Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

16. Chương Thứ Mười Sáu

18/07/201115:14(Xem: 8824)
16. Chương Thứ Mười Sáu
TỊNH ĐỘ GIÁO KHÁI LUẬN

Nguyên tác Nhật ngữ:Vọng Nguyệt Tín Hanh

Hán dịch:Ấn Hải - Việt dịch: Viên Thắng - Hiệu đính: Định Huệ

Chương thứ mười sáu

Thuyết các thiện hạnh có thể vãng sanh hay không và các hạnh bản nguyện

Như trên đã nói, ngài Pháp Nhiên chủ trương nghĩa tuyển trạch bản nguyện niệm Phật, lấy xưng danh niệm Phật làm chính định nghiệp là điều kiện bản nguyện vãng sanh, phế bỏ các thiện hạnh khác chẳng phải hạnh bản nguyện. Trái lại, các vị đệ tử của ngài cho rằng, nếu không có các thiện hạnh khác thì có thể vãng sanh Tịnh độ hay không mà gây ra tranh luận. Do đó mà có nhiều nghị luận sôi nổi.

Tiết thứ nhất

Thuyết của ngài Pháp Nhiên

Tuy ngài Pháp Nhiên cho rằng các thiện hạnh khác không phải chính hạnh bản nguyện, nhưng vẫn cho là trợ hạnh vãng sanh. Tuyển trạch bản nguyện niệm Phật tậpnói: “Tu tập tạp hạnh thì cần phải đem hồi hướng để trở thành nhân vãng sanh. Cho dù không có các thiện hạnh khác, hoặc một, hoặc nhiều, tùy theo khả năng tu tập mười ba pháp quán đều được vãng sanh; đây chính là ý của kinh có thể dùng để chứng minh, không có gì phải nghi ngờ”.

Lại trong Vô Lượng Thọ kinh thíchgiải thích văn tam bối nói: “Theo ý của ngài Thiện Đạo thì văn này có ba ý: chỉ niệm Phật vãng sanh, trợ niệm Phật vãng sanh, các hạnh vãng sanh”. Chúng ta có thể biết ngài Thiện Đạo cũng khẳng định các thiện hạnh khác cũng được vãng sanh.

Tiết thứ hai

Thuyết biên địa vãng sanh của ngài Long Khoan

Ngài Long Khoan ở chùa Trường Lạc lấy bản nguyện niệm Phật làm sanh nhân báo độ, các thiện hạnh khác chẳng phải sanh nhân báo độ, nhưng có thể sanh về biên địa. Ba tâm đủ, hoặc không đủ, nương theo tha lực, hoặc không nương theo tha lực mà xác định cõi vãng sanh khác nhau. Cực Lạc Tịnh độ tông nghĩaquyển trung của ngài trứ tác nói: “Căn cơ vãng sanh bao gồm có hai loại là căn cơ vãng sanh về báo độ và căn cơ vãng sanh về biên địa. Căn cơ vãng sanh về báo độ tức là căn cơ thuộc bản nguyện vãng sanh; điều này lại có ba loại căn cơ khác nhau:

1. Căn cơ thuộc nguyện thứ mười tám: Chính là căn cơ bản nguyện vãng sanh, từ đầu đã đầy đủ ba tâm, nương theo tha lực chân thật bản nguyện niệm Phật.

2. Căn cơ thuộc nguyện thứ mười chín: Vốn đã phát tâm bồ-đề tu các công đức; sau đó xả bỏ hạnh khác, đem công đức quy về tha lực chuyên tu niệm Phật, hoặc đã từng tu các thiện hạnh khác.

3. Căn cơ thuộc nguyện thứ hai mươi: Vốn lấy niệm Phật và tu cả các hạnh khác mà tín tâm không quyết định, nhưng sau đó gặp duyên phát ba tâm, kết quả được vãng sanh.

Trên đây, tuy có ba loại căn cơ vãng sanh, nhưng các căn cơ này đều sanh về báo độ do bản nguyện mà thành.

