Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

7. Những cánh cổng dẫn vào cõi Bất thị hiện

14/04/201113:38(Xem: 4097)
7. Những cánh cổng dẫn vào cõi Bất thị hiện

THIỀN VÀ NGHỆ THUẬT ĐỐI DIỆN VỚI CUỘC ĐỜI
SỨC MẠNH CỦA HIỆN TIỀN PHI THỜI GIAN
Hồ Kim Chung - Minh Đức biên dịch theo nguyên bản:
The Power Of Now của Eckhart Tolle
Nhà Xuất Bản Tổng Hợp TP. Hồ Chí Minh 2005

CHƯƠNG 7
NHỮNG CÁNH CỐNG

DẪN VÀO CÕI BẤT THỊ HIỆN

Tiến sâu vào cơ thể

Tôi có thể cảm nhận được luồng năng lượng bên trong cơ thể mình, nhất là ở cánh tay và cẳng chân, nhưng dường như tôi không thể tiến sâu vào được, như ông đề nghị trước đây.

Hãy chuẩn bị một buổi thiền định. Không cần kéo dài. Mười đến mười lăm phút là đủ rồi. Trước tiên, hãy chắc rằng không có sự việc bên ngoài nào làm phiền đến bạn, như điện thoại ai đó có thể phá vỡ sự liên tục của bạn chẳng hạn. Bạn hãy ngồi thoải mái trên một chiếc ghế, nhưng đừng ngã người ra phía sau để giữ cho cột sống được thẳng đứng. Việc này sẽ giúp bạn luôn luôn cảnh giác. Nếu muốn, bạn có thể chọn tư thế thiền định thuận lợi cho riêng bạn.

Hãy chắc rằng cơ thể bạn hoàn toàn thư giãn. Nhắm mắt lại, rồi hít thở sâu chừng vài lần. Cảm nhận hơi thở thấm sâu xuống phần bụng dưới. Hãy quan sát cách mà phần bụng nài hơi co thắt và nở to ra theo từng hơi thở ra và hít vào. Rồi cảm nhận toàn bộ trường năng lượng nội tại của cơ thể. Đừng suy nghĩ về nó – hãy cảm nhận nó. Làm như vậy, bạn triệu hồi ý thức ra khỏi tâm trí. Nếu thấy có lợi, bạn hãy dùng phép quán tưởng “ánh sáng” tôi đã miêu tả ở chương trước.

Khi bạn có thể cảm nhận cơ thể nội tại một cách rõ ràng như là một trường năng lượng duy nhất, nếu có thể, bạn hãy buông bỏ mọi hình ảnh quán tưởng để chỉ tập trung vào cảm nhận mà thôi. Nếu có thể, bạn cũng buông bỏ mọi hình ảnh về cơ thể vật lý còn lưu lại trong tâm trí mình. Mọi thức còn sót lại lúc ấy chính là cảm nhận toàn triệt về sự hiện trú hay về “sư hiện hữu”, và cơ thể nội tại sẽ không còn có biên giới nào nữa. Sau đó, hãy tập trung chú ý sâu hơn nữa vào cảm nhận ấy. Hãy là một với nó. Hãy hòa nhập với trường năng lượng, để không còn nhận thức nhị nguyên về chủ thể quan sát và đối tượng quan sát, về bạn và cơ thể bạn ở tâm trí mình nữa. Sự phân biệt giữa nội tại và bên ngoài giờ đây cũng tan biến đi, vì vậy không còn cơ thể nội tại nào nữa. Bằng cách tiến sâu vào cơ thể, bạn đã siêu vượt lên trên thân xác.

Hãy lưu trú ở lãnh đại Bản thể hiện tiền thuần túy này bao lâu bạn còn cảm thấy mình thoải mái; sau đó, hãy cảm nhận lần nữa về cơ thể vật lý, về hơi thở cùng các giác quan của bạn, rồi mở mắt ra. Hãy quan sát cảnh vật chung quanh bạn trong vài phút theo lối thiền định – tức là không để cho tâm trí đặt tên chúng – và tiếp tục cảm nhận cơ thể nội tại trong khi bạn quan sát.

-ooOoo-

Tiếp cận với lãnh địa vô tướng ấy mới đích thực là giải thoát. Nó giải phóng bạn khỏi cảnh nô lệ và đồng hóa với hình tướng. Nó là sự sống trong trạng thái vô phân biệt trước khi phân chia manh múng thành thế giới thiên sai vạn biệt. Chúng ta có thể gọi nó là cõi Bất thị hiện, là Cội Nguồn vô hình của tất cả mọi sự vật, là Bản thể hiện tiền bên trong tất cả mọi sinh linh. Nó là lãnh địa tĩnh lặng và an bình sâu thẳm, nhưng cũng ngập tràn niềm vui và vô cùng sinh động. Bất cứ lúc nào hiện trú, bạn cũng đều trở thành “trong suốt” đến mức độ nào đó đối với ánh sáng, trở thành ý thức thuần túy xuất phát từ Cội Nguồn này. Bạn cũng nhận ra rằng ánh sáng đó không tách biệt khỏi con người bạn mà hợp thành chính cái tinh hoa của bạn.

