Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

3. Chương 14-25

23/03/201102:15(Xem: 5213)
3. Chương 14-25

KINH TỨ THẬP NHỊ CHƯƠNG
Thích Viên Giác dịch và giảng

Chương 14-25

Chương 14

I. Chánh Văn

Có 1 vị Sa môn hỏi Phật: "Điều gì là thiện? Điều gì là lớn nhất?". Đức Phật dạy: "Thực hành Chánh đạo, giữ sự chân thật là Thiện. Chí nguyện hợp với Đạo là lớn nhất".

II. Đại Ý

"Thiện"là sống theo đạo lý giữ đúng sự chân thật, "lớn nhất" là chí nguyện

III. Giảng Nghĩa

Chương này cũng bắt đầu bằng câu hỏi của 1 vị Sa môn về 2 vấn đề Thiện và Lớn nhất. Đức Phật dạy điều Thiện là thực hành chánh đạo, giữ sự chân thật. Điều gọi là Lớn là tâm chí ngang tầm với Đạo.

Đối với vấn đề thứ nhất, những gì gọi là Thiện ; có 2 phần:

- Thực hành Chánh đạo: là tu tập theo Chánh pháp, với người Phật tử tại gia phải giữ gìn 5 giới, thực hành 10 điều thiện. Đối với người xuất gia tu tập Giới, Định, Tuệ, lấy Bát chánh Đạo làm phương tiện tiến tu.

- Giữ sự chân thật: Tâm phải chân trực ngay thẳng, hành vi rõ ràng minh bạch, ngôn ngữ không dối gạt. Gọi là giữ điều chân thật.

Như vậy gọi là Thiện.

Vấn đề thứ hai, điều gì được gọi là Lớn nhất. Phật dạy Tâm chí phù hợp với Đạo là Lớn nhất. Đạo là con đường. Đạo là nguyên lý của cuộc sống. Đạo là bản thể tịch nhiên của vạn vật vũ trụ. Ở đây muốn nói Đạo là bản thể, là chân như. Vậy Đạo là vô lượng, vô biên. Đạo là lớn nhất (theo cách nói của phàm trần). Tâm chí phù hợp với đạo là nâng tâm thức của mình lớn dần vượt ra ngoài hạn chế của tư tưởng, ngôn ngữ, hành vi đối đãi, để tâm chí đạt đến chỗ vô lượng, vô biên ngang tầm với Đạo. Cái tâm chí phù hợp với đạo ấy thường gọi là Đại Hùng, Đại Lực, Đại Từ Bi.

Như vậy gọi là Lớn nhất.

IV. Nhận Xét Và Kết Luận

1) Chương này vị Sa môn hỏi 2 vấn đề: "Thiện và Lớn nhất". Đức Phật dạy 2 vấn đề: Thiện là thực hành Chánh Đạo, giữ sự chân thật. Lớn là tâm chí phù hợp với Đạo.

2) Sự vĩ đại của tâm chí chính là sự vĩ đại của Trí tuệ, như một Thiền sư nói: "Trí tuệ vuợt tầm giới pháp, Từ bi thấm nhuận non sông". Đạo và Lớn nhất chỉ ở tâm chí của mỗi con người.

Chương 15

I. Chánh Văn

Có vị Sa môn hỏi Đức Phật: "Điều gì là mạnh nhất? Điều gì là sáng nhất?" Đức Phật dạy: "Nhẫn nhục là mạnh nhất vì không chứa ác tâm nên tăng sự an ổn. Nhẫn nhục là không ác, tất được mọi người tôn kính. Tâm ô nhiễm đã được đoạn tận, không còn dấu vết gọi là sáng nhất, nghĩa là tất cả sự vật trong 10 phương, từ vô thỉ thuở chưa có trời đất cho đến ngày nay không vật gì là không thấy, không vật gì là không biết, không vật gì là không nghe, đạt được Nhất thiết trí, như vậy được gọi là sáng nhất".

II. Đại Ý

Đức Phật dạy về nhẫn nhục là mạnh nhất và đoạn tận ô nhiễm của tâm là sáng nhất.

III. Giảng Nghĩa

1. Chú thích từ ngữ, thuật ngữ:

Nhẫn nhục: tiếng Phạn là Ksanti, là một đức tính quan trọng của người Phật tử , tỏ rõ sức mạnh nội tâm, cũng là một trong 6 Bala mật của Bồ Tát hạnh. Nhẫn có 3 loại:

Sinh nhẫn (chúng sinh nhẫn) như muỗi, kiến cắn không giận, không giết hại, không sân hận với người sân hận, không chửi mắng người chửi mắng mình, còn gọi là hữu tình nhẫn.
Pháp nhẫn: nhẫn chịu sự áp bức của thiên nhiên như nóng, lạnh, mưa nắng... còn gọi là Phi tình nhẫn.
Vô sinh pháp nhẫn: Nhẫn đạt đến cao độ trở thành đức tính tự nhiên, ra vào nghịch cảnh và thuận cảnh một cách tự tại.
Nhất thiết trí: còn gọi là nhất thiết chủng trí, là trí tuệ hiểu biết tất cả, không có gì là không biết. Thành ngữ này chỉ cho trí tuệ của Đức Phật và bậc Thánh A La Hán.

