Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Ảnh Hưởng Của Tổ Sư Nguyên Thiều Đối Với Phật Giáo Đồng Nai-Gia Định

23/04/201317:49(Xem: 13663)
Ảnh Hưởng Của Tổ Sư Nguyên Thiều Đối Với Phật Giáo Đồng Nai-Gia Định
300 Năm Phật Giáo Gia Định, Sàigòn


Ảnh Hưởng Của Tổ Sư Nguyên Thiều Đối Với Phật Giáo Đồng Nai-Gia Định

Nguyễn Hiền Đức
Nguồn: Nguyễn Hiền Đức

NGUYỄN HIỀN ĐỨC (*)

Theo các sách Lịch sử Phật giáo (PG) Việt Nam và các tài liệu cũ, hành trạng của Tổ sư Nguyên Thiều chưa được đầy đủ và chưa chính xác lắm. Trước đây, chúng ta chỉ biết Tổ sư Nguyên Thiều hoằng hóa ở Qui Nhơn và Thuận Hóa; nhưng sau khi phát hiện bảo tháp của Tổ sư Nguyên Thiều và tháp Phổ Đồng ở chùa Kim Cang (Đồng Nai) vào cuối năm 1988; đồng thời nghiên cứu thêm các tư liệu cổ ở chùa Đại Giác, Long Thiền (tỉnh Đồng Nai), chùa Giác Lâm, Từ Ân, Khải Tường, Huê Nghiêm, Phước Tường (TP Hồ Chí Minh), chùa Linh Thứu, Bửu Long, Đức Lâm (tỉnh Tiền Giang)..., chúng ta được biết thêm là Tổ sư Nguyên Thiều đã từng vào Đồng Nai khai sơn chùa Kim Cang ở ấp Bình Thảo (xã Tân Bình, huyện Vĩnh An, tỉnh Đồng Nai) và hoằng dương chánh pháp, ảnh hưởng sâu rộng đối với PG Đồng Nai-Gia Định nói riêng và Đàng Trong nói chung. Tổ có nhiều đệ tử và pháp tôn kế truyền, đóng góp nhiều công đức trong việc phục hưng và phát triển PG Việt Nam, nhất là PG Đồng Nai-Gia Định.


I.- SƠ LƯỢC HÀNH TRẠNG CỦA TỔ SƯ NGUYÊN THIỀU

Tổ sư Nguyên Thiều, húy Siêu Bạch, hiệu Hoán Bích hay Thọ Tông, họ Tạ, quê ở huyện Trình Hương, phủ Triều Châu, tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc), sinh vào ngày 18 tháng 5 năm Mậu Tý (1648), thuộc phái Thiền Lâm Tế, thế hệ 33.

Năm 1666, xuất gia thọ giới với Hòa thượng Bổn Quả-Khoáng Viên ở chùa Báo Tư (Trung Quốc). Năm Đinh Tỵ (1677), Tổ sư Nguyên Thiều rời Trung Quốc đi theo thuyền buôn sang Qui Nhơn (tỉnh Bình Định), lập chùa Thập Tháp Di Đà. Năm 1682, Thiền sư Hương Hải dẫn theo năm chục đệ tử của phái Thiền Trúc Lâm bỏ Đàng Trong ra Đàng Ngoài. Ở Thuận Hóa thiếu Tăng sĩ, nên chúa Nguyễn Phước Tần phải mời Tổ sư Nguyên Thiều từ Qui Nhơn ra Thuận Hóa hoằng truyền Phật pháp, Tổ lập chùa Hà Trung ở gần cửa biển Tư Dung và chùa Quốc Ân ở Phú Xuân (Huế). Đến khoảng năm 1687-1690, chúa Nguyễn Phước Trăn nhờ Tổ sư Nguyên Thiều trở về Trung Quốc thỉnh thêm Tăng sĩ, kinh sách PG, Phật tượng, pháp khí sang Đàng Trong. Tổ hoàn thành nhiệm vụ tốt đẹp. Chúa hỗ trợ cho Tổ khai Đại giới đàn ở chùa Thiên Mụ. Các Thiền sư thuộc phái Thiền Trúc Lâm, một số Thiền sư từ Trung Quốc sang, các Tăng sĩ trẻ ở Đàng Trong tham dự đông đủ. Vì lý do trên, và từ sau Đại giới đàn đó ở chùa Thiên Mụ, các Thiền sư hoằng hóa ở Đàng Trong thời đó, hầu hết đều thuộc truyền thừa của Tổ sư Nguyên Thiều, hoặc thuộc phái Thiền Lâm Tế và còn tiếp tục truyền thừa cho tới thời hiện đại.

Đầu năm 1691, chúa Nguyễn Phước Trăn mất, con là Nguyễn Phước Châu lên thay.

