Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

4. Tắc 07 - Tắc 09

22/04/201106:16(Xem: 5531)
4. Tắc 07 - Tắc 09

BÍCHNHAM LỤC
Tác giả: Thiền sư Viên Ngộ - Việt dịch: HT. Thích Thanh Từ
Tu viện Chân Không 1980

TẮC 7

HUỆ SIÊU HỎI PHẬT

LỜI DẪN: Một câu trước tiếng ngàn Thánh chẳng truyền, chưa từng thân cận như cách Đại thiên. Giả sử nhằm trước tiếngbiện được, cắt đầu lưỡi người trong thiên hạ, cũng chưa phải là người tánh tháo. Do đó nói: Trời không thể che, đất không thể chở, hư không không thể dung, mặt trời, mặt trăng không thể chiếu, chỗ không Phật riêng xưng tôn, mới sánh được đôi phần. Nếu chưa như thế, ở trên đầu sợi lông thấu được, phóng đại quang minh, bảy dọc tám ngang đối pháp tự tại tự do, nắm lại đưa ra cái nào cũng phải. Hãy nói được cái gì mà kỳ đặcnhư thế? Lại hỏi đại chúng hội chăng? Khổ thân từ trước không ai biết,chỉ cốt bàn về việc đại công. Việc hiện nay hãy gác lại, Công án TuyếtĐậu, lại thế nào? Xem lấy văn sau.

CÔNG ÁN: Có vị Tăng hỏi Pháp Nhãn: Huệ Siêu xin hỏi Hòa thượng thế nào là Phật? Pháp Nhãn đáp: Ông là Huệ Siêu.

GIẢI THÍCH: Thiền sư Pháp Nhãn có cơ đồng thời thốt trác (con kêu mẹ mổ), đủ dụng đồng thời thốt trác, mới hay đáp lời nhưthế. Có thể nói siêu thanh vượt sắc được đại tự tại, nắm buông một lúc, sống chết tại ta thật là kỳ đặc. Song công án này các nơi thương lượngkhá nhiều, khởi hiểu theo tình giải chẳng ít. Họ không biết cổ nhân phàm buông ra một lời, nửa câu đều như chọi đá nháng lửa, làn điện xẹt, thẳng đó vạch ra con đường chánh. Người sau chỉ quản chạy trên ngôn cú khởi tình giải nói: Huệ Siêu chính là Phật, nên Pháp Nhãn đáp như thế. Hoặcnói, giống như người cỡi trâu tìm trâu. Hoặc nói, chỗ hỏi là đúng đâu có gì can thiệp. Nếu hiểu như thế, chẳng những cô phụ chính mình, cũng làchôn vùi cổ nhân. Nếu cần thấy toàn cơ của Pháp Nhãn, phải là kẻ đánh một gậy chẳng ngoái đầu, răng như cây kiếm, miệng tợ chậu máu, nhằm ngoài lời nói biết chỗ trở về, mới có ít phần tương ưng. Nếu mỗi mỗi khởi tình giải thì cả quả đất, là kẻ diệt chủng tộc nhà Phật. Siêu Thiền khách ngay đây được ngộ, vì bình thường công ôm ấp nghiên cứu, mới được dưới một câu nói như thùng lủng đáy. Đến như Giám viện Tắc ở trong hộiPháp Nhãn cũng chưa từng tham thỉnh nhập thất. Một hôm, Pháp Nhãn hỏi:Giám viện Tắc sao chẳng vào thất? Tắc thưa: Hòa thượng đâu không biết con ở chỗ Thanh Lâm đã có chỗ thâm nhập. Pháp Nhãn bảo: Ông thử vì ta cử xem? Tắc thưa: Con hỏi “thế nào là Phật”, Thanh Lâm đáp “Đồng tử Bính Đinh đến xin lửa”. Pháp Nhãn bảo: Lời khéo, ngại ông hiểu lầm, nên nóilại xem. Tắc thưa: Bính Đinh thuộc về lửa, đem lửa đi xin lửa, như conlà Phật lại đi tìm Phật. Pháp Nhãn bảo: Giám viện quả nhiên hiểu lầm rồi. Tắc nổi xung, liền quảy hành lý qua sông đi phắt. Pháp Nhãn nói: Ngườinày nếu trở lại có thể cứu, nếu không trở lại thì không thể cứu. Tắc đi đến giữa đường, tự xét: Pháp Nhãn là thiện tri thức của năm trăm người, há lại gạt ta sao? Bèn trở lại tái tham vấn. Pháp Nhãn bảo: Ông hỏi ta, ta sẽ vì ông đáp. Tắc hỏi: Thế nào là Phật? Pháp Nhãn đáp: Đồng tử Bính Đinh đến xin lửa. Tắc liền đại ngộ. Hiện nay có người trừng mắt khởi giải hội, nên nói kia không thương tích chớ làm thành thương tích. Loại công án này, người cửu tham một phen nghe cử liền biết chỗ rơi. Tông Pháp Nhãn gọi đó là “tiễn phong tương trú” (tên nhọn chỏi nhau). Chẳngdùng ngũ vị quân thần, tứ liệu giản, chỉ luận tiễn phong tương trú là gia phong của tông Pháp Nhãn như thế, dưới câu liền đó thấu được, nếu nhằm dưới câu suy nghĩ thì dò tìm chẳng ra. Pháp Nhãn khai đường có năm trăm chúng, khi ấy Phật pháp rất hưng thạnh. Quốc sư Thiều theo Sơ Sơnđã lâu, tự cho đã được yếu chỉ, bèn gom góp văn tự đảnh tướng của Sơ Sơn lúc bình sanh, lãnh chúng đi hành cước, đến trong hội Pháp Nhãn. Sư chẳng vào thất, chỉ bảo đồ đệ theo chúng vào thất. Một hôm, Pháp Nhãn đăng tòa có vị Tăng hỏi: Thế nào là một giọt nước nguồn Tào? Pháp Nhãnđáp: Là một giọt nước nguồn Tào. Vị Tăng ấy mờ mịt thối lui. Thiều ở trong chúng nghe câu này bỗng nhiên đại ngộ. Sau, Sư khai đường thừa kế Pháp Nhãn. Sư làm tụng trình:

