Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần 2

01/10/201209:40(Xem: 7192)
Phần 2
CHÁNH KIẾN VÀ NGHIỆP

Tác giả: Ledi Sayadaw vànhiều c giả khác

Dịch giả: Pháp Thông


CHƯƠNG II:

CHÁNH KIẾN TƯỜNG GIẢI (Sammàtthi Dìpanì) -Ledi Sayadaw


PHẦN II

Cái Tôi Hay Tự Ngã Làm Cho Con Người Ta Xấu Xa Như Thế Nào?

Những chúng sinh còn kiến chấp về tự ngãhay thân kiếnthường có khuynh hướng làm các điều ác và phải lang thang không ngừng trong vòng luân hồi bất tận. Khoảnh khắc nào họ có thể dập tắt được thân kiến, ngay lúc ấy họ đã thiết lập được sự thanh tịnh và cao quý, và từ đó họ sẽ rong ruỗi một cách bình an trong vòng luân hồi không còn mọi nguy hiểm.

Người ta có thể hỏi: “Vì sao thân kiến lại là căn nguyên của mọi tà kiến, tà tư duy và tà nghiệp, và vì sao sự hủy diệt của thân kiến này lại là cội nguồn của sự tận diệt những thứ ấy?”

Vấn đề có thể được trả lời theo cách này: tỷ dụ, một vị vua nọ rất gắn bó với vương quyền, hãnh diện với sự phù hoa tráng lệ của mình. Để giữ gìn vương vị và sự vinh quang này, ông sẽ phải vận dụng mọi ý nghĩ ác và hành động ác trong quyền lực của mình. Và nếu vua càng tham chấp vương quyền của mình bao nhiêu, ông lại càng nuôi dưỡng những ý nghĩ độc ác và thực hiện ác nghiệp nhiều bấy nhiêu.

Một thời gian sau, vị vua đó thấy được những sơ suất và khuyết điểm trong bổn phận làm vua của mình. Từ đó sự tham quyền cố vị của ông giảm dần, và ông khởi lên một ước muốn mãnh liệt muốn thoái vị để trở thành một sa môn. Cũng từ lúc ấy ông có một cái tâm viễn ly mọi ác nghiệp từng được xem là cần thiết để giữ gìn và bảo vệ vương quyền và vinh dự của ông, và từ đây về sau sẽ tránh làm mọi điều ác.

Một thời gian sau nữa ông xuất gia, từ bỏ đời sống gia chủ để sống cuộc đời của một vị sa môn. Mặc dù đã trở thành một vị sa môn, ông vẫn mê lầm xem thân và tâm hay năm uần là tự ngã của ông, tự ngã ấy có bản chất hay thực chất đầy đủ và thuộc về của ông. Như vậy ông đã lầm tưởng năm uẩn này là bản ngã và chấp vào đó. Bao lâu ông còn chấp chặt thân kiến này và không thể buông bỏ nó ra, chừng ấy chắc chắn ông sẽ phải gìn giữ bản ngã của mình bằng cách nuôi dưỡng những ý nghĩ ác và thực hiện những điều ác khi có cơ hội.

Rồi một lúc nào đó trong cuộc đời làm Sa môn của mình, ông nhận rõ những khuyết điểm và khổ đau tiềm tàng trong năm uẩn. Sau khi đã chánh kiến với minh-sát-tuệ rằng không có một bản chất hay thực thể nào trong năm uẩn, không có một tự ngã hay linh hồn nào cả, ông sẽ không còn chấp ngã nữa. Từ giây phút ấy ông sẽ không còn nuôi dưỡng một ý nghĩ bất thiện hay làm một điều ác nào nữa, nhờ vậy mà những gì trước đây ông giữ gìn như bản ngã của mình thì bây giờ ông chỉ giữ mình bằng những hành vi đạo đức. Ông sẽ chẳng bao giờ đi chệch ra khỏi con đường đạo đức để bảo vệ mình. Thực vậy, ông sẽ dũng cảm hy sinh bản thân mình để giữ gìn những nguyên tắc đạo đức hay giới luật ấy.

Từ ví dụ trên chúng ta cần hiểu rằng thân kiến là căn nguyên của mọi điều ác và sự diệt của kiến chấp ấy là cội nguồn của sự diệt các ác bất thiện khác.

* Attā và Anattā

Attā có nghĩa là 'bản ngã, cái tôi, cá nhân, thực thể, linh hồn'; còn anattālà 'vô ngã, không có thực thể linh hồn'. Chữ anattāđược dùng để truyền đạt ba cách giải thích sau:

1. Asārakaṭṭhena-anattā: Do không có cốt lõi hay thực thể mà nó được gọi là anattā

2. Asāmikaṭṭhena-anattā: Do không có bất kỳ một ông chủ hay chủ tể nào nên gọi là anattā.

3. Avasavattanaṭṭhenā-anattā : Do không tuân theo ý người khác nên gọi là anattā.

* Asārakaṭṭhena Anatta: Năm Uẩn (Hữu) Bị Chấp Lầm Là Tự Ngã (Attā)

Trong ba cách giải thích trên, trước tiên bần tăng sẽ làm sáng tỏ câu Asārakaṭṭhena-anattā(Do không có cốt lõi hay thực thể, nên gọi là Vô ngã -anattā)

Attā theo nghĩa thông thường là cốt lõi hay thực chất. Những người không phân biệt được sự sinh diệt trong từng sát na của các hiện tượng tâm-vật-lý của năm uẩn và vì vậy không thể hiểu được đặc tính vô thường (anicca)của chúng, nên chấp rằng: ‘Sắc uẩn là cốt lõi, là bản thể và do đó là (tự ngã) của chúng sinh; tưởng uẩn là cốt lõi, là bản thể và do đó là (tự ngã) của chúng sinh; hành uẩn là cốt lõi, là bản thể và do đó là (tự ngã) của chúng sinh; và thức uẩn là cốt lõi, là bản thể và do đó là (tự ngã) của chúng sinh’. Loại kiến chấp này được gọi là thân kiến.

Ví Dụ Cái Bát

Bần tăng sẽ giải thích điều này bằng một ví dụ. Chúng ta biết có những vật được gọi là bát gỗ, bát đất, bát đồng, bát bạc, bát vàng, v.v…. Một cái bát làm bằng gỗ thì gỗ được xem như bản chất của nó và được gọi là cái bát gỗ; một cái bát làm bằng đất thì đất được xem như bản chất của nó và được gọi là cái bát đất; một cái bát làm bằng sắt thì sắt là bản chất của nó và được gọi là cái bát sắt; một cái bát làm bằng bạc thì bạc là bản chất của nó và được gọi là cái bát bạc; và một cái bát làm bằng vàng thì vàng là bản chất của nó và được gọi là cái bát vàng.

