Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

25. Chương 17: Tám Loại Khổ

12/09/201223:08(Xem: 14889)
25. Chương 17: Tám Loại Khổ
Tsongkhapa
ĐẠI LUẬN VỀ
GIAI TRÌNH CỦA ĐẠO GIÁC NGỘ
Tập 1
(Bồ-đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận – Quyển Thượng)
Nhóm Dịch Thuật Lamrim Lotsawas
༄༅༎ བྱང་ཆུབ་ལམ་རིམ་ཆེན་མོ་། །།ཀ།།
རྗེ་ཙོང་ཁ་པ་བློ་བཟང་གྲགས་པ༎

Chương 17: Tám Loại Khổ

2) Điều phục tâm trong các giai trình đạo của người có khả năng trung bình

a) Huấn luyện tâm trí

i) Xác định thế nào là tâm hướng tới giải thoát

ii) Phương pháp phát triển tâm hướng tới giải thoát

a’ Suy ngẫm về khổ và nguồn gốc của khổ

1’ Suy ngẫm về khổ đế - những khuyết điểm của sinh tử luân hồi

a” Cho thấy tầm quan trọng của việc Đức Phật khẳng định khổ đế là chân lý đầu tiên của Tứ Đế[1]

b” Cách thiền quán thực tế về khổ

1”Suy ngẫm về cái khổ chung của sinh tử luân hồi

(a) Suy ngẫm về tám loại khổ

(i) Khổ của việc sinh ra đời

(ii) Khổ của tuổi già

(iii) Khổ của bệnh

(iv) Khổ của chết

(v) Khổ của việc phải gặp điều bất như ý

(vi) Khổ của việc phải xa lìa điều như ý

(vii) Khổ của việc không có được những thứ mình muốn

(viii) Khổ của ngũ uẩn bị chiếm hữu

––––\––––

2)Điều phục tâm trong các giai trình đạo của người có khả năng trung bình [206]

Con xin cung kính cúi đầu trước các vị thầy tôn kính với tâm bi mẫn rộng lớn.

Hãy ghi nhớ {giữ chính niệm} tới cái chết và suy ngẫm về việc quý vị sẽ sa vào một cảnh giới khốn khổ sau khi chết. Hãy hướng tới tâm xa lìa thế gian và siêng năng mưu cầu một kiếp tái sinh hạnh phúc. Nếu quý vị nỗ lực từ bỏ tội lỗi và trau dồi đức hạnh qua việc thực hành đúng chuẩn mực về quy y và qua suy ngẫm về các nghiệp thiện và bất thiện và sự chắc chắn về kết quả của các nghiệp này, quý vị sẽ có được một kiếp tái sinh hạnh phúc. Tuy nhiên, đừng mãn nguyện với việc chỉ cần đạt được điều này mà thôi: sau khi quý vị đã phát triển thái độ của người có căn cơ nhỏ, hãy phát triển thái độ của người có khả năng trung bình – đó là, hãy ghê chán tất cả sinh tử luân hồi. Trên cơ sở này, quý vị có thể ước mong trở thành người có khả năng lớn bằng cách phát triển tâm giác ngộ tối thượng.

Do đó, quý vị phải tu tập thái độ của người có căn cơ trung bình. Tại sao? Bởi vì ngay cả khi quý vị đạt được địa vị của một vị thánh hoặc của người, quý vị sẽ sai lầm nếu quý vị tin một vị thế như vậy là có khả năng hỷ lạc do bản chất, bởi vì quý vị vẫn chưa thoát được cái khổ vì duyên sinh[2]. Cho nên, trên thực tế, quý vị không có được một hạnh phúc nào cả – đời sống của quý vị rồi cũng sẽ đi đến một kết thúc tệ hại, bởi vì chắc chắn quý vị sẽ lại rơi vào một cảnh giới khốn khổ. Kiếp sống con người hoặc kiếp sống ở cõi trời cũng giống như đang nghỉ trên con vách đứng ngay trước khi rơi xuống vực thẳm. Trong Nhập Bồ-đề Hành Luận:[3]

Sau khi đã liên tục được những kiếp tái sinh hạnh phúc,

Và được hưởng nhiều vui thú ở đó,

Ngươi sẽ chết và rơi vào đau khổ lâu dài

Và không thể chịu nổi của các cảnh giới khốn khổ.

Thư Gửi Đệ Tử[4], của ngài Nguyệt Quan:

Ngươi liên tục quay vòng trong sinh tử luân hồi,

Tuy vậy ai vào được một cảnh giới hạnh phúc, lầm tưởng tịch tĩnh đã là hạnh phúc

Chắc chắn sẽ lại bất lực lang thang

Qua hàng trăm cõi giống và không giống vậy.

Do đó, quý vị không được có một chút ảo mộng nào về các cõi hạnh phúc như là mình đã từng không còn ảo mộng về các cõi khổ đau. Như Tứ Bách Kệ Tụng{Bốn Trăm Câu Kệ} của ngài Thánh Thiên nói:[5]

Các cảnh giới cao làm người trí kinh sợ

Như là sợ địa ngục.

Khó có kiếp sống nào

Lại không làm họ kinh sợ.

Lại nữa, Bát Thiên Bảo Đức Tập Kệ{Kệ Tóm Tắt Trí Tuệ Bát Nhã Tám Ngàn Dòng} nói:[6]Những ai có tâm trí bám víu vào sinh tử luân hồi sẽ liên tục không ngừng trôi lăn ở đó.

Thư Gửi Đệ Tử:[7]

Ngươi càng nhận thấy mọi chúng sinh hạnh phúc,

Bóng tối mê lầm của ngươi càng dày đặc.

Ngươi càng nhận thấy mọi chúng sinh đau khổ,

Bóng tối mê lầm của ngươi càng giảm đi.

Ngươi càng suy nghĩ về điều vui thú,

Lửa tham luyến càng lan rộng thêm.

Ngươi càng suy nghĩ về điều khó chịu,

Lửa tham luyến càng giảm bớt đi.

Từ thời vô thủy quý vị đã bị điều kiện hóa để tin rằng các điều kỳ diệu của dòng luân hồi là các cội nguồn của hạnh phúc, và quý vị đã có thói quen phóng tưởng lên chúng một hình ảnh sai lầm coi chúng là đẹp đẽ. Nhưng nếu, như là một cách đối trị, quý vị tập thiền quán về những khổ đau và khó chịu của nó, quý vị sẽ diệt trừ được những ý niệm sai lầm này. Ngài Nguyệt Quan nói rằng nếu quý vị xao lãng thiền quán về những điều này, vô minh và tham luyến sẽ tăng trưởng, và quý vị sẽ tiếp tục cung cấp nhiên liệu cho quá trình sinh tử luân hồi. Do đó, điều tối quan trọng là phải thiền quán về những khuyết điểm của dòng luân hồi.

Những khuyết điểm của dòng luân hồi được giải thích trong ba phần sau đây:

1. Huấn luyện tâm trí (Chương 17-21)

2. Mức quyết tâm muốn được tự do (Chương 22)

3. Phá tan quan niệm sai lầm (Chương 22)

a)Huấn luyện tâm trí

Được giải thích trong hai phần:

1. Xác định thế nào là tâm hướng tới giải thoát

2. Phương pháp phát triển tâm hướng tới giải thoát

i)Xác định thế nào là tâm hướng tới giải thoát

Giải thoát có nghĩa là được tự do thoát khỏi ràng buộc, và các thứ trói buộc quý vị vào dòng luân hồi là nghiệp và phiền não. Bị chúng khống chế, các uẩn[8]được tái sinh theo cách ba tầng: về ba cõi thì các uẩn sinh ra ở dục giới, và v.v.; về loại chúng sinh, chúng được sinh ra làm năm loại [trời, người, súc sinh, ngạ quỷ và địa ngục] hoặc sáu loại [năm ở trên cộng với a-tu-la]; và về loại tái sinh, chúng được sinh ra bằng bốn cách – sinh từ dạ con, sinh từ trứng, sinh từ nhiệt và ẩm, và hốt nhiên sinh ra[9]. Vì đây là bản chất của sự trói buộc, sự tự do không bị nghiệp và phiền não thôi thúc phải tái sinh chính là sự giải thoát và ước muốn đạt được tự do đó chính là tâm hướng tới giải thoát. Trong từng thời điểm, hoạt động tác hợp của nghiệp và phiền não sinh lên rồi diệt, nhưng sự tiêu diệt này không phải là giải thoát. Cho dù các pháp được sinh ra sẽ không tồn tại trong một sát-nathứ hai, sự tiêu diệt này không tùy thuộc vào các duyên dẫn tới giải thoát, chẳng hạn như sự tu tập một phương cách đối trị [trí tuệ vô ngã]. Nếu đây là giải thoát thì mọi người đã được giải thoát mà chẳng cần nỗ lực gì, và đó là điều vô lý. Do đó, nếu quý vị không tu tập cách đối trị, trong tương lai quý vị sẽ lại tái sinh, bởi vì quý vị chỉ có thể chấm dứt tái sinh bằng cách tu tập biện pháp đối trị.

ii)Phương pháp phát triển tâm hướng tới giải thoát

Sự mong muốn hết khổ vì khát nước dựa trên cơ sở nhận thấy rằng quý vị không muốn bị dày vò do cái khát. Cũng vậy, ý muốn được giải thoát – tức là làm dứt cái khổ do các uẩn bị nghiệp và phiền não chiếm hữu – dựa vào việc nhận ra rằng các uẩn bị chiếm hữu là khuyết điểm đến mức như là chúng có sự đau khổ trong bản chất của chúng. Trừ khi quý vị phát khởi quyết tâm từ bỏ luân hồi qua việc thiền quán về các khuyết điểm của nó, quý vị sẽ không mưu tìm việc chấm dứt cái khổ của các uẩn bị chiếm hữu. Tứ Bách Kệ Tụng:[10]

Làm sao những người chưa hết bị mê hoặc

Với thế giới này lại hiểu được giá trị của sự an bình?

Dòng luân hồi, cũng giống như nhà ở,

Khó mà từ bỏ.

Phát triển tâm hướng tới giải thoát gồm có hai phần:

1. Suy ngẫm về khổ và nguồn gốc của khổ (Chương 17-20)

2. Suy ngẫm từ cái nhìn của mười hai nhân duyên (Chương 21)

a’ Suy ngẫm về khổ và nguồn gốc của khổ

Được giải thích bằng hai phần:

1. Suy ngẫm về khổ đế - các khuyết điểm của dòng luân hồi (Chương 17-19)

2. Suy ngẫm về quá trình sinh tử luân hồi về mặt nguồn gốc của nó (Chương 20)

1’ Suy ngẫm về khổ đế - các khuyết điểm của dòng luân hồi

Suy ngẫm về khổ đế sẽ được giải thích về các phương diện:

1. Trình bày tầm quan trọng của việc Đức Phật khẳng định khổ đế là chân lý đầu tiên trong Tứ Đế

2. Cách thiền quán thực tế về khổ

a” Trình bày tầm quan trọng của việc Đức Phật khẳng định khổ đế là chân lý đầu tiên trong Tứ Đế

Thắc mắc: [209] Nguồn gốc thực là nguyên nhân và đau khổ thực là kết quả. Vậy tại sao đức Thế Tôn lại đảo ngược thứ tự này, đau khổ đi trước nguồn gốc, và nói: “Các thầy, đây là chân lý cao cả về khổ; đây là chân lý cao cả về nguồn gốc của khổ”?

Trả lời: Trong trường hợp này, đấng Đạo Sư đảo ngược chuỗi nguyên nhân và kết quả, không phải vì lầm lẫn, nhưng vì sự đảo ngược này có tầm mức rất quan trọng cho việc thực hành. Tại sao? Nếu đầu tiên các đệ tử không phát khởi được một quyết tâm đúng mức để tự giải thoát mình khỏi dòng luân hồi, họ sẽ cắt đứt ngay chính cội rễ của giải thoát. Khi đó làm sao Ngài có thể dẫn dắt họ tới giải thoát được? Như thế, từ lúc đầu, bóng tối vô minh bao trùm các đệ tử; họ lầm tưởng những điều kỳ lạ của dòng luân hồi – mà thực ra là khổ đau – là hạnh phúc. Như Tứ Bách Kệ Tụngnói:[11]

Thật dại dột! Nếu không có bất cứ một kết thúc nào

Cho biển khổ đau này,

Tại sao ngươi,

Người bị vướng mắc trong đó, lại không sợ hãi?

