Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương tám

10/07/201103:30(Xem: 10524)
Chương tám

KINH KIM CANG CHƯ GIA

KIM CANG NGŨ THẬP TAM GIA

CHƯƠNG TÁM

42.-ÂM:

Tu Bồ Đề: Ư ý vân hà? - Nhược nhơn mãn tam thiên đại thiên thế giới thất bảo ([106]) dĩ dụng bố thí, thị nhơn sở đắc phước đức ninh vi đa phủ?

NGHĨA:

Này Tu Bồ Đề: Ý ông thế nào? - Bằng có người dùng bảy báu chất đầy cả tam thiên đại thiên thế giới, đem ra mà bố thí, người ấy có đặng phước đức nhiều chăng?

Giải :Vương Nhựt Hưu giải: Tam thiên đại thiên thế giới là chỗ có ánh sáng của mặt nhựt, mặt nguyệt đây, gọi là một tiểu thế giới, nơi trung gian có núi Tu Di, mặt nhựt mặt nguyệt thì vận hành chung quanh núi ấy, nên bốn phía chia ra làm bốn châu thiên hạ là: Phương Nam: Diêm Phù Đề, phương Đông: Phất Bà Đề; phương Tây: Cù Và Ni; và phương Bắc : Uất Đan Việt.

Còn đường vận hành của mặt nhựt mặt nguyệt, thì từ phân nửa núi trở xuống mà thôi, cho nên sự cao của núi ấy, thì phân nửa núi sắp lên, cao khỏi trên đường vận hành của mặt nhựt mặt nguyệt; trên ấy lại chia ra bốn phương mỗi phương có tám cõi trời; và ở trung gian một cõi, cộng là ba mươi ba cõi trời; gọi là Tam thập Tam thiên. Tiếng Phạm kêu là cõi Trời Đao Lợi (Đao Lợi Thiên).

Bốn châu thiên hạ mà có mặt nhựt mặt nguyệt vận hành đó là một cõi tiểu thế giới, một ngàn tiểu thế giới như vậy là một tiểu thiên, một ngàn tiểu thiên là một trung thiên, một ngàn trung thiên đại thiên. Bởi ba lần nói: "thiên"cho nên nói: "Tam thiên đại thiên", chớ kỳ thiệt có một đại thiên mà thôi; như vậy đó mới kêu là "Đại thế giới"(ba mươi ba ngàn triệu: 33.000.000.000 thế giới).

Ninh vi đa phủ: Chữ ninh là của Thầy phiên dịch dùng làm chữ trợ, chẳng cần để ý khảo nghĩa làm chi.

Lục Tổ giải: Bài này là Như Lai hỏi cái ý đó thể nào? Bố thícúng dường là phước đức ở ngoài thân, thọ trì kinh điển là phước ở trong thân, cũng gọi là: Công đức. Thân phước là ăn mặc, tánh phước là trí huệ,tuy có ăn mặc mà tánh ngu mê, là kiếp trướcbố thí cúng dường mà không thọ trì kinh điển. Còn thông minh trí huệ lại nghèo hèn thiếu ăn thiếu mặc, là kiếp trướctrì kinhnghe pháp mà không bố thí cúng dường.

Tu phước đức bề ngoài tức là sự ăn mặc, tu phước đức bề trong tức là Trí huệ. Tiền tài là báu của thế, Bát Nhã là báu trong tâm; trong ngoài song tu mới là toàn đức.

Ấy là xưng tụng "Công đức trì kinh hơn phước đức bố thí ".

Sớ Sao giải: Thất bảo là kim, ngân, lưu ly, san hô, mã não, pha ly, xích chơn châu.

Ý Phật muốn rõ vô vi, nên trước đem phước hữu lậu mà hỏi ông Thiện Hiện :"Dùng bảy báu đầy cả Tam thiên thế giới đem ra bố thí, đặng phước đức nhiều chăng?". Bài sau ông Tu Bồ Đề đáp lại.