Ở đây, chữ 'bát' chỉ là cái tên để trỏ một khái niệm hình ảnh (saṇthāna-paññatti – hình thức chế định), và từ ngữ có tính ước lệ về 'cái bát' này không có cốt lõi hay thực chất nào để xem như một pháp cùng tột (pháp chơn đế). Chỉ có những từ chế định về 'gỗ', 'đất', 'vàng', 'bạc', v.v… mới có cốt lõi hay thực chất (ít nhất cũng cho mục đích này). Đơn giản nghe tiếng 'bát' là ta có thể hiểu khái niệm hình ảnh về một cái bát, nhưng không hiểu được cốt lõi hay bản chất của nó. Chỉ khi nghe những từ chế định về 'gỗ', 'vàng', v.v…mới có thể biết cốt lõi hay bản chất của cái bát ấy bằng gì. Có thể người ta sẽ hỏi: 'Tại sao 'gỗ', 'đất', hay 'vàng' lại là cốt lõi hay bản chất của cái bát?'

Bần tăng sẽ giải thích điều này rõ ràng hơn. Khi gọi một vật làm 'bằng gỗ', thì 'gỗ' là cốt lõi hay thực chất của khái niệm hình ảnh về cái bát, và do đó cũng là tự ngã (attā)của nó. Không có thực chất của gỗ, từ chế định 'cái bát' không thể hiện hữu. Chỉ miếng gỗ nào được làm thành dạng cái bát mới gọi là cái bát gỗ. Cái bát gỗ này sẽ kéo dài bao lâu tùy theo độ bền của chất gỗ ấy, và giá trị của nó tùy thuộc vào loại gỗ mà nó được làm ra. Nếu đó là một cái bát làm bằng gỗ tếch (teak), giá trị của nó sẽ tùy thuộc vào giá của loại gỗ tếch ấy. Nếu nó được làm bằng gỗ trầm, giá trị của nó sẽ tùy thuộc vào giá của gỗ trầm. Về việc sử dụng cũng vậy, một cái bát bằng gỗ tếch sẽ được dùng vào chỗ nào mà nó phù hợp cho việc sử dụng, và đối với bát bằng gỗ trầm hay một loại gỗ nào khác cũng thế. Về phương diện xứng đáng thì cái bát gỗ hay bát trầm được xem là xứng đáng theo những tiêu chuẩn của chúng. Như vậy, khi chúng ta nói 'cái bát gỗ', thì gỗ là cốt lõi hay thực chất của cái bát. Nguyên tắc này cũng áp dụng cho trường hợp của bát đất, bát vàng, v.v…

So Sánh

Tương tự, một chúng sinh bao gồm sắc uẩn và sắc uẩn này kể như cốt lõi hay thực chất của người ấy. Những gì có uẩn này làm cốt lõi hay thực thể của nó thì được gọi là một chúng sinh.

Một chúng sinh bao gồm thọ uẩn và thọ uẩn này kể như cốt lõi hay thực chất của người ấy. Những gì có uẩn này làm cốt lõi hay bản chất của nó thì được gọi là một chúng sinh.

Một chúng sinh bao gồm tưởng uẩn và tưởng uẩn này kể như cốt lõi hay thực chất của người ấy. Những gì có uẩn này làm cốt lõi hay thực chất của nó thì được gọi là một chúng sinh.

Một chúng sinh bao gồm hành uẩn và hành uẩn này kể như cốt lõi hay thực chất của người ấy. Những gì có uẩn này làm cốt lõi hay thực chất của nó thì được gọi là một chúng sinh.

Một chúng sinh bao gồm thức uẩn và thức uẩn này kể như cốt lõi hay thực chất của người ấy. Những gì có uẩn này làm cốt lõi hay thực chất của nó thì được gọi là một chúng sinh. Tóm lại, mỗi chúng sinh bao gồm năm uẩn và có năm uẩn kể như cốt lõi hay thực chất của họ.

Trong ví dụ này, cái bát giống với một chúng sinh và thực chất của cái bát giống với năm uẩn hình thành cốt lõi hay thực chất của một chúng sinh vậy.

* Thân Kiến Hình Thành Như Thế Nào?

Một số người chủ trương quan kiến như sau: ‘Bao lâu năm uẩn hình thành sự sống này kéo dài, không bị hư hoại hay tan rã, những chúng sinh sẽ kéo dài tới chừng ấy, không bị hư hoại hay tan rã. Họ sẽ sống đến trăm tuổi hay ngàn tuổi mà không bị hư hoại, tử vong hay tan rã, và trong suốt giai đoạn ấy, năm uẩn vốn là cốt lõi hay thực chất của họ cũng không hư hoại hay tan rã.’ Quan kiến này là ‘thân kiến’ (attā-diṭṭhi)

Một số người hiểu rằng cốt lõi hay bản chất của cái bát gỗ là gỗ, song họ không thể thể nhập vào sự thực và phân biệt rành rẽ được miếng gỗ ấy cũng chỉ bao gồm vô số những tổng hợp tám sắc (thuần bát pháp sắc hay đoàn bát thuần). Vì thế mà họ chỉ có thể hiểu một cách nông cạn rằng cốt lõi hay bản chất của cái bát gỗ là gỗ mà thôi.

Có những người thể nhập được vào sự thực và hiểu rõ rằng cốt lõi hay bản chất của gỗ chỉ là tập hợp của những tổng hợp sắc, và những sắc ấy cũng chỉ là những hiện tượng sinh-diệt do nhân duyên tạo thành. Họ hiểu theo cách như sau: Trạng thái giãn nở dễ nhận ra trong một miếng gỗ mang hình thù của cái bát và những yếu tố giãn nỡ này chắc chắn phải là sự thực cùng tột (chơn đế) của địa đại (pathavi-dhātu – yếu tố giãn nở), và hoàn toàn không có 'gỗ'. Cũng vậy, trạng thái kết dính dễ tìm thấy trong hình dạng ấy là đặc tính của thủy đại (āpo-dhātu – yếu tố kết dính); trạng thái nóng hay lạnh tìm thấy trong hình thể ấy là đặc tính của hỏa đại (tejo-dhātu– yếu tố nhiệt), và trạng thái hỗ trợ hay chuyển động tìm thấy trong hình thể đó là đặc tính của phong đại (vāyo-dhātu– yếu tố chuyển động). Bốn yếu tố này được gọi là bốn đại chủng hay tứ đại (māha bhūta).

Cũng theo cách ấy, màu sắc của miếng gỗ là vaṇṇa(yếu tố màu), mùi được gọi là gandha (yếu tố mùi), vị gọi là rasa(yếu tố vị), và dưỡng chất được gọi làoja(yếu tố dưỡng chất). Một số người có trí tuệ thể nhập vào sự thực và hiểu rõ được như vậy.

Khi họ đã thể nhập vào được sự thực như vậy, họ nhận ra: ‘Chỉ có những hiện tượng vật lý đang trôi chảy liên tục chứ không có gỗ hiện hữu và nếu đã không có gỗ, thời làm sao có thể có cái bát gỗ trong ý nghĩa cùng tột được?’

