Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Hoạt động báo chí PG trong 300 năm phát triển của Gia Định-Sài Gòn-TP HCM

23/04/201319:31(Xem: 12572)
Hoạt động báo chí PG trong 300 năm phát triển của Gia Định-Sài Gòn-TP HCM
300 Năm Phật Giáo Gia Định, Sàigòn


Hoạt Động Báo Chí PG Trong 300 Năm Phát Triển Của Gia Định-Sài Gòn-TP HCM

Thích Thiện Bảo
Nguồn: Thích Thiện Bảo


I. TỔNG QUÁT TÌNH HÌNH IN ẤN XUẤT BẢN BÁO CHÍ

1/ Thời kỳ khai hoang (buổi đầu đến 1859): Theo đà Nam tiến, người Việt đã dần dần đặt chân đến vùng đất phương Nam để khai phá, lập nên thêm làng và kiến tạo cuộc sống nơi vùng đất mới... để rồi, năm 1698, Nguyễn Hữu Cảnh chính thức thiết lập chế độ hành chánh-cai trị, đặt phủ lập huyện trên vùng đất Đồng Nai-Sài Gòn.

Phật giáo (PG) có mặt rất sớm trong sinh hoạt của cư dân. Với những am tranh vách lá trong buổi đầu nhưng chùa đã đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của những người xa xứ. Chùa cũng phát xuất từ những am, cốc bằng tranh vách lá này được hình thành, phát triển, và những nhu cầu cảm thụ về văn hóa, nghi lễ, giáo dục, truyền bá Phật pháp cho cư dân cũng được các Tăng nhân đáp ứng phục vụ cho tinh thần tín ngưỡng của nhân dân.

Với hàng nghìn năm bị Nhà nước phong kiến Trung Hoa đô hộ, người Việt chủ yếu dùng chữ Hán làm văn tự chính. Sự truyền bá giáo lý lúc đó chỉ bằng các bản chép tay, hoặc khắc trên bản gỗ, và đó là yếu tố hạn chế không phổ biến giáo lý được sâu rộng trong quần chúng nhân dân thời bấy giờ.

Người Việt Nam cũng đã biết làm giấy rất sớm, trong sách Địa Dư Chí của Nguyễn Trãi có chép, ở xã Yên Thái (tức làng Bưởi) trước năm 1435 đã làm giấy. Nghề in sách cũng xuất hiện khá sớm ở Việt Nam, vào khoảng TK 12, người Việt đã có in sách như: Cuốn Thiền tông chỉ nam được khắc bản gỗ sau khi vua Trần Thái Tông (1218-1277) viết xong. Năm 1295, nhà vua cho in kinh Địa Tạng, năm 1319 Thiền sư Pháp Loa cho in 5.000 cuốn kinh Địa Tạng, được lưu trữ ở Viện Quỳnh Lâm. Đây là một ví dụ điển hình cho sự hình thành của công việc in ấn. Ở Đàng Trong cũng được tiếp tục phát triển mà thành tựu, tiêu biểu là nghề in tranh ởã làng Sình (Phú Xuân) và các tác phẩm Hán-Nôm khác. Các bản gỗ in kinh ở xứ Gia Định xưa thì muộn hơn và đa phần là cuối thế kỷ XIX.

2/ Thời kỳ Pháp thuộc: Từ khi người Pháp đặt chân lên đất Nam Bộ, nhằm thực hiện ý đồ thống trị và đồng hóa nhân dân ta nên họ đã nghĩ ra phương cách truyền bá chủ trương đường lối của "mẫu quốc", và chữ Quốc ngữ ghi bằng mẫu tự La-tinh ra đời thay cho chữ Hán - Việt và chữ Nôm, và nó đã trở thành văn tự hành chính chính thức. Các vị Tổ sư vẫn khắc bản gỗ, chép tay những kinh sách bằng chữ Hán, chữ Nôm nhằm phổ biến giáo lý trong nội tự hoặc cho tín đồ, bằng nhiều loại hình khách nhau, nổi bật trong thời kỳ này là quyển: Hứa sử vãn truyện, Tỳ ni Sa di nhật dụng yếu lược do Tổ Hoằng Ân-Minh Khiêm, chùa Giác Viên, tổ chức in ấn bằng bản khắc gỗ với những thợ in tại chùa... Những tài liệu này đã trở thành những giáo tài giảng dạy cho người xuất gia tại các trường hương, trường kỳ, trường hạ lúc bấy giờ; và kế đó là các bản in kinh của chùa Kim Cang.

