Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

4. Quyển tư: Bồ Tát Địa

18/04/201318:40(Xem: 13919)
4. Quyển tư: Bồ Tát Địa

Kinh Bồ Tát Thiện Giới

4. Quyển tư: Bồ Tát Địa

Thích Thiện Thông

Nguồn: Thích Thiện Thông

PHẨM THỨ MƯỜI
BỐ THÍ ĐỘ

(BỐ THÍ BA LA MẬT)

Đại Bồ Tát cầu Vô thượng Chánh đẳng Chánh Giác, trang nghiêm đầy đủ sáu pháp Ba la mật: Bố thí. Trì giới. Nhẫn nhục. Tinh tấn. Thiền định, và Bát Nhã ba la mật.

Thế nào là Bố thí ba la mật của Bồ Tát?

-Bố thí Ba la mật có chín điều:

1. Tánh thí.
2. Thí tất cả.
3. Thí khó khăn.
4. Tự thí của tất cả.
5. Thí của người lành.
6. Tất cả hạnh đều thí.
7. Thí trừ khử.
8. Thí tự lợi lợi tha.
9. Thí vắng lặng.

1. Tánh thí là gì?

-Tự lợi, lợi tha, tự tha đều lợi. Bên trong phát khởi tâm lành ra ba nghiệp Thân, Miệng, Ý. Đối với tiền của vật chất, lòng không tham đắm. Đây gọi là Tánh thí.

Bồ Tát thực hành Bố thí, trì giới, tinh tấn, tin mười hai phần kinh, tin nhân, tin quả, tùy chỗ chúng sanh mong cầu mà cấp giúp họ, lòng không lẫn tiếc. Ba nghiệp thân, miệng, ý, tâm thí và của cải. Năm sự như trên tức là năm ấm. Đây gọi là Tánh thí.

2. Thế nào là Thí tất cả?

Thí tất cả có hai:

Một là: Vật bên trong.

Hai là: Vật bên ngoài.

Đại Bồ Tát trong vô lượng đời, vì sự bố thí chúng sanh mà chịu thân năm ấm. Đây gọi là vật bên trong.

Đại Bồ Tát vì thức ăn bằng đồ ói mửa của loài quỷ đói, tự mình dùng thức ăn, ăn rồi ói ra để đem thí cho những loài quỷ ấy. Đây cũng gọi là vật thuộc bên trong. Lìa hai việc này gọi là vật ngoài.

Đại Bồ Tát bỏ thân bố thí, có hai sự kiện:

Một là, Bồ Tát chẳng được tự tại.

Hai là, thuộc về người khác.

Có người cầu xin mà không cấp thí, chẳng thể nào được Vô thượng Bồ Đề. Đó là Bồ Tát chẳng được tự tại.

Thuộc về người khác nghĩa là: Đại Bồ Tát vì đạo Bồ Đề, thân là thuộc về chúng sanh. Như người thế gian vì cầu áo cơm làm nô bộc cho người sai khiến. Đại Bồ Tát cũng vậy, đối với tự thân chẳng được tự do. Thân thể Bồ Tát từ đầu, mắt, tủy, não, xương, thịt, tay, chân, lóng đốt v.v..Tất cả chúng sanh được tùy ý lấy dùng để được tự tại, như thế gọi là thuộc về người khác.

Bố thí ra ngoài có hai việc:

Một là Lợi lạc chúng sanh.
Hai là Tâm không tham lẫn.

Đại Bồ Tát đối với sự thí bên trong, bên ngoài, có điều nên thí và không nên thí.

Đại Bồ Tát xem các chúng sanh, khi nhận thí rồi chẳng được lợi lạc, thì không nên làm công việc cấp thí. Nếu người nhận thí, sau khi nhận rồi được sự lợi lạc liền cấp thí ngay.

Nếu Bồ Tát biết trường hợp đem thân của mình bố thí sẽ làm chúng sanh chịu khổ, phương hại đến sự thực hiện điều lành của người, hoặc kẻ cầu xin một cách vô lý, Bồ Tát cũng chẳng nên thí.

Đại Bồ Tát thấy trăm ngàn vạn ức chúng sanh do những điều kiện phi lý mong cầu chẳng được, đến đỗi số ấy phải bị mất mạng, trọn cũng chẳng vì những số người này mà làm việc huệ thí. Mong cầu phi lý nghĩa là: Hoặc để giết hại, hoặc để dối gạt, hoặc để trộm cướp, hoặc gây tai họa v.v…Đây gọi là chẳng thí.

Lại nữa, có điều chẳng thí là: Đại Bồ Tát nếu biết thân mình tự có thể làm lợi ích rất nhiều cho vô lượng chúng sanh mà có người đến cầu xin (thân thể) ắt không thể nên thí. Dầu không nên thí cũng gọi là thí. Tại sao vậy? -Vì đã có tâm thanh tịnh.

Nếu biết rõ ma hay quyền thuộc ma cũng không nên thí. Nếu như bị ma làm cho mê loạn và ngay lúc ấy có người cầu xin cũng không nên thí. Nếu kẻ mê cuồng, kẻ muốn quấy nhiễu tìm đến cầu xin cũng không nên thí. Đây gọi là bên trong không thí.

Bên ngoài không thí là gì? -Lửa đốt, thuốc độc, dao mác, rượu mạnh, những thứ này có thể làm nhân duyên ác cho chúng sanh, Bồ Tát chẳng dùng các thứ nói trên đem thí cho người, nếu có lợi ích ắt đem cho khắp.

Đại Bồ Tát trọn không vì người mà làm sứ giả để gây nghiệp ác. Nếu biết người nhận sau khi nhận rồi bèn tạo nghiệp dữ, như thế cũng không nên thí. Đây vẫn là thí. Vì sao? -Do tâm thanh tịnh vậy, tuy tay chẳng cho mà tâm đã xả. Sở dĩ như vậy vì sao? -Bồ Tát biết chắc người kia nhận rồi, sẽ tạo vô lượng nghiệp ác, phải bị sa đọa vào ba đường ác, cho nên chẳng thí. Bồ Tát tuy biết được người nhận được vật sanh tâm vui mừng, nhưng biết người này chẳng tránh khỏi khổ trong ba đường ác, cho nên không thí.

Đại Bồ Tát trọn đời chẳng dạy bảo người giăng cung, bẫy ná, săn thú, bắt chim, chẳng dạy người thờ Bà tẩu Thiên nhơn mà giết dê cừu tế tự thiên thần, cũng chẳng dạy người giết dê cừu để tế trời đất. Chẳng đem lưới rập thí cho người cầu, không gây cho người những sự oán cừu đánh đập mắng nhiếc, trói buộc hành hạ, cũng không cung cấp dao búa cho người vì cảnh nghèo nàn, khốn rách buồn rầu mà muốn tự sát, cũng không bảo người gieo mình xuống dưới vực sâu hay bảo vào hố lửa để mất thân mạng. Nếu những đồ vật của những người mắc bệnh mà thầy thuốc cấm dùng, cũng không đem vật ấy cấp thí cho người. Với kẻ tham ăn, tham uống, nếu họ no rồi, cũng không cấp thí thức ăn cho họ. Đây gọi là chẳng thí.

Đại Bồ Tát không đem cha mẹ, sư trưởng bố thí. Nếu làm quốc vương, chẳng được tự do đoạt lấy vợ con kẻ khác đem thí cho người, chỉ trừ thành ấp, xóm làng, đất nước. Nếu là vợ con, tôi tớ, bà con tôn tộc với mình, trước hết dùng lời nhỏ nhẹ an ủi khuyên lơn, nếu họ không chịu thì chẳng nên thí. Giả thử họ có khứng chịu, cũng không đem thí cho kẻ oan gia hay kẻ bạo ác, ác quỷ La sát hay hạng chiên đà la. Dầu đem thành ấp xóm làng bố thí, trọn cũng chẳng thí cho người bạo ác, cũng không lén lấy tiền của vật dụng của cha mẹ, sư trưởng, vợ con hay của tôi trai, tớ gái mà đem cho người.

