Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

VIII. Dịch truyền cảm thông

17/11/201115:54(Xem: 10794)
VIII. Dịch truyền cảm thông

 

A DI ĐÀ KINH HỢP GIẢI

Bửu Quang tự đệ tử Như Hòa hợp dịch

VIII. DỊCH TRUYỀN CẢM THÔNG(các bản dịch, bản được lưu truyền, những sự cảm ứng do tụng trì kinh này)

A.Các bản dịch:

Từ Phạn ngữ, dịch sang Hán văn có hai bản dịch:

1. Bản thứ nhất mang tên Phật Thuyết A Di Đà Kinh, do Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập dịch vào thời Dao Tần (394-415).

2. Bản thứ hai mang tên Xưng Tán Tịnh Độ Phật Nhiếp Thọ Kinhdo Ngài Tam Tạng Pháp Sư Huyền Trang dịch vào đời Đường.

Hai bản dịch này đại đồng tiểu dị, bản dịch của Ngài Huyền Trang chi tiết hơn, nhưng kém phần bóng bẩy hơn so với bản dịch của Ngài La Thập. Hiện tại, bản được lưu truyền rộng rãi hơn cả là bản dịch của Ngài La Thập (thường gọi là bản Tần dịch).

Ngoài hai bản dịch này, hiện còn một bản hội tập hai bản kinh trên do cư sĩ Hạ Liên Cư soạn. Ngoài Tịnh Độ Cư Sĩ Lâm Trung Hoa, bản hội tập này không được sử dụng phổ biến cho lắm. Theo Chúng Kinh Mục Lục, vào đời Lưu Tống, kinh này cũng được Ngài Cầu Na Bạt Đà La dịch với tựa đề Tiểu Vô Lượng Thọ Kinh nhưng đã thất truyền.

Khi chú giải các kinh này, từ xưa đến nay, các nhà sớ giải kinh đều dùng bản của Ngài La Thập. Ngay cả đại đệ tử của pháp sư Huyền Trang là Ngài Khuy Cơ khi sớ giải kinh cũng dùng bản của Ngài La Thập, có lẽ vì bản này phổ biến hơn cả.

B. Các bản chú giải:

Từ xưa đến nay, kinh này được chú sớ rất nhiều, nhưng bị thất truyền rất nhiều. Hiện tại, chỉ còn giữ lại được một số bản chú giải như sau:

