Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 26: Hội đoàn thần trí

10/02/201115:17(Xem: 9151)
Chương 26: Hội đoàn thần trí

Tủ Sách Đạo Phật Ngày Nay
GIỚI THIỆU ĐẠO PHẬT
Peter Harvey - Mỹ Thanh dịch - Nhà Xuất Bản Hải Phòng 2008

Chương 26
HỘI ĐOÀN THẦN TRÍ:

CÂY CẦU GIỮA ĐÔNG VÀ TÂY

Nhóm tổ chức đầu tiên ở phương Tây là Hội Đoàn Thần Trí (Theosophical Society) được thành lập ở Nữu Ước năm 1875 ( xem tr. 290) tán thành việc chấp nhận những thực tập, và niềm tin tôn giáo Ấn Độ. Từ nơi đây phong trào Mỹ hướng về tâm linh phát triển, và trộn lẫn với chủ nghĩa huyền bí Platon mới, và những yếu tố khác của truyền thống bí truyền phương Tây, những ý tưởng Ấn và Phật giáo, và một lối giải thích về tôn giáo của “sự tiến hóa”. Đây thấy rằng những cá nhân tiến hóa dần về mặt tâm linh sau nhiều kiếp sống, qua những chu kỳ của vũ trụ, tùy theo “nghiệp” và sự hiểu biết của họ. Tuy vậy, nơi đây không chấp nhận việc một con người có thể tái sinh làm súc vật. Thực tại tối hậu được thấy nhiều hơn ở những từ ngữ của Ấn giáo hơn là của Phật giáo: tất cả mọi chúng sinh đều được xem là có một cái ngã (atman) bên trong, là một phần của cái ngã chung hoặc Phạm Thiên (Brahman).

Người cùng sáng lập hội nầy là bà Blavatsky, một người lập dị, có sức lôi cuốn, đã từng du lịch rất nhiều nơi. Bà có lẽ đã đến một địa điểm có văn hóa Phật giáo Tây Tạng dưới thời Nga đang nắm quyền hành, và sau đó đã giới thiệu hình ảnh Tây Tạng đến với Mỹ và Âu châu như một đất nước huyền bí và kỳ diệu. Bà tuyên bố rằng các sách của bà, như quyển Học Thuyết Bí Mật (The Secret Doctrine) (1888) được nghe thấy một cách sáng suốt, do những hội viên của hội ái hữu (Brotherhood) thuộc về “những vị Thầy” tâm linh sống ở Tây Tạng, đọc ra. Họ đã “chọn” bà để truyền dạy một tôn giáo cổ xưa- Thuyết Thần Trí, hoặc “Trí Tuệ Siêu Phàm”- mà đây là tinh chất nội tại và là căn bản của tất cả các tôn giáo được biết đến. Jesus và Đức Phật cũng đã từng là những “Vị Thầy” quá khứ của truyền thống bí truyền. Sức mạnh của Olcott nằm ở khả năng tổ chức, dù là ông ước muốn đi đến Ấn Độ nơi mà ông cho là “đất thánh”: một trong những người hành hương đầu tiên trong những năm sau đó.

Hội đoàn Thần trí (Theosophical Society) thành lập những chi nhánh ở Mỹ, Anh, Ấn Độ và Tích Lan. Ở phương tây, nó hấp dẫn những người thấy mô hình tập quán xã hội là ức chế, thí dụ, những người thông minh, có óc sáng tạo với ít học vấn, hoặc các phụ nữ giận dữ vì địa vị xã hội của mình.

Từ năm 1907, khi Olcott qua đời, người chủ tọa là bà Annie Besant (1847-1933), một phụ nữ người Anh đã từng là nhà xã hội và là người vô thần. Ảnh hưởng của hội đoàn lên rất cao vào năm 1920, khi hội chuẩn bị cho một người Ấn, Jiddu Krishnamurti (1895-1986), như là một cỗ xe của nhân vật cứu tinh, được coi là sự trở lại của Đấng Christ và Đức Phật Maitreya. Vào năm 1929, Krishnamurti công khai từ chối vai trò nầy, và sau đó ảnh hưởng của hội xuống dốc. Tuy nhiên, hội đoàn đã thành công trong việc giới thiệu một số khái niệm quan trọng của Phật giáo và Ấn giáo đến cho những người không quen với các bài viết uyên thâm.

Sự nhập cư, chiến tranh nước ngoài và du lịch

Vào những năm 1860 và 1870, trăm ngàn người nhập cư Trung Hoa đến bờ biển miền Tây của Mỹ và Canada, làm việc trong những mỏ vàng và đường rầy xe lửa. Sau năm 1882, đến phiên những người lao động Nhật nhập cư. Từ năm 1868, con số nhập cư đáng kể của Nhật Bản và Trung Hoa đến làm việc trong những đồn điền ở Hạ Uy Di, một địa phận nối vào Mỹ quốc năm 1898. Sự nhập cư của dân Á châu vào tiểu bang California bị đình chỉ vào năm 1902, nhưng vẫn tiếp tục ở Hạ Uy Di, và như thế Hạ Uy Di trở nên một trung tâm quan trọng cho việc truyền giao Phật giáo đến Mỹ quốc. Sự nhập cư của người Nhật vào Brazil bắt đầu vào năm 1909.

Tôn giáo của người Trung Hoa nằm ở mức độ thấp ở miền bắc Mỹ, dù việc truyền giáo của Tịnh độ tông vẫn hoạt động tích cực ở vài phương diện trong cộng đồng người Trung Hoa. Ngày nay, phần lớn các chùa bị giấu kín trong những Phố Tàu ở những thành phố lớn. Phần đông họ theo truyền thống tôn giáo hỗ lốn dân gian, dù vài người trong họ phần lớn là người theo Phật giáo và/ hoặc Lão giáo. Từ năm 1950, các chùa “dân gian” bị xuống dốc, vì những hội viên già và chết đi. Có một sự lớn mạnh dần nơi những người không theo thuyết hỗ lốn, dù vậy phần lớn theo truyền thống Phật giáo T’ien-T’ai.

Những người nhập cư Nhật Bản rất tích cực trong các vấn đề tôn giáo, nhiều người đến từ một vùng mà nơi đó phái Jōdo-Shin rất là mạnh. Phái nầy tích cực trong việc gửi người đi truyền đạo.

Vào năm 1889, giáo sĩ Sōryū Kagaki đến Hạ Uy Di và thành lập ngôi chùa Nhật Bản đầu tiên ở đấy. Ông thuộc về giáo phái nhỏ của Hompa Hongwanji, trong một thời gian dài trở thành đơn vị Phật giáo lớn nhất ở Hạ Uy Di và Bắc Mỹ. Vào năm 1899, Sokei Sonada đến San Francisco và thành lập một giáo phái nhỏ ở lục địa như Hội truyền giáo Phật giáo Bắc Mỹ (North American Buddhist Mission). Trong thời Đệ Nhị Thế Chiến, hội nầy được tổ chức lại thành Nhà Thờ Phật giáo của Mỹ (Buddhist Churches of America), và trở nên độc lập, không lệ thuộc vào hội đồng chánh ở Nhật Bản.

Để giúp cho việc truyền thừa những truyền thống của hội, Hội Truyền Giáo và rồi Nhà Thờ tổ chức Hội Đoàn Thanh Thiếu Niên Phật tử (Young Men’s Buddhist Association) (1900), những lớp học ngày Chủ nhật, những hội đoàn phụ nữ Phật tử, và những chương trình học tập. Những hoạt động có ảnh hưởng Tây phương bắt đầu phát triển ở Nhật vào lúc nầy. Danh hiệu “Nhà Thờ” chỉ cho việc Tây phương hóa, và hoạt động tôn giáo theo kiểu làm lễ vào những ngày chủ nhật, sử dụng đàn organ và hát những bản thánh ca như “Đức Phật người yêu của tâm hồn tôi... ”

Sau chiến tranh, hai cơ sở lo về việc huấn luyện các giáo sĩ được thành lập. Một trong những hội viên của Nhà thờ là một phi hành gia đã tử nạn trong phi thuyền Challenger vào năm 1986, và năm 1987, Bộ Phòng Vệ Mỹ (US Defence Department) cho phép Nhà thờ đề xuất những giáo sĩ để hoạt động trong quân đội. Vào năm 1987, Nhà thờ tuyên bố có 170.000 hội viên, với sáu mươi sáu tăng lữ và sáu mươi ba ngôi chùa ở khắp Mỹ quốc. Phần đông các hội viên là dòng dõi Nhật Bản.

