Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 29: Phong Cách Sa Môn

25/03/201101:36(Xem: 8418)
Chương 29: Phong Cách Sa Môn

KINH BỐN MƯƠI HAI CHƯƠNG
HT Thích Phước Tịnh Giảng Giải

CHƯƠNG 29
PHONG CÁCH SA MÔN

Thưa đại chúng,
Hai chữ “phong cách” trong chủ đề chương hai mươi chín có nghĩa là biểu hiện ra bên ngoài trong cách hành xử của Sa môn. Nó không những biểu hiện của hình thể mà còn toát ra năng lượng đời sống bên trong tâm thức. Cho nên Phong Cách Sa Môn là tên gọi của chương Kinh nầy.

A. CHÁNH VĂN.

Chương Kinh hai mươi chín nầy Đức Phật dạy người tu phải thận trọng khi tiếp xúc với người khác phái. Cái nhìn của ta biểu hiện được phong cách của một người tu. Tuy nhiên người tu chúng ta không phải chỉ nhìn, mà còn nói năng hành xử, không những chỉ với người khác phái mà chúng ta còn tiếp xúc với bao nhiêu điều trong nhiều lãnh vực khác nhau làm thành phong cách người tu.

Tôi đọc lên để quí vị thấy văn học Kinh điển từ kho tàng Hán tạng nhuốm ít nhiều màu sắc kỳ thị trong đây:

Phật ngôn: “Thận vật nữ sắc. Diệc mạc cộng kỳ ngữ. Nhược dữ ngữ giả, chánh tâm tư niệm: “Ngã vi sa môn, xử ư trược thế, đương như liên hoa, bật vị nê ô. Tưởng kỳ lão giả như mẫu, trưởng giả như tỷ, thiếu giả như muội, trĩ giả như tử, sanh độ thoát tâm, tức diệt ác niệm.”:

Đức Phật dạy: “Cẩn thận chớ có nhìn người khác phái, cũng đừng có nói chuyện. Nếu phải nói chuyện thì tâm ý phải chính trực, phải quán chiếu rằng: Ta là vị Sa môn, ở cõi đời uế trược phải như hoa sen, không bị nhiễm bùn lầy. Khi tiếp xúc với người khác phái như người nữ già hãy xem đó như mẹ. Người lớn tuổi hơn phải xem như chị, và người nhỏ như mình thì xem như em gái, bé hơn mình thì xem như con và phát tâm độ thoát họ tức diệt hết những tâm niệm ô uế.”

B. ĐẠI Ý.

Phải thận trọng quán chiếu khi giao tiếp với người khác phái hầu thành tựu và biểu hiện được phạm hạnh thanh khiết của vị Sa môn.

C. NỘI DUNG.

Chúng ta sẽ đi vào từng vấn đề sau đây: Nam nữ trong đạo Phật. Phạm hạnh của Sa môn. Tiếp xúc và quán chiếu. Công huân thành tựu phạm hạnh và độ sanh.

1. Nam nữ trong đạo Phật Nguyên Thủy.

Chúng ta thấy ngày xưa trong Tăng đoàn Nguyên Thủy vấn đề kỳ thị rất lớn. “Thận vật thị nữ sắc” cẩn thận không nhìn nữ sắc, làm như tất cả mọi tội lỗi trên cuộc đời nầy đều do phái nữ gây ra, các thầy không gây tội. Và trong kinh điển hầu như các vị nữ khất sĩ ít được nhắc tới. Trong thời Phật giáo phát triển có một vài bộ kinh phái nữ cũng được quan tâm như Kinh Thắng Man hay Thắng Man Phu Nhân Kinh... Tuy nhiên số lượng không đáng kể.

Trong truyền thống Nguyên Thủy các quốc gia Nam phương Phật giáo cũng chưa hề quan tâm đến điều nầy, chỉ có duy nhất Nhật Bản họ quan tâm đến Kinh Thắng Man Phu Nhân và Thánh Đức Thiên Hoàng chú giải Kinh nầy xem nó như quốc bảo. Điều nầy có ít nhiều liên hệ đến văn hóa Nhật Bản. Người Nhật xem Thái Dương Thần Nữ là Tổ Mẫu đất nước họ, nên tinh thần mẫu hệ tôn trọng phái nữ có mặt trong văn hóa Nhật Bản, và chúng ta vẫn thường nghe người ta gọi dân Nhật là con cháu của Thái Dương Thần Nữ.

Từ điều nầy qui chiếu lại các quốc gia có văn hóa bắt nguồn từ mẫu hệ thì thấy nơi đó tính kỳ thị rất ít. Những quốc gia mà văn hóa bắt nguồn từ phụ hệ thì tính kỳ thị nữ phái rất nặng nề.

– Tính kỳ thị nữ giới trong các nền văn hóa Đông Tây.

Trước Công nguyên người ta hình như ít kỳ thị, nhưng sau khi Ki Tô giáo trở thành quốc giáo bởi Hoàng Đế Constantine La Mã, thì tôn giáo nầy tiêu diệt hết tất cả những tôn giáo có văn hóa mẫu hệ. Vì vậy nền văn hóa Tây phương được hình thành trên nền tảng căn bản rất kỳ thị nữ giới. Điều nầy đã được biểu hiện trong mọi truyền thống tôn giáo, xã hội và trong mọi lãnh vực chịu ảnh hưởng của tín lý Ki Tô. Điển hình là cho đến nay vẫn chưa có một Mục Sư, hay Linh Mục nữ trong Ki Tô hay Tin Lành. Do vậy, tâm thức con người đông cứng trong vấn đề kỳ thị, nhu yếu bình đẳng nam nữ không thể xẩy ra trong xã hội với truyền thống Ki Tô giáo làm nền trên hai mươi thế kỷ.