Khi miếng gỗ mà theo qui ước chúng ta gọi là 'cái bát' ấy bị tác động bởi lạnh, nóng, hoặc bị cây đập, hoặc bị giáo chọc thủng, hoặc bị quăng lên quăng xuống, các hiện tượng vật lý chứa đựng trong gỗ ấy sẽ thay đổi, nhường chỗ cho những hiện tượng mới, và sau khi đã sanh lên chúng sẽ diệt ngay tại chỗ ấy. Một số các hiện tượng (sắc) hư hoại, một số phân rã và một số phát sinh trở lại tùy theo các duyên, có số tăng, số giảm, và có sỗ giữ bình thường.

Khi đã thấu hiểu theo cách này họ tuệ tri rằng không có gỗ ngoài những yếu tố vật lý này. Bây giờ, khi gỗ tự thân nó đã không có mặt trong ý nghĩa cùng tột, thời làm sao gỗ lại có cốt lõi hay thực chất của cái bát được? Làm thế nào những tổng hợp sắc sinh diệt trong từng sát na ấy lại có thể trở thành cốt lõi hay thực chất của gỗ được? Họ thể nhập vào chân lý như thế.

Ở đây, từ qui ước về 'cái bát' cũng giống như từ qui ước về 'chúng sinh'. Các tổng hợp sắc chứa đựng trong gỗ cũng giống như năm uẩn hữu vậy. Đây là sự tương đồng.

(Đối với danh uẩn, nó hoàn toàn không có một hình dạng nào cả. Khi một đối tượng xúc chạm với bất kỳ một phần nào của thân, thức sanh lên và diệt ngay lập tức. Bình thường dòng hữu phần (bhavangasota) sinh và diệt không ngừng trong trái tim. Chỉ khi nào một đối tượng mới tiếp xúc với nó, dòng hữu phần mới dừng lại (để xử lý đối tượng ấy).

* Những Ý Niệm Về Hình Ảnh Và Khái Niệm Về Tính Tương Tục (Hình Thức Chế Định Và Tương Tục Chế Định)

Hình dạng của các thân phần như mặt, tay, chân, ngực, bụng, và lưng được gọi là những ý niệm hình ảnh hay hình thức chế định (saṇthāna). Riêng các danh uẩn không có hình tướng mà chỉ có santati-paññatti(khái niệm về tính tương tục).

Tính tương tục của sự 'thấy' là dassana-santati. Tính tương tục của sự 'nghe' gọi là savan-santati.Tính tương tục của sự 'ngửi' gọi là ghāyana-santati.Tính tương tục của sự 'nếm' gọi là sāyana santati.Tính tương tục của 'suy nghĩ' gọi là cintana-santati,v.v…

* Hình Thức Chế Định Và Tương Tục Chế Định Được Xem Như Tự Ngã (Attā) Như Thế Nào?

Có số người chỉ hiểu các loại hình dạng hoặc tướng trạng khác nhau và các loại tương tục khác nhau, nhưng không phân biệt được một cách minh bạch các hiện tượng tâm-vật-lý vốn là cốt lõi hay bản chất của những khái niệm về hình dạng và tính tương tục ấy. Hơn nữa, họ lại không thể hiểu được sự hoại diệt trong từng sát na của các hiện tượng tâm-vật-lý này. Họ xem những khái niệm ấy như cốt lõi hay bản chất của chúng sinh và nhận lầm nó là tự ngã của họ.

Khi, nhờ tuệ minh sát, người ta hiểu minh bạch thực chất của địa đại (pathavī), các hiện tượng thuộc nhãn thức tâm v.v…và hiểu ra rằng năm uẩn luôn phải chịu hoại diệt và tái sinh trong từng sát na, họ sẽ vỡ lẽ ra rằng năm uẩn này không có cốt lõi hay thực thể, và cũng chẳng hề là cốt lõi hay thực thể của các chúng sinh.

Bần Tăng sẽ làm sáng tỏ vấn đề ở đây. Con người nghĩ rằng họ sống trong một ngày, một tháng, một năm, một trăm năm hay một ngàn năm, và trong suốt những giai đoạn ấy chẳng có gì được xem là sự hoại diệt và tái sinh trong từng sát na. Thực sự, các hiện tượng tâm-vật-lý trong năm uẩn mà người ta xem như cốt lõi hay thực thể ấy sinh và diệt cả tỷ lần trong một nháy mắt hay một ánh chớp.

Nếu sắc uẩn được gán ghép là có tự ngã (cốt lõi hay thực thể), thọ uẩn có tự ngã, tưởng uẩn có tự ngã, hành uẩn có tự ngã, thức uẩn có tự ngã, thì điều đó sẽ có nghĩa rằng những chúng sinh hoại diệt và tái sinh do các duyên trong từng sát na một. Tại sao? Vì cốt lõi hay thực thể của chúng sinh là các uẩn hữu, mà các uẩn này phải chịu hoại diệt và tái sinh trong từng sát na vậy.

Trong thực tế, nếu như chúng ta xem việc dựa vào những ánh chớp sinh diệt cực kỳ nhanh và dùng chúng như những vật có thực thể là điều không thích đáng thế nào, thì cũng sẽ là điều không hợp khi dựa vào những hiện tượng tâm-vật-lý sinh diệt trong từng sát na như những vật có thực thể và xem chúng như cốt lõi hay bản chất của chính mình như vậy. Do đó năm uẩn là hoàn toàn vô ngã (anattā – không có cốt lõi hay thực thể).

* Asāmikaṭṭhena – Anattā: Vô ngã do không có chủ thể

Ý nghĩa của câu asāmikaṭṭhena-anattālà: Vì những tia chớp, vốn không kéo dài hơn một sát na này, không có một cốt lõi hay thực thể nào cả, nên không thể có bất kỳ một chủ tể nào thống trị chúng, chúng cũng không phải là của riêng ai. Ví như ta không thể nói những tia chớp ấy do người này, người kia làm chủ và do đó chúng là của ông ta. Ở đây cũng vậy, ta không thể nói rằng các hiện tượng tâm-vật-lý bao hàm năm uẩn này thuộc về người ấy, và do đó là của riêng y, hoặc nói y là chủ tể của các hiện tượng ấy được. Vì thế, theo ý nghĩa của đoạn asāmikaṭṭhena anattā, thì năm uẩn là vô ngã.

* Avasavattanaṭṭhena – Anattā:Vô ngã do không tuân theo ý muốn của ai.

Bần Tăng sẽ giải thích rõ đoạn Avasavattanaṭṭhena-Anattā. Vì những tia chớp này không kéo dài lâu và không có thực thể, nên chúng sẽ không tuân theo ước muốn của ai cả. Ví như, thật không hợp lý để ta nói rằng những tia chớp này sẽ lắng nghe những lời ta nói, và rằng ta có quyền điều khiển chúng. Cũng vậy, các hiện tượng tâm vật lý chứa đựng trong năm uẩn hữu là vô thường, nên sẽ không tuân theo ước muốn của ai cả. Vì thế thật không hợp lý khi ta lầm chấp rằng năm uẩn này sẽ vâng theo những mệnh lệnh của ta, hay ta có quyền thống trị chúng.

