- Chương 1: Thiền định: Tại sao phải bận tâm?
- Chương 2: Tu thiền không phải là
- Chương 3: Tu thiền là gì?
- Chương 4: Thái độ và Quan điểm
- Chương 5: Sự Tu tập
- Chương 6: Làm gì đây với thân của bạn?
- Chương 7: Làm gì đây với Tâm của bạn?
- Chương 8: Cấu trúc của sự tu tập
- Chương 9: Tổ chức sự Tu tập
- Chương 10: Đối diện với khó khăn
- Chương 11: Đối diện với Vọng tâm – I
- Chương 12: Đối diện với Vọng tâm – II
- Chương 13: Chánh Niệm (Sati)
- Chương 14: Chánh niệm so với sự tập trung
- Chương 15: Tu thiền trong đời sống hàng ngày
- Chương 16: Những gì cho bạn
CHÁNH NIỆM CƠ BẢN
Thiền sư: Henepola Gunaratana
Dịch Việt: Lương Thanh Bình
Thiền tập là một từ ngữ, mà từ ngữ thì được dùng bởi nhiều người và bằng nhiều cách khác nhau. Điều này dường như là một điểm rất thông thường, nhưng thật ra thì không phải vậy. Rất ư là quan trọng để xác định người nói đang muốn nói về điều gì. Mỗi phong tục đều có phương pháp tu tập tâm linh mà người bản xứ đều dùng từ ngữ “thiền định” để gọi. Đó là tuỳ thuộc vào sự hời hợt của cái định nghĩa mà con người gán cho cái từ ngữ đó. Mọi người trên thế gian đều làm việc đó, từ Phi châu cho đến người Bắc cực. Phương pháp thì khác biệt rất to lớn, và chúng tôi không có ý định mổ xẻ vấn đề này vì có nhiều quyển sách đã làm việc đó. Ở đây, chúng tôi chỉ giới hạn sự thảo luận của chúng ta trong phạm trù của những người Tây phương về từ ngữ này.
Theo truyền thống Cơ đốc giáo, chúng tôi thấy hai cách tu tập trùng lặp lên nhau được gọi là “Lời yêu cầu khẩn thiết” và “Sự trầm ngâm.” “Lời yêu cầu khẩn thiết” là hướng thẳng đến một vài vị thần thánh nào đó. “Sự trầm ngâm” là kéo dài ý nghĩ về điều gì đó cho nó dài ra trong một khoãng thời gian, thường thì là một quan niệm hay một đoạn kinh nào đó. Từ quan điểm tâm linh của từng tập quán, cả hai hành động trên đều là sự huấn luyện cho khả năng tập trung tâm ý. Những tư tưởng có ý thức thông thường khi lan tràn thì sẽ bị câu thúc, hạn chế, và được đưa vào một vùng hoạt động có kiểm soát. Kết quả của cáp pháp này là: sự bình tĩnh sâu lặng, sự chuyển hóa sinh lý thật chậm, và trạng thái bình an, thoải mái.
Thiền Yoga phát sinh từ truyền thống Ấn độ giáo, chỉ chuyên nhất cho tính tập trung. Sự huấn luyện cơ bản theo truyền thống này bao gồm tập trung tâm vào một đối tượng: một viên đá, ngọn lửa của một cây nến, một âm giai hay bất cứ gì, và giữ không cho tâm đi lung tung. Có được kỷ năng căn bản, hành giả Yogi sẽ phát triển sự huấn luyện tới nhiều đối tượng phức tạp hơn: tụng kinh, hình tượng tôn giáo có nhiều màu sắc, những nguồn năng lượng trong thân thể vv… Mặc dù vậy, không cần biết đối tượng có phức tạp ra sao, phương pháp vẫn đơn thuần là huấn luyện tập trung.
