Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 4: Thái độ và Quan điểm

27/12/201013:04(Xem: 3959)
Chương 4: Thái độ và Quan điểm

CHÁNH NIỆM CƠ BẢN

Thiền sư: Henepola Gunaratana
Dịch Việt: Lương Thanh Bình

Chương 4: Thái độ và Quan điểm

Thế kỷ vừa qua, khoa học thực nghiệm phương Tây đã thành công những khám phá mà làm cho chính con người cũng phải kinh ngạc, và làm thay đổi nhân sinh quan đã có của nhân loại về vũ trụ trong quá khứ. Ví dụ như, hạt nhân là một phân tử rất nhỏ mà mắt người không thể nào nhìn thấy nếu không có những dụng cụ thích hợp đúng mức. Tùy vào góc độ nhìn, bạn có thể thấy hạt nhân có hình dạng của một quả cầu nhỏ nhảy lung tung theo một đường thẳng, hay là nó có dạng của một điện tử thể tạo nên những làn sóng. Nó rực sáng và di động lung tung. Một điện tử thể là một sự kiện hơn là một vật thể, và người quan sát cũng là một phần tử của sự kiện trong quá trình tiến hành sự khám nghiệm mà không thể nào tách rời được.

Triết học Đông phương đã nhận thấy ra nguyên lý cơ bản này từ lâu rồi. Tâm là một dòng vận hành của sự kiện và người quan sát cũng là một bộ phận trong tiến trình ấy mỗi lần hành giả quay tâm vào bên trong. Tu thiền là tham dự vào sự quán sát.Những gì bạn đang nhìn thì phản ảnh qua tiến trình của sự nhìn. Cho nên cái mà bạn đang nhìn là chính bạn, và cái mà bạn thấy được còn tùy thuộc vào cách nhìn của mình. Do đó, quá trình tu thiền thì rất ư là tinh vi vì bởi cái hệ quả có được luôn luôn bị tác động bởi trạng thái tâm của hành giả trong lúc đó. Vì lý do đó, thái độ của hành giả thật là quan yếu đối với thành quả của sự tu tập, như đã được nhắc qua ở phần trên. Chúng tôi đúc kết ở đây một cách cô đọng vài qui luật trong lúc tu tập.

Đừng kỳ vọng bất cứ một thứ gì. Chỉ ngồi và quan sát những gì đang xảy ra. Ví toàn thể như là một cuộc thí nghiệm để xem nó ra sao, và không để cho mình bị phân tâm bởi lòng mong muốn một kết quả nào đó. Theo chiều hướng đó, đừng lo âu về bất kỳ cái gì xảy ra. Hãy để thiền phát triển theo chiều hướng và vận hành của nó; cho nó dạy những gì bạn muốn học. Tu tập tỉnh giác là tìm kiếm để nhìn ra sự thật như-nó-là. Dù cho có phù hợp với kỳ vọng của chúng ta hay không, tu thiền đòi hỏi sự đình chỉ tạm thời mọi định kiến và khái niệm đã có của chúng ta. Cho nên chúng ta phải tạm dẹp qua một bên tất cả những kiến giải, quan niệm, qui ước trong suốt thời gian này, bằng không chúng ta sẽ phải sẩy chân ngã xuống bởi những thứ này.

Đừng quá căng thẳng: đừng nên cưỡng ép quá mức hay tạo nên những cố gắng ngoài sức mình. Tu thiền là không thể nào hiếu động, không có sự phấn đấu vượt sức người. Chỉ để cho sự cố gắng của bạn ung dung và đều đặn.

Đừng vội vã:Không nên hấp tấp, phải từ từ. Ngồi xuống và xem như là bạn có trọn một ngày để ngồi. Bất cứ những gì quí báu đều cần có thời gian phát triển. Kiên nhẫn. Nhẫn nại.

Đừng dính mắc và phản kháng bất cứ gì:Hãy để những gì đến và điều chỉnh mình cho thích hợp với nó, bất cứ là gì. Nếu một hình ảnh tốt đẹp hay xấu nào xuất hiện thì cũng mặc kệ; nhìn vào chúng giống như nhau và làm cho mình thư thản với bất kỳ điều gì xảy ra. Đừng đấu đá với kinh nghiệm của chính mình mà chỉ quan sát nó trong Chánh niệm.

