Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

02. Vô Minh Đầu Tiên

23/11/201217:05(Xem: 11897)
02. Vô Minh Đầu Tiên

Tây Tạng Tự - Bình Dương

KINH THỦ LĂNG NGHIÊM TÔNG THÔNG
Người dịch: Thubten Osall Lama - Nhẫn Tế Thiền Sư

 

PHẦN THỨ HAI: PHẦN CHÁNH TÔNG

CHƯƠNG I: CHỈ BÀY CHÂN TÂM

Mục 8: Chỉ Rõ Căn Nguyên Hư Vọng Và Tánh Giác Toàn Vẹn


II. VÔ MINH ĐẦU TIÊN

Kinh: Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo Ông Phú Lâu Na và các vị A La Hán Vô Học hết lậu trong hội này rằng: “Ngày nay Như Lai vì khắp hội này, ở trong thắng nghĩa, hiển bày cái Tánh Chân Thắng Nghĩa. Khiến cho ở trong hội, những hàng định tánh Thanh Văn cùng hết thảy các vị A La Hán, chưa đắc hai pháp Ngã Không và Pháp Không, phát tâm hướng về Thượng Thừa đều được chỗ tu hành chân thật là Nhất Thừa Tịch Diệt, một vị thuần chân. Ông nay nghe kỹ, Ta hiện vì ông mà nói”.

Các Ông Phú Lâu Na kính vâng pháp âm Phật, yên lặng lắng nghe.

Phật dạy: “Phú Lầu Na! Theo như ông nói, thanh tịnh bổn nhiên sao bỗng dưng sanh núi sông, đại địa? Ông chẳng thường nghe Như Lai tuyên thuyết “Tánh Giác diệu minh, Bản Giác minh diệu” sao?”

Ông Phú Lầu Na thưa: “Bạch Thế Tôn, thế đấy, tôi thường nghe Phật tuyên thuyết nghĩa ấy.”

Thông rằng: Như Lai Tạng là Thắng Đế Đệ Nhất Nghĩa, ở đây nói là Tánh Chân Thắng Nghĩa. Tức là chỉ thẳng cái nguồn gốc sanh khởi ra núi sông, đất đai, khiến cho người ở ngay nơi nguyên đầu mà thấu suốt, lập tức liền tự thấy Tánh.

Hàng định tánh Thanh Văn tuy không còn rộn tạp, nhưng đó là cái tịch diệt chưa chân thật, vì chưa chứng các pháp vốn tự tịch diệt. Bậc A La Hán, tuy đắc Ngã Không mà chưa đắc Pháp Không, mê đắm vào Không Tịch, chưa thể hướng về Thượng Thừa. Thế nên, đến đây đều được Nhất Thừa, chẳng còn Thừa nào khác, nhập Phật Tri Kiến, mới là chỗ chánh tu hành vậy.

Nơi Tánh Giác thì nói Diệu Minh, vì cái Thể ấy vốn tự nhiệm mầu (Diệu) mà hằng sáng (Minh), chẳng do cái nào khác mà sáng. Nơi Bản Giác thì nói là Minh Diệu, vì do lực huân tu bất tư nghì mà rõ biết Tánh Giác nhiệm mầu vậy. Tức là Diệu mà Minh, chẳng có chút Vô Minh nào. Tức là Minh mà Diệu, thì chẳng ngừng trụ nơi cái Minh. Chính đó là chỗ Tâm Vương bày lộ rõ ràng. Còn như cái Giác Minh (A Lại Da) bèn rơi vào Tình Thức, lìa Giác liền là Vô Minh, làm sao nói rằng Diệu? Nên ở sau, kinh nói: “Cái Giác Minh là lầm lỗi”.

Tổ Triệu Châu thượng đường nói: “Đạo lớn không khó. Chỉ lìa chọn lựa. Vừa có lời nói là rơi vào chọn lựa, là minh bạch! Lão tăng chẳng ở trong minh bạch, vậy các ông có che chở, thương tiếc cho không?”

Khi ấy có nhà sư hỏi: “Đã chẳng ở trong minh bạch, thì che chở thương tiếc cái gì?”

Tổ Châu nói: “Ta cũng không biết”.

Nhà sư nói: “Hòa Thượng đã không biết, sao lại nói chẳng ở trong minh bạch?”

Tổ Châu nói: “Chỗ hỏi được đó, lễ bái mà lui đi!”