Nhìn lại Đông phương cũng chẳng khá gì hơn. Từ ngày Bà La Môn có mặt trên đất Ấn trước kỷ nguyên 700 năm, cho đến sau nầy Hồi Giáo xâm nhập vào lưu vực Ấn hà vào thế kỷ 13 thì tính kỳ thị không những dành riêng cho nữ giới mà còn đè nặng lên xã hội. Cho đến hiện tại đời sống con người hầu như không thể vẫy vùng để vượt thoát được tập tính nầy.

Hơn nữa, Đông phương được hình thành bằng hai nền văn hóa lớn là Ấn Độ và Trung Hoa. Phương Bắc Trung Hoa người ta tôn trọng đàn ông; văn minh miền Bắc là loại văn minh du mục, trọng thị sức mạnh săn bắt, chiến đấu để duy trì và bảo tồn sự sống nên hình thành chế độ phụ hệ, trong khi phương Nam người ta theo mẫu hệ. Và nền văn minh Trung Hoa được hội tụ từ sông Hoàng Hà miền Bắc và sông Trường Giang miền Nam nên từ bên trong tính kỳ thị có nhẹ hơn đôi chút. Tuy nhiên, từ hai nền văn minh Ấn Hoa nầy phối hợp đã hình thành đặc tính kỳ thị nam nữ nghiêm trọng trong văn hóa, xã hội và dẫn vào lãnh vực tôn giáo rất dễ dàng.

– Tính kỳ thị nam nữ trong tôn giáo.

Bước vào lãnh vực tôn giáo chúng ta thử nhìn sâu vào Đạo Phật. Sử liệu ghi lúc đầu Đức Phật cũng không cho người nữ xuất gia. Tại sao, và có phải kỳ thị không? Thưa không, vì văn hóa xã hội quy định đời sống tôn giáo.

Chúng ta hãy nhìn lại trước thời Đức Thế Tôn chưa có một dòng tu nào có người nữ xuất gia, chưa từng có Ni đoàn Tỳ kheo. Nhưng Đức Thế Tôn đã làm một cuộc cách mạng rất lớn là cho một số người nữ xuất gia, gầy dựng một Tăng Đoàn Nữ đầu tiên trong lịch sử tôn giáo; một điều chưa từng có trong xã hội văn minh Đông phương lẫn Tây phương.

Tuy nhiên, không may mắn là sau khi Đức Phật nhập diệt không lâu, theo sự phát triển của đạo Phật, giáo đoàn Tỳ Kheo Ni dần dần suy thoái do vì áp lực văn hóa của xã hội đè nặng nên khả năng tồn tại không kéo dài. Đến khi Hồi giáo xâm lăng, chiếm Ấn Độ vào thế kỷ mười hai, mười ba, chùa chiền, tự viện tăng ni bị sát hại, tiêu diệt. Cho đến nay đã bảy, tám trăm năm trôi qua, giáo đoàn Tỳ Kheo Ni biến mất trên quê hương Ấn Độ, ngay trên chiếc nôi mình đã được sinh ra và ngay cả trong vùng Phật giáo Nam Tông cực thịnh như những quốc gia Miến Điện, Tích Lan... giáo đoàn Tỳ Kheo Ni vẫn chưa có mặt.

Thưa quí vị, tôi chỉ chia xẻ rất khái quát điều nầy để chúng ta thấy rằng văn hóa và áp lực xã hội đè nặng lên tâm thức con người khó vùng vẫy để làm được một cuộc cách mạng. Đức Thế Tôn tuy đã gầy dựng Ni đoàn bằng một pháp chế nhân bản, mở rộng cánh cửa phương tiện cho người nữ bước vào. Thế nhưng ngày tháng đi qua, áp lực của văn hóa bào mòn. Đến nay các quốc gia Đông phương như Nhật Bản, Việt Nam tương đối Ni đoàn khất sĩ vẫn còn, nhưng Trung Hoa vì khả năng kỳ thị tích tụ từ nền văn hóa phụ hệ, vấn đề trọng nam, khinh nữ đã thành truyền thống ăn sâu vào tâm thức xã hội nên hầu như Ni giới vẫn chưa phát triển đáng kể.

Từ ngày xưa, Đức Phật đã nhìn rõ vấn đề giới tính. Ngài từng tuyên bố một câu đầy nhân bản, bình đẳng là “Nhất thiết chúng sanh giai hữu Phật tánh.”: “Tất cả chúng sanh đều có tánh Phật.” Và rõ ràng là trong tự thân mỗi sinh linh đều có khả năng thành Phật. Điển hình nhất là trong thời của Ngài có rất nhiều vị Tỳ Kheo Ni đã chứng quả A La Hán và thần thông không kém gì các Ngài Mục Kiền Liên như bà Liên Hoa Sắc, đức hạnh như bà Đại Ái Đạo Tỳ Kheo Ni và bà Da Du cũng nhập Niết Bàn trước Đức Thế Tôn. Và nhiều bài kệ chứng đạo của các vị ấy còn lưu lại trong Trưởng Lão Ni kệ.

