Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

28. HT.Thích Như Điển trải nghiệm… (Thích Như Tú)

17/06/201407:42(Xem: 17695)
28. HT.Thích Như Điển trải nghiệm… (Thích Như Tú)

blank

HT Thích Như Điển đang cầm bông lúa Ấn Độ trên tay
mà nặng tình về quê hương Vệt Nam (cùng với ĐĐ.Thích
Như Tú trên đường đi Vanarasi, Ấn Độ)

Qua văn chương của Hòa Thượng Phương Trượng Thích Như Điển mà tôi đọc được đâu đó trong 62 tác phẩm hiện đang lưu hành khắp nơi. Trong đó dường như mang nặng tình quê hương, đất nước và lòng đầy trắc ẩn tiếp dẫn hậu lai. Bao tháng năm qua, ngài đã rời xa ngôi làng xưa Xuyên Mỹ, với miền quê dệt lụa, ươm tằm nhả kén; với "chân trần" nơi hương đồng cỏ nội mênh mông; với lũy tre xanh soi bóng dưới dòng sông Thu Bồn ngày ấy.

Năm 15 tuổi, vào một ngày hoàng đạo, ngài xuất gia tại chùa Viên Giác, Hội An, Quảng Nam. Nhưng không may, gặp lúc Sư Phụ mới ra tù, thân mang trọng bịnh cần phải vào Sài Gòn điều trị nên gởi ngài đến Tổ Đình Phước Lâm thuộc thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh để hành điệu. Sau một thời gian, ngài vào Miền Nam ở Chùa Hưng Long. Năm 1972, du học Nhật Bản tại Đại Học Teikyo. Đối với tông môn Viên Giác, ngài là trưởng huynh của chúng tôi, nhưng huynh đệ chưa một ngày sống chung trong ngôi già lam Viên Giác. Bởi lẽ, lúc ngài du học Nhật Bản thì chúng tôi mới bắt đầu cất tiếng khóc chào đời. Năm 1974, ngài trở về Việt Nam nhưng thủy thổ không còn hợp với ngài nữa nên ngài trở lại Nhật rồi chiều ngày 22 tháng 4 năm 1977, ngài sang Đức hành đạo, kiến lập ngôi Chùa Viên Giác và đến hôm nay chưa một lần về thăm lại chốn xưa.

Tháng 2 năm 2001, nhân chuyến sang Thái Lan và Ấn Độ để dự lễ khánh thành Trung Tâm Tu Học Viên Giác tại Bồ Đề Đạo Tràng, tôi cùng các huynh đệ Thích Như Tịnh, Thích Như Vân và Sư Cô Thích Nữ Như Bảo. Mục đích của huynh đệ chúng tôi là không ngoài việc diện kiến và đảnh lễ bậc trưởng huynh sau những năm Sư Phụ viên tịch. Đây là lần đầu tiên chúng tôi được gặp ngài nơi đất Phật. Rồi từ nhân duyên quyền huynh thế phụ đã khiến ngài thêm một gánh nặng lo toan, phải dìu dắt cho đàn em thơ dại ở quê nhà, đang bị vùi dập bởi tang thương đổ nát, dưới "Cây Đa già chết lặn đêm qua". Lần đó, sau cuộc trò chuyện nơi thư phòng Trung Tâm Tu Học Viên Giác, chúng tôi ai nấy cùng hoan hỉ đảnh lễ ngài tam bái và lạy tạ lui ra.

Nhân duyên kế tiếp duyên sinh, tôi được ngài quan tâm khuyến tấn du học Ấn Độ. Ngài hứa, sẽ giúp tôi hoàn thành con đường học vấn. Trong lòng tôi dâng lên một niềm vui khó tả. Tôi ôm mộng du học, trở về Việt Nam với tinh thần đầy hoan hỉ.

*

Về đến sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, huynh đệ chúng tôi mỗi người một ngả. Sư Cô Thích Nữ Như Bảo về trụ xứ Tịnh Thất Viên Giác mà Sư Cô vừa kiến lập được một năm. Tịnh Thất này có được ngày hôm nay cũng là nguyện vọng của Sư Phụ lúc viên tịch. Sư Phụ dạy Cô nên xây dựng một tịnh thất nhỏ để cho Ni chúng Viên Giác làm nơi tá túc lúc vào Miền Nam tu học. Sư đệ Như Vân trở lại Quảng Nam. Sư đệ Như Tịnh ở Chùa Bửu Đà, còn tôi thì tiến hành làm các thủ tục giấy tờ gởi sang Ấn Độ để được nhập học. Lúc bấy giờ, tôi đang nhập chúng tại Chùa Già Lam tại Sài Gòn và theo học Phật Học Viện, khóa 5 niên học 2001 - 2005.

