Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

03. Luận về pháp hành

18/08/201202:37(Xem: 6738)
03. Luận về pháp hành
MINH SÁT TU TẬP

Tác giả: Achaan Naeb Mahàniranonda

Thiền viện Boonkanjanaram

Dịch giả: Pháp Thông

 

PHẦN II:

THỰC NH

III. LUẬN VỀ PHÁP NH

1. Liên hệ pháp hành với Tứ Thánh Đế

Khổ Đế (dukkhasacca). Trong mỗi oai nghi, chúng ta thấy khổ - đó là khổ thọ (dukkhavedanā) và hành khổ (sankhāradukkha). Cả hai đều là Khổ Đế (dukkhasacca) - tức Danh - Sắc là khổ.

Tập Đế(samudayasacca). Ái (tanha) là nhân sanh khổ. Trong khi tỉnh thức với sắc ngồi, v.v... (trong sát-na hiện tại), tuệ minh sát nảy sanh, và hành giả có thể diệt được tà kiến cho rằng chính "Ta" đang ngồi - tức là diệt thân kiến (sakkāyadiṭṭhi).

Diệt Đế (nirodhasacca). Phiền não càng giảm thiểu, hành giả càng gần đến sự diệt khổ (nirodha) hơn. Sự diệt này có thể là nhất thời đoạn diệt (tadanganirodha) như trong sát-na hiện tại, hoặc diệt đoạn tuyệt (samucchedanirodha)như trong sự giác ngộ viên mãn.

Nếu ái diệt, thời khổ diệt, bởi vì ái là nhân sanh khổ. Khi nhân diệt thời quả (khổ) cũng diệt. Như vậy, có trí tuệ thiền tuệ theo dõi thấy rõ biết rõ chứng ngộ Tứ Thánh Đế. Sự kiện này tùy thuộc vào năng lực của Tâm Đạo (Maggacitta). Tâm Đạo chính là cái sát trừ phiền não.

Đạo Đế (maggasacca). Trong khi chánh niệm vào oai nghi như là sắc, trong sát-na hiện tại, chúng ta cũng đồng thời tu tập Giới, Định, Tuệ - được xem là Bát Thánh Đạo hay Đạo Đế. Càng nhận rõ khổ bằng trí tuệ, chúng ta càng tu tập Bát Thánh Đạo nhiều hơn vậy.

2. Các loại khổ trong pháp hành Vipassanā

Đối với sắc (rūpa), có hai loại khổ, là khổ thọ (dukkhavedanā) và hành khổ (sankhāradukkha). Thọ khổ là sự khó chịu, đau nhức nơi thân. Hành khổ là cái đau đang diễn biến hay đang được chữa. Khổ này khó thấy hơn khổ thọ.

Đối với Danh - Sắc(nāma-rūpa), cũng có hai loại, là khổ tướng (dukkhalakkhana) - đây là đặc tánh của danh sắc; và khổ đế (dukkhasacca) là cái khổ cố hữu.

Khổ thọlà cái khổ thông thường, như được cảm giác trong các oai nghi. Người hành thiền cần phải quán khổ thọ trước, bởi vì nó dễ thấy và lúc nào cũng hiện hữu trong bốn oai nghi. Khi hành giả nhận rõ khổ, hành giả sẽ nhận ra Danh - Sắc bị khổ thọ này buộc phải thay đổi oai nghi suốt ngày vậy.

Hành khổlà cái khổ được mang qua oai nghi mới do buộc phải thay đổi từ oai nghi cũ. Hành khổ này cũng gồm các hoạt động khác cần phải làm suốt ngày để duy trì thân thể, như là ăn uống, thở vào, thở ra, v.v...

Khổ tướnglà những đặc tánh của Danh - Sắc. Chúng có cùng những đặc tánh như mọi hiện hữu là vô thường, khổ, vô ngã. Loại khổ này chỉ có thể nhận ra bằng tuệ minh sát. Tam tướng hay ba đặc tánh được thấy rõ ở Tuệ thứ tư trong 16 Tuệ minh sát, là Sanh Diệt Tuệ (Udayabbayañāṇa).