Giai đoạn sau này, chúng ta nhận thấy báo, tạp chí PG chưa thấy xuất hiện, vẫn là những tác phẩm in ấn bằng gỗ như: Phát Bồ đề tâm văn, Quy nguyên trực chỉ của ngài Từ Phong... và một số tác phẩm chép tay lưu hành nội bộ.

Khi toàn bộ Nam Kỳ bị người Pháp chiếm, với những chính sách thuộc địa được đặt lên đất nước ta, người Pháp đã sử dụng phương tiện thông tin đại chúng làm công cụ hữu hiệu và đắc lực cho chính sách thực dân. Năm 1863, viên Thống đốc Nam Kỳ đã gởi thư cho Bộ trưởng Thuộc địa Pháp yêu cầu Chính phủ Pháp gởi thợ sắp chữ sang Việt Nam, dần dần nhu cầu về thông tin đa dạng, phong phú, nên các viên chức thuộc địa phải đào tạo công nhân in tại chỗ. Năm 1862, đường dây điện thoại đã được nối từ Sài Gòn - Biên Hòa, và năm 1863, Bưu điện Sài Gòn đã xây dựng hoàn chỉnh. Cũng từ đây, hệ thống viễn thông phát triển, góp phần tích cực thúc đẩy sự nghiệp báo chí ở Nam kỳ. Và năm 1865, tờ Gia Định báo ra đời, đánh dấu khởi điểm của lịch sử báo chí Việt Nam. Tuy nhiên, tờ báo này còn ít nhiều mang tính chất công báo, chứ chưa là một tò báo thật sự; và phải đến đầu thế kỷ XX, mới có các tờ báo của những người làm báo Việt Nam, lấy báo chí làm cơ quan ngôn luận cho phong trào Duy Tân, cho chủ đích xã hội - văn hóa của mình.


II. NHỮNG BƯỚC CHUYỂN MÌNH CỦA PHONG TRÀO DUY TÂN TÁC ĐỘNG VÀO NỘI TÌNH PHẬT GIÁO

Đứng trước cảnh người Pháp chiếm Nam Kỳ, phong trào Duy Tân của cụ Phan Châu Trinh nhằm phục hưng Quốc học, mục tiêu khai hóa cho nền dân trí, xác định ý thức hệ dân tộc để khỏi bị đánh mất tinh thần dân tộc trong lúc đất nước ta đang bị ngoại bang đô hộ. Phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục đã tác động mạnh vào những Tăng nhân thạc đức trước thực trạng suy vi của đạo Phật. Đây chính là tiền đề khơi nguồn cho phong trào chấn hưng PG.

1. Phong trào chấn hưng Phật giáo tại miền Nam:

Ngoài sự tác động của nhân sĩ trí thức lúc bấy giờ, phong trào chấn hưng PG tại miền Nam còn chịu sự tác động của phong trào chấn hưng PG Trung Hoa do Thái Hư Đại sư khởi xướng trên tạp chí Hải Triều Âm (Trung Quốc). Nhìn vào bối cảnh chung của đất nước, ai có tâm huyết đối với đất nước đều cùng chung một quan điểm là muốn thoát khỏi sự nô lệ của người Pháp, trong đó từng đoàn thể xã hội phải có sự chuyển mình để làm cho tinh thần dân tộc được khơi dậy. Đây chính là yếu tố PG bước vào giai đoạn chấn hưng.