43.-ÂM:

Tu Bồ Đề ngôn: "Thậm đa, Thế Tôn! Hà dĩ cố? - Thị phước đức, tức phi phước đức tánh, thị cố, Như Lai thuyết phước đức đa".

NGHĨA:

Tu Bồ Đề bạch Phật: "Bạch đức Thế Tôn! Rất nhiều. Bởi cớ sao? - Bởi phước đức ấy, chẳng phải phước đức tánh, cho nên Như Lai nói phước đức nhiều".

Giải :Tạ Linh Vận giải: Phước đức vốn không có tánh bởi tùy nhân duyên mới có nhiều, nhiều thì dễ chấp trước nên phải bỏ đi.

Lục Tổ giải: Dùng bảy báu đầy Tam thiên thế giới mà bố thí, đặng phước tuy nhiều, nhưng không chút chi lợi ích cho tánh cả. Nương theo "Ma ha Bát Nhã Ba la mật đa"tu hành, khiến cho tự tánh chẳng đọa vào quả báo mới gọi là công đức tánh.

Lòng có "năng sở"là chẳng phải công đức tánh; dứt lòng "năng sở" mới gọi là công đức tánh; tuân theo giáo pháp của Phật, làm theo hạnh của Phật, mới gọi công đức tánh; không tuân theo giáo pháp của Phật, không làm theo hạnh của Phật; là chẳng phải Công đức tánh.

Tăng Nhược Nột giải: Ông Không Sanh nói bảy báu đầy cả đại thiên đó, hễ báu nhiều thì phước nhiều, cho nên nói: "Rất nhiều".

Thị phước đức "sự phước" - Tức phi phước đức tánh là chẳng phải phước đức của tánh Bát Nhã; mà đã chẳng phải "lý phước"thì chẳng đến quả Bồ đề - Thị cố Như Lai thuyết phước đức đa là sự phước của thế gian, cho nên nói "nhiều".

Tăng Tử Vinh giải: Bố thí mà trụ tướng, chỉ đặng cái nhân hữu lậu, phước báu của cõi nhơn Thiên mà thôi còn lìa tướng mà trì kinh thì mới chứng đặng cái lý vô vi, công đức vô cùng vô tận.

Trần Hùng giải: Chứa của báu mà bố thí, trì kinh cho tinh tấn, đều là một phần trong sáu độ.

Phật hóa độ chúng sanh, chưa hề ngăn trở việc bố thí, nhưng sự tinh tấn lại càng ưa hơn.

Bởi người đời hay chấp sự dùng bảy báu cho nhiều mà bố thí, để cầu phước lợi, chớ chẳng biết dùng cái báu của giác tánh đặng mà tu công đức trong tánh mình. Cho nên Ngài gộp lại mà hỏi, đặng so sánh sự hơn thua.

Trì kinh tinh tấn, là nói theo lý tánh mà tu, tánh vốn đầy khắp chốn Thái hư, thì công đức cũng như vậy, cho nên nói: Công đức tánh.

Chứa báu mà bố thí là mượn vật mà tu, vật có chừng thì phước đức cũng có chừng, sánh với công đức tánh không đặng. Cho nên ông Tu Bồ Đề nói: "Phước đức ấy là chẳng phải công đức tánh ". Lại đoán ngay rằng: "Như Lai nói phước đức nhiều đó là bởi có số hạn, nên mới tính nhiều ít đặng".

Ngũ Tổ thường nói: "Tự tánh, nếu mê, phước nào cứu đặng". Lục Tổ cũng nói: "Công đức ở trong tự tánh, chẳng phải bố thí cúng dường mà cầu đặng". Lại nói: "Mình tự ngộ tự tu lấy, mới thiệt công đức của tự tánh ".

Lời của hai Tổ nói đó thiệt là rất đúng với huyền lý.

Nhan Bính giải: Phật hỏi: "Bằng người dùng bảy báu đầy cả thế giới mà bố thí đặng phước nhiều chăng?".

Ông Tu Bồ Đề đáp: "Phước đức tuy nhiều, rốt lại chẳng phải công - đức tánh".