2. Giải thích nội dung

Nhẫn nhục là nhịn được những điều khó nhịn, mà tâm được an ổn. Nikàya sử dụng từ kham nhẫn, cả 2 ý nghĩa đều giống nhau. Nhẫn được điều khó khăn là biểu hiện sức mạnh của nội tâm. Chỉ có những người có trình độ tu tập cao, có sự kiềm chế lớn mới nhẫn nổi, nên gọi nhẫn nhục là sức mạnh. Nhẫn nhục không phải là hèn nhát như có người tưởng. Người ta mắng mình mình mắng lại, người ta hại mình mình hại lại, đó là phản ứng của động vật. Đạo Phật muốn đem đến cho con người sự hạnh phúc cao thượng, muốn con người văn minh, văn hóa hơn các loài động vật khác nên khuyến khích tu hành nhẫn nhục, là cách tu tập tự chủ, làm chủ tâm lý và hành vi của mình, không phản ứng tự nhiên như các loài động vật khác. Đức Phật dạy trong kinh Pháp Cú: "Tự chiến thắng mình là chiến công oanh liệt nhất". Kinh Tăng Chi nói có 8 loại sức mạnh:

1- Sức mạnh của trẻ thơ là tiếng khóc.
2- Sức mạnh của đàn bà là phẫn nộ.
3- Sức mạnh của người ăn trộm là vũ khí.
4- Sức mạnh của vua chúa là quyền uy.
5- Sức mạnh của kẻ ngu si là áp đảo.
6- Sức mạnh của bậc hiền trí là cảm hóa.
7- Sức mạnh của người đa văn là thẩm sát.
8- Sức mạnh của Sa môn là nhẫn nhục.

Vì vậy, người Sa môn không dựa vào tiền tài, quyền thế hay tri thức mà chính là sự nhẫn nhục.

Như trong phần giải thích thuật ngữ, nhẫn nhục có 3 loại: Sinh nhẫn, Pháp nhẫn, và Vô sinh pháp nhẫn, kinh Tăng Chi cũng đưa ra 3 loại kham nhẫn tương tự.

1- Kham nhẫn đối với nóng, lạnh, đói, khát, sự đau nhói mãnh liệt về thân, sự xúc chạm ruồi, muỗi, các loại bò sát.

2- Kham nhẫn không chửi mắng lại kẻ chửi mắng, không sân hận lại kẻ sân hận, không hãm hại lại kẻ hãm hại...

3- Kham nhẫn khi mắt thấy sắc, tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân cảm xúc, ý biết pháp... không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng, không bị sắc lôi cuốn và chấp thủ vào sắc...

"Nhẫn nhục là không ác, nên được mọi người tôn kính", điều này trong kinh Tăng Chi nói thêm người không nhẫn nhục có năm điều nguy hại:

1- Quần chúng không ái mộ, không ưa thích.
2- Có nhiều người hận thù.
3- Nhiều người tránh né không muốn gặp.
4- Lúc sắp chết tâm bị mê loạn
5- Sau khi chết rơi vào chốn mê khổ.

Vấn đề thứ hai, sự sáng nhất trên cõi đời này, về mặt vật lý mặt trời được coi là vật sáng nhất, nhưng đối với con người thì Đạo Phật cho rằng, Tâm giác ngộ là sáng nhất, điều này đã nói ở những chương trước rằng những dục vọng, mong cầu không còn thì tâm được tĩnh lặng có thể biết được đời trước của mình và của kẻ khác, có thể đạt được quả vị Phật Đà, tâm ô nhiễm chính là tham dục và lòng mong cầu truy tìm quá khứ, khát vọng tương lai. Khi tâm đã lặng như mặt nước hồ thu thì vạn vật sẽ hiện rõ như bóng trong gương, nên nói rằng từ xưa tới nay, không vật gì không thấy, không vật gì không biết, chứng được nhất thiết trí gọi là sáng nhất vậy.

III. Nhận Xét Và Kết Luận

1) Chương này giống hai chương trên , là do thắc mắc của một vị Sa môn mà Đức Phật giảng dạy. Hai chương trước, chương nào cũng nêu lên hai vấn đề, chương này cũng có hai vấn đề. Như vậy hình thức 3 chương liên tiếp giống nhau.

2) Chương này nêu 2 vấn đề: điều mạnh nhất và sự sáng nhất, nhưng vấn đề nhẫn nhục quan trọng hơn, vì đó là sức mạnh của một vị Sa môn hay một đệ tử của Phật

3) Nhẫn nhục theo quan điểm Nguyên thủy hay Đại thừa giống nhau ở chỗ là công phu tu tập chủ yếu của Phật tử, kể cả các định nghĩa đều giống nhau, mặc dù dùng từ ngữ có khác nhau; được cô đọng 3 phương tiện.

- Nhẫn nhục đối với sự khó chịu, sự làm hại của các loài hữu tình.
- Nhẫn nhục đối với sự khó chịu, sự làm hại của các loài vô tình.
- Nhẫn nhục đối với sự ràng buộc của các pháp nói chung và nói riêng là đối tượng của mắt, tai...

Chương 16

I. Chánh Văn

Đức Phật dạy: "Người giữ ái dục ở trong lòng thì không thấy được Đạo. Thí như nước trong mà lấy tay khuấy động, người ta đến soi không thấy bóng của mình. Người do vì ái dục khuấy động mà trong tâm ô nhiễm nổi lên nên không thấy Đạo được.

Sa môn các ông cần phải xả ly ái dục. Ái dục hết rồi, có thể thấy Đạo được".

II. Đại Ý

Đức Phật dạy ái dục còn ở trong lòng thì không thấy được Đạo. Ái dục hết rồi mới thấy được Đạo.

III. Giảng Nghĩa

Đức Phật dạy trong Trung Bộ Kinh: "Như một khúc cây xanh đầy nhựa sống để ở trong nước thì sẽ không nhúm lên được lửa. Cũng vậy, với lòng đầy ái dục người ta sẽ không chứng được chánh đẳng chánh giác. Như một khúc cây xanh đầy nhựa sống vớt lên khỏi nước, cũng sẽ không nhúm lên ngọn lửa. Cũng vậy, với lòng đầy ái dục, người ta không thể chứng được chánh đẳng chánh giác. Như một khúc cây không còn nhựa sống khô ráo có thể nhúm lên ngọn lửa. Cũng vậy, với lòng thanh tịnh, đoạn tận ái dục, người ấy có thể chứng được chánh đẳng chánh giác" Lời kinh này trùng hợp với lời Phật dạy trong chương 16 này.

