Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

CHƯƠNG I: TỔNG QUAN

03/01/201109:46(Xem: 8234)
CHƯƠNG I: TỔNG QUAN

CHƯƠNG I

TỔNG QUAN

1. THẾ NÀO GỌI LÀ PHẬT GIÁO?

Phật giáo (Buddhism) là giáo pháp (doctrine) của Đức Phật Sakyamuni thuyết giáo ra. Ý nghĩa chữ Phật (Bud) nói cho đủ là Phật đà (Buddha). Chữ nầy hoàn toàn dịch âm từ chữ Sanskrit hay chữ Pali của Ấn độ (India). Chữ Phật đà Trung Hoa dịch là Kioh-che, theo tiếng Việt gọi là bậc giác ngộ, hoàn toàn sáng suốt. Chữ Phật đà gồm có ba nghĩa:

a) Tự giác (Tzu-Kioh):

Nghĩa là sự giác ngộ chính do nơi mình (It means the enlightening ourselves)

b) Giác tha (Kioh-Ta)

Nghĩa là không những giác ngộ cho mình mà còn tìm phương pháp giác ngộ cho kẻ khác. (That means we try to make others to attain enlightenment too).

c) Giác hạnh viên mãn (Kioh-tsin-yìian-man):

Nghĩa là tự mình giác ngộ rồi, giác ngộ cho kẻ khác, hai công hạnh nầy đạt đến địa vị viên mãn (It means that Buddha was completely or perfectly enlightened ). The first is a Arhat’s; the first and second a Bodhisattva’s; and all the three for Buddha’s). Nhưng hai chữ Phật Đà, theo tập quán của người Việt Nam, hằng ngày chỉ nói là Phật, như nói đức Phật, chùa Phật, Đạo Phật…đó là nói tắt.

Phật giáo là các giáo pháp của: hai thừa (Dviyana), ba tạng (Tripitaka), ba thừa (Triyana), năm thừa (Pancayana), chín bộ (Navasutra) hay mười hai phần giáo (Dvadasa mayayana-sutra), nói rộng ra có tới tám muôn bốn ngàn pháp môn (the 84,000 teachings or lessson credited to the Buddha for the cure of all sufferings) do Đức Sakyamuni Buddha nói ra).

Phật giáo cùng Phật học:Bất luận Tôn giáo nào trên thế giới, mỗi tôn giáo đều y cứ theo một nền triết lý (Philosophy) riêng của vị giáo chủ. Chúng ta hãy xét qua các sắc thái của các Tôn giáo khác, như là Khổng giáo (Confucianism), Lão giáo (Taoism), Thiên Chúa Giáo (Catholicism), Tin Lành Giáo (Protestanism), Hồi giáo (Islamism), Do Thái Giáo (Judaism), Ấn Độ Giáo (Hinduism), v.v…rồi hãy trở về với cơ sở triết học Phật giáo, một nền giáo lý hoàn toàn xây dựng trên lý trí con người. Triết thuyết vừa cao thượng vừa sâu sắc bao trùm cả pháp thế gian (The worldlaw, or law of this world) và pháp xuất thế gian (to go out of the world); the supra-mundane). Các nhà Triết học (Philosophers) ở Đông phương cũng như Tây phương đều công nhận như thế. Ở đây chúng ta hãy gác bỏ các hình thức phức tạp của Phật giáo, hình thức ấy do phong tục, tập quán của mỗi nước, mỗi địa phương tạo ra, chỉ tìm hiểu và nghiên cứu đến lý của Phật giáo mà thôi. Vì giáo lý của Phật giáo quá bao la rộng lớn, pháp vị hoằng thâm, cho nên chúng ta cần phải tìm cầu và phải biết phương pháp để nghiên cứu, phải làm công việc học vấn và tìm hiểu một cách tường tận. Chính phương pháp ấy gọi là Phật học.

2. LÀM THẾ NÀO ĐỂ NGHIÊN CỨU PHẬT GIÁO?

Chúng ta phải đi sâu vào “Đại Tạng Kinh) cùng tất cả Kinh (Sutra), Luật (Vinaya) và Luận (Abhidharma) của Phật giáo. Toàn bộ môn kinh sách nhà Phật được gọi là “Ba Tạng Kinh Điển” (Tripitaka). Danh từ nầy được xuất phát hồi nào và ở đâu? Tại Ấn Độ, sau khi đức Phật nhập Niết Bàn (Mahaparinivana), các vị Thượng Túc đệ tử của Phật kết thành “Ba Tạng Kinh Điển” bằng chữ Phạn (Sanskrit là Bắc Phạn; Pali là Nam Phạn). Tại Trung Quốc (China) đời nhà Tùy, niên hiệu Khai Hoàng, năm đầu, vua sắc chỉ các nơi từ Kinh sư (Thủ đô) cho đến các địa phương làng, xã nhất luật dùng sở phí của nhà nước để sao chép tất cả kinh điển của Phật giáo, hoặc nguyên bản, hoặc đã dịch từ Phạn văn. Viết xong, kiểm duyệt lại và tôn trí trong các tự viện; một số kinh điển khác, được tàng trữ trong hoàng cung để làm bảo vật. Do các lý do nầy nên được gọi là “Đại Tạng Kinh” hay “Ba Tạng Kinh Điển”. Về sau các vị Tổ sư giải thích rộng ra làm cho ý vị của ba tạng kinh điển càng thêm phong phú. Tại Việt Nam, các đời vua Lý, Trần, đều có sai sứ thần sang Trung Quốc, phụng thỉnh ba tạng kinh điển về để cung cấp, ứng dụng cho nền Phật giáo nước nhà thời bấy giờ.

Nội dung của Đại Tạng Kinh có chia ra ba đại bộ phận: Tạng Kinh, Tạng Luật và Tạng Luận.

