Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương VII: Lập các mối nghi để trừ nghi

01/05/201114:51(Xem: 3554)
Chương VII: Lập các mối nghi để trừ nghi

DU TÂM AN LẠC ĐẠO
Tác Giả: Sư Nguyên Hiểu nước Tân-La -Tỳ KheoThích Giác Chính dịch Việt
Nhà xuất bản Fahasa 2007

Chương VII
Nêu Ra Nghi Để Trừ Nghi

Hỏi: Nhiếp Đại Thừa Luận Thích nêu ra thuyết Biệt thời ý, há chẳng phải là phá trừ nghi sao?

Đáp: Luận kia trình bày có Biệt thời và chẳng phải Biệt thời. Nếu chỉ phát nguyện thì đó là Biệt thời. Nếu hạnh nguyện gồm tu thì chẳng phải Biệt thời.

Như Bồ-tát Thiên Thân phán định hạnh mười niệm là Biệt thời ý, vì sao lại tạo ra bộ luận Vãng Sinh để khuyên người vãng sinh? Lại nữa, nguyên nhân phát khởi giáo lý Quán Kinh là do bà Vi-đề-hy sinh ra nghịch tử là Vương tử A-xà-thế, nhân đó mà bà nhàm chán cõi Ngũ trược, nguyện sinh về cõi Cực Lạc. Đức Phật liền giảng ba phước nghiệp[1] và 16 quán môn cho bà nghe, đồng thời khuyên chúng sinh vãng sinh, cho đến những người tạo tội Ngũ nghịch, Thập ác cũng được khuyên vãng sinh. Bà Vi-đề-hy là người thỉnh Đức Phật giảng về Tịnh độ, thân ở trong Ngũ trược mà lại sinh nghịch tử, Đức Phật cho rằng đều được vãng sinh. Ngay đó mà biết phàm phu hiện ở trong cõi Ngũ trược, nhưng vẫn được vãng sinh.

*

Hỏi: Vi-đề-hy là vị Bồ-tát, vì độ chúng sinh, nên hiện thân người nữ, nhưng lại sinh người con nghịch tử, lẽ nào thật là phàm phu ư?

Đáp: Giả sử thật là Bồ-tát thị hiện, thọ thân người nữ giáo hóa chúng sinh, ắt phải ẩn giấu năng lực thật có của mình, biểu hiện đồng với phàm phu, để nhiếp hóa đồng loại. Tức hiện đồng với phàm phu, thân ở trong cõi Ngũ trược, thường biết rõ những thống khổ của họ để dẫn dắt vãng sinh Cực Lạc.

Nhiếp Luận chép: “Vì chỉ phát nguyện là Biệt thời, cho nên biết tu Ba phước nghiệp, Mười sáu quán môn, bảy ngày niệm Phật đâu phải là Biệt thời”.

Hỏi: Như luận Vãng Sinh nói: “Người nữ, người thiếu căn và hàng Nhị thừa không được vãng sinh”. Tại sao ở đây lại nói cả ba hạng người đó đều được vãng sinh?

Đáp:Theo lý thì thật đúng như vậy, nếu không có chủng (hạt giống) thì nhất định không được vãng sinh. Nói chánh chủng: Là ở trong cõi này, hoặc có chủng tánh người nam hay chủng tánh người nữ, nếu có nhân người nữ thì nhất định chiêu cảm nữ căn, người này giả sử có tu tập hạnh Tịnh độ cũng không được vãng sinh. Vì trong Tịnh độ không có người nữ. Đây là định nghiệp, chính là nghiệp chướng, không thể gắng được. Hạng người thiếu căn như đui, điếc v.v… cũng như thế. Nếu có ăn năn, trừ bỏ thì không sinh vào những hạng người đó. Hàng Nhị thừa do gieo nhân Nhị thừa, không tin Đại thừa và Tịnh độ trong mười phương nên cũng không được vãng sinh. Từ “Chủng” được trình bày trong luận chính là Định nghiệp chủng.

Hỏi: Nếu như thế, tại sao Quán Kinh lại nói: “Thọ trì ngũ giới thì được vãng sinh, nghe giảng về Tứ đế thì chứng được quả A-la-hán v.v…”?

Đáp: Theo luận Trí Độ, đây chẳng phải là hạng Ngu pháp[2]. Họ tin có chư Phật trong mười phương và có Tịnh độ để phát nguyện vãng sinh, nếu chứng quả A-la-hán rồi thì Phật sẽ giảng kinh Pháp Hoa cho họ nghe, đồng thời khuyên họ phát tâm hồi hướng về Đại thừa.

