NHÂN QUẢ ĐỒNG THỜI
Nhà xuất bản Phương Đông 2011
Phần III. TÍN, GIẢI, HÀNH, CHỨNG TRONG HOA NGHIÊM
20. Tham Đồng Khế
南 嶽 石 頭 和 尚
參 同 契
T51n2076_p0459b08║竺土大仙心。東西密相付。人根有利鈍。道無
T51n2076_p0459b09║南北祖。靈源明皎潔。枝派暗流注。執事元是
T51n2076_p0459b10║迷。契理亦非悟。門門一切境。迴互不迴互。迴
T51n2076_p0459b11║而更相涉。不爾依位住。色本殊質象。聲元異
T51n2076_p0459b12║樂苦。暗合上中言。明明清濁句。四大性自
T51n2076_p0459b13║復。如子得其母。火熱風動搖。水濕地堅固。眼
T51n2076_p0459b14║色耳音聲。鼻香舌鹹醋。然依一一法。依根葉
T51n2076_p0459b15║分布。本末須歸宗。尊卑用其語。當明中有
T51n2076_p0459b16║暗。勿以暗相遇。當暗中有明。勿以明相睹。明
T51n2076_p0459b17║暗各相對。比如前後步。萬物自有功。當言用
T51n2076_p0459b18║及處。事存函蓋合。理應箭鋒拄。承言須會
T51n2076_p0459b19║宗。勿自立規矩。觸目不會道。運足焉知路。進
T51n2076_p0459b20║步非近遠。迷隔山河固。謹白參玄人。光陰莫
T51n2076_p0459b21║虛度
Phiên âm
NAM NHẠC THẠCH ĐẦU HÒA THƯỢNG
THAM ĐỒNG KHẾ
Trúc độ Đại Tiên tâm
Đông tây mật tương phú
Nhân căn hữu lợi độn
Đạo vô nam bắc Tổ
Linh nguyên minh hạo khiết
Chi phái ám lưu chú
Chấp sự nguyên thị mê
Khế lý diệc phi ngộ
Môn môn nhất thiết cảnh
Hồi hỗ bất hồi hỗ
Hồi nhi cánh tương thiệp
Bất nhĩ y vị trụ
Sắc bản thù chất tượng
Thanh nguyên dị lạc khổ
Ám hiệp thượng trung ngôn
Minh minh thanh trược cú
Tứ đại tánh tự phục
Như tử đắc kỳ mẫu
Hỏa nhiệt phong động dao
Thuỷ thấp địa kiên cố
Nhãn sắc nhĩ âm thanh
Tỉ hương thiệt hàm thố
Nhiên y nhất nhất pháp
Y căn diệp phân bố
Bản mạt tu quy tông
Tôn ty dụng kỳ ngữ
Đương minh trung hữu ám
Vật dĩ ám tương ngộ
Đương ám trung hữu minh
Vật dĩ minh tương đỗ
Minh ám các tương đối
Tỉ như tiền hậu bộ
Vạn vật tự hữu công
Đương ngôn dụng cập xứ
Sự tồn hàm cái hạp
Lý ưng tiễn phong trụ
Thừa ngôn tu hội tông
Vật tự lập quy cũ
Xúc mục bất hội đạo
Vận túc yên tri lộ
Tiến bộ phi cận viễn
Mê cách sơn hà cố
Cẩn bạch tham huyền nhân
Quang âm mạc hư độ
Dịch Việt(Tuệ Sỹ):
Tâm Đại Tiên Tây trúc
Mật truyền Đông và Tây
Căn tính có bén, lụt
Đạo không Tổ Bắc, Nam.
Nguồn linh sáng trong veo
Chi phái thầm tuôn trào
Chấp sự vốn mê muội
Khế lý đã ngộ đâu.
Cửa cửa và mọi cảnh,
Giao hỗ không giao hỗ.
Giao hỗ dẫm lên nhau;
Chẳng thế, y chỗ đứng.
Sắc vốn khác tượng, chất;
Thanh cũng phi khổ lạc.
Ngầm hợp lời thượng, trung;
Sáng tỏ câu trong đục.
Hoàn nguyên tính bốn đại;
Như con tìm được mẹ.
Lửa nóng, gió động lay;
Nước ướt, đất cứng dày.
Mắt, sắc; tiếng với tai;
Mũi hương, lưỡi mặn chua.
Nhưng y mỗi một pháp;
Y gốc, lá phân lớp.
Gốc ngọn phải về tông,.
Tôn, ti, dụng ngữ riêng.
Ngay chỗ sáng có tối,
Chớ để tối gặp nhau.
Trong tối có ánh sáng;
Chớ để sáng nhìn nhau.
Sáng và tối, đối nhau;
Như bước chân trước sau.
Vạn vật công riêng;
Ngay lời, là chỗ dụng.
Sự lưu, như hộp đậy;
Lý như mũi tên ghim.
Nương lời thấu rõ tông;
Chớ tự lập quy cũ.
Mắt chạm không rõ đường;
Vần bước nào hay lối.
Tiến bước chẳng gần xa,
Mê thì cách núi sông.
Cẩn bạch người tham học lẽ huyền
Chớ để thời gian luống trôi qua
Thạch Đầu Hi Thiên (700-790), tác giả bài Tham đồng khế, sinh tại Quảng Đông, miền Nam Trung Hoa, vào đầu thế kỷ thứ tám. Thường tọa thiền trên một tảng đá rộng và bằng phẳng nên mới có tên là "Đầu Đá". Là một chú bé khi Lục tổ Huệ Năng còn sống, Thạch Đầu làm sa di, thân hành hầu hạ Lục tổ. Khi Huệ Năng mất Thạch Đầu chỉ mới mười ba. Sau đó trải qua mười lăm năm tự tu học, Thạch Đầu cuối cùng học thiền với Tổ Hành Tư ở Thanh Nguyên, nguyên đệ tử đầu chúng của Lục tổ. Truyện kể lại Thạch Đầu hoát nhiên đại ngộ khi đọc bộ Triệu luận của Tăng Triệu đến chỗ "vạn vật là chính mình". Về sau, soạn cuốn Tham đồng khế cũng không ngoài ý này.