Ở Canada, vào năm 1985, các Nhà Thờ Phật giáo ở Canada có mười tám hội đoàn Nhà Thờ, và một con số hội viên vào khoảng 10.000. Ở Brazil, có khoảng 500.000 người gốc Nhật Bản. Những phái Phật giáo khác được tìm thấy trong những nhà thờ nầy gồm có: Zen, Jōdo-shin, Jōdo, Shingon, Tendai và Nichiren, và những Phật tử người Brazil, con số hội viên vào khoảng từ 100.000 đến 200.000, phần lớn là dòng dõi Nhật Bản.

Ở Úc vào năm 1882 với một nhóm người nhập cư nhỏ đến từ Tích Lan. Phật giáo cũng hiện hữu nơi những người Trung Hoa nhập cư. Tuy nhiên, Phật giáo không bắt đầu phát triển giữa những thành phần khác của dân số cho đến năm 1930.

Ở Phi châu, một tu viện Phật giáo được thành lập ở Tanzania vào năm 1927 do những người nhập cư lao động được đưa đến từ Tích Lan. Phật giáo vẫn hiện hữu, dù con số Phật tử dường như bị thu nhỏ lại. Những người nhập cư đến từ Tích Lan dường như cũng ủng hộ Hội đoàn Đại Bồ Đề (Mahā Bodhi Society) ở Ghana và Zaire, và một hội đoàn Phật tử ở Zambia, nơi mà dân số bản xứ bây giờ đang bắt đầu bày tỏ một niềm thích thú đối với Phật giáo.

Từ năm 1860 cho đến năm 1913, thành phần giai cấp thấp được đem từ Ấn Độ đến Nam Phi làm nhân công, phần đông là ở Natal. Vào những năm 1920 và 1930, sự kỳ thị gia tăng đưa đến việc một số người muốn được Tây phương hóa và cải đạo thành Thiên Chúa giáo, trong khi một số khác thì tìm tòi về nguồn gốc Ấn Độ của họ, và củng cố Ấn giáo. Vài người hướng đến Phật giáo, bị hấp dẫn bởi sự giải thoát khỏi hệ thống giai cấp và những mê tín, đạo đức xã hội, và sự nhấn mạnh về Phật tính từ bi có sẵn trong tất cả mọi người. Sự liên hệ với những người Phật tử ở miền Nam Ấn đưa đến việc thành lập Hội Đoàn Phật Tử (Buddhist Society) vào năm 1917. Tuy nhiên, hội không bao giờ là một hoạt động quần chúng, khuyết điểm là vì hội không có chùa và không có tăng sĩ; niềm yêu thích mới đây về Phật giáo giữa các người da trắng có thể hàn gắn được điều nầy.

Sau Đệ Nhị Thế Chiến, niềm yêu thích Phật giáo được phát triển nhờ những người lính Mỹ đã từng đi Nhật Bản, và ở chiến tranh Đại Hàn và Việt Nam, và do một số người trẻ tuổi đã du lịch trên những vùng đất “huyền bí” ở Ấn Độ và Nepal trong những năm sáu mươi và bảy mươi. Những dân tỵ nạn Tây Tạng gần đây cũng bắt đầu chia sẻ truyền thống của họ với dân chúng ở Bắc Mỹ và Âu châu.

Từ năm 1975, dân tỵ nạn từ Việt Nam, Lào, và Cam Bốt đã đến Mỹ, 94.000 ở Canada, 97.000 ở Pháp, 91.000 ở Úc, 22.000 ở Đức, và 19.000 ở Anh quốc. Người Việt Nam đã thành lập một số chùa ở phương Tây, và người Cam Bốt hiện nay cũng đang xây dựng những trung tâm Phật giáo và bắt đầu việc thọ giới cho các tăng sĩ. Ở Anh, một cộng đồng Phật tử Ambedkar Ấn Độ đã phát triển ở vùng Birmingham, con số hội viên vào khoảng 6.000 vào năm 1988. Một số đã cải đạo ở Anh quốc từ năm 1973.

HỘI TRUYỀN GIÁO VÀ TỔ CHỨC PHẬT GIÁO

Mỹ quốc

Một diễn đàn quan trọng cho việc truyền bá Phật giáo đến cho người Tây phương được thành lập, bằng cách triệu tập Quốc Hội Tôn Giáo Thế Giới (World Parliament of Religions), do những người Thiên Chúa giáo tự do tổ chức như là một phụ thuộc của Hội Chợ Thế Giới ở Chicago (Chicago World Fair) năm 1893. Ước muốn là khơi dậy những yếu tố chung của tất cả các tôn giáo, để nuôi dưỡng tình huynh đệ trong việc kính ngưỡng, phục vụ con người, và chống lại chủ nghĩa vật chất.

Vị đại biểu gây ấn tượng mạnh mẽ nhất là Swami Vivekānanda, một người Ấn giáo theo phái Vệ-đà (Vedāntic), nhưng Anagārika Dharmapāla cũng gây một ấn tượng thuận lợi. Ông và vị trụ trì Rinzai Zen, ông Sōen Dhaku đề xướng một phong trào ngắn đang lên về niềm yêu thích Phật giáo với những bài diễn văn ở Quốc Hội (Parliament). Giáo sư Paul Carus quyết định phát hành các tác phẩm Phật giáo, nhất là về Zen, qua Nhà xuất bản Open Court (Open Court Publishing Company) và chính ông sản xuất quyển Chân Lý của Đức Phật (Gospel of Buddha) (1894), một hợp tuyển phổ biến của những bài văn Phật giáo.

Năm 1896, Dharmāpala trở lại Mỹ quốc trong vòng một năm theo lời mời của Carus, du lịch rất nhiều và dạy về học thuyết Phật giáo , tâm lý học và thiền định. Ông trở lại Mỹ lần nữa vào năm 1902 - 1904. Carus cũng mời D.T. Suzuki (1870-1966), một học sinh cư sĩ của Sōen Shaku, đến làm việc trong nhà xuất bản của ông. Sau mười một năm làm việc, Suzuki trở lại Nhật Bản vào năm 1909, nhưng ông vẫn giữ liên hệ với phương Tây, xuất bản rất nhiều sách về Zen bằng tiếng Anh, từ những cuối năm hai mươi, và diễn thuyết ở đại học Columbia trong những năm năm mươi. Sōen Shaku trở lại Mỹ vào năm 1905 - 1906, theo lời mời của những người ủng hộ ở San Francisco. Học trò thân cận của ông là Nyogen Senzaki thành lập những nhóm Zen ở California từ những năm hai mươi đến năm năm mươi. Một người học trò khác là, Thượng tọa Sōkei-an, sáng lập ra Hội Phật giáo Mỹ quốc (Buddhist Society of America) ở Nữu Ước vào năm 1930. Sau nầy trở thành Học Viện Zen đầu tiên ở Mỹ. Zen trở thành dạng Phật giáo đầu tiên thật sự hấp dẫn những người da trắng, vì họ tìm thấy nơi Zen sự tùy nghi sử dụng, dễ dàng, mãnh liệt đầy nghị lực và thực dụng.