Hỏi: Chúng sinh nghiệp ác rất nặng, chướng ngại Tịnh độ, một chút thiện nhỏ thì không thể trừ được ác nghiệp. Vì sao trong Quán Kinh lại nói: “Khi lâm chung niệm mười niệm thì được vãng sinh?”.

Đáp: Tâm là chủ của nghiệp, là nguồn gốc để thọ sinh. Lúc lâm chung, tâm giống như con mắt, có thể dẫn dắt tất cả nghiệp. Nếu lúc lâm chung, tâm nghĩ ác thì dẫn dắt các nghiệp ác, nếu tâm nghĩ thiện thì dẫn dắt các nghiệp thiện. Giống như rồng đi đến đâu thì mây tụ tập theo đến đó. Nếu tâm hướng về Tây Phương thì nghiệp cũng theo tâm đến đó.

*

Hỏi: Trong kinh Di-lặc Sở Vấn, khi luận về mười niệm có ghi: “Chẳng phải niệm phàm phu, chẳng xen niệm kết sử”. Ở đây, hết thảy chúng sinh đều là phàm phu, kết sử chưa đoạn trừ thì làm sao niệm Phật mà được vãng sinh?

Đáp:Như kinh kia nói thì chỉ có mình Phật được vãng sinh, chúng sinh khác không được vãng sinh, vì hàng Bồ-tát Thập địa tâm sau cùng vẫn có hai loại vô minh. Ở đây giải thích rằng: Niệm phàm phu, là nếu người không phát tâm Bồ-đề, mong cầu ra khỏi ba cõi để thành Phật mà chỉ niệm Phật cầu vãng sinh, như thế thì đó chính là niệm phàm phu, người đó hoàn toàn không được vãng sinh. Do đó, cần phải phát tâm Bồ-đề. Chẳng xen niệm kết sử, tức là chỉ cần nhất tâm liên tục, quán tướng hảo của Phật, nếu miệng niệm Phật mà tâm duyên theo năm dục thì đó là xen niệm kết sử. Niệm Phật là tâm phải thuần tịnh, ngược lại với kết sử.

*

Hỏi: Chúng sinh chứa nghiệp ác nhiều như núi, làm sao mười niệm có thể diệt trừ được? Giả sử có biến ra trăm ngàn vạn cũng còn rất ít, nếu như không trừ sạch nghiệp ác thì làm sao được vãng sinh Tịnh độ?

Đáp:Có ba nghĩa:

1. Nếu người lúc lâm chung mà chánh niệm hiện tiền, thì tâm ấy có thể dẫn dắt nghiệp thiện được tạo ra từ vô thỉ, cho đến nghiệp thiện ngay trong đời này đồng thời tương trợ liền được vãng sinh.

2. Danh hiệu của chư Phật đều được thành tựu từ muôn vạn công đức, cho nên nếu người chỉ có thể niệm được một niệm danh hiệu Phật thì ngay trong niệm đã niệm muôn vạn công đức, thì diệt được tội nghiệp. Nghiệp ác làm ngăn ngại việc vãng sinh, nay nghiệp ác đã được trừ diệt rồi thì còn quan hệ gì nữa? Cho nên trong phần Hạ phẩm vãng sinh có nói: “Do nhờ niệm danh hiệu Phật mà trong mỗi mỗi niệm trừ được tội lỗi sinh tử trong 80 ức kiếp”.

3. Nghiệp ác từ vô thỉ đều do vọng tâm sinh khởi, công đức niệm Phật từ Chân tâm sinh khởi. Chân tâm như mặt trời, vọng tâm như bóng tối, chân tâm hiện khởi thì vọng tâm liền tiêu trừ, như mặt trời vừa xuất hiện thì bóng tối liền tiêu tan. Do ba nghĩa này, nên nói người nào lúc lâm chung mà thành tựu mười niệm thì nhất định được vãng sinh!

*

Hỏi: Tịnh độ thù thắng vi diệu, là Liên Hoa Bảo Tạng, chỗ cư ngụ của đấng Pháp vương, chẳng phải là chỗ của phàm phu tu hành. Đúng ra phàm phu thì tu hành ở đất phàm phu, bậc Thánh thì giáo hóa ở đạo tràng của bậc Thánh, lẽ nào hạng phàm phu thấp kém mà lại được sinh vào chỗ vi diệu này?