Đạo Nguyên, sáng tổ Thiền Tào Động Nhật, viết về Thạch Đầu như sau: "Đại sư Thạch Đầu Tọa Thiền (zazen) trên một tảng đá lớn, nơi Ông dựng một cái cốc bằng cây. Ông ngồi không ngủ liên tiếp ngày đêm. Không bỏ qua những việc làm thường nhật, ông vẫn chẳng hề sơ suất Tọa Thiền suốt cả ngày. Đời nay hậu duệ của Thanh Nguyên, tôn sư của Thạch Đầu, có mặt cùng khắp Trung Hoa làm lợi ích loài người và thiên. Tất cả là do sự tu tập liên tục kiên cố và sự quyết tâm mãnh liệt của Thạch Đầu." (Shunryu Suzuki. Giảng thuyết về Tham đồng khế)
Sau đây là hai câu chuyện vấn đáp giữa Thạch Đầu và môn đệ được ghi chép lại. Thiên Hoàng Đạo Ngộ (748-827), một đệ tử của Thạch Đầu, hỏi: "Ai là người nhận được ý chỉ của Lục Tổ?" Thạch Đầu đáp: "Người nào hiểu pháp Phật thời được ý chỉ Lục Tổ." Lại hỏi: "Hòa thượng có được không?" Đáp: "Không." Lại hỏi:" Tại sao vậy?" Đáp: "Vì tôi không hiểu pháp Phật."
Một lần khác, có vị Tăng hỏi: "Thế nào là giải thoát?" Đáp: "Ai buộc ngươi?" Lại hỏi: "Thế nào là Tịnh Độ?" Đáp: "Cái gì làm nhơ ngươi?" Lại hỏi:"Thế nào là Niết bàn?" Đáp: "Ai đem sanh tử đến cho ngươi?"
Trở thành một đại sư, Thạch Đầu cùng với Mã Tổ Đạo Nhất (709-788) chi phối toàn thể giới tu Phật đương thời, một người là pháp chủ Hồ Nam, một người là pháp chủ Giang Tây. Vào thời đó, phải đến cầu đạo nơi cả hai vị thời học tăng mới khỏi bị liệt vào hạng còn ngu tối. Chẳng có một sử liệu nào ghi chép sự gặp gỡ giữa hai vị, nhưng vị này thường bảo môn đệ của mình đến tham học với vị pháp chủ kia. Đây là một thí dụ. Dược Sơn Duy Nghiễm (745-828), sau này là một trong những vị thừa kế Thạch Đầu, đến hỏi Thạch Đầu: "Tôi am hiểu giáo lý của đức Phật y cứ theo kinh điển, nhưng nghe nói tại miền Nam hành giả nhắm thẳng vào nội tâm, kiến chiếu vào tự tánh và thành Phật. Tôi thật không hiểu rõ điều này. Thành khẩn mong được chỉ giáo."
Thạch Đầu bảo: "Như thế cũng chẳng được, không như thế cũng chẳng được. Như thế không như thế đều không được, ngươi làm sao?" Dược Sơn mờ tịt không hiểu.
Thạch Đầu bảo: "Nhân duyên nhà ngươi không phải ở đây, hãy đến chỗ Mã đại sư." Dược Sơn vâng lời đến yết kiến Mã Tổ và thuật lại chuyện đã qua.
Mã Tổ bảo: "Ta có khi dạy Y nhướng mày chớp mắt, có khi không dạy Y nhướng mày chớp mắt; có khi nhướng mày chớp mắt là phải, có khi nhướng mày chớp mắt là không phải, ngươi tính làm sao?" Ngay câu nói này Dược Sơn khế ngộ, bèn lễ bái.
Mã Tổ hỏi: "Ngươi thấy đạo lý gì mà lễ bái?"
Dược Sơn thưa: "Con ở chỗ Thạch Đầu như con muỗi đậu trên trâu sắt."
Mã Tổ bảo: "Ngươi đã biết như thế thời tự giữ gìn. Tuy nhiên, đạo sư của ngươi vẫn là Thạch Đầu."
Một đối thoại khác giữa Thạch Đầu và Dược Sơn. Dược Sơn ngồi tư duy. Thạch Đầu hỏi: "Làm gì ở đây?" Đáp: "Không làm gì hết trọi." Lại hỏi: "Sao lại ngồi không?" Đáp: "Ngồi không cũng là làm chứ!" Lại hỏi: "Ngươi nói không làm, vậy không làm cái gì?" Dược Sơn nói: "Mười ngàn Thánh cũng chẳng biết."
Từ xưa, suốt dòng lịch sử của đạo Thiền Trung Hoa, khuynh hướng tĩnh tọa vẫn song hành với khuynh hướng trí tuệ đề cao yếu tố ngộ. Vào thời Thạch Đầu, sự tranh chấp hơn thua về tính cách chính thống giữa Nam Tông và Bắc Tông đương vào hồi sôi nổi. Nam Tông xưng là đốn, đối với Bắc Tông gọi là tiệm. Bên đốn, trí tuệ, ngộ thời ngộ tức thời, không tuần tự, vì không có quá trình tiến bộ nào hết. Bên tiệm, chủ nghiệm, trái lại, nêu cao phương thức cần phải theo để đạt ngộ, nghĩa là ngộ lần hồi, đòi hỏi nhiều thời gian, nhiều công phu tịnh quán.
Thạch Đầu trong Tham đồng khế nói đến sự tương giao của những đối cực đốn và tiệm, một và nhiều, sáng và tối, đồng và dị như là hạn chế lẫn nhau và đồng thời hòa hợp nhau. Ý tưởng Bất nhị ở đây, Tương giao và Nhất thể, được diễn tả là tánh bình đẳng nhất như, hay hỗ tương nhiếp nhập theo triết lý Hoa Nghiêm.
Là một thi phẩm góp phần xứng đáng nhất vào sự luận giải tông chỉ của Thiền Tào động, Tham đồng khế được tụng hằng ngày trong các Thiền đường Tào động khắp thế giới và luôn luôn trong những buổi lễ kỵ Tổ. Ba đời sau Thạch Đầu, phái Hành Tư có Động Sơn Lương Giới (807-869), trong một đoản văn chỉnh cú gọi là Bảo kinh tam muội ca, khai triển tư tưởng của Tham đồng khế để giảng giải về tính cách tương giao của thiên (lệch) và chính (ngay). Ngoài ra, giáo lý Ngũ vị thiết yếu cho sự tu tập Thiền đạo được xem như phát xuất từ Tham đồng khế. Giáo lý này thuyết giảng về năm cấp bậc tương quan giữa chính và phụ, giữa chủ và khách: Chính vị, tức thuộc Không giới, bản lai vô vật; Thiên vị, tức Sắc giới, có hình tượng muôn vẻ; thiên trung chính (cái lệch trong cái ngay) là bỏ Sự mà vào Lý; chính trung lai, tức bỏ Lý, chỉ giữ lấy Sự; kiêm đới (gồm cả hai), tùy duyên mà không lạc vào Hữu, không phải nhiễm hay tịnh, không phải chính hay thiên.