Tạng Kinh tiếng Phạn gọi là: Sutrapitaka. Nội dung của Tạng Kinh là ghi chép lại bao nhiêu lời giảng của Đức Phật. Chữ Sutra có ý nói dùng các sợi chỉ để xâu kết thành tràng hoa (tràng hoa là đồ trang sức cao quí của toàn dân Ấn). Lời giảng của Đức Phật bao trùm chân lý của vũ trụ (univers) và nhơn sanh (human livings). Vì thế nên dùng chữ Sutra để làm thí dụ. Nước ta, từ xưa đến nay, lời nói của các vị Thánh nhơn gọi là Kinh. Ý nghĩa chữ Kinh là lời nói đúng khuôn phép, lời dạy hợp lẽ phải, tức là chỉ cho lời nói của các vị Đại Giác Ngộ. Các Ngài đem việc thấy, biết hằng ngày để làm thí dụ: cũng như khi dệt vải, đường chỉ dọc gọi là Kinh, sợi chỉ ngang gọi là vĩ, liên lạc mật thiết dệt thành cây vải. Ý tứ liên lạc, quán xuyến trước, sau, ngang, dọc, do đó, các vị Cổ Đức dịch chữ Sutra là Kinh Tạng.

Tiếng Phạn của Luật Tạng là Vinayapitaka. Chính đó là các giới điều mà đức Phật đã qui định. Ý nghĩa của Vinaya là diệt trừ, nghĩa là các hàng đệ tử của Phật tuân giữ các giới điều nầy, chắc chắn diệt trừ được mọi việc lỗi lầm do ba nghiệp: lời nói, ý nghĩ và hành động gây ra. (Chúng ta tạo tác các hành động gọi đó là nghiệp, tất cả các nghiệp tạo tác, không ngoài sự động tác của thân, lời nói của miệng và chủ động của ý). Giới điều của Phật giáo cũng giống như luật lệ của mỗi quốc gia. Do đó nên thời xưa dịch chữ Vinaya là Luật Tạng.

Luận Tạng tiếng Phạn gọi là Abhidharmapitaka. Abhi dịch là “đối”, Dharma dịch là “Pháp”. Chính là dùng trí tuệ để đối quán chơn lý, hy vọng đạt đến ý tưởng Niết Bàn Diệu Hữu. (Niết Bàn, Nirvana là tiếng Phạn, dịch nghĩa là “Tịch diệt” . Phật giáo chủ trương vượt khỏi sanh tử, đi đến địa vị không sanh, không diệt, gọi là Niết Bàn. Tóm lại, Tạng Luận thâu nhiếp các chánh lý, hàng Bồ tát dễ nhận định thấu đáo (Bồ tát, Bodhisattva là tiếng Phạn, dịch là giác hữu tình, ý nói Bồ Tát đã giác ngộ nơi mình lại còn tìm phương tiện độ thoát chúng sanh. Chúng sanh có đủ sanh mạng và tình cảm, nên gọi là hữu tình; địa vị của Bồ tát sau Phật một bậc). Phát huy ý nghĩa trong kinh, dạy bảo phương pháp nghị luận cho học đồ, học đồ thâu thập được các lời chỉ giáo ấy. Nhờ đó quán sát các nghĩa lý sâu xa, phát sanh trí tuệ, rồi họ y cứ theo phương pháp nầy tu hành, để vượt khỏi biển khổ sanh tử đạt đến cảnh giới không sanh, không diệt (neither dying nor being reborn/anirodhanupada).

Dùng phương pháp gì để đi sâu vào sự nghiên cứu Đại Tạng Kinh? Tam tạng kinh điển của Phật giáo rất là phong phú, nghĩa lý quá cao xa, cô đọng, nếu chúng ta không có một căn bản vững chắc, khó mà đi sâu vào sự nghiên cứu Đại Tạng Kinh một cách thấu đáo. Rất nhiều bộ môn, nghĩa lý cao sâu đã đành, mà văn tự lại viết, dịch theo lối cổ điển. Chúng ta học hỏi, nghiên cứu một tạng thấy đã khó khăn rồi, huống chi muốn hiểu biết cả ba tạng lại là một việc hết sức khó khăn. Các học giả đã than thở về điểm nầy rất nhiều! Mặc dù thế, chúng ta cũng không nên lo sợ, bất cứ sự học vấn, nghiên cứu nào đều phải chịu gian nan. Nhưng phải có phương pháp, phương pháp ấy trước phải nắm được các yếu điểm của các bộ môn, tìm ra nguyên do đại khái của nó, rồi dần dần đi đến đường tắt vào cửa; sau cùng chúng ta sẽ đi sâu vào chi tiết của Tam Tạng (Tripitaka). Trong thời gian tìm học và nghiên cứu, học giả phải vận dụng hai thứ công phu chính: Xây dựng nền tảng và đi sâu vào chi tiết từng bộ môn giáo lý.

Sau khi Phật giáo truyền vào nước ta, trải qua hơn nghìn năm sống động, nhưng rất tiếc không ai đặc biệt để ý sáng tác hay dịch thuật các loại sách nhập môn, nói về giáo lý căn bản cho những người mới học Phật. Cách đây vài ba mươi năm, mới có người chú ý tới điểm nầy, có xuất bản vài tập “Phật giáo sơ học”, “Phật giáo vấn đáp” v.v…cũng có một vài tập nói về cương yếu của Phật giáo, như quyển “Phật giáo khái luận” của Thượng Tọa Thích Mật Thể chẳng hạn, và các tập giáo lý khác gần đây đã được xuất bản. Nhưng chỉ sáng tác hoặc phiên dịch chưa đủ, mà cần phải trực tiếp giảng giải cho những người sơ cơ, có một hướng đi vững chắc. Vì triết lý của Phật giáo rất là khúc chiết, nhất là danh từ chuyên môn dịch từ Sanskrit, từ Pali, hoặc dịch từ chữ Hán ra. Chúng ta muốn đi sâu vào sự nghiệp nghiên cứu ba tạng kinh sách của Phật giáo, điểm duy nhất là phải học hỏi từ thấp lên cao, từ tổng quát đến chi tiết và từ lý thuyết đến thực hành.