TỤNG:

Thông huyền phong đảnh
Bất thị nhân gian
Tâm ngoại vô pháp
Mãn mục thanh san.

DỊCH:

Thông huyền chót núi
Chẳng phải nhân gian
Ngoài tâm không pháp
Đầy mắt núi xanh.

Pháp Nhãn ấn khả nói: Chỉ một bài tụng này đáng thừa kế tông ta, sau ngươi được bậc Vương hầu kính trọng, ta chẳng bằng ngươi. Xem người xưa ngộ thế ấy là đạo lý gì? Không thể một bề bảo Sơn tăng nói, phải tự mình trong mười hai giờ, phấn phát tinh thần giống như thế, cùng cổ nhân đảm nhận, ngày sau ở ngã tư đường, duỗi tay vì người cũng chẳng phải là việc khó. Vì thế, Tăng hỏi Pháp Nhãn “thế nào là Phật”, Pháp Nhãn đáp “ông là Huệ Siêu”, có chỗ nào là cô phụ nhau? Chẳng thấy Vân Môn nói: Nêu chẳng đoái, liền sai lẫn, toan suy tư, kiếp nào ngộ. Bài tụng của Tuyết Đậu ở dưới thật là sáng rỡ, thử cử xem?

TỤNG:

Giang Quốc xuân phong xuy bất khởi
Chá cô đề tại thâm hoa lý
Tam cấp lãng cao ngư hóa long
Si nhân du hố dạ Đường thủy.

DỊCH:

Giang Quốc gió xuân đùa chẳng dấy
Vườn hoa rậm rạp chá cô hót
Ba cấp sóng cao cá hóa rồng
Sông Đường kẻ ngu đêm vẫn tát.