Ở Mỹ, sau thời kỳ chiến tranh, Zen tiếp tục phát triển trong những năm năm mươi, thời kỳ “Beat”, và phản văn hóa của những năm sáu mươi và bảy mươi, khi Phật giáo nói chung bắt đầu đi lên, phần lớn trong những dạng Phật giáo Zen và Tây Tạng. Trong khi Rinzai là dạng Zen đầu tiên được thành lập ở Mỹ, Sōtō cũng phổ biến ở Hạ-Uy-Di. Vào năm 1961, vị thầy của phái Sōtō là Shunryu Suzuki (1904-71) mở ra Trung tâm Zen ở San Francisco (San Francisco Zen Center) và năm 1967 thành lập tu viện Tassajara Moutain. Sōtō Zen cũng được vị thầy Jiyu Kennett giới thiệu, một phụ nữ người Anh sanh ra trong một gia đình Phật tử. Sau khi được thọ giới tỳ-kheo-ni (bhikṣuṇi) ở một Tăng đoàn Trung Hoa ở Mã Lai vào năm 1962, bà đến Nhật Bản và học tập ở Thiền viện Sōtō, người phụ nữ duy nhất lúc bấy giờ. Vào năm 1969, bà đến Mỹ và năm 1970 bà thành lập tu viện Shasta Abbey ở California, như là bộ trung ương của Hội đoàn Truyền giáo Zen (Zen Mission Society). Một tổng hợp của Rinzai và Sōtō được giảng dạy tại những tòa nhà, hình thành Trung Tâm Zen ở Los Angeles (Zen Center of Los Angeles) được thành lập vào năm 1956.

Bốn trường lớn của Phật giáo Tây Tạng đều có mặt ở Mỹ quốc, hấp dẫn một số đông người trẻ tuổi do sự tổng hợp về huyền bí, những biểu tượng, những thấu hiểu sâu sắc về lễ nghi và tâm lý. Chogyam Trungpa Rinpoche (1939-87) một Lạt-ma (BLama) phái bKa’brgyud thành lập một trung tâm hưng thịnh ở Boulder, Colorado vào năm 1971. Nơi đây trở nên một trung tâm của hội Vajradhātu, một mạng lưới gồm nhiều trung tâm thiền, những nhóm liên kết và một Viện Phật giáo (Buddhist Institute). Trungpa là một nhân vật có sức lôi cuốn với cách cư xử lắm kẻ ưa, nhiều người ghét, mà các bài giảng và bài viết của ông rất phổ biến như “Cắt đứt chủ nghĩa tâm linh vật chất” (Cutting Through Spiritual Materialism) (1973), giới thiệu về truyền thống Tây Tạng một cách hấp dẫn cho những người đang tìm đến “một sự trưởng thành về mặt tâm lý”. Một Lạt-ma (BLama) khác có sức lôi cuốn là Tarthang Tulku Rinpoche, một vị xưa là thầy trụ trì của trường phái rNying-ma, ông khuyến khích sự học tập, xuất bản các tác phẩm Phật giáo, và giúp đỡ những người Tây Tạng tỵ nạn ở Ấn Độ.

Trong truyền thống Trung Hoa, những nhóm Phật tử trở nên tích cực và đã hấp dẫn những người da trắng. Tam tạng kinh điển Thầy Hsuan Hua (Tripitaka Master Hsuan-Hua) đặc biệt có ảnh hưởng sâu rộng. Đến từ (Hương Cảng) Hong Kong vào năm 1962 theo lời mời của vài người học trò Mỹ gốc Hoa, ông thành lập Hội Đoàn Phật Tử Mỹ-Hoa (Sino-American Buddhist Association) ở San Francisco vào năm 1968. Danh tiếng của ông không bao lâu hấp dẫn những người đệ tử da trắng, gồm có hai phần ba hội viên SABA vào năm 1971. Vào khoảng năm 1977, trung ương của hội là “Vạn Phật Thành” (The City of 10 000 Buddhas), trước đó là một ngôi nhà thương với đất đai rộng lớn, ở miền Bắc California. Nơi đây có một trường Đại học Pháp Giới (Dharma Realm University), gồm có trường tiểu và trung học, và tăng đoàn với những phương tiện dễ dàng cho giới cư sĩ đến thực tập. Hội nhấn mạnh về giới luật (Vinaya) nghiêm khắc cho tăng và ni chúng, thiền định, và học tập những bài kinh Phật bằng tiếng Trung Hoa. Qua Hội đoàn dịch thuật Kinh sách Phật giáo (Buddhist Texts Translation Society), những bài kinh được chuyển ngữ, cùng với những lời chú giải của Hòa thượng Hsuan-Hua. Việc học tập gồm có Ch’an, Lu, T’ien-T’ai, Tịnh độ, và Chen-yen, khi thiền định thì là Ch’an hoặc tụng kinh Tịnh độ.

Vào năm 1973, hai vị tăng sĩ người Mỹ của tăng đoàn nầy làm một cuộc hành hương vừa đi vừa lạy, với 1.100 dậm xuyên nước Mỹ. Cuộc hành trình mười tháng nầy cầu nguyện cho thế giới hòa bình, và được diễn tả trong quyển sách Ba bước, Một lạy (Three Steps, One Bow).

gioithieudaophat-harvey-26-2
Vào năm 1960, phái Sōka-gakkai, như “Nichiren Shōshū Mỹ quốc” bắt đầu cổ động việc cải đạo một cách mạnh mẽ, đầu tiên là ở Los Angeles. Từ năm 1967, nhóm nầy đã hoạt động xa hơn cộng đồng Nhật-Mỹ, vì thế bây giờ có 95 phần trăm hội viên không phải là dân Á châu. Vào năm 1970, hội tuyên bố có 200.000 hội viên ở Mỹ, và vào khoảng năm 1974, hội có trên sáu mươi nhóm hoạt động ở các sân trường đại học. Nhiều nhóm hội viên thuộc thành phần dân Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, và da đen hơn là những nhóm Phật giáo khác, và những nhân vật nổi tiếng như ca sĩ nhạc Rock Tina Turner, và tài tử Patrick Duffy của loạt kịch “Dallas” uỷ mị trên truyền hình. Sự giản dị và năng lực sức mạnh của sự thực tập đã thu hút nhiều người đang tìm cách khắc phục sự thất vọng hoặc tính chất tiêu cực và để nâng cao sức sáng tạo của họ. Con số nầy đang tiếp tục gia tăng nhanh chóng từ năm 1970.

Truyền thống Phật giáo Nam tông vẫn còn mới mẻ ở Mỹ, tu viện (Vihāra) đầu tiên được những người Tích Lan thành lập vào năm 1966 ở Washington, DC. Từ đó đến nay, những tu viện khác được khai trương, và truyền thống Nam tông bắt đầu hưng thịnh. Những người Mỹ được thọ giới tăng sĩ và từ năm 1987, những ni sư giữ mười giới và các trung tâm thiền dạy Thiền quán (Insight Meditation) trở nên rất phổ biến.

Gần như tất cả dạng Phật giáo đều có những điều hổ lốn và chiết trung, và hiện nay tất cả đều hiện hữu ở Mỹ. Nhiều danh sách được ghi trong Niên Giám Phật giáo Quốc tế (International Buddhist Directory) chỉ dẫn trạng thái các hội năm 1984. Ngoài Hội Nhà thờ Phật giáo Mỹ quốc (Buddhist Churches of America) ra, những nhóm lớn nhất được trình bày ở Bảng 2. Ngoài những hội nầy, còn có hai trăm mười bốn hội đoàn hoặc nhóm Phật giáo, phần lớn có những liên hệ không rõ. Vào năm 1987, có bốn mươi lăm tổ chức Phật giáo khác nhau hình thành Quốc hội Phật giáo Mỹ (American Buddhist Congress), một đoàn thể quốc gia về sự cộng tác, học tập và truyền bá tín ngưỡng.

