Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần 2

27/08/201114:10(Xem: 5891)
Phần 2

Kinh Công Đức Các Bổn Nguyện của Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai Lược Giảng

Đời Đường, Tam Tạng Pháp Sư Huyền Trang phụng chiếu dịch

Tuyên Hóa Thượng Nhân giảng

Những nết cáu giận của chúng ta, thực tình chẳng phải do thức ăn mang lại, cũng chẳng phải do trời hay đất tạo ra, chẳng phải do thời tiết tác động, mà chính là do cái vô minh của chúng ta mà ra. Vậy vô minh từ đâu mà tới? Vô minh phát sinh từ lòng vị kỷ - tự tư - nó chi phối chúng ta, khiến chúng ta sanh nóng giận và phiền não. Chính vì lòng vị kỷ, tự tư, nên ta mới sợ mình bị thiệt thòi. Bởi thiệt thòi nên cáu giận, rồi tranh chấp. Nếu quả quý vị không tranh, không tham, không cầu, không ích kỷ, không tự lợi, thì nóng giận đâu còn nữa!

Bồ tát Quán Thế Âm, Ngài là một vị đại từ bi. Nếu quý vị xưng danh hiệu của Ngài, Ngài sẽ giải trừ được mọi thống khổ của quý vị. Ngài vốn có nhân duyên lớn đối với chúng ta, đối với hết thảy các chúng sanh. Nếu chúng ta muốn kết duyên với Ngài, ta hãy niệm nhiều danh hiệu của Ngài và để ánh sáng của ta hợp chung với ánh sáng của Ngài.

Bồ tát Địa Tạng thì có nguyện lực lớn. Ngài không đành lòng trông thấy các chúng sanh chịu khổ. Nhờ nguyện lực lớn của Ngài, nếu chúng ta niệm danh hiệu của Ngài, tán thán danh hiệu, Ngài sẽ dùng thần lực dẫn dắt chúng ta chóng thành Phật quả.

Có phải hai vị Bồ tát Quán Âm và Địa Tạng đã đăng những lời quảng cáo cho chính mình trong kinh Phật chăng? Không phải! Những lời đó là do Phật nói ra, là chân ngữ, là thực ngữ, chẳng phải là vọng ngữ, chính Phật xưng tán như vậy, nên chúng ta mới biết đến nguyện lực lớn và từ bi lớn của hai Ngài.

Còn nữa này ông Mạn Thù Thất Lợi! Nếu những hữu tình, thích gây ngang ngược, tố nhau kiện nhau, làm cho não loạn, cả mình cả người, lấy thân miệng ý, tạo thêm mãi ra bao nhiêu nghiệp ác, sự tình đắp đổi, chẳng có lợi ích, mưu hại lẫn nhau, đi gọi các thần, ở rừng ở núi, ở cây ở mả, rồi giết chúng sanh, lấy máu lấy thịt, cúng tế bọn quỷ, dược xoa la sát, viết tên kẻ thù, làm hình kẻ thù, làm bùa chú ác, để mà nguyền rủa, yểm bùa bỏ độc, hô quỷ nhập vào, thây chết đứng dậy, sai hại mạng người, và thương tổn thân của các kẻ thù. Những hữu tình ấy, nếu mà được nghe danh hiệu Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, thì ác sự kia, đều chẳng hại được, lần lượt tất cả đều khởi từ tâm, lợi ích an vui, không còn có ý não hại hiềm thù, ai cũng vui mừng, mọi vật thọ dụng, tự cho là đủ, chẳng lấn của nhau, mà là cũng làm lợi ích cho nhau.

Phục thứ, Mạn Thù Thất Lợi! Nhược chư hữu tình, hiếu hỷ quai ly, cánh tương đấu tụng, não loạn tự tha, dĩ thân ngữ ý, tạo tác tăng trưởng chủng chủng ác nghiệp, triển chuyển thường vi bất nhiêu ích sự, hỗ tương mưu hại, cáo triệu sơn lâm, thụ trũng đẳng thần, sát chư chúng sinh, thủ kỳ huyết nhục, tế tự dược xoa, la sát bà đẳng, thư oán nhân danh, tác kỳ hình tượng, dĩ ác chú thuật, nhi chú trớ chi, yểm mị cổ đạo, chú khởi thi quỷ, linh đoạn bỉ mệnh, cập hoại kỳ thân; thị chư hữu tình, nhược đắc văn thử Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai danh hiệu, bỉ chư ác sự, tất bất năng hại, nhất thiết triển chuyển, giai khởi từ tâm, lợi ích an lạc, vô tổn não ý, cập hiềm hận tâm, các các hoan duyệt, ư tự sở thọ, sinh ư hỷ túc, bất tương xâm lăng, hỗ vi nhiêu ích.

Đoạn kinh trên nói lên ý nghĩa của chánh thắng tà, của chân diệt vọng. Đức Phật Thích-ca lại bảo: “Còn nữa này ông Mạn Thù Thất Lợi!”này ông Mạn Thù Sư Lợi!, “Nếu những hữu tình, thích gây ngang ngược”(nhược chư hữu tình, hiếu hỷ quai ly). Chữ “quai ly” có nghĩa là đi ngược với chân lý, cái gì không hợp lý, lấy trái coi là phải, lấy phải coi là trái, lấy trắng làm đen, lấy đen làm trắng, có tính cách ngang ngạnh “cưỡng từ đoạt lý”, nghĩa là quý vị đã vô lý, lại còn lấn lướt, lấy thế của mình để áp bức kẻ khác.

“Tố nhau kiện nhau”(Cánh tương đấu tụng), tố nhau kiện nhau. “Đấu tụng” tức là thưa kiện nhau trước cửa quan. Đành rằng pháp đình là nơi mang lại công lý, nhưng quý vị dùng “cưỡng từ đoạt lý” - tuy là vô lý, nhưng quý vị cố vặn vẹo để nó thành hợp lý - tức là một cách điên đảo, làm mất công lý. Nếu như quý vị thua kiện, quý vị lại đi kháng cáo lên tòa trên, nếu tòa trên quý vị thua nữa, quý vị sẽ thượng cáo lên tới tối cao pháp viện. Đấu tụng nó là như vậy!

