Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

CHƯƠNG VI: THỰC HÀNH GIÁO LÝ

03/01/201109:46(Xem: 9727)
CHƯƠNG VI: THỰC HÀNH GIÁO LÝ

CHƯƠNG VI

THỰC HÀNH GIÁO LÝ

1- THIỀN, QUÁN:

Thiền là Tịnh Lự (Dhyana), Quán là Quán Tâm (Vipasyana). Thực tại chính là Định Học. Mỗi tông phái đều phải y cứ Định Học, dĩ nhiên mỗi Tôn cần phải đề xướng phương pháp Thiền, Quán của Tôn mình. Thiền tôn (Dhynayana) chuyên môn lấy Thiền, Quán làm chuẩn đích; vì thế cho nên phải biệt lập một mục chính để thuyết minh.

Thiền, Quán của mỗi Tôn: Quán thật tướng (Insight into or meditation on Reality) của Tam Luận Tôn (Three Sastra School, Madhyamika); Quán Duy Thức (The three subjects of idlealistic reflection: That the ego and things are realities; that things are produced by cause and circumstances; that the Bhutatathata is the only reality) của Pháp Tướng Tôn (Dharmalaksana Sect); Chỉ Quán (Samatha-Vipasyana) của Thiên Thai Tôn (The Tien T’ai Sect), Quán Pháp giới (Dharmadhatu Vipasyana) của Hoa Nghiêm Tôn (Avatamsaka School), nếu mỗi tôn nói rõ, e có phần thiên bức, hơn nữa pháp quán của Tam Luận cùng Pháp tướng hai tôn, hiện nay ít có người thật hành, gần như thất truyền. Chính là Thiền, Quán của hai tôn Thiên Thai và Hoa Nghiêm, trên thật tế cũng rất ít người tu tập; như gần đây đại Lão Pháp Sư Đế Nhàn (Ti-Hsien) hoằng dương tôn Thiên Thai, giáo nghĩa sở truyền mặc dù là Thiên Thai, tự mình tu tập, cũng nhờ sức tham thiền mới được, tuổi già tuy chuyên tu Tịnh Độ, nhưng phải theo phương pháp Chỉ (Samatha) Quán (Vipasyana); cận đại có Pháp Sư Ưng Từ (Ying Tzu) hoằng dương tôn Hoa Nghiêm, giáo nghĩa đã truyền bá, tuy là Hoa Nghiêm, Ngài hướng dẫn đệ tử dụng công tu tại Thiền đường, cũng hoàn toàn theo phương pháp Thiền Tôn. Chúng ta có thể thấy hiện tại chỉ có Thiền Tôn (Dhyana Sect) phải triệt để thật hành; hơn nữa nhiều đời Tổ sư truyền thừa về Thiền, Quán di phong vẫn còn mãi mãi. Các trước giả chuyên chú về Thiền Tôn, luận về Thiền, Quán cũng chính là nên lên sự thật bao trùm các pháp môn tu khác.

Tiểu Thừa Thiền (Hinayana Dhyana), lúc truyền vào Trung Hoa, Thiền, Quán từ chối đời nhà Hớn đến hiện tại, cũng trãi qua không biết bao nhiêu thay đổi, cuối nhà Hớn, Ngài An Thế Cao (An-Shih Kao) dịch rất nhiều Kinh điển về Thiền Tôn, nhưng đều thuộc Tiểu Thừa Thiền. Trong đó những pháp môn được nói đến đại khái không ngoài các pháp (Tứ Niệm Xứ” (Catuh-Smrty Upasthana) và Ngũ Đình Tâm Quán (The Five meditations or settling the Mind and ridding it of the five errors of desire, hate, ignorance, the self, and a wayward or confused mind): Tứ Niệm Xứ chính là Quán Thân không sạch (The body as impure and utterly filthy); Quán Thọ là Khổ (sensation, or consciousness, as always resulting in suffering); Quán Tâm vô Thường (Mind as impermanent, merely one sensation after another); Quán Pháp Vô Ngã (Things in general as being dependent and without a nature of their own). Chúng ta đã muốn thoát ly quả khổ sanh tử, cần phải quán lại thân mình, trong chứa các máu mủ, phẩn uế, ngoài ra tiết mồ hôi nhớp nhúa, khắp thân thể toàn là vật không sạch. Chúng ta phải sanh tâm nhàm chán gớm ghê! Như thế gọi là Quán Thân không sạch.Chúng ta cảm thọ cảnh thuận thì an vui, lãnh thọ cảnh nghịch thì đau khổ; quán sát tỉ mỉ, hoàn toàn do ngoại cảnh dời đổi, sự thật thì các thứ lãnh thọ đều là khổ cả.

Tâm chúng ta, mỗi niệm sanh diệt nối nhau không bao giờ dứt, không một phút nào dừng nghĩ suy tư. Như thế gọi là Quán Tâm vô thường. Tất cả sự vật vật ở thế gian đều là sanh sanh diệt diệt, không bao giờ có chủ tể. Ấy gọi là Quán pháp vô ngã. Ngũ đình tâm quán chính là người nhiều tham lam quán bất tịnh (The Vileness of all things); nhiều giận tức quán từ bi (Pity for all). Nhiều tán loạn quán sổ tức (Breathing); bị ngu si phải Quán nhân duyên (Causuality); sanh nhiều nghiệp chướng Quán giới phân biệt (Right discrimination). Người đời tham lam (Lobho), giận tức (Doso), si mê (Moho) v.v…các phiền não (Klesa) nặng nề. Năm phương pháp đình chỉ phiền não trọng trược của mỗi người, theo bịnh cho thuốc. Bảo mọi người làm phép quán đình chỉ các tâm niệm xấu như người ham muốn dâm dục nhiều. bảo họ dụng công quán bất tịnh, quán sát thân hình nam, nữ toàn chứa những đồ không sạch, chỉ bao bọc một lớp da mỏng bên ngoài, bên trong là một đãy da hôi thối. Quán sát kỹ lưỡng như thế, tự nhiên lòng tham dục dần dần giảm bớt. Do đó nói tham dục nhiều phải quán bất tịnh. Người hay giận tức, bảo họ phải quán xét lại, ta cùng chúng sanh đều là bình đẳng Phật tánh, đã là bình đẳng sao lại giận tức làm hại lẫn nhau. Tâm niệm từ bi phải được ban bố đến mọi người. Thế nên ai giận tức nhiều phải quán từ bi. Chúng ta siêng năng tiến vào tịnh thất, dùng mọi công phu tĩnh tọa. Lẽ dĩ nhiên lúc đầu tâm bị loạn động nhiều, khó yên tâm tĩnh tọa, nhưng ta dùng phương pháp đếm hơi thở kỳ diệu. Mục trước, khi nói đến Định Học, chúng tôi đã trình bày rằng những ai bị nhiều loạn động, phải dụng công quán sổ tức. Đồi với mọi việc ở đời, người ta không rõ nó chỉ do nhân ở trong, duyên ở ngoài hòa hợp mà thành, không có thật tại, rồi sanh chấp trước, không chịu buông bỏ. Đó là tâm niệm si mê. Muốn đối trị chứng bịnh si mê nầy, người đời phải nhận chân đạo lý nhân duyên tổ hợp. Vì lẽ đó, nên ai bị si mê phải quán nhân duyên. Lại có hạn người nghiệp chướng quá nặng nề, si mê lầm lẫn, không phân biệt được căn (organ), trần (object) và thức (perception). Cứ chạy theo vọng trần giả cảnh của tâm thức biến hiện. Hạng người như thế, cần phải chỉ cho họ phương pháp quán giới phân biệt. Đây là phương pháp tu theo Tiểu Thừa Thiền (the meditation of the Hinayana), từ cuối đời nhà Hớn bên Trung Hoa lưu hành đến đời Đông Tất, trên phương diện hành trì, phần nhiều quá chú trọng bề số mục văn tự, nên thường gọi là Pháp học thiền số.