Trong đầu đề Tham đồng khế, chữ "tham" chỉ vào thế giới tương đối của những sai biệt, của lưỡng nguyên và của tụ tập. Chữ "đồng" có nghĩa là vô sai biệt, đồng nhất, hay bình đẳng nhất như. Chữ "khế" có nghĩa là sự tương giao của tánh sai biệt và tánh bình đẳng mà công dụng là hợp chúng thành một, và được hình dung như hai bàn tay bắt nhau. Khi hai tay bắt nhau, thời trở nên một hay vẫn còn hai? Có thể nói không phải một mà cũng chẳng phải hai. Nói cách khác, "khế" là hợp thành Nhất thể cái tương đối với cái tuyệt đối giống như hai bàn tay bắt nhau, nghĩa là trong Nhất thể đó tánh sai biệt và tánh bình đẳng không một không khác.
Vậy Tham đồng khế là sự tương dung tương nhiếp của tuyệt đối và tương đối hiện thành Nhất thể trong đó mỗi hữu vừa là một cho riêng nó và cũng vừa là tất cả trong nó. Đây là ý nghĩa của huyền môn thứ ba của Hoa nghiêm: Nhất đa tương dung bất đồng môn, tức là không có chướng ngại giữa một và nhiều. Trong sự hỗ tương nhiếp nhập toàn vẹn, Lý và Sự vẫn duy trì vị trí tồn tại cá biệt, vẫn giữ nguyên tính cách một hay nhiều không hư tổn hay rối loạn. Kinh Pháp Hoa nói đó là "pháp trụ pháp vị", y tánh duyên khởi. Và theo Bồ tát Long Thọ, chính do tánh Không mà các pháp mới có thể đồng thời hiện khởi, cộng đồng hiện hữu, và hỗ tương giao thiệp tạo thành một Nhất thể nhịp nhàng hòa điệu.
Để có một ý niệm cụ thể về ý nghĩa tương dung tương nhiếp của chữ "khế", ta có thể dựa vào kết quả thí nghiệm sau đây của nhà vật lý học lý thuyết David Bohm. Thí nghiệm được thực hiện với một cái máy gồm hai ống xy lanh (hình trụ) bằng gương lồng trong nhau, ống bên ngoài có thể quay chung quanh ống bên trong. Một chất lỏng có độ nhớt rất cao, như chất glycerine chẳng hạn, được đổ vào giữa hai ống. Nhỏ một giọt mực không hòa tan vào chất lỏng, rồi cho ống xy lanh bên ngoài quay chầm chậm. Các hạt cacbon cấu thành giọt mực ở thể lơ lửng trong chất lỏng phân tán mỏng dài ra như sợi chỉ nhỏ lần, rồi đến lúc tuồng như biến mất vì mắt không còn thấy rõ nữa. Khi quay ống xy lanh bên ngoài ngược lại chiều trước, thời dạng sợi chỉ hiện trở lại và đột nhiên hiện thành một giọt mực hoàn toàn giống hệt giọt mực nguyên thủy. Khi các hạt mực phân tán mỏng thành sợi chỉ, ta có thể bảo rằng các hạt mực bị thu nhiếp vào chất glycerin. Khi chúng hiện thành giọt mực cũ, thời đó là lúc chúng phóng khai trở lại. Bây giờ lặp lại thí nghiệm với nhiều giọt mực màu sắc khác nhau. Khi ống xy lanh bên ngoài quay, các hạt mực cấu tử đủ màu sắc lơ lửng trong chất lỏng phân tán mỏng dài ra thành nhiều sợi chỉ khác màu nhau, cấu tử màu nào chạy dài theo sợi chỉ màu ấy và riêng biệt với những sợi chỉ màu khác. Các sợi chỉ nhỏ dần, đan dệt vào nhau thành những mẫu hình giao thoa rất vi tế, giống như trong ảnh toàn ký (hologram), đến một lúc, mắt thường không còn thấy được. Nếu chuyển động của xy lanh bên ngoài đổi chiều ngược lại, thời sợi chỉ màu nào hiện nguyên hình màu ấy và chạy riêng biệt nhau như hồi đầu. Đột nhiên chúng hiện thành trở lại các giọt mực nguyên thủy đủ màu. Như vậy, các giọt mực vẫn ở đâu đó trong chất lỏng, hỗ tương nhiếp nhập với chất lỏng, tùy thuận điều kiện thí nghiệm mà biến đi hay hiện thành.
Quay xy lanh chiều này thời sai biệt biến mất và chỉ có bình đẳng nhất như. Quay xy lanh chiều kia thời sai biệt hiện thành, chúng quả không tiêu biến vào đâu cả! Bohm dùng thí nghiệm này làm ẩn dụ về Lý Sự vô ngại pháp giới là thế giới trong đó tất cả hiện hữu cá biệt (vastu) có thể đồng nhất với Nhứt tâm là sở y. Lý và Sự hợp nhất, chẳng những bất tương ly và hỗ nhập (hiện thực tương đồng, hỗ tương dung nhiếp, và hỗ tương giao thiệp toàn diện), mà còn hỗ tức, nghĩa là hoàn toàn đồng nhất hay bất nhị (advaya). Tóm lại, có thể nói rằng trong đầu đề Tham đồng khế, chữ "khế" được dùng miêu tả tính cách của tất cả pháp trong vũ trụ là đồng một thể tánh chân thật. Thể tánh ấy là Pháp giới tính hay tánh Không.
Tưởng cũng nên biết Tham đồng khế nguyên là tên của một cuốn sách Lão giáo. Thạch Đầu lấy tên ấy để đặt tên cho thi phẩm của mình luận về đạo Phật. Điều này nói lên quan điểm Viên dung của Ngài. Mở đầu Tham đồng khế, Thạch Đầu xác quyết là Pháp chánh truyền của Phật Thích Ca không phân biệt Nam tông hay Bắc tông.
Tâm Đại Tiên Tây trúc
Mật truyền Đông và Tây.
Căn tính có bén, lụt
Đạo không Tổ Bắc, Nam.
Sống vào thời kỳ Đạo Lão thịnh hành, Thạch Đầu dùng chữ Đại Tiên Tây trúc để nêu danh đức Phật Thích Ca. Tiên theo sách Tham đồng khế của Đạo Lão là: "Chân nhân tiềm thâm uyên, Phù du thủ qui trung." Bác sĩ Nguyễn văn Thọ dịch: "Chân nhân sống rất thâm trầm, Phởn phơ khinh khoát, ôm cầm khuôn thiêng." Như vậy, các Tiên Ông là những người thích sống trong cảnh thiên nhiên hơn là sống giữa đời sống giả tạo của con người và tránh xa phiền lụy của những buộc ràng của quy ước xã hội. Thật khác xa với đời sống của chư Bồ tát là những người "tuy đã tự tại trong hết thảy nghiệp và phiền não, vì giáo hóa chúng sinh mà thị hiện tùy thuận các nghiệp và phiền não."
