Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 02: Ngộ Vô Vi Pháp

25/03/201101:36(Xem: 7689)
Chương 02: Ngộ Vô Vi Pháp

KINH BỐN MƯƠI HAI CHƯƠNG
HT Thích Phước Tịnh Giảng Giải

CHƯƠNG 2
NGỘ VÔ VI PHÁP

Thưa đại chúng,

Hầu như toàn bộ Kinh Bốn Mươi Hai đều được dịch bằng một văn phong mang đầy hơi hướng thi ca cùng âm hưởng nhạc điệu rất tuyệt vời.

Chúng ta sẽ thấy văn chữ Hán của đoạn Kinh sau đây được cấu trúc theo thể thơ bốn chữ rất cô đọng và hàm xúc.

A. CHÁNH VĂN.
Phật ngôn: “Xuất gia Sa môn giả, đoạn dục khử ái, thức tự tâm nguyên. Đạt Phật thâm lý, ngộ vô vi pháp. Nội vô sở đắc, ngoại vô sở cầu. Tâm bất hệ Đạo, diệc bất kiết nghiệp. Vô niệm vô tác, phi tu phi chứng. Bất lịch chư vị, nhi tự sùng tối. Danh chi vi Đạo.”

Đức Phật dạy: “Người xuất gia làm Sa môn, cắt bỏ ái dục, biết được nguồn tâm của mình. Đạt được lý mầu của Phật, nhận ra pháp Vô vi. Trong tâm không sở đắc, bên ngoài không mong cầu. Tâm không ràng buộc nơi đạo, cũng không tạo nghiệp. Vô niệm vô tác, phi tu phi chứng. Không cần trải qua các quả vị mà tự siêu việt, gọi đó là Đạo.”

Với khả năng hạn chế, tôi không thể dịch ra Việt ngữ hay hơn và nhất là câu:

“Vô niệm vô tác, phi tu phi chứng” khó có thể lột hết được ý nghĩa hàm ẩn trong đó.

Thưa đại chúng, tôi muốn lưu ý quí vị một điều trước khi chúng ta đi vào đoạn Kinh trên.

Khi muốn bước vào một lãnh vực nào, chúng ta cần phải có đam mê học hỏi, nghiên cứu mới thâm đạt được tận bên trong của lãnh vực ấy.

Ví dụ chúng ta muốn đi vào lãnh vực Hán tạng, chúng ta cần có một chút đam mê học tập chữ Hán, nếu không có nỗi niềm đam mê đó thì khi muốn chuyển dịch cho người hiểu được nội dung vô cùng thâm áo, súc tích của một bản văn, ta không thể làm được điều nầy. Hơn nữa, trong kinh văn chữ Hán có những câu mang nội hàm mà chữ Việt không thể nào diễn đạt hay dịch thoát được. Như câu “Tuyệt học vô vi nhàn đạo nhân.” Ta không thể nào dịch cho hay để diễn tả lên được cái hồn, nói lên được nội dung nằm ẩn sâu bên trong một câu với khuôn khổ chữ đầy tự tính, màu sắc thi ca như vậy.

B. ĐẠI Ý.

Đoạn kinh nầy Đức Thế Tôn muốn nêu lên phẩm chất đích thực của người tu là phải chứng nghiệm được đạo.

C. NỘI DUNG.

I. Thức tự tâm nguyên.

1. Khả năng tìm về.

“Thức tâm đạt bổn, giải vô vi pháp” của chương Kinh thứ nhất và “Ngộ vô vi pháp, thức tự tâm nguyên” của chương Kinh thứ hai đều có ý tưởng trùng lập là quay về thể ngộ tự tâm.

Những từ “Thức tâm đạt bổn, giải vô vi pháp.” hay “Ngộ vô vi pháp, thức tự tâm nguyên.” là nền tảng toàn bộ của văn học Phật giáo Đại thừa, và cũng là nền tảng căn bản của Thiền Đông Độ Trung Hoa kéo dài cho đến ngày nay, trải rộng qua nhiều quốc gia, các địa vực và các nguồn văn hóa khác nhau, qua không gian, thời gian và đi vào tất cả mọi truyền thống tâm linh. Riêng đạo Phật hành giả phải “Thức tâm đạt bổn,” tức là biết rõ nguồn tâm, đạt được gốc gác của mình là nền tảng căn bản rất quan trọng để khởi hành về nhà.

Thông thường trong hoàn cảnh nghèo đói, lo toan của đời sống vật chất, con người không có khuynh hướng tìm về. Nhưng khi vượt qua được đời sống vật chất khó khăn, trình độ trí thức đã đến một tầng mức nào đó thì người ta hướng đến tầm cao hơn và nhu yếu tâm linh bắt đầu có mặt. Những băn khoăn thắc mắc về thân phận con người, những khắc khoải chung của sinh linh trên hành tinh nầy tự nhiên được đặt ra, và đây là vấn nạn có tự ngàn xưa. Một vấn nạn mà các bậc giác ngộ đã đặt vào tâm thức họ rất sớm trong cuộc đời.

Chúng ta khi bước vào con đường tu là đã đặt câu hỏi nầy vào trong lòng. Dù vô tình chúng ta biết hay không, chỉ một thoáng ý khởi lên là vấn đề đã được gieo vào tâm thức.

Khi các loài động vật hay thực vật có mặt trong thiên nhiên, nếu chúng có một chút linh tri thì chúng đều có khuynh hướng tìm về nguồn. Trong chu kỳ vận hành của trời đất mỗi năm, chúng ta thấy cây cỏ thực vật cũng như loài động vật đều theo một qui trình trở về tiềm phục lại cội nguồn của nó.

Nơi loài thực vật, vào mùa thu cây lá tàn rụng thu mình lại ngủ ngầm cho qua mùa đông. Đến mùa xuân nó vươn lên mầm nụ mới, cho lá cho hoa. Từng nhịp sống biểu hiện, ẩn tàng liên tục.

Nơi loài động vật cũng thế, có những mùa, những tháng từng đoàn cá voi từ cực Namlội về miền Bắc. Và mãi cho đến bây giờ người ta cũng chưa tìm được nơi đâu loài cá voi sinh ra, nơi đâu nó bỏ xác.

Trong rừng già mênh mông kia người ta cũng chưa tìm được nơi nào là nghĩa địa của loài voi, chúng sống từng đàn lang thang giữa rừng núi bạt ngàn nhưng khi gần đến già chúng cũng tìm về cội nguồn nơi nó sinh ra mà chết.

Quy trình vượt thác của loài cá để hóa thành rồng là một ví von của văn học để nói đến quá trình vượt gian khổ để trở về nguồn. Đấy là quy trình tất yếu của mọi loài, và đặc tính rõ ràng nhất là ở loài người. Tất cả chúng ta đều có niềm thao thức tìm về. Bởi vì từ bản chất khi sinh ra con người đã có ý hướng tìm về đời sống tâm linh, đặt câu hỏi về nguồn gốc của mình.