Đại Thừa Thiền(The meditation of the Mahayana) truyền vào Trung Quốc, đến đời Đông Tấn (Tung Chin) Ngài Phật Đà Bạt Đà La (Buddhabhadra) dịch ra tập kinh Đạt Ma Đa La Thiền. Đời Giao Tần (Yao Ch’in). Ngài Cưu Ma La Thập (Kumarajiva) dịch ra Kinh Tọa Thiền Tam muội, Tư Duy lược pháp yếu v.v…Đại Thừa Thiền truyền vào Trung Quốc và Việt Nam. Dùng tất cả các pháp đều là nhân duyên sơ sanh (Causally produced), rốt ráo đến cái không tướng (Voidness, emptiness, space the immaterial, that which cannot be expressed in terms of the material. The characteristic of all things is unreality, i.c…they are composed of elements which disintegrate), theo sức hiểu ấy, thật hành Thiền, Quán so với Tiểu Thừa Thiền (Hinayana Dhyana) tiến hơn một buớc khá dài. Đây cũng gọi là Bồ Tát Thiền (Bodhisattva Dhyana). Đời nhà Lương, Tổ Bồ Đề Đạt Ma (Bodhidharma) đến Trung Quốc, chủ xướng Thiền, Quán “Không lập văn tự” (The Ch’an or intuitive School does ‘not set up scriptures’; it lays stress on meditation and intuition rather than on books and other external aids; Cf.Lankavatara Sutra). Từ ấy, Thiền-Quán nầy tự thành một Tôn lớn. Tổ Bồ Đề Đạt Ma dạy đệ tử dùng tâm truyền tâm (Direct transmission from mind to mind), do đó các phương pháp khó xét theo cách thức. Truyền đến Tổ Thứ Năm là Ngài Hoằng Nhẫn (Hung Yên), môn đệ của Ngài có hai Thượng Túc đệ tử là Thần Tú (Shên Hsui) và Ngài Huệ Năng (Hui Nêng). Thần Tú tài học rất cao, đại chúng ai cũng kính phục; trái lại Tổ Huệ Năng dốt nát, không biết chữ nghĩa theo kiểu thế gian, chỉ lo công tác giã gạo, làm các việc nhọc, giúp đỡ đại chúng. Một hôm, Ngũ Tổ ra lịnh mỗi đệ tử đem chỗ kiến giải của mình, làm một bài kệ, để xem công phu tu tập liễu đạo thế nào. Thần Tú bèn làm một bài kệ:

“Thân như Bồ Đề thọ,

Tâm như minh cảnh đài;

Thời thời cần phất thức,

Vật sử nhá trần ai”.

Có nghĩa là:

“Thân như cội lớn Bồ Đề,

Tâm như gương sáng không hề vướng tơ;

Ngày đêm khăn tốt đợi chờ,

Không cho bụi bặm dính nhơ vật mình”.

Theo bài kệ nầy tại địa điểm đại chúng đồng thấy. Ai cũng đều thán phục. Nghe mọi người bàn tán xôn xao bên ngoài, Tổ Huệ Năng từ nhà giã gạo đi ra, hỏi đại chúng việc gì xảy đến như thế? Một số đông cầm bài kệ trên đọc cho Ngài nghe. Tổ Huệ Năng lắc đầu không nói. Mọi người nhạo Ngài, cho là không biết chữ, không thể thưởng thức được nghĩa lý cao cường trong bài kệ của Đại Sư Thần Tú. Lúc bấy giờ, Tổ Huệ Năng nhờ một vị sư viết hộ cho bốn câu:

Bồ Đề bổn vô thọ,

Minh cảnh diệt phi đài;

Bản lai vô nhất vật,

Hà xứ nhá trần ai”.

Có nghĩa là:

“Bồ Đề thứ thiệt không cây,

Gương còn ánh sáng có ngày phải lu;

Xưa nay vượt khỏi tiến tu,

Có gì mà lại công phu tẩy trần”.

Xét qua chỗ liễu ngộ của Tổ Huệ Năng, thật phù hợp với bải ý “Trực chỉ nhân tâm” của Tổ Bồ Đề Đạt Ma (Bodhidharma). Vì thế cho nên Tổ Hoằng Nhẫn trao truyền Y Bát (Cassock and almsbowl) cho Ngài, tôn xưng là Tổ thứ Sáu của Thiền Tôn Trung Hoa (xem Lục Tổ Đàn Kinh). Phương pháp của Thần Tú còn chấp theo hình tướng dụng công dẹp trừ, chưa thất được chân tánh, theo thứ lớp tu tập; trái lại, phương pháp dụng công của Tổ Huệ Năng, hoát nhiên liễu ngộ, không còn thấy các vọng niệm sai khác, thế mới là đốn ngộ hoàn toàn. Từ đó về sau tiệm pháp của Thần Tú lưu hành ở phương Bắc, xưng là Bắc tiệm, đốn pháp của Tổ Huệ Năng chân truyền tại miền Nam, gọi là Nam đốn. Thiền Tôn chính chia ra hai phái Nam, Bắc từ ấy. Nam truyền về sau có chia ra 5 Tôn phái (Lâm Tế, Tào Động, Quy Ngưỡng, Vân Môn và Pháp Nhãn).

Tọa Thiền (to sit in Dhyana) cùng tham thiền (to inquire, discuss seek religious instruction). Thiền quán của Thiền Tôn (Dhyana Sect) không luận là Tiểu Thừa Thiền (Hinayana Dhyana) hay Đại Thừa Thiền (Mahayana Dhyana), bước đầu đều thật hành tọa thiền làm chủ yếu. Tọa thiền là phải ngồi đoan trang nghiêm chỉnh, trong tâm không suy nghĩ thiện, không nhớ tưởng ác, vượt ra ngoài vọng niệm mê ngộ sanh tử, để đạt đến cảnh giới an trụ không động. Đến triều Nhà Tống (Sung Ch’ao) Tôm Lâm Tế thạnh hành đổi phương pháp tọa thiền ra thể thức tam thiền. Tham cứu một câu thoại đầu, giữ gìn không cho tâm suy nghĩ việc khác, chẳng hạn tham cứu câu: “Niệm Phật là gì? Trước khi cha mẹ chưa sanh?”, không luận đi đứng nằm ngồi đều giữ chắc câu thoại đầu ấy từng giây từng phút không bao giờ buôn bỏ, cực lực tham cứu có ngày sẽ hoát nhiên đại ngộ, tâm tánh khai minh. Chính là Giác Đạo (to awaken the Truth). Pháp môn Thiền-Quán là pháp tu giảng lược, chóng mau, do đó cho nên đến ngày nay, đại tòng lâm Phật giáo các nước tu về Đại Thừa vẫn thực hành theo phương pháp Thiền – Quán trên.

Cảnh giới ngộ đạo Thiền Quán rốt ráo như thế nào? Việc nầy khó dùng viết mực hình dung rõ ràng được; đại khái công phu tham cứu đến thời gian thuần thục, nhận biết tác dụng của tình ý không còn phát khởi, tất cả vọng niệm dù là vi tế, đốn nhiên tiêu hết, không còn biết đến hơi thở nặng nhẹ, lúc bấy giờ chỉ còn yến sáng trí tuệ, bên trong không thấy còn thân tâm, bên ngoài không biết có thế giới. Quang cảnh ngộ đạo Thiền Quán phải là như thế.

2 - TỤNG KINH

Trong phương pháp thật hành giáo lý việc tụng kinh cũng là điều thiết yếu phải cần gia công tấn hạnh một cách tinh chuyên. Phật tử nên hiểu rõ cách thức tụng kinh để đi đến mục đích cuối cùng là “thâm nhập kinh tạng, trí huệ như hải”.

Tụng kinh giả minh Phật chi lý”; Người tụng Kinh là muốn thấu rõ chân lý của Phật rồi tu hành. Chữ Kinh theo tiếng Phạn gọi là Sutra nói cho đủ là “KHẾ KINH”, tức là những lời nói của Phật lúc còn tại thế, được Tôn giả A Nan trùng tuyên lại sau khi Phật Nhật Niết Bàn (Mahaparinirvana). Khế Kinh có nghĩa là lời nói hợp với chân lý và xứng với căn cơ của các tầng lớp người trong xã hội. Tụng Kinh là lập lại lời Phật nói. Kinh thuộc về HIỂN GIÁO (The general teaching), tức là những giáo lý có thể giải thích, giảng dạy và tùy trình độ hiểu biết của các tầng lớp chúng sanh thâu nhận.

