Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phẩm 6: Phân biệt Tánh hạnh

03/05/201115:33(Xem: 10978)
Phẩm 6: Phân biệt Tánh hạnh
 
GIẢI THOÁT ĐẠO LUẬN
VIMUTTI MAGGA
Thiện Nhựt chuyển dịch sang tiếng Việt

Quyển Ba

Phẩm 6: Phân biệt Tánh hạnh

Vào thời đó, vị A-xà-lê (= giáo thọ) mà người đệ tử theo học, sau nhiều ngày quan sát tánh hạnhcủa người đệ tử, mới định đường lối sẽ chỉ dạy cho y.

Như thế, có tất cả mười bốn loại tánh hạnh: tánh hạnh ham muốn, tánh hạnh giận hờn, tánh hạnh ngu si, tánh hạnh tin tưởng, tánh hạnh ý trí, tánh hạnh hiểu biết, tánh hạnh ham và giận, tánh hạnh ham và ngu, tánh hạnh giận và ngu, tánh hạnh đồng phần (= cả ham giận và ngu), tánh hạnh tin tưởng và ý trí, tánh hạnh tin tưởng và hiểu biết, tánh hạnh ý trí và hiểu biết, tánh hạnh đồng phần (= cả tin, ý và hiểu biết).

Lại nữa, ái kiến (= ý ham thích) làm thay đổi tánh hạnh, điều nầy có thể biết được. Vì ý tưởng tham muốn thúc đẩy cứ bám níu vào sự ưa thích nên bị ràng buộc, khiến cho các loại tánh hạnh đều chẳng khác nhau ở chỗ bám níu đó.

Do ý nghiã của các hành động (nơi tánh hạnh), nên phân biệt được thành ra mười bốn hạng người, tương ứng với các tánh hạnh kể trên: người có tánh hạnh ham muốn, người tánh giận, người tánh ngu, người tánh tin tưởng, người tánh ý trí, người tánh hiểu biết, người tánh ham và giận, người tánh ham và ngu, người tánh giận và ngu, người tánh đồng phần (tánh ham giận ngu), người tánh ý trí và tin tưởng, người tánh tin tưởng và hiểu biết, người tánh ý trí và hiểu biết, người tánh đồng phần (tánh ý tin biết).

Sự ham muốn, cùng sự ham muốn của sự ham muốn, khiến cho tánh hạnh ham muốn đòi hỏi được vui thêm lên. Như thế, nơi người có tánh hay ham muốn, các hành động ham muốn càng làm tăng sự ham muốn thêm lên, đó là tánh hạnh ham muốn vậy. Tất cả các tánh hạnh khác cũng nên phân biệt theo như đường lối nầy.

Vào thời đó, mười bốn hạng người có tánh hạnh khác nhau đó, có thể tóm lược lại thành bảy hạng người. Như thế, người tánh ham muốn và người có tánh tin tưởng thành một hạng. Người tánh giận cùng người tánh ý trí thành một hạng. Người tánh ngu và người tánh hiểu biết thành một hạng. Người tánh ham muốn và hay giận cùng người có tin tưởng và ý trí thành một hạng. Người tánh ngu và hay ham muốn cùng với người tin tưởng và hiểu biết chung nhau thành một hạng. Người tánh ngu và hay giận cùng với người tánh ý trí và hiểu biết hợp thành một hạng. Còn hai hạng có tánh đồng phần cũng xếp chung nhau thành một hạng.

Hỏi: Tại saongười tánh ham muốncùngngười tánhtin tưởnglại thành một hạng?

Đáp: Người có tánh ham muốn nếu ham thích điều thiện lành thì lòng tin tưởng được tăng trưởng, vì lòng ham muốn vốn gần gũi với đức tánh ấy.

Lại nữa, do ba hành độngmà tánh ham muốn cùng lòng tin tưởng giống nhau, cấu thành một tướng; ba hành động đó có ý nghiã là (1) niệm (= nghĩ nhớ đến), (2) tầm cầu công đức và (3) chẳng xả bỏ. Do đó, người hay ham muốn thì thường niệm về ham muốn; người tin tưởng thường niệm về điều lành; người ham muốn tầm cầu công đức của sự ham muốn; người tin tưởng tầm cầu công đức của việc lành; người hay ham muốn chẳng xả bỏ các điều có tướng chẳng khả ái, còn người tin tưởng thỉ chẳng xả bỏ các điều có tướng khả ái. Bởi thế cho nên, tánh hay ham muốn cùng tánh hay tin tưởng hợp thành một tướng vậy.

