Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 12: Vượt Qua Khó Khăn

25/03/201101:36(Xem: 9458)
Chương 12: Vượt Qua Khó Khăn

KINH BỐN MƯƠI HAI CHƯƠNG
HT Thích Phước Tịnh Giảng Giải

CHƯƠNG 12
VƯỢT QUA KHÓ KHĂN

Thưa đại chúng,
Vượt Qua Khó Khăn là chủ đề của chương mười hai.

A. CHÁNH VĂN.

Phật ngôn: “Nhân hữu nhị thập nan. Bần cùng bố thi nan. Hào quý học đạo nan. Khí mạng tất tử nan. Đắc đỗ Phật kinh nan. Sanh trị Phật thế nan. Nhẫn sắc nhẫn dục nan. Kiến hảo bất cầu nan. Bị nhục bất sân nan. Hữu thế bất lâm nan. Xúc sự vô tâm nan. Quảng học bác cứu nan. Trừ diệt ngã mạn nan. Bất khinh vị học nan. Tâm hành bình đẳng nan. Bất thuyết thị phi nan. Hội thiện tri thức nan. Kiến tánh học đạo nan. Tùy hóa độ nhân nan. Đỗ cảnh bất động nan. Thiện giải phương tiện nan.”

Đức Phật dạy: “Làm người có hai mươi điều khó: Nghèo nàn bố thí là khó. Giàu sang học đạo là khó. Bỏ thân mạng quyết chết là khó. Thấy được Kinh Phật là khó. Sanh vào thời có Phật là khó. Nhẫn nhục là khó. Thấy tốt không cầu là khó. Bị nhục không tức là khó. Có thế lực không dựa là khó. Gặp việc vô tâm là khó. Học rộng nghiên cứu sâu là khó. Diệt trừ ngã mạn là khó. Không khinh người chưa học là khó. Thực hành tâm bình đẳng là khó. Không nói chuyện phải trái là khó. Gặp được thiện trí thức là khó. Thấy tánh học đạo là khó. Tùy duyên hóa độ người là khó. Thấy cảnh tâm bất động là khó. Khéo biết phương tiện là khó.”

B. ĐẠI Ý.

Người tu chúng ta muốn thành tựu Thánh hạnh giải thoát hãy vượt qua hai mươi điều khó khăn nầy. Tất cả mọi thành tựu trong cuộc đời đều phải trả một giá rất đắt. Đây là điều quan trọng nhất, và cũng là một chân lý căn bản.

C. NỘI DUNG.

Phần thứ nhất.

Tôi xin chia xẻ vài điều trước khi đi sâu vào nội dung bài Kinh: làm thế nào để vượt qua bao khó khăn trên con đường tu tập.

1. Giá của sự thành công.

Hầu như chưa có một thành công nào trên đời mà không phải trả một giá đắt tương xứng. Từ thành công tự thân, thành công của đời sống gia đình, thành công của đời sống trí thức đến thành công trên con đường tu học tức là sự phát triển tâm linh từ thấp đến trung bình rồi đến cao, mỗi thứ đều có sự tương xứng với công sức mà mình đã đầu tư vào. Không có gì quí mà giá của nó rẻ cả.

Ví dụ nền văn minh Hoa Kỳ được đánh giá cao nhất trên hành tinh và là tiêu chuẩn tự do cho nhiều quốc gia hướng vào. Nhưng nếu nhìn lại đoạn đường cách đây một trăm năm, đất nước nầy đã vượt qua biết bao nhiêu khó khăn. Để làm cho nền văn minh và dân chủ có mặt như ngày nay họ đã phải trả giá bằng sự hy sinh rất lớn: biết bao nhiêu là mạng sống, mồ hôi, nước mắt đổ xuống trên những đoạn đường phát triển.

Nhìn một góc rất nhỏ của bước phát triển Mỹ quốc; chặng đầu từ miền Đông qua miền Tây lập nghiệp để hình thành một cường quốc như hiện tại, các cộng đồng di dân đã đem máu xương lót đường cho cuộc Tây tiến. Nhìn xa hơn nữa, từ ngày những con người đầu tiên ấy đặt chân vào vùng đất nầy, sự phấn đấu để tồn tại với môi trường sống, phấn đấu với điều kiện thời tiết và phấn đấu để thành lập một quốc gia bằng một cuộc chiến dựng nước thật cay đắng vô cùng.

Cho nên những sinh hoạt trong đời sống vật chất cho đến đời sống tinh thần, trí tuệ, tri thức... tất cả đều phải trả một giá rất đắt. Đó là điểm đầu tiên chúng ta ghi nhận về cuộc sống đời thường; chưa nói đến chuyện chúng ta muốn đánh đổi đời sống tâm thức bất an sầu khổ, đầy phiền não để có một đời sống thánh thiện, an lạc và tự do thật không đơn giản tí nào.

Đời sống luôn có quy luật rất đặc biệt là không bao giờ tặng cho ai những gì quý giá mà không có những trắc nghiệm, không có những thử thách. Trong văn học gọi là “tạo hóa đố hồng nhan” như Nguyễn Du đã viết lên trong Kiều: “Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen.” hay trong cổ thi với hai câu: “Giai nhân tự cổ như danh tướng. Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu.”: “Xưa nay người đẹp như danh tướng. Chẳng để nhân gian thấy nét già.” Và Đông phương chúng ta thường nói là tạo hóa, đất trời dường như luôn ghen hờn với những con người tài hoa. Hai câu Kiều ai cũng biết đó là: “Anh hoa phát tiết ra ngoài. Nghìn thu bạc mệnh một đời tài hoa.”

Thế nên nếu có những con người tài hoa nổi bật, có khả năng đóng góp công sức lớn cho cuộc đời thường thường bị đọa đày cho nhụt chí, bị cuộc đời vùi dập, giũa mài chịu trăm nghìn nỗi tang thương. Có như vậy thì trái tim người kia mới mở rộng, kinh nghiệm mới dạn dày để có thể làm được việc lớn trong cuộc sống.

Thưa đại chúng, ngày xưa ở Trung Quốc theo truyền thống nếu người nào dành được ngọc ấn là người có chân mạng Thiên Tử, sẽ được lên làm vua. Ngọc ấn là cái triện của nhà vua để đóng như khuôn dấu của chúng ta bấy giờ.

Nguyên ủy xuất phát ngọc ấn đầu tiên là một câu chuyện từ thời Sở: Có một người thợ làm đá nọ khám phá ra được bên trong phiến đá lớn có một viên ngọc rất đẹp. Ông dành hầu hết thời gian để lấy viên ngọc nguyên sơ kia ra và xin vào yết kiến vua Sở để dâng ngọc quí mà ông nghĩ là một bảo bối có thể đánh đổi cả quốc gia. Khi viên ngọc được đem vào, nhà vua sai những người thợ chuyên giám định ngọc đến, thợ đều nói đây không phải ngọc mà là đá. Nhà vua bắt tội khi quân dám lừa gạt Ngài, đem ông ra chém một tay. Người thợ đá đành đem ngọc về.

Đến đời vua thứ hai, ông nghĩ vị vua nầy chắc thông minh hơn nên lại mang viên ngọc lên dâng lần nữa để làm quốc bảo. Nhưng cũng như lần trước, vua nầy không chứng cho tấm lòng thành của ông, nghe lời thợ giám định đem ông ra chém luôn tay còn lại.

Đến đời vua thứ ba, với tấm thân tàn tật người thợ đá kiên nhẫn mang ngọc đến dâng vua, nhưng lần nầy không vào tận trong cung, ông gục đầu lên viên ngọc khóc trước cửa triều đình đến nỗi máu chảy theo khóe mắt. Người qua lại thấy quá thương tâm, hỏi tại sao. Người thợ ngọc trả lời: “Hai lần qua tôi đã dâng ngọc quí cho vua, nhưng cả hai vị vua trước đều cho tôi phạm thượng, gia hình làm tôi trở thành tàn tật, nên tôi nghĩ nếu lần nầy đem dâng ngọc lên vua chắc không còn mạng sống.” Khi nghe tin, nhà vua tội nghiệp cho mời vào và gọi thợ đặc biệt đến giám định viên ngọc, thì ra đây là loại ngọc cực kỳ quí, màu xanh biếc của nó chưa từng thấy; đúng là quốc bảo. Nhà vua liền sai người chạm trổ hình sư tử, dưới chân khắc hình hoa văn ghi dấu đây là bảo ngọc và đặt tên là ngọc bích họ Hòa.