Ái dục là nguồn gốc của đau khổ, là nguyên nhân, là tập đế trong Tứ diệu Đế. Khá nhiều bài kinh trước đã đề cập đến vấn đề ái dục. Tham dục làm cho tâm ô nhiễm, không sáng suốt. Đối với dục, Đức Phật dạy cần phải biết rõ 3 vấn đề.

- Vị ngọt: đối tượng của ái dục luôn đem đến sự vui thích, sự cảm thọ sung sướng, đam mê, vì vậy mà ai cũng ham muốn, luôn tìm kiếm.

- Sự nguy hiểm: vị ngọt là một mặt của dục và sự nguy hiểm là mặt trái của dục. Lạc thú hay vị ngọt ấy không bao giờ thỏa mãn, làm cho con người luôn khao khát, tìm cầu vô tận. Lạc thú của dục vô thường tạm bợ. Tìm kiếm rất vất vả, có thể vì lạc thú mà con người có thể hy sinh thân mạng của mình hay triệt tiêu sinh mạng của kẻ khác. Có được rồi lo giữ gìn, mất đi thì đau khổ ... Tôi thí vua, con giết cha, vợ phản bội chồng và nhiều sự đau thương khác đều do ái dục mà ra.

- Sự xuất ly: phải biết rằng xa lìa được ái dục là thảnh thơi, là giải thoát. Sự đau khổ do vướng vào ái dục, thì sự hạnh phúc do xa lìa ái dục.

Đối tượng của ái dục thường được gọi là tiền tài, sắc đẹp, danh vọng, ăn uống, ngủ nghỉ, hoặc là sắc, tiếng, hương thơm, mùi vị, cảm giác, xúc chạm. Thực ra, điều quan trọng vẫn là lòng ái dục chớ không phải do các đối tượng của giác quan, là chủ nhân gây họa. Do không có trí tuệ, không thấy rõ bản chất của lạc thú, của đối tượng nên mình lệch lạc, chấp thủ ái dục. Do ái dục khuấy động nên tâm tư mờ tối, giống như chậu nước trong lặng, lấy tay quấy lên thì không thể soi bóng mình được.

IV. Nhận Xét Và Kết Luận

1) Cho đến chương 16 này thì vấn đề ái dục được đề cập trong 7 chương, chương này dành trọn vẹn cả chương để nói về sự khuấy động của ái dục làm cho tâm không sáng suốt và do đó không thấy được Đạo.

2) Ái dục chính là Tập đế, nguyên nhân của đau khổ, mà trong Luật đã dạy: "Sinh Tử Căn Bản, Dục Vi Đệ Nhất".

3) Đức Phật khuyên các thầy Sa môn cần phải đoạn tận ái dục để thấy được Đạo, bằng cách thấy như thật vị ngọt, sự nguy hiểm và xuất ly ái dục.

Chương 17

I. Chánh Văn

Đức Phật dạy: "Người thấy được Đạo cũng như cầm đuốc vào trong nhà tối, bóng tối liền mất, còn lại ánh sáng. Người học Đạo mà thấy được chân lý thì vô minh liền diệt, chỉ còn trí tuệ".

II. Đại Ý

Đức Phật dạy về tính chất của các bậc kiến đạo hay ngộ đạo.

III. Giảng Nghĩa

1. Giải thích từ ngữ, thuật ngữ:

Kiến đạo: là thấy Đạo, thấy được chân lý, đồng nghĩa với từ Kiến đế ở trong bài. Theo kinh dạy, thì bậc Kiến đạo là vị chứng quả vị Tu Đà Hoàn, là vị Thánh đầu tiên trong 4 quả vị. Đối với Bồ Tát đạo thì bậc Kiến đạo đạt được địa thứ 4 trong 10 địa (Kiến địa, Diệm huệ địa).

Vô minh: tiếng Phạn là Avidya, nghĩa là không sáng suốt, mê mờ, không thấy rõ bản chất của sự vật, đồng nghĩa với chữ Si.

2. Giải thích nội dung:

Chương này Đức Phật nói về tính chất của một bậc Kiến đạo. Bậc Kiến đạo tức là người thấy được chân lý, thấy được sự thật, không còn là bị sự vật làm cho mê muội nữa, một lần thấy là thấy vĩnh viễn. Ở đây chỉ cho quả vị Tu Đà Hoàn, hay còn có nghĩa là bậc dự vào dòng Thánh bất thoái chuyển, không trở lại mê lầm nữa. Sau quả vị Kiến đạo, còn có các quả vị tu đạo là để cân bằng giữa sự thấy và hành động. Sau đó là chứng Đạo tức là đạt đến chỗ tột cùng.

Trong kinh sử dụng ví dụ người cầm đuốc đi vào nhà tối, bóng tối liền biến mất chỉ còn ánh sáng là để dụ cho trí tuệ thấy được chân lý, không còn trở lại tối tăm mê lầm nữa, minh họa cho ý bất thoái chuyển của bậc kiến đạo.

Từ Kiến đế nghĩa là thấy chân lý. Chân lý ở đây là 4 chân lý KHỔ – TẬP – DIỆT – ĐẠO. Trong kinh A hàm , Đức Phật dạy, ai thấy được khổ đế, người ấy thấy luôn cả nguyên nhân khổ, sự diệt khổ và con đường diệt khổ.

