Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần 07

17/04/201312:09(Xem: 10192)
Phần 07

DUY THỨC HỌC

Tuệ Quang

Huyền-Cơ Phật-Học-Viện

---o0o---

PHẦN THỨ BẢY

CHẤP NGÃ VÀ PHÁP

ĐOẠN I

NGÃ CHẤP

Ngã chấp có hai thứ:

  1. Cu-sinh

  2. Phân biệt

1 – CU-SINH NGÃ-CHẤP:

Từ vô thủy đến nay, bởi sức nội nhân huân tập hư vọng, hẳng với than chung có, chẳng đợi tà giáo và tà phân biệt, xoay vần mà chuyển, nên gọi là cu-sinh.

Cu-sinh có hai thứ:

A)Thường Tương tục:

Tại đệ thất thức vịn lấy kiến phần của đệ bát thức, rồi khởi ra tự tâm tướng phần, chấp làm thật ngã.

B)Hữu Gián Đọan:

Tại đệ lục thức vịn lấy 5 uẩn tướng của thức biến ra, hoặc tổng hoặc biệt, rồi khởi ra tự tâm tướng phần, chấp làm thật ngã.

Hai thứ ngã tướng này rất khó đoạn, bởi nhỏ nhiệm.

Về sau trong phần tu đạo, hằng hằng tu tập quán sinh không hơn lên, mới có thể trừ diệt.

2 – Phân biệt Ngã Chấp:

Cũng bởi sức ngoại duyên hiện tại, chẳng phải với thân chung có. Phải đợi tà giáo và tà phân biệt, rồi sau mới khởi, nên gọi là phân biệt.

Chỉ có ở trong đệ lục thức.

Phân biệt có hai thứ:

a – Duyên theo tà giáo nói uẩn tướng, khởi ra tự tâm tướng phần, phân biệt, so đọ và chấp trước, chấp làm thật ngã.

b – Duyên theo tà giáo nói ngã tướng, khởi ra tự tâm tướng, phần, phân biệt, so đo và chấp trước, chấp làm thật ngã.

Hai thứ ngã chấp này dễ đoạn, bởi thô. Bắt đầu khi thấy đạo, quán sát tất cả pháp sinh, không chân như, tức thì trừ diệt.

BÌNH-LUẬN

1)Cu-sinh : Nhỏ-nhiệm lắm, có từ vô-thủy.

2)Phân-biệt : Thô.

3)Nội-nhân : Nguyên nhân trong nội tâm.Tức là các chủng tử, các hạt giống, có mãi mãi vói thân, không bao giờ dứt, trừ khi chứng đạo mới dứt.

4)Tà-giáo : Thuyết của các đạo.

5)Phân-biệt : Chấp phân-biệt hay, dở, đúng, sai.

6)Thường : Thường có mãi mãi, cho đến khi chứng nhân-không, tức là A-la-hán, thoát khỏi luân-hồi, sinh-tử mới dứt.

7)Tướng-Phần : Chấp-Ngã và một phần kiến-phần. Ví dụ đứa ở giữ cửa, canh cửa không cho ông chủ ra ngoài. Thoát ly.

8)Gián-đoạn : Vì đệ-lục-thức lúc khởi lúc yên, khi ngủ.

9)Tổng : Lấy gồm năm uẩn.

10)Biệt : Lấy 1, 2 uẩn riêng.

11)Sinh-không : Quan-sát, sinh-không, vô ngã-tướng.

12)Ngoại-duyên : Giáo-dục nhầm, ở ngoài khởi lên trái với cu-sinh là hạt giống trong tâm.

13)Tà-Giáo : Thành-kiến tà đạo.

14)Quán chân-như : là không, không có mình, người, sinh diệt, có không, danh tướng, năng-sở v.v… Dần dần bỏ ngã chấp.

*

* *

Đến đây ta nghiên cứu một phần quan trọng rất ích lợi cho sự tu học.

Ngã chấp có hai thứ:

1 – Cụ sinh ngã chấp:

Đó là hạt giống nằm sẳn trong ta từ vô thủy. Hễ là người, là chúng sinh, là có hạt giống đó. Nó có mãi trong ta. Bao giờ tu chứng A-La- Hán mới dứt được. Nó rất nhỏ nhiệm.

2 – Phân biệt ngã chấp:

Người ta bị ảnh hưởng của gia đình, giáo dục, của xã hội, của thành kiến đương thời, sinh ra chấp ngã. Phần sau này dễ trừ, vì mới bị ảnh hưởng trong một đời hiện tại.

