Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

1. Giảng pháp và truyền quán đỉnh cộng đồng Phật Dược Sư, Đại thành tựu Pháp Di Đà (tại Chùa Quang Ân, Hà Nội) ngày 14, 15/3/2010

02/05/201101:42(Xem: 9556)
1. Giảng pháp và truyền quán đỉnh cộng đồng Phật Dược Sư, Đại thành tựu Pháp Di Đà (tại Chùa Quang Ân, Hà Nội) ngày 14, 15/3/2010

MANDALA - SỰ HỢP NHẤT CỦA TỪ BI VÀ TRÍ TUỆ
THEO QUAN KIẾN KIM CƯƠNG THỪA
Giáo Pháp Từ Chuyến Viếng Thăm Việt Nam 2010
của Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa XII

Giảng pháp và truyền quán đỉnh cộng đồng Phật Dược Sư,
Đại thành tựu Pháp Di Đà (tại Chùa Quang Ân, Hà Nội)
ngày 14, 15/3/2010

Chủ nhật ngày 14/3, Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa đời thứ XII đã cử hành pháp hội quán đỉnh cộng đồng Dược sư cầu nguyện quốc thái dân an tại chùa Quang Ân, xã Thanh Liệt, Thanh trì, Hà Nội.

Rất đông Phật tử địa phương đã đến từ sớm để chuẩn bị cung nghinh Đức Pháp Vương. Trong khi chờ đợi Ngài quang lâm, Ban tổ chức đã giới thiệu sơ lược cho đại chúng về lịch sử Truyền thừa Drukpa, về tiểu sử và công hạnh của Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa, lợi ích của pháp tu Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Phật cũng như khái quát những yêu cầu cơ bản dưới góc độ nghi quỹ và góc độ tổ chức để pháp hội diễn ra viên mãn, lợi ích nhất cho những người có phúc duyên tham dự.

Không gian khu vực chùa Quang Ân lúc này đã được trang hoàng khác hẳn ngày thường với dãy đèn lồng treo dài quanh khu vực lễ đài và sảnh vào chính điện tỏa ánh sáng màu xanh dương và đỏ như sắc thân của Đức Phật Nguyên thủy Kim Cương Tổng Trì, Đức Phật Dược Sư và Đức Di Đà. Trước Pháp tòa dát vàng là những tràng hoa rực rỡ kết biểu tượng tám tướng cúng dường. Các pho tượng Phật quý giá nguyên bản bằng đồng vàng Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn, Quan Âm Tứ Thủ… tranh đá quý khổ lớn và mandala bạc đã được bày đặt an vị một cách thành kính, thiêng liêng trên khán đài. Chư Đại Đức Tăng đoàn Drukpa tọa ở dưới Pháp tòa của Đức Pháp vương, dưới nữa là chư Đại đức Tăng Ni và các Phật tử Việt Nam dàn trải ra khắp ba khu vực trục chính của chùa Quang Ân.

Đúng 10h12 phút, Đức Pháp Vương quang lâm chùa Quang Ân trong tiếng hòa âm dẫn chào của dàn nhạc khí Kim Cương Thừa mạnh mẽ hào hùng tràn đầy năng lượng giác ngộ. Khoảng 15.000 người tham dự pháp hội thành kính đỉnh lễ Ngài. Đức Pháp Vương an tọa và Sư thầy phiên dịch thay mặt cho toàn bộ Đại đức Tăng Ni và Phật tử tham dự pháp hội đọc lời thông bạch tới Đức Pháp Vương, bày tỏ lòng tri ân vô hạn của Drukpa Việt Nam đã có phúc duyên hạnh ngộ bậc Thượng sư và được tiếp đón Đức Pháp Vương trong khóa lễ quan trọng ngày hôm nay. Đáp lại, Đức Pháp Vương cũng cho biết tình cảm đặc biệt Ngài dành cho người dân và đất nước Việt Nam, đưa ra mối liên hệ giữa các sự kiện Việt Nam kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội và đại lễ kỷ niệm 800 năm thành lập Truyền thừa Drukpa (tên gọi Truyền thừa theo tiếng Tạng là "Druk" cũng có nghĩa là “Thăng Long” xuất phát từ thời khắc thiêng liêng khi Đức Pháp Vương sáng lập chứng kiến chín rồng thiêng phi thiên nơi miền thánh địa Truyền thừa), qua đó minh tỏ mối thiện duyên giữa đất nước Việt Nam và Truyền thừa của Ngài.