3. NGHIÊN CỨU ĐẠI THỂ PHẬT GIÁO.

Từ trước, Phật giáo rất ít có kinh sách nhập môn. Muốn nghiên cứu một học thuyết hay một Tôn giáo nào, trước hết chúng ta phải biết đại thể của nó, sau đó mới chia thành bộ môn nghiên cứu. Người khởi sự nghiên cứu, trước phải tìm ra khái luận về các bộ môn, những người mới học nương theo đó tiến thủ trên đường đạo hạnh; người nghiên cứu sau phải đi sâu vào chi tiết của các bộ môn. Đó là chuyên môn nghiên cứu, làm đúng theo phương pháp nghiên cứu của học giả. Hiện nay, chúng ta muốn nghiên cứu Phật giáo, cũng phải theo hệ thống nói trên. Nhưng từ xưa đến nay kinh, sách Phật giáo truyền lại, về vấn đề khái luận cho mỗi bộ môn, mỗi tôn phái hay mỗi tạng rất ít. Trước đây ở Trung Quốc có Cư sĩ Yan-wen-Hui nghiên cứu từ bộ luận Đại Thừa Khởi Tín (Mahayana-Sraddhotpada Sastra), sau đó đem ra dạy các người học, Cư sĩ nầy đem Luận Đại Thừa Khởi Tín làm sách nhập môn. Nhưng vì bộ Luận ấy trình bày triết lý quá cao sâu, hơn nữa đem phổ biến chỗ kiến giải trong một tập luận, chắc chắn không thể nào bao quát được toàn thể kho tàng Phật giáo. Về phương diện khác, có nhiều người chủ trương, hàng sơ học Phật giáo ngoài sự học tập bộ Luận Khởi Tín, học thêm Nguyên nhân luận Hoa Nghiêm. Bộ Luận này chính do vị Tổ thứ 5 của Hoa Nghiêm Tôn (Hue-Yen-School) tên là Tsung-Mi trước tác. Nội dung gồm so sánh giáo lý của hai Tôn giáo: Phật giáo (Buddhism) và Nho giáo (Confucianism); Hơn nữa Ngài đem các yếu lý sâu cạn so sánh giữa Phật giáo cùng các Tôn giáo khác, thuyết minh một cách rõ ràng để biết rõ các nghĩa lý tinh tế của mỗi Tôn giáo. Nhưng bản ý chính của nhà trước tác chỉ suy tôn giáo lý Hoa Nghiêm (Avatamska) để chỉ bày nhiều điểm của các Tôn giáo khác. Như thế cũng là kiến giải một chiều không thể viên dung, bao trùm toàn bộ giáo lý Phật giáo. Ngoài ra Cư sĩ Yan-Wen-Hui tự trước tác tập Fu-Chiao Ch’u Hsueh Ko Pen, viết theo thể thức mỗi câu 3 chữ, để tiện cho sự đọc tụng, nhưng không dễ gì hiểu thấu ý nghĩa sâu xa của nó. Việt Nam trước đây có Thượng Tọa Mật Thể soạn dịch các quyển Phật Giáo Khái Luận, Phật Giáo Sử Lược v.v…gần, và hiện nay, có rất nhiều kinh, sách được diễn dịch ra Việt ngữ, đối với đại thể Phật giáo, có phần dễ dàng nghiên cứu, học hỏi. Hiện tại căn cứ theo các nhà xuất bản mà luận, nhiều sách rất hợp cho các lớp người nghiên cứu. Chẳng hạn như các loại Kinh, sách của nhà xuất bản Hương Đạo do Thượng Tọa Thiện Hoa chủ xướng và soạn dịch, gồm các tập Giáo Lý Phổ Thông (General Buddhist Studies), Kinh Viên Giác (Purna Buddha Sutra), Đại Cương Lăng Nghiêm (Surangama Sutra), Duy Thức Nhập Môn (Vijnanamatra Sastra), Luận Tam Thập Tụng (Tridasakarika Sastra), Luận A Đà Na (Adana Vijnana Sastra) và các bài thyết Pháp v.v…Cũng như Viện Đại Học Vạn Hạnh đã và đang xuất bản nhiều loại sách dịch thuật rất có giá trị, các học giả đọc qua, nhận thức đại thể Phật Giáo rất dễ dàng hơn trước, nhờ đó chúng ra sẽ đi sâu vào Tam Tạng (Tripitaka) kinh điển Phật Giáo.

4. NGUYÊN NHÂN THÀNH LẬP PHẬT GIÁO

Lý do cải tạo Tôn Giáo (religion), tư tưởng (thought) và xã hội Ấn Độ (Indian society), chúng tôi đã lược thuật trong hai đoạn trước. Do các bối cảnh phức tạp của xã hội Ấn Độ, nên lúc bấy giờ có Đức Thích Ca Mâu Ni (Sakyamuni Buddha) ứng thân thị hiện hầu phá tan mọi tư tưởng hỗn loạn của xã hội người Ấn, chỉnh lý lại mọi mặt, quy về một mối, để mang lại cho nhân sinh một đời sống tự do, bình đẳng, no ấm. Sáng lập nền cao đẳng lý trí (Tôn Giáo), cực lực đả phá các giai cấp bất bình đẳng (The four Indian “clans” or castes – Brahamana, Ksatriya, Vaisya, and Sudra, i.e. (1) priestly, (2) military and ruling, (3) farmers and traders, and (4) serf; born respectively from the mouth, shoulders, flanks and feet of Brahma) của xã hội đương thời, mang lại tinh thần từ bi bình đẳng (compassionate and an impartial mind), giải phóng cho muôn loài chúng sanh. Sự kiện canh tân Tôn giáo nầy, rất thích ứng với nhu cầu của đại đa số quần chúng thời bấy giờ. Nhân dân Ấn Độ không một ai là chẳng hoan nghinh tinh thần tích cực lợi tha trên; không bao lâu, giáo lý của Phật lan tràn bán đảo Ấn Độ.

