Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương I: Sự yên tĩnh và im lắng

14/04/201113:11(Xem: 4935)
Chương I: Sự yên tĩnh và im lắng

SỨC MẠNH CỦA TĨNH LẶNG
Nguyên tác: STILLNESS SPEAKS
Tác giả: Eckhart Tolle
Dịch giả: Diện Mục Nguyễn Văn Hạnh

Chương I

SỰ YÊN TĨNH VÀ IM LẮNG

Khi bạn đánh mất liên lạc với sự im lắng ở nội tâm, bạn sẽ đánh mất liên lạc với chính mình. Khi bạn đánh mất liên lạc với chính mình, bạn sẽ tự đánh mất mình trong thế giới của hình tướng(1).

Cảm nhận nội tại về chính tự thân mình, tức bản chất chân thực của bạn là gì, bản chất ấy không thể tách rời khỏi sự im lắng(2).Đây chính là cái Chân Ngã(3)sâu kín của bạn vượt lên trên Tên Gọi và Hình Tướng(4).

§

Sự im lắng chính là bản chất chân thực của bạn. Vậy sự im lắnglà gì? Đó chính là không gian ở trong bạn, là khả năng nhận thức từ đó những chữ trên trang giấy này được tạo thành khái niệm và trở thành những ý nghĩ ở trong đầu bạn. Nếu không có khả năng nhận biết đó, sẽ không có khái niệm, không có ý tưởng, không có thế giới.

Bạn chính là khả năng nhận biếtđó được che giấudưới hình dáng của một con người.

§

Tương đương với tiếng động ồn ào ở bên ngoài là sự ồn ào của những suy tưởng bên trong.

Tương đương với sự im lặng ở bên ngoài là sự im lắng ở nội tâm.

Khi nào có sự yên tĩnh ở chung quanh – bạn hãy lắng yên để nghe sự yên tĩnh đó. Tức là chỉ để ý, chú tâm đến sự yên tĩnh đó. Lắng nghe sự yên tĩnh như thế sẽ làm thức dậy một chiều không gian im lắngở trong bạn, vì chỉ qua sự im lắngthì bạn mới có thể nhận ra sự yên tĩnh.

Bạn sẽ nhận ra rằng giây phút bạn lưu ý đến sự yên lặng ở chung quanh, bạn không hề suy nghĩ. Bạn chỉ nhận biết, nhưng không hề suy tư.

§

Khi bạn chú tâm đến sự yên lặng, ngay lập tức có một trạng thái cảnh giác nhưng rất im lắng ở nội tâm. Bạn đang hiện diện. Bạn vừa bước ra khỏi thói quen suy tưởng của tâm thức cộng đồng, của nhân loại, một thói quen đã bị thâm nhiễm trong hàng ngàn năm qua.

§

Hãy nhìn một thân cây, hay một bông hoa. Hãy để cho nhận thức của bạn đậu lên trên vật thể đó – như một cánh bướm. Bông hoa ấy tĩnh lặng biết bao nhiêu! Thân cây và bông hoa đang cắm rễ trong trạng thái an nhiên tự tại biết bao nhiêu. Hãy để thiên nhiên dạy cho ta thế nào là tĩnh lặng.

§

Khi bạn nhìn vào một thân cây và nhận ra sự tĩnh lặng của thân cây đó, chính bạn cũng trở thành sự tĩnh lặng. Bạn tiếp xúc với thân cây ở một mức độ rất sâu. Bạn sẽ cảm thấy đồng nhất với những gì bạn đang cảm nhận qua sự tĩnh lặng. Cảm nhận sự đồng nhất giữa mình với mọi vật đó chính là Lòng Xót Thương – một tình thương chân chính.

§

Sự im lặng rất hữu ích. Nhưng bạn không cần phải có sự im lặng thì mới giúp bạn tìm ra sự tĩnh lặng. Ngay cả những khi có tiếng ồn, bạn vẫn có thể nhận ra đang có sự tĩnh lặng bên dưới những ồn ào, nhận ra khoảng không gian từ đó tiếng động được phát sinh. Đó chính là không gian bên trong của nhận thức thuần khiết, đó cũng chính là Tâm(5).