Nguồn cội của khí

Phải chăng cõi Bất thị hiện là cái mà phương Đông gọi là khí, một loại sinh khí trong vũ trụ?

Không phải. Cõi Bất thị hiện là nguồn cội của khí. Khí là trường năng lượng nội tại trong cơ thể bạn. Nó là chiếc cầu nối giữa phần cơ thể bên ngoài bạn và Cội Nguồn. Nó nằm ở nửa đường giữa cõi thị hiện, tức thế giới hình tướng, và cõi Bất thị hiện. Có thể so sánh khí với một dòng song hay một dòng năng lượng. Nếu bạn đưa trọng tâm ý thức của bạn tiến sâu vào cơ thể nội tại. Bạn đang ngược dòng trở về Cội Nguồn của nó. Khí chuyển động; còn cõi Bất thị hiện thì tĩnh lặng. Khi bạn tiến đến điểm tĩnh lặng tuyệt đối, vậy mà vẫn tràn đầy sức sống, bạn đã vượt qua khỏi cơ thể nội tại và qua khỏi khí đến tận Cội Nguồn: tức là đến cõi Bất thị hiện. Khí là mối liên kết giữa cõi Bất thị hiện và vũ trụ vật chất.

Cho nên nếu tập trung chú ý sâu vào cơ thể nội tại. Bạn có thể tiến đến điểm này, đến cái điệm kỳ lại này, nơi mà thế giới tan biến vào cõi Bất thị hiện và cõi Bất thị hiện nhận lấy hình tướng dưới dạng dòng năng lượng gọi là khí, sau đó mới biến thành thế giới. Đây là điểm sinh tử, là cửa quan sinh tử. Khi ý thức của bạn hướng ra bên ngoài, thì tâm trí và thế giới phát sinh. Khi nó được hướng vào bên trong, nó nhận ra Cội Nguồn của mình để trở về nhà tiến vào cõi Bất thị hiện. Thế rồi, khi ý thức của bạn quay trở lại thế giới thị hiện, bạn chấp nhận lại cái nhân thân hữu tướng mà bạn đã tạm thời từ bỏ. Bạn có một danh xưng, một quá khứ, một hoàn cảnh sống và một tương lai. Nhưng về mặt cốt yếu, bạn không giống như con người trước đây của mình nữa: Bạn đã thoáng thấy thực tại bên trong chính mình vốn không “thuộc về thế giới này”, mặc dù nó không tách mình khỏi thế giới này, cũng như không tách rời khỏi bạn.

Bây giờ bạn hãy thực hành tâm linh như sau: Khi bạn đi ra ngoài kiếm sống, đừng dành toàn bộ chú ý của mình cho thế giới bên ngoài và cho tâm trí của bạn. Hãy lưu giữ đôi chút chú ý vào bên trong. Tôi đã nói về điều này rồi. Hãy cảm nhận cơ thể nội tại ngay cả khi bị cuốn hút vào các sinh hoạt thường ngày, nhất là khi bạn bị dính líu vào các mối quan hệ hay khi bạn gắn bó với thiên nhiên. Hãy cảm nhận sự tĩnh lặng sâu bên trong nó. Hãy giữ cho cánh cổng luôn rộng mở. Nhờ đó, bạn hoàn toàn có thể ý thức được cõi Bất thị hiện bàng bạc khắp mọi nơi trong cuộc sống. Bất kể sự việc gì xảy ra ở bên ngoài, bạn vẫn cảm nhận được nó như là sự an bình sâu sắc ở đâu đó trong bối cảnh cuộc sống, như là sự tĩnh lặng không bao giờ rời bỏ bạn.

Bạn trở thành chiếc cầu nối giữa cõi Bất thị hiện và cõi thị hiện, giữa Thượng đế và thế gian. Đây là trạng thái cộng thông với Cội Nguồn mà chúng ta gọi là giác ngộ.

Đừng có cảm tưởng rằng cõi Bất thị hiện tách rời khỏi thế giới thị hiện. Làm sao có thể như thế được? Nó chính là sự sống bên trong mỗi hình tướng, là tinh hoa nội tại của tất cả mọi sự vật đang hiện hữu. Nó tràn đầy khắp thế giới này. Xin được giải thích như dưới đây:

Giấc ngủ không mộng mị

Bạn du hành vào cõi Bất thị hiện hằng đêm khi bạn tiến vào giai đoạn ngủ sâu không mộng mị. Bạn hòa nhập vào Cội Nguồn. Bạn rút ra từ đó phần sinh lực duy trì bạn một thời gian khi bạn quay về cõi thị hiện, về thế giới hình tướng thiên sai vạn biệt. So với thực phẩm, năng lượng này cần thiết cho sự sống hơn nhiều: “con người sống không chỉ riêng bằng bánh mì thôi” (trích sách Phúc âm). Nhưng trong giấc ngủ không mộng mị, bạn không tiến vào Cội Nguồn một cách hữu thức. Mặc dù các chức năng cơ thể vẫn còn đang hoạt động, “bạn” không còn hiện hữu trong trạng thái đó nữa. Bạn có thể hình dung tiến vào giấc ngủ sâu không mộng mị với sự tỉnh thức hoàn toàn sẽ giống như thứ gì không? Không thể hình dung được, bởi vì tình trạng đó không có ý nghĩa gì cả.