Dưới đây là phần giảngpháp của Ngài trong pháp hội này:

Năm nay là một năm rất đặc biệt kết hợp hai sự kiện quan trọng, đó là lễ kỷ niệm 800 năm Truyền thừa Drukpa, và lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội. Hôm nay quý Phật tử có duyên lành quy tụ về đây để kỷ niệm các sự kiện trên. Thăng Long - Hà Nội có chiều dài lịch sử hơn Truyền thừa Drukpa 200 năm, đây không phải là một khoảng cách quá lớn về mặt thời gian. Giữa chúng ta có mối liên hệ gần gũi như là anh em. Do mối nhân duyên sâu sắc từ nhiều đời mà chúng ta lại được hạnh ngộ nhau ở đây. Hãy cùng tạo an lạc và hạnh phúc cho nhau để kết nối lại mối thâm duyên tương thân tương ái đó!

Chúng tôi luôn thấy mình có mối liên hệ mật thiết với đất nước Việt Nam, cho dù chỉ vừa qua tôi mới chính thức thiết lập lại được mối liên hệ tâm linh với các Phật tử tại nơi đây. Lời đầu tiên, tôi xin bày tỏ niềm tri ân sâu sắc của mình tới Chính phủ Việt Nam đã đồng ý và ủng hộ tôi đến Việt Nam, để chia sẻ những Giáo Pháp, thông điệp nhiệm mầu về tình thương yêu và lòng bi mẫn của đức Phật. Tôi chân thành cầu nguyện và tin tưởng rằng, đất nước và con người Việt Nam sẽ đạt đến sự phát triển trọn vẹn, không những về mặt kinh tế, chính trị, xã hội, mà còn đạt được niềm an lạc hạnh phúc chân thật nhất của tâm linh. Hôm nay chúng tôi sẽ truyền Quán đỉnh và nghi quỹ tu trì về Đức Phật Dược Sư. Bài kệ đầu tiên là trì tụng Quy y Tam Bảo: Quy y Phật, Quy y Pháp, Quy y Tăng. Xin lưu ý quý Phật tử rằng nếu không đón nhận và thực hành ba pháp Quy y này thì chúng ta không thể tu tập trên con đường Phật Pháp.

Thứ hai là phát Bồ đề tâm: Bồ đề tâm là tâm cầu giác ngộ phát triển Từ bi và Trí tuệ.

Thứ ba là Cúng dường: Chúng ta dâng phẩm vật lên cúng dường Phật-Pháp-Tăng. Khi dâng phẩm vật cúng dường với lòng thành như vậy, chúng ta mong nguyện rằng tất cả chúng sinh được hạnh phúc và thoát khỏi khổ đau. Nguyên nhân chính khiến chúng ta ốm đau bệnh tật là do ích kỷ, chính ích kỷ là nguyên nhân tạo ra tật bệnh, nếu muốn sống mạnh khoẻ, không đau yếu, chúng ta phải tìm cách loại trừ ích kỷ. Cho nên trong bài kệ này, chúng ta cầu nguyện cho tất cả mọi người, tất cả được chúng sinh hạnh phúc an vui. Đây là phương pháp làm giảm bớt ích kỷ, bám chấp vào bản ngã của mình. Chúng ta thường có thói quen cầu nguyện cho bản thân như: “Cầu mong cho con không đau ốm, cho con được hạnh phúc”.Đây chính là nguyên nhân của tất cả những bệnh tật, khổ đau. Cho nên, thay vì cầu nguyện cho bản thân, từ giây phút này trở đi, bạn hãy phát tâm rộng lớn cầu nguyện cho tất cả mọi loài, mọi người an vui hạnh phúc.