Năm 1692-1694, một người Hoa tên A Ban, sau đổi tên là Ngô Lãng, cùng với một số tướng sĩ Chiêm Thành nổi lên chống chúa Nguyễn Phước Châu ở trấn Thuận Thành, chúa phải sai Cai cơ Nguyễn Hữu Cảnh đánh dẹp. Cũng trong năm 1694, Chưởng cơ Nguyễn Phước Thông và Nguyễn Phước Huệ âm mưu lật đổ chúa Nguyễn Phước Châu nhưng thất bại và bị bắt giết. Đồng thời, một người Hoa ở Qui Nhơn tên là Quảng Phú kết hợp với một người Việt ở Quảng Ngãi tên Linh, tự xưng Linh Vương nổi loạn, đúc binh khí, đóng chiến thuyền chống chúa Nguyễn. Mãi đến năm 1695, triều đình mới đánh dẹp được.

Tổ sư Nguyên Thiều cùng các đệ tử hoằng hóa ở các chùa Kim Cang, Đại Giác, Long Thiền (Đồng Nai), chùa núi Châu Thới (Bình Dương)... hoàn thành tốt đẹp các Phật sự trên, nên tín đồ càng đông, PG phát triển rộng xuống đến Sài Gòn (TP Hồ Chí Minh).

Ngày 19 tháng 10 năm Mậu Thân (1728), Tổ sư Nguyên Thiều se mình, cho triệu tập môn đồ tứ chúng, giảng dạy huyền cơ, di chúc mật ngữ. Tổ sư bảo lấy bút viết bài kệ :

Tịch tịch cảnh vô ảnh
Minh minh châu bất dung
Đường đường vật phi vật
Liêu liêu không vật không.

Tạm dịch :
Lẳng lặng gương không ảnh
Sáng sáng ngọc không hình
Rõ ràng vật không vật
Vắng lặng không chẳng không.

Viết xong, Tổ sư ngồi thiền định mà viên tịch, thọ 81 tuổi. Đồ chúng lập tháp thờ ở sân trước, phía trái chùa Kim Cang ở Đồng Nai.

Nhân lễ Phật Đản năm 1729, đệ tử của Tổ sư Nguyên Thiều ở Phú Xuân xin với chúa Nguyễn Phước Trú, chúa ban cho bài ký minh: "Sắc tứ Hà Trung tự, Hoán Bích Thiền sư tháp ký minh" (1), khắc trên bia trước tháp vọng của Tổ ở Phú Xuân (tháp ở gần chùa Trúc Lâm, thành phố Huế).


II.- ẢNH HƯỞNG CỦA TỔ SƯ NGUYÊN THIỀU ĐỐI VỚI PG ĐỒNG NAI-GIA ĐỊNH

Qua phần hành trạng trên, chúng ta thấy rằng: Tổ sư Nguyên Thiều là người Trung Hoa, nhưng suốt cuộc đời hoằng truyền chánh pháp đều hoạt động ở lãnh thổ Đàng Trong của nước Đại Việt. Tổ tạo được nhiều công đức và ảnh hưởng sâu rộng đối với PG Đàng Trong. Tổ phát huy tông phong của phái Thiền Lâm Tế của Trung Quốc, đồng thời cũng tiếp thu tinh hoa của phái Thiền Trúc Lâm, đặc trưng của Thiền tông Việt Nam. Vì vậy, phái Thiền Lâm tế được Tổ sư Nguyên Thiều và pháp tử xiển dương ở Việt Nam, không còn thuần túy của tông phong phái Thiền Lâm Tế của Trung Quốc, mà mang nặng ảnh hưởng của phái Thiền Trúc Lâm của Việt Nam. Phái Thiền Lâm Tế ở Việt Nam, không còn thuần túy "tham công án", "hét", "bổng" (đánh) ; mà là sự pha trộn nhuần nhuyễn giữa Thiền tông - Mật tông và Tịnh độ. Do đó, nhiều Thiền sư ở Việt Nam thường sớm có thần thông, thường dùng nước lạnh hoặc phù chú để trị bệnh giúp bá tánh. Đa số Thiền sư Việt Nam không chuyên tu trong các thiền viện như quan niệm "xuất thế" của Thiền tông Trung Quốc, mà sống trong xã hội, vừa tu học vừa hành đạo theo quan niệm "nhập thế" của Thiền tông Việt Nam.