Cõi Bất thị hiện không giải phóng bạn cho đến khi bạn tiến vào đó một cách hữu thức. Đó là lý do giải thích tại sao Chúa Jesus không nói: Chân lý sẽ giải thoát ngươi, mà nói: “Ngươi sẽ hiểu rõ chân lý, và chân lý sẽ giải thoát ngươi”. Đây không phải là chân lý ở bình diện khái niệm. Nó chính là chân lý về sự sống vĩnh hằng vượt ra khỏi hình tướng, vốn được hiểu một cách trực tiếp, nếu không bạn chẳng hiểu gì cả. Nhưng đừng cố gắng giữ cho mình tỉnh táo trong giấc ngủ sâu không mộng mị. Dứt khoát bạn sẽ không thành công. Ít ra, bạn có thể giữ cho mình tỉnh táo trong giai đoạn ngủ nằm mộng, nhưng không thể tiến xa hơn được. Tình hình này được gọi là nằm mộng tỉnh táo (lucid deaming), có thể thú vị và hấp dẫn, nhưng nó vẫn không giải thoát bạn được.

Vì vậy, hãy dùng cơ thể nội tại của bạn làm cánh cổng, qua đó bạn tiến sâu vào cõi Bất thị hiện, và giữ cho cánh cổng đó luôn rộng mở để cho bạn thường xuyên kết nối với Cội Nguồn. Về mặt cơ thể nội tại mà nói, thì cho dù thân xác bên ngoài của bạn già hay trẻ, yếu đuối hay khỏe mạnh, cũng không có gì khác biệt. Cơ thể nội tại có tính phi thời gian. Nếu chưa có thể cảm nhận được cơ thể nội tại, bạn hãy dùng đến một trong những cánh cổng khác, mặc dù nói cho cùng tất cả chúng chỉ là một. Một số cánh cổng đã được bàn đầy đủ chi tiết rồi, nhưng ở đây tôi cũng nhắc lại một cách ngắn gọn.

Những cánh cổng khác

Cái Bây giờ có thể được xem là cánh cổng chính. Nó là khía cạnh cốt yếu của mọi cánh cổng khác, kể cả cơ thể nội tại. Bạn không thể hiện diện trong cơ thể mình nếu không hiện trú toàn triệt trong cái Bây giờ.

Thời gian không thể tách rời khỏi thế giới thị hiện cũng giống như cái Bây giờ phi thời gian và cõi Bất thị hiện vậy. Khi bạn giải trừ được thời gian tâm lý nhờ triệt ngộ khoảng khắc hiện tại, bạn ý thức cõi bất thị hiện một cách trực tiếp lẫn gián tiếp. Một cách trực tiếp, bạn cảm thấy nó như là sức mạnh hiện trú hữu thức và rạng rỡ của mình – không hàm ngụ điều gì cảm chỉ hiện trú thôi. Một cách gián tiếp, bạn hiểu rõ cõi Bất thị hiện ở bên trong và thông qua lãnh vực của các giác quan. Nói khác đi, bạn cảm nhận được tinh hoa thượng đế trong mọi tạo vật, mọi đóa hoa, mọi hòn đá, và bạn nhận ra rằng: “Tất cả mọi sự vật hiện hữu đều linh thiêng”. Đây là lý do giải thích tại sao Chúa Jesus phán: “Bổ đôi mảnh gỗ, Ta hiện hữu ở đó. Nhấc hòn đá lên, ngươi sẽ tìm thấy ta” (Phúc Âm thánh Thomas). Phán truyền này hoàn toàn xất phát từ tinh hoa Thượng đế hay bản tính Thiên Chúa của ngài.