Tụng Kinh là gì? Tụng là đọc tụng ra tiếng có âm điệu một cách thành kính. Tụng Kinh là đọc lại những lời Đức Phật đã dạy trong các kinh điển, lời ấy hợp với chân lý và căn cơ của chúng sanh. Trong Sutra có nói: “Phật thuyết nhứt âm, chúng sanh tùy loại các đắc giải”. Nghĩa là đức Phật nói một lời, các tầng lớp chúng sanh theo đó mà hiểu biết nhận định. Cũng một quyển kinh ấy, tùy theo thời gian ta hiểu có sự sai khác: năm rồi ta tụng quyển kinh ấy, sự hiểu biết có phần nông cạn, năm nay khi ta tụng lại thấy lời kinh, nghĩa lý sâu sắc hơn và chắc chắn những năm sau nữa ta sẽ nhận định ý nghĩa trong kinh thâm trầm tinh tế hơn nữa, làm cho ta phải suy nghĩ, cân nhắc từng chữ, từng câu để thể nhập diệu nghĩa chân thật của Như Lai (Tathagata). Tụng kinh nói một cách dễ hiểu là đọc với giọng trầm bổng âm thanh vi diệu để đi sâu vào lòng người và xoa dịu mọi phiền toái lo âu.

Vì sau ta phải tụng kinh? Người đời đang sống trong cảnh ồn ào náo nhiệt, lòng tham muốn không bao giờ dừng nghĩ, ngay cả trong giấc ngủ vẫn còn chiêm bao mừng, giận, thương, ghét giống như khi thức. Trong khung cảnh não loạn ấy, nếu ta dừng tâm quay lại hướng về lời vàng của đức Phật để làm chỗ nương tựa, thì có chi quý bằng! Chư Phật vì lân mẫn mọi loài chúng sanh mà truyền dạy những lời quý báu đúng với chân lý, hợp với sự thật, để phá tan mọi hắc ám mê mờ của vô minh (avidya) và tội lỗi (akusala). Những lời quý báu cao siêu ấy chúng ta nghe qua một lần, hai lược cũng khó mà thông suốt được. Do đó, nên chúng ta phải gia tâm đọc đi đọc lại nhiều lần, khiến nghĩa lý thâm diệu được ghi sâu vào chủng tử tâm điền (alayavijnana), không khi nào mất được. Đó là lý do khiến chúng ta phải thành kính tụng kinh. Hơn nữa tụng kinh là để cho ba nghiệp Thân (Kayakarma) thanh tịnh, Khẩu (vacakarma) và Ý (manakarma) thanh tịnh. Trong luật Phật dạy: “Tam nghiệp hằng thanh tịnh, đồng Phật vãng sanh tây phương”. Ba nghiệp mà trong sạch rồi thì cõi Phật rất gần với ta. Trong lúc tụng kinh, thân ta phải đoan nghiêm, miệng đọc lại lời vàng của Phật, nghĩa lý cao siêu nhiệm mầu, ý tưởng nhớ đến Đức Phật và lời dạy của Ngài, không mơ tưởng đến dục lạc. Như thế, thân, khẩu, ý được thanh tịnh.

Người tu tập thường bị hai căn bịnh khuấy rối, đó là chứng bịnh hôn trầm (Sunk in stupor) và tán loạn (scattered), chúng làm tâm hồn ta không được định tĩng. Muốn trừ hôn trầm phải nhờ đánh tiếng chuông ngân nga thức tĩnh, khiến tâm hồn tĩnh ngộ. Muốn trừ tán loạn, người tụng kinh cần theo tiếng mõ đều tay, giúp cho tâm ta không bị tán loạn, vì tâm viên ý mã lúc nào cũng chực nhảy, chực chạy, ta phải có tiếng mõ trường canh để giữ cho tâm khỏi bị lăn xăn vọng động.

Cách thức tụng kinh: Ta y theo cách thức tụng đọc của Phật giáo là phải đọc rõ ràng âm thanh ngân nga, để lập lại lời Phật nói. Lúc đầu tụng chậm chậm, dần dần mau hơn “tiền sơ sơ nhi hậu mật mật”.

Các Kinh thường tụng: Các kinh Phật, bộ nào tụng cũng đều được lợi ích cả, bởi vì bộ nào cũng có công dụng thù thắng là phá trừ tối tăm, khai thông tâm trí sáng suốt cho chúng sanh, nếu hàng giả chí thành đọc tụng. Song, do trình độ bất đồng của chúng sanh, nên phải cần những bộ kinh nào thích hợp với trình độ và sở cầu của mỗi chúng ta mà đọc tụng.

Phổ thông cho Phật tử Việt Nam, xuất gia cũng như tại gia đều thường đọc tụng các kinh sau đây: Kinh Di Đà (Amitabha Sutra), Kinh Vu Lan Bồn (Ullambana Sutra), Kinh Dược Sư (Bhaisajvaguru Sutra), Kinh Địa Tạng (Ksitigarbha Sutra), Kinh Kim Cang (Vajra Sutra), Kinh Lăng Nghiêm (Surangama Sutra), Kinh Diệu Pháp Liên Hoa (Sadharmapundarika Sutra) v.v…Phật tử bên Nam Tông, thường tụng các Kinh: Hạnh Phúc Kinh (Mangalasutta), Tam Bảo Kinh (Ratanasutta), Chuyển Pháp Luân Kinh (Dhammacakkappavattanasutta), Từ Bi Kinh (Karaniyamettasutta), Giải Lửa Phiền Não Kinh (Adittapariyayasutta), Vô Ngã Tướng Kinh (Anattalakkahanasutta) v.v…

Thông thường mỗi ngày có hai thời tụng kinh:

-Sáng tụng Lăng Nghiêm, Đại Bi, Thập Chú, hoặc tụng Phổ Môn.

-Chiều tụng Kinh Di Đà cầu về cõi thanh tịnh của Từ Phụ Di Đà Như Lai. Nếu cầu an thì tụng kinh Dược Sư, hoặc phẩm Phổ Môn…

Nều cầu siêu thì tụnh Địa Tạng, Di Đà, và Vu Lan Bồn v.v…

Nếu muốn cầu quả Bồ Đề nên tụng Kinh Pháp Hoa, Vô Lượng Nghĩa. Quan niệm giản trạch như thế cũng có phần hay, khiến tâm niệm chuyên nhất sẽ thâu thập được nhiều hiệu nghiệm hơn. Song, Phật tử phải nhớ rằng về mặt giáo lý và công đức, không luận bộ kinh nào, nếu nhứt tâm nhứt đức trì tụng, đều được kết quả mỹ mãn.

Lợi ích của sự tụng kinh: Lời vàng trong Tam tạng kinh điển của của Phật, toàn là những lời đúng chân lý, hợp lẽ phải, do kim khẩu Phật thuyết ra. Vì thế, nên kinh Phật siêu việt hơn tất cả các ngôn từ thế gian, nếu chúng ta thành tâm trì tụng nhất định sẽ thâu hoạch được nhiều lợi ích thiết thực cho mình và mọi người.

Đã hiểu rõ ý nghĩa, cách thức và diệu dụng của sự tụng kinh, ta nên tinh tiến thật hành. Quả vị giải thoát đang chờ đợi ta, xin chớ chậm trễ, vì lẽ vô thường luôn luôn chi phối cuộc đời ta, chiều còn mai mất, giây phút sanh đời khác. Thời gian rơi rụng dài theo bước ta đi, sự sống mỏng manh trên cõi Ta Bà nầy, cũng mòn dần theo vết lăn đều của thời gian lạnh lùng và tàn hại. Dù ai có thế lực trong tay đầu đủ võ khí vẫn cúi đầu trước sức tàn phá khủng khiếp của búa thời gian.

3 - LỄ SÁM.