Diệu tâm của Phật là Nhất chân pháp giới của Hoa nghiêm, là thanh tịnh chân tâm, là căn nguồn phát sanh của chư Phật và tất cả chúng sinh. Tâm này ví như hư không, không có giới hạn, không thể đo lường, rộng lớn bao trùm tất cả các pháp. Nhưng "thế giới tuy trống không mà có thể bao hàm muôn vật. Cả thảy các sắc tướng: mặt nhựt, mặt nguyệt, tinh tú, núi sông, đất bằng, nguồn suối, khe rãnh, cỏ cây, rừng bụi, kẻ dữ người lành, việc dữ việc lành, thiên đàng địa ngục, cả thảy biển lớn, các núi Tu di, nhứt thiết đều ở trong chỗ Không." (Pháp Bảo đàn kinh. Phẩm Hai: Trí Huệ. Thích Minh Trực dịch).
Như thế, Tâm Phật hay Phật tánh là chỉ thể tánh, còn vạn vật xuất sanh từ đó là chỉ thể tướng của Nhất pháp giới tâm. Ngài Tông Mật khẳng định "Không một pháp nào là không biểu tượng của bản tâm. Không một pháp nào là không nhân duyên sanh khởi từ Chân pháp giới." Nói theo Đạo Nguyên, Tất hữu là Phật tánh. Thân và tâm, cây và cỏ, trời và đất, chư Phật và chúng sinh, tất cả đều là "đến như vậy" từ "cái gì", "cái gì" tức Phật tánh. Kinh Hoa nghiêmthuật lại giây phút đức Phật giác ngộ: "Bấy giờ đức Như Lai xem khắp pháp giới tất cả chúng sinh mà thốt lời rằng: Lạ thay! Lạ thay! Các chúng sinh đây đã sẵn đủ có trí huệ Phật, mà tại sao lại mê hoặc chẳng tự thấy được? Ta sẽ dạy chúng bằng Thánh đạo khiến cho chúng lìa hẳn vọng tưởng để chúng tự thấy ngay trong cái thân của chúng sẵn trí huệ rộng lớn là Phật tánh, cùng Phật không khác."
Đối với Đạo Nguyên, có được niềm tin Tất hữu là Phật tánh, chỉ có Phật tánh hay Chân như hay Pháp giới là thực thể duy nhất, và y vào đó mà tu hành thời như thế là được tâm truyền Chánh pháp. Vậy "Mật truyền Đông và Tây" không có nghĩa là truyền trao Chánh pháp một cách ẩn mật từ đức Phật Thích Ca cho Đại Ca Diếp, đến A Nan Đà, v.v... mà chính là truyền trao ngay tại đây, bây giờ, và khắp nơi!
Nguồn linh sáng trong veo
Chi phái thầm tuôn trào.
Chấp sự vốn mê muội
Khế lý đã ngộ đâu.
Chữ "nguồn" dịch từ chữ "nguyên" là chữ từ xưa gắn liền với Kinh Dịch và triết Dịch. Đối với Đạo gia, "nguyên" là bản chất sơ thủy bao hàm vạn tượng của Thái cực và cũng là năng lực thôi động sự biến hóa không ngừng từ lưỡng nghi tới tứ tượng... tới bất tận. Nhìn trên phương diện bản thể của nhà Phật thời "nguyên" là đức tính tròn đầy viên mãn, bất sinh bất diệt của Phật tánh. Nguyên không tăng thêm ở bậc Thánh, không giảm bớt ở kẻ phàm. Nguyên của nhà Phật thời siêu việt Thái cực, là động năng để trở về với cảnh giới bất nhị của bản thể Chân như. Đối với người tu Thiền thường tự hỏi "Thế nào là Nguồn linh?", tất nhiên tìm ra được nhiều danh từ đồng nghĩa, như Tuyệt đối, Chân như, Pháp tánh, Pháp giới, và có khi chỉ một chữ "Vô" cũng đủ. "Chi phái" chỉ vào thế giới hiện tượng, thế giới tương đối của những sai biệt.
"Sáng" dịch từ chữ "minh" ở đây có nghĩa "nó là như thế", "nó là nó", đặc tính của Nguồn linh, của Như như. "Thầm" dịch chữ "ám" có nghĩa tương phản với "sáng". Trong bài này cũng như trong văn chương Thiền, hai chữ minh và ám thường hay được dùng. Có khi "minh" (sáng tỏ) chỉ cảnh giới vô phân biệt và "ám" (thầm, tối) chỉ cảnh giới các sai biệt, như trường hợp hai câu đầu này. Có khi ngược lại, "ám" chỉ cảnh giới vô phân biệt. Chẳng hạn như khi ở trong một hang động tối om, không làm sao thấy được những hình tướng sai biệt, giống như tìm một con quạ đen trong đêm tối. Đến khi rọi đèn sáng, thời phân biệt ngay những sự vật sai khác. Lại có khi "ám" chỉ mê muội và "minh" chỉ "mắt huệ" quán thấy Chân không vô tướng. Hai câu đầu nói đến sự tương giao của thật thể và hiện tượng hay của Lý và Sự. Không có thật thể bên ngoài hiện tượng, chính nơi hiện tượng là thật thể. Cũng vậy, Lý và Sự đồng nhất vì cái này không nằm ngoài cái kia, tuy nhiên Lý và Sự sai khác nhau. Các chi phái thầm tuôn trào, cái được biểu hiện hay được phát lộ ở bên ngoài của Nguồn linh, không gì khác hơn là Nguồn linh ấy. Không có khác biệt nào giữa Nguồn linh và các chi phái. Nếu ta quan niệm các chi phái là các dòng tổ Thiền truyền thừa thời tuy tất cả cùng lưu chú về cùng một cội nguồn, chúng vẫn là những dòng chảy riêng rẽ khác nhau. Đúng là hình ảnh của những giọt mực tán mỏng chạy dài theo những dòng sợi chỉ riêng rẽ khác biệt trong thí nghiệm David Bohm. Hiện tượng các dòng sợi chỉ không gì khác hơn là Nguồn linh. Sự tuôn trào và nguồn của sự tuôn trào không lìa nhau, không sai khác.