Một cánh cổng khác dẫn vào cõi Bất thị hiện được kiến tạo nhờ ngưng dứt dòng suy nghĩ. Tình hình này có thể khởi đầu bằng một việc làm rất đơn giản, như hô hấp một cách hữu thức hay ngắm nhìn một đóa hoa chẳng hạn trong trạng thái cảnh giác cao độ, sao cho cùng lúc ấy không có sự vận hành phán xét của tâm trí . Có nhiều cách để tạo ra khoảng hở trong dòng suy nghĩ lưu xuất bất tận. Đây là tâm điểm mà toàn bộ thiền định nhắm đến. Ý nghĩ là một bộ phận thuộc lãnh địa của thế giới thị hiện. Hoạt động không ngưng nghỉ của tâm trí cầm tù bạn trong thế giới hình tướng và trở thành tấm bình phong mờ đục ngăn cản không cho bạn nhận biết cõi Bất thị hiện, nhận biết cái tinh hoa Thượng đế vô tướng và phi thời gian trong chính bạn, trong mọi sự việc, và trong mọi tạo vật. Khi bạn hiện trú toàn triệt, dĩ nhiên bạn sẽ không cần phải quan tâm đến sự ngưng dứt dòng suy nghĩ, bởi vì lúc ấy tâm trí tự động ngưng cưỡng chế bạn. Đó là lý do giải thích tại sao tôi nói cái Bây giờ là khía cạnh cốt yếu của mọi cánh cổng khác.

Sự vâng phục – tức là buông bỏ mọi sự phản kháng về mặt tâm trí – xúc cảm đối với cái đang là – cũng là cánh cổng dẫn vào cõi Bất thị hiện. lý do thật đơn giản là: sự phản kháng nội tại tách bạn rời xa những người khác, xa rời chính bạn, và xa rời thế giới chung quanh bạn. Nó tăng cường cảm nhận về sự phân biệt mà tự ngã hư ngụy lệ thuộc vào để tồn tại. Cảm giác phân biệt càng mạnh mẽ, bạn càng bị ràng buộc vào cõi thị hiện, vào thế giới hình tướng sai biệt. Càng bị ràng buộc vào thế giới hình tướng này, thì nhân cách hữu tướng của bạn càng trở nên vững chắc hơn và khó xuyên thấu hơn. Cánh cổng bị đóng chặt, và bạn bị tách rời khỏi chiều kích nội tại, khỏi chiều sâu thẳm. Trong trạng thái vâng phục, nhân cách hữu tướng của bạn suy yếu đi và trở nên hơi “trong suốt”, có thể nói như vậy, cho nên cõi Bất thị hiện có thể chiếu sáng xuyên qua bạn.

Bạn có nhiệm vụ mở toang một cánh cổng trong cuộc đời mình để hữu thức tiến vào cõi Bất thị hiện. Hãy kết nối với trường năng lượng trong cơ thể nội tại, hãy hiện trú toàn triệt, hãy giải trừ tình trạng đồng hóa với tâm trí, hãy vâng phục đối với cái đang là, đây là tất cả những cánh cổng bạn có thể dùng được – nhưng bạn chỉ cần dùng một cái thôi.

Chắc hẳn tình thương cũng là một trong số những cánh cổng ấy?

Không. Ngay khi một trong những cánh cổng ấy mở ra, tình thương hiện diện trong bạn như là “tri kiến nhờ cảm nhận” về cái nhất thể. tình thương không phải là cánh cổng dẫn vào cõi Bất thị hiện; nó chính là cái đến với thế giới này xuyên qua cánh cổng ấy. Bao lâu bạn còn bị vướng mắc hoàn toàn trong nhân cách hữu tướng của mình, tình thương không thể hiện hữu ở trong người bạn. Nhiệm vụ của bạn không phải là đi tìm tình thương, mà là tìm thấy cánh cổng qua đó tình thương đến với bạn.

Sự yên lặng

Phải chăng còn có những cánh cổng khác ngoài những cánh cổng ông vừa đề cập?

Vâng, có đấy. Cõi Bất thị hiện không tách rời cõi thị hiện. Nó bàng bạc khắp thế giới này, nhưng nó khéo ngụy trang đến mức hầu như mọi người đều hoàn toàn không thấy nó. Nếu bạn biết chỗ nhìn, bạn sẽ thấy nó ở khắp nơi. Cánh cổng luôn luôn rộng mở.

Bạn có nghe tiếng chó sủa vẳng lại từ ngoài xa không? Hay tiếng ôtô chạy ngang qua không? Hãy lắng nghe thật kỹ. Bạn có thể cảm nhận sự hiện diện của cõi Bất thị hiện trong đó không? Bạn không thể ư? Hãy tìm kiếm nó bên trong cái tĩnh mịch mà từ đó cái âm thanh xuất phát và quay trở về. Hãy tập trung chú ý vào cái yên lặng hơn là vào các âm thanh. Tập trung chú ý vào cái yên lặng bên ngoài tạo ra sự yên lặng nội tại: tâm trí trở nên tĩnh lặng, cánh cổng đang mở toang ra.