Thưa đại chúng, trong chiều hướng phát triển của xã hội hiện tại chúng ta phải thay đổi tư duy, làm mới lại cái nhìn của chúng ta đối với vấn đề nam nữ. Đạo Phật muốn tồn tại trong thế giới Tây phương, muốn trở thành một tôn giáo nhân bản, (bản chất thực sự vốn có của nó từ ngàn xưa như Đức Phật đã tuyên bố.), vấn đề nầy phải được chúng ta quán chiếu, nhận diện. Chúng ta phải đọc, tham khảo những văn bản cổ đối chiếu với khuynh hướng phát triển của xã hội hiện tại và tương lai hầu đưa ra những bài viết, những buổi nói chuyện về vấn đề kỳ thị nầy để loại đi tâm thức kiêu mạn, phân biệt nơi những con người thuộc truyền thống văn hóa phụ hệ.

2. Phạm hạnh của Sa môn.

Đạo Phật có mặt ngày hôm nay và để làm nên giá trị của mình không phải chỉ một mình Đức Thế Tôn xây dựng mà còn do các vị Thầy qua nhiều thế hệ kế thừa nhau trao truyền dòng tuệ giác của Đức Phật. Chúng ta có thể nói Đức Thế Tôn là mạch nước đầu nguồn của dòng sông, và dòng sông chảy cho tới hôm nay là do sự đóng góp của nhiều thế hệ đệ tử Đức Như Lai giữ gìn phạm hạnh. Và trên con đường dòng sông chảy qua thành trường giang mênh mông như hiện tại đã có biết bao nhiêu dòng phụ lưu đổ vào. Nếu những phụ lưu kia đổ toàn nước thải từ cống rãnh thì sẽ làm thành dòng nước giết người, làm sao có thể có một sinh vật nào sống được, tồn tại được trong dòng sông ấy. Nhưng may mắn thay, trường giang đã được những phụ lưu tinh sạch, trong ngọt tạo thành dòng nước mát.

Từ hình ảnh nầy, chúng ta có thể nhìn lại tăng đoàn của Đức Thế Tôn ngày xưa được hình thành và duy trì được như hôm nay là do từng thế hệ Thầy tu có phẩm chất, có đời sống đạo thanh cao tiếp nối. Thế nên, phạm hạnh của vị Sa môn quyết định cho sự sống còn của đạo Phật. Ngay trong những bản Kinh, luận, luật đầu tiên đều nói đến giá trị rạng ngời của những vị Sa môn. Và mười đức tính đặc biệt khi chúng ta phát nguyện xuất gia tu hành cho chúng ta mười lợi ích lớn như sau:

– Nhiếp thủ ư tăng: khi đã nhận giới pháp là đã trở thành một thành viên của gia đình đạo Phật, trở thành hạt giống Thánh của dòng dõi giải thoát.

– Linh tăng hoan hỷ: là làm cho tăng vui. Niềm vui do vì có người tiếp nối và kế thừa dòng chảy tâm linh, dòng chảy trí tuệ.

– Linh tăng an lạc: sự có mặt và tu tập phạm hạnh của ta trong tăng đoàn mang đến năng lực hùng tráng làm cho gia đình đạo Phật thêm hạnh phúc.

– Chiết phục cao tâm: bẻ gãy tâm thức cao mạn, vì khi bước vào trong tăng đoàn tất cả đều trở thành ông thầy tu ôm bát khất thực như nhau, bình đẳng thọ nhận giáo pháp như nhau.

– Hữu tàm quí giả đắc an lạc: làm cho người có tâm mặc cảm thua thiệt khi vào tu nếm được hương vị an lạc.

– Linh vị tín giả đắc tín: làm cho người không tin phát khởi niềm tin vào Tam Bảo, do vì chiêm ngưỡng đời sống phạm hạnh cao khiết và uy nghi của Tăng đoàn.

– Dĩ tín giả linh tăng trưởng: làm cho người có niềm tin rồi phát sinh lòng kính trọng tam bảo ngày càng lớn mạnh, vững chắc.

– Đoạn hiện tại hữu lậu: đoạn dứt phiền não khổ đau hiện tại.

– Đoạn vị lai hữu lậu: đoạn dứt tất cả phiền não hữu lậu trong tương lai.

– Linh chánh pháp cửu trụ: Đời sống phạm hạnh của những vị Sa môn làm cho chánh pháp có mặt trong cuộc đời lâu dài.

Thưa quí vị, thời nào mà chư tăng thiếu tu, thiếu học, thiếu phạm hạnh thì thời đó chánh pháp bị suy vong. Thời nào mà chư Tăng tu học tinh tấn, thanh tịnh và đức hạnh thì dù không có Chùa lớn, Tự viện không nguy nga, Tăng chúng không đông nhưng hứa hẹn chánh pháp sáng chói và bền vững trong nhân gian.

Tôi xin kể câu chuyện của một vị Thầy đã gây dựng lại truyền thống Phật giáo Tích Lan hưng thịnh như hiện tại. Ấy là ngài Tát la nan Ca la. Ngài sinh năm 1699 và xuất gia rất sớm nhưng mãi cho đến năm 16 tuổi mới được thọ giới Sa di không chính thức. Rồi phải đợi đến 55 tuổi mới thọ được giới Tỳ khưu, do vì đất nước Tích lan bao trăm năm bị ngoại xâm, nội loạn, xã hội tan tác tiêu trầm, Đạo Phật dường như bị đào thải tận gốc. Ấy vậy mà khi điều kiện thuận lợi đến, một Tăng sĩ phạm hạnh đủ hùng lực thuyết phục Chính phủ cử Sứ đoàn đi Thái Lan để thỉnh Tam Sư Thất Chứng về Đảo quốc khai Đại giới đàn truyền Tỳ Kheo giới cho ông. Nhưng thật không may cho Sứ đoàn là khi đi thì không sao, nhưng ngày về gần đến Tích Lan thì bão giông nhận chìm thuyền làm chết hết cả đoàn sư Thái Lan. Và lận đận tới lui ba lượt xuất ngoại thỉnh sư, ba lần tai nạn xảy ra như vậy; cho đến lúc xây dựng được Tăng đoàn Tỳ Kheo Tích lan thì Ngài Tát la nan Ca la đã gần bảy mươi tuổi. Do vậy, Đảo sử ghi rằng: “Phật giáo Tích Lan vượt qua bao nỗi khó khăn để sống còn và rực rỡ như hôm nay là từ trái tim thương Đạo của một Sa di phạm hạnh chói sáng.”