"Chấp sự vốn mê muội", "Khế lý đã ngộ đâu" cùng mô tả lối nhìn thiên lệch, khi thiên Sự, khi thiên Lý. Trên hết, tội lỗi nặng nhất là thái độ chấp trước. Ngoài ra, thông đạt Lý tức Giác chưa phải là Ngộ, bởi vì khi thành tựu chứng ngộ dù cạn dù sâu, nếu được nhận thức, thời sự ngộ đó hóa thành trạng thái Ngộ và thể nghiệm chứng ngộ cũng trở thành một trạng thái tu chứng. Đó là nhận thức tu chứng theo chủ quan bối cảnh của mình. Cái chủ quan ấy dựa vào sự hiện hữu của cái tôi. Có cái tôi và chấp trước vào cái tôi tạo ra chướng ngại không cho thấy như thật, hay như thị. Tu như vậy là hãy còn chấp tướng vì còn thấy ngã thấy pháp.
Không phải chỉ có cái thể của Giác là Chân tâm, mà cái thể của Mê cũng là Chân tâm. Kinh Viên Giác chỉ rõ Giác cũng là “huyễn”, chỉ là phương tiện để giảng cho người huyễn. Tâm kinh cũng dạy là “không có ‘Vô minh’, cũng không có ‘hết Vô minh’.” Nói cách khác, không có Mê, cũng không có Giác. Vấn đề ở đây là làm thế nào để có thể sống trong Chân như tuyệt đối mà đồng thời có thể tự tại trong thế giới sai biệt tương đối. Làm thế nào để có thể trong ngoài thân tâm tất cả đều xả, ví như hư không, không có chỗ thủ trước, mà vẫn thân chứng Phật tánh? Theo Đạo Nguyên, chỉ cần Tọa Thiền (zazen). Về bản chất, Tọa Thiền hay Đạo Nguyên tam muội hoàn toàn tương đồng với muôn vạn tam muội khác: Chẳng có phân biệt, chẳng máy động, tự tại trong mọi cảnh. Tuy nhiên khác với lập trường ngồi tham là để đưa tới Giác ngộ của Lâm Tế, Đạo Nguyên chủ trương Tọa Thiền không khác với Giác ngộ, ngộ là thâm nhập Phật tánh.
“Tọa Thiền phải dẹp hết mọi vướng bận, tất cả các việc đều gác qua một bên. Không nghĩ đến các điều lành, dữ, thiện, ác, tốt, xấu. Hoàn toàn không có nỗ lực hoặc cố gắng ý thức. Tọa Thiền không phải là nghĩ về hay quán sát theo dõi tác dụng của tâm, ý, thức. Đừng mong cầu trở thành Phật. Tọa Thiền không liên can gì đến bốn oai nghi đi, đứng, ngồi, hay nằm. ... ... ... Ngồi vững vàng trong chánh định (samàdhi; tam muội) và tư lượng (thinking; shiryò) bất tư lượng (not-thinking; fushiryò). Thế nào là tư lượng bất tư lượng? Là phi tư lượng (without-thinking; hishiryò). Đây chính là nghệ thuật Tọa thiền vậy.” (Fukanzazengi. Phổ khuyến Tọa Thiền nghi). Không phải vô tâm, không phải hữu tâm, mà chính là vô tâm ngay giữa các niệm, an nhiên vững vàng như ngọn núi Đông Sơn đi trên sóng, ý thức sáng tỏ không nỗ lực mà vẫn thấy tỏ tường không bỏ sót một ngọn sóng (niệm) nào hết. Ngay khi ngồi xuống đã là Phật. Một phút ngồi Thiền là một phút làm Phật. Phật tánh hé mở từng giây phút một, trong từng niệm một.
Cửa cửa và mọi cảnh,Giao hỗ không giao hỗ.
Giao hỗ dẫm lên nhau,
Chẳng thế, y chỗ đứng.
“Cửa cửa” làm nghĩ đến câu chuyện có ông tăng hỏi Triệu Châu, “Triệu Châu là gì?” Triệu Châu nói, “Đông môn, Nam môn, Tây môn, Bắc môn.” Đoán biết ẩn ý thử thách của người hỏi, Triệu Châu trả lời một câu mà bao hàm hai nghĩa khác nhau: đương sự và nơi đương sự sống. Nếu hỏi về thị trấn Triệu Châu nơi đương sự ở thời đó là vùng bao quanh bởi một tường thành có bốn cửa vào. Ý muốn nói bất cứ vật gì đều có thể ra vào bất cứ hướng nào. Nếu hỏi về cá nhân mang tên là Triệu Châu thời đương sự là bốn cửa thành. Như thế, trên phương diện bản thể, đương sự là vô vật, vô ngã. Đương sự chính là Chân tâm tức cái tâm vô tâm.
Tổ Lâm Tế cũng lấy “cửa” để dẫn đến ý nghĩa của “bổn lai diện mục” tức Chân tâm. Ngày kia, Ngài nói: “Trên đống thịt đỏ lòm có một vô vị chân nhân (một tên gọi khác của “bổn lai diện mục” hoặc Chân tánh) thường ra vào theo lối cửa mở trên mặt các ngươi. Thầy nào sơ tâm chưa chứng cứ được thời nhìn đây.” Kinh Hoa nghiêm gọi Chân tâm là Pháp giới vì giao triệt và dung nhiếp. Tánh của Pháp giới là bình đẳng, không thật có sinh, có diệt, có người, có mình, có tâm, có cảnh, có thời gian, có không gian, không thấp, không cao, không mê, không ngộ. Tánh ấy duyên khởi ra tất cả sự vật, không có ngăn ngại, đồng thời cũng tức là bản tính của tất cả sự vật, không hề thay đổi.
Trên phương diện hiện tượng, câu “Cửa cửa và mọi cảnh” diễn tả diệu dụng của Chân tâm. Diệu dụng thời có tướng trạng và giao thiệp. "Cửa cửa" là sáu căn, "mọi cảnh" là sáu trần, sự tương giao của sáu căn và sáu trần, "đó gọi là tất cả". "Tất cả có nghĩa là toàn thể vũ trụ. Theo đức Phật, "tất cả" chỉ được thành lập trên quan hệ nhận thức tương đãi và tương thành giữa sáu căn và sáu trần (Tạp A Hàm. Tập I. Kinh số 319). Căn cũng như trần đều là sự vật, bản tính là pháp giới tính hay Phật tánh. Theo nguyên lý trùng trùng duyên khởi, một sự vật duyên tất cả sự vật, tất cả sự vật duyên một sự vật. Do tất cả duyên một sự vật, nên sự vật này là tất cả. Đã là tất cả thời hoàn toàn độc lập, bởi vì không có sự vật nào ngoài tất cả để so sánh với. Chung qui chỉ có một sự vật, thời lấy gì mà so sánh? Sự vật "một" ấy không có quan hệ nào cả, tất nhiên tuyệt đối độc lập.