Sự xuất hiện của những tia chớp này là do các nhân duyên thích hợp, và không liên quan gì đến ước muốn của 'người nào' cả, vì thế những tia chớp ấy không tuân theo ý muốn của bất kỳ ai. Sự sanh khởi của năm uẩn cũng vậy, là do các nhân duyên tạo ra chúng, và không liên quan gì đến ý muốn của người nào cả, vì thế năm uẩn không tuân theo ước muốn của bất kỳ ai. Ví như, thật không thích hợp khi nghĩ rằng những tia chớp này sẽ tuân theo ước muốn của ta thế nào, ở đây cũng vậy, nếu ta nghĩ rằng năm uẩn sẽ tuân theo ý ta và rồi xem chúng như cốt lõi hay thực thể của ta sao lại hợp lý cho được.

Do đó, theo đoạn avasavattanaṭṭhenā-anattā, năm uẩn là vô ngã (anattā) trong nghĩa rằng chúng không tuân theo ý muốn của ai cả.

Giải Thích Vắn Tắt Về Ngã Sở (Anattaniya)

Attassa idam attaniam - attaniyam nghĩa là sở hữu của tự ngã hay ngã sở; attanā sambandhanti attaniyam- attaniyamlà những vật liên hệ với tự ngã.

Theo giải thích trên thì tất cả những vật hữu tình và vô tình liên hệ đến tự ngã đều được gọi là attaniya. Tuy nhiên những vật ấy chỉ trở thành ngã sở (attaniya)khi ta thủ chấp và thỏa thích với những đối tượng ấy qua tham ái và chấp nhận chúng như 'của riêng ta', và 'là của ta'. Khi, do tuệ minh sát, người ta có thể vứt bỏ được những vật hữu tình và vô tình này vì không còn chấp thủ và thích thú đối với chúng, thì những vật này không còn là ngã sở (attaniya) nữa.

Do không dính mắc vào những vật mà vốn không liên quan đến tự ngã và hoàn toàn tách biệt với nó; như vậy chúng không còn là attaniya (ngã sở).

Nói chung, sở dĩ con người quan tâm đến những gì mà họ xem như chính bản thân họ hoặc của riêng họ là do khái niệm về ngã sở này. Các hoạt động bằng thân, khẩu, ý của họ cũng đều dựa trên và được tạo điều kiện bởi chính sự quan tâm ấy. Như vậy căn nguyên của mọi điều xấu xa tội lỗi cho sự quan tâm ngu xuẩn ấy là 'ngã' và 'ngã sở'. Con người nhầm lẫn những cái không phải ngã sở xem là ngã sở vì họ bị chi phối bởi những điên đảo tưởng, như cái không phải con họ lại nhận làm con, không phải vàng nhận là vàng, không phải bạc nhận là bạc, hoặc những tài sản khác không phải của họ lại nhận là của họ, v.v…

Ảo Tưởng Về Ngã Sở Do Điên Đảo (Vipāllasa)

Trong ý nghĩa cùng tột, hoàn toàn không có cái ngã riêng của ai cả, sự tình là vậy, sao lại có thể có bất kỳ một ngã sở nào được?

Vì thế Kinh Pháp Cú có nói:

“Puttā m'atthi dhamma m'atthi”

Iti bāla vihaññati,

Attā hi attano natthi

Kuto puttā kuto dhanam?

“Con ta, tài sản ta?”

Kẻ ngu nghĩ như vậy

Thực sự, ngã còn không

Đâu con? Đâu tài sản?

PC. 62

Do sự nhận thức sai lầm về ngã sở mà người ngu mệt mỏi và kiệt quệ giống như con nai chạy theo huyễn cảnh nghĩ đó là một hồ nước. Thực sự, cái ngã của ta còn không có, thì làm thế nào có thể có được những đứa con của ta và tài sản của ta?

Người ta không làm những điều ác bằng thân, khẩu, hoặc ý, do tham ái tác động, vì những vật mà họ không xem như chính bản thân họ hoặc sở hữu của họ và do đó họ không cảm thấy có sự quan tâm nào đối với chúng. Không thể có chuyện họ phạm điều ác hay tội lỗi vì những vật như vậy được. Và điều này là hoàn toàn rõ ràng từ những gì chúng ta thấy và kinh nghiệm trong thế gian này.

Chỉ những ai ôm ấp thân kiến mới có ngã sở kiến. Những người không còn thân kiến cũng không còn ngã sở kiến. Đối với những người này, nói chi đến những vật bên ngoài, ngay cả đối với những phần trong thân thể của họ, như mắt, tai, mũi, lưỡi v.v… cũng như đối với các sắc, thinh, hương… hay những trần cảnh bên ngoài, họ cũng không có ảo tưởng.

Những người đã đoạn trừ thân kiến, mặc dù vẫn tích góp của cải và nuôi dưỡng gia đình, song họ làm vậy không phải vì ảo tưởng về ngã sở (attaniyasaññā) mà do tàn dư của năng lực tham ái mà thôi.

Bậc Thánh Và Thánh vức (Ariya bhūmi)

Những người đã dập tắt hoàn toàn thân kiến chẳng bao giờ mơ tưởng đến việc thực hiện những nghiệp đưa đến địa ngục do tham ái đối với thân thuộc của họ hay đối với những vật ở bên ngoài, họ cũng sẽ chẳng bao giờ mơ tưởng đến việc thực hiện những nghiệp khiến họ phải tái sinh trong những cõi ác.

Họ là những người đã đạt đến hữu dư y Niết bàn (sa-upādisesa Nibbāna – trạng thái Niết-bàn vẫn còn ngũ uẩn), và sẽ trải qua những cảnh giới nhân-thiên trong nhiều kiếp, không còn trở lại mức độ của phàm nhân nữa. Thực sự, họ là những chúng sinh chắc chắn sẽ đạt đến các tầng thánh mỗi lúc mỗi cao hơn (Ghi chú: Điều này muốn nói đến các vị Thánh Tu-đà-hoàn – Sotāpanna).

Khi họ muốn đạt đến trí của bậc 'Nhất lai', họ sẽ nỗ lực để đắc đến Nhất lai Thánh đạo (sakadā-gāmi magga), và đạt đến tầng thánh thứ hai. An trú trong tầng thánh này họ sẽ trải qua các cõi Phạm Thiên trong nhiều đại kiếp, thọ hưởng như các vị Đại Phạm Thiên.

Khi muốn đạt đến Bất Lai Thánh Đạo (anāgāmi-magga) họ sẽ nỗ lực để đắc thánh đạo ấy và đạt đến tầng thánh thứ ba. An trú trong tầng thánh này họ sẽ trải qua các cõi Phạm Thiên trong nhiều đại kiếp, thọ hưởng như các vị Đại Phạm Thiên.