Bồ Tát chẳng làm những điều trái phép để kiếm tiền của rồi đem bố thí.

Trong lúc làm việc bố thí, đối với quyền thuộc, chẳng nên tỏ ý giận hờn hoặc đánh đập quở mắng, hãy khéo lời dạy khiến họ vui mừng "Phước báo như vậy người cũng có phần".

Khi Bồ Tát bố thí thì tâm ấy bình đẳng, chẳng thấy ruộng phước hay chẳng phải ruộng phước chẳng thấy oán thân, giòng họ, tôn ty. Vật gì đã hứa trọn không đổi ý, chẳng nên trước hứa vật tốt sau cho vật xấu. Tuy hứa vật xấu lại cho vật tốt, tuy hứa chút ít lại cho số nhiều.

Khi Bồ Tát đem thí, tâm không nổi giận, tâm không loạn động, mà tâm luôn luôn đầy sự hoan hỷ, thí rồi, với kẻ nhận thí, người kể đền ơn.

Khi thực hành thí, người nhận mặc dầu là bậc tôn quý, cũng không vì đó mà cung kính tay dâng, dầu kẻ thấp hèn, cũng không vì đó mà khinh khi quăng ném. Nếu kẻ nhận kia trở lại đánh mắng cướp giựt v.v. Đối với người đó, Bồ Tát không sanh lòng giận, chỉ tự quở trách phiền não của mình, chẳng quở trách người, sanh tâm thương xót đối với kẻ ấy.

Không thể nghĩ rằng: do sự thí này mà tôi sẽ được Vô thượng Bồ Đề hay do thí này mà tôi có thể trang nghiêm Thánh đạo Vô thượng Bồ Đề. Chẳng vì cầu quả hữu lậu thế gian mà thực hành thí, tất cả việc thí đều đem hồi hướng Vô thượng Bồ Đề. Chẳng đợi người dạy mới thực hành thí, chẳng vì nghe có quả báo việc thí mà thực hành thí. Như trong kinh nói: "Thí các thức ăn được nhiều sức mạnh, thí quần áo mặc được nhan sắc tốt, thí xe cộ được vui vẻ, thí đèn đuốc được mắt sáng…" Trọn không mong mỏi những quả báo trên mà thực hành thí, đem lòng thương xót mà thực hành thí.

Thí chẳng phải là Thí là như thế nào?

-Chẳng đem thức ăn còn lại cho bực Thánh nhơn. Dầu chẳng phải thánh nhơn, nếu người không cầu cũng không nên đem thí, chẳng đem thức ăn còn lại thí cho cha mẹ, bực thầy, tôn túc đức hạnh. Nếu các vị ấy cầu tìm ắt đem thí. Chẳng bao giờ đem đồ ăn ói mửa, nước mắt, mồ hôi, đàm giãi, phân đất hay thức tạp nhạp cấp thí cho người. Phàm thức ăn đem thí dầu nhiều hay ít, trước nên nói rõ rồi sau đem thí. Người không dùng những hành hẹ, chẳng đem thức ăn lẫn lộn hành hẹ để thí, người không dùng thịt, chẳng đem thức ăn thịt cá tạp nhạp để thí. Người không uống rượu, chẳng đem rượu tạp để thí, hoặc có rượu ngon cũng chẳng đem thí. Những thức ăn uống như thế là vật bất tịnh, chẳng dùng bố thí.

Đại Bồ Tát thấy kẻ ăn xin đến, khi họ cầu gì liền cấp thí cho, không lấy việc thí mà yêu sách sai sử.

Chẳng vì sự vui cõi trời mà thực hành bố thí, chẳng vì tiếng đồn mà thực hành thí, chẳng cầu báo ơn mà thực hành thí. Chẳng vì phước báo Chuyên luân Thánh vương, chẳng phải phước báo Ma vương, Phạm vương mà hành bố thí. Chẳng vì quốc vương, đại thần, trưởng giả cung kính cúng dường mà thực hành bố thí. Ít vật còn thí huống chi có nhiều. Chẳng vì dối gạt mà đem của thí, chẳng làm bại hoại quyến thuộc kẻ khác thành quyến thuộc mình, hay làm bại hoại xóm làng thành thị, đất nước của người mà thực hành bố thí.

Khi Bồ Tát thí, hai tay dâng lên Hòa thượng Thượng tọa, cho đến Sa di cùng người trì giới, hủy giới mà tâm không nhàm chán.

Khi Bồ Tát thí, trọn chẳng quở trách kẻ đến cầu xin, chẳng vì kiêu mạn mà thực hành thí..

Đại Bồ Tát đối với tất cả vật, thường sanh tâm xả, những gì chất chứa đều vì chúng sanh.

Nếu như có người xét biết Bồ Tát đã bỏ của cải, mình cũng được phần, bèn giữ phần đó ắt không có tội.

Lúc thấy người đến cầu xin, Đại Bồ Tát tâm sanh vui mừng, không khác gì người đang mắc bệnh nặng mà gặp thuốc quý. Tùy chỗ người cầu hứa cho họ lấy, cả ba thời gian thảy đều hoan hỷ, nghĩa là chưa thí, lúc thí, thí xong, Bồ Tát thường phát tâm hoan hỷ như vậy.

Giả sử có người nghèo nàn và người giàu có đồng đến cầu xin, nên tự suy ngẫm: "Nếu có nhiều vật, tôi sẽ bình đẳng bố thí". Nhưng vì ít của, trước nên cứu kẻ nghèo nàn khốn khổ. Lập nguyện như vậy tức là cái nhân Vô thượng Bồ Đề.

Có ba sự bỏn sẻn: Hạ, Trung và Thượng. Đại Bồ Tát trước hết loại bỏ sẻn tiếc bực hạ. Do sự hoại bỏn sẻn tiếc lựa hạ, có thể phá hỏng bỏn sẻn bực trung, bực thượng. Đã tự chính mình phá bỏn xẻn tham, lại vì chúng sanh nói ra phương pháp phá bỏ sẻn tham. Do nói phương pháp cho nên lợi ích chúng sanh.

Lại nữa, đối với người không cầu xin, Bồ Tát cũng gượng đem vật tặng thí. Nếu không của cải bèn dùng phương tiện ra sức phục dịch, tìm kiếm tiền của để làm việc huệ thí.

Nếu không tiền của nên hành pháp thí, dạy bảo chúng sanh "Nay người vì sao không làm bố thí" Người trước đó nếu thuận thực hành, họ rất sanh tâm hoan hỷ bố thí. Bồ Tát tự mình đem thân giúp đỡ, làm kẻ sai khiến cho người.

Nếu không tài sản bố thí, nên vì chúng sanh mà mở bày lành dữ.

Lại nữa, Bồ Tát chẳng đem kinh điển chánh giáo cho người tà kiến, chẳng vì kế sống mà buôn bán kinh luật, người nào đọc tụng ắt đem kinh thí. Nếu tiếc chẳng cho, gọi là sẻn pháp. Nếu có khả năng giảng nói kinh pháp mà không giảng nói cũng là sẻn pháp. Nếu chẳng đem pháp bố thí cho người, làm sao phá hỏng phiền não chính mình và của chúng sanh.

Bồ Tát chẳng bao giờ nói: "Nay tôi không có tài sản, chẳng thể thực hành bố thí". Cũng đừng buồn giận để làm mòn mỏi lòng mình, mà dùng phương tiện hay khéo để an ủi người cầu "Nay tôi chưa có thể làm vừa ý của người".

Vì sao Bồ Tát tự chẳng buồn giận? -Bởi khi mới phát tâm ta đã tự nói "sẽ bố thí cho tất cả chúng sanh" kia mà!

