Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phụ Lục

05/01/201110:38(Xem: 7812)
Phụ Lục


PHỤ LỤC MỘT

NHỮNG CÂU HỎI VỀ CÁI CHẾT

Những tiến bộ trong ngành y khoa đã cứu được vô số sinh mạng và làm giảm thiểu vô số đau khổ. Nhưng đồng thời chúng cũng đưa ra nhiều ngõ bí về đạo đức tâm linh cho người hấp hối, gia đình và những bác sĩ điều trị, - những vấn đề phức tạp mà họ rất khó giải quyết. Chẳng hạn, ta có nên tiếp tục gắn dụng cụ duy trì sự sống cho thân nhân sắp chết, hay nên bỏ ra? Nên để cho bác sĩ có quyền chấm dứt sinh mạng một người sắp chết để họ khỏi đau đớn hay không? Với những người đang kéo dài cơn đau đớn của sự chết, có nên khuyên họ, ngay cả giúp họ, chấm dứt cuộc đời không? Người ta thường hỏi tôi những câu như vậy, và sau đây tôi sẽ nêu lên vài điều:


Giữ cho sống

Bốn mươi năm trước, phần đông ngời chết tại nhà, nhưng bây giờ đa số chết ở bệnh viện và những nhà điều dưỡng. Cái viễn tượng bị giữ cho sống bằng một cái máy quả là một chuyện hãi hùng. Người ta đang tự hỏi, họ có thể làm gì để bảo đảm một cái chết đầy đủ tư cách và nhân phẩm, không để cho đời sống họ kéo dài một cách không cần thiết. Điều này đã thành một vấn đề rất phức tạp. Làm sao ta quyết định nên hay không nên bắt đầu tiếp sức sống cho một người, ví dụ sau một tai nạn trầm trọng? Và làm sao nếu người ấy bị hôn mê không nói được, hoặc bệnh quá nặng đã mất hết khả năng tinh thần? Một trẻ em bị dị tật bẩm sinh trầm trọng, hoặc não bộ đã hỏng, thì sao?

Không có giải đáp dễ dàng cho những vấn đề ấy, nhưng có vài nguyên tắc căn bản có thể hướng dẫn chúng ta. Theo giáo lý Phật, mọi đời sống là thiêng liêng, mọi chúng sanh đều có Phật tính, và sự sống cống hiến cho họ cơ hội giác ngộ. Tránh sát sinh là một trong những nguyên tắc đầu tiên của đạo đức con người. Nhưng Phật cũng mạnh mẽ bác bỏ tính cách độc đoán, giáo điều, và ở đây tôi nghĩ chúng ta cũng không thể có quan điểm cố định được, không thể có một “lập trường chính thức” hay lập nên quy luật về những vấn đề như thế. Chúng ta chỉ có thể hành động với trí tuệ của ta lúc đó, tùy theo từng tình huống. Và luôn luôn nhớ rằng mọi sự tùy thuộc vào động cơ và lòng bi mẫn của chúng ta ở đằng sau hành động.

Có nghĩa lý gì để giữ cho người ta sống giả tạo trong khi họ sẽ chết nếu không có máy móc ấy? Đức Dalai Lama đã nêu lên một yếu tố cốt tủy, đó là tâm trạng của người hấp hối. “Theo quan điểm Phật giáo, thì nếu một người hấp hối có thể có tư tưởng tích cực, phước đức, và có một mục đích, thì điều quan trọng là nên để cho họ sống thêm dù chỉ vài phút” . Ngài nhấn mạnh yếu tố gia đình trong tình huống ấy: “Nếu không có dịp cho họ có tư tưởng tích cực, và hơn nữa, gia đình đang tốn rất nhiều tiền chỉ để giữ cho họ sống thêm thì dường như là không đáng Nhưng mỗi trường hợp cần phải xét theo cá nhân, không thể quy nạp được”.

Những phương pháp phục hồi sự sống có thể gây bực bội, phiền nhiễu và tán loạn vào giờ phút cao điểm của cái chết. Giáo lý Phật cũng như kinh nghiệm cận tử đều cho thấy ngay cả những người hôn mê cũng vẫn hoàn toàn biết mọi sự xảy ra xung quanh họ. Những gì xảy ra trước khi chết, vào lúc chết, và cho đến cái lúc thần thức rời khỏi xác là những giây phút hết sức quan trọng đối với bất cứ người nào, mà nhất là với một hành giả tâm linh đang cố tu tập an trú trong tự tánh tâm.

Nói chung, cách cứu chữa chỉ để mà kéo dài tiến trình chết, có nguy cơ là nó chỉ nhen nhúm thêm sự bám víu không cần thiết, giận dữ và bất mãn nơi người hấp hối, nhất là khi đấy không phải là ý muốn của họ. Những thân quyến gặp phải khó khăn trong lúc quyết định, và cảm thấy tràn ngập trách nhiệm về cái chết của người thân, cần nên nhớ rằng nếu không có hy vọng gì qua khỏi, thì phẩm chất những giờ phút cuối cùng của người thân họ còn quan trọng hơn là chỉ giữ cho họ còn sống. Ngoài ra, vì ta không bao giờ biết được thần thức còn ở trong thân xác hay không, làm như vậy ta chỉ có bắt buộc thần thức họ bị giam giữ trong một thể xác vô dụng.

Dilgo Khientse Rinpoche nói:

Dùng máy móc để giữ sự sống khi một người không hy vọng bình phục, là chuyện vô nghĩa. Tốt hơn nhiều nếu để họ chết tự nhiên trong bầu không khí thanh tịnh, và làm những việc thiện nhân danh họ. Khi những máy móc duy trì sự sống còn đó, mà không còn hy vọng, thì rút máy ra không là một tội lỗi, vì không có cách nào người ấy sống được, bạn chỉ đang cố níu kéo sự sống của họ một cách giả tạo mà thôi.

Những nỗ lực để duy trì sự sống đôi khi có thể là vô ích và quấy rầy người hấp hối một cách không cần thiết. Một bác sĩ đã viết:

Toàn bệnh viện lăn xả vào một hoạt động cuồng nhiệt. Hàng tá người đổ xô tới giường bệnh trong một nỗ lực cuối cùng để phục hồi con bệnh. Người bệnh sắp chết được bơm đầy cả các thứ thuốc, bị đâm hàng tá mũi kim, bị co giật vì những dòng điện kích thích. Những giây phút chết của chúng ta bị ghi hồ sơ kỹ lưỡng về nhịp tim, lượng dưỡng khí trong máu, điện não đồ.v.v…… Rồi, khi bác sĩ cuối cùng đã đo đạc thỏa thích, cơn cuồng nhiệt về kỹ thuật này mới chịu chấm dứt.

Bạn có thể không muốn có những máy móc cứu chữa ấy, không muốn được cứu sống lại, và muốn để cho bạn yên một lúc sau cái chết lâm sàng. Nhưng làm sao bạn có thể bảo đảm ý muốn của bạn được tôn trọng - muốn chết trong môi trường thanh bình như các bậc thầy đã khuyên?

Ngay cả khi bạn nói rõ ý muốn của bạn, hay không muốn một loại chữa trị nào đó trong bệnh viện, thì yêu cầu của bạn cũng có thể không được tôn trọng, Nếu người thân ruột của bạn không đồng ý với ước muốn của bạn, họ có thể yêu cầu chữa trị một cách trái ý bạn, ngay cả khi bạn còn có ý thức, còn nói được. Một điều không may là các bác sĩ lại thường thể theo ý muốn của gia đình hơn là của người sắp chết. Do dó, dĩ nhiên muốn có được sự kiểm soát trong việc săn sóc về y dược, thì bạn nên chết tại nhà.

Ở vài nơi trên thế giới, có những văn kiện gọi là Di chúc sống, trong đó bạn có thể nói rõ ước muốn của bạn về sự chữa trị để phòng trường hợp bạn không còn có thể làm quyết định cho tương lai bạn. Đây là những đề phòng khôn ngoan, giúp cho bác sĩ nếu họ gặp phải trường hợp khó xử. Tuy nhiên, những giấy tờ này không ràng buộc về mặt pháp lý, và không thể biết trước tính chất phức tạp của cơn bệnh nơi bạn. Ở Hoa Kỳ, bạn có thể nhờ Luật sư làm một tờ gọi là “Quyền ủy nhiệm Săn sóc y tế dài hạn”. Đấy là cách hữu hiệu nhất để nói rõ ý bạn muốn, và bảo đảm nó được tôn trọng. Trong tờ ấy, bạn nêu tên một người đại diện hợp pháp cho bạn, hiểu được thái độ và ước muốn của bạn, người có thể làm những quyết định quan trọng thay cho bạn khi bạn gặp trường hợp đặc biệt của bệnh tật.