1. A Di Đà Kinh Nghĩa Ký, 1 quyển, do Ngài Trí Khải soạn thuật vào đời Tùy.

2. A Di Đà Kinh Nghĩa Thuật, 1 quyển, do Ngài Huệ Tịnh soạn vào đời Đường.

3. A Di Đà Kinh Thông Tán Sớ, 3 quyển, do Ngài Khuy Cơ soạn vào đời Đường.

4. A Di Đà Kinh Sớ, 1 quyển, do Ngài Khuy Cơ đời Đường soạn.

5. A Di Đà Kinh Sớ, 1 quyển, do Ngài Hải Đông Nguyên Hiểu người xứ Tân La soạn.

6. A Di Đà Kinh Sớ, do Ngài Trí Viên soạn vào đời Tống.

7. A Di Đà Kinh Nghĩa Sớ do Ngài Linh Chi Nguyên Chiếu đời Tống soạn.

8. A Di Đà Kinh Cú Giải do Ngài Tánh Trừng soạn vào đời Nguyên.

9. A Di Đà Kinh Lược Giải của Ngài Đại Hựu thời Nguyên.

10. A Di Đà Kinh Sớ Sao do Ngài Vân Thê Liên Trì soạn vào thời Minh.

11. A Di Đà Kinh Lược Giải Viên Trung Sao, 2 quyển, do Ngài U Khê Truyền Đăng soạn.

12. A Di Đà Kinh Yếu Giải do Ngài Linh Phong Ngẫu Ích Trí Húc soạn vào cuối đời Minh.

13. A Di Đà Kinh Yếu Giải Giảng Nghĩa của Viên Anh Pháp Sư đời Thanh.

14. A Di Đà Kinh Thiệt Tướng của Ngài Tịnh Đĩnh soạn.

15. A Di Đà Kinh Trực Giải Chánh Hạnh của Liễu Căn Toản soạn.

16. A Di Đà Kinh Lược Chú của Ngài Tục Pháp soạn.

17. A Di Đà Kinh Trích Yếu Dị Giải do Ngài Chân Tung soạn.

18. A Di Đà Kinh Ước Luận của cư sĩ Bành Tế Thanh soạn vào đời Thanh.

19. A Di Đà Kinh Thích và A Di Đà Kinh Chú của Trịnh Trừng Đức và Đặng Trừng Nguyên hợp soạn.

20. A Di Đà Kinh Tiên Chú của cư sĩ Đinh Phước Bảo (ông này cũng là tác giả của bộ Phật Học Đại Từ Điển).

Từ bản A Di Đà Kinh Sớ Sao, Ngài Trí Nguyện tổng kết những lời giảng của chư cổ đức đời Minh soạn ra ba tác phẩm: A Di Đà Kinh Sớ Sao Sự Nghĩa, A Di Đà Kinh Sớ Sao Vấn Biện, A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa.

Ngài Đạt Mặc (không rõ thời đại) soạn lời Sao cho cuốn Yếu Giải của Tổ Trí Húc, đặt tên là A Di Đà Kinh Yếu Giải Tiện Mông Sao,

Trong các bản chú giải kinh trên đây, bản Yếu Giải của Ngài Ngẫu Ích được Tổ Ấn Quang tán dương như sau: “Lý sự đều đạt đến chỗ tuyệt diệu, kể từ khi Phật thuyết kinh này đến nay, Yếu Giải là bản chú giải bậc nhất, khéo léo nhất, xác thực nhất. Ví dù cổ Phật xuất thế chú giải lại kinh này cũng chẳng thể hay hơn được nữa”. Vì thế, trong các bản chú giải kinh A Di Đà, tác phẩm A Di Đà Kinh Yếu Giải được lưu truyền mạnh mẽ nhất.

Cho đến hiện tại, chư tôn cổ đức vẫn tiếp tục diễn giảng kinh A Di Đà và trước tác rất nhiều tác phẩm mới để phu dương mật nghĩa của kinh này nhưng kiến giải đa phần vẫn dựa theo hai tác phẩm Yếu Giải và Sớ Sao là chính.

C. Sự cảm ứng của việc trì kinh

Từ xưa đến nay, người trì tụng kinh này được cảm ứng rất nhiều, xin lược thuật một vài chuyện:

Theo Trí Độ Luận, có một vị tỳ kheo trì tụng kinh A Di Đà, lúc sắp mạng chung, bảo đệ tử rằng: “A Di Đà Phật cùng các thánh chúng đều đến đón ta”. Mất rồi, đệ tử làm lễ trà tỳ, thấy cuống lưỡi của vị tỳ kheo ấy chẳng cháy, hình dáng, màu sắc vẫn tươi nguyên như khi còn sống.

Ông Đường Thế Lương đời Tống tụng kinh Di Đà đến mười vạn biến. Một ngày nọ bảo người nhà: “Phật đến đón ta”. Nói xong, làm lễ mà tịch. Đêm ấy có kẻ đi buôn, ngụ bên núi Đạo Vị, mộng thấy ánh sáng lạ lùng ở Tây Phương, phan, hoa vần vũ, âm nhạc réo rắt, trên không rền vang tiếng nói: “Ông Đường Thế Lương đã sanh về Tịnh Độ”.