Trong Thủy Sám có câu: “Hà nhân vô tội, hà giả vô khiên”. Nghĩa là ở đời, người nào mà không tội, kẽ nào không lỗi. Phàm ai còn sanh trong ba cõi (cõi dục, cõi sắc, cõi vô sắc), lẫn lộn sáu đường (trời, người, a-tu-la, quỷ đói, súc sanh và địa ngục) thì không ai tránh khỏi tội lỗi. Đức Khổng Tử thường nói: “Nhơn phi Nghiêu, Thuấn yên năng mỗi sự tận thiện”, người không phải Vua Nghiêu, Vua Thuấn đâu có thể mỗi việc trọn lành hết. Trong Surangama Sutra đã nói: “Nếu tâm niệm mỗi người khởi lên là bị trần lao khởi trước”. Người có tội như ở trong nhà tối, kẻ có lỗi giống như người mặc áo nhơ…

Chúng ta muốn diệt trứ tối tăm phải dùng ánh sáng rọi vào, muốn áo hết nhơ bẩn, phải dùng nước giặt sạch. Ai muốn hết tội lỗi, đạo Phật dạy phải tích cực lễ sám.

Chữ Sám, theo tiếng Sanskrit gọi là Ksamayati, có nghĩa là ăn năn chừa lỗi. Sám nếu nói cho đủ là Sám-hối. Sám nghĩa là sám trừ các lỗi trước. Hối là ăn năn những lỗi sau. “Sám giả sám ký tiền khiên, hối giả hối kỳ hậu quả:.

Sám hối trong đạo Phật có 4 cách:

1- Tác Pháp Sám Hối: Tức la hành giả phải lập giới đàn đúng cách thức, rồi cung thỉnh các Đại đức Tăng thanh tịnh đến chứng minh. Lúc vào đạo tràng, hành giả phải thành kính phát lồ các tội lỗi, tỏ ra ăn năn và hứa từ đó về sau không phạm nữa. Nhất tâm cung kính sám hối như vậy. Khi nào giới thể được trong sạch, lúc đó tiêu trừ được tội lỗi.

2 -Thủ Tướng Sám Hối: Phương pháp nầy hành giả phải đến trước tượng Phật, hoặc Bồ Tát quán tưởng sám hối. Pháp nầy thật hành các nơi không có chư Tăng. Hành giả có khi ngồi kiết già hoặc bán già tập trung tâm trí quán tưởng, từ một đêm đến nhiều đêm, khi nào thấy hảo tướng như thấy hào quang, hoa sen quí báu, thấy Phật, hoặc thấy Bồ Tát v.v…Lúc ấy biết rằng tội lỗi đã tiêu trừ.

3 - Hồng Danh Sám Hối: Pháp nầy lễ lạy danh hiệu Phật để sám hối do Ngài Bất Động Pháp Sư triều nhà Tống bên Trung Quốc soạn ra. Ngại rút trong kinh Ngũ Thập Tam Phật (từ Phật Phổ Quang đến Phật Nhứt Thiết Pháp Tràng Mãn Vương), và trong kinh Dược Vương, Dược Thượng Tam Thập Ngũ Phật (từ Phật Thích Ca đến Phật Bảo Liên Hoa Thiện Trụ Ta La Thọ Vương), thêm vào Pháp Thân Di Đà cùng 10 lời nguyện của đức Phổ Hiền, thành 108 lạy, để tiêu trừ 108 phiền não. Đức Phật Tỳ Bà Thi (Vipasyin Buddha) đã nói: “Ai nghe tên và đảnh lễ 53 vị Phật nầy, thì khỏi đọa trong ba đường ác: Địa ngục, ngạ quỷ, và súc sanh”. Chính Đức Thích Ca (Sakyamuni Buddha) cũng đã nói: “Ta nhờ nghe danh hiệu 53 vị Phật nầy, thành tâm lễ sám, được khỏi sanh tử luân hồi”. Pháp sám hồi nầy hầu hết các chùa và tư gia đều thực hành theo. Có người đặt ra câu hỏi, tại sao lạy Phật trừ được tội lỗi cũ? Bởi vì Hồng Danh của chư Phật có công đức không thể nghĩ bành, khi ta lễ sám, miệng ta đọc, tâm ta nghĩ, thân lễ Hồng Danh tương ưng mật thiết với Phật, thì mọi tội lỗi đều tiêu trừ. Cũng như nhà tối nghình năm, hôm nay có ngọn đèn sáng rọi vào thì bao nhiêu bóng tối đều tiêu tan.

Về sau có Ngài Từ Vân Đại Pháp Sư lo cho những người kém sức khoẻ, không quen lạy nhiều, có soạn ra nghi thức tiểu sám hối rất gọn và đầy đủ ý nghĩa để giúp Phật tử hằng ngày lễ sám, để tiêu trừ tội lỗi của mọi người.

4 – Vô Sanh Sám Hối: Quán tâm niệm hiện tiền, không sanh vì do vọng nên mới sanh ra tội lỗi. Ba thời tìm tâm không có, trong Vajra Sutra đã nói: “Tâm quá khứ tìm không thể được, tâm hiện tại chẳng có, tâm vị lai cũng không”. Tâm không có, thì vọng không còn, vọng tâm không, thì tội lỗi hết.

Sutra đã nói:

Tội từ vọng tâm sanh, rồi cũng từ vọng tâm diệt,

Nếu tâm nầy không sanh, thì tội kia cũng chẳng còn,

Như thế gọi là chân Lễ-Sám”.

Quán thật tướng các pháp không sanh không diệt. Các vọng tướng hết thì chơn tướng hiện, vì chơn tướng không hư dối, nên gọi là thật. Kinh Quán Phổ Hiền (Vidarsama Samantabhadra) nói: “Muốn lễ-sám thì phải quán thật tướng của các pháp”. Bởi vì tánh tội vốn không tất cả đều do vọng tâm tạo.

Lợi ích của sự sám hối: Ai biết ăn năn chừa lỗi là người tiến bộ sẽ trở thành hiền thánh. Mỗi người trong gia đình biết thừa nhận tội lỗi, thì gia đình ấy trở nên đầm ấm, vui tươi. Dân chúng biết ăn năn nhận lỗi, thì dân chúng ấy sẽ tiến bộ trong lẽ phải và tạo thành một xã hội huy hoàng, tốt đẹp.

Phật giáo dạy lễ-sám, để chúng ta hoán cải lòng mình cao thượng hơn. Nhờ lễ-sám, con người tạo cho đời sống cá nhân được phước lạc và cuộc sống xã hội được hòa bình, thịnh vượng.

4 – PHƯƠNG PHÁP NIỆM PHẬT

Niệm Phật là một pháp môn thuộc về Tịnh Độ Tôn (Sukhavati Sect), nhưng hiện nay các Tôn, như Thiên Thai Tôn (T’ien T’ai Sect), Hoa Nghiêm Tôn (Avatamsa Sect) v.v… đều chú trọng pháp môn niệm Phật. Chính Thiền Tôn (Dhyana Sect) cũng lưu tâm cả hai: Thiền (Dhyana) và Tịnh (Sukhavati). Xét thấy như thế hai Tôn -Thiền và Tịnh rất là thích hợp với xã hội Việt Nam, so sánh với các Tôn khác không được truyền bá thạnh hành ở nước ta gần đây. Vì thế cho nên phương pháp niệm Phật cũng phải lập một mục chính để thuyết minh.

Định tâm niệm Phật(A mind fixed in mindfulness i.e. fixed on the Pure Land and its glories) cùng với Biệt thời niệm Phật (To call upon Buddha at special times. When the ordinary religious practices are ineffective, the Pure Land sect call upon Buddha for a period of one to seven days, or ten to ninety days). Tịnh Độ Tôn được sáng lập từ đời Đông Tấn (Tung Chin) do Tổ Huệ Viễn (Hui Yuan) ở Trung Quốc, sau đó truyền sang Việt Nam. Ngài Huệ Viễn cũng dùng phương pháp Thiền. Quán phụ trợ, chứ không phải chuyên niệm danh hiệu Phật A Di Đà (Amitabha Buddha). Như trên đã nói về pháp môn Định tâm niệm Phật cùng Biệt thời niệm Phật: Định-tâm nghĩa là trong lòng thanh tịnh tưởng nhớ tướng mạo đức Phật, oai đức của Phật. Ấy gần như phương pháp Thiền-Quán. Biệt thời là chỉ thời gian nhất định, ngày ba thời, đêm ba thời (trú dạ lục thời), trong các thời gian nhất định ấy, tâm tưởng Phật ở trước mặt, miệng niệm danh hiệu. Nhờ công phu tinh tấn nầy, tương lai sẽ sanh về Phật quốc ở Phương Tây. Đó là pháp môn niệm Phật được truyền xuống do Tổ Huệ Viễn. Đến đời nhà Đường (Tan), Đại Sư Thiện Đạo (Shan Tao), chuyên môn hướng dẫn các tầng lớp bình dân về môn nầy. Ngài chỉ dùng phương pháp trì danh niệm Phật, miệng niệm Nam-Mô A-Di-Đà-Phật (Namo Amitabha Buddha). Phương pháp nầy rất là đơn giản, thực tế, truyền bá khắp mọi nơi thời bấy giờ trong toàn quốc, những người học Phật hầu hết 9/10 đều thật hành phương pháp nầy.