Lại nữa, Bồ Tát nghe có người đến tìm cầu liền ra nghênh đón và ra sửa soạn giường ghế chỗ ngồi, đã gặp nhau rồi cùng người chuyện vãn, nhỏ nhẹ hỏi han, tùy vật người cầu mà mỗi mỗi cung cấp.

Đại Bồ Tát khi mới phát tâm đã tự mình nói "Nay tôi đang có những vật dụng gì, sẽ đem cúng thí chư Phật, Bồ Tát mười phương và các chúng sanh".

Ví như một người đệ tử, đem áo, đem bát hay đem vật dụng dâng cúng cho thầy, dù thầy không nhận nhưng đệ tử này được phước vô lượng. Bồ Tát cũng vậy, những vật gì có, dâng cúng chư Phật và chư Bồ Tát, chư Phật, Bồ Tát tuy chẳng nhận lấy, cũng làm cho người cúng vô lượng phước, những phước báo này thường theo Bồ Tát, trải qua số kiếp nhiều như Hằng sa.

Đại Bồ Tát xem của cải vật chất mình hiện đang có, như là của cải mười phương chư Phật, Bồ Tát gửi gắm. Biết rằng chư Phật và chư Bồ Tát đối với của ấy không hề lẫn tiếc, thế nên Bồ Tát tự do tùy ý đem thí chúng sanh.

Lại nên xét kỹ người không đáng thí. Gặp trường hợp đó hãy nên can dụ: "Những vật thế này thật sự chẳng phải vật tôi hiện có, mà là những vật thuộc về chư Phật và chư Bồ Tát" dùng lời mềm mỏng báo cho người cầu biết rõ, chẳng làm cho họ sanh tâm giận hờn.

Làm những việc này cho nên Bồ Tát thành tựu đầy đủ tài thí, pháp thí, đủ nhị thí rồi, Bồ Tát biết tánh, biết nhân, biết quả và biết sự phân biệt.

Nếu Bồ Tát cấp thí cho kẻ oán ghét là bởi nhân duyên lòng Từ. Bố thí cho người nghèo cùng khốn khổ là bởi tâm Bi. Cúng thí cho người đức hạnh là bởi nhân duyên tâm Hỷ. Bố thí cho bà con, anh em, tôi tớ là bởi nhân duyên tâm Xả. Đây mệnh danh là cái nhân bố thí của trí tuệ vậy.

Lại nữa, Bồ Tát biết được những thứ tâm nào tai hại cho sự bố thí. Tâm làm tai hại cho sự bố thí gồm có bốn thứ:

Một là, vô lượng đời trở lại không tập hạnh bố thí.
Hai là, vì những của cải, vật dụng ít ỏi.
Ba là, cũng vì tham đắm vật tốt.
Bốn là, vì chẳng cần cầu quả báu tốt lành đời sau.

-Đại Bồ Tát giàu có của cải, thấy người đến xin, ngay đó chẳng phát tâm thí. Đây chính là bởi vô lượng đời trở lại, Bồ Tát không lòng siêng tu bố thí. Bấy giờ Bồ Tát nên dùng sức trí tuệ để tự suy gẫm: "Từ xưa đến nay, vô lượng đời trở lại, ta chẳng chịu tập làm hạnh Bố thí, cho nên ngày nay chẳng phát tâm liền. Như ta lúc này có nhiều của cải, thêm nữa là có người đến tìm cầu, nếu chẳng giúp họ, về đời vị lai ta lại sẽ thêm lớn tâm bỏn sẻn, thứ tâm ấy chẳng bao giờ thuận với việc tu bố thí".

-Lại nữa, Bồ Tát thấy người tìm đến cầu xin, vì của cải ít, ngay đó chẳng phát tâm thí. Bồ Tát nên dùng sức trí tuệ để tự suy gẫm: "Ta vì nhân duyên vô lượng nghiệp ác, trong vô lượng đời thân ta phải bị lệ thuộc người khác, chịu khổ rất lớn, nào những đói khát, nóng lạnh dãi dầu, chẳng thể lợi ích vô lượng chúng sanh, vì nghiệp duyên ấy làm cho thân ta ít có của cải. Nay nếu chẳng thí lại sẽ thêm sự nghèo nàn khốn khổ nơi đời vị lai, nay ta dùng ít vật này cho người, tuy đang nghèo khổ, sau rồi sẽ chẳng đến đỗi khổ sở như ba đường ác". Tự xét như vậy có thể xả bỏ thứ tâm bỏn sẻn vì ít của cải.

-Lại nữa, Bồ Tát thấy có người đến cầu xin, đối với vật tốt sanh tâm tham đắm, ngay đó chẳng phát tâm thí. Bấy giờ Bồ Tát dùng sức trí tuệ để tự suy gẫm: "Với lẽ vô thường ta tưởng là thường, trong cái không có sở hữu của ngã mà ta tưởng có. Nếu ta không đem vật tốt để thí, tức nuôi lớn thêm mọi sự tham đắm, rõ là ta tự đảo điên" Do đó Bồ Tát có thể phá hoại thứ tâm tham đắm vật dụng tốt đẹp.

-Lại nữa, Bồ Tát vì không mong cầu quả báo, nên không thực hành công hạnh bố thí. Bấy giờ Bồ Tát nên tự suy gẫm: "Tất cả các pháp vốn là vô thường, vốn không nhất định, nếu là thường định ắt chẳng cần thí. Vì sao thế? -Nếu thường nếu định thì không nhân, không quả. Vì lẽ vô thường, cho nên tất cả đều có nhân quả. Nếu nay chẳng thí, làm sao được quả Bồ Đề?" Suy ngẫm điều ấy cho nên Bồ Tát có thể phá hoại cái tâm chẳng cầu quả báo, để rồi thực hành huệ thí.

Đại Bồ Tát biết rõ bốn điều điên đảo, pháp không nhứt định có tướng thường hằng, do đó có thể phá hỏng bốn tâm dở xấu oan uổng.

-Lại nữa, Bồ Tát trong thân vắng lặng, hết lòng tư duy, thường nghĩ thế này: "Giả sử tôi có của cải dồi dào, sẽ dùng cúng dường chư Phật, Bồ Tát, hoặc pháp, hoặc tăng" Đây chính gọi là trí tuệ bố thí của Đại Bồ Tát. Có của, không của cũng thường buộc tâm tư duy như vậy. Thí pháp cũng thế.

Trên đây gọi là THÍ TẤT CẢ.

3. Thế nào là khó thí mà có thể thí của Đại Bồ Tát?

-Đại Bồ Tát có chút ít vật, vẫn thường ra ơn cấp thí. Đó mệnh danh là sự thí khó khăn. Những vật mà tâm mến trọng ưa đắm, những vật mà trong suốt vô lượng đời siêng năng tìm cầu mới được, cũng như phải dùng phương pháp to tát là đem sức phục vụ mới có được của, lại đem những vật như thế ban bố cho người. Đây gọi là THÍ KHÓ KHĂN.

4. Thế nào là Tự thí của tất cả?

-Đại Bồ Tát hoặc tự mình bố thí, hoặc là chỉ vẽ cha mẹ, anh em, vợ con, tôi tớ, bà con thân thuộc, làm cho họ đều thực hành bố thí. Như thế gọi là Tự thí của tất cả.

5. Thế nào là Thí của người lành?

-Nếu kẻ thiện nam, người thiện nữ nào đem lòng lành thí, do lòng tin thí, dốc lòng thí, tự tay thí, phải thời thí, đúng pháp được của đem thí. Gọi là THÍ CỦA NGƯỜi LÀNH.

