Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Nhận ra tánh của tâm an tịnh

18/01/201111:43(Xem: 11132)
Nhận ra tánh của tâm an tịnh

 

Đại Thủ Ấn (Mahamudra)
Ouang Tchuk Dorjé - Dịch giả: Thích Trí Siêu

Chương III
Thiền Quán

Nhận ra tánh của tâm an tịnh

Thực ra vị Thầy không cần ra tay chỉ bày, nếu ta tinh tấn tu tập y theo những lời chỉ dẫn ở trước, thì bổn tánh sẽ hiển lộ tự nhiên. Song le có nhiều người dù tinh tấn vẫn không thể nhận ra. Lại có một số khác, chưa bao giờ đạt được kinh nghiệm trực tiếp, nhưng nhờ đọc sách nghe Kinh, có được sự hiểu biết khái niệm, lại bày đặt dùng những thuật ngữ, Pháp ngữ diễn tả bổn tánh. Do đó vị Thầy cần phải có khả năng nhận định căn tánh của đệ tử, và đệ tử cũng phải luôn thành thật với Thầy.

Sau khi xem xét quán chiếu tâm, ta sẽ thâu thập được nhiều kinh nghiệm khác nhau, nhưng không biết đâu là phải hay trái. Ở trường hợp này, địa vị của Thầy trở nên quan trọng, qua nhiều phản ứng cùng chất vấn, vị Thầy ấy sẽ hướng ta đến gần bổn tánh bằng cách xác định những điều ta thấy là kinh nghiệm trực ngộ hay chỉ là mường tượng. Đây gọi là khai thị, hay đúng hơn là giúp ta nhận ra.

Sau đây là cách thứ nhất giúp cho những người sơ cơ nhận ra bổn tánh (của tâm):

Sau khi điều tâm trở về trạng thái an tịnh, hãy nhìn thẳng vào tánh của nó. Đó là một vầng ánh sáng (hào quang) trong suốt và linh động, không phải là hư vô. Trong trạng thái này có một cái biết trong sáng, rộng tỏa, êm dịu, thông suốt, không thể định nghĩa được. Không thể nói đó là cái này hay cái kia, màu này hay dáng nọ, v.v... cũng không thể diễn tả bằng lời được. Dù không thể định nghĩa hay diễn tả, cái biết nguyên thỉ, thanh tịnh chiếu soi rõ ràng mọi vật không ngăn ngại, vẫn hiển lộ sờ sờ trước mặt. Cái biết này không phải là một cái gì trước kia không thấy nay mới thấy, trước kia không kinh nghiệm, nay mới kinh nghiệm, hoặc trước không biết nay mới biết.

Nó luôn luôn có mặt vì tánh của tâm là thường hằng.

Thêm nữa ta phải ý thức chắc chắn rằng nó không thể định nghĩa hay khái niệm được. Nếu chỉ có một sự hiểu biết trí thức, văn tự, hào nhoáng cho rằng bổn tánh là một trạng thái trong suốt, tĩnh lặng thì sẽ không bao giờ đạt được tiến bộ nào cả. Ngược lại nếu thực sự đạt đến kinh nghiệm này qua thiền tập, đó là ta đã thấy được tánh của tâm an tịnh. Ngoài sự tu tập Thiền Quán, không còn cách nào khác để trực nhận được tánh này. Nếu vị Thầy giảng nói quá sớm (trước khi ta thực sự chứng nghiệm), ta sẽ dính mắc vào hiểu biết khái niệm chết cứng và dần dần sẽ chán nản. Dù cố gắng giảng giải đi nữa, điều đó cũng chỉ làm hại cho ta mà thôi. Vì lý do này, vị Thầy không nên giảng nói về tánh (của tâm) trước khi kinh nghiệm của đệ tử chín mùi.

Nếu chưa cắt đứt được giòng tư tưởng, ý niệm, ta sẽ không thấy được tánh (của tâm an tịnh). Nếu không thấy được, làm sao ta có thể biết nó ra sao? Chưa nhận ra được nó thì vẫn chưa thực sự bước vào con đường giác ngộ.

Trong lúc Thiền Quán, nếu có những kinh nghiệm chán nản xảy đến thì phải kiên nhẫn gia tăng sức quán chiếu.