§

Bạn chợt nhận ra rằng có một sự nhận biết như là một cái nền nằm sau tất cả những nhận thức của các giác quan, tất cả những suy tư. Nhận ra sự nhận biết đó là sự phát sinh của sự tĩnh lặng ở nội tâm.

§

Bất kỳ một tiếng ồn đáng ghét nào cũng đều hữu ích như sự lặng yên. Làm cách nào?

Bằng cách buông bỏ sự chống đối trong nội tâm về tiếng ồn, bằng cách cho phép tiếng ồn ấy được như nó đang là. Sự chấp nhận này cũng giúp bạn đi vào cõi an bình ở nội tâm, tức là sự tĩnh lặng.

§

Bất kỳ khi nào bạn chấp nhận một cách sâu sắc mỗi giây phút như bản chất của nó – bất kể hình thức phút giây ấy đang biểu hiện là gì – bạn sẽ có được trạng thái lặng yên, bạn có được sự an tịnh. Hãy chú tâm đến khoảng trống – khoảng trống giữa hai ý tưởng, khoảng không ngắn ngủi giữa những chữ trong một câu chuyện, giữa những nốt nhạc của tiếng dương cầm, hoặc khoảng trống giữa hơi thở vào và hơi thở ra của bạn.

Khi bạn chú tâm đến những khoảng trống đó, nhận thức về một cái gì đó, lúc ấy chỉ còn là nhận thức thuần khiết. Chiều không gian không có hình thể ấy của nhận thức thuần khiếtđược phát sinh từ bên trong bạn, thay thế cho thói quen của bạn thích tự đồng hóa mình(6)với những biểu hiện bên ngoài của hình tướng.

§

Như thế sự tĩnh lặng có phải là sự vắng mặt của tiếng ồn và những tình huống không? Không, sự tĩnh lặng chính là tự thân của sự thông thái – là Tâmnằm ở bên dưới, từ đó mọi thứ hữu hình(7)được phát sinh. Và làm sao cái Đócó thể tách rời với bản chất chân thực của bạn? Những biểu hiện tạm bợcủa hình tướng liên hệ đến bạn(8), mà bạn nghĩ chính là bạn, được phát sinh và nuôi dưỡng bởi cái Đó, bởi Tâm.

Cái Đó cũng là tinh chất của tất cả những thiên hà và mỗi ngọn cỏ; của tất cả những bông hoa, cây cối, chim chóc và tất cả mọi vật thể khác.

§

Sự tĩnh lặng là vật thể duy nhất trên cõi đời này không mang một hình tướng. Nhưng thực ra, sự tĩnh lặng đâu phải là một vật thể, và nó cũng không thuộc về thế giới này.

§

Khi bạn nhìn vào một thân cây hay một con người, từ sự tĩnh lặng ở trong bạn, thì ai đang nhìn vậy? Có một cái gì đó, sâu hơn là con người của bạn, đang nhìn. Đó là Tâm đang nhìn vào cái vật mà chính Tâm đã sáng tạo ra.

Kinh Thánh có câu: “Thượng Đế đã sáng tạo ra thế giới và Ngài đã cảm thấy rất hài lòng với những thứ mà Ngài đã tạo dựng nên”. Đó cũng là cảm giác hài lòng mà bạn cảm thấy khi ngắm nhìn một thân cây, hay một con người, từ sự tĩnh lặng, không vướng bận chút suy tư.

§

Bạn có cần thêm kiến thức? Nếu có thêm nhiều thông tin hơn, hay những chiếc máy điện toán có khả năng xử lý dữ liệu với tốc độ nhanh hơn, hay có thêm những phân tích khoa học hoặc tư duy gì đấy,… liệu chúng ta có cứu được thế giới khỏi tình trạng nguy ngập hiện nay không? Có phải lúc này, điều chúng ta cần nhất, chính là sự thông tuệ?