Để cho chết

Năm 1986, hội Y khoa Hoa Kỳ có điều luật cho phép bác sĩ cởi bỏ các phương pháp cứu sống, kể cả dưỡng chất và nước uống, từ những bệnh nhân bị bạo bệnh gần chết, và từ những người có thể kéo dài cơn hôn mê. Bốn năm sau, một trưng cầu ý kiến của viện Gallup chứng tỏ có 84% người Mỹ muốn ngưng chữa trị nếu họ chỉ còn sống nhờ máy móc duy trì, và không có hy vọng nào bình phục.

Quyết định giới hạn hay ngưng hẳn dưỡng chất và chữa trị thường được gọi là “phép an tử thụ động”. Sự chết được để cho xảy ra tự nhiên, bằng cách không dùng thuốc hay những biện pháp y học chỉ để kéo dài mạng sống một người thêm vài giờ, hay vài ngày nữa, khi tình trạng họ đã vô phương hồi phục.

Hình thức an tử thụ động này cũng xảy ra khi gia đình và bác sĩ quyết định không chữa một chứng bệnh phụ thuộc mà sẽ kết thúc bằng cái chết. Chẳng hạn, một người đang ở giai đoạn cuối của ung thư xương có thể phát ra bệnh phổi có nước, mà nếu đừng chữa thì có thể đưa tới một cái chết an ổn hơn, không kéo dài và ít đau đớn hơn.

Còn những người bệnh nặng gần chết, tự quyết định bỏ ăn uống thuốc men thì sao? Tự chấm dứt đời mình như vậy, họ có phạm tội sát sinh không? Kalu Rinpoche đã trả lời vấn đề này rất rõ ràng:

Con người nào thấy rằng mình đã đau đớn quá đủ, muốn được chết, là đang ở trong một tình huống mà ta không thể gọi là có phước hay có tội. Đương nhiên ta không thể trách cứ họ vì đã làm môït quyết định như thế. Đó không phải là một nghiệp ác. Đó chỉ là lòng mong muốn tránh đau khổ, một ước muốn tự nhiên căn bản của tất cả mọi sinh loài. Nhưng mặt khác, đó cũng không là một hành vi có công đức gì, hay phước thiện gì… Thay vì nói họ muốn chấm dứt mạng sống, đúng hơn nên nói họ muốn chấm dứt đau khổ. Bởi thế, đấy là một hành vi vô thưởng vô phạt về phương diện nghiệp.

Nếu ta đang săn sóc cho một người bệnh sắp chết, mà họ yêu cầu ngưng cung cấp dưỡng chất thuốc men cho họ thì sao? Kalu Rinpoche nói:

Chúng ta không thể cứu được mạng sống của họ. Ta cũng không thể làm cho họ bớt đau. Nhưng ta đang cố hết sức mình, được điều động bởi một động lực trong sạch nhất. Bất cứ gì ta làm, dù cuối cùng không kết quả, cũng không thể bảo là gây nghiệp xấu hay có hại.

Khi một người chữa bệnh được con bệnh yêu cầu ngưng hệ thống duy trì sự sống, thì điều ấy đặt người chữa bệnh vào một vị trí rất khó xử, vì bản năng bảo họ: “Nếu cứ để họ tiếp tục thuốc men ăn uống, họ sẽ sống. Nếu không, họ sẽ chết”. Hậu quả nghiệp này thuộc vào ý định của người chữa, vì chính người này đang lấy mất phương tiện của bệnh nhân để sống, dù việc ấy do bệnh nhân yêu cầu. Nếu động cơ chính yếu là muốn giúp đỡ cho người bệnh hết đau đớn, thì trong tâm trạng ấy có lẽ không gây nghiệp xấu nào.


Chọn giải pháp chết

Cuộc trưng cầu ý kiến nói trên vào năm 1990 chứng tỏ có 66% người ở Mỹ tin rằng một người quá đau đớn không hy vọng khỏi bệnh, thì có quyền tự sát. Trong một xứ sở như Hòa Lan, mỗi năm có 10.000 người chọn phương pháp an tử để chấm dứt đời mình. Nhưng bác sĩ nào giúp cho bệnh nhân chết phải chứng minh được rằng con bệnh bằng lòng, rằng con bệnh đã thảo luận kỹ vấn đề với bác sĩ, và bác sĩ cũng đã bàn bạc vấn đề với một đồng nghiệp để thêm ý kiến. Ở Mỹ, vấn đề đã đi tới chỗ có một quyển sách bán rất chạy mô tả rõ ràng những phương pháp tự sát cho những người gặp chứng bệnh hiểm nghèo, và có những phong trào khởi sự hợp pháp hóa việc “an tử có tác động”, hay “giúp cho chết”.

Nhưng cái gì sẽ xảy ra nếu pháp an tử trở thành hợp pháp? Nhiều người sợ rằng những con bệnh được xem là đến thời kỳ chót, nhất là những người rất đau đớn, có thể chọn cái chết mặc dù cơn đau của họ còn có thể chữa trị, và đời sống còn có thể kéo dài. Nhiều người khác sợ rằng những người già cả có thể cho rằng bổn phận mình là phải chết, hoặc chọn cách tự sát chỉ để cứu mạng sống và tiền bạc của gia quyến họ.

Nhiều người làm việc với người sắp chết cảm thấy rằng tiêu chuẩn cao hơn trong việc chăm sóc bệnh sắp chết là giải đáp cho những yêu cầu an tử. Khi được hỏi về chuyện hợp pháp cho việc làm pháp an tử, Elizabeth Kubler-Ross trả lời: “Tôi nhận thấy thực buồn khi chúng ta phải làm ra luật lệ về những vấn đề như thế. Tôi nghĩ chúng ta nên xử dụng sự phán đoán của con người và khởi sự nghĩ đến nỗi sợ chết của chính chúng ta. Khi ấy ta có thể tôn trọng nhu cầu của người bệnh, lắng nghe họ, và sẽ không đi đến một vấn đề như vấn đề này”.

Người ta sợ rằng chết sẽ không chị nổi, sợ thình lình bị bại liệt nằm một chỗ, hoặc bị điên loạn, và những đau đớn khốc liệt, vô nghĩa. Giáo lý Phật cho ta một thái độ khác để nhìn nỗi đau khổ, đem lại cho nó một mục đích. Đức Dalai Lama nói:

Nỗi đau khổ của bạn là do nghiệp của chính bạn, và bạn phải gặt hái hậu quả của nghiệp ấy trong đời này hay đời khác, trừ phi bạn tìm cách tịnh hóa nghiệp chướng. Muốn tịnh hóa thì tốt hơn nên kinh quá nghiệp ấy trong đời người này, ở đấy bạn có nhiều khả năng để chịu đựng đau khổ hơn, nếu làm một con thú chẳng hạn.

Theo giáo lý Phật, ta nên làm bất cứ gì có thể để giúp người sắp chết đối phó với sự xuống tinh thần, nỗi đau đớn sợ hãi của họ, đem lại cho họ sự nâng đỡ đầy tình thương, làm cho đời họ kết thúc có ý nghĩa. Bà Cicely Saunders, người sáng lập Tiếp dẫn đường ở Luân Đôn, nói: “Nếu một bệnh nhân của chúng ta đòi được làm pháp an tử, điều đó có nghĩa rằng chúng ta không làm bổn phận mình”. Bà cực lực phản đối sự hợp pháp hóa giúp cho người bệnh chết theo yêu cầu họ. Bà nói:

Xã hội chúng ta không đến nỗi quá nghèo đến độ không đủ thì giờ và tiền bạc để giúp cho người ta sống cho đến khi họ chết. Chúng ta có bổn phận phải giúp họ diệt cơn đau đớn đã khiến họ sợ hãi và chua chát. Muốn làm vậy, ta không cần phải giết họ… Hợp pháp hóa việc an tử sẽ là một hành vi thiếu trách nhiệm, ngăn cản sự giúp đỡ, gây áp lực cho người đã bị tổn thương, từ bỏ sự kính trọng và trách nhiệm của ta đối với người già yếu, tàn tật và sắp chết.


Vài câu hỏi khác:

Cái gì xảy đến cho tâm thức một hài nhi bị sẩy thai hoặc chết non? Cha mẹ có thể làm gì để giúp hài nhi ấy?