Mọi âm thanh đều sinh ra từ yên lặng, rồi chìm trở lại trong yên lặng, và suốt quãng đời của nó được bao quanh bởi sự yên lặng. Sự yên lặng cho phép âm thanh hiện hữu. Nó chính là bộ phận nội hàm mà bất thị hiện của mọi âm thanh, mọi nốt nhạc, mọi bài hát, mọi lời lẽ. Cõi Bất thị hiện có mặt trong thế giới này dưới dạng sự yên lặng. Đây là lý do giải thích tại sao người ta nói rằng không có thứ gì trong thế giới này lại giống Thiên Chúa như sự yên lặng. Tất cả mọi việc bạn phải làm là tập trung chú ý vào nó. Ngay trong lúc đối thoại, hãy ý thức các khoảng hở giữa các lời lẽ, các quãng yên lặng ngắn ngủi giữa các câu hỏi. bạn không thể tập trung chú ý vào sự yên lặng mà đồng thời không tĩnh lặng ở bên trong. Yên lặng bên ngoài, tĩnh lặng bên trong. Bạn đã tiến vào cõi Bất thị hiện.

Không gian

Giống như trường hợp không âm thanh nào có thể hiện hữu mà không có sự yên lặng, không vật gì có thể hiện hữu mà không có cái không một vật, mà không có khoảng không trống rỗng cho phép nó hiện hữu. mọi vật hay mọi cơ thể vật chất đều xuát phát từ cái không, đều được bao bọc chở đõ bởi cái không, và sau cùng sẽ quay về cái không. Không những thế, mà ngay bên trong mỗi cơ thế vật chất, thể tích của cái “không một vật”, cái không, cái Vô chiếm phần nhiều hơn rất đáng kể so với cái “có vật”, cái có, cái Hữu. Các nhà vật lý học bảo chúng ta rằng tính rắn chắc của vật chất là ảo tưởng. Ngay đến các loại vật chất có vẻ rắc chắc, trong đó có thân xác của bạn, gần 100% thế tích của chúng là khoảng không trống rỗng – khoảng cách giữa các nguyên tử vô cùng rộng, lớn hơn so với kích thước của chúng. Hơn nữa, ngay bên trong mỗi nguyên tử thì hầu hết đều là khoảng không trống rỗng. Phần còn lại là thứ giống như là tần số rung động chứ không phải là các hạt vật chất rắn chắc, rất giống một nốt nhạc. Hơn 2500 năm qua, các Phật tử đều thuộc nằm lòng câu: “Sắc tức là không, không tức là Sắc” trong tâm kinh, một trong các kinh điển cổ xưa nối tiếng nhất của Phật giáo. Bản tính của tất cả mọi vật đều là không.

Cõi Bất thị hiện không chỉ hiện diện trong thế giới này dưới dạng sự yên lặng, nó còn bàng bạc khắp toàn thể vũ trụ vật chất dưới dạng không gian – cả bên trong lẫn ở bên ngoài. Giống y như sự yên lặng, người ta cũng dễ dàng không để ý đến nó. Mọi người đều hướng chú ý đến các vật thể trong không gian, nhưng mấy ai chú ý đến chính cái không gian ấy?

Dường như ông ngụ ý rằng cái “không” hay cái “vô” không phải chỉ là cái không một vật, rằng trong đó còn có một tính chất huyền bí nào đó. Vậy cái không này là gì?

Bạn không thể nếu ra một câu hỏi như thế. tâm trí của bạn đang ra sức biến cái không thành một vật gì đó, thành cái Hữu. ngay lúc bạn biến nó thành một vật gì đó, thì bạn đã đánh mất nó. Cái không – không gian – chính là biểu hiện của cõi Bất thị hiện dưới dạng một hiện tượng hiển thị ra ngoài trong cái thế giới cảm nhận được bằng các giác quan này. Đó là mức tối đa cho dù nghịch lý mà người ta có thể tận lực nói về nó. Nó không thể trở thành đối tượng để chúng ta thu thập kiến thức. Bạn không thể làm luận án tiến sĩ về cái “không”. Khi nghiên cứu về không gian, các nhà khoa học thường biến nó thành một vật gì đó, do đó hoàn toàn bỏ quên bản tính của nó. Không lấy gì làm ngạc nhiên rằng lý thuyết gần đây nhất cho rằng không gian không phải là hoàn toàn trống rỗng, rằng nó tràn đầy một chất nào đó. Một khi bạn xây dựng một lý thuyết, thật không khó cho lắm để tìm thấy chứng cứ nhằm bênh vực nó, ít ra cho đến khi xuất hiện một lý thuyết khác.

Cái “không” chỉ có thể trở thành cánh cổng dẫn bạn vào cõi Bất thị hiện nếu bạn đừng ra sức tìm hiểu nó bằng đầu óc.

Chẳng phải đó là điều chúng ta đang làm ở đây sao?

Hoàn toàn không. Tôi đang cống hiến cho bạn các chỉ dẫn giúp bạn có thể mang chiều kích của cõi Bất thị hiện vào cuộc sống của mình. Chúng ta không cố gắng hiểu nó. Không có thứ gì để tìm hiểu.

