Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần 06

18/04/201317:19(Xem: 8087)
Phần 06

NHỮNG TRUYỆN DUYÊN KHỞI

TRONG LUT NGŨPHN

Lược thuật:Phước Thắng

Hiệu đính:Thích Đỗng Minh

Chú thích:Tâm Nhãn

--- o0o ---

PHÁP HỐI QUÁ1

Trong thành Xá-vệ, lúc bấy giờ có Ưu-bà-di tên là Hòa-già-la-mẫu rất yêu mến, kính trọng Phật pháp, thường cúng dường Sa-môn, được nhiều người ca tụng. Về sau, bà xuất gia sống thiểu dục, tri túc nhưng vẫn coi sự cúng dường làm đầu. Ngày ấy, trên đường khất thực về, gặp một Tỳ-kheo, bà hỏi:

- Thầy đi đâu vậy?

- Ði khất thực. - Tỳ-kheo đáp.

- Thầy có thể nhận thức ăn này của con không? - Bà thưa.

- Có thể nhận. - Tỳ-kheo đáp.

Bà liền dâng cúng. Sau đó lại đến một gia đình khất thực.

Có hai Tỳ-kheo trao đổi với nhau:

- Tỳ-kheo ni Hòa-già-la-mẫu2có khả năng nhận được thức ăn, nên đến đó nhận.

Quả thật, Tỳ-kheo ni này khất thực được bao nhiêu đều cúng dường hết cho các Tỳ-kheo nào đến chỗ bà“khất thực”. Khất thực lần chót trong buổi sáng mang về, lại gặp một Tỳ-kheo. Tỳ-kheo ni Hòa-già-la-mẫu cũng hỏi như các lần trước và cũng trao cúng nốt.

Quay về lại trú xứ với bát rỗng không. Tỳ-kheo ni đành nhịn đói.

Các Tỳ-kheo sau khi ăn xong, tập hợp lại bàn thảo với nhau:

- Tỳ-kheo ni ấy may mắn, có thể nhận được nhiều thức ăn, hằng ngày cứ đi theo cô ni này là được.

Sáng ngày hôm sau, Tỳ-kheo ni vào tụ lạc khất thực, được bao nhiêu thức ăn đều cúng hết cho các Tỳ-kheo theo bước mình. Ngày thứ hai, cô ni lại nhịn đói. Ngày thứ ba tình huống cũng giống như hai ngày trước.

Sáng ngày thứ tư vẫn đi khất thực, Tỳ-kheo ni ở trong tình trạng hoa mắt, vội tránh chiếc xe ngựa chở Trưởng giả nên lảo đảo té nhào.

Trước đó vua Ba-tư-nặc có ban lệnh: “Trong nước, ai khinh mạn Sa-môn Thích tử sẽ trị tội nặng”. Trưởng giả nhìn thấy Tỳ-kheo ni ngã nhào, liền xuống xe đỡ Tỳ-kheo ni lên, xin lỗi:

- Xe tôi đâu có đụng vào cô, sao cô lại té như vậy?

Cô ni thều thào nói:

- Thật sự xe ông không đụng vào tôi, song vì tôi bị đói nên xỉu té.

- Cô khất thực không được hay sao? - Trưởng giả hỏi.

- Thức ăn tôi khất thực được đều đem cúng hết cho các Tỳ-kheo, nên đưa đến tình trạng xấu này. - Cô ni bảo thế.

- Xin cô nhận thức ăn của tôi đây cũng được.

Trưởng giả dâng cúng, cô ni im lặng thuận nhận. Nhận rồi, lại cũng đem cúng cho các Tỳ-kheo.

Khi ông Trưởng giả xuống xe, dân chúng vây quanh rất đông và biết sự việc trên, họ rất cơ hiềm: “Tuy Tỳ-kheo ni này dâng cúng hết lòng, không so tính, nhưng người thọ nhận phải biết suy nghĩ chứ! Bọn người này thường nói thiểu dục, tri túc nhưng lại tham lam, nhận thức ăn của người đồng đạo cúng dường khiến cho cô ni phải khốn đốn thế này!”.

Lời oán trách này đến tai các Trưởng lão Tỳ-kheo, bằng cách vạch rõ các sai lầm cho các Tỳ-kheo đương sự thấy, sau đó bạch lên Phật. Trước Tăng, sau khi quở trách, Phật dạy:

- Nay Ta vì các Tỳ-kheo kiết pháp Ba-la-đề đề-xá-ni. Từ nay, giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào đến Tỳ-kheo ni nhận thức ăn thì Tỳ-kheo ấy nên hướng đến các Tỳ-kheo nói lên lời hối tội: Tôi bị phạm vào pháp đáng quở trách, nay hướng đến các Ðại đức nói lên lời ăn năn.” Như vậy gọi là pháp hối quá.

Giới này về sau tuỳ khai, cho phép Tỳ-kheo nhận thức ăn của Tỳ-kheo ni bà con, và Tỳ-kheo bệnh được nhận thức ăn của Tỳ-kheo ni không phải thân tộc.

YẾT-MA HỌC GIA

Lúc bấy giờ, đức Phật ở tại nước Câu-xá-di, chuyện xảy ra như sau:

Trưởng giả Cù-sư-la có lòng tin kính Phật pháp sâu đậm, nhận thức được pháp và đắc quả, thường cúng dường Phật và Tỳ-kheo Tăng. Sau một thời gian dài, kinh tế Cù-sư-la suy sụp, dẫn đến phá sản kiệt quệ. Bà con quen biết gia đình Trưởng giả đều mang thức ăn đến cứu đói. Dù vậy, các Tỳ-kheo vẫn đến nhà ông ta lấy thức ăn đầy bát mang đi. Người trong gia đình Cù-sư-la không chịu nổi sự đói khổ. Kẻ láng giềng thấy vậy, đều cơ hiềm rằng: “Người bố thí tuy không nhàm chán, nhưng kẻ thọ nhận phải biết thế nào là đủ chứ! Tại sao vì miếng ăn mà làm tổn hại đến gia đình người ta?! Tài sản của họ khánh tận, chúng ta mang thức ăn đến cứu giúp họ, cớ sao Tỳ-kheo vẫn đến cắt xén phần ăn của người ta?! Không có hạnh Sa-môn, phá pháp Sa-môn”.

Lời chỉ trích này đến tai các Trưởng lão Tỳ-kheo, các vị quở trách, rồi bạch Phật.Trước Tăng, Ngài dạy:

- Nay Ta cho phép các Tỳ-kheo vì Trưởng giả Cù-sư-la tác pháp Học gia3bằng bạch nhị Yết-ma, không cho phép một Tỳ-kheo nào đến nhà Trưởng giả ấy. Nên sai một Tỳ-kheo xướng lên giữa Tăng:

“Ðại đức Tăng xin lắng nghe! Trưởng giả Cù-sư-la này, do các Tỳ-kheo thường lui tới nhà ông ta nhận các thức ăn đầy bát mang về, không lưu lại cho chủ, đến nỗi gia đình này tài vật dẫn đến khánh kiệt. Nay tác pháp Học gia Yết-ma, không cho phép bất cứ Tỳ-kheo nào đến nhà ấy. Nếu Yết-ma này là thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận thì đây là lời thưa”.

Lại Yết-ma chung quyết:

“Ðại đức Tăng xin lắng nghe! Trưởng giả Cù-sư-la này do các Tỳ-kheo thường lui tới nhà ông ta nhận thức ăn đầy bát mang về, không lưu lại cho chủ, đến nỗi gia đình Trưởng giả tài vật dẫn đến khánh kiệt. Nay tác pháp Học gia Yết-ma, không cho phép bất cứ Tỳ-kheo nào đến nhà ông ta. Các Trưởng lão nào chấp thuận thì im lặng. Vị nào không chấp thuận thì xin nói... Tăng đã đồng ý tác pháp Học gia cho Trưởng giả Cù-sư-la rồi. Vì Tăng đồng ý nên im lặng. Việc như vậy phải nghiêm chỉnh thi hành đúng như vậy”.

Ðể tránh trường hợp như đã xảy ra, các Tỳ-kheo lại tác pháp Yết-ma Học gia cho các nhà khác, rồi bạch Phật. Ðức Phật dạy:

- Không cho phép tác pháp Yết-ma Học gia cho các nhà khác một cách bừa bãi. Nếu vợ là Thánh nhơn, chồng là phàm phu; hay vợ là phàm phu, chồng là Thánh nhơn đều không nên tác pháp Yết-ma Học gia. Trường hợp cả vợ lẫn chồng đều là bậc Thánh, không còn tâm bỏn sẻn, mà tài vật khánh tận thì mới tác pháp Học gia Yết-ma.

Sau đó, Trưởng giả Cù-sư-la rất ngạc nhiên không thấy một vị Tỳ-kheo nào đến nhà mình nữa, nên ông đến Tăng phường thưa với các Tỳ-kheo:

- Tôi quy ngưỡng ba ngôi báu, chứ đâu có cầu mong phước điền nào khác. Xin các Ðại đức hoan hỷ lui tới nhà con để con được học hỏi.

Lời yêu cầu này được các Tỳ-kheo bạch lên Phật. Phật cho phép đến. Các Tỳ-kheo đến thăm nhưng từ chối không nhận thức ăn cúng dường của Cù-sư-la. Sau đó, các Tỳ-kheo bạch lên Phật lời thỉnh mời của Cù-sư-la xin cúng thức ăn cho Tăng. Ðức Phật lại cho phép Tỳ-kheo đến thăm và nhận thức ăn chỉ một phần ba bình bát.

Tuy sự cúng dường lần này có mức độ, song vì do Tăng đến thăm đông nên gia đình Trưởng giả kiệt quệ nặng hơn trước.

Khi sự việc này trình lên Phật, và trước Tăng Ngài kiết pháp Ba-la-đề-đề-xá-ni như vầy:

- Có các Học gia, Tăng đã tác pháp Yết-ma Học gia; nếu Tỳ-kheo nào nhận thức ăn nơi các Học gia đó thì nên đến các Tỳ-kheo khác nói lên lời hối tội rằng: “Tôi bị phạm vào phép đáng quở trách. Nay đến các Ðại đức nói lời ăn năn”. Như vậy gọi là pháp Hối quá.

Giới này sau đó tuỳ khai, cho phép Tỳ-kheo bệnh nhận không phạm, cũng như một vài trường hợp tế nhị khác.

Ðức Phật còn dạy các Tỳ-kheo tìm phương tiện giúp đỡ những gia đình Học gia bị khánh tận, cụ thể như: Tăng có ruộng vườn nên cho họ quản lý để họ nhờ phần thặng dư. Nếu không có ruộng vườn, khi Tăng có món cúng dường nào khác thì khiến Học gia kia làm sứ giả để họ nhờ phẩm vật dôi ra. Nếu phương tiện này vẫn không có thì khi đi khất thực về, nên đến nhà họ ăn, để bớt thức ăn cho họ. Nếu không thể thực hiện được thì nên đem họ về Tăng phường cung cấp phòng nhà, tọa cụ, theo thứ tự cho họ; thức ăn, nước uống phi thời cũng nên cho họ. Nếu có nhận được vải, nên chia phần cho họ. Ðối với các phụ nữ của nhà Học gia, các Tỳ-kheo ni cũng nên liệu lý như vậy.

CẦN PHẢI HỌC1

* Ðức Phật cùng với năm trăm đại Tỳ-kheo Tăng du hóa tại nước Bà-giàø2. Ngày ấy, đại Tăng đến núi Thủ-ma-la3, trú ngụ trong rừng Khủng Bố 4.

Bấy giờ, thái tử Bồ Ðề Vương mới xây xong một giảng đường tại núi này, nhưng chưa có vị Sa-môn, Bà-la-môn nào ngồi vào trong đó. Thái tử nghe đức Phật đến núi này, trú tại rừng Khủng Bố, bảo Ma-nạp5Tát-xà-tử:

- Người nhân danh ta đến thăm hỏi đức Thế Tôn, xem Ngài có được khỏe, ít buồn phiền, đi đứng có được nhẹ nhàng không? Và thưa: Ta đã lập xong một giảng đường tại núi này, chưa có ai ngồi vào trong đó. Cúi xin đức Thế Tôn cùng chúng Tăng đến, trước ghi nhận giảng đường này, sau tại đây xin được cúng dường một bữa cơm đạm bạc, nhằm cho ta được an ổn lâu dài. Ðức Phật dạy thế nào, ta trân trọng làm theo thế ấy. Người đến bạch Phật như vậy rồi trở về gấp báo cáo với ta kết quả.

Ma-nạp đi đến chỗ Phật đầu mặt đảnh lễ sát chân Ngài rồi đứng lui qua một bên, thưa đầy đủ lời mời thỉnh của thái tử. Ðức Phật im lặng nhận lời. Ma-nạp Tát-xà-tử vội lui về.

Suốt đêm hôm ấy, thái tử cho sắm sửa nhiều thức ăn ngon bổ. Sáng ra, thái tử tự tay đưa các thức ăn đến giảng đường. Bên trong và bên ngoài giảng đường đều trải vải nhiều màu sắc. Ðến giờ, thái tử đến thỉnh Phật và Tăng quang lâm giảng đường. Ðức Phật cùng với năm trăm Tỳ-kheo, kẻ trước người sau bao quanh đức Phật, đến giảng đường đứng trên các bậc cấp của lối đi. Thái tử để trống vai bên phải, đầu gối bên phải chấm sát đất, chấp tay bạch Phật:

- Kính thỉnh đức Thế Tôn bước lên giảng đường sơ sài này để con được thọ nhận sự an lạc lâu dài.

Ðức Phật không nhận lời bước lên, cho đến ba lần thỉnh. Ngay sau lần thỉnh cuối, đức Phật xoay người nhìn thẳng Tôn giả A-nan. Tôn giả liền hiểu được ý nghĩa của Phật nên nói với thái tử:

- Nên cho cuốn thảm vải nhiều màu này, đức Phật không bước lên trên thảm, vì lòng thương đối với đời sau.

Thái tử liền ra lệnh cuốn thảm, rồi như trước thỉnh Phật. Nhận lời, đức Phật và chúng Tăng đều bước lên giảng đường và an tọa vào chỗ ngồi đã được sắp xếp đâu vào đó. Thái tử tận tay dâng cúng thức ăn. Các Tỳ-kheo lấy một ngón tay, hoặc hai ngón tay nắm bình bát đưa ra nhận thức ăn. Cử chỉ này làm bát bị rơi, thức ăn đổ xuống nhớp cả nền nhà bằng thủy tinh. Các Cư sĩ thấy vậy, cơ hiềm nói:

- Các Tỳ-kheo này láu táu giống như những người đóng trò cười, đùa giỡn.

Các Tỳ-kheo đem việc này bạch Phật. Ðức Phật dùng nhiều nhân duyên quở trách rồi Ngài chế giới: “Khi nhận thức ăn, Tỳ-kheo phải hết sức chú tâm. Ðây là oai nghi cần phải học”.

* Trong việc ăn uống, đâu phải Tỳ-kheo nào cũng có ý tứ. Hơn nữa, đâu phải việc khởi đầu nào cũng đều hoàn chỉnh cả? Cho nên việc xảy ra là một bài học cần phải học.

Bữa ăn nọ có các Tỳ-kheo ngậm thức ăn không nuốt, đến nỗi thức ăn núng ra, phồng lên hai bên má. Các Cư sĩ thấy vậy, cơ hiềm nói:

- Các Tỳ-kheo ăn như khỉ.

Lại có các Tỳ-kheo duỗi dài cánh tay lấy thức ăn, liền bị Cư sĩ nói mỉa:

- Các Tỳ-kheo thò tay lấy thức ăn như con voi lấy vòi cuốn thức ăn.

Lại có Tỳ-kheo chấn tay6mà ăn. Các Cư sĩ bảo:

- Các Tỳ-kheo này ăn giống con voi rảy cái vòi.

Lại có Tỳ-kheo ăn bằng cách nuốt trộng thức ăn. Lại vò lọn cơm quăng vào miệng. Cư sĩ lắm lời phê phán mỉa mai tư cách ăn của Tỳ-kheo.

Ðức Phật ngụ ở thành Vương-xá. Các sự việc trên được bạch lên Ngài, trước Tăng Ngài dạy bảo và chế giới:

- Không được ăn để búng má, không được duỗi tay ăn.v.v... Cần phải học.

* Lúc bấy giờ, đức Phật trú ngụ trong thành Vương-xá. Có Tỳ-kheo thuyết pháp mà đối tượng lại là người mang guốc, dép. Các Cư sĩ thấy vậy, cơ hiềm nói:

- Giáo pháp tôn quý, vi diệu đệ nhất, người nghe lại thiếu tôn trọng, mang guốc dép đứng nghe. Ấy vậy mà Tỳ-kheo cũng vì họ nói pháp, rõ ràng khinh mạn quá!