Trong truyền thống Phật giáo, sự tập trung cũng có giá trị rất cao. Nhưng cộng thêm vào đó, còn quan trọng hơn nữa là “sự Tỉnh giác.” Tất cả pháp môn tu thiền trong Phật giáo đều hướng về phát triển Tỉnh giác, chỉ dùng sự tập trung tâm ý như là một phương tiện. Truyền thống Phật giáo thì rất rộng rãi, bằng bất cứ cách nào, chỉ có vài cách thuận tiện để đi tới mục đích. Thiền tôngcó hai hướng đi khác nhau. Cách thứ nhất là “lao thẳng vào sự chú tâm bằng tất cả mọi năng lực (khán thoại đầu).” Bạn ngồi xuống đó, quăng bỏ tất cả ra khỏi tâm, chỉ đơn thuần ngồi đó với sự chú tâm. Nghe qua thì rất đơn giản, nhưng thật không đơn giản chút nào cả. Một cuộc trắc nghiệm ngắn ngũi sẽ chứng minh sự khó khăn ra sao. Cách thứ hai, thì được dùng theo phái Lâm tế là, “lừa dối tâm ra ngoài tư tưởng ý thức để đi vào sự tỉnh giác đơn thuần.” Để làm được điều này, thiền sinh sẽ được cho một Công án để giải, nó sẽ đưa thiền sinh vào một tình trạng huấn luyện rất ư là khủng khiếp. Bởi vì, thiền sinh không thể nào thoát ra khỏi cơn thống khổ của điều kiện, người ấy phải vượt thoát vào trong kinh nghiệm đơn thuần của phút giây hiện tại. Không có nơi nào khác để đi. Thiền tông thì rất là khó khăn. Nó thì rất hiệu nghiệm cho một số người, nhưng nó rất ư là khó.
Một phương pháp khác trong Phật giáo thì gần như trái ngược, đó là Mật tông. Tư tưởng ý thức, ít nhất cũng là phương cách chúng ta thường hay làm, là sự biểu lộ của cái Ngã, cái “Ta” mà bạn thường nghĩ bạn là. Tư tưởng ý thức thì liên đới chặt chẽ với quan niệm Bản ngã. Quan niệm bản ngã hay Ngã thì không gì hơn là một chuỗi phản ứng và hình tượng tâm linh đã được trùm lên dòng vận hành của sự chú tâm thuần khiết. Mật tông tìm kiếm để đạt được sự chú tâm thuần khiết bằng cách hủy hoại đi cái hình tượng “Ta” này. Đây là sự huấn luyện qua quá trình hình dung. Thiền sinh nhận được một hình tượng tôn giáo nào đó để chú tâm vào, ví dụ như, một trong những vị thần trong đền thờ Mật tông. Thiền sinh sẽ thâm nhập cho đến khi nào mình trở thành vị thần ấy. Thiền giả lấy ra cái định danh riêng của mình và thay thế cái khác vào. Bạn có thể tưởng tượng ra là cần bao lâu thời gian để làm trọn vẹn việc này, nhưng nó lại có kết quả. Trong suốt quá trình, thiền giả có thể xem xét cái đường lối mà cái Ngã được tạo nên và tồn tại. Thiền giả rồi sẽ nhận ra bản chất tùy tiện của các Ngã, ngay cả “cái Ngã” của chính mình, để rồi thiền giả không còn chấp chặt vào cái Ngã đó nữa. Thiền giả sẽ rơi vào trạng thái mà người đó có thể chọn cái Ngã của chính mình, hay cái Ngã của bất cứ ai mà mình muốn, hay là không chọn cái Ngã nào cả. Kết quả là: Sự chú tâm thuần khiết. Mật tông thì không phải là một đường lối tu tập dễ dàng gì.
Thiền quánlà phương pháp tu tập xưa cũ nhất trong Phật giáo. Phương pháp này được ghi lại trong Kinh Đại niệm Xứ đã được dạy bởi chính đức Phật. Thiền quán là trực tiếp và vun trồng từ từ Chánh niệm hay Tỉnh giác. Nó phát triển từng bước một theo thời gian. Sự quan tâm của thiền sinh là trực diện với sự xem xét cao độ về mọi mặt trong đời sống của mình một cách cẩn thận. Thiền sinh tập sự nhận ra càng nhiều hơn dòng kinh nghiệm về cuộc đời mình. Thiền quán là một phương phát rất tinh vi, và cũng rất ư là thâm sâu. Nó tuy là một hệ thống rất xưa cũ và có qui chế trong lối tu tập sự bén nhạy, là một bộ môn tập tành cho thiền giả trở nên nhạy bén hơn đối với những kinh nghiệm cuộc đời. Có chú tâm lắng nghe, thấy toàn diện, và cẩn thận tra vấn. Chúng ta học cách ngữi chính xác, chạm hoàn toàn, thật sự để ý tới những gì chúng ta đang cảm giác. Chúng ta học nghe tư tưởng của mình mà không dính mắc vào chúng.