Vài tháng sau có tin từ Ấn Độ, tôi đã nhận thư nhập học ngành Ngôn Ngữ (Linguisitcs) trường Đại Học New Delhi. Tôi liền đến văn phòng Học Viện đảnh lễ Hòa Thượng Chánh Văn Phòng Thích Đạt Đạo và thưa xin tạm nghỉ học ở Học Viện để sang Ấn Độ du học. Hòa Thượng đồng ý và cho tôi những lời khuyên học tập ở nơi xa xứ, còn lì xì phong bì 100 USD để tôi làm lộ phí. Giữa mùa An Cư năm 2002, tôi tác bạch trên Ôn Viện Chủ Chùa Già Lam và đại chúng trường hạ để được rời giới trường đi học.

Chuẩn bị cho chuyến đi, Hòa Thượng Phương Trượng Thích Như Điển có gởi về tôi một vé máy bay để tôi sang Ấn Độ. Hòa Thượng kèm theo một lá thư viết tay “thế là đã mãn nguyện rồi phải không?…(cười), ngài dạy tôi: Lúc nào học thì ở Trường, lúc nghỉ Thu và nghỉ Đông thì về Bồ Đề Đạo Tràng lạy Phật tu tập”. Và tôi cũng được nhân duyên này mà gần cội cây Bồ Đề ấy trong suốt 10 năm nơi đất Phật. Lá thư viết tay chữ màu xanh ấy tôi vẫn còn giữ đến hôm nay để làm kỷ niệm chặng đường của đời tôi. Vâng, thế là tôi đã mãn nguyện với những gì mong ước của một đời sinh viên được đi du học.

"Vô tình áo bạt sờn vai

Mười năm vác mộng khôi hài viễn du".

Tuy chúng tôi chưa đủ duyên gặp ngài lúc mới xuất gia, nhưng trong thời gian hành điệu tại Chùa Viên Giác, Hội An, Sư Phụ thường nhắc về ngài, rồi lấy ngài làm người mẫu mực để nhắc nhở cho chúng tôi noi theo.

Tôi còn nhớ, có lần chúng tôi đi học về chiều, trễ nải việc chấp tác, công phu bái sám, Sư Phụ nói:

- Mấy ông bây giờ sướng quá, rồi bỏ bê công việc, không lo học hành, công phu kinh kệ. Ngày trước ở đây, các chú như Chú Điển, Chú Thứ, Chú Duy, Chú Nhơn (nhà thơ Trần Trung Đạo) v.v… vừa đi học, vừa cày ruộng, vừa chằm nón, vừa lái xe, vừa làm đậu hủ mang ra chợ bán mà ai cũng học hành giỏi dang, lanh lợi, siêng năng… chùa chiền trong ngoài tươm tất, sạch sẽ. Còn chú Điển, lúc vào Sài Gòn ở Chùa Hưng Long tá túc đi học, Hòa Thượng Hưng Long khen "3 năm không bỏ thời Kinh Lăng Nghiêm". Rồi đến khi, Như Điển đi học Nhật Bản "tiện tặn không dám tiêu xài, mấy lần nấu cháo thay cơm. Tự nấu ăn, tự đi chợ, tự đi học bằng xe buýt đường xa". Chứ đâu giống như mấy chú bây chừ! Lười biếng, không có tâm cầu tiến!

Thế là chúng tôi được dịp đón nhận một bài ca muôn thuở. Sau này, tôi được nghe thêm từ những kinh nghiệm sống của Hòa Thượng Phương Trượng thuở thiếu thời. Ngài từng là học tăng nơi xứ lạ quê người, trải nghiệm sinh hoạt bản thân bên ngôi chùa Nhật Bản và đồng thời nhìn thấy những học tăng khác phải bôn ba về tài chánh, cơm áo gạo tiền, để hoàn thành Đại Học; hiểu và cảm thông cuộc sống của Tăng Ni du học nơi xứ lạ khốn đốn, thế nên ngài dốc lòng vận động bà con đồng hương Phật tử thành lập quỹ học bổng Viên Giác, ủng hộ, cấp phát học bổng vô điều kiện cho hơn 300 Tăng Ni Nghiên Cứu Sinh du học khắp nơi trong thời gian dài, hơn 20 năm qua.