Phương pháp quán tưởng (To meditate and think), chúng ta phải thuyết minh phương pháp nầy, và phải duy trì hai thứ Quán-tưởng và Trì-danh. Trong kinh Quán Vô Lượng Thọ (An important Sutra relating to Amitayus or Amitabha, and his Pure Land) có 16 phép quán. Nói đến quán tưởng rất là vi tế, nên phải giải thích sau đây:

1 - Tưởng mặt trời; ngồi đoan chính hướng về phương Tây, xét xem mặt trời lặn, khiến tâm kiên trụ, chuyên tưởng không bao giờ dời đổi khi thấy mặt trời muốn lặn, hình dáng như chiết trống treo. Hành giả đã thấy mặt trời rồi, nhắm mắt, mở mắt đều in rõ ràng. Đó là quán tưởng mặt trời.

2 – Quán tưởng nước; hành giả thấy nước lóng trong sạch một cách sanh biếc, không cho ý tán loạn. Sau khi thấy phải tưởng băng giá, thấy băng giá trong suốt, hành giả tưởng như ngọc lưu ly, quán tưởng như thế rồi, thấy địa cầu toàn chất lưu ly, trong ngoài sáng sạch. Ấy là quán tưởng nước.

3 – Khi quán tưởng nước thành công; hành giả trụ tâm một chỗ nhắm mắt, mở mắt, không cho tan mất. Chuyên tưởng như vậy, gọi là thô thấy cõi Cực Lạc (Sukhavati). Ấy cũng gọi là quán tưởng địa chất.

4 – Quán tưởng bảo thọ; hàng hàng cân nhau, lá lá giống nhau, ở trong các hành lá có những hoa màu; kết thành quả tốt, hành giả nhận thấy các cây báu nầy rồi; cọng, nhánh, lá, hoa, trái đều được phân minh. Đó là quán tưởng cây báu.

5 – Quán nước tâm công đức; (trong sạch, lạnh mát, ngọt ngào, uyển chuyển, thấm nhuần, an hòa, khi uống trừ đói khát, uống rồi hay trưởng dưỡng các căn). Cõi nước Cực Lạc có tám ao nước, trong mỗi ao có vô số hoa sen. Ấy là quán tưởng nước tâm công đức.

6 – Trên cõi nước Cực Lạc có 500 ức lâu đài; trong mỗi lầu các có vô lượng chư Thiên, trổi nhiều bản nhạc kỳ diệu, lại có rất nhiều nhạc khí, không gảy mà tự kiêu, tưởng như thế được hoàn thành, gọi là thô thấy cây báu, đất báu và ao báu ở thế giới Cực Lạc. Đây là quán tưởng tổng quát.

7 - Ở trên đất báu, hành giả khởi tưởng hoa sen; trên mỗi hoa lá, đều phóng nhiều đạo hào quang sáng ngời, hào quang ấy giống như bảo cái che khắp trên mặt đất. Đài hoa sen nầy các món quý báu như trân châu, dùng làm trang sức. Ở trên đài sen đó tự nhiên thây có bốn trụ tràng phan bảo cái. Ấy là quán tưởng tòa sen.

8 – Sau đây tưởng Phật; trước tiên hành giả tưởng hình tượng đức Phật, mở mắt nhắm mắt thấy một tượng báu, thân toàn sắc vàng ngồi trên tòa sen. Hành giả thấy bảo tướng ấy rồi, tâm trí khai thông, phân minh hiển hiện, thấy được cõi nước Cực Lạc, lại quán có một tòa sen lớn ở bên trái đức Phật, tưởng một tượng đức Quán Thế Âm Bồ Tát (Avalokitesvara Bodhisattva) ngự trên tòa sen bên trái. Hành giả khởi quán có một tòa sen lớn ở bên mặt Đức Phật, tưởng hình tượng Đức Đại Thế Chí Tồ Tát (Mahasthamaprapta Bodhisattva), đang ngự trên tòa sen bên phải. Khi quán tưởng nầy thành tựu, tượng Phật và Bồ Tát đều thấy hình như phóng hào quang sáng. Gọi là thô tướng thấy thế giới Cực Lạc. Đây là quán tưởng tượng Phật.

9 - Phải quán tưởng đức Phật Vô Lượng Thọ (Amitayus Buddha); thân tướng quang minh, chân mày có hào quang trắng uyển chuyển xoay về phía hữu, mắt Phật trong suốt quang minh. Hào quang của đức Phật tròn sánh, khắp soi mười phương thế giới. Ấy là quán tưởng chân thân đức Phật.

10 – Hành giả kế đó phải quán Bồ Tát Quán Thế Âm; thân tía sắc vàng, trên đảnh có Nhục kế (Usnisa, one of the thirty two marks (laksana) of a Buddha), trên đảnh có hào quang tròn sáng; yến sáng khắp thân, soi thấu mười phương quốc độ, đưa tay sẵn sàng tiếp dẫn chúng sanh. Đây là quán tưởng đức Quán Thế Âm.

11 - Kế đó là quán đức Đại Thế Chí Bồ Tát; Bồ Tát nầy thân tía sắc vàng cũng như đức Quán Thế Âm. Chúng sanh nào có duyên với Ngài đều được thấy rõ. Đây là quán tưởng đức Đại Thế Chí Bồ Tát.

12 – Khi thấy các việc trên rồi; hành giả phải khởi tâm mình, như đang sanh nơi thế giới Cực Lạc ở phương Tây, ngồi trong hoa sen, tréo mãi chân ngồi (the practicer’s sitting posture with legs crossed and soles upward, left over right being the attitude for subduing demons, right over left for blessing, the hands being placed one above the other in similar order), quán tưởng hoa sen búp, khởi tưởng hoa sen nở. Khi hoa sen nở, hành giả được 500 sắc sáng soi đến tự thân, nở mắt ra thấy Phật và Bồ Tát đầy trên hư không. Thấy các tướng ấy rồi, gọi là thấy được thế giới Cực Lạc của Phật Vô Lượng Thọ (Boundless, infinite life, a name for Amitabha). Đây là quán tưởng chu biến.

13 - Nếu ai muống chí tâm sanh về Tây phương; trước phải quán tượng một trượng sáu (độ 16 thước) ở trên ao nước, như trước đã nói về Phật Vô Lượng Thọ. Ở trong cõi nước mười phương biến hiện tự tại; hoặc hiện thân lớn đấy khắp hư không; hoặc hiện thân nhỏ một trượng sáu thước . Thân hình hiện ra toàn là sắc vàng, các đức Bồ Tát Quán Thế Âm và Đại Thế Chí, phụ tá đức Phật A Di Đà làm tất cả mọi việc độ sanh, tế thế. Đây là tập quán tưởng.

14 – Quán sanh về Thượng phẩm

15 – Quán sanh vể Trung phẩm

16 – Và quán sanh về Hạ phẩm.