Có công phu quán vô ngã, đi ngược lại thói quen chấp ngã, và gột bỏ các thành kiến, các ảnh hưởng sai lầm, có thể trừ được dễ dàng.

Điều này rất quan trọng cho sự tu học của ta. Ta nên nhớ là hạt giống chấp ngã và ích kỷ đã ở trong ta từ bao đời bao kiếp. Thói quen mê lầm đã vun sới từ bao vô số kiếp.

Nay bỗng dưng bỏ ngay, thực là khó khăn. Vậy ta phải có công phu tu, phấn đấu với tâm bệnh từ lâu đời, đi trái với thói quen mê lầm. Khi đã chứng quả A-La-Hán, đã thoát khỏi sinh tử luân hồi, mới thật là thoát khỏi cu sinh ngã chấp.

Còn đã là người, khi chưa chứng A-La-Hán, cho đến đã chứng những quả khác ở cỏi trời, ta còn nô lệ cho ngã chấp.

Trong ta vẫn thầm thầm chấp ngã.

Người nào bảo:

“ Tôi không chấp ngã. Tôi hoàn toàn giải thoát”. Nếu người đó chưa chứng quả A-La-Hán trở lên mà nói thế, là không hiểu gì tâm lý mình và duy thức.

Mình phải nhìn nhận tâm bệnh của mình, rồi tìm cách đối trị, cố gắng tập dần, như thế mới mong thoát khỏi dần ngã chấp. Trước hết hãy trừ phân biệt ngã chấp, là phần thô dễ trừ.

Sau dần dần trừ phần cu-sinh ngã chấp, là phần rất tế nhị, rất khó trừ.

Nhiều người càng học, càng tu đạo Phật, cái chấp ngã càng nặng.

Tham danh vọng, tham quyền thế, tham bè phái, dù là trong đạo Phật, đều là chấp ngã.

Bởi thế, người ẩn dật, người thanh tu, người ít danh tiếng phần nhiều dễ tu, dễ trong sạch, sáng suốt, dễ giải thoát, thuần túy hơn.

Cu-sinh ngã chấp lại chia làm hai thứ:

a - Thường tương tục

Thức thứ bảy nắm lấy kiến phần của thức thứ tám, chấp làm ngã. Nó luôn luôn chấp, không lúc nào dời. Chấp ngã mãi. Khi chứng A-La-Hán mới dứt được.

b - Hữu gián đoạn

Thức thứ sáu nắm lấy năm uẩn (ấm) của thức, chấp làm ngã.

Vì thức này lúc ta ngủ không hoạt động, nên có lúc gián đoạn.

Hai cái chấp này luôn luôn theo ta, thầm thầm chấp ngã. Phải nhờ công phu quán vô ngã, gây thói quen không chấp ngã. Khi chứng quả A-La-Hán mới thoát được.

Phân biệt ngã chấp cũng có hai thứ:

a - Bị người đời dạy cho là có 5 ấm, chấp là thật ngã, rồi phân biệt mình, người.

b - Bị các thuyết ở đời dạy cho là có “ta” sinh ra phân biệt mình, người, chấp làm ngã.

Hai thứ này là do mới học ở đời này, ảnh hưởng còn nong cạn, mà chỉ có ý thức chấp lầm, nên dễ đoạn. Nếu được nghe giảng chính pháp, hiểu được đạo, cố gắng tu theo vô ngã, có thể dứt trừ.

Như vậy đã nói tất cả ngã chấp, thuộc về uẩn tướng, ngoài tự tâm hoặc có, hoặc không. Về uẩn tướng có trong tự tâm, hết thảy đều có. Bởi vậy nên ngã chấp đều duyên theo năm uẩn tướng là vô thường, mà hư vọng chấp ngã. Nhưng các uẩn tướng theo duyên sinh, ấy là như huyễn có

Cái hư vọng chấp ngã, ngang ngược so đọ, chấp trước, quyết định chẳng phải có.

Nên trong khế kinh nói: “ Các tỳ kheo nên biết rằng, thế gian sa môn và bà la môn v.v chấp có ngã, hầu hết đều duyên năm uẩn tướng mà khởi.

BÌNH-LUẬN

1)Thức biến-hiện.

2)Ngũ-uẩn hay là ngũ ấm, Phật đã ngủ rất kỹ trong kinh Lăng-Nghiêm và nhiều kinh khác. Muốn nghiên-cứu kỹ ngũ ấm, nên đọc kinh Lăng-Nghiêm, phần : “Phật chỉ ngũ ấm là tính thường trụ ”. Và nhất là phần “ngũ-ấm ma” ở cuối bộ kinh.

Ngũ ấm là sắc, thọ, tưởng, hành, thức.