Dilgo Khientse Rinpohe giải thích:

Thần thức của những người chết trước khi sinh, trong khi sinh, hoặc lúc còn bé, sẽ du hành một lần nữa qua các trạng thái Trung Ấm, và lấy một hiện hữu khác. Cũng có thể làm cho những vong linh này những hành vi công đức và pháp tu dành cho người chết: pháp tịnh hóa nghiệp chướng, đọc thần chú Kim cương tát đỏa, cúng đèn.v.v….

Trong trường hợp sẩy thai, ngoài những pháp tu thông thường này, nếu cha mẹ cảm thấy ân hận, họ có thể nhận lỗi, xin tha thứ, và chí thành làm pháp tịnh hóa Kim cương tát đỏa. Họ cũng có thể cúng đèn, phóng sinh, bố thí, bảo trợ một số chương trình tu tập nhân đạo để hồi hướng cho sự an lạc và giác ngộ trong tương lai của tâm thức hài nhi ấy.

Cái gì xảy đến cho tâm thức một người tự sát?

Dilgo Rinpoche nói:

Khi một người tự sát, thần thức không có chọn lựa nào khác ngoài ra đi theo nghiệp xấu của mình, và rất có thể xảy ra rằng một ác ma sẽ bắt lấy và chiếm hữu sinh lực người ấy. Với cái chết tự sát thì một bậc thầy có năng lực phải làm nhiều phép đặc biệt, như năm cuộc lễ và những nghi thức khác để giải thoát thần thức người chết.

Ta có nên hiến tặng những bộ phận trong người ta khi ta chết không? Cái gì sẽ xảy ra nếu những bộ phận này phải cắt bỏ trong lúc máu vẫn còn lưu thông hay trước khi tiến trình chết hoàn tất? Việc này có trở ngại hay làm hại tâm thức vào thời gian trước khi chết không?

Những bậc thầy mà tôi thỉnh ý việc này đều đồng ý rằng sự hiến tặng ấy là một hành động rất tích cực, vì nó phát sinh từ một mong muốn lợi lạc cho người khác với lòng bi mẫn chân thực. Bởi thế, nếu thực sự đấy là ước nguyện của người sắp chết, thì nó tuyệt nhiên sẽ không hại gì cho thần thức họ khi rời khỏi thân xác. Trái lại, hành vi bố thí tối hậu này tích lũy nghiệp tốt. Một bậc thầy khác nói rằng bất cứ sự đau đớn nào mà một người trải qua trong tiến trình hiến tặng thân phần, và mỗi một giây phút tán loạn vì đau đớn, đều trở thành một nghiệp tốt, có công đức.

Dilgo Rinpoche giải thích: “Nếu người ấy chắc chắn vài phút nữa sẽ chết, mà đã bày tỏ nguyện vọng bố thí thân phần của mình, lòng đầy bi mẫn, thì có thể lấy những thân phần ấy ngay cả trước khi tim ngưng đập”

Còn về những trường hợp đông lạnh (cryonics) thì sao? Khi thân xác một người, hay chỉ cái đầu được giữ cho đông cứng để chờ đến lúc y khoa tiến bộ sẽ sống lại?

Dilgo Rinpo che bảo chuyện này hoàn toàn vô nghĩa. Thần thức người ấy không thể trở lại cái thân xác sau khi người ấy đã thực sự chết. Sự tin tưởng rằng cái thây của người ta đang được giữ để làm sống lại trong tương lai, rõ ràng có thể gài bẫy cho tâm thức người ta càng thêm bám víu thân xác một cách bi thảm, tăng cường vô tận nỗi đau khổ của họ, và bít lấp tiến trình tái sinh. Một bậc thầy so sánh pháp đông lạnh này với sự đi thẳng đến địa ngục hàn băng mà không cần trải qua giai đoạn Trung Ấm.


PHỤ LỤC HAI

HAI MẨU CHUYỆN


Học viên và bạn bè ở Tây phương đã kể cho tôi nghe nhiều chuyện rất hay về những người đã nhờ giáo lý Phật trong khi họ chết. Ở đây tôi xin kể hai mẩu chuyện của hai học trò tôi, và cách họ đối diện cái chết.

Dorothy

Dorothy là một học viên của tôi đã chết vì bệnh ung thư tại Tiếp dẫn đường St. Christopher ở Luân Đôn. Bà đã từng là một nghệ sĩ có tài, một nhà thêu ren, một sử gia về nghệ thuật, một hướng dẫn viên du lịch, cũng như một người chữa bệnh bằng màu sắc. Thân phụ bà là một người chữa bệnh nổi tiếng. Bà có sự kính trọng lớn đối với mọi truyền thống tôn giáo và tâm linh. Chỉ về sau này bà mới khám phá ra đạo Phật, và bà nói đã “mắc câu” ; bà bảo giáo lý ấy đem lại cho bà cái nhìn toàn diện nhất về bản chất thực tại. Hãy để cho một người bạn đạo của bà, người đã săn sóc bà lúc chết, kể cho bạn nghe Dorothy đã được sự giúp đỡ của giáo lý Phật như thế nào khi sắp chết.

“Cái chết của Dorothy là một nguồn cảm hứng cho tất cả chúng tôi. Chị đã chết với một vẻ đẹp và tư cách, và bất cứ ai tiếp xúc chị cũng cảm thấy sức mạnh tâm linh toát ra từ nơi chị - bác sĩ, y tá, y công, các bệnh nhân khác, và nhất là những bạn đạo của chị, nhưng người có may mắn gần gũi chị trong những tuần cuối của đời người.

Khi chúng tôi đến thăm Dorothy tại nhà trước khi chị vào Tiếp dẫn đường, chúng tôi thấy rõ là bệnh ung thư của chị đã đến thời kỳ ác liệt, các cơ quan trong người chị bắt đầu suy tàn. Chị đã dùng mót-phin để giảm đau suốt cả năm trời, và bấy giờ chị không thể nào ăn uống. Tuy vậy chị không bao giờ phàn nàn, và bạn không bao giờ biết được là chị đang đau đớn lắm. Chị đã gầy đi một cách đáng sợ, và có những lúc rõ ràng chị đã kiệt sức. Thế mà mỗi khi ai đến thăm, chị vẫn chào hỏi, tiếp đãi ân cần, tỏa ra một nguồn năng lực và niềm vui hoàn toàn trong sáng. Một trong những việc chị thích là nằm trên divan mà lắng nghe băng giảng của Sogyal Rinpoche, và chị lấy làm thích thú khi ngài gửi từ Paris đến chị vài băng giảng mà ngài bảo là sẽ có ý nghĩa đặc biệt cho chị.

Dorothy chuẩn bị và lên chương trình cho cái chết của chị đến từng chi tiết. Chị muốn rằng sẽ không còn một việc gì dang dở để lại cho người khác phải thu xếp, và chị bỏ ra nhiều tháng trời để làm tất cả những sắp đặt thực tiễn. Chị dường như không sợ chết một chút nào, mà muốn có cảm giác rằng sẽ không có việc gì chị chưa làm xong, để chị có thể tiến đến cái chết không bị tán loạn. Chị rất hài lòng vì biết rằng trong đời chị chưa từng làm hại ai, chị đã hấp thụ và tuân theo giáo lý, chị nói “tôi đã làm xong bài tập ở nhà”.

Khi thời gian cho chị đến Tiếp dẫn đường đã tới, Dorothy rừi căn nhà của chị lần cuối cùng - một căn nhà một thời đã chất đầy những kho tàng quý báu sưu tập trong nhiều năm - chị chỉ ra đi với một va-li nhỏ, không cả đến một cái ngoái nhìn. Chị đã phân phát tất cả những sở hữu của chị, nhưng chị đem theo một tấm ảnh nhỏ của Rinpoche mà chị luôn giữ bên mình, và quyển sách nhỏ của ngài nói về thiền định. Chị đã rút gọn đời mình vào trong túi xách nhỏ ấy, mà chị gọi là “túi du lịch”. Chị rất tự nhiên khi từ biệt, làm như chị chỉ có đi đâu đó trong chốc lát. Chị chỉ nói “Ta đi nghe, nhà”, vẫy tay và bước ra khỏi cửa.

Phòng chị trong Tiếp dẫn đường trở thành một nơi rất đặc biệt. Luôn luôn có một ngọn nến thắp bên giường chị, trước tấm ảnh của bậc thầy, và có lần người ta hỏi chị có muốn nói chuyện với ngài không, chị đã mỉm cười nhìn vào tấm ảnh mà nói: “Không, không cần, vì ngài luôn luôn ở đây”. Chị thường nói đến lời khuyên của bậc thầy về sự tạo nên một khung cảnh thích hợp, và đã có một bức họa ráng cầu vồng thật đẹp ở trên vách tường trước mặt chị. Có thật nhiều hoa, do người đi thăm mang đến.