Các phương pháp quán tâm nầy, chính là Thiền-Quán của Tịnh Độ Tông (Sukhavati Yana). Trong 16 phương pháp Quán, có thể chia làm bốn giai đoạn sau đây:

1 - Từ quán thứ nhất đến quán thứ sáu; là đoạn đầu. Quán tưởng cõi nước Cực Lạc, quốc độ nầy ở về phương Tây. Sở dĩ trước quán theo mặt trời, nước trong ao tại Cực Lạc, là vì từ mặt trời lặn quán đến nước biển, chuyển nước thành băng, dần dần biến thành cảnh giới lưu ly, tức là cõi nước Cực Lạc, đã hiện rõ trước mắt; sau đó mới quán cây, quán nước, quán lầu các, chỗ đức Phật ở, thế giới Cực Lạc nầy hoàn toàn được hiện tiền.

2 - Từ quán thứ bảy đến quán thứ mười một; là giai đoạn thứ hai. Đây là quán tưởng Phật, Bồ Tát trong thế giới Cực Lạc, Phật, Bồ Tát đều ngồi trên tòa hoa sen, hành giả nhìn lên, trước thấy tòa sen, rồi tưởng chúng ta sẽ thấy rõ tượng Phật và Bồ Tát, ngự trên tòa vàng thân tướng trang nghiêm. Quán tưởng rõ ràng sau đó mới nhớ đến chân thân của Phật Vô Lượng Thọ, Quan Âm và Thế Chí.

3 – Từ quán thứ mười hai đến thứ mười ba; là gia đoạn thứ ba. Chính phải tưởng mình đã vãng sanh về cõi nước Cực Lạc, ngồi trên tòa vàng lúc đầu hoa sen hoàn toàn búp, như ở trong thai mẹ, đến khi hoa sen nở, có ánh hào quang của Phật soi đến, tâm mắt của ta khai sáng, xem thấy Phật, Bồ Tát. Đây chính là thành công trong việc vãng sanh hoa nở thấy Phật. Sau đó lại quán tưởng Phật Bồ Tát ở trên ao nước, hoặc ở trong mười phương đi lại tự tại, khắp giáo hóa tất cả chúng sanh.

4 - Từ quán thứ mười bốn đến quán thứ mười sáu; là giai đoạn thứ tư. Vì người tu Tịnh Độ, trình độ có lợi có độn, công phu có cạn có sâu, do đó nên vãng sanh Tây phương có chia ra ba phẩm chính, mỗi phẩm lại chia ra ba phẩm phụ, tức là chia ra ba phẩm Thượng sanh, Trung sanh và Hạ sanh, tất cả có chín phẩm nhỏ. Đây là phép quán tưởng cuối cùng, khiến hành giả biết được phẩm vị vãng sanh cao thấp, để có thể gây một ý tưởng nỗ lực tiến tu.

Phương pháp trì danh – Trì danh nghĩa là gìn giữ danh hiệu Phật A Di Đà. Phương pháp mặc dù đơn giản, song cũng có nhiều thứ. Đứng về phương pháp niệm Phật mà nói có ba thứ:

1 – Giác Tánh Niệm Phật,

2 – Quán Tưởng Niệm Phật, và

3 – Trì danh Niệm Phật.

Giác Tánh Niệm Phật; Chính là niệm Phật thời gian, hồi quang phản chiếu. (To turn the light inwards on oneself, concern oneself with one’s own duty), quán sát bản tính của chính mình, xưa nay cùng chư Phật đồng Phật tánh, không có sai khác, niệm đến khi nào tâm không còn thấy tán loạn, mỗi niệm tương ưng, tâm ấy chính là Phật vậy. Bài kệ Đâu Suất trong kinh Hoa Nghiêm (Avatamsa Sutra) đã nói:

“Dùng Phật làm cảnh giới,

Chuyên niệm tâm không tối.

Người nầy đặng thấy Phật,

Chứng đạo quả bất thối”.

Bốn câu nầy là nói trong tâm dùng Phật làm đối tượng, một lòng chuyên niệm không dứt, dần dần có thể xem thấy Pháp thân mật. Một hành giả niệm Phật, được thấy một Phật, nhiều hành giả niệm Phật, đặng thấy nhiều Phật. Số mục thấy Phật cùng với số mục hành giả niệm Phật tương đương. Ấy gọi là giác tánh niệm Phật.

Quán tướng niệm Phật, chính là theo phương pháp quán trong kinh Quán Vô Lượng Thọ, quán tưởng thân Phật nhiệm mầu, cõi Phật trang nghiêm, trong tâm quán tưởng, ngoài miệng niệm Phật. Hoặc những người sơ cơ có thể dùng tượng họa, hoặc tượng cốt v.v…làm đối tượng để quán, chuyên tinh niệm Phật. Các việc như thế gọi là Quán tướng niệm Phật.

Trì danh niệm Phật, phương pháp nầy không giống Quán tướng niệm Phật mà chỉ chuyên giữ danh hiệu Phật, có ba cách: Cao thinh trì niệm Phật, Kim cương trì niệm và Mặc trì niệm. Phát ra tiếng giọng rất cao, trì tụng rõ ràng, rất dễ đề khởi tinh thần tiến tu. Mặc trì niệm và Kim Cương trì niệm có phần trái nhau, lặng lẽ trong tâm mặc niệm, hoàn toàn không động đến miệng lưỡi, ngược lại Kim Cương trì niệm là phải có tinh thần cao độ, dũng mãnh. Tóm lại tùy theo tánh chất và hoàn cảnh của hành giả, hoặc quan hệ thời gian và địa phương mà trì niệm, lợi ích như nhau. Đây gọi là Trì danh niệm.

Dùng tiếng giọng niệm Phật, cũng có Hòa hoãn niệm và Truy đảnh niệm. Hòa hoãn niệm tức là tiếng niệm kéo dài nhưng hòa hoãn, trước hết hành giả phải phá trừ tất cả vọng niệm trong tâm, buông bỏ mọi việc lăn xăn, sau đó đề khởi chánh niệm niệm Phật. Thời gian một thở hít là niệm một vài chữ, thở ra hít vào niệm “NAM”, hít vào thở ra niệm “MÔ”, như thế theo số chữ, tiếng giọng rất là hòa hoãn chẳng hạn như đi nhiễu Phật, nhiễu tháp, vừa đi vừa niệm, một bước niệm một vài chữ. Tuy nhiên mỗi chữ, phải liên tục không gián đoạn. Đó gọi là hòa hoãn niệm Phật. Truy đảnh niệm là niệm một câu “Nam mô A Di Đà Phật” trọn vẹn, câu nầy rồi liền sang câu khác, trung gian không cho chấm dứt, nhờ đó vọng niệm không chỗ nào phát khởi, hoặc dự định một ngày từ sáng đến tối, niệm Phật liên tiếp, công phu thuần thục, hành giả có thể kéo dài hai ngày, bảy ngày, mười bốn ngày, bốn mươi chín ngày, niệm đến vọng niệm dứt trừ, ý nghĩ tán hoại, đại địa bình lặng, một pháp nhỏ cũng không còn dính líu, thành công trọn vẹn. Phương pháp trên, nếu người không có tinh thần dũng mãnh, tinh tấn cực độ thì không thể nào đạt được, khi dụng công cũng nên cẩn thận từng li từng tí, không thể cố chấp tụng niệm cho lớn để bị “thương khí”, cũng không thể nỗ lực mặc niệm để bị “thương huyết”. Tất cả ý nghĩa trên gọi là Truy đảnh niệm. Đứng về Thiền, Tịnh song tu mà nói, có hai thứ: Thiền Định niệm và Tham cứu niệm. Thiền định niệm là ngồi Thiền gồm có niệm Phật, phải lắng lòng trong sạch, thời gian tịch nhiên không động, càng tịnh càng được sáng suốt, giữ được tâm sáng suốt, mặc niệm danh hiệu Phật, Kinh Tọa Thiền Tam muội có nói:

Bồ Tát tọa Thiền,

Không nghĩ tất cả”.

Chỉ một niệm Phật (Giác ngộ) quyết được chánh định (Samma Samadhi), đây là Thiền Định niệm Phật. Phương pháp nầy rất cao và rất cần cho hành giả thượng căn thượng trí. Tham cứu niệm là tham thiền mà gồm cả niệm Phật, lúc tham cứu niệm Phật hành giả phải xét đến tâm niệm Phật ấy sanh từ chỗ nào, diệt từ nơi nào, đi đâu và từ đâu lại, tham cứu đến chỗ tận cùng, vọng niệm theo đó má diệt. Lúc bấy giờ hành giả hoát nhiên khai ngộ. Đồng với đoạn trước đã nói: “Cảnh giới ngộ đạo” (To awaken to the truth).