Ngài Tuyết Đậu tụng rằng :

“Tột Đạo không khó, mối đầu ngôn ngữ

Một: có nhiều thứ; hai : không riêng khác

Giữa không, mặt trời lên mặt trăng lặn

Trước vách, nước lạnh, núi sâu.

Sọ khô Thức tận, vui đâu lập?

Cây khô rồng ngâm, chưa hết khô

Khó, khó!

Chọn lựa minh bạch ông tự xem!”.

Ngài Triệu Châu nói “Chẳng ở trong minh bạch”, đó là cái cảnh giới thuần túy Diệu Minh của Ngài. Lại dạy người che chở thương xót là thông cho biết chút ít tin tức của cái Minh Diệu đó.

Nhà sư trộm thấy lối đường của Ngài Triệu Châu, muốn cùng Ngài trùng trùng mở rõ, bèn hỏi “Đã không ở trong minh bạch, thì che chở thương tiếc cái gì?” Tổ Châu nói “Ta cũng không biết”, lộ bày cái Minh Diệu rỡ ràng!

Lại hỏi, “Hòa thượng đã không biết, sao lại nói chẳng có ở trong minh bạch?”, thật là cái Diệu Minh rành rành vậy.

Tổ Triệu Châu rất ưng ý vị tăng có ít nhiều thấy biết, chỗ hỏi đều thông suốt, nên dạy “Lễ bái rồi lui”.

Trước sau, vị tăng đều không ở trong minh bạch, thì còn nói chọn lựa gì!

Ngài Tuyết Đậu muốn cùng Ngài Triệu Châu đổi vấn đề, tức là cần chọn lựa, cần minh bạch!

Tín Tâm Minh của Tam Tổ Tăng Xán có nói “Chí đạo vô nan, duy hiềm giản trạch”.

Tổ Triệu Châu bèn nói: “Vừa có ngữ ngôn, đã là chọn lựa, đã là minh bạch, chính là sợ người ta rơi vào ngôn thuyết mà thành nghĩa thứ hai”.

Nếu là người thấy rõ suốt thì lời nói cũng không trở ngại, nên Ngài Tuyết Đậu nói “Đầu mối của ngôn, đầu mối của ngữ”. Còn nếu lìa ngôn ngữ, mà về ở một nơi, thì thật là “Cây khô trước hang núi có nhiều lối lạc, nên có nhiều thứ”. Như thấy được mỗi mỗi đều là đạo, thì tuy ngôn ngữ chi ly cũng không có hai thứ. Nên nói “Trên trời mặt trời, mặt trăng, trước hiên nước lạnh”, đều là một Cái Ấy, dao búa chẻ không ra. Đến chỗ này thì phân biệt, trò vui của Ý Thức đều hết sạch, đó là rồng ngâm trong cây khô, hồn nhiên là một cái Diệu Minh Chân Tế. Há dễ đến được ư, nên nói “Khó, khó!”. Nếu còn chút vui mừng, còn chút Ý Thức, thì gọi là “Chưa khô ráo hết”, đó còn là cái dụng sự của Giác Minh. Bởi thế mới nói: “Ánh sáng chiếu mắt tợ người mê. Minh bạch chuyển thân địa vị thối đọa”. Như thế thì không có chọn lựa, không minh bạch sao? Nói “Ông tự xem”, chính là muốn xét định cái chọn lựa này, cái minh bạch này có cùng với cái Chí Đạo tương đương hay không?

Đức Tam Tổ nói: “Chỉ không thương ghét, suốt nhiên minh bạch!”

Tổ Triệu Châu nói: “Chẳng ở trong minh bạch”.

Ngài Tuyết Đậu nói: “Chọn lựa, minh bạch, ông tự xem!”

Lời nói mỗi người mỗi khác, mà thật là đồng. Tham!

Kinh: Phật bảo: “Ông gọi là Giác Minh, vì Bản Tánh của nó là Minh, nên gọi là Giác. Hay vì cái Giác ấy chẳng Minh, mà gọi là Minh Giác?”

Phú Lâu Na thưa: “Nếu cái ấy mà chẳng có Minh, mà gọi là Giác, thì không Minh chỗ nào cả (Vô Sở Minh)”.

Phật dạy: “Nếu không có chỗ nào để Minh, thì cũng không có cái Minh Giác. Có chỗ thì không phải là cái Giác, không có chỗ thì cũng không có cái Minh. Không có Minh lại chẳng phải là cái Tánh Giác trong lặng sáng suốt. Vậy Tánh Giác vốn là Minh, vọng tưởng mà cho là cái Minh Giác.