Cho nên thưa đại chúng, chỉ cần một người tu mà giữ gìn phạm hạnh, có lòng yêu thương đạo rất lớn thì sẽ làm cho chánh pháp có mặt bền vững trong nhân gian. Và phẩm hạnh của một người tu là điều cực kỳ quan trọng đối với sự tồn tại của đạo Phật.

– Phẩm chất thực sự của Sa Môn.

Đức Phật dạy trong Kinh Pháp Cú: “Người được gọi Trưởng Lão trong Tăng giới không có nghĩa là người đó sống lâu trong đạo, hạ lạp cao; mà người được gọi Trưởng lão là người phải có đức hạnh.” Quy định trong pháp chế nhà Phật hạ lạp nhiều tuy quan trọng, nhưng quan trọng hơn vẫn là phẩm chất tu hành bên trong của một vị Tăng.

Phẩm chất thực của Sa môn được biểu hiện qua hai mặt. Mặt cạn bên ngoài là cách hành xử; ăn nói, đi, đứng... Mặt bên trong sâu sắc hơn là đời sống tâm chứng của vị ấy, khả năng thể ngộ đạo, khả năng tuệ giác bên trong tâm thức. Hai điều nầy cùng có mặt tạo thành phẩm chất của Sa môn. Nếu chỉ có bên ngoài hình thức thầy tu hiền hòa, cư xử khéo léo, ăn nói đầy nghệ thuật thuyết phục nhân tâm nhưng bên trong tâm thức ô uế còn đầy thì sớm muộn gì cũng biểu hiện rõ bản chất thật của mình làm người ta phát sinh sự nhàm chán. Ngược lại, nếu chỉ có bên trong thôi cũng không đủ vì thông thường hình thức là phần biểu hiện của nội dung. Nếu chúng ta đã có phẩm chất, đạo hạnh, tuệ giác từ bên trong mà không thể hiện ra bên ngoài thì chưa hoàn thiện được phẩm hạnh, phẩm chất thực sự của Sa môn.

3. Tiếp xúc và quán chiếu.

Thưa quí vị, tiếp xúc là một nhu yếu tất nhiên. Không hề có một sinh vật nào trên cuộc đời khước từ sự tiếp xúc mà tồn tại được. Như mắt để tiếp xúc với màu sắc, tai tiếp xúc với tiếng...và bốn thứ nuôi dưỡng như “đoạn thực, xúc thực, tư niệm thực, thức thực” làm thành thọ mạng con người từ cạn vào sâu. Tùy theo khả năng thực tập, chúng ta có thể chuyển hóa bốn loại thức ăn nầy trở thành bổ dưỡng hay trở thành độc dược. Cố nhiên, sẽ có cơ hội chúng ta đi sâu vào giải thích năng lực bảo trì thọ mạng, nuôi dưỡng và kéo dài dòng chảy tử sinh của bốn loại thức ăn. Ở đây, điều cần hiểu là làm thế nào chúng ta có thể tiếp xúc mà vẫn tu được.

Có hai tầng tiếp xúc cạn và sâu. Tiếp xúc cạn là tiếp xúc bên ngoài như nhìn, nghe, giao tiếp với người. Trong cách tiếp xúc nầy chúng ta hãy làm một việc là khéo quán chiếu và quay trở về để nuôi dưỡng phạm hạnh hay cũng từ tiếp xúc này chúng ta thả trôi cho đời nhuộm ô uế mình bằng danh lợi, của cải do thí chủ cúng dâng. Vì vậy, ở mức độ cạn khi tiếp xúc bên ngoài chúng ta phải rất cẩn trọng. Trong tiếp xúc chúng ta có thể làm cho Phật tử phát được tín tâm với Tam Bảo, thương đạo, nhưng cũng từ tiếp xúc nhiều lúc chúng ta làm cho người ta quay lại và miệt thị Tăng già. Một khi họ đã bất kính Tăng là họ bất kính luôn cả Phật và Pháp.

Khi chúng ta nói đến tiếp xúc bên trong, không chỉ có nghĩa là bên trong nội bộ đoàn thể Tăng giới tu tập của chúng ta mà bên trong còn có nghĩa là bên trong hình hài nầy, sắc thân nầy.