6. Thế nào gọi là Tất cả hạnh đều thí?

-Vì chẳng trông mong quả báo, vì luôn luôn thực hành bố thí. Vì làm ruộng phước bố thí. Gọi là TẤT CẢ HẠNH ĐỀU THÍ. Chẳng có quan niệm ruộng phước hay chẳng ruộng phước, chẳng thấy đúng thời hay không đúng thời, chẳng xem của cải đáng thí, hay không đáng thí. Đây gọi là tất cả hạnh đều thí.

7. Thế nào gọi là Thí để trừ khử?

-Nếu có chúng sanh đói khát khốn khổ, vì trừ việc ấy mà thực hành bố thí. Kẻ lạnh cho áo, tìm xe cho xe, cầu đồ trang sức cho đồ trang sức, hương se, hương bột, đèn đuốc, hoa quả, phòng nhà, mền nệm, thuốc men v.v. Đây mệnh danh là THÍ ĐỂ TRỪ KHỬ.

8. Thế nào là Thí tự lợi, lợi tha?

-Đại Bồ Tát đem của cải hoặc giáo pháp bố thí cho người, có thể làm cho mình và chúng sanh được sự an vui thế, xuất thế gian, thường ban bố chúng sanh sự vui, vô úy, nghĩa là thoát khỏi các mối lo sợ vì nạn cọp sói, sư tử, nước lửa, vua, quan, giặc cướp, oán cừu v.v. Luôn luôn vì họ mà siêng cứu tế.

Pháp thí của Bồ Tát là gì?

-Bồ Tát phàm nói ra điều gì đều không điên đảo. Đây gọi là thí pháp, lại khéo có thể giáo hóa chúng sanh, như thế gọi là thanh tịnh thí pháp. Bố thí tài sản của Đại Bồ Tát là lợi hiện tại, thực hành pháp thí có thể lợi ích ngay trong hiện tại và nhiều đời khác.

Lại nữa, có của đem thí, có thể làm cho chúng sanh gây tạo cái khổ hiện tại. Bố thí giáo pháp không phải như vậy, có thể gây sự an vui hiện tại và thuở vị lai. Tài thí bất tịnh, Pháp thí thanh tịnh. Thực hành tài thí chẳng gọi vô bờ, bố thí giáo pháp được mệnh danh là sự thí vô biên. Tài thí dễ được, pháp thí khó gặp. Đây gọi là THÍ TỰ LỢI, LỢI THA.

9. Sao gọi là Thí vắng lặng?

-Thí vắng lặng này gồm có mười điều:

Một là: Thí không chướng ngại.
Hai là: Thí không lầm lộn.
Ba là: Thí chẳng đợi trang nghiêm.
Bốn là: Thí không tâm tự cao.
Năm là: Thí không tâm vướng mắc.
Sáu là: Thí không e thẹn.
Bảy là: Thí không buồn bã.
Tám là: Thí không ngoảnh mặt.
Chín là: Thí không cầu báo ơn.
Mười là: Thí không cầu quả báo.

-Thí không chướng ngại: Một khi Bồ Tát thực hành việc thí, chẳng vì những việc hung tợn thế gian làm cho chướng ngại. Dầu biết lòng người tìm đến cầu xin không nề chậm rãi, nhưng Bồ Tát luôn luôn nhanh nhẹn thí xả để toại ý người cầu. Đây gọi là Thí không chướng ngại.

-Thí không lầm lộn: Đại Bồ Tát không hề nghĩ rằng "Thí không quả báo, hoặc không có những phước báo lành dữ". Cũng chẳng nghĩ rằng "giết hại sanh vật để làm việc thí cũng được quả lành" như những luận điệu của phái ngoại đạo Bà Tẩu tuyên bố. Do nhân duyên chẳng tham đắm thực hành bố thí cho nên được sự an vui thế gian và thành quả phúc Vô thượng Bồ Đề. Đây mệnh danh là thí không lầm lộn.

-Thí chẳng đợi trang nghiêm: Đại Bồ Tát chẳng đợi gom góp đồ đạc vật dụng làm cho nghiêm đẹp rồi mới đem thí, mà là tùy được tùy thí, được chừng bao nhiêu đem thí bấy nhiêu, không hề dự trữ. Vì sao thế? -Bồ Tát sâu sắc biết rõ của cải, mạng sống, cả hai đều là vô thường, khó bảo toàn được. Do đó, khi có người cầu, gặp rồi thí ngay. Không hề nói rằng "Đợi tôi trang nghiêm xong vật dụng đã sau đó mới cho". Tại sao vậy?

-Trang nghiêm của sự bố thí như thế chẳng gọi trang nghiêm Vô thượng Bồ Đề. Nếu như Bồ Tát chờ vật bố thí cho được trang nghiêm, ắt khiến chúng sanh chịu nhiều khổ sở. Đây gọi là Thí chẳng đợi trang nghiêm.

-Thí không tâm tự cao: Khi Đại Bồ Tát thấy người đến xin bèn tự sanh tâm khiêm tốn hạ mình, chẳng tự khen mình là người thí chủ, chẳng cầu báo ơn, chẳng vì hơn người hay chẳng vì cầu tiếng đồn vang dội mà hành bố thí. Đây mệnh danh là Thí không tâm tự cao.

-Thí không tâm vướng mắc: Đại Bồ Tát không vướng mắc vì danh tiếng đồn đãi. Bồ Tát khéo xét biết tiếng đồn đãi cũng chẳng khác nào gió thoảng hư không hay chẳng khác gì sợi tơ mong manh trong ngó sen dưới nước. "Nếu vì cầu danh mà thực hành thí, ắt tôi chẳng được Vô thượng Bồ Đề". Thế nên vì Vô thượng Bồ Đề, Bồ Tát chẳng màng tiếng tăm của mình được người đồn đãi. Đây gọi là thí không vướng mắc.

-Thí không e thẹn: Trong lúc Bồ Tát thực hành bố thí, cả ba thời gian đều một lòng hoan hỷ. Đó gọi là Thí không e thẹn.

-Thí không buồn bã: Đại Bồ Tát đem vật quý chuộng bố thí cho người, sau rồi không hề có sự hối tiếc, do đó không buồn. Đây mệnh danh là Thí không buồn bã.

-Thí không ngoảnh mặt: Đại Bồ Tát xem khắp chúng sanh bằng tâm bình đẳng, không một người nào mà chẳng vui ưa gặp gỡ Bồ Tát. Đây gọi là Thí không ngoảnh mặt.

-Thí không cầu báo ơn: Vì tâm thương xót vì tu tập lòng Từ, vì đem lại an vui, cho nên Bồ Tát chẳng cầu báo đáp. Đây gọi là Thí chẳng cầu báo ơn.

-Thí không cầu quả báo: Đại Bồ Tát thực hành bố thí, chẳng cầu ngôi vị Chuyên Luân thánh vương của cải tự tại, chẳng cầu ngôi vị Đế thích, Ma vương Phạm vương. Vì sao thế?

-Bồ Tát quán xét sâu xa về pháp hữu vi, biết tất cả đều tạm bợ yết-ớt chẳng khác cây chuối, do đó Bồ Tát trong khi bố thí chẳng cầu quả báo. Như trên gọi là Thí không cầu báo.

Mười điều trên đây có thể làm cho Bồ Tát thành tựu đầy đủ hoàn toàn ĐÀN BA LA MẬT và được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.



PHẨM THỨ MƯỜI MỘT
TRÌ GIỚi ĐỘ
(TRÌ GIỚI BA LA MẬT)

Thế nào là Giới của Đại Bồ Tát?

Giới có 9 nghĩa:

1. Giới tự tánh.
2. Giới tất cả (hay tất cả giới).
3. Giới khó khăn.
4. Tự giới của tất cả.
5. Giới của người lành.
6. Giới tất cả hạnh.
7. Giới trừ khử.
8. Giới tự lợi lợi tha.
9. Giới vắng lặng.

1. Giới tự tánh là gì?

Đại Bồ Tát đủ giới tự tánh có bốn công đức.