Buông xả: Học cách hòa đồng mình vào dòng thay đổi của những hiện tượng phát sinh. Nới lỏng và thư thái.

Chấp nhận mọi sự kiện khởi sinh:Đón nhận cảm xúc của bạn ngay cả những xúc cảm mà bạn không mong có được, kinh nghiệm những gì dù cho bạn không thích nó. Đừng chỉ trích bản thân vì những khuyết điểm và giới hạn của mình. Hãy học nhìn tất cả hiện tượng trong tâm một cách tự nhiên và cảm thông. Cố gắng thực tập đón nhận một cách vô tư trong mọi thời và nghiêm chỉnh đối với mọi kinh nghiệm mà bạn đang có.

Hãy dịu dàng với chính mình:Hãy hòa nhã với bản thân. Có thể chưa là người hoàn hảo nhưng đây là con người mà bạn chỉ có thể có để bắt đầu. Quá trình để trở thành luôn luôn bắt đầu từ sự chấp nhận trọn vẹn con người bạn đang-là.

Tự kiểm soát mình: Luôn đặt câu hỏi. Đừng bao giờ cả tin một điều gì, nhất là những gì nghe qua chừng như có vẻ là thông thái hay phải vâng theo vì đó là lời ban truyền qua những người linh hướng. Hãy tự thấy. Điều đó không có nghĩa là bạn nên tỏ ra thờ ơ, xấc xược hay không tôn kính họ, mà là nên kiểm chứng qua thực nghiệm. Hãy đưa những lý lẽ kia qua sự kiểm nghiệm và để cho kết quả dẫn dắt bạn tới sự thật. Trí tuệ tự chứng phát triển dần từ lòng mong ước từ bên trong ra để tiếp xúc với sự thật và đạt đến trí tuệ giải thoát về vạn hữu đời sống. Toàn thể sự tu tập tùy thuộc vào lòng mong muốn hiểu biết sự thật này. Nếu không có nó, sự tu tập chỉ có tính cách làm dáng mà thôi.

Nhìn mọi vấn đề như là những đề mục: Hãy nhìn thật gần những cơn thối chí trổi dậy như là những cơ hội học hỏi và huấn luyện kỷ năng tập trung cho mình. Đừng bao giờ trốn tránh, chê trách bản thân hay che dấu trong êm lặng. Bạn gặp trở ngại? Rồi thì sao! Thì cũng giống như có lúa bỏ vào trong máy xay, hãy vui vẻ lao vào mà khám xét, quan sát để học hỏi thêm.

Đừng phân vân:Bạn không cần phải giải quyết bất kỳ một việc gì cả. Những sự suy nghĩ rời rạc sẽ không giúp được gì cho bạn cả trong vấn đề thoát ly khỏi ngục tù tư duy nhị nguyên. Trong thiền định, tâm phải được tôi luyện một cách tự nhiên qua chánh niệm, qua sự chú tâm đơn thuần không văn tự. Thói quen chậm rãi thì không hẵn là cần thiết trong việc loại bỏ những tập quán hay lơ đãng, trôi dạt của tâm này. Điều cần thiết hơn tất cả là sự nhận thức trong sáng không gầy dựng trên khái niệm về bản chất của sự kiện và đường lối vận hành của nó. Chỉ bấy chừng ấy cũng đủ để phân hóa chúng. Khái niệm và phân tích chỉ tạo thêm trở ngại mà thôi. Đừng suy nghĩ mà hãy nhìn.