Câu chuyện bi thương trên nói lên một điều là mọi vật có giá trị muốn được hiển lộ trong cuộc đời đều phải trả giá rất đắt, đôi khi phải hy sinh cả tính mạng của mình.

Thưa đại chúng, các bậc thầy chúng ta từ quá khứ cho đến hiện tại cũng đã trả một giá rất lớn cho sự nghiệp của mình. Cái giá đầu tiên là sự tự tu học. Không cần nói gì xa, chỉ nói đến thế hệ bậc thầy gần nhất với chúng ta thôi, các vị nếu muốn đọc những thư tịch cổ, muốn học kinh điển đã phải cực nhọc bỏ ra cả mười năm để học Hán tạng. Và để tập viết chữ Hán, họ thường phải viết trên lá chuối hay trên giấy vàng bạc (loại giấy dùng đốt lúc cúng linh). Họ chưa được hưởng những tiện nghi đầy đủ (giấy viết, tập vở, dầu lửa, đèn điện...) như chúng ta ngày nay mà đôi lúc phải dùng nhang làm thành bó đốt lên soi vào trong từng trang sách để học. Do vậy, đủ thấy khoảng thời gian ấy các bậc thầy chúng ta tu học không dễ dàng, thuận lợi như chúng ta. Hơn nữa truyền thống đạo Phật lúc bấy giờ không cho phép tăng sĩ Phật giáo tiếp xúc với văn hóa thế gian, được phép học ngoại ngữ, học các môn khoa học, lý hóa... như tăng sĩ hiện tại, nên quí thầy muốn có một trình độ trí thức để cập nhật hóa, tiếp xúc, dạy dỗ đồ chúng vất vả vô cùng. Và muốn mở con đường cách mạng giáo dục tăng sĩ cũng không dễ dàng vì truyền thống đạo Phật không chấp nhận.

Vì vậy, thành tựu đạo giải thoát là cái giá đắt nhất trong mọi bậc thang giá trị cuộc sống, nên trên con đường tu Đức Thế Tôn nêu bật ra hai mươi đặc tính khó khăn cho chúng ta biết vươn lên, vượt qua nấc thang nầy để đi vào đạo. Xin quí vị lưu ý.

2. Thử nhận diện mình.

Chúng ta hãy nhìn vào sinh hoạt Phật giáo hiện tại để thấy thật khó mà thay đổi để đáp ứng được nhu cầu tu tập và làm Đạo của tăng sĩ trong hoàn cảnh xã hội hiện tại. Tại sao? Nhìn lui lại chúng ta sẽ thấy tinh thần, tâm thức của các bậc Thầy từ lâu đã được nuôi dưỡng trong truyền thống ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa nên một mực sùng thượng truyền thống tôn giáo cổ. Những gì thuộc văn hệ Trung Quốc đều là Thánh ngôn ngàn đời, không dám sửa sai, không được quyền chỉnh lý. Và ảnh hưởng của Phật giáo truyền thống đè nặng lên tâm thức nên không bao giờ quý Thầy chấp nhận bất cứ một sự đổi thay, cách tân nào. Do vậy, mở một con đường đưa đời sống tăng sĩ có thể cập nhật để vươn lên bắt kịp xu hướng phát triển thời đại không đơn giản, họ luôn luôn bị sự phản bác không phải từ xã hội mà điều kỳ lạ là ngay chính bản thân của đạo Phật phản bác. Rồi từ chỗ đứng trong Đạo Phật nhìn ra các tôn giáo bạn để thấy rằng chúng ta còn thua kém Ki Tô hay Tin lành nhiều mặt.

Ki Tô giáo với một nền tảng, cơ cấu tổ chức tinh vi chặt chẽ có hệ thống từ trên xuống dưới và được chỉ đạo rất hoàn thiện. Đó là yếu tố mạnh đầu tiên của họ mà ta gọi là tính tổ chức.

Yếu tố thứ hai quan trọng không kém là nền kinh tế, tài chánh vững chắc, giàu có và phát triển vượt bực của họ. Đây là lực đẩy rất mạnh cho sự mở rộng nước Chúa và giáo hội của họ.

Điều đặc biệt nữa là họ đào tạo và xây dựng giới tu sĩ, con chiên rất thuần thành, cuồng tín. Ngay từ bé đã được họ nhồi tẩm những giáo điều, tín lý nên con cái Chúa tuyệt đối đặt niềm tin vào vị thần linh duy nhất là Đức Ki Tô. Họ cầu kinh đều đặn hằng ngày, chưa kể đến hai ngày thứ bảy, chủ nhật là ngày bắt buộc phải đến nhà thờ xem lễ.

Và ba ngày rất quan trọng phải đến nhà thờ là ngày ra đời, ngày thành hôn, và ngày lìa bỏ cõi đời.

Tuy nội dung giáo lý của Ki Tô La Mã không còn tương hợp với nền văn minh hiện đại, một nền tín lý lỗi thời khiếm khuyết và huyền hoặc, nhưng ba mặt kia của họ rất mạnh.

Trong khi nhìn lại đạo Phật, chúng ta thấy tính tổ chức không có. Phật giáo là một tôn giáo phi tổ chức; Phật tử, tín đồ đạo Phật đều rất tự do, đến đi tùy lòng, tùy ý. Niềm tin không được nuôi dưỡng, củng cố nên dù có qui y theo Phật, Pháp, Tăng rồi, có khi mãi cho đến mười năm sau họ mới trở lại chùa. Có thể là họ đến chùa vì bố mẹ, người thân qua đời cần cầu siêu, tụng niệm...

Từ mức độ cạn của một tín đồ, Phật tử đi vào đạo chúng ta thấy đã quá lỏng lẻo, đến nhìn sâu vào trong guồng máy giáo hội hiện tại chúng ta lại thấy chưa bao giờ có một quy chế chặt chẽ ở chiều ngang hay chiều dọc tức là chưa có một chút gì gọi là tính tổ chức.

Ba mươi năm đi ngang qua từ sau 1975 cho đến nay, trên đất nước mà ta tạm gọi là quê hương thứ hai nầy vì đạo Phật không có tính tổ chức nên chúng ta thấy nhan nhản tự viện mọc lên từ một ngôi nhà sửa lại và dần dần mỗi chùa thành một giáo hội riêng. Do vì không có tính tổ chức nên không có quy định gì, kế sách gì về sinh hoạt và hướng phát triển để đạo Phật tồn tại đi vào tương lai.

Thưa đại chúng, bước qua lãnh vực tài chánh chúng ta thực sự không có nguồn tài chánh, đơn giản cũng vì không có tính tổ chức.

Nhìn vào thực trạng ở đây, mỗi vị thầy tìm cách thu phục vài ba chục Phật tử ra riêng cất một ngôi chùa và từ đó phải làm cách nào cho có nguồn tài chánh để chi phí cho tự viện mình, đưa đến tình trạng số Phật tử thì không tăng mà cơ sở vật chất cứ phát triển. Kèm theo đó là sự chia rẽ, phân hóa nội bộ nghiêm trọng.

Cứ một tăng sĩ là một ngôi chùa, một mình một chợ phải đối diện với trăm công ngàn việc nên không có thì giờ, không còn đâu năng lượng để đầu tư vào chuyện tu tập. Từ đó tâm thức bị trần tục hóa dần dần, sa đọa dần đời sống tâm linh và khi đã xem nặng vấn đề vật chất, chắc chắn tiếp theo sẽ là chuyện nhũng lạm tiền bạc phát sinh.

Các tự viện phát triển một cách thoải mái ở nơi nầy bằng con đường cải gia vi tự, tức là từ một ngôi nhà nhỏ sửa lại làm chùa nên không thể nào đủ tiêu chuẩn sinh hoạt; không thể nào một cơ sở tôn giáo có đủ pháp lý để cho tín đồ, phật tử vân tập. Cho nên chỉ cần một làn gió luật pháp Mỹ phất qua thì tất cả của cải của vị thầy và Phật tử tan thành mây khói. Nguồn tài chánh đã không có mà chúng ta còn phá nát luôn tín tâm và nguồn yểm trợ của Phật tử.