“Làm cho não loạn, cả mình cả người”, cả hai bên đều không an vui; “lấy thân miệng ý, tạo thêm mãi ra bao nhiêu nghiệp ác”, lấy thân miệng ý tạo thêm mãi ra bao nhiêu nghiệp ác. Cái thân thì gây ra các nghiệp ác như giết người, ăn cắp và dâm ô, ý thì cho khởi lên các niệm tham, sân, si, còn miệng thì nói ra những lời ác độc, dối trá, thêu dệt, nói hai lưỡi, tóm lại là mười điều ác (thập ác). Sự tạo tác cứ dần dần tăng trưởng, không phải chỉ có một loại nghiệp ác mà rất nhiều loại, bao quát hết tất cả mọi sự tình trên thế gian này.

“Sự tình đắp đổi, chẳng có lợi ích, mưu hại lẫn nhau”Trao đi đổi lại (Triển chuyển)những điều bất lợi cho nhau, để mưu hại nhau. Điều gì có thể dung thứ cho nhau thì không dung thứ, còn điều gì có lợi cho nhau thì không làm, tóm lại chỉ nghĩ lợi cho mình, không lợi cho người. Đã vậy còn tính hại nhau: quý vị hại tôi, tôi hại quý vị. Hại không được thì nhờ tới quỷ thần, nên mới “đi gọi các thần, ở rừng ở núi, ở cây ở mả”, gọi các thần núi, thần cây, thần ở trong mồ mả.

Họ lễ lạy đủ thứ thần, nào thần núi, thần thổ địa, thần mèo, thần chó, cái gì cũng lạy được, thậm chí lạy cả thần phân, thần nước tiểu, vậy đó! Họ vốn là những kẻ dơ dáy nên có thể lạy cả những thần dơ dáy. Họ đến những nơi đó cầu đảo, khấn rằng: “Thần cây ơi! Xin Ngài linh thiêng, làm sao khiến cho nó chết ngay! Tôi ghét nó lắm! Tôi lạy Ngài, Ngài hiển linh đi! Nếu Ngài giúp cho tôi sẽ giết gà cúng Ngài, mang chuột đến cúng Ngài!” Họ lạy cả thần trâu, thần rắn, thần ếch nhái, thần chuột v.v..

Họ còn gọi các cô hồn ở trong mồ mả, các quỷ ở bãi tha ma. Họ khấn: “Thần ơi! Hãy phù hộ cho tôi! Đừng phù hộ cho nó! Nó là một kẻ . . . đó! Giúp tôi làm cho nó chết đi rồi tôi sẽ có một con gà cúng thần”. Các tà thần này thích được ăn gà, bèn dùng các loại thần thông, quỷ thông gì đó làm cho người ta phải đau đớn, nào đau đầu, đau miệng, đau khủng khiếp, không chịu nổi, phải lăn đùng ra chết. Lợi hại như vậy!

Trên những cây cổ thụ, loại đại thụ cổ từ mấy trăm năm, có các loại thần cây. Người ta bảo: “Cây ấy thành tinh”, thực ra không phải cây biến thành tinh, mà là do một vong linh nương vào cây ấy, coi cây ấy là chỗ ở, là nhà, là địa bàn trú ngụ. Từ đó, người ta đến cầu đảo, linh thiêng lắm! Người ta khấn trước thần cây rằng: “Ông phù hộ cho tôi đi! nếu kỳ này tôi trúng cá ngựa, tôi sẽ xây cho ông cái miếu”. Yêu quái nghe được bèn nghĩ: Ồ! Được lắm chớ. Vậy là nhân quả bị sai lạc rồi. Đại khái tất cả những chuyện cầu đảo xẩy ra đều na ná giống như trên vừa kể.

“Rồi giết chúng sanh, lấy máu lấy thịt”, rồi giết chúng sanh lấy máu lấy thịt. Khi cầu đảo người ta phải có lễ vật dâng lên cho thần, phải có con gà, con cá, thịt, chai rượu để hối lộ trước, rồi khi nào lời cầu khẩn có linh nghiệm thì lại cúng dàng nữa. Các loại thần trâu, thần rắn này, trông thấy có đồ cúng, có rượu, nên ăn uống say sưa, và sau đó gây ra nhiều hành động càn rỡ. Ma quỷ còn thích hối lộ như vậy, nên chúng ta không lấy làm lạ rằng trên thế gian này trong số quan chức có rất nhiều kẻ tham nhũng.

“Cúng tế bọn quỷ, dược xoa, la sát”. Người ta giết thú vật lấy thịt lấy máu cúng các loại quỷ này. Dược xoa, còn gọi là dạ xoa, hay quỷ bay, quỷ nhanh, quỷ đòi mạng, quỷ giữ tiền. Còn quỷ la-sát thì rất lợi hại có thần lực đáng kể và có thể ăn người; “viết tên kẻ thù, làm hình kẻ thù”. Có thể không hẳn là kẻ thù mà là kẻ nào quý vị không ưa, quý vị ghi tên, tuổi, quý vị còn làm một hình tượng giả, rồi “làm bùa chú ác, để mà nguyền rủa”, làm bùa chú ác để nguyền rủa. Quý vị dùng những câu chú thật là ác độc, quý vị niệm chú đại khái như: “Mày phải chết ngay! Chết ngay đi! Ngày mai chết, không thể chờ đến ngày mốt!” Chú là gì? Chú hay là chân ngônnghĩa là lời chân thực của cái tâm quý vị, nên rất linh nghiệm.