Chúng ta bắt đầu quán tưởng đức Phật Dược Sư trên đỉnh đầu, hoặc có thể quán chính bản thân mình là đức Phật Dược Sư, rồi quán tưởng mười phương Chư Phật, Bồ tát đang vây quanh. Việc quán tưởng Chư Phật, Bồ tát là cách tốt nhất để thiết lập sợi dây kết nối tâm mình với các Ngài. Sự kết nối này đem lại cho chúng ta bình an hạnh phúc. Sắc thân Đức Phật Dược Sư màu xanh dương, tượng trưng cho sức mạnh của năng lượng. Muốn có được hạnh phúc chân thật, chúng ta cần phải phát triển, trưởng dưỡng được sức mạnh của năng lượng này. Chư Phật ứng hiện than vô số, mỗi vị Phật có một sắc thân, hình tướng khác nhau, như đức Phật A Di Đà sắc thân màu đỏ, tượng trưng cho năng lực của tình thương yêu, đức Phật Thích Ca Mâu Ni sắc thân màu vàng ròng, tượng trưng cho sự thành tựu viên mãn.

Màu xanh dương của Phật Dược Sư, như đã nói ở trên, tượng trưng cho sức mạnh. Chúng ta cần có sức mạnh. Khi có sức mạnh, chúng ta sẽ có một hệ thống miễn dịch, một loại năng lượng miễn dịch. Loại năng lượng miễn dịch này có khả năng chống lại sự yếu đuối của tâm lý và thân vật lý. Nếu tâm chúng ta không đủ mạnh thì ta luôn cảm thấy sợ hãi sự mong manh của vô thường, chúng ta rất dễ tức giận, dễ buồn chán và tuyệt vọng. Còn nếu đủ sức mạnh, tâm chúng ta sẽ giảm bớt giận dữ, buồn rầu, tuyệt vọng và tất cả các loại hạnh phúc chân thật sẽ có thể tới. Như vậy điểm trọng yếu là chúng ta phải làm cho tâm mình mạnh mẽ. Vì lý do đó, đức Phật Dược Sư có màu xanh dương, màu biểu trưng cho sức mạnh mà ít người trong số chúng ta biết đến. Nhiều người cũng có thể hỏi rằng: Tại sao Chư Phật lại hiện thân trong rất nhiều hình tướng, tư thế, màu sắc khác nhau, hoặc khi thì hiện tướng nam, lúc thì hiện tướng nữ… Tại sao không là một Đức Phật thôi? Bởi vì mục đích chính của Chư Phật giáng thế là để mang lại hạnh phúc và sự giải thoát cho chúng sinh, nên các Ngài hiện đủ thân tướng để hợp thời hợp cơ vì lợi ích chúng sinh.

Ba chữ chủng tử OM AH HUNG là tượng trưng năng lượng giác ngộ. Chữ OM tượng trưng năng lượng giác ngộ của Thân, chữ AH tượng trưng năng lượng giác ngộ của Khẩu, chữ HUNG tượng trưng năng lượng giác ngộ của Tâm, nên chúng ta bắt đầu từ ba chữ chủng tử này, chúng ta cần năng lượng giác ngộ của Thân Khẩu Ý, trong ba năng lượng này thì năng lượng giác ngộ của Tâm là quan trọng nhất. Bởi thế chủng tử HUNG được xoay quanh bởi chuỗi thần chú của đức Phật Dược Sư: TAYATHA! OM BEKANZE BEKANZE MAHA BEKANZE RADZA SAMUDGATE SOHA. Chuỗi thần chú xoay quanh chữ HUNG thuận chiều kim đồng hồ. Chuỗi thần chú chuyển động này được bao quanh bởi ánh sáng rất nhẹ nhàng, trong suốt, cùng di chuyển vòng quanh chuỗi thần chú. Việc quán tưởng ánh sáng là quan trọng và rất cần thiết.