Nói đến tôn giáo là nghĩ đến niềm tin, yếu tố nầy chúng ta cũng không có. Muốn cho đạo Phật tồn tại, tuy giáo lý Đấng giác ngộ loại trừ sự cuồng tín nhưng tối thiểu tu sĩ Phật giáo cũng phải gầy dựng được niềm tin và tạo được sự thương yêu đạo dạt dào nơi Phật tử, tín đồ. Chúng ta thường chỉ lo làm sao có chùa to, Phật lớn, làm ăn trong những cộng đồng người Việt với thế hệ già nua qua lễ lạy, cúng bái, ma chay... hình thức rườm rà mang đặc tính rất là Đông Nam Á nên không thể truyền đạt được niềm tin nơi giới trẻ, không thu hút được sự đầu tư vật chất cũng như trí tuệ của thế hệ tương lai. Đó là những thất bại, thua kém tôn giáo bạn của chúng ta mà tôi xin chia xẻ cùng quí vị.

Đạo Phật chúng ta chỉ có một mặt mạnh duy nhất là nội dung giáo lý. Tự thân giáo lý đạo Phật tiềm phục trí tuệ siêu việt, thách thức cả phát triển khoa học. Giáo lý đạo Phật đi trước những tiến bộ của khoa học, dù khoa học có phát triển vượt bực thì những phát minh hay khám phá mới nhất của khoa học, của con người trên hành tinh nầy đã từng được Đức Phật nói đến cách nay hai mươi sáu thế kỷ.

Nếu chúng ta biết nhìn xa, biết khai thác mặt nầy thì tăng sĩ chỉ phải làm mỗi việc mở rộng mặt mạnh của chúng ta là phát triển tuệ giác thể nghiệm đạo và văn hóa Phật giáo.

Đạo Phật chúng ta từ bao giờ đã không có tính tổ chức, không có nguồn tài chánh vững, không có kế sách, định hướng sinh hoạt rõ ràng cho tăng già vậy mà các bậc thầy của chúng ta trong quá khứ cũng như hiện tại đã vực dậy đạo Phật đứng lên được, tồn tại sống còn chảy vào các vùng đất Tây Phương âu cũng là duyên kỳ lạ. Một vài vị Thầy vươn lên làm được công trình lật những trang kinh cũ mốc meo, đầu tư tim óc khai mở cho người ta hiểu được, làm bừng sáng đạo Phật là cả công sức lớn lao và khó khăn vô cùng. Cho nên ngày hôm nay nơi đây, quí vị nếm được hương vị pháp, quí vị yêu thương đạo, có được niềm đam mê để xây dựng thành đoàn thể tăng già, thực hiện đúng lời Phật dạy là cả một quá trình không đơn giản của các bậc Thầy đã trải qua những chặng đường khó khăn.

Những ngày Đạo Phật bị lãng quên qua một trăm năm người Pháp đặt chân vào quê hương Việt Nam, tôn giáo gốc rễ là đạo Phật bị vùi dập, đánh phá làm cho tàn hoại như một cuộc pháp nạn kéo dài âm ỉ đến 1963. Sau đó hơn mười một năm Phật giáo Việt Namnhư người bệnh lâu đời chưa gượng dậy vững.

Rồi lịch sử sang trang cho đến hôm nay qua ba mươi năm tại Việt Nam đến hải ngoại sự phá sản tâm linh như một loại bệnh nan y. Tình trạng phân hóa, chia rẽ nội bộ càng trầm trọng; chùa viện phát triển vô tội vạ, đạo hạnh và phẩm chất tu học của tăng ni trẻ suy thoái và tụt hậu làm đổ vỡ niềm tin của Phật tử tín đồ. Và cho đến hôm nay nhìn tổng quát sự phát triển của đạo Phật trên đất nầy vẫn chưa đủ để chúng ta tự hào là đạo Phật đã có mặt thực sự.

Người tu chúng ta nhìn lại quá khứ, rồi nhìn vào hiện tại, để thấy vượt ngang qua những khó khăn để yêu thương và làm cho đạo Phật có mặt thực sự không phải là chuyện một sớm một chiều. Sự thách thức, sự đánh phá từ nhiều phía đến với đạo, đến với tăng sĩ, đến với tín đồ trong tương lai là một cái giá rất đắt phải đánh đổi để tồn tại. Cho nên, hai mươi điều khó khăn của người tu học theo tinh thần kinh Bốn Mươi Hai Chương có thể chia ra làm những điều sau đây:

3. Khó khăn từ hoàn cảnh và môi trường.

Yếu tố đầu tiên là hoàn cảnh sống của con người, nghèo quá thì không tu được mà giàu quá cũng không tu được. Ở nơi thị tứ phồn hoa ta không có điều kiện tu mà chốn xa xôi hẻo lánh không có ánh sáng văn hóa, không có bóng dáng Phật pháp thì ta cũng không tu được.

Không có những trang kinh, không có bóng dáng người tu, không có người hiểu biết Phật pháp nghĩa là thiếu điều kiện tiếp xúc với ánh sáng giáo lý là điều thiệt thòi lớn vô cùng.

Giữa lòng đô thị, phố xá xôn xao, quay cuồng theo cuộc sống ta sẽ không có điều kiện tiếp xúc với giáo lý để thực tập, để nếm được hương vị của pháp. Ngoài ra, hoàn cảnh và môi trường tác động mạnh lên tâm thức chúng ta. Nếu như ở trong một cộng đồng hay một vùng văn hóa mà nơi đó không có đạo Phật, chỉ có một số tôn giáo với tín lý cực đoan, chắc chắn chúng ta sẽ đi vào những tôn giáo đó và tâm thức chúng ta sẽ bị hạn chế, và trở nên cuồng tín. Điều đáng sợ nhất ở hành tinh nầy là những tôn giáo dạy cho môn đồ thành những con người cuồng tín. Tâm thức họ không có điều kiện mở ra, luôn đóng kín và đặc biệt chỉ biết duy nhất vị giáo chủ mình, giáo lý tôn giáo của mình.

Nếu chúng ta đi lạc vào một chủ thuyết cuồng tín, vào một môi trường làm cho đầu óc ta chai cứng thì khó mà xoay trở để mở rộng cửa tâm thức đón nhận ánh sáng của nguồn tuệ giác, giáo thuyết nào khác. Và như thế, nghìn đời vạn kiếp chúng ta sinh ra, những hạt mầm ấy bừng dậy rồi loanh quanh chúng ta cũng đi vào những ngõ cuồng tín mà thôi. Cho nên hoàn cảnh môi trường, giàu nghèo khó khăn và hoàn cảnh văn hóa địa vực rất quan trọng cho vấn đề tu tập.

Muốn tu tập chúng ta phải hội đủ bốn điều kiện là Pháp, Tài. Lữ và Địa. Pháp là Pháp môn tu. Tài là điều kiện vật chất vừa đủ, không giàu không nghèo. Lữ là bạn cùng tu. Địa là vùng đất, môi trường văn hóa, đạo đức thích hợp với chúng ta. Nếu như chúng ta rơi vào một cộng đồng tôn giáo khác chỉ đạo từ văn hóa, đạo đức, xã hội, chắc chắn mọi khó khăn sẽ đến với ta. Họ sẽ kỳ thị, bài bác hay gây rối mọi cách thì chúng ta không thể nào tu được.

Thưa quí vị, làm được một tăng sĩ, một người tu có khi không phải chỉ là phước đức một đời mà từ ngàn vạn kiếp chúng ta đã từng gieo trồng hạt nhân lành lớn vô cùng mới được khoác pháp phục của Như Lai.

4. Khó khăn từ chính thân tâm ta.

Trong giáo lý của Đức Phật có những nạn như “Si, lung, ấm, á” tức đui, điếc, câm, ngọng... là những trở ngại lớn cho sự tu tập. Và nếu chúng ta bệnh thì cũng bị trở ngại không thể nào tu được cho dù ta rất ham tu. Biết Đạo lúc quá già cũng là một trở ngại. Thân thể bại hoại, mỏi mệt, suy sụp, thần kinh trí não không còn tinh nhạy thì khó có thể phát triển đời sống tâm linh.

Tuy nhiên có những trường hợp có người đã lớn tuổi nhưng tâm thức họ lại rất trẻ trung, năng lực tu của họ tràn đầy. Ở mức độ cạn ta nhìn vào hình thể để đánh giá trẻ già hay hạn chế tuổi tác, nhưng ở mức độ sâu hơn hãy nhìn vào đời sống thực để thấy có những người già rất khỏa, trẻ trung tươi vui và đời sống tâm linh họ phát triển rất hài hòa. Ngược lại có những người trẻ lại làm như người lớn tuổi, mới có hai mươi mà lụ khụ như người già. Cho nên điều quan trọng là làm thế nào vượt qua được khó khăn của đời sống ngay chính tự thân.

