Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 39: Nhất Vị Pháp

25/03/201101:36(Xem: 8707)
Chương 39: Nhất Vị Pháp

KINH BỐN MƯƠI HAI CHƯƠNG
HT Thích Phước Tịnh Giảng Giải

CHƯƠNG 39
NHẤT VỊ PHÁP

Thưa đại chúng,
Giáo pháp của Đức Thế Tôn chỉ có một vị, đó là vị Giải Thoát.
Từ ngày xưa cho đến bây giờ đã hai mươi sáu thế kỷ, dù trải qua nhiều vùng đất khác nhau, thâm nhập vào nhiều nền văn hóa khác nhau và đệ tử của Đức Thế Tôn cũng chia ra nhiều Tông phái nhưng giáo pháp của Ngài duy nhất chỉ một vị giải thoát.

A. CHÁNH VĂN.

Trong chương Kinh ba mươi chín Đức Phật chỉ dạy một đoạn ngắn nhưng rất hay:

Phật ngôn: “Học Phật đạo giả, Phật sở ngôn thuyết, giai ưng tín thuận. Thí như thực mật, trung biên giai điềm. Ngô Kinh diệc nhĩ.”

Đức Phật dạy: “Người tu học Phật pháp thì những lời giáo huấn của Phật truyền đạt ta phải nên tin tưởng và thực tập. Ví như ăn mật, giữa chén mật và chung quanh chén mật đều ngọt. Lời dạy của ta, giáo pháp của ta cũng giống như vậy.” (tức là ngọt từ đầu tới cuối, từ ngoài vào trong). Nên Nhất Vị Pháp là tên của chương Kinh ba mươi chín nầy.

B. ĐẠI Ý.

Đại ý chương nầy muốn nói giáo lý Đức Phật hoàn thiện tuyệt đối xứng đáng cho Chư Thiên và loài người phát khởi niềm tin bất hoại để tu học.

Đức Phật được gọi là đấng cha lành của Trời, Người và các cảnh giới thấp hơn cõi người. Sự có mặt của Ngài không phải chỉ đem đến niềm vui cho loài người mà còn đem đến hạnh phúc, an lạc cho cõi Trời.

C. NỘI DUNG.

Đi vào nội dung của bài Kinh chúng ta có năm phần.
1. Giáo pháp của Đức Thế Tôn dù qua thời gian hay không gian vẫn không bị đào thải.
2. Giáo pháp của Đức Thế Tôn đáp ứng được tâm thức của con người mọi thời đại
3. Giáo pháp của Ngài chỉ có một vị giải thoát.
4. Con đường thực tập.
5. Phát khởi niềm tin bất hoại.

1. Tồn tại qua bao cuộc biển dâu.

Hiện tại trong xã hội chúng ta bạo động có mặt khắp mọi nơi trên hành tinh nầy. Thù hận, chiến tranh, hoạn họa cách đây năm mươi năm đều phát sinh từ ý thức hệ. Những xung đột, bạo lực, khủng bố hủy diệt xảy ra hiện tại là do vấn đề va chạm, tranh chấp giữa các nền văn minh, và tất cả những nền văn minh đều có gốc rễ từ tôn giáo. Cố nhiên, ở một mặt nào đó tôn giáo cũng là một trong những yếu tố rất quan trọng trong sự phát triển, đóng góp cho nền văn minh hòa bình của nhân loại.

Sự phát triển vượt bực về mọi lãnh vực trên thế giới đã nâng cao đời sống văn minh vật chất hiện đại, nhưng lại dễ đưa đến tình trạng khủng hoảng xã hội, khủng hoảng chính trị, kinh tế toàn cầu... và đời sống tâm linh bị tha hóa.

Cho nên ngày nay đã đến lúc tâm thức con người có nhu yếu tìm về sự hòa điệu trong cuộc sống chung, tìm về hạnh phúc, tìm về an lạc. Và đạo Phật với sự góp phần của mình cho nền hòa bình, văn minh trên hành tinh nầy qua giáo lý Từ Bi của đức Phật hơn hai ngàn năm trước vẫn còn mới, vẫn không thay đổi, vẫn còn hợp với tất cả mọi thời đại.

Xu thế của con người là yêu thương và muốn được sống trong yêu thương, muốn loại trừ hận thù, loại trừ niềm tin cuồng tín, và điều nầy chỉ là một mặt rất nhỏ trong kho tàng giáo điển của Phật trao cho chúng ta.