Dù cho những quốc gia theo một ý thức hệ nào, theo một chủ nghĩa nào như Cộng sản hay tự do, độc tài hay dân chủ họ cố tình loại trừ tôn giáo, đẩy lùi tôn giáo vào quá khứ, xem tôn giáo là bùa mê, á phiện nhưng chính ở tầng thâm sâu của bản thể họ đã ấp ủ mầm tôn giáo, mầm của khao khát tìm về. Bởi vậy, dù một thể chế chính trị độc tài tàn ác đến đâu cũng không thể tiêu diệt được mầm tôn giáo. Vì tôn giáo đúng nghĩa nhất, trong sâu thẳm nhất vốn là nguồn sống tâm linh nên chúng ta có thể xác nhận tìm về nguồn là bản chất, là khát vọng của con người muôn thuở.

Thưa quí vị, hình như chưa có một trường phái triết học nào, tôn giáo nào tìm được câu trả lời thỏa đáng cho câu hỏi “Ta là ai? Ta đi đâu sau khi chết?”
Cũng có những vị giáo chủ của các truyền thống tâm linh muốn thăm dò tới tột nguồn bản thể, chỉ đường để ta tìm về thế nhưng chưa hẳn họ đã về đến tận nơi. Chúng ta may mắn có một bậc Đại Giác ngộ đã xuất hiện trên hành tinh nầy là Đức Bổn Sư Thích Ca. Ngài đã đạt được tận đầu nguồn của sự sống, thể nhập vào nguồn tâm và từ đó chế tác ra những pháp môn, chỉ ra con đường để con người phăng dấu nắm lấy mà đi về.

2. Biết rõ nguồn tâm. Ngộ vô vi pháp.

Khi rời quê hương Ấn Độ du nhập vào Trung Hoa đạo Phật đã chuyển mình để hòa nhập vào tâm thức của người Trung Hoa, bởi vì Ấn Độ với truyền thống tâm linh siêu thực, huyền bí và vận dụng tư duy rất là trừu tượng; trong khi người Trung Hoa thì rất thực tiễn và họ diễn đạt giáo lý đạo Phật bằng con đường thực tiễn đó. Cho nên trong ngôn ngữ Kinh Bốn Mươi Hai Chương mang đầy sắc thái Lão Trang và thể hiện rõ nét tinh thần Phật giáo Trung Hoa. Nhất là màu sắc của Thiền tông, thiền Đốn Ngộ chịu ảnh hưởng từ Kinh Bốn Mươi Hai Chương rất đậm.

Cụ thể là những từ “Thức tâm đạt bổn. Thức tự tâm nguyên.” có mặt từ thế kỷ thứ hai kéo dài đến thế kỷ thứ bảy lúc Thiền tông nở rộ mà họ vẫn vận dụng những từ ngữ nầy. Dĩ nhiên phương pháp của Thiền tông Trung Hoa có nhiều điều rất tuyệt vời là giúp cho ta nhận diện trực tiếp vào chiều sâu của tự tâm, chỉ thẳng cho ta nhận ra bổn tánh, nắm ngay được“Bản Lai Diện Mục” tức thể nhập vào nguồn tâm của chính mình, của sự sống mà không cần phải tư duy, suy nghĩ, lý luận dông dài gì cả.

Trong văn học A Hàm, Đức Phật dạy rằng: “Có nhiều vị Độc Giác ra đời tự tìm được con đường giác ngộ, họ có thể giác ngộ được cho dù Đức Thế Tôn có ra đời khải đạo, yểm trợ họ hay không.”

Đọc Bản Sanh Truyện hay trong lịch sử, chúng ta thấy Ngài Ca Diếp là một nhân vật đặc biệt và rất thông minh. Ngài xuất gia theo Bà La Môn giáo và đã từng đưa ra một tuyên ngôn: “Nếu không gặp được bậc giác ngộ trong đời để học, để tu, tự thân Ngài cũng có thể tìm được con đường Giác ngộ, đồng thời Ngài có thể Giác ngộ được ngay trong hiện đời mà không cần qua nhiều kiếp.”

Khả năng giác ngộ là khả năng tự hữu, khả năng tìm về cũng tự hữu và khả năng vượt thoát sinh tử là khả năng có sẵn trong ta. Đức Phật có ra đời hay không thì tự thân của con người đã có sẵn mầm giác ngộ rồi. Nếu ta không có khả năng vươn lên thì dù có một vị thầy giỏi đến đâu đi nữa cũng không thể dạy cho ta giỏi được. Cái hạt mầm giỏi đã tự có sẵn trong ta. Ví dụ như không có một nhà khoa học tài ba nào xuất hiện trên hành tinh nầy, thì quy luật của trọng trường vẫn có. Lực hấp dẫn của hành tinh nầy là tự nhiên, và con người ta khám phá ra hay không thì hành tinh nay vẫn cứ quay đều chung quanh mặt trời.
Người tu chúng ta trên thực tế chỉ cần làm một việc là phục hồi lại khả năng giác ngộ bên trong ta, ta có thể làm cho tất cả khổ đau, sầu lụy, sợ hãi... bị cắt bỏ ngay tức khắc. Chỉ cần một lần chạm tay vào mảnh đất vô sinh bất diệt là ngay nơi mặt đất ta đứng, tất cả những ô nhiễm, rác bụi của cuộc sống đã đi qua nhiều kiếp tử sinh bị quét sạch. Trong bài sám của Thiền sư Nhất Hạnh, chúng ta bắt gặp những câu: “Bước lên thật địa. Thở giữa chân không. Thắp lên trí sáng diệu tâm. Màn vô minh quét sạch.” như một thôi thúc hồi phục sự giác ngộ nơi ta.

3. Chân như trong sinh diệt.

Những điều chúng ta làm trong hiện tại là chúng ta đang ở trong Tích môn, đang ở trong Sinh diệt môn. Trên bình diện của Sinh diệt môn tức Tích môn là bình diện của tâm thức sinh diệt, của vận dụng tư duy, suy nghĩ, thẩm định... có nghĩa khi nhìn là phân biệt màu sắc; thấy tức khắc có nam nữ, xấu đẹp, có mê đắm, có giải thoát.

Khi chúng ta bước vào Bản môn thì cũng bằng cái nhìn, cũng bằng cái thấy đó nhưng nhìn, thấy vạn vật, mọi loài y như nó hiện diện mà không hề khởi niệm phân biệt từ bên trong tâm thức, thì gọi là Chân như môn. Thế nên Tích môn (Sinh diệt môn), cũng như Bản môn (Chân như môn) không rời hình hài sinh diệt nầy, và tất cả cũng không ngoài trần gian nầy. Chúng ta không cần vượt qua ngàn trùng khó khăn ẩn trên non cao mới có thể thành đạt được Chân như môn mà chúng ta phải thực hiện Chân như môn - tức Bản môn - ngay trong cuộc sống, trong giây phút hiện tại. Từ những điều nhỏ nhất trong đời thường, chúng ta thấy rõ Chân như, Địa ngục ngay trong môi trường, hoàn cảnh của con người. Nó bắt nguồn từ chính tâm chúng ta. Chúng ta không thể tìm Niết Bàn, Cực Lạc ở ngoài ta, ở ngoài cuộc sống bèo bọt nầy.