Khi nói “Thật ra [dòng luân hồi] này không phải là hạnh phúc nhưng là khổ đau”, đức Phật giải thích nhiều loại khổ đau, và hướng dẫn các đệ tử để họ không còn ham mê sinh tử luân hồi và nhận ra nó là khổ đau. Vì đây là điều kiện tiên quyết cần thiết nên đầu tiên Đức Phật nói về khổ đế.

Một khi quý vị nhận ra khổ đau, quý vị thấy mình bị nhận chìm trong biển khổ và nhận ra rằng nếu quý vị muốn được giải thoát khỏi khổ đau, quý vị phải kháng cự lại. Hơn nữa, quý vị nhận ra rằng quý vị không thể chấm dứt khổ đau trừ khi quý vị kháng cự lại nguyên nhân của nó. Bằng cách tìm hiểu nguyên nhân của khổ, quý vị hiểu được nguồn gốc đích thực của nó. Do đó, tiếp theo đức Phật nói chân lý về nguồn gốc của khổ {tập đế}. [210]

Kế tiếp quý vị phát triển một hiểu biết về tập đế, hiểu rằng nghiệp ô nhiễm sinh ra cái khổ của sinh tử luân hồi, rằng phiền não sinh ra nghiệp và rằng ý niệm về ngã là gốc rễ của phiền não. Khi quý vị thấy mình có thể diệt trừ ý niệm về ngã, quý vị thề nguyện sẽ thành tựu sự chấm dứt ý niệm này và đây cũng là chấm dứt khổ đau. Vì vậy, tiếp theo đó Đức Phật nói về chân lý đoạn diệt {diệt đế}.

Thắc mắc: Nếu việc giảng dạy khổ đế thúc đẩy ước muốn giải thoát, sao đức Phật lại không dạy diệt đế ngay sau khi dạy khổ đế?

Trả lời: Không có sai lầm gì cả. Tại sao? Vào lúc này, sau khi quý vị nhận ra khổ đế, quý vị ước muốn được giải thoát và nghĩ: “Phải chi ta đạt được đoạn diệt làm tiêu tan khổ đau này!” Nhưng nếu quý vị chưa xác định được nguồn gốc của khổ đau, và chưa thấy rằng mình có thể diệt trừ được nguyên nhân đó, quý vị chưa thể coi giải thoát là điều có thể đạt được và như thế sẽ không nghĩ: “Ta sẽ thành tựu được đoạn diệt”.

Bằng cách này, khi quý vị quả thật suy nghĩ. “Ta sẽ thành tựu đoạn diệt mà đoạn diệt này là giải thoát”, quý vị sẽ quan tâm đến đạo đế, thắc mắc về con đường dẫn tới đoạn diệt này. Vì lý do này, Đức Phật sau cùng mới nói tới chân lý đường đạo {đạo đế}.

Cũng bằng cách này, Tối Cao Mật Điểnnói:[12]

Nhận ra mình bị bệnh; diệt trừ nguyên do của căn bệnh;

Đạt được sức khỏe; nương tựa vào cách trị bệnh.

Cũng vậy, ngươi phải nhận ra, diệt trừ, đạt được và nương tựa vào

Theo thứ tự khổ, nguyên nhân của khổ, sự đoạn diệt của khổ, và đường đạo.

Hiểu Như vậy, Tứ Đế đã được liên tục giảng dạy trong khắp cả Đại Thừa lẫn Tiểu Thừa. Bởi vì Đức Như Lai đã bao gồm trong Tứ Đế những điểm quan yếu về quá trình luân hồi và sự đoạn diệt của nó, đây là giáo lý thiết yếu để đạt tới tự do. Bởi vì những nét đại cương tóm lược để thực hành này là điều quan trọng nên phải được dạy cho đệ tử theo đúng thứ tự này. Tại sao? Trừ khi quý vị suy ngẫm về khổ đế cho tới mức quý vị ghê chán sinh tử luân hồi, nếu không thì ước muốn giải thoát của quý vị sẽ chỉ là chữ nghĩa suông, và bất cứ điều gì quý vị làm chỉ dẫn đến nguồn gốc khổ đau thêm. Trừ khi quý vị suy ngẫm về nguồn gốc của khổ cho tới khi quý vị hiểu rõ cội rễ của sinh tử luân hồi, đó là nghiệp và phiền não, nếu không thì quý vị sẽ giống như người bắn cung không nhìn thấy mục tiêu – quý vị sẽ bỏ mất những điểm trọng yếu của đường đạo. Quý vị sẽ lầm cái không phải đường đạo dẫn tới giải thoát khỏi sinh tử luân hồi là đường đạo và chỉ làm suy kiệt sức mình mà không có kết quả. Sau cùng, nếu quý vị không hiểu sự cần thiết phải diệt trừ khổ và nguồn gốc của khổ, quý vị cũng sẽ không nhận ra giải thoát mà chính giải thoát này loại trừ khổ đau và nguồn gốc của khổ đau; [211] do đó sự quan tâm của quý vị về giải thoát sẽ chỉ là sự tự cao tự đại mà thôi.

b” Thiền quán thực tế về khổ

Thiền quán thực tế về khổ đuợc giải thích trong hai phần:

1. Suy ngẫm về cái khổ chung của sinh tử luân hồi (Chương 17-19)

2. Suy ngẫm về những cái khổ riêng (Chương 19)

1” Suy ngẫm về cái khổ chung của sinh tử luân hồi

Phần này được chia thành ba mục:

1. Suy ngẫm về tám loại khổ

2. Suy ngẫm về sáu loại khổ (Chương 18)

3. Suy ngẫm về ba loại khổ (Chương 19)

(a)Suy ngẫm về tám loại khổ

Thiền quán theo những gì được trình bày trong Bằng Hữu Thư[13]của ngài Long Thọ:

Tâu Bệ Hạ[14], hãy thôi say mê sinh tử luân hồi,

Đó là nguồn gốc của nhiều khổ đau –

Bị cướp mất những thứ ngài muốn,

Cái chết, bệnh tật, tuổi già, và v.v.

Ở đây, nuôi dưỡng một ý thức thôi say mê dòng luân hồi có nghĩa là suy ngẫm về nó, thấy đó là nguồn gốc của rất nhiều đau khổ. Tám loại khổ bao gồm bốn loại mà ngài Long Thọ nói rõ {trong bài kệ trên} – bị cướp mất những thứ mình muốn, v.v. – cũng như bốn cái khổ còn lại được hiểu bằng chữ “v.v..”.[15]Đức Thế Tôn dạy về tám cái khổ này trong nhiều kinh điển khi ngài nhận dạng Khổ đế.

Trong mỗi thời quý vị thiền quán về giáo lý chung với người có khả năng trung bình, quý vị cũng dùng những giáo lý chung mà tôi đã giải thích trong phần nói về việc thực hành thích hợp cho người có khả năng nhỏ. Về những giáo lý không dùng chung với người có khả năng nhỏ, nếu tâm quý vị mạnh, hãy bền vững thực hành chúng trong thiền quán đúng như cách ta viết ở đây; nếu tâm quý vị yếu, hãy bỏ qua phần đọc tụng kinh điển, chỉ thiền quán về ý nghĩa những điểm tôi đã phác lược ở đây.

Mặc dù đây là những thiền quán phân tích, tuy vậy đối với cảnh giới trong tâm, quý vị vẫn phải chặn đứng trạo cử, v.v...,[16]trong sự liên hệ đến đối tượng tinh thần của quý vị, thì đừng dính mắc vào các thứ khác – thiện, bất thiện, hoặc trung tính về mặt đạo đức – ngoại trừ đối tượng mà quý vị đang thiền quán. Không để cho tâm mình bị rơi vào ngủ quên, tối nặng, hoặc buông lung, hãy thiền quán liên tục trong trạng thái tâm thức trong suốt và thanh khiết. Bởi vì như Nhập Bồ-đề Hành Luậnnói, thực hành thiện pháp sẽ có ít kết quả nếu tâm xao lãng:[17]

Bậc Thấy Biết Thực Tại[18]đã nói rằng

Cầu nguyện, khổ hạnh, và những thứ như thế –

Cho dù thực hành trong một thời gian lâu dài –

Cũng không ích lợi gì nếu thực hành với tâm xao lãng. [212]

Cũng vậy, Đại Thừa Dưỡng Tín Kinh(Mahâyâna-prasaḍa-prabhâvanâ-sûtra) nói:[19]

Này đứa con của gia đình thiện hảo, từ những điểm liệt kê này ngươi nên biết rằng niềm tin vào Đại Thừa của những bậc Bồ-tát, và tất cả những gì sinh ra từ Đại Thừa, xuất phát từ việc thiền quán đúng đắn ý nghĩa và giáo pháp với tâm không xao lãng.

Ở đây: “tâm không phân tán” có nghĩa là tâm không lang thang tới các đối tượng không phải là đối tượng thiện hảo đang được thiền quán; “ý nghĩa và giáo pháp” chỉ ý nghĩa và từ ngữ; và “thiền quán đúng đắn” có nghĩa là phân tích và suy ngẫm với sự phân biệt. Điều này cho thấy rằng bất cứ sự thành tựu một phẩm hạnh thiện lành nào trong ba thừa cũng đều đòi hỏi cả sự chú tâm không sao lãng lẫn sự phân biệt bằng phân tích. Do đó, Đức Phật nói bất cứ sự thành tựu một phẩm hạnh thiện lành nào trong ba thừa cũng đều đòi hỏi một tình trạng tâm vừa có (1) [định], một sự định từ thiền thực sự, hoặc một tình trạng tương tự như vậy, nhất tâm trụ trên đối tượng thiện đức, không xao động ra khỏi đối tượng đó; và (2) [tuệ], một sự thấu suốt, hoặc một phẩm chất tương tự như vậy, phân tích kỹ càng một đối tượng thiền quán thiện đức và phân biệt được cả bản chất chân thật và tính đa dạng của các hiện tượng. Tương tự, Kinh Giải Thâm Mật(Saṃdhi-nirmocana-sûtra) nói:[20]

Di-lặc, ngươi nên biết rằng tất cả các phẩm hạnh thiện lành, thế gian hoặc xuất thế gian, của bậc Thanh Văn, Bồ-tát hoặc của các Đức Như Lai là do kết quả của định và tuệ.

Lý giải “định từ thiền” và “tuệ giác” ở đây là bao gồm cả định và tuệ thật sự và các tình trạng tâm tương tự như vậy. Bởi vì quý vị không chắc chắn là tất cả các phẩm hạnh thiện đức của ba thừa đều phát triển như là kết quả của định và tuệ thật sự.

(i)Khổ của việc sinh ra đời

Có năm điểm để thiền quán:

1) Sinh là khổ bởi vì nó liên quan đến đau đớn: [213] Sinh đi kèm theo nhiều cảm giác đau đớn dữ dội cho bốn loại chúng sinh sau đây: chúng sinh sinh ra ở địa ngục, ngạ quỉ lúc nào cũng đau khổ, chúng sinh sinh ra từ dạ con, và chúng sinh từ trứng sinh ra.

2) Sinh là khổ bởi vì nó liên hệ đến những khuynh hướng bất toàn:[21]tất cả các yếu tố cấu hợp {hữu vi} của ba giới, bởi vì chúng liên hệ tới các khuynh hướng bất toàn mà các khuynh hướng này khế hợp với lớp của các phiền não, nên không thích hợp [cho việc phục vụ đức hạnh] và không thể kiểm soát được. Hơn nữa, một khi quý vị sở hữu những yếu tố cấu hợp của một chúng sinh trong ba cõi, quý vị cũng bị trói buộc vào các khuynh hướng bất toàn mà các khuynh hướng này khế hợp với lớp của các phiền não. Tóm lại, vì các yếu tố cấu hợp có liên hệ tới các hạt giống mà các hạt giống này phát khởi, duy trì và làm tăng trưởng các phiền não, nên chúng không thích hợp cho việc phục vụ đức hạnh; hơn nữa, quý vị không thể kiểm soát được chúng như quý vị muốn.

3) Sinh làkhổ bởi vì nguồn gốc của khổ chính là: quý vị sinh ra trong ba cõi và trên cơ sở đó, quý vị phải khổ vì già, bệnh và chết.