Bây giờ chúng ta tiếp tục quán tưởng mình trong hình tướng đức Phật Dược Sư, và quán tưởng bậc Thầy đang truyền quán đỉnh cho chúng ta chính là Phật Dược Sư. Chúng ta có thể nhắm mắt để quán tưởng thật rõ ràng. Tại sao chúng ta phải quán tưởng thân mình trong hình tướng Phật Dược Sư? Làm như vậy để chúng ta nhận ra được bản chất Phật, bản chất Như Lai Tạng nguyên thủy ở trong chính chúng ta, bản chất nguyên thủy đó chính là Phật. Phật Dược Sư, A Di Đà, Thích Ca Mâu Ni… tất cả Chư Phật nguyên thủy đều ở trong Như Lai Tạng tính. Chúng ta vốn giác ngộ, vốn là Phật, chỉ vì không nhận ra điều này, nên chúng ta cần quán tưởng mình là Phật, là đức Dược Sư. Thông qua sự quán tưởng, ta có thể chứng ngộ bản chất Phật tính sẵn có nơi chúng ta từ vô thủy tới nay, Phật tính không phải là đối tượng bên ngoài để tìm cầu hay để tạo ra. Đây chính là đức Phật nguyên thủy sẵn có của mỗi người. Bởi vậy chúng ta quán tưởng thân mình là đức Dược Sư, và cần quán tưởng bậc Thầy của mình cũng chính là Phật Dược Sư. Quán tưởng đức Kim Cương Thượng Sư đang trao truyền quán đỉnh cho chúng ta chính là đức Phật Dược Sư, bởi vì bản chất tâm của Ngài vốn là Phật từ xưa đến nay. Chúng ta không nên nhìn Ngài như một người phàm tình, mà nên tin kính tuyệt đối rằng bậc Thầy gốc của mình chính là hiện thân của mười phương Chư Phật. Đặc biệt trong quán đỉnh này, Ngài là hiện thân của đức Phật Dược Sư, đang trực tiếp trao truyền quán đỉnh cho chúng ta.

Trong Phật giáo có hai Thừa là Nguyên thủy Phật giáo và Đại Thừa Phật giáo; Đại Thừa Phật Giáo lại được chia thành hai nhánh là Kinh thừa và Mật thừa. Lý thuyết cơ bản của cả Mật thừa và Kinh thừa đều tin chắc rằng mỗi chúng sinh đều có sẵn Phật tính hay Như Lai Tạng. Như vậy cả hai Thừa đều giống nhau về đức tin vào Phật tính, nhưng đặc biệt trong Mật thừa có những phương pháp tu tập thiện xảo, giúp hành giả dễ dàng nhận ra Phật tính của mình một cách nhanh chóng, đó chính là phương pháp quán tưởng. Trong Kinh thừa không đề cập đến phương pháp quán tưởng này. Thật ra không có sự khác biệt giữa Kinh thừa và Mật thừa, chỉ khác là Mật thừa có các phương tiện thiện xảo đặc trưng như pháp Quán đỉnh, cúng dường Hỏa tịnh, quán tưởng tự thân mình là Phật, Bồ Tát… Đây là những phương tiện giúp Hành giả nhận ra Phật tính một cách nhanh chóng. Ngày mai chúng ta sẽ bắt đầu quán đỉnh đức Phật A Di Đà cùng với khóa lễ cúng Hỏa tịnh. Mặc dù khóa lễ Hỏa tịnh không có trong chương trình, nhưng tôi thấy việc này rất cần thiết vì lợi ích của nhân dân cũng như các quỷ thần cô hồn vất vưởng xung quanh khu vực này.

Nếu không phải là Phật tử, không có sự hiểu biết chân chính về Phật tính như trên, chúng ta luôn cho rằng đức Phật ở bên ngoài, không phải là bản chất thật của mình. Chính vì cách nghĩ này mà sự chứng ngộ trở nên rất khó khăn.

Đức Phật Thích Ca đã dạy rằng: “Đức Phật chân thật không ở bên ngoài mà nơi Tâm mỗi chúng ta”. Cũng như thế, chư Thiên hay Quỷ thần không ở bên ngoài mà ngay nơi tâm chúng ta, vốn là Từ bi Trí tuệ hay chính là bản chất tâm của mình. Chúng ta thường mong cầu giác ngộ, chứng đạt Phật quả. Bạn nên biết, để chứng ngộ Phật tính, chúng ta không cần thay đổi bất cứ điều gì bên ngoài. Chứng ngộ chỉ là sự chuyển hoá tâm ở mức độ cần thiết để nhận ra được bản chất Phật của chính mình. Ngay thời điểm đó, chúng ta trở thành Phật, còn nếu cứ mải tìm cầu Phật như một đối tượng bên ngoài thì chỉ mệt công luống uổng thời gian và càng xa rời bản chất Phật nơi chính mình và không bao giờ đạt được trí tuệ.