Hỏi: Tại sao tánh hay giậntánh có ý trílại cùng một loại?

Đáp: Người tánh hay giận, nếu siêng làm điều thiện, thì trí càng tăng trưởng, vì tánh hay giận vốn gần với công đức ấy.

Lại nữa, doba hành độngmà tánh hay giận và tánh có ý trí giống nhau cấu thành một tướng; ba hành động đó có ý nghiã là: (1) chẳng thường nhớ nghĩ đến (= chẳng niệm), (2) tầm cầu chỗ lỗi lầm, (3) lià bỏ. Do đó, người tánh hay giận thường chẳng niệm các đìều tốt, còn người tánh ý trí thường chẳng niệm các điều xấu. Người hay giận thường vạch tìm các chỗ đáng giận, còn người trí thì vạch tìm chỗ sơ sót các điều chẳng lành. Người hay giận thường xả bỏ về người, còn người trí thì thường xả bỏ về hành động. Bởi thế cho nên, người tánh hay giận và người tánh có ý trí giống nhau hợp thành một tướng.

Hỏi: Tại sao người tánh ngu vớingười tánh hiểu biếtlại thành một hạng?

Đáp: Người tánh ngu nếu siêng làm việc thiện thì sự hiểu biết được tăng trưởng, vì sự ngu si vốn gần gũi với đức tánh nầy, do nhờ khởi động niềm tin và trí tuệ, mà lìa được chỗ ngu si.

Lại nữa, do hai hành độngmà sự ngu si với sự hiểu biết trở thành một tướng; đó là (1) chẳng ổn cố, (2) động. Sự ngu si thì chẳng yên ổn, nên chẳng ổn cố. Sự hiểu biết cũng chẳng an ổn vì nhớ nghĩ đến nhiều loại tư tưởng khác nhau. Sự ngu si chẳng có nơi qui hướng nên trở thành động; còn sự hiểu biết trở nên khinh an, cũng thành động. Bởi thế cho nên, cả hai sự ngu si và sự hiểu biết trở thành một tướng.

Do phương tiện phân biệt các tánh hạnh vừa xét qua, các tánh hạnh còn lại có thể sắp xếp lại thành bảy loại, và do đó có bảy hạng người kể trên.

Thế nào làtu hành mau?
Thế nào là tu hành chậm?

Người tánh ham muốn thì tu hành mau, dễ giáo hoá nhờ sẵn có tín lực mạnh, bởi vì nơi người ấy, sự ngu si và sự hiểu biết đều có khắp cả.

Người tánh hay giận thì tu hành mau, dễ giáo hoá nhờ sẵn có ý lực mạnh, bởi vì nơi người ấy, sự ngu si và sự hiểu biết đều có khắp cả.

Người tánh ngu tu hành chậm, khó mà giáo hoá, bị sẵn có sức hiểu biết sẵn còn ngu si, bởi vì nơi ngưòi ấy, sự tin tưởng và ý trí đều có khắp cả.

Người tánh ham muốn và hay giận thì tu hành mau, dễ giáo hoá nhờ sẵn có sức mạnh của ý trí và sự tin tưởng, bởi vì nơi người ấy, sự hiểu biết cùng sự ngu si đều có khắp cả.

Người tánh ham muốn và ngu si thì tu hành chậm, khó giáo hoá vì chẳng tin tưởng, và sức hiểu biết còn ngu si.

Người tánh hay giận và ngu si thì tu hành chậm, khó giáo hoá vì thiếu ý trí, và sức hiểu biết còn ngu si.

Người tánh đồng phần (tánh ham giận ngu bằng nhau) thì tu hành chậm, khó giáo hoá, vì ý trí chẳng an trú, lại sẵn có sức hiểu biết còn ngu si.

Vào thời đó, bảy hạng người kể trên do các phiền nãocăn bản mà thành ra ba hạng người: người tánh hay ham muốn, người tánh hay giận hờn, người tánh hay ngu si.