Lý Văn Hội giải: Dùng bảy báu đầy cả đại thiên thế giới mà bố thí, ấy là bố thí trụ tướng, để mong cầuphước lợi, đặng phước tuy nhiều, nhưng không có minh tâm kiến tánh đặng.

Ông Phó Đại Sĩ có lời :

Tụng:

Chứa báu cả tam thiên,

Đặng đem chưởng phước điền.

Chỉ gây nhân trược lậu,

Chẳng khỏi cõi nhơn Thiên.

Vậy nên biết bố thí trụ tướng là chẳng phải phước đức tánh - Nếu lòng không "năng sở" mà biết kiến tánh minh tâm, mới là Phước đức tánh

Xuyên Thiền sư giải: Việc chi cũng bởi vô tâm mà đặng.

Tụng:

Thí báu dầu đầy cả đại thiên,

Phước duyên chẳng thoát khỏi nhơn Thiên

Phải tường phước đức nguyên không tánh,

Mua đặng "phong quang" khỏi dụng tiền.

44.-ÂM:

Nhược phục hữu nhơn, ư thử kinh trung thọ trì nãi chí tứ cú kệ đẳng, vị tha nhơn thuyết, kỳ phước thắng bỉ.

NGHĨA:

Bằng có người thọ trì kinh này nhẫn đến những tứ cú kệ lại vì người mà diễn thuyết, thì phước này hơn phước đức kia.

Giải :Sớ Sao giải: Thử kinh là người người sẵn có, kẻ kẻ vẹn toàn, trên từ chư Phật, dưới đến loài rận, kiến v.v... đều có kinh này. Ấy là tâm diệu viên giác không chi sánh kịp.

Nhan Bính giải: Phục hữu nhơn ư thử kinh trung thọ trì v.v.. Thọ là bấy giờ thừa thọ (vâng chịu) - Trì là buổi buổi phụng trì (vâng giữ).

Bằng diễn thuyết lại cho người khác, cũng như một ngọn đèn, mồi ra trăm ngàn muôn ngọn, thì phước ấy hơn phước kia - Thế nào là hơn phước kia? - Là bởi phước kia là phước thí bảy báu tức là bố thí trụ tướng thì đặng cái phước hữu lậu mà thôi, đến khi phước hết rồi cũng phải đọa lạc.

Còn công này: Bởi trì kinh mà ngộ tánh. Tứ cú kệ hiện ra ở trước, đồng như chốn Thái hư, lịch kiếp cũng không hề hoại, cho nên nói:

Cầu phước nhơn Thiên mà bố thí,

Như tên bắn bổng giữa hư không.

Hựu: Hết trớn thì tên rơi xuống đất,

Gây nên kiếp khác chí không đoạt.

Đâu bằng pháp "Thiệt tướng vô vi",

Nhảy một nhảy vào trong cõi Phật.

Kinh Tứ Cú Quyết Nghi Kim Cang là cốt tủy của Đại Tạng kinh, còn Tứ cú kệ lại là cốt tủy của kinh Kim Cang. Bằng người thọ trì kinh này mà không rõ thấu Tứ cú kệ ở chỗ nào, thì đâu có thoát khỏi vòng sanh tử mà làm Phật làm Tổ đặng.

Xưa nay luận Tứ cú kệ chẳng phải là một; hoặc nói thinh, hương, vị, xúc, pháp; hoặc nói hai bài kệ trong kinh này; hoặc nói câu : "Nhược kiến chư tướng phi tướng tức kiến Như Lai" ; hoặc nói nhãn, nhĩ, tỹ, thiệt; hoặc nói Hữu vi, Vô vi, Phi hữu vi, Phi vô vi; hoặc nói Hữu đế, Vô đế, Chơn đế, Tục đế; đều là chấp sự thấy hiểu của mình chớ không chi là định luận.

Duy có Đồng Bài Ký có nói: Thiên Thân Bồ Tát lên cung Đâu Suất hỏi Đức Di Lặc: "Thế nào là Tứ cú kệ?". Đáp: Vô ngã, vô nhơn, vô chúng sanh, vô thọ giả. Còn Lục Tổ Đại sư lại nói là :Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa.