Thân và tâm có những chướng nạn. Những khiếm khuyết của hình hài bên ngoài và những biến chuyển tâm sinh lý bên trong là những điều khó cần đặc biệt lưu ý trong sự tu tập.

Thân của tuổi trẻ nếu ta vượt qua được những chướng nạn khiếm khuyết như bất toàn về thủ túc, mắt mũi... thì còn có những chướng nạn khác đặt ra như sự bức bách của năng lượng tính dục. Tỉ dụ như tuổi trẻ đến với đạo nguyện lực không mạnh, tâm Bồ Đề không vững, không có pháp môn thực tập thì năng lượng tính dục phát triển, bức bách gây nên nỗi khó khăn rất lớn vì sự khống chế, loại trừ hay chịu đựng; đó không phải con đường để vượt qua.

Nếu chúng ta may mắn có một tâm hồn hiền thiện, thuần phác có nhiều hạt giống lành là do duyên kiếp rất nhiều đời; nhưng nếu không may trong ta là những hạt giống tiêu cực thì khó có thể cho ta tu học dễ dàng. Trong cùng một hoàn cảnh, một môi trường nhưng người ta thì sống an vui còn mình thì cả một sự chịu đựng, khổ vô cùng không thể tu học được, nên tùy tâm thức thiện lành, tùy hạt giống ta đã từng gieo mà khó hay dễ.

Về đời sống tri thức của mình nếu không thông minh, thì cũng một câu kinh nhưng bạn ta học dễ dàng còn mình thì như uống thuốc bắc, uống vào nhợn ra học hoài không thuộc, không nhớ cũng là một đại nạn. Thêm nữa, nếu ta lại là người cực kỳ thông minh, học đâu nhớ đấy thì sinh ra nạn kiêu ngạo và tự phụ trong tâm thức, không thể trông xa hơn, mở tầm nhìn rộng hơn nên đôi lúc đường tu bị đóng kín và ta không đi trọn được con đường.

Vượt qua được chặng đường khó thứ hai của thân và tâm nầy là điều không đơn giản.

5. Khó trên con đường tìm đạo.

Trong đạo Phật, thưa đại chúng nếu không có điều kiện xuất gia trong đạo tràng thanh tịnh với một vị minh sư nhưng lòng rất ham tu, nên ta tìm đến một vị thầy nào đó ở dưới phố chợ để xin xuất gia. Chúng ta có thể tin được là mình có an bình và hạnh phúc trong cuộc sống tu hành?

Tôi xin lấy một ví dụ nếu chúng ta gặp và được thọ giới xuất xa với một thầy chuyên việc kinh doanh. Ông bày đủ thứ chuyện bán mua; làm tiền hợp lý bên ngoài, làm điều phi pháp ở trong đạo, tự nhiên tâm Bồ Đề của ta bị thui chột. Ta trở nên chán nản, thù ghét đạo và chán tu vô cùng. Nếu tâm bồ đề không thui chột thì ta theo thầy, chuyển hướng tâm Bồ Đề qua ngõ kinh doanh như ông, cũng ham tiền như ông thế là cuộc đời tìm đạo, tu hành của ta chấm dứt. Thứ nữa trên con đường tâm linh có muôn ngàn cánh cửa ngoa ngụy lường gạt hành giả từ bên ngoài cho đến bên trong tâm thức của chính mình. Một khi hạt giống bất thiện ấy đã gieo vào tâm thức, không những mất đi một đời mà còn tàn hoại nhiều đời không có cơ hội cho chúng ta hồi phục lại, lái được cuộc đời mình vào lại con đường ham tu. Khó khăn vô cùng trên con đường tìm đạo là như thế.

6. Khó học hiểu và giải ngộ giáo lý.

Thưa đại chúng, giáo lý đạo Phật mênh mông như biển. Nếu lưu ý chúng ta sẽ thấy giáo lý ấy nhiều khi rất là mâu thuẫn. Tôi xin đơn cử một điều để thấy sự mâu thuẫn đó.

Trái tim của đạo Phật là giáo lý vô ngã, tức không hề có cái ngã trong hợp thể ngũ uẩn. Nhưng khi giáo lý Đạo Phật đi ngang qua thời gian, mở rộng qua các địa vực, và cần chuyển biến để tồn tại thì các nhà Phật học đã đẩy giáo lý vô ngã Nguyên thủy lên một tầng lý giải xem chừng mâu thuẫn như Chân tâm, Phật tánh, Bất Động trí, Tự thể Niết Bàn bất sinh... của Đại thừa viên giáo. Sau nầy Thiền Đốn ngộ Trung Hoa còn sinh ra những từ ngữ gợi hứng thú nhiều hơn như Bản Lai Diện Mục, Mặt Mũi thật của ta... Thế là từ giáo lý vô ngã được đẩy thành giáo lý Đại thừa, rồi quý thầy mạ vàng vô ngã thành Chân tâm, Phật tánh, Pháp thân, Niết Bàn thường trú... thì đâu còn vô ngã nữa.

Chúng ta vốn là Phật tử, tự thân giáo lý đạo Phật nếu không khéo học, không có trí tuệ để giản trạch, để tư duy thì rừng giáo lý tưởng như mâu thuẫn nầy sẽ làm cho chúng ta đi lạc vào lối biện thuyết, giải thích của tà giáo. Và điều tai họa hơn nữa là chúng ta thường học để thu thập kiến thức làm giàu cho kho tàng hiểu biết, trong khi con đường học để giải ngộ, hiểu giáo lý để tu là con đường quay về loại trừ tri thức, học thuật.

Nếu chúng ta là người đã từng học Phật, kinh qua mười, hai mươi, ba mươi năm thì những kiến thức tích chứa, thu thập được hay tri thức đang có mặt là trí tuệ hữu sư và đó là những chướng ngại do vì tính cách hướng ngoại. Chúng ta tu học là phải hướng nội, quay trở về nhận ra được cái gì tỉnh sáng trong tự tâm chúng ta và sống với cái “nhận biết rỡ ràng” đâu phải dễ. Bởi vì chúng ta quen suy nghĩ, thần kinh não luôn luôn hoạt động hai mươi bốn trên hai mươi bốn, nếu bảo phải dừng lại những xao động nổi chìm... để tâm thức lặng yên điều nầy không thể được. Cho nên khó khăn vô cùng khi ta học hiểu giáo lý, khó khăn vô cùng khi ta giải ngộ giáo lý.

7. Khó trên bước đường tu tập và hành trì.

Giải ngộ giáo lý là nhận ra được tự thể tâm vốn là Phật bản nhiên của ta. Tự thể tâm nầy có năng lực phản chiếu tỉnh sáng, ngay nơi đây và giờ phút nầy. Và chúng ta làm thế nào để sống được từng phút, từng giây trong cuộc sống; từng sát na không để cho tâm thức chạy về quá khứ để nhớ, chạy đến tương lai để lo toan, tính toán mà phải dừng lại an trú ngay nơi tâm Phật bản nhiên. Làm được điều nầy là chúng ta đang tu tập pháp môn mà Đức Phật đã triển khai trong niệm thân, niệm thọ, niệm tâm, niệm pháp. Đây chính là con đường mang đến hạnh phúc, niềm vui chắc thật trong đời tu chúng ta.

Thế nhưng làm được điều nầy có dễ không ạ? Thưa đại chúng, tâm cứ chạy phía trước, lui phía sau và chúng ta cứ quên. Tâm không an trú nơi sự nhận biết mà luôn chạy đi xa và khởi lên biết bao nhiêu là ý nghĩ lao xao, trăm ngàn thêu dệt bồng bềnh tức chúng ta không an trú được ngay trong hiện tại, không thể mời được dòng chảy năng lượng chánh niệm tỉnh giác có mặt. Do vậy tu tập được là một việc khó vô cùng.

Khi ta nghe vài bài pháp thoại, đọc một vài trang sách có thể giải ngộ đạo lý rất dễ dàng nhưng sống với năng lượng chánh niệm từng phút từng giây không phải dễ. Do vậy. Con đường dài thực tập với bao nhiêu phương tiện mở ra cho chúng ta những pháp học và pháp hành trong đạo Phật cũng chỉ để làm sáng tỏ một điều là quay về an trú trong năng lượng chánh niệm hiện tiền mà thôi.

Thế nên, học hiểu sâu sắc trở thành một học giả đã khó, giải ngộ đạo lý sống động ngay trong chính thân tâm khó hơn, và càng khó hơn nữa là buông hết những sở đắc mới trở thành một hành giả thực sự.