Đạo Phật loại trừ tính chất thần linh được đặt trên nền tảng tôn thờ, suy tôn, cuồng tín đức Giáo chủ. Người ta thường cho rằng không có tôn giáo nào “phi thần linh” như đạo Phật và chính Đức Phật từng tuyên bố Ngài chỉ là vị Thầy. Giáo lý của Ngài chỉ có công năng soi đường cho con người nương vào lời dạy của Ngài để tự thanh lọc thân tâm. Ngài cũng tuyên bố một điều rất nhân bản là mọi người đều có khả năng thành Phật. Mỗi con người đều có chất Phật bên trong nếu khéo quay về đào xới vùng tâm thức, gạn lọc những ô nhiễm thì chúng ta là Thánh thần, là Chúa của chính mình. Là Thượng Đế của chính mình.

Điều quan trọng hơn nữa là giáo lý đạo Phật dù trải qua hai mươi sáu thế kỷ nhưng chưa bao giờ lạc hậu, lỗi thời, cần phải củng cố, cần phải sửa sai, chỉnh lý. Những lời Đức Phật dạy vẫn đáp ứng được tâm thức con người qua mọi thời đại, qua mọi lãnh vực mặc cho hành tinh nầy có đưa nhân loại đến tầng cao văn minh nào đi nữa.

Thưa đại chúng, sự truyền bá của đạo Phật được lan rộng một cách tự nhiên, từ con đường tơ lụa băng qua sa mạc Gobivào Trung Hoa. Và cũng từ phương Namtheo các thuyền buôn người Ấn đến Việt Nam, Thái Lan... Chúng ta thấy rõ đoạn đường dài từ Ấn Độ qua Trung Hoa đến Tây Tạng, Đại Hàn, Nhật Bản và đến vùng Đông Nam Á đạo Phật chưa bao giờ làm đổ một giọt máu nào, hủy diệt một sinh linh nào cũng như chưa bao giờ phá hoại hay làm tổn thương văn hóa, môi sinh của bất cứ vùng đất nào mà Đạo Phật đặt chân đến.

Khi đến Trung Hoa đạo Phật mang đến cho đất nước nầy một kho tàng văn hóa thâm áo, giàu có. Khối lượng Kinh điển bát ngát được dịch ra tiếng Trung Hoa đã làm giàu cho Trung Hoa rất nhiều mặt; văn tự, chữ nghĩa, truyện ký, đạo đức, xã hội... phát triển rất lớn cho đến hiện tại.

Đi vào Tây Tạng cũng vậy, đạo Phật đã đóng góp, dựng nên một sắc thái đặc biệt đậm nét cho Tây Tạng. Không những niềm tin của dân bản địa không bị hủy diệt, mà đạo Phật đã đưa chánh pháp vào trong niềm tin địa phương, tô đậm thêm nét đặc thù Mật Thừa rất riêng của Phật giáo Tây Tạng ngày nay.

Và khi đến với Nhật Bản, đạo Phật là quà tặng rất lớn, rất nhiều mặt cho xứ sở trải dài với ba nghìn hòn đảo lớn, nhỏ trên Thái Bình Bương.

Một điều rất đặc biệt, là từ nền tảng Từ Bi Trí Tuệ của Phật giáo nên dù hiện tại là một quốc gia tiến bộ vượt bực về kỹ thuật hiện đại trên thế giới, nhưng người dân Nhật vừa thông minh vừa có tinh thần rất từ hòa, và biết thưởng lãm cái đẹp của thiên nhiên ban tặng. Đời sống của họ cũng lao xao mua bán, kinh doanh nhưng về lại nhà, ngôi nhà họ là một vùng thiên nhiên thu nhỏ. Họ biết làm cho tâm nhẹ nhàng, dịu lại, đặc biệt là chất Thiền thấm đẫm trong từng sinh hoạt của họ. Tất cả mọi sinh hoạt dù tầm thường, nhỏ nhặt cũng trở thành một nghệ thuật sống đầy thiền vị. Tao nhã, thanh khiết trong đời sống hầu như là bản chất, và qua các bộ môn như: bắn cung, cắm hoa, uống trà, đấu kiếm... đều đậm màu Thiền của Đạo Phật.

Từ những điều tôi chia xẻ trên chứng minh cho chúng ta thấy là khi đạo Phật thâm nhập vào vùng văn hóa nào thì làm cho nền văn hóa nơi đó được nâng cao, thăng hoa, có phẩm chất vượt trội.