Đối tượng tu tập thiền quán là học cách chú ý. Chúng ta hay nghĩ rằng đó là những gì chúng ta đang luôn luôn làm, nhưng đó chỉ là ảo tưởng. Nó đến từ sự thật là, chúng ta chỉ chú ý rất ít đối với mọi kinh nghiệm đời sống của mình đang xảy ra, giống gần như chúng ta đang ngủ. Chúng ta chỉ đơn giản không chú ý đủ để nhận ra rằng chính mình không có chú tâm. Đó là một tình trạng tiến thoái lưỡng nan khác.
Xuyên qua quá trình tu tập Chánh niệm, chúng ta dần dần trở nên nhận biết ra về những gì mình thật-sự-là ở phía dưới cái hình tượng “Ngã” của mình. Rồi chúng ta tỉnh mộng ra, thật sự cuộc đời là ra sao. Nó không chỉ là một cuộc diễn hành đi lên đi xuống, một que kẹo đập mạnh vào cổ tay. Đó chỉ là một ảo tưởng. Cuộc sống có sự cấu tạo rất sâu xa, thâm thúy hơn nhiều nếu chúng ta chịu bận tâm nhìn và nhìn một cách đúng đắn.
Thiền quán là một dạng thể huấn luyện cho tâm, nó dạy bạn biết thế nào để kinh nghiệm thế gian theo một chiều hướng mới. Bạn sẽ học lần đầu trong đời mình về những gì thật sự xảy ra cho thân-tâm của mình, đối với chung quanh và bên trong. Nó là một tiến trình của sự khám phá tự thân, một phương pháp mang tính cách điều tra mà thiền sinh phải quan sát những kinh nghiệm riêng của mình, trong khi tham dự và cùng chúng diễn tiến. Sự tu tập phải luôn được thực hiện với thái độ tích cực.
“Hãy quên đi những gì tôi đã dạy. Quên hết những học thuyết, sự phán xét, và khuông mẩu. Tôi muốn hiểu bản chất thật sự của đời sống. Tôi muốn biết những gì mà cái kinh nghiệm của sự sống thật sự ra sao. Tôi muốn hiểu rõ sự thật và những chất lượng sâu sắc của đời sống, mà tôi không muốn chỉ chấp nhận sự giải thích của người khác. Tôi muốn tự mình thấy nó.” Nếu bạn theo đuổi sự tu tập của mình với thái độ này, bạn sẽ thành công. Tự bạn sẽ thấy mình quan sát sự vật một cách khách quan, đúng như-nó-là — vận hành và thay đổi trong mỗi sát na thời gian. Cuộc sống rồi sẽ trở nên phong phú không thể ngờ và không thể nào diễn tả hết được. Nó chỉ có thể kinh nghiệm mà thôi.
Theo ngôn ngữ Pali thì Thiền Tuệ là Vipassana Bhavana.Bhavana bắt nguồn từ chữ gốc “Bhu”, có nghĩa là lớn lên hay trở thành. Do đó, Bhavana có nghĩa là vun trồng, và từ ngữ này luôn luôn dùng để chỉ cái Tâm. Bhavana có nghĩa là “vun trồng tâm.” 'Vipassana' thì được chuyển hóa từ hai chữ gốc. 'Passana' nghĩa là thấy hay nhận thấy. 'Vi' là tiếp đầu ngữ với nghĩa bao hàm ý chính. Nghĩa căn bản là “theo một cách thật đặc biệt”, nhưng cũng bao hàm của cả hai ý “đi vào” và “xuyên qua”. Toàn nghĩa của chữ là “nhìn vào một việc gì với sự trong sáng và chính xác”, thấy mỗi một bộ phận theo từng phần, phân biệt, và xuyên thủng qua tất cả, để nhận thấy những sự thật cơ bản nhất của vật ấy. Quá trình này dẫn đến sự thấu hiểu sâu sắc cái bản chất thật của bất cứ sự vật gì đang được xem xét. Rốt cuộc, ‘Vipassana Bhavana’ có nghĩa là sự vung trồng tâm, với mục đích thấy theo một cách đặc biệt để đưa đến sự thấu hiểu và nhận thức một cách đầy đủ.
