- 01. Thư Tòa Soạn
- 02. Hơn 1.000 lần cạo tóc (T. Như Điển)
- 03. Thầy tôi thế đấy (Thích Hạnh Thức)
- 04. Đời Vân Thủy (Thơ : Sông Thu – HT.Thích Bảo Lạc)
- 05. Hoằng Pháp là nhiệm vụ..(Thích Nguyên Tạng)
- 06. Dòng sông của câu chuyện… Nguyên Đạo)
- 07. Một áng mây bay (Thích Hạnh Nguyện)
- 08. Ngôn từ sắc pháp thế gian (Thích Phổ Huân)
- 09. Kính mến Thầy (Nguyên Hoằng)
- 10. Nhân duyên thầy trò (Trần Phong Lưu)
- 11. Có một điều tôi không bao giờ… (Thích Nữ Minh Huệ)
- 12. Hội ngộ (Thích Nữ Giải Thiện)
- 13. Trùng điệp nhân duyên (Phù Vân)
- 14. Năm mươi năm (Thơ : Lâm Như Tạng)
- 15. Có chút gì để nhớ (Trần Thị Nhật Hưng)
- 16. Nhìn lại 50 năm xuất gia của… (Thích Hạnh Định)
- 17. Nguồn cội (Thơ : Thích Như Thanh)
- 18. Viết về kỷ niệm với Sư Phụ (Phạm Công Hoàng)
- 19.Trăng Nguyên Tiêu trước cổng chùa (Huỳnh Ngọc Nga)
- 20. Những kỷ niệm khó quên (Thị Tâm Ngô Văn Phát, do Diệu Danh diễn đọc)
- 21. Als der vietn. Buddhismus nach Deutschland kam
- 22. Kể từ khi Phật giáo VN đến Đức
- 23. Chú Điển trong tôi (Trần Trung Đạo)
- 24. Thầy và tôi (Nguyễn Hữu Huấn)
- 25. 50 năm chặng hành trình bất tận (Song Thư TTH)
- 26. Tập sách của Thầy (Thanh Phi)
- 27. Chúc mừng 50 năm Sinh nhật Bổn sư (Thơ:Thị Thiện Phạm Công Hoàng)
- 28. HT.Thích Như Điển trải nghiệm… (Thích Như Tú)
- 29. Thích Tử Như Lai (Thơ: Thích Hạnh Tuệ)
- 30. Sư Phụ tôi - Bồ Tát trợ duyên (Hoa Lan - Thiện Giới)
- 31. Đôi dòng về Ôn (Quảng Hương)
- 32. Người Thầy cũ (Lý Phách Mai)
- 33. Nhớ ngày đầu gặp gỡ (Thiện Nguyện Bảo Chí)
- 34. Vài kỷ niệm về HT.Thích Như Điển (Thích Giải Trọng)
- 35. Thơ Kính Dâng Thầy (Giác Hạnh)
- 36. Những chiếc bao ny-lông… (Văn Công Trâm)
- 37. Những chuyến tàu (Tâm Bạch)
- 38.Tự cảm (Thơ : Tâm Tú Nguyễn Khoa Tuấn)
- 39. Như một dòng sông (Thiện Diệu Trần Thị Lệ Hương)
- 40. Nhớ lại chuyện xưa (Phương Quỳnh - Diệu Thiện)
- 41. Sơ tâm lồng lộng (Thích Hạnh Tuệ)
- 42. Thầy tôi (Nguyên Hạnh HTD)
- 43. Trăng (Thơ : Pháp Nguyên)
- 44. Bóng mát chùa Viên Giác (Quảng Tịnh)
- 45. Hương đạo bay xa (Chí Thâm)
- 46. Người Thầy khả kính (Thích Huệ Pháp)
- 47. Nét bút bên song cửa (Thích Nữ Giới Hương)
- 48. Thầy tôi (bài viết của Bác Sĩ Trương Ngọc Thanh viết kính dâng đến Hòa Thượng Thích Như Điển
- 49. Xin nguyện làm… (Phan Nguyễn)
- 50. Sinh Nhật (Thơ: Thiện Lâm Phạm Văn Mộc)
- 51. Dấu ấn thần tưọng trong đời tôi (Nguyên Trí NVT)
- 52. Thầy và quê hương (Thích Như Tịnh)
- 53. Một thời (Thiện Căn Phạm Hồng Sáu)
- 54. Hạnh ngộ (Trần Thị Hương Cau)