Không gian không có “sự hiện hữu”. “Hiện hữu” theo nghĩa đen có nghĩa là “nổi bật”. Bạn không thể tìm hiểu không gian bởi vì nó không nổi bật lên. Mặc dù bản thân không gian không hiện hữu, nhưng nó cho phép mọi thứ khác hiện hữu. Sự yên lặng cũng không hiện hữu, và cõi Bất thị hiện cũng vậy.

Vì vậy, điều gì sẽ xảy ra nếu bán thôi không chú ý đến các sự vật trong không gian, và chỉ chú ý đến chính cái không gian ấy? Bản tính của căn phòng này là gì? Các món đồ gỗ, tranh ảnh, và vân vân ở trong căn phòng, nhưng chúng không phải là căn phòng. Sàn nhà, các bức tường, và trần nhà xác định giới hạn căn phòng, nhưng chúng cũng không phải là căn phòng. Vậy thì bản tính của căn phòng này là gì? Dĩ nhiên là không gian, cái không gian trống rỗng. Sẽ không có “căn phòng nào nếu không có nó. Bởi vì không gian là cái “không một vật”, cho nên chúng ta có thể nói rằng cái không hiện hữu ở đó mới quan trọng hơn cái hiện hữu ở đó. Cho nên, hãy nhận biết cái không gian bao quanh bạn. Đừng suy nghĩ về nó, mà hãy cảm nhận nó, có thể nói như vậy. Hãy tập trung chú ý đến cái “không một vật”.

Khi bạn làm như thế, sự chuyển hóa ý thức sẽ diễn ra bên trong bạn, sau đây là lý do. Cái tương đương nội tại với các sự vật trong không gian như đồ đạc, tranh ảnh, tường vách, và vân vân chính là các đối tượng trong tâm trí của bạn: các ý nghĩ, các xúc cảm, và đối tượng của các giác quan. Và cái tương đương nội tại vối không gian là ý thức cho phép các đối tượng của tâm trí hiện hữu. Vì vậy, nếu bạn không để ý đến các sự vật – các đối tượng trong không gian – bạn cũng sẽ tự động không còn chú ý đến các đối tượng của tâm trí. Nói khác đi, bạn không thể suy nghĩ để cảm nhận không gian – hay cảm nhận sự yên lặng, vì lý do đó. Bằng cách cảm nhận không gian rỗng rang quanh mình, bạn đồng thời cảm nhận được khoảng không gian vô niệm, khoảng không gian ý thức thuần túy – tức là cảm nhận được cõi Bất thị hiện. Trầm tư về không gian theo cách này chính là cánh cổng giúp bạn tiến vào cõi Bất thị hiện.

Không gian và thời gain là hai khía cạnh của cùng một thứ, tức là hai khía cạnh của cái không một vật. Chúng là biểu hiện của không gian nội tại và sự yên lặng nội tại, biểu hiện của cái tĩnh lặng: cái dạ con có khả năng vô biên vốn sáng tạo ra tất cả mọi hiện hữu. Hầu hết mọi người đều hoàn toàn không ý thức về chiều kích này. Đối với họ, không có không gian nội tại, không có sự tĩnh lặng. Họ mất đi sự cân bằng. nói khác đi, họ biết rõ thế giới, hay nghĩ rằng mình biết, nhưng họ không biết Thượng Đế. Họ đồng hòa chỉ với hình tướng thể xác và tâm lý của riêng họ, mà không ý thức được bãn tính của mình. Và bởi vì mọi hình tướng đều vô cùng bất ổn định, họ sống trong sợ hãi. Nỗi sợ hãi này khiến cho họ ngộ nhận về bản thân và về người khác, làm cho trí kiến của họ về thế gian bị méo mó, sai lệch đi.

Nếu vũ trụ bị rối loạn dữ dội gây ra thảm họa tận thế thì cõi Bất thị hiện cũng hoàn toàn không bị ảnh hưởng bởi thảm họa ấy. Tác phẩm A Course in Miracles diễn tả sự thật này một cách chua xót rằng: “Không có gì chân thực có thể bị đe dọa. Không có gì không chân thực có thể hiện hữu. Tại nơi đây sự thanh bình của Thiên Chúa yên nghỉ”.

Nếu bạn thường xuyên kết nối hữu thức với cõi Bất thị hiện, bạn sẽ đánh giá cao, yêu thương, và ngưỡng mộ sâu sắc cõi thị hiện và mọi hình thức sống trong cọi ấy như là biểu hiện của sự sống duy nhất vượt ra ngoài hình tướng. Bạn cũng biết rằng mọi hình tướng đều nhất định sẽ lại tan biến đi vào hư vô, và sau cùng không có sụ vật gì ngoài kia quá quan trọng như người ta vẫn tưởng. Bạn đã “chinh phục thế gian” theo cách nói của Chúa Jesus, hay như Đức Phật phát biểu, bạn đã “đáo bỉ ngạn” (đến bờ bên kia).