Khổ Đếlà Thánh đế thứ nhất trong Tứ Thánh Đế. Khổ Đế ở đây là Danh và Sắc. Khi Khổ Đế được chứng ngộ, các phận sự khác của Tứ Thánh Đế cũng được chứng ngộ.

3. Những vấn đề cần biết

3.1. Ngã kiến phiền não thường lẻn vào ở đâu?

Ngã kiến phiền não lẻn vào qua Danh (cảm giác). Như khi hành giả đang ngồi và Danh cảm giác rằng chính "ta" đang ngồi hay tự ngã của ta đang ngồi. Hành minh sát là để nhận ra sự thực rằng đó chỉ là sắc ngồi. Hành giả cần phải có tinh tấn - chánh niệm - tỉnh giác mới thấy được rằng sắc đang ngồi.

3.2. Cái gì biết đó là sắc ngồi?

Ba Danh - tinh tấn, chánh niệm, tỉnh giác - biết được đó là sắc ngồi.

3.3. Mục đích của việc tỉnh thức về bốn oai nghi này là gì?

- Tiêu diệt tà kiến "ta" đang ngồi, đang đứng, v.v... Và điều này chứng minh rõ lý vô ngã.

- Khi sắc ngồi có sự đau nhức, chúng ta có thể thấy rõ khổ. Khi khổ buộc sắc phải thay đổi, thì đó là vô thường (anicca). Vô thường nghĩa là chúng ta không thể ở yên trong một oai nghi nào đó quá lâu. Lại nữa, khi chúng ta biết sắc ngồi (tức thấy vô ngã), tự động chúng ta sẽ nhận ra hai đặc tánh khổ và vô thường bằng trí tuệ thẩm nghiệm (cintapaññā).

3.4. Tại sao chúng ta phải theo dõi cái đau từ oai nghi cũ sang oai nghi mới, chẳng hạn từ sắc ngồi qua sắc đứng?

Khi sắc ngồi có sự đau nhức, hành giả phải ghi nhận rằng sắc ngồi khổ. Khi chuyển sang sắc đứng, cái đau ấy phải được theo dõi để nhận ra rằng sắc đứng cũng vẫn khổ. Khi cái đau được chữa, hành giả có thể thấy ra rằng oai nghi mới là để chữa khổ, và điều này sẽ ngăn chặn phiền não - không thích đối với oai nghi cũ, hoặc thích thú với oai nghi mới. Sở dĩ phiền não được ngăn chặn là vì lúc này chúng ta biết rằng, không có "chúng ta" trong oai nghi cũ hoặc mới, chỉ có sắc ngồi, sắc đứng,... mà thôi. Khi hành giả có tác ý chân chánh như vậy, hành giả sẽ nhận ra là không có một sắc nào là lạc cả. Nhờ thường xuyên thay đổi oai nghi với tác ý chân chánh, hành giả còn nhận ra sự thực rằng bốn oai nghi luôn che án thực tánh khổ.

3.5.Tại sao chúng ta nói "sắc ngồi", "sắc đứng"?

Bởi vì trong mỗi oai nghi sắc không giống nhau, nghĩa là, sắc ngồi là một sắc, sắc đi là một sắc khác, v.v... Ngay cả danh biết sắc ngồi cũng khác với danh biết sắc đi... Sở dĩ có điều này là vì danh và sắc sanh diệt trong từng sát-na, do vậy chúng không bao giờ giống nhau. Sự hiểu biết này sẽ giúp hành giả thấy rõ bản chất của nguyên khối tưởng (ghanasañña, thường dẫn đến tà kiến cho rằng Danh - Sắc là "ta", là tự ngã của "ta").

3.6.Những câu hỏi hành giả có thể tự vấn:

Sắc ngồi là thường hay vô thường? - Sắc ngồi là vô thường.

Làm sao để biết? - Bởi vì khổ buộc sắc phải thay đổi thường xuyên.

Chúng ta có cái gì khiến cho phải khổ? - Chúng ta có Danh và Sắc.

Danh là thường hay vô thường? - Vô thường.