- 55. Cảm niệm những tháng ngày… (Thích Nữ Giác Anh)
- 56. Những ký ức nhỏ về Sư Phụ (Thiện Sanh)
- 57. Mấy năm làm Thị Giả… (Thích Hạnh Bổn)
- 58. Sư Phụ đã xuất gia trên nửa thế kỷ (Thích Hạnh Trì)
- 59. Gratitude to the Spiritual Master (Thich Nu Hanh Tri)
- 60. Ngày ấy bây giờ (Thơ : Thích Nữ Như Viên)
- 61. Chùa Viên Giác (Trần Đan Hà)
- 62. Sư Cố là ai? (Đặng Nga)
- 63. 20 năm quỹ học bổng Thích Như Điển (Phan Thế Tập)
- 64. Tôi đi chùa (Nguyễn Quý Đại)
- 65. Vom Mekong an die Elbe. Buddhisrisches Klosterleben in der vietn. Diaspora (Nguyễn Đức Tiến)
- 66. Điểm sách Xuôi dòng Cửu Long đậu bến Elbe (Nguyên Đạo Văn Công Tuấn dịch)
- 67. Kỷ niệm dưới mái chùa xưa (Chơn Đắc Nguyễn Văn Đồng)
- 68. Người gieo mầm Phật pháp (Thích Nữ Chơn Toàn)
- 69. Kính Bổn Sư (Nhạc và Lời Thị Thiện Phạm Công Hoàng)…
- 70. Nhớ Mãi Ơn Thầy (Thích Viên Thành)
- 71. Hình ảnh của Hòa Thượng tại Úc (Hoàng Lan)
- 72.Hình ảnh Lễ Khánh Tuế 65 tuổi
- Viên Giác Tự (thơ)
Mỗi năm ra sáu số báo, mỗi số dày 96 trang. Riêng số Xuân dày gần 200 trang. Bắt đầu xuất bản từ năm 1979, tính đến nay báo Viên Giác đã tròn 35 năm và đã bước sang năm thứ 36. Đây là một trong những tờ báo Việt ngữ của Phật Giáo có mạng sống lâu dài nhất tại hải ngoại kể từ sau năm 1975 đến nay.
Tiếng Việt đối với người Việt xa xứ là một món ăn tinh thần cần thiết trong lúc mới xa quê hương; nên nhiều người đã có nhu cầu đọc báo. Vì vậy mỗi tổ chức, mỗi hội đoàn và mỗi cơ sở đều có ra báo để đăng tải những thông tin của hội mình; nhưng thời gian trôi qua 20 năm, rồi 30 năm hay hơn nữa, không phải là nhu cầu nầy không còn cần đến nữa, mà điều chính yếu là làm sao để nuôi dưỡng được một tờ báo như vậy ở hải ngoại nầy, không phải là một điều đơn giản chút nào cả. Một duyên may của báo Viên Giác vào lúc ban đầu là đã có Bộ Nội Vụ Đức, đặc trách về vấn đề văn hóa và tôn giáo đã trợ lực cho chúng tôi suốt trong vòng 25 năm như vậy và đây chính là cái đà để cho chúng tôi tồn tại cũng như phát triển. Những năm trước số lượng in ấn cho mỗi lần xuất bản có khi lên đến 6.000 số và gửi đi đến tất cả gần 40 quốc gia trên thế giới; nhưng nay chỉ còn giới hạn ở con số 3.000 số cho mỗi lần phát hành. Suốt mấy mươi năm nay độc giả khắp nơi chỉ cần hỗ trợ mỗi năm 20 Euro ở trong nước và 30 Euro ở ngoài nước là Viên Giác có thể sống lâu dài mà không bị lệ thuộc bởi bất cứ một nguồn tài trợ nào khác nữa. Điều nầy xin vô vàn niệm ân các độc giả xa gần đã trực tiếp hay gián tiếp âm thầm giúp đỡ cho Viên Giác được tồn tại như vậy cho đến ngày hôm nay.