GIẢI TỤNG: Tuyết Đậu là bậc tác gia, ở chỗ khó gặm khó nhắm, khó thấu, khó thấy gút mắc của cổ nhân mà tụng ra cho người thấy, quả là kỳ đặc. Tuyết Đậu nắm được chìa khóa của Pháp Nhãn, lại biết chỗ rơi của Huệ Siêu và ngại người sau nhằm dưới ngôn cú của PhápNhãn lầm giải hội, vì thế tụng ra. Vị Tăng hỏi như thế, Pháp Nhãn đáp như thế, tức là: “Giang Quốc gió xuân đùa chẳng dấy, vườn hoa rậm rạp chá cô hót.” Hai câu này chỉ là một câu. Hãy nói ý Tuyết Đậu ở chỗ nào? Giang Tây, Giang Nam nhiều người hiểu là hai thứ. Nói Giang Quốc gió xuân đùa chẳng dấy, tức tụng ông là Huệ Siêu. Chỉ cái tin tức này, dù cho Giang Quốc gió xuân đùa cũng chẳng dấy.Câu “vườn hoa rậm rạp chá cô hót” dùng tụng các nơi thương lượng câu này ồn náo, giống như chim chá cô hót trong vườn hoa, có gì giao thiệp. Đâu không biết hai câu này của Tuyết Đậu chỉ là một câu, cần được không thêm không bớt, rõ ràng nhằm ông nói ngôn đoan ngữ cũng đoan, che trời che đất. Tăng hỏi “thế nào là Phật”, Pháp Nhãn đáp “ông là Huệ Siêu”, Tuyết Đậu tụng: “Giang Quốc gió xuân đùa chẳng dấy, vườn hoa rậm rạp chá cô hót.” Nhằm trong đây tiến được đáng là bậc riêng bước trong không. Nếu ông khởi tình giải thì trải ba đời sáu mươi kiếp cũng chưa hiểu. Câu thứ ba, thứ tư TuyếtĐậu quá sức từ bi, vì người một lúc nói phá. Chỗ Siêu thiền khách đại ngộ, như “ba cấp sóng cao cá hóa rồng, sông Đường kẻ ngu đêm vẫn tát”.Võ Môn tam cấp lãng, Mạnh tân tức là Long Môn, Võ Đế đào ba cấp. Nay ngày ba tháng ba khi hoa đào nở, do sự cảm ứng của trời đất, có con cánhảy qua được Long Môn thì trên đầu mọc sừng, ở cổ có bờm, nơi đuôi cólông, tụ mây mà đi. Nếu con nào nhảy qua không khỏi thì bị điểm trán trở về. Người si nhằm trong lời nói nhai gặm, giống như ban đêm tát nước sông Đường để bắt cá. Sao chẳng biết cá hóa rồng rồi. Sư ông Nghĩa Đoan có bài tụng:

TỤNG:

Nhất văn Đại Quang tiền
Mãi đắc cá du tư
Khiết hướng đổ lý liễu
Đương hạ bất văn cơ.

DỊCH:

Một đồng tiền Đại Quang
Mua được cái bánh ngon
Nhai xong dồn vào bụng
Liền đó hết đói rồi.

Tụng này rất hay chỉ vì lời văn quá vụng, Tuyết Đậu tụng rất tài, chẳng bị chạm lưỡi đứt tay. Khi xưa Tạng chủ Khánh thíchhỏi người: Thế nào là ba cấp sóng cao cá hóa rồng? Ta cũng chưa chắc. Ta lại hỏi ông đã hóa rồng rồi hiện nay ở chỗ nào?

TẮC 8

THÚY NHAM LÔNG MÀY

LỜI DẪN: Hội thì trên đường thọ dụng, như rồng được nước, tợ cọp tựa núi. Chẳng hội thì thế đế lưu bố, dê đực chạm rào, ôm cây đợi thỏ. Có khi một câu như sư tử ngồi xổm, có khi một câu như bảo kiếm Kim Cang Vương, có khi một câu ngồi cắt đứt đầu lưỡi người trong thiên hạ, có khi một câu theo mòi đuổi sóng. Nếu là trên đường thọ dụng thì gặp tri âm, biện cơ nghi, biết lỗi lầm, cùng nhau chứng minh.Nếu là thế đế lưu bố, đủ một con mắt, khã dĩ ngồi dứt mười phương, vách đứng ngàn nhẫn. Vì thế nói đại dụng hiện tiền chẳng còn phép tắc. Có khi đem một cọng cỏ làm thân vàng trượng sáu, có khi đem thân vàng trượng sáu làm cọng cỏ. Hãy nói bằng vào đạo lý nào? Lại rõ biết chăng? Thử cử xem?

CÔNG ÁN: Thúy Nham cuối hạ dạy chúng: Từ đầu hạ đến nay vì huynh đệ thuyết thoại, xem Thúy Nham lông mày còn chăng? Bảo Phước nói: Làm cướp biết cướp. Trường Khánh nói: Sanh vậy. Vân Môn nói: Quan.