Dorothy vẫn làm chủ tình hình cho đến giây phút cuối, đức tin của chị vào giáo lý không hề lay chuyển, dù chỉ một giây. Chúng tôi có cảm tưởng chị đang giúp chúng tôi hơn là chúng tôi giúp chị. Chị luôn luôn vui vẻ, đầy tin tưởng, hài hước, và một phong độ khả kính mà chúng tôi thấy tuôn phát từ sự can đảm và niềm tin của chị. Chị luôn luôn đón chào chúng tôi với một niềm vui, giúp cho chúng tôi ngầm hiểu rằng, chết tuyệt nhiên không phải là cái gì u ám hãi hùng. Đấy là quà tặng mà chị dành cho chúng tôi, làm cho chúng tôi cảm thấy được diễm phúc, được vinh dự ở gần bên chị.

Chúng tôi đã trở thành hầu như lệ thuộc vào năng lực của Dorothy, nên thật là xấu hổ cho chúng tôi khi nhận ra rằng chính chị mới cần đến sức mạnh và sự giúp đỡ của mình. Chị đang nói đến vài chi tiết về đám tang của chị, và chúng tôi chợt thấy rằng, sau khi đã quan tâm đến tất cả mọi người, thì điều chị cần bây giờ chính là buông xả tất cả những tình tiết ấy, để tập trung sự chú ý vào bản thân chị. Và chị cần chúng tôi để cho chị làm cái việc buông xả ấy.

Cái chết của Dorothy không dễ dàng, đó là một cái chết đau đớn, và Dorothy như một chiến sĩ anh dũng. Chị cố hết sức tự làm lấy những gì có thể làm, để khỏi làm bận rộn các điều dưỡng viên, cho đến lúc cơ thể chị không còn chịu nổi nữa. Một lần, khi còn có thể ra khỏi giường, một người điều dưỡng tế nhị hỏi chị có cần ngồi trên ghế vệ sinh không. Dorothy gắng gượng thật nhiều, rồi cười lớn bảo: “Nhìn cái thân này!” khi cho chúng tôi xem thân thể chị đã rút lại chỉ còn là một bộ xương. Nhưng chính vì cơ thể chị đang tan rã, mà tâm hồn chị dường như đang tỏa sáng và tự do bay lượn. Dường như thể chị công nhận rằng thân thể chị đã làm xong công việc của nó: đó không thực là cái gì “của chị” mà một cái gì trong đó chị ở tạm, và bây giờ chị sẵn sàng buông ra.

Mặc dù tất cả ánh sáng và niềm vui tỏa ra từ chị Dorothy, chúng tôi vẫn thấy rõ ràng chết không phải là chuyện dễ ; quả vậy, đó là một việc gian nan (thiên cổ gian nan duy nhất tử!). Có những giây phút rất buồn thảm đau đớn, nhưng chị đã kinh quá những giây phút ấy một cách dũng cảm đầy cương nghị. Sau một đêm đau đớn kinh khủng làm chị ngất xỉu, chị đã sợ rằng chị sẽ chết bất cứ lúc nào, hoàn toàn một mình, nên chị yêu cầu chúng tôi thay phiên nhau ở lại với chị. Từ đấy, chúng tôi khởi sự thay phiên canh chị suốt 24 tiếng.

Dorothy tu tập mỗi ngày, pháp tu “tịnh hóa” (sám hối) Kim cương tát đỏa là pháp chị thích nhất. Bậc thầy dặn chị đọc những giáo lý về cái chết, trong đó có phần cốt yếu là “Chuyển di tâm thức”. Đôi khi chúng tôi cùng ngồi với nhau, đọc lớn lên những bản kinh cho chị nghe ; đôi khi chúng tôi tụng thần chú của đấng Liên Hoa Sanh ; đôi khi chúng tôi chỉ ngồi im lặng. Cứ thế chúng tôi dần phát triển một nhịp điệu nhẹ nhàng giữa tu tập và nghỉ ngơi. Có những lúc chị ngủ thiếp đi một lát, rồi thức dậy mà bảo: “Ồ, thật tuyệt vời làm sao!”. Khi chị trông khỏe hơn, và nếu chị thích, thì chúng tôi sẽ đọc lên những đoạn trong giáo lý về các cõi Trung Ấm để chị có thể nhận ra những giai đoạn mà chị sẽ trải qua. Chúng tôi đều rất ngạc nhiên trước sự tỉnh táo sáng suốt của chị, nhưng chị vẫn muốn tu miên mật một pháp đơn giản và cốt yếu nhất. Mỗi khi tới đổi phiên trực, chúng tôi luôn luôn kinh ngạc trước bầu không khí thanh tịnh trong gian phòng, với Dorothy nằm đó, mắt mở lớn nhìn vào khoảng không, ngay cả khi ngủ, và người trực đang ngồi hoặc lặng lẽ trì chú.

Bậc thầy thường điện thoại hỏi thăm chị, và họ nói chuyện thoải mái về việc chị đang tiến gần đến cái chết như thế nào. Dorothy thường nói rất bình thản, như: “Chỉ còn vài ngày nữa thôi, thầy ạ”. Một hôm, y tá đưa xe lăn có máy điện thoại vào phòng, bảo: “Có điện gọi từ Amsterdam” . Mặt Dorothy sáng lên khi chị nhận điện thoại từ vị thầy. Sau khi gác máy, nhìn chúng tôi chị sung sướng nói “Thầy”, đã bảo chị không nên tập trung vào việc đọc kinh, mà đã đến lúc chỉ nên “an trú tự tánh tâm, an trú trong ánh sáng”. Khi chị rất gần cái chết, và vị thầy gọi chị lần cuối, chị kể cho chúng tôi nghe rằng, thầy đã bảo chị: “Đừng quên chúng tôi, hãy tìm chúng tôi sau này”.

Một lần, khi bác sĩ đến thăm bệnh để điều chỉnh thuốc men cho chị, Dorothy đã nói với vẻ thẳng thắng bình dị: “Bác sĩ thấy không, tôi là một Phật tử, và chúng tôi tin rằng khi chết chúng tôi sẽ thấy rất nhiều ánh sáng. Tôi nghĩ, tôi bắt đầu trông thấy vài tia sáng, nhưng chưa rõ ràng lắm”. Các bác sĩ hết sức kinh ngạc trước sự sáng suốt, vui vẻ của chị, nhất là theo kinh nghiệm của bác sĩ, họ biết chị đang ở vào tình trạng cao điểm của cơn đau đáng lẽ làm cho chị bất tỉnh.

Khi cái chết tiến đến gần hơn, sự phân biệt ngày đêm dường như phai mờ, và Dorothy càng lúc càng lịm dần vào trong bản thể chị. Màu da mặt chị đã đổi khác, những lúc tỉnh táo của chị trở nên thưa dần. Chúng tôi có thể theo dõi những dấu hiệu của tiến trình tứ đại phân tán nơi chị. Dorothy sẵn sàng để chết, nhưng cơ thể của chị chưa sẵn sàng buông, vì tim chị rất mạnh. Bởi thế mỗi đêm chuyển thành một cực hình cho chị, và chị thường ngạc nhiên vào buổi sáng khi thấy chị còn đang sống qua một ngày khác. Chị không bao giờ than phiền, nhưng chúng tôi cũng thấy được chị đau đớn như thế nào. Chúng tôi cố hết sức làm mọi sự để cho chị cảm thấy đỡ hơn, và mỗi khi chị không còn sức để hút nước vào được nữa, thì chúng tôi thấm ướt môi cho chị. Cho tới 36 giờ cuối cùng, chị vẫn một mực lịch sự chối từ không chịu dùng bất cứ thứ thuốc gì có thể ảnh hưởng đến sự tỉnh thức của chị.