Điều băn khoăn của chúng tôi ở đây không phải là tài chánh, mà là nhân sự kế thừa tư tưởng cũng như đúng hơn là lý tưởng tự do. Vì người cũ càng ngày càng hiếm, họ phải bị chi phối bởi luật vô thường của sanh, lão, bệnh, tử. Trong khi đó lớp người sinh ra và lớn lên tại ngoại quốc ít rành rẽ tiếng Việt; nên hầu như chưa có người nào chịu dấn thân tiếp nối con đường của những người đi trước cả. Đây chính là nỗi lo của chúng tôi trong hiện tại. Do vậy điều chỉ có thể nói được ở đây là Ban Biên Tập của chúng tôi sẽ chèo chống hết mình cho đến khi nào không còn có thể tiếp tục được nữa mới thôi. Vì đây là tâm nguyện lúc ban đầu mà chúng tôi luôn muốn cưu mang chứ không từ bỏ. Chỉ mong sao thế hệ kế thừa cảm nhận được điều nầy mà nghiêng vai ra gánh vác với thế hệ của những người đi trước thì quý hóa biết là dường bao. Thế hệ của chúng tôi đã có người vào tuổi 80, người trẻ hơn thì trên 70, trẻ lắm cũng trên 60 rồi. Do vậy thời gian có thể tiên liệu là trong 5 hay 10 năm nữa phải có một cuộc cách mạng. Nếu không thì cũng khó lòng mà tồn tại với thời gian.
Chỉ riêng một việc Thư Tòa Soạn nầy cũng là một vấn đề không nhỏ. Suốt trong bao nhiêu năm dài ấy, tôi vẫn là người viết lá thư nầy. Nhiều khi nhờ đạo hữu Chủ Bút hay một cận sự nào đó viết, thì ai cũng thối thác và bảo rằng: phải am tường mọi diễn biến Phật sự cũng như tin tức đó đây mới cáng đáng nổi. Mặc dầu tôi đã không làm chủ nhiệm của báo Viên Giác từ hơn 10 năm nay; nhưng cho đến nay việc viết Thư Tòa Soạn tôi phải cáng đáng lấy. Bây giờ việc viết và gửi đi không khó mấy. Chỉ cần trong một thời gian ngắn là văn phòng chùa Viên Giác tại Hannover đã có thể nhận được rồi; nhưng 5 hay 10 năm về trước, ít nhất cũng một tuần lễ, thư gửi mới đến chùa, nhất là khi tôi có Phật sự tại ngoại quốc. Còn bây giờ chỉ cần lướt tay qua bàn phím trong thời gian vài tiếng đồng hồ là đã có một Thư Tòa Soạn rồi. Xa hơn nữa, trước đây báo Viên Giác còn phải bỏ dấu sau khi đã đánh máy xong. Thế mà việc nào cũng đã xong việc ấy suốt trong hơn 35 năm như vậy. Quả là một kỳ công của lịch sử làm báo Viên Giác tại xứ Đức nầy. Điều đặc biệt hơn nữa là chưa bao giờ báo Viên Giác ra trễ hay hủy bỏ một số nào. Công khó nầy phải niệm ân tất cả những cây bút thiện nguyện đã viết bài đầy đủ cho báo trước khi lên khuôn, rồi đạo hữu Chủ Bút tuyển chọn bài, sau đó chuyển qua cho khâu đánh máy. Sau khi đánh máy xong phải layout và dò bài lần cuối trước khi đưa cho nhà in in thành báo. Tiếp đến phải gửi báo đến các độc giả và cuối cùng là chuẩn bị cho một số báo mới.
Vào tháng 6 năm 2014 nầy đánh dấu hơn 35 năm báo Viên Giác và số 201 nầy đúng vào dịp sinh nhật lần thứ 65 (tuổi ta 66) của tôi cũng như nhân kỷ niệm ngày xuất gia và hành đạo của tôi đúng 50 năm. Đây là những sự kiện quan trọng để tạ ân Thầy Tổ, Cha Mẹ, Đàn Na Thí Chủ và những người đã trợ duyên cho mình có được ngày hôm nay, nên tại Tu Viện Viên Đức ở vùng Ravensburg cũng có một Đàn Tràng Chẩn Tế để bạt độ chư hương linh quá vãng, nhằm biểu tỏ sự niệm ân nầy. Đồng thời chúng tôi cũng như đạo hữu Chủ Bút đã kêu gọi các văn thi hữu khắp nơi dành ít nhiều thời gian để viết về những kỷ niệm, những sự kiện đã xảy ra trong suốt một hành trình dài 50 năm ấy; nên đã có nhiều Chư Tôn Đức và quý đạo hữu xa gần viết bài gửi về Tòa Soạn. Dĩ nhiên nó không chỉ thuần là những chuyện khen tặng, mà trong đó cũng có những bài viết rất dễ thương để ghi lại kỷ niệm của một thời đã qua của những người đệ tử đã từng theo học với tôi trong thời gian ấy.