4) Sinh là khổ bởi vì nó là nguồn gốc của các phiền não: khi quý vị sinh ra trong dòng luân hồi, tam độc của tâm phát khởi đối với các đối tượng của tham, sân và si và kết quả là thân và tâm bị bất an và đau đớn, và quý vị không thể có hạnh phúc. Phiền não dày vò thân tâm quý vị bằng rất nhiều cách.

5) Sinh là khổ bởi vì đó là một chia lìa không ai muốn: sinh nào cũng kết thúc bằng cái chết, đó là điều không ai muốn và {điều đó} chỉ khiến cho quý vị phải chịu khổ đau mà thôi.

Do đó, ngay lúc sinh ra quý vị đã bị trói buộc vào đau đớn và phải chịu những khuynh hướng bất toàn. Sinh dẫn tới bệnh, già, v.v. cũng như dẫn tới phiền não và cái chết. Hãy cũng suy xét xem bằng cách nào những thứ này gây ra đau khổ.

Đặc biệt là những đau khổ mà quý vị phải trải qua trong bụng mẹ như được mô tả trong Đệ Tử Thư{Thư Gửi Học Trò} của ngài Nguyệt Quan[22][214]

Sau khi ngươi nhập thai, tình trạng này giống như địa ngục,

Ngươi bị vây hãm bởi cái dơ bẩn hôi tanh

Và bị vây hãm trong bóng đen tối kịt.

Thân ngươi bị bó rọ, ngươi phải chịu khổ đau khôn cùng.

Kinh Nhập Thaigiải thích nghĩa của những từ ngữ này:[23]

Dơ dáy với các khối lượng nước tiểu, những chất tựa như óc, nước bọt dày đặc, và chất tủy, thai nhi nằm ở phía trên ruột và bên dưới bao tử, trong một chỗ đầy những chất dơ dáy và là ổ chứa của không biết cơ man nào là vi khuẩn, với hai lỗ rất hôi thối và những chỗ trống và lỗ hổng trong xương. Phía trước của thai nhi hướng về xương sống và lưng hướng về thành bao tử. Nó được nuôi dưỡng hàng tháng bằng máu tử cung của mẹ nó. Những mảnh thực phẩm mà mẹ nó ăn được nghiền bằng hai hàm răng rồi nuốt xuống. Trong khi được nuốt xuống, thức ăn được thấm nước từ bên dưới bằng nước bọt và chất nước rỉ ra từ các vết mụn trong miệng, trong khi lại còn bị làm cho dơ bẩn từ phía trên bằng nước bọt đặc sệt. Những chất còn lại của thức ăn giống như đồ nôn mửa này đi vào từ bên trên qua lỗ của cuống rốn làm cho bào thai tăng trưởng. Qua các trình tự đặc lại, rung động, kéo dài và gom tròn, bào thai được hoàn toàn chuyển hóa thành thai nhi với tay và chân. Nhau bao bọc tay chân và má. Có mùi hôi giống như một miếng giẻ cũ dành để lau đờm dãi, mùi tanh hôi thật không thể chịu nổi. Phủ kín trong bóng tối dầy đặc, nó di chuyển lên xuống. Những vị đắng, chua, cay, mặn, hăng, và chát của thức ăn tác động tới nó như than nóng vậy. Giống như giun sán, nó sống bằng những chất lỏng dơ dáy; nó ở trong một đầm lầy rỉ ra chất dơ bẩn đang thối rữa. Sức sống của nó không ổn định. Sức nóng của cơ thể mẹ nó dày vò, làm nóng và làm cho nó nóng quá độ ở ba mức: ít, vừa, và cao độ. Nó phải trải qua cái đau đớn khốn khổ, cực độ, dữ dội và không thể chịu nổi. Bất cứ khi nào mẹ nó di chuyển một chút, di chuyển vừa phải hoặc di chuyển nhiều, nó cũng di chuyển như vậy, bị ức chế bằng năm thứ xiềng xích.[24][215]Nó phải trải qua cái đau đớn khốn khổ, cực độ, dữ dội, không thể chịu nổi, và hầu như không thể nào ý niệm được, dường như là nó bị đẩy vào trong một hầm than đang cháy rực.

Tương tự, người ta nói rằng thai nhi bị tổn thương trong dạ con khi người mẹ ăn quá nhiều hoặc quá ít; ăn thực phẩm quá béo, cay, lạnh, nóng, mặn, chua, ngọt, đắng, hăng, hoặc chát; say mê tình dục quá mức; chạy quá nhiều hoặc quá nhanh; nhảy hoặc bơi lội; ngồi hoặc ngồi xổm trước lửa. Người ta cũng nói rằng thai nhi bị bao tử giam hãm và ruột giữ chặt lại, giống như là nó bị trói buộc bằng năm thứ xiềng xích hoặc bị xiên mình trên cọc nhọn.

Lại còn có thêm những đau khổ khác nữa khi đứa trẻ chui từ dạ con và được sinh ra ngoài. Đệ Tử Thưcủa ngài Nguyệt Quan nói:[25]

Nó bị nghiền từ từ, giống như những hột mè trong máy ép dầu.

Và rồi bằng cách này hoặc bằng cách khác nó được sinh ra.

Tuy nhiên, những ai không mất mạng tức thì

Phải an phận chịu đau đớn.

Thân thể sống và lớn lên trong dơ bẩn

Bị trây đầy chất nhờn của dạ con và có mùi tanh hôi không thể chịu nổi.

Trí nhớ bị mất đi vì bị hành hạ như vậy,

Giống như có một mụn nhọt sưng đỏ bị vỡ bật hoặc như sắp sửa nôn thốc tháo ra.

Kinh Nhập Thaigiải thích nghĩa của những từ ngữ này:[26]

Vì thế, khi tất cả các chi lớn và chi nhỏ đã phát triển, thai nhi cọ quậy trong một chỗ nước tiểu, tối đen ghê gớm, ở đó rỉ ra những chất rữa nát, mùi tanh hôi không thể chịu nổi, bị ô nhiễm vì phân và nước tiểu, và liên tục nhỏ ra chất dơ dáy hôi thối, máu và các chất lỏng rữa thối. Năng lực sinh ra bằng sự chín mùi của các nghiệp khi trước khiến chân nó xoay lên và đầu quay xuống hướng về lối ra. Cả hai cánh tay bị gò lại, nó bị nghiền nhè nhẹ, nghiền vừa vừa và hoàn toàn bị nghiền nát giữa hai cái máy bằng xương. [216] Những đau đớn khốn khổ, cực độ, dữ dội và không thể chịu nổi khiến cho tất cả các chi của thân thể – đau như vết thương còn mới – biến thành màu xanh. Tất cả các cơ quan của thân thể đều nóng lên. Bởi vì chất nhờn của tử cung bây giờ đã giảm nhiều, bề mặt của thân thể khô đi, do đó môi, cổ họng, và tim bị khô nứt ra. Bị ức chế và đầy những sợ hãi không thể chịu nổi, nó trồi ra – cho dù việc này có thể khó khăn như thế nào đi chăng nữa – khi bị lôi ra vì ảnh hưởng của các nhân duyên, bằng các năng lực từ sự chín mùi của các nghiệp khi trước. Một khi ra ngoài rồi, không khí nung đốt giống như a-xít đổ lên vết thương; chỉ cần tay hoặc miếng vải chạm phải cũng cảm thấy giống như vết chém của gươm đao. Nó phải trải qua đau đớn khốn khổ, cực độ, dữ dội và không thể chịu nổi.

Người ta nói rằng khi được ẵm vào lòng và những hành động giống vậy, hoặc bị các vật nóng hay lạnh chạm phải, đứa bé mới sinh phải chịu đau đớn khốn khổ, cực độ, dữ dội và không thể chịu nổi, giống như con bò đã bị lột da đang bị giòi bọ ăn hoặc một người cùi mà các vết lở loét bị đánh bằng roi.

Trong tám loại khổ, hãy coi cái khổ đầu tiên này, cùng với cái khổ thứ tám [khổ của ngũ uẩn bị chiếm hữu], là trọng yếu nhất và thiền quán về cả hai cái khổ này. Cho nên, như được giải thích trước đây, quý vị phải luôn quán xét chúng với trí tuệ phân biện và thiền quán về chúng.

(ii)Khổ của tuổi già

Có năm điểm để suy ngẫm:

1) Thân thể đẹp đẽ bị suy hoại: lưng bị cong giống như cây cung; đầu bạc trắng giống như bông cỏ dra-wa (spra-ba); những vết nhăn phủ trên trán giống như những vết hằn trên thớt. Bằng những cách như vậy, tuổi trẻ tiêu mòn đi và quý vị không còn nét quyến rũ nữa.

2) Sức khỏe thể chất và sinh lực suy tàn: thí dụ, khi ngồi xuống, quý vị rớt xuống giống như một bao đất bị cắt khỏi dây treo; khi đứng dậy, giống như nhổ đứt rễ một thân cây; khi nói, quý vị không có mạch lạc đầu đuôi; và khi đi, quý vị loạng choạng muốn té. [217]

3) Các giác quan suy tàn: mắt quý vị không còn nhìn rõ ràng các hình dạng, v.v...; trí nhớ và các khả năng khác suy yếu vì tình trạng hay quên cực độ, và v.v.

4) Sự vui thú đối với các đối tượng giác quan cũng mờ nhạt đi: quý vị khó tiêu hóa thức ăn thức uống, và không thể vui thú với những đối tượng ưa thích nữa.

5) Sự suy tàn của sinh mệnh thật là đau đớn: khi mạng sống đi gần tới chỗ tận tuyệt, quý vị mau chóng hướng tới cái chết.

Suy nghĩ đi suy nghĩ lại về những điểm này. Như Thần Thông Du Hý Kinhnói:[27]

Khi tuổi già tiến tới và chúng ta đã vượt qua một điểm nào đó,

Chúng ta giống như cây bị sét đánh,

Héo tàn vì tuổi già giống như căn nhà khủng khiếp, hư nát.

Ôi bậc trí giả, xin hãy mau nói về một cách để thoát khỏi tuổi già.

Tuổi già làm suy yếu số đông đàn ông và đàn bà

Như trận bão làm rơi rụng những dây leo bám vào khóm cây sal.

Tuổi già cướp mất sinh lực, tài khéo và sức khỏe của chúng ta –

Như thể chúng ta bị kẹt trong bùn lầy.

Tuổi già làm thân thể quyến rũ không còn hấp dẫn.

Tuổi già cướp mất vẻ huy hoàng và sức mạnh của chúng ta.

Tuổi già cướp mất hạnh phúc và khiến cho chúng ta bị nhục nhã.

Tuổi già cướp đi sinh lực; tuổi già mang lại cái chết.

Jen-nga-wa nói: “Đau đớn của cái chết thì khủng khiếp nhưng ngắn ngủi; quá trình già lão thật khủng khiếp biết bao!” Ga-ma-pa nói: “Quá trình già lão đến từ từ cũng là điều tốt. Nếu nó tới cùng một lúc, sẽ không thể nào chịu nổi”.

(iii)Khổ của bệnh

Ở đây cũng có năm điểm [để suy ngẫm]:

1) Bệnh làm thay đổi bản tính của cơ thể: thịt teo, da khô, v.v…

2) Đau đớn và thống khổ cứ gia tăng và ít khi nào lại vắng mặt: các hành đại của cơ thể - thủy, địa, không, và hỏa – không cân bằng mà giao động hỗn loạn, khiến thể xác bị dày vò, và điều này lại làm cho tâm thần bị thống khổ. Ngày đêm quý vị sống trong tình trạng này.

3) Không còn ham muốn những thứ hấp dẫn nữa: bởi vì quý vị được bảo cho biết rằng những thứ mà mình ham muốn làm hại người bệnh, quý vị không thể tự do miệt mài với chúng được; [218] và quý vị không làm được những động tác và các thế đứng ngồi mà mình muốn.

4) Cho dù không muốn đi chăng nữa, quý vị cũng phải nương cậy vào những thứ chẳng thích thú gì: người bệnh bắt buộc phải dùng thuốc, món ăn, thức uống mùi vị khó chịu và những thứ giống vậy; và phải nương tựa vào những cách chữa trị khắc nghiệt dùng những cách như đốt bằng lửa hoặc đâm thủng bằng các dụng cụ.