Làm sao biết được? - Danh không thể trú lâu trên một đối tượng bao giờ. Phóng tâm sẽ phát sanh.

Danh có khổ hay không? - Khổ.

Làm sao để chứng minh có khổ trong danh? - Nó không thể ở yên một chỗ (nên là khổ). Danh và Sắc luôn luôn vô thường và khổ, do đó, nó không có tự ngã. Vì không có tự ngã nên không bị kiểm soát; chính vì thế mà nó không phải là "chúng ta". Khi hành giả nhận rõ điều này, hành giả thấy được Pháp. Pháp mà hành giả thấy đó là khổ (dukkha). Chính khổ này dẫn đến Khổ Đế (dukkhasacca). Khổ Đế là Thánh Đế tuyên bố rằng, ta không thể nào chữa được khổ trong danh và sắc, dĩ nhiên là ngoại trừ việc chữa tạm thời. Cả danh và sắc đều sanh diệt một cách nhanh chóng, và chúng ta không thể nào thay đổi được điều này.

Cái gì được xem là sắc ngồi? - Toàn bộ oai nghi, hay cách chúng ta ngồi, là sắc ngồi.

Cái gì quán oai nghi ngồi? - "Ta" không quán oai nghi ngồi, mà ba danh (tinh tấn, chánh niệm, tỉnh giác) quán.

4. Khảo sát Danh và Sắc

Điều quan trọng mà hành giả cần hiểu ở đây là Danh hay Sắc phải luôn luôn là đối tượng của pháp hành. Nếu không có danh hay sắc thường xuyên làm đối tượng của sự tỉnh thức thì dù có tinh tấn đến đâu, hành giả cũng không thể thành công. Tuy nhiên pháp hành sẽ không đến nỗi quá khó nếu như hành giả hiểu rõ những nguyên tắc thực hành.

Cần phải khảo sát Danh - Sắc kỹ lưỡng trước khi thực hành, như vậy, hành giả sẽ dễ dàng nhận ra cái gì là danh, cái gì là sắc. Cũng giống như việc đọc chữ, người học trò cần phải biết các mẫu tự A, B, C,... thì mới có thể đọc được. Hành giả cũng vậy, phải biết danh và sắc trước thì mới có thể hành đúng được. Nếu chúng ta không có danh hay sắc làm đối tượng liên tục trong pháp hành, chúng ta sẽ hành với ý niệm rằng "ta khổ", chẳng hạn, và như vậy sẽ không thể nào loại trừ được ngã kiến.

5. Định (samādhi)

Trong pháp hành này, nếu có quá nhiều định là điều không tốt. Đôi khi trong oai nghi ngồi, hành giả chỉ biết oai nghi ngồi mà không biết sắc ngồi, hoặc trong một vài trường hợp có hành giả thậm chí còn không nhận ra oai nghi mà mình đang sử dụng nữa. Điều này là do định tâm thái quá. Để giảm thiểu tâm định này, một vài hoạt động linh hoạt được xem là rất hữu ích, chẳng hạn như làm các công việc, đi thật nhanh hay chạy cũng được, v.v... Trong mọi trường hợp, nếu có quá nhiều tâm định ở bất cứ oai nghi nào thì nên thay đổi oai nghi ấy.

Đề cập đến định, Thiền sư Achan Naeb nói: "Định nào lấy Niệm Xứ (satipaṭṭhāna) làm đối tượng, định ấy sẽ không dẫn đến tham (abhijjha),bởi lẽ nó đưa đến trí tuệ - tuệ chứng ngộ khổ. (Đây là cách duy nhất để biết xem pháp hành của mình có đúng hay không). Định nào làm cho ta an lạc, không phải là Niệm Xứ, bởi lẽ định ấy không thanh tịnh, mà bị ô nhiễm với phiền não. Mặc dù nó tạo ra lạc, song nó không hủy diệt điên đảo tưởng (vipallāsa). Loại định đó gọi là hành uẩn (sankhārakhandha), và như vậy là một phần của ngủ uẩn (Danh - Sắc), và không thể diệt khổ, tức là, không thể đạt đến Niết Bàn (Niết Bàn cũng là danh nhưng thường và lạc bởi vì Niết Bàn nằmngoàinăm uẩn". Sát-na tâm đạo ngắn ngủi đó là Niết Bàn, do vậy không có thọ (Khi Ngài Udayihỏi Ngài Xá Lợi Phất, Niết Bàn sao có thể là lạc được, bởi vì không có thọ, Bậc Tướng Quân Chánh Pháp trả lời: "Chính cái chỗ không có thọ ấy là lạc" - Anguttara-Nikāya, Nibbānasutta)..

