châu Đốc, đóng góp 300 đồng, bà thí chủ Lê Thị Nghĩa, Bến Tre, đóng góp 300 đồng, một số cư sĩ ở Trà Vinh hỷ cúng 1000 đồng, và số tiến bán chánh điện chùa Tuyên Linh 1.000 đồng của ngài Khánh Hòa góp lại xây cất trường Phật học và Pháp bảo phường có để ba tạng kinh. Trường Phật học và Pháp bảo phường, Tàng thư viện nay còn tại chùa Linh Sơn, Cầu Muối.

Nguyên chùa Linh Sơn là trụ sở của Hội Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học, nguồn gốc chùa là của bà Nguyễn Thị Nghi xây cất đã lâu đời, bà đã chết không có con. Trước chánh điện thờ Phật, sau hậu Tổ thờ Linh Sơn Thánh Mẫu. Lúc Sư Thiện Chiếu làm trụ trì, theo tục lệ người Tàu vô xin xăm bói quẻ, đến năm 1929 vì yêu cầu lập Hội nên giao lại cho ngài Khánh Hòa làm trụ trì Linh Sơn để đủ điều kiện đứng xin thành lập Hội, Thư xá, Pháp bảo phường, Tàng kinh thất. Đây chỉ là tổ chức lâm thời, phải chờ nghị định của Toàn quyền Pháp mới được chính thức thành lập.


- Giai đoạn cao trào cách mạng Việt Nam 1929-1931:

Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời xác lập vai trò lãnh đạo cách mạng Việt Nam, làm cho các tầng lớp nhân dân lao động, trí thức tôn giáo phấn khởi đứng lên đấu tranh chống sưu cao thuế nặng, đòi cải thiện dân sinh, đòi tự do tín ngưỡng, bình đẳng tôn giáo rất sôi nổi, quyết liệt.

Phong trào chấn hưng PG như gấm thêm hoa, năm Canh Ngọ 1930, Hội Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học được chính thức thành lập, trụ sở đặt tại chùa Linh Sơn do ngài Khánh Hòa làm Chánh hội trưởng, Hòa thượng Chí Thiền, Từ Phong, Huệ Quang, Chánh Quả, Thiện Dư cùng quý vị cư sĩ trần Nguyên Chấn, Nguyễn Văn Côn, Huỳnh Văn Quyền, Trần Văn Khuê, Phạm Ngọc Vinh, Nguyễn Văn Nhơn, Lê Văn Phô đều nằm trong Ban Chức sự của Hội.

Hội Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học chánh thức hoạt động ngày 25-8-1931, Hội ra tạp chí Từ Bi Âm ngày 1-1-1932 là cơ quan truyền bá giáo lý của Hội, lập Pháp bảo phường, thỉnh Đại tạng kinh từ Trung Quốc về dịch, giảng dạy cho học tăng. Những người có công đối với Hội và PG nói chung trong giai đoạn này đối với Tăng như: ngài Khánh Hòa chùa Tuyên Linh (Bến Tre), HT Huệ Quang, chùa Long Hòa (Trà Vinh), Chí Thiền, chùa Tam Bảo (Rạch Giá), Chí Thiền, chùa Phi Lai (Châu Đốc), Từ Phong, chùa Giác Hải (Chợ Lớn), Chánh Quả, chùa Kim Huê (Sa Đéc), An Lạc, chùa Vĩnh Tràng (Mỹ Tho), Chánh Tâm, chùa Thiện Phước (Trà Ôn), Tâm Quang, chùa Viên Giác (Bến Tre), HT Lê Phước Chí, chùa Kế Sách (Sóc Trăng), Huệ Thành, chùa Thành Linh (Cà Mau), Tâm Chơn, chùa Pháp Võ (Châu Đốc), Diệu Pháp, chùa Long Khánh (Trà Vinh), Thiện Chiếu, chùa Linh Sơn, Yết ma Nguyễn Văn Chức, chùa Tam Bảo (Hà Tiên), Huỳnh Công Quảng - Minh Trường, chùa Hậu Phước (Mỹ Tho), Giáo thọ Thiên Tâm, chùa Đại Giác (Biên Hòa), Huệ Định, chùa Phước Long (Sa Đéc), Từ Phong, chùa Liên Trì (Bến Tre), HT Thiện Dư, Thủ tọa Điển, chùa Linh Thứu (Xoài Hột - Mỹ Tho...).