GIẢI THÍCH: Cổ nhân có sớm tham chiều thỉnh, Thúy Nham đến cuối hạ lại dạy chúng thế ấy, song quả thật cao vót, quả thậtrung trời động đất. Cả Đại tạng kinh 5048 quyển chẳng khỏi nói tâm nóitánh, nói đốn nói tiệm, lại có tin tức này chăng? Hàng nhất đẳng là thời tiết ấy. Thúy Nham thật là kỳ đặc, xem Sư nói thế, thử nói ý Sư rơi tại chỗ nào? Cổ nhân buông một lưỡi câu, trọn chẳng dối bày, phải có đạo lý vì người. Đa số người hiểu lầm nói: Thanh thiên bạch nhật nói lời không nhằm hiện tại, vô sự sanh sự, cuối hạ trước tự nói lỗi, trước tự kiểm điểm, để khỏi người khác kiểm điểm. Thật đáng tức cười không dính dáng. Loại kiến giải này gọi là diệt chủng tộc nhà Phật. Nhiều đời Tông sư khi mở hội, nếu chẳng dạy bảo cho người trọn không lợi ích, mong làm cái gì? Đến trong ấy nhìn được thấu, mới biết cổ nhân có cái thuật đoạt trâu người cày, cướp cơm người đói. Người nay hỏi đến liền nhằm trong ngôn cú gặm nhấm, trên lông mày làm kế sống. Thấy người trong thất kia tự nhiên biết chỗ đi của họ, thiên biến vạn hóa gút mắc khó khăn rõ ràng có conđường xuất thân, mới hay vì người đối đáp như thế. Lời nói này nếu không kỳ đặc thì ba vị Vân Môn, Bảo Phước, Trường Khánh đua nhau thù xướng làm gì? Bảo Phước nói: Làm cướp biết cướp. Nhân câu này gợi lên nhiều thứ tình giải. Thử nói ý Bảo Phước thế nào? Tối kỵ nằm trong câu tìm cổ nhân. Ông nếu sanh tình khởi niệm thì móc tròng con mắt của ông. Đâu không biết Bảo Phước hạ một chuyển ngữ là chặt đứt gót chân Thúy Nham. Trường Khánh nói: Sanh vậy. Nhiều người bảo Trường Khánh đi theo gót chân Thúy Nham, vì thế nói sanh vậy. Vẫn không dính dáng. Không biết Trường Khánh tự xuất kiến giải của mình, nói sanh vậy. Mỗi người có một chỗ xuất thân. Tôi hỏi ông chỗ nào là chỗ sanh? Là hàng tác gia, cây bảo kiếm Kim Cang Vương trước mặt thẳng đó liền dùng. Nếu người đập tan kiến giải tầm thường, chặt đứt mọi được mất phải quấy, mới thấy được chỗ thù xướng của Trường Khánh. Vân Môn nói Quan, quả là kỳ đặc, song khó tham cứu. Đại sư Vân Môn phần nhiều dùng “Nhất tự thiền” dạy người. Tuy trong một chữ phải đủ ba câu. Xem cổ nhân lâm cơ thù xướng một cách tự nhiên, so vớingười thời nay khác xa về hình thức câu nói. Cổ nhân tuy nói như thế, ýquyết không ở trong ấy. Đã không ở trong ấy, hãy nói ở chỗ nào? Cần phải chín chắn tự tham cứu mới được. Nếu là người mắt sáng có kỹ thuật chiếu thiên chiếu địa, liền đó tám mặt linh lung, Tuyết Đậu dùng một chữ Quan hòa cùng ba cái kia, xỏ làm một xâu tụng ra:

TỤNG:

Thúy Nham thị đồ
Thiên cổ vô đối,
Quan tự tương thù
Thất tiền tạo tội.
Lảo đảo Bảo Phước
Ức dương nan đắc,
Lao lao Thúy Nham
Phân minh thị tặc.
Bạch khuê vô điếm
Thùy biện chân giả,
Trường Khánh tương ám
Mi mao sanh dã.

DỊCH:

Thúy Nham dạy chúng
Ngàn xưa không đối,
Chữ Quan đáp nhau
Mất tiền tạo tội.
Bảo Phước gian nan
Đè nâng khó được,
Thúy Nham nói nhiều
Rõ ràng là cướp.
Bạch khuê không tì
Ai biện chân giả,
Trường Khánh hiểu nhau
Lông mày sanh vậy.