Không lâu trước khi Dorothy chết, các y tá bế chị dời phòng. Chị nằm cong người trong tư thế bào thai, và mặc dù khi ấy cơ thể chị đã mòn mỏi hầu như không còn gì nữa, chị không cử động, cũng không nói được nữa, thế mà đôi mắt chị vẫn mở lớn, linh động, nhìn thẳng phía trước, qua cửa sổ trước mặt, và nhìn ra bầu trời. Trong giây phút cuối ngay trước khi chết, chị làm một cử động rất khẽ, nhìn thẳng vào mắt Debbie mà nói một điều gì rất cả quyết. Đó là tia nhìn của sự nhận ra, như thể đang nói: “Nó đây rồi”, với bóng dáng một nụ cười. Rồi chị lại nhìn ra bầu trời, thở một hay hai lần nữa, và ra đi. Debbie nhẹ nhàng buông tay Dorothy ra, để cho chị có thể tiếp tục cuộc hành trình không bị quấy nhiễu, vào lộ trình phân tán bên trong.

Ban quản trị Tiếp dẫn đường bảo rằng họ chưa bao giờ trông thấy ai chuẩn bị cho cái chết một cách tốt đẹp như Dorothy. Sự hiện diện của chị, nguồn cảm hứng mà chị gieo rắc vẫn còn được nhiều người nhắc nhở cả năm sau khi chị chết”.


Rick

Rick sống ở Oregon và mắc bệnh Sida. Anh 45 tuổi, trước là chuyên viên điện toán. Một thời gian trước đây, anh đến tham dự khóa nhập thất mùa hè mà tôi hướng dẫn hàng năm ở Hoa Kỳ, và nói chuyện cho chúng tôi nghe về cái chết, về cuộc đời, và về cơn bệnh có nghĩa gì đối với anh. Tôi rất ngạc nhiên trước trình độ thâm nhập giáo lý của Rick, khi anh chỉ mới học đạo vài năm. Trong thời gian ngắn ngủi ấy, anh đã nắm được tinh yếu của giáo lý: sự sùng kính, đức bi mẫn và cái Thấy tự tánh tâm, pháp tu ấy trở thành một phần của đời anh. Rick ngồi trong chiếc ghế đối diện với chúng tôi và kể cho chúng tôi biết anh có cảm tưởng gì về cái chết. Tôi hy vọng rằng những trích đoạn sau đây sẽ cho bạn vài hương vị của cái dịp cảm động ấy:

“Khi tôi nghĩ rằng tôi sắp chết, hai năm về trước, tôi đã làm một điều tự nhiên: tôi kêu cầu, và tôi đã được đáp ứng. Tôi trải qua nhiều tuần lên cơ sốt kinh khủng, đêm nào cũng tưởng như là sẽ chết vào nửa đêm… Sự sùng tín này, sự kêu cầu này,… Padmasambhava hứa là ngài sẽ ở đấy, khi bạn tha thiết kêu cầu. Và ngài đã không nói dối: ngài đã chứng cho lời cầu xin của tôi nhiều lần.

Nếu không có Padmasambhava, - mà thầy bảo chính là tự tánh thanh tịnh, Phật tính của ta - nếu không có sự hiện diện đầy quang vinh ấy, thì tôi đã không thể nào qua khỏi những gì tôi phải chịu. Tôi biết là tôi không thể.

Điều đầu tiên tôi nhận thấy là, ta phải gánh lấy trách nhiệm về mình. Lý do tôi sắp chết là tôi mắc bệnh Sida. Đấy là trách nhiệm của tôi, không đáng trách ai cả, kể cả chính tôi. Nhưng tôi nhận trách nhiệm về điều ấy.

Tôi đã làm một lời nguyện với chính mình và với bất cứ thượng đế nào, trước khi tôi vào đạo Phật, rằng tôi chỉ muốn được hạnh phúc. Khi tôi làm quyết định ấy, tôi bám lấy nó. Và điều này rất quan trọng khi làm bất cứ một pháp tu luyện nào về tâm linh. Bạn phải làm cái quyết định là bạn thực tình muốn thay đổi. Nếu bạn không muốn thay đổi, thì không ai sẽ làm công việc ấy cho bạn.

Phần của chúng ta là làm việc với những khía cạnh hàng ngày của tình huống chúng ta. Trước hết là cảm thấy tri ân vì bạn được ở trong thân xác này, và ở trên hành tinh này. Đấy là khởi điểm của tôi - cám ơn trái đất, cám ơn các sinh loài. Bây giờ khi thấy mọi sự từ từ tuột mất, tôi càng cám ơn mọi người và mọi sự. Bởi thế, bây giờ việc tu tập của tôi xoay quanh niềm tri ân ấy, một sự dâng hiến, ca tụng cuộc đời, ca tụng đấng Liên Hoa Sanh, người đang sống dưới thiên hình vạn trạng.

Đừng lầm tưởng như bao nhiêu năm tôi đã lầm, rằng “tu luyện” có nghĩa là ngồi thẳng lưng nhẩm đọc thần chú, mà trong tâm cứ nghĩ “xong việc này là tôi mừng lắm!” . Tu luyện có ý nghĩa hơn thế rất nhiều. Tu luyện là mỗi một người mà bạn gặp ; tu luyện là mỗi một lời nói khiếm nhã mà bạn nghe, hoặc có thể được nhắm thẳng vào bạn.

Khi rời khỏi nơi ngồi thiền, mới là lúc bạn thực sự bắt đầu tu luyện. Chúng ta cần phải có rất nhiều nghệ thuật sáng tạo trong cách tu tập, áp dụng giáo lý vào sự sống. Trong hoàn cảnh ta sống, bất cứ động đến vật gì ta cũng có thể dùng làm đề tài tu tập. Bởi thế, nếu tôi quá chóng mặt không thể quán Kim cương tát đỏa trên đầu, thì tôi đứng lên đi rửa chén. Cái chén hay đĩa tôi đang cầm chính là thế giới với muôn vàn chúng sanh đau khổ. Khi ấy, tôi đọc câu thần chú OM VAJRA SATTVA HUM… và rửa sạch nỗi đau khổ của chúng sanh. Khi tôi đi tắm thì trên đầu tôi không phải là búp sen, mà chính là Kim cương tát đỏa. Khi tôi ra ngoài nắng thì đấy là ánh sáng của ngàn mặt trời chiếu từ thân Kim cương tát đỏa đang vào trong tôi. Khi tôi trông thấy một người đẹp đi dưới đường, lúc đầu tôi có thể nghĩ: “Người đâu mà xinh đẹp thế”, nhưng rồi tôi hiến dâng ngay cái đó cho Padmasambhava với tất cả tim tôi, và buông xả. Bạn phải lấy ngay những hoàn cảnh thực tế trong đời để làm đối tượng tu tập.

Nếu không, thì bạn chỉ có niềm tin trống rỗng, không đem lại cho bạn một nguồn an ủi nào, một sức mạnh nào, khi bạn bắt đầu gặp rắc rối. Không bao giờ có chuyện: “Một ngày kia, tôi sẽ ở thiên đàng, một ngày kia tôi sẽ thành Phật”. Đó chỉ là một niềm tin. Bạn là một vị Phật ngay bây giờ. Và khi bạn tu tập, bạn đang tập để là chính bạn.

Điều rất quan trọng là xử dụng tất cả hoàn cảnh đang xảy đến trong đời bạn làm đối tượng tu tập. Như thầy thường nói, nếu bạn đã bạn thực tập kêu cầu Phật cứu giúp, thì trong các cõi Trung Ấm bạn sẽ làm việc ấy một cách tự nhiên… Tôi đã biến câu sau đây của Dudjom Rinpoche thành một thần chú: “Hỡi Lama, bậc thầy từ bi vô lượng, con chỉ nhớ đến thầy”. Một ngày nào đó, đây là tất cả những gì tôi có thể nhớ được, đây là pháp tu duy nhất tôi có thể làm, nhưng nó vô cùng công hiệu.

Vậy, hạnh phúc, tự thức trách nhiệm, tri ân… Đừng lẫn lộn một kiểu tu theo lễ tục, chết cứng, với một pháp tu linh động, miên mật, thay đổi, khoáng đạt, quang vinh. Vì, chính kinh nghiệm của tôi ngay bây giờ - có lẽ nghe như là vô nghĩa, song tôi biết rằng không - là tôi thấy Padmasambhava ở khắp nơi. Đó chỉ là sự tu tập của tôi. Mọi người, nhất là những người đang gây khó khăn cho người khác, đối với tôi đấy là ân sủng của đấng Liên Hoa Sanh. Với tôi, cơn bệnh này là ân sủng của bậc thầy. Ân sủng tràn trề, tôi có thể tha hồ thưởng thức.