Có khi hành giả thiên quá về định đến nỗi mất đi cảm giác biết được rằng sắc đang ngồi. Mặc dù vậy, họ vẫn nghĩ rằng họ cảm nhận được sắc ngồi, bởi vì họ thiếu sự quán sát pháp hành (sikkhāti)để cho họ biết rằng sắc ngồi không còn được cảm nhận nữa. Vả lại, nếu không có sikkhāti,hành giả có thể cảm giác khổ nhưng không nhận ra đó là sắc ngồi có khổ. Người ấy sẽ nghĩ rằng chính "anh ta" đang cảm thọ khổ, như thế, vô tình họ đã thực hành với ý niệm "ta" ngồi, "ta" khổ, v.v... Và chắc chắn không thể nào loại bỏ được tà kiến về tự ngã (thân kiến).

Trước tiên hành giả sẽ biết sắc ngồi với tác ý chân chánh; kế đến, hành giả quán sát sắc ngồi với ba danh - tinh tấn, chánh niệm, tỉnh giác - hay nói gọn là yogavacara. Khi đau nhức phát sanh, yogavacarabiết đó là sắc ngồi khổ. Khi thực hiện việc thay đổi oai nghi, tác ý chân chánh biết sự thay đổi là để chữa khổ, và tác ý này sẽ ngăn chặn tham và sân không cho xen vào trong lúc thay đổi oai nghi.

6. Phóng tâm (uddhacca)

Một trong những nguyên nhân sanh phóng tâm là có quá nhiều tinh tấn (ātāpī). Nhiệt tâm quá mức này khiến cho hành giả xua đuổi phóng tâm và làm cho nó trở nên tệ hại hơn. Phóng tâm là danh; phóng tâm là thực tánh, và cũng là một đối tượng nằm trong Pháp Tùy Quán (Dhammānupassanā)của Tứ Niệm Xứ, bởi vì nó là vô thường, khổ và vô ngã. Phóng tâm dạy cho ta biết rằng danh nằm ngoài sự kiểm soát (vô ngã).

Mục đích của pháp hành minh sát là nhằm tiêu diệt tham - sân (abhijjha - domanassa)với tinh tấn, chánh niệm, tỉnh giác. Nếu hành giả thích định, đó là tham. Nhưng nếu hành giả không thích phóng tâm khi nó phát sanh chỉ vì nó không phải định, điều đó tạo ra sân. Trong cả hai trường hợp, hành giả đều không thể tiêu diệt tham và sân. Vì thế, đối với phóng tâm, không nên có thái độ thích hay không thích.

Hành giả thực hành minh sát là để phát triển thiện pháp (kusala).Nhưng, thay vào đó lại gặt bất thiện pháp (akusala), bởi vì đã khởi tâm sân với phóng tâm. Sự sân hận này là do thiếu trí tuệ, đặc biệt là tác ý chân chánh. Tác ý chân chánh biết phóng tâm là danh, phóng tâm là thực tánh bởi vì nó vô thường, khổ và vô ngã. Phóng tâm nảy sanh là vì ba danh quán sát không còn ở trong sát-na hiện tại. khi hành giả nhận ra phóng tâm là danh (tâm sở), nó sẽ biến mất, và ba danh sẽ trở lại với sát-na hiện tại. Đừng theo dõi "câu chuyện" (dòng suy nghĩ) của phóng tâm. Nếu không, phóng tâm này sẽ dẫn hành giả đi càng lúc càng xa khỏi sát-na hiện tại. Nếu hành giả biết "câu chuyện" là hành giả đã không có sự tỉnh thức. Nếu hành giả có sự tỉnh thức, hành giả sẽ không biết "câu chuyện". Chỉ đơn giản nhận ra nó là phóng tâm và tâm sẽ tự động trở lại với sát-na hiện tại.