Tôi may mắn nhận được học bổng này và du học Ấn Độ từ năm 2002 đến năm 2012. Lúc đến Ấn Độ, ngài dạy tôi, đại diện ngài để chuyển tiếp học bổng Viên Giác đến các Tăng Ni Nghiên Cứu Sinh đang học tại các Trường Đại Học trên đất nước này. Vì vậy, tôi đã thay thế ngài phát cheque (séc) cho hơn 100 quý Thầy, quý Sư Cô tương đương 100 ngàn Mỹ Kim mỗi năm, được chia làm 2 đợt. Đợt một sau lễ Thượng Nguyên rằm tháng giêng. Đợt hai sau Đại lễ Vu Lan Báo Hiếu.

Ngoài những vị được nhận học bổng chính thức theo danh sách, ngài còn tặng thêm cho quý Thầy, quý Sư Cô cũ cũng như mới nhân lúc gặp ngài. Có những vị đang học nửa chừng thì đường viện trợ bị ngưng, chẳng hạn như Sư Phụ ở Việt Nam không đủ điều kiện lo tiếp tục, hoặc viên tịch, hoặc có trường hợp trước khi du học, người Phật tử thân quen của vị ấy hứa sẽ bảo trợ 2 năm Thạc Sĩ, hoặc Tiến Sĩ nhưng không may công việc làm ăn của họ bị thất bại trong kinh doanh, nên đành sám hối với vị Thầy, hay Sư Cô đó. Trước hoàn cảnh của Tăng Ni Nghiên Cứu Sinh như vậy làm sao Hòa Thượng không xúc động. Sau khi nghe những lời bộc bạch thiết tha này, ngài đã mở rộng lòng nhân ái, chạm vào trong tận cùng của sự bao dung. Ngài đã nâng thêm học bổng cho những vị ấy, còn tặng tịnh tài ngay lúc khó khăn đó, để vị ấy giải quyết trước mắt tiền hằng tháng thuê nhà cũng như các phí sinh hoạt khác và hứa hẹn đợt sau “Thầy sẽ bảo Như Tú chuyển séc đến cho”. Hòa Thượng Phương Trượng là thế đó. Lúc nào cũng sẵn sàng giang tay cứu giúp, nhất là những mầm non của tương lai.

Cơ hội được đảnh lễ ngài và trình bày đời sống tu học cũng như các khoản sinh hoạt phí mỗi tháng của Tăng Ni Sinh Viên, chỉ rơi vào những tháng mùa Đông, khi ngài sang Úc Châu nhập thất ba tháng ở núi đồi Đa Bảo. Cứ mỗi năm, trên đường đến Úc, ngài ghé lại Ấn Độ lạy Phật, kinh hành đồng thời tổ chức Khóa Trao Đổi Tu Học Phật Pháp 7 ngày cho Tăng Ni Sinh đang du học tại Ấn Độ. Chương trình tu học cũng đầy đủ, ngoài giờ tụng kinh Pháp Hoa, còn có giờ tham luận về các đề tài phong phú. Và đặc biệt dành riêng một ngày để hành hương Phật tích.

Trong thời gian này, ngài thường vỗ về, mang những kinh nghiệm tu học của mình chia sẻ cho Tăng Ni Sinh để sau khi rời ghế nhà trường mang sứ mệnh của Như Lai đến khắp mọi nơi, dụng tâm Phật hoằng pháp lợi sanh hoặc trở lại quê hương đóng góp tri thức cho Phật Giáo tại quê nhà. Tính cho đến năm 2012, số Tăng Ni Nghiên Cứu Sinh nhận học bổng Viên Giác đã tốt nghiệp Tiến Sĩ hơn 100 vị. Trong đó, một số vị đang hành đạo ở các châu lục, có số trở lại Việt Nam.

blank

HT Thích Như Điển sinh hoạt với Tăng Ni Nghiên cứu sinh tại Trung tâm Tu học Viên Giác Bồ Đề Đạo Tràng, Ấn Độ (10.11.2010)

Ngài cũng thường trình bày lý do và nguồn tài chánh cấp phát học bổng Viên Giác để cho những vị Tăng Ni Nghiên Cứu Sinh tại Ấn Độ lãm tường như sau:

- Thứ nhất, do trải nghiệm một thời là du học tăng nơi xứ lạ quê người, mà trắc ẩn nghĩ đến đàn hậu học.