Ví dụ bên trong tăng giới có điều khó cho chúng ta như sự tiếp xúc giữa tu sĩ nam và nữ tu sĩ. Nếu sự tiếp xúc của chúng ta không khéo cẩn trọng sẽ phát sinh ra vấn đề vướng mắc, vấn đề ái nhiễm vì tâm ta chưa thuần tịnh, ái nghiệp vẫn còn. Hơn nữa chúng ta không thể loại trừ tăng đoàn khất sĩ Ni ra ngoài, chúng ta cũng không thể tách riêng họ một nơi vì sự bảo hộ của quý thầy đối với quý cô rất cần thiết. Pháp chế của Đức Phật dạy là nơi nào Tỳ Kheo Ni an cư mà không có chư Tăng chỉ định, không có chư Tăng đến thuyết giới thì không được quyền an cư. Cho nên vấn đề đặt ra là không được gần mà cũng không được xa, vì phải giữ khoảng cách gần xa cần thiết để nuôi dưỡng, yểm trợ làm lớn mạnh đời sống đạo hạnh và thọ mạng dòng tu cho nhau.

Nhưng điều quan trọng hơn là sự tiếp xúc bên trong của tự thân vì nó hình thành phẩm chất, phạm hạnh của chúng ta. Một Tăng sĩ phải tự mình thực tập như thế nào để có được một phong cách rất là quan trọng; để một đôi dép, ngồi đọc một trang Kinh, mặc áo, ăn cơm, cầm cái ly... đều biểu lộ tư cách trang nghiêm, phong thái từ hòa, điềm đạm... của một ông thầy tu.

Nếu một người đến với mình dù chưa tiếp xúc qua ngôn ngữ, chỉ cần nhìn chúng ta đi đứng, nói cười là người ta đã cảm nhận năng lượng tịch tĩnh an bình toát ra từ chúng ta rồi. Có những tia nhìn toát ra từ đôi mắt có thể gây tổn thương cho người đối diện, chưa cần chạm tay vào người ta nhưng mắt nhìn cũng là chạm vào da người ta vậy. Chỉ cần một tia nhìn thôi cũng đủ biểu lộ tính cách tu sĩ của chúng ta rồi.

Những điều rất nhỏ như vậy đều làm thành phẩm chất một ông thầy tu, làm thành phạm hạnh một vị Sa môn. Không phải mở miệng ra nói Kinh, nói pháp như nước chảy, mây trôi mới là làm công trình giáo hóa. Đời sống chúng ta biểu hiện trong từng ngày, từng giờ, từng hơi thở là có thể làm cho giáo pháp cửu trụ hay không.

Một tiếp xúc sâu sắc hơn là tiếp xúc với tầng cảm thọ của tâm hành. Chúng ta nếu tu giỏi thì những cảm thọ vừa khởi lên ta nhận diện được ngay và liền ngay lúc nhận diện là ta đã và đang loại trừ. Nếu không một lần khởi, hai lần, ba lần từ từ những cảm thọ khởi lên trong ta liên tục mà ta không nhận diện được tức chúng ta đã tự làm cho đời sống đạo hạnh mình bị bào mòn dần. Vì vậy, chúng ta phải vận dụng năng lực quán chiếu nhận diện mọi tiếp xúc dù chỉ thoáng đến với chúng ta như một làn gió nhẹ. Từ cái nhìn, nói, nghe hay mọi tư duy... khởi lên bời bời chúng ta không nhận diện được, tâm thức sẽ bị cuốn trôi vào ô uế của cuộc sống thế gian. Và càng tu chúng ta càng hư hỏng vì không nuôi dưỡng được gì cho chính mình, ngược lại còn đóng góp cho gia tài đạo Phật thêm suy kiệt, phá hoại dòng tuệ giác của Đức Phật.

Thưa đại chúng, lần học trước trước tôi đã chia xẻ cùng quí vị về đức tính cùng mười lợi ích của giới pháp Đức Phật chế và những điều nầy làm tăng trưởng phong cách của người tu rất lớn. Khi đã hiểu rõ những điều nầy thì niềm tin của chúng ta đối với giới pháp của Phật rất vững bền.

Hôm nay trước khi chúng ta đi sâu vào sự tiếp xúc và quán chiếu của chúng ta đối với bên ngoài cho đến tự bên trong chính thân tâm ta, tôi muốn lưu ý quí vị đoạn kinh ngắn nầy với câu: “Chánh tâm tư niệm” và hai chữ cuối là “ác niệm”. Chữ “ác” nầy chúng ta có thể đọc là“ố”. Ác với nghĩa thứ nhất là nói đến tâm không hiền thiện, nhưng khi đọc“ố” thì có nghĩa ô uế của tâm thức. Chúng ta khởi quán chiếu và độ thoát để diệt trừ cùng một lúc tâm ô uế và bất thiện.

– Tiếp xúc.

Xa lìa đời sống nhân gian bước vào đạo nhiều khi chúng ta nghĩ đi tu là phải lánh xa tất cả mọi thứ trên đời, trốn trong hang động nào đó hoặc đóng cửa nhập thất năm bảy, năm nhưng những điều đó chưa chắc mang lại sự thành công hay tâm thức được chuyển hóa. Nên điều quan trọng không phải là đóng lại sáu căn của giác quan mà phải biết tiếp xúc thế nào để có thể nuôi dưỡng và chuyển hóa tâm thức mới là điều để chúng ta thực tập.

Trong truyền thống Nguyên Thủy, Đức Thế Tôn đã từng bài bác con đường tu cực đoan. Ngài đã từng trải qua sự cực đoan nhưng thấy không có ích lợi gì nên Ngài đã chọn đi vào con đường Trung Đạo. Thế nên, điều kiện tu học tốt lành nhất cho chúng ta là không khước từ phố thị mà cũng không gần phố thị. Đời sống tu hành của chúng ta vừa tiếp xúc được với người mà vẫn có không gian riêng để chúng ta tu tập, vẫn có khoảng trống yên bình của mình để bảo vệ đời sống phạm hạnh. Đó là điều tuyệt vời nhất để chúng ta không rơi vào một cực đoan nào cả.