5) Quý vị mất năng lực sinh tồn: thật là đau đớn khi quý vị nhận ra căn bệnh của mình đang ở giai đoạn cuối cùng.

Quán chiếu cẩn thận về những điểm này. Như Thần Thông Du Hý Kinhnói:[28]

Hàng trăm căn bệnh và đau đớn của bệnh tật lan tràn

Gây khổ cho chúng ta, giống như con người áp bức các con vật hoang dã.

Hãy để tâm đến chúng sinh bị tuổi già và bệnh tật áp đảo

Và mau chóng nói về việc thoát khỏi khổ đau.

Ở sâu giữa mùa đông, gió và bão tuyết dữ dội

Cướp mất sinh lực của cỏ, cây bụi, cây lớn, và cây thân thảo.

Cũng vậy, bệnh tật cướp mất sinh lực của chúng sinh;

Nó làm tiêu tan khả năng, diện mạo, và sức mạnh của họ.

Nó cuốn trôi sạch gia sản tiền của và thóc lúa .

Bệnh tật không ngừng làm nhục chúng sinh;

Nó làm hại chúng sinh và khinh thường cái đẹp.

Nó dầy vò họ, như mặt trời đổ nắng từ trên trời xuống.

(iv)Khổ của chết

Một lần nữa lại có năm điểm để suy ngẫm:

1) Quý vị phải xa lìa những thứ đẹp đẽ và quyến rũ.

2) Quý vị phải xa lìa những thân quyến đẹp đẽ và quyến rũ.

3) Quý vị phải xa lìa những bằng hữu đẹp đẽ và quyến rũ.

4) Quý vị bị mất một thân thể đẹp đẽ và quyến rũ.

5) Khi chết, Quý vị phải chịu đau đớn và thống khổ ghê gớm.

Luôn quán chiếu về những điều này, cho tới khi quý vị không còn ham mê nữa.

Làm sao mà bốn điểm đầu tiên trên đây lại gây đau khổ? Quý vị đau khổ khi nhìn thấy quý vị đang mất bốn điều tuyệt hảo đó. Thần Thông Du Hý Kinh:[29]

Ngươi chết và chuyển sang một đời sống khác, và như vậy

Ngươi phải vĩnh viễn xa lìa những người đẹp đẽ và thân yêu.

Như chiếc lá lìa cành, như dòng nước trên sông,

Ngươi sẽ chẳng bao giờ trở về và gặp lại họ nữa.

Cái chết khiến người quyền lực trở thành yếu đuối.

Cái chết lôi ngươi đi, như dòng sông cuốn trôi khúc gỗ.

Người ta ra đi một mình, không có ai đi theo, chẳng có bạn đồng hành –

Bất lực bởi vì nghiệp của họ sinh ra quả.

Cái chết bắt đi không biết bao nhiêu chúng sinh,

Như con quái vật biển bắt đi hàng bầy sinh vật,

Như chim ưng bắt rắn, hoặc sư tử bắt voi,

Như lửa bắt mất cỏ cây, và lúc nhúc các thú vật.

(v)Cái khổ của việc phải gặp những điều không như ý

Ở đây cũng có năm điểm để suy ngẫm:

1) Thí dụ, chỉ cần gặp kẻ thù của quý vị thôi cũng gây ra đau đớn và thống khổ.

2) Quý vị sống trong lo sợ bị kẻ thù trừng phạt.

3) Quý vị sợ kẻ thù nói lời hiểm độc, không nói lời tử tế.

4) Quý vị sợ chết.

5) Quý vị lo lắng sau khi chết quý vị sẽ đi tới chỗ khốn khổ vì đã hành động trái ngược với giáo pháp.

Hãy suy ngẫm về những điểm này.

(vi)Cái khổ của việc phải xa lìa những điều như ý

Lại cũng có năm điểm để quán chiếu. Thí dụ khi quý vị phải xa lìa một người họ hàng rất thân yêu:

1) Trong tâm quý vị, sầu khổ nổi dậy.

2) Trong lời nói, quý vị than khóc.

3) Quý vị làm hại thân thể mình.

4) Quý vị buồn bã, hồi tưởng và thương nhớ những tính chất tốt lành của điều quý vị vừa mất.

5) Không thể nào có lại được cái mà quý vị đã mất.

Hãy quán chiếu về những điểm này.

(vii)Cái khổ của việc không được điều mình muốn

Lại cũng có năm điểm, tương tự như khi phải xa lìa điều như ý. Mưu tìm nhưng không đạt được điều mình muốn có nghĩa là, thí dụ như, làm ruộng nhưng không thu hoạch được gì, hoặc làm ăn buôn bán mà không có lời. Cái đau đớn của sự thất vọng này xuất phát từ việc phải làm cật lực để có được cái quý vị khao khát, và rồi lại chẳng đạt được điều đó.

(viii)Cái khổ của năm uẩn bị chiếm hữu

Đức Phật nói: “Tóm lại, năm uẩn bị chiếm hữu là khổ”.[30]Suy ngẫm về lời dạy này lại cũng có năm điểm. Bản chất của năm uẩn bị nghiệp và phiền não chiếm hữu là:

1) chỗ chứa cái khổ tương lai;

2) chỗ chứa cái khổ dựa trên những cái đang hiện hữu;

3) chỗ chứa cái khổ do đau đớn gây ra;

4) chỗ chứa cái khổ do thay đổi gây ra;

5) chỗ chứa cái khổ do duyên sinh gây ra.

Hãy quán chiếu đi quán chiếu lại về những điểm này.

Ở đây, về điểm đầu tiên, quý vị lôi kéo cái khổ trong các đời tương lai bằng cách đón nhận những uẩn bị chiếm hữu này. Về điểm thứ hai, các uẩn bị chiếm hữu tạo cơ sở cho những tình trạng, chẳng hạn như bệnh tật và tuổi già, vốn đã nằm sẵn tại các uẩn đang hiện hữu. Điểm thứ ba và thứ bốn xảy ra vì các uẩn bị chiếm hữu được liên kết với những khuynh hướng bất toàn để hướng tới hai loại khổ này. Về điểm thứ năm, chính sự hiện hữu của các uẩn bị chiếm hữu tạo thành bản chất của cái khổ duyên sinh, bởi vì tất cả các yếu tố cấu hợp tùy thuộc vào nghiệp và phiền não khi trước đều là cái khổ duyên sinh. Điều này sẽ được giải thích cặn kẽ trong phần nói về ba cái khổ.[31]

Nếu quý vị không vun trồng một ý thức chân chính đánh tan ảo mộng về dòng luân hồi – mà bản chất là các uẩn bị chiếm hữu – quý vị sẽ không có cơ may phát triển được tâm chân chính hướng về giải thoát, và quý vị sẽ không có cách nào phát triển được tâm đại bi thương xót những chúng sinh trôi lăn trong sinh tử luân hồi. Do đó, bất kể quý vị theo Đại Thừa hoặc Tiểu Thừa, suy ngẫm này có tính cách cực kỳ quan trọng. Ngay cả khi quý vị đã phát triển được ý thức dứt bỏ say mê sinh tử luân hồi, hãy theo học các kinh điển hoàn hảo và những luận giải có thẩm quyền: tìm hiểu cho đúng ý nghĩa của các kinh luận này. Sau đó dùng thiền quán phân tích phân biệt để mang lại một sự chuyển hóa mãnh liệt trong tâm quý vị.

Như thế, tôi đã theo cách trình bày có nền tảng vững chắc của tôn giả Vô Trước để giải thích mục đích giảng dạy tám loại khổ của đức Thế Tôn như là một cách để hiểu khổ đế, những khuyết điểm của sinh tử luân hồi.

Ngài Bo-da-wa nói:

Ngay khi sinh ra làm một trong sáu loại chúng sinh, chúng ta phải đối diện với cái khổ của bệnh, chết, v.v… Khi nguyên do của bệnh tật hiện diện, chúng ta bị bệnh; khi nguyên do của cái chết hiện diện, chúng ta chết. Điều này không phải là không thích đáng và cũng không phải là tình cờ xảy ra; nó là đặc tính hoặc bản chất của sinh tử luân hồi. Khi còn ở trong sinh tử luân hồi, chúng ta không có cách nào thoát được nó. Nếu chúng ta kinh tởm nó, chúng ta phải tiêu diệt quá trình sinh. [221] Để làm được điều này, chúng ta phải diệt trừ nguồn gốc của nó.

Bằng cách này, hãy suy ngẫm việc phát sinh ra cái khổ như đã được giải thích ở trên – cái khổ của sinh, già, bệnh, chết, v.v....



[1]Tứ Đế cũng gọi là Tứ Diệu Đế hoặc Tứ Thánh Đế là bốn chân lý cao cả và là giáo lý căn bản của nhà Phật. Bốn chân lý đó là khổ (khổ đế), nguồn gốc của khổ (tập đế), sự đoạn diệt của khổ (diệt đế), và con đường diệt khổ (đạo đế). Xin xem Tứ Diệu Đế (the Four Noble Truths) của Đức Đạt Lai Lạt Ma XIV, bản dịch tiếng Việt của Võ Quang Nhân, nhà xuất bản Tôn Giáo, 2008.

[2]BA452 Cái khổ trải khắp của duyên sinh là một trong ba cái khổ được bàn chi tiết dưới đây. Hai cái khổ kia là khổ khổ và hoại khổ. Khổ vì duyên sinh cũng gọi là hành khổ.

[3]BA453 BCA: 9.156; P5272; 260.5.8-261.1.1.

[4]BA454 Śiṣya-lekha: 18; P5683: 238.4.8-238.5.1.

[5]BA455Cś: 7.14; P5246: 135.5.6.

[6]BA4456 Ratna-guṇa-sañcaya-gâthâ, P735: 192.2.8.

[7]BA457 Śiṣya-lekha: 87-88cd; P5683: 240.4.5-7.

[8]Uẩn: (skt. skandha) Trong Phật giáo là sự tập hơp các yếu tố cấu thành một chúng sinh hữu tình. Được phân làm 5 uẩn (ngũ uẩn): (1) Sắc (skt. rûpa), chỉ thân và sáu giác quan (còn gọi là lục căn gồm mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý), do Tứ đại (skt. mahâbhûta) tạo thành, đó là đất, nước, gió, lửa. Sắc tạo nên các giác quan và đối tượng của chúng; (2)Thụ (skt. vedanâ), tức là toàn bộ các cảm giác, không phân biệt chúng là dễ chịu, khó chịu hay trung tính; (3) Tưởng (skt. saṃjñâ), là sự nhận biết các tri giác như âm thanh, màu sắc, mùi vị..., kể cả nhận biết ý thức đang hiện diện; (4) Hành (skt. saṅkhâra), là những hoạt động tâm lí sau khi có tưởng, ví dụ chú ý, đánh giá, vui thích, ghét bỏ, quyết tâm, tỉnh giác. Hành là đối tượng đã tạo nên nghiệp thiện ác...; (5) Thức (skt. vijñâna, pi. viññâṇa), bao gồm sáu dạng tâm thức (hay thức) liên hệ tới sáu giác quan: tâm thức về mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Thức phụ thuộc vào sáu căn tiếp xúc với sáu trần để hình thành nên sáu thức. Nếu không có thức người ta sẽ không phân biệt được màu sắc hay âm thanh v.v.

[9]Thuật ngữ tương ứng thường thấy trong các kinh Hán-Việt là thai sinh, noãn sinh, thấp sinh và hóa sinh.

[10]BA458 Cś: 8.12; P5246:136.2.8-136.1.

[11]BA459 Ibid.: 7.1; P5246;135.4.5. 1,459.

[12]BA460 RGV: 4.52; P5525: 30.3.6-7.

[13]BA461 Suhṛl-lekha: 65; P5682: 236.5.4.

[14]BA462 Đọc des để biết về nges ở LRCM, dòng 5; des pa = “tâu bệ hạ”. Suhṛl-lekhađược viết cho Vua bDe-spyod, đôi khi được xác định là Gautamiputra Satkarni của triều đại Śatavahana.

[15]BA463 Bốn khổ này sẽ được nhắc tới sau. Đó là khổ của (1) sinh, (2) gặp điều bất như ý {oán tắng hội khổ}, (3) tìm kiếm mà không được điều mình muốn {cầu bất khả đắc}, (4) ngũ uẩn bị chiếm hữu {ngũ uẩn xung thịnh khổ}. {Tám loại khổ (hay bát khổ) bao gồm: (1) sinh khổ, (2) lão khổ, (3) bệnh khổ, (4) tử khổ, (5) chia ly khổ, (6) oán hận khổ, (7) cầu bất đặng khổ, (8) ngũ uẩn xung thịnh khổ hay ngũ uẩn sở hữu khổ}.