- Thứ hai, ngài thiết tha đào tạo tăng tài, bồi dưỡng tri thức Phật giáo.

- Thứ ba, ngài khuyên các Phật tử Chùa Viên Giác tại Hannover, Đức Quốc và những vị Nữ Tu tuổi già, kiếp này không đủ duyên đi học, vì thế các vị nên dành thời gian rảnh làm những chiếc bánh ít rồi cho vào tủ đông lạnh, đợi đến dịp Đại Lễ trong năm sẽ mang ra bán. Số tiền bán được bao nhiêu đưa vào quỹ học bổng dành cho Tăng Ni. Cứ như thế ngày này qua tháng nọ suốt 20 năm; bánh ít càng nhiều, thì quỹ học bổng càng dồi dào lên. Bên cạnh đó, cũng được sự ủng hộ tịnh tài của các Phật tử khắp năm châu gởi về phụ thêm với ngài.

Ai mới nghe qua một kế hoạch của quỹ học bổng cấp phát cho các vị Nghiên Cứu Sinh, tưởng chừng như trêu chọc mọi người nhưng điều đó đã thành hiện thực ngay nơi Chùa Viên Giác, Hannover, Đức Quốc. Các vị Tăng Ni Nghiên Cứu Sinh cầm trên tay những tấm séc đó, chắc chắn họ sẽ không bao giờ quên được những giọt mồ hôi kết thành Mani và những tấm thịnh tình trìu mến của Đàn na Tín thí.

Ngày hôm nay, qua chặng đường dài của đời sinh viên, nhiều người đã ra trường, tốt nghiệp, như những cánh chim bay khắp bốn phương trời, mang theo hình ảnh của Hòa Thượng làm tấm gương sáng như kim chỉ nam cho đàn hầu học tiến bước. Nhiều vị khác ở lại tiếp nối con đường học vấn gian nan kể từ khi năm 2012, Hòa Thượng đã ngưng chương trình cấp phát học bổng, nhưng dù thế nào tấm lòng cao quí của ngài đã để lại cho chúng tôi dấu ấn sâu đậm không bao giờ quên trong cuộc đời này.

Nhớ lúc xưa, vào cuối triều Nguyễn có Phó Bảng Nguyễn Xuân Đàm (1889 - 1953) đã từng khuyến học cho các con, các cháu làng quê nghèo Quần Ngọc, đang bị nô lệ dưới ách thống trị thực dân Pháp bằng những dòng thơ bất hủ:

"Học hải vô nhai, cần thị ngạn

Thanh vân hữu lộ, chí vi thê".

Tạm dịch:

"Biển học vô bờ, lấy chuyên cần làm bến

Mây xanh có lối, lấy chí lớn làm thang"

Không phải vì vận nước đổi thay mà lờ đi cái học của nhà nho như Trần Tế Xương than thở:

"Cái học nhà nho đã hỏng rồi

Mười người đi học, chín người thôi

Cô hàng bán sách lim dim ngủ,

Thầy khóa tư lương nhấp nhỏm ngồi.

Sĩ khí rụt rè gà phải cáo,

Văn chương liều lĩnh đấm ăn xôi

Tôi đâu dám mỉa làng tôi nhỉ?

Trình có quan tiên thứ chỉ tôi".

Dù Hòa Thượng Phương Trượng đang sống và hành đạo ở một nơi tuyết trắng phủ kín lối, nhưng lòng người luôn ấm áp, luôn sưởi ấm cho những mầm non trong đêm đông lạnh gió nơi xứ người. Ngài thường nói: “Tôi nguyện làm chiếc thuyền đưa người sang sông, nguyện làm mặt đất để hứng chịu các đục trong của cuộc đời ”.

Nhưng tôn chỉ cấp phát học bổng của ngài không phải chỉ có Học mà bắt buộc còn phải có Tu nên ngài đã đề ra trong pháp ngữ của ngài “cái học không phải là chiếc chìa khóa chủ yếu để mở cánh cửa giải thoát, mà muốn mở được cánh cửa giải thoát cần có sự Tu và Học.”

