Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

06. Sát-na hiện tại và thực tính pháp

18/08/201202:37(Xem: 6852)
06. Sát-na hiện tại và thực tính pháp
MINH SÁT TU TẬP

Tác giả: Achaan Naeb Mahàniranonda

Thiền viện Boonkanjanaram

Dịch giả: Pháp Thông

 

PHẦNI:

LÝ THUYẾT


VI. SÁT-NA HIỆN TẠI VÀ THỰC TÍNH PHÁP
(ĀRAMMANAPACCUPPANNĀ & SABHĀVA DHAMMA)

1. Sát-na hiện tại(ārammaṇapaccuppannā)

Sát-na hiện tại có thể được định nghĩa như là một thời điểm nảy sanh của danh và sắc, được nhận biết bằng ba Danh là tinh tấn (ātapī), chánh niệm (sati) và tỉnh giác (sampajjañña) - gọi tắt là yogavacara- độc lập với ước muốn của con người.

(Chú thích:

Ārammanapaccuppannāhay paccuppannārammana đúng nghĩa là hiện tại sở duyên hay cảnh hiện tại; ở đây dùng từ này để chỉ cho sát na hiện tại của Danh - Sắc (present moment), một thoáng ngắn ngủi mà chỉ có chánh niệm - tỉnh giác thực sự mới ghi nhận kịp - ND.)

Muốn nhận thức rõ sát-na hiện tại chúng ta phải biết, đối tượng của ba Danh (làm nhiệm vụ quán sát) phải là thực tại tuyệt đối (paramattha), tức là Danh và Sắc; đối tượng ấy phải nằm trong Tứ Niệm Xứ (thân, thọ, tâm, pháp); khi thực hành, cũng không nên lẫn lộn các đối tượng. Chẳng hạn, khi đang quán sắc ngồi, nếu có sự đau nhức, đừng quán danh biết điều đó. Chỉ cần biết sắc ngồi khổ là đủ, tức là chỉ nên quán "thân trong thân"; Danh và Sắc cần được thấy trong sát-na hiện tại, nghĩa là phải được thấy ở một thời điểm độc lập với ý muốn chủ quan của chúng ta. Chúng ta không thể tạo ra Danh-Sắc, chẳng hạn cố tình đi thật chậm với mục đích làm cho tuệ phát sanh, hoặc cố tình co tay, duỗi chân thật chậm để thấy các kalapa(tổng hợp) đang sanh và diệt. Đó không phải là sát-na hiện tại. Một ví dụ cho thấy sát-na hiện tại thực sự là sự tỉnh thức (sati-sampajjañña) đang quán sát sắc ngồi, nhưng hơi có một chút phiền não - có thể là một mong ước muốn thấy sắc ngồi. Bất ngờ một tiếng sấm nổ, sự tỉnh thức buông sắc ngồi và nghe tiếng sấm. Danh nghe ấy phát sanh một cách tự động. Đây là sát-na hiện tại thực sự (vipassanā), bởi vì không có phiền não ở sát-na đó.

Có hai loại sát-na hiện tại, đó là, sát-na hiện tại của tuệ thẩm nghiệm (thẩm tra, thẩm sát) (cintā ārammanapaccuppañña) và sát-na hiện tại của tuệ minh sát (vipassanā-paññāārammanapaccuppañña). Tuệ thẩm nghiệm sát-na hiện tại là sự nhận biết trong khi hành thiền bình thường, nó đi trước và dẫn đến tuệ minh sát, theo cách hai thanh củi khô xát vào nhau sanh ra lửa.

Nếu pháp hành được thực hiện một cách chuẩn xác với sát-na hiện tại, nó sẽ hủy diệt tham (abhijjha) và sân (domanassa) trong năm uẩn. Lúc đó, tuệ minh sát sẽ phát sanh.

Sát-na hiện tại minh sát rất khó nắm bắt, cũng giống như bắt một con cá trong hồ bằng hai tay không. Hành giả nhận ra "sắc ngồi" chứ không phải "ta ngồi". Cũng không phải "ta" biết sắc ngồi, mà đó là Ba Danh (tinh tấn, chánh niệm, tỉnh giác) biết. Thực ra, sắc ngồi đó cũng không có, chỉ có thực tánh pháp (sabhāva) mà thôi. Ngay cả Danh biết (đối tượng) sắc ngồi cũng là thực tánh pháp.