Vì sự chỉ trích này, đức Phật chế giới:

- Không vì người mang guốc dép nói pháp, cần phải học.

Giới này về sau được mở ra, có thể vì người bệnh mang dép nói pháp.

Một điểm tế nhị nữa: Nếu có nhiều người mang guốc, dép, giày... mà không thể bảo họ cởi ra được thì xem người nào đó không mang, nói pháp hướng về họ để nói, người kia nghe thì không phạm giới này.

Có đến 100 pháp cần phải học. Ở đây chỉ dẫn ra vài mẫu chuyện tiêu biểu để thấy sự giáo dục của Phật đi từ thô thiển đến oai nghi vi tế, là một chặng đường dài công phu học tập và rèn luyện.

(Hết phần duyên khởi giới bổn của Tăng)

TRÁI TÁO KHÔ1

Lúc bấy giờ, bà Tỳ-xá-khư có người con rể tên là Lộc Tử. Lộc Tử kính trọng bà Tỳ-xá-khư như kính trọng mẹ đẻ của mình. Người bấy giờ gọi bà Tỳ-xá-khư là Tỳ-xá-khư Lộc Tử Mẫu. Lộc Tử có người cháu tên là Thi-lợi-bạt. Thi-lợi-bạt lại phải lòng Tỳ-kheo ni Thâu-la-nan-đà.

Ngày ấy, Thi-lợi-bạt thỉnh Tỳ-kheo ni Tăng thọ trai. Tỳ-kheo Thâu-la-nan-đà cáo bệnh không đến dự, ở lại trú xứ coi chùa cùng với một Sa-di nhỏ. Ðến giờ thọ trai, Tỳ-kheo ni Tăng đều tập trung về nhà Thi-lợi-bạt. Thi-lợi-bạt tự tay san sớt thức ăn, rồi hỏi:

- Tại sao Thâu-la-nan-đà không đến?

Các Tỳ-kheo ni tham dự thọ trai trả lời:

- Cô ấy bị bệnh, Tăng sai ở lại trú xứ giữ chùa, cho nên không đến dự được.

Thi-lợi-bạt vội sớt cơm, san thức ăn cho quý sư ni xong, liền đến chùa. Gặp cô ni, Thi-lợi-bạt hỏi:

- Cô bị bệnh thế nào?

- Xương cốt đau nhức rã rời cả! -Thâu-la-nan-đà trả lời.

Thi-lợi-bạt ngõ ý muốn đấm bóp cho cô ta. Ni Thâu-la-nan-đà liền bảo:

- Cho phép ông đấm bóp toàn thân thể, nhưng không được hành dục.

Ðấm bóp xong, Thi-lợi-bạt hỏi:

- Cô cần dùng thứ gì?

- Tôi cần táo khô. -Cô ni trả lời.

Thi-lợi-bạt liền đi mua táo khô đem về. Cô ni cầm trái táo, hỏi:

- Ông thấy trái táo khô này không?

- Vâng, tôi có thấy. - Thi-lợi-bạt trả lời.

Tỳ-kheo ni nói:

- Người nào cái tâm bị ràng buộc nơi chỗ không thể hành dục được thì tinh thần bị teo tốp lại như trái táo khô này vậy.

Qua ví dụ này, khiến cho hai người như hiểu ra và bằng nhiều cách hai thân tiếp cận, cọ xát lên nhau, rồi Thi-lợi-bạt ra về.

Các Tỳ-kheo ni thọ trai xong, trở về. Khi đến cổng thấy phía xa kia Thi-lợi-bạt đi ra. Các Tỳ-kheo ni sanh nghi, hỏi Thâu-la-nan-đà:

- Không lẽ cô phá phạm hạnh sao?

- Tôi không phá phạm hạnh, chỉ cùng với người nam hai thân xúc chạm nhau thôi.

Sa-di nhỏ kia cũng nói đúng như vậy.

Việc này được các Tỳ-kheo ni bạch lên đức Phật. Trước Tăng, Thâu-la-nan-đà thú tội. Ðức Phật quở trách nặng nề và Ngài kiết giới cấm ngặt cách hành sự như thế. Ðức Phật chế giới này tại thành Xá-vệ.

Phạm giới này là một trong tám pháp Ba-la-di, Tỳ-kheo ni bị đuổi ra khỏi Tăng chúng.

MỘT TRỌNG TỘI

Chuyện sau xảy ra lúc đức Phật lưu trú tại thành Xá-vệ.

Tỳ-kheo ni Tu-hưu-ma và Tỳ-kheo ni Bà-phả kết thân với nhau và cũng biết về nhau quá rõ. Sau đó, Tỳ-kheo ni Bà-phả qua đời, Tỳ-kheo ni Tu-hưu-ma buồn rầu, khóc lóc. Các Tỳ-kheo ni nói:

- Cô đừng khóc thảm thiết như vậy, tất cả pháp hữu vi đều phải tiêu hoại. Như đức Phật đã dạy: ái ân biệt ly, chứ đâu tồn tại mãi! Các pháp hữu vi mà không hư hoại, không tan rã là điều không thể có.

Tỳ-kheo ni Tu-hưu-ma nói:

- Không phải tôi vì cô ấy mà khóc, khóc là bởi lúc sanh tiền cô ta không tu phạm hạnh.

- Tại sao cô biết? -Các Tỳ-kheo ni hỏi.

- Vì cô ta cùng đi với tôi, chính tôi thấy cô ta làm việc dâm dục với nam tử. -Tu-hưu-ma bộc lộ như thế.

Các Tỳ-kheo ni quở trách rằng:

- Tại sao lúc cô ấy còn sống lại che giấu tội của cô ta. Bây giờ cô ấy chết rồi, cô lại đem chuyện ấy nói ra để thú tội sao?

Các Trưởng lão Tỳ-kheo ni bằng mọi cách nghiêm khắc quở trách, rồi bạch lên Phật.

Trước hai bộ Tăng, đức Phật kiết giới như sau:

- Tỳ-kheo ni nào thấy Tỳ-kheo ni phạm tội Ba-la-di mà che giấu. Tỳ-kheo ni kia sau đó còn sống hay đã chết, hoặc đi xa, hay bị tẫn xuất, hoặc thôi tu, hay thay đổi giới tính, khi ấy mới nói: “Trước đây chính tôi thấy cô ni kia phạm tội Ba-la-di”. Tỳ-kheo ni nào như vậy, phạm tội Ba-la-di, không được sống chung.

HẮC-LY-XA1

Bấy giờ trong dòng họ Thích, người ta lập quy ước: “Chúng ta không kết hôn với người thứ dân. Nếu ai vi phạm sẽ bị trọng tội”.

Ðằng sau quy chế ấy, có người đàn bà tên là Hắc-ly-xa chết chồng. Ông em chồng muốn lấy chị dâu làm vợ, góa phụ Hắc-ly-xa không đồng ý. Ông ta ba lần ngõ xin đều bị chị chồng từ chối, lại có suy nghĩ: “Chắc cô này có ngoại tình, ta sẽ giết bỏ”. Ông ta giở trò ma mảnh, bảo người chị dâu như vầy:

- Tôi vì anh tôi tổ chức cuộc lễ, chị vì chồng nên đến thắp hương.

Nghe theo lời, bà ta đến. Sau đó, ông em chồng phục rượu cho bà ta uống say mèm, rồi giở trò cưỡng hiếp xong, gây thương tích, đánh cào lên thân thể bà ta. Ngay sau đó, ông ta báo cáo với nhà quan rằng:

- Hắc-ly-xa là vợ tôi. Nay nó tư thông với người ngoài.

Nhà quan liền phát lệnh truy nã bắt bà ta.

Sau khi tỉnh rượu, thấy thân thể chỗ nào cũng bị thương tích, bà ta suy nghĩ: “Ông này âm mưu giết ta”. Bà liền trốn thoát chạy về thành Xá-vệ, đến trú xứ Tỳ-kheo ni, xin xuất gia học đạo.

Nhà quan truy tầm không được nhưng biết phạm nhân đã chạy đến thành Xá-vệ, bèn gửi ngay công hàm đến vua Ba-tư-nặc, với nội dung: “Trong nước tôi có người đàn bà phạm tội đáng chết, trốn thoát vào nước Ngài, xin Ngài giao lại cho nước chúng tôi. Nếu quý quốc có kẻ phạm tội chạy qua nước tôi, tôi cũng cho dẫn độ”.

Nhận công hàm, vua Ba-tư-nặc liền hỏi các quan tả hữu:

- Có người đàn bà như vậy vào nước ta không?

Các quan tâu:

- Có thật, nhưng các Tỳ-kheo ni đã độ cho họ học đạo rồi. Vì nhà vua trước đây có ban lệnh: “Trong nước ta, ai xâm phạm Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ni sẽ bị trọng tội”. Như vậy, người đàn bà ấy đã xuất gia nên không ai dám hủy nhục.

Nhà vua bèn phúc đáp: “Sự thật có người đàn bà như vậy chạy vào trong nước tôi, nhưng nay đã xuất gia, không nên truy tội. Nếu có trường hợp khác, tôi sẽ cho giao hoàn”.

Dòng họ Thích bèn cơ hiềm nói:

- Người có tội như vậy mà không bắt để trị, nước ta sẽ loạn thôi! Các Tỳ-kheo ni tại sao không biết người nào có thể độ, người nào không thể độ, sao lại độ như vậy?! Họ không có hạnh Sa-môn, phá pháp Sa-môn.

Việc này sau đó được đưa ra hai bộ Tăng. Ðức Phật chế giới: “Tỳ-kheo ni nào biết người nữ có tội (người chủ không cho phép) mà độ là phạm Tăng-già-bà-thi-sa, cần phải hối quá. Trừ người kia trước đã xuất gia”.

KIỆN TỤNG - MỘT BÀI HỌC

Bấy giờ, có một Trưởng giả đem một căn nhà cúng cho Tỳ-kheo Tăng. Sau đó Tỳ-kheo Tăng đổi cho Tỳ-kheo ni để lấy khu rừng An-đà2. Vào thời gian ấy, Mạt-lợi phu nhân lại đem ngôi vườn của nhà vua cúng cho Tỳ-kheo ni Tăng. Tỳ-kheo ni Tăng giở cái nhà cũ kia đem cất nơi vườn của nhà vua. Ngôi nhà cũ trở thành đất trống.

Qua một thời gian, con ông Trưởng giả cúng nhà trước kia nảy ra ý nghĩ: “Xưa kia cha ta cúng cho Tăng, Tăng đem đổi cho ni, nhưng các Tỳ-kheo ni không ở nơi đó, giở nhà đi, bỏ đất trống. Ta nên lấy lại để canh tác”. Thế là ông ta thực hiện ngay việc lấy lại đất. Các Tỳ-kheo ni nói:

- Ông đừng lấy đất của Tăng.

Con ông Trưởng giả trả lời:

- Tuy xưa kia cha tôi cúng cho Tăng, Tăng không sử dụng, nên nay thuộc về của tôi.

- Chúng tôi không bỏ miếng đất đó. Nếu ông lấy, tôi kiện, ông bị vua tịch thu thì đừng trách! - Các Tỳ-kheo ni trả lời như thế.

Dù vậy, ông ta vẫn không trả đất lại cho ni.

Chư ni kiện đến quan, quả thật ông ta bị tịch thu tài sản. Các Cư sĩ thấy thế, cơ hiềm chỉ trích:

- Tại sao các Tỳ-kheo ni này lại đến quan kiện tụng, làm cho người ta bị tịch biên tài sản như thế?! Bọn này nhận của người ta cúng dường mà còn đối xử như vậy, huống là đối với người khác. Không có hạnh Sa-môn, phá pháp Sa-môn.

Việc này đến tai các Trưởng lão Tỳ-kheo ni, họ quở trách rồi bạch lên Phật. Trước hai bộ Tăng, sau khi kiểm vấn, đương sự xác nhận sự thật, đức Phật chế cấm Tỳ-kheo ni không được đến quan kiện tụng. Ðức Phật chỉ cho việc giải quyết là nhờ Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ni, nhờ cha mẹ, bà con, nhờ cư sĩ.v.v...

DỤ KHỊ

Bấy giờ có một người khách buôn, vợ chết, ông ta có ý nghĩ: “Nên đến đâu để tìm người vợ lý tưởng khác?!”.

Trong hàng Tỳ-kheo ni, Tu-ma là đệ tử của Tỳ-kheo ni Chiên-trà-tu-ma-na, có nhan sắc đẹp tuyệt vời. Người khách buôn chỉ một lần nhìn thấy Tu-ma liền đem lòng say đắm cô ta và nghĩ ngay đến cách chiếm đoạt làm vợ.

Ngày ấy, người khách buôn tìm cách tiếp cận Tu-ma, và khi tiếp cận được, ông ta nhã nhặn nói:

- Nếu cô cần bơ, dầu, mật, đường phèn, bồ-xà-ni3, khư-xà-ni, xin cứ đến tôi mà nhận.

Cô ni Tu-ma cứ tình thật nghe lời mời, đến nhà người khách buôn để nhận các loại thức ăn này. Sau khi trở thành quen thân gần gũi, ông ta hỏi Tỳ-kheo ni:

- Cô có biết tôi cúng cho cô thức ăn với ý nghĩ thế nào không?

- Ông vì cầu phước nên cho tôi ăn. - Tu-ma trả lời.

- Không phải việc ấy đâu! Vì tôi chết vợ, thấy cô tu hành thanh tịnh nên đem lòng say đắm, yêu mến cô. Cô có thể thỏa mãn được ý muốn của tôi không?

- Không thể được, dứt khoát là không thể được. - Tu-ma trả lời.

- Cô làm vợ tôi, tôi sẽ cho những đồ quý báu, y phục sang trọng đắc giá, ăn uống theo lúc, không bao giờ thiếu thốn!

Cô ni Tu-ma một mực từ chối thẳng thừng. Những người khách buôn khác yểm trợ ông ta, lại đánh ngay vào chỗ yếu của cô ni bằng lời lẽ hiểm:

- Nếu cô không muốn làm vợ người ta, sao cô lại nhận thức ăn tốt của họ? Nếu quả thật cô cứ khăng khăng “không thể được” thì đoạt sạch y, bát của cô bây giờ.

Có người trong bọn họ như thấy nguy, liền bảo đồng bọn:

- Phải giải tán ngay, đừng để người ta nghe. Nếu nhà vua biết được, chắc chúng ta bị trọng tội.

Các Cư sĩ biết chuyện này, rất bất mãn, hiềm hận nói:

- Tại sao Tỳ-kheo ni lại nhận thức ăn của người nam háo sắc tham dâm?! Hạng người này không có hạnh Sa-môn, phá pháp Sa-môn!

Sự việc này, các Trưởng lão Tỳ-kheo ni biết, nghiêm khắc quở trách Tu-ma, sau đó đưa ra giữa hai bộ Tăng. Ðức Phật chế giới cấm Tỳ-kheo ni nhận thức ăn của người nam tử có tâm nhiễm trước và hình thức xử trị nếu phạm.

Tôn giả Ưu-ba-ly lại thưa hỏi Thế Tôn:

- Bạch Thế Tôn, Thế Tôn đã vì Tỳ-kheo kiết giới: “Tỳ-kheo ác hạnh làm hoen ố nhà người, làm các việc làm không phải hạnh của Tỳ-kheo đối với xóm làng, và việc xử trị tội này là Tăng-già-bà-thi-sa”. Trước việc làm như vậy, con phải nhận thi hành như thế nào đối với Tỳ-kheo ni?

Ðức Phật dạy:

- Cả hai bộ Tăng nên thọ trì. Từ nay giới trên được nói như sau:

“Tỳ-kheo ni nào nương ở nơi xóm làng, lại hành động xấu xa làm hoen ố nhà người. Hành động xấu xa này ai cũng biết, cũng nghe thấy; làm hoen ố nhà người ai cũng biết, cũng nghe thấy. Các Tỳ-kheo ni nói với các Tỳ-kheo ni ấy rằng: “Cô hành động xấu xa, làm hoen ố nhà người, mọi người ai cũng thấy, cũng nghe biết. Cô nên đi ra khỏi chỗ này, không nên ở đây nữa”.

Tỳ-kheo ni kia lại chống chế, nói: “Các cô tùy tiện xử lý việc theo cảm tính thương, ghét, si, sợ. Vì sao vậy? - Bởi lẽ có Tỳ-kheo ni đồng tội như vậy, có người bị đuổi, có người không bị đuổi”.

Các Tỳ-kheo ni nên nói với Tỳ-kheo ni ấy rằng: “Cô đừng nên nói rằng:‘Các cô tùy tiện xử lý việc theo thương, ghét, si, sợ. Có các Tỳ-kheo ni đồng tội mà người bị đuổi, người không bị đuổi ’. Cô hành động xấu xa làm hoen ố nhà người. Hành động xấu xa ai nấy đều thấy, đều nghe biết; làm hoen ố nhà người, mọi người đều thấy, đều nghe biết. Cô nên bỏ lối nói cường điệu ấy đi. Cô nên rời khỏi chỗ này, không nên ở đây nữa”.