IV. Nhận Xét Và Kết Luận

Chương này Đức Phật nói về tính chất của bậc Kiến đạo, tức Thánh Tu Đà Hoàn. Bậc Thánh này đã thấy được chân lý, tâm không còn mê muội nữa, và không còn trở lại trạng thái mê lầm nữa như người cầm đuốc vào nhà tối, bóng tối hết, chỉ còn ánh sáng.

Chương 18

I. Chánh Văn

Đức Phật dạy: "Pháp của ta là Niệm mà không còn chủ thể Niệâm và đối tượng Niệm, Làm mà không còn chủ thể Làm và đối tượng Làm, Nói mà không có chủ thể Nói và đối tượng Nói, Tu mà không còn chủ thể Tu và đối tượng Tu. Người ngộ thì rất gần, kẻ mê thì rất xa. Dứt dường ngôn ngữ, không bị ràng buộc bất cứ cái gì. Sai chỉ một hào ly thì mất tức khắc.

II. Đại Ý

Đức Phật dạy thực thể của Đạo thì nằm ngoài phạm trù ngôn ngữ tư duy và bị tác thành của hữu vi pháp.

III. Giảng Nghĩa

Chương này nói về thực thể của Đạo. Chữ PHÁP ở trong chương này chính là Đạo. Pháp là nguyên lý, là thể tánh của vạn vật. Pháp này (hay là Đạo) siêu việt chủ thể và đối tượng, nên nằm ngoài phạm trù ngôn ngữ, tư duy và tác thành của hiện tượng giới. Đạo không có tướng để có thể khái niệm hay tư duy. Kinh Kim Cương nói: "Phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng. Nhược kiến chư tướng phi tướng, tức kiến Như Lai". Nghĩa là nơi nào có tướng là nơi đó có sự giả dối. Nếu thấy được tính cách không tướng của các tướng, tức là thấy được Như Lai. Cái gì mà có tướng là có chủ thể và đối tượng đối đãi nhau, cái đó là hư vọng. Vì vậy, Lão tử nói: "Đạo khả đạo phi thường đạo. Danh khả danh phi thường danh", nghĩa là "Đạo mà có thể nói được không phải là "đạo chân thường". Danh mà có thể gọi được không phải là"danh thường tại", Đạo là thực tại nằm ngoài phạm trù đối đãi của ngôn ngữ, khái niệm... nên nghĩ hay nói về Đạo hẳn nhiên không phải thực tại của Đạo. Với ý nghĩa đó Kinh Kim Cương nói: "... Chẳng có một pháp gì riêng biệt được gọi là vô thượng chánh đẳng giác, cũng không pháp nào riêng biệt được Như Lai tuyên thuyết. Vì sao? Vì những pháp Như Lai đã chứng, đã nói thì không thể nắm bắt được, cũng không thể diễn tả được. Đó không phải là pháp, cũng không phải là không pháp..." Vì vậy mà nói pháp của Như lai không có chủ thể tu và đối tượng tu". Tư duy nói năng và hành động thí cách Đạo rất xa. Đạo vốn chẳng gần chẳng xa. Ngộ thì rất gần, mê thì rất xa.

IV. Nhận Xét Và Kết Luận

1) Chương này nói về thực thể của Đạo. Pháp ở đây chính là Đạo, Đạo là Niết bàn chân như; đạo này không thể nắm bắt được bằng tư duy, tạo tác, nói năng hay tu tập.

2) Người hiểu hay ngộ được lý đạo này thì ở đâu cũng là Đạo, người không ngộ được thì Đạo rất xa.

3) Chương này mang tư tưởng của Kinh Kim Cương Bát Nhã và phong thái của Thiền tông. Dĩ nhiên tư tưởng này được thêm vào về sau.

Chương 19

I. Chánh Văn

Đức Phật dạy: "Quán trời đất nghĩ là vô thường, quán thế giới nghĩ là vô thường, quán linh giác tức là Bồ đề. Hiểu biết như vậy thì chóng đắc đạo".

II. Đại Ý

Đức Phật dạy về đối tượng quán chiếu để mau thành Đạo quả.

II. Giảng Nghĩa

1. Chú thích từ ngữ, thuật ngữ:

Bồ đề: dịch âm của tiếng Phạn là Bodhi, dịch nghĩa là Giác, giác ngộ, trí tuệ.Tâm giác ngộ gọi là Tâm Bồ đề. Linh giác: tâm linh giác ngộ, hay tuệ giác linh thiêng của chúng sinh.

2. Giải thích nội dung:

Chương này, Đức Phật dạy về đối tượng quán chiếu. Có 2 đối tượng:

- Trời đất và thế giới, có thể gọi là vũ trụ vạn vật, quán vũ trụ vạn vật cho sâu sắc để thấy cái tính vô thường của nó.

- Tâm linh giác ngộ là Bồ đề ; quán tâm niệm tỉnh giác của mình chính là sự giác ngộ.

Vấn đề thứ nhất: Vũ trụ vạn vật chung quanh ta là đối tượng tiếp xúc của các giác quan và ý thức. Ta luôn luôn thấy nó bền vững, chắc thật như tảng đá, ngọn núi, bầu trời, trái đất ... Chúng ta dễ dàng thấy sự vô thường của bọt nước, của ánh chớp, của sương mai ... nhưng ít khi chúng ta thấy rõ sự vô thường của các thiên hà, của những hiện tượng lớn trong vũ trụ. Vì vậy Đức Phật dạy, phải thấu triệt bản chất của vũ trụ vạn vật từ lớn cho đến nhỏ đều vô thường. Thấy sự vô thường một cách toàn diện của mọi sự vật là ta đã có trí tuệ, rất gần với sự giải thoát.