Nhưng được như vậy là nhờ tôi đã luyện tâm… Khi mới khởi sự, tôi luôn luôn ngấm ngầm phê phán mọi sự trong tâm tôi. Tôi phê bình người này, phê bình người nọ. Tôi phê bình cái kiểu anh ta nhìn, tôi phê bình cái kiểu chị ấy ngồi. Tôi thường phê bình: “Tôi không thích ngày hôm nay, bầu trời xám, mưa nhiều quá. Ôi, đáng thương cho tôi! Hãy thương tôi, hãy giúp đỡ tôi!”. Tôi khởi sự như thế, tâm tôi luôn luôn có một bình luận nào đó. Nhưng rồi tôi khởi sự thay đổi. Tôi viết cho tôi những mảnh giấy dán vào đồ đạc trong nhà: “Đừng phê phán!”

Khi bạn sống với tâm bạn - chọn lựa giữa cái này cái kia, như: điều này tốt, điều kia xấu, tôi không thích…”, giữa hy vọng và sợ hãi, ghét và thương, vui và buồn, khi bạn thực sự tóm lấy một trong hai thái cực ấy, thì sự an ổn nội tâm của bạn bị xáo trộn. Một vị Tổ thiền nói: “Con đường lớn không có gì khó, chỉ tối kỵ sự chọn lựa”. Vì Phật tánh của bạn vẫn ở đấy, hạnh phúc ở khắp nơi.

Như vậy, tôi khởi sự làm việc với cái tâm phân biệt khái niệm của tôi. Lúc đầu có vẻ là một chuyện bất khả, nhưng càng tập luyện, tôi khám phá rằng nếu bạn cứ để yên những ý nghĩ khởi lên trong tâm thì chúng hoàn toàn ở nguyên chỗ cũ, không sao cả. Cứ ở với chúng và sung sướng, vì bạn biết bạn có Phật tính.

Bạn không cần phải cảm thấy như bạn có Phật tính. Không phải vậy. Vấn đề là lòng tin cậy, tức là đức tin. Vấn đề là lòng sùng kính, tức là sự quy phục. Điều này theo tôi là cốt yếu. Nếu bạn tin được những gì thầy nói, học tập và cố đưa giáo lý vào tâm bạn những lúc khó khăn, luyện tâm bạn cho khỏi rơi vào những mẫu mực tập quán, nếu bạn có thể chỉ ở với cái gì xảy ra, với một chú ý toàn triệt, thì sau một lúc bạn để ý rằng không có gì ở lâu, ngay cả những ý tưởng tiêu cực. Nhất là thân thể chúng ta. Mọi sự đều biến dịch. Nếu bạn cứ để yên, thì nó sẽ tự giải thoát.

Trong một hoàn cảnh như tình trạng tôi, khi nỗi sợ hãi trở nên quá rõ rệt, quá tràn ngập, và bạn cảm thấy như bị nuốt chửng bởi sự kinh hoàng, bạn phải xét lại tâm bạn. Tôi đã nhận ra rằng nỗi sợ hãi sẽ không giết chết tôi. Đấy chỉ là một cái gì đi qua tâm tôi. Đây là một ý nghĩ, và tôi biết những ý nghĩ sẽ tự giải phóng nếu tôi đừng thọc tay vào. Tôi cũng nhận ra đấy chính là những gì xảy ra trong cõi Trung Ấm, khi bạn thấy một hình ảnh có thể rất kinh hoàng. Nó không ở đâu ngoài tâm bạn. Tất cả những năng lực ấy lâu nay chúng ta đã nén xuống trong thân thể, nay đang được bung ra.

Tôi cũng khám phá rằng, khi tôi đang luyện tâm, có một điểm, một đường mà ta phải vạch sẵn, không để cho tâm ta vượt qua. Nếu vượt qua, ta sẽ có vấn đề, sẽ trở thành cau có, thành một người suy sụp trước mặt mọi người: đó là chuyện nhỏ. Nhưng bạn có thể nổ tung. Người ta thường nổ tung, mất quân bình vì tin vào những gì họ nghĩ trong tâm là có thực . Tất cả chúng ta đều vậy, nhưng có một đường ranh mà bạn không thể vượt qua… Tôi thường bị những cơn kinh hoàng. Tôi nghĩ có một hố lớn đen ngòm nơi khoảnh đất trước mặt tôi. Từ khi tôi luôn luôn tự ban cho tôi cái đặc quyền, cái ân sủng là được hạnh phúc, thì tôi không thấy những hố sâu đen ngòm nữa.

Một vài người trong các bạn thân thiết với tôi còn hơn cả ruột thịt, Vì các bạn đã để cho Padmasambhava đến với tôi bằng một cách khác, bằng tình thương, sự quan tâm săn sóc. Các bạn dường như không cần biết tôi bị Sida. Chưa có ai ở đây hỏi tôi: “Nào, anh làm sao mà bị thế?” . Không có ai ở đây từng nói xa gần rằng đây là một nguyền rủa đối với tôi, chỉ trừ một người bạn cũ cách đây một tuần lễ đã gọi điện cho tôi mà nói: “Anh có nghĩ rằng đây là một nguyền rủa của Thượng đế giáng xuống cho anh chăng?” . Sau khi dứt cơn cười lớn, tôi nói: “ Anh tin rằng Thượng đế đã nguyền rủa trái đất, và thân thể con người là bất tịnh. Nhưng trái lại, tôi tin rằng ân sủng là khởi điểm đầu tiên, chứ không phải sự nguyền rủa” . Từ thời gian vô thủy, mọi sự đã hoàn tất, thuần tịnh và toàn hảo.

Vậy điều tôi làm bây giờ chỉ là an trú trong ánh sáng. Ánh sáng ấy ở khắp nơi. Bạn không thể tránh xa ánh sáng ấy. Đôi khi tôi cảm thấy ngây ngất như mình đang trôi bồng bềnh trong ánh sáng. Tôi đang để cho Padmasambhava mang tôi theo, khi ngài bay qua bầu trời tâm thức.

Bây giờ nếu tôi ngồi đấy mà nghe điều này, tôi sẽ nói: “Được rồi, thế thì tại sao bạn không được chữa khởi bệnh?”. Người ta đã hỏi tôi như thế. Không phải là tôi đã không cố gắng: tôi mua một va-li đầy thuốc. Nhưng tôi đã ngưng chuyện ấy từ lâu. Tôi nghĩ lý do vì sợ nó sẽ can thiệp vào cái tiến trình đã khởi sự. Tiến trình này đối với tôi là một sự thanh lọc, tịnh hóa rất tốt. Tôi biết có rất nhiều ác nghiệp đã được đốt cháy. Có lẽ nó thanh lọc cho mẹ tôi, vì tôi hồi hướng cho bà. Bà rất đau đớn. Rồi có những bạn đạo trong đây mà tôi yêu mến như ruột thịt, họ cũng đau khổ. Tôi đã làm khế ước này với đấng Liên Hoa Sanh: “Nếu con phải ở lại chịu đau đớn để giúp tịnh hóa phần nào ác nghiệp của người khác, thì sung sướng biết bao!”. Đó là lời cầu nguyện của tôi. Tôi không phải là một người thích đau khổ, tôi bảo đảm với bạn! Nhưng tôi cảm thấy chính ân sủng, phước đức của đấng Liên Hoa Sanh đang nhẹ nhàng đưa tôi vào nỗi đau khổ ấy.

Và ở điểm này khi học với Rinpoche về giáo lý Trung Ấm, tôi thấy chết không phải là một kẻ thù… Và đời sống cũng không là một kẻ thù. Sự sống là một điều vinh quang, vì chính trong đời này ta mới có thể tỉnh giác để nhận ra ta là ai.

Bởi thế tôi xin bạn, từ đáy tim tôi, xin bạn đừng phí phạm cái cơ hội mà bạn có - trong khi bạn đang còn tương đối khỏe mạnh - để làm việc với những giáo lý mà bậc thầy đang cống hiến cho bạn… Ngài biết cách đạt đến cái cốt tủy, khi giảng cho bạn nghe về giáo lý Dzogchen, và cũng biết được cách thế nào để đưa bạn đến cốt tủy ấy. Đấy là điều quan trọng: nhất là khi bạn đang chuẩn bị cho cái chết.

Vậy, tôi xin nói lời từ biệt ở đây. Ít nhất trong lúc này… Tôi muốn nói lời từ biệt với những bạn đã thành anh chị em ruột tôi, những bạn tôi mới quen mà chưa có hân hạnh được biết thêm, những bạn tôi chưa cả từng gặp gỡ… Tôi có cảm tưởng tôi có thể chết trong vòng sáu tháng, nhưng cũng có thể là ba tháng. Bởi thế, tôi giữ tất cả các bạn trong tim tôi, và tôi thấy các bạn đều sáng ngời rực rỡ. Không có một bóng tối nào, chỉ thuần là ánh sáng từ trái tim đấng Liên Hoa Sanh thấm nhuần khắp tất cả chúng ta. Nhờ ân sủng của bậc thầy.