Khi can gián như vậy, mà cô ta ngoan cố không bỏ thì nên can gián lần thứ hai, lần thứ ba. Lần thứ hai, lần thứ ba can gián bỏ thì tốt, không bỏ thì Tỳ-kheo ni, phạm Tăng-già-bà-thi-sa, cần phải hối quá.

SAO LẮM CHUYỆN THẾ?!1

Bấy giờ, Tỳ-xá-khư Mẫu phát tâm cúng cho Tỳ-kheo ni Tăng đồ mặc2khi có nguyệt thủy3. Bà sai người đến đo kích cỡ để may. Chư ni, ai cũng để cho đo, riêng Thâu-la-nan-đà không cho đo, lại nói với người thừa lệnh rằng:

- Tôi đã ly dục, không còn nguyệt thủy, không cần đồ mặc ấy.

Sau khi may xong, Tỳ-xá-khư Mẫu cho người mời chư ni đến nhận. Tỳ-kheo ni Thâu-la-nan-đà ngày ấy lại có nguyệt thủy, bèn đến nhận trước. Theo thứ tự, các Tỳ-kheo ni nhận y, y bị thiếu. Có vị ni hạ tọa không nhận được y. Tỳ-xá-khư Mẫu hỏi:

- Chư ni nhận đủ hết chỗ y chứ?

- Thiếu y hạ tọa, không còn y để nhận. - Một vị trả lời.

- Tại sao vậy? - Tỳ-xá-khư hỏi.

- Vì Thâu-la-nan-đà trước đây nói không cần nên không cho đo cỡ, nay lại đến lấy trước, thiếu là vậy. - Cô ni hạ tọa trả lời.

- Tại sao trước nói không cần, nay lâm sự lại đến lấy trước, làm cho người khác phải thiếu! Thật lắm điều! - Tỳ-xá-khư bực dọc nói.

Tỳ-kheo ni Thâu-la-nan-đà sau đó bị các Tỳ-kheo ni quở trách và dẫn đến việc chế cấm.

Bấy giờ Tỳ-kheo ni Thâu-la-nan-đà thường ra vào vương cung của vua Ba-tư-nặc. Nhà vua nói:

- Thưa cô, cô cần gì cứ đến tôi nhận.

- Tôi cần trọng y4. -Thâu-la-nan-đà xin vua.

- Cô đến hậu cung nhận. -Vua bảo.

- Tôi muốn chiếc y Khâm-bà-la5vua đang mặc.

Nhà vua liền trao cúng.

Các quan thấy vậy, cơ hiềm nói:

- Tỳ-kheo này xuất gia trong pháp vô vi, mặc áo cắt rọc, nay tại sao lại đòi xin áo vua đang mặc? Tuy nhà vua không tiếc, nhưng người xin phải tự lượng sức mình chứ! Bọn người này thường nói ít ham muốn, biết vừa đủ, mà nay không nhàm chán, không có hạnh Sa-môn, phá pháp Sa-môn.

Khi ấy, Tỳ-kheo ni Hắc-ly-xa được các Ly-xa6ở Tỳ-xá-ly cung kính cúng dường, vì mọi người khi bị kiện thưa, nhờ cô ta giúp đỡ nên các bị cáo hoan hỷ nói:

- Chúng ta nhờ cô ni mà được khỏi tội. Nay hỏi cô cần thứ gì, chúng ta cùng nhau cung phụng.

Các bị cáo đến tạ ơn, được các Tỳ-kheo ni Hắc-ly-xa bày tỏ nhu cầu:

- Tôi cần trọng y tốt nhất.

- Cô cần loại trị giá bao nhiêu? - Các thân chủ hỏi.

- Tôi cần loại giá một ngàn tiền. Các ni trả lời

Nghe yêu cầu vượt mức này, họ lại cơ hiềm chỉ trích:

- Chúng ta dùng phí tổn cho việc kiện thưa, dù có gấp năm, sáu lần hơn cũng không bằng với ngân khoản này. Bọn này thường nói tri túc, thiểu dục mà nay lại đòi hỏi thái quá thì còn gì là kẻ tu hành, không hạnh Sa-môn, phá pháp Sa-môn.

Qua lời chỉ trích, các Trưởng lão Tỳ-kheo ni quở trách rồi bạch Phật. Nhân việc này đức Phật tập hợp Tỳ-kheo ni Tăng, Ngài chế giới: “Tỳ-kheo ni nào xin trọng y thì nên nhận lấy loại kém giá trị nhất, ngang với bốn đại tiền7mà thôi, nếu nhận trọng y quí giá, phạm Ni-tát-kỳ ba-dật-đề”.

TỎI HÔI LẮM1

Bấy giờ, các Tỳ-kheo ni ăn tỏi sống và tỏi chín trước ngọ, sau ngọ; hoặc ăn riêng tỏi, hoặc ăn với thức ăn, mùi tỏi làm hôi hám phòng xá. Các Cư sĩ đến thăm, nghe mùi tỏi, bất mãn nói:

- Ở đây giống hệt nhà bếp của người đời.

Lại có Tỳ-kheo ni đến nhà người Trưởng giả nọ, Trưởng giả nghe mùi hôi của tỏi từ cô ta, liền nói:

- Cô đi ra khỏi chỗ này, vì miệng cô hôi tỏi quá!

Các Tỳ-kheo ni rất lấy làm xấu hổ.

Lại có một người buôn tỏi, đem tỏi cúng cho các Tỳ-kheo ni. Do việc cúng này mà đời sống kinh tế của người buôn tỏi kia giảm sút lần. Khẩu phần ăn uống lại bớt đi. Người ăn kẻ ở trong gia đình nói:

- Nếu không thể cung cấp tốt sự sống cho chúng tôi thì để chúng tôi đi tìm sự sống nơi khác. Hai ông bà dài lưng ra mà làm đầy tớ cho bọn Tỳ-kheo ni kia mà thôi!

Người hàng xóm nghe lời than vãn này, chê trách rằng:

- Nhà ông bà đã không đủ ăn, tại sao còn phải nuôi các Tỳ-kheo ni làm gì?!

Nhân lời chỉ trích này, nhà buôn kia tâm sự, trình bày sự thật cúng tỏi đã xảy ra. Những người không kính trọng Phật pháp nhân đó nói:

- Do ông bà gần gũi Tỳ-kheo ni nên mới đưa đến tình trạng khổ nghèo như thế. Nếu còn tiếp tục gần gũi họ sẽ khổ nhiều hơn nữa. Những người xuất gia chủ yếu là cầu giải thoát, mà nay tham đắm món ngon vật lạ, không có hạnh Sa-môn, phá pháp Sa-môn.

Các Trưởng lão ni quở trách các Tỳ-kheo ni đương sự, dẫn đến việc đức Phật chế cấm ăn tỏi.

XIN TRÁNH XA RA!

Bấy giờ, các Tỳ-kheo ni dạo xem cung điện nhà vua, xem phòng triển lãm, rồi du lãm các nơi vui đùa, đến vườn hoa xem hoa thơm, cỏ lạ, ngắm cảnh thiên nga bơi trong ao nước. Ở chỗ nào cũng rất đông người xem cảnh, có nơi chen lấn nhau... Tỳ-kheo ni nói với các trang nam tử rằng:

- Xin các ông tránh chúng tôi ra một tý, đừng đến gần quá!

- Hạng người xui xẻo trọc đầu này, đã mặc áo cắt rọc thì không nên đến đây; mà đã đến đây thì có ý muốn tìm đàn ông, tại sao lại bảo chúng ta tránh xa?

Các nam tử chọc phá. Thế rồi các nam tử bèn nắm tay các cô ni lôi kéo, trêu ghẹo nói lời thô tục, dâm dục.

Các ni chỉ còn biết cúi mặt lui về.

Việc này các ni đương sự bị các Ni Trưởng lão quở trách nặng nề và dẫn đến việc đức Phật chế giới cấm.

NỮ KÊ TÁC QUÁI

Hồi ấy, Tỳ-kheo ni Sai-ma qua đời, các Tỳ-kheo ni xây tháp thờ cốt trong Tăng phường của Tỳ-kheo. Mỗi ngày ba lần, quyến thuộc của Sai-ma đến đi quanh khóc kể:

- Người cho tôi pháp, người cho tôi y thực, sàn tọa, tọa cụ, y dược,... chỉ mới đây thôi, nay sao vĩnh biệt chúng tôi?!

Các Tỳ-kheo bực bội về sự ồn ào vô lối này, khiến việc hành đạo, tọa thiền của các thầy bị trở ngại. Khi ấy, Ưu-ba-ly lại đến Tăng phường này, ông hỏi các thầy cựu trú Tỳ-kheo:

- Tiếng gì ồn ào vậy?

Các cựu trú Tỳ-kheo trình bày sự việc đã xảy ra. Ưu-ba-ly liền sai người đập phá tháp kia. Thấy sự đập phá các Tỳ-kheo ni cùng nhau bàn luận: “Mỗi ngày chúng ta đều phải cầm gậy đến đánh Tỳ-kheo Ưu-ba-ly. Nếu có cô nào không đi là bị loại ra khỏi chúng”.

Họ kéo đến Tăng phường, nhưng không tìm ra đối tượng, nên lại kéo về. Họ tiến đến một ngõ hẻm, gặp Ưu-ba-ly, liền trước sau giàn trận chận đường, áp sát đánh Ưu-ba-ly. Liền lúc ấy, Ưu-ba-ly vận thần lực bay lên hư không, rồi đến thẳng chỗ Phật, bạch lên Ngài đầy đủ sự việc đã xảy ra. Nhân việc này, đức Phật cho tập hợp hai bộ Tăng, hỏi các Tỳ-kheo ni:

- Thật sự các ni có hành động như vậy không?

-Kính bạch Thế Tôn! Sự thật có như vậy. - Các ni thưa.

Bằng mọi hình thức, đức Phật nghiêm khắc quở trách Tỳ-kheo ni:

- Việc làm của các ni như vậy là phi pháp. Tại sao Tỳ-kheo ni lại đánh Tỳ-kheo?!

Sau đó đức Phật chế giới: “Tỳ-kheo ni nào vào trong trú xứ của Tỳ-kheo, phạm Ba-dật-đề”.

THỂ THỨC NUÔI CHÚNG

Việc Tỳ-kheo ni nuôi đệ tử có những việc xảy ra không hay, cho nên đệ tử không học hỏi được gì. Sự việc này được bạch lên đức Phật và giữa hai bộ Tăng đức Phật dạy:

- Nay Ta cho phép các Tỳ-kheo ni bạch nhị Yết-ma nuôi chúng. Tỳ-kheo ni đó nên đối trong chúng Tỳ-kheo ni Tăng, cởi bỏ giày dép, để trống vai bên hữu, quỳ gối chấp tay bạch: “A-di2Tăng nghe cho. Tôi, Tỳ-kheo ni tên là... đã đủ mười hai tuổi hạ, muốn nuôi chúng, đến xin Ni Tăng pháp Yết-ma nuôi chúng”. (Xin ba lần như vậy)

Các Tỳ-kheo ni nên tìm hiểu xem Tỳ-kheo ni này có thể nuôi chúng được hay không. Nếu không thể thì không nên cho pháp Yết-ma nuôi chúng. Nếu có thể thì nên cho. Ni Tăng nên sai một Tỳ-kheo ni - bậc Thượng tọa hay ngang bằng bậc Thượng tọa - biết pháp, biết luật, xướng như sau:

“A-di Tăng xin lắng nghe cho. Tỳ-kheo ni này tên là..., đủ mười hai tuổi hạ, muốn nuôi cô... làm đệ tử, nên đến xin Tăng pháp Yết-ma nuôi chúng. Nay Tăng cho pháp Yết-ma nuôi chúng. Nếu bây giờ việc này thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận thì đây là lời thưa trước Tăng”.

Ni Tăng chung quyết:

“A-di Tăng xin nghe cho! Tỳ-kheo ni này tên..., đã đủ mười hai tuổi hạ, muốn nuôi cô... làm đệ tử, nên đến Tăng xin pháp Yết-ma nuôi chúng. Nay Tăng cho pháp Yết-ma nuôi chúng, A-di nào chấp thuận thì im lặng, vị nào không đồng ý, xin nói”... “Tăng đã cho Tỳ-kheo ni tên... pháp Yết-ma nuôi chúng rồi. Tăng chấp thuận cho nên im lặng. Việc như vậy thì nghiêm chỉnh thi hành như vậy”.

Nay Ta vì các Tỳ-kheo ni kiết giới. Từ nay giới này được nói như sau:

“Tỳ-kheo ni nào đủ mười hai tuổi hạ, Tăng không cho pháp Yết-ma nuôi chúng, mà nuôi, phạm Ba-dật-đề”.

PHẢI BIẾT CÁCH ÐỘ NGƯỜI

Bấy giờ, các Tỳ-kheo ni độ dâm nữ, họ không nhận sự giáo giới của Ni. Giống như con trâu, vai bị tổn thương không thể kéo cày hay kéo xe, khi mắc xe thì trâu chỉ muốn thoát ra khỏi gọng xe mà thôi.

Việc độ này, các Ni đã bị khiển trách, dẫn đến đức Phật chế giới cấm. Tuy nhiên, dâm nữ thật sự ê chề tấm thân của mình, cần cầu học đạo thì độ được.

Một trường hợp khác, các Tỳ-kheo ni cho người nữ có thai thọ giới Cụ túc. Khi vào thôn khất thực, thiên hạ thấy vậy chế giễu, nói:

- Tỳ-kheo ni này nặng mang gánh nặng, nên cho họ thức ăn mau!

Có người lại nói:

- Nên xem cái bụng của cô ta kia kìa!

Có người lại bảo:

- Việc này xảy ra khi chưa xuất gia tu hành!

Họ chê trách các Tỳ-kheo ni:

- Sao không đợi sanh rồi mới độ họ xuất gia? Ðây là hủy nhục phạm hạnh! Các Tỳ-kheo ni không biết cách độ, ai nên độ và ai không nên độ, không có hạnh Sa-môn, phá pháp Sa-môn.

Bấy giờ, các Tỳ-kheo ni lại độ người đàn bà mới sanh thọ Cụ túc giới. Cô ni này một tay bưng bát, một tay bế con đi khất thực. Các người bạch y thấy, liền chế giễu:

-Mau mau cho hai mẹ con ăn gấp!

Họ mỉa mai một cách cay độc.

Lẽ tất nhiên đức Phật chế cấm việc độ này và luôn tạo điều kiện hợp pháp để họ được xuất gia.

CÁI GIÁ ÐƯỢC PHỤC CHỨC

Có một trú xứ vây bọc bởi tường rào cây xanh. Tỳ-kheo ni đem nước tiểu, phân uế đổ tạt vào tường rào, có khi sang tận bên ngoài bờ cây, làm bôi nhớp người và phi nhơn.

Hồi ấy, có một đại thần Bà-la-môn vừa bị cách chức, ông ta lại ra sức chay tịnh, làm cho tấm thân trong sạch, thanh khiết. Sáng sớm ngày ấy, ông ta tắm rửa sạch sẽ, thoa hương, mặc y phục cũng được ướp hương thơm ngát, để đến Thiên miếu với lòng thành cầu Thánh thần phù hộ cho được phục chức quan cũ. Ông ta trùm đầu đi, vì sợ phải nhìn thấy hạng người xui xẻo là bọn trọc đầu, mặc áo cắt rọc. Chẳng may, đi vừa đến bên ngoài bờ tường chùa ni thì cũng đúng lúc các ni đổ phân tiểu qua rào. Ông ta lãnh đủ các thứ này lên đầu và chảy ướt cả mình. Rất uất hận, ông ta nói:

- Ta rất sợ gặp hạng người không may mắn này, giờ thì phải gặp cái cảnh thối tha chết người này, chắc chắn số mạng của ta gặp phải chuyện không may rồi! Dù vậy, ta cũng phải đến vua Ba-tư-nặc thưa kiện để giết chết bọn nữ trọc đầu này.

Nuốt căm hờn, ông ta đành quay về. Gặp một thầy tướng Bà-la-môn. Thầy tướng hỏi:

- Tại sao phải tội nông nỗi này?

Thật tình, vị quan mất chức kia trải bày tâm sự... để rồi dẫn đến tình cảnh này.

Thầy tướng nói:

- Ðây là điềm rất may mắn, hôm nay ông sẽ được một ngàn quan tiền và lại được phục chức cũ.

Như để có được bằng chứng sống, quan mất chức Yết-ma đến thẳng chỗ nhà vua. Vua hỏi:

- Vì lý do gì phải cảnh như vậy?