Vấn đề thứ hai: Quán linh giác tức là Bồ đề Linh giác là Tâm linh giác ngộ có sẵn trong mỗi chúng sanh. Vì không tu tập khai mở khả năng sẵn có ấy nên chúng sanh chìm trong mê muội. Bồ đề là Tuệ giác để khai mở kho tàng giác ngộ thiêng liêng ấy. Vì vậy nếu xét để thấy rằng tâm niệm tĩnh giác (chánh niệm tĩnh giác) cao độ là Bồ đề, tâm Bồ đề với nguồn linh giác là một.

Sự nhận thức về bản chất vô thường của vũ trụ vạn vật chính là tâm Bồ đề. Tâm ấy với nguồn cội giác tánh không khác nhau. Do đó thấy được tánh giác của mình. Rốt cuộc sự tu tập quán chiếu về vô thường vẫn là điều quan trọng nhất để đạt được giác ngộ.

IV. Nhận Xét Và Kết Luận

Chương này, Đức Phật dạy về đối tượng quán chiếu, thấy rõ tính chất của các đối tượng ấy để mau đắc Đạo. Đối tượng thứ nhất là vạn vật vũ trụ, phải thấy được tính vô thường của nó. Đối tượng thứ hai là tâm tĩnh giác; phải thấy rõ chính tâm tĩnh giác là Bồ đề. Như nói niệm giác ngộ với sự giác ngộ là một.

Do quán thiên địa mà thấy bản chất của vạn vật vũ trụ và do quán linh giác mà thấy khả ăng giác ngộ của mình. Như vậy, có thể nhanh chóng thành tựu Đạo quả.

Chương 20

I. Chánh Văn

Đức Phật dạy: "Phải biết rằng bốn đại ở trong thân thể, mỗi đại có một cái tên (Địa, Thủy, Hỏa, Phong) đều là không có Ngã, cái Ngã đã không có, thì cái có chỉ như ảo hóa mà thôi.

II. Đại Ý

Đức Phật dạy phải quán xét sự huyễn hóa của thân thể.

III. Giảng Nghĩa

1. Chú thích từ ngữ, thuật ngữ:

Bốn đại: tiếng Phạn là Mahabhutas, là bốn yếu tố vật chất: Đất, Nước, Lửa, Gió.

Ngaõ: tiếng Phạn là Atman, nghĩa là Ta hay Tôi, tức quan niệm rằng thân của ta có một năng lực chủ thể thường hằng bất biến.

Như ảo (như huyễn): giống như thật mà không phải thật, sự vật có thể nhìn thấy, nghe thấy như thật mà không phải thật.

2. Giải thích nội dung:

Khi ta nói đến thân tôi có nghĩa là ta nói đến các chủ thể ngự trị trên thân xác, thường gọi là linh hồn, là cái tôi. Cái được gọi là Ngã, nghĩa là một thực thể tồn tại độc lập, bất biến, trường cửu, cái linh hồn ấy đứng đằng sau sự chuyển biến vô thường của thể xác. Sau khi chết, xác tàn hoại, linh hồn sẽ rời khỏi đi đầu thai ở đâu đó. Thực ra, theo đạo Phật chẳng có cái ngã nào như vậy. Chủ trương vô ngã của đạo Phật hết sức đặc biệt, và đó là điều chính yếu để phân biệt giữa Đạo Phật và các tôn giáo khác. Chủ trương đó xuyên suốt hệ thống Phật học, phù hợp với chân lý, với thực tiễn, chỉ có điều nó ngược lại với sự suy tư và mong ước của người đời.

Trong chương này đề cập đến cái thân xác này do bốn đại tạo nên, là tập hợp của bốn yếu tố vật chất: đất, nước, lửa, gió. Không có cái gì là Ngã, là chủ thể cả. Cái mà ta hiện có ta tưởng là Ngã, là chủ thể, thực ra chúng có mà không thật, không độc lập, không tồn tại lâu, gọi là huyễn, ảo mà thôi.

Nói một cách đầy đủ hơn, con người là tập hợp của 5 yếu tố: vật chất, cảm giác, tri giác, tâm hành và nhận thức. Năm yếu tố này làm nhân, làm duyên nương tựa nhau mà tồn tại. Không có cái nào được gọi là "chủ" cả, ngay cả "nhận thức" là yếu tố thứ năm tồn tại nhờ sắc (vật chất), thọ, tưởng... Kinh Tương ưng nói: "Nếu có người nói tôi sẽ chỉ ra sự đến, sự đi, sự sinh, sự phát triển của nhận thức biệt lập với sắc, thọ, tưởng, hành thì người ấy đã nói một chuyện không có thực".

Sự tồn tại của thân hay của sự vật nói chung là sự tồn tại duyên sinh:"Cái này có thì cái kia có, cái này không thì cái kia không. Cái này sinh thì cái kia sinh, cái này diệt thì cái kia diệt".

Đó chính là lẽ tự nhiên của cuộc đời, không có một linh hồn, một chủ thể nào độc lập ngự trị trên thân xác một người, chỉ có sự nhận lầm của con người về sự hiện hữu của cái Ngã, từ đó chấp thủ cái Ngã, lo tô bồi cái Ngã, thỏa mãn cho nó, vì vậy mà chiến tranh, đau khổ, tàn phá...xảy ra. Chấp Ngã là nguyên nhân toàn diện cho mọi sự đau khổ của thế gian.

IV. Nhận Xét Và Kết Luận

1) Chương này Đức Phật dạy quán thân là vô thường, không có chủ thể, chỉ có sự tập hợp của bốn yếu tố: đất, nước, lửa, gió mà thôi.

2) Do không có một thực thể bất biến, nên vạn vật chuyển biến không ngừng. Sự có mặt của thân vật... như thật mà không phải thật, chỉ là hư ảo mà thôi.