Đáp:Hễ là hạng phàm phu thì không được dạo chơi nơi cõi thanh tịnh, đã là đấng Pháp vương sao lại đi vào cõi Ngũ trược. Mặc dù là đấng Pháp vương, nhưng vì muốn giáo hóa chúng sinh nên đi vào cõi Ngũ trược? Mặc dù là phàm phu, vì muốn cúng dường chư Phật mà sinh vào cõi thanh tịnh. Lại nữa, Đức Phật A-di-đà phát 48 lời nguyện lớn, trước hết là vì tất cả hàng phàm phu, sau đó thêm bậc Thánh của Tam thừa, cho nên biết tông chỉ của Tịnh độ vốn dành cho hàng phàm phu, còn bậc Thánh chỉ là phụ. Lại nữa, hàng Bồ-tát Thập giải trở lên, không lo sợ sinh vào đường ác, cho nên có thể không nguyện sinh về Tịnh độ. Do đó biết tông chỉ sâu xa của pháp môn Tịnh độ vốn dành cho hàng phàm phu, chẳng phải cho hàng Bồ-tát.

*

Hỏi: Gặp được thiện duyên, dự vào chín phẩm, thường xem văn nghĩa, lìa bỏ được tâm sân. Nếu như có những người ác, không biết tu thiện, sau khi chết bị rơi vào ba đường ác, thì có thể dùng phương tiện cứu vong linh, trừ nghiệp chướng để sinh về Cực Lạc được không?

Đáp: Chúng sinh ngu si khó thông đạt, thì Thánh giáo có diệu thuật cứu giúp. Cho nên phẩm Quán Đảnh Chân Ngôn Thành Tựu, kinh Bất Không Quyên Tác Thần Biến Chân Ngôn, quyển 28 chép: “Bấy giờ, các cõi nước trong mười phương, tất cả Như Lai trong ba đời và đức Tỳ-lô-giá-na Như Lai cùng lúc duỗi cánh tay vô úy bên phải, xoa đảnh vua Thanh Tịnh Liên Hoa Minh, đồng thời cùng thuyết Bất Không Đại Quán Đảnh Quang Chân Ngôn rằng:

“Án a mộ già giáp oa phế lỗ giả nã ma ha mẫu nại la ma nĩ bát đầu ma nhập phược la bả la miệt đả dã hồng”.

Nếu có chúng sinh nào ở bất cứ nơi đâu mà nghe được Đại Quán Đảnh Quang Chân Ngôn này từ hai, ba cho đến bảy biến thì liền trừ diệt được tất cả tội chướng. Nếu có chúng sinh nào gây ra các thứ tội Thập ác, Ngũ nghịch, Tứ trọng nhiều như cát bụi, đầy khắp thế giới này, đến khi thân hoại mạng chung, bị rơi vào đường ác, nên đem chân ngôn này gia trì vào trong cát sỏi 108 biến, rồi vào trong Thi-đà lâm[3], rải trên hài cốt của người chết, hoặc rải trên mộ. Những vong linh ấy hoặc đã bị đọa trong địa ngục, trong ngạ quỷ, trong A-tu-la hay trong bàng sinh, nhưng nhờ bổn nguyện chân thật của Nhất Thiết Bất Không Như Lai, và Bất Không Tỳ-lô-giá-na Như Lai cùng với sức gia trì của thần chú Đại Quán Đảnh Quang Chân Ngôn trong cát, tức thời liền được ánh hào quang chiếu đến thân, nhân đó trừ được các tội báo, bỏ được thân thống khổ, sinh về cõi Tây Phương Cực Lạc, hóa sinh trong hoa sen, cho đến khi chứng được Bồ-đề, vĩnh viễn không bị đọa lạc. Các kinh văn như thế phổ biến khắp nơi.

Tiếc thay! Nghiệp ác tự mình tạo thì chiêu cảm quả khổ như bóng theo hình. Xót thay! Nguy khốn chỉ mình ta, không có ai cứu giúp. Nếu chẳng có tâm đồng thể đại bi[4], bí thuật hoằng tế thì sao có thể từ xa mà mở cửa u đồ, để được lên đài sen. Tuy không có lý người khác làm mà ta thọ nhận, nhưng có sức duyên khởi không thể nghĩ bàn. Thế mới biết nhờ gặp cát đã được gia trì thần chú, tức là có duyên, nếu không gặp được cát sỏi đó, đâu thể có thể nói đến kỳ hạn giải thoát.