Vị quan trình bày cặn kẽ sự việc đã xảy ra, nhà vua vỗ tay cười lớn và liền ra lệnh ban cho một ngàn quan tiền và cho phục chức như cũ.

Thấy sự ân sũng này, các quan tả hữu triều đình cơ hiềm nói:

- Quăng phẩn dãi làm nhơ nhớp người ta chứ đâu phải có ý cầu đạo tế vật.

Sau sự việc này, dẫn đến hai bộ Tăng nghe lời giới cấm của đức Phật.

OAN GIA ÐÂU CÓ KHÁC GÌ!

Có một gia đình nọ rất giàu, bọn cướp thường rình mò tìm cách để đột nhập, nhưng không có cơ hội. Chúng dò la hỏi thăm xem ai là người thường lui tới nhà này. Có người mách rằng: “Tỳ-kheo ni Thâu-la-nan-đà thường hay lui tới các nhà Bạch y, nhưng nhà giàu có này là nhiều nhất, vì giữa hai bên có được sự thân thiết hiểu nhau”. Bọn cướp liền đến trú xứ, nói với Thâu-la-nan-đà:

- Thưa sư cô, gia đình... mời sư cô...

Chiều xẩm ngày đó, Thâu-la-nan-đà theo lời mời đến nhà người chủ ấy. Cửa vừa mở để cô ni vào thì bọn cướp nhanh chóng ập đến, rồi vào bên trong hành hung và cưỡng đoạt hết tài sản của gia đình giàu có kia.

Sau đó, trong cơn giận, người chủ oán trách:

- Nếu Tỳ-kheo ni này không đến phi thời, ta không mở cửa, thì gia đình đâu có bị nạn này. Cúng dường mong cầu được phước, trái lại gặp họa, giống như oan gia đâu có khác gì!

Do bởi chuyện này mà đức Phật chế giới cấm ni đến nhà Cư sĩ phi thời nếu không có lý do, và phải xét kỹ lý do đó.

LÀNH THAY! ÐẾN ÐÂY TỲ-KHEO! 1

Lúc bấy giờ, đức Phật lưu trú tại thành Vương-xá. Ngày nọ, tập Tăng, để rõ về pháp thọ giới, đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

Thuở đời quá khứ có một vị vua tên là Uất-ma. Người vợ thứ của vua sinh hạ được bốn người con: người thứ nhất tên Chiếu-mục, người thứ hai tên Thông-mục, người thứ ba tên Ðiều-phục-tượng, và người thứ tư tên Ni-lâu. Cả bốn đều thông minh, nhìn xa trông rộng, oai đức lẫm liệt. Ngược lại, hoàng hậu chỉ có một người con tên là Trường-sanh, xấu xí, ngu đần, mọi người đều khinh miệt. Hoàng hậu nghĩ: “Con ta tuy là trưởng nhưng tài đức không bằng ai, còn bốn đứa kia lại có oai đức. Ngôi vị nước rồi ra sẽ về tay chúng. Ta nên lập mưu kế thế nào đây để củng cố cơ nghiệp cho con ta?”. Bà ta lại nghĩ: “Hiện nay, nhà vua coi trọng, tin tưởng và thương yêu ta hơn các phu nhân khác. Trước hết, ta nên dùng tình cảm, sau sẽ dùng lý để giải quyết”.

Ðể thực hiện chiến thuật của mình, hoàng hậu trang điểm và phục sức hết sức đẹp đẽ để khi vua đến là chiếm trọn lòng yêu quý của ngài và muốn gần gũi với hoàng hậu ngay. Bên cạnh vua, trong sự sủng ái, hoàng hậu khóc sướt mướt. Nhà vua hỏi lý do, hoàng hậu đáp lời:

- Em có nguyện nhỏ, e không thành, đành phải chết đi thôi!

- Em có lời nguyện thế nào? Nếu hợp lý thì ta nào không đáp ứng!. - Nhà vua hỏi.

Hoàng hậu liền tâu với nhà vua:

- Bốn đứa con của Thứ phi đều có oai đức, còn đứa con của thiếp tuy lớn nhưng tài đức không bằng ai. Vấn đề kế thừa đại nghiệp e chúng nó sẽ đoạt ngôi mà thôi! Nếu nhà vua tẫn xuất cả bốn đứa kia thì thiếp mới yên tâm.

- Bốn đứa nó đều hiếu đễ, đối với nước không có lỗi gì, nay Ta làm thế nào để tẫn xuất được? - Nhà vua khéo léo đặt vấn đề.

- Thật ra, việc nhà cả việc nước, lòng em quá đổi lo toan đền đáp, nhưng vì bốn đứa con của vua đều có oai đức, nhân dân đều quý mến chúng. Một ngày nào đó, chúng nó tranh giành nhau ngôi vị, thì ắt hẳn sẽ sát hại nhau và lộc nước lớn lao kia sẽ bị tiêu diệt, mai sau làm gì có vua?! Bởi thế, em muốn tránh sự tranh ngôi này. - Hoàng hậu thưa.

- Thôi! Thôi! Ðừng nói thêm nữa!. - Nhà vua chận lời.

Sau nhiều ngày suy nghĩ, nhà vua đi đến quyết định, gọi bốn người con kia lại ban lệnh: “Phải ra khỏi nước”. Thi hành lệnh vua cha, bốn người con bắt tay ngay vào việc chuẩn bị hành trang để lên đường. Trong lúc ấy, vua cha cũng chấp thuận cho tất cả mọi người muốn theo bốn con mình thì cứ tự nhiên.

Ngày bái biệt vua cha lên đường và theo sau bốn người con oai đức kia là mẹ, chị em ruột rà, là lực sĩ, bách quan, Bà-la-môn, Trưởng giả, Cư sĩ và tất cả nhân dân. Họ rất vui mừng như một ngày hội đi mở nước...

Qua được bên kia sông Kỳ-la, đoàn người đông đảo kia được hướng dẫn bởi bốn người con vua, đi đến phía Bắc Tuyết Sơn. Nơi đây, thế đất bằng phẳng, rộng rãi, bốn bề ngút ngàn sự trong lành, tĩnh mịch, lại có nhiều trái ngọt, cây lành, kỳ hoa, dị thảo và muôn thú đủ loại... Nhận ra đất lành, bốn người con cho dừng lại rồi gọi Bà-la-môn, Trưởng giả, Cư sĩ đến để cùng nhau bàn bạc, lấy biểu quyết: “Các nơi đã đi qua, không nơi nào hơn chỗ này, có thể định cư được rồi”. Tất cả đều nhất trí nơi đây là quê hương mới.

Họ bắt tay vào việc xây dựng thành ấp và chỉ trong thời gian vài năm, số người các nơi quy tụ về đông đúc, nền kinh tế tăng trưởng nhanh chóng và cũng nhanh chóng trở thành một đại quốc.

Cách vài năm sau, vua cha nhớ đến con, hỏi quần thần:

- Bốn đứa con của trẫm, nay ở đâu và thế nào rồi?

- Tâu Thánh thượng, ở phía Bắc Tuyết Sơn, gần rừng Xá-di, xây dựng thành quách, doanh ấp khang trang, nhân dân phát đạt, đất đai màu mỡ, áo cơm sung túc, người người, nhà nhà an vui. - Quần thần tâu.

Nhà vua nghe rất hoan hỷ và khen ngợi khả năng của bốn người con quá phi thường. Lời khen này được nhà vua lập lại trước quần thần ba lần. Cũng kể từ ngày đó, danh hiệu Thích Ca chủng tộc mở ra trang sử cho chính mình.

Người con thứ tư Ni-lâu có người con tên là Tượng-đầu-la.

Tượng-đầu-la có con tên là Cù-đầu-la.

Cù-đầu-la có con tên là Ni-hưu-la.

Ni-hưu-la có bốn người con tên là: Tịnh-phạn, Bạch-phạn, Hộc-phạn và Cam-lồ-phạn.

Vua Tịnh-phạn có hai người con: một tên là Bồ-tát, hai tên là Nan-đà.

Vua Bạch-phạn có hai người con: một tên là A-nan, hai tên là Ðiều-đạt.

Vua Hộc-phạn có hai người con: một tên là Ma-ha-nam, hai tên là A-na-luật.

Vua Cam-lồ-phạn có hai người con: một tên là Bà-bà, hai tên là Bạt-đề.

Bồ-tát có con tên là La-hầu-la. Khi còn nhỏ, Bồ-tát đã có chí xuất gia. Vua Tịnh-phạn sợ con học đạo, thường dùng ngũ dục để cho con vui chơi. Ðến tuổi mười bốn, Bồ-tát oai nghiêm lên xa giá du ngoạn cửa thành phía Ðông, thấy một người già, đầu bạc, lưng khòm, chống gậy, bước đi yếu ớt. Bồ-tát hỏi người hầu xe:

- Ðó gọi là người gì?

- Thưa, đó là người già. - Người hầu xe đáp.

- Già là thế nào? - Bồ-tát hỏi.

- Già là tuổi cao sức yếu, lưng mỏi gối dùn, hình dạng biến đổi, sắc tướng héo hon, đứng ngồi khổ sở, mạng sống mong manh, cho nên gọi là già. - Kẻ hầu xe thưa đáp.

- Ta có tránh khỏi tình trạng đó không? - Bồ-tát hỏi.

- Thưa Ngài, làm sao tránh khỏi được! - Kẻ hầu đáp.

Bồ-tát ra lệnh cho xe về lại cung, tự nghĩ: “Chưa lìa khỏi sự già, thì ta vẫn sầu ưu, không vui”.

Vua cha hỏi người hầu xe:

- Thái tử đi chơi có vui hay không?

Người hầu xe đáp:

- Tâu Hoàng thượng, Bồ-tát không vui.

- Tại sao vậy?

- Vì gặp một người già nên thái tử không vui.

Nhà vua lấy làm sợ, vì theo lời thầy tướng, e không lâu nữa thái tử xuất gia. Nhà vua lại gia tăng ngũ dục để mua vui cho thái tử.

Ðược một thời gian không lâu sau, thái tử Bồ-tát lại ra lệnh người hầu xe nghiêm xa giá đưa thái tử du quán cửa thành phía Nam. Lại gặp một người bệnh, thân hình gầy guộc, dựa cửa thành thở hổn hển. Thái tử hỏi người hầu xe:

- Ðó là người gì?

- Thưa Bồ-tát, đó là người bệnh. - Người hầu đáp.

- Thế nào gọi là người bệnh? - Bồ-tát hỏi.

- Thưa Ngài, bốn đại tổn giảm, ăn uống không được, sức lực yếu dần, mạng sống chỉ còn trong khoảnh khắc, cho nên gọi là bệnh. - Người hầu xe trả lời.

- Ta có tránh khỏi tình trạng đó không? -Thái tử hỏi.

- Thưa Ngài, làm sao tránh khỏi?! -Người hầu xe đáp.

Thái tử bảo quay xe về cung, tự nghĩ: “Chưa lìa khỏi sự già, bệnh thì còn phải ưu sầu hơn!”.

Nhà vua hỏi người hầu xe:

- Thái tử đi chơi có vui không?

- Muôn tâu, hôm nay lại càng không vui.

- Vì sao?

- Tâu Hoàng thượng, vì thái tử gặp một người bệnh, cho nên không vui.

Nhà vua lại sợ thái tử xuất gia, lệnh tăng thêm những thứ vui hoan lạc ngày đêm trong cung, để thái tử bớt ưu tư sầu muộn.

Sau một thời gian, thái tử Bồ-tát lại bảo người hầu xe nghiêm xa giá du quán cửa thành phía Tây. Một cảnh tượng khác xảy ra, thái tử thấy một người nằm bất động trên tấm gỗ có nhiều người khiên, theo sau là gia đình, cả nam lẫn nữ đều khóc than, thái tử liền hỏi người hầu xe:

- Ðó là người gì?

- Thưa thái tử, đó là người chết. - Người hầu đáp lời.

- Thế nào gọi là chết? - Thái tử lại hỏi.

- Thưa Ngài, hơi thở chấm dứt, tinh thần không biết gì nữa, đem thây vất bỏ nơi đồng trống, vĩnh viễn xa lìa bà con, cho nên gọi là chết. - Người hầu xe đáp lời.

- Ta có thể tránh khỏi trạng huống đó không? -Bồ-tát hỏi.

-Làm sao tránh khỏi được, thưa thái tử! -Người hầu đáp.

Thái tử Bồ-tát nghĩ ngợi: “Chưa tránh khỏi già, bệnh, chết thì còn phải sầu ưu nhiều hơn nữa!”.

Thái tử liền ra lệnh cho xe quay về. Trên đường, thấy người cạo bỏ râu tóc, mặc pháp phục, bưng bát, nhìn đất mà đi, thái tử hỏi người hầu xe:

- Ðó là người gì, mà y phục khác với người đời?

- Thưa thái tử, đó là người xuất gia.

- Thế nào gọi là người xuất gia?

- Thưa Ngài, người khéo tự điều phục, đủ các oai nghi, thường hành nhẫn nhục, thương xót, gần gũi chúng sanh, cho nên gọi là người xuất gia.

Bồ-tát nghe thế, liền thốt lên:

- Lành thay! Lành thay! Ðây là sự sống an lạc nhất!

Thái tử xuống xe, đến gần người xuất gia, cung kính hỏi:

- Tại sao hình thức y phục của ngài không giống người đời?

Người xuất gia trả lời nội dung như người hầu xe đã thưa. Thái tử Bồ-tát lại ba lần khen:

- Lành thay! Nếp sống này là ta thích nhất!

Bồ-tát lên xe trở về cung. Từ xa có một người nữ trông thấy thái tử Bồ-tát, trái tim cô ta bị rung động bởi ái dục, liền nói kệ:

Mẹ vui có con này

Cha con vui cũng thế

Người nữ được chồng này

Vui hơn vào Nê-hoàn2.

Thái tử Bồ-tát nghe hai từ Nê-hoàn, lòng hoan hỷ vô cùng, liền nghĩ: “Làm thế nào để ta chứng được Vô thượng Nê-hoàn này?”

Trở về cung, Bồ-tát trầm tư miên man đến các pháp: sanh, lão, bệnh, tử chưa dứt, chưa lìa được.....

Nhà vua hỏi người hầu xe:

- Nay thái tử đi dạo chơi có vui không?

- Khi đi thì không vui, nhưng lúc về thì lại vui.

- Tại sao vậy?

- Thưa Hoàng thượng, khi đi gặp một người chết, cho nên thái tử không vui; nhưng lúc về thấy một tu sĩ, cho nên rất vui. - Người hầu xe giải thích.

Nhà vua nghĩ: “Tướng sư nói thái tử xuất gia, chắc là đúng”. Ông bèn đem tất cả những lạc thú trong hoàng triều, ban tặng cho thái tử, để mong sao chí hướng xuất gia kia bị lãng quên trong“vở tuồng” ngũ dục.

Một hôm, trước trò vui của các kỷ nữ, Bồ-tát thưởng thức tạm thời an giấc được. Ðêm càng khuya, bọn kỷ nữ cũng mệt đã vùi mình trong giấc ngủ. Bồ-tát tỉnh dậy, thấy các kỷ nữ cùng gối nhau ngủ, để lộ tấm thân, chẳng khác nào con người bằng cây gỗ, nước mũi, nước mắt, nước dãi từ trong ấy chảy ra. Ðàn cầm, đàn sắc, đàn tiêu... ngổn ngang dưới đất, lại cảm thấy cung điện giống như gò hoang. Chứng kiến cảnh tượng này, Bồ-tát thốt lên lời than:

- Họa thay! Họa thay!

Bồ-tát liền chạy đến cung điện của phụ vương đang ở thì biến trạng nơi đây cũng lại như vậy. Bồ-tát lại than:

- Họa thay! Họa thay! Chán ngán quá rồi! Phải xa lìa gấp!

Ngay lúc ấy, Bồ-tát ra lệnh cho nô dịch Xiển-đà:

- Ngươi hãy thắng ngựa, đừng để cho một ai hay biết!

Xiển-đà thưa:

- Thưa thái tử, ban đêm không phải là lúc du ngoạn. Hơn nữa, đâu có oán địch bức bách đến nơi hoàng cung, không rõ vì lý do gì, đang đêm thái tử bảo thắng ngựa?

- Có đại oán địch, ngươi không biết đâu! Cái oán già, bệnh, chết, cái oán đó là lớn lắm! Ngươi phải thắng ngựa gấp, không được trì hoãn! - Bồ-tát ra lệnh.

Con bạch mã được thắng xong, Xiển-đà thưa:

- Ngựa đã thắng xong, dưới sân kia, thưa thái tử.