Hầu hết các Thiền sư ở Việt Nam đều mang danh "Lâm Tế Chánh Tông" chỉ vì các biến cố chính trị; thực ra, các Thiền sư Việt Nam trước đây (trước thời Pháp thuộc) đều tu hành theo tông phong của phái Thiền Trúc Lâm của Việt Nam.
Các đệ tử và pháp tôn của Tổ sư Nguyên Thiều hoằng truyền Phật pháp theo pháp môn tu hành của phái Thiền Trúc Lâm, giúp cho PG Đàng Trong phát triển mạnh và còn ảnh hưởng sâu rộng cho đến thời hiện đại. Sau thời gian tu học, các đệ tử và pháp tôn của Tổ sư Nguyên Thiều vân du hoằng hóa, mở rộng ảnh hưởng khắp Đàng Trong, riêng ở vùng Đồng Nai-Gia Định có những Thiền sư nổi danh và còn truyền thừa cho đến hiện nay như sau :

1- Thiền sư Thành Đẳng-Nguyệt Ân và pháp tử

Thiền sư Thành Đẳng-Nguyệt Ân hay Minh Lượng (1686-1769) theo học với Tổ sư Nguyên Thiều ở chùa Kim Cang, sau đó đến trụ trì chùa Đại Giác ở cù lao Phố (Biên Hòa). Sư cũng vân du hoằng hóa, khai sơn các chùa Vạn Đức (ở tỉnh Quảng Nam), chùa Bảo Phong (tỉnh Khánh Hòa).

Thiền sư Thành Đẳng có nhiều đệ tử, nhưng quan trọng và nổi danh nhứt là Thiền sư Phật Ý-Linh Nhạc.

* Thiền sư Phật Ý-Linh Nhạc (1725-1821) thọ giáo với Hòa thượng Thành Đẳng ở chùa Đại Giác. Năm 1744, chúa Nguyễn Phúc Khoát phát động mạnh phong trào di dân ở phủ Gia Định, Thiền sư Phật Ý theo lớp di dân đó đến huyện Tân Bình, lập chùa Từ Ân và sau kiêm quản luôn chùa Khải Tường (quận 3, TP Hồ Chí Minh). Trong thời chúa Nguyễn Phúc Ánh chống Tây Sơn, chúa đã phải tạm ngụ ở chùa Từ Ân và Khải Tường một thời gian, Hoàng tử Nguyễn Phước Đảm (sau là vua Minh Mạng) được sanh tại chùa Khải Tường. Vì vậy, vua đã sắc tứ cho hai chùa này thành: chùa Sắc tứ Từ Ân và chùa Quốc ân Khải Tường.

Thiền sư Phật Ý có các đệ tử hoằng hóa nổi tiếng ở Đồng Nai-Gia Định như sau:

- Thiền sư Tổ Tông-Viên Quang (?-1828) được thỉnh vào trụ trì chùa Giác Lâm vào năm 1772. Chùa Giác Lâm được thành lập vào năm 1744 và là một trong những chùa cổ nổi tiếng nhất ở Nam Bộ. Thiền sư Viên Quang góp nhiều công đức trong việc phát triển PG Nam Bộ. Sư cũng đã khai sơn chùa Giác Viên, hiện cũng là một chùa cổ có nhiều cổ vật nhất ở TP Hồ Chí Minh.

Thiền sư Tổ Tông-Viên Quang có các đệ tử nổi tiếng ở Gia Định:

* Tiên Giác-Hải Tịnh (1788-1875) hay Tế Giác-Quảng Châu kế thế trụ trì chùa Giác Lâm và Giác Viên. Sau đó, Thiền sư Tiên Giác được vua mời làm Tăng cang chùa Thiên Mụ và chùa Giác Hoàng ở kinh đô Huế. Thiền sư Tiên Giác được Kinh lược sứ Nguyễn Tri Phương mời về trụ trì chùa Tây An ở núi Sam (Châu Đốc - tỉnh An Giang) và giúp phát triển PG ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ.

* Tiên Huệ-Tịnh Nhãn (?-1843), trụ trì chùa Thiên Mụ (Huế), sau đó về hoằng hóa ở chùa Thiên Phước và chùa Đức Lâm ở Thủ Đức. Sư còn có các đệ tử hoằng hóa ở chùa Hưng Long, Phước Lâm ở Bình Dương.

* Thiền sư Tổ Đạt-Trí Tâm khai sơn chùa Long Thạnh (Bà Hom - TP Hồ Chí Minh) còn truyền thừa cho đến hiện nay. Cố Hòa thượng Bửu Ý là pháp tử của tổ đình này.

* Thiền sư Tổ Ấn-Mật Hoằng trụ trì chùa Đại Giác, được vua Gia Long cử làm Tăng cang chùa Thiên Mụ ở kinh đô Huế, sau về trụ trì và viên tịch tại chùa Quốc Ân.