Đức Phật Thích Ca dạy rằng: Mỗi người nên phát triển Trí tuệ của chính mình, khi phát triển được Trí tuệ này, chúng ta sẽ hiểu được tất cả mọi thứ. Đó gọi là sự Toàn tri. Nếu bạn muốn biết được tâm người khác, trước tiên bạn cần phải tự biết tâm mình. Hiện giờ, chúng ta chưa đủ thiện xảo để hiểu rõ tâm mình. Không biết được cuộc sống của chính mình, nên chúng ta không thể biết tâm và cuộc sống của người khác, và điều này gọi là vô minh. Chúng ta thực sự vô minh, mặc dù hiện nay có đầy đủ cả sáu căn mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, nhưng chúng ta vẫn không hiểu biết về cuộc sống của chính mình. Hãy thử xét lại lối sống của mình xem! Chúng ta luôn sống bằng sự ức đoán, tính toán chuyện gì sẽ và đang xảy ra, một nhân vật, sự kiện quan trọng nào đó sẽ xuất hiện vào ngày mai, nhưng thực tế chúng ta không bao giờ biết chính xác ngày mai sẽ như thế nào. Chúng ta thường sống trong sự hy vọng mong cầu, hy vọng hôm nay sẽ có thật nhiều quà, nhiều niềm vui và bất ngờ thú vị, song rốt cuộc cũng chỉ là sự suy đoán viển vông, chỉ vì không nhận ra Phật tính của mình. Nếu nhận ra Phật tính thì ta không phải sống bằng sự suy đoán mà vẫn biết mọi chuyện một cách rõ ràng bằng trí tuệ Toàn tri. Hiển nhiên lúc đó chúng ta sẽ không còn nhiều đau khổ. Nhờ có trí tuệ Toàn tri mà nguyên nhân của đau khổ, tất cả mọi lỗi lầm bất thiện nghiệp sẽ được loại trừ. Dần dần, bạn không bao giờ còn ốm đau tật bệnh, bạn sẽ biết được nguyên nhân của bệnh tật đau khổ. Tất cả mọi bệnh tật ốm đau hay khổ đau đều bắt nguồn từ vô minh. Khi vô minh không còn thì tất cả bệnh hoạn khổ đau cũng không còn. Dần dần tất cả các khổ đau bệnh hoạn sẽ tan biến và hạnh phúc chân thật sẽ đến.

Hiện nay trên thế giới có rất nhiều bệnh tật thân thể vật lý khác nhau, có một số bệnh ngay cả khoa học không hề biết được nguyên nhân. Sự thực là tất cả chúng ta không ai muốn mình bị tật bệnh, nhưng theo quan điểm Phật giáo, chúng ta vẫn cứ ốm đau bởi vô minh và những bất thiện nghiệp tích lũy từ nhiều kiếp. Cho dù chúng ta không muốn tạo nên những nghiệp xấu đó, nhưng do năng lực của vô minh chúng ta không còn cách chọn lựa nào khác, nên chúng ta vẫn tiếp tục tích lũy bất thiện nghiệp. Tôi xin lấy ví dụ, những người làm nghề đồ tể, sát sinh chó, bò, gà, lợn… để kiếm tiền, mưu cầu hạnh phúc cho riêng mình. Nếu chúng ta có thể hỏi những con vật tội nghiệp đó rằng "chúng muốn hạnh phúc hay muốn chết", chắc chắn chúng sẽ trả lời : “Không, chúng tôi không muốn chết, chúng tôi muốn sống, muốn có hạnh phúc”. Bởi vì không biết Phật Pháp, không biết đâu là nhân của đau khổ và của hạnh phúc, cho nên họ cứ sát sinh để mưu cầu hạnh phúc cho bản thân, và đó chính là vô minh. Hay ví dụ của những người lấy việc ăn thịt là niềm hạnh phúc. Họ đơn giản đi tìm sự hạnh phúc sung sướng thông qua sự khóai khẩu, nhưng đó là một phương pháp sai lầm, vì chúng ta không thể dựa vào bất thiện nghiệp mà mong cầu hạnh phúc được. Phương pháp chân thật để đạt được hạnh phúc là sự ban tặng, như mang niềm vui hạnh phúc cho người khác, hoặc phóng sinh để cứu sống các loài. Theo cách này, chúng ta sẽ đạt được hạnh phúc và trường thọ. Đấy là chân hạnh phúc, cho nên điều quan trọng nhất là chúng ta cần phải nhận ra và loại bỏ nguồn gốc đau khổ hay sự vô minh.