Việc dự đoán con số Phật tử Mỹ thay đổi rất lớn. Năm 1979, Prebish cho một con số vào khoảng 700.000, nhưng vào năm 1987, Quốc hội Phật giáo Mỹ (American Buddhist Congress), cho một con số từ ba đến năm triệu. Trong con số nầy, có thể có 400.000 đến từ Đông Dương, 170.000 thuộc về “Nhà Thờ Phật giáo”, và có thể là 300.000 của phái Nichiren Shōshū.

Cũng như trong những nước Tây phương khác, phần đông người ta tìm đến Phật giáo qua sự thực tập thiền định, với một ít hiểu biết sơ lược về Phật giáo. Sau đó, họ bị thu hút vào trong những truyền thống với những khái niệm rộng lớn hơn. Ở Á châu, việc thực tập lễ lạy và liên hệ với các tăng sĩ thường là điểm khởi đầu. Những đệ tử phần đông đến từ những trung tâm đô thị của bờ biển miền Tây và miền Đông, và Hạ-Uy-Di. Những Phật tử phi châu Á ở khoảng tuổi từ 21 đến 35, nam giới, độc thân, da trắng, trình độ đại học, và có những nguồn gốc Do Thái hay Thiên Chúa giáo. Họ cảm thấy mất gốc rễ trong một vài phạm vi nào đó, và tìm thấy nơi Phật giáo một con đường không truyền thống đi đến việc khám phá tự thân và sự lớn mạnh về mặt tâm linh. Một cách gia tăng, các thầy Á châu truyền giao truyền thống quyền hành cho những đệ tử người da trắng, và như vậy có khoảng năm mươi vị thầy như thế nầy vào những năm 1980.
Canada

Ở Canada, sự phát triển Phật giáo cũng giống như ở Mỹ. Con số gia tăng bốn lần trong những năm bảy mươi, với khoảng 50.000 Phật tử hiện hữu trong nước vào năm 1985. Ngoài những nhà thờ của truyền thống Jōdo-shin, tu viện hoặc chùa được thành lập với vô số truyền thống khác nhau: Việt Nam (8), Trung Hoa (4), Đại Hàn (3), Phật giáo Nam tông (1), Tây Tạng (1) và Zen (1). Cũng có những trung tâm theo truyền thống Tây Tạng (22) và Zen (8), và sáu hội đoàn Phật giáo Nam tông. Vào năm 1981, Hội đồng Phật giáo nhiều giáo phái ở Canada (Multi-denominational Buddhist Council of Canada) được thành lập.

Anh quốc

Giáo sĩ Phật giáo đầu tiên đến Anh quốc là Dharmapāla, viếng thăm ở đây trong vòng năm tháng vào năm 1893, và rồi năm 1896 và 1904. Trong những dịp nầy, ông Dharmapāla có liên lạc với T. W. Rhys Davids, Edwin Arnold và những người theo thuyết thần trí. Vị tăng thứ hai người Anh là Allan Bennett (1872-1923) (người đầu tiên ở lại Đông Nam Á), được hứng khởi bởi quyển sách Ánh sáng Á châu (Light of Asia) và dường như bị ảnh hưởng của thuyết thần trí. Vào năm 1902, ông đến Miến Điện, được thọ giới với pháp danh Ānanda Metteyya, và thành lập hội truyền giáo (1903). Vào năm 1907, Hội Phật giáo Anh và Ý Nhĩ Lan (Buddhist Society of Great Britain and Ireland) được thành lập, cùng với T. W. Rhys Davids làm chủ tọa, để nhận nhiệm vụ, và năm 1908 Ānanda Metteyya và ba tăng sĩ người Miến Điện đến Anh quốc.

Hội đoàn thích thú với lối giải thích hiện đại của Phật giáo Nam tông, về mặt đạo đức cũng như khái niệm về thế giới. Đầu tiên, sự phát triển rất chậm chạp, nhưng từ năm 1909 đến năm 1922, Tạp chí Phật giáo (Buddhist Review) được xuất bản. Đệ Nhất Thế Chiến làm ngưng trệ sự phát triển, và sau đó Hội tranh đấu để vươn lên cho đến khi sụp đổ hoàn toàn vào năm 1924. Tuy nhiên, trong năm nầy, luật sư Christmas Humphreys (1901-83) thành lập Chi nhánh Phật giáo của Hội đoàn Thần trí (Buddhist Lodge of the Theosophical Society), thấm nhuần những tàn dư của hội đoàn trước đó năm 1926. Vào năm 1943, chi nhánh trở nên Hội đoàn Phật giáo (Buddhist Society), và tờ báo của hội Phật giáo Anh quốc (Buddhism in England) trở thành tờ Trung đạo (The Middle Way) nay vẫn còn mạnh mẽ. Dưới sự lãnh đạo của Humpheys, sự yêu thích hướng về Zen và thực tập thiền định. Đối với số đông, quyển sách bìa mềm Phật giáo (Buddhism) của ông (1951 và vẫn còn được xuất bản) là quyển sách đầu tiên về Phật giáo, dù sự giải thích có thái độ thiên kiến bởi những ý tưởng của thuyết thần trí về “Một” và “Ngã”.

Dharmapāla viếng thăm Anh quốc từ năm 1925 đến 1927, thành lập một chi nhánh của Hội Đại Bồ đề (Mahā Bodhi Society) (1926), và thiết lập một tu viện cho tăng sĩ người Tích Lan (1928), hiện hữu cho đến năm 1939. Năm 1928 cũng là năm vị thầy cải cách, Thượng tọa T’ai-shu (1899-1947), thăm viếng Anh quốc, trong khi vào năm 1936, D.T. Suzuki đến Quốc hội Thế giới về Tín ngưỡng (World Congress of Faiths) ở Luân Đôn, và diễn thuyết về Zen và văn hóa Nhật Bản ở các thành phố Anh quốc.

Sau Đệ Nhị Thế Chiến, một tu viện Tích Lan được thành lập ở Luân Đôn năm 1954, và một tu viện Thái năm 1966. Từ những năm bảy mươi, Phật giáo bắt đầu cắm rễ chắc chắn, qua sự tận tâm về việc thực hành những thực tập Phật giáo phổ biến, ngược lại với sự yêu thích còn nằm trong vòng tri thức, và nhờ vào sự phát triển về phương diện xã hội, sự thành lập Tăng đoàn với dân bản xứ và vô số trung tâm Phật giáo. Những truyền thống mạnh nhất là Phật giáo Nam tông, Tây Tạng, Zen và một nhóm tổng hợp được gọi là Thân hữu của Hội đoàn Phật giáo Tây phương (Friends of Western Buddhist Order). Vào năm 1987, Niên giám Phật giáo (Buddhist Directory) cho Anh quốc chỉ định sự hiện hữu của một số dạng Phật giáo. Trong những dạng nầy, những dạng lớn nhất được trình bày trong Bảng 3.

gioithieudaophat-harvey-26
Phần đông những dạng Phật giáo nầy ở Anh quốc, chúng phát triển một cách gia tăng ở Wales, Scotland, và mới đây ở bắc Ý nhĩ lan Hội đoàn Phật giáo (Buddhist Society), ngụ ở Luân Đôn, hoạt động như một diễn đàn nhất là qua những trang sách Trung đạo (The Middle Way). Đây có những lớp về các truyền thống Phật giáo Nam tông, Tây Tạng và Zen, và hàng năm có lớp hè. Những người yêu thích Phật giáo và những hội viên của những tương tác nầy thường được biết về nhiều truyền thống khác nhau: có thể là nhiều hơn ở Á châu, vì lý do địa lý ngăn cách. Ngoài những điểm nói trên, còn có một tổ chức nhà nguyện Phật giáo cho tù nhân , một dự định nhà tế bần Phật giáo, một nhóm Phật giáo về quyền lợi súc vật, Thân hữu hòa bình Phật giáo (Buddhist Peace Fellowship) (lo về hòa bình, môi trường sinh thái, và nhân quyền của Phật tử ở hải ngoại), một “Hội đoàn Phật giáo, Tâm lý và Tâm thần học” (Buddhism, Psychology and Psychiatry Group), và một Hội Khoa Học Phật giáo. Tất cả những hội đoàn nầy được thành lập vào năm 1980. Sự phát triển của các tu viện Phật giáo và trung tâm Thiền kích thích sự hồi sinh của thiền Thiên Chúa giáo, và đôi lúc các giáo sĩ Thiên Chúa giáo nam và nữ học tập những kỹ thuật thiền của Phật giáo. Ngoài các Phật tử Á châu, còn có khoảng 10.000 và 100.000 Phật tử ở Anh quốc.