Căn cơ vãng sanh về biên địa, Quán kinhnói người chín phẩm, tức chỉ người đới hoặc vãng sanh. Trong Đại kinhnói: “Người nghi ngờ không tin nên sanh về biên địa của cõi Cực Lạc”. Lược luậnnói: “Tuy vãng sanh về cõi An Lạc, nhưng không được vào hàng tam bối. Vì đem tâm nghi ngờ tu các công đức nguyện sanh về cõi An Lạc thì sanh vào cung điện bảy báu. Vì không tin bản nguyện, danh hiệu, không nương theo tha lực, cho nên sanh vào biên địa”. Vì ba tâm này đều lấy sự nương về tha lực chân thật của Như Lai làm tâm, người phát tâm này đều sanh về báo độ. Kẻ mê không hiểu trí tuệ của Đức Phật, nghi ngờ bản nguyện, không nương theo tha lực, tu hạnh tự lực thì sanh về biên địa.

Lại nữa, ngài Long Khoan chủ trương báo độ do bản nguyện mà thành không có sai biệt về phẩm loại mà chỉ có sai biệt biên địa có chín phẩm. Cùng với biên địa thai sanh trong kinh Vô Lượng Thọvà chín phẩm vãng sanh trong Quán kinhlà cùng một quan điểm, gọi là chín phẩm biên địa. Nhưng trong Cực Lạc Tịnh độtông nghĩaquyển hạ nói: “Bên ngoài báo độ thật sự không có biên địa, cõi Cực Lạc chỉ có báo độ là nơi báo thân Phật cư trú do bản nguyện mà thành. Nhưng vì căn tính chúng sanh, ham muốn khác nhau, người chưa phát ba tâm rất đông, Đức Phật vì lợi ích cho họ mà dùng các phương tiện mở bày biên địa thai sanh. Hoặc nói nghinh đón về chín phẩm, lấy đó làm giáo môn phương tiện tùy nghi, tùy duyên nói cho chúng sanh”.

Pháp Nhiên thượng nhân truyện kíbản khắc vào niên hiệu Đề Hồ nói: “Chỉ có người niệm Phật sanh về nước Cực Lạc, còn người tu hạnh khác thì sanh về nước Giải Mạn. Người vừa tu niệm Phật, vừa tu pháp thiện khác cũng có hai loại: một, tâm chú trọng vào niệm Phật và tu tạp hạnh khác thì làm trợ duyên thì sanh về Cực Lạc; hai, tâm chú trọng các tạp hạnh khác, lấy niệm Phật làm trợ duyên thì sanh về nước Giải Mạn”.

Hòa ngữ đăng lụcquyển 5 dẫn trong tập Vấn đáp niệm Phậtnói: “Lấy bản nguyện niệm Phật làm trợ hạnh, nếu người tu trợ hạnh này thì sanh về biên địa Cực Lạc”. Tương truyền ngài Pháp Nhiên cũng cho rằng người tu hạnh khác; hoặc người vừa niệm Phật vừa tu pháp thiện khác đều vãng sanh về biên địa nước Giải Mạn.

Liên quan đến vấn đề chín phẩm Cực Lạc có hay không, trong bản khắc vào niên hiệu Đề Hồ cho rằng chín phẩm Cực Lạc chẳng phải bản nguyện của Phật Di-đà, lại nói trong bốn mươi tám nguyện cũng là cách nói thiện xảo của Thích Tôn. Nếu nói người thiện, người ác đều vãng sanh về một chỗ thì người làm ác khởi tâm ngã mạn; cho nên sắp xếp phẩm vị sai biệt. Giải thích người thiện được sanh lên thượng phẩm, người ác bị xuống hạ phẩm; cho nên ngài Long Khoan đề xướng thuyết không có tam bối, chín phẩm. Do đây có thể thấy chủ trương của ngài Long Khoan chịu ảnh hưởng ngài Pháp Nhiên. Nhưng trong bản khắc vào niên hiệu Đề Hồ cũng ghi chép lời giống như ngài Long Khoan, sách này có lẽ là do một phái của chùa Trường Lạc truyền, khẳng định không giống với thuyết của ngài Pháp Nhiên.