Thưa quí vị, chúng ta thường xuyên tiếp xúc với những môi trường, điều kiện như sau:

G Sự tiếp xúc với cư gia Phật tử bên ngoài bằng cách hành xử thế nào đó mà chúng ta kích phát được niềm tin của Phật tử đối với Tam Bảo. Cách hành xử bên ngoài của chúng ta đôi khi chỉ một câu nói, một lời hỏi han chăm sóc nhẹ nhàng tạo cho người ta sự an lạc, nhưng đôi khi sự tiếp xúc của chúng ta lại đưa đến sự đổ vỡ niềm tin của Phật tử. Cũng bằng một nụ cười, một câu nói, nhưng lời cợt đùa có thể đánh vỡ niềm tin của người ta đã có từ lâu.

Ngày xưa Đức Phật dạy các Tỳ Kheo khi đi khất thực hãy như những con ong lấy một chút mật đủ sống mà không làm tổn hại đến bông hoa. Tỳ Kheo sống trong cuộc đời cũng thế. Nhu yếu về vật chất chúng ta là đạm bạc chỉ vừa đủ nuôi hình hài nầy mà thôi. Khi sống một cuộc đời thanh khiết như vậy tự nhiên biểu hiện được phạm hạnh của chúng ta và Phật tử càng tiếp xúc càng quí kính người tu.

Có hai điều dễ gây dị ứng với cư gia Phật tử là vấn đề vật chất và tâm thức ái nhiễm của chúng ta.

G Một thầy tu hay một sư cô mà biểu lộ sự ham muốn vật chất là điều vụng về đáng chê trách nhất. Nhưng phần lớn người tu hiện tại chỉ được nuôi dưỡng tri thức Phật học mà không được nuôi dưỡng đạo hạnh nên có xu hướng thiên trọng lợi danh, chạy theo và thủ đắc vật chất. Họ chạy theo của tiền và đôi khi làm tiền Phật tử một cách trắng trợn. Không những trái với tinh thần “tam thường bất túc” của đạo Phật, mà điều đáng tội nghiệp hơn nữa là Chùa chiền, Tự viện đã trở thành gia sản riêng tư của mỗi Thầy, mỗi Cô. Họ cố tình đánh mất giá trị và ý nghĩa cao quí của vị Sa môn mà nhiều thế hệ Tăng già gầy dựng.

Chúng ta cũng biết các cư gia Phật tử làm ra đồng tiền không phải dễ. Đó là mồ hôi nước mắt của họ đã đổ vào, họ dành dụm để cúng dường, để hỗ trợ chúng ta trong công việc hoằng dương chánh pháp, nếu cách hành xử của chúng ta không trong sáng, lợi dụng của Già lam cho tham dục riêng tư thì niềm tin Đạo của Phật tử sụp đổ ngay. Tuy nhiên, đó chỉ là mặt cạn.

G Điều tinh nhạy hơn là tâm thức ái nhiễm của chúng ta. Chỉ từ cái nhìn, người đối diện có thể đánh giá phẩm chất tâm hồn của ta như thế nào không khó. Nếu người tu mà nhìn láo liên, ánh mắt biểu lộ sự thèm khát vẫn đục tức khắc đánh vỡ niềm tin nơi Phật tử đang tiếp xúc với chúng ta rất dễ, và chỉ một hai lần thôi chắc chắn đủ làm cho người sợ sệt lánh xa ngay.

Thưa, để chuyển hóa nghiệp thức ái nhiễm biểu hiện ra qua đôi mắt nhìn, không phải chỉ do khả năng luyện tập bên ngoài mà do từ sự thực tập, tôi luyện bên trong. Đi vào chiều sâu tâm thức, chúng ta nên nhớ nhiều khi một đời tu cũng không thể làm cạn sạch nghiệp thức ái dục tích tụ bao nhiêu đời. Có những người cũng muốn thực tập làm sao cho con mắt họ định tĩnh, trong sáng nhưng không tập được. Trong tướng học phân định mắt chúng ta có cái nhìn một là thẳng thắn, chính trực, trong sáng hoặc là nhìn trộm, láo liên. Nếu tâm hồn không trong sáng, khả năng chánh niệm không được trui rèn, công phu thiền định không có mặt, lòng từ ái không được nuôi dưỡng, khi nhìn sẽ không biểu lộ được phẩm chất của một người tu.

Người thế gian có chút ít trải nghiệm đời sống, chỉ cần nhìn vào mắt người là biết rõ sự nghiệp cuộc đời và tâm hồn cá tánh của người ấy. Người tu chúng ta cũng không ngoại lệ. Có thể từ ánh mắt đủ đánh giá sự nghiệp và đạo hạnh của một người tu. Do vậy, chúng ta phải vô cùng cẩn trọng trên con đường tu tập để chuyển hóa nghiệp thức ái nhiễm từ vô thỉ kiếp. Để trở thành một thầy tu có phạm hạnh có phẩm chất thực sự không phải chỉ một đời, mà nhiều lúc phải trải qua nhiều đời mới có được phong cách vững chãi của một vị Sa môn.