2. Các tổ chức hội, báo, tạp chí Phật học ra đời:

a/ Như ở phần trên đã trình bày, những Tăng nhân và các vị tôn đức nhìn thấy đất nước bị đô hộ, Phật giáo đang lâm vào con đường suy vi, nên các Ngài đã thao thức lo lắng cho tiền đồ của PG, nên đứng ra tập hợp thành lập tổ chức đoàn thể Tăng già nhằm chấn hưng lại những nội tình Tăng già. Trong số đó có Hòa thượng (HT) Khánh Hòa, một trong những vị tiên phong chấn hưng Phật giáo tại miền Nam. Chí nguyện đó được sự đồng tình ủng hộ của HT Huệ Quang, Khánh Anh, Thiện Chiếu... Muốn gây ý thức phong trào trong Tăng đoàn, ngoài những cuộc vận động thuyết phục, hợp tác thành lập hội, Ngài còn cho ra đời tạp chí Pháp Âm, số ra mắt đầu tiên ngày 13-8-1929. Đây là tờ báo PG đầu tiên tại Việt Nam và cũng là tờ báo làm tiền đề cho những báo, tạp chí Phật học xuất hiện tại miền Nam.

Người tiếp sức cho tờ Pháp Âm và tờ Phật Hóa Tân Thanh Niên của Sư Thiện Chiếu đặt trụ sở tại chùa Chúc Thọ (Xóm Gà - Gia Định) với mục đích thiết thực hơn Pháp Âm, nhưng mới chỉ ra được 2 số thì bị đình bản.

b/ Đến năm 1931, Hội Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học ra đời và ngày 1-1-1932, tờ Từ Bi Âm của Hội cũng được xuất bản số đầu tiên do HT Khánh Hòa làm Chủ nhiệm, trụ sở đặt tại chùa Linh Sơn cổ tự, quận 1 (đường Cô Giang ngày nay). Báo ra được 45 số thì HT Khánh Hòa xin từ chức, HT Chánh Tâm (Thiên Phước - Trà Ôn) được đề cử làm chủ nhiệm. Từ Bi Âm hiện diện 11 năm, đến năm 1942 thì đình bản do kiệt quệ về tài chánh.
c/ Năm 1937, Hội Cư sĩ Tịnh Độ cho xuất bản tờ Pháp Âm do Lê Văn Hậu làm Chủ nhiệm và Trần Quỳnh làm Chủ bút, ra được 16 số thì đình bản.
d/ Năm 1958, Hội Phật học Nam Việt cho xuất bản tạp chí Từ Quang do Chánh Trí Mai Thọ Truyền làm Chủ bút, ra đuợc 214 quyển. Sau khi Mai Thọ Truyền mất, tạp chí này kéo dài cho đến tháng 4-1975 mới đình bản. Trong VNPGSL, Nguyễn Lang cho rằng tạp chí Từ Quang đã đóng góp đáng kể trong việc truyền bá tinh thần Phật học tại Sài Gòn nói riêng và cả nước nói chung, được Tăng Ni cả nước hưởng ứng viết bài công tác.
e/ Tịnh Độ tạp chí: của Hội Tịnh Độ tông Việt Nam do Đoàn Trung Còn làm Chủ nhiệm và Hội trưởng, mỗi năm ra 4 số từ năm 1955, đặt trụ sở tại 143 Đề Thám, quận 1.
f/ Tạp chí Phật giáo Việt Nam của Tổng hội PG Việt Nam do HT Huệ Quang làm Chủ nhiệm, xuất bản vào năm 1955, nhưng chỉ được 3 năm sau thì đình bản.