Bằng chấp theo mấy lời không định chắc, không căn cứ đó, nào khác chi đếm đồ châu báu của người, thì mình không hưởng đặng lấy nửa đồng. May nhờ ông Phó Đại Sĩ lộ cái tiêu tức, rất nên thân thiết như vầy: "Luận về Tứ cú kệ, khắn khắn chẳng nên rời " - Lấy đó mà suy thì Tứ cú kệ, vốn chẳng phải là cầu, ở ngoài, chỉ tại tâm địa ta tỏ sáng mới thiệt là Tứ cú kệ. Bằng chẳng phải vậy, sao Lục Tổ lại giải Tứ cú kệ là: "Ngã nhơn chóng dứt, vọng tưởng mau trừ ", dứt lời liền thành Phật!

Ví bằng kệ ấy mà truyền miệng đặng, chỉ dạy đặng dùng thông minh mà suy nghĩ đặng; thì Phật ta là Thầy cõi Thiên nhơn, ở thế bốn mươi chín năm, thuyết pháp cho cả chúng sanh, đến ba trăm năm mươi độ; còn trong kinh này đến mười bốn chỗ nói Tứ cú kệ, so lại không chỉ bảo cho rõ ràng đoan đích? Có phải Phật ta tiếc chi mấy lời nói mà không thuyết pháp đâu? Cũng bởi e cho người chấp lấy ngón tay làm mặt nguyệt, luống nê cố theo câu CHẾT trong kinh mà không lo hồi quang phản chiếu câu SỐNG của tự mình.

Vả lại Phật ta còn không dám chấp trước mà chỉ dạy thay huống chi làai ? Ta sở dĩ nói câu sống đây là: Sanh tử thoát ngoài vòng, Thánh phàm đứng dưới gió. Trong chỗ nhựt dụng thường hành, chữ chữ phóng quang, đầu đầu hiện rõ, vốn không một điểm bút mặc nào mà ố đặng. Dầu kẻ có tài nghe rồi liền hiểu cũng phải ngẩn ngơ, huống chi là những hạng kiến thức hẹp hòi, mà phân biệt phải quấy cho đặng! Duy có độ lượng hơn người mới biết đặng cái lỗ mũi vốn là ở trước mặt.

Phó Đại Sĩ giải:

Tụng:

Chứa báu cả tam thiên, Đặng đem chưởng phước điền.

Chỉ gây nhân trược lậu, Chẳng khỏi cõi nhân thiên.

Dùng Tứ cú trì tụng, Với Chư Phật tạo duyên.

Biển vô vi muốn tới, Thuyền Bát Nhã mau lên.

Vua Huyền Tông giải: Tam thiên trân bảo tuy nhiều, hưởng hết phải mang sanh diệt.

Tứ cú kinh văn vẫn ít, tỏ rồi chứng quả Bồ đề.

Bách Trượng Thiền sư giải: Nhãn, nhĩ, tỹ, thiệt, mỗi mỗi bằng chẳng tham nhiễm cả thảy các pháp, mới gọi là thọ trì Tứ cú kệ, cũng gọi là Tiên nhơn trong bốn quả, mà cũng gọi là bực La Hánđặng Lục thông.

Bằng hay Thọ trì Tứ cú kệ công đức lớn hơn phước bố thí bảy báu đầy cả Đại thiên kia.

Trần Hùng giải: Kinh Tam muội có nói: "Cả thảy Phật pháp đều thâu lại ở trong "Tứ cú kệ". Cho nên ngộ đặng cũng không phải tại học chữ nghĩa cho nhiều, chỉ trongnhứt niệm mà tỏ ngộ thiệt đế thì mới thông thấu Thiên tánh đặng.