Bản chất đích thực của không gian và thời gian

Giờ đây bạn hãy xem xét điều này: Nếu có bất cứ thứ gì ngoài sự yên lặng, thì nó sẽ không hiện hữu đối với bạn; bạn sẽ không biết yên lặng là gì cả. chỉ khi nào âm thanh xuất hiện, thì sự yên lặng mới hiện hữu. tương tự, nếu chỉ có không gian mà không có bất cứ vật gì trong đó, thì đối với bạn không gian sẽ không hiện hữu. Hãy hình dung bản thân bạn là một ý thức bồng bềnh trong cái bao la vô tận của không gian – không trăng sao, không dải thiên hà nào, chỉ có khoảng hư không trống rỗng mà thôi. Đột nhiên, không gian không còn rộng lớn nữa, nó sẽ không hiện hữu ở nơi đó nữa. Sẽ không có tốc độ, không có chuyển động từ nơi này đến nơi khác. Ít nhất cần phải có hai điểm qui chiếu để cho không gian và quãng cách xuất hiện. không gian xuất hiện ngay vào lúc cái Một sinh Hai, và khi cái “hai” sinh “vạn vật”, như Lão Tử gọi thế giới thị hiện này, thì không gian mới trở nên càng lúc càng rộng lớn hơn, càng bao la hơn. Như vậy, thế giới và không gian đồng thời xuất hiện.

Không vật gì có thể hiện hữu mà không có không gian, vậy mà không gian lại là cái không một vật. Trước khi vũ trụ xuất hiện, trước khi có vụ nổ lớn “big bang”, nếu bạn thích gọi như thế, không hề có một không gian trống rỗng bao la chờ sẵn để được lấp đầy. Không có không gian, bởi vì không có vật gì cả. Chỉ có cõi Bất thị hiện – cái Nhất Thể, cái Một. Khi cái Một sinh ra “vạn vật”, thì đột nhiên không gian dường như đã ở đó sẵn để cho mọi vật được hiện hữu. Vậy nó từ đâu đến? Phải chăng nó được Thượng đế sáng tạo để che đỡ vũ trụ này? Dĩ nhiên là không. Không gian là cái không một vật, cho nên nó không bao giờ được tạo dựng.

Bạn hãy ra ngoài trời vào một đêm trong trẻo để ngước nhìn bầu trời. bằng mắt trần bạn có thể nhìn thấy hàng ngàn tinh tú, nhưng đó chẳng qua chỉ là một phần cực kỳ ít ỏi trong vô lượng tinh hà hiện hữu ở đó. Bằng kính thiên văn cực mạnh người ta có thể đếm được hơn 100 tỷ thiên hà, và mỗi thiên hà là một “ốc đảo vũ trụ” có đến hàng tỷ ngôi sao. Song lẽ, cái thậm chí đáng kinh hoàng hơn chính là cái bao la vô tận của bản thân không gian, là cái sâu thẳm và tĩnh lặng cho phép tất cả mọi thứ huy hoàng tráng lệ đến thể được hiện hữu. Không gì có thể đáng kinh ngạc và hùng vĩ hơn cái bao la và tĩnh lặng không thể nghĩ bàn của không gian, song nó là gì? Cái không hư, cái hư không bao la vô tận.

Xem ra không gian trong cái vũ trụ được nhận thức qua tâm trí và các giác quan của chúng ta chính là bản thân cõi Bất thị hiện biểu lộ ra ngoài. Nó là “thánh thể” của Thượng đế. Và điều kỳ diệu vĩ đại nhất là: Cái tĩnh lặng và bao la vô tận cho phép vũ trụ hiện hữu không chỉ ở cái không gian bên ngoài kia – nó cũng ở bên trong bạn, nó bao la theo chiều sâu thẳm, chứ không theo chiều rộng. Chiều rộng không gain nói cho cùng là ngộ nhận về chiều sâu thẳm vô lượng vô biên – một thuộc tính của thực tại duy nhất siêu việt.

Theo Einstein, không gian và thời gian không tách rời nhau. Tôi thực sự không hiểu, nhưng theo tôi, ông ta nói rằng thời gian là chiều thứ tư của không gian. Ông ấy gọi nó là “chuỗi liên tục không - thời gian”.

Phải. Cái mà bề ngoài bạn xem là không gian và thời gian nói cho cùng đều là ảo tưởng, nhưng chúng chứa đựng cốt lõi của chân lý. Không gian và thời gian là hai thuộc tính của Thượng đế, sự vô hạn vô biên và sự vĩnh hằng, được xem như thể chúng hiện hữu bên ngoài vậy. Bên trong bạn, cả không gian lẫn thời gian đều có một thứ tương đương nội tại bộc lộ bản chất đích thực của chúng, cũng như của chính bạn. trong khi không gian là lãnh địa vô niệm tĩnh lặng và sâu thẳm vô biên, thì cái tương đương nội tại của thời gian chính là sự hiện trú, là tri kiến về cái Bây giờ vĩnh hằng. Hãy nhớ rằng giữa chúng không có sự khác biệt gì cả. Khi không gian và thời gian được trực ngộ bên trong bạn như là cõi Bất thị hiện – vô niệm và hiện trú – thì không gian và thời gian bên ngoài tiếp tục hiện hữu đối với bạn, nhưng chúng trở nên kém quan trọng hơn nhiều. Thế giới cũng tiếp tục hiện hữu đối với bạn, nhưng nó sẽ không còn trói buộc bạn nữa.