Chúng ta thử nhìn lại trong quá khứ từ khi đạo Phật có mặt trong xã hội Ấn Độ thì nơi đây rất nhiều tôn giáo như Kỳ Na giáo đã có từ mấy trăm năm, Bà La Môn giáo cũng có mặt trước đó. Nhưng khi đạo Phật xuất hiện, Đức Phật đã làm một cuộc chuyển hóa vĩ đại trong đời sống tâm linh con người cũng như xã hội chỉ một thời gian rất ngắn. Điều nầy chứng minh đương thời những phương pháp Ngài dạy đã giúp người chứng nghiệm an lạc từ nguồn tuệ giác thâm sâu của Ngài.

Trong cuộc đời của Đức Thế Tôn lúc bấy giờ Ngài đã mang hòa bình đến cho rất nhiều tiểu quốc trên lưu vực sông Hằng. Bằng tự thân giáo lý của Ngài, bằng sự hiện thân của một Tăng đoàn hòa bình và bằng những lời dạy thực tiễn đầy trí tuệ, Ngài đã giúp cho những vương quốc đương thời thiết lập được đời sống yên ổn cho dân tộc mình.

Đặc biệt nhất là giáo lý bình đẳng của Ngài đã san bằng tính chất kỳ thị giai cấp nặng nề trong xã hội Ấn Độ. Con người sinh ra đời đều chịu cùng nỗi khổ như nhau và cùng có nhu cầu hạnh phúc như nhau. Điều nầy từ xưa chỉ có một mình Ngài đáp ứng được tâm thức con người, đến bây giờ và mãi cho đến tương lai.

Thưa đại chúng, Đức Phật dạy con người hãy đứng ngay thân phận mình, tự giải quyết niềm đau, nỗi khổ của mình. Chúng ta không là gạch nối của ai cả, con người là chủ của dòng sinh mệnh mình, nắm trong tay hạnh phúc hoặc đau khổ của mình.

– Giá trị của con người ở ngay nơi họ, trong chính đời sống họ. Sinh ra để sống cho họ, hoàn thiện tự thân họ; mà không phải được sinh ra từ ý muốn của Thần linh. Do vậy, họ có trọn vẹn chủ quyền về đời sống của chính họ. Họ không bị bắt buộc phải phục vụ thần linh và cũng không cần lệ thuộc vào tôn giáo hay một tổ chức nào.

– Đức Phật đến với chúng ta để thuyết minh về sự khổ và con đường thoát khổ. Nói về nỗi khổ thì tôn giáo nào cũng đều nói đến, nhưng để dạy con đường thoát khổ thì khác biệt.

Có những tôn giáo người ta dạy tín đồ, đệ tử muốn thoát khổ chỉ đến gửi niềm tin của mình cho vị giáo chủ hay Thần linh và ta chỉ cần nhờ một người trung gian thay ta làm hết mọi việc. Nhưng trong đạo Phật con đường giải thoát nằm trong bàn tay chúng ta, chúng ta là chủ nhân của bản thân mình. Niềm vui, nỗi khổ là của chính chúng ta, không ai có thể gột rửa, làm mất đi dùm chúng ta được.

Qua vài nét đặc thù ấy đủ chứng minh sự tồn tại của giáo pháp Đức Thế Tôn giữa dòng đời sinh diệt.

2. Giáo pháp của đức Phật đáp ứng được tâm thức con người mọi thời đại.

Tuệ giác của Đức Phật khám phá được chân lý tối hậu, và tất cả những điều Ngài dạy đều mang đặc tính khế cơ, khế lý và khế thời đáp ứng được tâm thức mọi người, mọi thời và mọi nơi.

Nếu chúng ta có trình độ hiểu biết, khi đến với đạo Phật và thấy giá trị đạo Phật đáp ứng được nhu cầu tri thức của chúng ta.

Nếu khi chúng ta có niềm tin đơn sơ, giản dị của người không tri thức thì khi đến với đạo Phật, chúng ta cũng tiếp nhận được những điều đơn giản, bình thường đạo Phật tặng cho chúng ta.

Nếu ta là một người có khuynh hướng thích suy tư, triết lý thì trong giáo lý đạo Phật có những điều Đức Thế Tôn dạy đáp ứng được nhu cầu tư duy, triết lý của ta.

Nếu tâm hồn chúng ta thuần phác, muốn đi thẳng vào pháp môn thực tập thì trong kho tàng đạo Phật vẫn có những pháp môn cho chúng ta thực tập; nghĩa là đạo Phật đáp ứng được mọi căn cơ của mỗi người, trong mọi thời và từng cấp độ tri thức đều đáp ứng được.

Do vậy chúng ta xác định được một điều là trong tự thân đạo Phật chỉ có một vị giải thoát. Tùy căn cơ, trình độ tri thức, từng loại chúng sanh mà tất cả đều có thể nếm hương vị giải thoát ấy.