Bằng có người sốt sắng tu hành: Để lòng thì khắn khắn giữ lâu không nản, còn nói ra thì ai nấy cũng đều thông. Người như vậy chẳng phải là giác tánh riêng cho một mình mình mà thôi, mà cũng giác tánh cho cả muôn triệu người nữa; công đức ấy không phải lớn sao? Sánh lại thì hơn phước đức của bảy báu đó rất nhiều.

Lý Văn Hội giải: Thọ trìthân, khẩu, ý đều thanh tịnh.

Hiểu thấu nghĩa kinh, làm theo lời dạy, ví như thuyền vượt biển, không chỗ chẳng thông; ấy cũng kêu là thọ trì. Đã không hiểu nghĩa kinh mà lại thêm giải đãi, lòng miệng khác nhau, ví như thuyền vào xẻo nhỏ, ắt phải trở ngại; ấy chẳng phải là thọ trì.

Tứ cú kệ, ông Xuyên Thiền sư có giải ở quyển chót trong phần Ứng Hóa Phi Chơn , đệ32.

Trương Vô Tận giải: Phật là Vô thượng Pháp vương, lời vàng tuyên bá giáo thánh văn linh, bằng một phen đọc tụng thì đặng Chuyển pháp luân. Quỉ Dạ xoa truyền khắp hư không, thấu đến Tứ thiên vương, Tứ thiên vương tiếp đặng, đệ báo đến Phạm thiên, thông khắp mọi nơi tối sáng. Các vị Long thần đều ưa mến, ví như chiếu lịnh nhà vua truyền bố khắp trong hoàn vũ, ai dám chẳng tuân? Công đức tụng kinh rất oai nghiêm thế ấy.

Bằng chỉ lưu hình thức mà không dụng tinh thần, ngoài lặng lẽ mà trong xao động, tầm hàng đếm chữ mà thôi, thì có khác nào: Chim hót xuân, ve ngâm hạ, dầu có tụng cả muôn ngàn biến, cũng không ích gì.

Ông Trì Dương Hương San cậy ông Thiền sư sai một ông Tăng qua Đại Thông Trấn cầu kinh nơi nhà họ Trần, có làm bài tụng:

Văn lạ nghĩa nghi tìm thấu lý,

Chớ lâu đời cứ giùi trong giấy,

Xem kinh phải dụng lực xem kinh,

Thường thấy xem kinh duy mắt thấy.

45.-ÂM:

Hà dĩ cố? - Tu Bồ Đề! Nhứt thế chư Phật cập chư Phật A nậu đa la tam miệu tam bồ đề pháp, giai tùng thử kinh xuất.

NGHĨA:

Bởi cớ sao? - Này Tu Bồ Đề! Cả thảy chư Phật với pháp Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác của chư Phật đều do nơi kinh này mà ra.

Giải :Sớ Sao giải: Trong kinh nói: "Chư Phật ba đời và cả thảy diệu pháp A nậu Bồ đề đều bởi kinh này mà ra", là tỏ cái công quả trì kinh đã mãn, cho rõ nghĩa của bài trước.

Lại Tâm Kinh có nói: " Chư Phật ba đời bởi nhờ pháp Bát Nhã Ba la mật đamà đặng quả A nậu Bồ đề, cũng đồng nghĩa ấy".

Lại Trung Quốc sư có nói: Kinh này ví như đại địa, vật chi chẳng phải bởi đất mà sanh? Chư Phật chỉ tại cái tâm, pháp nào chẳng phải bởi tâm mà lập? Cho nên nói: "Đều bởi kinh này mà ra".

Vương Nhựt Hưu giải: A nậu đa la tam miệu tam Bồ đề chơn tánh - Nhứt thiết chư Phật A nậu đa la tam miệu tam Bồ đề là pháp của chư Phật cầu Chơn tánh.

Hà dĩ cố :là Phật tự hỏi "Bởi cớ sao mà thọ trì giảng giải kinh này lại đặng phước đức nhiều hơn phước đức bố thí bảy báu đầy cả tam thiên thế giới kia?". - Lại tự đáp: "Cái pháp cầu chơn tánh của cả thảy chư Phật đều bởi kinh này mà ra". Vậy thì công đức của kinh này thiệt rất lớn không cùng không tột.