Những người trí thức ngoài đời, đối với pháp môn niệm Phật có ý hồ nghi cho phương pháp niệm Phật là việc làm tầm thường, có vẻ thần thoại thuần tôn giáo…Chính nhiều vị học giả Cư sĩ lúc đầu mới học Phật, nghiên cứu hầu hết đều có ý nghĩ như thế. Thời gian học hiểu khá cao, thấu rõ đạo lý “Tịnh độ Duy Tâm, Di Đà tự tánh”, mới thấy tu Tịnh Độ, niệm Phật là chí lý, là tối thượng, nếu hiểu về Lý tánh (absolute nature). Chúng ta có thân thể nẩy đều do Vô Minh vọng niệm tạo thành, nó là hư huyển, thân thể nầy nương nhờ hoàn cảnh, núi sông đất liền, rồi lai do vọng tâm tạo thành huyển cảnh. Làm sao thấy được các việc ấy là huyễn? Nếu không phải là huyển cảnh mà là chân cảnh thì phải không sanh không diệt, thường trú bất biến, mới đúng lẽ mầu. Hiện tại thân mạng chúng ta từ khi mới sanh, rồi thiếu niên, tráng niên, đến lão niên, đến chết không có giờ phút nào tâm niệm không dời đổi. Tâm chúng ta niệm trước đi, niệm sau đến, không một giây phút nào dừng nghỉ, cho đến trong giời giấc ngủ nghỉ, chiêm bao cũng thế. Chính như đại địa sơn hà, tuồng như vĩnh cửu nhưng kỳ thực cũng nằm trong luật biến chuyển thành, trụ, hoại, không. Đôi khi chúng ta nhìn qua các trận động đất, các núi phun lửa, đó là triệu chứng dời đổi tang thương, vô thường dị biệt. Tóm lại, trong thân tâm, ngoài thế giới tất cả đều huyển cảnh, đêù do vọng tâm có sanh có diệt, nhưng vọng tấm ấy (a wrong, false, or mis-leading mind), nó nương nơi bản thể mà phát khởi, đó là chân tâm (the spirit of true enlightenment, i.e. the disciple of the mind for the development of the fundamental spiritual or Budha-nature). Chân tâm chính là thật cảnh không sanh không diệt, thường trụ bất biến. Người học Phật để làm gì? Chính là để tìm phương pháp bỏ vọng trở về chân tâm ấy. Tất cả đều là huyển cảnh, đều do vọng tâm tạo ra. Phương pháp thực tiển của người học Phật là phải diệt trừ vọng tâm, để dần dần thể nhập chân tánh (The true nature, the fundamental nature of each individual). Vì thế, cho nên phương pháp thật hành của các Tôn mặc dù không đồng, nhưng về phương diện tiêu diệt vọng niệm, trở về chánh niệm thì như nhau. Phương pháp niệm Phật là để thâu nhiếp các vọng niệm, trở thành nhất niệm, niệm đến “nhất tâm bất loạn” chân tâm hiện bày. Hiện tại chúng ta đang ở vào thế giới ác trược nầy, phải đồn tâm hiệp lực làm thế nào chuyển nó thành thế giới Cực Lạc, tất cả duy tâm sở tạo, tuyết đối không phải là hư ngụy. Đọan trước đã giải qua 16 pháp quán tưởng, chính là Pháp môn để chuyển vọng tâm vọng cảnh trở về với chân tâm chân cảnh. Mục đích niệm Phật, quán tưởng chỉ có thế thôi. Xưa nay, người chuyên tâm niệm Phật, quán tưởng, đến khi lâm chung được vãng sanh về cõi Tịnh, sự kiện lịch sử nầy đã xảy ra rất nhiều (xem trong quyển Đường Về Cực Lạc). Chúng ta hãy lo đầy đủ TÍN, HẠNH, NGUYỆN để lên đường, càng sớm càng hay.

5 – TRÌ CHÚ

Chú, nói cho đủ là “Thần Chú” (Rddhi Mantra or Dharani). Trì Chú là phương pháp tu hành về Mật Giáo (the esoteric, mantra). Tiếng Sanskrit gọi là Dharani, Trung Hoa dịch là Tsung-Ch’ih (entire control, a translate of the Sanskrit word, and associated with the Yogacarya School; absolute control over good and evil passions and influences), có nghĩa là bao trùm tất cả Pháp (Dharma), gìn giữ tư tưởng cao thượng từ vô lượng diệu nghĩa của nội tâm. Luận Đại Trí Độ (Maha Prajna Paramita Sastra) quyển thứ 5 có nói: “Chữ Dharani là tiếng nước Tần (The Ch’in state and dynasty, 255-205 B.C. ) Bộ Luận nầy do Ngài Cưu Ma La Thập (Kumarajiva) dịch tại nước Tần - Chữ Dharani có nghĩa là hay gìn giữ hoặc hay bảo vệ. Hay gìn giữ là gom góp các Pháp lành giữ gìn không cho tan mất, thí dụ như đồ tốt để đựng nước, không bao giờ cho nước rỉ ra ngoài. Bảo vệ là ngăn ngừa tâm bất thiện không cho phát sanh; nếu móng tâm muốn làm các tội ác, ngăn ngừa bảo vệ không cho thi hành, gọi đó là Dharani”. Sức mạnh Trì Chú nầy có thể tiến đến việc thiện dễ dành để ngăn ngừa các việc ác, công phu ngăn ác làm thiện là điều kiện tu hành tối trọng yếu của Tôn nầy. Trong Phật Địa Luận (Buddha bhumi Sastra) quyển thứ 5 có nói: “Dharani là tăng thượng huệ niệm, nó có khả năng thống nhiếp cũng như duy trì vô lượng Phật Pháp, khiến không bao giờ hoại diệt”. Đây là nói về công dụng thọ trì thần-chú, mục đích tối hậu của sự trì chú là để thành Phật (to become Buddha). Niệm là chuyên nhớ, Huệ là trí huệ trì chú quyết phải một niệm quyết định những mật-ngữ, trì tụng đã lâu chắc chắn phát sanh trí tuệ. Do đó nên tăng thượng huệ niệm tức là tăng thêm chánh niệm (Samyaksmrti) và chánh huệ (Samyakprajna). Niệm-Huệ đã được gia tăng, hành giả mới đảm nhiệm duy trì được vô lượng Phật Pháp, vĩnh viễn khiến trong tâm không bao giờ quên mất, cuối cùng chứng thành Phật quả (Buddhaphala)