Giáo lý đạo Phật không bao giờ trái với chân lý đời thường. Nền tảng nhất của chân lý đời thường là niềm tin nhân quả. Và từ nền tảng nầy làm cho người đến với đạo Phật ban đầu làm quen với giáo lý để thực tập đều phải giữ gìn năm giới, và năm giới nầy không bao giờ lỗi thời với xã hội nào cả. Từ mức độ thấp nhất đến mức độ tri thức cao nhất, nếu chúng ta muốn đi vào để làm hạnh phúc cho chính bản thân thì chúng ta phải đi vào cửa ngõ của năm giới. Khế lý là như vậy. Nó luôn là chân lý của mọi nơi, mọi thời và đặc tính của nó đáp ứng được mọi căn cơ không bao giờ bị đào thải. Dù cho thời gian trải qua bao nhiêu thế kỷ thì những điều Đức Thế Tôn dạy vẫn thích ứng một cách linh động trên hành tinh nầy.

3. Giáo pháp của Đức Thế Tôn chỉ có một vị.

Thưa quí vị, Đức Thế Tôn Ngài đã từng nói: “Giáo pháp của ta hoàn thiện ở phần đầu, hoàn thiện ở phần giữa, và hoàn thiện ở phần cuối.” Câu nầy Đấng Đạo Sư đã nói trong Kinh Chuyển Pháp Luân hay Vô Ngã Tướng, và bài Kinh ba mươi chín trong Tứ Thập Nhị Chương mà chúng ta đang học đây rất giống câu tuyên ngôn đầu tiên nầy.

Cuộc đời của Đức Thế Tôn từ lúc chuyển pháp luân cho tới lúc Ngài nhập Niết Bàn lời nói của Ngài trước sau như một không hề có sự thay đổi mâu thuẫn phía trước, phía sau gì cả mà chỉ có một vị. Đó là vị Giải Thoát.

Suốt chiều dài đạo Phật tồn tại, phát triển khắp nơi, phân chia ra nhiều Tông, Phái nhưng chưa có một trường phái đạo Phật nào sinh ra từ giáo lý Ngài chống trái lại lời dạy đầy hương vị giải thoát của Ngài. Đời sống Tăng đoàn từ hai ngàn sáu trăm năm qua cho đến bây giờ mà lòng từ bi, trí tuệ, hương vị giải thoát vẫn không hề mai một, luôn gắn chặt vào từng hơi thở của các người con Phật.

Chúng ta đọc trong Ngũ Đăng Hội Nguyên có câu chuyện Đức Phật dạy A Nan trong giờ khất thực. Một hôm gần tới giờ khất thực Đức Phật gọi: “A Nan! giờ thọ thực đã đến, ông hãy mang bát theo ta vào thành.” Ngài A Nan: “Dạ.” Khi A Nan bưng bát lên, Đức Thế Tôn dạy thêm: “Nếu ôm bát đi thì phải y nghi thức của bảy Đức Phật quá khứ” A Nan hỏi: “Bạch Đức Thế Tôn. Nghi thức của bảy Đức Phật quá khứ như thế nào?” Đức Thế Tôn nói: “A Nan.” A Nan: “Dạ.” Đức Phật dạy: “Hãy bưng bát.”

Đây là một đoạn khá lý thú, nó gần như một công án thiền. Chúng ta hãy đọc kỹ và chiêm nghiệm để thấy đạo lý Thiền được dấu kín nơi đây. Tuy nhiên ở mức độ cạn ta có thể hiểu rằng: đó là Đức Thế Tôn dạy A Nan pháp khất thực trong chánh niệm. Chúng ta đọc Kinh Kim Cang trong phần mở đầu có nói đến cách sinh hoạt của Đức Thế Tôn như sau: “Đức Thế Tôn tới giờ khất thực Ngài đắp y, mang bát tuần tự đi vào thôn trang, dừng lại từng nhà, thí chủ cúng dường đầy bát, Ngài ôm bát về, thọ thực xong, rửa bát, xếp y, tọa thiền.”

Khi nhìn Đức Phật, Ngài Tu Bồ Đề đã phủ phục xuống và bạch: “Lành thay Đức Thế Tôn đã hộ niệm các vị Bồ Tát làm cho các vị Bồ Tát an trú trong tâm Bồ Đề.” Thưa quí vị, chuyện nầy rất bình thường trong sinh hoạt một ngày của Đức Phật, có gì đặc biệt trong đó mà Ngài Tu Bồ Đề nói Đức Thế Tôn khéo hộ niệm như vậy?