Trong thiền Minh Sát, chúng ta vun trồng phương pháp nhìn mới về cuộc đời. Chúng ta tự huấn luyện mình lối nhìn sự vật một cách chính xác như-nó-là, và trạng thái nhìn đặc biệt này theo thiền ngữ được gọi là “Chánh niệm.” Tiến trình Chánh niệm này rất khác biệt với những lề lối mà con người thế gian thường hay làm hàng ngày. Thông thường ta không nhìn vào những gì thật sự đang diễn ra trước mặt, mà nhìn cuộc đời qua lăng kính của tư tưởng và khái niệm. Do đó, chúng ta luôn lầm lẫn những “tâm ảnh” này rồi cho nó là sự thật. Từ đó, chúng ta bị trói buộc bởi dòng tư duy vô tận trong khi sự thật thì cứ lững lờ đi qua mà không nhận biết ra. Chúng ta hoang phí phần lớn thời gian vào những công việc bận rộn, bấn loạn đeo đuổi theo dục lạc, thỏa mãn, và sự trốn lánh đau đớn, khó chịu. Tất cả bao nhiêu năng lượng đã bị tiêu hao để mong làm cho chúng ta cảm giác tốt hơn, để che dấu sự sợ hãi của mình. Chúng ta không ngừng tìm cầu sự an toàn. Trong thời gian đó, cả một trời kinh nghiệm thật sự luôn xảy ra mà ta không hề hay biết tí nào cả. Tu tập thiền Minh Sát là ta học biết làm ngơ đối với những cảm hứng bất chợt nổi lên mong muốn thoải mái, mà là lao thẳng vào sự thật. Điều mỉa mai là,sự an bình thật sự chỉ xuất hiện khi nào bạn không còn đeo đuổi theo nó nữa. Đây cũng là một điều tiến thoái lưỡng nan khác nữa.
Khi không bị căng thẳng, lòng ham muốn rất dễ tác động để phát sinh sự đòi hỏi. Còn khi buông xả đi những dính mắc khát vọng thì nét đẹp chân chính của cuộc đời lại xuất hiện. Khi bạn tìm biết sự thật mà không còn vướng mắc vào ảo tưởng, ôm trọn tất cả niềm đau và hiểm họa của nó (sự thật), thì đó chính là lúc sự giải thoát chân chính hiện hữu với bạn. Đây không phải là một chủ thuyết mà chúng tôi muốn nhồi sọ bạn. Đây là một sự thật có thể quan sát, một sự kiện mà bạn có thể và nên tự mình kiểm chứng.
Hơn 2,500 năm tồn tại, hệ thống tư tưởng Phật giáo có đủ nhân duyên và thời gian để phát triển nhiều từng lớp trên phương diện chủ thuyết và nghi thức tôn giáo. Tuy thế, quan điểm cơ bản của Phật giáo vẫn khuyến khích về lãnh vực thực nghiệm và phản đối lại chủ thuyết độc đoán. Đức phật Thích Ca là người không chủ xướng truyền thống nào cả và không chấp nhận chủ nghĩa lập khuôn. Ngài không đề ra pháp tu như là một hệ thống giáo điều; mà là đề cương ra một phương pháp để cho mỗi cá nhân có thể tự mình thẩm xét. Cũng như lời của ngài đã nói, mời bạn đến để “thấy”. Một điều mà ngài có nói với các môn đệ rằng “đừng đặt thêm chiếc đầu khác trên đầu của mình.” Ở đây, ngài muốn nhắc nhở mọi người là, đừng bao giờ chấp nhận tin lời của bất cứ một ai. Hãy tự mình thấy.
Chúng tôi muốn bạn hãy trang bị cho mình cái tác phong trên khi đọc từng chữ trong quyển sách này. Chúng tôi không hứa hẹn rằng bạn sẽ chấp nhận tất cả những gì trong đây, vì nghĩ rằng chúng tôi là những kẻ có thẩm quyền trong lĩnh vực này. Tin mù quáng không có dính dáng gì ở đây cả. Đây chỉ là những kinh nghiệm thực tại. Học để điều chỉnh quan niệm của mình cho phù hợp với cái tinh thần đã được dẫn giải trong đây, rồi bạn sẽ tự mình thấy ra. Duy nhất điều đó mới tạo cho bạn những căn bản gầy dựng niềm tin chân chính. Trí tuệ trực quán là quá trình tu tập quán sát cho sự khám phá cá nhân một cách rất thuần khiết.