Bồ-tát liền đến bên ngựa, sửa muốn nhảy lên, con ngựa tự nhiên hý lên với âm thanh buồn thảm. Thiên thần sợ có trở ngại, bèn làm loãng tiếng vang ngựa hý nên không đánh thức một ai trong cung. Bồ-tát lên ngựa, thúc ngựa về phía lầu đài hướng Ðông, cửa Ðông liền mở, lại trực chỉ cửa thành, cửa thành cũng tự mở. Ra khỏi cửa thành, Bồ-tát hướng về rừng A-nậu-da3, cách thành không xa. Bồ-tát xuống ngựa, cởi áo quý báu trao cho Xiển-đà và nói:

- Ngươi đem con ngựa và chiếc áo này về hoàng cung, tâu lên vua rằng: “Hôm nay ta bái tạ cha mẹ để đi học đạo, không lâu lắm đâu ta sẽ trở về. Xin song thân đừng quá buồn rầu”.

Xiển-đà khóc lóc, quỳ gối thưa:

- Tướng sư trước kia có nói: “Thái tử sẽ làm Chuyển luân Thánh vương4có bảy món báu, một ngàn người con, làm vua bốn cõi thiên hạ, dùng chánh pháp trị đời, không dùng binh trượng, tự nhiên thái bình”, tại sao nay lại vất bỏ ngôi vua, cởi áo quý báu, nhận sự khổ sở nơi núi rừng hoang vu chướng khí này?!

Bồ-tát hỏi lại:

- Tướng sư lúc bấy giờ còn nói gì nữa không?

- Thưa Bồ-tát, có. Tướng sư bảo: “Nếu Ngài không vui sống với thiên hạ mà xuất gia học đạo thì sẽ thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác”.

- Ngươi nghe rõ như vậy, tại sao nay lại buồn? Ngươi phải mau quay trở về tâu với song thân ta: “Dù cho xương tan thịt nát, nếu ta không chấm dứt được nguồn gốc sanh, lão, bệnh, tử thì ta không trở về”. - Bồ-tát khẳng định như thế.

Lúc ấy, Xiển-đà buồn khóc, đến trước Bồ-tát kính lễ, nhiễu quanh ba vòng rồi dắt ngựa, đem áo báu trở về cung...

Bồ-tát tiến thẳng về phía trước, thấy một người thợ săn mặc chiếc áo ca-sa, liền đến chỗ ông ta đổi xiêm y lấy áo ca-sa, rồi mặc vào mình. Bồ-tát lại đi đến cây Tu-ma-na5. Bên gốc cây này có người thợ cạo tóc, nhờ họ cạo đầu. Trong lúc người thợ cạo, cạo tóc Bồ-tát thì trời Thích-đề-hoàn-nhơn nhanh như chớp, đến trước Bồ-tát lấy y hứng tóc đem về thiên cung.

Cạo tóc xong, Bồ-tát suy nghĩ: “Nay ta đã là người xuất gia thì tự nhiên đủ giới”. Từ đó, Ngài tuần tự du hành đến thành Vương-xá, thủ đô nước Ma-kiệt-đà. Vua nước Ma-kiệt-đà là vua Bình-sa. Lúc thiếu thời, nhà vua phát năm lời nguyện:

1- Phụ vương băng hà, ta sẽ nối ngôi.

2- Khi làm vua, gặp Phật ra đời.

3- Chính mình gặp được Phật, gần gũi cúng dường.

4- Phát tâm hoan hỷ để được nghe pháp.

5- Nghe pháp rồi liền được tín giải.

Ðạo sĩ Bồ-tát vào thành khất thực, oai nghi rạng rỡ, nhìn đất mà đi. Khi ấy, chưa có bình bát, Ngài lấy lá sen làm bát, đi khắp các nẻo đường, bát lá sen không rời, là căn bản của sự sống.

Ngày ấy, vua Bình-sa cùng quần thần đứng trên vọng lầu, từ xa trông thấy Bồ-tát, nhà vua cảm thấy như một điều kỳ lạ, quay lại nói với chư thần:

- Ta chưa từng nghe thấy ai như con người kia, chắc là Thánh thần!

Quần thần tâu:

- Trước đây có nghe, phía Bắc Tuyết-Sơn, vua thành Ca-duy-la-vệ tên là Tịnh-phạn, sanh người con tên là Bồ-tát. Xem tướng người này, thầy tướng nói: “Nếu ở nhà thì làm vua Chuyển luân Thánh vương, làm chủ bốn cõi thiên hạ, bảy món báu tự đến, tức là luân báu, tượng báu, mã báu, châu báu, nữ báu, thần báu và chủ binh báu. Vua có một ngàn người con dũng kiện, sức mạnh phi thường, dùng pháp chế ngự đời, binh trượng không dùng đến mà tự nhiên thái bình. Nếu không vui sống với thế gian, xuất gia học đạo thì chứng thành Phật đạo, độ sanh tử cho người”. Nghe thái tử đã xuất gia, chắc là người này vậy.

Vua nghe nói như thế, lòng rất vui mừng, nói:

- Năm lời nguyện của ta trước đây, một lời đã thực hiện, còn bốn lời nữa, chắc nay sắp toại nguyện.

Nhà vua liền ra lệnh cho hai người lần theo xem Bồ-tát trú nghỉ tại đâu để báo cho vua biết.

Hai người nhận lệnh vua theo sát con người khất thực kia. Bồ-tát khất thực xong, trở về núi Ba-la-nại6, ngồi kiết già hướng về nước Ba-tuần. Thế rồi, một người bám trụ quan sát, một người về tâu với vua. Nhà vua liền cho trang nghiêm xa giá thẳng đến núi Ba-la-nại. Bồ-tát biết được nên xả kiết già, xuống núi trong lúc nhà vua đang leo lên núi. Hai người, bên cầu bên ứng gặp nhau, Bồ-tát nói:

- Lại đây! Lành thay đại vương! Ngài sẽ nhận được điều an lành.

Nhà vua liền cúi đầu kính lễ sát chân rồi ngồi lui qua một bên, bạch Bồ-tát rằng:

- Ngài sanh từ nước nào? Xuất gia từ dòng họ nào?

- Tôi sinh ra từ phía Bắc Tuyết-Sơn, nước Xá-di, thành Ca-duy-la-vệ. Cha tên là Tịnh-phạn, họ là Cù Ðàm.

Nhà vua lại muốn thử Bồ-tát, gợi ý:

- Thưa Thánh giả, người dòng tộc tôn quý! Ngôi vua lớn ở đời, Thánh đức tự nhiên, nhiếp hóa bốn biển; bốn biển không một ai không trông chờ. Nếu như Thánh giả nhiếp chính thì tôi cũng hướng về phương Bắc mà phụng thờ.

Bồ-tát trả lời:

- Ðịa vị nào bằng địa vị Chuyển luân Thánh vương mà tôi đã bỏ, huống là bốn biển. Sở dĩ tôi xuất gia cầu đạo là muốn độ tất cả cái khổ lớn của sanh tử. Sao không thỉnh tôi thành đạo rồi độ ngài trước, mà lại cho việc đó là trọng yếu?!

Nhà vua nói:

- Hay thay! Lời nói đó thật chí lý! Vậy thưa Thánh giả, khi nào thành đạo xin độ tôi và người trong nước này trước.

Bồ-tát chấp nhận lời vua, nhà vua rất vui mừng, kính lễ sát chân rồi cáo lui. Sau khi nhà vua ra về, Bồ-tát liền thẳng hướng về cây Bồ-đề. Cách cây Bồ-đề không xa có một người cắt cỏ tên là Kiết-an. Ngài đến xin một ít cỏ, đem đến trải dưới gốc cây, rồi ngồi kiết-già, thẳng người chánh ý, hệ niệm trước mắt, liền trừ được năm cái, lìa dục, lìa ác, bất thiện pháp... Cuối cùng, Ngài sở đắc đệ Tứ thiền và du hý trong đó, thông qua hành ba mươi bảy đạo phẩm. Do tịnh tâm này mà tam minh rỗng chiếu, tức là Túc mạng minh, Tha tâm minh và Lậu tận minh, như trong kinh Thụy Ứng Bổn Khởi7đã nói.

Khi ấy, Ngài đứng dậy, đến tụ lạc Uất-tỳ-la8, ngồi dưới gốc cây, khởi đầu cho việc thành Phật đạo. Ðầu đêm Ngài quán mười hai nhân duyên thuận nghịch. Do duyên cái này, nên cái này hiện hữu, duyên diệt thì cái này diệt theo. Nghĩa là vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc, danh sắc duyên lục nhập, lục nhập duyên xúc, xúc duyên thọ, thọ duyên ái, ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sanh, sanh duyên lão tử, ưu bi, khổ não. Nếu vô minh diệt thì hành diệt, hành diệt thì thức diệt, thức diệt thì danh sắc diệt, danh sắc diệt thì lục nhập diệt, lục nhập diệt thì xúc diệt, xúc diệt thì thọ diệt, thọ diệt thì ái diệt, ái diệt thì thủ diệt, thủ diệt thì hữu diệt, hữu diệt thì sanh diệt, sanh diệt thì lão, tử, ưu bi, khổ não đều diệt. Thấy rõ nghĩa duyên khởi này rồi, Ngài bèn nói kệ:

Các pháp đều duyên sanh

Phạm Chí mới tọa thiền

Ðã rõ pháp duyên sanh

Các nghi có thể trừ.

Các pháp đều duyên sanh

Phạm Chí mới tọa thiền

Ðã rõ duyên sanh pháp

Các khổ có thể trừ.

Các pháp đều duyên sanh

Phạm Chí mới tọa thiền

Ma tối tăm phá được

Như mặt trời trên không.

Bấy giờ, đức Phật mắc bệnh phong, Thần núi Ma-tu-la liền hái quả Ha-lê-lặc9dâng Phật, thưa:

- Cúi xin Thế Tôn dùng trái cây này để trừ bệnh phong.

Ðức Phật thọ nhận dùng, bệnh phong liền hết, ngồi kiết già bảy ngày, thọ niềm vui giải thoát. Sau bảy ngày, xuất Tam muội đứng dậy, du hành trong nhân gian.

Khi ấy, có năm trăm khách buôn chở hàng trên năm trăm cỗ xe, trong đó có hai đại nhân: một tên là Ly-vị, người thứ hai tên là Ba-lợi. Xưa kia hai người có quen thân với một Thiện tri thức. Sau khi vị này qua đời làm một Thiện thần, thường đi theo hai người bạn, nghĩ rằng: “Nay đức Phật mới thành đạo, chưa có người dâng cúng thức ăn, ta nên khiến hai ông bạn cúng dường đức Phật để được an lành nhiều kiếp”. Vị Thiện thần liền dùng thần lực làm cho đoàn xe bị trở ngại, mọi người sợ sệt, khấn vái bốn phương. Vị Thiện thần từ không trung nói:

- Các người đừng sợ! Các người đừng sợ! Nay đức Phật Thế Tôn vừa mới thành đạo, ngồi yên lặng bảy ngày, từ thiền định đứng dậy du hành và hiện ngồi nơi gốc cây kia, và cũng chưa có người dâng cúng. Hai ông bạn nên đem lương khô, mật dâng cúng để được an lạc nhiều đời.

Hai người đều hoan hỷ, trộn mật với lương khô đem đến cúng Phật. Từ xa trông thấy đức Thế Tôn ngồi dưới tàng cây, dung nhan đĩnh đạc, các căn tịch tịnh, có ba mươi hai tướng của đại nhân, ánh sáng tỏa vòng quanh một tầm10, giống như núi vàng. Họ đến trước mặt, kính lễ sát chân Phật rồi dâng cúng lương khô với mật ong.

Ðức Thế Tôn khởi lên ý nghĩ: “Các đức Phật quá khứ đều dùng bình bát để thọ, các đức Phật đương lai cũng lại như vậy. Nay ta cũng nên dùng bát để thọ nhận thức ăn cúng dường”. Tứ Thiên Vương hiểu ý Phật, mỗi người tự lấy một cái bát bằng đá sạch, có mùi thơm tự nhiên đem dâng cúng đức Thế Tôn, bạch rằng:

- Cúi xin Thế Tôn nhận lấy đồ đựng này của chúng con, để thọ thực phẩm dâng cúng của người lái buôn.

Ðức Phật lại suy nghĩ: “Nếu lấy một cái bát của một Thiên vương thì mấy vị kia không bằng lòng”. Ngài bèn lấy cả bốn cái để vào lòng bàn tay bên trái, lấy tay bên phải ép lại thành một cái, rồi nhận thực phẩm cúng dường. Thọ nhận rồi, Ngài nói:

- Các người nên quy y Phật, quy y Pháp.

Hai người liền quy y Phật, quy y Pháp. Bấy giờ, trong loài người, hai nhà buôn này là hai người quy y Phật, Pháp đầu tiên. Ngài nói pháp tùy hỷ, chú nguyện bằng bài kệ:

Ðôi chân người an ổn

Bốn chân cũng an ổn

Ði cũng được an ổn

Về cũng được an ổn

Như người cày cầu mong

Gieo giống, mầm hy vọng

Biển hy vọng người mong

Thu hoạch như người cày.

Ðức Thế Tôn nói bài kệ xong, lại vì khách buôn nói các diệu pháp, chỉ vẽ lợi ích để họ vui mừng. Sau đó, Ngài đến ngồi dưới một tàng cây, thọ thực thức ăn mà Ngài đã thọ nhận. Dùng lương khô trộn mật xong, Ngài lại ngồi kiết già nhập định bảy ngày, thọ niềm vui giải thoát.

Sau bảy ngày, đức Phật đến chỗ trú ngụ của con rồng Văn-lân11, Ngài ngồi dưới tàng cây 12. Con rồng ra khỏi nước, nó dùng thức ăn không phải của loài người dâng lên đức Thế Tôn. Ðức Phật nhận và thọ thực, rồi lại ngồi nhập định bảy ngày, thọ niềm vui giải thoát.

Khi ấy, bầu trời dày đặc mây đen rồi tuôn mưa suốt bảy ngày khiến người hoảng sợ. Con rồng nghĩ: “Nay trời mưa đáng khiếp, ta nên biến hóa làm thành thân lớn vây quanh đức Phật bảy vòng, lấy đầu che lên đức Phật để khỏi mưa gió, mòng muỗi quấy rầy Ngài”. Rồng thực hiện ngay ý định của mình. Bảy ngày mưa qua đi, đức Phật từ Tam muội đứng dậy. Qua cơn mưa, nhìn thấy trời quang mây tạnh, rồng liền xả bỏ thân hình, rồi hóa làm một thiếu niên, cúi đầu bạch Phật:

-Con hóa thân lớn vây bọc lấy Như Lai bảy vòng và đầu con che bên trên là muốn ngăn gió mưa muỗi mòng đến xúc não Như Lai.

Vì lý do đó, đức Phật nói kệ:

Xa hết chốn tịnh, vui

Nghe pháp, thấy pháp vui

Không não hại, đời vui

Ðời ly dục, đời vui

Vượt hết ân ái, vui

Người dẹp hết ngã mạn

Ðó là vui tối thượng.

Ðức Phật nói kệ rồi, đứng dậy đến tụ lạc Uất-tỳ-la-tư-na13, Ngài vào thôn khất thực. Sau đó đến nhà Bà-la-môn Tư-na đứng im lặng bên ngoài cửa. Người con gái tên là Tu-xà-đà nhìn thấy oai tướng thần diệu của đức Phật, liền đến trước mặt, lấy bình bát của đức Phật đựng đầy thức ăn ngon, dâng cúng đức Phật. Ðức Phật thọ nhận rồi nói:

- Người có thể quy y Phật, quy y Pháp.

Tu-xà-đà liền thọ nhận. Trong số người nữ, Tu-xà-đà là người đầu tiên thọ quy y Phật, quy y Pháp, làm người Ưu-bà-di.

Ðức Phật thọ thực xong, trở lại cây Bồ-đề ngồi kiết già nhập định bảy ngày, thọ niềm vui giải thoát.

Sau bảy ngày, từ Tam muội đứng dậy, mặc y bưng bát, Ngài trở lại nhà ấy. Tư-na dâng thức ăn rồi thọ quy y (như trên đã nói). Ngày tiếp theo, đức Phật lại đến nhà ấy, người vợ Tư-na nhìn thấy đức Phật, dâng cúng thức ăn rồi thọ quy y như trước.

Và một lần nữa, đức Phật quay trở lại nhà ấy, bốn chị em trong nhà thấy đức Phật đến, liền dâng cúng thức ăn, cũng thọ quy y Phật, quy y Pháp như trước.

Ðức Thế Tôn thọ thực xong, lại trở về dưới cây Bồ-đề, ngồi nhập định bảy ngày. Khi xuất định, Ngài đi đến cây A-dự-ba-la ni-câu-loại14. Giữa đường thấy một người nữ đang khuấy lạc(cao sửa) để làm tô(váng sửa), bèn đến khất thực. Người nữ lấy bát đựng đầy lạc cúng Phật, rồi quy y Phật, Pháp.

Ðức Phật thọ thực rồi đến dưới gốc cây15ở phía trước, ngồi nhập định Tam muội bảy ngày.