Bà-la-môn-giáo (Brahmanism) thì hoàn toàn kiến trúc trên phương diện thần bí (The spirits of heaven and earth, the gods). Sự kiện lịch sử nầy các phái truyền thống (traditional sect) và cải cách (the religious reform) mỗi bên đều có sở trường và sở đoản của họ. Căn cứ trên nguyên lý khoa học, tất cả đều không xác thật, đối với sự thống khổ thực tế của nhân sinh; lại nữa, không có phương pháp chân giải thoát (Release from all the hindrances of passion and attainment of the Buddha’s nirvana, which is not a permanent state of absence from the need of the living, but is spiritual, omniscient and liberating). Đó cũng là yếu tố chính phải thành lập Phật giáo, Bà-la-môn-giáo cũng như các phái triết học khác đều không thể xương minh, khó truyền bá sâu rộng và thức thời. Lúc ấy người trong Phật giáo, do sự tu chứng chính từ trong tâm mình, hoán cải tánh tình của mình như lời Phật đã chỉ dạy. Trái lại, Bà-la-môn-giáo và các phái triết học khác đều hướng ngoại tìm cầu ân huệ. Lúc bấy giờ, nhân gian tôn xưng Phật giáo là nội học (the inner learning i.e. Buddhism), trái lại các giáo phái khác đều gọi là ngoại học (study of outside, or non-Buddhist Doctrines).

Tinh thần bình đẳng của Phật giáo (The universal nature, i.e. the Bhutatathata) nhìn thấy chế độ giai cấp của dân chúng Ấn rất là áp bức phân ly, một việc rất nhỏ cũng không được tự do, nhất là ở giai cấp thứ tư Thủ-đà-la (Sudra), đời sống khổ hơn loài vật. Giai cấp hạ tiện là một giai cấp chiếm đông nhất trong bốn giai cấp, họ đâu có thể yên tâm để chịu hoàn cảnh áp bức mãi mãi? Theo luật thông thường trên thế gian nầy, bất cứ dân tộc nào bị áp bức khổ đau, nếu có người đồng một giai cấp, cùng một chủng tộc đứng ra hô hào cách-mạng, kêu gọi cho bình đẳng tự do, mà sự hô hào kêu gọi ấy không được ảnh hưởng lớn mạnh, dân chúng khó đem hết tin tưởng cho công việc làm ấy. Ngược lại, nếu có người ở trong chủng tộc giai cấp khác, đứng ra chủ xướng nền công lý, tự do, bình đẳng, chắc chắn (nhứt hô bá ứng) toàn thể dân chúng nhứt tề đứng dậy hưởng ứng lời kêu gọi thiêng-liêng hợp lý hợp tình ấy. Lực lượng ấy có thể nói là “vô địch”, kết quả chắc chắn mỹ mãn. Đức Thích Ca Mâu Ni muốn san bằng bốn giai cấp bất công của xã hội Ấn Độ lúc bấy giờ. Ngài xuất hiện rất là hợp thời, hợp cơ và hợp cảnh. Bởi vì Đức Phật là giòng Sát-Đế-Lợi (Ksatriya: giòng vua chúa) lại ở vào địa vị quí tộc Bà-la-môn (Brahamana). Người trong hàng cao quý đứng ra chủ trương kêu gọi bình đẳng, tự do và nhân ái cho các chủng tộc hạ tiện thì còn chi hợp lý bằng! Ai mà không tích cực hưởng ứng, ngoại trừ thiểu số chủng tộc Bà-la-môn vị kỷ. Nên Phật giáo không những dạy giáo lý cao siêu nhiệm mầu mà còn chủ xướng nhơn luân phải được bình đẳng, tự do, hạnh phúc, bất cứ ở địa hạt nào và thời đại nào. Đây là nguyên nhân chính yếu phải thành lập Phật giáo trong nhân gian.

5. NGHIÊN CỨU KINH LUẬN.

Ba tạng: Kinh (Sutra), Luật (Vinaya) và Luận (Abhidharma). Luật là pháp luật trong Phật giáo, chuyên trọng về thực hành, không quan hệ về phần học lý, vì thế cho nên sự nghiên cứu Phật giáo chỉ cần Kinh Luận làm chủ đề. Nhưng chúng ta muốn nghiên cứu Kinh Luận, rất là khó khăn, chúng tôi xin đơn cử ba điểm sau đây:

a) Chướng ngại về danh từ: Danh từ trong Phật giáo toàn bao trùm những ý tưởng đặc biệt khó có thể giải thích rõ ràng, không giống như danh từ phổ thông ngoài đời. Hơn nữa, trong các môn học thuật, danh từ rất là phiền phức, nhất là danh từ chuyên môn trong Phật giáo. Do đó, chúng ta không lấy chi làm lạ khi thấy những người sơ cơ, nhìn danh từ đặc biệt quá nhiều, đâm ra thối chí, không thích học đạo.

b) Văn chương quá sâu sắc: Văn chương trong Phật giáo cùng văn chương phổ thông rất chênh lệch. Đây là vì từ văn Ấn phiên dịch qua văn nước ngoài. Văn pháp Ấn Độ (Indian), vị trí của danh từ (noun) và động từ (verb) cùng văn Trung Hoa có nhiều chỗ khó hiểu hơn, khi dịch ra văn Trung Hoa, mười phần không thể thông suốt giống nhau. Hơn nữa, cú pháp phiên dịch đều dùng thể văn đời Đường (Tan), đời Tống (Tsun) về trước, hiện nay người đọc tới các lối văn thời ấy, làm sao có thể thông hiểu một cách dễ dàng được?