Như vậy, thấu hiểu vạn hữu trong những tương quan chân thực của chúng không chỉ tương quan giữa cái này với cái kia mà tương quan với lý tính hiện hữu của chúng nữa. Sự vật nào dù là căn hay cảnh, tâm hay vật, đều được đồng thời nhận thức dưới hai khía cạnh: tương đối hay quan hệ hỗ tương giao thiệp và tuyệt đối hay hoàn toàn độc lập. Mặt này hỗ nhập, nghĩa là đồng thời câu khởi, đồng thời hỗ nhiếp, và đồng thời hỗ dung. Mặt kia hỗ tức, nghĩa là Sự tức Lý, Lý tức Sự. Đó là ý nghĩa của các câu, "Giao hỗ không giao hỗ. Giao hỗ dẫm lên nhau. Chẳng thế, y chỗ đứng". "Y chỗ đứng" tức là "pháp trụ pháp vị", y tánh duyên khởi.
Sắc vốn khác tượng, chất;Thanh cũng phi khổ, lạc.
Ngầm hợp lời thượng, trung;
Sáng tỏ câu trong, đục.
Hai câu đầu nói cái thấy, cái nghe, chớ kỳ thật hàm cả cái hiểu, cái biết. Chân tâm duyên khởi biến hiện ra các sự vật, ra thân, ra cảnh, ra các danh tướng, và mọi sự phân biệt hiểu biết. Chân tâm thể hiện nơi cái thấy, nghe, hiểu, biết, nhưng không phải cái thấy, nghe, hiểu, biết đó là Chân tâm. Tổ Hoàng Bá giảng rõ: "Bản tâm thể hiện nơi cái thấy, nghe, hiểu, biết, nhưng không thuộc cái thấy, nghe, hiểu, biết, mà cũng không rời cái thấy, nghe, hiểu, biết. Chớ nên ở trên cái thấy, nghe, hiểu, biết khởi phân biệt, cũng chớ ở trên cái thấy, nghe, hiểu, biết mà động niệm, nhưng cũng chớ lìa cái thấy, nghe, hiểu, biết mà tìm tâm, cũng chớ bỏ cái thấy, nghe, hiểu, biết mà nhận pháp. Không tức, không ly, không trụ, không trước, tung hoành tự tại đều là đạo tràng."
Lấy cái thấy làm thí dụ. Tất cả sự vật tuy hình tượng và vật chất khác nhau, nhưng đều là các sự vật nơi tiền cảnh. Chúng đều là vật, cái thấy không phải là vật. Nếu cái thấy là vật thời vật cũng thành có hiểu biết. Lại nữa, không có sự vật nào ra ngoài cái thấy, vì ra ngoài thời không thể thấy được. Chung cùng, không có sự vật gì tức là cái thấy và cũng không có sự vật gì ra ngoài cái thấy. Tại sao? Do bản tính là pháp giới tính nên tất cả sự vật đều do duyên biến hiện, không có tự tính, làm sao trong tánh Không còn cái gì tức là cái gì hay có cái gì ra ngoài cái gì được? Trong kinh Thủ Lăng nghiêm, có đoạn đức Phật hỏi ngài Văn Thù: "Như toàn thân của ngài đó là Văn Thù, vậy trong cái ấy có con mắt, cái mũi, ngón tay, cái chân gì, tức là Văn Thù, hay không có Văn Thù?" Ngài Văn Thù đáp lại rằng toàn thân ngài thật là Văn Thù. Nơi thân ngài không có vật gì tức là Văn Thù, vì nếu có vật ấy, thời đã thành ra hai Văn Thù. Nhưng trong toàn thân ngài cũng không có cái gì ra ngoài Văn Thù.
Tóm lại, tánh sai khác nơi cái bị thấy và tánh bình đẳng (không có sai khác) của cái thấy không tức, không ly. Cũng vậy, tánh sai khác nơi cái bị nghe (lạc và khổ) và tánh bình đẳng của cái nghe không tức, không ly. Đó là cách hiểu sự tương giao của tánh bình đẳng và tánh sai khác theo Thiền qua câu "Sắc vốn khác tượng, chất; Thanh cũng phi khổ, lạc."
Thoạt tiên, rõ ràng câu ấy chỉ nói đến tánh sai khác. Trong Thiền học, hiểu như vậy là nhận thức phiến diện. Ngôn ngữ của Thiền thường được ví như lưỡi kiếm báu kim cương, khi chém thời chém cả hai mặt, có khả năng đoạt hết mọi ý niệm phân biệt khởi lên nơi hành giả. "Nói cái vọng, để tỏ cái chân; vọng, chân ấy, cả hai đều vọng." (Kinh Thủ lăng nghiêm) Mục đích cốt để chỉ rõ sự thật là tuyệt đối, không thể dùng những tư tưởng đối đãi mà hình dung sự thật được. Bởi vậy, không nhất thiết phải phủ nhận hay siêu việt hai tướng sai khác và bình đẳng, hành giả đồng thời nhận thức cả hai tướng, chứng được sai khác tức chẳng phải sai khác, bình đẳng tức chẳng phải bình đẳng, tức chứng pháp giới tính hay tánh Không.
Giáo thuyết Ngũ vị thiên chính của Động Sơn Lương Giới rất lợi ích chỉ đường tu tập phá chấp, có thể đem sử dụng ở đây để giải thích phép tu chứng pháp giới tính. Ngũ vị là năm lối nhìn của hành giả áp dụng cùng một lúc ngay trong giây phút hiện tại. Xét theo giáo thuyết này thời "cái thấy, cái nghe" là chính vị, "sắc, thanh" là thiên vị. Khi phát biểu "Sắc vốn khác tượng, chất; Thanh cũng phi khổ, lạc." tức là chính trung thiên (tương đối trong tuyệt đối). Nói "tánh bình đẳng của cái thấy, cái nghe", tức là thiên trung chính (tuyệt đối trong tương đối). Cuối cùng, tùy duyên mà không lạc vào Hữu, không phải bình đẳng hay sai khác, không phải tuyệt đối hay tương đối, tức là vô vị, kiến Trung đạo.
Cũng vậy, mọi sự vật có thể đồng thời được nhận biết từ hai vị trí, ngầm và sáng: "Ngầm hợp lời thượng, trung; Sáng tỏ câu trong, đục." "Ngầm" (ám) ở đây chỉ cảnh giới vô phân biệt, là chính vị và "sáng" (minh) chỉ thế giới thiên sai vạn biệt, là thiên vị. Trong khi ở lãnh vực "ngầm" vượt ngoài lưỡng cực hữu và vô, không có kiến giải phân đôi, không có lời thượng, lời trung (thiên trung chính), thời cùng khi ấy, trong thế giới "sáng", cõi Hữu sở đắc, do trí phân biệt nên có câu trong, câu đục (chính trung thiên). Cuối cùng, ngầm tức chẳng phải ngầm, sáng tức chẳng phải sáng, ngầm và sáng đồng một thể tính, đồng một nguồn gốc, không thể tách rời nhau (vô vị, kiến Trung đạo).