Sức đại bi cùng khắp, lời chân thật chẳng hư dối mà không tin nhận, không thực hành thì về sau ăn năn không kịp! Thế thì, người không tin nhận, luống phụ ân sâu dày, ngày báo đáp càng xa vời. Người tin nhận thực hành theo, tiếp dẫn hồn về hoa sen, hạnh hiếu thuận được lập, may gặp được chân ngôn, khiến dễ dàng giải thoát. Phàm trăm người quân tử, không ai mà không phụng hành. Việc rải cát trên mộ mà còn vượt qua ba cõi, huống gì thân được mặc áo gia trì thần chú, tai được nghe tiếng tụng chú!

Xuân Bính Tuất, PL. 2550 (2006)

Thích Giác Chính cẩn dịch
(Tu vien Hue Quang)


Giải thích pháp số:

[1] Ba Phước Nghiệp (Tam chủng tịnh phước, Tam chủng tịnh nghiệp): ba chính nhân Tịnh nghiệp, cũng là ba nhân vãng sinh Tịnh độ:

1. Hiếu dưỡng cha mẹ, thờ phụng sư trưởng, từ tâm bất sát, tu tập 10 nghiệp lành.

2. Thọ trì Tam quy, đầy đủ các giới, không phạm oai nghi.

3. Phát tâm Bồ-đề, tin sâu nhân quả, đọc tụng kinh điển Đại thừa, khuyến tấn người tu hành (TĐPH Huệ Quang, t. V, tr. 4079).

[2] Ngu pháp: hàng Tiểu thừa Ngu pháp và hàng Tiểu thừa Bất ngu pháp.

Tiểu thừa Ngu pháp chỉ cho Nhị thừa Thanh văn, Duyên giác ngu về lý pháp không của Đại thừa. Vì hàng Nhị thừa này chỉ chứng sinh không, chấp chặt pháp có, không biết về chân lý Nhị không của Đại thừa, nên bị chê là Ngu pháp.

Tiểu thừa bất ngu pháp chỉ cho Nhị thừa Thanh văn, Duyên giác vừa chứng được lý Tiểu thừa, vừa hiểu được lý Đại thừa. Tuy cùng là Tiểu thừa nhưng tâm hiểu biết có hơn kém khác nhau. Do họ có thể hồi chuyển tâm Tiểu thừa hướng về Đại thừa, nên còn gọi là Hồi tâm Tiểu thừa (Nhị thừa hồi tâm). Trong năm phán giáo của đại sư Hiền Thủ, hạng này được xếp vào Đại thừa Thỉ giáo (TĐPH Huệ Quang, t. III, tr. 2907).

[3] Thi-đà lâm: theo Huyền ứng âm nghĩa, q.7, “Thi-đà lâm, gọi đủ là Thi-đa-bà-na, có nghĩa là Hàn lâm (rừng lạnh). Rừng này sâu thẳm lạnh lẽo, nhân đó mà có tên Hàn lâm. Rừng này ở cạnh thành Vương-xá, người chết phần nhiều được đưa tới đây. Nay Thi-đà lâm là từ dùng để chỉ chung chỗ bỏ xác người chết”. Còn gọi là Khủng úy lâm (rừng sợ hãi) (TĐPH Hán-Việt, PVNCPHVN, Nxb Hà Nội, 1994, t. II, tr. 1492).

[4] Đồng thể đại bi: quán chúng sinh với mình đồng một thể mà khởi bi tâm bình đẳng để cứu khổ, ban vui. Bồ-tát từ Sơ địa trở lên, xem nỗi khổ của chúng sinh như nỗi khổ của chính mình mà sinh lòng xót thương vô hạn. Kinh Đại Bát Niết-bàn, q. 16, bản Bắc ghi: “Như cha mẹ thấy con bệnh hoạn, sinh lòng khổ não, xót thương lo buồn, từng giây từng phút. Bồ-tát Ma-ha-tát cũng như thế, thấy chúng sinh bị phiền não trói buộc, các Ngài buồn khổ, lo nghĩ như mẹ thương con đỏ, đến nỗi các lỗ chân lông đều ra máu” (TĐPH Huệ Quang, t. II, tr. 1598).


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567