c) Đạo lý quá cao siêu: Giáo lý Phật giáo bao trùm các môn học khác, như Triết học (Philosophy), Tâm lý học (Psychology). Siêu hình học (Metaphysics) v.v…so sánh với bất cứ giáo lý của Tôn giáo nào, nó đều có phần sâu sắc, tế nhị hơn. Người mới học Phật làm sao có thể thông hiểu dễ dàng học thuyết tinh thâm rộng lớn nầy được? Với ba sự khó khăn trên khiến mỗi học giả (scholar) đối với Kinh, Luận, mặc dù có ý chí nghiên cứu, nhưng vội vàng trong thời gian ngắn, khó mà “nhập diệu” được. Chúng tôi, gần 30 năm về trước, hết sức khổ tâm khi học, đọc đến kinh sách Phật, học qua một bộ Kinh (Sutra), hoặc một bộ Luận (Abhidharma), đem hết tâm trí học, đọc từ đầu đến cuối. Khi đọc một tập san viết thuần đạo cũng thế, chúng tôi đọc qua một lần, tuy cố gắng đọc hết, nhưng sự thật, thâu thập không được là bao. Đến lúc chúng tôi đọc lại lần thứ hai cũng không hiểu rõ ràng về lý cao sâu của nó, đành gác lại một thời gian. Cách ít lâu, chúng tôi mang ra đọc lại, đọc tới ba bốn lần, thật khó thấu suốt trọn vẹn. Khi vào trường Phật học nhờ các vị Giáo sư tuần tự giải thích, chúng tôi mới nhận rõ đâu là Tánh,đâu là Tướng về tinh thần Kinh, Luận, nhất là nhờ mấy năm dạy tại các trường Phật học. Mười hai năm trước đây, chúng tôi được duyên lành trở về Phật Quốc, tham học tại Viện Đại Học Nalanda (nơi mà trước kia Ngài Huyền Trang cũng tòng học và làm đại Giảng sư) gặp được rất nhiều Giáo sư tài ba về Phật giáo, cũng như các bậc trí thức chân tu, hoặc thảo luận với họ, hoặc trình bày các chỗ khó hiểu, hỏi họ, hoặc trực tiếp nghe giảng tại lớp v.v…hoặc có những ngày giờ yên tĩnh tự sưu tầm nghiên cứu. Trên mười mấy năm trường lưu trú tại Nalanda, chúng tôi tạm gọi là mới rõ các bộ môn giáo lý Đại thừa (Mahayana), Tiểu thừa (Hinayana), Tánh tôn (Bhutatathata), Tướng tôn (Dharmalaksana) v.v…đều có sự nhận thức tương đương. Bây giờ đem sự kinh nghiệm nghiên cứu của chúng tôi trình bày lại cho quí đọc giả để thấy sự dụng công học tập nghiên cứu Kinh, Luận là phải thế nào, mười năm chỉ mới nhập môn, rồi mới bắt đầu đi sâu vào tam tạng Kinh điển. Điểm tối cần, chính là lúc mới nhập môn, phải có một vị minh sư hay là một vài thiện hữu tri thức hướng dẫn đường lối và chỉ dạy các chỗ thắc mắc cho mình. Nếu thiếu duyên lành không đủ thầy hiền, bạn tốt chỉ dẫn, chúng ta phải cố gắng xem trọn bộ kinh, quyển sách mà mình đang đọc một cách có phương pháp đặc biệt, phải chú trọng đến các danh từ về giáo lý, phải nhận xét thông suốt tất cả. Về hai bộ sách nhập môn của Pháp tướng tôn (Dharmalaksanavada) trước phải hạ thủ nghiên cứu: một là bộ Đại thừa Quảng Ngũ Uẩn Luận (Phun-po-Inahirab-tu-byed-pa), và bộ thứ hai là Đại thừa Bách Pháp Minh Môn Luận (Tahi-chin-pahi-ka-min-mun-Lun) cần đọc qua và nghiên cứu hai bộ Luận nầy, vì các danh từ khó hiểu trong kinh Phật phần lớn nằm trong hai bộ Luận ấy. Sau đó đọc kỹ và nghiên cứu các bộ khác có thể thông hiểu dần dần. Sau đây xin giới thiệu nội dung của hai bộ Luận trên.

Ý nghĩa Pháp tướng (Dharmalaksana) và Pháp tánh (Dharmata) trong Kinh Luận:

Pháp tướng tôn (Dharmalaksanavada) có thể chia thành hai loại lớn:

1) Một là từ Pháp tướng giảng đến Pháp Tánh, chính là trước giảng Sắc Pháp (Dharmarupa) và sau giảng Tâm Pháp (Dharmacitta).

2) Hai là từ Pháp Tánh giảng đến Pháp Tướng, chính là trước giảng Tâm Pháp, sau giảng Sắc Pháp. Vì vậy cho nên Pháp Tướng Tôn có thể chia thành hai tôn:

a) Một gọi là Pháp Tướng Tôn (Dharmalaksanavada).

b) Hai gọi là Duy Thức Tôn (Vijnanamatravada); Luận Quảng Ngũ Uẩn thuộc về Pháp Tướng Tôn; Luận Bách Pháp Minh Môn thuộc về Duy Thức Tôn.