Hỏi: Do nhân duyên nào có ba hạng tánh người như trên đây? Làm sao để biết được người tánh hay ham muốn, người tánh hay giận hờn, người tánh hay ngu si? Làm cách nào để phân biệt được họ xuyên qua cách họ mặc áo, đi khất thực, nằm ngồi và oai nghi trong các hành động?

Đáp:Làm nhân duyên cho các tánh hạnh: (1) do nhân duyên của các hành động trong quá khứ; (2) do giới (nguyên tố, tứ đại); (3) do các lỗi lầm.

Hỏi: Thế nào là do nhân duyên của các hành động trong quá khứ?

Đáp: Thuở xa xưa, do những phương tiện dễ mến, tạo nên được nhiều thiện nghiệp, thành người tánh hay ham muốn, rồi sau từ trên cõi thiên đường sanh xuống cõi nầy.

Chém giết nhiều, còng trói, dùng lắm khí giới, tạo nên oán nghiệp, thành người tánh hay giận hờn phải sa vào điạ ngục, hoặc sanh thành rồng, rồi sau từ chốn ấy tái sanh vào cõi nầy.

Xưa uống rượu nhiều, gây sư ly gián, thành người tánh hay ngu si, rồi sau từ cõi súc sanh tái sanh vào cõi nầy.

Như thế, các hành động trong thời quá khứ tạo nên nhân duyên cho tánh hạnh ngày nay.

Hỏi: Thế nào làgiới (tứ đại) làm nhân duyên?

Đáp: Bởi vì ở gần với hai giới nầy nhiều nhứt nên thành người tánh ngu si; đó là điạ giới và thủy giới (đất và nước). Còn ở gần hai giới: hoả giới (lửa) và phong giới (gió) nhiều nhứt, thì thành người tánh giận hờn. Nếu gần nhiều với bốn giới đồng đều nhau thì thành người tánh hay ham muốn.

Như thế, giới làm nhân duyên cho các tánh hạnh.

Hỏi: Thế nào là các lỗi lầm làm nhân duyên?

Đáp: Quá nhiều đàm dãi thành người tánh hay ham muốn. Quá nhiều soi xét thành người tánh hay giận hờn. Quá nhiều gió thành người tánh ngu si.

Lại có thuyết cho rằng, quá nhiều đàm dãi thành người tánh hay ngu si; quá nhiều gió thành người tánh hay ham muốn.

Như thế, các lỗi lầm làm nhân duyên.

Hỏi: Làm sao để có thể biết được tánh hạnhcủa người nào hay ham muốn, người nào hay giận hờn, người nào hay ngu si?

Đáp: Dobảy hành độngmà có thể biết được. Đó là: (1) do sự vật, (2) do phiền não, (3) do cách đi, (4) do cách nhận giữ, (5) do cách ăn, (6) do làm công việc, (7) do cách nằm.

Hỏi: Thế nào là do sự vậtmà biết được tánh hạnh?

Đáp: Người tánh hay ham muốn nhìn đến một sự vật như thể là chưa hề thấy vật đó lần nào; khi nhìn, anh thường quán sát thiếu chân thực, chẳng lưu tâm đến các ưu điểm nhỏ, thành ra ngã theo sự ham muốn; quan sát xong, anh chẳng kềm giữ lại hành động để có thể thoát được ham muốn. Đối vớí các sự vật khác, cũng lại hành động như thế, khiến ta có thể nhận biết ra được người nào tánh hay ham muốn.

Người tánh hay giận nhìn đến sự vật như thế nầy: anh chẳng thể nhìn lâu, như thể là đang mỏi mệt; cố chấp vào các lỗi lầm nên thường hay hủy báng kẻ khác; ngay nơi có nhiều công đức anh cũng khó nhìn thấy ra,vì cứ ghìm lấy các chỗ lỗi lầm. Đối với các sự vật khác, cũng lại hành động như thế, do đấy ta có thể phân biệt biết được người tánh hạnh hay giận.

Người tánh ngu si nhìn đến sự vật như thế nầy: nơi có công đức hay nơi có lỗi lầm, anh thường tin theo kẻ khác, nghe kẻ khác chê, chê theo; nghe kẻ khác khen, khen theo; chẳng tự mình biết lấy. Các việc khác, lại cũng hành động như thế; do đó có thể nhận biết người nào tánh hạnh ngu si.