Đã từng có nói qua, chúng tôi sẽ trình bày một bản tóm tắt những điểm quan yếu trong triết học Phật giáo. Chúng tôi không có ý đi sâu vào chi tiết vì có nhiều sách khác đã làm việc này. Ở đây, chúng tôi chỉ muốn diễn giải về sự hiểu biết đúng đắn về Thiền quán mà thôi.
Từ quan điểm Phật giáo, con người sống theo một lề lối rất là lạ lùng. Chúng ta cho những thứ không bền là những gì thường hằng, dù cho tất cả mọi hiện tượng và sự vật luôn luôn thay đổi chung quanh ta. Tiến trình thay đổi thì liên tục và bất tận. Đang khi đọc những dòng chữ này, thân thể của bạn thì đang già đi, nhưng bạn nào có quan tâm gì về vấn đề này. Cuốn sách trên tay của bạn đang bị phân hóa, mực chữ thì mờ phai dần và giấy thì trở nên giòn hơn. Những bức tường chung quanh chúng ta cũng đang cũ đi; những phân tử bên trong nó đang rung chuyển ở tốc độ to lớn và từng bộ phận đang xê dịch, rã rời và tan ra một cách từ từ, thế mà bạn cũng đâu có để ý đến điều này. Rồi một ngày kia, bạn bất chợt nhìn lại chung quanh mình. Bạn nhận thấy ra da thịt của mình nhăn nhíu, xương cốt kêu rin rít và cảm thấy đau đớn. Cuốn sách ngã màu và các trang dính vào nhau. Vách tường thì bị mòn khuyết vào. Rồi bạn buồn bã vì đánh mất tuổi thanh xuân, và khóc than khi những tư hữu bị mất đi. Những khổ đau này từ đâu đến? Nó bắt nguồn từ sự lơ là của chính mình. Bạn đã không để ý gì đến cuộc đời mình; không quan sát sự thay đổi không ngừng của thế giới hiện tượng khi nó đi qua. Bạn chỉ chọn lọc một số kiến trúc tâm linh, “Ta”, “cuốn sách”, “căn nhà” và rồi giả định rằng chúng sẽ tồn tại mãi mãi. Chúng sẽ không bao giờ thế. Còn bạn thì khác, bạn có thể hòa nhập vào dòng thay đổi liên tục kia. Bạn có thể học cách nhận thức cuộc đời mình như là một chuỗi thay đổi không ngừng, giống như lối hòa hợp của tiếng nhạc giao hưởng và điệu vũ.Bạn học được niềm vui trong sự hoại diệt của những hiện tượng, và hòa sống với dòng đời, hơn là liên tục kình chống với tự nhiên. Bạn có thể học, vấn đề là ở thời gian và phương pháp mà thôi.
Thói quen tri giác của loài người thì ngu xuẩn một cách rõ rệt trên một số phương diện. Chúng ta bỏ đi 99% những kích thích của cảm xúc giác quan mà ta thật sự có được, mà chỉ bắt nắm 1% kia như là đối tượng tâm linh mà thôi. Để rồi chúng ta phản ứng với những đối tượng này theo thói quen đã được huân tập của mình. Ví dụ: Bạn ở đó; đang ngồi một mình trong sự vắng lặng của một đêm thật êm ả. Có một con chó nào đó sủa vang vọng từ xa. Nếu mà chúng ta chịu quan sát thì sẽ thấy rằng, tự thân của sự nhận thức thì thật không thể nào diễn tả được vẻ đẹp của tình huống này. Nhưng từ vô thức một đợt sóng gợn lên và phá tan đi sự tĩnh lặng. Bạn bất chợt nghe cái giai điệu quen thuộc từ muôn thưở và biến dần thành một chất liệu kích thích vào hệ thần kinh như một dòng điện mạnh. Cả một tiến trình thì thật đẹp và hoàn hảo, nhưng con người thì lại có chiều hướng lờ hẳn đi. Thay vì, chúng ta ghi nhận cái nhận thức ấy như là một đối tượng tâm, ta lại làm khác đi,chúng ta áp đặt một bức tranh lên trên nó và tạo ra một chuỗi cảm xúc và phản ứng vào nó. “Lại con chó đó nữa, luôn luôn sủa vào giờ này, thật là phiền, đêm nào cũng vậy. Cần phải có ai đó làm một điều gì. Hay là mình nên gọi cảnh sát? Không! Nên gọi sở bắt chó. Có lẽ mình nên viết một lá thư cảnh cáo người chủ của con chó kia. Không! Nhiều rắc rối lắm. Ta nên có nút bít tai vậy.” Tất cả những thứ này chỉ là thói quen tâm lý và cảm xúc mà chúng ta đã huân tập từ thưở còn bé bằng cách bắt chước những người chung quanh. Những phản ứng theo khái niệm này vốn không có hiện hữu trong hệ thần kinh, nhưng khốn nỗi đó không phải là một cách duy nhất mà chúng ta dùng tâm trí của mình. Những gì đã được huân tập có thể quên đi hay thay đổi, mà việc đầu tiên là nhận thức ra những gì chúng ta đang làm trong khi mình đang làm nó, để rồi lùi lại một bước đứng yên lặng để quan sát nó.