Tiết thứ ba

Nghĩa hai loại đều vãng sanh của hai ngài Thánh Quang và Lương Trung

Ngài Thánh Quang ở Trấn Tây cho rằng chuyên tu niệm Phật và các thiện hạnh khác đều sanh về báo độ; đồng thời, trong báo độ có chín phẩm sai biệt. Ngài đã trứ tác Tịnh độ tông yếu tậpquyển 2, cho rằng Cực Lạc là cõi do bản nguyện của Di-đà mà thành cũng là cõi định vô lậu thanh tịnh, vì nhân Ngài đã tu là định vô lậu, định thiện, tán thiện cho nên Cực Lạc là nơi vãng sanh của tất cả chúng sanh.

Tịnh độ tông yếu tậpquyển 3 của ngài Lương Trung bàn rộng vấn đề các hạnh vãng sanh. Trong tam kinh nhất luận[1], ngũ bộ cửu quyển[2] đã nói về các hạnh vãng sanh rất nhiều; lại nói bản chất của các thiện pháp là chân không diệu hữu; do đó, bậc thượng căn tu pháp này tức thành quả Phật. Vả lại, vãng sanh Tịnh độ có thể đạt được lí thể chân thật.

Lại nữa, Tuyển trạch hoằng quyết nghi sao quyển 2 của ngài nói: “Căn cơ tạp hạnh vì đủ ba tâm như Chí thành tâm v.v…nên được sanh về báo độ. Ba tâm là nhân vãng sanh”. Giải thích niệm Phật, các hạnh có nghĩa là an tâm, cho nên luận chứng căn cơ có đủ các hạnh thì được vãng sanh.

Bởi vì, ngài Lương Trung lấy nguyện thứ mười tám làm nguyện sanh nhân niệm Phật, nguyện thứ mười chín làm nguyện đến tiếp đón, nguyện thứ hai mươi gọi là nguyện quả toại. Các tạp thiện hạnh tuy chẳng phải hạnh bản nguyện, nhưng căn cơ các hạnh không dựa vào tha lực, chỉ do tu thiện thì không thể vãng sanh về báo độ. Đây là lí do ngài Lương Trung cho rằng các thiện hạnh chẳng phải hạnh bản nguyện. Căn cơ này là nương theo nguyện nhiếp căn cơ thành tựu tịnh nghiệp để được vãng sanh; cho nên đề xướng thuyết ‘nguyện lực nhiếp căn cơ’.

Tuyển trạch truyền hoằng quyết nghi sao quyển 2 nói: “Căn cơ vãng sanh Tịnh độ có ba loại: một, căn cơ đoạn chứng, tự tịnh tâm mình, có thể vãng sanh Tịnh độ; hai, căn cơ các hạnh, nương theo nguyện của Phật A-di-đà thu nhiếp mọi căn cơ, tịnh nghiệp thành tựu thì được vãng sanh; ba, căn cơ niệm Phật, nương nguyện sanh nhân của Phật A-di-đà, tịnh nghiệp thành tựu thì được vãng sanh”. Trong đó, căn cơ đoạn chứng, lấy tự chứng diệu lí hai không, cảm ứng chân trí biến thành Tịnh độ, cho nên không nhờ thắng duyên bản nguyện của Phật A-di-đà. Căn cơ các hạnh, tiến thì chưa đoạn hai chấp nhân và pháp, thoái thì chưa đủ bản nguyện và sanh nhân, nhưng vì được Phật nhiếp thụ nguyện của tất cả phàm phu liền được vãng sanh. Cơ duyên người niệm Phật rất ít, hoặc chưa nương theo bản nguyện sanh nhân, hạnh nghiệp nên vãng sanh khó thành tựu; cho nên phải nhờ niệm Phật mới được vãng sanh, tức chỉ thuyết này. Nhiếp nguyện của phàm phu là lấy thành quả hạnh nghiệp của phàm phu, nhờ nguyện lực được vãng sanh, tức là Quán kinhđã nói nguyện lực đời trước của Như Lai.

