Chương II
Thiền Định
Những đối tượng khác
Sau khi tập trung và định tâm được trên một đối tượng hình sắc, ta có thể chuyển sang các đối tượng khác như: âm thanh, đối tượng của nhĩ thức; mùi hương, đối tượng của tỷ thức; mùi vị, đối tượng của thiệt thức; sự xúc chạm, đối tượng của thân thức. Bất cứ lúc nào tiếp xúc với trần cảnh, ta cũng phải chú ý định tâm, ghi nhận một cách khách quan, không khởi phân biệt khái niệm tốt, xấu, ưa, ghét, v.v...
Ở trong hoàn cảnh nào ta cũng có thể tu tập được. Nếu nơi ngồi thiền bỗng có người vặn nhạc, ta có thể trụ tâm vào sự nghe mà không cần khởi xét đoán phân biệt xem đó là âm thanh gì. Về xúc chạm hay mùi vị cũng vậy.
Khi tâm đã được tập luyện thuần thục an trú vào đối tượng, ta nên ngưng nghỉ buổi tập trong lúc tâm còn sáng suốt, như vậy sẽ tránh khỏi chán nản, mệt mỏi. Trong thời gian ngưng tập ngoài các thời khóa ấn định, phải luôn luôn giữ chánh niệm, dù đi đứng, nằm, ngồi hay nói, nín, động, tịnh; cắt đứt những ý niệm suy tư, xì xào trong tâm. Đây là điểm thứ ba của Thiền Định.
Nếu muốn sự tu tập được dễ dàng, ta cần phải dứt bỏ việc đời. Nếu ôm nhiều việc đời, tâm sẽ luôn luôn tính toán, rất khó điều trị, hoặc giả nếu ép tâm thì nó sẽ chán nản, mệt mỏi và rơi vào hôn trầm.