Từ góc độ nhìn của Phật giáo, con người có lối nhìn trái ngược về cuộc đời. Chúng ta nhìn vào những sự kiện tạo ra khổ đau mà lại cho nó là hạnh phúc. Nguyên nhân của khổ đau là những bệnh chứng của Tham lam và Sân hận mà chúng ta đã nhắc ở phần trước. Xuất phát từ khái niệm, bất cứ vấn đề gì cũng có thể xảy ra — một người con gái đẹp, một gã đẹp trai, chiếc du thuyền cao tốc, một tên côn đồ với khẩu súng, xe tải chạy bừa lên bạn… Bất cứ là điều gì, chúng ta luôn phản ứng với sự kích thích về cảm giác đó.
Chúng ta lo lắng quá nhiều. Thực chất của sự lo lắng là vấn đề. Lo lắng là một tiến trình có nhiều giai đoạn. Bồn chồn thì không chỉ là một trạng thái mà là một trình tự. Những gì bạn nên làm, là quan sát sự diễn tiến từ lúc phát sinh, chính ở giai đoạn sinh khởi này trước khi nó phát triển đến mức cao độ. Mối liên hệ trước tiên của chuỗi lo lắng là hành động của sự chấp thủ/phản kháng. Khi có sự kiện phát sinh trong tâm, chúng ta có khuynh hướng bám níu vào hay đẩy nó ra. Điều đó tạo nên sự tác động của lo âu. May mắn là có thiền Minh Sát giúp cho bạn làm bộ phận máy móc này mất đi tác dụng.
Thiền Minh Sát dạy cho chúng ta cách khảo sát tiến trình khái niệm của chính mình với sự chính xác rõ ràng. Chúng ta học cách nhìn sự phát sinh của tư tưởng và khái niệm cảm giác buông bỏ chân thành; học nhìn những phản ứng của mình phát khởi bằng sự trong sáng và trầm tĩnh. Chúng ta bắt đầu thấy mình phản ứng mà không bị lôi cuốn vào sự phản ứng đó, để rồi tư tưởng tự thị ám kỷ dần dần bị diệt đi. Chúng ta vẫn có thể lập gia đình, vẫn có thể tránh lối xe chạy, nhưng chúng ta không cần phải trải qua những nỗi đớn đau do tự mình gây ra.
Vượt thoát sự ám ảnh của tư tưởng tạo nên một quan kiến hoàn toàn mới mẻ về sự thật. Đây là một sự chuyển hướng to lớn, thay đổi toàn diện về cơ cấu khái niệm. Nó mang theo cảm giác bình an và lẽ phải, nét hứng khởi của đời sống và hương vị hoàn thiện của từng sinh hoạt. Cũng chính vì thế, lối nhìn sự vật của đạo Phật theo quan điểm này được gọi là Chánh kiến, nhìn sự vật như-nó-là.