Qua bảy ngày, xuất định, Ngài khởi lên ý niệm: “Pháp ta chứng được rất là vi diệu, khó nhận rõ, khó thấy, tịch tịnh vô vi. Người trí mới biết chỗ vi diệu ấy. Kẻ ngu, tối tăm khó bề hiểu nổi. Chúng sanh lại thích ở trong nhà hầm ba cõi, kết dệt thành cái nghiệp chướng, làm sao có thể ngộ đạo mười hai nhân duyên thậm thâm vi diệu khó thấy này. Hơn nữa, phải dứt tất cả hành, cắt đứt ngay sự lưu chuyển của nó, tận diệt ái ân, thì rõ cội nguồn Vô Dư Nê-hoàn. Quả thật là điều rất khó! Nếu ta đem nói ra thì chỉ tự chuốc lấy cái vất vả, nhọc nhằn. Cuối cùng tự nhận lấy cái khổ hoang tưởng!”.

Bấy giờ, đức Thế Tôn muốn nói rõ lý do vì sao không nói rõ nghĩa vi diệu bằng lời kệ:

Ðạo ta thành rất khó

Không nằm trong luận lý

Sanh tử nghịch dòng xoay

Pháp mầu sâu khó hiểu

Bị nhiễm dục phủ che

Ngu ám không thấy được

Người tham nhuế, ngu si

Không thể vào pháp này.

Do vậy mà lúc này đức Thế Tôn im lặng trầm tư không nói pháp. Bấy giờ, Phạm thiên vương16trên cõi Phạm thiên, từ xa biết được ý nghĩ của Phật, khởi niệm: “Nay đức Phật Chánh Giác xuất hiện ở đời, mà không vì chúng sanh nói pháp tự thân đã chứng ngộ thì thế gian mãi ở trong tối tăm. Sau khi chết phải đọa vào ba đường dữ”. Nghĩ như vậy, trong chớp nhoáng biến mất, rời khỏi cõi Phạm thiên, xuất hiện trước đức Phật, đầu mặt kính lễ sát chân, rồi ngồi lui qua một bên, bạch Phật:

- Cúi xin đức Thế Tôn thương xót chúng sanh mà vì họ nói pháp. Vẫn có chúng sanh đủ khả năng lãnh thọ lời Phật dạy. Nếu họ không được nghe pháp, chắc họ sẽ bị thối đọa.

Ba lần thưa thỉnh như vậy, trời Phạm thiên lại dùng nghĩa này nói kệ thỉnh Phật:

Trước đây, Ma-kiệt-đà

Thường thuyết pháp tạp uế 17

Nguyện mở cửa cam lồ

Diễn nói nghĩa thuần tịnh

Chính con ở Phạm cung

Ðều thấy Phật xưa nói

Cúi xin Phật hiện nay

Cũng mở pháp đường dạy

Chúng sanh đầy ưu não

Không lìa sanh, lão, tử

Song đa phần ưa thiện

Xin nói pháp chiến thắng.

Lúc ấy, đức Phật im lặng nhận lời Phạm thiên. Ngài dùng Phật nhãn xem xét khắp thế gian, thấy chúng sanh căn có lợi độn, có người sợ đời sau đọa trong ba đường ác, có người có khả năng thọ pháp như biển cả, có người như bản chất hoa sen ở trong bùn ra khỏi nước, hay chưa ra khỏi nước, đều manh nha cái không nhiễm ô. Ðức Phật nói kệ:

Trước sợ luống nhọc nhằn

Không nói nghĩa thâm sâu

Cửa cam lồ nay mở

Tất cả đều nên nghe.

Trời Phạm thiên sau khi nghe bài kệ, lòng vui mừng vô hạn, đến trước Phật, kính lễ sát chân Phật, đi quanh bên phải ba lần liền khuất bóng, trở về thiên cung.

Ðức Phật lại khởi lên ý niệm: “Cửa cam lồ sẽ mở, ai là người được nghe trước? Uất-đầu-lam-phất18thông minh, dễ lãnh hội, người này nên được nghe pháp trước tiên”. Ðối tượng được xác định, đức Phật liền lên đường, nhưng ngay lúc ấy, trên không trung có tiếng chư thiên thưa:

- Uất-đầu-lam-phất qua đời cách đây bảy ngày rồi!

Ðức Phật nói:

- Khổ thay cho ông ta đã mất hẳn cơ hội, tại sao không được nghe tiếng pháp cam lồ?!

Ðức Phật lại nghĩ: “Cửa cam lồ sẽ mở, theo thứ tự thì ai là người sẽ được nghe tiếp theo? A-lan-ca-lan19thông minh dễ lãnh hội. Ðây là người kế tiếp nên được nghe”. Ðức Phật định ra đi thì chư thiên lại nói:

- A-lan-ca-lan vừa mới qua đời đêm rồi!

Ðức Phật nói:

- Khổ thật! Tiếng trống cam lồ pháp vị không được nghe thì sanh tử đến đi do đâu mà được chấm dứt?!

Ðức Phật lại suy nghĩ: “Cửa cam lồ sẽ mở, ai là người tiếp theo sẽ được nghe? Xưa kia phụ vương sai năm người theo hầu ta cực khổ, công đức ấy ta nên đền trả. Năm người đó hiện nay đang ở nước Ba-la-nại20, trong vườn Tiên Nhơn Lộc Uyển 21”.

Với ý nghĩ đó, đức Phật liền lên đường. Trên lộ trình, Ngài gặp Phạm Chí tên là Ưu-bà-kỳ-bà. Từ xa, ông trông thấy đức Thế Tôn dung nhan đĩnh đạc, các căn tịch định, ánh sáng tỏa ra một tầm, giống như núi vàng. Phạm Chí bèn hỏi:

- Ngài thờ thầy nào? Ngài hành theo pháp nào mà được tôn quý như thế?

Khi ấy, đức Thế Tôn nói kệ trả lời:

Tất cả trí là hơn

Không lụy, không bị nhiễm

Không thầy, ta tự tu

Tự nhiên thông Thánh đạo

Chỉ một và duy nhất

Khiến đời được an vui

Sẽ tại Ba-la-nại

Ðánh trống pháp cam lồ.

Phạm Chí lại hỏi:

- Ngài tự nói là tối thắng, xin được nghe nghĩa ấy.

Ðức Phật lại nói kệ trả lời:

Hãy trừ hết ràng buộc

Diệt lậu hoặc ba cõi

Phá tan các ác pháp

Nên gọi Ta tối thắng.

Phạm Chí không chấp nhận, vỗ bắp vế ra đi. Vị Thiên thần bạn đời trước của Phạm Chí từ trên không liền nói kệ:

Phật vừa mới ra đời

Bậc tôn kính thế gian

Tại sao bạn gặp được

Lại bỏ mà ra đi?!

Phạm Chí tuy nghe bài kệ, nhưng vẫn bỏ đi không ngó lại. Ðức Thế Tôn lại lên đường, Ngài đến Ba-la-nại, là nơi năm người bạn đang tu ở đây. Năm người trông thấy đức Phật đi về phía mình, liền dặn nhau rằng:

- Sa-môn Cù Ðàm trước kia ăn mỗi ngày một hạt mè, một hạt thóc mà còn không đắc đạo, nay nhiều ham muốn thì càng cách xa đạo. Chúng ta chỉ đặt một chiếc ghế nhỏ và đừng nên đứng dậy nghinh đón, lễ bái hỏi chào!

Nhưng khi đức Thế Tôn đến, năm người không ai bảo ai, tự động đứng dậy kính lễ, rước y bát, trải chỗ ngồi tốt, lấy nước rửa chân, song vẫn coi thường Như Lai, nên chỉ gọi tánh danh... của Ngài để mời ngồi. Ðức Phật bảo năm người:

- Các ngươi là kẻ ngu si, dặn nhau thế nào mà nay tự hủy bỏ?! Các ngươi chớ nên đối với Phật mà khinh thường, gọi bằng danh tánh để rồi phải nhận lấy cái khổ báo nhiều kiếp. Ta nay đã thành Vô thượng Chánh giác, nên phải cùng nhau nhất tâm lãnh thọ lời dạy. Nếu các người tùy thuận không chống trái, thì không bao lâu nữa sẽ được xứng đáng đứng trong hàng ngũ xuất gia, tịnh tu phạm hạnh, hiện tại chứng đạo quả, sanh tử đã dứt, phạm hạnh đã lập, việc cần làm đã làm xong, hiểu rõ năm ấm, an hưởng Nê-hoàn.

Năm người lại nói:

- Trước đây, ông tu khổ hạnh, những việc làm khó như vậy mà còn không đắc cái pháp vượt lên trên người, đầy đủ lợi ích của bậc Thánh, huống nay bỏ khổ hạnh, sống phóng túng, nhiều ham muốn, pháp vượt hơn người làm sao đạt được?

Ðức Phật lại bảo:

- Các người đừng khinh thường đức Như Lai, bậc Vô thượng Chánh giác. Phật không mất đạo, cũng không đa dục.

Nghe lời dạy này, năm người mới chịu loại bỏ ý nghĩ cũ. Ðức Phật lại bảo:

- Ở đời có hai cực đoan không nên thân cận: một là tham đắm ái dục, nói dục là không có tội lỗi; hai là tà kiến khổ hình, không hề có dấu vết của đạo. Xả bỏ hai cực đoan đó thì được Trung đạo, phát sinh con mắt trí, sáng suốt giác ngộ, hướng đến Niết-bàn. Thế nào gọi là Trung đạo? - Trung đạo là tám con đường chánh: Chánh kiến, Chánh tư, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh phương tiện, Chánh niệm và Chánh định. Như vậy gọi là Trung đạo.

Lại có bốn Thánh đế: Khổ thánh đế, Khổ tập thánh đế, Khổ diệt thánh đế và Khổ diệt đạo thánh đế.

Khổ thánh đế là thế nào? - Nghĩa là sanh khổ, lão khổ, bệnh khổ, tử khổ, ưu bi não khổ, oán ghét gặp nhau khổ, ái biệt ly khổ, mong cầu không được khổ. Nói một cách gọn lại là năm ấm xí thạnh khổ. Như vậy là Khổ thánh đế.

Khổ tập thánh đế là thế nào? - Nghĩa là hữu ái và câu sanh phiền não, ưa thích đắm trước khắp nơi. Như vậy gọi là Khổ tập thánh đế.

Khổ diệt thánh đế là thế nào? - Nghĩa là trạng thái vắng lặng sau khi đoạn hết ái. Như vậy gọi là Khổ diệt thánh đế.

Khổ diệt đạo thánh đế là thế nào? - Nghĩa là Tám con đường chánh. Như vậy gọi là Khổ diệt đạo thánh đế.

Ðó là pháp mà trước đây Ta chưa từng nghe. Nhãn sanh, trí sanh, minh sanh, giác sanh, thông sanh, tuệ sanh, pháp như vậy nên biết. Trước đây Ta chưa từng nghe nhãn sanh cho đến tuệ sanh, pháp như vậy ta đã biết. Trước đây Ta chưa từng nghe nhãn sanh cho đến tuệ sanh là Khổ thánh đế; Khổ thánh đế như vậy nên biết và Khổ thánh đế như vậy Ta đã biết. Trước đây, Ta chưa từng nghe nhãn sanh cho đến tuệ sanh là Khổ tập thánh đế; Khổ tập thánh đế như vậy nên đoạn và Khổ tập thánh đế như vậy Ta đã đoạn. Trước đây, Ta chưa từng nghe nhãn sanh cho đến tuệ sanh là Khổ diệt thánh đế; Khổ diệt thánh đế như vậy nên chứng, và Khổ diệt thánh đế như vậy Ta đã chứng. Trước đây, Ta chưa từng nghe nhãn sanh cho đến tuệ sanh là Khổ diệt đạo thánh đế; Khổ diệt đạo thánh đế như vậy nên tu và Khổ diệt đạo thánh đế như vậy Ta đã tu. Trước đây, Ta chưa từng nghe nhãn sanh cho đến tuệ sanh. Ta đã biết như thật, đó là ba lần chuyển thành mười hai pháp luân, chứng thành Vô thượng Chánh giác.

Khi đức Phật nói pháp này, quả đất sáu lần rung chuyển. Kiều-trần-như xa trần lìa cấu, ở trong các pháp chứng được con mắt pháp trong sạch. Ðức Phật hỏi ông Kiều-trần-như:

- Ông hiểu chưa?

- Bạch Thế Tôn, con đã hiểu.

Vị Ðịa thần nghe rồi, báo lên thần Hư không, thần Hư không báo lên Tứ Thiên Vương Thiên22, Tứ Thiên Vương Thiên báo lên Ðao Lợi Thiên 23... Cứ lần lượt như vậy báo lên đến trời Phạm Thiên rằng: “Nay đức Phật ở tại Ba-la-nại chuyển bánh xe pháp Vô thượng mà trước đây chưa từng được chuyển. Sa-môn, Bà-la-môn, Thiên, Ma, Phạm, tất cả thế gian chưa hề có ai chuyển. Chư thiên hoan hỷ mưa xuống các loại hoa, đều có ánh sáng như các vì sao rơi xuống đất. Trong hư không nhạc trời nổi lên. Lúc ấy, Kiều-trần-như từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân Phật, bạch rằng:

- Bạch đức Thế Tôn, cho con xin được xuất gia thọ Cụ túc giới.

- Lành thay! Tỳ-kheo lại đây thọ giới Cụ túc. Ở trong pháp Phật khéo nói của Ta, có thể đoạn hết tất cả khổ, tịnh tu phạm hạnh. - Ðức Phật nói.

Kiều-trần-như râu tóc tự rơi xuống, ca-sa mặc vào thân, bình bát bưng nơi tay. Từ đây về sau được gọi là A Nhã Kiều-trần-như.

Ðức Phật lại vì bốn người còn lại nói pháp giáo giới. Bạt-đề, Bà-phả, hai người chứng được con mắt pháp trong sạch, thấy pháp đắc quả. Thấy pháp đắc quả rồi, từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ sát chân Phật, bạch rằng:

- Kính bạch đức Thế Tôn, nguyện cho chúng con được xuất gia thọ giới Cụ túc.

Ðức Phật dạy:

- Lành thay Tỳ-kheo!...

Bình bát bưng nơi tay (như trước).

Ðức Phật lại vì hai người nữa nói pháp giáo hóa. Át-bệ và Ma-ha-nạp được con mắt pháp trong sạch, thấy pháp đắc quả. Thấy pháp đắc quả rồi, từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ sát chân Phật, bạch:

- Kính bạch đức Thế Tôn, cho chúng con được xuất gia thọ giới Cụ túc.

Phật dạy:

Lành thay Tỳ-kheo!...

Bình bát bưng nơi tay (như trước).

Ðức Phật bảo năm Tỳ-kheo:

- Các ông một lòng cầu chánh đoạn phiền não. Trước đây, Ta cũng một lòng cầu chánh đoạn phiền não, nên được thành Vô thượng Chánh giác. Các ông nghĩ thế nào? - Sắc là thường hay vô thường?

- Thưa Ngài, sắc là vô thường. - Năm người đáp.

- Là vô thường thì khổ hay vui?. - Ðức Phật hỏi.

- Thưa là khổ. - Các vị đáp.

- Nếu là khổ thì ngã hay phi ngã?. - Ðức Phật hỏi.

- Thưa, là phi ngã. - Các vị đáp.

Thọ, tưởng, hành, thức, đức Phật cũng hỏi như trên, và các vị cũng trả lời như trên.

Ðức Phật lại dạy:

- Do đó, này các Tỳ-kheo! Sắc là trong hay ngoài, dù quá khứ, vị lai, hiện tại đều nên thấy đúng như thật là phi ngã. Thọ, tưởng, hành, thức cũng như vậy. Là Thánh đệ tử nên quán sát như vậy, nhàm chán, yểm ly, không nhiễm trước thì được giải thoát, được trí giải thoát, phạm hạnh đã lập, việc cần làm đã làm.

Khi đức Phật nói pháp như vậy, thì năm Tỳ-kheo đều dứt hết lậu hoặc, đắc A-la-hán đạo. Bấy giờ, thế gian có sáu vị A-la-hán.

Cũng trong thời gian ấy, có một người trai trẻ tên là Da-xá, con của một Trưởng giả. Da-xá bản tánh hiền lành, nhàm chán đời sống, muốn xa lìa thế gian, rất yêu thích việc nghe pháp. Bấy giờ đức Thế Tôn khởi ý niệm: “Da-xá, con ông Trưởng giả kia sẽ đem lòng tin mà xuất gia”.