Đây là vài yếu tố quan trọng hơn nơi Phật giáo ở Anh quốc. Vào năm 1954, William Purfhust du lịch đến Thái Lan và được thọ giới với pháp danh Thượng tọa Kapilavaddho. Vào năm 1956, ông trở lại Anh quốc và thành lập Tín nhiệm Tăng đoàn Anh (English Sangha Trust), mục đích của ông là thành lập tăng đoàn với người dân bản xứ theo truyền thống Phật giáo Nam tông. Vào năm 1957, ông hoàn tục vì lý do sức khỏe, nhưng học trò của ông Thượng tọa Paññavaddho tiếp tục việc hướng dẫn thiền Vipassānā. Tuy nhiên, không được thành công lắm trong việc thu nhận đệ tử hoặc những tăng sĩ mới. Vào năm 1962, một tăng sĩ Canada thực tập theo truyền thống Thái, ông Ānanda Bodhi, thành lập tu viện Phật giáo Hampstead (Hampstead Buddhist Vihāra), dưới sự bảo hộ của Tín nhiệm Tăng đoàn Anh (English Sangha Trust). Hai năm sau, theo lời mời, vị thầy người Thái của ông viếng Anh quốc, và thành lập một tu viện Thái ở Luân Đôn, được khai trương vào năm 1966. Vào năm 1967, Ānanda Bodhi tiếp tục thành lập Trung Tâm Thiền Johnstone (Johnstone House Meditation Centre) ở Dumfriesshire, Scotland, nhưng ông Kapilavaddho thọ giới lại và trở lại giữ một chức vụ ở tu viện Hampstead. Vào năm 1969, có bốn tăng sĩ cư trú ở tu viện, và thường có các lớp dạy thiền. Tuy nhiên, vào năm 1970, Kapilavaddho lại hoàn tục vì lý do sức khỏe, và mất vào năm 1971. Những vị tăng khác cũng hoàn tục, phần lớn là vì không muốn bị lầm lẫn với một số nhân vật thầy (Guru) vận áo tu sĩ mang tiếng bất hảo, đang có mặt nhan nhãn ở Anh quốc. Tuy vậy, họ vẫn tiếp tục với những hoạt động Phật giáo, và việc nầy đưa đến sự thành lập hai trung tâm thiền Vipassanā.

Vào năm 1977, vị thiền sư nổi tiếng người Thái, Thầy Ajahn Chaa thăm viếng thiền viện Hampstead, theo lời mời của Tín nhiệm Tăng đoàn Anh (English Sangha Trust). Người học trò Tây phương của ông, tăng sĩ người Mỹ Ajahn Sudmedho, ở lại và tổ chức việc thành lập một tăng đoàn với những tăng sĩ Tây phương, được huấn luyện theo truyền thống sống trong rừng của Thái Lan. Không bao lâu, tăng đoàn nầy dời đến một địa điểm thôn dã phát triển, từ một căn nhà thị xã vô chủ ở Sussex, với một khu rừng khoảng 108 mẫu. Chi nhánh của các tu viện sau đó được khai trương ở Northumberland (1981) và ở Devon (1984). Vào năm 1985, Trung tâm Phật giáo Amaravati được khai trương gần Hemel Hempstead, trong những tòa nhà bằng gỗ, mà trước đây là một nơi cắm trại của trường học. Đây là tu viện lớn nhất trong nhóm, và là trung tâm của các hoạt động giới cư sĩ.

Vào đầu năm 1988, tăng đoàn nầy có sáu mươi ba hội viên, gồm các vị tăng và ni giữ mười giới, và những khất sĩ (anagārika và anagārikā). Một số các vị tăng lớn tuổi được huấn luyện ở Thái Lan, đến miền Bắc Mỹ, nhưng cũng có những người từ bảy nước châu Âu, và một số đông đến từ Anh quốc. Người lãnh đạo là ngài Ajahn Sumedho. Họ sống một đời sống giản dị, nhấn mạnh về Bộ Luật (Vināya), thiền định, và không bám víu vào những sinh hoạt hằng ngày. Đối với giới cư sĩ, họ có những buổi giới thiệu về thiền trong vòng mười ngày hoặc cuối tuần, nhấn mạnh về thực tập thiền Vipassanā, và có những liên hệ thường xuyên về những bài giảng trong nhóm trên toàn quốc. Các vị tăng cao niên du lịch đến những tu viện vừa được thành lập ở Úc và New Zealand, và những nhóm ở Nam Phi và Thuỵ Sĩ.

Một hội đoàn do nhóm cư sĩ lãnh đạo theo truyền thống Nam tông là Samatha Trust. Hội được thành lập vào năm 1973 do những học trò của vị thiền sư người Thái, Nai Boonman, có những liên hệ với tu viện Hampstead. Tu viện nầy chuyên môn dạy về cách thở - dựa vào thiền Samatha, với những lớp học ở mười tỉnh và thành phố, một trung tâm thiền ở Manchester, và một trung tâm thiền toàn quốc ở vùng quê Wales. Ngoài việc thiền định, những hoạt động gồm có tụng kinh bằng tiếng Pali và những lớp dạy về kinh điển (Sutas) và Vi Diệu Pháp (Abhidhamma).

Một hội đoàn cư sĩ khác theo truyền thống Nam tông là Trung tâm Thiền Quốc Tế ở Heddington, Wiltshire. Hội nầy được thành lập vào năm 1979 để cung cấp một địa điểm dạy thiền Vipassanā, và thực hành lời dạy và theo gương của Sayagyi U Ba Khin, người sáng lập Trung tâm Thiền Quốc Tế ở Rangoon, Miến Điện. Thường là những lớp học mười ngày do các học trò thân cận nhất của Sayagyi U Ba Khin, thầy Sayama và Saya U Chit Tin, hoặc những người phụ tá của họ, trong việc thực tập về mặt đạo đức, thiền định và trí tuệ, với mục đích đạt được an lạc nơi Niết Bàn. Mỗi lớp bắt đầu với bốn nghi thức, đọc tụng bằng tiếng Pali bởi các người tham dự: chấp nhận quy y tam bảo và nhận năm hoặc sáu giới, quy y với Phật, và học hỏi Pháp với một lời thỉnh cầu đúng luật lệ. Bốn ngày đầu tiên dành cho sự thực tập về chánh niệm với hơi thở để phát triển sự Thanh tịnh, và đây được sử dụng như là một căn bản cho việc phát triển Trí tuệ (Insight wisdom) qua thiền Vipassanā. Các nhóm khác có chiều hướng Nam tông có những lớp thiền Vipassanā được cắt xén cho phù hợp với những bổ sung lễ nghi.