3) Quán Vô Ngã như thế, sẽ thấy được chân lý và chấm dứt mọi khổ đau.

Chương 21

I. Chánh Văn

Đức Phật dạy:"Người thuận theo lòng dục để mong được danh tiếng, khi danh tiếng vừa nổi, thì thân đã mất rồi. Ham muốn cái danh tiếng thường tình mà không lo học đạo chỉ uổng công mệt sức mà thôi. Giống như đốt hương, khi người ta ngửi được mùi thơm, thì cây hương đã tàn rồi. Cái lửa hại thân theo liền cái danh tiếng.

II. Đại Ý

Đức Phật dạy không nên cầu mong được danh tiếng, có hại cho sự học Đạo.

III. Giảng Nghĩa

Danh tiếng là mục đích hướng đến của nhiều người. Nó được liệt vào trong năm dục, tức năm đối tượng hấp dẫn con người. Từ những danh tiếng dễ thấy như thích chức vụ, đăng báo, chụp hình, đến những danh tiếng tế nhị khó thấy như mừng vui khi được người khác khen ngợi, ca tụng và buồn rầu khi bị chỉ trích chê bai, đều là danh cả. Cho đến các việc làm từ thiện mang tính nhân ái cao cả vẫn bị danh tiếng làm cho hoen ố. Mấy ai mà không ham danh! Ở đâu mà không có danh! Do vậy đau khổ ở đâu cũng có. Ham danh là khổ, bởi lẽ sự việc ở cuộc đời không bao giờ thuận theo ý thích của mình, làm sao mà đạt được sự không bị chỉ trích? Người xưa nói: "Thùy nhân bối hậu vô nhân thuyết" (Ai là người mà không bị kẻ khác nói xấu sau lưng) , được khen thì vui, bị chê thì buồn. Đó là tai họa của kẻ thích danh. Kinh Pháp Cú đã dạy: "Như ngọn núi kiên cố chẳng bao giờ bị lay động. Những lời hủy báng hay tán dương chẳng bao giờ làm lay động người đại trí." Đừng khốn khổ vì sự chỉ trích là lo làm vui lòng kẻ khác, vì không có gì ngu ngốc hơn là muốn làm hài lòng mọi người. Có những người suốt đời chạy theo danh tiếng, làm lụng vất vả để mưu cầu tiếng thơm, đúng như người xưa đã nói: "Càng cao danh vọng càng dày gian nan", nhưng cho đến khi có danh hoặc khi mọi người biết đến mình thì mình đã chết rồi, đúng là "Chết mới nói được nên lời". Thí dụ đốt hương rất hay, khi hương đã lan tỏa đến người thưởng thức thì bản thân cây hương đó sắp tàn hay đã tàn rồi.

Cái danh thường tình của cuộc đời nó làm hại mình nhiều hơn là lợi, vì danh mà ta phải làm nhiều điều thất nhân tâm, vì danh mà ta đánh mất con người thật của chính mình. Trang tử nói: "Làm theo danh mà bỏ mất mình thì không phải là kẻ sĩ". (Đại Tông Sư). Lão tử cũng nói: "Danh mà có thể gọi được không phải là danh thường". Danh đó là vô thường nên chỉ là "Uổng công mệt sức", như trong chương này đã nói mà thôi.

Câu cuối cùng của chương này nói rằng ngọn lửa tham danh làm hại thân theo liền sau đó là Đức Phật xác định rằng tai họa của sự tham danh xảy ra ngay trong đời sống hiện tại chứ không hẳn đời sau mới chịu.

IV. Nhận Xét Và Kết Luận

1) Tham danh tiếng là một trong năm đối tượng hấp dẫn đó là Tài, Sắc, Danh, Thực, Thùy.

2) Người tùy theo lòng dục chạy theo danh tiếng hão huyền, tâm luôn dao động không có điều kiện tu tập giải thoát, nên kết quả thì đau khổ cho đời này và đời sau.

Chương 22

I. Chánh Văn

Đức Phật dạy:"Tiền tài và sắc đẹp đối với con người rất khó buông xả. (Tiền tài và sắc đẹp ấy) giống như chút mật trên lưỡi dao, không đủ cho bữa ăn ngon, thế mà đứa trẻ liếm vào thì bị nạn đứt lưỡi".

II. Đại Ý

Đức Phật dạy về sự ràng buộc tai hại của tiền tài và sắc đẹp.

III. Giảng Nghĩa

Chương 21 nói về danh tiếng là đối tượng của dục thứ ba trong năm dục. Chương này Đức Phật dạy về hai đối tượng của dục là tiền tài và sắc đẹp, là hai đối tượng chủ yếu của năm dục.

Sự nguy hiểm của dục (tiền tài và sắc đẹp) ở chương này được ví dụ như chút mật trên lưỡi dao, có vị ngọt đấy, nhưng không đủ để bù đắp cái thiệt hại đứt lưỡi.

Trung A hàm Kinh Anletra, Đức Phật có dạy thêm một số ví dụ vị ngọt và sự nguy hiểm của dục như:

a) Khúc xương: chỉ còn một chút ít thịt dính vào xương, con chó gặm rất vất vả. Dục cũng như vậy.

b) Miếng thịt: con quạ có miếng mồi ngon là miếng thịt, những con quạ khác tranh nhau cắn mổ để giành miếng thịt. Dục cũng như thế.

c) Bó đuốc cỏ khô: cây đuốc cháy hết sẽ bị nạn cháy tay. Dục cũng như vậy.

d) Dục như hầm lửa: người bị bệnh phong đến bên hầm lửa hơ rất thích thú, nhưng sau khi đó bị nóng rát...

e) Rắn độc: cầm nắm đầu rắn độc không vững sẽ bị rắn cắn chết.

f) Như giấc mộng: như người nằm mộng thấy nhiều cái đẹp nhưng tỉnh giấc mộng không có gì cả, như mộng Namkha, mộng Hoàng lương.... Chẳng hạn. Dục cũng như thế.

g) Như đồ vay mượn: đồ vật mượn của kẻ khác thì phải trả, không phải của mình. Dục cũng như vậy.

h) Như gậy nhọn: người cầm cây gậy nhọn nếu không cẩn thận vấp té sẽ tự đâm hại bản thân mình.

i) Như trái cây: cây có trái ngon có nhiều người đến hái. Dục cũng như vậy.

j) Như lò thịt: là chỗ giết thú lấy thịt, nơi đầy máu và nước mắt. Dục cũng như vậy.