Thiền Minh Sát là một quá trình huấn luyện để mở ra dần dần cho chúng ta một lối nhìn vào sự thật như-nó-là. Bên cạnh cách nhìn mới về sự thật này còn có điều quan yếu nhất là sự thật về cái “Ta”. Sự quan sát cặn kẻ sẽ làm sáng tỏ về cái “Ta” thì cũng tương tự như cách chúng ta quan sát những ý niệm khác. Những cơn xoáy tư tưởng, cảm giác và cảm xúc mà chúng ta luôn đối diện, củng cố, và bồi đắp cho chúng trở thành một khối trong tâm, để rồi dán cho nó một giả danh là “Ta”. Rồi từ đó, chúng ta xem nó như là một cá thể bất biến và thật có; đặt nó biệt lập hẳn với mọi thứ khác. Chúng ta tách mình ra khỏi dòng vận hành liên tục của vũ trụ vạn hữu, để rồi buồn rầu là tại sao mình cảm thấy cô đơn quá. Chúng ta đã thờ ơ đối với mối tương quan vốn có với nhân loại và cho rằng “Tôi” phải có thêm hơn cho “mình”; rồi sau đó chúng ta lấy làm kinh ngạc là tại sao loài người quá ư là vô tình và tham lam… Mỗi một hành động bất thiện hay tàn nhẫn trên thế gian đều phát sinh từ cái “Ta” không thật có này, đã làm cô lập một cá nhân ra khỏi thế giới ngoài kia.
Khi cái ảo tưởng của khái niệm bị bùng vỡ, thì toàn bộ nhân sinh quan của bạn sẽ lập tức thay đổi. Đừng bao giờ kỳ vọng rằng tiến trình này sẽ xảy ra sau một đêm. Bạn đã dùng gần cả một đời mình để tạo dựng cái khái niệm này, và củng cố nó trong từng tư tưởng, lời nói, hành động trong bao năm qua, thì nó không thể nào tan biến trong giây phút. Nhưng nó sẽ ra đi nếu bạn cho nó đủ thời gian và sự chú ý. Thiền Minh Sát là một quá trình làm cho nó bị phân hóa. Từng chút một, bạn sẽ làm cho nó bị bào mòn đi bằng cách quan sát nó.
Khái niệm tự ngã cũng là một quá trình mà chúng ta đang luôn làm. Trong thiền Minh Sát, chúng ta học cách thấy ra là mình đang làm thế trong lúc chúng ta đang làm, và làm nó như thế nào; để rồi thấy nó biến dạng và tan dần như một đám mây trôi ngang qua bầu trời trong xanh. Chúng ta sẽ ở vào trạng thái, mà ta tùy thuộc vào hoàn cảnh thích nghi nhất để quyết định có làm hay không làm một điều gì đó, mà không còn có tính bị ép buộc trong lúc đó. Chúng ta luôn có sự lựa chọn.
Dĩ nhiên đây là những đặc thù của Trí tuệ tự chứng. Mỗi một nét là một lãnh vực hiểu biết thâm sâu của từng vấn đề cơ bản của đời sống, và nó không bao giờ xảy ra nhanh chóng nếu không có công phu sâu dày. Đây là một tiến trình rất ư là gian nan, khó khăn nhưng kết quả cũng rất là tương xứng, một chuyển biến toàn diện đời sống của bạn cho đến cuối cuộc đời. Hành giả sẽ khổ công đi suốt quá trình tu tập để đạt đến lãnh vực tâm linh toàn thiện, sống với một tình yêu thương không điều kiện mà không còn đau khổ. Đây vốn là một mục tiêu vĩ đại trong đời người. Nhưng chúng ta không phải đợi chờ thành quả ở cuối con đường; những lợi ích này lập tức sản sinh và được tích lũy theo thời gian. Càng tu tập, bạn càng học được nhiều hơn về bản chất của đời mình; khả năng quán sát một cách bình thản những cơn cảm xúc, tư tưởng, cảm giác đang lúc phát sinh trong tâm. Thành quả của sự giải thoát tùy thuộc vào mức độ tu tập của bạn; và bạn có thể dừng lại bất cứ lúc nào nếu bạn cảm thấy đủ. Không có một hệ thống đo lường nào ngoài mức độ khát khao thấy được chân lý cuộc đời mà bạn có, chỉ có trí tuệ này mới có thể giúp ích cho mình và người chung quanh.
Thiền Minh Sát vốn dựa vào kinh nghiệm chứ không thuộc về phạm vi lý thuyết. Khi tu thiền, bạn trở nên bén nhạy hơn đối với kinh nghiệm đời sống và điều kiện chung quanh. Bạn không phải ngồi loanh quanh để kiến tạo nên những tư tưởng hoàn mỹ về cuộc đời, mà là sống với nó. Thiền Minh Sát không gì khác hơn là một phương pháp học để sống ra sao.