Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

03. Pháp Thứ Ba: Con Đường Xua tan Vô minh

12/10/201203:51(Xem: 5691)
03. Pháp Thứ Ba: Con Đường Xua tan Vô minh

BỐN PHÁP CỦA GAMPOPA

Tác giả: Dorje Chang Kalu Rinpoche

Thanh Liên chuyển ngữ

 

Pháp Thứ Ba: Con Đường Xua tan Vô minh

Pháp thứ ba của Đức Gampopa nói rằng bằng cách du hành trên Con Đường, vô minh của ta bị xua tan. Ở đây chủ đề chính yếu của giáo lý là kinh nghiệm về tánh Không – sự chứng ngộ bản tánh tối hậu của tâm. Trong thiền định chúng ta nhận ra rằng tâm ta và mọi kinh nghiệm mà nó phóng chiếu thì không có thực tự nền tảng: chúng hiện hữu một cách quy ước, nhưng không hiện hữu trong một ý nghĩa tuyệt đối. Sự Chứng ngộ tánh Không này được gọi là Bồ đề tâm Tuyệt đối.

Ta có thể tìm thấy sự tương đồng giữa đại dương và tâm, là cái gì trống không tự bản chất, không có những đặc tính giới hạn hay thực tại tuyệt đối. Tuy nhiên, tâm trống không này có sự phóng chiếu của nó, là toàn bộ thế giới hiện tượng. Thân tướng (sắc), âm thanh, hương, vị, sự xúc chạm (xúc), và những tư tưởng sâu xa, tạo thành những gì chúng ta kinh nghiệm tương ứng với những con sóng trên mặt đại dương. Nhờ thiền định, một khi ta nhận ra rằng bản tánh của tâm thì trống không tự nền tảng, ta tự động thấu hiểu rằng những phóng chiếu của tâm cũng trống không tự nền tảng. Những phóng chiếu này giống như những con sóng xuất hiện từ đại dương và lặng chìm vào đại dương: chúng chưa từng xa lìa đại dương. Mặc dù chúng ta có thể có một sự hiểu biết nào đó rằng tâm trống không tự bản chất, có thể ta sẽ gặp khó khăn khi liên kết ý tưởng này với sự hiện hữu hiện tượng. Một ví dụ có thể ích lợi cho ta. Ngay lúc này đây chúng ta có một thân thể vật lý, và trong đời sống khi thức của ta, chúng ta hết sức bám luyến vào thân xác đó. Chúng ta coi nó như thật có, một thực thể tự-hiện hữu. Nhưng trong các giấc mộng, chúng ta sống trong một loại thân thể khác, và kinh nghiệm một trạng thái hiện hữu khác. Một hiện hữu hoàn toàn có tính chất hiện tượng được kết hợp với “thân mộng” này. Chúng ta nhìn, nghe, ngửi, xúc chạm, cảm xúc, suy nghĩ và truyền đạt – ta kinh nghiệm một thế giới trọn vẹn. Nhưng khi ta thức dậy thì rõ ràng là thế giới của giấc mộng không có thực tại tuyệt đối (không có sự xác thực tuyệt đối). Dứt khoát là nó không ở trong thế giới bên ngoài như chúng ta biết nó, cũng không ở trong phòng nơi ta ngủ, mà cũng chẳng ở trong thân thể ta; không thể tìm thấy nó ở bất kỳ nơi đâu. Khi giấc mộng trôi qua, sự ‘xác thực’ (thực tại) của nó biến mất một cách tự nhiên – nó chỉ là một phóng chiếu của tâm. Ta khá dễ dàng hiểu được điều này trong mối liên hệ với trạng thái mộng. Một điều ta cũng phải hiểu rõ là kinh nghiệm của ta trong trạng thái thức thì có cùng bản tánh nói chung và xảy ra qua một tiến trình tương tự.