Quần nghi luậncủa ngài Lương Trung, nói: “Người của năm thừa trước Sơ địa nhờ sức bản nguyện mà được vãng sanh báo độ”. Trong đó, lấy Phật A-di-đà làm Tha thụ dụng thân, chẳng phải người Địa tiền có thể nhìn thấy. Quán kinhnói phải nhớ đến nguyện lực đời trước của Phật A-di-đà thì mới được thành tựu, nương theo nguyện lực đời trước mà thấy được Thụ dụng thân. Văn trình bày điều này cũng nương theo nguyện lực đời trước được sanh về Thụ dụng độ. Trong kinh dường như chỉ hạn định tu quán thành tựu thuộc về định thiện, giải thích rộng để chứng minh năm thừa vãng sanh; do đó, nguyện lực đời trước là nhiếp căn cơ của năm thừa; đây chỉ cho nguyện nhiếp căn cơ.

Căn cơ các hạnh là do được nguyện này nhiếp thụ mà thành tựu nghiệp vãng sanh; cho nên nói liền được vãng sanh. Các hạnh tức là các hạnh tu hành, vốn có cái dụng của diệu hữu chân thiện, nên có thể trở thành nhân vãng sanh Tịnh độ. Nói theo người có thể tu, do có nguyện năng nhiếp căn cơ và nghĩa của sở nhiếp căn cơ, cho nên chẳng phải hạnh của bản nguyện cũng có thể vãng sanh.

Tiết thứ tư

Nghĩa một loại vãng sanh của ngài Chứng Không

Ngài Chứng Không là tổ phái Tây Sơn cho rằng hai hạnh tự lực định thiện và tán thiện chẳng phải nhân vãng sanh báo độ; hạnh sanh nhân hạn cuộc ở một hạnh hoằng nguyện niệm Phật, ngài chủ trương nghĩa một loại vãng sanh; đồng thời, báo độ do bản nguyện mà thành, tuy là giống nhau và không có phẩm loại sai biệt, nhưng thuyết chín phẩm chỉ cho người uế độ tu hành; cho nên sắp xếp căn cơ, phẩm loại có sai biệt. Ngài trứ tác Quán kinh tán thiện nghĩa tha bút saoquyển thượng nói: “Tâm chân thật là bỏ tâm tự lực, quy về tha lực. Phát tâm tu hạnh này là hạnh chân thật. Không chân thật là đem tâm tự lực muốn ra khỏi uếđộ. Dùng tâm này tu hạnh tự lực thì khó thành tựu hạnh vãng sanh; cho nên nói hạnh không chân thật, vì có nghi ngờ nên bị chê là tạp độc thiện”. Lại nữa, Tuyển trạch bản nguyện niệm Phật tập bí saoquyển 1 của ngài Hành Quán nói:“Trong hạnh vãng sanh, kiến lập các hạnh bản nguyện và các hạnh vãng sanh”.

Trong ba bộ kinh Tịnh độ nói đến các hạnh và niệm Phật về căn cơ thì chia ra hai căn cơ và hai loại tức là các hạnh và niệm Phật đều kiến lập vãng sanh khác nhau. Đệ tử của phái Tây Sơn lấy ba bộ kinh xếp đặt các hạnh và niệm Phật làm một loại vãng sanh, không nói là hai loại vãng sanh. Lấy hạnh tự lực làm hạnh tạp độc, cuối cùng không thể vãng sanh về báo độ do bản nguyện hình thành, tất cả các căn cơ thiện ác vãng sanh đều quy về một hạnh hoằng nguyện niệm Phật mới có thể được vãng sanh; cho nên không thể không nói nhiều căn cơ là một loại vãng sanh. Đệ tử của phái Tây Sơn lấy điều này để phản kích lại thuyết của hai ngài Thánh Quang và Trường Tây đều cho rằng hai loại như các hạnh và niệm Phật đều được vãng sanh.