8. Khởi phương tiện độ sinh.

Yếu tố căn bản để khởi phương tiện độ sinh là phẩm chất thực của sự tu học. Có thể có một thầy rất giỏi, nói được nhiều ngôn ngữ, trình bày rất là văn chương mạch lạc, ý tưởng rất sâu sắc nhưng tự thân không có phẩm chất của sự tu, không có năng lượng chánh niệm, không có năng lượng của định và tuệ làm nền, không biểu lộ được đức hạnh, đạo lực thế thì ngôn ngữ thầy ấy nói không đánh động vào trái tim người khác.

Những điều gì chúng ta hiểu qua sách vở, qua người khác mớm cho rồi đem trình bày lại thì cách trình bày đó không thể sáng tỏ được. Những gì mà mình thực sự lặn vào, tiêu hóa, tinh lọc thành chính máu thịt tự thân rồi truyền đạt lại người khác thì mới sáng tỏ và thực sự cống hiến được.

Cho nên để có phương tiện độ sinh đòi hỏi một số điều kiện rất quan trọng. Điều kiện đầu tiên là chúng ta phải có khả năng diễn đạt điều mình muốn nói. Có những điều mình hiểu hoặc cảm mà không thể diễn đạt cho người ta hiểu được. Ví dụ như khi nhìn cảnh mặt trời lặn, cảm được cái đẹp nhưng trong tôi không nhiều chữ nghĩa nên không làm sao có thể nói được cái đẹp của buổi hoàng hôn cho người khác cảm nhận.

Trong cuộc sống đời thường, những việc như nấu ăn, làm lặt vặt... là điều dễ vậy mà đôi khi chúng ta phải vất vả, phải khó khăn lắm mới làm được một bữa cơm ngon. Thế thì họa một bức tranh, tạo một tác phẩm điêu khắc, biểu diễn một khúc nhạc là những loại hình nghệ thuật đòi hỏi nơi tâm hồn người ấy một niềm đam mê lẫn cả trí tuệ. Và nhiều điều kiện phối hợp mới làm nên một tác phẩm nghệ thuật sáng giá chứ không đơn giản là chúng ta chỉ cần bàn tay khéo là đủ.

Hơn nữa, trong đời người tu việc truyền đạt, dạy đạo lý giúp người ta chuyển hóa tâm thức là một nghệ thuật cao nhất trong tất cả loại nghệ thuật, nên khó vô cùng. Ví như trong một buổi pháp thoại đâu có phải mình học thuộc lòng giáo lý là chia xẻ được. Nhiều lúc chúng ta soạn bài rất kỷ nhưng khi lên giảng mình quên, có khi cách trình bày của mình tuy rõ ràng nhưng âm sắc trầm trầm dễ làm cho người ta chìm vào giấc ngủ. Nếu khi thính chúng của mình thuộc thành phần có những yêu cầu rất thực tế trong đời thường mà chúng ta lại nói chuyện sao Hỏa, sao Kim... xử dụng ngôn ngữ hàn lâm thì chúng ta không truyền đạt được. Ngược lại, thính chúng của mình là những nhà khoa học, những nhà tâm lý trị liệu, những người ở trình độ tri thức cao mà cách trình bày của chúng ta là cách trình bày cho những người nhà quê thì cũng thất bại. Và để đạt được hứng thú, cảm thông được giữa mình và người nghe chúng ta phải nhìn rõ căn cơ của người đối diện để chia xẻ.

Con đường độ sinh mở ra cho ta nhiều phương tiện, nhiều lãnh vực; từ lãnh vực củng cố, phát triển bên trong của tự thân đạo Phật đến các hướng mở vào đời như giáo dục, y tế, xã hội, văn hóa, học thuật...Và khởi được những phương tiện có nghĩa là chúng ta phải có trí tuệ, tài năng, có nhiệt tình và tâm Bồ Tát mênh mông, bao la mới có thể khởi phương tiện độ sinh được.

Thưa đại chúng, hai mươi điều khó khăn Phật nêu ra cho người tu trong chương mười hai của Kinh Bốn Mươi Hai Chương mà chúng ta vừa học qua là con đường dài thử thách không đơn giản mà người tu muốn tiến đạo phải vượt qua.

Tuy nhiên, trong văn học Phật giáo Đại thừa có chia ra tám điều khó tức tám khổ nạn mà từ ngữ Phật học quen thuộc chúng ta thường biết là “Tam Đồ Bát Nạn.” Tam Đồ là địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh tức ba con đường khổ. Bát nạn là tám khổ nạn: Khó gặp Phật xuất thế, khó nghe được chánh pháp, khó phát khởi tâm lành, khó sanh vào vùng văn hóa, khó sanh được ở nhân gian, khó làm được con người toàn vẹn, nạn khổ của thế trí biện thông và sanh vào thời không có Phật Pháp.

9. Khó gặp Phật xuất thế.

Ở đây còn có nghĩa là khó gặp được những bậc đạo sư lớn có năng lực truyền đạt chánh pháp. Như chúng ta biết trên hành tinh nầy đang hiện diện rất nhiều tôn giáo; có những tôn giáo họ vận dụng mọi phương tiện muốn tín đồ đến với đạo là để tổ chức cho thế lực tôn giáo đó lớn mạnh hầu ảnh hưởng đến xã hội, đến chính trị. Đồng thời có những tôn giáo đặc biệt khi chúng ta đến với sinh hoạt của họ thì họ trao cho ta sự thực tập để quay trở lại tự thân khám phá được tuệ giác nơi chính mình, tự làm cho đời sống của mình được giải thoát, an lạc. Họ khước từ tính cách tổ chức tôn giáo và họ cũng không đặt nặng hình thức sinh hoạt bên ngoài. Chúng ta khó tìm được tôn giáo hay bậc thầy đem đến cho tín đồ, cho con người sự tự tin và tự lập như vậy.

Tâm thức chúng ta có thói quen là biếng lười, ỷ lại. Lúc nhỏ thì ỷ lại vào đời sống gia đình, người thân. Khi có gia đình thì nương vào người bạn đường vì thấy họ là chỗ tựa. Tâm thức nầy theo chúng ta đi vào lãnh vực tâm linh, rồi chúng ta đến với tôn giáo để mong nương tựa vào thế lực của thần linh, nương tựa vào giáo chủ nên hầu hết tôn giáo đều khai thác, lợi dụng điều nầy để thao túng con người.

Cho nên tìm đến được một tôn giáo trao cho chúng ta quyền tự quyết chính cuộc đời mình, một tôn giáo nói được rằng cuộc đời của anh do chính anh làm chủ. Anh là Thượng Đế sáng tạo đời sống hạnh phúc hay khổ đau cho chính anh, anh là giáo chủ của anh, anh là vị thầy của chính mình. Anh là Thánh nhân, hay tâm thức tuột xuống làm loài động vật thì cũng do chính anh làm nên, không một vị thần linh hay đấng sáng thế nào có thể giúp anh được; tôn giáo đó rất khó kiếm trên cuộc đời. Vì vậy, gặp được một vị giáo chủ, một bậc giác ngộ hay gặp con đường chánh pháp để thực tập rất là khó.

10. Khó nghe chánh pháp.

Người đời thường chỉ thích nghe những gì hợp với tai mình. Tâm thức ta thường có định kiến sẵn khi nghe một vấn đề gì. Ví như từ nhỏ chúng ta đã được nuôi dưỡng trong môi trường của một tôn giáo nào đó, lớn lên chắc chắn tình cảm của ta sẽ gắn chặt với tôn giáo mình đã theo từ nhỏ. Bây giờ nếu đến với những tôn giáo xa lạ, có những điều rất khác với những gì đã được huân tập, đã ảnh hưởng và nuôi dưỡng đời sống tình cảm, tri thức ta từ nhỏ tức khắc tự bên trong tâm thức mình có khuynh hướng đẩy ra tất cả những nguồn tuệ giác mà đúng ra chúng ta có thể tiếp thu. Đó là những điều kiện khó từ bên trong.

Những khó khăn từ bên ngoài chẳng hạn như giáo lý tu tập. Tuệ giác của đạo Phật ở tầng mức cao, không thể hạ xuống thấp cho bằng trình độ, tình cảm của chúng ta mà chúng ta phải vươn lên, nâng tâm thức lên để bắt kịp chân lý chứ chân lý không thể nào hạ thấp xuống.