Như thế, do sự vật mà biết được tánh hạnh.

Hỏi: Thế nào là do phiền não mà biết được tánhhạnh?

Đáp: Người tánh ham muốn thường hành động theo năm món phiền não: ganh ghét, keo kiệt, huyễn hoặc, nịnh nọt, tham muốn. Đó là năm.

Người tánh giận hờn thường hành động theo năm món phiền não: giận, hờn, che đậy, buồn phiền, oán ghét. Đó là năm

Người tánh ngu si thường hành động theo năm món phiền não: lười biếng, buông lung, nghi ngờ, hối hận, ngu si. Đó là năm.

Như thế, do các phiền não, có thể biết được tánh hạnh.

Hỏi: Thế nào là do cách đimà biết được tánh hạnh?

Đáp: Cách đi thường của người tánh ham muốn như sau: bước đi nhanh, giở chơn lên, hạ chơn xuống, bước đều bước, dáng đi dễ mến. Như thế, theo cách đi mà biết được tánh người ham muốn.

Cách đi thường của người hay giận hờn như vầy: gấp giở chơn lên, gấp hạ chơn xuống, nửa chừng hai chơn đụng nhau như cào đất. Như thế, theo cách đi mà biết được người tánh hay giận hờn.

Cách đi của người tánh ngu si như vầy: kéo lê sát đất giở chơn lên, hạ chơn xuống cũng kéo lê sát đất, hai chơn đụng vào nhau. Như thế, theo cách đi mà biết được người tánh ngu si.

Như thế, do cách đi mà phân biệt được tánh hạnh.

Hỏi: Thế nào là do cách mặc áobiết được tánh hạnh?

Đáp: Người tánh ham muốn khi cầm áo chẳng nhìn nhiều, mặc áo vào chẳng quá thấp, ngay thẳng tròn trịa, trông đẹp và khả ái.

Người tánh hay giận mặc áo quá gấp gáp, cao quá, chẳng tròn thẳng, trông chẳng đẹp và khó coi.

Người tánh hạnh ngu si mặc áo quá chậm chạp, chẳng tròn thẳng, trông chẳng đẹp chút nào và rất khó coi.

Như thế, theo cách mặc áo, có thể biết được tánh hạnh.

Hỏi: Thế nào là do cách ănbiết được tánh hạnh?

Đáp: Người tánh ham muốn thích món béo, ngọt; người tánh giận hờn thích mời mọc; người tánh hay ngu si có sở thích chẳng nhứt định.

Lại nữa, người tánh ham muốn, đến giờ ăn, tự lượng sức mình lấy vừa đủ thức ăn, ăn từng miếng nhỏ tròn, chẳng ăn mau, biết được hương vị thức ăn, nếu gặp món chẳng ngon, cũng vẫn thưởng thức.

Người tánh hay giận khi ăn lấy nhiều thức ăn, nhai đầy miệng, nếu gặp món chẳng ngon, thường khởi phiền giận.

Người tánh hay ngu si khi ăn lấy ít thức ăn, miếng ăn chẳng tròn khi nuốt, vật thực dính miệng, nửa vào họng, nửa rơi xuống mâm;loạn tâm chẳng giữ chánh niệm trong khi dùng bữa.

Như thế, do cách ăn mà biết được tánh hạnh.

Hỏi: Thế nào do làm việcmà biết được tánh hạnh?

Đáp: Người tánh hạnh ham muốn khi quét sân đứng thẳng người, cầm chổi quét chẳng quá nhanh, chẳng bốc bụi đất cát, mà quét được sạch sẽ.

Người tánh hay giận khi quét sân, cầm chổi quét nhanh hai bên, bốc bụi đất cát, gây tiếng động, tuy sạch sẽ nhưng chẳng được đồng đều.

Người tánh hạnh ngu si khi quét sân, cầm chổi quét chậm chạp, tuy quét hết cả nhưng có chỗ chưa sạch, chẳng được đồng đều.

Còn những công việc như giặt gyạ, nhuộm quần áo, vá may, người tánh ham muốn thì làm một cách đồng đều, chẳng để tâm đi buông lung. Người tánh hạnh hay giận làm những việc ấy chẳng đồng đều, nhưng chẳng để tâm đi lang bang. Người tánh ngu si tâm hay loạn động, thưòng làm việc chẳng thành.