Bởi vì, ngài Chứng Không lấy phát ba tâm quy nạp vào trong tâm tha lực, bỏ căn cơ chấp vào tự lực không quy về bản nguyện tha lực, nên không được vãng sanh về báo độ, ý này phủ nhận các hạnh tự lực được vãng sanh. Nhưng lấy phát ba tâm quy về công đức Phật lực hoằng nguyện, nếu trừ bỏ được tình chấp tự lực thì hai hạnh định thiện và tán thiện của ngài phục hồi công đức niệm Phật ở bên trong bản nguyện, cho rằng điều này thành nghiệp vãng sanh.

Tán thiện nghĩa tha bút sao quyển hạ nói: “Chính nhân là quy về tâm hoằng nguyện, cho nên không gọi là tạp độc”. Nhưng hai hạnh định thiện và tán thiện này chẳng phải theo tình chấp của căn cơ mà bàn luận, nhưng vì có đủ nghiệp phiền não nên gọi là tạp độc. Do đó, nếu nhập vị chính nhân thì tu hành bất cứ pháp môn nào cũng đều được thành tựu. Lấy vị chính nhân đã tu làm hạnh thanh tịnh. Hạnh thanh tịnh tức là niệm danh hiệu Phật; đây là tâm hiểu rõ, vì tâm hiểu rõ nên không có nghĩa tạp độc. Nghĩa là hai hạnh định thiện và tán thiện là hạn cuộc vào tình chấp tự lực nên gọi là hạnh tạp độc, chỉ cần hoằng nguyện quy về vị chính nhân, lấy những hạnh này làm tịnh hạnh; cho nên nói là thanh tịnh.

Tuyển trạch tập bí saoquyển 2 nói: “Nghĩa một niệm, nghĩa nhiều niệm, có bốn phân phái đều chú trọng đến quan điểm phế và lập”. Cho nên yếu môn bàng và chính là kiến giải của phái Tây Sơn.

Bởi thế, Sự lược tụng của pháp sư Sơn nói: “Lão sư Pháp Nhiên thì chủ trương đoạn dứt các hạnh, đệ tử Thiện Tuệ thì chủ trương chọn lấy các hạnh. Phế, lập là lấy việc xả bỏ các bàng hạnh định thiện, tán thiện làm pháp môn cuả vị chính nhân. Yếu môn là theo căn cơ của mọi người mà nói họ quay về quang minh của Phật Di-đà, lấy nhiếp nhiều căn cơ định thiện, tán thiện làm pháp môn của vị chính nhân, sơn tăng tôi cũng nói như thế”

Phương châm phế lập là của ngài Pháp Nhiên, bởi vì phế bỏ hai hạnh định thiện và tán thiện, cho nên nói đoạn trừ các hạnh. Nhưng theo lập trường của ngài Chứng Không lấy bàng và chính làm yếu môn, bổ sung các tạp hạnh; sau đó làm trợ nghiệp vãng sanh, làm cho các hạnh này hồi phục.

Tóm lại, tông nghĩa của ngài Chứng Không đã lập, phần nhiều là theo tông nghĩa của tông Thiên Thai, cho rằng hạnh môn tự lực tu hành thì không thể nào vãng sanh cùng một ý nghĩa với chủ trương của tông Thiên Thai là quyền giáo trở về trước thì không thể thành Phật. Lấy vạn loại làm một loại cùng vãng sanh, nếu quy về hoằng nguyện thì hai hạnh định thiện và tán thiện cũng đều thành hạnh thanh tịnh, trở thành hạnh vãng sanh.

Kinh Pháp hoanói: “Chỉ có một Phật thừa, không hai cũng không ba”. Kinh này còn nói: “Những việc các ông làm là đạo Bồ-tát”, có đồng một bút pháp với lấy căn cơ trước quyền giáo thành Phật nhiếp thụ làm phương tiện.

Tiết thứ năm

Nghĩa các hạnh bản nguyện của ngài Trường Tây

Ngài Trường Tây ở chùa Cửu Phẩm đề xướng nghĩa các hạnh bản nguyện, chẳng những niệm Phật là sanh nhân bản nguyện mà các hạnh cũng có trong thệ hạnh, cho nên hai pháp niệm Phật và các hạnh đều có thể vãng sanh về báo độ. Ngài trứ tác Niệm Phật bản nguyện nghĩanói nghĩa niệm Phật thì hơn, các hạnh thì kém, chỗ nào cũng nói như thế. Niệm Phật thù thắng, nếu chẳng phải nhờ nguyện lực thì không được vãng sanh; huống gì các hạnh thấp kém, chỉ có tự lực làm sao được vãng sanh? Vì thế, lấy nguyện thứ hai mươi làm bản nguyện các hạnh vãng sanh.