Vì vậy, mục đích tối hậu của thế giới này không nằm bên trong nó mà ở sự siêu việt lên trên nó. Giống y như bạn sẽ không nhận biết được không gian nếu không có vật gì hiện hữu trong cái không gian ấy, thế giới này cần thiết cho bạn trực ngộ ra cõi Bất thị hiện. Có lẽ bạn đã từng nghe câu nói sau đây của giới Phật tử: “Không có tuồng ảo hóa, sẽ không có giác ngộ”. Chính thông qua cái thế giới này và sau cùng thông qua bạn mà cõi Bất thị hiện hiểu rõ bản thân nó. Bạn hiện hữu ở đây để cho mục đích thiêng liêng của vũ trụ này bộc lộ ra. Vậy ra bạn quan trọng biết dường nào!

Cái chết hữu thức

Ngoài giấc ngủ sâu không mộng mị mà tôi đã đề cập, còn có một cánh cổng không chủ động khác dẫn vào cõi Bất thị hiện. Nó mở rộng trong chốc lát vào thời điểm thân xác trút hơi thở sau cùng. Cho dù bạn đã bỏ lỡ tất cả mọi cơ hội hiện thực tâm linh trong cả đời mình, thì một cánh cổng sau cùng sẽ mở ra cho bạn ngay sau khi thân xác bạn chết đi.

Vô số bài tường thuật của những người từng có ấn tượng về cánh cổng này rồi sau đó quay trở về từ cái mà người ta thường gọi là kinh nghiệm kế cận cái chết đều cho rằng nó giống như một vùng ánh sáng chói lòa. Nhiều người trong số đó cũng nói đến cảm giác an lạc tột cùng và sự thanh thản sâu sắc. trong tác phẩm Tibetan Book of the Death, cánh cổng này được miêu tả là “ánh sáng chói lọi không màu sắc của Hư Không”, mà theo sách này chính là “cái tôi đích thực của bạn”. Cánh cổng này chỉ mở ra trong một thoáng rất ngắn ngủi, và trừ phi bạn đã từng bắt gặp chiều kích này của cõi Bất thị hiện trong đời mình, bạn rất có thể sẽ bỏ lỡ nó. Hầu hết mọi người đều chất chứa quá nhiều phản kháng, quá nhiều sợ hãi, quá nhiều gắn bó với kinh nghiệm giác quan, quá nhiều đồng hóa với thế giới thị hiện này. Cho nên khi thấy cánh cổng này thì liền sợ hãi quay đầu bỏ chạy, thế là họ đánh mất đi ý thức. Hầu hết các thứ xảy ra sau đó đều tự động và không còn chủ ý được nữa. sau cùng, họ sẽ phải trải qua một vòng luân hồi sinh tử khác. Sự hiện trú của họ chưa đủ mạnh để được bất tử một cách hữu thức.

Cho nên đi qua cánh cổng này phải chăng không có nghĩa là hoại diệt?

Như với tất cả các cánh cổng khác, bản tính rực rỡ chân thực của bạn vẫn còn, nhưng nhân dạng của bạn thì không. Bất luận thế nào, cái gì chân thực hay có giá trị đích thực trong nhân cách của bạn đều là bản tính chân thực chiếu sáng của bạn, bản tính này không hề mất đi. Không thứ gì có giá trị, không thứ gì chân thực từng mất đi cả.

Gần kề cái chết và bản thân cái chết, sự tan rã của hình tướng vật chất (thân xác), luôn luôn là một cơ hội lớn lao để thực hiện tâm linh. Cơ hội này hầu như luôn bị bỏ lỡ một cách đáng buồn, bởi vì chúng ta sống trong một nền văn hóa hầu như hoàn toàn không biết gì về cái chết, và gần như hoàn toàn không biết thứ gì thực sự quan trọng.

Mọi cánh cổng đều là cửa chết, qua đó cái tôi hư ngụy bị chết đi. Khi bạn đi qua nó, bạn không còn kiến tạo nhân dạng từ hình tướng tâm lý do tâm trí bày đặt ra nữa. Lúc ấy bạn nhận ra rằng cái chết là ảo tưởng, giống y như sự đồng hóa với hình tướng của bạn là ảo tưởng. Kết thúc ảo tưởng chính là tất cả ý nghĩa của cái chết vậy: Nó chỉ gây đau khổ bao lâu bạn còn ôm chặt lấy ảo tưởng.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]