Đó là 10 ví dụ về dục được trình bày trong các Kinh A Hàm, và Nikàya nói lên mặt nguy hiểm của tài sản, sắc đẹp, danh vọng, ăn, ngủ. Sự nguy hiểm của Dục trong kinh Đại Khổ Uẩn có nói 7 sự nguy hiểm như:

1- Vì dục mà lo đấu tranh, nỗ lực làm việc vất vả.
2- Nỗ lực mà vẫn không đạt được tài sản như ý, sinh ra thất vọng.
3- Nếu đạt được tài sản ... lo giữ gìn, sợ cướp giựt.
4- Cha con anh em tranh đoạt nhau, đâm chém nhau.
5- Con người vì dục mà sinh ra chiến tranh.
6- Vì dục mà giết hại, đi ăn trộm, tà dâm, bị bắt bớ tù đày.
7- Thân khẩu ý bất thiện, chết sinh vào đọa xứ.

IV. Nhận Xét Và Kết Luận

1) Chương này nói về hai đối tượng hấp dẫn trong năm dục, đó là tiền bạc và sắc đẹp.

2) Không buông xả hai loại đối tượng của sự ham muốn này rất nguy hiểm, giống như chút mật trên lưỡi dao, liếm vào có thể bị đứt lưỡi.

Chương 23

I. Chánh Văn

Đức Phật dạy: "Người bị vợ con, nhà cửa ràng buộc còn hơn là lao ngục. Lao ngục có kỳ hạn được phóng thích còn đối với vợ con không có ý tưởng xa rời. Khi đã đam mê sắc đẹp, đâu có ngại gì đến gian nguy ! Dù tai họa nơi miệng cọp vẫn cam tâm ! Tự đắm mình vào chốn bùn lầy nên gọi là phàm phu. Vượt thoát cảnh ấy sẽ là bậc Alahán.

II. Đại Ý

Đức Phật dạy con người khi bị tình ái, vợ con, tài sản ràng buộc khó mà ra khỏi. Người thấu rõ được sự nguy hiểm này của nó sẽ trở thành bậc Thánh.

III. Giảng Nghĩa

Kinh Pháp Cú, kệ 345 có thể nói là tương đương với chương này. Kệ nói: "Đối với người trí, sự trói buộc bằng dây gai, bằng cây, bằng sắt chưa phải là kiên cố. Chỉ có lòng luyến ái vợ con, tài sản, mới thật sự trói buộc chắc bền".

Sự trói buộc đối với vợ con và tài sản là sự trói buộc tự nguyện nên không có kỳ hạn ra khỏi. Nói đến điều này là dạy cho hàng xuất gia biết sự nguy hiểm mà tránh, mặt khác cảnh tỉnh những người có tâm niệm muốn thoát ly sinh tử. Đối với người thường, thì vợ con tài sản là niềm hạnh phúc. Vợ hiền con thảo, tài sản sung túc, đó là niềm mong ước của nhiều người.

Sự trói buộc của vợ con có hai mặt: Một là tình ân ái, yêu thương giữa vợ chồng bắt nguồn từ sự hấp dẫn giới tính, đưa đến sự tìm kiếm cảm giác lạc thú, rồi đến chức năng di truyền nòi giống, tạo thành chuỗi gắn bó ngày càng sâu. Cảm giác lạc thọ giữa nam nữ trở thành thói quen, thiếu sẽ trở nên hụt hẫng, đó là bản chất lạc thọ. Hai là sự gắn bó vì trách nhiệm ngoài tình ân ái, trách nhiệm đóng vai trò lớn để trói buộc nam nữ với nhau trong hôn nhân. Luân lý đạo đức xã hội, về mặt pháp luật cũng như về mặt lương tâm không cho phép một người buông trôi vợ con do chính anh đã tạo nên.

Nhưng điều quan trọng nhất là về mặt tâm lý, cảm giác lạc thọ trở thành tập quán, kích thích con người tiếp diễn theo hướng đi đã định và điều tất nhiên là đằng sau các lạc thú, nỗi khổ đau phiền muộn, bất an cũng tiếp diễn bất tận.

IV. Nhận Xét Và Kết Luận

1) Chương này tiếp tục đề cập đến tài sắc, nhưng cụ thể hóa tài sắc ấy là vợ con và tài sản.

2) Sự trói buộc của vợ con, tài sản không có ngày ra khỏi, hơn sự trói buộc của lao ngục thế gian.

3) Tâm tham ái rất mạnh, làm cho con người có thể hy sinh mạng sống để giữ gìn.Cho nên ai thấy được bản chất của ái dục, sẽ thoát khỏi trần lao, chứng được Thánh vị.

Chương 24

I. Chánh Văn

Đức Phật dạy: "Trong các thứ ái dục, không gì bằng sắc dục. Sự ham muốn sắc dục mạnh hơn mọi thứ khác. Chỉ có một sắc dục như vậy, nếu có cái thứ hai giống như sắc dục thì người trong thiên hạ không có ai có thể tu tập theo Đạo.