Thưa quí vị, sinh tử, Niết Bàn có mặt trong đường tơ kẽ tóc, trong nháy mắt của ta. Tâm thức chúng ta bời bời ý niệm nổi trôi tức tử sinh có mặt. Nhưng nếu những tư duy, sóng ý nghĩ không còn cuồn cuộn sinh diệt trong tâm thức; chúng ta dừng lại được ngay trong sát na nầy lập tức siêu việt cả quá khứ, hiện tại, vị lai thể hiện được Chân như môn.

Trong kinh Lăng Nghiêm Đức Phật đã vận dụng một điều thật tuyệt vời để chỉ cho chúng ta thấy Sinh tử và Niết Bàn đang có mặt.

Đức Thế Tôn sai La Hầu La thỉnh một tiếng chuông và hỏi: “A Nancó nghe không?” A Nanthưa: “Dạ, có nghe.” Khi tiếng chuông lặng dứt, Thế Tôn hỏi: “A Nancó nghe không?” A Nanthưa: “Dạ không nghe.”

Và La Hầu La thỉnh chuông tiếp lần thứ hai, A Nan cũng lặp lại y như vậy. Đức Thế Tôn liền nói: “Ông rất vô minh, tiếng chuông dù có thỉnh lên hay im lặng, nhưng cái nghe của ông vẫn thường tại. Nếu cái nghe không có, thì ông không thể nào phân biệt được lúc có tiếng chuông hay lúc không có tiếng chuông.”
Cho nên đối tượng của mắt, của tai có thể mất đi bởi cảnh nhưng khả năng nghe thì chưa mất bao giờ, nó vẫn thường hằng.

Thông thường chúng ta hay bị cuốn hút bởi cảnh mà quên mất mình. Khi thấy cảnh thì thấy mình có, khi không thấy cảnh mình cũng mất theo.

Ở mức độ thâm sâu hơn, khi chúng ta suy nghĩ mới thấy có ta hiện diện, nhưng nếu những nghĩ suy thì thầm bất chợt ngừng lại, tắt đi thì thực sự ta vẫn hiện tiền. Ví dụ khi có một con ruồi bất thần bay qua mắt, lập tức ta nhắm mắt lại mà đâu cần vận dụng suy nghĩ lầm thầm gì; khả năng phản xạ của ta cực kỳ bén nhạy. Khả năng đó biểu hiện từ tự thể không sinh, không diệt của chính ta.

4. Thăm dò vào tự thể tâm.

Khả năng đầu tiên để thăm dò vào bản thể của tự tâm, tức là nguồn tâm của mình. Nguồn tâm nầy đơn giản vô cùng và rất dễ cho ta nhận diện.

Chúng ta hãy quay nhìn lại dòng sông tâm thức để thấy, không có một suy nghĩ nào, một tư duy nào mà ta không nhận diện được, mà vượt thoát khỏi nhận biết của ta, cái nhìn của ta. Ta thất niệm ta quên, hội nhập vào dòng suy nghĩ. Nay ta chỉ cần có chánh niệm lùi lại nhận diện nó thì hẳn ta chính là ông chủ đang nhìn khách. Hai điều nầy cách nhau bao xa? Vì quá gần nên mình hóa thân vào nó rất dễ.

Chúng ta thường để cho tâm thức trôi nổi bồng bềnh theo dòng chảy của suy nghĩ mông lung, sinh diệt liên hồi, đó là lúc ta đã mất mình. Tuy đang ở trên cuộc đời nhưng chúng ta là kẻ mộng du.

Người tu giỏi hay không, không phải quan trọng gì ở chuyện bên ngoài. Điều quan trọng là ta nhận biết được có phải ta là chủ hay đã hóa thân vào người khách kia. Và trạng thái nhận biết rõ ràng nầy là tự hữu trong mỗi chúng ta, không phải Đức Phật ra đời chúng ta mới có. Các bậc Thánh chỉ làm một điều là khơi mở cho ta biết quay lại tự nhận và có niềm tin chứ không trao gì thêm cho chúng ta cả.

Trong kinh Lăng Nghiêm khi Đức Thế Tôn hỏi Ngài Ca Diếp: “Làm thế nào mà ông ngộ đạo?” Ngài Ca Diếp thưa: “Bạch Đức Thế Tôn, con nghe Thế Tôn dạy con chỉ một câu thôi mà con có thể ứng dụng để tu được. Đó là câu: “Khách Trần.”

“Người khách thì đến rồi đi, nhưng chủ vẫn luôn luôn ở lại trong nhà. Như trong không gian con thấy có bụi lao xao khi mặt trời soi qua khe cửa, thì cái lao xao là bụi, mà cái tĩnh tại, rỗng lặng là không gian mênh mông. Những vui buồn, phiền não, ưu tư là bụi trần lao xao. Còn con là không gian mênh mông, con chỉ cần nắm hai chữ “Khách Trần” để thực tập nên Bạch Thế Tôn con chứng được Thánh quả.”

Người tu chúng ta chỉ cần có khả năng làm được điều đơn giản là nhận diện cho được cái gì là sinh diệt của ý thức, và khi nhận diện được tức chúng ta đang trú trong thể tâm thanh tịnh tuyệt vời của Bản môn (Chân như môn), đang ở trong vùng trời của Niết Bàn mà chiếu kiến.

Chỉ một pháp tu nhẹ nhàng mà biết bao vị Đạo sư đã chứng được Thánh quả. Và chỉ một pháp tu thế nầy là siêu việt: “Bất lịch chư vị, nhi tự sùng tối.” Chẳng cần trải qua các tầng chứng đắc mà tự cao tột.

Một hôm Bùi Hưu đi vào một Phật điện thấy hình một vị cao tăng, ông mới hỏi quý thầy: “Hình ở đây mà cao tăng đâu?” Quí thầy ngơ ngác và không ai trả lời được. Ông hỏi tiếp: “Trong đây có thiền nhân không?” Một thầy trả lời: “Có một vị vừa mới đến đây năm bảy hôm, thầm lặng theo chúng sinh hoạt trông có vẻ là thiền sư.” Bùi Hưu bảo: “Xin mời vị ấy lên đây cho tôi gặp mặt.” Ngài Hoàng Bá lên, Bùi Hưu liền nói: “Thưa thượng nhân, cư sĩ nầy có một câu hỏi mà quí thầy ở đây không ai trả lời xin Ngài vui long giúp cho”. Ngài Hoàng Bá nói: “Xin ông cứ hỏi.” Bùi Hưu thưa: “Thưa, hình ở đây mà cao tăng đâu?” Ngài Hoàng Bá gằn giọng quát một tiếng: “Bùi Hưu!” bất thần bị gọi tên Bùi Hưu liền: “Dạ.” Hoàng Bá hỏi tiếp; “Ở đâu?”