Trong Chư hạnh bản nguyện nghĩa của ngài Niệm Không, đệ tử của ngài, nói kiến lập các hạnh bản nguyện có ba nghĩa:

1. Y lí: Lòng đại bi của chư Phật làm lợi ích cho chúng sanh ở Uế độ, chẳng thể dùng một pháp mà có thể phù hợp tất cả căn cơ của chúng sanh, nên phải nói các hạnh là để thích hợp với nhiều căn cơ. Tì-kheo Pháp Tạng bị sự thúc giục của tâm từ bi, bình đẳng mà kiến lập hoằng nguyện rộng lớn, nếu chỉ giới hạn một hạnh xưng danh làm bản nguyện mà không lập các hạnh thì lòng từ bi của Ngài lại hẹp hòi, đức đại bi không rộng khắp, không thể được gọi là hoằng nguyện sâu rộng.

2. Y nghĩa: Nguyện thứ mười tám là xưng danh niệm Phật, nguyện thứ mười chín là đến tiếp dẫn, nguyện thứ hai là mươi các hạnh vãng sanh. Các nhà lấy nguyện thứ hai mươi làm nguyện xưng danh quyết định vãng sanh, hoặc vốn là người tạp hạnh nguyện hồi hướng xưng danh niệm Phật, hoặc là thuận theo đời sau nguyện vãng sanh đều là thuyết không thỏa đáng. Bởi vì nguyện văn nói rõ có nghĩ nhớ về cõi nước Ta, trồng các đức hạnh; cho nên có ý nghĩa của các hạnh thì nguyện này tức là thệ hạnh của các hạnh vãng sanh.

3. Y văn: Đại kinhnói: “Nghĩ nhớ về cõi nước Ta, trồng các thiện căn, chí tâm hồi hướng, muốn sanh về nước Ta, nếu không được toại nguyện thì Ta thề không thành Chính giác”. Nguyện này lấy pháp môn quán niệm làm tăng thượng duyên nhiếp hóa chúng sanh. Lại nữa, trong Quán kinhnói vì nguyện lực đời trước của Phật A-di-đà, nên ức tưởng thì nhất định được thành tựu. Bát chu tánnói: “Hoặc tưởng, hoặc quán có thể trừ tội chướng, đều là bản nguyện lực của Di-đà”. Những điều này đều là xác minh các hạnh bản nguyện. Vả lại, nguyện văn trong Đại kinhnói: “Nếu không được toại nguyện” là đồng nghĩa với “nếu không vãng sanh”, tức là ý nghĩa thuận thứ vãng sanh. Nguyện văn kinh Bảo tíchluận chứng rằng “Nếu không vãng sanh thì Ta không thành Chính Giác”. Từ đó, chúng ta hiểu rõ yếu chỉ về nghĩa các hạnh bản nguyện của ngài Trường Tây.

Lại nữa, trong Tuyển trạch tậpcủa ngài Trường Tây chỉ lấy thuyết niệm Phật làm bản nguyện vãng sanh còn các hạnh khác chẳng phải bản nguyện vãng sanh do Phật A-di-đà nói, cho nên bị phản bác. Bởi vì, trong bốn mươi tám nguyện hoàn toàn không nói bản nguyện các hạnh vãng sanh, chỉ có trong nguyện thứ mười tám nói hạnh khác như quán Phật v.v…chẳng phải là sanh nhân; nguyện này nói một hạnh xưng danh niệm Phật là sanh nhân trong thệ nguyện. Các nhà lấy nguyện văn do người Nhật Bản viết để giải thích nguyện văn mười niệm; hoặc chỉ mười niệm tâm như từ bi, hộ pháp v.v…lấy những điều hiểu sai làm ý nghĩa chân thật, rồi đem ra so sánh biện bạch thì thật là gian khổ.