Chúng ta khó nghe chánh pháp là từ các yếu tố nội tại và ngoại tại như vậy.

11. Khó phát khởi thiện tâm.

Tập nghiệp chúng ta ở tầng cạn phát khởi giận hờn, ganh tị, tham đắm rất là dễ nhưng phát khởi tâm lành, tùy thuận việc lành của người rất là khó.

Ở phần sâu sắc hơn khi ta muốn phát khởi tâm tu, mỗi một ngày làm sao cho thân tâm ngày càng phát triển theo chiều hướng hiền thiện thì không dễ như khi gắn niềm tin vào một vị thần linh. Ví dụ lúc đi thiền hành ta cố thực tập để mỗi bước chân đặt đến đâu tâm theo bước chân in dấu đến đấy thì rất khó chứ để tâm chạy Đông, chạy Tây rong chơi rất là dễ.

Khi chúng ta thực tập làm thế nào để tâm luôn ở nơi thân, ý thức sáng tỏ từng động dụng nhỏ nhoi của thân, là bước đầu rất cạn của thiền tập. Bước nền tảng nầy được xây dựng không phải chỉ ở nơi người mới tu mà ngay với các bậc thầy, các vị thiền sư lớn cũng chỉ làm một việc nầy, thế nhưng không phải dễ.

Các vị thiền sư từng làm những việc rất đơn giản như gánh nước, bổ củi, nấu cơm... trong những sinh hoạt hàng ngày các vị đều an trú trong Thiền có nghĩa là thân ở đâu thì tâm ở đó. Làm được điều nầy là đã kiểm soát được thân của mình từng phút từng giây. Thân là vật lý có thể sờ được, có thể cân đong, đo đếm được mà chúng ta không làm chủ được thì làm sao ta có khả năng làm chủ được những vui buồn của mình. Vui, buồn chúng ta chưa thể nhìn được nó, không làm chủ được nó thì vào sâu hơn tầng vui buồn là những suy nghĩ lầm thầm xao động, bất an ta càng không làm chủ được.

Vì vậy, điều khó phát khởi thiện tâm bước đầu là tùy thuận việc lành của người khác. Cái khó ở tầng cao hơn trong sinh hoạt thực tập là chúng ta làm cho năng lượng thực tập kéo dài liên tục suốt ngày đêm, làm chủ được thân tâm mình.

12. Khó sinh vào vùng văn hóa.

Trên đất nước nầy, nền văn minh tuy được trải đều trên năm mươi tiểu bang nhưng nếu có dịp đi vào những vùng xa, miền đồng quê chúng ta vẫn thấy những thôn xóm nghèo khổ, có những người vẫn gặp khó khăn trong đời sống vật chất lẫn tinh thần.

Ở nơi đó những thông tin đại chúng như báo chí, những thông tin để tiếp cận được học thuật, văn hóa... rất hiếm, nên người ta không thể tiếp xúc được với ánh sáng văn minh, chưa thể tiếp cận được với nền văn hóa hiện đại để nuôi dưỡng đời sống tinh thần. Và chắc chắn tôn giáo không có cơ hội phát triển ở những nơi như thế nầy.

Nếu chúng ta sinh trưởng trong vùng đất với những điều kiện đó thì chỉ biết tranh chấp nhau từng chuyện nhỏ như tiền bạc, ăn uống... sẽ dễ sanh trưởng ác nghiệp sâu dày và đời sống chúng ta gắn chặt với hình hài vật lý nên khó có điều kiện tiếp xúc được với ánh sáng chánh pháp khi ở trong những vùng quá hẻo lánh.

Chúng ta may mắn nếu được sinh ra ở trong những trung tâm văn hóa, tiếp cận được nền văn minh lớn mới có điều kiện để phát triển tri thức nâng đời sống tâm linh lên cao.

13. Khó sinh ở nhân gian.

Người được sinh ra ở cõi Trời tuy phước lớn nhưng không phải thuận lợi cho sự phát triển tâm linh. Ở những nơi cực kỳ sung sướng về điều kiện vật chất thì chúng ta khó có điều kiện tiếp xúc với nỗi khổ để phát đại tâm vượt thoát tử sinh, khó có điều kiện giác ngộ. Kinh Tăng nhất A hàm có một câu: “Chư Phật giai xuất nhân gian, chung bất tại thiên thượng thành Phật quả.” “Các Đức Thế Tôn đều chứng quả giác ngộ tại nhân gian. Chưa hề có vị nào thành đạo nơi Thiên giới cả.”

Thưa đại chúng, cùng sinh ra trong nhân gian nhưng nếu được ở những nơi chốn quá sung sướng chúng ta đừng nghĩ rằng mình may mắn vì có điều kiện tiếp xúc với giáo lý đạo Phật. Có thể sống trong môi trường mà điều kiện vật chất quá đầy đủ, giàu có làm cho chúng ta chìm ngập trong lợi danh vật chất, khó đẩy mạnh tâm thức ham tu.

Tiếp xúc với khổ nghèo, thiếu thốn có thể làm chúng ta lo lắng, sợ hãi nhưng đôi khi là điều kiện để ta phát khởi tâm vượt thoát thân phận phàm phu. Tiếp xúc sâu sắc được với đau khổ, nghèo khó thì Bồ Đề tâm của chúng ta dễ phát khởi, trưởng thành.

14. Khó có được thân người toàn vẹn.

Thân người toàn vẹn là con người đầy đủ, không khiếm khuyết một chi phần nào trong thân thể. Nếu trong sáu giác quan mà chúng ta bị khiếm thị, hoặc khả năng nghe của chúng ta kém hay một bộ phận nào trong cơ thể bị khuyết tật; đó là những điều kiện khó cho ta tu tập, do vì thân sinh lý bất toàn nên tâm tư, tình cảm cũng sẽ bị ảnh hưởng mất quân bình theo. Vì vậy, có được một hình hài, một thân thể toàn vẹn, lục căn hoàn cụ là một phước điền rất lớn của con người.

15. Trí thức, thông minh có thể trở ngại cho sự tu tập.

Điều đặc biệt ở những con người rất thông minh, trí thức rất dày đôi khi lại là điều kiện trở ngại khó đến với đạo

Có những hạng người thông minh, trí thức đi đến với đạo rất dễ. Tâm thức họ mở rộng, khiêm tốn và họ có nền tảng đạo đức nên bước thảnh thơi vào con đường tu tập. Đồng thời cũng có những người tuy rất thông minh, rất trí thức nhưng lại rất kiêu ngạo. Đầu óc họ cố chấp nhỏ hẹp, bít kín bởi sở học nên không bao giờ mở cánh cửa tâm để đón nhận những gì khác. Chúng ta gọi đó là chướng nạn của sự học đạo.

16. Sanh Phật tiền, Phật hậu.

Sanh trước khi Phật có mặt, giáo lý Đức Thế Tôn có mặt hay là sanh sau khi Đức Thế Tôn và giáo lý của Ngài khuất bóng trên hành tinh nầy.

Nếu chúng ta có ham tu học, có mơ ước đời sống tâm linh cũng không thể tìm đâu ra khi chúng ta sanh trước khi có Phật hoặc sau khi có Phật. Có những chu kỳ trên hành tinh nầy, những bậc giác ngộ đã xuất hiện, và cũng có những chu kỳ không có bóng dáng một vị Đạo sư nào xuất hiện.

Trên đất nước Hoa Kỳ nầy, cách đây gần hai trăm năm chưa hề có bóng dáng Phật giáo, chỉ có Ki Tô giáo được người da trắng từ Châu Âu mang đến. Và từ thế kỷ mười chín Phật giáo mới từng bước đi vào nơi đây.

Tám điều khó trong văn học kinh điển Phật giáo Đại Thừa triển khai mà tôi cùng quí vị vừa đi lướt qua đã cho chúng ta cảm nhận được phần nào ba con đường khổ và tám nạn của con người trên cuộc đời nầy.

Phần thứ hai.

Thưa đại chúng, hôm nay chúng ta đi vào hai mươi điều khó trong Kinh Bốn Mươi Hai Chương. Đức Phật dạy: “Nghèo bố thí khó. Giàu học đạo khó. Thấy được kinh Phật khó. Bỏ thân mạng học đạo khó.”... Gồm có hai mươi đều khó như sau.

1. Nghèo bố thí khó.

Thông thường khi nghèo sự phát tâm bố thí rất là khó. Tâm thức và hoàn cảnh thường đi đôi với nhau. Một khi tâm thức chúng ta hẹp hòi, nhỏ mọn chỉ biết nghĩ đến mình và không mở lòng thương yêu để nhìn người khác thì từ tâm thức đó sẽ chiêu cảm hoàn cảnh khó nghèo của mình. Hai điều nầy sẽ luôn tương ứng với nhau.