Thưa đại chúng, câu chuyện nầy ngoài sự sống động và lý thú còn cho chúng ta thấy đạo lý rất là thâm sâu. Tâm thức chúng ta có thói quen là thích chạy ra ngoài, nếu nghe được câu hỏi như thế liền vận dụng tư duy, suy nghĩ xa xôi, rồi phóng tâm ra ngoài tìm kiếm cao tăng. Nhưng ở đây vị thiền sư không trả lời cho câu hỏi, không cần phải giải thích dông dài bằng ngôn ngữ để chúng ta trượt trên ngôn ngữ chạy ra ngoài; mà điều trọng yếu là làm cho chúng ta quay trở lại để nhận ra vị cao tăng trong chính tự thân mình. Và không có gì tuyệt vời bằng tiếng “Dạ” bất chợt bộc phát ra ngay lúc đó chúng ta đâu có kịp suy nghĩ gì. Năng lượng chánh niệm đang tản mác, thất tán ra ngoài tự nhiên bừng sáng trong sát na hiện tiền.

5. Pháp vô vi ngay trong hữu vi.

“Thức tự tâm nguyên. Ngộ vô vi pháp.” Hai câu kinh nầy ngôn ngữ tuy khác nhau nhưng cùng chỉ một trạng thái là nhận ra được nguồn tâm tức nhận ra được pháp vô vi.

Trong kinh Kim Cang, Đức Phật dạy: “Nhất thiết hữu vi pháp, như mộng huyễn, bào ảnh, như lộ, diệc như điển. Ưng tác như thị quán.”: Tất cả pháp hữu vi như bọt bóng, như sương, như ánh chớp. Hãy quan sát như vậy. Vậy pháp hữu vi là gì?

Thưa, pháp hữu vi trong tầng cạn là tất cả những xao động tạo tác để hình thành vật chất. Nào chùa, nào tự viện, Phật sự lớn, Phật sự nhỏ trong nhân gian đều là pháp hữu vi. Kể cả việc nhiếp tăng, độ chúng, thiết lập tăng đoàn... cũng đều là pháp hữu vi vì sinh diệt vô thường. Nam Hoa Tổ đình là nơi phát tích dòng Thiền, thế mà qua bao lần binh lửa và qua mười năm cách mạng văn hóa tượng Lục Tổ cũng bị đập nát.

Chưa bao giờ có một Tổ đình nào dù cho nhiều bậc giác ngộ đã từng có mặt, qui tụ năm, bảy trăm hay cả nghìn Tăng chúng mà kéo dài được sự hưng thịnh, trường tồn qua nhiều trăm năm. Thế nên tất cả những gì chúng ta tạo thành bằng ý thức, tâm huyết, nhiệt tình đều là con đường của pháp hữu vi. Và những gì gọi là pháp hữu vi thì không thể nào vượt thời gian mà tồn tại vĩnh viễn.

Có một vị Thiên đến hỏi Đức Phật: “Con có thể tìm ra cảnh giới nào không sinh không diệt được chăng”? Đức Phật trả lời: “Tất cả cảnh giới mà ông biết đến đều chịu chung quy luật vô thường sinh diệt”. Vị Thiên nói: “Hay thay! Lời dạy của Đức Thế tôn. Con đã từng bỏ đi kiếp làm Trời, dài hằng triệu triệu năm. Con đã tìm khắp không gian nhưng chưa có hành tinh nào mà sự sống bất diệt. Không hề có cảnh giới Đông phương, cảnh giới Tây phương nào tồn tại bất biến, không đổi thay, còn mất cả. Vì cái gì được sinh ra, được làm nên và có hình sắc đều chịu chung quy luật vô thường.”

Sau khi nghe vị Thiên nói lời như thế, Đức Phật liền bảo: “Thiên đế, tuy ta nói không hề có cảnh giới nào là trường tồn, nhưng ta chưa nói cho ông biết là còn một có con đường tìm ra nơi chốn an tịnh, không sinh diệt. Con đường đó không phải là con đường đi ra bên ngoài tìm các cảnh giới, mà là con đường trở lại tự tâm ông thôi.”

Lời Đức Phật dạy cho chúng ta thấy rằng vô sinh, bất diệt được tìm trong hình hài sinh diệt. Vô vi không phải là những gì tách rời khỏi hữu vi mà có, và người tu đạt được Niết Bàn là đạt được pháp Vô vi. Trong Thiền Trung Hoa, “Ngộ vô vi pháp” được gọi là thể ngộ ra Bản Lai Diện Mục tức nhận ra mặt mũi thật xưa nay của chính ta.

Trong Pháp Bảo Đàn có một đoạn đối đáp giữa Huệ Năng và Huệ Minh như sau: Huệ Năng Bảo: “Nếu ông thực sự vì đạo đến đây thì hãy lắng tâm rồi ta dạy cho.” Đây là câu nói đầu tiên Lục Tổ Huệ Năng khai thị cho Huệ Minh khi Lục Tổ rời chỗ ẩn mình trong lúc chạy trốn, bị Huệ Minh truy rượt để giật lại Pháp y.

Huệ Minh nghe lời nói, liền ngồi xuống để tâm tư lắng lại, an tịnh lại. Bấy giờ Lục Tổ mới nói tiếp: “Không nghĩ thiện, không nghĩ ác, cái gì là Bản Lai Diện Mục thật của Huệ Minh.” Tức là hãy nói cho ta cái gì là mặt mũi thực của ông, cái gì là tâm thể không sinh không diệt của ông, cái gì là Niết Bàn của tự tâm ông? Huệ Minh đủ thông minh quay vào tự tâm mình để nhận ra cái không sinh không diệt hằng hữu ngay lúc ấy.

Thưa đại chúng, khi tâm ta không nghĩ thiện, không nghĩ ác, không chạy về quá khứ, chạy tới tương lai mà là dừng trụ tại đây sáng rỡ nhận biết trong giờ phút nầy thì đâu không phải là Bản Lai Diện Mục của chính chúng ta đã hiển hiện. Khi ta trụ tâm lại trong sát na hiện tiền thì tâm ta tỉnh sáng, thênh thang bao la vô tận; không có không gian để đo, và không có không gian thì có nghĩa là thời gian cũng không có mặt.

Người tu được đánh giá miên mật hay không là có dừng trụ tâm lại được hay không mà thôi. Dù ngàn năm có đi qua trên hành tinh nầy, ta dừng tâm lại được thì thời gian nào có nghĩa gì đâu, và trong nhà Thiền gọi là: “Thiên thu nhất niệm.”
6. Sóng không rời nước.

Dĩ nhiên chúng ta có thể phân định ra những tầng cạn, sâu của tâm thức: Tầng cạn được ví như sóng, tầng khá hơn là mặt biển và tầng sâu thẳm bao trùm tất cả là đại dương mênh mông.

Là những người tu nếu chúng ta không thăm dò được chiều sâu của tâm, là ta đang ở trên bề nổi của cảm thọ. Và thông thường con người trên nhân gian đều chỉ sống trên mặt cạn của cảm thọ: khi có niềm vui ta thấy rất hạnh phúc, khi nội tâm thể hiện sự trống vắng ta rất sợ hãi. Chúng ta sợ nỗi cô đơn, sợ sự trống vắng, sợ cái tịch liêu của tâm thức vô cùng, cho nên suốt cuộc đời chúng ta chỉ luôn chạy trên sóng biển mà không nhận diện được mặt biển bao giờ. Nếu tu tập khá hơn, chúng ta không để mình bị dập vùi, trôi nổi thăng trầm bởi những làn sóng cảm thọ của chính mình.