Nhan Bính giải: Hà dĩ cố nhứt thiết chư Phật v.v... Đại Tạng kinh và pháp Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác của chư vị cổ Phật, đều bởi kinh này mà ra - Thử kinh là ngoài ra không còn kinh nào nữa.

Tăng Nhược Nột giải: Giai tùng thử kinh xuất là chẳng phải chỉ câu văn lời nói trong kinh này mà chỉ là cái thiệt tướng Bát Nhã, tức là cái tâm. Cái tâm ấy làm tánh thể cho khắp cả các pháp. Tự mình nhứt niệm thì sanh ra cả thảy các pháp.

Lý Văn Hội giải: Phước đức không tướng sanh ra Ứng thân Phật; trí huệ không tướng sanh raChơn thân Phật, là nói bởi trong cái tâm của tự mình xuất sanh ra pháp Bồ đề.

Xuyên Thiền sư giải: Nói thử coi, kinh này ở đâu mà ra?

Trên đỉnh Tu Di, giữa giòng đại hải chăng?

Tụng:

Phật Tổ ban ơn mới dụng quyền,

Lời lời ghi chép để tuyên truyền.

Kinh này tông chỉ là vô tướng.

Ở giữa không trung vượt thiết thuyền.

Mà đừng có hiểu lầm đa!

46.-ÂM:

Tu Bồ Đề! Sở vị Phật Pháp giả, tức phi Phật Pháp.

NGHĨA:

Này Tu Bồ Đề! Gọi là Phật Pháp ấy, nhưng chẳng phải Phật Pháp.

Giải :Vương Nhựt Hưu giải: Sở vị Phật pháplà cái pháp A nậu đa la tam miệu tam bồ đềcủa bài trên nói đó.

Phật e cho người nê cố rằng có Phật Pháp, cho nên nói: "Phật Pháp chẳng phải có Phật Pháp chơn thiệt, chỉ cưỡng danh là Phật Pháp vậy thôi. Là bởi Phật Pháp xưa nay vốn không hề có, chỉ mượn đặng mà khai ngộ cho chúng sanh, chớ đối với bổn tánh thì không chi là chơn thiệt cả".

Lục Tổ giải: Như Lai nói "Phật", khiến cho người giác, nói "Pháp", khiến cho người ngộ. Bằng không giác ngộ, còn chấp Phật Pháp ở ngoài, thì không phải là Phật Pháp.

Nhan Bính giải: Sở vị Phật Pháp tức phi Phật Pháplà nói rồi liền bỏ.

Lý Văn Hội giải: Hai bực thừa chấp trước các tướng cho là Phật Pháp, nên mới tầm cầu ở ngoài.

Văn Thù Sư Lợi giải: Cả thảy chúng sanh ngu mê điên đảo chẳng biết giác ngộ. Vả lại các pháp tu hành đều chẳng lìa khỏi thân mình. Bằng theo ngoài thân mà tu hành, hẳn không phải lẽ.

Bồ Tát đối với cả thảy Phật Pháp, đều khôngchấp trước, mà cũng chẳng lìa bỏ; thấy như không thấy, nghe như không nghe, tâm cảnh vắng lặng tự nhiên thanh tịnh. Cho nên nói: "Phật Pháp nhưng chẳng phải Phật Pháp".

Người hiểu đạo đã giác ngộ>rồi thì biết các tướng đều không. Chỉ phải dùng vị sở đắc tri giải ([107]) làm phương thuốc hay, mới trị cái tâm bịnh vọng tưởng chấp trước đặng, thì tâm địa tự nhiên điều phục, không còn chi quái ngại nữa.

Xuyên Thiền Sư giải: Đem táo ngọt đổi bầu đắng của ngươi.

Tụng:

Phật pháp không pháp,

Hay tha hay đoạt.

Có phóng có thâu.

Có sanh có sát.

Nơi giữa mi gian phóng bạch hào.

Người ngu còn đợi hỏi Bồ Tát.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]