Bọn quỷ trâu, thần rắn đó đều là những loại dơ bẩn. Chúng đã ham lễ vật của quý vị, lại có rượu uống nữa, nên gây ra đủ thứ, làm mưa làm gió, phô bầy các pháp thuật của chúng. Cho nên quý vị phải cẩn thận. Chớ có học các pháp thuật này. Vì chưa có thiên nhãn, nên quý vị không biết rằng các thứ thần này đều là đồ dơ bẩn, uống rượu, ăn thịt, không có theo pháp tắc gì cả!

“Yểm bùa bỏ độc”(Yểm mị cổ đạo), yểm bùa bỏ ngải: nếu có người bị loại quỷ Cưu-bàn-đà (kumbhanda) ếm, thì đến tối nằm ngủ bị nó đè, không cục cựa được, không nói được, càng cố thoát thì càng bị giữ chặt. Cưu-bàn-đà hình dáng giống như cái chum (cái hũ), tựa như quả bí đao. Quý vị nằm ngủ bị nó đè xuống thì không có cách gì cựa quậy được, có khi bị đè chết, rất lợi hại. “Cổ đạo” là dùng một vật độc lén bỏ cho người; nạn nhân bị độc sẽ bị thao túng, bị sai khiến và nếu không nghe lời thì chất độc sẽ gây ra tác hại là cho quý vị đau đớn không chịu nổi.

“Hô quỷ nhập vào, thây chết đứng dậy, sai hại mạng người, và thương tổn thân của các kẻ thù”, làm cho thây chết đứng dậy, sai hại mạng người, và thương tổn thân thể của kẻ thù: ở Trung Hoa, vùng Vân Nam, Quảng Tây quả có loại tà thuật này. Người ta niệm chú sai khiến cho cái thây chết đứng dậy, đi lại như thường, nhưng chỉ đi ban đêm, vì ban ngày nó sợ ánh sáng, không linh thiêng nữa. Chính thây chết đó bị người ta sai khiến để đi hại mạng người, có khi làm cho nạn nhân mang bệnh, ví dụ như trong bụng có trùng mà thầy thuốc không chữa khỏi, hoặc trong mắt có sạn làm cho nạn nhân không nhìn thấy gì.

“Những hữu tình ấy, nếu mà được nghe danh hiệu Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai”, những hữu tình ấy, bị người ta ám hại, nếu được nghe đến danh hiệu của Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai; “thì ác sự kia, đều chẳng hại được”, các điều ác trên chẳng có thể hại họ được. Các điều ác vừa nói như là yểm bùa, bỏ độc, tranh tụng hoặc các loại tà thuật khác như hô thần núi, thần mả, các thứ quỷ v.v.. tất cả các ác thuật này đều thành vô dụng, không còn linh nữa. Chỉ cần nghe đến danh hiệu của Ngài thì hung sẽ biến thành cát, gặp nạn được cứu, mọi tai họa đều tiêu tan hết.

“Lần lượt tất cả đều khởi từ tâm”, lần lượt tất cả đều khởi từ tâm, cả những kẻ đã từng dùng bùa chú, bỏ độc hay các tà thuật cũng đổi tâm tánh, “lợi ích an vui, không còn có ý não hại hiềm thù”. Như vậy tất cả bọn ác quỷ, quỷ trâu thần rắn, bọn bàng môn tả đạo, yêu ma quỷ quái, tự nhiên trút bỏ hết mọi phiền não, hoặc lòng hiềm thù oán hận, cuối cùng “ai cũng vui mừng”(các các hoan duyệt), mọi người đều hớn hở, vì ác đã đổi ra thiện; “mọi vật thọ dụng, tự cho là đủ, chẳng lấn của nhau, mà là cũng làm lợi ích cho nhau”, ai cũng vui mừng, từ bỏ tà pháp, không còn mang tâm tham, tâm tổn hại người, không lấn hại lẫn nhau; tất cả đều tha thứ, giúp đỡ, lợi ích lẫn nhau. Tóm lại tất cả đều sống trong cảnh hòa bình an lạc.

Còn nữa, này ông Mạn Thù Sư Lợi! Nếu có bốn chúng, Bí-sô, Bí-sô ni, Ô-ba-sách-ca, Ô-ba-tư-ca và những tịnh tín, thiện nam thiện nữ, ai chịu giữ được tám phần trai giới, hoặc suốt một năm, hoặc trong ba tháng, chịu theo chỗ học, lấy căn lành ấy, nguyện được sanh sang thế giới Cực Lạc, ở bên phương Tây, là nơi của đức Vô Lượng Thọ Phật, cầu nghe chánh pháp, nhưng chưa quyết định, mà nếu được nghe danh hiệu Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, thời khi lâm chung sẽ có tám vị đại Bồ tát là Văn Thù Sư Lợi Bồ tát, Quán Thế Âm Bồ tát, Đắc Đại Thế Bồ tát, Vô Tận Ý Bồ tát, Bảo Đàn Hoa Bồ tát, Dược Vương Bồ tát, Dược Thượng Bồ tát, Di Lặc Bồ tát, các vị ấy sẽ, từ trên không lại, chỉ dẫn đường đi, tự nhiên thấy mình, hóa sanh ngay ở bên thế giới kia, trong đám hoa quý, nhiều mầu sắc đẹp.

Phục thứ, Mạn Thù Thất Lợi! Nhược hữu tứ chúng, Bí-sô, Bí-sô ni, Ô-ba-sách-ca, Ô-ba-tư-ca, cập dư tịnh tín thiện nam tử, thiện nữ nhân đẳng, hữu năng thọ trì bát phần trai giới, hoặc kinh nhất niên, hoặc phục tam nguyệt, thọ trì học xứ, dĩ thử thiện căn, nguyện sinh Tây phương Cực Lạc thế giới Vô Lượng Thọ Phật sở, thính văn chánh pháp, nhi vị định giả, nhược văn Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai danh hiệu, lâm mệnh chung thời, hữu bát đại Bồ tát kỳ danh viết: Văn Thù Sư Lợi Bồ tát, Quán Thế Âm Bồ tát, Đắc Đại Thế Bồ tát, Vô Tận Ý Bồ tát, Bảo Đàn Hoa Bồ tát, Dược Vương Bồ tát, Dược Thượng Bồ tát, Di Lặc Bồ tát, thị bát đại Bồ tát, thừa không nhi lai, thị kỳ đạo lộ, tức ư bỉ giới, chủng chủng tạp sắc, chúng bảo hoa trung, tự nhiên hóa sanh.