Ở tầng sâu hơn, nếu những tư duy, suy nghĩ không có mặt trong tâm thức, không có vấn đề gì để lo âu, để thắc mắc thì ta thấy cuộc sống không có hồn, như đã chết. Vì vậy ta luôn mời gọi sự lo lắng, tính toán, những dòng chữ thì thầm sinh khởi trong ta. Như thế chúng ta chỉ nhận biết được mặt biển mà chưa thăm dò được đại dương sâu thẳm mênh mông.

Sóng thì lúc nổi, lúc chìm. Mặt biển đôi khi cũng bị làm cho ô uế, nhưng đại dương lúc nào cũng tĩnh lặng, trong sáng và luôn luôn làm nền cho sóng và mặt biển hiện diện. Sóng và mặt biển đều nhờ đại dương mà có, và tâm thức của chúng ta cũng như vậy.

Nếu chúng ta nhận diện được những cảm thọ vui buồn, bất an, sầu khổ... cho đến những suy nghĩ, tư duy khởi lên bời bời là những đợt sóng trên mặt biển vào ra sinh diệt liên hồi; và nhận diện được nguồn tâm tự hữu ta lúc nào cũng hiện hữu tức là đại dương mênh mông bao la, không hề lên xuống nổi chìm như muôn ngàn đợt sóng. Là lúc ta đang ở trong trạng thái nhận biết vô ngôn. Sự nhận biết trực tiếp tỉnh sáng, không lời, không sinh, không diệt là trạng thái Niết Bàn diệu tâm của bản thể Chân Như.

Một hôm, Ngài Chân Tịnh dẫn đồ đệ đi dạo núi, Ngài hỏi đệ tử: “Con có thấy trăng sáng không vậy?” Đệ tử thưa: “Dạ thấy”. “Con có ngửi ra mùi hoa nguyệt quế thơm không?” Đệ tử thưa: “Dạ có.” Ngài liền bảo: “Đạo lý mở bày ra trước con. Ta có gì dấu con đâu, con cũng như ta, cũng có cái nhận biết như ta.”
Tất cả chúng ta đều có khả năng nhận biết như Phật, như Tổ, và không hề khác nhau về khả năng giác ngộ. Chỉ khác một điều là chúng ta mãi ở trên mặt sóng biển mà người xưa thì luôn trụ trong đại dương bao la không gợn sóng. Các vị tắt được khả năng nói lầm thầm, là an trụ trong Niết Bàn thường tịch. Thế thôi.

II. Đạt Phật thâm lý.

Thưa đại chúng,

Văn học Kinh Bốn Mươi Hai Chương là những đoạn văn từ rất cô đọng, rất khô nhưng cũng rất hấp dẫn. Chúng ta sẽ đi vào đoạn cuối của chương hai như sau.

A. CHÁNH VĂN.

“Nội vô sở đắc, ngoại vô sở cầu, tâm bất hệ Đạo, diệc bất kiết nghiệp, vô niệm vô tác, phi tu phi chứng, bất lịch chư vị, nhi tự sùng tối. Danh chi vi Đạo”

B. ĐẠI Ý.

Người xuất gia thông đạt đạo lý thâm sâu của Phật, tỏ ngộ pháp Vô Vi thì không còn mong cầu các quả vị chứng đắc.

C. NỘI DUNG.

Nếu không đi vào cửa nhà Thiền và bắt đầu từ đó để giải thích thì chúng ta không thể nào hiểu được một cách sâu sắc nội dung của những câu như: “Phi tu phi chứng. Vô niệm vô tác. Tu vô tu tu. Hành vô hành hành”... Nó bao hàm tinh hoa giáo lý Đại thừa, và cả hệ thống Thiền tông Trung Hoa cũng phát triển trên nền tảng nầy.

Chúng ta nếu đọc hết bốn mươi hai chương Kinh, sẽ thấy toàn bộ chỉ có hai hoặc ba chương là quan trọng. Như trong Chương Hai: “Thức tâm đạt bổn, giải vô vi pháp” hay “Thức tự tâm nguyên, đạt Phật thâm lý, ngộ vô vi pháp.” Chương Mười Tám là “Tu vô tu tu. Hành vô hành hạnh”. Và cuối cùng Chương Bốn Mươi Hai. “Thị vô thượng thừa như mộng kim bạch. Thị Phật đạo như nhản tiền hoa.” rất đặc sắc.

Chỉ trong ba chương được chia làm ba phần với nội dung vô cùng giống nhau đã làm nền cho hệ thống Thiền tông Trung Hoa. Cả chiều dài của Thiền Đông Độ cho đến hệ thống văn học Đại thừa đồ sộ đều phát triển và đặt căn bản trên những từ: “Vô niệm vô tác. Phi tu phi chứng.” nầy. Và nhất là ngôn phong của Chương Bốn Mươi Hai rất tuyệt vời.

Chúng ta thử đọc một đoạn của Đức Thế Tôn tuyên thuyết: “Ta nhìn tước vị vương hầu như bụi phấn, nhìn nước hồ A Nậu như giọt dầu xoa chân, nhìn thành bại đến đi của đời như cây bốn mùa thay lá, và nhìn pháp Niết Bàn như con mắt bị bệnh nhìn thấy hoa đốm giữa hư không...”

Điều đặc biệt là Kinh Bốn Mươi Hai Chương không theo cấu trúc như những bộ kinh khác có thứ lớp, như thị ngã văn... Ở đây xen lẫn đoạn nầy, đoạn kia những câu kinh nghĩa lý rất thâm trầm. Nghĩa là những đan xen trong Kinh ta không thể phân tích cấu trúc theo tầng lớp từ thấp đến cao gì cả.

1. Thiền tông Trung Hoa và con đường thể ngộ.

Con đường Thiền tông Trung Hoa đi vào đạo để thể ngộ tự tâm đã có một bề dày từ ngày Phật giáo du nhập Trung Hoa. Về sau khi thừa tiếp truyền thống Thiền của Ngài Hoàng Nhẫn, Lục Tổ Huệ Năng triển khai Đông Sơn pháp môn với những điều đặc biệt của truyền thống nhà Thiền để ta trượt chân vào tự thể tâm.
Huệ Năng vốn ít học, không phải là người xuất thân từ Tùng lâm học thuật cũng không phải là người sinh ra từ rừng kinh biển chữ nên ngôn ngữ của Ngài giản dị vô cùng. Ngài đã mở ra một con đường cho người ta có thể đột nhập vào tâm rất dễ. Như qua ngôn ngữ Kinh Kim Cang thì tinh thần của Kinh là: “Không trụ vào sắc sinh tâm, không trụ vào thinh, hương, vị, xúc để sinh tâm, mà phải trụ vào chỗ vô trụ để sinh tâm. Đó là con đường để hàng phục vọng tâm, an trụ chân tâm.”