Khi họ cảm thấy rằng ngay cả làm các vị Đại Phạm Thiên như vậy cũng chẳng có gì đáng để thỏa mãn hoặc bám víu vào (lúc này họ ghê tởm làm Phạm Thiên cũng như ghê tởm nước bọt), họ sẽ nỗ lực để đạt đến Alahán Thánh đạo, tầng thánh thứ tư và cuối cùng, trở thành một vị Alahán. Ở đó họ không cần phải nỗ lực thêm nữa vì họ đã trở thành các vị Lậu tận - Ứng cúng Alahán (khināsava-dakkhineyya - arahanta: bậc Alahán đã dập tắt mọi phiền não và xứng đáng với mọi sự cúng dường). Họ sẽ sống như các bậc Alahán trong tầng thánh thứ tư trong nhiều đại kiếp, vào lúc chết họ sẽ vất bỏ thân năm uẩn này và đắc Vô dư Niết bàn (anupā-disesa-nibbāna).

Ở đây, Asaṅkhata-nibbāna(Vô vi Niết bàn - Niết bàn vượt ra ngoài mọi sự trở thành và duyên sanh) được gọi là Hữu dư Niết bàn (sa-upādisesa-nibbāna). Tại sao Niết bàn này được gọi là hữu dư? Vì rằng nó được đạt đến trong khi các uẩn tạo thành con người, chư Thiên và Phạm Thiên vẫn còn. Ngược lại Niết bàn không còn năm uẩn hay không còn sự tương tục của tiến trình tâm-vật lý nầy được gọi là Vô dư y Niết bàn (Anūpādisese Nibbāna).

Trên nguyên tắc hai loại Niết bàn này không khác, vì cả hai đều là asaṇkhata(vô vi - không tạo tác) và amata(bất tử). Vô tướng pháp (animitta-dhamma: pháp không có khởi đầu cũng chẳng có chấm dứt) chỉ có một loại chứ không có hai.

Năm Loại Chánh Kiến (sammā-diṭṭhi)

Trong thời buổi hiện nay, những người giới đức mong muốn đạt đến cảnh giới siêu thế cần phải nỗ lực để an lập mình vào năm loại chánh kiến sau:

1. Kammassakatā-sammādiṭṭhi(chánh kiến rằng các chúng sinh là chủ nhân của nghiệp).

2. Nāma-rūpa-pariggaha-sammādiṭṭhi(chánh kiến phát sanh từ việc thấu triệt những đặc tính của các hiện tượng tâm-vật lý (Danh-sắc).

3. Hetu-paccaya-pariggaha-sammādiṭṭhi(chánh kiến phát sinh từ việc thấu triệt căn nguyên và các nhân khác của các hiện tưởng tâm-vật lý (Danh-sắc).

4. Vipassanā-ñāṇa-sammādiṭṭhi(chánh kiến phát sanh từ nhận thức với trí tuệ minh sát).

5. Lokuttarā-magga-phala-sammādiṭṭhi(chánh kiến phát sanh từ việc chứng các thánh đạo thánh quả).

Trong năm loại chánh kiến này, chánh kiến siêu thế (lokuttarā-sammadiṭṭhi) còn được chia thành bốn:

a. Sotāpatti-magga-phala-sammādiṭṭhi (chánh kiến phát sanh từ nhập lưu thánh đạo và nhập lưu thánh quả).

b. Sakadāgāmi-magga-phala-sammādiṭṭhi (chánh kiến phát sanh từ nhất lai thánh đạo và nhất lai thánh quả).

c. Anāgāmi-magga-phala-sammādiṭṭhi (chánh kiến phát sanh từ bất lai thánh đạo và bất lai thánh quả).

d. Arahatta-magga-phala­-sammādiṭṭhi (chánh kiến phát sanh từ Alahán thánh đạo và Alahán thánh quả).

Trong giáo pháp của Đức Phật, bốn loại trên được gom thành một, vì thế chỉ có năm loại chánh kiến.

* Chánh Kiến Rằng Các Chúng Sanh Là Chủ Nhân Của Nghiệp (Kammassakatā-sammādiṭṭhi) Luôn Luôn Tồn Tại

Kammassakata-sammādiṭṭhi đã giải thích rõ ở trên là loại chánh kiến hiện hữu trong vô lượng vô biên vũ trụ và thời gian cho dù đức Chánh Biến Tri không xuất hiện.

Chính do sự hiện hữu rất dễ nhận ra của chánh kiến này trong thế gian mà những cõi vui có mặt, tức những cõi nhân, thiên và Phạm Thiên có mặt. Các bậc thượng thủ thinh văn, các bậc Độc giác Phật và các bậc Toàn Giác Phật tương lai cũng có mặt do chánh kiến về các chúng sinh là chủ nhân của nghiệp này.

Những ai có trí tuệ phát sinh từ loại chánh kiến về nghiệp này sẽ thoát ra khỏi các loại tà kiến. Nó là 'Đại nhãn' - con mắt lớn) của cõi thế gian. Tuy nhiên, thân kiến của những người chỉ thuần có chánh kiến này vẫn còn nguyên vẹn không thay đổi.

Thân kiến này cũng được chia thành bốn loại:

1. Ati-oḷārika-attādiṭṭhi(thân kiến rất thô)

2. Oḷārika-attādiṭṭhi(thân kiến thô)

3. Sukhuma-attādiṭṭhi(thân kiến vi tế)

4. Ati-sukkhuma-attādiṭṭhi(thân kiến rất vi tế)

Bốn cấp độ của thân kiến này phải được đoạn trừ lần lượt rằng: chánh kiến phân tích danh sắc (nāma-rūpa pariggaha-sammādiṭṭhi), chánh kiến phân biệt nhân duyên (hetupacaya sammādiṭṭhi), chánh kiến thuộc minh sát trí (vipassanā ñāṇa-sammādiṭṭhi) và chánh kiến thuộc đạo quả siêu thế (lokuttarā-magga-phala-sammādiṭṭhi).

Trong bốn loại chánh kiến ấy, chánh kiến phát sanh từ sự thấu triệt các hiện tượng tâm-vật-lý được gọi là chánh kiến phân tích danh-sắc (nāma-rūpa-pariggaha sammādiṭṭhi). Chánh kiến phát sanh từ sự thấu triệt căn nguyên và các nhân khác của các hiện tượng tâm-vật lý, chánh kiến về duyên khởi của các hiện tượng ấy được gọi là chánh kiến phân biệt nhân duyên (hetu-pacaya-pariggaha-sammādiṭṭhi).Chánh kiến phát sanh từ việc quán tính chất vô thường (anicca), khổ (dukkha) và vô ngã (anattā)được gọi là chánh kiến thuộc tri kiến minh sát (vipassanā ñāṇa dassana-sammādiṭṭhi). Còn trí phát sinh từ sự chứng đắc các đạo quả siêu thế được gọi là chánh kiến thuộc đạo quả siêu thế (lokuttarā-magga-phala-sammādiṭṭhi).

Bốn loại chánh kiến này chỉ có thể đắc được trong thời kỳ giáo pháp của Đức Phật. Ngoài ra ở bất cứ thời kỳ nào khác, những chánh kiến này là bất khả đắc.