Những người giàu, đôi khi họ giàu không phải vì tài ba, không vì may mắn mà do vì tâm thức của họ rộng mở. Tuy họ làm những công việc nhẹ nhàng, bình thường nhưng tiền lại vào rất dễ.

Giàu sang, địa vị, danh vọng và thông minh hay đi liền với nhau và những điều nầy đặt căn bản trên tâm thức chứ không hoàn toàn tùy thuộc vào điều kiện bên ngoài. Người có tâm hiền thiện, lòng yêu thương luôn rộng mở, độ lượng và bao dung thì đời sống vật chất của họ theo điều kiện tâm thức mà được nâng cao.

Nên đôi khi chúng ta thấy làm lạ là hình như công chúa, hoàng tử ai cũng xinh đẹp còn mình sao không được như họ. Thưa, vì phước báu của họ đã từng gieo rất nhiều đời nên khi họ sinh ra là trong cung vàng, điện ngọc. Sự giàu sang và nhan sắc của họ cũng theo điều kiện phước nghiệp mà thể hiện. Tất cả đều đặt căn bản từ bên trong tâm thức.

Tâm ta chuyển thì hoàn cảnh chuyển. Tỉ dụ nếu ta sinh ra trong cảnh giàu có, nhưng vì lý do gì đó mà tâm ta hẹp hòi, keo kiệt, cô cứng trong ganh tị, thù hằn tức khắc trong hiện đời tuy sống trong nhung lụa nhưng hình hài cũng theo tâm thức mà thay đổi theo. Những ưu sầu, khổ não, khó chịu có mặt trên dung mạo và nếu điều nầy kéo dài, hoàn cảnh bên ngoài từ đó cũng dần dần suy sụp, đổi thay theo. Chúng ta lưu ý nghèo bố thí khó là như thế.

Tuy nhiên nếu chúng ta ở trong hoàn cảnh nghèo, khó khăn nhưng biết phát khởi tâm lành, thương yêu và biết giúp người khổ hơn mình thì giá trị không phải ở vật chất nhiều ít mà giá trị có được là từ tâm thức từ bi rộng mở của chúng ta.

Trong kinh có câu chuyện: Một thí chủ cúng dường lên Đức Thế Tôn một bát cơm. Ngay lúc ấy có con chó đói đi ngang qua, Đức Phật liền sớt ra phân nửa cho con chó, còn một nửa Ngài dùng. Sau đó Ngài hỏi Xá Lợi Phất: “Ông nói thử xem vị thí chủ cúng dường cho ta phước nhiều hơn hay ta cho con chó kia ăn phước nhiều hơn?” Đúng theo nguyên tắc của Kinh Bốn Mươi Hai Chương khi bố thí là nhân cấp, tức “cho một nghìn người ác ăn không bằng cho một người thiện ăn. Cho một vạn người thiện ăn không bằng cho một người thọ ngũ giới ăn.”, nhưng Đức Thế Tôn hỏi câu nầy rất ngược vì người kia cúng dường Ngài là cúng dường vị Phật, Ngài xớt thức ăn cho con chó là loài súc sinh thì hai việc nầy điều nào phước nhiều và điều nào phước ít? Ngài Xá Lợi Phất rất thông minh nên đã trả lời Đức Phật: “Bạch Đức Thế Tôn, Ngài cho con chó ăn phước vô lượng, còn vị thí chủ kia cúng dường cho Đức Thế Tôn phước không bao nhiêu cả.” Phật hỏi: “Tại sao.” “Bạch Đức Thế Tôn, vị thí chủ kia cúng dường cho Ngài bằng cái tâm của con người có mong cầu, tâm lượng của họ là tâm lượng của một chúng sanh. Đức Thế Tôn tuy cho loài động vật ăn, tâm lượng Ngài là tâm lượng của một vị Phật, bao la bát ngát như không gian không bờ mé, nên phước cũng vô lượng.”

Từ chuyện nầy, cho chúng ta biết được một điều là mọi việc đều ước định, đặt căn bản trên tâm thức. Tâm của mình rộng, mênh mông thì việc làm của mình dù nhỏ cũng thành lớn. Tâm của mình nhỏ hẹp, ích kỷ thì dù chúng ta có làm việc to lớn, vĩ đại kết quả của nó cũng hẹp như tâm thức của mình.

2. Giàu học đạo khó.

Chúng ta thường nghĩ giàu có là điều kiện tốt lành nhất trong cuộc đời.

Nho giáo có câu “Địa du cố, mộc du kiên”: “Đất càng sỏi đá, càng khô không màu mỡ thì cây càng cứng;” để ví với những người sinh ra trong điều kiện khó khăn, cực khổ nhưng tự mình vươn lên để thành đạt là những con người rất rắn rỏi. Tuy nhiên, không hẳn như thế bởi chúng ta không có điều kiện vật chất tạm đủ thì không thể phát triển để học hành tới nơi, tới chốn.

Chúng ta thông minh, ham học nhưng sinh trưởng nơi chốn bùn lầy, nước đọng và chưa bao giờ có điều kiện bước ra khỏi quê hương lầm than, chưa có cơ hội lên tới tỉnh thành thì không thể học hành được. Sự phát triển nếu có chỉ chừng mức nào đó mà thôi, dù có muốn vươn lên, phấn đấu cực khổ rồi cũng đến chỗ phải dừng lại. Sự giàu có cho ta vô vàn thuận lợi để làm mọi việc, từ học hành, việc làm, tranh đoạt lợi danh... Cho nên muốn phát triển về phương diện trí thức, đạt đến chiều cao của học thuật cần có điều kiện vật chất bên ngoài hỗ trợ.

Và muốn bước vào trong đạo tu tập cũng rất dễ nếu chúng ta phát tâm tu. Với nền tảng phước hữu lậu lớn, vững vàng cùng với điều kiện tri thức căn bản thì bước vào đạo chúng ta tu học rất là nhanh.

Nếu chúng ta không có một căn bản tri thức làm nền tảng hoặc học hành chưa tới đâu, khi vào đạo ta mày mò từng chữ một, tập tè bò dưới thấp rất là cực trong lúc người ta đã vươn tới trời xanh.

Nhưng tại sao giàu có học đạo khó? Sở dĩ giàu có học đạo khó là bởi khi đã giàu có và thành đạt thì niềm đam mê vật chất như một chất keo bám cứng vào đời sống chúng ta. Chúng ta chỉ thích đếm tiền bỏ vào túi, và có khi cả một đời mình chỉ biết lo làm sao có thật nhiều tiền, nên không còn thì giờ để làm điều gì khác hơn nữa. Ta luôn bận rộn trong đời sống lo làm giàu, còn thì giờ đâu để học đạo nên Đức Phật gọi giàu học đạo khó là như thế.

Nhìn ra ngoài xã hội chúng ta thấy những quốc gia nghèo khó nếu muốn phát triển vững mạnh về kinh tế và tài chánh cũng cực khổ vô cùng.

Điều đầu tiên của những quốc gia nghèo đói, chậm phát triển khi muốn làm giàu thì mọi khả năng của quốc gia chỉ dồn vào một việc là làm giàu nên họ không ngần ngại tàn phá tài nguyên thiên nhiên cũng như tài sản quốc gia nếu cần.

Bước kế tiếp, những gì nếu đưa đến lợi nhuận họ đều ra tay giành giật không cần suy nghĩ cho dù điều ấy có phá vỡ nền tảng đạo đức xã hội. Và những gì không đưa đến trực tiếp lợi nhuận to lớn thì họ không đầu tư.

Có những quốc gia được xếp hạng nghèo đói, chậm tiến đang cần làm giàu; nên người có năng lực và uy quyền chỉ muốn phát triển, đầu tư vào những lãnh vực lợi nhuận kiểu trước mắt mà không nghĩ đến điều quan trọng là đào tạo con người trong tương lai có đầy đủ phẩm chất đạo đức và trí tuệ để lãnh đạo, để đưa đất nước đi lên theo hướng phát triển lâu dài và nhân bản.