Khi hành giả trở lại với sát-na hiện tại, hành giả sẽ thấy sắc ngồi rất rõ. Được như vậy là vì lúc này, hành giả không phải cố gắng để thấy sắc ngồi (do không có phiền não). Đây là tâm có chánh niệm - tỉnh giác hay sự tỉnh thức - và cần được duy trì, song không nên cưỡng buộc. Việc thực hành này là để quán Danh - Sắc như một khán giả, không nên cố gắng thay đổi hay kiểm soát chúng. Sau khi đã có kinh nghiệm nhiều hơn trong pháp hành, "con vượn tâm" (tâm lang thang) sẽ trở nên thuần hóa, và hành giả sẽ trú trong sát-na hiện tại thường xuyên. Lúc ấy, việc bắt cảnh hiện tại hay sát-na hiện tại sẽ dễ dàng hơn đối với hành giả.

7. Phần linh tinh

Bệnh hoạn không phải là chướng ngại cho việc thực hành. Nhưng có khả năng hành giả sẽ không cảm nhận được sắc ngồi bởi vì quá đau. Hành giả lúc này chỉ nên quán cái đau, bỏ qua oai nghi, và nhận ra rằng sắc thân là khổ (Sắc (rūpa) khi được quán như cái đau, không còn là sắc ngồi, v.v... nữa, mà trở thành sắc thân (rūpakāya),tức sắc được xem như thân vậy), đó là khổ đế. hơn nữa, hành giả cũng có thể thấy ra rằng sắc là vô ngã, vì nó không thể kiểm soát được (Trong Tương Ưng Kinh, Đức Phật nói với nam cư sĩ Nakulapitā,lúc ấy đang bệnh hoạn già yếu, rằng, đối với hàng phàm nhân không tu tập, khi bệnh hoạn phát sanh, thân bất an và tâm cũng bất an; nhưng đối với người đã diệt được thân kiến (sakkāyadiṭṭhi),thân bất an nhưng tâm thì không).

Làm thế nào để hành giả biết được khi tâm có chánh niệm - tỉnh giác khởi sanh (trong sát-na hiện tại)?

Khi tâm có chánh niệm - tỉnh giác, nó sẽ biết các oai nghi (đây là nhiệm vụ của chánh niệm), tâm biết rằng oai nghi đó là sắc ngồi, v.v... (đây là nhiệm vụ của tỉnh giác). Khi sati - sampajañña(chánh niệm tỉnh giác ) có mặt, sẽ không có những trạng thái trạo cử, hối quá, không có những trạng thái bất an và chán nản đối với pháp hành.

Nếu hành giả thiếu tinh tấn, kết quả sẽ là lười biếng hoặc không chú tâm đến pháp hành. Thiếu tinh tấn là do ít hiểu biết về pháp hành; không có khả năng thấy khổ và sự cần thiết của việc loại trừ phiền não (kilesa), đồng thời cũng không có khả năng để thấy rằng chúng ta có thể chết bất cứ lúc nào, cần phải tận dụng thời gian mà chúng ta có (để hành thiền). Ở đây, hành giả nên nhớ rằng, Đức Phật đã để lại di sản Giáo pháp cho chúng ta, pháp đó là Satipaṭṭhāna(Tứ Niệm Xứ); do đó, chúng ta phải tận dụng mọi cơ hội để thực hành nó trong kiếp sống này.

Hành giả sơ cơ cũng phải nhớ rằng pháp hành này là thiện pháp tối cao (diệt trừ các phiền não), nó có thể cần rất nhiều thời gian. Sở dĩ gọi là thiện pháp tối cao vì nó sẽ đưa hành giả đến chỗ giải thoát khổ, và dĩ nhiên, điều đó không phải dễ. Hành giả cũng không nên vội vã mong chóng có kết quả, bởi vì phần đông hành giả trước đây đã từng hành không đúng nên cần phải có thời gian để phát triển pháp hành theo đúng chánh pháp.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]