Đời Tống, kẻ thảo dân Bằng Mân, thuở trẻ thích săn bắn. Một ngày nọ, đi săn gặp một con rắn to liền cầm giáo xông đến đâm. Khi ấy, rắn đang núp một gộp đá lớn, toan mổ một con bò vàng. Bằng Mân xô đá đè chết rắn. Khi được tái sanh, rắn nhiều phen tính trả thù, nhưng họ Bằng đã tu sám, niệm Phật đã lâu nên rắn chẳng làm gì được. Đến một ngày nọ, ông thỉnh các bạn đồng tu Tịnh nghiệp tụng kinh Di Dà, ngồi chắp tay qua đời.

Đời Tống, pháp sư Trí Tiên, hiệu Chân Giáo, trụ trì chùa Bạch Liên, suốt mười ba năm hướng về Tây niệm Phật, trong 12 thời chưa từng thiếu sót công phu. Một chiều nọ, Sư mỉm cười, sai quán đường hành nhân tụng kinh A Di Đà. Tụng chưa xong, Sư đã an nhiên tọa hóa.

Ngài Thích Xử Khiêm đời Tống chuyên tu Tịnh Độ. Một tối nọ, tụng kinh A Di Đà xong, Ngài khen ngợi Tịnh Độ rồi bảo với đại chúng rằng: “Tôi đã đạt vô sanh mà sanh Tịnh Độ”. Liền như nhập thiền định, lặng lẽ mà hóa.

Đời Tống, bà lão họ Chung ở quận Gia Hòa, mỗi ngày tụng kinh Di Đà mười biến, niệm Phật chẳng bỏ sót ngày nào. Một ngày nọ bà bảo con: “Ta thấy hoa sen trắng vô số, thánh chúng đến đón ta”. Rồi ngồi ngay ngắn, lặng lẽ qua đời.

Hoài Ngọc thiền sư người Đài Châu, chuyên mặc áo vải, ngày ăn một bữa, thường ngồi chẳng nằm, tinh tấn niệm Phật, tụng kinh Di Đà đến ba mươi vạn biến. Một ngày kia thấy Tây Phương thánh chúng nhiều như cát sông Hằng. Một vị tay cầm đài bạc, theo cửa sổ mà vào. Sư hỏi: “Tôi một đời tinh tấn, thề lấy được đài vàng, sao lại như thế này?” Đài bạc liền ẩn mất. Sư càng cảm khích, tinh tấn gấp bội. Hăm mốt ngày sau, thấy Phật hiện chật cả không trung, bèn bảo đệ tử: “Kim đài đã đến đón, ta sanh về Tịnh Độ đây!” Rồi đọc kệ, mỉm cười mà tịch.

Năm Đại Lịch thứ chín đời Nguyên, Tử Hoa thiền sư trụ tại chùa Quán Âm ở Nhuận Châu, tụng kinh Di Đà suốt sáu tháng, chợt mắc bệnh. Đêm ngửi thấy mùi hương, nghe tiếng âm nhạc, trên không có tiếng bảo: “Sự vui thô thiển đã qua, sự vui tinh tế sẽ tiếp nối. Ngài sẽ vãng sanh”. Chẳng lâu sau, sư niệm Phật viên tịch, mùi hương ngào ngạt suốt mấy ngày chẳng tan.

Ngay cả cầm thú cũng được lợi lạc do việc trì kinh này. Quán công ở chùa Chánh Đẳng tại Hoàng Nham, có nuôi một con nhồng (tên một loài chim), thường dạy nó niệm Phật chẳng ngớt. Về sau, con nhồng chết đứng trong lồng. Quán công đem chôn, ít lâu sau, trên mộ chim mọc lên một đóa hoa sen tím. Bới đất để tìm gốc sen, thấy hoa sen ấy mọc ra từ lưỡi con nhồng.

Sự cảm ứng của kinh Di Đà rất nhiều, chẳng thể thuật trọn. Chúng ta là hạng phàm phu khổ não chúng sanh, muốn thoát ly biển khổ, mong vượt khỏi tam giới, thật phải nên buông bỏ vạn duyên, nhất tâm niệm Phật thì đương nhiên sẽ hữu cầu tất ứng, vô cảm bất thông vậy!

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]