Đừng chú trọng về sự khác biệt:Sự khác biệt giữa người và người thì luôn luôn tồn tại, nhưng quan tâm nhiều về nó thì rất ư là nguy hiểm, nếu không khéo, nó sẽ đưa ta đi dần đến tính ích kỷ. Thông thường sự nghĩ suy của con người thì đầy dẫy nét tham lam, ganh tị và tự phụ. Khi nhìn người khác trên đường, một người có thể lập tức nghĩ như thế này, “Anh ta thì đẹp trai hơn tôi.” Tư tưởng ấy tạo ra cái quả gần là lòng đố kỵ và sự ngượng ngập. Một người nữ có thể nghĩ khi nhìn thấy một người nữ khác, “Mình đẹp hơn cô ta.” sẽ làm cho mình phát sinh lòng tự phụ. Những loại so sánh như thế này là một thói quen tâm lý, sẽ đưa con người đến những trạng thái tâm ô nhiễm như là: tham lam, ganh tị, tự phụ, đố kỵ, ganh ghét. Đó là trạng thái vụng về của tâm mà chúng ta luôn luôn có trong mọi thời. Chúng ta hay so sánh sắc diện, nghề nghiệp, thành quả, danh tiếng, tài sản hay trí tuệ tri thức, những thứ này đều dẫn đến một kết quả — sự cô lập, những cách ngăn giữa con người, và cảm giác không lành mạnh.

Việc làm của thiền sinh là xóa đi những thói quen vụng về này, bằng cách xét nghiệm nó một cách thấu suốt; để rồi thay vào những tư tưởng hoàn thiện hơn. Thay vì chỉ bận rộn so sánh về sự khác biệt, thiền sinh huấn luyện cho mình nhận diện ra sự đồng dạng giữa mình và người khác. Khi tập trung nhìn vào những điểm tương đồng của mọi người, sẽ giúp cho hành giả gần gủi hơn với họ. Theo lối này, nếu có sự khác biệt hiện hữu, thì thay vì cảm giác lãnh đạm khởi sinh, thiền sinh sẽ phát sinh sự đồng cảm.

Thở là một quá trình rất tự nhiên. Tất cả mọi loài có xương sống đều thở theo cùng một chiều hướng như nhau. Loài động vật hoán đổi hơi thở với môi trường chung quanh theo cách này hay cách khác. Cho nên, đây cũng là một trong nhiều lý do, hơi thở được chọn làm đề mục đối tượng cho tu thiền. Thiền sinh được khuyến khích, nên khám phá quá trình hơi thở của mình như là một phương tiện để nhận diện ra mối tương quan vốn có giữa bản thân và vũ trụ chung quanh mình. Điều này không có nghĩa là chúng ta nhắm mắt xoay lưng với tất cả những gì khác biệt đang vây quanh ta. Sự khác biệt dĩ nhiên tồn tại, cho nên ở đây nó có nghĩa là, chúng ta coi nhẹ sự khác biệt và chú trọng hơn về điểm tương đồng. Phương pháp được đề nghị như thế này:

Khi nhận thức được đối tượng giác quan nào, thiền sinh không nên tiếp nhận nó theo lề lối một tự ngã thường hay làm, mà nên quan sát cái tiến trình khái niệm của nó. Thiền sinh nên nhìn cảm giác đang trổi dậy và những tâm sở nối đuôi theo cảm giác này khởi sinh lên. Để rồi thiền sinh có thể ghi nhận những thay đổi xảy ra trong ý thức của mình. Trong khi quan sát những hiện tượng này, thiền giả phải lưu ý những nét tượng trưng về những gì mình đang thấy. Cái khái niệm ban đầu đó sẽ làm phát sinh nét dễ chịu, khó chịu, hay trung tính, đây là tính chất chung của mọi hiện tượng. Nó xảy ra như nhau cho tất cả mọi người và thiền sinh nên thấy ra điều đó. Tiếp theo sau cảm giác đó, những phản ứng tùy thuộc sẽ phát sinh, thiền sinh có thể có cảm giác tham lam, khát khao, hay ganh tị; hoặc là cảm thấy sợ hãi, lo lắng, bồn chồn, hay nhạt tẻ; đây cũng là rất tự nhiên. Thiền sinh chỉ đơn giản ghi nhận chúng và nhận thức ra, đây là những phản kháng này luôn xảy ra cho mọi con người.

Tu tập theo đường lối so sánh này có thể tạo ra những áp lực và căng thẳng lúc ban đầu vì không quen. Theo thời gian, tiến trình này sẽ thay thế cho thói quen tự kỷ đang có của mình và trở thành tự nhiên hơn. Chúng ta sẽ thấu hiểu và cảm thông với mọi người hơn; không còn dễ nổi giận hay ngoảnh mặt đối với người khác. Chúng ta càng trở nên hòa nhập với đời sống hơn.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]