Tôi kể câu chuyện chứng minh về đôi mắt. Lần ấy tôn giả Mục Kiền Liên lên cõi trời thỉnh Đức Thế Tôn về vì thính chúng nhớ Ngài quá. Thế tôn đã trú ở Thiên cung dạy đạo cho các Thiên đế trong mùa an cư thứ bảy sau ngày thành đạo. Khi lên đến cõi trời, Mục Kiền Liên nhìn không ra ai là Phật của mình để mời về. Lúc ấy vì Đức Thế Tôn đã hiện tướng như là Thiên Đế, mũ áo... chỗ ngồi cũng giống như vậy nên Tôn giả đành trở về Tịnh xá vấn kế sư huynh Xá Lợi Phất. Xá Lợi Phất nói: “Tại sư huynh không để ý, chứ có một điều rất khác biệt là đôi mắt của Như Lai không ai bắt chước được. Mắt của Thiên Đế khi nhìn vào sẽ thấy còn xao động bất an, còn mắt của Đức Phật thì trong sáng, tĩnh lặng từ ái mênh mông và bất động.” Mục Kiền Liên trở lại Thiên Cung và để ý thì nhận ra được sự khác nhau giữa hai đôi mắt của hai vị Thiên Đế đang đối diện nhau. Ngài biết ai là Phật của mình nên thỉnh Đức Thế Tôn về.

– Quán chiếu.

Thông thường sự tiếp xúc bên trong nội bộ Tăng đoàn chúng ta dễ sinh tâm ái nhiễm giữa người tu với nhau nhiều hơn là chúng ta với cư sĩ. Tại sao? Thưa không phải chúng ta sống gần nhau mà vì chúng ta cùng cung bậc tâm hồn như nhau. Chung một lý tưởng, chung một thiện nghiệp nên từ sự gần gũi vô hình, sâu xa nầy quí Thầy, quí Cô cùng bỏ đạo trở lại đời sống thế tục, chứ ít khi có chuyện một Thầy, Cô ra đời với một vị cư sĩ. Và điều đặc biệt từ xưa không có tình trạng đẩy rời chư Ni ra nơi khác hay ngược lại. Tăng đoàn Tỳ Kheo và Tỳ Kheo Ni như là một cơ thể của đạo Phật nên phải có sự tiếp xúc. Vì vậy, trong sự tiếp xúc của chúng ta với nhau Đức Phật dạy những điều quán chiếu rất là căn bản. Trong mỗi cơ hội tiếp xúc đều phải quán chiếu và luôn khởi phát sự kính trọng, sự thương yêu để nuôi dưỡng mình và nuôi dưỡng người; những người tu cùng phái hay khác phái. Sự tiếp xúc giữa Tăng Ni cũng làm cân bằng sinh tâm lý của mỗi người và đây là nhu yếu tự nhiên. Chúng ta tiếp xúc với nhau một cách rất bình thường, và nếu được nuôi dưỡng bằng chánh niệm thì đây là điều cần thiết làm phát triển và lớn mạnh tăng đoàn.

Tuy nhiên chúng ta phải thật cẩn trọng trong sự tiếp xúc, chúng ta phải biết xử dụng năng lượng quán chiếu trong lúc tiếp xúc để vừa nâng đỡ vừa nuôi dưỡng tâm Bồ Đề của ta và của bạn đồng phạm hạnh.

Người tu chúng ta nếu thực tập giỏi thì khi tiếp xúc với những cảm thọ bên trong của mình chúng ta nhận diện được ngay và không làm tổn thương đời sống phạm hạnh của tự thân. Nếu chúng ta thả trôi theo dòng cảm thọ sinh khởi liên tục, dần dần sẽ tạo thành cơn bão hủy diệt tâm thức mình. Sự thất bại nầy không phải đến ngay tức khắc mà từng chút, từng chút một đẩy đến sự đổ vỡ lúc nào chúng ta không hay.

Ví dụ như khi chúng ta tiếp xúc với một đối tượng khác phái, và từ từ dẫn đến tình trạng vướng mắc không phải là một bất chợt tình cờ mà nó đến dịu dàng và rất nhẹ làm chúng ta lậm sâu vào hướng tiêu cực lúc nào không hay. Đầu tiên ta cảm thấy nhớ nhung, lưu ý đến một giọng nói, một nụ cười, một ánh mắt thân tình, một lời hát, một cử chỉ chăm sóc... Ý thức ta mời gọi ký ức cất chứa về người kia hiện lên để cho lòng không trống trải cô đơn, và đồng thời thưởng thức các cảm thọ ngọt ngào của luyến ái mang đến. Dần dần sự vướng mắc thực sự xảy ra nhận chìm chúng ta trong nhớ nhung, sầu khổ không thoát ra được. Thế nên lời Kinh chương hai mươi chín Đức Phật dạy: “Sanh độ thoát tâm, tức diệt ác niệm.” cũng có nghĩa là mời năng lực chánh niệm có mặt để nhận diện, quán chiếu các cảm thọ, các ý nghĩ hiện khởi trong tâm thức.Và khởi tâm từ ái, quí kính mong muốn giúp người vượt thoát nẻo khổ tử sinh. Từ cách thực tập ấy ta sẽ loại trừ tận gốc tất cả những vấn đề tiêu cực phát sinh trong tâm thức.

Để làm được điều nầy chúng ta cần phải thực tập khi tiếp xúc với mọi hiện hữu bên ngoài. Đức Phật đã trao cho chúng ta cách thực tập tuyệt vời là nhìn lại cách ta tiếp xúc, và nhìn lại chính thân tâm ta. Ta hãy nhìn lại từng sát na bằng năng lượng chánh niệm có mặt mọi lúc trong ngày, trong mọi trường hợp thật cẩn trọng.