(Ghi chú: Tới chỗ này, các băng ghi âm lời giảng của Thượng Nhân bị thâu thiếu, nên ở những đoạn chữ in màu nâulà do đệ tử bổ sung thuyết giảng. Nên hai đoạn sau là do hai vị đệ tử của Thượng Nhân giảng thế vào. Đây là đoạn thứ nhất)

“Còn nữa, này ông Mạn Thù Sư Lợi! Nếu có bốn chúng”, Còn nữa, này ông Mạn Thù Sư Lợi! Nếu có bốn chúng, tức là bốn thành phần sau: “Bí-sô, Bí-sô ni, Ô-bà-sách-ca, Ô-ba-tư-ca”. Bí-sô là những vị xuất gia, phái nam, đã thọ giới Cụ túc; Bí-sô ni là người xuất gia phái nữ, đã thọ giới Cụ túc; Ô-ba-sách-ca là nam cư sĩ tại gia; Ô-ba-tư-ca là nữ cư sĩ tại gia.

“Và những tịnh tín, thiện nam thiện nữ”, tức những ai có tâm thanh tịnh và lòng tin; “ai chịu giữ được tám phần trai giới”, những ai chịu giữ tám phần trai giới, còn gọi là “bát quan trai giới”; “hoặc suốt một năm, hoặc trong ba tháng”. Ba tháng là kể tháng giêng, tháng năm và tháng chín âm lịch. Các tháng này gọi là những tháng trường chay, và sách kể rằng trong những tháng đó, các vị Tứ Đại Thiên Vương thường đi du hành đến Nam Thiềm Bộ châu, cho nên đối với những ai thọ trai vào các tháng ấy, công đức sẽ gấp bội.

“Chịu theo chỗ học”(Thọ trì học xứ), thọ trì những điều học tập về giới thanh tịnh “bát quan trai” ấy; “lấy căn lành ấy”, lấy căn lành này, nghĩa là cái căn và cái công đức về học giới và trì giới để hồi hướng. Hồi hướng về đâu? Tức là: “Nguyện được sanh sang thế giới Cực Lạc”, nguyện được sanh sang thế giới Cực Lạc, ở bên phương Tây, là nơi của đức Vô Lượng Thọ Phật, tức đức A-di-đà để “thính văn chánh pháp”, để cầu nghe chánh pháp.

“Nhưng chưa quyết định”: tuy các chúng sanh này có nguyện về thế giới Cực Lạc, nhưng họ vẫn còn do dự chưa quyết định hẳn, nửa muốn về, nửa hoài nghi, chưa hoàn toàn quyết tâm.

“Mà nếu được nghe danh hiệu Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai”, nếu được nghe danh hiệu của đức Dược Sư, thì “khi lâm chung sẽ có tám vị đại Bồ tát”, đến lúc lâm chung sẽ có tám vị đại Bồ tát đến tiếp dẫn; “là Văn Thù Sư Lợi Bồ tát, Quán Thế Âm Bồ tát, Đắc Đại Thế Bồ tát, Vô Tận Ý Bồ tát, Bảo Đàn Hoa Bồ tát, Dược Vương Bồ tát, Dược Thượng Bồ tát, Di Lặc Bồ tát”, tám vị Bồ tát đó có các tên như đã kể trên.

“Các vị ấy sẽ, từ trên không lại”, tám vị Bồ tát này, dùng phép thần thông, đi từ trên không mà tới chỗ kẻ lâm chung; “chỉ dẫn đường đi”, chỉ dẫn đường đi. Đi tới đâu? Đi tới cõi Tịnh độ ở phương Đông; “tự nhiên thấy mình, hóa sanh ngay ở bên thế giới kia, trong đám hoa quý, nhiều mầu sắc đẹp”, tại cõi Tịnh độ này, những người đó được hóa sanh trong sự thanh tịnh, chớ không phải sanh ra từ nơi bào thai của cha mẹ, hóa sanh ra giữa đám hoa quý, với bao nhiêu mầu sắc rực rỡ, hoa xanh ánh xanh, hoa vàng ánh vàng, hoa đỏ ánh đó, hoa trắng ánh trắng.

Hoặc vì nhân ấy, sanh về cõi trời, tuy sanh cõi trời, mà căn lành cũ cũng vẫn chưa hết, nên chẳng phải sanh vào các đường ác, trên trời tận số thì xuống nhân gian, hoặc làm Luân vương coi cả bốn châu, oai đức tự tại, an lập vô lượng trăm ngàn hữu tình ở trong thập thiện, hoặc sanh vào những dòng sát-đế-lị, dòng bà-la-môn, cư sĩ đại gia, lắm tiền nhiều của, kho tàng chất đầy, hình dung đoan chánh, quyến thuộc đông đủ, thông minh trí tuệ, dũng mãnh oai hùng, như đại lực sĩ, nếu là nữ giới, được nghe danh hiệu Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, dốc lòng trì niệm, thời sau chẳng phải làm thân gái nữa.