Nghĩ thế, đức Phật bèn đến cạnh sông Bà-la, trải cỏ nghỉ lại đêm. Ðêm ấy, sau khi thưởng thức năm thứ dục lạc rồi, con ông Trưởng giả thiếp ngủ. Ngay sau đó, các kỷ nữ cũng ngủ vùi luôn. Ðêm đã khuya, Da-xá bỗng thức giấc nhìn thấy nhà cửa của mình như bãi tha ma, các kỷ nữ chẳng khác nào người gỗ. Họ gối lên nhau ngủ, nước mũi, nước miếng từ miệng và mũi chảy ra nhớp nhúa. Ðàn cầm, đàn sắc, ống tiêu, ống sáo cùng với đồ đạc ngổn ngang lăn lóc, trông thật đáng sợ. Da-xá càng nhàm chán, muốn vất bỏ tất cả, bèn chạy đến chỗ cha ở, cũng nhìn thấy mọi cảnh vật tương tợ. Sự nhàm chán muốn xa lìa lại càng lên cao. Da-xá vội đi về phía cửa hông, cửa hông bỗng nhiên mở ra, đi về hướng cửa cái, rồi cửa đại thành, cửa tự nhiên mở ra. Da-xá thoát ra ngoài, đi về phía dòng sông Bà-la, cất tiếng kêu lớn:

- Nay tôi sầu khổ quá! Không có chỗ nương nhờ!

Bấy giờ, đức Thế Tôn duỗi cánh tay sắc vàng, vẫy gọi:

- Này đồng tử, đến đây! Ðây là chỗ yên lặng không có sầu khổ.

Da-xá nghe tiếng gọi của Phật, thì mọi sầu khổ bỗng nhiên tan mất. Da-xá liền cởi đôi giày Lưu-ly đang mang để lại bờ sông, rồi lội qua đến chỗ Phật. Từ xa đã thấy đức Thế Tôn nhan sắc thù đặc như núi vàng ròng. Da-xá sanh tâm hoan hỷ, đến trước Phật, đầu mặt đảnh lễ sát chân Phật rồi ngồi lui qua một bên. Ðức Phật vì Da-xá nói các pháp vi diệu, chỉ bày sự lợi ích khiến lòng vui mừng. Tiếp theo, đức Phật nói pháp Tứ đế: Khổ, Tập, Diệt, Ðạo, Da-xá liền từ chỗ ngồi xa trần lìa cấu, được con mắt pháp trong sạch.

Khi các kỷ nữ bừng thức dậy thì chẳng thấy Da-xá đâu cả. Họ chia nhau tìm kiếm nhưng không thấy. Họ đến báo cáo với cha mẹ Da-xá. Cha mẹ cho bao vây tìm khắp, rao truyền cho mọi người biết rằng: “Ai biết con tôi ở đâu, tôi sẽ đem chiếc áo quý giá đang mặc biếu cho”.

Ngay trong đêm ấy, cha của Da-xá đến cửa thành và chờ cửa thành mở mới ra ngoài. Nhìn thấy dấu giày của con, rồi lần theo đến tận bờ sông thì bắt gặp đôi giày Lưu-ly để đó. Người cha vừa mừng vừa lo, bỏ lại đôi giày, lội ngay sang sông. Ðức Phật từ xa đã trông thấy người cha, sợ làm trở ngại thiện tâm người con, Ngài liền phương tiện hóa một vật che chắn, khiến con thấy cha mà cha không thấy con. Người cha hỏi đức Phật:

- Sa-môn có thấy con tôi ở đâu không?

- Ông nên ngồi nghỉ đã, nếu có nơi đây thì lo gì không thấy. - Ðức Phật trả lời.

Nghe lời nói ấy, người cha nghĩ rằng: “Chắc Sa-môn không nói dối”. Người cha liền đến kính lễ sát chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên. Ðức Phật thuyết pháp vi diệu cho người cha nghe, chỉ bày sự lợi ích, khiến lòng được vui mừng. Các pháp đức Phật thuyết, đó là luận về bố thí, luận về trì giới, luận về sanh thiên và nói về ngũ dục là tội lỗi sản sinh ra các lậu hoặc. Tại gia thì nhiễm ô, xuất gia thì không vướng mắc. Ðức Phật nói các pháp trợ Bồ-đề đạo, tiếp đến là nói các pháp mà chư Phật thường nói là Khổ, Tập, Tận, Ðạo. Ông Trưởng giả liền từ chỗ ngồi xa trần lìa cấu, được con mắt pháp trong sạch, thấy pháp đắc quả. Thấy pháp đắc quả rồi thọ ba quy y, tiếp đến thọ năm giới. Trong chúng Ưu-bà-tắc, cha con ông Da-xá là người đầu tiên thọ Tam quy, Ngũ giới. Da-xá nghe đức Phật vì cha mình nói pháp bốn chân đế, lậu hoặc liền hết, tâm ý liễu giải.

Sau đó, đức Phật khiến cho cha con hai bên thấy nhau. Người cha nói với con:

- Con nên về lại nhà, mẹ con tưởng mất con nên ưu sầu muốn chết.

Ðức Phật nói với người cha rằng:

- Nếu người nào đã giải thoát khỏi lậu hoặc, thì lại có thể trở về để thọ dục nữa hay không?

Người cha thưa:

- Dạ, không thể.

Ðức Phật bảo:

- Khi Ta vì ông nói pháp, Da-xá quán các pháp thì lậu hoặc liền hết, tâm được giải thoát.

Trưởng giả thưa:

- Thế Tôn vì con nói pháp, lại khiến cho Da-xá giải thoát thật là điều thiện lợi.

Khi ấy, Da-xá từ chỗ ngồi đứng dậy thưa:

- Kính bạch đức Thế Tôn, cho con xuất gia thọ Cụ túc giới.

- Lành thay, đến đây Tỳ-kheo!... (Cho đến câu: bình bát bưng ở tay như Kiều-trần-như ở trên).

Bấy giờ trong thế gian có bảy vị A-la-hán.

Về phần Trưởng giả, ông ta đứng dậy đảnh lễ sát chân Phật rồi thưa:

- Bạch Thế Tôn, cúi xin Ngài cùng Da-xá nhận bữa cúng dường của gia đình con vào ngày mai, ngay tại nhà con.

Ðức Phật nhận lời bằng sự im lặng. Trưởng giả đảnh lễ sát chân Phật, nhiễu ba vòng rồi cáo lui.

Sau khi trở về nhà, ông cho sắm sửa đầy đủ các món ăn, thức uống mỹ vị. Ðến giờ, đức Phật cùng ông Da-xá đắp y, bưng bát đến nhà Trưởng giả, an tọa nơi tòa. Vợ chồng Trưởng giả tự tay san sớt thức ăn. Ăn rồi, Phật dùng nước uống và nước rửa được hầu tiếp chu đáo. Bà vợ lấy chiếc ghế nhỏ ngồi trước Phật. Ðức Phật nói:

- Này cô! Cô nên quy y Phật, quy y Pháp, và quy y Tỳ-kheo Tăng.

Bà ta liền thọ Tam quy y và tiếp theo là thọ năm giới. Như vậy, mẹ Da-xá là người đàn bà đầu tiên thọ ba quy y và năm giới. Bấy giờ, đức Thế Tôn vì mẹ Da-xá và cả nhà lớn nhỏ nói các diệu pháp, chỉ bày sự lợi ích, khiến họ được vui mừng. Tất cả nhà đều xa trần lìa cấu, có được con mắt pháp trong sạch, thấy pháp đắc quả. Thấy pháp đắc quả rồi, đều thọ ba tự quy và năm giới.

Thuở ấy, Da-xá có bốn người bạn: một tên là Mãn-túc, hai tên là Thiện-bác, ba tên là Ly-cấu, bốn tên là Ngưu-chủ, nghe Da-xá xuất gia tu phạm hạnh ở nơi Sa-môn Cù Ðàm, họ cùng nhau bàn thảo:

- Ðạo này chắc là hơn hết, nên khiến cho kẻ hào tộc không đoái hoài đến địa vị, vinh hoa ở đời. Chúng ta có thể cùng đến chỗ Sa-môn tu phạm hạnh.

Ðồng ý nhau, cả bốn người đến chỗ Da-xá với tâm hồn mộ đạo, hỏi:

- Nơi mà bạn tu phạm hạnh, có đầy đủ khả năng cho sự tối thắng hay không?

- Ðạo này là Vô thượng tối thắng vậy! - Da-xá trả lời.

Da-xá dẫn bốn người đến chỗ Phật, họ đảnh lễ Phật sát chân rồi ngồi qua một bên. Ðức Phật vì họ nói các pháp nhiệm mầu, chỉ bày sự lợi ích khiến họ rất vui mừng. Cả bốn người đều ngộ đạo, rồi họ đảnh lễ sát chân Phật, bạch:

- Cúi xin Thế Tôn cho chúng con được xuất gia thọ Cụ túc giới.

- Lành thay, đến đây các Tỳ-kheo!... (cho đến: bình bát trên tay - như trên)

Thọ giới chưa bao lâu, do tinh tấn tu tập, họ đều đắc quả A-la-hán. Bấy giờ trong thế gian có mười một vị A-la-hán.

Da-xá trước kia giao du quen thân với năm mươi người bạn, nghe biết rõ sự việc Da-xá tu phạm hạnh, họ cùng nhau kéo đến thăm, tìm hiểu sự thật. Năm mươi người bạn này, sau khi thống nhất, họ đến Phật xin xuất gia. Sự việc giống như trên. Năm mươi người đều chứng quả A-la-hán. Như vậy, trong thế gian có sáu mươi mốt vị A-la-hán.

Thầy tướng A-di biết Bồ-tát sau khi thành Phật sẽ chuyển bánh xe pháp tại vườn Lộc Uyển, nơi Tiên nhơn, nước Ba-la-nại, ông ta lại nghĩ: “Sau khi ta qua đời, trong các đệ tử của ta, Na-la Ma-nạp sẽ kế thừa ta, các vật phẩm cúng dường ta sẽ thuộc về hắn. Chắc hắn tham đắm không lưu ý nhớ đến việc đức Phật ra đời. Nay ta nên dời đến cạnh vườn Lộc Uyển cất nhà ở, giáo dục hắn mỗi ngày ba lần nhớ đến việc đức Phật sẽ ra đời”, và dặn:

- Nếu khi Phật xuất thế, con nên đến tu phạm hạnh nơi Ngài.

Thầy tướng A-di thực hiện đúng như điều đã suy nghĩ. Không lâu sau, A-di qua đời. Quả thật Na-la nhận được vật cúng dường, tâm tham đắm sâu đậm, không hề nghĩ đến sự kiện đức Phật ra đời.

Cũng vào thời điểm ấy, Long vương Y-la-bát24suy nghĩ: “Xưa kia đức Phật Ca-diếp huyền ký cho ta rằng:‘Ðời đương lai, sau trăm ngàn vạn ức năm, đức Phật Thích Ca Mâu Ni xuất hiện ở đời, Ngài sẽ huyền ký cho ngươi về thời gian thoát khỏi thân rồng’. Nay chính là lúc ta nên đến để gặp đức Phật Thích Ca”.

Long vương vì cần gặp Phật, cho nên trong sáu ngày chay thường ở trong sông Hằng, lấy bát vàng đựng đầy thóc bạc, lấy bát bạc đựng đầy thóc bằng vàng, lại trang sức lộng lẫy cho hai người con gái, rồi nói bài kệ:

Vua nào trên các vua?

Bậc nào nhiễm cùng không?

Làm sao đặng vô cấu?

Người nào gọi là ngu?

Người nào bị dòng cuốn?

Ðược gì gọi là trí?

Làm sao dòng không cuốn

Ðể gọi là giải thoát?

Long vương nói bài kệ này rồi, nghĩ rằng: “Nếu ai có thể giải được bài kệ này thì người đó là Phật. Còn nếu ai nghe lời giải từ Phật thì họ sẽ chỉ cho ta chỗ Phật ở. Bởi vì, theo ta thì hiện tại không có Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên, Ma, Phạm, tất cả thế gian không ai giải được bài kệ này”. Nghĩ như vậy rồi liền rao truyền:

- Nếu ai có thể giải được bài kệ này, tôi sẽ biếu cho bát vàng, bạc đựng lúa bạc, vàng và hai người con gái của tôi.

Bấy giờ có quá nhiều Sa-môn, Bà-la-môn, Trưởng giả, Cư sĩ tranh nhau muốn vì sự thách đố của Long vương mà giải bài kệ này, song tất cả không ai giải nổi kệ của Long vương.

Hồi ấy, trong nước Ma-kiệt-đà, Na-la Ma-nạpđược mọi người tôn kính. Trước bài kệ ấy, nhân dân đều nghĩ rằng: “Na-la Ma-nạp là người có tri kiến lớn, chắc có thể giải được”, bèn kéo nhau đến để yêu cầu Ma-nạp giải đáp. Ma-nạp suy nghĩ: “Ta được cả nước tôn kính, nếu bảo không giải được thì mọi người sẽ bỏ rơi ta”. Tuy chưa giải được, nhưng phải tạo phương tiện để bảo tồn danh dự, Na-la Ma-nạp trả lời:

- Mọi người cùng tôi đến chỗ Long vương, tôi sẽ giải cho.

Thầy trò xúm xít vây quanh nhau thật đông đảo, kéo nhau đến chỗ Long vương. Ma-nạp nói:

- Long vương nói rõ lại bài kệ, tôi sẽ giải đáp.

Long vương liền nói lại bài kệ trên.

- Bài kệ này rất dễ hiểu, nhưng đợi sau bảy ngày tôi sẽ giải đáp. - Na-la Ma-nạp hẹn thế.

Na-la Ma-nạp thuộc làu bài kệ rồi, trước hết đọc kệ hỏi Sa-môn, Bà-la-môn, Bất Lan Ca-diếp, Lục sư v.v... Tất cả không một ai giải đáp được. Họ đều cáu gắt mắng cho là dối trá, quỷ quyệt, hoặc bảo đó là vô nghĩa, muốn dùng thủ đoạn bớt chữ để không giải được.

Ma-nạp lại nghĩ: “Xưa kia thầy ta dạy ta: Phật xuất thế, nên đến đó tu phạm hạnh. Nay Sa-môn Cù Ðàm ở nơi vườn Nai, chắc Ngài có thể giải được, ta nên đến hỏi”.

Nhưng Ma-nạp lại nghĩ: “Lục sư là hạng thâm niên, bác học mà còn chưa giải nổi, huống chi Sa-môn Cù Ðàm tuổi nhỏ, mới xuất hiện, làm sao hiểu nổi?”.

Tuy vậy, Ma-nạp lại suy diễn: “Thông minh hay ngu tối là điều tự nhiên, không thể dựa vào tuổi tác. Cù Ðàm tuy nhỏ tuổi, nhưng không thể khinh được”.

Ma-nạp tự tin đi đến Phật, đảnh lễ sát chân rồi đứng qua một bên, đọc bài kệ của Long vương để hỏi đức Phật. Ðức Phật liền đọc bài kệ trả lời:

Vua thứ sáu25trên hết

Người bị nhiễm cùng không

Không nhiễm là không cấu

Người nhiễm gọi là ngu

Người ngu bị dòng cuốn

Người dứt được là trí

Bỏ dòng, không trở lại

Như thế là giải thoát.

Na-la Ma-nạp nghe bài kệ này rồi, liền khẳng định đây là trí thậm thâm của Phật, liền tụng tập thọ trì. Ngày thứ bảy đến chỗ Long vương. Khi ấy, tám mươi bốn ngàn người tụ tập hai bên bờ sông Hằng để nghe Ma-nạp giảng nói nghĩa bài kệ. Ma-nạp bảo Long vương: “Hãy nói bài kệ của nhà ngươi trước”. Long vương đọc kệ. Ma-nạp liền nói bài kệ đã được nghe từ đức Phật để giảng giải. Long vương vô cùng hoan hỷ sau khi nghe lời kệ giải đáp, nghĩ rằng: “Phật đã ra đời, nay nhờ sự việc này mà ta được gặp đức Phật. Vì sao vậy? Vì ngoài đức Phật, chẳng còn ai có thể giải đáp nổi”. Quyết chắc như vậy, Long vương hỏi Ma-nạp:

- Ông nên nói thật với tôi, bài kệ mà ông vừa nói là ông nghe từ ai? Vì hiện nay tôi chưa thấy Sa-môn, Bà-la-môn, tất cả thế gian người nào có thể nói bài kệ này, chỉ trừ đức Phật. Ông nghe từ đức Phật phải không?

Ma-nạp nói:

- Tôi xin nói thật với ông, đức Phật đã xuất thế, tôi nghe từ Ngài.

- Nay đức Phật trú ở đâu? Tôi muốn đến yết kiến Ngài. - Long vương vui mừng hỏi.

Ma-nạp quỳ gối, đưa tay chỉ về hướng đức Phật ở, nói:

- Hiện nay đức Phật ngụ ở đó.

Long vương vô cùng hoan hỷ, ba lần xướng rằng:

- Nam mô Như Lai Ứng Cúng Ðẳng Chánh Giác.