Nói một cách khác, khi có cảm giác đau đớn, khó chịu, không nên than khóc, phải nhìn thẳng vào cái tâm đang cảm thọ sự đau đớn. Nhờ sự gia tăng chú ý này, các vọng niệm khác sẽ dứt bặt.

Giảng dạy những cách thức tu tập như trên gọi là truyền khẩu. Khi ta hiểu được toàn bộ cách thức tu tập thì cuộc truyền khẩu được xem như chấm dứt. Sau đó ta có thể tự tu tập dễ dàng, khai triển kinh nghiệm quán chiếu. Tuy nhiên nếu muốn biết chắc đã trực ngộ đuợc tánh cùng xóa tan mọi nghi ngờ, ta vẫn cần sự ấn chứng và chỉ đạo của vị Thầy.

Một cách tổng quát, tu thiền bao gồm hai điều thiết yếu: Thiền Định và Thiền Quán. Thiền Định là đưa tâm trở về trụ trong trạng thái bổn nhiên, êm dịu trong sáng, các ý niệm đều tiêu tan (ngay khi chúng vừa phát khởi). Tâm không còn phóng chạy bừa bãi theo ý niệm vật chất thế gian nữa, nó hoàn toàn an lạc, tất cả vọng tưởng dường như chìm vào giấc ngủ vùi. Lúc này ta hoàn toàn tự chủ, có thể tùy ý kéo dài hay thâu ngắn trạng thái này và nhiều khi có cảm giác như không còn hô hấp nữa. Đây chính là dấu hiệu thành tựu Thiền Định.

Những giây phút trực nghiệm về an lạc, sáng suốt và vô niệm này rất quan trọng. Tuy không hẳn là thực tánh (vì chưa phối hợp với Thiền Quán) nhưng thiếu chúng, ta không có thể tiếp tục được. Tinh tấn tu tập, khai triển an trụ trong Thiền Định, không để rơi vào hôn trầm, tán loạn, dần dần ta sẽ nhận ra được thế nào là tánh của tâm. Nó vừa rỗng lặng, vừa trong sáng, vượt khỏi mọi khái niệm ý thức. Nó hiển lộ tự nhiên, như như, nguồn gốc của tất cả pháp lành. Nếu chưa nhận được nó tức còn vô minh và trôi lăn trong sanh tử. Nhận được nó thì gọi là trí huệ, Căn Bản trí, Niết Bàn, tánh giác, bổn tánh, Thanh Quang [1], v.v...

Nhận ra thực tánh của tâm, đó là Niết bàn, nếu không thì trôi lăn trong sanh tử. Thực ra tánh của sanh tử và Niết bàn là một, nhưng khác nhau ở chỗ là ta đã giác ngộ hay chưa mà thôi.

Khi được vị Thầy khai thị thấy được tánh (của Tâm) rồi, ta sẽ có cảm tưởng như gặp lại một người bạn thân đã quen biết từ lâu. Sự kiện này còn được gọi là nhận ra (lại) tánh (của Tâm). Tánh của Tâm không phải là cái gì đạt được do sự thông minh của người đệ tử hay tài diễn thuyết khéo léo của vị Thầy.

Tâm có mặt từ đời vô thỉ, nhưng vì bất giác vọng niệm dấy khởi che lấp bổn tánh làm ta quên hẳn nó. Ngày nay nhờ chặt đứt giòng ý niệm trở về nhìn thẳng vào Tâm, nên ta nhận lại được bổn tánh. Sau khi nhận ra rồi, phải tiếp tục tinh tấn tu tập không xao lãng. Quán chiếu thâm sâu tâm an tịnh và nhận ra bổn tánh được xem là sự khai thị đầu tiên (của vị Thầy) . Hãy ghi khắc vào tâm và tinh tấn thiền tập không ngơi nghỉ. Đây là điểm thứ năm (của Thiền Quán): nhận ra tánh (của tâm an tịnh).

Chú thích:

[1] Claire lumière. Trong Mật giáo Tây Tạng thường dùng những danh từ như Thanh Quang (Claire lumière mère), Tử Quang (Claire lumière fille) để nói về kiến tánh.


 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]