Tiết thứ sáu

Nghĩa các hạnh bản nguyện của ngài Giác Du

Nghĩa các hạnh bản nguyện không chỉ riêng ngài Trường Tây chủ trương mà còn có các ngài như Trụ Tâm Phòng Giác Du ở Vân Lộ, Chân Không ở Mộc Phiên, Lương Biến ở Sinh Câu, Ngộ A ở viện Tri Túc, Từ Tâm Phòng Trừng Hải, Chân A ở chùa Tịnh Quang Minh, Ngưng Nhiên ở chùa Đông Đại v.v…đều đề xướng nghĩa này, thịnh hành một thời ở hai kinh đô nam và bắc. Trong đó, ngài Giác Du lấy nguyện thứ mười tám làm niệm Phật vãng sanh, nguyện thứ mười chín làm các hạnh vãng sanh, nguyện thứ hai mươi làm nguyện thuận theo đời sau vãng sanh; cho nên bất đồng với chủ trương của ngài Trường Tây.

Ngài Trường Tây vốn thụ giáo với ngài Giác Du, có thể thấy thuyết của người trước bị người sau phê phán. Ngài Lương Biến lấy nguyện thứ mười tám làm chính nhân niệm Phật chân chính, nguyện thứ mười chín là đến tiếp dẫn, nguyện thứ hai mươi là chắc chắn được toại nguyện. Nguyện thứ mười chín là tu các công đức, nguyện thứ hai mươi là trồng các thiện căn, thể hội nguyện này đều nói về các hạnh, trực tiếp chỉ ra các hạnh chính là thệ của sanh nhân đó là nói nguyên nhân đến tiếp dẫn và được toại nguyện, cho nên nêu ra các hạnh này. Trong đó, tuy cũng có nghĩa các hạnh bản nguyện mà các ngài Giác Du, Trường Tây v.v…đã nói nhưng chưa trực tiếp chỉ ra nguyện thứ mười chín và hai mươi lấy các hạnh làm bản nguyện sanh nhân, nhờ các hạnh chiêu cảm mà được thánh chúng đến tiếp dẫn, chỉ nói đến nhờ các hạnh mà hi vọng được toại nguyện thuận thứ vãng sanh; đây là xử lí về việc thể hội bất đồng.

Bởi vì, trong nguyện văn kinh Vô Lượng Thọchỉ lấy nguyện thứ mười tám có câu: “Nếu không vãng sanh”, xưa nay phần nhiều quyết định lấy nguyện này làm bản nguyện sanh nhân. Nhưng nguyện thứ hai mươi bốn trong kinh Đại A-di-đàcó đến bốn nguyện làm bản nguyện sanh nhân, nhưng trong đó có ba nguyện có liên quan tới sanh nhân của người tam bối như văn trên đã nói. Do đó, cho rằng từ nguyện thứ mười tám đến ba nguyện sau trong kinh Vô Lượng Thọlà chuyển đổi từ nguyện văn của kinh Đại A-di-đà. Y theo thuyết ấy, bản ý của kinh ở trong ba nguyện này chắc chắn đều là sanh nhân trong phát nguyện. Nếu như thế thì nghĩa các hạnh bản nguyện lại phù hợp với bản ý của kinh; đồng thời, cũng phát huy hai loại là niệm Phật và các hạnh, mỗi loại đều là giáo nghĩa của vãng sanh Tịnh độ từ xưa đến nay.

Tiết thứ bảy

Nghĩa các hạnh bản nguyện của ngàiThân Loan

Ngài Thân Loan lấy ba nguyện mười tám, mười chín và hai mươi phối hợp với ba kinh Tịnh độ. Hai hạnh định thiện và tán thiện trong Quán kinhlà trình bày nguyện thứ mười chín, y cứ vào đây mà có thuyết vãng sanh biên địa Giải Mạn. Vãng sanh theo Quán kinhcòn gọi là Song thụ lâm hạ vãng sanh.