Hoặc hữu nhân thử, sinh ư thiên thượng, tuy sinh thiên thượng, nhi bản thiện căn, diệc vị cùng tận, bất phục cánh sinh, chư dư ác thú; thiên thượng thọ tận, hoàn sanh nhân gian, hoặc vi Luân vương, thống nhiếp tứ châu, uy đức tự tại, an lập vô lượng bách thiên hữu tình ư thập thiện đạo; hoặc sanh sát-đế-lị, bà-la-môn, cư sĩ đại gia, đa nhiêu tài bảo, thương khố doanh ích, hình tướng đoan chính, quyến thuộc cụ túc, thông minh trí huệ, dũng kiện uy mãnh, như đại lực sĩ; nhược thị nữ nhân, đắc văn Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai danh hiệu, chí tâm thọ trì, ư hậu bất phục cánh thọ nữ thân.

“Hoặc vì nhân ấy, sanh về cõi trời”, hoặc vì nhân ấy mà sanh về cõi trời. Ở đoạn trên nói tới những ai tu hành mà có lòng, có nguyện muốn sanh về cõi Tịnh độ, sẽ nhờ tới nguyện lực của đức Dược Sư mà được vãng sanh về cõi ấy. Đoạn này nói về những ai không nguyện sanh về Tịnh độ, cũng có thể nhờ nguyện lực của đức Dược Sư mà hưởng phước báo sanh về cõi trời.

“Tuy sanh cõi trời, mà căn lành cũ cũng vẫn chưa hết”, tuy sanh cõi trời, mà căn lành cũ cũng vẫn chưa hết. Sanh cõi trời cũng là một loại phước báo hữu lậu, nên bình thường khi hưởng hết phước rồi thì lại bị đọa lạc. Tuy nhiên, đối với những ai được nghe danh hiệu của Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, mà sanh lên cõi trời, thì căn lành cũ cũng vẫn chưa hết, do đó họ “nên chẳng phải sanh vào các đường ác”, chẳng phải sanh vào các đường ác nữa; họ không bị đọa địa ngục, không phải làm ngạ quỷ, hoặc làm thân thú, mà trái lại “trên trời tận số thì xuống nhân gian”, khi hết số trên trời, họ lại trở về nhân gian, “hoặc làm Luân vương coi cả bốn châu”, hoặc làm Chuyển Luân Thánh Vương, coi cả bốn châu. Luân vương cũng có bốn loại: thứ nhất là Kim Luân Vương, thống lãnh bốn đại bộ châu là Đông Thắng Thần châu, Nam Thiềm Bộ châu, Tây Ngưu Hạ châu và Bắc Câu Lư châu; thứ hai là Ngân Luân Vương, coi Nam, Tây và Đông ba đại bộ châu; thứ ba là Đồng Luân Vương coi Nam và Tây hai đại bộ châu; thứ tư là Thiết Luân Vương chỉ coi một bộ châu ở phương Nam.

“Oai đức tự tại, an lập vô lượng trăm ngàn hữu tình ở trong thập thiện”. Các Chuyển Luân Thánh Vương đều có đầy đủ oai nghiêm, đức hạnh và tự tại, khiến cho vô lượng các chúng sanh đều được cảm hóa, mà giữ được thập thiện. Thập thiện là mười điều lành, được kể ra như sau:

Ba điều thuộc về thân nghiệp; không sát sanh, nghĩa là không làm hại đến sanh mạng của hết thảy các chúng sanh; không trộm cắp, không lấy tài vật gì của ai; không tà dâm, tuyệt đối không có hành động dâm ô bất chánh.

Bốn điều thuộc về khẩu nghiệp: không nói dối, nghĩa là không nói những lời không đúng sự thật; không nói điều ác khẩu, tức những điều độc ác; không nói hai lưỡi, tức là không nói hai lối khác nhau cốt để ly gián; không nói lời thêu dệt, như dùng những lời kích động dâm dục chẳng hạn, nói rỡn không chánh đáng, nói đùa, nói chơi vô ý nghĩa v.v..

Ba điều thuộc về ý nghiệp: không tham, không sân, không si. Bất cứ gặp hoàn cảnh nào cũng không khởi tâm tham cầu, không có ý sân hận, hay có tâm si.

Ngoại trừ sanh làm Chuyển Luân Thánh Vương, những ai có căn lành nói trên có thể sanh vào các dòng cao quý như kinh văn nói: “hoặc sanh vào những dòng sát-đế-lị, dòng bà-la-môn, cư sĩ đại gia”, nghĩa là sanh trong dòng họ nhà vua (sát-đế-lị), dòng bà-la-môn, những vị tu các hạnh thanh tịnh, hoặc sanh vào nhà của hàng cư sĩ tại gia, có chánh tri chánh kiến, hoặc sanh vào các gia đình lớn, có học thức, thuộc loại thế gia vọng tộc.

“Lắm tiền nhiều của, kho tàng chất đầy”, ăn suốt đời không hết, dùng không hết và mặc cũng không hết; “hình dung đoan chánh”, hình dung đẹp đẽ. Chẳng những hoàn cảnh tốt đẹp mà thân hình cũng rạng rỡ, đoan chánh, dung mạo ưa nhìn; “quyến thuộc đông đủ”, thân thuộc đầy đủ, cha mẹ anh em tất cả đều sống hòa thuận, giúp đỡ lẫn nhau; “thông minh trí huệ”, thông minh sáng láng, tài cao học rộng, thông đạt đạo lý. Thật là văn võ kiêm toàn vì kinh văn nói thêm: “dũng kiện uy mãnh, như đại lực sĩ”, khỏe mạnh oai hùng như đại lực sĩ.

Vừa rồi là nói về nam giới trong cõi nhân gian, bây giờ nói về nữ giới: “nếu là nữ giới, được nghe danh hiệu Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, dốc lòng trì niệm, thời sau chẳng phải làm thân gái nữa”, tức là đổi gái thành trai.

Còn nữa, này ông Mạn Thù Sư Lợi! Khi đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai đắc đạo Bồ-đề, do sức bổn nguyện mà Ngài soi thấy các loài hữu tình, mắc nhiều bệnh khổ, gầy còm co quắp, bệnh khát vàng da, hoặc bị bùa ếm, hoặc bị bỏ độc, hoặc bị chết non, hoặc bị chết uổng, Ngài muốn khiến cho, những bệnh khổ ấy, đều được tiêu trừ, điều cầu mãn nguyện.