*

* *

Chấp-ngã duyên theo năm ấm, mà năm ấm đều theo duyên sinh, đều giả-dối, như huyễn-hóa.

Chấp theo cái giả-dối, thì cái chấp đó cũng không thực có.

*

* *

1)“Phương-pháp mới nghiên-cứu kinh Lăng-Nghiêm” của Tuệ-Quang dịch và giảng. T sách Phật học xuất bản 1964.

*

* *

ĐOẠN II

PHÁP CHẤP

Pháp chấp có hai thứ:

1 – Cu-sinh

2 – Phân-biệt

*

* *

1. Cu sinh pháp chấp:

Từ vô thủy đến nay, bởi sức nội nhân huân tập hư vọng, hằng với toàn chung có. chẳng đợi tà giáo và tà phân biệt, xoay vần mà chuyển, nên gọi là cu-sinh.

Cu sinh có hai thứ:

  1. Thường tương tục:

Tại đệ thất thức duyên lấy đệ bát thức, rồi khởi ra tự tâm tướng phần, chấp làm thật pháp.

B. Hữu gián đoạn:

Tại đệ lục thức duyên lấy thức, biến ra uẩn, xứ, giới, tướng phần, hoặc tổng, hoặc biệt, khởi ra tự tâm tướng phần, chấp làm thật pháp. Hai thứ pháp này rất khó đoạn, bởi vì nhỏ-nhiệm. Về sau trong thập-địa, hằng-hằng tu-tập quán pháp không hơn lên, mới có thể trừ diệt.

2. Phân biệt pháp-chấp.

Cũng bởi sức ngoại-duyên hiện tại, chẳng phải với tâm chúng-sinh, phải đợi tà giáo và tà phân-biệt, rồi sau mới khởi. Nên gọi là phân-biệt.

Chỉ có ở trong đệ lục thức.

Phân-biệt có hai thứ:

  1. Duyên theo tà-giáo nói uẩn, xứ, giới tướng, rồi khởi ra tự-tâm tướng-phần, phân-biệt, so-đọ chấp trước, chấp làm thật pháp.

  2. Duyên theo tà giáo nói: tự tính v.v.v các tướng, rồi khởi ra tự-tâm tướng-phần, phân-biệt so đọ chấp trước, chấp làm thật pháp.

Hai thứ pháp chấp này dễ đoạn, bởi vì thô. Trong khi vào bực sơ-địa, quán tất cả pháp pháp-không chân-như, mới có thể trừ diệt.

*

* *

BÌNH LUẬN

1. Sinh thân ra đã có, không cần dạy bảo.

2. Pháp-chấp cụ-sinh có mãi với mình. Khi thành Phật mới dứt hết.

3. Lấy cả thức thứ tám làm bản-chất.

4. Chung các thức, huân-tập thành chủng-tử, biến ra các tướng: uẩn, giới v.v..

5. Khó nhận thấy.

6. Tu liên-tiếp,lần lượt phá từng chấp.

7. Chỉ ở lục-thức, ở bề ngoài, chứ không vào sâu tới thức thứ bảy hay thức thứ tám.

8. Minh-đế, thần-ngã, tự-tại v.v.. Bịa thêm các ý-thuyết huyền-hoặc hay sai sự thực, làm người đời chấp vào đó.

9. Pháp đều không, không hai.

*

* *

Pháp-chấp cũng có hai thứ:

Cu-sinh và phân-biệt.

1. Cu-sinh pháp-chấp:

Chúng-sinh bị luân-hồi sinh-tử không biết từ bao kiếp, nên nói là vô-thủy. Cu-sinh pháp-chấp bao giờ cũng có với chúng-sinh, có thân là có nó.

2. Phân-biệt pháp-chấp:

Chúng-sinh bị ảnh-hưởng của các đạo giáo, triết-lý, giáo-dục, quan-niện đương thời, nên có một số pháp chấp. Tất cả các quan-niệm, tư-tưởng ở đời, các thuyết, các đạo, đều thuộc về phân-biệt pháp-chấp.

Cu-sinh pháp-chấplại chia làm hai thứ:

a.Thường tương-tục: Thức thứ bảy duyên lấy thức thứ tám, chấp làm thật pháp.

b.Hữu gián-đoạn: Thức thứ sáu duyên lấy thức biến ra uẩn xứ, giới, chấp làm thật pháp.

Ngũ ấm, 12 xứ, 18 giới bao-gồm mọi sự-vật bên trong và bên ngoài chúng-sinh, sáu căn, duyên với sáu trần gọi là 12 xứ. Sáu căn, sáu trần, sáu thức là 18 giới.