Tự lực niệm Phật trong kinh A-di-đàlà khai triển nguyện thứ hai mươi, y cứ vào đây mà có thuyết vãng sanh nghi thành thai cung. Vãng sanh theo kinh Di-đàcòn gọi là Nan tư vãng sanh. Hoằng nguyện chân thật trong kinh Vô Lượng Thọtức là nguyện thứ mười tám, quy nạp về đời này, trụ ở địa vị chính định tụ, nhất định vãng sanh về báo độ chân thật.

Vãng sanh theo Đại kinhcòn gọi là Nan tư nghị vãng sanh. Hạnh tự lực này y theo hai nguyện mười chín và hai mươi mà vãng sanh về hóa độ. Người có niềm tin tha lực y theo nguyện thứ mười tám là vãng sanh về báo độ, cũng không thể không nói là một loại nghĩa các hạnh bản nguyện.

Trong đó, các hạnh và tự lực niệm Phật là nhân biên địa thai sanh giống với quan điểm của ngài Long Khoan. Nhưng đối với ngài Long Khoan mà nói thì chẳng phải lấy các hạnh này làm bản nguyện.

Nay y cứ theo ngài Thân Loan đã nói về hai nguyện mười chín và hai mươi thì chủ trương của hai ngài có khác nhau. Lại nữa, nguyện thứ mười chín là các hạnh vãng sanh, nguyện hai mươi là tự lực niệm Phật là hợp với ngài Giác Du. Nhưng ngài Long Khoan cho rằng các hạnh được vãng sanh về báo độ. Nay ngài Thân Loan lại lên án là nhân của biên địa, thai sanh thì biết cả hai ngài có chủ trương khác nhau.

Tiết thứ tám

Nguyên nhân dẫn đến bất đồng ý kiến

Vấn đề các hạnh vãng sanh và không vãng sanh như thế vẫn còn tranh cãi chưa rõ ràng, làm cho đệ tử của ngài Pháp Nhiên tranh luận không dứt. Về điều này, bản thân ngài Pháp Nhiên luôn nhấn mạnh ý nghĩa tuyển trạch bản nguyện niệm Phật, nguyên nhân có liên quan đến vấn đề phế bỏ các thiện hạnh khác, phần đông mọi người không hiểu. Đồng thời, cho rằng ngài Duệ Sơn cũng phản đối luận nghị chuyên tu niệm Phật này.

Quán kinh huyền nghĩa phần bí saoquyển 1 của ngài Duệ Sơn Hành Quán nói: “Trong đệ tử đồng đạo có ý kiến bất đồng như thế, ngài Pháp Nhiên không lấy các thiện hạnh khác của Phật A-di-đà làm bản nguyện vãng sanh mà phán đoán chỉ lấy niệm Phật làm bản nguyện vãng sanh, trong nghĩa nhất hướng chuyên niệm, mỗi người truyền lại khác nhau. Nhưng trong ba kinh Tịnh độ nói vãng sanh có hai hạnh định thiện và tán thiện, mọi người không chịu xét kĩ mà giữ ý kiến bất đồng như thế”. Chính là nói việc này.

Lại nữa, trong Đông Đại tự thập vấn đápnói: “Tạp hạnh bản nguyện là gì? Đáp: Nghi ngờ năm trí của Đức Phật nên bị sanh ở biên địa, có thể được lợi ích thấy Phật, nghe pháp”. Đây là kẻ lừa bịp không có đạo tâm, cho dù pháp sư sơn tự có ca ngợi điều này nhưng họ cũng không hiểu ý nghĩa của Phật, có thể thấy đây là lời nói phiến diện.



[1] Tam kinh nhất luận 三經一論: Ba bộ kinh: kinh Vô Lượng Thọ, kinh Quán Vô Lượng Thọ, kinh A-di-đà và một bộ luận Vãng sanh.

[2] Ngũ bộ cửu quyển 五部九卷: Năm bộ sách gồm chín quyển do ngài Thiện Đạo, tổ sư tông Tịnh độ đời Đường, Trung Quốc soạn (xem chương 14).

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]