4. Thành tựu phạm hạnh và độ sanh.

Tôi xin lưu ý quí vị, từ phạm hạnh nầy phát xuất từ Bà La Môn chứ không phải của đạo Phật. Phạm hạnh có đến hai từ đồng nghĩa là tịnh hạnh và phạm chí. Có hai đặc tính trong chữ phạm hạnh nầy. Thứ nhất là tỏa ra trong nhân dáng, cách thế, dung mạo rất đoan chính, trang nghiêm. Thứ hai là tâm hồn rất trong sạch, cao khiết. Khi nhìn vào con người nầy chúng ta thấy biểu lộ rõ sự thuần nhã, đoan nghiêm, chính trực. Khi tiếp xúc sâu hơn chúng ta thấy tâm hồn họ rất trong sáng, cao quí. Hai điều nầy có mặt thì được gọi là người có phạm hạnh. Hai từ nầy được Đức Thế Tôn chỉ cho Tỳ Kheo và Tỳ Kheo Ni trong Tăng đoàn của Ngài có đời sống thật sự thanh cao.

Thưa đại chúng, chúng ta đừng nghĩ khi vào tu, thọ giới rồi thì chúng ta đã là người phạm hạnh. Con đường thành tựu phạm hạnh nầy là một tiến trình không dừng nơi mỗi người tu. Đời sống chúng ta muốn thể hiện được sự trang nghiêm, khiêm tốn của một thầy tu không phải chỉ một ngày thực tập đơn giản mà xong, có khi cần cả một đời người hoặc nhiều hơn một đời. Chúng ta hãy nhìn lại có những lúc mình hành xử rất vụng về, thiếu chánh niệm ấy là lúc chúng ta đã phạm phải những lỗi lầm dù rất nhỏ từ bên ngoài hay trong tự tâm của chúng ta.

Người thực tập thành tựu phạm hạnh mặt cạn là bên ngoài, và thành tựu sâu sắc là thành tựu bên trong. Thưa quí vị, bên ngoài, bên trong hỗ trợ cho nhau. Nếu sự thực tập chánh niệm của chúng ta càng ngày càng vững chãi và hùng hậu thì tâm thức của chúng ta trong sạch, an tịnh. Hai điều nầy làm nền tảng phát sinh tuệ giác. Khi đã thành tựu phạm hạnh như thế thì đời sống người đó tự tỏa ngát hương đức hạnh. Khả năng giáo hóa của họ đến với người một cách vô cầu, họ không cần ai đến với họ. Họ cũng không cần làm cho người khác biết mình. Tuy nhiên ai đã một lần tiếp xúc với họ là cảm nhận được sự an bình, từ ái mênh mông và định lực sâu lắng từ nơi họ. Đó là năng lực tỏa hương của người tu thành tựu phạm hạnh.

Chưa cần là một thầy tu có học hàm, học vị, chủ trì Tự viện, Già lam to lớn nầy nọ... chỉ là một ông thầy tu giản dị nhưng thành đạt phạm hạnh bên ngoài, thành đạt phạm hạnh bên trong thì đã là rường cột cho đạo Phật. Là chỗ tựa cho ngàn vạn Phật tử, tín đồ.

Dĩ nhiên, khi chưa thành tựu phạm hạnh trọn vẹn nhưng nếu sự thực tập ta vững chãi, năng lực chánh niệm có mặt thì ta có thể tiếp tăng độ chúng bằng con đường giáo hóa bình thường rồi. Các vị rót cho người ta một ly nước, tụng cho người ta một thời Kinh, khuyên người ta vài lời đằm thắm, nhẹ nhàng là đã có khả năng đánh động tâm thức họ rất sâu. Nhưng khi mà chất phạm hạnh đã thành tựu sâu sắc bên trong rồi thì thưa quí vị, năng lượng đời sống của chúng ta rất giàu có, sức mạnh tâm linh rất lớn; lúc bấy giờ mới khả dĩ đóng góp được cho công trình độ sinh của ba đời chư Phật.

Tóm lại, sự thực tập chánh niệm của chúng ta quan trọng vô cùng. Nó là nền tảng để ta thành tựu phạm hạnh bên trong; biểu hiện, hoàn thiện phong cách một Sa môn ra bên ngoài. Và sâu hơn nữa, con đường thực tập chánh niệm có năng lực đoạn đứt lậu nghiệp, chứng nghiệm Niết Bàn. Tuy nhiên, ở mức độ đời thường khi phẩm chất tu của chúng ta đã sâu tức phạm hạnh bên trong thành tựu thì cho dù mặc áo gì người ta cũng nghĩ chúng ta là người tu. Chúng ta nên nhớ phạm hạnh không phải là những gì biểu hiện ra bên ngoài để lòe nhau, để thu phục lòng người. Phong cách tự hữu từ bên trong sinh khởi mới thực sự bền bỉ và khả năng giáo hóa của chúng ta mới sâu sắc.

Chính sự thực tập làm nên phạm hạnh, và xây dựng phong cách của chúng ta càng ngày càng vững vàng. Người tu thành tựu được vậy không những nuôi dưỡng chính mình mà còn nuôi dưỡng Tăng đoàn, nuôi dưỡng tín đồ. Đức Thế Tôn đã hằng hà sa kiếp tu tập để thành tựu phạm hạnh. Chúng ta hãy phát nguyện cả đời tu học và nghiêm trì pháp chế của Đức Phật để góp phần của chúng ta vào dòng thọ mạng đạo Phật hầu đền ơn Tam Bảo.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]