Phục thứ, Mạn Thù Thất Lợi! Bỉ Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, đắc Bồ-đề thời, do bản nguyện lực, quán chư hữu tình, ngộ chúng bệnh khổ, sấu loan càn tiêu, hoàng nhiệt đẳng bệnh, hoặc bị yểm mị cổ độc sở trúng, hoặc phục đoản mệnh, hoặc thời hoạnh tử, dục linh thị đẳng bệnh khổ tiêu trừ, sở cầu nguyện mãn.

“Còn nữa, này ông Mạn Thù Sư Lợi! Khi đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai đắc đạo Bồ-đề, do sức bổn nguyện”, lại nữa, Ông Mạn Thù Sư Lợi! Khi đức Dược Sư đắc đạo Bồ-đề, do sức bổn nguyện của Ngài, tức là nhân vì Ngài đã từng phát nguyện trong đời quá khứ sẽ làm một vị đại y vương, để có thể chữa hết thảy các chúng sanh mắc phải tám vạn bốn ngàn thứ bệnh, do đó mà phát sinh ra nguyện lực, đặng “soi thấy các loài hữu tình, mắc nhiều bệnh khổ”, quán sát hết thảy các chúng sanh mắc phải những chứng bệnh khổ. Các bệnh này sanh ra hoặc do tình trạng bất điều hòa của bốn đại (đất, nước, gió, lửa) trong thân, hoặc do các loại ma quỷ gây ra, hoặc bệnh bởi nghiệp chướng, tỷ như “gầy còm co quắp, bệnh khát vàng da”, bệnh gầy ốm, hư nhược, thân hình toàn là da bọc xương; bệnh co quắp tay chân; bệnh khát nước khô cổ (tiêu khát); bệnh vàng da, nghĩa là bao quát các chứng thương hàn, ôn dịch, là do bốn đại trong cơ thể mất quân bình mà sanh ra bệnh tật.

“Hoặc bị bùa ếm, hoặc bị bỏ độc”(Hoặc bị yểm mị cổ độc sở trúng). Ai bị “yểm mị” thì khi nằm ngủ hay bị đè, không cựa quậy được, còn “cổ độc” là bỏ trùng độc cho nạn nhân để dễ khống chế họ. Tỷ như tại Vân Nam hay các vùng Đông Nam Á, có một số người thường nuôi những loại trùng độc, như nhện độc, rết, bọ cạp v.v.. Họ cho tất cả vào trong một cái chậu, rồi dùng bùa chú nhốt chúng ở đấy, cho chúng ăn thịt nhau. Con nào sống sót trong cuộc tàn sát ấy, sẽ chứa trong mình đủ các thứ độc và nó chính là con vật độc hại nhất. Chủ con vật độc này sẽ sai khiến nó bằng bùa chú để đi gia hại, hay gây thương tật cho những ai bị coi là kẻ thù.

“Hoặchoặc bị chết non”, hoặc có người bị chết non (đoản mệnh), bởi trong tiền kiếp đã gây nghiệp sát quá nặng, nên kiếp ngày không sống lâu; “hoặc bị chết uổng (hoạnh tử), hoặc chết uổng mạng, gọi là bất đắc kỳ tử, tỷ như bị tai nạn máy bay, đắm thuyền, xe lật, xe hơi đụng nhau, chết cháy, động đất, bão lốc v.v..

Đức Dược Sư Như Lai thấy rất rõ dòng nhân quả của những nạn nhân vừa kể nên “Ngài muốn khiến cho, những bệnh khổ ấy, đều được tiêu trừ, điều cầu mãn nguyện”, Ngài muốn làm cho những bệnh khổ ấy đều được tiêu trừ, và những điều chúng sanh mong cầu sẽ được mãn nguyện.

Lúc đó Ngài liền vào tam-ma-địa, tên là “Diệt hết khổ não cho các chúng sanh”, đã vào định rồi, ở trong nhục kế, phóng đại quang minh, trong đại quang minh, diễn nói thần chú, đại đà-la-ni:

Nam mô bạc già phạt đế, bệ sát xã, lụ rô thích lưu ly, bát lặc bà, hắc ra xà dã, đát tha yết đa gia, a ra hắc đế, tam miệu tam bột đà da, đát điệt tha. Án, bệ sát thệ, bệ sát thệ, bệ sát xã, tam một yết đế tóa ha.

Khi trong quang minh nói thần chú rồi, trái đất chấn động phóng đại quang minh, hết thảy chúng sanh, bệnh khổ đều trừ, được vui an ổn.

Thời bỉ Thế Tôn nhập tam-ma-địa, danh viết trừ “Diệt nhất thiết chúng sinh khổ não”, ký nhập định dĩ, ư nhục kế trung, xuất đại quang minh, quang trung diễn thuyết đại đà-la-ni viết:

Nam mô bạc già phạt đế, bệ sát xã, lụ rô thích lưu ly, bát lặc bà, hắc ra xà dã, đát tha yết đa gia, a ra hắc đế, tam miệu tam bột đà da, đát điệt tha. Án, bệ sát thệ, bệ sát thệ, bệ sát xã, tam một yết đế tóa ha.

Nhĩ thời quang trung thuyết thử chú dĩ, đại địa chấn động, phóng đại quang minh, nhất thiết chúng sanh, bệnh khổ giai trừ, thọ an ổn lạc.