* Ngã Kiến Rất Thô (ati-oḷārika diṭṭhi) Ngược Với Trí Phát Sanh Từ Thanh Tịnh Kiến (Diṭṭhi-visuddhiñāṇa)

Một số người chủ trương rằng năm uẩn là tự ngã (attā) hay linh hồn. Một số khác cho rằng ngoài năm uẩn này có một linh hồn điều khiển chúng. Tất cả các loại ảo tưởng như vậy được gọi là thân kiến rất thô (ati-oḷārika-attā-diṭṭhi). Tà kiến này chỉ những ai có chánh kiến phân tích danh sắc (nāma-rūpa pariggaha-sammādiṭṭhi) mới có thể loại trừ được.

Ghi chú :

Trí tuệ phát sinh từ việc thấu triệt đặc tính của các hiện tượng tâm vật lý hay còn gọi là Danh Sắc phân tích trí (nāma rūpa pariggaha ñāṇa), trí tuệ xác định các hiện tượng tâm vật lý (nāma rūpa navutthāna ñāṇa), và trí tuệ phát sinh từ việc thanh tịnh tri kiến (diṭṭhi visuddhi) là như nhau. Những loại trí ấy chỉ là những từ đồng nghĩa của chánh kiến phân tích Danh-Sắc (nāma rūpa pariggaha sammādiṭṭhi). Liên quan đến chánh kiến này, trong Paramattha saṅkhepacó nói: 'Thân kiến sẽ bị xua tan và thanh tịnh kiến sẽ phát sanh nếu người ta có thể xác lập Danh và Sắc (nāma rūpa)lần lượt theo tính chất, nhiệm vụ, sự cần thiết, khuynh hướng và căn bản của chúng'.

* Ngã Kiến Thô (oḷārika-attā diṭṭhi) Và Trí Phát Sanh Từ Sự Thấu Triệt Căn Nguyên Và Các Nhân Khác Của Các Hiện Tượng Tâm-Vật Lý Hay Nhân Duyên Phân Biệt Trí (paccaya-pariggaha ñāṇā)

Một số người chủ trương một cách mê lầm rằng có 'người làm mọi hành động' - (người tạo nghiệp) và cũng có 'người thọ nhận các hậu quả'. Ảo tưởng về Tác Nhân Kiến (kāraka diṭṭhi: tà kiến cho rằng có một người làm và thọ nhận các quả báo) này được gọi là ngã kiến thô.

Những người có chánh kiến phân biệt nhân duyên có thể xua tan kāraka diṭṭhi(tác nhân kiến) và vedāka-diṭṭhi(thọ giả kiến). Chánh kiến này cũng có thể xua tan vô nhân kiến (ahetuka-diṭṭhi) do những người chấp theo 'thuyết vô nhân' của hiện hữu, và dị nhân kiến (visama hetu-diṭṭhi) do những người tin rằng Thượng Đế là người sáng tạo chủ trương. Người có chánh kiến này cũng có thể tiêu diệt tám loại nghi và mười sáu loại nghi thuộc về tri thức hay đạo đức.

Ghi chú :

Trí phân biệt nhân duyên là Đoạn nghi thanh tịnh trí (kankhāvitarana-visuddhi-ñāṇa). Ở đây, trí phát sinh từ việc thấu triệt căn nguyên và các nhân khác của các hiện tượng tâm vật lý và trí phát sanh từ sự thanh tịnh do mọi hoài nghi đã được loại trừ là như nhau. Chúng chỉ là những từ đồng nghĩa của chánh kiến phân biệt nhân duyên (paccaya pariggaha sammādiṭṭhi.

Đại sư Ledi Sayadaw trong Luận giải về các Chân lýtuyệt đối(Paramattha-saṅkhepa) có nói: ‘Nếu một người thấu triệt duyên khởi của các hiện tượng tâm vật lý của hiện hữu, họ sẽ đắc được trí liên hệ đến sự thanh tịnh vượt qua mọi hoài nghi, xua tan mười sáu loại nghi, tám loại nghi, và các loại tà kiến khác.’

Hai loại chánh kiến: Chánh kiến phân tích danh sắc và chánh kiến phân biệt nhân duyên, có thể nhổ bật gốc ngã kiến thô vốn khởi lên trong các chúng sinh một cách tích cực. Song chúng không thể bứng gốc thân kiến vi tế ngủ ngầm trong họ, chúng cũng không thể bứng gốc khuynh hướng hoài nghi của họ. Chúng ta biết, khuynh hướng này, thân kiến vi tế này là nhân căn để hay hạt giống của mọi tà kiến.

* Thân Kiến Vi Tế Và Minh Sát Trí (sukhuma-attā diṭṭhi và Vipassanā-ñāṇa)

Khi, do quán vô thường, khổ, và vô ngã mà người ta đạt được minh sát trí, thân kiến vi tế và các trạng thái nghi đã bị dập tắt, song thân kiến cực kỳ vi tế và những hoài nghi ngủ ngầm vẫn còn nguyên vẹn.

* Thân Kiến Cực Kỳ Vi Tế Và Đạo Quả Trí (Ati-sukhuma attā-diṭṭhi và Magga-phala-ñāṇa)

Khi chánh kiến thuộc Nhập lưu thánh đạo và Nhập lưu thánh quả, tức chánh kiến đầu tiên trong bốn loại chánh kiến siêu thế, phát sanh, thân kiến cực kỳ vi tế và những hoài nghi ngủ ngầm đã bị trục xuất. Một khi thân kiến và nghi đã bị trục xuất hoàn toàn, những hành động độc ác, thấp hèn khiến người ta phải tái sinh trong bốn ác đạo cũng hoàn toàn bị dập tắt. Từ khoảnh khắc ấy 'tuệ nhãn', nhờ đó mà người ta có thể chứng ngộ Tứ thánh đế, sẽ khởi lên trong họ một cách thường trực và kiên định. Cho dù họ có phải trải qua các cõi nhân, thiên, và Phạm Thiên trong vòng luân hồi này, song họ sẽ thong dong như những người lương thiện và giới đức, đã an lập trong chánh kiến, giới hạnh, thiền định và trí tuệ; tất cả những điều này sẽ là thường và không bao giờ bị tiêu hoại. Họ sẽ luôn luôn là người hiền lương, giới đức thuộc các giai tầng cao, thọ hưởng sự giàu sang, vinh dự to lớn và có đông đảo kẻ hầu người hạ… Họ sẽ luôn luôn có khả năng thể nhập Tứ Thánh Đế.

Trên đây là lời giải thích về những lợi ích của Phật Pháp (Buddha's sāsana) mà một vị Nhập lưu (sotāpanna), người đã đạt đến thánh đạo và thánh quả đầu tiên, thọ hưởng.

Ví Dụ Cái Bát Sắt

Bần tăng xin nêu ra đây một ví dụ. Giả sử người kia kiếm được một cái bát sắt còn chắc chắn nhưng rất hoen gỉ. Anh liền bóc lớp gỉ bên ngoài ra bằng một cái đục và thấy được chất sắt màu sẫm. Bước thứ hai, anh ta đánh bóng bề mặt sẫm của cái bát sắt bằng bột đá và bột gạch thì thấy được lớp màu nguyên thủy của cái bát. Bước thứ ba, anh đánh bóng những tạp chất còn lại trên mặt bát bằng một loại bột đá rất mịn để mặt bát trở nên sáng hơn. Lúc ấy cái bát sắt sẽ không còn những tạp chất thô trên bề mặt.