Nhân ngày kỷ niệm xuất gia năm thứ 50 của ngài, con xin đại diện Tăng Ni Nghiên Cứu Sinh tại Ấn Độ nhận học bổng Viên Giác kính dâng lên Hòa Thượng đôi dòng cảm niệm để tỏ lòng tri ân. Và con luôn ước mơ cũng như đã từng phát nguyện trong ngày con tốt nghiệp ra trường, nếu có cơ hội, con sẽ kế thừa thành lập quỹ học bổng mang danh hiệu ngài “Quỹ Học Bổng Thích Như Điển" để đánh dấu công trình của ngài như một kỷ niệm để lại cho đời như con từng nhận tịnh tài đại diện, thay thế ngài gởi séc đến Tăng Ni sinh, tiếp nối con đường ngài đã vạch, đã làm và đã đi, hầu mong đem lại lợi lạc và niềm phấn chấn cho những người đang “dùi mài kinh sử" với mục đích sau này phục vụ đạo pháp và dân tộc.

Thành kính nhất tâm đảnh lễ Hòa Thượng. Kính nguyện Hòa Thượng sức khỏe, mãi là bóng cây che mát cho chúng con.

Khể thủ

Thích Như Tú

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
02/09/2023(Xem: 990)
Vào sáng ngày 12/8/2023, tu viện Huyền Không tọa lạc tại số 14335 Story Road, thành phố San Jose, tiểu bang California đã đón tiếp đông đảo chư Tôn đức Tăng, Ni của nhiều tự viện Phật giáo ở miền Bắc tiểu bang California về tu viện dự ngày An cư tập trung vào mỗi ngày thứ bảy.
01/09/2023(Xem: 1693)
TT Thích Nguyên Tạng thăm và thuyết giảng tại Thắng Đức Đạo Tràng (London, Anh Quốc) tối Thứ Năm 31/8/2023
31/08/2023(Xem: 1381)
Thăm Chùa Vạn Hạnh, Hantes, Miền Tây nước Pháp do TT Thích Nguyên Lộc trụ trì Chùa Vạn Hanh, 3 Rue Souvenir Français- 44800 Saint Herblain Điện thoại: +33 2 40 85 04 59 Di động : +33652447448
24/08/2023(Xem: 1584)
Chùa Quảng Đức, Toulouse, miền Tây-Nam nước Pháp; Pagode Quang Duc / Chùa Quảng Đức Trụ Trì: Hòa Thượng Thích Thông Trí Address: 43 Rte d'Aussonne, 31700 Cornebarrieu, Toulouse, France
10/08/2023(Xem: 3718)
Thông Báo thay Thư Mời tham dự Lễ Lạc Thành Tu Viện Lộc Uyển tại Rostock, Đức Quốc (9-13/8/2023)
07/08/2023(Xem: 1153)
Vào lúc 8:30 ngày 05 tháng 8 năm 2023, tại Trường Trung học James Lick, thành phố San Jose, tiểu bang California, khóa tu “Sen Ngát Trời Tây” đã trang nghiêm khai mạc.
03/08/2023(Xem: 814)
Thời gian thắm thoát trôi qua nhanh. Chuyến hành hương một tháng: Phật tích, hội thảo Phật giáo và từ thiện của Chùa Hương Sen tại ba nước Hàn Quốc, Ấn Độ và Tích Lan đã khép lại với nhiều thành tựu đáng nhớ. Thành kính tri ân Chư tôn thiền đức Tăng ni và các Phật tử đồng hương xa gần đã ủng hộ cho chương trình Bảo trợ Tăng Ni Sinh du học và Từ thiện ba nước.
02/08/2023(Xem: 1551)
Sáng ngày 01/8/2023 (15/6 Quý Mão), thiền viện Phổ Thiên tọa lạc tại số 30345 Palomares Road, thành phố Castro Valley, tiểu bang California đã trang nghiêm tổ chức lễ An vị Phật.
28/07/2023(Xem: 1310)
Điện Thư Phân Ưu kính gởi Đại Đức Thích Thông Hiếu, Trụ trì Chùa Huệ Quang, Melbourne, Úc Châu, kiêm Tổng Vụ Phó Tổng Vụ Hoằng Pháp & Giáo Dục & Tổng Vụ Phó Tổng Vụ Cư Sĩ & Thanh Niên thuộc Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại tại Úc Đại Lợi -Tân Tây Lan
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567