Một là, do tâm thanh tịnh thọ giới nơi người khác.
Hai là, tâm không thanh tịnh hủy giới đã thọ.
Ba là, phải nên hết lòng hổ thẹn sám hối.
Bốn là, khi sám hối rồi chuyên tâm gìn giữ không dám tái phạm.

Đại Bồ Tát từ nơi người khác thọ giới, sanh tâm hổ thẹn. Vì tâm hổ thẹn cho nên thọ trì chẳng hề hủy phạm. Nếu tâm không tịnh hủy giới đã thọ. Vì lòng hổ thẹn nên chẳng che dấu cho đến một đêm.

Bồ Tát phạm giới nếu qua một đêm, như muốn sám hối, chẳng nên tác bạch "niệm niệm có vô lượng tội" để hối. Vì sao thế? -Nếu là phạm nhiều mà lại cho rằng một lần phạm để sám, chẳng được gọi là sám hối. Người chịu sám hối mắc tội.

Khi Bồ Tát từ nơi người khác thọ trì giới pháp, gồm có bốn việc: Một là hổ thẹn. Hai là: Hết lòng gìn giữ kiên cố, Đại Bồ Tát hết lòng giữ gìn kiên cố, trọn chẳng sanh tâm hủy phạm. Ba là: Thọ rồi một lòng bảo vệ các giới. Bốn là: Tịnh tâm thọ trì.

Bồ Tát đầy đủ bốn công đức của giới, có thể tạo nên bốn việc. 1. Không phạm. 2. Giả sử có phạm liền hối. 3. Sanh tâm hổ thẹn. 4. Không sanh hối hận. Như thế gọi là giới tự tánh. – Tánh giới.

Tánh giới của Bồ Tát mệnh danh là Giới chân thật, Giới Tự lợi lợi tha, Giới nhiêu ích chúng sanh, Giới của ý nghĩa lợi ích chúng sanh Giới tăng trưởng cho hàng trời người và là Giới của vô lượng công đức. Bồ Tát thành tựu giới như vậy, sanh tâm thương xót, tức có thể giáo hóa vô lượng chúng sanh.

Nếu Bồ Tát vì khách trần phiền não, không tiện sám hối, nên thường vì người khen sự trì giới, quở việc phá giới và nói tội lỗi của người hủy giới. Nếu thường như thế, dầu gọi hủy phạm, tội lỗi Bồ Tát cũng được nhẹ mỏng, rốt ráo rồi cũng có thể chứng được Vô thượng Bồ Đề. Đây mệnh danh là GIỚi TỰ TÁNH.

2. Giới của tất cả là gì?

-Những giới của người tại gia, xuất gia cần phải thọ trì. Như thế gọi là Giới của tất cả, hay Tất cả giới.

Giới của tại gia, giới của xuất gia đều có ba nghĩa:

Một là: Giới.
Hai là: Giới thọ pháp lành.
Ba là: Giới vì lợi ích chúng sanh.

Thế nào là GIỚi? -Tức là bảy loại giới pháp của bảy số chúng: Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Thức xoa ma na, Sa si, Sa di ni, Ưu bà tắc và Ưu bà di.

Đại Bồ Tát nếu muốn thọ trì giới pháp Bồ Tát, trước nên tịnh tâm thọ bảy thứ giới. Thọ bảy thứ giới chính là tịnh tâm hướng đến giới Bồ Tát vậy. Như người thế gian khi muốn thỉnh vua đến tại nhà mình, trước hết phải giữ nhà ở sạch sẽ. Bẩy thứ giới này là chỗ thọ trì của người tại gia và người xuất gia. Giới Bồ Tát cũng vậy, đều là chỗ thọ của người xuất gia và người tại gia. Đây gọi là GIỚI.

Vì sao gọi là Giới thọ pháp lành? -Nếu Đại Bồ Tát trụ giới địa rồi đọc tụng biên chép, phân biệt giải nói, tư duy tu tập pháp xa ma tha, Tỳ bát xá na, cúng dường cung kính, tôn trọng ca ngợi sư trưởng, hòa thượng, kỳ tức đức độ. Hằng giờ cung cấp, săn sóc trông nom, làm người sai khiến cho các vị già nua bệnh hoạn, hoặc là dọc đường các vị này có mệt nhọc dừng chơn, thay thế cho người mà mang y bát. Lúc các vị ấy nói pháp thuyết kinh thì một lòng khen ngợi, tán dương…Gặp người trì giới liền ra sức ủng hộ, ca tụng giới luật và mong chúng sanh đều giữ tịnh giới. Thấy người phá giới sanh tâm thương xót khéo lời quở trách dạy họ sám hối.

Nói chung, ba nghiệp thân, miệng, ý tạo ra bao nhiêu điều lành, đều nguyện hồi hướng Vô thượng Bồ Đề. Tùy lúc thân, miệng, ý có đủ hơi sức mà siêng cúng dường tán dương Phật, Pháp, Tăng Bảo. Vì tăng trưởng pháp lành mà siêng tinh tấn. Để được tất cả pháp lành cho nên tu đức không buông lung, thường nên hết lòng nhớ nghĩ về giới, bảo vệ các giới, chế ngự các căn, ăn uống vừa đủ, chẳng ham ngủ nhiều, đầu đêm cuối đêm đọc tụng kinh điển, nhớ nghĩ Tam bảo, gần gũi thiện hữu, vui nghe người nói để tự thức tỉnh lỗi quấy của mình, khi biết lỗi rồi liền lo sám hối, rất sanh hổ thẹn, hết lòng nhớ nghĩ chẳng hủy phạm lại, hướng về chư Phật, giáo pháp, chúng tăng, các bậc đồng thầy, đồng pháp, đồng giới, đồng học mà phát lộ sám hối. Đây gọi là GIỚi THỌ PHÁP LÀNH.

Giới vì lợi ích chúng sanh: Có mười một việc:

1. Trong số chúng sanh người nào có ý muốn tu thiện nghiệp, liền đến nơi đó ân cần ví dụ, dẫn giải chỉ bày, cùng làm bạn lữ và cùng tạo nghiệp lành.

2. Có người trông nom săn sóc bệnh nhân, cũng qua nơi đó khuyên hóa dẫn dụ chung làm bạn lữ.

3. Nếu người nào muốn tìm hiểu ý nghĩa những pháp thế gian hay pháp xuất thế, liền dùng phương tiện vì họ giải nói.

4. Chỗ mình mang ơn, nhớ nghĩ ơn ấy mà tìm cách báo đáp, báo đáp bằng cách giữ vững giới cấm, đọc tụng biên chép mười hai phần kinh, suy tư nghĩa chính và phân biệt giảng nói.

5. Thường cứu giúp người thoát những sợ hãi như nạn cọp sói, nước lửa, vua quan, giặc cướp oán cừu….Ủng hộ chúng sanh khiến họ xa lìa sợ sệt như thế.

6. Nếu như có người chết mất thân nhân hay bị mất của, hoặc lâm vào cảnh ân ái chia lìa, mà sanh buồn rầu, có thể vì họ nói pháp, cho người vơi bớt sầu khổ,

7. Nếu người nghèo nàn, khốn đốn có thể đem vật cần dùng cấp thí cho họ.

8. Vì duy trì chánh pháp mà nhận nuôi đệ tử chẳng vì danh lợi.

9. Vì hộ trì chánh pháp mà thường qua lại trong bốn bộ chúng, cùng nhau giảng luận, chẳng vì lợi dưỡng.

10. Vì hộ chánh pháp mà gần vua quan, gần gũi trưởng giả nhưng không vì lợi dưỡng.

11. Chẳng vì tín thí, đàn việt mà cam luồn cúi theo thói nhân tình, ba nghiệp thân, miệng, ý tạo nên những điều trái phép. Chẳng phi thời mà qua lại nhà người. Tại gia, xuất gia đều có phi thời. Phi thời là gì? -Giờ ăn lúc giận, lúc si, gió lớn, mưa to, lúc cưới gả, hội hè, khi ra đi…Trừ những lúc chẳng phải thời như thế, ngoài ra gọi là phải thời.