Hoàn nguyên tính bốn đại;Như con tìm được mẹ.
Lửa nóng, gió động lay;
Nước ướt, đất cứng dày.
Mắt, sắc, tiếng với tai;
Mũi, hương, lưỡi mặn chua.
Nhưng y mỗi một pháp;
Y gốc, lá phân lớp.
Gốc ngọn phải về tông.
Tôn, ti, dụng ngữ riêng.
Đoạn văn trên giải thích sự nhận chân sáu đại, đất, nước, lửa, gió, căn, và thức, theo hai nguyên lý, hỗ tức và hỗ nhập, là phương tiện tu chứng pháp giới tính hay tánh Không.
Thế giới sự vật không ngoài bốn đại, đất, nước, lửa, và gió. Đất có tính chất cứng dày, nước có tính ướt, lửa có tính nóng, gió có tính lay động. Biết là đất, là nước, là lửa, là gió, thấy thế này là cứng dày, thế kia là ướt, thế này là nóng, thế kia là lay động, đó là do nhận thức theo nghiệp người. Những loài chúng sinh khác, thời nhận định theo cách khác, đâu phải nhất thiết như loài người. Do đó, các đại đều là duyên khởi, do nhận thức của mỗi nghiệp mà phát hiện, không có tự tính. Xét về tướng, bốn đại theo duyên mà biến hiện như huyễn như hóa, nhưng xét về tánh thời bốn đại cũng như tất cả sự vật đều là pháp giới tính. Ngộ nhập tánh Không của bốn đại tức là "Hoàn nguyên tính bốn đại; Như con tìm được mẹ."
“Mắt, sắc, tiếng với tai; mũi, hương, lưỡi mặn chua.” là nói đến căn đại và thức đại. Căn đại tức là thắng nghĩa căn năng giác đối với các trần cảnh sở giác: mắt đối với sắc, tai đối với tiếng, mũi đối với hương, lưỡi đối với vị, ... Căn năng giác và các món sở giác không thể tách rời nhau.
Thức đại lúc nào cũng nhân nơi sự đối đãi giữa căn và trần mà phát khởi. Căn đại chỉ có giác quan nhưng không phân biệt. Thức đại nhận biết trần cảnh riêng khác. Trong chỗ căn đại thấy, nghe, ... nhưng chưa phân biệt được vật gì là vật gì, thời thức đại phân biệt vật này vật khác, vị nọ vị kia. Căn đại cũng như thức đại là duyên khởi như huyễn, không có tự tính. Bản lai là pháp giới tính, cùng khắp mười phương theo lượng hiểu biết của mỗi loài chúng sinh mà phát hiện.
Pháp giới tính là tính trùng trùng duyên khởi của tất cả sự vật. Pháp giới tính duyên khởi ra tự tâm, có tính nhiệm mầu duyên hiện các pháp, có tính sáng suốt duyên biết các pháp. Căn đại là tính sáng suốt của tâm tính. Tâm tính ấy bản lai là pháp giới tính, nên cũng gọi là tính giác. Chúng sinh khi bắt đầu tu học đạo Phật nhận biết có tâm tính bản nhiên như thế thời gọi tâm tính ấy là bản giác. Chính cái tính sáng suốt bản giác biểu hiện thành căn đại. Nếu là nghiệp người, nghĩa là có thân người, thời căn đại theo thân người mà phát hiện, thấy theo con mắt người, nghe theo lỗ tai người, ... Tất cả các cảm giác của chúng ta đều do sự đối đãi giữa thân người với hoàn cảnh mà có.
Thức đại là cái tác dụng nhận biết của tính sáng suốt bản giác và duy tính sáng suốt của bản giác mới thật là chân tính của thức đại. Tính bản giác nhiệm mầu sáng suốt là pháp giới tính. Pháp giới duyên khởi ra bản giác, bản giác duyên khởi ra pháp giới, theo nghiệp mỗi loài mà phát hiện.
Nhận biết được tất cả sự vật đều do pháp giới tính duyên khởi như huyễn, không có tự tính, thời thân, tâm, lá phân lớp, gốc, ngọn đều là pháp giới tính. Lời nói tôn trọng hay thấp hèn đều do pháp giới tính duyên khởi. Đứng về phương diện pháp giới tính mà nói thời toàn thể đều như như bình đẳng, không có sai khác. Chứng được tất cả sự vật đều không có sai khác, thời phá được ranh giới giữa tâm và cảnh, giữa tự và tha. Tất cả là một, một là tất cả. Đó là ý nghĩa của các câu: “Nhưng y mỗi một pháp; Y gốc, lá phân lớp. Gốc ngọn phải về tông. Tôn, ti, dụng ngữ riêng.” Chữ "tông" ở đây đồng nghĩa với "Tâm Đại Tiên Thiên trúc" trong câu mở đầu Tham đồng khế.
Ngay chỗ sáng có tối,Chớ để tối gặp nhau.
Trong tối có ánh sáng;
Chớ để sáng nhìn nhau.
Ý nghĩa của bốn câu này không khác của hai câu "Sắc tức thị không, Không tức thị sắc" trong Tâm kinh. Có thể ví với giọt mực trong thí nghiệm David Bohm vừa hòa đồng với chất lỏng vừa giữ nguyên cá thể riêng biệt. Đó là giây phút cùng một lúc vừa tuyệt đối vừa tương đối. Sáng tức thị tối, tối tức thị sáng. Ngay trong sáng có tối, đừng coi đó là tối. Ngay trong tối có sáng, đừng coi đó là sáng. Hãy cắt đứt tất cả thiên chấp về sáng và tối, thể dụng tự nhiên phân chẳng phân.
Sáng và tối, đối nhau;Như bước chân trước sau.
Không có gì cụ thể cho bằng dùng hai chân bước đi làm thí dụ về tánh phi nhất phi dị của sáng và tối. Tối và sáng, tuyệt đối và tương đối, là hai đối cực, giống như chân bước trước và chân bước sau. Khi đi, chân bước trước tức thời trở thành bước sau và chân bước sau trở thành bước trước, khó lòng nói rõ chân nào bước trước, chân nào bước sau. Lúc dừng lại và suy nghĩ vấn đề, thời có thể thấy chân phải là chân bước trước, chẳng hạn. Vậy đang bước tới thời không thể phân biệt, chỉ phân biệt được khi dừng chân. Tọa Thiền cũng thế, đang lúc hành công phu thời không có vấn đề phân biệt tối và sáng, chân bước trước và chân bước sau. Dấy niệm phân biệt thời không còn là Tọa Thiền nữa.
