Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chùa Sùng Đức 300 Năm Tồn Tại Và Phát Triển

23/04/201317:56(Xem: 13262)
Chùa Sùng Đức 300 Năm Tồn Tại Và Phát Triển
300 Năm Phật Giáo Gia Định, Sàigòn


Chùa Sùng Đức 300 Năm Tồn Tại Và Phát Triển

Ni Sư Thích Nữ Mỹ Thuận
Nguồn: Ni Sư Thích Nữ Mỹ Thuận


Cách đây 300 năm, chúa Nguyễn Phúc Chu, vốn là người mộ đạo, đã trùng tu và xây dựng nhiều chùa chiền, và đạo Phật được xem là quốc đạo.

Hiện nay Phật giáo (PG) Việt Nam đang ở thời kỳ phát triển. Bao tầng lớp nhân dân đều tìm về cội nguồn. Đặc biệt tại thành phố Hồ Chí Minh đã ôn lại quá trình phát triển của thành phố 300 năm, trong đó Phật pháp đã khai dẫn nhiều ý thức kết hợp Đạo và Đời thành triết lý sống cao đẹp. Đặc biệt trên vùng phía Bắc Sài Gòn, và trong số hơn 200 ngôi chùa, chùa Sùng Đức là một cơ sở tín ngưỡng đã đóng góp thiết thực vào sự phát triển của Sài Gòn-Gia Định xưa và nay. Cụ thể tại chùa Sùng Đức, qua các thời kỳ dân tộc Việt Nam đang bị áp bức dưới sự thống trị của các thế lực ngoại xâm, chùa đã tham gia phong trào kháng chiến chống Pháp, chống được nạn bệnh tật, nghèo dốt với mục đích phát huy tinh thần từ bi, vô ngã của đức Phật.


A.- KIẾN TRÚC CHÙA SÙNG ĐỨC XƯA VÀ NAY

Chư vị tiền bối xưa đã chọn phần đất 14.600m2 tọa lạc tại ấp Bình Thọ, phường Trường Thọ, làm nơi tôn nghiêm thờ phượng để kết hợp Đạo và Đời.

Vào năm 1806, một Phật tử tục gọi là Kiển, cúng dường mảnh đất nói trên. Chính ông bà Kiển cũng đứng ra xây một ngôi chùa với kiến trúc đơn sơ và cung thỉnh chư Sư về trụ trì nơi đây, từ đó chùa Sùng Đức được hình thành và phát triển.

Cùng với Sài Gòn 300 năm, chùa Sùng Đức đã trải qua 14 đời Hòa thượng (HT) kế thừa, lãnh đạo ngôi vị trụ trì. Hiện nay bài vị của chư Tổ sư được an trí tại Tổ đường.

Cùng với sự biến thiên của thời gian, ngôi chùa cổ đã xuống cấp. Đến năm 1967, HT Thích Tuệ Hải đã trùng tu, tôn tạo về phần chánh điện, bằng cách thay thế kiến trúc nhẹ cũ thành một cơ sở tôn giáo trang nghiêm hơn để phù hợp với tín ngưỡng của đồng bào Phật tử.

Phần tiền đường được kiến trúc với hai mái cong được lợp bằng ngói vẩy cá thay cho ngói âm dương.

Tổ đường phía sau chánh điện vẫn giữ nguyên được nét cổ kính, là nơi thờ phượng chư vị Tổ sư có công khai sáng và trùng tu chùa Sùng Đức. Vào năm 1990 đã được kiến tạo thêm cổng tam quan với chiều cao là 7,5m, ngang là 12m. Một giảng đường có sức dung chứa hơn 200 đồng bào Phật tử, một thiền đường được xây dựng nơi khu đất yên tĩnh, rộng rãi. Ngoài ra, chùa còn có vườn tháp là nơi an trí chư vị Tổ sư.

Cơ sở từ thiện gồm có lớp học tình thương và phòng khám bệnh, phát thuốc từ thiện.

Ngoài các kiến trúc, chùa còn những cổ vật có giá trị lịch sử :

- Quả chuông cổ có giá trị lịch sử hơn 300 năm. Chuông được đúc từ thời Đại Cồ Việt.
- Tượng Phật Thích Ca được nhà điêu khắc thực hiện trên một cây gỗ mít lớn và những bức hoành phi, câu đối có thời gian hơn 100 năm, làm cho ngôi cổ tự càng thêm phong phú về mặt thời gian.


B.- SỰ TỒN TẠI VÀ PHÁT TRIỂN CỦA CHÙA SÙNG ĐỨC

Phần kiến trúc chưa đủ để nói lên thành tựu của chùa Sùng Đức. Quan trọng là tâm linh nội dung tiêu biểu cho ý nghĩa cao cả của ngôi chùa. Sự gắn bó Đạo và Đời được ghi nhận trên phương diện giúp nước, cũng như trên lãnh vực truyền bá Phật pháp được thể hiện qua những việc làm sau:

1- Thành quả cách mạng của chùa Sùng Đức

Trải qua hai cuộc đấu tranh chống ngoại xâm, chùa Sùng Đức là một cơ sở cách mạng, nuôi dưỡng cán bộ và chiến sĩ, nơi quy tụ biết bao nhà sư và tín đồ đã hy sinh cho nền độc lập tự do của dân tộc.