Nhưng với Huệ Năng bằng một ngôn ngữ rất là bình dân, giản lược Ngài giúp cho người học đạo nắm được bản tâm bằng những lời: “Ông hãy buông hết tất cả những vọng niệm lăng xăng, an tâm lại ngay nơi đây và giờ phút nầy. Hãy nhìn lại xem lúc tâm thức an bình, tĩnh lặng không có ý niệm về thiện, về ác: lúc đó cái gì là bản lai diện mục của ông.”

Ngôn ngữ Kinh Kim Cang học từ Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn, đã được Lục Tổ diễn đạt bằng ngôn từ Trung Hoa chất trực và trao cho Huệ Minh ngụm nước đầu nguồn tức khắc Huệ Minh nhận được bản lai tâm, tức tâm thể chân thật của chính ông ta.

Chúng ta đều biết giáo lý căn bản của Phật dạy là vô thường. Khi nhận thức tất cả mọi thứ trước mắt đều vô thường là ta lìa được chấp trước bên ngoài. Quay lại, chúng ta nhận được thân nầy vô thường là lìa chấp trước bên trong. Đi vào sâu hơn nơi thân là cảm thọ cũng là loại vô thường sinh diệt. Và đi vào tầng sâu thẳm hơn nữa của tâm thức là những tiếng thì thầm cũng là loại vô thường. Tất cả những vô thường nầy đều có mặt trên tự thể Niết Bàn, tức có mặt trên biển tâm thanh tịnh của chúng ta.

Niết Bàn không phải là một cảnh giới ở hành tinh nào xa xôi, mà là trạng thái của tự tâm có mặt ngay hiện tiền; như khi chúng ta dừng suy nghĩ và quán chiếu thì chúng ta thấy ngay tự thể Niết Bàn hiển lộ.

Chúng ta thử quay lại tự hỏi cái gì là tự thể Niết Bàn? Cái gì là tự thể tâm bất sinh, bất diệt của mình? Tuy từ ngữ nầy có rất nhiều nơi gọi khác nhau như trong Kinh Lăng Già gọi là Bất động Trí, Đệ Nhất Nghĩa, kinh Lăng Nghiêm gọi là Chân Tâm, truyền thống nhà Thiền gọi là Bản Lai Diện Mục và tổ Lâm Tế gọi là Vô vị Chân Nhân, nhưng cùng chỉ tự thể tâm không sinh không diệt.

Người tu chúng ta nếu nhận ra và sống trọn vẹn với tự thể Niết Bàn của mình thì người ấy đã an trụ trong “hiện pháp lạc trú” hay nói một cách khác là đang ở trong trạng thái hữu dư Niết Bàn; là Niết Bàn nhưng còn hình hài sinh diệt. Nếu xả bỏ hình hài sinh diệt thì nhập vô dư Niết Bàn tức là nhập vào biển Pháp thân.
Con đường của Thiền tông Trung Hoa mà các Thiền sư đã dùng ngàn vạn cách khơi mở để chúng ta thể ngộ dễ dàng, nhận ra được tự thể tâm (có đến một ngàn bảy trăm công án) chỉ bằng vào một điều là bắt chúng ta quay lại nhìn trạng thái tâm đang có mặt.

Khi thể ngộ được tâm nầy là một trạng thái tâm tĩnh lặng, chiếu sáng hiện tiền vô niệm tức chúng ta là khả năng nhận biết, là chủ thể đang an trụ, không đến, không đi. Và nó là tự hữu nhưng có điều chúng ta quên; quên thì mê, nhớ thì ngộ và nếu ngộ, nhận ra được khả năng nhận biết tự hữu thì gọi là người đắc Pháp Nhãn Tịnh.

Sự “nhận biết vô ngôn” thường được ví như một mảnh gương trong, thật sáng. Bình thường, bản thân nó là gương trong veo không bao giờ bị mờ đi dù một làn bụi mỏng. Tự thân lúc nào nó cũng phản chiếu rõ ràng và tinh tường những gì bất ngờ đi ngang qua mà không hề lưu giữ lại một hình ảnh, để lại một dấu vết gì làm cho tự thể trong lặng, sáng ngời của nó mờ đi.

Tâm thức của chúng ta cũng vậy, với khả năng lầm thầm khởi lên bất tận của dòng chảy ý nghĩ, nếu người tu chúng ta thực tập giỏi nhận diện được ngay, tức sự nhận biết vô ngôn có mặt. Khi đó là ta đang ở trong trạng thái nhận biết mà không nghĩ tưởng mông lung. Đây gọi là cái biết của tự thể tâm. Tất cả những suy nghĩ, ý niệm, vọng tưởng dù khởi lên như thế nào, dù có thiên biến vạn hóa cũng không thể thoát khỏi khả năng chiếu diệu mênh mông bao la, tức là tâm thức rỡ ràng, hiện tiền nhìn nó, rồi cho qua đi mà không lưu lại, không nắm giữ. Cũng không có mặt những thầm thì, lao xao sinh diệt, đó là trạng thái tâm thể Niết Bàn bất sinh, bất diệt.

Chúng ta chỉ cần có niềm tin vào khả năng chiếu diệu của tự thể tâm sáng chói là chúng ta đủ niềm tin đi vào biển Niết Bàn. Tóm lại, cả chiều dài của sự tu tập chỉ để làm một việc là chứng được Niết Bàn tự tâm.

2. Không có quảng cách.

Chúng ta luôn có một ý niệm về con đường tu tập là từ bên nầy sinh tử vượt qua dòng sông đến bờ bên kia là bến Niết Bàn. Kỳ thực Sinh tử và Niết Bàn cách nhau bằng một niệm mà thôi. Khoảng cách giữa Niết Bàn và Tử sinh chỉ nhỏ như đường tơ, kẽ tóc. Nó nhỏ đến không còn ranh giới. Điều nầy đã được Ngài Phó Đại Sĩ nói lên bằng những câu:

Tạc nhật Dạ xoa tâm.
Kim triêu Bồ Tát diện.

Bồ Tát dữ Dạ xoa.

Bất cách nhất điều tuyến.

Tạm dịch:

Hôm qua tâm Dạ xoa,
Hôm nay mặt Bồ Tát.

Bồ Tát và Dạ xoa.

Không mảy may ngăn cách.

Hãy thử quay nhìn lại công phu tu của chính mình. Chúng ta thấy nếu khi tâm hành hờn giận sinh khởi, mình liền hóa thân vào niềm hờn giận, thấy mình là nỗi buồn giận và đắm chìm vào trong đó thì ta đang ở bên bờ sinh tử. Nhưng nếu trong tích tắc ta hồi chiếu lại; nhìn hờn giận là những trạng thái tâm hành mà ta là năng lực chánh niệm đang nhận diện thì lập tức những hờn giận trở thành đối tượng bị nhìn mà ta là tự thể tâm chiếu sáng hiện tiền nhìn nó, tức khắc ta đang an trú trong Niết Bàn. Như vậy, giữa “hờn giận” và “sự nhận biết hờn giận” cách nhau bao xa? Nếu chúng ta dùng ngôn từ khác như thất niệm và chánh niệm thì hai trạng thái tâm nầy cách nhau bao nhiêu? Thưa, chẳng có khoảng cách.
Thất niệm có nghĩa là quên, chúng ta quên tự thể tâm, quên tự thể Niết Bàn đang hiện hữu. Và chánh niệm là ta đang ở trong trạng thái của Bản môn, đang ở trong vùng trời Niết Bàn của chính mình, nên thất niệm hay chánh niệm có cách xa nhau bao giờ.