Tất cả bốn trường của truyền thống Tây Tạng được thành lập, với trường bKa’brgyud và dGe-lugs là mạnh nhất. Vào năm 1967, Ānanda Bodhi cho mời Chogyam Trungpa và một vị Lạt-ma khác dạy ở Viện Johnstone. Nơi đây đưa đến sự thay đổi hình thái của tu viện Samya-ling và Trung tâm Tây Tạng. Đây hoạt động như một nơi ẩn cư yên tịnh cho những người có niềm tin tôn giáo khác nhau, và để truyền trao không những sự thực tập, bài giảng Phật giáo, mà còn truyền trao về nghệ thuật, sự tinh xảo, nghề thủ công của Tây Tạng. Các phân xưởng và các trường nghệ thuật Tây Tạng cũng được sử dụng trong việc xây dựng một chùa, viện mới để gây ấn tượng. Cũng có những sơ đồ chương trình cho một trường đại học nhỏ. Khoảng một trăm người sống trong cộng đồng nầy, được ngài Akong Rinpoche lãnh đạo, một vị Lạt-ma có gia đình. Phần đông những người ở đây là những cư sĩ, nhưng rất ít người được thọ giới. Trung tâm có những liên hệ với những trung tâm khác ở Anh quốc và ngoại quốc. Trung tâm chánh dGe-lugs có Viện Manjushri, tọa lạc ở góc English Lake District. Viện được học trò của ngài Thubten Yeshe Rinpoche thành lập, người đã thành lập một trung tâm cho người Âu châu ở Nepal vào năm 1969. Hoạt động chánh của viện là một trường đại học cho việc học tập và gìn giữ truyền thống dGe-lugs. Ngoài một số ít Lạt-ma Tây Tạng và một số tăng ni người Âu, có năm mươi cư sĩ hoặc hơn sống ở viện nầy. Viện cũng sinh ra nhà xuất bản Wisdom Publications, một nhà in Phật giáo đang lớn mạnh một cách nhanh chóng. Cũng có những trung tâm Phật giáo Tây Tạng nhỏ lớn được thành lập ở Anh quốc.

Trong khi Rinzai Zen là một hội đoàn Phật giáo rất mạnh, một trung tâm chánh Sōtō ở Throssel Hole Priority, ở Northumberland. Trung tâm được thành lập vào năm 1972, như là một chi nhánh của viện Shasta Abbey, ở California. Trung tâm hoạt động như một tu viện thực tập cho các tăng ni người Âu (gọi chung là Tăng vì những lý do bình quyền), và một trung tâm “ẩn dật” cho việc tập trung thiền định: dĩ nhiên không phải là một sự “rút lui” từ bỏ cuộc sống, nhưng là một cơ hội để đối diện và để hiểu về cuộc sống. Các tăng sĩ và cư sĩ sống ở tu viện Throssel Hole, và những người du khách sống ở đây thực tập kỷ luật, sự ngăn nắp, thiền định và làm công tác một cách hăng say. Các tăng sĩ thăm viếng những nhóm khác, chủ lễ cho tiệc cưới và đám tang, và thọ giới cho những cư sĩ Phật tử. Họ cũng điều khiển chương trình giảng dạy giáo lý cho giới cư sĩ.

Hội đoàn Thân hữu Phật giáo Tây phương (Friends of the Western Buddhist Order) rất Tây phương là một hoạt động cư sĩ phần đông chịu ảnh hưởng của Đại thừa. Hội được Thượng tọa Sangharakshita thành lập vào năm 1967, một tăng sĩ người Anh có kinh nghiệm về truyền thống Nam tông, Bắc tông và Đông phương. Ông là một tăng sĩ trong vòng mười bảy năm sống ở Ấn Độ, mười năm hoạt động với những người Phật tử Ambedkar. Hoạt động gồm có một mạng lưới của bốn hội đoàn: những trung tâm thành thị, những lớp học thiền, “nơi ẩn dật”, và diễn thuyết cho quần chúng; những hội đoàn lân cận; những người làm việc chung, với các hội viên hoạt động trên căn bản đội ngũ, nhấn mạnh về cuộc sống đạo đức, để giúp cho sự phát triển cá nhân, cũng như các cộng đồng có những hội viên đang sinh sống, thường thì có một “túi tiền chung”. Hoạt động lan truyền từ Anh quốc đến hết Âu châu, New Zealand, Úc, và Mỹ, Ấn Độ, nơi mà hoạt động học tập, y tế và tâm linh giữa những người Phật tử Ambedkar.

Trường Nichiren Shōshū (Sōka-gakkai) vào Anh quốc vào năm 1980; vào cuối năm 1986 trường tuyên bố có 3.000 hội viên và đang lớn mạnh dần. Ngoài những trụ sở trung ương toàn quốc, chỉ có một tên được nhắc đến trong quyển Niên giám Phật giáo, hội có năm trung tâm địa phương và trên một trăm nhóm nhỏ, gặp gỡ nhau tại nhà. Những thành viên gồm có một số người nổi tiếng trên thế giới về nghệ thuật sáng tạo và những liên hệ với quần chúng.

Các tăng và ni của Hội đoàn Nipponzan Myōhōji (Nipponzan Myōhōji Order), một giáo phái nhỏ của Nichiren chuyên môn về hòa bình trên thế giới, và rất là tích cực. Một vài tăng sĩ của hội lần đầu đến trong những năm cuối bảy mươi và trở nên những vị tiên phong cho chiến dịch hủy bỏ vũ khí nguyên tử. Sau

đó họ tiến đến thành lập những ngôi “Chùa Tháp Hòa Bình” (Peace Pagodas).
Trên sáu mươi ngôi chùa đã được xây dựng ở Nhật Bản, gồm có những ngôi chùa tháp ở Hiroshima và Nagasaki, hai ngôi chùa ở Ấn Độ, và một ở Tích Lan. Vào năm 1980 họ khai trương ngôi chùa tháp được dâng cúng đầu tiên/ Tháp ở Tây phương, tọa lạc ở Milton Keynes. Có những ngôi chùa ở Vienna (1983), Massachusetts (1985), và Luân Đôn (1985). Chùa tháp ở Luân Đôn trụ ở công viên Battersea, gần bên Thames. Tháp nầy cao ba mươi thước và chứa đựng những xá lợi từ Nepal, Miến Điện, Tích Lan và Nhật Bản. Không giống như kiến trúc ở Milton Keynes, tháp nầy trộn lẫn kiểu Ấn Độ cổ xưa với kiểu Nhật, dạng chánh của tháp nầy, phần lớn là theo kiểu Nhật (xem Frontispiece). Giáo phái nầy cũng hy vọng được xây chùa tháp ở Moscow, và đối diện với trụ sở Liên Hiệp Quốc ở Nữu Ước. Áo tràng trắng và vàng của tăng ni có thể đôi khi được nhìn thấy trên truyền hình, về những tin tức có liên quan đến vũ khí nguyên tử ở vài nơi trên thế giới.

Ở Anh, truyền thống Tịnh độ cũng có một số ít người theo. Vào năm 1976, Hội đoàn Phật tử Shin ở Anh được thành lập do các vị thầy Jack Austin và Giáo sư Hisau Inagaki, một diễn thuyết gia về Phật giáo Nhật Bản tại đại học Luân đôn. Cha của Inagaki cũng có trách nhiệm về việc thành lập Phật giáo Jōdo-shin ở Âu châu, và thầy Austin cũng rất tích cực về việc nầy. Vào năm 1977, những người hội hợp ở nhà của thầy Inagaki thành lập Hội đoàn Thân hữu Tịnh độ phi giáo phái (non-sectarian Pure Land Buddhist Fellowship). Hai nhóm đều có thư thông tin và những lễ được cử hành tại nhà riêng. Một truyền thống Nhật Bản khác với một số ít tín đồ của trường Shingon.