GIẢI TỤNG: Tuyết Đậu nếu chẳng từ bi tụng ra cho người thấy thì đâu được gọi là Thiện tri thức. Cổ nhân như thế, mỗi mỗi đều là việc bất đắc dĩ làm ra. Kẻ hậu học bám vào ngôn cú của người, chuyển sanh tình giải, do đó chẳng thấy được ý chỉ cổ nhân. Như hiện nay có người lật ngược giường thiền, hét tan đại chúng, quở y chẳng được, tuy nhiên như thế phải thật đến chỗ đất này mới được. Tuyết Đậu nói: “ngàn xưa không đối”, chỉ nói xem lông mày Thúy Nham còn chăng? Có chỗnào kỳ đặc mà ngàn xưa không đối? Phải biết cổ nhân nhả một lời nửa câu chẳng phải tầm thường, cần phải có con mắt định càn khôn mới được. Tuyết Đậu đặt một lời nửa câu như bảo kiếm Kim Cang Vương, như sư tử ngồi xổm, như chọi đá nháng lửa, như làn điện chớp. Nếu chẳng phải là người đủ con mắt ở đảnh môn thì không thể thấy chỗ rơi của cổ nhân. Lời dạy chúng này hẳn là ngàn xưa không đối, còn hơn gậy của Đức Sơn, hét của Lâm Tế. Thử nói Tuyết Đậu vì người, ý tại chỗ nào? Ông làm sao hiểu Tuyết Đậu nói ngàn xưa không đối? “Chữ Quan đáp nhau, mất tiền tạo tội”, ý này thế nào? Dù cho bậc có con mắt thấu quan (cửa), đến trong ấy cũng phải chín chắn mới được. Hãy nói là Thúy Nham mất tiền tạo tội, là Tuyết Đậu mất tiềntạo tội, là Vân Môn mất tiền tạo tội? Ông nếu thấu được, nhận ông có đủ con mắt. “Bảo Phước gian nan, đè nâng khó được”, là đè chính mình, nâng cổ nhân. Bảo Phước ở chỗ nào đè, chỗ nào nâng? “Thúy Nham nói nhiều, rõ ràng là cướp”, hãy nói Sư cướp cái gì mà Tuyết Đậu nói là cướp? Tối kỵtheo ngữ mạch của người chuyển, đến trong đây phải tự giữ tiết tháo mới được. “Bạch khuê không tì”, là tụng Thúy Nham giống như Bạch Khuê không có chút tì vết! “Ai biện chân giả”, có thể nói ít có người biện được. Tuyết Đậu đại tài từ đầu đến cuối quán xuyến hết, rốt sau mới nói “Trường Khánh hiểu nhau, lông mày sanh vậy”. Hãy nói sanh ở chỗ nào? Để mắt xem gấp!

TẮC 9

TRIỆU CHÂU BỐN CỬA

LỜI DẪN: Gương xấu hiện trên đài, đẹp xấu tự phân, kiếm Mạc Da trong tay, sống chết tùy thời. Hán đi Hồ lại, Hồ lại Hán đi, trong chết được sống, trong sống được chết. Thử nói đến trong ấy lại làm thế nào? Nếu không có con mắt thấu quan (cửa) làm chỗ chuyển thân, đếntrong ấy hẳn là không làm gì được. Hãy nói thế nào là con mắt thấu quan làm chỗ chuyển thân, thử cử xem?

CÔNG ÁN: Tăng hỏi Triệu Châu: Thế nào là Triệu Châu? Triệu Châu đáp: Cửa Đông cửa Tây cửa Nam cửa Bắc.