2- Thiền sư Minh Vật-Nhứt Tri (?-1786) và truyền thừa

Thiền sư Minh Vật-Nhứt Tri kế thế Tổ sư Nguyên Thiều hoằng hóa ở chùa Kim Cang (Đồng Nai), có các đệ tử hoằng hóa nổi danh ở Đồng Nai-Gia Định:

* Thiền sư Thiệt Thoại-Tánh Tường (1741-1817), khai sơn chùa Huê Nghiêm ở Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh).

* Thiền sư Phật Chí-Đức Hạnh khai sơn chùa Long Nhiễu ở Thủ Đức.

* Thiền sư Thiệp Thành-Liễu Đạt hay Hòa thượng Liên Hoa (1759-1823) hoằng hóa ở chùa Sắc tứ Từ Ân và chùa Quốc ân Khải Tường, sau được vua Gia Long cử làm Tăng cang chùa Thiên Mụ ở kinh đô Huế.

Hòa thượng Liên Hoa có các đệ tử nổi danh :

- Thiền sư Tế Tín-Chánh Trực hoằng hóa ở chùa Sắc tứ Từ Ân.
- Thiền sư Tế Chánh-Bổn Giác (1771-1851) hoằng hóa ở chùa Sắc tứ Từ Ân, sau được vua cử làm Tăng cang chùa Thiên Mụ và chùa Giác Hoàng, trụ trì chùa Quốc Ân ở kinh đô Huế.
- Thiền sư Tế Bổn-Viên Thường (1769-1848), trụ trì chùa Long Quang, chùa Pháp Vân và Tăng cang chùa Thiên Mụ ở kinh đô Huế.
- Thiền sư Tế Triệt-Giác Nguyên khai sơn chùa Tân Long ở Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp), hoằng hóa nổi tiếng ở miền Tây Nam Bộ.

3- Thiền sư Thành Nhạc-Ẩn Sơn

Thiền sư Thành Nhạc-Ẩn Sơn hoằng hóa ở chùa núi Châu Thới (Bình Dương) và chùa Long Thiền (Biên Hòa). Thiền sư Thành Nhạc có đệ tử là Thiền sư Phật Chiếu-Linh Quang. Sư Phật Chiếu khai sơn chùa Phước Tường ở Thủ Đức.

4- Thiền sư Thành Chí-Pháp Thông

Thiền sư Thành Chí-Pháp Thông hoằng hóa ở chùa Hưng Long, chùa Hoàng Long và chùa Bửu Phong trên núi Bửu Long (Biên Hòa).

Trên đây chỉ là các đệ tử và pháp tử của Tổ sư Nguyên Thiều hoằng hóa nổi danh ở vùng Đồng Nai-Gia Định; Tổ còn nhiều đệ tử và pháp tôn khác hoằng hóa khắp lãnh thổ Đàng Trong thời các chúa Nguyễn:

- Thiền sư Minh Giác-Kỳ Phương (1682-1744) với các đệ tử là Thiệt Kiến-Liễu Triệt (chùa Thập Tháp ở Bình Định) và Phật Tĩnh-Từ Nghiêm (chùa Hưng Long) có các đệ tử hoằng hóa ở miền Tây Nam Bộ.
- Thiền sư Minh Hằng-Định Nhiên, Thiệt Tánh-Trí Hải hoằng hóa ở chùa Quốc Ân (Huế).
- Thiền sư Minh Hải-Pháp Bảo tự Đắc Trí hay Pháp Hóa (1670-1754), khai sơn chùa Chúc Thánh ở Hội An (Quảng Nam) và chùa Thiên Ấn (Quảng Ngãi), có một hệ thống truyền thừa rộng khắp từ Trung Bộ vào đến Nam Bộ từ đó cho đến nay.
- Hòa thượng Hoàng Long hoằng hóa ở Hà Tiên.

Tổ sư Nguyên Thiều đóng góp nhiều công đức trong việc phục hưng và phát triển PG ở Đồng Nai-Gia Định nói riêng, và PG Đàng Trong thời các chúa Nguyễn (từ sông Gianh vào đến Hà Tiên). Giáo hội PG Việt Nam nên có những công trình nghiên cứu hoàn hảo hơn mới thấy hết vai trò quan trọng của Tổ sư Nguyên Thiều đối với PG Việt Nam, và có như vậy mới phát hiện thêm nhiều Thiền sư tài đức khác của PG Việt Nam (2).«




CHÚ THÍCH
(1) Tài liệu cũ cho rằng bài ký minh này là của chúa Nguyễn Phước Châu là không đúng. Bài này được ban vào năm Bảo Thái thứ 10, tức năm 1729, là của chúa Nguyễn Phước Trú.
(2) Xem thêm sách "Lịch sử PG Đàng Trong" của Nguyễn Hiền Đức - Nxb TP Hồ Chí Minh, 1995.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]