III. NHỮNG THẬP NIÊN SAU THỜI KỲ CHẤN HƯNG PHẬT GIÁO

1/ Giai đoạn 1963-1975:

Ở giai đoạn này, khi công nghệ in được phát triển mạnh, với sự du nhập thông tin từ nhiều nguồn bên ngoài đổ về, các luồng tư tưởng nhiều khuynh hướng cũng được đưa vào đất nước Việt Nam, sách báo PG bắt đầu bùng nổ, các nhà xuất bản như Lá Bối, An Tiêm, Sen Vàng, Phật học Tùng thư v.v.. với nhiều loại hình sách báo PG ra đời trong các cuộc đấu tranh về quan điểm tư tưởng và cả phong trào bất bạo động của PG tại miền Nam. Có người cho giai đoạn này là giai đoạn phát khởi mạnh mẽ nhất, là giai đoạn bùng nổ kinh, sách, báo PG.

Sau công cuộc đấu tranh năm 1963, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN) ra đời, Viện Hóa đạo đã cho xuất bản tuần báo Hải Triều Âm (tuần báo văn nghệ - thông tin - nghị luận do HT Nhất Hạnh làm Chủ bút, HT Hộ Giác làm Chủ nhiệm, số đầu tiên ra ngày 21-4-1964, dày 12 trang. Tòa soạn và trị sự đặt tại 220 Lê Thánh Tôn, Q.1). Một năm sau, do tình hình thực tế của Giáo hội, đáp ứng nhu cầu của PG lúc bấy giờ, Hải Triều Âm được đổi thành nhật báo Chánh Đạo, nhưng ngày 13-9-1969 thì bị đình bản do đăng nhiều bài công kích chính quyền Sài Gòn, TT Thiện Minh bị chính quyền truy tố ra Tòa án Quân sự Vùng 3 và kết tội "tán trợ đào binh, chứa chấp vũ khí và liên lạc với cộng sản".

Sau khi báo Chánh Đạo bị đóng cửa không cho hoạt động, GHPGVNTN đã xuất bản báo Thiện Mỹ vào ngày 27-10-1964 gồm 16 trang, do ông Lê Văn Hiếu làm Chủ nhiệm, cư sĩ Võ Đình Cường làm Tổng Thư ký, nhưng chỉ được 53 số thì bị đình bản.

Năm 1971, GHPGVNTN cho ra nhật báo thứ 2 với tên Gió Nam, do TT Huyền Diệu làm Chủ nhiệm, nhưng chỉ hơn một năm sau thì bị đình bản do GHPGVNTN tố cáo tội ác vụ Sơn Mỹ, Mỹ Lai, trước tòa án Hoa Kỳ, nên phiên xử ngày 31-12-1969 ủy quyền cho luật sư Paul Marking đại diện quyền lợi nạn nhân và bị đình bản. Đây là hai tờ báo nhật báo đầu tiên từ khi PG du nhập vào Việt Nam cho đến ngày nay.

Ngoài ra, có các tạp chí như Giữ thơm quê mẹ (do nhà sách Lá Bối xuất bản), tạp chí Vạn Hạnh (do HT Đức Nhuận làm Chủ nhiệm), Tư Tưởng (của Đại học Vạn Hạnh), tạp chí Thiện Chí (của Đoàn Thanh niên Thiện Chí), Đất Tổ (do Lê Văn Hòa làm Chủ nhiệm, xuất bản 1965), Tin Tưởng (của sinh viên Phật tử, xuất bản 1968)... Bên cạnh đó, các tạåp chí của các Tổng vụ GHPGVNTN cũng được ấn hành nhằm truyền bá tinh thần Phật học như: Bát Nhã của Tổng vụ Tài chánh-Kiến thiết do HT Thích Trí Thủ làm Chủ nhiệm, tạp chí Hoằng Pháp của Tổng vụ Hoằng pháp do HT Huyền Vi làm Chủ nhiệm, tạp chí Văn Hóa của Tổng vụ Văn hóa do HT Mãn Giác làm Chủ nhiệm, tạp chí Hải Triều Âm của Tổng vụ Thanh niên do HT Thiện Minh, Giác Đức, Nhật Thường luân phiên giữ trách nhiệm, tạp chí An Lạc của TT Thích Thông Bửu làm Quản nhiệm.