Vạn vật công riêng;
Ngay lời, là chỗ dụng.
Hai câu này chỉ rõ tính chất tương quan giữa Sự và Lý, giữa các pháp sở tri và tánh Không. Dụng của Sự gọi là "công". "Vạn vật công riêng", mỗi và mọi sự vật đều có công riêng của nó. Thông hiểu công của Sự có nghĩa là thông hiểu cách ứng dụng đúng theo bản thể và chỗ dụng của Sự: "Ngay lời, là chỗ dụng". Tức là "thị pháp trụ pháp vị". Sự luôn luôn là biểu tượng của một lý nào đó và ngược lại, lý luôn luôn là lý tánh của một sự nào đó. Lý là thể tánh của tất cả pháp tức của Sự. Sự là hiện tướng của lý tánh. Lý và Sự bất tương ly, hỗ nhập và hỗ tức, hợp nhất trong ngoài toàn thể, trong ngoài toàn dụng, tức thể tức dụng.
Nếu hiểu theo các luận sư thuộc tông Tào động Nhật bản thời hai câu thơ tiếp theo
事 存 函 蓋 合 , 理 應 箭 鋒 拄
Phiên âm:
Sự tồn hàm cái hạp
Lý ưng tiễn phong trụ.
phải được tạm dịch tiếng Việt là:
Sự lưu, như hộp đậy;
Lý, mũi tên chọi nhau.
Sự nhiếp trong Lý, hay nói một cách dễ hiểu hơn, sự kiện tôi có mặt ở đây có nghĩa là Phật tánh đang ở đây. Ngay lúc này, tôi không phải chỉ là tôi, mà còn là một biểu hiện của Phật tánh. Hơn thế nữa, tôi biểu hiện thật tướng theo cách riêng của tôi. Sự kiện tôi có mặt ở đây có nghĩa là toàn thể vũ trụ đang có mặt tại đây. "Sự lưu, như hộp đậy", Lý bao hàm và dung nạp Sự được ví như hộp đậy nắp khít đến độ không biết đâu là nắp.
Lý ở trong Sự tức Lý Sự khế hợp, ví như hai mũi tên bắn đi ngược chiều, đầu tên chạm nhau trong không trung. Đây là nói phỏng theo một truyện cổ tích Trung hoa, vào thời Chiến quốc, có một xạ sư đại tài tên là Phi Vệ. Kỷ Mao, một tay thiện xạ còn trẻ, muốn đọ sức tranh tài, đứng đợi Phi Vệ, cung tên sẵn sàng trong tay. Khi Phi Vệ vừa ló mặt, cả hai tay thiện xạ tài giỏi quá lanh lẹ đã đồng thời giương cung và bắn cùng một lần. Hai mũi tên gặp nhau trong không trung. Sau đó, họ cư xử với nhau như cha và con.
Khác với cách giải thích trên, Thầy Tuệ Sỹ dịch đúng nguyên văn là:
Sự lưu, như hộp đậy;
Lý như mũi tên ghim.
Trong câu chữ Hán: “Sự tồn hàm cái hạp”, dịch là “Sự lưu, như hộp đậy”, “Sự tồn” chỉ mối quan hệ giữa sự với sự, tức sự sự vô ngại. Sự với sự thích ứng với nhau thành diệu dụng, ví như hộp và nắp.
Lý là Pháp giới tính hay tánh Không. “Mũi tên ghim” dụ cho Tọa Thiền, là năng lực bắn mũi tên trực chỉ tánh Không. Đúng như cổ nhân đã nói: “Vạn tượng và sâm la chỉ là dấu ấn của một Pháp”, “Sâm la và vạn tượng đều viên mãn ở trong ấy cả.”
Lý Sự khế hợp nhắc đến phép thực hành công phu vô tâm gọi là "thấu xuất thể dụng". "Khi hành công phu, chẳng phân trong ngoài, chẳng phân biệt Đông, Tây, Nam, Bắc. Thể dụng chẳng phân, không một mảy may rỉ lậu. Suốt thân gồm thành một mảnh, vọng kia chỗ nào khởi được? Người xưa nói: Suốt thân không đường nứt, trên dưới đều tròn trịa." (Thiền sư Phổ Chiếu. Chơn tâm trực thuyết) Đó cũng là ý trong câu Duy Ma Cật nói: "Lấy vô trụ bổn, lập nhất thiết pháp".
Nương lời thấu rõ tông;Chớ tự lập quy cũ.
Mắt chạm không rõ đường;
Vần bước nào hay lối.
Tiến bước chẳng gần xa,
Mê thời cách núi sông.
Cần nhớ rằng không tu để thành Phật, mà chính mình là Phật cho nên mới cần tu chứng. Thiền sư Hoàng Bá đã có lần nói: "Đạo là vật gì mà ông muốn tu hành?" Phật tánh không ở gần chẳng ở xa. Vì Phật tánh là bản chất nguyên sơ của mỗi sự vật cá biệt, nên bất kỳ khi nào, mỗi phút mỗi giây, trong tiến trình hóa dịch, tự thân như thực của vạn hữu luôn luôn hiển lộ Phật tánh. Bởi thế, Đạo Nguyên mới nói: "Trong pháp Phật, tu tập và chứng ngộ đồng nhất." Tu là tu nơi sự chứng, gọi là “bản chứng diệu tu” (honshò myòshu). Tu chứng đồng thời, chỉ ngay bây giờ và ở đây, vào mỗi và mọi lúc.
Ông thúc hối: "Hãy dốc hết toàn lực trên đạo lộ trực chỉ Chân như. Hãy tôn sùng đạo nhân tuyệt học vô vi (zetsugaku mui nin; tức là bất cứ ai Tọa Thiền, thâm nhập Thanh tịnh Pháp thân ngay khi ngồi xuống). Hãy khế hợp quá trình tu hành với Chân như Pháp giới. Hãy thừa kế đường lối Thiền chính thống của Tổ Sư truyền xuống. Hãy thường xuyên động dụng thi vi như vậy, người được đảm bảo không khác chư Tổ. Kho tàng bảo vật của người sẽ tự động mở tung ra và người sẽ sử dụng tùy thích." (Fukanzazengi. Phổ khuyến Tọa Thiền nghi)
Đoạn cuối bài Tham đồng khếcũng có lời kêu gọi tương tự:
Cẩn bạch người tham học lẽ huyền
Chớ để thời gian luống trôi qua.
Đoạn này được ghi khắc trên "han", một tấm gỗ treo, thường được gióng lên để loan báo giờ tọa Thiền trong các Thiền đường Tào động Nhật bản.