Ngũ Uẩn Luận (Pancaskandha-sastra) do Bồ Tát Thế Thân (Vasubandhu Bodhisttva ) ở Ấn Độ tạo, sau đó Ngài An Huệ Pháp Sư dịch, thêm phần giải thích, ý nghĩa sâu rộng, Do đó gọi là Quảng Ngũ Uẩn Luận. Nội dung bộ Luận nầy chính là nói rõ sắc uẩn (Buphaskandha), thọ uẩn (Vedanaskandha), tưởng uẩn (Sanjnaskandha), hành uẩn (Samskaraskandha) và thức uẩn (Vijnanaskandha). Sắc uẩn tức là sắc pháp, thức uẩn là tâm pháp. Đây là từ pháp tướng giảng đến pháp tánh. Sắc uẩn bao trùm rất rộng vấn đề vũ trụ muôn loài đều nằm trong ấy; tám thức tâm thức và các động tác của tâm đều nằm trong bốn uẩn khác.Bộ Luận giảng trong năm uẩn (Pancaskandhas), lại giải rõ vấn đề mười hai xứ (Dvadasayatana) và mười tám giới (Astadasa –dhatu). Trong kinh Phật trọng yếu các danh từ và khẩn yếu đạo lý, đại khái đều giảng qua. Bộ Luận nầy, Ngài Địa-bà-ha-ra (Devakara) đời nhà Đường (Tan) dịch thuật và không có ai chú giải. Dịch giả về trước dùng văn tự cổ điển, dẫn giải thành một bộ gọi là Đại Thừa Quảng Ngũ Luận chú thích. Đọc giả nên xem kỹ bộ chú thích nầy, bản văn không khó lắm, những ai có trình độ trung cấp Phật giáo là nghiên cứu được.

Trong Luận Bách Pháp Minh Tôn (The door to the knowledge of universal phenomena) các điểm chính cũng do Bồ Tát Thế Thân trước tác. Nội dung là thể văn vấn đáp, giảng giải 100 pháp (Satadharma) và hai thứ vô ngã (Nhân vô ngã, no-permanent human ego or soul; Pháp vô ngã, no-permanent indivuduality in or independence of things). Một trăm Pháp, bên trong có 94 thứ, là pháp hữu-vi sanh diệt; còn lại 6 thứ sau là những pháp vô-vi không sanh diệt; dạy chúng sanh thoát ly pháp hữu-vi (Samskrtadharma) để tiến thẳng vào pháp vô-vi (Asamskrtadharma). Quyển chót giảng pháp thế-gian không sinh mệnh và nhân sinh có sinh mệnh, đều là sinh sinh diệt diệt, biến chuyển không dừng, mọi sự vật không có chủ thể, thực tại đều là vô-ngã, gọi chung là nhân-vô-ngã và pháp-vô-ngã, cả hai không có thực thể. Trong sách khi giảng đến pháp hữu-vi, trước giảng tâm-pháp (Dharmacitta), tiếp theo giảng sắc-pháp (Dharmarupa). Đây là từ Pháp-tánh giảng đến pháp-tướng, nội dung vẫn không ra ngoài ba loại: Uẩn (Skandha), xứ (Ayatana) và giới (dhatu) trọn bộ Luận chỉ giảng về ngũ uẩn để phát minh giáo lý. Luận nầy đời nhà Đường, Ngài Huyền Trang tam-tạng pháp sư dịch, Thượng túc đệ tử của Ngài là Luận sư Khuy Cơ chú giải, gọi là Bách Pháp Minh Môn Luận Giải. Người đời sau chú giải thêm nhiều thứ. Luận nầy so với luận Quảng Ngũ Uẩn, xưa nay chưa có vị nào sớ giải, lý do chính là vì bản dịch quá xưa, văn tự sâu sắc, nghĩa lý khó hiểu. Nhưng có thể dùng nó để tham khảo và nghiên cứu về chiều sâu.

Hai bộ Luận trên, không những là sách nhập môn về Pháp-tướng-tôn mà là sách nhập môn cho sự nghiệp nghiên cứu các bộ Kinh, Luận khác. Vì sao? bởi vì Pháp-tướng-tôn giảng giải tất cả pháp vũ trụ vạn hữu, so với các Tôn khác nó rất là tường tế. Vì thế cho nên bao gồm rất nhiều danh từ chuyên môn. Nghiên cứu Kinh Luận trước tiên phải chú trọng đến danh từ, hiểu rõ danh từ một cách chính xác mới đi sâu vào đại bộ phận Kinh Luận được, sau đó xem đến các Kinh Luận khác, mới thoát được con đường bế tắc. Khi vượt qua mọi sự khó khăn, chúng ta mới hy vọng nghiên cứu toàn bộ Kinh Luận, hoặc chuyên môn nghiên cứu Kinh điển từng Tôn, tùy theo sở trường và sở thích của mỗi chúng ta.