Những Đại thành tựu giả như Tilopa và Naropa ở Ấn Độ, hay Marpa và Milarepa ở Tây Tạng, có thể thực hiện những biến hóa kỳ diệu trong thế giới hiện tượng. Các ngài có thể làm như thế bởi các ngài đã chứng ngộ toàn bộ thế giới hiện tượng thì trống không tự bản chất và là một phóng chiếu của tâm. Nhờ chứng ngộ điều này các ngài đã hiển lộ những điều thần diệu và thực sự biến hóa được thế giới hiện tượng. Sự chuyển hóa như thế không thể xảy ra khi tâm thức chúng ta bám níu vào bất kỳ những gì ta kinh nghiệm như tuyệt đối có thật và không thể biến đổi được.

Giai đoạn hiện tại của hiện hữu của ta chấm dứt trong cái chết, khi nghiệp hướng dẫn tiến trình của sự hiện hữu vật lý này bị cạn kiệt.

Vào lúc chết có một sự tách lìa rõ ràng và dứt khoát tâm thức ra khỏi thân thể vật lý, là cái đơn thuần bị vứt bỏ. Điều vẫn còn tiếp tục là tâm thức cá nhân, tâm của ta đi vào kinh nghiệm bardo. Trong trạng thái sau-cái chết đó, chúng ta kinh nghiệm loại thế giới hiện tượng khác. Mặc dù không có một nền tảng cơ thể vật lý, tâm thức có thể nhìn, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm, suy nghĩ và nhận thức không khác gì cách nó đang làm hiện nay. Mặc dù không là gì ngoài một trạng thái tâm thức, tâm tiếp tục đi theo những tập quán của nó và hiển lộ theo những khuôn mẫu nhất định. Vì thế sự xác quyết theo thói quen của ta rằng kinh nghiệm thì thật có một cách tuyệt đối sẽ tiếp tục sau cái chết của thân xác, và những gì xảy ra ở đó thì giống như trong trạng thái mộng và tâm khi ta thức.

Một câu chuyện về một tu sĩ ở Tây Tạng minh họa cho điều này. Gần nhà tôi ở Tây Tạng có tu viện Dzogchen thuộc phái Nyingma. Một tu sĩ của tu viện này quyết định không muốn ở đó nữa mà thích đi vào lãnh vực kinh doanh hơn. Ông ra đi và tới miền bắc của vùng đó, trở thành một thương gia với hy vọng tích lũy được nhiều của cải. Thậm chí ông trở nên khá thành công. Bởi mối quan hệ trước đó của ông ta với một tu viện nên ở một mức độ nào đó, ông cũng được coi là một giáo thọ, vì thế ông có một nhóm đệ tử cũng như thâu thập được của cải qua việc kinh doanh.

Một hôm ông gặp một thầy phù thủy có thể thực hiện một quyền năng nào đó đối với con người. Người thương gia không nhận ra năng lực của người này, và thầy phù thủy ếm bùa chú khiến người thương gia trải nghiệm việc có những đứa con; ông ta có một điền trang rộng lớn và một gia đình để chăm sóc, và trải qua cả đời theo cách sống như thế rồi già đi với mái tóc bạc trắng và hàm răng lưa thưa. Sau đó ảo tưởng tan biến: ông ta trở lại như cũ, và như thể mới chỉ một hay hai ngày trôi qua. Trong thời gian đó thầy phù thủy đã lấy cắp mọi thứ của ông. Người thương gia tỉnh dậy và không còn lấy một xu. Ông ta chỉ còn ký ức về ảo tưởng lâu dài của mình về những hoạt động, sự xao lãng và kế hoạch của một đời người.

Giống như ảo tưởng của người thương gia, những kinh nghiệm hàng ngày của riêng ta có tính chất huyễn hóa. Kinh điển Đại thừa có dạy rằng mọi sự như ánh trăng trên mặt nước: mọi sự ta kinh nghiệm chỉ có một thực tại (sự xác thực) quy ước và về mặt cơ bản thì không thật có.

Chúng ta kinh nghiệm Pháp thứ ba của Đức Gampopa khi trước tiên, ta xác quyết rằng ta phải xua tan vô minh của ta bằng cách thấu hiểu và kinh nghiệm sự trống không (tánh Không) cốt tủy của tâm, và kế đó, khi tánh Không này khám phá ra bản tánh huyễn hóa của mọi hiện tượng; khi đó Con Đường xua tan vô minh.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]