Sát-na hiện tại minh sát sở dĩ khó nắm bắt là vì sự hiện diện của phiền não. Nắm bắt sát-na hiện tại minh sát cũng giống như cố gắng đọc khi chưa học các mẫu tự. Chừng nào ta chưa biết các mẫu tự, ta không thể nhận ra các chữ. Ngay cả khi thay đổi oai nghi cũng cần phải duy trì sát-na hiện tại, nếu không, phiền não sẽ xen vào. Khi sát-na hiện tại được duy trì một cách liên tục, phiền não sẽ bị ngăn chận và sát-na hiện tại minh sát sẽ phát sanh để diệt si mê (moha).

Làm thế nào để hành giả biết được họ đang trong sát-na hiện tại?

Hành giả phải có chánh niệm - tỉnh giác liên tục. Nếu có chánh niệm - tỉnh giác, thì đó là sát-na hiện tại. Hoặc ngược lại, có sát-na hiện tại là có chánh niệm - tỉnh giác. Hành giả phải thường xuyên ở trong sát-na hiện tại. Nếu được như vậy, chân lý (sự thực) sẽ xuất hiện; sự thực đó là khổ (dukkha) - Danh-Sắc là khổ. Chánh niệm - tỉnh giác vận hành cùng nhau trong sát-na hiện tại của Danh-Sắc và hủy diệt tham sân trong "thế gian" của năm uẩn.

Pháp hành này đưa hành giả đến thực tánh pháp, làm thay đổi tà kiến nghĩ rằng Danh-Sắc là "Ta".

2. Thực Tánh Pháp (Sabhāva Dhamma)

Sabhāva Dhammalà thực tánh của vạn pháp trong thế gian. Nó là thực tại, song không phải là đàn ông hay đàn bà, vật thể hay linh hồn, v.v... Chẳng hạn, sắc ngồi là thực tánh của oai nghi ngồi. Thực sự, khi đã chứng được thực tánh pháp thì ngay cả sắc ngồi cũng không có, chỉ có sabhāvamà thôi.

Vũ trụ không rỗng không thực tại, như một số giáo phái chủ trương, mà nó chỉ rỗng không tự ngã hay linh hồn. Thực tánh pháp gồm có Danh và Sắc, với Danh được chia làm ba phần, như biểu đồ dưới đây:

minhsattutap-dohinh69

Bốn yếu tố của thực tại tuyệt đối là Sắc (rūpa), Tâm (citta), Tâm sở (cetasika), Niết Bàn (Nibbāna). Cả bốn yếu tố này đều là Pháp hiện tại (paccuppanna), cũng là thực tánh pháp, nhưng chúng ta không phải lúc nào cũng thấy được nó.

Ba yếu tố đầu là Danh và Sắc - Danh gồm Tâm và Tâm sở - là pháp hiệp thế. Sắc trong pháp hành chỉ là đối tượng, nó "vô tri". Danh vừa là chủ thể, vừa là đối tượng, như danh thấy, danh nghe v.v... Đây là những pháp thế gian (lokiya), còn nằm trong vòng luân hồi.

Niết Bàn là pháp siêu thế (lokuttara), là đối tượng của sát-na tâm đạo (maggacitta) và tâm quả (phalacitta). Chính tâm đạo diệt phiền não. Trong lãnh vực hiệp thế, chánh niệm - tỉnh giác (sati- sampajjañña) là tuệ vipassanā. Trong siêu thế, chánh niệm - tỉnh giác trở thành tâm đạo. Thực ra tâm đạo ở đây muốn nói đến sự hoàn tất con đường - Đạo Trí (Magga-ñāṇa), Tuệ thứ mười bốn trong mười sáu Tuệ minh sát. Niết Bàn là pháp siêu thế (lokuttara-dhamma), nằm ngoài năm uẩn.

Có hai loại hiện tại (paccuppañña), đó là, pháp hiện tại (paccuppaññadhamma) và sát-na hiện tại (paccuppaññārammana).

Ở pháp hiện tại, Danh-Sắc sanh diệt rất nhanh. Chúng ta không thấy được hiện tượng này vì bị phiền não che án. Chỉ có sắc ngồi, sắc đứng, danh thấy, danh nghe,... chứ không phải "chúng ta ngồi", "chúng ta nghe",... Đây là pháp hiện tại, nó hiện hữu cho dù chúng ta có thấy hay không, ở mọi nơi, mọi lúc nó đều hiện hữu như vậy.