“Đàn chỉ viên thành bát vạn môn. Nhất siêu trực nhập Như Lai địa.” Đây là hai câu trong Chứng Đạo Ca của Ngài Huyền Giác. “Nhảy một bước vào cảnh giới của thập phương Như Lai. Chỉ một cái búng tay thành tựu vô vàn công đức” mà không cần qua ba A Tăng Kỳ kiếp. Điều nầy trở thành dễ nhận biết vô cùng nếu chúng ta có công phu thực tập.

Tuy nhiên, có ba trạng thái của tâm khi chúng ta công phu để tự mình thẩm định rằng đang an trú tâm hay đang để mình chìm nổi trong sinh tử:

– Nhìn vào cảnh ta bị mất mình trong cảnh. Khi mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý tiếp xúc với sắc màu, âm thanh, hương thơm, mùi vị, xúc chạm ta trôi theo dòng chảy cảm thọ và dòng chảy suy nghĩ. Ta tự đồng hóa mình vào những thứ ấy, mất mình vào những thứ ấy gọi là bị nhận chìm, bị dìm chết trong cảnh. Đây là trạng thái tâm sinh tử, vọng thức. Sống trong ấy là sống trong sinh tử nối dài.

– Nhìn mà tâm ý dật dờ không nhận biết. Ở trong trạng thái mờ mờ như sắp chìm vào trong giấc ngủ do vì thần trí đang dạo chơi đâu đó, không có mặt sự tỉnh sáng nhận biết. Đó là trạng thái vô ký.

– Nhìn là nhận biết mọi thứ nhưng tâm thể lặng yên, tỏa sáng chánh niệm hiền tiền. Đây là trạng thái của người thực tập công phu. Cho dù con đường Thiền có mở ra ngàn lối, nhưng đường vào chỉ có nẻo nầy thôi.

Những vị Thiền sư cũng nhìn, cũng thấy, cũng nghe, cũng nếm, cũng ngửi như ta nhưng họ đang an trú trong tự thể tâm. Còn chúng ta khi nhìn thì mất mình trong màu sắc, nghe thì mất mình trong âm thanh, ngửi thì mất mình trong hương vị; trạng thái tâm nhận biết không có mặt và chúng ta cứ để mình chìm vào trong vui buồn, không biết hồi phục lại để làm người đứng bên dòng sông nhìn dòng chảy vui buồn, suy nghĩ trôi trước mắt ta. Bồ Tát và chúng sinh cũng mày ngang mũi dọc như nhau ở hình thức, nhưng khác nhau ở chỗ là làm người đứng nhìn hay để cho mình bị nhận chìm trong dòng sông cảm thọ, nghĩ suy bời bời. Thế thôi.

Sự nhận biết của chúng ta khi an trú trong tự thể tâm rất là bình thường, không phải an trú trong tự thể tâm rồi hào quang chiếu sáng khác thường. Khi chúng ta an trú được trong tự tâm hiện tiền thì tự ta chiêm nghiệm được. Lúc bấy giờ tất cả đều trình hiện trước mắt rõ ràng, không có bóng dáng quá khứ xen vào. Và một khi quá khứ đã không có mặt thì hiện tại lẫn tương lai đều vắng bóng, triệt tiêu luôn ba thời quá khứ, hiện tại, tương lai. Chỉ còn lại trạng thái tâm thức hiện tiền tỏa chiếu; giữa Sinh Tử, Niết Bàn không còn khoảng cách. Chỉ cần phục hồi lại năng lượng chánh niệm, ngay nơi đây chúng ta chứng nghiệm được Niết Bàn.

3. Không mong cầu, không thành đạt.

“Nội vô sở đắc.”

Chúng ta nghĩ tu là sẽ được gì thêm? Có được gì không? Chắc chắn là không. Đừng bao giờ nghĩ tu là được gì.

Tâm thể chúng ta vốn vô sinh bất động, vốn vô ngã, vốn là Niết Bàn, vốn là Phật rồi chứ không phải đợi tu mới thành Phật. Tu không làm gì thêm. Tu chỉ có nghĩa là loại bỏ, bước lui lại. Thay vì đứng trong dòng nước để nước cuốn trôi và nhận chìm, giờ ta hãy dừng lại. Dừng lại, đừng đồng hóa mình vào dòng chảy là đã đứng bên bờ rồi. Đã thành Phật, đã vượt thoát tử sinh. Đây là ý nghĩa của “nội vô sở đắc.”

“Ngoại vô sở cầu.

Ở bên ngoài, chúng ta không chạy theo bất cứ danh lợi, vật chất phù hoa. Tất cả đều nổi trôi rồi cũng bị vô thường làm rửa mục, rồi cũng tàn hoại theo thời gian. Chúng ta đến cõi nầy bằng một hạt mầm bé nhỏ gieo trong trứng của mẹ, nằm chín tháng, mười ngày trong máu thịt; ra đời không một mảnh vải che thân. Chỉ là một hình hài như bao nhiêu hình hài khác, có gì là sang quí vọng tộc. Cho dù có tô điểm, sơn phết bản ngã chúng ta đến đâu đi nữa, cuối cùng rồi chúng ta cũng rũ bỏ hình hài nầy cho cát bụi ra đi.

Ở bên trong, nếu chúng ta nhận ra được không có gì bằng tự thể Niết Bàn của chính ta tức tự thể tâm mình, thì chúng ta sẽ không mặc cảm và cũng không kiêu ngạo. Có gì mà kiêu ngạo? Chúng ta đều như nhau: đều có khả năng nhận biết, đều có tánh giác chiếu diệu như nhau, đều có khả năng làm Phật như nhau, Phật và chúng sinh chỉ cách nhau trong đường tơ, kẽ tóc. Chỉ có một điều là chúng ta quên hay nhớ thế thôi.

Trong vấn đề tu tập, chúng ta cần phải biết phục hồi lại những gì đã có. Năng lượng bình yên tĩnh tại, phản chiếu là tự hữu; chỉ cần chúng ta nhớ thì tự thể tâm chiếu sáng, là chúng ta đang ở trong vùng đất Như Lai, nếu quên thì chúng ta mất mình và trôi lăn trong lục đạo luân hồi.

Tự thể tâm ta vốn lặng lẽ, trong sáng tịch nhiên, vốn là Niết Bàn nên không cần phải tìm cầu, không cần phải làm gì cả. Cho nên “Nội vô sở đắc, ngoại vô sở cầu.” là như thế.

4. Mặc tình trôi.

– “Tâm bất hệ đạo, diệc bất kiết nghiệp.”

“Tâm không ràng buộc vào đạo, cũng không kết nghiệp”. Chúng ta có thể hiểu câu kinh trên qua hai tầng nghĩa cạn và sâu.