6. NGHIÊN CỨU LỊCH SỬ PHẬT GIÁO

Từ xưa, Ấn Độ và Việt Nam đều thiếu sót về quan niệm nghiên cứu lịch sử. Tất cả học thuật đều có nguồn gốc của nó và quan hệ đến chỗ phát đạt, biến chuyển và kết quả. Do đó vấn đề nghiên cứu lịch sử rất là trọng yếu. Nhưng riêng về Phật giáo (điểm nầy rất là đặc biệt), từ xưa đến nay không hề chú trọng đến lịch sử. Vì sao như thế? Bởi vì tánh tình người Ấn Độ ngàn xưa đến giờ, thích tưởng tượng, khảo sát các việc u-huyền, các cảnh tượng huyền-bí, thiếu sót quan niệm về lịch sử thực tế. Vì thế, nên trong Kinh điển Phật-giáo, tìm ra tài liệu lịch sử rất là hiếm hoi. Nếu có thì lầm lẫn, sơ sài, ghi không rõ rệt và không đồng nhất, không thể nghiên cứu chính xác cho mỗi vấn đề. Niên đại ghi khác nhau mấy trăm năm, không có đường lối lịch sử rõ rệt, chẳng hạn như trong sách của ông A, tôn xưng vị ấy là Thánh nhân, trái lại trong sách của ông B, chê vị ấy là ác-đồ, tùy theo quan niệm riêng của mỗi người. Do đó khi truyền bá ra các nơi có rất nhiều sự kiện chênh lệch. Đây cũng là tình trạng mà lịch sử Phật-giáo cổ truyền nằm trong cảnh ngộ ấy, thậm chí các việc thần thoại, ly kỳ huyễn hóa cũng được ghi trong kinh sử Phật-giáo. Hơn thế nữa, Phật-giáo từ khi đức Thích-Ca-Mâu-Ni (Sakyamuni Buđdha) truyền lại đến ngày nay gần ba nghìn năm lịch sử, các khu vực được phân chia, bên Nam Tôn (Theravada) từ Tích-Lan (Ceylon), đến Miến Điện (Burma), Xiêm-La (Thailand), Cao-Miên (Cambodia), Ai-Lao (Laos), Nam-Dương (Indonesia) v.v…Về Bắc-Tôn (Mahayana) từ Trung-A (Central Asia), Tây-Vức (India), đến Trung Hoa (China), Tây Tạng (Tibet), Mông Cổ (Mongolia), Mãn Châu (Man-Chu), Triều Tiên (Korea), Nhật Bản (Japan), Việt Nam, chu vi quá rộng lớn bao la. Do đó nên nghiên cứu lịch sử Phật giáo, so sánh với lịch sử các học thuyết khác rất là phức tạp. Tuy nhiên, gần đây các nhà đại học giả Tây phương, dùng phương pháp khoa học, dần dần chỉnh lý, kế tiếp có các học giả Nhật Bản, Trung Hoa v.v…Từ đó lịch sử Phật giáo mới có hệ thống để sưu tầm và nghiên cứu.

Phật giáo đồ nước ta ngày xưa, đã chịu ảnh hưởng sâu rộng của Ấn Độ (India) cũng như Trung Hoa (China), không chú trong đến vấn đề nghiên cứu lịch sử Phật giáo. Dù có soạn thuật cũng chỉ hạn cuộc ở nơi truyền kỳ và niên đại. Những ai muốn tìm kiếm một bộ "Phật Giáo Thông Sử” có hệ thống có kỷ cương, tuyệt đối không có. Các học giả rất lấy làm khổ tâm cho vấn đề nghiên cứu. Gần đây, trong tập Phật Học Phổ Thông khóa thứ V, (Hương Đạo xuất bản), có biên soạn về lịch sử Phật giáo Ấn Độ, Trung Quốc và Việt Nam, mặc dù sơ lược, nhưng cũng giúp cho ta một khái niệm rõ ràng. Đối với khoa lịch sử Phật giáo hoàn bị, thật là thiếu sót, hầu hết các sử đã in, chỉ soạn thuật sơ lược mà không nghiên cứu kỹ lưỡng theo phương pháp học giả. Chúng tôi hy vọng các vị học giả quốc nội đã nhận rõ chỗ khuyết điểm trên, nên đem hết tâm lực nghiên cứu tỉ mỉ viết thành một pho lịch sử Phật giáo cho thật hoàn bị. Còn đứng về phương diện xuất bản Kinh sách Phật giáo, hiện tại mà luận, ai muốn soạn về phương diện lịch sử Ấn Độ, chỉ viết lược sử Phật giáo Ấn Độ, hoặc vị nào muốn soạn về lược sử Phật giáo Trung Quốc hay Việt Nam, hoăc dịch lại các sách khác. Nếu đem so các tập lược sử ấy với toàn bộ lịch sử Phật giáo thì thấy thật là hoàn toàn thiếu sót, không gây được một ảnh hưởng lớn lao gì cho Phật giáo đồ và nhân dân thế giới, học, đọc và nghiên cứu.

7. PHÂN BIỆT PHẬT HỌC và HỌC PHẬT.

Phật học là một sự kiện, còn học Phật lại là một sự kiện khác. Hai chữ ý nghĩa khác nhau rất xa , chúng ta phải phận biệt rõ ràng và tìm hiểu thất đáo.

_Thế nào gọi là Phật Học? (Buddhist Study): Nghĩa là môn học về đạo Phật, cũng như chúng ta nói: Triết học (Philosophy), Khoa học (Science), Thần học (Theology), Luật học (Law studies), Kinh Tế học (Economics), Xã hội học (Sociology), Nhân chủng học (Ethnology), Chánh trị học (Political Science) v.v…Phật học chính là thông hiểu kinh điển, tìm đọc nghiên cứu giáo lý, kết quả trở thành một học giả hiểu rộng nghe nhiều. Hạng này hoàn toàn dụng công trên phương diện hiểu biết học hỏi. Do đó, cho nên gọi là Phật học.

_Thế nào gọi là học Phật? (Study of Buddhism): Đó là y theo giáo pháp của Phật, học và thực hành. Xưa nay, bản ý của chư Phật là giáo hóa chúng sanh, muốn tất cả chúng sanh y theo giáo pháp của Ngài mà thực hành, để vượt qua bể khổ sanh tử, về nơi an vui giải thoát. Vì thế cho nên bao nhiêu kinh điển của Phật nói ra, chính là các món thuốc để điều trị các căn bịnh của chúng sanh. Khi trao các món thuốc cho bịnh nhơn, điều cần yếu là Bác sĩ bảo bịnh nhơn gắng uống cho mau lành để trừ gốc bịnh. Chớ không cần bịnh nhơn đọc thuộc tên thuốc trong toa, hoặc là nhớ tên người nào chế thuốc v.v…Căn bịnh trừ được rồi, thì phương thuốc mới có hiệu nghiệm. Cũng như vậy, chúng ta y cứ theo giáo pháp của Phật mà thực hành, tu tập nghiêm chỉnh, dụng công tích cực, để đi đến chỗ giác ngộ và giải thoát. Chính đó mới gọi là học Phật. Nói một cách dễ hiểu, Phật học là các môn học về Phật giáo, còn học Phật là thực hành giáo lý của Phật giáo một cách chu đáo.