Ở sát-na hiện tại, Danh-Sắc được thấy ở một thời điểm độc lập với ý muốn của chúng ta. Khi thực hành, chúng ta dùng pháp hiện tại và nó sẽ phát triển thành sát-na hiện tại. Muốn có sát-na hiện tại, chánh niệm - tỉnh giác phải trực nhận Danh-Sắc trong sát-na hiện tại, tức là ba đối tượng (sắc, tâm, tâm sở) được thấy mà không có phiền não. Danh-Sắc là những đối tượng minh sát cho đến khi phát sanh Tuệ thứ mười hai (Thuận thứ tuệ, anuloma-ñāṇa). Lúc này, Niết Bàn trở thành đối tượng của tâm đạo và tâm quả, hành giả đạt đến trạng thái siêu thế.

Danh-Sắc được quán sát ở sát-na hiện tại có thể là thiện (kusala), bất thiện (akusala) hay vô ký (abyakata), nhưng nhất thiết phải là một trong bốn nền tảng chánh niệm (tức thân, thọ, tâm, pháp).

Vipassanāchỉ được thực hành khi phiền não có mặt (bậc A-la-hán không còn phiền não, không cần hành vipassanā). Nó cũng phải được áp dụng vào nơi nào phiền não có mặt. Chẳng hạn, khi nghe một âm thanh, phiền não (vô minh) khiến chúng ta nghĩ rằng "chúng ta nghe", lúc đó, vipassanānhắc chúng ta rằng đó là "danh nghe" và tẩy trừ phiền não.

-ooOoo-

Vấn: - Ba danh quán sát-na hiện tại (cintāpaccuppannarom)và ba danh nắm bắt sát-na hiện tại (vipassanāpaññāpaccuppannarom)có giống nhau không?

Đáp: - "Sát-na hiện tại" thì giống nhau, nhưng ba danh quán và ba danh nắm bắt nó thì khác nhau. Hành giả phải thực hành để nắm bắt sát-na hiện tại, tựa như cách người ta phải học các mẫu tự A, B, C,... để đọc được chữ vậy. Tuệ thẩm nghiệm (cintā paññā)cũng giống như học A, B, C,... và tuệ minh sát, nối tiếp theo sau, giống như việc đọc chữ.

Vấn: - Làm thế nào hành giả có thể nâng cao cơ hội nắm bắt sát-na hiện tại của mình?

Đáp: - Nếu hành giả có sự tỉnh thức (chánh niệm - tỉnh giác), hành giả sẽ không để tâm nhiều đến những gì đang diễn ra quanh mình, ngoài đối tượng mình đang quán sát, như sắc ngồi. Sát-na hiện tại của sắc ngồi sẽ làm mờ nhạt hay suy yếu các âm thanh khác. Vì thế, để gia tăng cơ hội nắm bắt sát-na hiện tại, hành giả cần phải có sự tỉnh thức cao độ.

Vấn: - Có nên chọn một oai nghi quy định nào đó để thấy sắc của oai nghi đó không?

Đáp: - Hành giả không nên ngồi để thấy sắc ngồi, hoặc đi để thấy sắc đi. Tất cả các oai nghi cần phải sử dụng để chữa khổ từ oai nghi cũ. Chỉ khi ấy, sắc ngồi hoặc sắc đi mới có thể được thấy một cách tự nhiên, khi nó phát sanh.

Vấn: - Khi hành giả chánh niệm trong sát-na hiện tại, tự nhiên vị ấy có Giới, Định, Tuệ. Tại sao?

Đáp: - Khi hành giả nhận thức sắc ngồi bằng tuệ minh sát, các phiền não thô (loại được chế ngự bằng giới) bị đè nén. Điều này chứng tỏ Giới có mặt. Các triền cái (nivarana)nhất thời được tẩy trừ. Điều này chứng tỏ Định có mặt. Cuối cùng, loại phiền não vi tế (lậu hoặc), tức tà kiến, cũng nhất thời được đoạn trừ. Điều này chứng tỏ Tuệ có mặt, bởi vì tuệ vipassanāđưa đến chánh kiến (sammādiṭṭhi)rằng không có "Ta" ngồi.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]