Các dạng Phật giáo Anh khác, trong khi rất đa dạng nơi các gốc rễ Á châu, tất cả đều chia sẻ sự hoạt động để thích ứng với văn hóa Tây phương. Nơi đây, Tăng đoàn (Sangha) dưới sự hướng dẫn của thầy Ajahn Sumedho và hội đoàn FWBO có lẽ nằm ở hai vị trí cuối của quang phổ. Hội trước tìm cách giới thiệu một đời sống tu viện phần lớn theo truyền thống, và không có ý định thích ứng với những điều kiện Tây phương. Thầy Ajahn Sumedho tin rằng “nếu một người cắt gọn truyền thống trước khi gieo hạt, một người sẽ cắt bớt hoặc làm giảm đi tinh thần Nguyên Thủycủa nó”. Đối với những người chỉ trích việc nhập cảng những thói quen “Á châu”, chẳng hạn như tụng kinh bằng tiếng Pali, thầy trả lời rằng cần nên tránh việc bám vào truyền thống có tính cách giáo điều. Thay vì hủy bỏ những truyền thống và những tục lệ một cách giáo điều, thầy thích dùng (con đường ở giữa) Trung đạo sử dụng những truyền thống và tục lệ một cách khéo léo. Đây có thể là một chủ nghĩa truyền thống không giáo điều và rất thực tiễn.
Về những dạng trụ sở, các tăng ni được thầy Ajahn Sumedho hướng dẫn theo những truyền thống tu viện của những tu viện trong rừng ở Thái Lan. Họ đã giới thiệu một cách thành công sự liên hệ thân mật giữa cư sĩ - tu sĩ ở Thái Lan, và được giới cư sĩ ủng hộ, từ những cộng đồng Á châu ở Anh (và Thái Lan) và cả những người Anh (Britons). Một cuộc khất thực theo thời khóa biểu được thực tập ở Newcastle-upon-Tyne, trong một phạm vi mà một số Phật tử đang sinh sống. Những bài giảng có tính cách truyền thống được giảng dạy, dù việc tái sinh phần lớn được xem là một cái gì đó có thể bị quan sát theo những trạng thái thay đổi của tinh thần. Về việc sống và chết, cần có một thái độ không thể biết.

Hội FWBO nhấn mạnh việc tìm cách phát triển một dạng Phật giáo Tây phương, và chỉ trích những nhóm Phật tử khác đã nhập cảng những cái mà bị cho là những phần văn hóa xa lạ được thêm vào cùng với thực chất của Phật giáo. Hội chọn lựa những thực tập và những bài giảng bằng tiêu chuẩn phát triển của từng “cá nhân”, và đây là điểm quan trọng. Trong khi hội có tính cách hỗn tạp một cách mâu thuẫn, hội có ít quan hệ với những nhóm Phật tử khác hơn là những nhóm theo truyền thống. Một mâu thuẫn khác là hội có ác cảm đối với vài quan điểm của văn hóa Tây phương, chẳng hạn họ nghĩ sao về “chủ nghĩa tự do giả tạo”. Không giống những nhóm Phật tử khác, hội nầy chỉ trích Thiên Chúa giáo, và rất ngưỡng mộ nhà huyền bí người Anh William Blake.

Hội FWBO đặt trọng tâm ở hàng ngũ Phật tử Tây phương, có khoảng 300 hội viên năm 1987. Họ giữ mười giới (thật ra thì cũng như năm giới của cư sĩ), có một tên bằng tiếng Sanskrit, và được thống nhất bởi sự dấn thân của họ đối với Phật, Pháp và Tăng. Các hội viên của Tăng đoàn (Sangha), được gọi là cận sự nam (upāsakas) và cận sự nữ (upāsikā), sống trong các cộng đồng (thường là nam hoặc nữ), sống một mình, hoặc với gia đình của họ. Tuy nhiên, hội cũng chỉ trích cái nhân gia đình, cho rằng nơi đây tạo ra một cơ quan xã hội giam giữ và ngăn cản sự phát triển của cá nhân. Ý tưởng Tây phương là một “xã hội thay phiên nhau”, vì thế hội FWBO được xem là một cái nhân của một “Xã hội mới”, nơi đó những giá trị của sự phát triển nhân tính là quan trọng nhất. Nhấn mạnh về hoạt động của một xã hội tự lực về kinh tế. Căn bản kinh tế được cung cấp bằng “chính mạng”, tương tác với những nhà hàng chay, những tiệm thực phẩm nguyên chất, những đội xây cất, trung tâm nghệ thuật, và một nhà in. Cùng với những thực tập Phật giáo được chọn lọc, gồm có tụng kinh bằng tiếng Anh, Sanskrit và Pali, các hội viện của FWBO cũng thực tập yoga, Thái cực, và karate. Trong những bài giảng, hội luôn nhấn mạnh “ sự tiến hóa cao hơn” của một “cá nhân”, và lý tưởng nầy dường như là một loại chủ nghĩa siêu nhân, anh hùng bắp thịt, và lãng mạn, chịu ảnh hưởng những ý tưởng của triết gia Friedrich Nietzsche. Như vậy ở đây dường như là quên bẳng khái niệm con đường Phật giáo, nhắm mục đích tối hậu là siêu việt hóa cái “tôi” và những bám víu vào cái ngã.

Lục địa châu Âu

Ở Đức sự yêu thích về Phật giáo Nam tông được chú trọng, và có thể quyến rũ những người có nền văn hóa tinh lành. Hội Phật giáo đầu tiên được bắt đầu vào năm 1903 do học giả tiếng Pali, Karl Seidenstuker thành lập để đẩy mạnh sự uyên bác của Phật giáo. Nhưng sự thành công không có chi là lớn lao. Một nhân vật có ảnh hưởng Phật giáo ở Đức là ông George Grimm (1868-1945), ông là tác giả của quyển Học thuyết của Đức Phật, Tôn giáo của lý lẽ (The Doctrine of the Buddha, the Religion of Reason) (1915, bằng tiếng Đức) là một trong những sách Phật giáo được đọc nhiều nhất, bằng tiếng Đức và vô số bản dịch. Sự giải thích của ông về kinh điển Phật giáo cho thấy là tất cả những hiện tượng là vô ngã, như một cách để biết qua trực giác về cái ngã chân thật, nằm ngoài những khái niệm. Ông cho rằng truyền thống Phật giáo đã hiểu lầm Đức Phật, ông gọi sự giải thích của ông là “Phật giáo cổ xưa”, có nghĩa là lời dạy “Nguyên Thủy”.

Năm 1921, Grimm và Seidenstuker thành lập Cộng đồng Phật giáo cho nước Đức, sau nầy trở thành Cộng đồng Phật giáo Cổ xưa (Old Buddhist Community) vào năm 1935, dưới sự lãnh đạo của Grimm. Vì phần đông các Phật tử Đức không chấp nhận lối nhìn của Grimm, “Phật giáo Cổ xưa” trở thành một loại giáo phái. Một Phật tử quan trọng khác là Paul Dahlke (1865-1928), người bắt đầu yêu thích Phật giáo trong khi sống ở Tích Lan vào năm 1900. Ông chủ trương theo Phật giáo Nam tông hiện đại, nguồn tài liệu bắt nguồn từ gốc Pali. Ông xây dựng “Căn nhà Phật giáo” ở Berlin-Frohnau, một trung tâm chùa/ thiền viện khai trương năm 1924, và cũng ấn hành những bản dịch của một số kinh điển.
Một số người Đức trở nên thích thú với đời sống tu viện ở Á châu. Ở Tích Lan, Nyanatiloka thọ giới như là một vị mới tu vào năm 1903 (và được thọ giới cao hơn ở Miến Điện), trong khi người học trò chánh là Nyanaponika trở thành sa di vào năm 1936. Cả hai vị tăng nầy sản xuất rất nhiều văn chương Phật giáo, bằng tiếng Anh và tiếng Đức, và được nhiều Phật tử Âu châu ưa chuộng.
Vị ni sư Âu châu đầu tiên là sư cô Uppalavarna, cũng là một người Đức, được thọ giới vào năm 1926. Thời kỳ sau chiến tranh, những hội đoàn giáo sĩ từ Tích Lan (1952) và Miến Điện (1957) được thành lập, và một trung tâm thiền Vipassanā được khai trương gần Hamburg (1961).