[16]BA464 Ở đây nói đến năm lỗi lầm làm chướng ngại thiền quán {Ngũ triền cái}: lười biếng, quên chủ đề thiền quán, lay động không yên và buông lung không nghiêm chỉnh, không áp dụng biện pháp đối trị, và áp dụng quá mức biện pháp đối trị.

[17]BA465 BCA: 516; P5272: 248.5.4.

[18]BA466 “Bậc Biết Thực Tại” được dịch theo bản Tạng ngữ. Tuy nhiên trong bản tiếng Phạn, từ này là sarvavit, nghĩa là “toàn trí” {toàn giác hay nhất thiết trí}. Từ này được Prajñâkaramati {tên dịch nghĩa là Bát Nhã Chi Huệ} xác nhận và giải thích là sarvajna.

[19]BA467 Ârya-Mahâyâna-prasaḍa-prabhâvanâ-mahâyâna-sûtra{Nghĩa là Kinh Đại thừa về việc vun trồng niềm tin nơi Đại thừa} là tựa đề trong P. Theo Namdol (1985: 205-206), Kamâlâsila {Tên dịch nghĩa Liên Hoa Giới}, trong tập Bhâvanâ-krama{Thiền Hành hay Giai trình Thiền} (P5310:31.5.6-7), dùng tựa đề Mahâyâna-úraddhâ-bhâvana-sûtra.

[20]BA468 Ârya-saṃdhi-nirmocana-nâma-mahâyâna-sûtra{Giải Thâm Mật Đại Thừa Kinh}: 8.12; P774:17.3.3-4.

[21]BA469 “Khuynh hướng bất toàn” dịch từ cụm từ “dysfunctional tendencies” trong tiếng Anh và cụm từ tiếng Anh lại được dịch từ daustulya, gnas ngan len. Như đoạn này cho thấy, cụm từ này chỉ sự hiện diện của các hột giống, hoặc những tiềm ẩn có tính dẫn dắt, đưa tới các nghiệp phiền não, và cách thức mà theo đó những tiềm ẩn có tính dẫn dắt này làm chúng ta khó sử dụng thân tâm để tu tập đường đạo. Có thể hiểu là các tập khí nghiệp.

[22]BA470 Śiṣya-lekha: 19; P5683:238.5.1-2.

[23]BA471 Garbhâvakrânti-sûtra{Tên đầy đủ: Ârya-nanda-garbhâvakrânti-nirdeúa-nâma-mahâyânâ-sûtra– dịch là: Hoan Hỷ Nhập Thai Thích Đại Thừa Kinh– Ở đây Hoan hỷ hay Khánh Hỷ là tên của một người}, P760: 110.2.6-110.3.3. Về đoạn này, Tsongkhapa dường như đã dùng một bản dịch khác.

[24]BA472 Năm xiềng xích là hai tay, hai chân, và đầu.

[25]BA473 Śiṣya-lekha: 20-21; P5683:238.5.2-4.

[26]BA474 Garbhâvakrânti-sûtra, P760: 110.2.6-110.3.3. Về đoạn này, Tsongkhapa dường như đã dùng một bản dịch khác.

[27]BA475 Lalita-vistara-sûtra, {Tên đầy đủ Ârya-lalita-vistara-nâma-mahâyânâ-sûtra– dịch là Thần Thông Du Hý Đại Thừa Kinh} Vaidya 1958:13.83-85; P763:195.2.8-195.3.3.

[28]BA476 Ibid., Vaidya 1958:13.86-88; P763:195.3.3-5.

[29]BA477 Ibid., Vaidya 1958:13.89-91; P763:195.3.6-8.

[30]BA478 Nidâna-saṃyukta{dịch nghĩa: Nhân Duyên Tương Ưng}, Tripâthi 1962:194.

[31]BA479 LRCM: 227ff.

Chương 8: Ba Loại Người

2. Làm thế nào để tận dụng lợi thế của một cuộc sống an lạc và thuận duyên

a. Làm thế nào để phát triển tri thức tổng quát một cách chắc chắn về lộ trình tu tập

1) Nội dung bao hàm của tất cả kinh điển về các lộ trình của ba loại người như thế nào

2) Vì sao các đệ tử được hướng dẫn theo các giai đoạn áp dụng các rèn luyện dành cho ba loại người

a) Mục đích của việc hướng dẫn các đệ tử qua phương tiện của các lộ trình về ba loại người

b) Vì sao các đệ tử được hướng dẫn theo những giai đoạn như vậy

i) Nguyên nhân thật sự

ii) Mục đích


––––\––––


2. Làm thế nào để tận dụng lợi thế của một cuộc sống an lạc và thuận duyên

Việc làm thế nào để tận dụng lợi thế của một cuộc sống an lạc và thuận duyên được trình bày trong hai phần:

  1. Làm thế nào để phát triển tri thức tổng quát về lộ trình một cách chắc chắn
  2. Phương pháp thật sự để tận dụng lợi thế của một cuộc sống an lạc và thuận duyên (Chương 9 và tiếp theo)


a.Làm thế nào để phát triển tri thức tổng quát một cách chắc chắn về lộ trình

Phương thức phát triển tri thức tổng quan một cách chắc chắn về lộ trình gồm hai phần:

1. Nội dung bao hàm của tất cả kinh điển về các lộ trình của ba loại người như thế nào

2. Vì sao các đệ tử được hướng dẫn theo các giai đoạn áp dụng các rèn luyện dành cho ba loại người


1)Nội dung bao hàm của tất cả kinh điển về các lộ trình của ba loại người như thế nào

Ở lúc bắt đầu, một người muốn trở thành một vị Phật sẽ phát triển tâm Bồ-đề; ở giai đoạn giữa, người này tích lũy các công đức và trí tuệ tối thượng; và cuối cùng, người này chứng được Phật quả toàn hảo. Tất cả những hành động này chỉ nhằm đến mục tiêu hạnh phúc cho chúng sinh. Vì thế, tất cả những giáo pháp một vị Phật đưa ra chỉ giản dị là nhằm đạt đến lợi ích cho chúng sinh. Điều này tức là, lợi ích của chúng sinh chính là điều quý vị nên đạt được. [87] Lơi ích này bao gồm hai phần: mục tiêu tạm thời về việc trạng thái cao làm người hoặc một vị thiên, và mục tiêu rốt ráo về điều tốt đẹp chắc chắn là sự giải thoát hay sự toàn giác. Giữa hai điều này, nhiều lời giáo huấn của đức Phật nói về việc đạt được mục tiêu tạm thời là trạng thái cao. Tất cả những giáo huấn này được bao gồm trong các lời dạy dành cho một hành giả chân chính có khả năng giới hạn {căn cơ nhỏ} hoặc trong những giáo pháp dành chia sẻ với một hành giả như vậy, bởi vì những cá nhân có khả năng đặc biệt giới hạn thật sự không làm nhiều cho kiếp sống này, mà họ nỗ lực tinh tấn để có trạng thái cao thù thắng khi tái sinh làm người hoặc trời trong những kiếp vị lai bằng cách xúc tiến nuôi dưỡng các nguyên nhân tạo ra các tái sinh đó. Tác phẩm Bồ-đề Đạo Đăng Luậnnói rằng:[1]


Hãy biết rằng những ai “thấp nhất”

Nỗ lực chăm chỉ nhằm chỉ đạt

Các an vui trong cõi luân hồi

Bằng mọi cách cho hạnh phúc riêng họ.


Có hai điều tốt lành chắc chắn: sự giải thoát mà đơn thuần chỉ là tự do khỏi luân hồi và trạng thái giải thoát tối thượng của toàn giác. Nhiều lời giáo huấn của đức Phật liên quan đến Duyên Giác và Thanh Văn thừa. Tất cả những tuyên thuyết này được đề cập trong các giáo pháp dành cho một hành giả có khả năng thật sự trung bình hoặc trong những giáo pháp dành chia sẻ với một hành giả như vậy, bởi những hành giả có khả năng trung bình sẽ phát khởi sự tỉnh giác với tất cả mọi thứ trong luân hồi và sau đó thiết lập mục tiêu là giải thoát chính họ khỏi luân hồi. Rồi họ bước vào lộ trình của ba sự rèn luyện, phương tiện để đạt giải thoát. Trong tác phẩm Bồ-đề Đạo Đăng Luận:[2]


Những người được gọi là “trung bình”

Ngăn chận những hành vi tội lỗi

Quay lưng với an lạc trong luân hồi,

Và tinh tấn nỗ lực cho thanh tịnh riêng mình.


Tác phẩm Hạnh Hiệp Đăng Luậncủa Trưởng lão [Atiśa] nói rằng:[3]


Bởi bổn sư, đức Phật, nói rằng,

“Nương tựa Ba-la-mật và Chân ngôn thừa[4]

Và thành đạt được chân giác ngộ”,

Giờ ta sẽ viết về ý nghĩa điều này.


Theo đó, phương thức đạt đến toàn giác bao gồm hai phần: những Đại thừa của các Ba-la-mật-đa và Đại thừa của các chân ngôn {skt. mantra – còn gọi là mật chú}. Hai phần này được bao gồm trong những giáo pháp dành cho một hành giả thượng căn, vì những người này qua tác động của lòng đại bi, lấy Phật quả làm mục tiêu của họ nhằm dẹp tan mọi đau khổ của tất cả chúng sinh. Sau đó họ rèn luyện sáu Ba-la-mật-đa, hai giai đoạn[5], và tương tự. [88] Trong tác phẩm Bồ-đề Đạo Đăng:[6]


Những người được gọi là “thượng căn”

Thành tâm muốn dẹp tan tất cả

Mọi đau khổ của những người khác

Qua cách hiểu nỗi khổ chính mình.


Dưới đây, tôi sẽ diễn giải phương thức những người này đạt tới sự giác ngộ bao hàm trong cả Ba-la-mật-đa thừa lẫn mật chú thừa. Liên quan đến những điều kiện dành cho ba loại người, các lời giáo huấn này trong tác phẩm Bồ-đề Đạo Đăng Luận có ý nghĩa tương tự với lời giáo huấn trong Quyết Định Yếu Luận của tác phẩm Du-già Hạnh Địa Luận:[7]


Hơn nữa, có ba loại người như sau: có những người trì giữ phát nguyện về giới là từ bỏ mười việc bất thiện, điều này vốn không được xem xét là một giới nguyện, tuy nhiên nó cũng tương tự như giới nguyện. Có những người phát nguyện về Thanh Văn giới. Có những người phát nguyện về Bồ-tát giới. Trong số này, loại người đầu tiên có khả năng thấp nhất; loại người thứ hai là trung bình; và loại người thứ ba là thượng hạng.


Ngoài ra, các kinh điển cũng đề cập nhiều cách để định vị một hành giả có khả năng thấp nhất, trung bình và thượng hạng. Tương tự Bồ-đề Đạo Đăng Luận của ngài Atiśa, tác phẩm Vi Diệu Pháp Báu Luậncủa ngài Thế Thân[8]cũng xác định ba loại người. Thật sự có hai loại trong số những hành giả mang khả năng giới hạn – những người nỗ lực cho kiếp sống này và những người nỗ lực cho những kiếp vị lai. Tuy nhiên, ở đây tôi đang nói đến trường hợp sau, những người sẽ được tôi nhận diện là thực hiện phương pháp đúng đắn để đạt địa vị cao.


2)Vì sao các đệ tử được hướng dẫn theo các giai đoạn áp dụng các rèn luyện dành cho ba loại người

Sự diễn giải này gồm hai phần:

1. Mục đích của việc hướng dẫn các đệ tử qua phương tiện của các lộ trình về ba loại người

2. Vì sao các đệ tử được hướng dẫn qua những giai đoạn như vậy


a)Mục đích của việc hướng dẫn các đệ tử qua phương tiện của các lộ trình về ba loại người

Tôi đã đưa ra sự diễn giải về ba loại người. Tuy nhiên, các giai đoạn trong lộ trình dành cho hành giả có khả năng cao cũng bao hàm trọn vẹn những lộ trình dành cho hai loại người còn lại. Vì thế, hai lộ trình này là những phần, hay những chi, của đạo Đại thừa. [89] Như đạo sư Mã Minh đề cập trong tác phẩm Thế Tục Bồ-đề Tâm Tu Tập (Saṃvṛti-bodhicitta-bhâvanâ):[9]

Không hại ai, với tâm chân thật,

Và trong sạch; không hề trộm cắp,

Và bố thí mọi tài sản của ngươi

Là hành vi khiến tái sinh hạnh phúc.