Mặc dù cái bát đã hết tạp chất thô ở mặt ngoài, song những tạp chất tế và cực kỳ vi tế nằm ngầm bên trong bát vẫn không suy suyễn, nghĩa là chúng không mất đi mà còn nguyên vẹn như hồi nào đến giờ. Những tạp chất vi tế và cực kỳ vi tế nằm ngầm bên trong cái bát này là căn nguyên của các tạp chất thô có thể hình thành trên mặt ngoài của cái bát bất cứ lúc nào. Thỉnh thoảng khi cái bát bị ẩm hay tiếp xúc với nước acit hoặc nước muối - những nhân tố sinh ra tạp chất - thì những tạp chất tế và cực kỳ vi tế nằm ngầm trong cái bát sẽ giúp cho sự tăng trưởng của những tạp chất thô và cực thô trên bề mặt bát, và một lần nữa cái bát trở nên sẫm màu hoàn toàn.

Chủ nhân của cái bát trước đó đã đánh bóng mặt ngoài rồi liền nhúng nó vào dung dịch acit hay một hóa chất nào đó nhiều lần, và bỏ nó vô một cái nồi nấu kim loại được đốt nóng tới một nhiệt độ cao. Lúc ấy các tạp chất vi tế chứa trong cái bát đã trở nên trong sạch, nhưng các tạp chất cực kỳ vi tế trong cái bát sắt chưa hết, chúng vẫn còn nguyên như trước. Cái bát chưa loại hết được mọi tạp chất. Nếu nó tiếp xúc với các điều kiện có thể tạo thành tạp chất mới, thì một lớp bất tịnh mới sẽ lại hình thành trên bề mặt.

Cuối cùng, chủ nhân của cái bát đã được làm cho khá sạch trước đó, lại nhúng nó vào trong một dung dịch acit mạnh hơn hay một loại hóa chất được pha chế đặc biệt trong bảy ngày rồi nướng nó trên một ngọn lửa rất nóng trong bảy ngày và bảy đêm. Lúc đó tất cả những tạp chất cực kỳ vi tế chứa trong cái bát bị loại trừ hoàn toàn. Từ khoảnh khắc đó những tạp chất này không còn cơ hội để hình thành lại trong cái bát sắt. Cái bát giờ đây trở thành vô nhiễm có ánh sáng luôn luôn rạng rỡ. Nó đã trở thành một cái bát được xem là chói sáng như một vầng nhật nguyệt.

Ở đây, cái bát lúc gỉ sét còn tích tụ trong một thời gian dài cũng giống như kẻ phàm phu còn chấp chặt thân kiến trong vòng luân hồi bất tận vậy.

Khi những lớp dày của tạp chất thô đã được bóc ra bằng một cái đục, cũng giống như kẻ phàm phu kia đã tẩy trừ được tiền định kiến (pubbekata-hetu-diṭṭhi – quan niệm cho rằng mọi cảm thọ mà các chúng sinh thọ hưởng trong kiếp hiện tại là do nhân, do duyên nghiệp quá khứ), tạo hóa kiến (issaranimmāna-hetu-diṭṭhi– quan niệm cho rằng mọi cảm thọ mà các chúng sinh thọ lãnh trong kiếp hiện tại là do Thượng Đế tạo ra) và Vô nhân kiến (ahetuka-diṭṭhi– quan niệm về sự 'vô nhân và vô duyên' của hiện hữu) bằng chánh kiến về nghiệp (kammassakatā-sammādiṭṭhi– chánh kiến phát sinh từ việc hiểu rằng các chúng sinh là chủ nhân ông của nghiệp).

Cái bát sắt khi mặt ngoài của nó đã được đánh bóng bằng bột đá và bột gạch, cũng giống như kẻ phàm phu đã nhổ bật gốc được thân kiến rất thô bằng chánh kiến phân tích danh sắc (nāma-rūpa-pariggaha sammādiṭṭhi – chánh kiến phát sanh từ sự thấu triệt các đặc tính của những hiện tượng tâm-vật lý).

Cái bát sắt khi được đánh bóng cao cấp hơn một lần nữa bằng một loại bột rất mịn cũng giống như kẻ phàm phu đã xua tan được thân kiến kém thô hơn bằng chánh kiến phân biệt nhân duyên (hetu-paccaya-sammādiṭṭhi– chánh kiến phát sinh từ việc thấu triệt căn nguyên và các nhân khác của những hiện tượng tâm-vật lý).

Cái bát sắt khi những tạp chất vi tế nằm ngầm trong đó đã được làm cho trong sạch tới một mức nào đó bằng cách xử lý với acit mạnh và dung dịch hóa chất được pha chế đặc biệt rồi đốt nóng tới cao độ trong một cái nồi nấu kim loại, cũng giống như một người đã loại trừ được thân kiến bằng chánh kiến thuộc tri kiến minh sát (vipassanā-ñāṇa dassana-sammādiṭṭhi– chánh kiến phát sinh từ sự nhận thức với tuệ minh sát.)

Cái bát khi đã được chuyển đổi thành cái bát vô nhiễm bằng cách xử lý với acit cực mạnh hay một dung dịch hóa chất trong bảy ngày và bảy đêm, và được nướng trên một ngọn lửa cực nóng trong bảy ngày và bảy đêm khác, như vậy đã loại trừ tất cả những tạp chất một cách tuyệt đối, cũng giống như một vị thánh thuộc siêu thế vức, vị đã tuyệt trừ thân kiến cực kỳ vi tế bằng chánh kiến thuộc đạo quả siêu thế (lokuttarā magga-phala-sammādiṭṭhi – chánh kiến phát sanh từ sự chứng đắc các thánh đạo và thánh quả).

Những người giới đức mong muốn thọ hưởng những lợi ích của Phật Pháp nên cố gắng hết sức để chứng ngộ năm loại chánh kiến này.

Làm Thế Nào Để Có Được Danh Sắc Phân Tích Trí (Nāma-rūpa-pariggaha-ñāṇa)

Về năm loại Chánh kiến, phương pháp để có được kammassakattā-sammādiṭṭhiđã được giải thích tỉ mỉ trong một chương trước. Những người nỗ lực để có chánh kiến phân tích Danh-sắc (nāma-rūpa pariggaha-sammādiṭṭhi) nên ghi nhận thật kỹ và quán chỉ một danh pháp, danh pháp này nổi bật nhất trong số các hiện tượng tâm lý (Danh pháp), và cũng là một hiện tượng chính kết hợp bất khả phân với tất cả các tâm (bảy tâm sở biến hành : xúc, tác ý, thọ, tưởng, tư, nhất tâm và mạng quyền).