Thông rằng: Một chữ Diệu là chỗ tự bí nhiệm của Phật. Ngắt bỏ ra chữ Diệu, mà chỉ luận cái Giác Minh, thì dù cho có mười năm phân giải cũng chẳng xong! Vì Tánh Thể vốn là Minh, tức là rỡ rỡ ràng ràng thế, mà gọi là Giác, thì lọt vào giới hạn của Minh, hóa ra Giác Thể có mờ tối, có chỗ chẳng Minh! Còn nếu thêm vào một chữ Minh, gọi đó là Minh Giác, thì lọt vào giới hạn của chẳng Minh! Hai bên đều là chông gai, vậy thế nào là con đường thoát thân?

Ông Phú Lâu Na dù có giỏi thuyết pháp đi chăng nữa cũng đâu có thể lấy cái không có chỗ để Minh (Vô Sở Minh) mà gọi là Giác được. Thế nên ông mới nói cái thể chẳng Minh ấy mà gọi là Giác, thì đã không có cái Năng Minh, tức cũng không có cái Sở Minh. Rõ ràng là Tánh Thể vốn là Minh mới có thể gọi là Giác. Cái Minh mà đã có chỗ (Sở), bèn là bỏ Giác mà hiệp trần, thì quá cách xa với cái Diệu của Tánh Giác vốn lìa thoát khỏi trần rồi vậy. Nếu thấy được cái Diệu của nó, thì hiểu rõ Như Lai nói “Tánh Giác Diệu Minh”, tức là Diệu mà Minh, chứ chẳng phải chẳng Minh! Còn Bổn Giác Minh Diệu, tức là Minh mà Diệu, thì đâu cần phải có Minh nữa! Chẳng phải Minh chẳng phải bất Minh, lìa hai lối phải và chẳng phải ấy, mới gọi là Tánh Giác.

Đức Thế Tôn vì thấy Ông Phú Lâu Na chưa hiểu thấu chỗ này, nên dạy: “Nếu theo lời ông, thì có chỗ Minh (Sở Minh), mới gọi là Minh Giác, nếu không có chỗ nào để Minh (Vô Sở Minh) thì không có Minh Giác, thì hóa ra Tánh Giác do Minh hay chẳng Minh mà còn hay mất ư? Ông há không biết Chân Giác là độc lập, lìa xa Năng, Sở đó sao?” Nếu cái Minh mà có chỗ, thì đã lìa ngoài địa vị Giác, không thể gọi là Giác nữa. Nếu cho cái Giác không có chỗ, rồi bày ra đèn đuốc mà soi, thì không thể gọi là Minh được nữa. Nếu tất cả chẳng Minh, thì đó là vô ký, chẳng phải là Tánh Chân Giác Trạm Minh. Tánh Giác Trạm Minh không cần có Minh mà không đâu chẳng là Minh. Cái ngoan không kia làm sao sánh được! Cái Tánh Giác nhậm vận biết khắp, tất nhiên là Minh. Nhưng nếu chấp chặt phải là Minh, liền vọng sanh phân biệt, tính toán bám níu không dứt, bèn trở thành cái Minh Giác. Cái Giác mà còn phải Minh, thì chẳng phải là Diệu Minh vậy. Có sở hay không có sở, rốt vẫn chưa lìa sở. Không có Minh hay phải có Minh, toàn chẳng có lìa năng. Cái Diệu của Tánh Giác, há có thể như vậy sao?

Ngài Triệu Châu hỏi Tổ Nam Tuyền: “Thế nào là đạo?”

Tổ Nam Tuyền nói: “Bình thường tâm, đó là đạo”

Ngài Triệu Châu hỏi: “Lại có thể noi theo chăng?”

Tổ Tuyền nói: “Định hướng về là đã sai!”

Hỏi: “Không nghĩ suy được thì sao biết đó là đạo?”

Đáp: “Đạo chẳng phải biết, chẳng phải không biết. Biết là vọng giác, không biết là vô ký. Nếu tỏ suốt cái đạo vốn chẳng có sự nghi ngờ, thì tròn khắp như thái hư, rỗng nhiên trống trải, sao còn có chuyện phải trái ư?”

Ngài Triệu Châu ngay dưới lời nói mà khế ngộ.

Như hai Ngài Nam Tuyền, Triệu Châu mới có diệu giải được như vậy. Tiếc cho Ngài Phú Lâu Na, còn nằm trong lý chướng, chưa khỏi chuyện hướng về đầu thứ hai (nghĩa thứ hai) mà phân giải!

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]