Như thế, do công việc làm mà biết được tánh hạnh.

Hỏi: Thế nào làdo nằm ngồimà biết được tánh hạnh?

Đáp: Người tánh ham muốn khi ngủ, dọn giường chẳng hối hả, sắp xếp ngay thẳng, đều đặn, thân nằm yên hai tay co vào trong; nửa đêm có ai gọi, thì thức ngay và đáp ngập ngừng.

Người tánh hay giận thường ngủ gấp, gặp được chỗ nào thì nằm yên thân ngay nơi ấy, khi ngủ thì châu mày; nửa đêm có ai gọi, liền tỉnh giấc và giận đáp.

Người tánh hạnh ngu si giường chiếu chẳng ngay thẳng, chỉ đắp mình còn tay chơn thò ra ngoài; nửa đêm nếu có ai gọi thì ư ư một lúc lâu, mới đáp.

Như thế, do sự nằm ngủ mà biết được tánh hạnh.

Hỏi: Nên theopháp nào để hành độngkhi mặc áo, khất thực và ngụ nơi trú xứ?

Đáp: Người tánh hạnh ham muốn nên mặc áothô, chẳng có màu sắc sáng chói. Người tánh hay giận nên mặc áo cẩn thận, sạch sẽ, có màu sắc sáng. Người tánh hạnh ngu si tuỳ được cho áo nào thì nên mặc áo ấy.

Người tánh hạnh ham muốn nên dùng món ănthô, đừng chọn các món mỹ vị, và nên khất thực ít. Người tánh hạnh giận hờn có thể chọn món ăn ngon, hương vị tốt, nhiều ít tùy theo chỗ khất thực được. Người tánh hạnh ngu si thì dùng các món khất thực được, nên có sự tiết độ.

Người tánh hạnh ham muốn nên nằm ngồidưới bóng cây, bên bờ nước, trong vườn nhỏ tại thôn xóm xa vắng, nơi am thờ còn chưa hoàn tất, chỗ chẳng có giừờng ngủ. Người tánh hạnh giận hờn nên nằm ngồi dưới bóng cây, bên bờ nước, chỗ đất bằng phẳng, nơi am đã hoàn thành, có đủ giường nằm ngủ. Người tánh hạnh si mê cần nương nơi an trú của vị thầy mình.

Người tánh hạnh ham muốn nên ở nơi trú xứcó cơm nước thô sơ; khi vào thôn xóm thì đi hướng mặt trời, theo vào ngỏ nhà nghèo xấu. Người tánh hay giận nên ở nơi có đầy đủ cơm nước, khi vào làng, chẳng hướng phiá mặt trời, lựa xóm có nhiều kẻ kính tín. Ngưới tánh hạnh ngu si thì tùy nơi gặp được.

Về uy nghi, người tánh hay ham muốn nên chú trọng thêm trong cách đi đứng. Người tánh hạnh giận hờn nên sửa lại uy nghi trong lối ngồi, nằm. Người tánh hay ngu si nên sửa lại uy nghi trong khi đi.

Linh tinh:

Nhờ nơi cảnh giới khả ái, người tánh hạnh ham muốn được tăng lòng tin tưởng. Người tánh giận hờn tăng lòng tin tưởng nhờ biết sống trong cảnh giới chẳng khả ái. Người tánh ngu si nhờít quán tưởng về nhân duyên để tăng lòng tin tưởng.

Người ham muốn như là kẻ nô lệ; người giận hờn như là kẻ học trò; người ngu si như là chất độc.

Người tham ít bị lỗi lầmnhưng chẳng chịu đoạn trừ cấu nhiễm(cấu = bụi bặm; nhiễm = dính dơ; ở đây chỉ các phiền não). Người tánh giận hờn tuy lỗi lầm nhiều nhưng biết trừ cấu nhiễm. Người tánh si mê đã nhiều lỗi lầm lại chẳng biết đoạn trừ các cấu nhiễm.

Người tánh ham muốn ưa thích sắc dục. Người hay giận ưa thích tranh cãi. Người tánh ngu ưa thích sự lười nhác.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]