Các cư sĩ ở Trà Vinh thỉnh Tam tạng kinh từ Trung Quốc về hiến cho Hội, ngài Khánh Hòa biến chùa Huyền Linh làm Pháp bảo phường, HT Nguyên Chánh Tâm hiến ruộng chùa cho Hội thu huê lợi làm Phật sự.

Về phân công phụ trách Từ Bi Âm: ngài Khánh Hòa Chủ nhiệm, HT Bích Quy và Liên Tôn làm Chánh Phó chủ bút, ngài Trí Độ bình dịch, Thượng tọa (TT) Thiện Quy (Mỹ Tho), TT Giác Nhựt (Cần Thơ), TT Khất Chánh, làm trợ bút.

Tóm lược quá trình vận động chấn hưng PG Nam Kỳ trong những thuận lợi khó khăn mà quý Ngài phải vượt qua nhưng vẫn chưa đạt được mục đích của mình như:

Đến năm 1931 mới được chánh thức thành lập Hội Nam Kỳ và tạp chí Từ Bi Âm, vì một số khó khăn do nhà cầm quyền ràng buộc phép tắc, và phải có người thân Pháp đứng ra xin phép thành lập Hội chúng mới cho... nên phải cậy đến thế lực của Commis Trần Nguyên Chấn xin phép. Ông Chấn buộc ngài Khánh Hòa nếu muốn được ông xin phép thì phải chấp nhận ba điều kiện: một là phải để cho rể ông là Phạm Ngọc Vinh làm chủ nhân sáng lập Từ Bi Âm và Hội Phật học, hai là phải làm tờ cam kết mượn chùa Linh Sơn và đất của ông để cất Thư xá, trường học, mặc dù đất và chùa là của bà Nguyễn Thị Nghi chứ không phải của ông Trần Nguyên Chấn và bà phải nhường chức Phó Hội trưởng vĩnh viễn cho ông không ai được tranh cử. Cũng bởi tờ cam kết có dụng ý xấu này mà về sau ông chiếm đoạt chùa Linh Sơn và hội Phật học. Vì điều lệ Hội và phép tắc quá khó khăn nên ngài Khánh Hòa và Ban Tổ chức lâm thời phải chấp nhận. Sau khi thành lập xong Hội Nam Kỳ và trường Phật học, ngài Khánh Hòa làm Chánh hội trưởng, bị Commis Trần Nguyên Chấn nắm hết quyền khống chế tổ chức, Hội bị tê liệt luôn, chủ trương của ngài Khánh Hòa mở trường Phật học tại chùa Linh Sơn là để đào tạo Tăng tài sau nhân ra các tỉnh. Nhưng năm đầu mới mở lớp dạy đã bị Trần Nguyên Chấn cản ngăn, mật báo với chánh quyền Pháp không cho dạy kinh luật Phật, ông Chấn nói với nhà cầm quyền Pháp, ngài Khánh Hòa dạy lý thuyết cộng sản, tuyên truyền cộng sản, Ngài bị thực dân Pháp kêu lên tra xét hạch hỏi làm khó dễ hoài, vì thế trường Phật học phải đóng cửa để rể ông Chấn là Phạm Ngọc Minh lấy trường này đặt chỗ làm nhà in riêng, sau nhà in ấy dẹp ngôi trường và Pháp bảo phường ông Chấn và ông Vinh biến thành của riêng cho con ông Chấn là bà Đá và cháu vợ bà Thanh.

Còn nói về điều lệ Hội thì Thống đốc Nam Kỳ cho phép lập Hội Phật học ngày 26-8-1931 quy định rất ngặt nghèo làm cho Hội không hoạt động được như:

* Sách kinh thỉnh để thêm vào Pháp bảo phường phải trình cho chính phủ biết, những kinh dịch ra chữ quốc ngữ phải trình cho Chính phủ biết.
* Chương trình dạy Tăng đồ phải trình cho chính phủ xét, chính quyền có quyền hỏi cho biết những kinh sách để dạy, và những bài học có phép đề tài thỉnh hội đường để kiểm duyệt sách, thi hành chương trình phải cho Chính phủ biết, những giáo sư dạy tại Thích học đường và sự dời đổi xảy ra trong Ban Giáo sư.
* Điều 15, số tiền cúng vào hội 15 đồng thì phải có quan Thống đốc cho phép mới được nhận. Hội chỉ được phép có gia sản đủ dùng trong sự hành động mà thôi, chẳng cho có dư.
* Điều 16 thủ quỹ chỉ giữ 100 đồng bạc mà thôi, còn dư phải gửi nhà băng của Pháp.