Ở tầng cạn chúng ta phát khởi tâm hướng đến sự tu tập bằng tất cả nhiệt tình, gắn chặt đời mình với đạo, vận dụng tâm thức sinh diệt hướng ngoại rong ruổi tìm cầu. Được gọi là buộc mình vào đạo và tạo nghiệp tu, thành tựu quả hữu lậu.

Tầng sâu ta an trú tâm ngay nơi tự thể rỗng lặng vô niệm, thong dong mà đến, phiêu bồng mà đi. Không gắng sức, không hướng ngoại tìm cầu nên không phải buộc ràng gì với đạo, cũng không tạo nghiệp, tạo phước hữu lậu tử sinh.

Tóm lại, nếu chúng ta nhận ra được tự thể tâm, công phu tu tập của chúng ta rất nhàn hạ. Nếu chưa nhận ra được, chúng ta phải luôn luôn đối phó với trạng thái tâm bất an như đau khổ, buồn phiền, ham muốn... thì chúng ta rất là điêu đứng với ý niệm luôn luôn muốn trấn ngự, diệt trừ, loại bỏ những tâm hành tiêu cực mà chúng ta nghĩ là người tu không nên có. Chúng ta nên hiểu những gì trong tâm thức bị dồn nén, trấn ngự, lúc nào cũng có phản ứng ngược lại, và khi chúng ta khởi lên ý tưởng đề kháng, áp đảo, loại trừ thì nó được trút thêm năng lượng để lớn dần, mạnh hơn.

Thưa đại chúng, với sự thực tập giỏi, có công phu tu thực sự chúng ta sẽ nhận rõ được điều nầy nơi tự tâm. Chúng ta không cần ràng buộc tâm với đạo, vào sự tu tập. Hãy nhẹ nhàng để cho tâm tự nhiên trong dòng chảy của nó, và chỉ cần mời sự “nhận biết vô ngôn” có mặt nhận diện nó, dần dần nó sẽ tự lặng yên.

“Nhậm tha pháp tánh châu lưu, mạc tục mạc đoạn. Văn thinh kiến sắc, cái thị tầm thường. Giá biên na biên, ứng dụng bất khuyết.”: “Mặc cho dòng pháp tánh vận hành trôi chảy miên man, không nối thêm mà cũng không cắt đứt. Hãy để cho khả năng tỉnh sáng của tâm có mặt; không cần khởi quán chiếu, cũng không cần khởi tâm diệt trừ vọng tưởng. Nghe tiếng, thấy sắc vốn là việc bình thường, và bên lý bên sự ta ứng dụng không lúc nào khiếm khuyết cả.” Đây là lời dạy của thiền sư Linh Hựu. Chỉ cần mời gọi năng lượng chánh niệm có mặt trong từng sát na một, thì dòng chảy của sự tu tập, pháp tánh tự châu lưu.

Từ đấy, chúng ta có thể nhận ra khả năng của vọng thức, phiền não... chỉ là bụi trần không hề dính gì đến chúng ta. Tâm ta như hư không, bao la rỗng lặng và với công phu tu rất nhẹ chúng ta tự nhiên đi vào dòng chảy, đi vào quả Thánh.

5. Chiếu sáng và bất động.

– “Vô niệm vô tác, phi tu phi chứng.”

Hai câu nầy chúng ta sẽ gặp nhiều lần trong những chương sau của Kinh, tôi sẽ mở rộng và đi vào chiều sâu khi gặp lại.

Tuy nhiên trong Kinh Lăng Già có hai câu mang nội hàm rất gần với đoạn nầy:
“Năng thiện phân biệt chư pháp tướng, ư Đệ Nhất Nghĩa bất động.” là khéo phân biệt được các pháp tướng, nhưng ở nơi Đệ Nhất Nghĩa vẫn bất động?

“Đệ Nhất Nghĩa” là tên khác của Như Lai tức tự thể tâm không sinh diệt. Thế nào là khéo phân biệt được các pháp tướng mà nơi tâm thể vẫn bất động?

Khi tâm thức chúng ta dừng lại trong giây phút hiện tiền và mời được sự “nhận biết vô ngôn” có mặt thì không có cảm thọ hay tâm hành nào ở bên trong bất chợt hiện đến mà chúng ta không tức khắc nhận ra. Bên ngoài chúng ta phản ứng rất nhanh và kịp thời đối phó với mọi tình huống rất trực tiếp và rất bén nhạy. Như khi nghe tiếng một cành cây sắp gãy, chúng ta biết lùi lại. Chân sửa soạn bước nếu thấy một con rắn tự nhiên ta liền kéo chân vào. Nếu chúng ta không phản ứng hay phản ứng chậm hoặc không nhận biết ngay được; đó chính là lúc tâm thức của ta đang rong chơi, đang thất niệm.

Qua câu chuyện của Ngài Hám Sơn sau đây chúng ta thấy rõ công phu thực tập của người xưa: Lúc Ngài ngồi chép kinh, có một số Phật tử đến vây quanh hỏi đạo. Ngài ung dung trả lời rất rành rẽ trong khi tay vẫn chép kinh, tai vẫn nghe từng câu hỏi, miệng vẫn trả lời từng câu một của Phật tử rất mạch lạc. Sau hai giờ bị làm xao động bởi những câu hỏi, khi những Phật tử xin Ngài cho xem lại bản viết để có niềm tin vào định lực của Ngài, kỳ lạ thay những trang kinh Ngài chép không sai trật một chữ.

Chúng ta cũng thế, cũng có khả năng làm được mọi thứ, đồng thời cũng an trú trong thể tâm lặng lẽ nếu chúng ta tu tập giỏi. Cùng một lúc vừa an trú nơi tâm thức rỡ ràng nhưng vẫn thấy, nghe, hiểu biết... phân biệt được mọi thứ mà không bị mất mình trong một đối tượng nào tức chúng ta đang an trụ trong Đệ Nhất Nghĩa. Đó là: “Vô niệm vô tác. Phi tu phi chứng”.

Niết Bàn, Như lai, Phật tánh... là những danh từ đã được nạm vàng, mang đầy màu sắc mê hoặc mà người xưa thường hay xử dụng. Chúng ta đừng để bị quyến rũ rồi cố vận dụng hết khả năng tư duy, suy nghĩ để mong đạt tới.

Thưa, những gì cần đến khả năng tư duy, vận dụng công phu thật nhiều, những gì cần phải ra sức khó nhọc để lao vào; tất cả đều ở ngoài ta, không thật có.
Cho nên, người tu đến mức độ nhuần nhuyễn, thâm sâu không cần phải dụng công gì hết. Chỉ nhẹ nhàng tự nhiên để mặc cho tâm thể bất động, vô niệm tỉnh sáng vận hành trôi chảy miên man, ấy là “Pháp tánh châu lưu” có mặt khắp mọi nơi.

Thưa đại chúng, chúng ta sẽ gặp lại: “Vô niệm vô tác. Phi tu phi chứng.” nơi chương mười tám của Kinh trong những lần giảng kế tiếp.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567