Phương pháp trì chú của Mật Tôn (Mantra) đối với ba phương diện: hành động (deed), lời nói (word) và ý nghĩ (thought) đều có quy củ nhất định. Mỗi một thần chú đều có phương thức dùng tay bắt Ấn, gọi là kiết Ấn (A binding agreement sealed as a contract, employed by the esoteroc sects). Đây là Thân Mật. Trong miệng tụng văn chú, mỗi câu mỗi chữ phân minh, không bao giờ sai lầm. Ấy gọi là Khẩu Mật. Mỗi một thần chú đều có đối tượng Phật, Bồ Tát, trong lòng quán chữ “CHỦNG TỬ” (Seed, germ; the content of the alayavijnana as the seed of all phenomena; the esoterics also have certain Sanskrit letters, especially the first letter 31, as a seed or germ containing supernatural powers) của Phật và Bồ Tát kia (vì mẫu âm thứ nhất của danh hiệu Phật, Bồ Tát, đại biểu bản thể của Phật và Bồ Tát gọi là chủng tử, như chủng tử của Vai rocana (Tỳ Lô Giá Na) từ loại chữ 31 mà ra). Ấy gọi là ý mật; bởi vì ba phương diện hành động, lời nói và ý nghĩ, đồng nhiếp vào cảnh giới bí mật, vọng niệm tự nhiên không khởi, công phu tu tập dần dần thuần thục, chính như thế gọi là “TỨC THÂN THÀNH PHẬT” (Buddha is not only mind, but body). Theo đây chúng ta biết rằng phương pháp tu hành giữa Mật Giáo (Esoteric or Yoga School) và Hiển Giáo (The open schools or teaching, comprising all the sects or Buddhism, except the esoteric sect) không đồng nhau. Nhưng trong kinh điển của Hiển Giáo, có rất nhiều chú ngữ phụ lực, phổ thông nhất tại Việt Nam là các thần chú Đại Bi (Mahakaruna Dharana), thần chú Lăng Nghiêm (Surangama Dharani), Thập Chú (Dasa Sastra), công dụng của các thần chú đối với Mật Tôn không có sai khác mấy, chẳng qua lối tu hành về Hiển Giáo thì nắm giữ thần chú làm trợ lực, còn trái lại Mật Giáo lấy sự trì chú làm chủ thể, chủ đích, gồm các thần chú trong Mật Tôn, có bắt ấn, có quán tướng, tất nhiên phải có vị A-Xà-Lê (acarya đích thân khẩu truyền dạy rõ các phương pháp, sau đó thật hành mới có hiệu lực. Hiển Giáo trì chú không cần thiết sự dùng kiết ấn, quán tướng có thể tùy tiện truyền thọ. Đây là phương pháp trì chú không đồn nhau giữa Hiển Giáo và Mật Giáo.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
05/01/2015(Xem: 21513)
Các soạn và dịch phẩm của cư sĩ Hạnh Cơ - Tịnh Kiên - Mười Vị Đệ Tử Lớn Của Phật (dịch từ tác phẩm Thập Đại Đệ Tử Truyện, nguyên tác Hoa văn của Tinh Vân pháp sư, nhà xuất bản Phật Quang, Đài-bắc, ấn hành năm 1984) Chùa Khánh Anh (Paris) in lần 1, năm 1994 Tu viện Trúc Lâm (Edmonton) in lần 2, năm 1999 (có thêm phần “Phụ Lục” do dịch giả biên soạn) Ban Phiên Dịch Pháp Tạng Phật Giáo Việt Nam (Nha-trang) in lần 3, năm 2004 Chùa Liên Hoa và Hội Cư Sĩ Phật Giáo Orange County (California) in lần 4, năm 2005 - Lược Giải Những Pháp Số Căn Bản Làng Cây Phong (Montreal) in lần 1, năm 1996 Ban Bảo Trợ Phiên Dịch Pháp Tạng Việt Nam (California) in lần 2 (có bổ túc và sửa chữa), 2008 - Giấc Mộng Đình Mai của Nguyễn Huy Hổ (tiểu luận) Làng Cây Phong (Montreal) in lần 1, năm 2001 - Bộ Giáo Khoa Phật Học (dịch từ bộ Phật Học Giáo Bản – sơ cấp, trung cấp, cao cấp – nguyên tác Hoa văn của Phương Luân cư sĩ, Linh Sơn Xuất Bản Xã, Đài-bắc, ấn hành năm 1996) * Giáo Khoa Phật Học
31/10/2013(Xem: 18590)
Trên bình diện tổng quát thì tất cả các tôn giáo - kể cả Phật Giáo dưới một vài hình thức biến dạng mang tính cách đại chúng - đều hướng vào chủ đích tạo ra một đối tượng nào đó cho con người bám víu. Ngược lại Dharma tức là Đạo Pháp của Đức Phật thì lại nhất thiết chủ trương một sự buông xả để giúp con người trở về với chính mình, nhờ vào sức mạnh mang lại từ lòng quyết tâm tự biến cải chính mình. Sự biến cải đó gọi là thiền định.
30/10/2013(Xem: 39966)
Phật (Buddha) là một từ ngữ để chỉ người giác ngộ viên mãn. Ðức Thích Ca Mâu Ni (Sàkyãmuni) là người đã giác ngộ, nên chúng ta gọi Ngài là Phật. Giác ngộ là thấy biết mọi chân lý về vũ trụ và nhân sinh. Từ chỗ giác ngộ này, đức Phật chỉ dạy các môn đồ còn ghi chép lại thành Tạng kinh. Trong tạng kinh chứa đầy dẫy những chân lý, dù trải qua hơn 25 thế kỷ vẫn còn giá trị nguyên vẹn, không do thời gian làm suy giảm. Ngày nay chúng ta nghiên cứu Tạng kinh thật chín chắn, càng phát hiện những chân lý ấy gần gũi và thích hợp với khoa học một cách không ngờ. Trong bài viết này, chúng tôi chỉ giới thiệu tổng quát vài nét cương yếu để đọc giả suy ngẫm.
27/05/2013(Xem: 6912)
Một thời Đức Phật ngự tại vườn Hoàng Lộ,Bệ Lan Nhã, bấy giờ Vua Thần (Vua A Tu La) có tên là Bà La La và Thái Tử Thần tên Mâu Lê Già có tướng sắc uy nghi, ánh sáng chói lọi, vào lúc quá nửa đêm đến chỗ đức Phật đảnh lễ rồi đứng một bên. Khi ấy, đức Phật hỏi: -Này Bà La La, có phải mọi Thần đều không bị suy thoái về tuổi thọ, hình sắc,vui vẻ, sức mạnh, cho nên các Thần thích sống trong biển lớn chăng?
23/04/2013(Xem: 8500)
Ðây là một quyển sách căn bản dành cho người muốn tìm hạnh phúc và sự bình an trong cuộc đời qua con đường tâm linh. Con đường đạo của Ðức Phật rất đơn giản, thích hợp với mọi người. Bất cứ ai với lòng quyết tâm và thiện ý đều có thể đi trên con đường này để đạt được tự do, giải thoát cho thân tâm.
19/04/2013(Xem: 8686)
Đức Phật Dược Sư là Tôn chủ của thế giới Tịnh Độ Lưu Ly ở phương Đông, có danh xưng là Kim Cương Phật. Cúng dàng Đức Phật Dược Sư có thể tiêu trừ được hàng trăm bệnh, tiêu trừ nguyên nhân của căn bản phiền não.
19/04/2013(Xem: 7147)
Từ Bi Hỷ Xả là những đức tính của một bậc Giác Ngộ: “Đại từ đại bi đại hỷ đại xả chính là Phật tánh, Phật tánh chính là Như Lai” (phẩm Bồ-tát Sư Tử Rống, kinh Đại Bát Niết Bàn). Trong bài này chúng ta tìm hiểu tâm từ và Phật tánh, y cứ vào kinh Đại Bát Niết Bàn, chủ yếu lấy từ phẩm Phạm Hạnh. Kinh này gắn liền với tâm từ.
09/04/2013(Xem: 10229)
Tất cả chúng sanh đều vô thỉ đến nay, vì chấp có thật ngã, thật-pháp mà tạo ra các nghiệp, rồi bị các nghiệp dắt dẫn nên xoay vành mãi theo bánh xe sanh tử luân-hồi. Nếu con người hiểu rỏ một cách chắc chắn rằng: tất cả các pháp trong vũ-trụ, nhân và ngã đều không thật có, chỉ do thức biến hiện, như cảnh trong chiêm bao, mà không còn gây phiền não, tạo nghiệp-chướng nữa, thì tất không còn bị ràng buộc, trong bánh xe sanh tử luân hồi. Để phá trừ hai món chấp thật-ngã và thật-pháp, Đức-Phật có rất nhiều phương-pháp, có rất nhiều pháp thiền, mà Duy-Thức-Tôn hay Pháp-tướng-tôn là một pháp tu rất cần thiết, rất hiệu-nghiệm để đi đến giải-thoát.
08/04/2013(Xem: 12876)
Ba tạng Kinh-điển của Phật-giáo hiện nay gồm có đến hơn vạn quyển. Trong ấy, những Kim-ngôn của Ðấng Ðiều-Ngự và huyền-nghĩa của chư Tổ, hàm ẩn Ðạo-lý thâm thúy vô biên. Muốn du ngoạn trong bể Phật-pháp bao la, hay lên đỉnh non thánh-giáo để nhìn khắp nơi bằng tầm mắt càn-khôn-nhất-lãm, phải phí nhiều thời giờ và tâm lực, mà giữa cuộc sống nhiều vướng bận ngày nay, ít ai làm nổi.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]