Nếu một người tu tập các căn tinh thần (ngũ căn : tín, tấn, niệm, định, tuệ) bằng cách tập trung trên một tâm sở cơ bản và quan trọng, tâm sở vốn kết hợp bất khả phân với tất cả tâm, thì các hiện tượng tâm lý khác cũng sẽ được bao hàm bởi sự quán này, chứ không cần phải quán riêng chúng.

Lời này là thực. Trong Nidānavaggacủa Tương Ưng Bộ Kinh (Samyutta-nikaaya), đức Phật tuyên bố rằng nếu một người tuệ tri xúc thực (phassa-āhāra – duyên của xúc), họ sẽ liễu tri ba loại thọ, lạc, khổ, bất lạc bất khổ (xả) và sẽ thành tựu cứu cánh (giải thoát).

Đức Phật, trong kinh này cũng tuyên bố, nếu một người tuệ tri tư niệm thực (mamo-sancetanāhāra– duyên của hành), họ sẽ liễu tri ba loại ái và thành tựu cứu cánh; và nếu một người tuệ tri thức thực (viññāṇāhara – duyên của thức), họ sẽ liễu tri danh sắc và thành tựu cứu cánh (giải thoát).

Trong Mahā-taṅhāsankhaya suttaNgài cũng dạy cho Đế Thích Thiên Vương (Sakka) rằng, nếu một người có thể tuệ tri thọ (vedanā), họ có thể thành tựu cứu cánh. Ngoài ra, có nhiều bản kinh khác đức Phật dạy phương pháp quán dựa trên một danh pháp (hiện tượng tâm lý) duy nhất mà thôi.

Trong việc quán sắc (các hiện tượng vật lý) cũng vậy, nếu một người quán tứ đại, họ có thể quán đại chủng nào dễ thấy nhất, và các hiện tượng vật lý (sắc pháp) khác cũng sẽ nằm trong tầm quán này.

Trong chương nói về Kiến tịnh (Diṭṭhi-visuddhi) của bộ chú giải Thanh Tịnh Đạo (Visuddhi-magga Aṭṭhakathā), tiến trình để tuệ tri các đặc tính của các hiện tượng tâm-vật-lý (Danh-Sắc) đã được trình bày rất đầy đủ và chi tiết, song những điều trình bày ở đó chỉ dành cho những người rất mực thông minh và đặc biệt cho những người đã hiểu rõ Vi Diệu Pháp. Nó không dành cho người mới bắt đầu thực hành thiền quán.

Lời này là thực, vì đức Chánh Biến Tri đã không dạy Tạng Diệu Pháp (Abhidhamma Piṭaka) này ở cõi nhân loại, nơi mà Ngài chỉ đề cập đến những pháp như các thiện nghiệp, năm uẩn, v.v… Tạng Diệu Pháp chỉ được Ngài dạy cho các vị chư Thiên trên Thiên giới Đạo Lợi (Tāvatimsa) mà thôi.

Nói chung, ở cõi nhân loại, đức Chánh Đẳng Giác chỉ dạy những hiện tượng tâm-vật-lý hay các Danh pháp và Sắc pháp nào thích hợp với chúng sinh ở đây, cũng như để giúp cho họ khả năng đạt đến trí thuộc chánh kiến siêu thế (lokuttarā-sammā diṭṭhi-ñāṇa) bằng cách quán các hiện tượng ấy. Ngài không dạy họ chi tiết tất cả các hiện tượng tâm vật lý làm gì.

Khi một người theo đuổi những công trình nghiên cứu về Phật giáo, họ sẽ hiểu tất cả những lời dạy trong Tạng Diệu Pháp. Tuy nhiên, khi một người đang quán các hiện tượng tâm-vật-lý nhằm có được chánh kiến thuộc tri kiến minh sát (vipassanā-ñāṇa dassana-sammādiṭṭhi) - tức là chánh kiến về tính chất vô thường, khổ, và vô ngã qua trí tuệ minh sát, họ không cần thiết phải biết tất cả những gì chứa đựng trong Tạng Diệu Pháp. Họ chỉ cần xem xét kỹ coi pháp môn kinh (suttanta-method) nào trong số các pháp môn đã được giảng dạy trong Trung bộ (Majjhima-Nikāya) hoặc Tương Ưng Bộ (Samyutta Nikāya) phù hợp nhất với mục đích của mình, rồi cố gắng để đạt đến Danh Sắc phân tích trí bằng pháp môn đó.

Để làm được như vậy, trước tiên hành giả phải có được những chỉ dẫn từ một bậc thầy thiền quán có khả năng và đã đắc danh-sắc phân tích trí (nāma-rūpa pariggaha-ñāṇa). Ngược lại, nếu hành giả chỉ dựa vào tri thức của mình và quán theo ý thích, có thể hành giả cũng thành tựu được mục tiêu mong mỏi, nhưng phải mất một thời gian khá lâu, hoặc có thể không hoàn thành tựu mục đích ấy cũng có.

Làm Thế Nào Để Có Nhân Duyên Phân Biệt Trí (Paccaya-pariggaha-ñāṇa

Trí phát sinh từ sự tuệ tri căn nguyên và những nhân khác của các hiện tượng tâm-vật lý)

Trong nỗ lực để đạt đến Chánh kiến phân biệt nhân duyên (hetu-paccaya-pariggaha-sammādiṭṭhi– chánh kiến phát sinh từ sự tuệ tri căn nguyên và các nhân khác của các hiện tượng tâm-vật-lý), hành giả phải quán các pháp sau hợp với tinh thần kinh văn: 'āhāra-samudaya rūpa samudayo' v.v…

1. Do có vật thực, các sắc sanh

2. Do có xúc, thọ sanh

3. Do có danh Sắc, thức sanh

4. Do nhãn căn và cảnh sắc làm duyên, nhãn thức sanh

5. Các hiện tượng tâm-vật-lý (danh-Sắc) khởi sanh theo nguyên lý Duyên Sanh.

Làm Cách Nào Để Đắc Minh Sát Tuệ

Khi tu tập các căn (ngũ căn tinh thần) để đạt đến tuệ minh sát, hành giả phải quán như sau:

1. Do vật thực diệt, các sắc diệt

2. Do xúc diệt, thọ diệt

3. Do các hành nghiệp diệt, thức diệt

4. Do thức diệt, danh sắc (hay các hiện tượng tâm-vật-lý) diệt.

5. Do danh Sắc diệt, lục nhập diệt.

6. Do lục nhập diệt, xúc diệt.

7. Do xúc diệt, thọ diệt.

8. Do thọ diệt, ái diệt.

Như vậy, bất cứ khi nào các nhân diệt, các quả cũng sẽ diệt.

Theo lời Đức Phật dạy: ‘yadaniccam, tam dukkham’, pháp nào thực sự vô thường (anicca), pháp ấy hoàn toàn không có lạc (sukha), và trong thực tế đó chỉ là khổ (dukkha)thuần túy.

Yam dukkham tadanattā’, pháp (dhamma) nào chỉ thuần khổ (dukkha), thời không thể nương vào (pháp ấy) như là tự ngã (atta). Pháp thuần chỉ có khổ này không nên xem như một pháp có thể bị thống trị bởi ý muốn của con người vậy.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]