“Lúc đó Ngài liền vào tam-ma-địa”, lúc ấy đức Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai liền vào tam-ma-địa. Tam-ma-địa (Samadhi) là chữ Phạn, dịch nghĩa là chánh định, chánh thọ; “tên là ‘Diệt hết khổ não cho các chúng sanh’”, định này có tên là “Diệt hết khổ não cho các chúng sanh”; “đã vào định rồi, ở trong nhục kế, phóng đại quang minh”, khi đã nhập định rồi, ở trong nhục kế của Ngài, phóng ra hào quang sáng rực

(Đến chỗ này là hết phần bổ túc thay thế cho phần thâu âm bị mất)

“Trong đại quang minh, diễn nói thần chú, đại đà-la-ni”. Nguyên Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai muốn cứu độ các chúng sanh, giải trừ cho họ thoát khỏi bệnh tật thống khổ, cho nên trong ánh hào quang, Ngài nói thần chú. Thần chú này chỉ có mấy câu, rất ngắn, nhưng cái diệu dụng của nó thì vô cùng tận. Tuy nhiên muốn được lợi ích, ta phải có lòng tin, rồi trì tụng nó một cách chuyên cần.

Đối với các y sĩ làm nghề chữa bệnh, nếu một mặt họ trị bệnh bằng thuốc, mặt khác họ lại trì tụng thêm thần chú này thì chắc hiệu nghiệm nhiều hơn và bệnh tình sẽ chóng thuyên giảm. Cho nên trì tụng thần chú là điều rất hay, dù quý vị có phải là thầy thuốc hay không, khi gặp người có bệnh, quý vị dùng thần chú này, vì họ mà đọc tụng, quý sẽ thấy sự kiến hiệu.

Những câu chú đều là dịch âm, đọc lên không thấy nghĩa của nó, vả lại cũng không cần biết nghĩa. Diệu dụng của chú là ở chỗ không thấy nghĩa của nó, đọc lên quý vị không hiểu gì, quý vị chỉ biết chú tâm tụng, không có vọng tưởng gì khác, bởi đó mà nó có cảm ứng. Các câu chú này, đọc lên như sau đây:

Nam mô bạc già phạt đế, bệ sát xã, lụ rô thích lưu ly, bát lặc bà, hắc ra xà dã, đát tha yết đa gia, a ra hắc đế, tam miệu tam bột đà da, đát điệt tha. Án, bệ sát thệ, bệ sát thệ, bệ sát xã, tam một yết đế tóa ha.[1]

Ví như chúng ta có thể niệm các câu trên một cách chuyên chú thì sự “cảm ứng đạo giao” sẽ không thể nghĩ bàn, do đó:

“Khi trong quang minh nói thần chú rồi”, lúc bấy giờ, trong ánh đại hào quang, khi đức Dược Sư nói câu chú, tức câu “Dược Sư Quán Đảnh Chân Ngôn”xong, thời “đại địa chấn động, phóng đại quang minh”, cả trái đất rung chuyển tỏa ra hào quang sáng rực. Nói về sự chấn động của trái đất, thì có sáu cách sau đây: chấn (rung), hống (rống), kích, động (chuyển động), dũng (phun lên, vọt lên) và khởi (nâng cao); “hết thảy chúng sanh, bệnh khổ đều trừ, được vui an ổn”, tất cả mọi thứ bệnh khổ đều được giải trừ, và được an vui.

Này ông Mạn Thù! Nếu có thấy ai, dù nam hay nữ, mắc phải bệnh khổ, thì nên nhất tâm vì người bệnh ấy, tắm rửa súc miệng, tụng chú một trăm lẻ tám lần vào thức ăn hoặc thuốc, hoặc nước sạch trùng, thời đem cho uống, thì bệnh khổ gì, cũng đều tiêu hết. Nếu có cầu gì dốc lòng tụng niệm, cũng đều được cả và lại còn được sống lâu vô bệnh, sau khi mệnh chung sanh sang cõi kia, được ngôi bất thối, cho đến tận khi đắc đạo Bồ đề. Bởi vậy cho nên ông Mạn Thù ơi! Nếu có nam tử nữ nhân nào mà dốc lòng cung kinh cúng dường đức Phật Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, thời thường trì chú, chớ để lãng quên.

Mạn Thù Thất Lợi! Nhược kiến nam tử nữ nhân, hữu bệnh khổ giả, ưng đương nhất tâm vị bỉ bệnh nhân, thường thanh tịnh táo thấu, hoặc thực hoặc dược, hoặc vô trùng thủy, chú nhất bách bát biến, dữ bỉ phục thực, sở hữu bệnh khổ, tất giai tiêu diệt; nhược hữu sở cầu, chí tâm niệm tụng, giai đắc như thị, vô bệnh diên niên, mệnh chung chi hậu sinh bỉ thế giới, đắc bất thoái chuyển, nãi chí Bồ đề. Thị cố Mạn Thù Thất Lợi! Nhược hữu nam tử nữ nhân, ư bỉ Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, chí tâm ân trọng, cung kính cúng dường giả, thường trì thử chú, vật linh phế vong.

“Này ông Mạn Thù! Nếu có thấy ai, dù nam hay nữ, mắc phải bệnh khổ, thì nên nhất tâm vì người bệnh ấy”. Nếu có ai mắc bệnh khổ, hoặc nam hoặc nữ, thì hãy dốc một lòng vì những người bệnh ấy; “tắm rửa súc miệng”, thường tắm rửa và súc miệng sạch sẽ; “tụng chú một trăm lẻ tám lần vào, thức ăn hoặc thuốc, hoặc nước sạch trùng”,rồi tụng chú một trăm lẻ tám (108) lần vào đồ ăn, thuốc, hoặc nước sạch không có trùng; “thời đem cho uống”, đem cho người ấy uống; “thì bệnh khổ gì, cũng đều tiêu hết”, kết quả là hết thảy mọi bệnh đều tiêu trừ. “Nếu có cầu gì dốc lòng tụng niệm, cũng đều được cả và lại còn được sống lâu vô bệnh”, nếu lại cầu một điều gì khác thời hãy dốc lòng niệm tụng, nghĩa là theo như trên vừa nói, tụng chú cho tới một trăm lẻ tám lần đều được như ý, và còn được sống lâu vô bệnh, đáng chết mà không chết, thật là thần diệu.