Cũng có nhiều vị ngại ngùng chưa viết, vì nghĩ rằng còn quá sớm chăng để vinh danh hay luận sự. Chờ khi nào nắp quan tài đậy lại rồi, lúc ấy "luận sự" cũng chưa muộn chăng? Nhưng dẫu sao đi nữa thì tôi cũng cảm ơn tất cả Chư Tôn Đức và quý Phật tử xa gần cũng như quý vị cộng tác thường xuyên cho báo Viên Giác đã có những bài viết thật là tuyệt vời. Tôi đã đọc kỹ và cảm nhận được điều ấy. Riêng bản thân tôi hay chủ trương rằng: nếu có thấy thì nên thấy cái tốt của người khác để chúng ta còn học hỏi theo; chứ điều xấu không nên quan tâm làm gì, vì trong chúng ta đâu có ai là hoàn toàn tốt? Nếu chúng ta huân tập cái tốt nhiều trong tâm mình, khi nói ra điều gì chỉ hướng đến cái tốt. Do vậy cái xấu nó không có cớ để tồn tại trong tâm thì tâm ta sẽ rảnh rang để chấp nhận cái tốt kia một cách rất dễ dàng. Nếu có ai đó hỏi tôi rằng: tại sao Thầy học mau và nhớ lâu như vậy? tôi sẽ trả lời rằng: tôi nhớ những cái gì đáng nhớ và quên những cái gì đáng quên; nên mới nhớ lâu được như vậy. Quý vị cũng có thể thực hiện một hay nhiều lần để xem sao. Đây là phương pháp tốt để tôi không chấp chứa phiền não ở trong lòng mình và đối xử với mọi chúng sanh như là người thân của mình, không có ai là kẻ thù cả. Nếu có, chỉ là loại tam độc của tham, sân, si mà thôi.
Một mai đây tôi và quý vị sẽ chết, sẽ không còn ai lưu tâm đến mình nữa. Vì thời gian và thủy triều không thể đợi chờ ai lâu hơn được. Thời gian trôi qua, tự thời gian sẽ thay đổi lấy tính chất của mình qua từng thời đại và thủy triều mỗi ngày lên xuống hai lần, đâu có lần nào giống lần nào. Cũng như thế ấy, nước đục hay trong, không phải do nước, mà do lòng người bị nước chi phối; nên mới chấp chặt vào đó để nói đục và trong. Thực ra đục, trong cũng chỉ là những hiện tượng và những đối đãi của cuộc đời, không có gì tuyệt đối cả. Đây chính là nguyên tắc sống của tôi. Vậy nhân sự kiện 50 năm xuất gia hành đạo của mình, tôi muốn gửi gắm tất cả tâm tư cũng như tình cảm của một con người đã đến đây, đã ở chung với quý vị cũng như đã làm việc hay kết nghĩa Thầy trò, huynh đệ trong suốt một chặng đường đã qua và chặng đường còn lại trong đoạn đường sanh tử ấy. Còn lại khen, chê, thiệt, hơn, giỏi, dở, giàu, nghèo, thị, phi, nhân nghĩa... tất cả xin trả lại cho đời để cho ta nhẹ bước vân du về chốn liên đài. Ở nơi ấy sẽ không còn nhân, ngã, bỉ, thử nữa.
Năm nay lần Đản Sanh thứ 2638 của Đức Từ Phụ Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni trên trần thế nầy, tất cả chúng con Tăng cũng như tục đều hướng về Ngài thành kính đảnh lễ và tri ân công đức sâu dày của một bậc xuất trần thượng sĩ đã mang đạo mầu đến giáo hóa cho chúng sanh trong cõi đời ngũ trược ác thế nầy. Nếu không có sự thị hiện của Ngài thì con người vẫn mãi còn lặn hụp trong vô minh của dòng sinh tử nổi trôi nầy. Do vậy tất cả chúng con đều hướng về Ngài để chí thành đảnh lễ ba lạy:
Nam Mô Lâm Tỳ Ni Viên Vô Ưu Thọ Hạ Thị Hiện Đản Sanh Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
● Ban Biên Tập Báo Viên Giác