GIẢI THÍCH: Phàm kẻ tham thiền hỏi đạo xét rõ chính mình, tối kỵ giản trạch ngôn cú. Vì sao? Đâu chẳng thấy Triệu Châu nói: Chí đạo không khó, chỉ hiềm giản trạch. Lại chẳng thấy Vân Môn nói: Hiện nay Thiền khách ba người năm người dụm đầu miệng nói ồn náo, nói cái này là cú ngữ “thượng tài”, cái kia là ngữ “tựu thân đả xuất”. Không biết trong cửa phương tiện của cổ nhân, vì kẻ sơ cơ hậu học chưa rõ chỗ tâmđịa, chưa thấy Bản tánh, bất đắc dĩ mà lập ngữ cú phương tiện. Như Tổ sư từ Ấn sang riêng truyền tâm ấn, chỉ thẳng tâm người, thấy tánh thành Phật. Trong đây sắn bìm như thế, cần phải chặt đứt ngữ ngôn, cách ngoại thấy thật, thấu thoát được rồi, đáng gọi như rồng gặp nước, như cọp tựa núi. Những bậc tiên đức cửu tham có thấy mà chưa thấu, có thấu mà chưaminh, gọi đó là thỉnh ích. Nếu thấy được thấu mà thỉnh ích, lại cần trên ngữ cú xoay quanh không có mắc kẹt, người cửu tham thỉnh ích như vì kẻtrộm đưa thang, kỳ thật việc này không ở trên ngôn cú. Vì thế, Vân Mônnói: Việc này nếu ở trên ngôn cú thì ba thừa mười hai phần giáo há không ngôn cú, cần gì Tổ Đạt-ma từ Ấn Độ sang. Phần Dương trong mười tám câuhỏi, câu hỏi này gọi là Nghiệm chủ vấn, cũng gọi là Thám bạt vấn. Vị Tăng đặt câu hỏi này thật là kỳ đặc, nếu không phải Triệu Châu cũng khó đáp được. Vị Tăng hỏi: Thế nào là Triệu Châu? Triệu Châu là bổn phận tác gia liền đáp: Cửa Đông cửa Tây cửa Nam cửa Bắc. Tăng thưa: Con không hỏi Triệu Châu này. Triệu Châu bảo: Ông hỏi Triệu Châu nào? Người sau gọi là “Vô sự thiền”, thật là lừa người chẳng ít. Vì sao? Bởi Tăng hỏi Triệu Châu, Triệu Châu đáp: Cửa Đông cửa Tây cửa Nam cửa Bắc, chỉ là đáp cáithành Triệu Châu. Ông hiểu như thế, người trong thôn ba nhà cũng hiểu Phật pháp rồi. Đây là phá diệt Phật pháp, như đem con mắt cá so sánh với hạt minh châu, giống thì giống mà phải thì chẳng phải. Lão tăng nói: Chẳng ở Hà Nam, chính tại Hà Bắc. Hãy nói là hữu sự hay vô sự? Cần phải chín chắn mới được. Viễn Lục Công nói: Một câu rốt sau mới đến lao quan (cửa chắc chắn), ý chỉ chỉ nam không ở trong ngôn thuyết, mười ngày một trận gió, năm ngày một đám mưa, an bang lạc nghiệp, vỗ bụng hát ca, gọi đó là thời tiết thái bình, gọi đó là vô sự, chẳng phải mù tịt gọi là vô sự. Cần phải tháo được cây chốt cửa, ra khỏi rừng gai góc, lột trần toàn thong dong, như xưa giống hệt người bình thường. Do ông hữu sự cũng được, vô sự cũng được, bảy dọc tám ngang, trọn chẳng chấp không, định có. Cómột bọn người nói: Xưa nay không một vật, chỉ gặp trà uống trà, gặp cơm ăn cơm. Đây là đại vọng ngữ, chưa được nói được, chưa chứng nói chứng.Xưa nay chưa từng tham được thấu, nghe người nói tâm nói tánh, nói huyền nói diệu, liền bảo chỉ là cuồng ngôn xưa nay không việc. Quả là người mù dẫn đám mù. Đâu chẳng biết khi Tổ sư chưa đến, trong đây gọi trời là đất, gọi núi là sông. Vì sao Tổ sư Tây sang? Các nơi đăng đường nhập thất, nói cái gì? Trọn là tình thức so lường. Nếu tình thức so lường ấy hết,mới thấy được thấu. Nếu thấy được thấu, như xưa trời là trời, đất là đất, núi là núi, nước là nước. Cổ nhân nói: Tâm là căn, pháp là trần, hai thứ ví như vết trên gương. Đến chỗ đất này tự nhiên lột trần toàn thong dong. Nếu tột cùng lý luận cũng chưa phải là chỗ an ổn. Đạt đến đó đa số người lầm hiểu cho là cảnh vô sự, Phật cũng chẳng lễ, hương cũng chẳngđốt. Giống thì cũng giống, đến chỗ thoát thể thì chẳng phải. Vừa hỏi đến thì tương tợ cực tắc, vừa chụp đến thì bảy hoa tám mảnh, trụ ở chỗ bụng rỗng tâm cao, đến đêm ba mươi tháng chạp quơ tay chụp ngực, đã muộn rồi.