Long vương nói với Ma-nạp:

- Ông có thể đưa tôi đến chỗ Phật để thăm hỏi đức Thế Tôn, được không?

- Ðược vậy. - Ma-nạp trả lời.

Long vương liền hiện lại thân rồng, dài lớn khổng lồ, mắt to như cái bình bát, hơi thở như sấm, miệng tuôn ra hỏa quang, ngược dòng nước mà đi. Tám mươi bốn ngàn người đi theo rồng trên hai bờ sông Hằng. Khi đến một bãi nhỏ, Long vương lại hóa làm Chuyển luân Thánh vương, lên bờ rồi đến chỗ Phật. Từ xa thấy đức Phật dung mạo đặc thù, giống như núi vàng, Chuyển luân hoan hỷ, lòng kính trọng không sao xiết kể. Ðức Phật thấy Chuyển luân vương, tức Long vương, liền gọi tên:

- Lành thay, Long vương Y-la-bát, đến đây!

Long vương nghe gọi tên mình, lại vô cùng xúc động, nghĩ: “Ðức Thế Tôn biết tên ta, Tu Già Ðà(Phật) biết tên ta!”.

Long vương đảnh lễ sát chân Phật rồi đứng lui qua một bên, nói lại bài kệ ấy để thưa hỏi Phật. Ðức Phật nói lại bài kệ đã nói cho Ma-nạp nghe. Long vương nghe kệ, liền bày tỏ lòng vui mừng của mình, nhưng sau đó lại buồn khóc. Ðức Phật hỏi Long vương:

- Tại sao chỉ trong chốc lát vui đó rồi lại buồn đó?

- Bạch Thế Tôn, con nhớ đời quá khứ, con tịnh tu phạm hạnh nơi đức Phật Ca-diếp. Một thời gian sau, con cầm một cành hoa màu tím đến chỗ Phật Ca-diếp, hỏi: “Bạch Thế Tôn, nếu Tỳ-kheo làm cho cành hoa này chết thì phạm những lỗi gì?”. Ðức Phật Ca-diếp bảo: “Do bởi nhân duyên đó, nên có thể đọa vào địa ngục, rất khổ”. Con nghe lời dạy ấy mà không tin, không kính. Con đem cành hoa đâm vào lá cây Y-la với ý nghĩ: “Thử xem có quả báo ra sao?”. Cuối cùng, con không bỏ ác kiến ấy, cũng không sám hối và sau khi chết sanh vào trong loài rồng, sống rất lâu. Do nghiệp ấy cho nên con mang tên rồng: Y-la-bát. Sau khi thọ thân rồng rồi, con trở lại hỏi đức Phật Ca-diếp: “Khi nào con có thể thoát khỏi thân rồng này?”. Ðức Phật Ca-diếp nói: “Ðời đương lai, sau trăm ngàn vạn ức năm, có đức Phật Thích Ca Mâu Ni xuất hiện ở đời, Ngài sẽ cho ngươi biết khi nào thì thoát khỏi thân rồng”. Nay con đã gặp được đức Thế Tôn, sanh tâm hy hữu, mới biết lời nói của chư Phật là không hư dối, cho nên con rất hân hoan. Con lại nghĩ: “Xưa kia do trái lời Phật dạy, nay lại không thể thọ minh giới của Phật”, cho nên con buồn khóc.

Long vương lại bạch:

- Nguyện xin Thế Tôn cho con biết, khi nào con thoát khỏi thân rồng này?

Ðức Phật dạy:

- Ðời đương lai, sau trăm ngàn vạn ức năm, có đức Phật Di Lặc xuất hiện ở đời, khi ấy, ngươi thoát khỏi thân rồng, xuất gia thọ giới, rộng tu phạm hạnh, dứt hết gốc khổ.

Ðức Phật cho rồng thọ ba tự quy, làm người Ưu-bà-tắc. Ðức Phật lại vì tám mươi bốn ngàn người nói các diệu pháp, chỉ bày sự lợi ích, khiến cho họ vui mừng, như nói về pháp Bố thí..., cho đến thoát ly khổ là niềm vui. Sau khi họ nhận được niềm vui, đức Phật lại vì họ nói các pháp mà chư Phật thường nói là: Khổ, Tập, Tận, Ðạo. Tám vạn bốn mươi ngàn người ngay chỗ ngồi xa lìa trần cấu, thấy pháp đắc quả, rồi thọ ba tự quy y, tiếp đến thọ năm giới. Khi ấy, Long vương nói với Na-la Ma-nạp rằng:

- Nay ông đâu cần gì đến Long nữ nữa? Long nữ nhiều sân nhuế, hoặc dùng lửa độc làm hại cho nhau. Tuy nhiên ông cần vàng bạc, vật báu thì tôi xin biếu hết cho ông.

Ma-nạp nói:

- Thôi đi Long vương! Tôi không cần Long nữ, cũng không cần vàng bạc. Tôi nghe đức Phật nói bài kệ đã lìa được mọi ham muốn của cõi dục rồi.

Ðức Phật thuyết pháp xong, bảo Long vương:

- Ông có thể trở về lại chỗ ở.

Long vương vâng lời, đảnh lễ cáo lui. Sau khi Long vương đi, Ma-nạp đến trước Phật, đảnh lễ sát chân Ngài, thưa:

- Kính bạch đức Thế Tôn, nguyện xin cho con được xuất gia, thọ giới Cụ túc.

Ðức Phật dạy:

- Lành thay! Ðến đây Tỳ-kheo!... (cho đến bình bát bưng nơi tay - như trước).

Xuất gia chưa bao lâu, Na-la Ma-nạp do tinh tấn tu hành, đắc quả A-la-hán. Bấy giờ, trong thế gian có sáu mươi hai vị A-la-hán.

Sau đó, đức Phật từ vườn Nai tuần tự du hóa đến rừng Sa-la26, Ngài ngồi dưới tàng cây. Cách rừng không xa có một khu vườn để dạo chơi. Lúc đó, có ba mươi người thanh niên đồng bạn bè đưa vợ đến khu vườn ấy để vui chơi. Trong số đó có một người chưa vợ, thuê một dâm nữ, cho mượn y phục đẹp mặc vào rồi cùng nhau dạo chơi trong vườn ấy. Cuộc tình vừa đến đỉnh cao, người dâm nữ mặc đồ xinh đẹp quý giá kia thình lình bỏ chạy thoát thân. Bọn thanh niên cùng nhau đuổi theo truy tầm, đến rừng Sa-la, từ xa trông thấy đức Phật dung mạo thù thắng, giống như núi vàng, bọn họ như bị sự chế ngự hiếm thấy. Họ cùng đến chỗ Phật, đảnh lễ sát chân, rồi ngồi qua một bên và hỏi Phật:

- Ðại Sa-môn có thấy một người nữ nào đến đây không?

Ðức Phật hỏi lại:

- Tự tìm chính mình và đi tìm người khác thì điều nào nên làm trước?

Nhóm thanh niên thưa:

- Tự tìm lấy mình trước, hơn là đi tìm người nữ.

Ðức Phật dạy:

- Các người ngồi lại đây, Ta nói pháp cho nghe.

Họ nghe lời, kính lễ rồi ngồi xuống. Ðức Phật vì họ nói các pháp vi diệu, chỉ bày sự lợi ích để họ vui mừng... cho đến đức Phật nói các pháp Khổ, Tập, Tận, Ðạo. Ba mươi người thanh niên đều liễu ngộ diệu pháp. Sau đó, họ đồng xin xuất gia và thọ Cụ túc giới. Ðức Phật dạy:

- Lành thay, đến đây các Tỳ-kheo!....

Họ tinh tấn tu tập và đắc quả A-la-hán. Bấy giờ trong thế gian có chín mươi hai vị A-la-hán.

Bấy giờ, lại có sáu mươi người làm việc hôn nhân đi ngang qua rừng Sa-la. Từ xa trông thấy đức Thế Tôn dung nhan đĩnh đạc, giống như núi vàng, họ đến trước đức Phật đảnh lễ sát chân Ngài. Sau khi nghe pháp, họ đồng loạt xin xuất gia, Phật bảo: “Lành thay, đến đây các Tỳ-kheo.....” Họ đều đắc giới Tỳ-kheo. Tất cả sau đó đều chứng quả A-la-hán. Bấy giờ trong thế gian có một trăm năm mươi hai vị A-la-hán.


1Chương 6: Pháp hối quá (Pali: Pªtidesaniya, Ba-la-đề đề-xá-ni. dịch là Hướng bỉ hối, Phát lộ, Hối quá....Tăng kỳ 21, tr. 396c25, T22n1425: Ba-la-đề-đề-xá-ni, vì tội này hướng đến người(Tỳ-kheo) mà sám hối, không được che dấu.)

2Tứ phần 19: Tỳ-kheo ni Liên Hoa Sắc.

3Học gia: Thập tụng 19, tr.132b22, T23n1435: Học gia là chỉ cho gia đình đã đắc Sơ quả. Tăng kỳ 21, tr. 399a3, T22n1425: Học gia là chỉ cho gia đình mà cả vợ lẫn chồng đều chứng được một trong ba quả: Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm hoặc A-na-hàm. Pali: sekkhasammatªni kulªni, những gia đình đã được xác nhận là hữu học; giải thích: đó là gia đình tăng trưởng với tín, nhưng tổn giảm với tài sản (cht. Tứ phần).

1Chương 7: Pháp chúng học (Thức-xoa-ca-la-ni). Thức-xoa-ca-la-ni: Skt. sùiksïakaranïÌya, Pali. sekkhªkaran Ìyà, dịch là “điều cần phải học”. Căn bản: Chúng đa học pháp. Các bộ khác: Chúng học pháp.

2Nước Bà-già: Pali. Bhaggª, Bà-kỳ.

3Núi Thủ-ma-la: Skt. Sùisùumªragira, Pali. Simïsumªragira, dịch là núi cá sấu. Cũng gọi là thôn núi Thi-thâu-ma-la.

4Rừng Khủng Bố (Khủng úy): Pali. Bhesakalïªvana, dịch là rừng Kinh sợ.

5Ma-nạp: Xem cht. 30, tr 88.

6Chấn tay: Bỏ cơm vào tay trái, dùng bàn tay phải chấn ngay khuỷ tay trái để cơm quăng vào miệng.

1Phần 2, Chương 1: Pháp Ba-la-di, Luật ni.

1Chương 2: Pháp Tăng tàn.

2Rừng An-đà: Xem cht. 6, tr 119.

3Bồ-xà-ni: Cũng gọi là Xa-đà-ni (xem cht. 41, tr 234).

1Chương 3: Pháp xả đọa (Ny-tát-kỳ Ba-dật-đề).

2Xem cht. 7, tr 122.

3Nguyệt thủy: Xem cht. 17, tr 17.

4Trọng y (y nặng, y dày): Tứ phần 24, tr. 733c06, T22n1428: Y trị giá một ngàn trương điệp. Tăng kỳ 37, tr. 526b07, T22n1425: (Y Khâm-bà-la) trị giá một trăm ngàn. Ngũ phần 12, tr. 84c01, T22n1421: Trọng y, là y mặc khi thời tiết lạnh. Tăng kỳ 37, tr 526b29: Trọng y, là y Khâm-bà-la. Tứ phần 24, tr. 734a5: Trọng y, là y ngăn lạnh.

5Y Khâm-bà-la: Skt. Kambara, y (vải) làm bằng lông dê.

6Ly-xa: Skt=Pali. Licchavi, chủng tộc Sát-đế-lợi (ksatriya) cư trú trong thành Tỳ-xá-li (Vaisùªli), cũng là chi hệ bộ tộc Bạt-kỳ (Vrïji).

7Bốn đại tiền: Tăng kỳ 37, tr. 526b29: Bốn yết-lợi-sa-bàn bằng 16 đồng tiền cổ. Tứ phần 24, tr 724a4: Nhận tối đa trị giá bốn lớp trương điệp.

1Chương 4: Pháp đọa (Ba-dật-đề).

2A-di (Phương ngôn): Cô, dì (chị em gái của mẹ).... Ðây là nghĩa Hán ngữ, còn theo cách gọi trên có thể hiểu là: Tỳ-kheo ni, Ðại tỷ.

1Phần 3, Chương 1: Pháp thọ giới (Pali. Mahªkhandhaka)

2Nê-hoàn: Skt. nirvªnïa, Pali. nibbªna, Niết-bàn,...dịch là Tịch diệt, Bất sinh, Vô vi, An lạc....

3Rừng A-nậu-da: Skt. Anupriyª, Pali. Anupiyª, còn gọi là thôn A-nô-ba, gần sông A-nô-ma (Anomª).

4Chuyển luân Thánh vương: Skt. CakravartÌr ªja, Pali. Cakkavattin, là vị vua cai trị toàn cầu, về sau danh hiệu này dùng chỉ cho đức Phật.

5Cây Tu-ma-na: Skt. Sumanas, Pali. Sumanª.

6Núi Ba-la-nại: Pali. Pandava, một ngọn đồi ở hướng Ðông bắc, trong số năm ngọn đồi bao bọc thành Vương-xá.

7Kinh Thuỵ Ứng Bổn Khởi: Phật thuyết thái tử Thuỵ Ứng bổn khởi kinh (T2n185, tr 472).

8Tụ lạc Uất-tỳ-la: Pali. Uruvelª, còn gọi là rừng Ưu-lâu-tần-loa. Ưu-lâu-tần-loa là tên vùng đất ven sông Ni-liên-thiền (Skt. Nairanõjanª), cũng ở trong nước Ma-kiệt-đà; “ một vùng đất tươi đẹp với khu rừng khả ái và dòng sông trong vắt, rất thích hợp để tắm mát, nghỉ ngơi; lại có làng xóm chung quanh dễ khất thực” (Majjhima Nikªya, 26).

9Quả Ha-lê-lặc: Pali. HarÌtak Ì, quả như quả táo, vị đắng, một trong năm loại thuốc.

10Tầm: Ðơn vị đo chiều dài thời xưa. 8 thước là một tầm, và độ rộng gọi là tầm, độ sâu gọi là nhận.

11Rồng Văn-lân: Pali. Mucalinda Nªgar ªjan, Mục-chân-lân-đà Long Vương. Long Vương ở ao Mục-chân-lân-đà.

12Cây Mục-chân-lân-đà(Skt. Mucilinda).

13Tụ lạc Uất-tỳ-la-tư-na: Pali. Uruvelª-sen ªni, cũng là tụ lạc Uất-tỳ-la. Xem cht. 7 trước.

14Cây A-dự-ba-la ni-câu-loại: Pali. Ajapªlanigrodha, A-xà-ba-la-dung thoï

15Cây La-xà-da-hằng-na (Skt. rªj ªvatana).

16Phạm thiên vương: Xem cht. 50, tr 241.

17Thuở xưa tại Ma-kiệt-đà (Magadhª) có phát nguyên một Giáo pháp không tinh thuần, do người trần tục suy tìm ra.

18Uất-đầu-lam-phất: Pali. Uddaka Rªmaputta, vị đạo sư thứ hai, người đã dẫn dắt Ngài đến từng thiền vô sắc cao nhất, Phi Tưởng Phi Phi Tưởng.

19A-lan-ca-lan: Pali. Alïªra Kªlªma, vị đạo sư đầu tiên dạy Bồ-tát đến thiền Vô Sở Hữu Xứ Thiên.

20Nước Ba-la-nại: Pali. Bār ānïasi, cách gọi khác Bà-la-nê-tư, dịch nghĩa là Giang nhiễu (sông chảy quanh), vì lẽ nước này nằm ở lưu vực sông Hằng.

21Tiên Nhơn Lộc Uyển: Pali. Isipatana Migadāya, Tiên nhơn đoạ xứ Lộc dã uyển, Tiên nhơn đoạ xứ Lộc lâm.

22Tứ Thiên Vương Thiên: Pali. Cªtumahªrªjikªdevª. Xem cht. 48, tr 241.

23Ðao Lợi Thiên: Pali. Tusitªdev ª.

24Long vương Y-la-bát: Skt. Elªpattra, Pali. Erªpatha, Long vương Y-la-diệp, tiền thân là một Tỳ-kheo thời Phật Ca-diếp (Pali. Kassapa), bị té thuyền, vớ nhằm lá erªpatha. Ông chết đuối với tâm u uất nên tái sanh làm thân rồng (Pháp cú truyện giải, Dh. A.iii.230-6). Theo tài liệu Hán, Phúc cái chánh hạnh sở tập kinh 11 (T32n1671): Tiền thân là Tỳ-kheo phạm hai tội, ngắt lá y-la và Khất thực sau giờ ngọ, do đó sinh làm thân rồng với 7 đầu, trên đó mọc cây y-la(cht. Tứ phần).

25Vua thứ sáu: là ý thức.

26Rừng Sa-la: Xem cht. 45, tr 237.

--- o0o ---


Trình bày: Nhị Tường

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]