Một khi thấy khổ đau của luân hồi,

Ngươi theo lộ trình đúng để rời khỏi nó,

Và loại trừ hai hành động tội lỗi;

Đó là hành vi khởi tạo sự an nhiên.


Người thượng căn nên tu tập tất cả điều này;

Đó là những ngả đường của sự quyết tâm tối cao cho giải thoát.

Tri nhận rằng chư pháp giai không

Tạo dòng chảy từ bi cho mọi chúng sinh.


Những phương tiện thiện xảo vô hạn

Là hoạt động của quyết tâm tối thượng để giải thoát.


Vì vậy, trong việc này các vị đạo sư không dẫn dắt quý vị theo con đường dành cho những hành giả có khả năng giới hạn, những người lập mục tiêu chỉ đơn thuần vì hạnh phúc trong luân hồi, hay con đường dành cho những hành giả có khả năng trung bình, những người chỉ lập mục tiêu đơn thuần là sự giải thoát khỏi luân hồi cho bản thân họ. Đúng hơn là, các đạo sư chọn ra một số lộ trình có chung cho hai loại người này và dùng chúng làm những điều kiện tiên quyết để dẫn dắt quý vị theo lộ trình dành cho những hành giả thượng căn. Vì thế họ dùng chúng làm những thành phần của lộ trình rèn luyện dành cho những hành giả thượng căn. Do vậy, một khi quý vị đã phát triển ước mong tận dụng lợi thế của kiếp người an lạc và thuận duyên này như giải thích trước đây, quý vị phải biết được làm cách nào để tận dụng lợi thế trọn vẹn của nó. Liên quan đến điều ấy, tác phẩm Trung Đạo Tâm Yếu Luậncủa ngài Thanh Biện nói rằng:[10]


Những tấm thân này thật quá mỏng manh,

Như cây chuối và như bong bóng nước.

Ai sẽ không mang lại cho chúng sự vững vàng như núi Tu-di

Bằng việc lấy chúng làm điều kiện để giúp đỡ cho những người khác?


Những tấm thân này là cơ sở của bệnh tật, tuổi già, và sự chết

Những ai có phẩm cách tốt và lòng từ bi

Khiến cho chúng trong từng khoảnh khắc

Làm nền tảng thăng tiến hạnh phúc của tha nhân.


Đời an lạc tránh khỏi tám duyên không an lạc

Do bởi ngọn đèn của giáo pháp tối thượng sáng soi

Hãy tận dụng thật tốt an lạc này

Qua hành động của một người thượng trí.


Vì vậy, hãy bước vào Đại thừa với suy nghĩ: “ngày đêm, tôi sẽ luôn ứng xử như một hành giả thượng căn, tận dụng tốt thân này, vốn là một nơi trú ngụ của bệnh tật, một cơ sở của các đau khổ, của tuổi già và điều tương tự, cũng như nó vốn thiếu vững chắc tựa như cây chuối hay bong bóng nước”.


Vấn: Từ lúc bắt đầu, vị đạo sư nên hướng dẫn đệ tử qua các tu tập của một hành giả thượng căn. [90] Đâu là công dụng của sự rèn luyện theo những lộ trình được chia sẻ với những hành giả có khả năng giới hạn và trung bình?

Đáp:Rèn luyện theo các lộ trình được chia sẻ với hai loại người này là một điều kiện tiên quyết cho sự phát triển lộ trình của một hành giả thượng căn. Tôi sẽ giải thích cách điều này là như thế.


b)Vì sao các đệ tử được hướng dẫn qua những giai đoạn như vậy

Việc vì sao các đệ tử được hướng dẫn qua những giai đoạn như vậy được diễn giải về các mặt nguyên nhân thật sự và mục đích.


i)Nguyên nhân thật sự

Đường vào Đại thừa chỉ có tâm Bồ-đề vô thượng. Một khi điều này phát sinh trong dòng tâm thức của quý vị thì như được đề cập trong tác phẩm Nhập Bồ-đề Hành Luận của ngài Tịch Thiên:[11]

Khi chúng sinh vô vọng,

Bị trói trong ngục tù

Luân hồi bao đau khổ

Phát khởi tâm Bồ-đề

Họ sẽ được gọi là

“con của đấng Thiện Thệ”[12]

Và thật đáng tôn vinh

Trong chư thiên, nhân giới.[13]


Vì thế, những chúng sinh này bước vào Đại thừa được đặt tên là “những đứa con của bậc Điều Ngự” hay “những vị Bồ-tát”. Nếu họ hủy hoại tâm Bồ-đề của mình, họ sẽ tự trục xuất bản thân ra khỏi đoàn thể những hành giả tu tập Đại thừa.

Do đó, những người ước mong bước vào Đại thừa phải phát triển tâm Bồ-đề này bằng cách thực hiện nhiều dạng nỗ lực. Những bản văn tối cao dạy về những giai đoạn của lộ trình Bồ-tát đạo, các tác phẩm Bồ-tát Học Luận Nhập Bồ-đề Hành Luận của ngài Tịch Thiên, đề cập đến phương pháp phát triển tâm Bồ-đề ấy. Các tác phẩm đó nói rằng trước tiên quý vị cần thiền quán về những ích lợi của nó. Sau đó, quý vị làm mạnh mẽ nỗi hân hoan về những lợi lạc này từ tận đáy lòng của mình. Điều này phải đồng hành với việc thực hành bảy hạnh nguyện {Phổ Hiền} cùng với sự thực hành quy y.

Nếu quý vị viết cô đọng lại những lợi ích được đề cập theo cách này, thì chúng bao gồm hai phần: tạm thời và rốt ráo. Phần đầu tiên lại gồm hai khía cạnh nữa: không rơi vào những cảnh giới khốn khổ và được tái sinh trong những cảnh giới hạnh phúc. Điều đó nghĩa là, một khi phát tâm Bồ-đề, quý vị sẽ loại bỏ được nhiều nguyên nhân tích lũy từ trước cho những sự tái sinh đau khổ, và quý vị chấm dứt sự tích lũy liên tục về chúng trong tương lai. Quý vị cũng tăng trưởng mạnh mẽ những nguyên nhân đã tích lũy từ trước cho những sự tái sinh hạnh phúc bởi chúng được thấm nhuần tâm Bồ-đề này. Hơn nữa, bởi quý vị được tâm Bồ-đề này thúc đẩy, nên những nhân mà quý vị gây tạo lại sẽ là khoog thể nào cạn kiệt. [91] Nương tựa tâm Bồ-đề này, quý vị sẽ dễ dàng đạt đến những mục tiêu cuối cùng, sự giải thoát và toàn giác.

Ngay từ lúc bắt đầu, quý vị phải có ước vọng chân thành mong cầu để đạt đến những lợi ích tối hậu và tạm thời này. Nếu không có điều đó, quý vị có thể nói rằng: “Tôi sẽ nỗ lực phát triển tâm Bồ-đề này” vì những lợi ích vốn sinh khởi từ việc phát triển tâm Bồ-đề, nhưng đó sẽ chỉ là những lời nói suông. Sự rỗng tuếch của lời tuyên bố này rất rõ ràng một khi quý vị kiểm chứng lại tâm thức của mình.

Vì thế, trước tiên quý vị phải rèn luyện trong tư tưởng chung cho những cá nhân có khả năng giới hạn và trung bình nhằm phát triển một niềm ước ao đạt được hai lợi ích, trạng thái cao [là người hoặc trời] và điều tốt lành chắc chắn [sự giải thoát hay sự toàn giác]. Sau khi phát triển được điều ước như vậy, quý vị nuôi dưỡng tâm Bồ-đề, là thái độ giúp sinh khởi những lợi ích ấy. Khi làm điều này, quý vị phải phát triển lòng đại từ bi vốn là nền tảng cho thái độ này. Nói cách khác, khi quý vị quán chiếu rằng mình đã lang thang trong luân hồi, bị mất đi hạnh phúc và bị nỗi đau khổ hành hạ như thế nào, thì những sợi lông trên người quý vị phải nên dựng đứng lên. Nếu không có sự trải nghiệm này, quý vị sẽ chẳng thể trở nên bất nhẫn với sự đau khổ của những chúng sinh khác khi họ phải chịu đựng và bị tước đi hạnh phúc bởi họ lang thang trong luân hồi. Trong tác phẩm Nhập Bồ-đề Hành Luận:[14]


Những ai chưa nghĩ tưởng

Đến một thái độ như vầy

Cho lợi ích riêng họ;

Thì ngay cả trong mơ

Làm sao khởi được nó

Cho hạnh phúc tha nhân?


Do vậy, trong bối cảnh người có khả năng giới hạn, quý vị quán chiếu cách mà mình bị hãm hại trong những cảnh giới khốn cùng đến như thế nào. Trong bối cảnh của hành giả có khả năng trung bình, quý vị quán chiếu theo phương cách rằng thậm chí ở trạng thái cao, thì cũng có đau khổ và không có được hỷ lạc an tịnh. Sau đó, quý vị thúc đẩy sự phát triển tình yêu thương và lòng từ bi bằng cách nuôi dưỡng sự đồng cảm với các chúng sinh, những người quý vị xem là gần gũi với mình. Từ đây quý vị sẽ phát tâm Bồ-đề. Vì thế, sự rèn luyện suy nghĩ chung với những người có khả năng giới hạn và trung bình là phương pháp phát khởi một tâm Bồ-đề chân thật; đó không phải là một lộ trình riêng biệt nào mà vị đạo sư dẫn dắt quý vị theo.

Tương ứng theo đó, quý vị thực hiện nhiều phương cách khác nhau để thanh tịnh hóa bản thân khỏi sự bất thiện và tích lũy công đức nhờ sử dụng những tu tập để phát triển được cả thái độ chia sẻ với những hành giả có khả năng giới hạn lẫn thái độ chia sẻ với những hành giả có khả năng trung bình. Các ví dụ là việc quy y và việc suy nghĩ về nghiệp và nghiệp báo. [192] Hãy hiểu rằng những điều này cũng giúp quý vị phát tâm Bồ-đề, bởi chúng phù hợp với bảy hạnh nguyện Phổ Hiền hoặc với tu tập quy y, vốn là những phương pháp rèn luyện đóng vai trò tiên quyết cho tâm Bồ-đề trong bối cảnh của những tu tập dành cho hành giả thượng căn.

Ở điểm này, vị đạo sự trình bày chi tiết một cách xuyên suốt về những phương cách mà trong đó, các rèn luyện của những hành giả có khả năng giới hạn và trung bình đóng vai trò như các thành phần cho sự phát tâm Bồ-đề vô thượng. Hơn nữa, quý vị, người đệ tử, sẽ đạt đến tri thức chắc chắn về điều này. Sau đó, bất cứ khi nào quý vị duy trì thiền, điều tối quan trọng là quý vị giữ vững hiểu biết này trong tâm và rèn luyện những giáo pháp này như là các thành phần cho sự phát triển tâm Bồ-đề của quý vị. Nếu không, lộ trình của hành giả thượng căn và những lộ trình của những hành giả có khả năng giới hạn và trung bình sẽ bị tách biệt và không liên quan. Và bởi quý vị sẽ không đạt tri thức chắc chắn về tâm Bồ-đề nào cả cho đến khi quý vị đạt đến lộ trình thật sự của hành giả thượng căn, nên việc thiếu rèn luyện trong những chủ đề này, như là những phần của sự phát triển tâm Bồ-đề của quý vị, sẽ khiến ngăn trở quý vị không phát triển được tâm Bồ-đề ấy, hoặc, trong khi quý vị thiếu sự rèn luyện này, sẽ khiến cho quý vị lệch khỏi mục tiêu to lớn của bản thân về việc phát tâm Bồ-đề ấy. Do đó, hãy lưu ý kỹ ở điểm này.