PHỤ LỤC BA

HAI BÀI THẦN CHÚ


Hai thần chú nổi tiếng nhất của Tây Tạng là thần chú của Padmasambhava, gọi là thần chú Kim cang Thượng sư (Vajra Guru Mantra) OM AH HUM VAJRA GURU PADMA SIDDHI HUM, và thần chú của Quán Thế Âm, vị Phật của lòng bi mẫn: OM MANI PADME HUM. Hai thần chú này cũng như phần đông thần chú, đều bằng Phạn ngữ, cổ ngữ thiêng liêng của Ấn Độ.



Thần chú Kim cang Thượng sư

Thần chú này được giải thích căn cứ lời giảng dạy của hai ngài Dudjom Rinpoche và Dilgo Khientse Rinpoche.

OM AH HUM

Những âm OM H HUM có nghĩa ngoài, nghĩa trong và nghĩa mật. Nhưng ở mỗi tầng như vậy, OM đều tiêu biểu cho thân. AH là lời và HUM là ý. Cả ba âm tiêu biểu năng lực ân sủng của chư Phật để chuyển hóa thân, lời, ý.

Theo nghĩa ngoài, OM tịnh hóa mọi ác nghiệp của thân, AH của lời, và HUM của ý. Nhờ tịnh hóa thân, lời, ý, OM AH HUM đem lại ân sủng của thân, lời, ý chư Phật. OM cũng là tinh túy của hình sắc, AH của âm thanh, HUM của ý. Khi đọc thần chú này, là ta tịnh hóa hoàn cảnh cũng như bản thân và những người ở trong đó. OM tịnh hóa tất cả nhận thức, AH tất cả âm thanh, và HUM tất cả tâm, ý nghĩ và cảm xúc.

Theo nghĩa trong, OM tịnh hóa những huyệt đạo vi tế, AH tịnh hóa nội phong hay khí lực, và HUM tịnh hóa tinh chất sáng tạo.

Ở tầng mức sâu hơn, OM AH HUM biểu trưng ba thân của Liên Hoa bộ: OM là Pháp thân, Phật A Di Đà, đức Phật của Ánh sáng vô lượng, AH là Báo thân, Quán Thế Âm, vị Phật của tâm đại bi, và HUM là Ứng hóa thân, Liên Hoa Sanh. Điều này có nghĩa, trong trường hợp của thần chú này, cả ba thân đều thể hiện trong một vị là Padmasambhava, Liên Hoa Sanh.

VAJRA GURU PADMA

VAJRA được ví như kim cương, đá quý nhất và cứng nhất. Cũng như kim cương có thể cắt bất cứ gì, mà chính nó thì không có gì phá hủy được, cũng thế trí tuệ bất nhị bất biến của chư Phật không bao giờ bị hại hay bị phá hủy bởi vô minh, và có thể cắt đứt mọi vọng tưởng chướng ngại. Những đức tính và hoạt động thân, lời, ý của chư Phật có thể làm lợi lạc hữu tình với năng lực sắc bén vô ngại như kim cường. Và cũng như kim cương không tỳ vết, năng lực sáng chói của nó tuôn phát từ sự chứng ngộ bản chất Pháp thân của thực tại, bản chất của Phật A Di Đà.

GURU có nghĩ là “sức nặng”, chỉ một người tràn đầy đức tính kỳ diệu, thể hiện trí tuệ, hiểu biết, từ bi và phương tiện thiện xảo. Cũng như vàng ròng là kim loại nặng nhất, quý nhất, cũng thế, những đức không lỗi, không thể nghĩ bàn của bậc thầy làm cho vị ấy không ai vượt qua được, thù thắng hơn tất cả. GURU tương đương với Báo thân, và với Quán Thế Âm, vị Phật của tâm đại bi. Lại nữa, vị Padmasambhava (Liên Hoa Sanh) giảng dạy con đường Mật tông, biểu tượng là Kim cương, và nhờ thực hành Mật tông mà ngài đạt giác ngộ tối thượng, cho nên ngài được biết dưới danh hiệu là Kim cang thượng sư.

PADMA, hoa sen, có nghĩa là Liên hoa bộ trong ngũ bộ, và nhất là khía cạnh Ngôn ngữ giác ngộ của chư Phật ấy. Liên hoa bộ là dòng họ Phật mà con người thuộc vào. Vì Padmasambhava là ứng thân trực tiếp của Phật A Di Đà, vị Phật nguyên ủy của Liên hoa bộ, nên ngài được gọi là “PADMA”, hoa sen. Danh hiệu Liên Hoa Sanh của ngài kỳ thực ám chỉ câu chuyện ngài sinh ra trên một đóa sen nở.

Khi những âm VAJRA GURU PADMA đi liền nhau, thì cũng có nghĩa là tinh tuy và ân sủng của Kiến, Thiền và Hành. VAJRA nghĩa là tinh chất của chân lý bất khả hoại, bất biến, cứng chắc như kim cương, mà chúng ta cầu mong thực hiện được trong Kiến của chúng ta. GURU tiêu biểu tính chất ánh sáng và sự cao quý của giác ngộ, mà ta cầu cho kiện toàn trong thiền định của mình. PADMA tiêu biểu Bi mẫn, mà chúng ta cầu thể hiện được trong Hành động của chúng ta.

Vậy, nhờ tụng đọc thần chú này mà ta nhận được ân sủng của tâm giác ngộ, những đức cao quý và lòng bi mẫn của Padmasambhva và tất cả chư Phật.

SIDDHI HUM

SIDDHI là thành tựu, đạt đến, ân sủng và chứng ngộ. Có hai thứ thành tựu: tương đối và tuyệt đối. Nhờ nhận được ân sủng tương đối, tất cả chướng ngại trong đời như bệnh tật được tiêu trừ, mọi ước nguyện tốt được thành tựu, những lợi lạc như sống lâu, tiền của tăng và mọi hoàn cảnh đều tốt lành, giúp cho tu tiến và chứng ngộ. Thành tựu, hay ân sủng tuyệt đối đem lại giác ngộ, trạng thái thực chứng hoàn toàn của đấng Liên Hoa Sanh để tự lợi và lợi tha. Bởi thế, nhờ nhớ đến và cầu nguyện với những năng lực thân, lời, ý của ngài mà chúng ta sẽ được những ân sủng tương đối và tuyệt đối.

SIDDHI HUM được xem là thâu tóm vào tất cả ân sủng, như nam châm hút sắt.

HUM tiêu biểu tâm giác ngộ của chư Phật, và là xúc tác thiêng liêng của thần chú. Giống như tuyên bố lên quyền năng và chân lý của thần chú: “Hãy là như vậy!” .

Ý nghĩa cốt yếu của bài chú là: “Con triệu thỉnh ngài, đấng Kim cang thượng sư, với ân sủng của ngài, xin hãy ban cho con những thành tựu thế gian và xuất thế gian”.

Dilgo Khientse Rinpoche giải thích:

Mười hai âm OM AH HUM VAJRA GURU PADMA SIDDHI HUM mang tất cả ân sủng của mười hai bộ kinh giáo của Phật, tinh túy của tám muôn bốn ngàn pháp môn. Bởi thế, tụng một lần thần chú Kim cang thượng sư cũng có phước như là đã đọc mười hai bộ loại kinh điển và thực hành các pháp môn khác. Mười hai bộ loại kinh điển là phương thuốc giải cứu chúng ta khỏi mười hai nhân duyên giam giữ chúng ta trong vòng sinh tử. Vô minh, hành, thức, danh sắc, sáu nhập, xúc, thọ, ái, thủ, hữu, sanh, già chết ; mười hai móc xích này là guồng máy của luân hồi sinh tử, làm cho luân hồi tiếp nối. Nhờ tụng đọc mười hai âm này của thần chú Kim cang thượng sư, mười hai nhân duyên được tịnh hóa, tẩy sạch cấu uế của nghiệp cảm và giải thoát sinh tử.

Mặc dù ta không thể trông thấy đức Liên Hoa Sanh, nhưng tâm giác ngộ của ngài đã thể hiện dưới hình thức thần chú này, thần chú này có được toàn thể ân sủng ngài. Bởi thế khi bạn kêu cầu ngài bằng cách tụng đọc mười hai âm thần chú này thì bạn sẽ được ân sủng và công đức vô lượng. Trong thời đại khó khăn này, không có chỗ nương nào bảo đảm hơn là đấng Liên Hoa Sanh, cũng như không có thần chú nào thích hợp hơn thần chú Kim cang thượng sư của ngài.