“Sau khi mệnh chung sanh sang cõi kia”, tới khi hết số, chết đi thì sẽ sanh qua thế giới kia, tức cõi Lưu Ly Quang của đức Dược Sư; “được ngôi bất thối, cho đến tận khi đắc đạo Bồ đề”, qua đây sẽ không bị thoái chuyển và thành tựu quả A-nậu-đa-la tam miệu tam-bồ-đề cho đến khi thành Phật.

“Bởi vậy cho nên ông Mạn Thù ơi! Nếu có nam tử nữ nhân nào mà dốc lòng cung kinh cúng dường đức Phật Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai”, bởi vậy cho nên, ông Mạn Thù ơi! Nếu có nam hay nữ bằng cả tấm lòng trân trọng cúng dường đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai; “thời thường trì chú, chớ để lãng quên”, thời thường xuyên trì niệm chú “Dược Sư Quán Đảnh Đà-la-ni”, chớ để quên lãng.

Còn nữa này ông Mạn Thù Thất Lợi! Nếu có nam tử nữ nhân tịnh tín được nghe tất cả danh hiệu của Đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, Ứng Chánh Đẳng Giác, nghe rồi tụng trì, sáng sớm trở dậy, xỉa răng tắm gội, súc miệng sạch sẽ, dâng các hoa thơm, hương đốt, hương bôi và các âm nhạc, cúng dường tượng Phật, rồi với kinh này, hoặc mình tự viết, hoặc bảo người viết, nhất tâm thọ trì, lắng nghe nghĩa kinh. Với Pháp sư đó, thời nên cúng dường, sắm đủ các món đủ để nuôi thân, thảy đều cấp cho, đừng để thiếu thốn, như vậy được nhờ chư Phật hộ niệm, điều cầu mãn nguyện, và được đến cả đạo quả Bồ đề.

Phục thứ, Mạn Thù Thất Lợi! Nhược hữu tịnh tín nam tử nữ nhân, đắc văn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, Ứng Chánh Đẳng Giác, sở hữu danh hiệu, văn dĩ tụng trì, thần tước xỉ mộc, tháo thấu thanh tịnh, dĩ chư hương hoa, thiêu hương đồ hương, tác chúng kỹ nhạc, cúng dường hình tượng, ư thử kinh điển, nhược tự thư, nhược giáo nhân thư, nhất tâm thọ trì, thính văn kỳ nghĩa, ư bỉ Pháp sư, ưng tu cúng dường, nhất thiết sở hữu tư thân chi cụ, tất giai thí dữ, vật linh phạp thiểu, như thị tiện mông chư Phật hộ niệm, sở cầu nguyện mãn, nãi chí Bồ đề.

“Còn nữa này ông Mạn Thù Thất Lợi! Nếu có nam tử nữ nhân tịnh tín được nghe tất cả danh hiệu của Đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai”, lại nữa! Ông Mạn Thù Sư Lợi! Nếu có người nào nam hay nữ, lòng thanh tịnh và có tín tâm, nghe được danh hiệu của Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, “tất cả danh hiệu”, tất cả danh hiệu của Ngài, tức là Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn, kể tất cả là mười danh hiệu như vậy; “văn dĩ tụng trì”, nghe xong rồi tụng trì.

“Sáng sớm trở dậy, xỉa răng tắm gội, súc miệng sạch sẽ”(Thần tước xỉ mộc, tháo thấu thanh tịnh): “tước” nghĩa là nhai và theo tục xưa thời đức Phật, người ta nhai một nhánh của cây dương cho sạch miệng và răng; “xỉ mộc” tức là gỗ cây dương; “tháo thấu” là súc miệng và tắm gội.

“Dâng các hoa thơm, hương đốt, hương bôi và các âm nhạc”, dâng lên hương hoa, đốt nhang, bôi hương; “và các âm nhạc cúng dường tượng Phật”, sửa soạn các thứ âm nhạc, cúng dường tượng Phật, hoặc giả cúng dường kinh Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai; “rồi với kinh này, hoặc mình tự viết, hoặc bảo người viết”, hoặc tự mình sao kinh, hoặc nhờ người khác sao kinh; “nhất tâm thọ trì, lắng nghe nghĩa kinh”, thọ trì danh hiệu đức Dược Sư một cách nhất tâm, lắng nghe nghĩa lý của kinh; “ư bỉ Pháp sư”, đối với vị Pháp sư ấy, tức nói vị Pháp sư giảng kinh, viết kinh, thọ trì, và đọc tụng Kinh Bổn Nguyện Của Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai; “thời nên cúng dường”, phải lo cúng dường. Nhớ rằng cúng dường phải cho cung kính, chớ không phải làm một cách qua loa cho xong chuyện; cỗ trai dâng lên cho vị Pháp sư ấy cũng phải làm bằng những món ăn thanh tịnh.

“Sắm đủ các món đủ để nuôi thân, thảy đều cấp cho, đừng để thiếu thốn”, hết thảy những món đồ dùng để nuôi thân, phải cung cấp đủ, chớ để bị thiếu thốn. Chẳng hạn, vị Pháp sư đó cần phải có đồ để ăn, cần quần áo, giường nằm, thuốc thang, tức là bốn thứ nên cúng dường, các Phật tử phải nên lo cho đủ, không thể để cho Pháp sư đó bị thiếu thốn một món nào trong các thứ nói trên.

“Như vậy được nhờ chư Phật hộ niệm”, như vậy sẽ có chư Phật hộ niệm. Nói rõ là nếu quý vị cúng dường vị Pháp sư viết, thọ trì và đọc tụng kinh Bổn Nguyện Của Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, thời mười phương chư Phật sẽ hộ niệm cho quý vị; “điều cầu mãn nguyện, và được đến cả đạo quả Bồ đề”, cầu điều gì sẽ được mãn nguyện, cho đến đạt được đạo Bồ đề.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]