Nhưng sự thông tuệ là gì và ta có thể tìm ở đâu? Sự thông tuệ chỉ có được qua khả năng giữ cho lòng mình được lắng yên. Chỉ cần tập nhìn và lắng nghe. Bạn không cần gì thêm cả. Hãy tĩnh lặng, nhìn và lắng nghe sẽ làm phát sinh một sự thông thái, không-phải-bằng-suy-tư, ở trong bạn.

Hãy để cho sự tĩnh lặng hướng dẫn tất cả những lời nói và việc làm của bạn.

(1) Tự đánh mất mình trong thế giới của hình tướng:Vì không còn biết bản chất chân thật của mình, chúng ta thường tự đánh mất mình trong thế giới của hình tướng tức là những được, mất, hơn, thua,những đấu tranh, giành giật với nhau trong đời sống, trong những thói quen nghiện ngập,… để lấp đầy sự trống vắng, khổ đau của một con người đã đánh mất gốc rễ, cội nguồn.

(2) Sự im lắng:Là sự tĩnh lặng, không có hình tướng nhưng tràn đầy ý thức ở trong bạn. Đó cũng chính là bản chất chân thực của bạn.

(3) Chân Ngã: Chân Ngã tức là bản chất chân thực, bất họai, vĩnh cửu của mình. Chúng ta thường nhầm lẫn chân ngã của mình với những biểu hiện tạm bợ của hình tướng như: tên họ, địa vị, nghề nghiệp, danh tiếng, tài sản,… với bản chất chân chính của mình.

(4) Tên Gọi và Hình Tướng:Những quy ước, tên gọi của chúng ta về những biểu hiện tạm bợ của đời sống. Ví dụ, tiềnlà những mảnh giấy hay kim loại mà chúng ta trao đổi với nhau khi mua bán. Lễ cưới là một buổi tiệc để chính thức công bố quan hệ luyến ái giữa hai người… Dĩ nhiên, Tên Gọi và Hình Tướng chỉ là danh từ, khái niệm mà chúng ta dùng để mô tả một thực tại sinh động, mà đã là danh từ và khái niệm… thì nó không thể nắm bắt được chân lý, nắm bắt được thực tại sinh động, liên tục chuyển biến trong từng phút, từng giây.

(5) Tâm:Tức là cái Biết linh hoạt và sống động nhưng vô hình tướng ở trong ta. Đó chính là bản chất chân thực của mình.

(6) Thói quen thích tự đồng hóa mình:Thói quen cho rằng mình chỉ là một cảm xúc, ý tưởng, hay cảm giác nghiện ngập một cái gì đó ở trong mình. Ví dụ khi có một cảm giác khổ sở, bất hạnh đang phát sinh ở trong lòng, ta không dừng lại ở chỗ “Ồ có một cảm giác bất hạnh đang có mặt ở trong lòng tôi”, mà chúng ta nhanh chóng đồng hóa mình với cảm giác bất hạnh ấy và tự kết luận rằng “Tôi là một kẻ bất hạnh” hay tệ hơn nữa, “Tôi chính là sự bất hạnh của cuộc đời”.

(7) Mọi thứ hữu hình:Là tất cả những gì trong đời sống, trong vũ trụ mà ta có thể sờ mó, nhìn thấy, cảm nhận hoặc có thể tạo thành một khái niệm ở trong ta. Tất cả đều là biểu hiện của Tâm. Nói một cách khác, Tâm là nơi muôn vật, mọi thứ hữu hình được tạo ra, được sinh ra.

(8) Những biểu hiện tạm bợ của hình tướng liên hệ đến bạn: Ví dụ cơ thể, tuổi tác, cảm xúc, ý nghĩ, hành động, nghề nghiệp, tài sản… mà ta thường lầm tưởng là bản chất của mình. Đây chỉ là biểu hiện của cái Tâm vô hình, vô tướng, bản chất chân thật của bạn.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]