Thưa, mỗi bước đi, mỗi việc làm của Phật đều an trụ trong tự tánh định tức là an trụ trong năng lực chánh niệm hiện tiền. Chúng ta dụng công tu hành mỗi ngày cũng là chỉ để làm việc nầy mà thôi. Chúng ta phải thực tập thế nào trong từng sinh hoạt, mỗi bước đi, hơi thở, việc làm luôn an trú trong vùng trời chánh niệm. Làm được điều nầy là chúng ta đang thực tập con đường ngắn nhất của Đức Phật đã dạy ngày xưa.

Từ ngày xưa cho đến bây giờ dù cho có nhiều truyền thống thiền như Thiền Vipassana, Thiền Thoại đầu, Thiền Mặc Chiếu... đều cũng chỉ đi một con đường chánh niệm tỉnh giác. Có thể có những sắc độ đậm nhạt khác nhau khi các dòng thiền khai triển niệm thân, niệm thọ, niệm tâm, niệm pháp. Nhưng chưa có pháp hành nào vượt ngoài “Tứ niệm xứ” của đức Thế Tôn dạy. Thế nên chúng ta gọi giáo pháp của Đức Phật chỉ có một vị là như vậy.

4. Ngay con đường là Niết Bàn.

Thưa đại chúng, khi chúng ta muốn đi xuống phố thì con đường từ đây đến phố đòi hỏi thời gian và xe của chúng ta phải đi ngang qua không gian mới đến phố được. Nhưng con đường tu không như thế, Đức Phật dạy là trong lúc ta có niềm tin, và ngay khi bắt đầu thực tập là tức khắc chứng nghiệm được an lạc.

Điều nầy không phải khó cảm nghiệm. Ví như khi một niềm vui, hay nỗi bất an, sự ganh tị... có trong tâm thức, chúng ta chỉ cần nhận biết nó đang có mặt, mà ta không phải là nó. Ta là người đứng nhìn cảm thọ đến đi mà không phải là những cảm thọ đến đi đang có mặt trong tâm thức. Rõ ràng ta không phải là những đối tượng đó mà là trạng thái nhận biết, là chủ thể nhận biết. Thế thì ngay trong lúc nhận biết, ngay trong lúc thực tập chúng ta đã chứng nghiệm an tịnh Niết Bàn.

Ngay trong lúc giác ngộ được một điều chúng ta không phải là những cảm thọ là chúng ta đã vượt thoát được cảm thọ. Niềm tin trong sạch bất hoại của người con Phật tức thì phát khởi mà không cần phải đi qua giai đoạn học hỏi giáo lý để hiểu, để khơi mở từ từ. Đôi lúc có những người có duyên lớn với Đạo, không học bao nhiêu nhưng người ta chứng nghiệm được ngay, nếm được hương vị Pháp và có những người ở trong cảnh đau khổ, khốn khó cùng cực người ta giác ngộ. Chúng ta là những người tu, có duyên xuất gia học đạo, chúng ta phải làm thế nào để chứng nghiệm giây phút Niết Bàn của tự tâm, từ đó chúng ta khởi niềm tin bất hoại vào Đạo Pháp. Nếu không, chúng ta sẽ dễ chán, khó đi suốt đoạn đường tâm linh hoặc đi lạc vào nẻo khác.

5. Phát khởi niềm tin bất hoại.

Thưa quí vị, khi đã nếm được hương vị của Pháp, chúng ta phải tạo điều kiện nuôi dưỡng chúng ta hàng ngày như một thời lễ Phật, một thời thiền tọa, đọc một trang Kinh, một đoạn Luận, một giờ thiền hành trong ngày... Và đôi lúc chúng ta phải tiếp xúc ngay trong ta những khổ đau, những bất an, xao động... Từ những tâm hành tiêu cực nầy nếu khéo thực tập thì nó chính là đối lực tích cực giúp chúng ta chiêm nghiệm đời sống vô thường để phát triển, củng cố niềm tin bất hoại. Khi đã có niềm tin vững chắc trong ta thì con đường hành trì mới mở ra. Hai điều nầy hỗ tương nhau; từ chứng nghiệm niềm vui và hiệu quả của sự thực tập đi đến sự củng cố công trình tu nầy rất là gần.

Bằng niềm đam mê thực tập rất sâu trong lòng, mình mới nếm được hương vị của pháp. Và chỉ cần không gian tâm thức hé mở một lần thì không có gì đánh đổi được con đường tu; con đường tuyệt vời nhất của chúng ta.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]