Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Học thuyết

15/03/201108:20(Xem: 7182)
Học thuyết

CÁC TÔNG PHÁI ĐẠO PHẬT
Đoàn Trung Còn - Nguyễn Minh Tiến biên soạn

LUẬT TÔNG

HỌC THUYẾT

Luật tông ngay từ thời đức Phật tuy không hề được xem là một bộ phái riêng biệt, nhưng rất được chú trọng. Một trong những lời di huấn của Phật trước khi nhập Niết-bàn là dặn dò chư tỳ-kheo nhất thiết phải lấy giới luật làm thầy. Học thuyết của Luật tông về sau phát triển quan điểm ấy, cho rằng người ta trước hết phải chuyên giữ giới luật cho thật nghiêm mật, thì mới có thể nhờ đó mà đạt được sự an định thân tâm. Từ chỗ an định thân tâm, mới phát sinh trí huệ.[30]

Đạo Phật được bảo tồn lâu dài là nhờ giới luật. Hàng tăng ni xuất gia được tôn trọng sùng bái là nhờ các vị nghiêm giữ giới luật. Thậm chí cư sĩ mà giữ trọn được 5 giới của mình cũng chính là nguồn gốc của sự an vui, thanh thản. Từ xưa đến nay, tất cả các tông phái khác nhau, dù không phải là Luật tông nhưng hết thảy cũng đều xem trọng giới luật.

Trong lễ bố-tát, tức là nghi thức tụng giới mỗi tháng hai lần, có đoạn mở đầu nói rõ ý nghĩa quan trọng của việc giữ giới như sau:

Như người bị què chân,
Không thể đi đứng được.
Cũng vậy, người phạm giới,
Không sanh cõi trời, người.[31]
Người muốn sanh cõi trời,
Hoặc trong chốn nhân gian,
Phải thường giữ giới luật,
Không để cho hủy phạm.
Như xe vào đường hiểm,
Bị mất chốt, gãy trục.
Người phạm giới cũng vậy,
Giờ sắp chết lo sợ.[32]
Như người tự soi gương,
Đẹp, xấu sinh ưa, chán.[33]
Nghe thuyết giới cũng vậy,
Không hủy phạm, vui mừng.[34]
Như đôi bên giao chiến,
Mạnh tiến, yếu phải lùi.
Nghe thuyết giới cũng vậy,
Trong sạch được an ổn.[35]

Phần lớn kinh điển Phật giáo đều được phân chia thành một trong hai khuynh hướng, Đại thừa hoặc Tiểu thừa. Riêng đối với những phần thuộc về giới luật thì cả hai khuynh hướng Đại thừa và Tiểu thừa đều tin nhận và vâng theo không hề có sự phân biệt, chia tách. Người ta chỉ thấy có sự khác biệt về quan điểm, về phương thức hành trì giới luật, chứ không thấy có những phần giới luật riêng biệt cho Đại thừa hoặc Tiểu thừa.

Tuy nhiên, trong nội dung giới luật có sự phân chia thích hợp cho các mức độ tu tập khác nhau. Như đối với cư sĩ tại gia có 5 giới, hoặc có thể tùy ý phát nguyện thọ Bát quan trai gồm 8 giới; đối với sa-di hoặc sa-di ni cũng có sự khác biệt về giới luật, và đơn giản hơn nhiều so với phần giới luật của các vị tỳ-kheo; và giới luật của tỳ-kheo ni lại còn nghiêm ngặt hơn nữa...

Khác với các phần trong giáo pháp như tạng Kinh, tạng Luật, vốn được truyền bá rộng rãi không giới hạn, phần giới luật được truyền dạy với sự chọn lựa chỉ dành cho các đối tượng thích hợp. Và hơn thế nữa, người muốn thọ giới phải được sự truyền dạy chính thức của các vị thầy có đủ đức độ, phẩm hạnh, và phải được truyền giới thông qua một nghi lễ nghiêm trang tổ chức tại giới đàn.

Tuy rằng giới luật giữ một vai trò rất quan trọng trong Phật giáo, như Luật tông với tư cách là một tông phái độc lập lại không tạo được ảnh hưởng lớn lắm, và cũng không tồn tại lâu. Điều này xét cho cùng cũng có thể hiểu được, bởi vì giới luật tuy là một phần quan trọng, nhưng không thể xem là một học thuyết hay giáo lý duy nhất để giúp người tu tập đạt đến sự giải thoát. Người ta cần có những phương thức tu tập cụ thể để thực hành song song với việc giữ giới thì mới có thể đạt được kết quả mong muốn trong sự tu tập.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]