Giữa những cuộc chiến tranh, vài thực tập về Zen được thực hành nhưng vẫn còn rất ít người biết đến hoặc ít hiểu giá trị. Điều nầy thay đổi sau Đệ Nhị Thế Chiến đặc biệt nhất là dưới sự ảnh hưởng của quyển sách mà tác giả là Giáo sư Eugen Herrigel. Quyển sách tựa đề Thiền trong nghệ thuật bắn cung (1948, bằng tiếng Đức), thành quả của năm năm học tập võ thuật Zen. Bắt đầu từ những năm bảy mươi, các trung tâm Zen mọc đầy, và trường Jōdo-shin cũng có mặt. Thời kỳ sau chiến tranh Arya Maitreya Mandala cũng được giới thiệu với những trung tâm ở mười thành phố vào năm 1970. Đây là một hàng ngũ cư sĩ được Lạt-ma Anagārika Govinda (1898-1985) sáng lập, một người Đức đã được huấn luyện ở các truyền thống Nam và Bắc tông, và là một tín đồ của phong trào Tây Tạng toàn thế giới Ris-med. Từ những năm bảy mươi, những nhóm Tây Tạng khác cũng được thành lập.

Pháp quốc rất mạnh về sự uyên bác Phật giáo. Hội đoàn Phật giáo đầu tiên là “Thân hữu của Phật giáo” (Les Amis du Bouddhisme), do một nhà cải cách người Trung Hoa T’ai-hsu và ông Cosntant Lounsberry sáng lập ở Paris vào năm 1929. Hiện nay có vô số dân tỵ nạn từ Đông Dương sống ở Pháp, và họ đã thành lập ba ngôi chùa Việt Nam vào năm 1984. Truyền thống mạnh nhất là Tây Tạng với bốn mươi sáu trung tâm vào năm 1984, Zen có năm trung tâm, và hai trung tâm Phật giáo Nam tông cùng với hai tu viện. Trường Nichiren Shōshū cũng có mặt.

Ở Ý, chỉ có một số ít hội đoàn Phật giáo hiện hữu vào năm 1970, nhưng vào năm 1986, có khoảng trên dưới ba mươi trung tâm và tu viện, và khoảng chừng hai mươi lăm hội đoàn, nhiều nhất là hội đoàn Zen và Tây Tạng.

Quyển niên giám Phật giáo quốc tế (International Buddhist Directory) năm 1984 cho những tin tức về những hội đoàn Phật giáo ở Áo, Bỉ, Đan Mạch, Phần Lan, Hy lạp, Hòa Lan, Na Uy, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Thuỵ Điển và Thuỵ Sĩ. Ở Tây Âu nói chung, ngoài trừ Anh quốc có 139 trung tâm, một tu viện, và một học viện truyền thống Tây Tạng; ba mươi bốn trung tâm và hai tu viện Phật giáo Nam tông. Trường Jodō-shin có hai ngôi chùa ở Thuỵ Sĩ và một chùa ở Bỉ.

Vào năm 1987, một đứa trẻ hai tuổi người Tây Ban Nha, con của một cặp vợ chồng lãnh đạo Trung tâm Phật giáo Tây Tạng ở Tây Ban Nha, được nhìn nhận là sự tái sanh của Thubten Yeshe Rinpoche (1934-84), một Lạt-ma của phái dGe-lugs, một người hoạt động rất tích cực cho việc thành lập những trung tâm và tu viện ở Tây phương. Đứa bé trai nầy hiện tại là trọng tâm về mặt tâm linh ở tu viện Kopan, ở Nepal do Lạt-ma Yeshe thành lập.

Hiệp hội Phật giáo ở Âu châu được thành lập vào năm 1975, như một diễn đàn chung cho việc tranh luận, làm việc chung, xuất bản, và liên hệ với các học viện tâm lý và y học. Vào năm 1987, hội có những đoàn thể Phật giáo toàn quốc ở Áo, Pháp, Đức, Ý, Hòa lan, và Thuỵ Sĩ, và khoảng năm mươi hội đoàn (chẳng hạn Hội đoàn Phật giáo Luân Đôn), các tu viện và các nhóm. Năm 1987, hội tuyên bố có trên một triệu Phật tử ở Âu châu (gồm cả người Á châu). Ngoài 500.000 người ở Anh quốc (một con số quá cao), những con số khác là: 70.000 ở Đức, 200.000 ở Pháp, 15.000 ở Ý, và 6.000 ở Áo.

Ở Đông Âu, Phật giáo hiện diện ít hơn, với một trung tâm hoặc một hội đoàn ở Đông Đức, Tiệp Khắc, Hung Gia Lợi và Yugoslavia. Tuy nhiên, ở Ba Lan, vào năm 1984, có sáu trung tâm Phật giáo Tây Tạng, ba trung tâm Son của Đại Hàn, và ba trung tâm Zen. Trước Đệ Nhất Thế Chiến một ngôi chùa Phật giáo được thành lập ở Warsaw để phục vụ cho nhu cầu của các đoàn lính ở Buryat và Kalmyk trong hàng ngũ binh lính Nga. Ở Nga, các tiểu bang Baltia tuyên bố đã có từ lâu gia tài Phật giáo, có thể đi ngược thời gian vào thế kỷ thứ mười ba (từ Mông Cổ). Họ có một “ngôi nhà thờ Phật giáo” xây ở St. Petersburg (bây giờ là Leningrad) vào thời kỳ 1907-1915, và hoạt động giữa hai thời Thế Chiến, dịch thuật những bài văn ra ngôn ngữ của họ. Vào năm 1988, có những bài báo về những nhóm ở Nga đang xây tháp (Stūpas) và chùa.

Úc, Nam Mỹ và Phi châu

Từ năm 1930, nhiều hội đoàn Phật giáo được thành lập ở Úc và tồn tại trong một thời gian ngắn. Những hội đoàn Phật giáo được thành lập lâu đời nhất là ở Victoria và New South Wales, thành lập vào những năm năm mươi. Từ những năm bảy mươi đầu tiên, Phật giáo bắt đầu cắm rễ khi các vị thầy đến từ Á châu. Những vị nầy gồm có tăng sĩ người Anh, Phra Khantipalo được huấn luyện ở Thái Lan, và các Lạt-ma Thubten Yeshe và Thubten Zopa (1974). Những truyền thống Tây Tạng, Phật giáo Nam tông, Zen, Trung Hoa, Việt Nam, và Nichiren Shōshū cũng hiện diện và hoạt động rất tích cực. Ở New Zealand, có 6 – 7.000 Phật tử vào năm 1981, những truyền thống chánh là Tây Tạng, Zen, Phật giáo Nam tông và FWBO.

Phật giáo không lan truyền xa hơn cộng đồng Nhật Bản ở Brazil cho đến sau thời Đệ Nhị Thế Chiến. Từ lúc ấy, Phật giáo Tây Tạng có mặt ở Argentina, Brazil, Chile, Columbia và Venezuela, trong khi Nichiren Shōshū hoạt động mạnh trong suốt địa phương. Ở Brazil, ngoài một số giáo phái Nhật và truyền thống Tây Tạng, truyền thống Phật giáo Nam tông cũng hiện hữu.

Ở Nam Phi, Phật giáo bây giờ bắt đầu phát triển giữa những người không phải là Ấn Độ. Vào năm 1984 có tám trung tâm Tây Tạng và một trung tâm Phật giáo Nam tông, chuyên môn dạy về thiền quán (Insight Meditation). Những trung tâm nầy cũng hấp dẫn được sự ủng hộ của người láng giềng Zimbabwe. Trường Nichiren Shōshū cũng hoạt động ở Tây Phi từ khoảng năm 1975.

Ngày nay, Phật giáo đã trở nên một hiện tượng thế giới. Ở Á châu, Phật giáo đang có những dấu hiệu hồi sinh. Phật giáo cũng phải thích ứng với môi trường thế tục. Xa hơn Á châu, Phật giáo đang dần được thiết lập và được nhìn nhận như là một mặt của khung cảnh tôn giáo khác biệt.



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]