II. Đại Ý

Đức Phật cảnh giác rằng trong các dục (5 dục), sắc dục là mạnh hơn hết.

III. Giảng Nghĩa

Chương 22 nói về sự nguy hiểm của Dục, chú trọng sắc đẹp và tiền tài. Chương 23 cụ thể hơn, sắc dục nguy hiểm ấy là vợ con và tiền tài, qua chương 24, một lần nữa nói lên sự nguy hiểm của các dục, nhưng chương này đề cập nặng một mình sắc dục. Sắc dục được coi là có sự hấp dẫn mạnh nhất so với các đối tượng ham muốn khác, đến nỗi phải nhấn mạnh rằng nếu có đối tượng ham muốn tương đương với sắc dục thì không ai tu hành được. Chương này rõ ràng nhấn mạnh vai trò chướng ngại pháp của sắc dục. Tương tự kinh Tăng Chi II (Phẩm Triền Cái) nói: "Này các tỳ kheo, ta không thấy một sắc nào lại khả ái như vậy, đẹp đẽ như vậy, mê ly như vậy, trói buộc như vậy, say sưa như vậy, chướng ngại cho sự tu tập như vậy, này các tỳ kheo, đó là sắc đẹp của nữ nhân. Và này các Tỳ kheo, người nào ái nhiễm, tham luyến, say đắm sắc đẹp nữ nhân, chúng sẽ sầu ưu lâu dài, vì bị rơi vào uy lực của nữ sắc". "Nữ nhân khi đang đi, khi đứng, khi ngồi, khi nằm, khi cười, khi nói, khi hát, khi khóc, khi bất tỉnh, khi chết đều có thể chinh phục tâm của người đàn ông". "Này các Tỳ kheo, nếu có ai nói rằng: "Nữ nhân là bẫy mồi toàn diện của Mara", thì người ấy đã phát biểu một cách chân chánh về nữ nhân".

Điều ta cần chú ý là qua các lời nhấn mạnh cảnh giác, chỉ trích nữ nhân, không phải Đức Phật coi thường nữ nhân mà chỉ nói lên sự hấp dẫn giới tính làm chướng ngại đạo Pháp. Đối với các Tỳ kheo Ni, thì nam nhân là nguy hiểm, là "bẫy mồi toàn diện của Mara".

Thực vậy, sự thèm muốn nữ sắc có sức mạnh đến nỗi vượt qua vòng lễ giáo, mọi chướng ngại, có những trường hợp loạn luân, hay cưỡng bức dâm, những ranh giới giữa cha con, thầy trò, vua tôi ... rất mong manh, kẻ trí người ngu đều một đường. Người xưa nói: "Anh hùng bất quá mỹ nhân quan", quả thật là đúng như vậy.

IV. Nhận Xét Và Kết Luận

1) Chương này cũng nhấn mạnh về sự nguy hiểm của các dục, nhưng chú trọng về sắc dục.

2) Sắc dục oai lực rất mạnh, đến nỗi nếu có một đối tượng của dục nào mạnh bằng sắc dục thì không ai có thể hành đạo được.

3) Nói lên sự nguy hiểm của nữ sắc, là nói lên khía cạnh hấp dẫn của giới tính là chướng ngại sự tu tập của người Sa môn , chứ không phải khinh khi phụ nữ.

Chương 25

I. Chánh Văn

Đức Phật dạy: "Người đam mê ái dục giống như người cầm đuốc đi ngược gió, chắc chắn sẽ bị tai họa cháy tay".

II.Đại Ý

Đức Phật nhấn mạnh cái nguy hiểm của người đam mê ái dục.

III. Giảng Nghĩa

Chương 24 nói về sức mạnh của sắc dục, chương này lại nhấn mạnh sự nguy hiểm của ái dục, càng đam mê càng tự hại cho mình, thí dụ người cầm đuốc đi ngược gió gần giống với một trong 10 ví dụ về dục trong kinh Trung A Hàm, dục được ví như bó đuốc cỏ khô (đã trình bày ở chương 22). Người cầm bó đuốc bằng cỏ khô lửa sẽ cháy xuống tay. Ở đây, người cầm đuốc đi ngược gió cũng bị nạn cháy tay, cả hai ví dụ đều hay, đều có chung một hình ảnh.

Những chương kinh tập trung nói về cái hại của ái dục, mục đích cho người xuất gia nhận thức rõ rệt để mà tránh. Lý thuyết về đoạn trừ ái dục có thể đem đến sự khó chịu cho nhiều người, biết vậy Đức Phật vẫn cứ đề cập một cách mạnh mẽ, vì lòng thương đối với đệ tử, với chúng sanh. Trong kinh Đức Phật dạy rằng: "Như một đứa trẻ bị hòn bi vào miệng, thì điều quan trọng là phải cấp tốc móc họng lấy ra, dù cho bị đau và chảy máu (nếu không đứa trẻ sẽ chết). Cũng vậy, dù nói đến vấn đề đoạn trừ ái dục làm khó chịu một số người, nhưng đó là điều cần thiết cho cuộc sống tu hành.

IV. Nhận Xét Và Kết Luận

1) Chương này cũng vẫn nhấn mạnh sự nguy hiểm của ái dục. Ở đây chỉ cho sắc dục.

2) Hình ảnh người cầm đuốc đi ngược gió tương đương với ví dụ người cầm đuốc bằng cỏ khô trong Trung A Hàm đều diễn tả nạn cháy tay.

3) Nói về sự nguy hiểm của dục và phải đoạn trừ chúng, sẽ làm cho một số người khó chịu, nhưng Đức Phật vẫn nói vì cần thiết cho sự tu tập giải thoát.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]