Theo phương cách này, hãy rèn luyện theo các lộ trình của nhữnghành giả có khả năng giới hạn và trung bình và rèn luyện tốt những điều được diễn giải trong bối cảnh dành cho hành giả thượng căn. Sau đó, bằng tất cả khả năng tốt nhất, hãy phát khởi một tâm Bồ-đề chân thật trong dòng tâm thức của mình. Tiếp theo, để tinh thần này trở nên ổn định, hãy tiến hành một sự tu tập đặc biệt về quy y và sau đó thực hiện nghi lễ về sự phát tâm Bồ-đề mạnh mẽ. Sau khi quý vị đã tiếp nhận tinh thần nguyện ước {Bồ-đề tâm nguyện} mạnh mẽ này qua nghi lễ, quý vị phải nỗ lực học hỏi các giới luật của nó. Tiếp đến, hãy phát triển sự ước ao mãnh liệt để học hỏi những hạnh Bồ-tát, như sáu Ba-la-mật-đa và bốn cách thu nhận đệ tử. Một khi sự ước ao này sinh khởi từ tận đáy lòng quý vị, hãy kiên định áp dụng lời thệ nguyện thanh tịnh về xúc tiến Bồ-đề tâm {Bồ-đề tâm hành}. Sau đó, với sự dấn thân, hãy tránh bị những vi phạm căn bản làm cấu nhiễm. Hãy nỗ lực để ngay cả những sự ô uế nhỏ nhoi và trung bình hoặc sự gây tạo những lỗi lầm cũng không làm quý vị ô nhiễm. Ngay cả nếu quý vị bị ô nhiễm, hãy làm thanh tịnh bản thân một cách triệt để bằng cách sửa đổi những sự vi phạm như được chỉ dạy trong kinh.

Tiếp theo, hãy rèn luyện bao quát về sáu Ba-la-mật-đa. Một cách cụ thể, hãy rèn luyện thật tốt về bình ổn thiền – cốt lõi của định – để làm cho tâm thức của quý vị có khả năng được đặt lên một đối tượng thiền thiện đức, theo sự ước mong của quý vị. [93] Tác phẩm Bồ-đề Đạo Đăng Luận của Trưởng lão[15]nói rằng quý vị nên phát triển định từ thiền nhằm sinh khởi những tri kiến siêu việt. Ngài dẫn ra một ví dụ đơn giản. Trong những tình huống khác, Ngài nói rằng quý vị nên phát triển định lực nhằm sinh khởi tuệ giác. Vì vậy, đạt được định chủ yếu nhằm mục tiêu cho tuệ. Sau đó, để cắt bỏ những trói buộc của quan niệm về hai bản ngã {nhân vô ngã (tib. གང་ཟག་གི་བདག་མེད) và pháp vô ngã (tib. ཆོས་ཀྱི་བདག་མེད)}, hãy lập một xác định triết lý về ý nghĩa của tánh Không, tức là sự vô ngã. Sau khi duy trì một phương pháp thiền không sai sót, hãy đạt đến sự thấu suốt, tức là trái tim của trí tuệ.

Theo đó, tác phẩm Bồ-đề Đạo Đăng Luận Thích của ngài Atiśa[16]đề cập rằng, ngoại trừ những tu tập về định và tuệ, tất cả những sự tu tập trong mức độ giới luật và bao gồm việc rèn luyện các giới luật của Bồ-đề tâm hành sẽ cấu thành việc rèn luyện giới luật. Định là việc rèn luyện về sự tập trung hoặc việc rèn tâm. Tuệ là việc rèn luyện về trí tuệ. Hơn nữa, tất cả những tu tập trong mức độ định từ thiền và bao gồm định từ thiền cấu thành nên nhân tố của sự giác ngộ được gọi là phương tiện, tức là sự tích lũy công đức, những đạo pháp phụ thuộc vào các chân lý ước lệ {tục đế}, hay còn được gọi là những giai đoạn của lộ trình bao quát. Sự phát triển của ba loại trí tuệ thấu suốt[17]cấu trúc nên nhân tố của sự giác ngộ được gọi là trí tuệ, sự tích lũy trí tuệ, vốn phụ thuộc vào những chân lý tối hậu {chân đế}, hay còn gọi là những giai đoạn của lộ trình uyên thâm. Vì thế, hãy biết thật chắc chắn về trình tự của chúng, về sự thật rằng chúng là một danh mục toàn diện, và rằng quý vị không thể đạt đến sự giác ngộ chỉ bằng phương tiện hay trí tuệ đơn thuần.

Đây là cách mà những chú ngỗng hoàng gia, những đứa con của bậc Điều ngự, tức những kẻ đang trên con đường ra đại dương mênh mông những phẩm hạnh diệu hảo của một vị Phật, sải đôi cánh của chúng và bay lên. Một cánh là những chân lý quy ước – tất cả những nhân tố về phương tiện, lộ trình bao quát. Một cánh kia, dựa vào những chân lý tuyệt đối, đang hiểu biết rõ cả thực tại lẫn vô ngã. Tuy nhiên, chúng không thể chỉ sử dụng một phần đơn lẻ của lộ trình, hay bay lên như chú chim gãy một cánh.[18]Như tác phẩm Nhập Trung Quán Luận Thíchcủa ngài Nguyệt Xứng đề cập:[19]


Dang đôi cánh trắng và rộng của thực tại và ước lệ,

Những chú ngỗng hoàng gia, hộ tống bởi đàn chúng sinh,

Bay trên những ngọn gió đức hạnh để đạt đến vô thượng

Trên bờ xa, những phẩm hạnh Phật lớn tựa đại dương. [94]


Sau khi quý vị rèn luyện tâm thức bằng lộ trình thông thường, quý vị chắc chắn phải bước vào con đường mật chú bởi vì khi thực hiện, quý vị sẽ nhanh chóng hoàn thành hai sự tích lũy. Nếu quý vị không thể tu tập xa hơn lộ trình thông thường, hoặc không muốn làm điều đó do thiên hướng của quý vị thừa kế từ những kiếp trước quá yếu, vậy thì chỉ cần cải thiện trên từng giai đoạn này của lộ trình.

Quý vị được chỉ dạy rằng tất cả các thừa nói chung và mật chú thừa nói riêng nương tựa vào vị đạo sư đều rất cốt yếu. Bởi thế, một khi bước vào con đường chân ngôn, quý vị nên làm theo những sự giải thích về mật chú, và tu tập một pháp môn dựa vào vị đạo sư thậm chí còn chuyên sâu hơn những gì tôi diễn giải trước đây. Sau đó, hãy làm cho tâm thức quý vị trở nên chín muồi với những quán đảnh đến từ những nguồn Mật thừa thanh tịnh, trì giữ một cách đúng đắn với ngay cả sự rủi ro cho tính mạng của quý vị, về tất cả những lời thệ và nguyện mà quý vị nhận được trong suốt các quán đảnh của quý vị. Quý vị có thể phát nguyện lại nếu mình bị một sự vi phạm căn bản tác động, tuy nhiên tâm thức quý vị sẽ bị hư hoại, và sẽ rất khó khăn để tăng trưởng những phẩm hạnh diệu hảo. Vì thế, hãy nỗ lực một cách cụ thể để không bị những vi phạm căn bản làm hư hỏng và không bị những vi phạm thứ cấp làm ô nhiễm. Ngay cả nếu quý vị bị ô uế bởi những điều này, hãy thanh tịnh hóa bản thân với sự sám hối và kiềm chế, vì những sự thệ nguyện là nền tảng của lộ trình.

Tiếp đó hãy rèn luyện theo những lời hướng dẫn tốt đẹp về Du-già với các biểu tướng (nói về những cấp độ Mật thừa thấp hơn), hoặc Du-già của giai đoạn phát khởi (nói về Mật thừa Du-già ở mức cao nhất). Sau khi sự rèn luyện này đã vững vàng, hãy rèn luyện thật tốt về Du-già không biểu tướng (nói về những cấp độ Mật thừa thấp hơn), hoặc Du-già của giai đoạn hoàn mãn (nói về Mật thừa Du-già ở mức cao nhất).[20]

Tác phẩm Bồ-đề Đạo Đăng Luận trình bày phần chính yếu của lộ trình như vậy; những giai đoạn của lộ trình cũng hướng dẫn quý vị theo cách này. Đại Trưởng lão cũng đã giáo huấn điều này trong những bản văn khác. Tác phẩm Đại Thừa Đạo Thành Tựu Pháp Tậpcủa Ngài nói rằng:[21]


Nếu ngươi ước mong chứng vô thượng Bồ-đề,

Vốn cao quý bất khả tư lường,

Hãy dốc lòng tu tập và thành tựu tâm Bồ-đề,

Bởi sự giác ngộ phụ thuộc vào tu tập. [95]

Bởi thân thể an lạc và thuận duyên toàn hảo này

Thật khó lòng đạt được, và một khi nhận được

Sẽ rất khó mà sở hữu lại lần sau,

Hãy khiến nó đầy ý nghĩa nhờ nỗ lực tu tập.


Và tác phẩm Đại Thừa Đạo Thành Tựu Pháp Hạng Huống Tậpcủa Ngài nói rằng:[22]


Khi một cơ duyên sinh khởi

Cho những phạm nhân trốn khỏi ngục tù,

Họ bỏ chạy khỏi nơi ấy,

Bởi mục tiêu họ không như những thường nhân.


Cũng thế khi cơ duyên sinh khởi

Để vượt qua biển cả luân hồi,

Ngươi trồi lên ra khỏi chốn luân hồi,

Bởi mục tiêu ngươi không như những kẻ khác.


Tương tự:[23]


Hành Bồ-tát giới bằng cách trì theo

Tu tập quy y, giữ giới cao hơn,

Và nền tảng Bồ-đề tâm nguyện mãnh liệt,

Hãy tu tập đúng đắn, theo các giai đoạn, bằng năng lực của ngươi,

Tất cả những Bồ-tát hành –

Sáu Ba-la-mật-đa và tương tự.


Hơn nữa:[24]


Nuôi dưỡng trí huệ tâm và phương tiện –

Trí huệ định lực, và hợp nhất chúng.


Ngoài ra, tác phẩm Định Tập Phẩm của Bodhihadra {Giác Hiền}đề cập rằng:[25]


Đầu tiên, hãy vững vàng tâm Bồ-đề toàn hảo của ngươi,

Sinh khởi từ sức mạnh từ bi.

Đừng tham chấp tận hưởng những nguồn vui trong luân hồi,

Và quay lưng đừng bám lấy chúng.

Được ban những bảo vật toàn hảo như niềm tin,

Hãy tôn kính đạo sư của ngươi, người ngang hàng đức Phật.


Với những lời nguyện đạo sư đã dạy,

Hãy tinh tấn trong thiền.

Nhận qua lòng từ của thầy

Sự ban tặng những quán đảnh, cả bình cam lồ và mật ngữ.


Làm thanh tịnh thân, khẩu, và ý,

Những hành giả như vậy thích hợp để chứng ngộ.

Bằng việc hoàn thành những sự tích tập

Sinh khởi từ định chi,

Họ sẽ chóng đạt sự chứng ngộ vô thượng.

Đó là con đường của mật chú.


ii)Mục đích

Vấn:Nếu những giáo pháp dành cho những hành giả có khả năng giới hạn và trung bình là các điều kiện tiên quyết cho hành giả thượng căn, chúng có lẽ cũng được xem là những giai đoạn cho lộ trình của hành giả thượng căn. [96] Vì sao lại sử dụng thành ngữ này: “các giai đoạn của lộ trình được chia sẻ với những hành giả có khả năng giới hạn và trung bình”?

Đáp: Có hai mục đích to lớn của việc phân biệt ba loại người và theo đó hướng dẫn các đệ tử: (1) điều đó đánh tan suy đoán cho rằng quý vị là một hành giả thượng căn cho dù không phát triển những trạng thái tâm thức tương tự như những hành giả có khả năng giới hạn và trung bình, và (2) điều đó mang lại lợi ích to lớn cho những người có tâm thức ở mức tốt nhất, trung bình và thấp nhất. Nó mang lợi ích cho họ như thế nào? Ngay cả hai loại hành giả có khả năng cao hơn cũng phải tìm cầu địa vị cao và sự giải thoát, vì vậy không có gì sai lầm khi giáo huấn các đệ tử có khả năng trung bình và cao về những sự tu tập phát triển những thái độ của những hành giả có khả năng giới hạn và những hành giả có khả năng trung bình. Họ sẽ phát triển được những phẩm hạnh diệu hảo.