2/ Giai đoạn 1975 cho đến ngày nay:

Vào ngày 1-1-1976, báo Giác Ngộ ra số đầu tiên do Ban Liên lạc PG Yêu nước TP. Hồ Chí Minh quản lý, HT Thích Minh Nguyệt làm Chủ nhiệm, cư sĩ Võ Đình Cường làm Tổng Biên tập, đây là tờ báo bán nguyệt san, mỗi tháng 2 kỳ.

Vào ngày 20-10-1990, Báo Giác Ngộ trực thuộc THPG TP.HCM do HT Thích Trí Quảng làm Tổng Biên tập. Kể từ 6-4-1996, báo GN đã trở thành tuần báo, ra thêm tờ nguyệt san.

Với gần 23 tuổi, báo GN đã 3 lần thay đổi khổ báo và nội dung. Ngày nay Giác Ngộ đã trở thành tiếng nói duy nhất của Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN), từng bước thay đổi nội dung và hình thức, phù hợp với tình hình xuất bản báo chí hiện đại, hòa vào hệ thống báo chí của TP. HCM nói riêng và báo chí VN nói chung.

Tập Văn do Ban Văn hóa T.Ư GHPGVN xuất bản sau khi thống nhất Phật giáo 1981, cư sĩ Võ Đình Cường chủ biên, đến nay đã được 41 số. Đây là tập văn chuyển tải những tư tưởng Phật học của các nhà nghiên cứu Phật học trong cả nước.


IV. MỘT VÀI Ý KIẾN THAY CHO LỜI KẾT

- Tuy từng thời điểm trong sự chuyển mình của lịch sử đất nước Việt Nam có khác nhau, nhưng tất cả đều nỗ lực truyền bá tư tưởng đạo Phật Việt Nam trở nên phổ biến để mọi người hiểu được giá trị đích thực của nền giáo lý Phật Đà.

- Những giai đoạn sống còn để vươn lên tìm lối đi đúng với chánh pháp có những sự xung đột giữa cũ và mới trong cuộc đấu tranh nội bộ PG nhưng vẫn giữ được bản sắc ôn hòa, khoan dung và độ lượng, xem trọng việc tu tập hướng về sự giải thoát giác ngộ để giải quyết vấn đề khổ đau của con người là chính. Mọi quan niệm tư tưởng, ý thức hệ chỉ là những phương tiện để làm sáng tỏ lối đi đến chân lý đúng với tinh thần đức Phật đã dạy.

Nhìn lại chặng đường đã đi qua của các bậc tiền bối tổ sư đã dày công đóng góp xây dựng, chúng ta mọi người con Phật mới thấy được giá trị đích thực mà các ngài đã đặt chân lên đất Gia Định-Sài Gòn-TP.Hồ Chí Minh trong suốt chiều dài lịch sử, từ lúc khởi đầu khai hoang lập ấp của nhân dân vùng đất mới này. Cũng từ đó chúng ta nhận ra được giá trị thiêng liêng mà chúng ta đang thừa hưởng, ngõ hầu tiếp bước "theo dấu chân xưa", phát huy tinh thần tích cực của báo chí PG trong giai đoạn bùng nổ thông tin, nhằm góp phần giữ được bản sắc của nền văn hóa dân tộc, đồng thời làm cho GHPGVN sánh vai cùng các nước trong khu vực cũng như trên toàn thế giới. Đó là nhiệm vụ của những người lãnh đạo về mặt tinh thần của PG Việt Nam, làm sáng tỏ hơn nữa tinh thần khế lý, khế cơ mà Đức Phật đã để lại, nó đã được một thời huy hoàng và thịnh vượng trên quê hương Việt Nam trong nhiều thế kỷ qua.

Sách tham khảo:

- Việt nam Phật giáo sử luận - Nguyễn Lang (tập 3)
- Lịch sử báo chí Việt Nam - Hồng Chương
- Phật giáo Nam Bộ - Trần Hồng Liên
- 50 năm chấn hưng Phật giáo - HT Thiện Hòa
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]