Câu thí dụ: “Chỉ nói ăn không thể no được”, thường dẫn chứng trong các kinh sách của Phật giáo, người Trung Hoa thường gọi (Shu shih pu pao). Trong Kinh Lăng Nghiêm (Surangama Sutra) quyển thứ nhất có nói rõ thí dụ nầy: “Chỉ ngồi nói suông, không bao giờ no được bụng đói”. Ý nghĩa nầy để chỉ điều kiện gì? Khi đói, chúng ta tưởng đến sự ăn, khi ăn, chúng ta cần đến sự no. Đây là định luật thông thường của mọi người. Như có một số người chỉ ngồi nói suông các món ăn, họ kể toàn các thứ cao lương mỹ vị, các món vật thực ngon nhất ở thế gian, đồ chay cũng như đồ mặn, họ đều kể đủ, song họ không thật sự ăn món nào cả, cuối cùng họ vẫn vị đói khổ, gầy ốm. Người đời thường nói: “Bánh vẽ không bao giờ no được bụng đói”. Chính là ý nầy.

Cũng như thế, đạo lý này thường thí dụ trong các kinh sánh của Phật giáo, nó vừa cao sâu mà cũng vừa thực tế. Chúng ta chỉ theo phương diện hiểu biết không chưa đủ, mà phải chú trọng về phần thực hành. Tìm cầu học lý cao xa, nhưng không theo tinh thần thực tập, chúng ta không thể thâu hoạch được kết quả tốt đẹp, chẳng khác nào người kể các thức ăn quý báu nhưng không được ăn. Do đó cho nên, chúng ta trước phải nghiên cứu, tìm hiểu Phật học, cuối cùng phải nghiêm chỉnh, khẩn yếu học Phật, tức là thực hành các phương pháp của Phật giáo.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
08/04/2013(Xem: 18326)
Đã hơn 3 năm qua,kể từ khi Cố Đại lão Hòa thượng Thích Thiện Siêu,bậc Tôn sư của chúng tôi viên tịch, cuốn sách nhỏ này là tập thứ 5 sau 4 tập “Chữ nghiệp trong ...
08/04/2013(Xem: 16589)
Quyển Kinh Lời Vàng này nguyên danh là " Phật Giáo Thánh Kinh " do nữ Phật tử Dương Tú Hạc biên trước bằng Hán Văn (người Trung Hoa). Nữ Phật tử đã dày công trích yếu trong ba Tạng giáo điển: Kinh, Luật, Luận, những đoạn cốt yếu cao siêu, thích ứng, thiết thực, rõ ràng và dễ hiểu.
08/04/2013(Xem: 5555)
Quý vị biết không, gần đây có nhiều người đến khuyên tôi thế nầy: “Thầy ơi, lúc nầy Thầy cứ tu đi thì mọi việc sẽ tốt đẹp, Thầy đừng làm chi hết, bởi vì Thầy có làm chi thì sẽ đụng tới...
08/04/2013(Xem: 24800)
Ðạo Phật truyền vào Việt Nam ta đã trên 15 thế kỷ cho nên phần đông dân chúng nước ta là tín đồ Ðạo Phật. Dân chúng thường nói "Ðạo Phật là đạo của ông bà"...
05/04/2013(Xem: 3155)
Để thảo luận vấn đề thường được nhiều người hỏi: sự khác nhau giữa đạo Phật Đại thừa và đạo Phật Nguyên thủy là gì? Để hiểu được điều này chính xác, chúng ta hãy ôn lại lịch sử của đạo Phật và tìm nguồn gốc của đạo Phật Đại thừa và đạo Phật Nguyên thủy.
02/04/2013(Xem: 4815)
Nhìn lại thân thể của mình mỗi ngày là một trong những phương pháp thực tập rất căn bản của thiền học. Tiếp xúc với thân thể của ta bằng con mắt thiền quán, ta thấy sự có mặt của thân thể đối với ta là sự có mặt của một thực tại mầu nhiệm.
28/03/2013(Xem: 5895)
Phật dạy chúng sanh trong sanh tử vô minh từ vô thủy kiếp đến nay, gốc từ vô minh, do vô minh nên thấy biết và tạo nghiệp sai lầm. Biểu hiện của thấy biết sai lầm thì rất nhiều, trong đó sự thiếu sáng suốt và lòng tự mãn là biểu hiện nổi bật nhất. Đây cũng là căn bệnh trầm kha của đa phần những con người bảo thủ, sôi nổi, nhưng lại nhìn chưa xa, trông chưa rộng. Từ đó, cuộc sống của họ khung lại trong cái vị kỷ nhỏ hẹp, phiêu bồng trôi giạt theo từng bước vong thân.
27/03/2013(Xem: 3593)
Một vị vua là một người cai trị thuộc dòng dõi hoàng gia. Đức Phật xác định, một vị vua là “vị thủ lĩnh của những người đàn ông”. Các tôn giáo khác nhau có những lý luận khác nhau về nguồn gốc và bản chất của một vị đế vương.
27/03/2013(Xem: 5027)
Phật giáo, giống như những tôn giáo khác, nhấn mạnh vào những giá trị tinh thần hơn là vào những giá trị vật chất; vào việc buông xả những tài vật của thế gian hơn là chấp chặt vào chúng; và vào khía cạnh tâm linh của đời sống hơn là vào khía cạnh trần tục của nó. Tuy nhiên, Phật giáo không hoàn toàn không quan tâm đến phương diện đời sống vật chất và thế tục.
26/03/2013(Xem: 3708)
Tốt và xấu là những tiêu chí để đánh giá đạo đức. Thông thường, một người tốt được nghĩ là một người có đạo đức, và ngược lại. Cũng như vậy, những hành vi được xem là tốt khi hành vi ấy tuân theo những nguyên tắc đạo đức nào đó; và ngược lại, những hành vi được coi là xấu khi chúng chệch ra khỏi những nguyên tắc đạo đức.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567