Những hành giả có khả năng giới hạn nhất có thể rèn luyện những sự tu tập cao hơn, nhưng điều này sẽ dẫn đến việc họ từ bỏ nhãn quan thấp hơn của họ mà lại không tăng trưởng lên được một nhãn quan cao hơn, và vì vậy họ sẽ không được gì cả. Hơn nữa, có thể có những hành giả nhiều thiện duyên đã phát khởi những lộ trình cao hơn trong những kiếp trước. Nếu họ được giáo huấn về những lộ trình chia sẻ với những hành giả khả năng thấp hơn và sau đó rèn luyện chúng, thì họ sẽ nhanh chóng tăng trưởng những phẩm hạnh diệu hảo đã phát khởi trước đó hoặc những phẩm hạnh chưa phát khởi từ trước. Vì vậy, bởi họ đã phát khởi những lộ trình thấp hơn, nên họ có thể được dẫn dắt theo những lộ trình lần lượt cao hơn, và do đó lộ trình của chính họ đã tu tập trong những kiếp trước sẽ không bị trì hoãn.

Tác phẩm Chân Ngôn Vương Vấn Kinh[26]dùng ví dụ về một thợ kim hoàn khéo tay dần dần tinh luyện được món trang sức để minh họa sự cần thiết cho việc hướng dẫn tâm thức của đệ tử theo các giai đoạn. Để thận trọng tránh sự dài dòng, tôi không trích dẫn chúng đầy đủ ở đây. Vị hộ pháp Long Thọ cũng đã hướng dẫn các đệ tử theo những giai đoạn trong suốt những lộ trình để đạt đến địa vị cao và sự tốt lành chắc chắn:[27]

Ban đầu có những giáo pháp về trạng thái cao;

Rồi đến với những giáo pháp về sự tốt lành chắc chắn.

Bởi khi đạt đến trạng thái cao,

Ngươi dần vươn tới sự tốt lành chắc chắn.


Tương tự, Tôn giả Vô Trước cũng nói rằng:[28]


Hơn nữa, các vị Bồ-tát hướng những đệ tử của họ thành tựu nhân tố đức hạnh của sự giác ngộ một cách đúng đắn và theo các giai đoạn. Để làm được điều này, ban đầu họ đưa ra những giáo pháp dễ dành cho những chúng sinh có trí tuệ non trẻ, yêu cầu họ tu tập theo những huấn thị và giải nghĩa ở mức dễ dàng. Khi nhận thấy trí tuệ của những chúng sinh này phát triển lên khả năng trung bình, các vị yêu cầu họ tu tập những giáo pháp và huấn thị ở mức trung bình, và những sự giải nghĩa trung bình. [97] Khi nhận thấy trí tuệ của những chúng sinh này trở nên rộng mở, các vị yêu cầu họ tu tập những giáo pháp và huấn thị uyên thâm, và những sự giải nghĩa vi diệu. Đây là luồng hoạt động mang tính quyết định cho hạnh phúc của những chúng sinh này.


Ngoài ra, tác phẩm Hạnh Hiệp Đăng Luậncủa ngài Thánh Thiên mô tả phương pháp trước tiên quý vị rèn luyện tư duy về Ba-la-mật-đa thừa và sau đó bước vào mật chú thừa. Tác phẩm chứng minh rằng quý vị phải thực hiện điều này theo các giai đoạn. Sau đó điểm này được tóm tắt như sau:[29]


Phương pháp những chúng sinh khởi đầu

Tham gia vào mục tiêu tối thượng

Được đức Phật toàn hảo huấn thị

Tương tự từng bậc của cầu thang.


Hơn nữa, tác phẩm Tứ Bách Kệ Tụng[30]cũng đề cập rằng trình tự của con đường là xác định:


Thoạt tiên, ngừng các việc thất đức.

Tiếp theo, ngừng sai lầm về ngã.

Cuối cùng, dứt tất cả tà kiến;

Ai hiểu điều này là bậc tinh thông.

Tương tự, vị đa văn đạo sư Mẫu Hầu đã nói rằng:[31]


Tựa như việc nhuộm vải không còn vết nhơ:

Trước tiên họ phát triển điều thiện trong tâm đệ tử

Thông qua những bàn luận về bố thí và tương tự,

Và rồi họ bảo đệ tử quán tưởng về giáo pháp.


Viện dẫn bản văn này, đại sư Nguyệt Xứng cũng cho rằng đạo pháp có một trình tự xác định. Vì trình tự mà chúng tôi dùng để hướng dẫn những người khác đi theo con đường một cách rõ ràng là rất thiết yếu cho sự tu tập của họ, hãy đạt đến sự chắc chắn vững vàng về phương pháp này.





Chương


[1]BA216 Bodhi-patha-pradîpa, P5343: 20.4.5-6.

[2]BA217 Ibid., P5343: 103, 20.4.5.

[3]BA218 Caryâ-saṃgraha-pradîpa, P5379:186.3.6-7.

[4]Ở đây Chân ngôn thừa là tên gọi khác của Mật thừa và xin phân biệt với Chân ngôn tông của Trung Hoa.

[5]Tức là Giai đoạn Phát khởi và Giai đoạn Hoàn tất hay Hoàn mãn trong tu tập Mật thừa.

[6]BA219 Bodhi-patha-pradîpa, P5343: 20.4.6.

[7]BA220 Tác phẩm Du-già Hạnh Địa Luận- rNal 'byor spyod pa'i sa mam par gtan la dbab pa bsdu ba (Vs), P5539: 9.2.4-5. P5539, tập 110 được trích dẫn khác nhau như gTan la dbab pa bsdu pa (Viniścaya-saṃgrahaṇi)rNam par ngcs pa bsdu pa (Nirṇaya-saṃgraha). Tên đầy đủ trong danh mục Pali là Yogâ-caryâ-bhûmau-nirṇaya-saṃgraha.

[8]BA221 Abhidharma-koúa-bhâṣya (AKbh), P5591:189.1.4-6.

[9]BA222 Saṃvṛti-bodhicitta-bhâvanopadeúa-varṇa-saṃgraha, P5307:18.3.4-7.

[10]BA223 Madhyamaka-hṛdaya-kârikâ, P5255: 3.4.2-4.

[11]Ý trong hai câu thơ cuối của đoạn kệ này không thấy trình bày trong bản Anh ngữ mà chúng được thay bằng dấu …, nhưng lại có thấy trích dẫn trong bản chú giải của Sopa Rinpoche nên chúng tôi thay thế các các dấu chấm này cho rõ. Steps on the Paht to Enlightenment. P248. Vol1. Lhundub Sopa. Wisdom. 2004.

[12]“con của đấng Chiến Thắng”, “con Phật”, “con của đấng Thiện Thệ” v.v... chỉ đến các Bồ-tát đã thọ giới và được xem như trong gia đình con Phật. Chữ Hán-việt ban đầu là “Phật tử” nhưng về sau, chữ này đã bị mở rộng về mặt nội hàm bất kể là cho người có Bồ-tát giới hay không. Cho nên từ “Phật tử” có thể gây hiểu nhầm dù không sai về cách viết.

[13]BA224 BCA: 1.9a-c; P5272: 245.2.3-4.

[14]BA225 Ibid.: 1.24; P5272: 245.3.6-7.

[15]BA226 Bodhi-patha-pradîpa, P5343: 21.2.6-7.

[16]BA227 Bohdi-mârga-pradîpa-pañjikâ-nâma, P5344, vol. 103.

[17]Ba loại trí huệ hay tam minh (chn. 三智) này được giải thích trong Giáo Pháp Về Đại Bát-nhã Ba-la-mật-đa, bao gồm (1) trí huệ thấu hiểu khía cạnh phổ dụng của các pháp. Đây là loại trí huệ của Thanh Văn thừa và Duyên Giác thừa thấy biết được chân lý về bản chất không cố hữu không thật có của các hiện tượng {các pháp}, (2) Trí huệ thấu hiểu về các lộ trình khác nhau đến giác ngộ. Chư Bồ-tát có loại trí huệ này vốn khiến họ thấy biết về khía cạnh đặc thù về sự tồn tại hay chân lý về sự tồn tại tạm bợ, cũng như là nhiều lộ trình khác nhau đến giác ngộ, nên theo đó họ có thể cứu độ các chúng sinh khác, (3) trí huệ hiểu biết cả khía cạnh phổ dụng lẫn khía cạnh đặc thù của các pháp. Đây là trí huệ Phật hay Phật trí. Phật trí vốn nhận thức cả hai khía cạnh này của toàn thể các pháp còn gọi Trung Đạo, cũng như nhận thức về nhiều lộ trình đến giác ngộ khác nhau. Tuy nhiên, theo như giải thích của Sopa Rinpoche thì có vẻ như ngài Sopa ám chỉ đó chính là Tam Vô Lậu Học (giới định và tuệ). Xem thêm chi tiết trong chú thích kế.

three kinds of wisdom. The Soka Gakkai Dictionary of Buddhism. Truy cập 12/02/2012.

<http://www.sgilibrary.org/search_dict.php?id=2343>.

[18]Trong chú giải đến ba đoạn giảng luận cuối này, theo giải thích của Sopa Rinpoche thì tu tập sáu Ba-la-mật-đa tương ứng với Tam vô lậu học (giới-định-tuệ) như sau: bốn Ba-la-mật-đa đầu là giới, Ba-la-mật-đa thiền định là địnhvà Trí huệ Ba-la-mật-đa là tuệ. Việc tu tập để đạt giác ngộ được so sánh như hai cánh chim bay đến thành tựu, không có cả hai thì không thể đạt giác ngộ. Cánh chim thứ nhất là phương tiện bao gồm tất cả các tu tập từ đầu cho đến nhất tâm định, được xem là khía cạnh tích lũy công đức và được chú trọng như là chân lý ước lệ (tục đế). Cánh chim còn lại là tất cả các loại tu tập để đạt đến sự chứng ngộ trực tiếp về bản chất thật sự của con người (bản ngã người) và các pháp cũng như là chính trí tuệ này. Các tu tập này được xem là sự huân tập về trí huệ và được chú trọng như là chân lý tối hậu (chân đế).

Steps on the Path to Enlightenment. Vol1. P292. Lhundub Sopa. 2004.

[19]BA228 Madhyamakâvatâra-nâma: 6.226; P5262:106.2.4-5.

[20]Du-già với biểu tướng là loại thiền mà trong đó hành giả quán tưởng sự trình hiện của một bổn tôn hay một giác thể và mật chú trong mục tiêu thành tựu sắc thân Phật, loại thiền này không liên hệ đến hiểu biết về tính Không. Loại thiền lên tính Không trong đó nhắm đạt đến trực chứng tính Không được gọi là Du-già không có biển tướng. Xem thêm chuyên về chủ đề này: Yoga Tantra: Paths to Magical Feats. Dalai Lama, Tsongkhapa and Jeffrey Hopkins. Snow Lion. 2005.

[21]BA229 Mahâyâna-patha-sâdhana-saṃgraha, P5352:51.5.23.

[22]BA230 Mahâyâna-patha-sâdhana-varṇa-saṃgraha, P5351:50.3.3-5.

[23]BA231 Ibid., P5351: 50.4.8-50.5.2.

[24]BA232 Ibid., P5351: 51.3.5-6.

[25]BA233 Samâdhi-saṃbhâra-parivarta, P3288: 257.5.2-5.

[26]BA234 Đà-ra-ni Vương Vấn Kinh - gZungs kyi dbang phyug rgyal pos zhus pa (Dhâraṅîúvara-râja-paripṛcchâ)là tác phẩm Arya Ârya-tathâgata-mahâ-karuṇâ-nirdeúa-nâma-mahâyânâ-sûtra, P814:300.5.4.

[27]BA235 Raja-parikatha-ratnavall, Ra: 1.3-4; P5658:173.5.7-8.

[28]Bbh, P5538:186.1.3-6.

[29]Carya-melapaka-pradipa, P2668: 295.3.8-295.4.1.

[30]Cś: 8.15; P5246:136.3.2-3.

[31]Trong tác phẩm Nhất Bách Ngũ Thập Kệ Tụng- Sata-pancasatka-natna-stotra (Một trăm năm mươi kệ xưng tụng): 12.5; P2038. Tác giả là ngài Mã Minh theo bản Pali.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]