Trên đây gọi là mười một việc.

Tùy chỗ gặt hái công đức pháp lành, đều đem xoay vần chỉ dạy mọi người, tâm không tham lam ganh tỵ, thấy người hủy giới rất sanh thương xót, dùng tâm thanh tịnh khéo lời dạy bảo cũng như cha mẹ dạy bảo con cái: "Như chỗ ngươi phạm hãy nên phát lộ sám hối". Nếu như kẻ kia chẳng chịu sám hối thì không nên nhận sự cung cấp, phục vụ của họ như trước. Lại nên, như chỗ cử tội theo đó trị phạt, bằng như kẻ kia cố tình chẳng nhận, phải nên xua đuổi ra khỏi chùa viện để đem lại sự tăng trưởng Phật pháp.

Người nào chẳng thể dạy bảo quở phạt, tẩn xuất kẻ kia, còn cùng với họ ngồi chung ở chung, như thế gọi là phá giới, chẳng phải sa môn hay Bà la môn, làm nhơ Phật pháp, gọi là kẻ chiên đà la hay kẻ đồ tể (kẻ làm hàng thịt).

Hạng chiên đà la và kẻ đồ tể tuy làm nghề ác nhưng chẳng hay hoại chánh pháp Như Lai, không hẳn phải đọa vào ba đường dữ.

Làm thầy chẳng thường dạy la đệ tử, để chúng phá hoại giáo pháp của Phật, chắc chắn sẽ đọa vào chốn địa ngục. Vì danh dự mà chứa nhóm đồ chúng, đó gọi là kẻ tà kiến hay gọi là hạng đệ tử của ma. Chẳng chứa đệ tử chúng chẳng phá hoại chánh pháp Như Lai, chứa đệ tử xấu làm hỏng pháp Phật. Vì hỏng pháp Phật cho nên gọi là đệ tử của ma. Vì lợi nuôi sống chứa nhóm đồ chúng, cho nên gọi là người tà kiến.

Nếu thật là người có sức thần thông, có tha tâm thông, có túc mạng trí biết việc đời trước, sau đó có thể đem giới Bồ Tát giáo hóa người khác, vị này mới có thể chứa đệ tử xấu. Tại sao vậy? –Vì biết phương tiện, biết cách đối trị. Biết phương tiện nên phá hoại pháp ác và khai pháp lành.

Nếu một tỳ kheo chẳng đủ ba trí tuệ như trên, lại nói rằng mình đủ ba thứ trí ấy, có thể kham nhận nuôi đệ tử xấu. Nên biết người này chính là phạm trọng. Nếu lìa việc ấy gọi là giới lợi tha.

Đại Bồ Tát thành tựu thiện giới, giới lợi ích người, những giới như vậy gọi là giới lành, nhiếp tất cả các giới, mệnh danh là giới đến bờ bên kia, là giới giải thoát, là giới vô thượng, giới không nhơn quả, là giới Thường, Lạc, Ngã, Tịnh, là giới rốt ráo vô biên hay gọi là giới của tất cả phương tiện hay khéo.

Nếu như Bồ Tát luôn luôn dốc lòng nhớ nghĩ về giới Bồ Tát, là hơn tất cả Thanh Văn, Duyên Giác. Nếu luôn luôn đầy đủ giới Bồ Tát cũng được địa vị Bồ Tát Lục trụ (Chánh tâm trụ).

Nếu có Bồ Tát bỏ ngôi Chuyển Luân Thánh vương, xuất gia học đạo thọ giới giải thoát, buông bỏ ngũ dục như bỏ đàm giải, chẳng nghĩ chẳng cầu chẳng sanh hối tiếc, không vì thọ hưởng khoái lạc cõi Trời cõi người mà thọ trì giới, xem năm dục lạc như lửa dữ rắn độc, như ba ác đạo, được người cúng dường không ham không đắm.

Người đời nếu vì phước báo nhơn thiên, vì sự thụ hưởng danh lợi tiếng khen mà thọ giới cấm, nên biết người ấy không được đắc giới.

Người thành tựu giới rồi, nếu ở trong tăng chúng hoặc là ở chỗ vắng vẻ rảnh rang, được gọi là vắng lặng nếu chẳng có thể giáo hóa chúng sanh, chẳng hay hộ trì chánh pháp. Vì tiếc thân mạng chẳng thể hộ pháp, vì tham lợi dưỡng chẳng hay hộ pháp, vì cớ sợ sệt chẳng hay hộ pháp, vì tánh kiêu mạn nên chẳng hộ pháp, bị kẻ oán cừu kích thích cản trở chẳng hay hộ pháp, vì chẳng thọ pháp nên không hộ pháp, vì lòng thương hại hay vì xấu hổ mà chẳng hộ pháp v.v…Như thế gọi là hủy phá giới pháp, là chẳng vắng lặng.

Nếu như có người đối với giới pháp mà sanh tưởng vừa đủ, người này chẳng được gọi là trì giới. Nên biết, nhờ giới mà được vô lượng tam muội của các Bồ Tát. Nếu như không giới ắt chẳng tăng trưởng vô lượng tam muội, chính vì tam muội mà trì giới cấm.

Một khi Bồ Tát đã thọ trì giới Bồ Tát rồi, thà mất thân mạng trọn không bằng lòng dùng lời trái phép hay cùng ở chung với người xấu ác, chẳng nghĩ, chẳng khởi các giác quán ác, như có phát khởi, sanh tâm hổ thẹn quở trách sám hối. Khi ngồi giữa chúng, giả sử có nghe lời ác việc ác, tiếng ác, nghĩa ác, lập tức đứng dậy rời khỏi nơi đó.

Nếu như sức mình có thể ngăn chận, lại cứ để vậy, chẳng dạy chẳng quở mà lại bỏ đi. Đây gọi là phạm. Nếu sức chẳng thể can ngăn mà ở lắng nghe cũng gọi là phạm. Nếu không vừa lòng gọi là trì giới, khởi tâm bằng lòng gọi là hủy giới. Nếu như thích nghe ấy là phá giới, như chẳng thích nghe gọi là trì giới, sanh tâm hối cải gọi là trì giới, tâm chẳng hối cải ấy là phá giới.

Bồ Tát thọ trì giới của Bồ Tát, trọn chẳng nghĩ rằng "Ta thọ giới đây là từ bên thầy hòa thượng mà thọ được giới". Phải tự nghĩ là từ các đức Phật, Bồ Tát mười phương mà thọ giới pháp. Nếu từ bên thầy hòa thượng mà đắc giới. Đó chẳng được gọi là giới Bồ Tát. Nếu từ chư Phật Bồ Tát mười phương, thọ mà đắc giới, mới gọi là giới Bồ Tát.

Nếu đại Bồ Tát có sự phân biệt mười tám bộ tăng thì chẳng gọi là đắc giới Bồ Tát. Nếu luôn luôn bình đẳng quán sát, tất cả đều là đệ tử chư Phật, Bồ Tát mười phương. Đây được gọi là đắc giới Bồ Tát.

Nếu xem tất cả đều là đệ tử của các đức Phật, Bồ Tát mười phương, trụ ngôi vị lớn. Bởi do nhân duyên trụ ngôi vị lớn, cho nên đều được Vô thượng Bồ Đề. Cõi chúng sanh chẳng thể nghĩ bàn, pháp giới chúng sanh chẳng thể nghĩ bàn, tánh của chúng sanh chẳng thể nghĩ bàn, giới của chúng sanh chẳng thể nghĩ bàn. Tôi còn không được Nhứt thiết chủng trí, làm sao phân biệt nổi mười tám bộ tăng? Nếu tôi phân biệt tức chẳng thể được giới của tất cả, giới không ngăn ngại và giới vô thượng.