Vậy uấn, xứ, giới là ba danh tự bao-trùm mọi sự-vật trong thế-giới bao-la và trong tâm-hồn chúng-sinh.

Thức thứ sáu duyên với các thứ thức khác, phân-biệt ra mọi sự vật bên ngoài và bên trong, cho là thực có.

Thức thứ bảy lại bám-chấp lấy, không đời nào buông tha.

Phân-biệt đẹp xấu, thích ghét, hay dở, tốt xấu, rồi bám lấy cái gì mình thích, chống đối cái gì mình ghét. Bởi thế nên khổ và tạo mọi sự khổ ở đời.

Hai thứ pháp-chấp cu-sinh này khó đoạn, vì rất nhỏ-nhiệm khó nhận thấy.

Khi đã tu đến thập-địa bồ-tát, chuyên cần quán pháp-không, mãi mới trừ-diệt được.

vậy ta nên nhớ còn là chung-sinh, còn là con người, cho đến có tu-chứng lên các cõi trời, tới cảnh-giới a-la-hán, qua 46 cảnh-giới bồ-tát, chúng ta vẫn còn nô lệ cho chấp này. Thành Phật mới hoàn-toàn giải thoát khỏi cu-sinh pháp-chấp.

*

* *

Phân-biệt pháp-chấp có hai thứ:

a. Người đời dạy cho là có uẩn, giới, xứ. Theo đó chấp là sự-vật có thật,liền so sánh phân-biệt các sự-vật.

b. Các thuyết và các đạo nêu ra nào minh đế, nào chúa trời, các thuyết phức tạp. Mình cũng học theo rồi chấp vào đó.

Hai thứ này dễ đoạn, vì mới mắc ở đời hiện tại. Hãy còn thô, ở thức thứ sáu. Khi vào ở bực sơ địa, quán tất cả pháp là không, ở chân lý không có hai, không phân-biệt, so-sánh hoàn-toàn bình đẳng. Quán mãi mới thoát khỏi dược.

*

* *

Như vậy nói tất cả pháp-chấp, về pháp ngoài tự-tâm hoặc có hoặc không. Về pháp trong tự tâm tất cả đều có. Bởi vậy nên pháp-chấp đền duyên tự-tâm hiện ra in tuồng pháp, chấp làm thật có.

Nhưng về cái hành-tướng in tuồng pháp, vì bởi theo duyên sinh, như huyễn có.

Cái sở-chấp thật pháp, vì hư-vọng so-đọ chấp-trước, quyết-định chẳng phải có.

Cho nên đức Thế-Tôn nói:

“Ông Từ-thị nên biết rằng: các thức sở duyên, chỉ thức hiện ra, y-tha khởi tính, ví-dụ như huyễn-sự…”

BÌNH LUẬN

1. Không nhất định thật giả.

2. Trong tâm có-chấp, có giống.

3. Đã huân-tập thì hiện-ra. Ví dụ trong chiêm bao, tưởng có, chấp là thật có. Lúc tỉnh còn ước mong, nhớ tiếc.

4. Hành-tướng của pháp tương-tợ như sự-thực.

5. Ví-dụ: có người nghe nói có ông Thiên-lôi, tin theo.

6. Tức là giả, theo duyên sinh, không thật có.

7. Ví dụ: Thấy sợi dây ở xa, lầm cho là con rắn. Con rắn không có, sợi dây có là theo duyên làm ra, không thật là rắn.

8. Nương theo cái khác mà có, không thật có.

9. Bao nhiêu cảnh bị thức duyên, đều do thức y theo các duyên biến-hiện ra.

BÌNH LUẬN

Sự-vật trong thế gian, đối với chúng sinh, là cảnh ngoài, so với thức ở trong. Các cảnh đó đều do thức biến-hiện trong chúng-sinh, nên chúng-sinh mới biết. Vì thức thứ bảy cố bám-chấp, thức thứ sáu phân-biệt, cho là thực có, nên chúng-sinh cho sự vật là thực.

Ví-dụ, trong chiêm-bao, ta tưởng thực. Khi tỉnh dậy, mới biết là mình mê. Có người thẫn thờ tiếc cảnh chiêm bao, có người lại cho đó là điềm tốt hay xấu, vội mất tiền đi xem bói.

Phật dạy: “đó là huyễn, đó là hoa-đốm hư-không, đó là chiêm-bao. Các sự-vật ở đời, với ta là có, với Phật là giả, là huyễn, là không, vì không thực có.”

---o0o---

---o0o---
Vi tính: Viên Trí
Trình bày: Nhị Tường
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]