Vào năm 1940-1945, HT Thích Pháp Linh, thế danh Phan Thanh Hà, pháp hiệu Hồng Liên, nguyên trụ trì chùa Sùng Đức, là một bậc chân tu học thức uyên bác, là nhà hoạt động cách mạng, đã đóng góp vào cuộc thành tựu cách mạng bằng cách vận động tuyên truyền giáo dục Tăng Ni và tín đồ Phật tử tinh thần yêu nước, yêu quê hương, nhất là tham gia kháng chiến tại Gia Định, là Ủy viên Huyện ủy tỉnh Gia Định, không những Hòa thượng chiến đấu sức người, sức của mà còn là Chủ bút của tờ tuần báo Tiến Hóa, trụ sở đặt tại chùa Tam Bảo - Rạch Giá, Kiên Giang, phát hành được 14 số. Tuần báo kêu gọi, động viên giới Tăng Ni và đồng bào Phật tử phát huy lòng yêu nước, bảo vệ Tổ quốc dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản. Ngoài ra, tại chùa Hòa thượng còn thành lập cơ sở dệt vải, tạo môi trường để chiến sĩ cách mạng thuận lợi hoạt động.

Ngài là một pháp sư lỗi lạc, cho nên dân gian có câu tục ngữ : "Nhứt Chiếu, nhì Linh, tam Không, tứ Đạo". (Chiếu là Sư Thiện Chiếu, Linh là HT Pháp Linh, Không là Sư Thái Không, Đạo là Sư Thành Đạo).

Thực dân Pháp phải nể sợ khi nghe nhắc tới câu tục ngữ này.

Năm 1941, HT Pháp Linh bị giặc bắt đày ra Côn Đảo. Để ghi công đức của HT, năm 1997, Phòng Văn hóa lấy tên HT Thích Pháp Linh để đặt tên đường, thay thế cho đường Truông Tre tại địa phương.

Chùa Sùng Đức là nơi hoạt động cách mạng của nhiều vị có tên tuổi như Thiếu tướng Đào Sơn Tây hiện đang sống tại Thủ Đức, đã cùng tham gia cách mạng hoạt động chính trị với HT Thích Pháp Linh.

Trong tông môn của HT Thích Pháp Linh hiện nay còn có HT Thích Huệ Thành, hiện là Phó Pháp chủ Giáo hội PG Việt Nam.

2- Hoạt động chủ yếu hiện nay

Hoạt động chính của chùa vẫn là nơi truyền bá giáo lý. Mỗi tháng, chùa tổ chức thọ Bát quan trai 4 lần và dạy giáo lý cho Phật tử hàng tuần. Ngoài ra trong những tháng an cư kiết hạ tổ chức nhiều buổi thuyết giảng do những vị giảng sư tại Thành hội đảm trách, sinh hoạt Phật pháp tại chùa lúc nào cũng phù hợp với Hiến chương của Giáo hội và Hiến pháp của Nhà nước, kết hợp hài hòa giữa Đạo và Đời. Ngoài ra, thể hiện tinh thần người con Phật qua phương châm "Phụng sự chúng sanh là cúng dường chư Phật", chùa Sùng Đức đã thực hiện trạm chữa bệnh, phát thuốc từ thiện, thực hiện thường xuyên mỗi tháng bốn kỳ cho những người già neo đơn, với số bệnh nhân hơn 100 người mỗi lần, khám bệnh do các bác sĩ có tên tuổi ở các bệnh viện lớn trong thành phố đảm trách, và đã tạo được niềm tin cho nhân dân địa phương. Ngoài việc khám bệnh, chùa Sùng Đức còn có lớp học tình thương cho những con em nghèo không có điều kiện đến trường, số học sinh hiện nay hơn 100 em, chia làm 4 lớp: 2 lớp Một, 1 lớp Hai và 1 lớp Ba, và có những sân chơi rộng, thoáng mát.

Nhân dịp kỷ niệm 300 năm lịch sử của thành phố Hồ Chí Minh (Sài Gòn-Gia Định), người am hiểu lịch sử phải nghĩ ngay đến sự đóng góp hữu hiệu của PG. Từ sự vận động phát triển, từ sự đóng góp của cách mạng yêu nước và từ sự phổ biến đạo lý con người đến sự trưởng thành của đất nước là thừa kế nền giáo lý của Phật pháp. Sự phát triển vật chất và trí tuệ, từ đó được tiếp nối theo trong lịch sử. Đặc biệt, chùa Sùng Đức cũng đã đóng góp phần nào vào sự phát triển của thành phố 300 năm.

Trong phạm vi nhỏ hẹp, chùa Sùng Đức đã nói lên được tinh thần yêu nước, tư tưởng lợi tha, ý niệm phát triển trí tuệ và vật chất của con người.

Với phương châm "tốt Đạo đẹp Đời", là viên gạch xây ngôi nhà Phật pháp ngày thêm vững mạnh cùng với các công tác từ thiện v.v..., tất cả được chùa Sùng Đức chủ trương thực hiện nhằm đem ánh sáng của đức Phật tỏa khắp mọi nơi để chúng sanh được an lành và hạnh phúc.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]