Bởi có thể quán như vậy, cho nên đắc giới Bồ Tát, như chỗ đắc giới của các Bồ Tát quá khứ.

Nếu Bồ Tát thường quán sát như vậy, tức được vô lượng vô biên phước đức, có thể rõ tâm của các đức Phật, Bồ Tát mười phương, cũng biết người đủ giới Bồ Tát là được đạo Vô thượng.

Đại Bồ Tát quán sát chư Phật, Bồ Tát đã qua, trong lúc chưa thành vô thượng Bồ Đề, chư vị này cũng có đủ phiền não, một khi các ngài thành tựu đầy đủ là chứng đạo Vô thượng. Thân tôi ngày nay cũng là chúng sanh, cũng có năm ấm cũng đủ phiền não và cũng thọ giới Bồ Tát để tu tập đạo Bồ Đề, rồi cũng sẽ được Vô thượng Bồ Đề. Tôi cũng có thể chế ngự cái xấu của thân, miệng, ý, tất nhiên sẽ được Vô thượng Bồ Đề.

Bồ Tát thọ trì giới cấm Bồ Tát, hết lòng nhớ nghĩ tự tỉnh lỗi mình, chẳng tranh hơn thua đối với cái dở của người này người nọ. Thấy kẻ tạo ác tâm không hờn dỗi, thấy người phá giới sanh tâm thương xót, không hề buồn giận.

Bồ Tát thọ trì Bồ Tát giới, nếu bị kẻ dữ đánh đập, liệng ném, tay cầm dao gậy, dùng lời hung ác mắng nhiếc chửi bới. Đối với người này, Bồ Tát chẳng khởi ác tâm hoặc to tiếng đáp lại.

Nếu như Bồ Tát học Bồ Tát giới, có năm điều không buông lung:

-Xét đã phạm tội, như pháp sám hối.

-Xét sắp phạm tội, như pháp sám hối.

-Xét đang phạm tội, như pháp sám hối.

-Hết lòng giữ vững, chẳng tưởng hủy phạm.

-Phạm rồi sám hối, không để tái phạm.

Đây gọi là năm điều không bung lung.

Bồ Tát thọ trì Bồ Tát giới, có công đức gì đều nên che dấu. Những tội phạm hãy nên phát lộ, ít muốn, biết đủ, kham nhẫn hết thảy những sự khó khổ, thường thích vắng vẻ, tâm không hối hận, tâm chẳng tự cao, thân chẳng thô tháo, tu hạnh vắng lặng hay hạnh đầu đà, phá bỏ lối sống tà mạng. Bồ Tát thành tựu được điều như trên, đây gọi là trụ vào giới Bồ Tát.

Bồ Tát thọ và học Bồ Tát giới, chẳng nghĩ cái vui ngũ dục đã qua, chẳng cầu cái vui ngũ dục sắp tới, đối với cái vui ngũ dục hiện tại tâm chẳng đắm mến, thường thích lặng lẽ phá ác giác quán, thành tựu đầy đủ hạnh không buông lung, tất cả chúng sanh chẳng dám khinh thường, thành tựu nhẫn nhục và đủ tâm thanh tịnh.

Người học tịnh giới là không tiếc thân mạng không sẻn tiền của, khéo biết nhân duyên phiền não của sự phá giới, khéo điều phục phiền não của sự phá giới, có thể điều phục phiền não của mình, có thể điều phục thứ tâm phiền não tai hại của người, rõ sự điên đảo, biết nhơn quả lành. Biết nhơn quả lành nên siêng mong cầu, phá sự điên đảo của kẻ chẳng tin có nhân quả lành. Xét tất cả pháp không có những tướng Thường, Lạc, Ngã, Tịnh, phá chấp điên đảo của các chúng sanh: vô thường, điên đảo tưởng là thường hằng. Chẳng vui, điên đảo tưởng vui, không ngã, điên đảo cho là có ngã. Bất tịnh, điên đảo cho là thanh tịnh. Thêm vào đó Bồ Tát tu học giới lành và tu cái nhân Thí, Giới, Nhẫn, Tấn, Thiền, Trí v.v…

Bồ Tát trì giới làm lợi chúng sanh, giáo hóa mọi người, làm cho đa số thực hành thiện nghiệp, làm bạn lữ với người tu thiện nghiệp, thường dạy chúng sanh cúng dường tam bảo. Thấy người đang lâm tình cảnh chia lìa, dùng cách hay khéo làm cho hòa hợp, thấy người bệnh khổ tự thân săn sóc, thấy kẻ mù lòa, cung cấp vật dụng áo quần thức ăn, chỉ đường đưa lối, vì họ nói pháp. Gặp người điếc lác vẽ hình chỉ nghĩa, gặp người què quặt bố thí xe cộ, nếu không xe cộ đem thân cõng vác. Gặp người tham lam, vì họ giảng nói hậu quả lòng tham. Đến như những người tánh tình nhiều giận, ngu si, ngờ vực, lại cũng vì họ giải nói như vậy. Đi đường thấy người yếu đuối mệt mỏi, thay họ mang vác, đem cho nước uống hoặc cho dầu thoa thân.

Lại như, có những chúng sanh thích gây tội lỗi, Bồ Tát thấy rồi khôn khéo nói pháp, lời hay nghĩa hay, lời câu ăn khớp, lời nghĩa đều có thứ tự lớp lang, nghĩa nói tròn đủ làm tăng pháp lành.

Vì muốn trang nghiêm đạo quả Bồ Đề cho nên Bồ Tát dùng phương tiện khéo dạy phá nghiệp ác. Vì kẻ sẻn tham nói cách phá bỏ sẻn tham, làm cho kẻ ấy được thêm điều lành và thêm của cải. Nếu có chúng sanh chẳng tin Phật pháp, khéo vì n��i pháp để sinh lòng tin. Vì phá nghiệp ác phiền não của người mà giải Phật pháp để được tám Thánh đạo.

Lại nữa, Bồ Tát học Bồ Tát giới, phát thệ nguyện lớn: Vì phá ác kiến của nhiều chúng sanh, Bồ Tát biết ơn và nghĩ báo ơn, nói lời nhẫn nhịn, nói lời mềm mỏng thăm hỏi trước người, cúng dường sư trưởng và những vị tôn túc. Phá những buồn sợ như nạn sư tử, cọp, sói, nước, lửa, vua, quan, oán thù, giặc cướp v.v…Nếu có những người chết mất mẹ cha, vợ, con, anh em, hoặc mất tiền của hoặc lâm phải cảnh ân ái chia lìa…Bồ Tát thường dùng phương tiện thích ứng vì họ nói pháp trừ những khổ ấy. Thường hay bố thí áo quần, ăn uống, phòng nhà mền nệm, thuốc thang, hương hoa, đèn đuốc, đồ trang sức v.v….

Nếu Đại Bồ Tát đã thọ trì giới, chứa nuôi đệ tử, chẳng thường khéo dạy nói pháp chỉ dẫn, khiến chúng điều phục tánh tham, giận, si. Chẳng hay cung cấp y phục, ăn uống phòng nhà, thuốc thang. Chẳng hay cầu lành cho những thí chủ hiền lành phúc hậu, chẳng vì thí chủ mà nói pháp yếu. Được cúng dường của chẳng chia đồng đều v.v….Nên biết người này chỉ vì danh dự mà nuôi đệ tử, chẳng gọi vì pháp.

Nếu thường theo thời nói pháp dạy bảo, vì tánh, vì lực, vì tạng Bồ Tát, vì muốn đầy đủ giới cấm Bồ Tát tu Tám thánh đạo, được Vô Thượng Bồ Đề. Đây mệnh danh là Bồ Tát chơn thật chứa nuôi đệ tử, chẳng vì danh lợi.