Thêm vào đó, mọi người đều đua nhau vào việc kinh doanh làm giàu, không đầu tư năng lượng cho thế hệ tương lai, tuy đẩy được sự phát triển xã hội nhưng giá trị hạnh phúc đời sống bị phá hủy bởi nền giáo dục thiếu đạo đức. Họ thẳng tay tàn phá môi trường, tàn phá di sản của đất nước, của tổ tiên tiền nhân để lại như văn hóa, nghệ thuật... Cho nên từ nghèo khổ muốn làm giàu đưa đến sự phá sản của một quốc gia, và cũng từ nghèo khó quá, muốn làm giàu đưa đến sự phá sản nền tảng đạo đức nơi một con người. Thế nên, nếu con người ở trong một hoàn cảnh nghèo khó, không có điều kiện tiếp xúc với ánh sáng văn minh, thiếu điều kiện giáo dục tốt lành, cũng không hiểu biết giáo pháp giác ngộ để củng cố sự thực tập chắc chắn sẽ đưa đến sự tha hóa đạo đức.

Giàu học đạo khó và ham làm giàu học đạo cũng khó là như vậy.

3. Thấy được kinh Phật là khó.

Thưa đại chúng, tôi được nghe kể lại câu chuyện: Trong giờ lên lớp của một giáo sư người Anh phụ trách chương trình Phật học tại Đại học Naropa của Tây Tạng ở thành phố Denvertiểu bang Colorado. Khi thấy những sinh viên để cuốn kinh Phật dưới sàn thì cô không bằng lòng, và cô nói một câu rất nhẹ nhàng: “Đành rằng giá trị của quyển sách nầy có thể mua bằng vài chục đồng, nhưng đặc biệt trong cuốn sách chứa đựng những lời đầy tuệ giác của một bậc đại giác ngộ. Những lời mà quí vị đọc, học và thấm nhuần có thể giúp quí vị sạch hết phiền não, khổ đau. Xa hơn nữa là cứu quí vị ra khỏi cuộc đời nổi chìm trong luân hồi sinh tử.”

Thưa, lời nói của vị giáo sư kia, hay đôi khi lời nói của người bạn nếu đến đúng lúc, đúng thời, đúng tâm trạng có thể chuyển hóa được đời sống của chúng ta, làm cho chúng ta nhớ suốt đời. Nhưng những lời như thế rất là hiếm, không phải lúc nào chúng ta cũng được nghe. Và từ những nhọc nhằn, khúc khuỷu ghềnh thác trên suốt đường đời, chúng ta đã từng gặp những lời khuyên nhủ của người thân, của bạn bè và hơn hết trong đạo là những lời dạy của Đức Phật.

Trên tất cả ngôn ngữ của trần gian, ngôn ngữ của Đức Thế Tôn được tuôn chảy ra từ trái tim, từ sự giác ngộ. Những lời nói đó không mang đặc tính tôn giáo gì cả mà lại mang tính chân lý rất phổ biến trong nhân gian.

Lời dạy của Ngài giúp cho mọi người nếu thực tập thì có thể tự chuyển hóa đời sống của mình, làm cho đời mình an lạc và hạnh phúc. Hạnh phúc ở tầng cạn là đời sống gia đình, hạnh phúc ở tầng cao hơn là trong đời sống xã hội, và hạnh phúc ở tầng cao hơn nữa là nâng đời sống tâm linh lên đỉnh cao cuối cùng hoàn thiện một kiếp người.

Có những người có thể có ngàn vạn cuốn sách, nhưng đôi khi gặp kinh Phật họ dị ứng vô cùng, không muốn đọc. Hơn nữa, nơi đây tất cả kinh sách Phật giáo bằng tiếng Anh chỉ mới xuất hiện trong thời gian gần nên có người còn chưa có cơ hội đọc được một trang kinh Phật.

Ngay trong thời Đức Phật còn tại thế, lúc Ngài đi giáo hóa đã có người từng gặp Phật, thế mà họ vẫn quay lưng lại đi chỗ khác. Cho nên, đôi lúc chúng ta đã trực tiếp đối diện và tiếp xúc với giáo lý giác ngộ qua lời dạy của Đức Phật, qua những trang kinh khơi mở trí tuệ cho ta nhưng chúng ta rất là dị ứng, không muốn đọc, không muốn nghe. Và những điều nầy dễ có mặt trong ta. Do vậy cái khó thứ ba gặp được kinh Phật là như thế.

4. Bỏ thân mạng học đạo khó.

Thưa đại chúng, như chúng ta đã biết, trái tim giáo lý đạo Phật là Vô ngã, nhưng sinh ra trong cuộc đời hầu như tất cả mọi sinh linh đều đi ngang qua bao nhiêu kiếp cực khổ vô cùng cũng để bồi đắp, nuôi dưỡng bản ngã càng ngày càng lớn.

Chúng ta thường hay có niềm tự hào, kiêu ngạo về cái ngã của mình, bây giờ vào trong đạo Phật, đến với sự tu tập để gột rửa, lột bỏ tất cả những cái gọi là bản ngã, cái Ta và sở hữu của ta, chúng ta không chấp nhận và rất sợ.

Hình ảnh bà già ăn xin khi gặp Đức Thế Tôn đi giáo hóa trên lưu vực sông Hằng bỏ chạy, trốn Phật trong nhiều năm vì bà ghét, sợ Phật vô cùng; đó chính là chúng ta. Khi nghe Đức Phật xuất hiện rất mừng, nhưng khi gặp Đức Thế Tôn thì quay lưng lại đi chỗ khác. Chúng ta cũng vậy, tự bên trong rất muốn đến với đạo để tu tập, có niềm thôi thúc đến với sự giác ngộ nhưng bản ngã ta chống lại, chối từ.

Ở mức độ cạn, bình thường của sự thực tập thì còn khởi phát những đam mê, nhưng khi vào sâu giáo lý chúng ta rất hoang mang vì được dạy mình không là gì cả. Đạo Phật nói rằng tự thân anh không có gì là của anh, là anh cả. Không có cái gọi là ta ở trong đó và điều nầy chúng ta có thể hình dung được qua ví dụ một con người đắp bằng muối đứng trầm tư trên bãi biển tự hỏi Ta là ai? Ta từ đâu tới? Khi hình hài nầy mất Ta về đâu? Nếu có một vị thầy bên cạnh bảo: “Anh hãy thò chân anh xuống nước, đi vào biển anh sẽ biết được anh từ đâu sinh ra và anh đi về đâu?”

Con người muối kia với lòng hiếu kỳ, muốn khám phá ra mình là ai ngập ngừng nhúng một chân xuống biển, nước biển liếm mất bàn chân. Hoảng sợ, nó chạy lên bờ và nói: “Thế thì tôi đâu còn là tôi nữa?” Nhưng niềm thôi thúc tha thiết trong tâm thức bừng dậy đẩy nó làm cho nó muốn biết nó là ai, sẽ về đâu sau khi chết, nó bèn nhảy ào xuống biển, lội ra ngoài. Chắc chắn khi đó nó biết nó là ai và đi về đâu. Nó đã biết mình từ nước biển hình thành và trở về với nước biển.

Chúng ta cũng thế, đến với giáo lý giác ngộ nếu chúng ta có niềm đam mê, yêu đạo, khát khao tu tập và tu tập giỏi thì chúng ta sẽ hòa tan, biến mất trong biển giác ngộ mênh mông. Từ đó chúng ta sẽ nhận ra được ta không phải là hình hài vật lý nầy mà là khả năng nhận biết tỉnh sáng, rỡ ràng chưa từng sinh cho nên chưa từng diệt. Nó vốn theo ta qua ngàn vạn kiếp tử sinh mà chưa hề bị tử sinh.

Thưa quí vị, điểm cuối cùng của đạo Phật là luôn sống trong thể viên mãn nhận biết như vậy gọi là người sống liên tục trong chánh niệm, có được tuệ giác. Lúc bấy giờ chúng ta sống trong ánh sáng giác ngộ. Giác ngộ và mê lầm chỉ cách nhau đường tơ kẽ tóc.

Con đường tu chỉ cần chúng ta khởi phát sự đam mê, khéo thực tập tức khắc hoa trái của sự thực tập tặng cho ta ngay trong từng bước chân, từng hơi thở. Ngay trong hiện đời sống giữa trần gian xôn xao chúng ta vẫn là người giải thoát và an lạc.

Cuối cùng, thưa đại chúng! Hai mươi điều khó của chương Kinh mười hai chúng ta vẫn chưa khai triển hết. Mong rằng các vị mang lời dạy của Đức Thế tôn vào trái tim mình để tự chiêm nghiệm và khéo vượt qua những thác ghềnh nầy.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]