Những điều của thực dân Pháp quy định như trên của điều lệ chúng cho phép đủ thấy sự ràng buộc gắt gao như thế nào.

Đến Đại hội kỳ hai, tháng 1-1932, họp để bầu lại các chức vụ mới của Ban Trị sự, ông Trần Nguyên Chấn tuyên bố chức Phó nhì Hội trưởng của ông vĩnh viễn chẳng được ai thay đổi và buộc hội phải chấp nhận. Trong kỳ Đại hội này, bảo thủ quỹ phải xuất tiền mua rượu Tây cho ông Chấn đãi các quan Tây do ông ta mời tham dự, ai chỉ trích ông hăm dọa bỏ tù, nên từ đây Hội tê liệt tan rã dần.

Ngày 1-2-1933, Từ Bi Âm số 45, ngài Khánh Hòa từ chức, chẳng còn ở Hội Nam Kỳ Phật học Linh Sơn.

Năm 1931, HT Huệ Đăng thành lập Thiên Thai Thiền giáo Quán tông Thiên hữu Hội, trụ sở đặt tại chùa Thiên Thai, Dinh Cố, Long Đất, Bà Rịa, Đồng Nai, và cho xuất bản tờ Bát Nhã Âm để truyền bá giáo lý trong toàn quốc. Phái Thiên Thai Thiền giáo tông có nhiều đệ tử tài đức nổi tiếng trở thành những Thiền sư yêu nước như HT Minh Tâm, viện chủ chùa Thiên Quang, Hóc Môn; HT Pháp Long, chùa Thiên Minh, Chợ Cầu - Gia Định; HT Pháp Vân, chùa Long Khánh, Vĩnh Long; HT Pháp Thân, chùa Hội Linh, Cần Thơ; HT Pháp Tràng còn gọi HT Đông Dương, chùa Khánh Quới, Mỹ Tho; HT Minh Nguyệt, trụ trì chùa Bửu Long, Mỹ Tho; HT Minh Đức, viện chủ chùa Thiên Tôn, quận 5; HT Pháp Nhạc, trụ trì chùa Long An, quận nhì Sài Gòn; HT Minh Tịnh, hoạt động Thanh niên Cứu quốc Nam Bộ; HT Thiện Hào, viện chủ chùa Thiên Vân, Hóc Môn; đều là những vị tích cực tham gia hai cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ cứu nước.

Năm 1930-1931, phong trào chấn hưng PG lại được tiếp nhận luồng sinh khí mới là phong trào cách mạng vô sản, làm trong giới Tăng chúng tín đồ PG phân hóa sâu sắc, bởi nó có mối quan hệ đến quyền lợi thiết thân, tín ngưỡng, sưu cao, thuế nặng, ruộng đất nhà chùa bị thực dân Pháp và thân Pháp dùng quyền lực chiếm đoạt.

Do đó mà Tăng chúng nhiều chùa đứng về phía cách mạng, ra sức ủng hộ, giúp đỡ nuôi chứa cán bộ, để chùa làm trường học, cơ quan như: chùa Linh Thứu ở Xoài Hột, Thạnh Phú, Mỹ Tho; ngài Thủ tọa Điển tức HT Hoằng Không để chùa làm cơ quan cho cơ quan ấn loát của Tỉnh ủy Mỹ Tho và bản thân Ngài còn làm giao liên cho Xứ ủy. Sư Thiện Chiếu về đây hội họp với chư Tăng các tỉnh, HT Trí Thiền đưa chùa Tam Bảo, Rạch Giá, làm nơi sản xuất vũ khí đánh địch, HT Huệ Tâm-Trung Nghĩa huy động biểu tình...
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]