Bồ Tát đã thọ giới Bồ Tát, trước nên xét nét để biết tánh tình, pháp thức của người, sau mới cùng ở, để làm thay đổi tánh tình kẻ ấy. Nếu như người kia ưng muốn nói pháp, thì nên cho họ tùy ý đi chung, để người ấy tự điều phục tâm mình, chẳng tạo điều dở, do đó có thể phá bỏ pháp ác, tăng trưởng pháp lành, thường cấp cho người các món cần dùng. Nếu thấy tạo ác nên sanh thương xót. Nếu đối với mình, y gây nghiệp xấu, chẳng nên lấy đó mà sanh buồn phiền, thấy người gây tạo sanh lòng bi mẫn. Vì sao thế?

Bồ Tát tự mình, nếu ba nghiệp ác, có thể nhanh chóng chế ngự sửa đổi, mở lòng sám hối. Do có nhân duyên năng lực đại trí, Bồ Tát vì người mà thân, miệng, ý cũng tạo nghiệp ác. Sở dĩ như thế là vì chế ngự nghiệp ác của người. Vì chiều lòng người nên cũng có lúc Bồ Tát thị hiện thọ sự hoan lạc để điều phục người. Đại Bồ Tát vì lợi ích tha nhân mà chẳng sớm chứng Vô thượng Bồ Đề.

Đại Bồ Tát dầu tùy thuận chúng sanh nhưng chẳng khinh người không đánh, không mắng, không nói điều dữ, không khen đức mình tự cao với người. Tuy gần gũi người nhưng không phải thời chẳng hề hành động. Không nói điều quấy về những gì người khác đắm mến, không khen thứ gì người khác không ưa. Không nói nghĩa sâu cho một người nào mà mình chưa biết căn cơ người đó. Chẳng theo người khác để cầu xin vật. Dầu được cúng nhiều song vẫn chi túc. Tâm không cam vui khi nhận cúng dường, thường bỏ của cải cung cấp cho người, thường khen ngợi việc lành của người. Thấy người phạm cấm. chẳng vì kẻ ấy mà nói giới luật. Người không lòng tin chẳng vội vì họ khen ngợi đức tin. Người có tánh tham, chẳng khen ngợi việc ra ơn bố thí. Kẻ không ưa đọc tụng chẳng khen đa văn, với kẻ si ám, không vì kẻ ấy mà khen trí tuệ.

Tại sao vậy?

-Nếu vì kẻ phạm cấm mà khen giới luật, không những kẻ ấy chẳng mừng, chẳng tin mà còn có thể sanh lòng giận dỗi, vì cớ giận dỗi nên tâm dữ tợn với người nói và với Phật pháp. Do tâm ác này nên càng thêm lớn tội báo địa ngục.

Đại Bồ Tát nếu như vậy là đem nhân duyên địa ngục cho chúng sanh, chẳng được gọi là Bồ Tát.

Tùy ý nói pháp, cho đến đối với người si không khen trí tuệ lại cũng như vậy.

Nếu Bồ Tát nào có thần thông lớn, mới có thể vì những kẻ bất tín mà nói giới Bồ Tát.

Vì sao thế?

Bởi Bồ Tát này có thể dùng sức thần thông chỉ cho kẻ kia thấy các địa ngục cực nóng cực lạnh, các ngục lớn nhỏ, lại còn nói cho kẻ kia biết rõ "Nay người vì sao không tin lời ta? Quả báo ghê gớm đến thế này là do trong lúc làm người, những tội nhân kia gây nhiều tội ác. Nay nếu người không tin giới Bồ Tát, rồi đây người cũng có thể sẽ chịu quả báo như thế".

Kẻ bất tín nọ thấy điều ấy rồi kinh khiếp hoảng sợ liền đem lòng tin.

Lại có Bồ Tát vì kẻ bất tín nọ, dùng sức thần thông, hiện hình La sát nói như thế này: "Nay ta tìm kiếm những kẻ bất tín để đoạt mạng sống, người nào tin tưởng ta sẽ ủng hộ". Kẻ bất tín nọ thấy nghe như vậy liền sanh sợ sệt, vì cớ sợ sệt cho nên tin giới Bồ Tát.

Hoặc Bồ Tát dùng thần lực hiện hình Kim cang Mật tích, cầm chầy kim cang mà nói như vầy "Kẻ nào không tin giới pháp Bồ Tát, dầu kẻ đó sẽ vỡ làm bảy phần" kẻ bất tín nọ thấy nghe việc ấy liền sanh sợ hãi, vì cớ sợ hãi, tức thời tin ngay.

Bồ Tát lại dùng thần lực hiện các loại thân hoặc làm một thân hoặc làm nhiều thân, hoặc làm cây cối, núi sông v.v…Thân không chướng ngại, thân lớn, thân nhỏ, thân phát ra nước hoặc lửa v.v…Những kẻ bất tín thấy rồi liền hỏi:

-Các việc phi thường như vậy, đó là kết quả bởi những điều gì? Đáp rằng:

-Đều là kết quả của giới Bồ Tát.

Kẻ kia nghe rồi lòng tin mạnh mẽ đối với giới Bồ Tát.

Nếu không thần thông mà đem giới Bồ Tát nói với những kẻ bất tín, người nói sẽ bị tội báo vô lượng. Tội vô lượng là: chịu khổ vô lượng đời. Đó gọi là tội vô lượng. Dầu tội ngũ nghịch cũng không đủ để so sánh ví dụ.

Vì sao thế?

-Vì tội ngũ nghịch có thể đổi đời, như vua A Xà Thế chẳng hạn.

Kẻ chẳng tin kia tội không thể đổi. Tội báo ngũ nghịch cùng cực là một kiếp, còn người bất tín tội vô lượng kiếp, nên Phật nói rằng chẳng thể lấy gì để ví dụ nổi.

Nếu như có người trộm lấy những vật của Phật Pháp, Tăng, vật hiện tiền Tăng. Tội báo như vậy cũng không thể dụ với tội bất tín.

Tại sao vậy?

-Tội báo trộm cắp như trên cùng cực lắm là một kiếp mà thôi, còn kẻ chẳng tin tội vô lượng đời.

Ví như có mười số cát sông Hằng chúng sanh đều đồng phát tâm Bồ Đề, giả sử có kẻ làm cho mười hằng hà sa số chúng sanh ấy thoái Bồ đề tâm, chỉ dạy họ bằng con đường tà kiến, thì tội báo người đó và tội kẻ bất tín đồng nhau không khác.

Lại như cả mười số cát sông Hằng chúng sanh nói trên đều trụ vào bực Bồ Tát Ngũ địa, giả sử có người đoạt hết số mắt của những Bồ Tát ấy, tội báo như vậy không khác gì tội của kẻ bất tín đã nói ở trên.

Nếu lại có người phá nát tất cả tháp miếu của các đức Phật, giết hại tất cả đệ tử của chư Phật, thiêu đốt kinh điển của tất cả các đức Như Lai, tội báo kẻ ấy to lớn thế nào, thì những tội báo vì người chẳng tin mà nói giới Bồ Tát cũng giống như vậy.

Vì sao thế?

-Bởi từ nguyên nhân mà sanh địa ngục và từ nguyên nhân mà được biết Niết bàn. Nhân nơi người nói mà chịu khổ vô lượng, do đó người bị nói bị khổ vô lượng.

Dầu biết số đông vô lượng chúng sanh hay kham nhận nổi, có thể gây tạo nghiệp lành Trời, người và phát lòng tin, nhưng trong số đó chỉ có một người hoàn toàn không tin, cũng đừng nên nói (về giới bồ Tát).

Như thế gọi là Thiện giới của Bồ Tát lợi ích chúng sanh.

HẾT QUYỂN TƯ

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]