Vị Tăng hỏi Triệu Châu thế ấy, Triệu Châu đáp thế ấy, hãy nói làm sao dò tìm? Thế ấy cũng chẳng được, chẳng thế ấy cũng chẳng được, cứu kính thế nào? Chỗ này là nạn xứ, cho nên Tuyết Đậu đưa ra trước mặt chỉ cho người. Một hôm Triệu Châu đang ngồi, Thị giả thưa: Có Đại vương đến. Triệu Châu nhớn nhác nói: Đại vương muôn phước. Thị giảthưa: Bạch Hòa thượng chưa đến. Triệu Châu bảo: Lại nói đến rồi!

Tham thiền đến trong ấy, thấy đến trong ấy, quả là kỳ đặc. Thiền sư Nam niêm rằng: Thị giả chỉ biết báo khách, chẳng biết thân tại đế hương, Triệu Châu vào cỏ tìm người, bất chợt cả thân bùn dấy. Chỗ chân thật này, các người lại biết chăng? Xem lấy bài tụng của Tuyết Đậu:

TỤNG:

Cú lý trình cơ phách diện lai
Thước-ca-la nhãn tuyệt tiêm ai
Đông tây nam bắc môn tương đối
Vô hạn luân chùy kích bất khai.

DỊCH:

Trong cú trình cơ vạch mặt ra
Trần ai chẳng dính mắt ca-la
Nam bắc đông tây cửa tương đối
Biết bao chùy sắt đập chẳng ra.

GIẢI TỤNG: Triệu Châu lâm cơ dường như bảo kiếm Kim Cang Vương, vừa nghĩ nghị là chặt đầu ông, thường thường ngay mặt móc lấy con mắt ông. Vị Tăng này dám nhổ râu cọp, đặt ra câu hỏi dường nhưvô sự sanh sự, không ngờ trong câu có cơ, ông đã trình cơ ra. Triệu Châu cũng chẳng cô phụ câu hỏi của ông, cho nên cùng trình cơ đáp. Chẳng phải Triệu Châu đáp mọi người đều như thế, người thấy thấu tự nhiên khế hợp, dường như có sự an bài sẵn.

Có một ngoại đạo tay cầm con chim sẻ đến hỏi Phật: Thử nói con chim trong tay tôi là chết hay sống? Thế Tôn liền bước lạibệ cửa, bảo: Ngươi nói ta ra hay vào? (Có bản nói Thế Tôn đưa tay lên hỏi: Nắm hay xòe?) Ngoại đạo nói không được liền lễ bái. Lối nói này tương tợ công án ở đây. Người xưa tự là huyết mạch chẳng dứt, cho nên nói: Vấn tại đáp xứ, đáp tại vấn xứ. Tuyết Đậu thấy được thấu, liền nói: Trong cú trình cơ vạch mặt ra. Trong câu có cơ như kèm hai ý, dường như hỏi người, dường như hỏi cảnh. Triệu Châu không dời đổi một mảy tơ, liền vì kia nói: Cửa Đông cửa Tây cửa Nam cửa Bắc. Câu tụng “trần ai chẳng dính mắt ca-la” là nói Triệu Châu nhân cảnh đều đoạt, nhằm trong câu trình cơ để đáp cho vị Tăng. Đây gọi là có cơ có cảnh, vừa chuyển liềnchiếu phá tận tim mật của kia. Nếu không như thế, khó mà lấp được câu hỏi của vị Tăng. Thước-ca-la nhãn là tiếng Phạn, dịch là con mắt kiên cố, cũng là con mắt Kim Cang, soi thấy không ngại, chẳng những soi thấy từng mảy tơ ở ngoài ngàn dặm, mà còn định tà quyết chánh, biện đắc thất, phân biệt cơ nghi, biết lỗi lầm. Tuyết Đậu nói: “Nam Bắc Đông Tây cửa tươngđối, biết bao chùy sắt đập chẳng ra” chính là chỗ thấy của Tuyết Đậu như thế, các ông lại làm sao cho cửa này mở? Hãy tham cứu kỹ xem!

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]