Đức Phật Dược Sư là một bậc Giác ngộ, nghĩa là có Trí tuệ hay sự hiểu biết. Chúng ta quán tưởng mình trong hình tướng của Ngài là đang cố gắng có được Trí tuệ Từ bi như Ngài. Hãy nhìn vào tấm hình ở đầu cuốn Nghi quỹ này, chúng ta thấy tay phải Ngài duỗi xuống trong tư thế Thí nguyện ấn trì giữ cây thảo dược, tay trái Ngài để ngửa cầm bình bát chứa đựng cam lồ diệu dược. Cây thảo dược tượng trưng cho việc khi chứng ngộ bản chất Phật tính, bạn sẽ không còn bất kỳ một loại thân bệnh và tâm bệnh nào cả. Bát chứa đầy cam lồ diệu dược tượng trưng cho việc khi chứng ngộ Phật tính, ta có thể đáp ứng viên mãn mọi mong cầu, ước nguyện của chúng sinh. Hai chân Ngài ngồi tư thế kết già tượng trưng cho việc khi chứng ngộ Phật tính, chúng ta sẽ không còn chịu bất kỳ khổ đau nào như những loại khổ đau mà chúng ta hiện đang phải trải nghiệm trong thế giới này. Tay phải của Ngài duỗi trên đầu gối trong thế Thí nguyện ấn, tương trưng khi thành Phật bạn luôn luôn liên hệ mật thiết với con người, với những chúng sinh xung quanh để giúp đỡ cứu hộ độ trì cho họ. Tay trái của Ngài đặt trong tư thế thiền định ngay giữa trung tâm của thân, tượng trưng khi thành Phật chúng ta không bao giờ còn bị phiền nhiễu bởi những trạng thái tiêu cực như tham lam, giận dữ…, và tâm của ta sẽ luôn ở trong trạng thái thiền định. Như tất cả Chư Phật, đức Dược Sư cũng an toạ trên hoa sen, tượng trưng cho việc khi thành Phật, cho dù đang ở cõi Sa bà uế trược, chúng ta cũng không bị ảnh hưởng bởi những nhiễm ô, phiền não của Sa bà. Tất cả những trang sức, hoa báu xung quanh tòa của Ngài, tượng trưng cho việc khi thành Phật, bạn sẽ luôn hân hưởng mọi điều tốt đẹp trên thế giới này, mà không bị phiền nhiễu khổ đau. Có thể giờ đây bạn cũng có vài điều tốt đẹp như tiền bạc, nhà cửa, bạn bè, gia đình…, nhưng những thứ này luôn gắn liền với khổ đau. Còn khi thành Phật, những thứ tốt đẹp lộng lẫy và huy hoàng hơn thế sẽ đến một cách nhậm vận tự nhiên mà không có khổ đau đi kèm. Bởi vậy, điều quan trọng nhất là bạn phải nhận ra được bản chất Phật tính, tức đức Phật Dược Sư, ở ngay trong chính mình.

Ngày mai là quán đỉnh Phật A Di Đà, cũng chính là bản chất Phật của mình. Chúng ta cần phải chứng ngộ bản chất đó. Phật tính của chúng ta có các khía cạnh khác nhau, như cứu chữa bệnh tật, tích luỹ tài bảo, khía cạnh về năng lượng làm giảm thiểu bớt kẻ thù hay ma quỷ… Như vậy Phật Dược Sư nêu biểu khía cạnh chữa thân và tâm bệnh, còn Phật A Di Đà nêu biểu tích lũy tài bảo và năng lượng để được trường thọ. Nếu chúng ta không trường thọ mà chỉ chữa lành bệnh, thì sợ chúng ta không có đủ thời gian để thực hành Phật Pháp. Tuy vậy, Phật Dược Sư, Phật Di Đà vốn chỉ cùng một bản chất giác ngộ, ta không nên cho rằng Phật này khác với Phật kia. Mỗi đức Phật thể hiện một khía cạnh khác nhau, một năng lực khác nhau. Đây là điều chúng ta cần hiểu rõ! Như vậy, thông qua việc thọ lãnh quán đỉnh và nghi quỹ, chúng ta cần bắt đầu phát triển sự hiểu biết Phật là gì.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]