Thần chú của đại bi tâm
OM MANI PADME HUM

Tạng ngữ đọc là Om Mani Pémé Hung. Thần chú này tiêu biểu tâm đại bi và ân sủng của tất cả chư Phật, Bồ-tát, nhất là ân sủng của Quán Tự Tại, vị Phật của lòng bi mẫn. Quán Tự Tại (hay Quán Thế Âm) là hiện thân của Phật trong hình thức Báo thân, và thần chú của ngài được xem là tinh túy của lòng bi mẫn của chư Phật đối với hữu tình. Nếu Liên Hoa Sanh là bậc thầy quan trọng nhất của người Tây Tạng, thì Quán Tự Tại là vị Phật quan trọng nhất của họ, là vị thần hộ mạng của dân tộc này. Có câu nói nổi tiếng là vị Phật của lòng bi mẫn đã ăn sâu vào tiềm thức Tây Tạng tới nỗi một hài nhi vừa biết nói tiếng “Mẹ” là đã biết đọc thần chú này, OM MANI PADME HUM.

Tương truyền vô lượng kiếp về trước có một ngàn thái tử phát tâm Bồ-đề nguyện thành Phật. Một vị nguyện thành Phật Thích Ca mà ta đã biết ; nhưng Quán Tự Tại thì nguyện sẽ không đạt thành Chánh giác khi mà tất cả ngàn thái tử chưa thành. Với tâm đại bi vô biên, ngài còn nguyện giải thoát tất cả chúng sanh ra khỏi khổ sinh tử luân hồi trong lục đạo. Trước mười phương chư Phật, ngài phát nguyện: “Nguyện cho con cứu giúp được tất cả hữu tình, và nếu có khi nào con mệt mỏi trong công việc lớn lao này thì nguyện cho thân con tan thành một ngàn mảnh”. Đầu tiên, ngài xuống cõi địa ngục, tiến lên dần đến cõi ngạ quỷ, cho đến các cõi trời. Từ đấy ngài tình cờ nhìn xuống và trông thấy than ôi, mặc dù ngài đã cứu vô số chúng sanh thoát khỏi địa ngục, vẫn còn có vô số khác đang sa vào. Điều này làm cho ngài đau buồn vô tận, trong một lúc ngài gần mất tất cả niềm tin vào lời nguyện vĩ đại mà ngài đã phát, và thân thể ngài liền nổ tung thành ngàn mảnh. Trong cơn tuyệt vọng, ngài kêu cứu tất cả chư Phật. Những vị này từ mười phương thế giới đều bay đến như mưa tuyết để tiếp cứu. Với thần lực nhiệm mầu, chư Phật làm cho ngài hiện toàn thân trở lại, và từ đấy Quán Tự Tại có mười một cái đầu, một ngàn cánh tay, trên mỗi lòng tay có một con mắt. Ý nghĩa rằng sự phối hợp giữa trí tuệ và phương tiện thiện xảo là dấu hiệu của đại bi chân thực. Trong hình thức này, ngài còn sáng chói rực rỡ, và có nhiều năng lực hơn trước để cứu giúp tất cả chúng sanh. Tâm đại bi của ngài khi ấy còn mãnh liệt hơn nữa, và ngài lại phát lời nguyện này trước chư Phật: “Con nguyện không thành chánh giác khi tất cả chúng sanh chưa thành”.

Tương truyền rằng vì đau buồn trước nỗi khổ luân hồi sinh tử, hai giọt nước nướt mắt đã rơi từ đôi mắt ngài, và chư Phật đã làm phép biến hai giọt nước mắt ấy thành hai nữ thần Tara. Một nữ thần có màu xanh lục, năng lực hoạt động của tâm đại bi, và một nữ thần có màu trắng, khía cạnh như mẹ hiền của tâm đại bi. Tara có nghĩa là người giải cứu, người chuyên chở chúng ta vượt qua biển sinh tử.

Theo kinh điển đại thừa, chính Quán Tự Tại đã cho đức Phật câu thần chú, và đức Phật trở lại giao phó cho ngài công tác cao quý đặc biệt là cứu giúp tất cả chúng sanh tiến đến giác ngộ. Vào lúc ấy, chư thiên tung hoa xuống ca ngợi hai ngài, quả đất chấn động, và không trung vang lên âm thanh OM MANI PADME HUM HRIH.

Có câu thơ về ngài ý nghĩa như sau:

“Quán Thế Âm như vầng trăng, với ánh sáng mát dịu, dập tắt những thiêu đốt của sinh tử. Trong ánh sáng ấy, đóa sen từ bi - lọai hoa nở về đêm - mở ra những cánh trắng tinh khôi” .

Giáo lý giải thích rằng mỗi âm trong sáu âm của thần chú OM MANI PADME HUM có một hiệu quả đặc biệt để mang lại sự chuyển hóa thuộc nhiều tầng lớp khác nhau của bản thể ta. Sáu âm này tịnh hóa tất cả sáu phiền não gốc, biểu hiện của vô minh khiến chúng ta làm những ác nghiệp của thân, lời, ý, tạo ra luân hồi sinh tử và những khổ đau của chúng ta, trong đó kiêu mạn, ganh tị , dục vọng, ngu si, thèm khát và giận dữ, nhờ thần chú mà được chuyển hóa trở về bản chất thực của chúng, trí giác của sáu bộ tộc Phật thể hiện trong tâm giác ngộ. (Chú thích: Giáo lý thường nói đến năm bộ tộc Phật, bộ tộc thứ sáu là tổng hợp của năm bộ tộc trên).

Bởi thế, khi ta tụng thần chú OM MANI PADME HUM thì sáu phiền não nói trên được tịnh hóa, nhờ vậy ngăn ngừa được sự tái sinh vào sáu cõi, xua tan nỗi khổ ẩn tàng trong mỗi cõi. Đồng thời thần chú này cũng tịnh hóa các uẩn thuộc ngã chấp, hoàn thành sáu hạnh siêu việt của tâm giác ngộ (sáu ba la mật): bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí tuệ. Người ta cũng nói rằng thần chú OM MANI PADME HUM có năng lực hộ trì rất lớn, che chở ta khỏi những ảnh hưởng xấu và các thứ tật bệnh.

Thường có chủng tự HRIH của Quán Thế Âm được thêm vào sau câu thần chú, làm thành OM MANI PADME HUM HRIH. HRIH là tinh yếu tâm đại bi của tất cả chư Phật, là chất xúc tác đã khởi động tâm đại bi chư Phật để chuyển hóa các phiền não của ta thành bản chất trí tuệ của các ngài.

Kalu Rinpoche viết:

Một cách khác để giải thích thần chú này là: OM là tính chất của thân giác ngộ, MANI PADME tiêu biểu ngữ giác ngộ, HUM tiêu biểu ý giác ngộ. Thân, ngữ, ý của tất cả chư Phật được tàng ẩn trong âm thanh của thần chú này. Thần chú này tịnh hóa những chướng ngại của thân, lời, ý, và đưa tất cả hữu tình đến trạng thái chứng ngộ. Khi tụng thần chú này, mà phối hợp với đức tin và tinh tấn thiền định thì năng lực chuyển hóa của thần chú sẽ phát sinh và tăng trưởng. Quả vậy, chúng ta có thể tịnh hóa bản thân bằng phương pháp ấy.

Đối với những người đã quen thuộc với thần chú này, suốt đời tụng đọc với nhiệt thành và niềm tin, thì Tử Thư Tây Tạng nói, ở trong cõi Trung Ấm: “Khi âm thanh của pháp tánh gầm thét như ngàn muôn sấm sét, nguyện cho tất cả tiếng này trở thành âm thanh của thần chú sáu âm”. Tương tự, kinh Lăng Nghiêm cũng nói:

“Mầu nhiệm thay là âm thanh siêu việt của Quán Thế Âm. Đấy là âm thanh tối sơ của vũ trụ… Đó là tiếng thì thầm âm ỉ của thủy triều trầm lắng. Tiếng mầu nhiệm ấy đem lại giải thoát bình an cho tất cả hữu tình đang kêu cứu trong cơn đau khổ, và đem lại một sự an trú thanh tịnh cho tất cả những ai đang tìm sự thanh tịnh vô biên của niết bàn”.


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]